Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:13:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 36650 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 06:11:45 pm »

        
        - Tên sách: Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh
        - Tác giả: Thiếu tướng Hoàng Đan
        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
        - Năm xuất bản: 2005
        - Số hoá: ptlinh, chuongxedap

       Nói tới một vị tướng nhất là vị tướng ấy trưởng thành từ người lính, ta thường hình dung ra những chiến công lừng lẫy, tiêu diệt hàng loạt kẻ thù, phá hủy vô số phương tiện chiến tranh của chúng. Nhưng với tướng Hoàng Đan, cho đến lúc là tư lệnh quân đoàn, rồi đến khi về già, nhắm mắt xuôi tay, ông chưa bao giờ tự tay giết một kẻ địch! Vậy cái gì tạo nên chất tướng trong người lính Hoàng Đan?



LỜI NHÀ XUẤT BẢN

        Là một cán bộ chỉ huy chiến đấu, cuộc đời của Thiếu tướng Hoàng Đan luôn gắn với chiến trường. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã đảm đương nhiều chức vụ trong quân đội: cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, phó tư lệnh quân đoàn. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, ông là tư lệnh quân đoàn.

        Ông cũng là một nhà giáo quân sự, một người làm công tác quản lý khoa học. Một mảng đời quan trọng của ông gắn bó với nhà trường quân sự. Ông là giáo viên, phó khoa, trưởng khoa, phó giám đốc Học viện quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Ông còn là cục phó, rồi cục trưởng Cục Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng.

        Cuộc đời ông như một vòng tuần hoàn khép kín: chiến trường - nhà trường - chiến trường - nhà trường... chỉ huy chiến đấu - rút kinh nghiệm, tổng kết để rồi lại chỉ huy chiến đấu...

        Và ông lặng lẽ viết “Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh”1 là nội dung chính qua những trang viết của ông.

        Từ rất nhiều trang di cảo của Thiếu tướng Hoàng Đan do gia đình đưa đến, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã sửa chữa, hoàn chỉnh, hiệu đính và sắp xếp lại thành hai phần:

        Phần thứ nhất: Về người chỉ huy, chỉ huy tác chiến, một số bài học kinh nghiệm và nghệ thuật tác chiến.

        Phần thứ hai: Những trang hồi ức về cuộc đời, về chiến tranh và những người đồng đội.


        Những trang viết của ông gồ ghề, thô ráp như những chiến trường mà ông đã chỉ huy chiến đấu. Nhưng cũng chính từ những trang viết này, người đọc thấy ở ông một con người có ý thức trách nhiệm cao trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, những tình cảm chân thực, xúc động về cuộc đời, về cuộc chiến tranh và những người đồng chí, đồng đội ... Thấp thoáng đâu đây, dáng ông ngồi lặng lẽ trầm ngâm ngẫm nghĩ về những điều còn đọng lại sau chiến tranh. Và cũng từ đó, ta dễ liên tưởng đến những điều nghe đuợc, đọc đuợc ở đâu đó, những giai thoại về ông trong chiến đấu, một cán bộ chỉ huy nhân hậu với người lính, dí dỏm trong cuộc sống hàng ngày.

        Xin trân trọng giới thiệu cuốn Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh của Thiếu tướng Hoàng Đan cùng bạn đọc.

NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN        

---------------
       1. Tên sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đặt.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:58:46 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 06:57:10 pm »

         
PHẦN THỨ NHẤT

VỀ NGƯỜI CHỈ HUY VÀ CHỈ HUY TÁC CHIẾN, MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ NGHỆ THUẬT TÁC CHIẾN


NGƯỜI CHỈ HUY VÀ CHỈ HUY TÁC CHIẾN

        Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, trải qua hai cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thống nhất ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, tôi đã qua chỉ huy ở nhiều cấp từ trung đội đến quân đoàn. Qua thực tế công tác và chiến đấu của bản thân cũng như qua những gì tôi trao đổi qua bạn bè, cấp trên, cấp dưới đã làm trong xây dựng và chỉ huy tác chiến, tôi thấy cần thiết viết lại những gì mình tự cho là những kinh nghiệm có ích cho cán bộ của lực lượng vũ trang nhân dân. Tài liệu tôi viết gồm hai phần: Phần một nói về công tác đào tạo người chỉ huy, phần hai nói về những việc mà người chỉ huy cần làm để giành thắng lợi trong tác chiến. Đây không phải là một công trình khoa học, chỉ là ý kiến của một cá nhân, tất nhiên có nhiều hạn chế, thậm chí có nhiều ý kiến còn phải tranh luận lại. Tôi chỉ mong những gì viết ra có thể giúp ích một phần cho việc cùng nhau trao đổi để làm phong phú thêm kiến thức về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự.

Hà Nội, năm mở đầu thiên niên kỷ mới.        
TÁC GIẢ                              


Phần một

NGƯỜI CHỈ HUY

        I. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGƯỜI CHỈ HUY

        Để có một đội ngũ cán bộ chỉ huy nắm vững đường lối quân sự của Đảng, nắm vững nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn trong chỉ huy tác chiến, Đảng đã tiến hành một loạt biện pháp:

        - Đào tạo người chỉ huy tại các nhà trường.

        - Rèn luyện người chỉ huy tại chiến trường.

        - Động viên, tạo điều kiện cho cán bộ tự học.

        1. Đào tạo người chỉ huy tại các nhà trường.

        - Đào tạo người chỉ huy tại các trường trong nước.

        Ngay từ thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta đã mở nhiều lớp huấn luyện ngắn ngày. Sau khi giành được chính quyền năm 1945, Đảng đã mở nhiều trường để đào tạo cán bộ quân sự. Bộ Quốc phòng có trường đào tạo sĩ quan (cán bộ chỉ huy trung đội và đại đội). Các chi đội (trung đoàn), các quân khu đều có trường đào tạo hạ sĩ quan (cán bộ chỉ huy tiểu đội). Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang ta đã có một hệ thống nhà trường để đào tạo cán bộ chỉ huy ở tất cả các cấp của các quân binh chủng.

        Nội dung huấn luyện người chỉ huy bộ binh (bộ đội binh chủng hợp thành) ngày càng được hoàn chỉnh. Trong phạm vi bài này, tôi xin nêu lên một số nội dung tâm đắc:

           + Học tập về chính trị.

        Điều tôi muốn nhấn mạnh trước hết là các nhà trường đều dành thời gian thích đáng để học tập về chính trị. Về chính trị, các nhà trường đều dạy về triết học, về lịch sử Đảng, về công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Ba bộ môn chủ yếu trên đều cần thiết. Ở đây tôi muốn nói đến sự cần thiết của học triết học. Nhờ học sâu về triết học, cán bộ chỉ huy có được tư duy biện chứng trong mọi công tác nói chung và công tác chỉ huy nói riêng.

        Người chỉ huy các trận đánh, các chiến dịch, trước hết phải đánh giá đúng tình hình địch, tình hình ta. Đánh giá địch không chính xác là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong trận đánh. Chỉ thấy địch yếu, dễ dẫn đến chủ quan. Chỉ thấy địch mạnh, dễ dẫn đến do dự thiếu quyết tâm tiến công. Có tư duy biện chứng khi đánh giá địch, thấy hết, thấy đúng mặt mạnh, mặt yếu của chúng mới tìm được biện pháp phù hợp để hạn chế mặt mạnh, khoét sâu mặt yếu, xác định quyết tâm có cơ sở khoa học để đánh thắng địch và xử lý đúng các tình huống khác nhau khi có sự biến đổi đột xuất. Đánh giá đúng tình hình địch có khó khăn,nhưng đánh giá đúng tình hình ta cũng không đơn giản. Bộ đội ta rất dũng cảm trong chiến đấu. Phải phân tích sâu tình hình tư tưởng bộ đội. Tư tưởng bộ đội có thể thay đổi sau mỗi trận đánh. Khi đánh thắng dễ dàng, có thể phát sinh tư tưởng chủ quan. Sau một trận đánh thất bại, thương vong nhiều, có thể phát sinh tư tưởng dao động. Trước mỗi trận đánh cần đánh giá sâu sắc tình hình tư tưởng của các chiến binh từ cán bộ đến đội viên. Cán bộ ta có trường hợp không dám nói hết suy nghĩ của mình khi nhận nhiệm vụ chiến đấu. Biết trận đánh có nhiều khó khăn, thậm chí có lúc thấy rõ nếu đánh sẽ thất bại, nhưng sợ nêu nhiều khó khăn, cấp trên sẽ đánh giá quyết tâm mình thấp. Cần rèn luyện cho cán bộ, vì nhiệm vụ chiến đấu và trách nhiệm trước xương máu của bộ đội, phải nói hết suy nghĩ của mình khi nhận nhiệm vụ, có khó khăn phải nói khó khăn, nếu xét thấy khó thắng, phải nói rõ tại sao khó đánh thắng.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Giêng, 2017, 07:53:39 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 07:02:59 pm »


        Sau đánh giá tình hình là bước hạ quyết tâm tác chiến. Trong quá trình hạ quyết tâm, nhờ nắm phương pháp tư duy biện chứng, chúng tôi thường có thời gian soi xét lại quyết tâm đã hạ, tự mình tìm ra những sai sót của mình.

        Chúng ta đều biết rằng không có quyết tâm hay nhất. Người chỉ huy càng giỏi quyết tâm càng hay. Vì vậy soi xét kỹ quyết tâm đã hạ một cách toàn diện có thể thấy những chỗ chưa phù hợp, cần bổ sung.

        Năm 1972, trong chiến dịch Trị - Thiên, Sư đoàn 304 có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch đánh chiếm khu vực phòng ngự của 2 trung đoàn địch (trung đoàn 56 và lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147). Quyết tâm đầu tiên của chúng tôi là chiếm 2 cứ điểm vòng ngoài, sau đó củng cố khu vực đã chiếm để đánh địch phản kích, diệt địch ngoài công sự, tiếp theo mới đánh vào căn cứ trung đoàn của chúng. Sau khi nghiên cứu kỹ khả năng đối phó của địch, chúng tôi thấy chúng ít khả năng phản kích, chủ yếu chúng sẽ tăng cường lực lượng để giữ các cứ điểm còn lại. Lý do chính là chiến dịch này ta đánh lớn. Ngay từ đầu ta đã dùng 7 trung đoàn pháo binh, chế áp hầu hết các căn cứ hỏa lực, các sở chỉ huy của địch. Vì vậy, đánh xong các cứ điểm vòng ngoài, ta không đợi địch phản kích, mà phải lập tức tiến công vào các căn cứ vòng trong. Quyết tâm lần thứ hai (có bổ sung) hợp lý hơn quyết tâm lúc đầu.

        Suy nghĩ tiếp, chúng tôi lại thấy, ta đánh mạnh như vậy, có thể sau khi diệt các tiểu đoàn vòng ngoài, địch ở căn cứ phía trong có thể rút chạy. Như vậy, ta chỉ chiếm được đất, không diệt gọn được sinh lực địch. Xuất phát từ suy nghĩ trên, chúng tôi đã dùng Trung đoàn 24 lúc đầu được sử dụng làm thê đội 2) để cùng một lúc tiến công các cứ điểm vòng ngoài lập tức thọc sâu vào bao vây căn cứ vòng trong, không cho địch rút chạy. Nhờ sự bổ sung quyết tâm như trên, căn cứ trung đoàn 56 ở vòng trong, do bị bao vây chặt, không có khả năng rút chạy đã phải đầu hàng. Đáng tiếc, do không đủ lực lượng để bao vây 2 căn cứ cùng một lúc, lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 chỉ bị diệt 2 tiểu đoàn vòng ngoài, sở chỉ huy lữ đoàn cùng 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và 1 tiểu đoàn pháo binh đã rút chạy.

        Rõ ràng với tư duy biện chứng, chúng tôi đã tìm được quyết tâm hay hơn quyết tâm lúc đầu. Có lẽ nếu suy nghĩ thêm, hoặc có người chỉ huy giỏi hơn, ta có thể còn diệt được cả lực lượng còn lại của lữ đoàn 147, diệt gọn 2 trung đoàn chứ không phải chỉ diệt gọn 1 trung đoàn.

        Xuất phát từ thực tế, ta thấy phép biện chứng là một nội dung không thể thiếu trong đào tạo người chỉ huy. Mong rằng, ngày nay có thời gian hơn trước đây, ta nên dạy sâu về triết học ngay cả cho các sĩ quan sơ cấp.

           + Học tập về sử dụng các binh chủng kỹ thuật.

        Sĩ quan chỉ huy, nhất là sĩ quan trung cấp, cao cấp rất cần học để nắm vững các binh chủng kỹ thuật có trong biên chế (trung đoàn, sư đoàn) và được cấp trên tăng cường trong quá trình tác chiến. Học về binh chủng kỹ thuật, không chỉ học về tính năng chiến thuật mà còn về tính năng kỹ thuật của các loại vũ khí trang bị. Càng nắm vững tính năng kỹ thuật, người chỉ huy bộ đội binh chủng hợp thành càng có điều kiện phát huy hết khả năng chiến đấu của các binh chủng kỹ thuật.

        Học về xe tăng, chúng tôi không chỉ học để biết các tính năng chiến thuật như tốc độ cơ động, các loại súng có trên xe, phạm vi diệt các loại mục tiêu của chúng, phương pháp hiệp đồng tác chiến với bộ binh... Chúng tôi còn được học về cấu tạo của xe, học lái xe, học bắn súng... Khi được học về các tính năng kỹ thuật nói trên, chúng tôi nghĩ là không cần thiết. Lúc sử dụng xe tăng trong chiến đấu, chúng tôi mới thấy càng hiểu sâu về tính năng kỹ thuật càng sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật có hiệu quả cao.

        Trong cuộc tiến công vào thành phố Đà Nẵng năm 1975, Sư đoàn 325 được tăng cường 1 đại đội xe tăng lội nước. Trên đường tiếp cận địch ở đèo Hải Vân, chúng tôi gặp một chiếc cầu đã bị phá hoại. Lúc nhận lệnh cho xe tăng vượt sông, đồng chí đại đội trưởng xe tăng báo cáo: “Do xe để lâu ngày nên nước lọt vào xe khi vượt sông”. Tôi hỏi kỹ về lượng nước lọt vào xe trong một phút là bao nhiêu? Tốc độ bơm ra của máy bơm trang bị trong xe là bao nhiêu? Tính toán kỹ, sông chỉ rộng 50m nên có thể cho xe lội qua được, không sợ chìm. Đồng chí đại đội trưởng cho vượt thử một xe, kết quả xe qua sông an toàn. Người chỉ huy, trong trường hợp trên nếu không nắm vững cơ cấu kỹ thuật xe tăng, có thể không dám cho xe tăng vượt qua sông kịp thời hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu.

        Trong chiến đấu, để bảo đảm thông tin liên lạc nhanh và vững chắc phải dựa vào thông tin vô tuyến điện sóng cực ngắn. Đáng tiếc, các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy sơ cấp không dạy cho học viên tiểu đoàn, trung đoàn sử dụng thông tin vô tuyến điện, thường chủ yếu dựa vào phương tiện thông tin hữu tuyến điện, loại phương tiện thông tin này dễ bị bom đạn làm hỏng, mà dựa vào thông tin vận động thì loại thông tin này thường bị chậm (thông tin vận động của ta trong chiến tranh chủ yếu là dựa vào đôi chân của chiến sĩ liên lạc).

        Bài học kinh nghiệm rút ra qua chiến đấu là người chỉ huy binh chủng hợp thành càng hiểu biết sâu về các binh chủng kỹ thuật, càng phát huy cao tác dụng của chúng, nâng cao hiệu suất chiến đấu của từng trận đánh, chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 07:41:22 pm »


           + Học tập về lịch sử quân sự.

        Trải qua, mấy nghìn năm lịch sử, hàng trăm, hàng nghìn cuộc chiến tranh, hàng nghìn, hàng vạn trận chiến đấu diễn ra. Tuy lịch sử không lặp lại hoàn toàn nhưng sự đối kháng trí tuệ và vũ lực có những quy luật nhất định. Các tình huống diễn ra trong các cuộc chiến tranh, các trận chiến đấu không tránh khỏi nhiều lần lặp lại, có những chi tiết trùng hợp nhau. Nếu người chỉ huy am hiểu lịch sử các cuộc chiến tranh, các chiến dịch, trận chiến đấu, nắm vững tình hình diễn ra trong các cuộc chiến tranh, các trận chiến đấu đã qua thì không những nắm vững được các quy luật chung của chiến tranh, của các trận chiến đấu mà những tri thức lịch sử quân sự được tích lũy sẽ nâng cao bản lĩnh, kỹ năng, kỹ xảo trong chỉ huy tác chiến; có thêm kinh nghiệm trong đánh giá tình hình, xác định quyết tâm xử trí các tình huống. Vì vậy, các nhà trường đều có môn dạy về lịch sử quân sự. Đáng tiếc, các trường đào tạo sĩ quan trung cấp và cao cấp của ta trong kháng chiến dành quá ít thời gian cho môn học này và một số học viên đầu tư cho môn học này không nhiều. Những cán bộ học tập quân sự ở các nhà trường (học viện) do tự học, nhờ hiểu sâu về lịch sử quân sự nên đã có những sáng tạo trong vận dụng các kinh nghiệm lịch sử, xử trí tốt các tình huống diễn ra trong hai cuộc kháng chiến.

        Từ năm 1946 đến năm 1950, là thời gian nhân dân và quân đội ta chiến đấu trong vòng vây, trang bị của lực lượng vũ trang ta rất thô sơ, trong lúc quân địch có trang bị hiện đại. Tuy vậy, ta đã có cách đánh phù hợp để thắng địch. Cụ thể, ta thường vận dụng hai hình thức chiến thuật chính là phục kích và tập kích, kể cả tập kích quân địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Tư tưởng, phương châm chiến đấu như trên đã được Nguyễn Trãi nêu lên trong cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn: “Lấy yếu đánh mạnh - thường đánh bất ngờ, lấy ít địch nhiều - thường dùng mai phục”. Các phương pháp ta đã vận dụng để lừa địch như dương đông kích tây, điệu hổ ly sơn, mạnh làm như yếu, yếu làm như mạnh, thật làm như giả, giả làm như thật, ... cũng là những phương pháp được người xưa vận dụng nhiều lần.

        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975, Quân đoàn 2 nhận nhiệm vụ đánh địch với chiều sâu 70km. Phòng ngự của địch ngoài mạnh, trong yếu. Quân đoàn đã quyết tâm dùng các sư đoàn bộ binh đánh địch vòng ngoài, dùng binh đoàn cơ động thọc sâu, với nòng cốt là lữ đoàn xe tăng, xe bọc thép, nên đã nhanh chóng vượt qua chặng đường 40km vào đánh chiếm hang ổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn là dinh “Độc Lập”. Việc hạ quyết tâm sử dụng binh đoàn cơ động thọc sâu như trên một phần cũng là dựa vào kinh nghiệm của Hồng quân Liên Xô trong đại chiến thế giới lần thứ hai. Quân đội Liên Xô trong các chiến dịch có chiều sâu lớn, đều dùng các tập đoàn quân bộ binh đánh vòng ngoài, sau dùng tập đoàn quân xe tăng thọc nhanh để diệt địch vòng trong.

        Qua hai cuộc kháng chiến, chúng ta thấy rõ, người chỉ huy càng biết nhiều về lịch sử chiến tranh, càng có nhiều khả năng để hạ quyết tâm nhanh và chính xác, xử trí các tình huống linh hoạt, phù hợp thực tế chiến trường.

        - Học tập tại các trường quân sự nước ngoài.

        Trước khi có chính quyền, Đảng ta đã cử một số cán bộ học tập quân sự ở nước ngoài. Từ trước khi thành lập Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cử một số thanh niên vào học tập ở trường võ bị Hoàng Phố, một trường quân sự Trung Quốc mở ra ở thời kỳ “quốc - cộng hợp tác”. Một số cán bộ của ta học tại trường Hoàng Phố sau này đã trở thành tư lệnh quân khu như đồng chí Lê Thiết Hùng, đồng chí Nguyễn Sơn. Trong thời kỳ công tác tại Liên Xô, Hồ Chí Minh cũng đã cử một số cán bộ vào học tập tại trường quân sự của Hồng quân. Năm 1941, ngay lúc mới về nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã cử một số cán bộ sang học tập quân sự ở trường Liễu Châu (Trung Quốc). Nhiều đồng chí học tập tại đây, sau này đã giữ các trọng trách trong lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến như các đồng chí Hoàng Văn Thái, Hoàng Minh Thảo và nhiều đồng chí khác.

        Sau khi giành được chính quyền, suốt 30 năm tiến hành kháng chiến, Đảng ta đã cử rất nhiều cán bộ sang học tập ở các trường quân sự của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Học tập ở các trường quân sự nước ngoài là một yêu cầu cần thiết. Thực tế nhiều nước có nhiều điều kiện thuận lợi hơn ta trong dạy quân sự: trường, lớp, giáo viên, tài liệu, cơ sở vật chất để thực hành ... tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy học. Tinh hoa của nghệ thuật quân sự ta có, các nước cũng có, Đảng ta đặt vấn đề phải học tập một cách có chọn lọc kinh nghiệm của quân đội nước ngoài. Nếu chúng ta không nắm chắc được nhiều kinh nghiệm của quân đội nước ngoài thì làm sao có thể chọn lọc được. Tuy nhiên, cũng có đồng chí học quân sự ở nước ngoài dễ phạm phải giáo điều, hoặc kém phần sáng tạo để phù hợp với thực tế trong nước.

        Để không giáo điều, để thống nhất tư tưởng quân sự, thống nhất về nghệ thuật quân sự, Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức ra cơ quan khoa học quân sự mạnh, do đích thân đồng chí Tổng tư lệnh, Đại tưởng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo để tổng hợp kinh nghiệm của tổ tiên ta, của quân đội nước ngoài, kinh nghiệm của lực lượng vũ trang ta trong kháng chiến, kết hợp với thực tiễn, biên soạn ra các sách quân sự dùng cho trước mắt. Tất cả các cán bộ học tập ở trong nước hay ở nước ngoài đều lấy các sách quân sự do cơ quan khoa học quân sự biên soạn làm căn cứ để thống nhất tư tưởng, hành động trong tác chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 07:43:49 pm »


        2. Đào tạo người chỉ huy trong tác chiến

        - Rèn luyện người chỉ huy qua các trận chiến đấu, các chiến dịch.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lý luận không qua thực tiễn là lý luận suông. Thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng”. Thực tế công tác đào tạo người chỉ huy cho ta thấy rõ, phải kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và rèn luyện qua thực tiễn chỉ huy tác chiến thì mới có đội ngũ cán bộ chỉ huy có bản lĩnh chỉ huy bộ đội đánh thắng.

        Có thể nói, hầu hết cán bộ trong lực lượng vũ trang ta đều qua trực tiếp chỉ huy tác chiến. Nhiều cán bộ cấp chiến dịch đã từng trực tiếp chỉ huy các trận đánh, từ cấp trung đội đến cấp sư đoàn. Một số cán bộ do hoàn cảnh đặc biệt, ngay từ khi bước vào quân đội đã là cán bộ cấp chiến lược. Các đồng chí đó, theo cương vị công tác có thể yêu cầu phải trực tiếp chỉ huy các trận đánh. Nhưng qua hai cuộc kháng chiến, các đồng chí đó đều trực tiếp ra chiến trường, trực tiếp chỉ huy các trận đánh, các chiến dịch. Nêu gương cho cán bộ toàn quân về việc kết hợp lý luận với thực tiễn phải nói đến các đồng chí như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hoàng Văn Thái và nhiều đồng chí khác.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị là Tổng tư lệnh, chức trách chủ yếu là chỉ huy toàn quân trên tất cả các chiến trường, nhưng đồng chí đã nhiều lần trực tiếp chỉ huy các chiến dịch. Đồng chí đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về tác chiến quy mô chiến dịch và cả chiến thuật. Việc chuyển từ quyết tâm “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” để tiêu diệt gọn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo nên thắng lợi vang dội cả trong nước và trên trường quốc tế, cho thấy đồng chí đã đánh giá đúng thực lực địch, ta trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm, trong đó có kinh nghiệm trận tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản (Tây Bắc, năm 1952).

        Đại tướng Hoàng Văn Thái với cương vị là Tổng tham mưu trưởng nhưng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã làm tham mưu trưởng nhiều chiến dịch. Trong chiến dịch Biên Giới (1950), đồng chí còn trực tiếp chỉ huy trận đánh Đông Khê. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy đã xuất hiện bệnh tim, nhưng đồng chí đã ra chiến trường một thời gian dài, qua cương vị Tư lệnh Quân khu 5 và Tư lệnh Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

        Qua các trận chiến đấu, các chiến dịch, người chỉ huy mới tích lũy được nhiều kinh nghiệm, mới có đủ điều kiện phát triển tài năng trong chỉ huy các trận đánh, các chiến dịch về sau. Tôi rất tâm đắc về sự cần thiết của việc tích lũy kinh nghiệm qua các trận chiến đấu. Từ năm 1946 đến hết năm 1949, tôi chiến đấu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên. Do trang bị của bộ đội Bình - Trị - Thiên còn thô sơ, thiếu các loại súng diệt các lô cốt, các ụ súng, nên chúng tôi chỉ tập trung đánh địch ngoài công sự. Đánh địch trong công sự vững chắc, chủ yếu tập kích, bất ngờ lọt vào đồn địch. Đầu năm 1950, tôi được lệnh ra Đại đoàn 304, làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 418 Trung đoàn 57. Tiểu đoàn 418 là tiểu đoàn chủ công của trung đoàn nên được dùng để đánh địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Ba năm chiến đấu ở Bình - Trị - Thiên, tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm chiến đấu nhưng đều là kinh nghiệm đánh địch ngoài công sự chưa có kinh nghiệm tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, nên ba trận đầu đánh cứ điểm địch, tôi đều đánh không đạt kết quả hoặc đạt kết quả thấp. Trận đánh cứ điểm Yên Mô Thượng trong chiến dịch Quang Trung (1950), tiểu đoàn chiếm được cứ điểm, nhưng vì thời gian mở cửa quá dài nên khi vào cứ điểm, địch đã đủ thời gian rút chạy hết. Ba ngày sau, tiểu đoàn chuyển sang tiến công cứ điểm Cầu Bút. Trận đánh không thành công. Các mũi đột phá đều bị địch chặn ngay ở lô cốt đầu cầu. Trận đánh cứ điểm Đồi Mồi trong chiến dịch Hòa Bình (1951), tiểu đoàn chỉ chiếm được mỏm thấp, không chiếm được mỏm cao của cứ điểm. Sau ba trận đánh, tích lũy được kinh nghiệm nên tiểu đoàn đã đánh thắng liên tiếp 5 cứ điểm trong năm 1952. Đầu năm 1952, diệt gọn 2 cứ điểm Lạc Quần và Vọc ở Nam Định. Cuối năm diệt gọn cứ điểm Tuy Lộc, Bến Xanh, Văn Lai ở Ninh Bình.

        Qua các trận đánh, các chiến dịch, người chỉ huy còn được những “ông thầy” dạy cho nhiều bài học có giá trị, đó là những chỉ huy của đối phương. Chiến tranh là sự đối đầu giữa hai lực lượng, hai bộ chỉ huy. Bên nào cũng tìm mọi cách để giành chiến thắng. Chỉ huy của ta khôn, chỉ huy của địch cũng không phải là những người dại. Ta lừa địch cũng nhiều, nhưng cũng có trường hợp bị địch lừa. Người chỉ huy ra trận không được coi thường chỉ huy địch. Na-pô-lê-ông, một danh tướng Pháp đã nói: Quân địch thua vì chúng xem tài năng của Na-pô-lê-ông cũng như chỉ huy của họ. Na-pô-lê-ông thắng địch vì lúc nào Na-pô-lê-ông cũng nghĩ chỉ huy của địch đều là những Na-pô-lê-ông. Câu nói trên cũng hàm ý: khi ra trận phải đánh giá chỉ huy của đối phương không phải là những kẻ kém cỏi. Chỉ huy đối phương cũng có nhiều người khôn ngoan.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 07:44:33 pm »

        Bài học không được xem thường địch đã được thực tế tác chiến dạy một cách sâu sắc nhất. Khi hạ quyết tâm tác chiến, chúng tôi đều xem xét kỹ địch sẽ có những biện pháp gì để đối phó với ta. Ví dụ: để đánh thắng địch trong trận phục kích, ta phải dành nhiều công sức, nhiều thời gian để nắm vững những hoạt động của địch khi hành quân như: sục sạo hai bên đường đến chiều sâu nào? Tổ chức các điểm chốt để bảo vệ hành quân những nơi nào? Lực lượng bảo vệ đi trong các đoàn xe vận tải là bao nhiêu? Không quân, pháo binh địch có những khả năng nào để chi viện cho chúng khi bị ta đánh? Các khả năng đối phó của lực lượng hành quân, v.v...

        - Rèn luyện người chỉ huy qua tổng kết các trận đánh, các chiến dịch.

        Qua mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch, người chỉ huy nào cũng rút ra được kinh nghiệm cho bản thân mình. Lực lượng vũ trang ta có truyền thống coi trọng công tác tổng kết sau mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch. Tổng kết tác chiến là một sinh hoạt thực sự dân chủ trong tất cả các đơn vị. Trong tổng kết, người chỉ huy trận đánh, chỉ huy chiến dịch thường triệu tập cán bộ dưới 1-2 cấp. Các chiến dịch do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy khi tổng kết thường triệu tập dưới 2 cấp: chỉ huy sư đoàn và chỉ huy trung đoàn. Trong tổng kết, mọi người đều được phát biểu ý kiến của mình, tìm ra cả mặt làm tốt và mặt làm chưa tốt, từ đó rút ra những kinh nghiệm thực tế, những bài học để tiến hành tốt hơn trong các trận đánh, các chiến dịch tiếp sau. Tất cả cán bộ tham gia hội nghị tổng kết đều nhận thấy đây là một lớp huấn luyện ngắn ngày, rất thiết thực bổ ích, nó thực sự nâng cao trình độ, năng lực chỉ huy của cán bộ thêm một bước.

        3. Động viên, tạo điều kiện cho cán bộ tự học

        Cuộc đời quân ngũ của cán bộ quân sự có thể kéo dài 40-50 năm. Trong thời gian đó, người được đến trường để học tập thường không quá 10 năm. Như vậy thời gian công tác ở cơ quan, đơn vị khoảng 30-40 năm. Thực tế chứng minh, việc nâng cao trình độ, năng lực về nghệ thuật quân sự phụ thuộc rất nhiều vào việc tự học của từng cán bộ.

        Kiến thức về khoa học quân sự rất rộng lớn, có tính tổng hợp cao, bao gồm nhiều mặt như nghệ thuật quân sự kỹ thuật, hậu cần, lịch sử, địa lý quân sự, công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang... Người chỉ huy quân sự không chỉ thông thạo về khoa học quân sự mà còn rất cần biết thêm các ngành khoa học khác có liên quan như triết học, toán học...

        Các nhà trường chỉ đủ thời gian dạy cho cán bộ chỉ huy những nội dung cơ bản của khoa học quân sự. Muốn biết sâu, hiểu rộng, cần tự học. Ví dụ: về học lịch sử quân sự, nhà trường chỉ đủ thời gian dạy một số ít cuộc chiến tranh, một ít chiến dịch. Cái chính là nhằm trang bị cho học viên kiến thức về phương pháp học lịch sử chiến dịch, về phương pháp học lịch sử quân sự. Mỗi người chỉ huy phải tự mình tìm đọc càng nhiều càng tốt các sách, tài liệu về quân sự hiện đã phát hành trong nước. Các nhà xuất bản, các cơ quan thông tin xuất bản ra những cuốn sách, những tài liệu về khoa học quân sự là nhằm để cán bộ quân sự đọc, tự học không tìm đọc những sách, tài liệu về khoa học quân sự, người cán bộ quân sự đã bỏ sót nhiều điều cần biết.

        Sách lý luận quân sự của người xưa để lại cho chúng ta cũng không ít, ví như hai cuốn “Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo và “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ thì cán bộ nào cũng cần phải đọc.

        Nước ta cũng đã xuất bản một số sách có giá trị của các nhà lý luận quân sự trên thế giới qua các thời đại (chủ yếu là sách của Trung Quốc và Liên Xô cũ). Những cuốn sách đó cung cấp cho ta nhiều kiến thức thiết thực, giúp cho ta phương pháp luận đúng, trong vận dụng có chọn lọc, sáng tạo trong các lĩnh vực công tác quân sự. Đáng tiếc là chúng ta chưa xuất bản được nhiều sách của các nhà lý luận quân sự phương Tây cũng không kém phần phong phú. Chỉ riêng cuốn “Bàn về chiến tranh” của Clau-dơ-vít (người Phổ) cũng rất đáng được tìm đọc.

        Đặc biệt: sách về lý luận quân sự của các đồng chí lãnh đạo Đảng và quân đội viết trong thời kỳ tiến hành hai cuộc kháng chiến là những tác phẩm có giá trị lớn về lý luận và thực tiễn quân sự, nhất là trong công tác xây dựng, lãnh đạo và điều hành kháng chiến. Những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Trinh, cuốn “Chiến tranh nhân dân Việt Nam” của đồng chí Lê Duẩn, “Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều cuốn khác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Trọng Tấn... đều xứng đáng là sách “gối đầu giường” của cán bộ quân sự.

        Cùng với các sách về lý luận, chúng ta có rất nhiều sách viết về lịch sử quân sự thế giới, Việt Nam; về tổng kết các cuộc chiến tranh, các chiến dịch, các trận chiến đấu trong nước và nước ngoài.

        Nhắc đến một số sách quân sự như trên, tôi muốn nói việc đọc sách là rất cần thiết, nếu chúng ta muốn làm giàu vốn tri thức quân sự của mình bằng cách khai thác, tích lũy tinh hoa quân sự Việt Nam và thế giới. Tôi cũng muốn nhấn mạnh, nếu không tranh thủ thời gian tự học thì không nhà trường nào có thể cung cấp đầy đủ kiến thức cho chúng ta.

        Trải qua hai cuộc kháng chiến, cùng với các hệ thống nhà trường, Đảng ta đã luôn động viên và tạo điều kiện để cán bộ quân đội tự học, nhờ thế, đã đào tạo được một số lượng lớn cán bộ chỉ huy đủ tài năng để đánh thắng những đội quân có số lượng đông, có trang bị mạnh hơn ta nhiều lần. Cán bộ chỉ huy của lực lượng vũ trang ta không chỉ quyết đánh mà còn biết đánh, biết thắng.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 07:46:15 pm »


        II. NĂNG KHIẾU QUÂN SỰ

        Trước khi nói về đường lối, chính sách cán bộ, tôi muốn nêu một vấn đề ít được đề cập là có năng khiếu quân sự không?

        Trong hoạt động ở tất cả các lĩnh vực nghệ thuật đều đòi hỏi năng khiếu. Quân sự cũng là một lĩnh vực nghệ thuật, một nghệ thuật có tính tổng hợp cao. Trong lĩnh vực này cũng đòi hỏi người có năng khiếu quân sự. Đứng về thực tiễn, một số tướng tài trong lịch sử, xuất hiện sớm, phát triển nhanh, tất nhiên phải có năng khiếu quân sự. Nguyễn Huệ từ một nông dân mặc áo vải, không qua một trường quân sự nào, nhưng đánh thắng ngay trận đầu, đánh thắng liên tiếp, đánh thắng một lực lượng quân sự hùng mạnh của nhà Thanh. Nguyễn Huệ là một người có năng khiếu quân sự. Na-pô-lê-ông, một danh tướng của Pháp, trở thành một thiên tài quân sự từ khi còn rất trẻ, tất nhiên cũng phải là một người có năng khiếu quân sự.

        Ở các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, thể thao, muốn có nhân tài người ta thường tìm những người có năng khiếu để đào tạo. Cứ để tự nhiên phát triển, chỉ một số ít người có năng khiếu phát triển được tài năng của mình. Nhiều người có năng khiếu nhưng không được đào tạo, không có sự hỗ trợ khách quan, không có điều kiện khó có thể phát triển được tài năng của mình. Tôi nghĩ, nếu chúng ta nghiên cứu biết được năng khiếu quân sự là gì, chúng ta sẽ có thuận lợi để phát triển, đào tạo được nhiều cán bộ quân sự giỏi.

        Đây là một vấn đề lớn, phải trải qua điều tra xã hội học công phu mới mong có cơ sở nói về năng khiếu quân sự. Đáng tiếc là từ trước tới nay chưa ai bàn về vấn đề này.

        Nếu đặt vấn đề và nghiên cứu thành công, chúng ta sẽ đóng góp được lợi ích thiết thực cho việc đào tạo cán bộ chỉ huy.

        Tôi dựa vào cơ sở nào để nói về vấn đề rất lớn này? Vì không phải là một công trình khoa học, trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu một số ý kiến qua nghiên cứu đặc điểm một số tướng lĩnh, theo tôi, đã phát triển tài năng sớm và phát triển nhanh.

        Người chỉ huy tác chiến trước hết phải là người dũng cảm, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh. Lòng dũng cảm tất nhiên không phải thừa kế ở một gien nào cả, không phải do trời sinh ra. Lòng dũng cảm xuất phát từ giác ngộ chính trị, thấy được trách nhiệm của bản thân đối với Đảng, với dân tộc, Tổ quốc, nhân dân, đối với đồng đội. Tại sao khi nói đến năng khiếu quân sự, lại nói đến tinh thần dũng cảm trong tác chiến? Vấn đề đơn giản là, không có tinh thần dũng cảm trong tác chiến thì không có tài năng quân sự nào phát triển được. Thực tiễn khẳng định một điều: “không có chỗ đứng cho những người hèn nhát trong đội ngũ người chỉ huy tác chiến”. Tất cả những người chỉ huy tài ba đều là những người dũng cảm.

        Sau một số trận chiến đấu, ta sẽ thấy ai là người dũng cảm, ai không dũng cảm. Vấn đề cần bàn là làm sao có thể thấy được người sĩ quan tương lai sẽ dũng cảm khi họ chưa bước chân vào hàng ngũ quân đội, vào các trường sĩ quan?

        Hầu hết những người tình nguyện ra chiến trường đều được giáo dục tinh thần trách nhiệm đối với Tổ quốc, nhưng trước trận chiến đấu ác liệt, xông vào diệt địch có thể dễ dàng hy sinh thì có người dám làm, có người không dám làm. Khi xông vào nơi nguy hiểm nhất, trước hết chúng tôi nghĩ đến trách nhiệm đối với tính mạng của những cán bộ, chiến sĩ dưới quyền mình. Nếu không đi đến nơi diễn ra chiến đấu ác liệt, không đến nơi mình cần đến, có thể thương vong của bộ đội sẽ tăng thêm. Nghĩ đến đồng đội mình đương gặp khó khăn, có thể hy sinh, chúng tôi không ngần ngại đến ngay nơi mình cần đến, dẫu có phải hy sinh bản thân. Tôi thấy những người chỉ huy dũng cảm đều là những người thấy rõ trách nhiệm đối với đồng đội, với những người cấp dưới của mình. Những người chỉ huy dũng cảm thường nghĩ đến những người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình. Tuy bản chất rất cứng rắn, nhưng trước sự hy sinh của đồng đội, nhiều người chỉ huy chảy nước mắt, có khi khóc thảm thiết như mất người thân nhất của mình. Đại tướng Lê Trọng Tấn, một người chỉ huy tài ba, luôn nhắc nhở chúng tôi: “Các đồng chí không bao giờ được nói thương vong không đáng kể. Một nghìn người ra trận, thương vong 5-10 người được xem là thương vong nhẹ. Nhưng đối với người con mất cha, người vợ mất chồng thì mất mát đó là mất mát lớn nhất, không gì bù đắp được. Trong chiến đấu phải tìm cách giảm thương vong đến từng người”. Khi nghe báo cáo, nói đến số người bị thương trong trận đánh, tôi thấy Đại tướng thực sự xúc động, yêu cầu chúng tôi tạm ngừng báo cáo để nuốt nước mắt vào lòng.

        Cùng với lòng dũng cảm, những người có tài về quân sự thường là những người thông minh. Trong tác chiến, tình huống, diễn biến rất nhanh, phức tạp. Tình huống có lợi xuất hiện rất nhanh, mất đi cũng rất nhanh. Tình huống bất lợi xuất hiện, nếu không kịp thời giải quyết thì càng bất lợi thêm. Không kịp thời nắm bắt và xử trí các tình huống một cách đúng đắn thì khó giành được thắng lợi. Từ đó ta thấy, trí thông minh là một trong những năng khiếu quân sự. Ta chưa có số liệu điều tra để biết những người chỉ huy tài ba. Được làm việc với đồng chí Lê Trọng Tấn, tôi thấy đây thực sự là một người rất thông minh. Tôi đã được dự một số cuộc họp của Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng, trong các cuộc họp có nhiều vấn đề đưa ra tranh luận sôi nổi. Số người ủng hộ các ý kiến trái ngược nhau không chênh lệch nhiều. Tôi đề nghị đồng chí Lê Trọng Tấn, người thay mặt đồng chí Võ Nguyên Giáp điều khiển hội nghị nên gác vấn đề này lại, sau này nghiên cứu thêm, chưa nên kết luận ngay, nhưng trong nhiều trường hợp, đồng chí đã cho tranh luận thêm và kết luận. Đặc biệt, sau 1-2 năm, tôi thấy những kết luận của đồng chí được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn.

        Tôi cho rằng, để tuyển sinh quân sự cho các trường đào tạo sĩ quan, nên đi vào các trường phổ thông trung học, tìm những học sinh thông minh, học giỏi, để tuyển chọn vào trường đào tạo sĩ quan. Cũng giống như các huấn luyện viên bóng đá, thường quan sát số thiếu niên bóng đá trên đường phố để tìm những em có năng khiếu. Ngày nay, nhiều thanh niên thích vào học sĩ quan. Các trường có điều kiện chọn các em có điểm cao khi thi vào trường để đào tạo. Lẽ tất nhiên thông minh chỉ là một yêu cầu. Chúng ta còn phải chú ý đến các yêu cầu khác về phẩm chất chính trị, trong đó có lòng dũng cảm.

        Vấn đề năng khiếu quân sự tất nhiên có. Có lẽ cơ quan cán bộ nên điều tra và tổ chức thảo luận vấn đề này. Đó là một vấn đề cần thiết của đường lối, chính sách cán bộ, nhất là trong thời bình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 07:55:22 pm »


        III. BẢN LĨNH NGƯỜI CHỈ HUY

        Vấn đề then chốt trong xác định và thực thi đường lối, chính sách cán bộ cần có quan điểm đúng và thống nhất về đánh giá phẩm chất, tài năng của cán bộ. Phẩm chất, tài năng của một người thể hiện tập trung ở bản lĩnh của người đó, tức khả năng và ý chí kiên định trước mọi hoàn cảnh. Người chỉ huy quân sự đặc biệt cần có bản lĩnh; không những dám nghĩ, dám hành động, mà còn biết suy nghĩ và hành động sáng tạo, phù hợp từng hoàn cảnh cụ thể, luôn hướng tới việc hoàn thành tối ưu nhiệm vụ được giao, đặt lợi ích của tập thể, của đồng đội trên lợi ích của mình, đến mức dám hy sinh cả tính mạng.

        Bàn về người tướng, các nhà lý luận quân sự cổ đại Trung Quốc như Tôn Tử, Ngô Khởi, Khổng Minh tuy có các diễn đạt khác nhau, nhưng đều thống nhất ở các nội dung chính: “Dũng, trí, nhân, tín, trung”. Trong năm nội dung trên, họ đều thống nhất để “dũng” lên hàng đầu. Thực tế cũng cho thấy, trong các cuộc chiến đấu một mất một còn, phải có dũng mới phát huy được các tố chất khác. “Dũng” cũng là xây dựng ý chí quyết đánh, mới tìm ra cách đánh tốt, biết đánh.

        Bàn về người tướng, Trần Hưng Đạo cũng nêu lên phẩm chất: “Dũng, trí, nhân, tín, trung”. Đáng chú ý là trong di chúc cũng như trong binh thư yếu lược, phẩm chất “trí” được nhấn mạnh và phân tích trên nhiều mặt. Tướng “dũng” có thể giúp được việc đánh thành hãm trận, nhưng liệu tính việc địch, chia đặt quân kỳ, làm cơ ứng biến, nếu không có tướng “trí” thì không được.

        Bàn về người tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 phẩm chất: “Trí, dũng, tín, nhân, liêm, trung”. Bác đề ra tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo, đó là:

           + Những người tỏ ra trung thành, hăng hái trong công việc trong lúc đấu tranh.

           + Những người liên lạc mật thiết với quần chúng, hiểu biết quần chúng, hiểu biết lợi ích của dân chúng.

           + Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn.

           + Những người luôn giữ đúng kỷ luật.

        Những tiêu chuẩn Bác đã nêu đối với cán bộ lãnh đạo nói chung, cũng là tiêu chuẩn đối với cán bộ lực lượng vũ trang, những người chỉ huy quân sự.

        Tư tưởng của Bác là sự kế thừa, phát triển, bổ sung tư tưởng người xưa trong điều kiện mới của Việt Nam. Qua kiểm nghiệm thực tế gần 50 năm quân ngũ, gần 40 năm trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, bản thân tôi tâm đắc: những người chỉ huy tài ba trong lực lượng vũ trang ta thường thể hiện các phẩm chất sau đây mà ta gọi là bản lĩnh của người chỉ huy.

        - Được bộ đội tin yêu.

        Những người chỉ huy giỏi, trước hết là những người chỉ huy được bộ đội tin yêu. Muốn được bộ đội tin, tất nhiên người chỉ huy phải giỏi trong tác chiến. Quá trình tác chiến, khó tránh khỏi những trận thất bại, nhưng người chỉ huy giỏi thường đánh thắng, kể cả khi gặp những trận có nhiều khó khăn. Những trận không thắng chỉ là cá biệt. Người chỉ huy đánh thắng trong những trận có nhiều khó khăn, là người đã thực hiện được tiêu chuẩn người cán bộ lãnh đạo do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra: “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn”.

        Người chỉ huy được bộ đội yêu mến là những người chỉ huy luôn biết tôn trọng quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, chăm lo cho quần chúng cả đời sống tinh thần và vật chất. Chúng tôi thực sự cảm động khi cấp trên hỏi đến tình hình gia đình, vợ con, khi cấp trên tìm hiểu những khó khăn không phải của riêng mình mà còn cả gia đình. Các đồng chí đó hỏi không phải để biết mà hỏi để giải quyết cụ thể khó khăn trong điều kiện cho phép. Những người chỉ huy được bộ đội yêu mến là những người đã thực hiện tốt tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra: “Những người liên lạc mật thiết với quần chúng, hiểu biết quần chúng, hiểu biết lợi ích của quần chúng”.

        Tác chiến là sự nỗ lực toàn diện của cả một tập thể từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Có những trận trên hạ quyết tâm đúng, nhưng dưới hành động sai cũng có thể dẫn đến thất bại. Người chỉ huy được bộ đội vừa tin vừa yêu thường phát huy được nỗ lực của tất cả các cán bộ, chiến sĩ, của tất cả các đơn vị thuộc quyền. Được chiến đấu dưới quyền chỉ huy của một cán bộ mà mình tin yêu, bao giờ mình cũng rất yên tâm khi nhận nhiệm vụ, luôn tìm cách tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ không để phụ lòng cấp trên, dù trong những kiện khó khăn nhất, kể cả lúc hiểm nguy.

        Trải qua những năm tháng kháng chiến, nhiều đồng chí chỉ huy thuộc thế hệ chúng tôi đều tâm đắc, yêu cầu đầu tiên của người chỉ huy là được bộ đội tin yêu. Chúng tôi đều nỗ lực để đạt được tiêu chuẩn cơ bản nhất đó. Thực tế cho thấy muốn được bộ đội tin, người chỉ huy phải kiên trì miệt mài nỗ lực nâng cao trình độ chỉ huy, nghệ thuật quân sự của mình, tức phải đánh giỏi. Tin tưởng đi đôi với yêu mến, nhưng không nhất thiết đã tin là yêu. Tin thường thuộc phạm trù tài năng, yêu thường thuộc phạm trù đạo đức. Đạo đức là một vấn đề rộng lớn, nhưng bộ đội quan tâm nhiều nhất đến người chỉ huy cấp trên là sự tôn trọng quần chúng, thương yêu cấp dưới, chăm lo mọi mặt tinh thần và vật chất của cấp dưới. Đó là biểu hiện sâu sắc, rõ nhất sự “liên lạc mật thiết với quần chúng” như Bác Hồ đã nói.

        - Có tác phong dân chủ nhưng dám quyết đoán.

        Có lẽ mọi cán bộ, những học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đều tâm đắc tác phong dân chủ là một yêu cầu đối với tất cả cán bộ. Tại sao có một số cán bộ về lý luận đều thừa nhận, nhưng trong thực tế lại không thực hiện dân chủ trong công tác? Nguyên nhân có nhiều, nhưng đối với người chỉ huy thường tập trung vào các nguyên nhân chính sau:

           + Một số cán bộ tỏ ra khó chịu khi người khác có ý kiến khác mình, nhất là ý kiến trái ngược với ý kiến mình. Vì vậy, tuy có tổ chức những cuộc họp lấy ý kiến cấp dưới, nhưng cấp dưới không mạnh dạn đề xuất ý kiến, nhất là những vấn đề khác với ý kiến của mình.

           + Một số cán bộ trình độ có hạn, không chịu học hỏi, thiếu khả năng quyết đoán, sợ mở rộng dân chủ, mỗi người có một ý khác nhau, dẫn đến không biết kết luận như thế nào.

        Trái với những điều nói trên, người cán bộ có bản lĩnh, trong công tác chỉ huy thường tìm cách mở rộng dân chủ, phát động mọi người tham gia ý kiến, tôn trọng mọi ý kiến của người khác. Đặc biệt cán bộ có bản lĩnh cao thường thích nghe những ý kiến trái ngược ý kiến mình. Có những ý kiến.trái ngược nhau mới có điều kiện tìm ra ý kiến hay, tìm ra chân lý.

        Dân chủ phải đi đôi với quyết đoán. Trong tác chiến, nhiều trường hợp, không thể có thời gian để tiếp tục nghiên cứu các ý kiến khác nhau. Người chỉ huy cần nghe các ý kiến khác nhau, nhưng đến thời điểm phải hạ quyết tâm. Địch không chờ chúng ta thảo luận xong mới bắt đầu hành động. Chúng hành động theo kế hoạch của chúng, chúng ta phải hạ quyết tâm ngay để đối phó. Bản lĩnh của người chỉ huy còn thể hiện trong trường hợp: vì nhiều lý do khác nhau, có thể đa số ý kiến đều theo hướng không đúng. Người chỉ huy phải căn cứ yêu cầu nhiệm vụ được giao và tình hình cụ thể mọi mặt để quyết đoán khi cần thiết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 07:57:28 pm »


        - Dám chịu trách nhiệm.

        Một yêu cầu rất quan trọng nữa đối với bản lĩnh người chỉ huy là dám chịu trách nhiệm. Trong trường hợp cần thiết, đặc biệt có thể dám chịu trách nhiệm để hành động khác với mệnh lệnh cấp trên. Chúng ta thường nói; “Kỷ luật quân sự là kỷ luật sắt”, “Quân lệnh như sơn...”. Nhưng mặt khác, các nhà lý luận quân sự từ thời cổ đại đã nói: “Người tướng ngoài mặt trận có thể không nghe lệnh vua”. Hồ Chủ tịch khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước lúc lên Điện Biên Phủ cũng đã nói: “Tướng quân tại ngoại”. Như vậy, căn cứ vào thực tiễn của chiến tranh, đã có sự chấp nhận là người tướng ngoài mặt trận một mặt phải triệt để thi hành mệnh lệnh cấp trên, nhưng trong trường hợp thấy mệnh lệnh đó không phù hợp, hoặc không còn phù hợp có thể dám chịu trách nhiệm với cấp trên, với đồng đội, thực thi nhiệm vụ theo điều kiện cụ thể của tình huống cụ thể.

        Trong thực tiễn chiến đấu, đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Người chỉ huy phải trên cơ sở am hiểu tình hình, khả năng địch, ta và diễn biến chiến đấu ... dám chịu trách nhiệm, tự thay đổi cách đánh để đánh thắng và thắng với hiệu suất cao. Cái chính ở đây là cuối cùng đánh thắng.

        Năm 1975, trong chiến dịch giải phóng Trị - Thiên. Bộ Tổng tư lệnh sau khi nhận xét địch ở Huế hoang mang cực độ, bắt đầu rút chạy, đã lệnh cho Sư đoàn 324 (lúc ấy ở gần núi Bông, núi Nghệ), không đánh địch ở khu vực núi Bông, núi Nghệ mà vòng qua để nhanh chóng tiến vào đánh chiếm thành phố Huế. Núi Bông, núi Nghệ là một dãy núi điểm cao án ngữ đường 14 chạy xuống đường số 1 để ra Huế. Từ núi Bông, núi Nghệ xuống đường số 1 khoảng 10km. Như vậy, Sư đoàn 324 còn cách Huế 35km. Nếu không đánh chiếm núi Bông, núi Nghệ không đưa xe tăng xuống đường số 1 được. Không có xe tăng, tốc độ tiến công sẽ rất chậm. Sư đoàn đã không theo mệnh lệnh cấp trên là vòng qua mà quyết tâm đánh chiếm núi Bông, núi Nghệ để đưa xe tăng xuống đường số 1 cùng bộ binh tiến công chiếm căn cứ Phú Bài và tiến vào Huế. Từ 6 giờ sáng ngày 25 tháng 3, sư đoàn bắt đầu tiến công núi Bông, núi Nghệ. Sau hai giờ, sư đoàn chiếm được mục tiêu. Xe tăng và bộ binh ta đã nhanh chóng tiến xuống đường số 1, tiến công đánh chiếm căn cứ Phú Bài 17 giờ cùng ngày, Trung đoàn 3 của Sư đoàn 324 đã đánh chiếm mục tiêu quan trọng nhất trong thành phố Huế là căn cứ Mang Cá, nơi đặt sở chỉ huy tiền phương của quân khu 1 của địch.

        Đánh cách khác, không theo mệnh lệnh cấp trên, nhưng thấy chắc thắng thì còn dễ dàng chịu trách nhiệm. Trường hợp đặc biệt khó khăn là lúc cấp trên ra lệnh đánh, nhưng thấy đánh không thắng, có dám chịu trách nhiệm, đề nghị không đánh được không? Có trường hợp không đánh, chỉ bao vây kiềm chế địch là đúng, nhưng có trường hợp không kiên quyết tiến công lại là sai. Cấp dưới thường không nắm được toàn cục. Có khi một hướng nào đó, đánh không thắng vẫn phải đánh. Đánh để thu hút địch vào hướng đó, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn cục.

        Từ những gì đã gặp trong cuộc đời chiến đấu, tôi thấy người chỉ huy ngoài chiến trường với trách nhiệm cao, có trường hợp có thể làm khác mệnh lệnh cấp trên. Nhưng nếu mình không nắm được tình hình toàn cục thì nhất thiết cứ phải làm theo mệnh lệnh trên, mặc dù có thể đánh không thành công và chịu tổn thất lớn.

        Năm 1972, trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, các ngày 6 và 7 tháng 3, địch rút chạy khỏi khu vực phòng thủ phía bắc, co cụm về Đông Hà - Ái Tử. Bộ tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho Sư đoàn 308 lập tức tiến công Đông Hà - Ái Tử; lệnh cho các sư đoàn 304 và 324, mỗi sư đoàn tổ chức một tiểu đoàn thọc ngay ra đường số 1 để chặn địch rút chạy. Thực chất địch tổ chức củng cố phòng thủ Đông Hà - Ái Tử nên Sư đoàn 308 tiến công không thành công. Hai tiểu đoàn của các sư đoàn 304 và 324 cũng bị tổn thất nặng trên đường số 1. Sau đó ta tiến công Đông Hà - Ái Tử, địch ở đây bị đánh tan và rút chạy về phía sông Mỹ Chánh. Bộ tư lệnh lập tức ra lệnh cho Sư đoàn 324 lại thọc ngay ra đường số 1 chặn địch. Do lần trước bị tổn thất, Sư đoàn 324 đề nghị cho nghiên cứu thêm. Vì vậy, sư đoàn đã hành động chậm, một số quân địch đã rút được về phía sau. Bộ chỉ huy Sư đoàn 324 bị khiển trách vì không nắm được toàn cục không thực hiện ngay mệnh lệnh chặn địch.

        Chiến dịch tiến công Trị - Thiên năm 1975, Quân đoàn 2 nhận lệnh mở đầu chiến dịch vào ngày 5 tháng 3. Do trời mưa lớn, đường sá lầy lội, không có khả năng triển khai xong các trung đoàn pháo binh trong ngày 3 tháng 3, nên quân đoàn đề nghị cho mở đầu chiến dịch sau ba ngày. Đồng chí Tổng tham mưu phó Lê Trọng Tấn phê bình gay gắt Bộ chỉ huy Quân đoàn và đề nghị đồng chí Võ Nguyên Giáp cho phép quân đoàn trước hết chuẩn bị một sư đoàn tiến công đúng ngày quy định. Sau này chúng tôi mới biết ngày 8 tháng 3 là ngày ta tiến công Buôn Ma Thuộc. Các hướng phối hợp phải tiến công trước để vừa nghi binh vừa cầm chân địch. Hướng Trị - Thiên nếu lùi lại ba ngày là hoàn toàn không được phép.


        Có thể nói bản lĩnh người chỉ huy thể hiện rõ ở phẩm chất: được bộ đội tin yêu, tức là có tài năng và đạo đức; có tác phong vừa dân chủ vừa quyết đoán; vừa có ý thức kỷ luật cao, vừa dám chịu trách nhiệm trong những trường hợp cần thiết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:01:11 pm »

       
       IV. SỬ DỤNG CÁN BỘ

        Trên cơ sở quy hoạch và tích cực đào tạo một cách toàn diện, ta hoàn toàn có khả năng xây dựng được một đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài. Vấn đề quyết định cuối cùng trong chính sách của cán bộ là đánh giá đúng phẩm chất, tài năng, sở trường, mặt mạnh, mặt yếu của từng cán bộ để giao nhiệm vụ phù hợp.

        Theo tôi, trước hết, để đánh giá đúng cán bộ cần quán triệt những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Bác đã nói: Điều quan trọng trước tiên là phải hiểu biết đúng cán bộ. Muốn vậy phải chí công vô tư trong việc xem xét cán bộ. Biết người cố nhiên là khó, tự biết mình cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người. Vì vậy, muốn biết đúng sự phải trái ở người ta thì phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái của mình thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu. Người lãnh đạo cần phải tránh bốn bệnh khi xem xét cán bộ: tự cao tự đại, ưa nịnh hót, yêu ghét rập khuôn, cứng nhắc. Người lãnh đạo nếu mắc một trong bốn bệnh ấy cũng như một người mang kính có màu, không bao giờ thấy được màu sắc thật của sự vật. Người lãnh đạo phải bỏ kính màu, sửa chữa những bệnh ấy, mới có thể hiểu biết đúng cán bộ.

        Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy, hai bệnh thuộc phẩm chất người lãnh đạo: tự cao tự đại, ưa nịnh hót, không phải không có trong lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng không nhiều. Phần lớn trường hợp đánh giá cán bộ không đúng do hai khuyết điểm là cảm tính và rập khuôn, cứng nhắc. Sự đánh giá rập khuôn, cứng nhắc đó đã dẫn đến những khiếm khuyết trong sử dụng cán bộ.

        Một số cán bộ đã từng nắm vững cấp dưới khi bản thân mình là cán bộ trung đoàn, sư đoàn, cấp dưới là cán bộ đại đội, tiểu đoàn. Sau mười năm hoặc hơn, bản thân mình đã là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ trước thuộc quyền của mình trải qua thời gian cũng có nhiều thay đổi nhưng vẫn đánh giá họ một cách cảm tính, rập khuôn, cứng nhắc như mình đã nghĩ về họ trước đây.

        Trong việc đề bạt, sử dụng các anh hùng trong lực lượng vũ trang cũng có trường hợp chưa chính xác. Ví dụ, có cán bộ trở thành anh hùng lúc còn là chiến sĩ, trở thành anh hùng chủ yếu ở tinh thần dũng cảm trong chiến đấu. Với phẩm chất đặc biệt quan trọng của người cán bộ trong lực lượng vũ trang là anh dũng, nhưng muốn chỉ huy đơn vị lớn hơn như trung đoàn, sư đoàn lại cần có trình độ về nghệ thuật quân sự, cần tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thực tế chiến đấu. Những anh hùng được sắp xếp học tập tốt, được rèn luyện trong chiến đấu, qua lần lượt từng cấp đều trở thành những cán bộ giỏi của lực lượng vũ trang. Mặt khác, sử dụng cán bộ cần chú trọng tính chất nhiệm vụ sẽ giao cho họ. Ở Sư đoàn 304, một đồng chí anh hùng khi còn là chiến sĩ là trung đội trưởng khi kết thúc kháng chiến chống Pháp. Mười năm trong hòa bình, đồng chí được cử đi học quân sự hai lần ở Trường sĩ quan Lục quân và ở Học viện quân sự. Bước vào kháng chiến chống Mỹ, đồng chí là một tiểu đoàn trưởng vững vàng. Tổng cục Chính trị có ý định đề bạt đồng chí đó lên thẳng trung đoàn trưởng. Tôi trình bày rõ với trên: trong kháng chiến chống Pháp, các tiểu đoàn trưởng giỏi, đưa thẳng lên làm trung đoàn trưởng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì trong kháng chiến chống Pháp, ta đánh nhiều trận ở cấp tiểu đoàn nên tiểu đoàn trưởng đã có kinh nghiệm tổ chức, chỉ huy một trận đánh. Đã chỉ huy tiểu đoàn tốt có thể chỉ huy trung đoàn, sự thay đổi ở đây chủ yếu là về lượng. Nhưng trong kháng chiến chống Mỹ, ở các sư đoàn cơ động chiến lược trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, thường đánh tập trung cấp trung đoàn; cấp tiểu đoàn chỉ làm nhiệm vụ đột phá trên một trận đánh như đánh giá toàn diện về địch, chọn các hướng tiến công, tổ chức chế áp hỏa lực tại chỗ và xung quanh, đánh viện binh... đều là việc của trung đoàn đảm nhiệm. Chỉ huy tiểu đoàn và chỉ huy trung đoàn có yêu cầu thay đổi trình độ về chất. Tốt nhất nên đề bạt đồng chí tiểu đoàn trưởng là anh hùng lên trung đoàn phó một thời gian để tích lũy kinh nghiệm chỉ huy trong đánh tập trung sau đó mới đưa lên làm trung đoàn trưởng. Cấp trên đã đồng ý với đề nghị của sư đoàn. Sau một thời gian làm trung đoàn phó, đồng chí đó đã trở thành một trung đoàn trưởng vững vàng trong kháng chiến chống Mỹ. Trải qua rèn luyện chiến đấu trên chiến trường Tây Nam trước lúc về hưu, đồng chí đã là Phó tư lệnh quân đoàn.

        Cũng cần đánh giá năng lực cán bộ một cách toàn diện để giao nhiệm vụ ... Không ít trường hợp do “duy ý chí” cho là có tinh thần dũng cảm thì có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, có trường hợp đã đề bạt nhanh, đề bạt vượt cấp một số anh hùng; do chưa tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm nên một số đồng chí được đề bạt vượt cấp đã không hoàn thành nhiệm vụ lúc chỉ huy trung đoàn, sư đoàn.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM