Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:39:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 36449 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:01:37 pm »


        Ngoài việc đánh giá cán bộ “cứng nhắc”, cũng không ít trường hợp đánh giá cán bộ không chính xác do khuyết điểm “yêu ghét rập khuôn”. Một số cán bộ xuất thân từ thành phần cơ bản ngại sử dụng cán bộ thuộc thành phần trung gian, nhất là thuộc thành phần lớp trên dù đã trải qua thử thách trong công tác, chiến đấu. Thực tế không ít cán bộ thuộc thành phần lớp trên đã phấn đấu rèn luyện trở thành những cán bộ giỏi của lực lượng vũ trang ta.

        Một số cán bộ có nhiều văn bằng, chứng chỉ lại có định kiến trong đánh giá những cán bộ thuộc thành phần cơ bản, ít được học tập chính quy. Tất nhiên, để có khả năng chỉ huy các đơn vị lớn phải có tri thức tương đối toàn diện. Nhưng điều tích lũy được từ các trường lớp cũng chỉ là một nguồn tri thức, chưa phải là tất cả. Lãnh đạo chỉ huy quân đội phải nắm vững nghệ thuật quân sự nhưng đồng thời phải dũng cảm và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

        Một số cán bộ chiến đấu dũng cảm, thường gạt ngay không sử dụng những cán bộ lần đầu có biểu hiện thiếu dũng cảm. Phải thấy rằng, dũng cảm trong chiến đấu không phải tự nhiên mà có. Dũng cảm trong chiến đấu trước tiên do giác ngộ lý tưởng cách mạng do phẩm chất chính trị, nhưng cũng còn phụ thuộc vào tư chất từng người và sự rèn luyện qua thực tế chiến đấu. Đối với những cán bộ có biểu hiện thiếu dũng cảm ban đầu, cần được giáo dục sâu về chính trị, thấy rõ muốn dân ta được tự do, đất nước được độc lập tất nhiên phải có sự hy sinh, chết vinh còn hơn sống nhục. Nhưng mặt khác, cũng cần tạo điều kiện đưa họ rèn luyện từng bước tại chiến trường. Thực tế cho thấy một số cán bộ lúc đầu rất ngại chiến đấu trong điều kiện ác liệt, nhưng qua một số trận, dần dần được rèn luyện đã trở thành cán bộ vững vàng trước bom đạn, vì nhiệm vụ, đồng đội, bình tĩnh, sáng tạo và quên thân mình để chỉ huy trận đánh thành công.

        Trong sử dụng cán bộ, có quan điểm đúng đắn đánh giá cán bộ chưa đủ, cần nắm chắc được mạnh, yếu của từng cán bộ. Đây cũng không phải là chuyện đơn giản. Đồng chí Nguyễn Trọng Hợp khi là quyền Chính ủy Sư đoàn 304 (sau này là Cục trưởng Cục Cán bộ Bộ Quốc phòng) đã đề xuất một phương pháp để đánh giá cán bộ được tương đối toàn diện chính xác, là trực tiếp hỏi ý kiến các cán bộ khác thuộc quyền. Để đánh giá đức, tài của một đồng chí trung đoàn trưởng, đồng chí yêu cầu cơ quan và trong nhiều trường hợp tự mình nghe ý kiến của các đồng chí phó trung đoàn trưởng, thủ trưởng ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, ba đồng chí tiểu đoàn trưởng thuộc quyền. Nếu có phương thức để các đồng chí trên phát biểu đúng ý nghĩa của họ, ta sẽ nắm được hầu hết khả năng, mạnh, yếu của trung đoàn trưởng. Qua thực tiễn chúng tôi thấy rõ, khó có ai nắm vững người chỉ huy trực tiếp hơn các cán bộ thuộc quyền. Như ta thường nói: “trăm dâu đổ đầu tằm”, người chỉ huy trực tiếp mạnh chỗ nào thì cấp dưới trực tiếp được hưởng cái đó. Người chỉ huy trực tiếp yếu chỗ nào thì cấp dưới gặp bất lợi ở chỗ đó. Sau này, trong công tác cán bộ, khi đánh giá một cán bộ, chúng tôi yêu cầu cơ quan báo cáo cho biết ý kiến của cấp dưới trực tiếp đánh giá đồng chí đó như thế nào.

        Trong lực lượng vũ trang ta, do yêu cầu cao nhất là chiến thắng quân thù, nên đã thành một truyền thống là đánh giá cán bộ trên cơ sở kết quả việc làm của cán bộ đó. Trong thời chiến, tiểu đoàn cần bổ sung một tiểu đoàn phó, bao giờ trung đoàn cũng chọn trong hơn mười đại đội trưởng trong trung đoàn, người nào đánh giỏi nhất để đề bạt lên làm tiểu đoàn phó.

        Cách đánh giá và sử dụng cán bộ qua kết quả công việc của cán bộ đó thường ít có sai sót. Ta thường nói cần đồng chí đó làm chứ không cần đồng chí nói. Cần nắm được mặt mạnh, mặt yếu của từng cán bộ để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ đồng chí đó phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, tạo điều kiện cho đồng chí đó hoàn thành nhiệm vụ ngày càng tốt hơn. Khi cất nhắc đề bạt thì đơn giản hơn, chủ yếu phải căn cứ vào việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        Lực lượng vũ trang nhân dân ta được Đảng giáo dục và đào tạo nên đã có một đội ngũ cán bộ đủ đức tài. Trong công tác cán bộ còn có khuyết điểm này khuyết điểm khác, nơi này, nơi khác, nhưng thường nhìn mặt ưu điểm, mặt đúng là cơ bản. Chính nhờ vậy mà hơn nửa thế kỷ qua, thời bình cũng như thời chiến, quân đội ta luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập và tự do của Tổ quốc ... Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:05:05 pm »

       
Phần hai

CHỈ HUY TÁC CHIẾN

        I. NUÔI QUÂN, LUYỆN QUÂN

        Muốn tác chiến thắng lợi, việc đầu tiên là phải giỏi nuôi quân, luyện quân. Trực tiếp diệt địch, bắt địch làm tù binh đều là công việc của người cầm súng. Nhân đây tôi xin tiết lộ là suốt bốn mươi năm chinh chiến, tôi chưa trực tiếp diệt một tên địch nào. Lúc cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra (12-1946), tôi đã là đại đội trưởng, tự trang bị cho mình một cây kiếm. Sau trận tập kích cứ điểm An Lộc, tôi tự trang bị một khẩu súng ngắn. Từ đấy về sau khi ra trận, tôi cũng chỉ mang theo khẩu súng ngắn, vì vậy không bắn chết tên địch nào.

        1. Nuôi quân

        Nói nghĩa rộng, nuôi quân là chăm lo cả tinh thần và vật chất cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.

        Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một tướng tài đã chỉ huy đánh thắng quân Nguyên - Mông được nhân dân ta tôn là bậc “Thánh”, trong di chúc của mình đã nói: “Phải đạt được quân đội đồng lòng như cha con một nhà, mới có thể dùng được (thủ đắc phụ tử chi binh, thủ khả dụng dã). “Binh thư yếu lược” có đoạn viết: “Trong đoàn có người ốm, tướng phải thân hành đem thuốc điều trị. Quân có người chết, tướng phải khóc thương, quan đi xa thì sai vợ con đến nhà thăm hỏi. Phàm có khao thưởng thì chia đều cho quan và quân...”.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn cán bộ: “Khi bộ đội chưa được ăn, cán bộ không được kêu mình đói. Khi bộ đội còn chưa đủ mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Khi bộ đội chưa có chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”.

        Học tập người xưa, theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, phần đông cán bộ trong lực lượng vũ trang ta rất chú trọng săn sóc cả vật chất và tinh thần của cán bộ thuộc quyền. Không cán bộ nào hiểu nuôi quân chỉ là cấp cho cấp dưới những gì cấp trên phát.

        Về vật chất phải lo cho chiến sĩ từ ăn, mặc đến chữa bệnh được tốt nhất trong điều kiện cho phép. Ngay tại chiến trường cũng động viên mọi người và tự mình tích cực tăng gia sản xuất để thêm một ít rau xanh, một ít thịt tươi. Trong kháng chiến chống Mỹ, trước khi vượt tuyến vào Nam (đi B) chúng tôi đều kiểm tra quân trang của chiến sĩ, ai thiếu, cấp thêm cho đủ không để anh em thiếu. Nguyên nhân, mặc dầu đã phát đủ, nhưng khi về phép anh em muốn để lại một cái gì làm kỷ niệm cho bố, mẹ, vợ, con... Anh em chả có gì cả, nên trước khi đi xa đành để lại cho người thân cái quần, cái áo hoặc cái bi đông, cái tăng, hoặc võng. Thông cảm với chiến sĩ, chúng tôi xin trên một số quân trang để phát bổ sung trước khi bước dần qua giới tuyến. Về chăm lo bệnh tật, tôi biết rõ có một cán bộ đi công tác cùng đồng chí công vụ, lúc đồng chí công vụ bị sưng chân đi lại khó khăn, đến chỗ nghỉ đồng chí cán bộ đã nấu nước nóng, tìm các loại lá, tự mình bóp chân cho đồng chí công vụ.

        Về tinh thần, cán bộ đều tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của chiến sĩ, thông cảm các khó khăn của anh em để giúp đỡ theo khả năng. Trong chiến tranh việc giúp đỡ cụ thể có nhiều hạn chế. Cái chính là cán bộ biết tôn trọng cấp dưới, tôn trọng chiến sĩ. Khi làm việc thì theo nguyên tắc quy định, nhưng lúc sinh hoạt ngoài giờ làm việc thì bình đẳng, cán bộ chiến sĩ như anh em không phân biệt chức vụ cấp bậc. Một việc có ảnh hưởng lớn đến tình cảm cấp dưới là trong đơn vị lấy việc giúp đỡ nhau tiến bộ là chính. Khi có đồng chí có khuyết điểm cũng tìm rõ nguyên nhân, khuyên răn chu đáo. Khi buộc lòng phải thi hành kỷ luật cũng “giơ cao đánh khẽ”, giải thích rõ ràng để người bị kỷ luật cũng vui vẻ. Sư đoàn 304, trong gần mười năm ở chiến trường, kỷ luật cảnh cáo và cách chức không quá mười người.

        Nuôi quân, nói cụ thể là chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền đã trở thành một truyền thống của quân đội ta. Từ đó chúng ta đã thực hiện được cán bộ, chiến sĩ như anh em, như con một nhà, thương yêu nhau hết mực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:07:37 pm »


        2. Luyện quân

        Trong thời kỳ phong kiến, đã có những người cầm quân chủ trương: quân quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Trong kháng chiến chống Pháp, dân số nước ta chỉ có 25 triệu, nền kinh tế lạc hậu, lấy nông nghiệp làm chính, trong lao động cơ bản là dùng tay chân nên không có khả năng xây dựng được một đội quân đông người. Muốn thắng lợi phải dựa vào chất lượng của quân đội là chính. Muốn có chất lượng, việc quan trọng nhất là phải luyện quân giỏi.

        Trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có ý kiến cho các đơn vị xây dựng miền Bắc, lúc vào chiến trường, thường bỡ ngỡ mất một thời gian, chiến đấu kém hiệu quả. Phải kinh qua một, hai mùa chiến đấu mới chiến đấu giỏi được. Thực tế không phải như vậy nếu huấn luyện tốt, vào chiến trường có thể đánh giỏi ngay. Sư đoàn 303b được xây dựng chỉ hai năm là vào Nam chiến đấu. Sư đoàn đã đánh thắng ngay trận đầu và đánh thắng liên tiếp. Nhận lệnh tiến công mở đầu chiến dịch, đêm ngày 20 tháng 1 năm 1968 Trung đoàn 66 của sư đoàn tiêu diệt một quận lỵ (quận lỵ Hướng Hóa). Ba ngày sau (ngày 23 tháng 1), Trung đoàn 24 tiêu diệt toàn bộ cụm quân ngụy Lào ở Tà Mây. Ngày 7 tháng 2 toàn sư đoàn được tăng cường một tiểu đoàn bộ binh của Sư đoàn 325, tiểu đoàn xe tăng (2 đại đội) đã diệt cụm cứ điểm Làng Vây bắt hơn 300 tù binh. Tiếp theo, sư đoàn vào vây lấn căn cứ Tà Cơn, buộc Mỹ phải đưa sư đoàn kỵ binh bay lên giải vây. Sau khi ta đánh bại sư đoàn kỵ binh bay, Tà Cơn tiếp tục bị bao vây. Bộ tư lệnh lính thủy đánh bộ lại phải đưa quân trực tiếp lên giải vây. Hiệp đồng tác chiến cùng Sư đoàn 308, Sư đoàn 304 đánh bại cuộc hành quân của lính thủy đánh bộ, buộc địch ở Tà Cơn phải rút chạy khi quân Mỹ và quân của các nước phụ thuộc còn gần 70 vạn (không kể quân Sài Gòn). Lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, ta đã giải phóng hoàn toàn một huyện - huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị.

        Đạt được thành tích trên chủ yếu là làm tốt việc luyện quân. Trong diễn tập quân sự, sư đoàn đã theo dõi, nắm được những kinh nghiệm của các đơn vị đã chiến đấu ở chiến trường để thực hiện huấn luyện những gì chiến trường đòi hỏi, huấn luyện sát với thực tế chiến đấu. Trong huấn luyện, đặc biệt chú trọng khâu thực hành. Đi đôi với lý luận, sư đoàn đã chú trọng diễn tập thực binh, diễn tập người chỉ huy và cơ quan. Qua nhiều lần diễn tập, các đơn vị, các binh chủng trong sư đoàn đã biết phát huy sức mạnh tập thể, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ. Trong những trường hợp thời gian chuẩn bị tác chiến ngắn, các đơn vị đều hiểu rõ mình phải làm gì, hiệp đồng với đơn vị bạn như thế nào.

        Trong luyện quân, ngoài huấn luyện về nghệ thuật quân sự chúng tôi còn chú trọng xây dựng tác phong. Tác phong được xây dựng tốt, khi hoàn cảnh khó khăn từng đơn vị đều tự mình tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

        Năm 1966, trong quá trình xây dựng ở hậu phương, một đồng chí tiểu đoàn trưởng công binh có đề nghị với tôi cho đào một quả bom địch thả xuống không nổ để lấy thuốc. Sau hai ngày đào không lấy được bom, tiểu đoàn trưởng đề nghị cho chấm dứt việc đào quả bom câm. Tôi nói: “Đã không chủ trương đào thì thôi, nhưng đã chủ trương đào thì phải đào cho kỳ được”. Kết quả cuối cùng là đã tìm thấy quả bom. Một việc tuy nhỏ, nhưng từ đó về sau, kể cả trong chiến đấu, tiểu đoàn công binh của sư đoàn bao giờ cũng hoàn thành cho kỳ được nhiệm vụ được giao.

        Trong chiến tranh ta thường lấy ít địch nhiều. Nhưng chúng ta đã đánh bại những đội quân không chỉ hơn ta về trang bị kỹ thuật mà còn có số lượng đông hơn. Trong những nguyên nhân tạo nên thành công, việc nuôi quân tốt luyện quân giỏi cũng góp một phần quan trọng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:10:23 pm »

        II. BIẾT ĐỊCH BIẾT TA

        Tôn Tử nói: “Biết địch biết ta, trăm trận không nguy”. Điều đó nói lên muốn chỉ huy tác chiến có hiệu quả phải nắm vững tình hình địch, tình hình ta.

        1. Nắm tình hình địch.

        Trong các trận chiến đấu, chiến dịch phải vừa nắm địch đã có trên địa bàn tác chiến vừa nắm địch có liên quan sẽ xuất hiện trong quá trình tác chiến.

        Nắm chắc địch đã có trên địa bàn tác chiến không khó, chỉ đòi hỏi phải đến tận nơi trực tiếp nghiên cứu.

        - Khi tiến công vào cứ điểm, cụm cứ điểm, khu vực phòng thủ của địch chúng tôi thường trực tiếp ra thực địa để nắm được tình hình. Ban ngày đặt đài quan sát để nắm chúng, ban đêm bò vào sát cứ điểm để nắm cụ thể. Người chỉ huy đánh một cứ điểm hoặc một cụm cứ điểm phải đến sát để nghiên cứu trên các hướng khác nhau. Người chỉ huy từng mũi đột phá thường cùng trinh sát bò qua các bãi vật cản để nắm chắc số lượng các hàng rào, chiều sâu bãi vật cản. Người chỉ huy sư đoàn khi đảm nhiệm tiến công 2 - 3 cứ điểm hoặc cụm cứ điểm, cần đi với cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn để nghiên cứu kỹ cứ điểm, cụm cứ điểm trên hướng tiến công chủ yếu. Nếu có thời gian có thể đi nghiên cứu cụ thể các cứ điểm, cụm cứ điểm khác. Đối với khu vực phòng thủ của địch phải nghiên cứu các cứ điểm, cụm cứ điểm vòng ngoài và cụm cứ điểm hoặc căn cứ vòng trong. Địch phòng ngự theo khu vực, các cứ điểm, cụm cứ điểm thường có giãn cách nhất định nên ban đêm có điều kiện luồn qua giữa hai cứ điểm vòng ngoài để vào nghiên cứu địch ở vòng trong.

        Ngoài việc trực tiếp đi nghiên cứu tại thực địa, cần khai thác thêm tình hình do địa phương cung cấp, do trên thông báo. Việc khai thác tin tức qua hỏi cung tù binh, hàng binh thường cho ta nắm được tình hình cụ thể và chính xác. Một nhược điểm của ta là khả năng bắt tù binh kém nên không khai thác được tin qua tù binh. Một số trận nắm được tình hình qua nhân mối của ta trong lực lượng địch. Có trận nắm được tình hình qua hàng binh.

        - Khi tiến công quân địch tạm dừng ở dã ngoại, cần chú ý, do chưa có công sự vững chắc nên chúng có thể di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác. Ban ngày dừng lại tại một địa điểm nào đó, sau khi trời tối bí mật di chuyển sang một địa điểm khác, để lại tại điểm đóng quân ban ngày một lực lượng nhỏ để nghi binh. Do chưa có kinh nghiệm, có lần chúng tôi đã tiến công vào khu địch đóng, khu vực chỉ có lực lượng nghi binh nên trận đánh vừa không thu được kết quả vừa bị thương vong nhiều.

        Sau rút được kinh nghiệm, chúng tôi đã có biện pháp để không bị địch lừa, để nắm chắc địch. Ban ngày tại đài quan sát thấy địch dừng lại một địa điểm nào đó, chúng tôi lập tức tổ chức 3-4 tổ trinh sát để bám địch trên cả 3-4 hướng khác nhau. Các tổ trinh sát có phương tiện thông tin để thông báo cho nhau và thông báo cho người chỉ huy. Ban đêm khi địch di chuyển về hướng nào thì tổ trinh sát ở hướng đó phát hiện được ngay, xác định chúng dừng lại địa điểm nào thông báo ngay cho người chỉ huy và các tổ khác biết. Người chỉ huy sẽ lệnh cho các tổ khác bám theo địch đến địa điểm mới.

        Để bảo đảm chắc chắn đánh vào đội hình chính của địch, chúng tôi thường tiến hành trinh sát võ trang (dùng một lực lượng và hỏa lực nhất định tiến công thăm dò vào khu vực định tiến công). Qua trinh sát võ trang dễ dàng phân biệt được địa điểm đó là lực lượng nghi binh hay lực lượng chính của địch.

        - Khi phục kích nếu không nắm chắc địch, thường là nắm chắc thất bại. Thành công của phục kích chủ yếu dựa vào bất ngờ. Nếu địch phát hiện ta phục kích, chúng có thể thay đổi đường cơ động, ta sẽ không đánh được chúng. Nguy hiểm hơn là chúng dùng cả hỏa lực và xung lực đánh ngay vào khu vực ta triển khai lực lượng để phục kích.

        Để nắm chắc địch trong phục kích, người chỉ huy thường phải ra thực địa một thời gian nhất định để nắm quy luật hành quân của địch, chủ yếu nắm chắc các hoạt động của địch để phục kích. Cần nắm vững trước và trong quá trình hành quân địch đánh phá vào những khu vực vào, sục sạo sâu vào phá ta đến đâu, đóng chốt để bảo vệ hành quân ở những địa điểm nào.

        Để tránh bị động, sau khi đã triển khai lực lượng, nhất thiết phải tổ chức đài quan sát để nắm địch từ nơi chúng xuất phát. Nếu địch không hành quân theo phán đoán của ta mà thay đổi đường hành quân, hoặc tăng cường lực lượng bảo vệ hành quân, hoặc tổ chức lực lượng để tiến công vào khu vực ta triển khai lực lượng phục kích... ta sẽ có đủ thời gian để chủ động đối phó với chúng.
     
        Nắm địch ngoài khu vực tác chiến, tiến hành tăng viện, ứng cứu, có nhiều khó khăn và chủ yếu dựa vào phán đoán. Để phán đoán tương đối chính xác cần:

        - Nắm vững lực lượng cơ động của địch ở phía sau. Trong các chiến dịch còn cần nắm cả lực lượng dự bị chiến lược của địch. Trong nhiều chiến dịch để ứng cứu giải tỏa hoặc tổ chức co cụm lớn, địch đã điều cả lực lượng ở các chiến trường khác, cả lực lượng dự bị chiến lược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:10:41 pm »

     
        - Nắm quy luật đối phó của địch, cần tránh máy móc, cần thấy được sự phát triển của tình hình. Trong giai đoạn “chiến lược tìm diệt” của Mỹ (1965-1968) ta nắm quy luật là phát hiện chủ lực ta xuất hiện, địch lập tức điều động lực lượng cơ động của chúng đến đối phó.

        Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh có mục đích kéo lực lượng cơ động của địch lên rừng núi để tạo thuận lợi cho cuộc tiến công và nổi dậy ở các đô thị trong Tết Mậu Thân, vì vậy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh mở màn 10 ngày trước tết. Từ ngày 20 đến 31 tháng 1 năm 1968 (tức ngày 30 Tết) ta đã đánh tiêu diệt quận lỵ Hướng Hóa, tiểu đoàn ngụy Lào ở Huội San (bên kia biên giới Việt - Lào) nhưng địch vẫn chưa đưa quân lên Khe Sanh. Lý do chính là trước đây ta chỉ tiến công quy mô sư đoàn với các hỏa lực trợ chiến mang vác nên chúng ra ngay. Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh ta sử dụng lực lượng tương đương quân đoàn với nhiều trung đoàn pháo cỡ lớn, nhiều trung đoàn pháo phòng không, muốn đưa quân lên địch phải tính toán kỹ về lực lượng, về phương pháp tác chiến, vì vậy mặc dầu đánh trước 10 ngày địch vẫn chưa đưa quân đến Khe Sanh.

        Nắm địch không chỉ nắm về số lượng mà còn cần nắm khả năng chiến đấu từng đơn vị, đặc điểm của người chỉ huy của chúng. Ta thường nắm vững các đơn vị địch cùng ta tác chiến thường xuyên trên một chiến trường. Đối với các đơn vị từ các chiến trường khác đến phải dựa vào thông báo của cấp chiến lược. Cục Quân báo của ta có trách nhiệm nắm khả năng chiến đấu của từng đơn vị địch trên toàn chiến trường Đông Dương, thậm chí còn nắm được lai lịch của chúng trước khi sang chiến trường Đông Dương. Cần nắm khả năng chiến đấu từng đơn vị và cùng một tiểu đoàn, một trung đoàn nhưng sức chiến đấu rất khác nhau. Sư đoàn 1 của quân đội Sài Gòn có ba trung đoàn 1, 3 và 54, trong đó trung đoàn bộ binh của chúng ở núi Cô Tiên (Quảng Trị) chỉ bằng lực lượng của 1 tiểu đoàn bộ binh tăng cường. Sư đoàn 3 của địch có ba trung đoàn 2, 56, 57, trong đó trung đoàn 56 là yếu nhất. Khi đánh trung đoàn 56 ở căn cứ 241, chúng tôi đã buộc chúng phải đầu hàng. Nếu đó là trung đoàn 2 phòng ngự căn cứ 241 như trước, chắc chúng có khả năng rút chạy.

        Một vấn đề cũng rất quan trọng trong đánh giá địch là đánh giá vai trò, tác dụng của các binh chủng kỹ thuật. Sau khi tướng Đờ Lát sang Đông Dương, để yểm trợ cho một cứ điểm vòng ngoài nơi dễ bị ta tiến công, Đờ Lát thường triển khai 2-3 tiểu đoàn pháo binh để chi viện. Không đánh giá hết sức mạnh của pháo binh dưới thời chỉ huy của tướng Đờ Lát, khi đánh địch trong chiến dịch Trung Du (1951) cũng như trong chiến dịch Hòa Bình (cuối 1951 đầu 1952), một số trận không thành công chủ yếu do hỏa lực pháo binh gây nên. Trong chiến dịch Trị - Thiên (1972), lúc không quân Mỹ chưa trở lại chiến trường, 3 sư đoàn của ta đã đánh bại hoàn toàn lực lượng tương đương 3 sư đoàn của địch và giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị trong tháng 4. Ta không đánh giá đúng tương quan lực lượng địch, ta. Khi địch đưa lực lượng lớn không quân và hải quân trở lại Việt Nam từ đầu tháng 5, mà tháng 5 ta vẫn chủ trương tiếp tục dùng 3 sư đoàn để tiến công vào Thừa Thiên. Đầu tháng 7 địch dùng 2 sư đoàn tiến công ra Quảng Trị, chủ trương dùng phản công để đánh trả. Cuộc tiến công vào Thừa Thiên và cuộc phản công lúc địch tiến công ra Quảng Trị, ta đều không thu được thắng lợi. Địch gây cho ta thiệt hại nặng và ta không thu được thắng lợi trong tiến công và phản công chủ yếu do không quân địch chứ không phải do bộ binh địch gây nên. Nếu đánh giá đúng tình hình, không tiến công vào mà chuyển vào phòng ngự để giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị, tổn thất của ta sẽ đỡ hơn nhiều và có khả năng giữ vững được vùng giải phóng.

        2. Nắm tình hình ta

        Đúng là nắm tình hình ta có thuận lợi hơn nắm tình hình địch, nhưng nói dễ thì cũng là không đúng, là chủ quan. Nắm các đơn vị thuộc quyền dễ hơn nắm các đơn vị tăng cường, các đơn vị cùng hiệp đồng tác chiến, nhưng cũng không ít lần ta đã nắm không vững, đánh giá không đúng. Tinh thần chiến đấu của lực lượng vũ trang ta nói chung là rất cao. Nhưng sau một trận đánh không thành công, nếu không nắm chắc tình hình, không dành thời gian giáo dục tư tưởng để giải quyết những biểu hiện sa sút ý chí, có thể sẽ chiến đấu không thành công. Cần đi sâu nắm chắc mặt mạnh từng đơn vị, từng cán bộ mới giao nhiệm vụ phù hợp.

        Nắm tình hình các đơn vị tăng cường, các đơn vị hiệp đồng tác chiến có khó hơn. Một số lần ta chủ trương phát động quần chúng nổi dậy cùng phối hợp với tiến công, nhưng thực tế quần chúng không nổi dậy được. Trong cuộc tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, trên hướng Sài Gòn ta hy vọng quần chúng sẽ nổi dậy mạnh mẽ, sẽ hình thành một cuộc khởi nghĩa ngay tại thủ đô của chính quyền Sài Gòn. Thực tế, những cuộc nổi dậy không nhiều, chưa hình thành một cuộc khởi nghĩa. Nguyên nhân có nhiều, nhưng một nguyên nhân quan trọng là đánh giá tình hình ta không đúng.

        Để nắm chắc tình hình đơn vị tăng cường hoặc phối hợp tác chiến cần nghiên cứu kỹ, cần xem xét quá trình xây dựng và tác chiến, quá trình chuẩn bị vào tác chiến của họ. Có điều kiện, có thể tham quan các cuộc diễn tập thực binh của các đơn vị tăng cường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:17:30 pm »

         
        III. CÁCH ĐÁNH (PHƯƠNG PHÁP TÁC CHIẾN)

        Cách đánh đúng, cách đánh hay là yếu tố quyết định thắng lợi của trận chiến đấu, của chiến dịch. Dẫu ta làm tốt các khâu luyện quân, chuẩn bị chiến đấu, dẫu bộ đội chiến đấu rất anh dũng, nhưng cách đánh sai nhất định trận chiến đấu cũng như chiến dịch sẽ thất bại. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, các đồng chí dày dạn kinh nghiệm trận mạc như các đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ (Đại đoàn 308), Lê Trọng Tấn (đại đoàn 312) đều có ý kiến nếu không thay đổi cách đánh, cứ đánh như cách đánh cũ là đánh nhanh giải quyết nhanh, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm trong 2 ngày 3 đêm thì nhất định sẽ thất bại. Đồng chí Lê Trọng Tấn nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Hội nghị tổng kết chiến dịch: “Nếu không thay đổi cách đánh chắc hôm nay tôi cũng không có mặt để gặp anh”.

        Nói cách đánh đúng lại còn nói cách đánh hay vì tuy trong một số cách đánh đúng, nhưng cách này có thể hay hơn cách kia. Người chỉ huy càng giỏi cách đánh càng hay. Đứng trước một kẻ thù có quân đội vừa đông vừa có trang bị kỹ thuật hiện đại, cách đánh của ta là kết hợp cả hai yếu tố là mưu cao và lực mạnh, nói một cách khác là đánh địch cả bằng mưu và bằng lực.

        1. Đánh địch bằng mưu.

        Nói đến mưu, không ai kể hết các loại mưu, nhưng qua các trận chiến đấu các chiến dịch ta thường tập trung vào việc tạo ra thời và thế có lợi. Nguyễn Trái đã từng nói: “được thời, có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời, không thế thì mạnh hóa ra yếu, yếu là thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay” (trích từ “Quân trung từ mệnh tập”).

        Để tạo ra thời và thế có lợi ta thường nghĩ ra nhiều cách để lừa địch. Trong chống Pháp và chống Mỹ, nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch ta đã lừa được địch nên đã tiêu diệt gọn quân chúng, ta ít thương vong. Xin kể một số trận chiến đấu, chiến dịch ta đã lừa được địch.

        Trận Phai Khắt (1944), trong trận này ta giả địch. Đồn Nà Ngần là một đồn của quân chính quy (lính khố đỏ) nên ta lừa địch bằng cách bắt được “cộng sản” cần đưa vào đồn. Kết quả ta lừa được địch, đột nhập vào đồn để vừa tiêu diệt những tên ngoan cố chống cự, vừa bắt hàng các tên khác.

        Chiến dịch Trị - Thiên (1972). Năm 1972 địch biết ta sẽ tiến công, nhưng chúng cần xác định đâu là chiến trường chính. Chúng đặc biệt theo dõi các sư đoàn dự bị chiến lược, và các sư đoàn này được điều vào chiến trường nào thì đấy là chiến trường chính. Mục đích nghi binh chiến lược là làm cho địch lầm tưởng Tây Nguyên là chiến trường chính trong lúc ta chọn Trị - Thiên là chiến trường chính. Ta để Sư đoàn 308 án binh bất động ở miền Bắc, chỉ được vào chiến trường sau, lại nổ súng mở đầu chiến dịch. Đồng thời ta cho các điện đài của Sư đoàn 304 đương làm việc thường xuyên ở Quảng Bình, theo đường mòn Hồ Chí Minh hành quân vào Tây Nguyên làm cho chúng lầm tưởng Sư đoàn 304 đã đi vào Tây Nguyên. Như vậy tại Trị - Thiên địch cho rằng ta chỉ có Sư đoàn 324 là sư đoàn thuộc Quân khu Trị - Thiên. Từ đó, chúng cho năm 1972 chiến trường Trị - Thiên chỉ là chiến trường phụ.

        Mục đích nghi binh chiến dịch là làm cho địch tưởng lầm ta sẽ lấy hướng bắc làm hướng chủ yếu trong khi ta chọn hướng tây làm chủ yếu. Để lừa địch ta có nhiều biện pháp giữ bí mật trong việc chuẩn bị chiến trường và triển khai lực lượng ở hướng tây, đồng thời cho một số đơn vị vào chuẩn bị ở hướng bắc (giữ bí mật ở mức địch có thể phát hiện được). Nếu lộ liễu quá địch có thể cho đây là nghi binh. Trước ngày tiến công địch vội vã điều trung đoàn 2 là trung đoàn mạnh của sư đoàn 3 sang hướng bắc, điều trung đoàn 56 là trung đoàn yếu sang hướng tây. Kết quả trong ba ngày ta đã vừa diệt vừa bức hàng toàn bộ trung đoàn 56, đánh thiệt hại nặng (diệt gọn 1 tiểu đoàn) lữ lính thủy đánh bộ, là 2 trung đoàn phòng ngự phía tây tạo thắng lợi cho đợt một, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành đợt hai.

        Chiến dịch Tây Nguyên (1975). Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta chọn Buôn Ma Thuộc là khu vực tiến công chủ yếu nhưng làm cho địch lầm tưởng ta chọn PPlây Cu là khu vực tiến công chủ yếu. Để đạt mục đích trên ta đã huy động Sư đoàn 968 (điều ở Lào về) cùng các lực lượng bộ đội địa phương và nhân dân hai tỉnh Plây Cu và Kon Tum tiến hành tích cực chuẩn bị chiến trường ở hai tỉnh trên. Trong lúc đó, các sư đoàn 320 và 10 tiến vào chuẩn bị và triển khai lực lượng ở khu vực Buôn Ma Thuộc nhưng vẫn để các điện đài của mình ở lại Plây Cu. Khi mở đầu chiến dịch tiến công vào Buôn Ma Thuộc, lực lượng chính của địch vẫn tập trung ở Plây Cu. Sau hai ngày ta đã chiếm được Buôn Ma Thuộc, địch vội vã điều quân ở Plây Cu về cứu viện cho Buôn Ma Thuộc nhưng đã muộn. Kết quả ta đã giải phóng được Tây Nguyên và tiến về đồng bằng giải phóng thêm một số tỉnh.

        Ở đây chỉ nêu một ví dụ để nói lên sự quan trọng của công tác lừa địch trong tác chiến. Năm 2000 cuốn sách “Nghệ thuật lừa” của tôi đã được xuất bản.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:19:10 pm »


        Nhờ nắm vững các biện pháp nắm ta của địch, ta vẫn có đủ biện pháp đối phó để giữ bí mật. Lấy một trường hợp cụ thể để nói về các biện pháp để giữ bí mật khi ta đưa lực lượng lớn vào triển khai để tiến công bất ngờ.

        Trong chiến dịch Trị - Thiên (1972) Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tiến công chủ yếu vào hướng tây của địch với lực lượng Sư đoàn 304 được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 trung đoàn pháo mặt đất, 1 trung đoàn pháo phòng không. Để giữ bí mật thời gian tiến công và hướng tiến công chủ yếu, dưới sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch ta đã tiến hành một số biện pháp sau:

        - Sư đoàn đang đóng quân ở nam Quảng Bình đã bí mật hành quân ra bắc Quảng Bình đóng quân, án binh bất động trong rừng sâu, sau một thời gian mới theo đường rừng hành quân vào vị trí tập kết chiến dịch. Các điện đài vô tuyến điện đang dùng thường xuyên, hành quân vào Tây Nguyên, tại sư đoàn không dùng vô tuyến điện để liên lạc. Nhờ vậy, bằng điệp viên (có thể có) và bằng trinh sát kỹ thuật địch kết luận Sư đoàn 304 đã hành quân vào Tây Nguyên.

        - Các đoàn chuẩn bị chiến trường của sư đoàn lấy phiên hiệu một tiểu đoàn ở miền Bắc và tăng cường cho Quảng Trị hoạt động nhỏ ở khu vực tây đường số 9. Cán bộ sư đoàn lấy danh nghĩa cán bộ tiểu đoàn, cán bộ trung đoàn lấy danh nghĩa cán bộ đại đội. Làm như vậy để giữ bí mật ngay với nhân dân, với cán bộ cơ sở của ta. Trong thời gian trinh sát thực địa tuyệt đối không dùng vô tuyến điện, chỉ liên lạc với phía sau, với trên bằng điện thoại và bằng thông tin vận động.

        - Lực lượng trinh sát của sư đoàn phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến hành cảnh giới, tuần tiễu để ngăn chặn, tiêu diệt trinh sát thám báo của địch xâm nhập vào khu vực triển khai, khu vực tập kết của sư đoàn, tiến hành sục sạo để vô hiệu hóa các phương tiện thu tiếng động của địch ở trên trục hành quân, nơi tập kết lực lượng.

        - Tổ chức ban chỉ huy hành quân do sư đoàn phó phụ trách, cùng một số cán bộ tác chiến, trinh sát, công binh để chỉ huy sư đoàn hành quân từ sông Bến Hải đến khu vực triển khai chiến đấu nhằm bảo đảm thực hiện đúng các quy định về kỷ luật hành quân:

           + Xuất phát đúng thứ tự và thời gian, tránh ùn tắc.

           + Chỉ hành quân vào ban đêm, tất cả các loại xe không được dùng đèn, kể cả đèn gầm.

           + Ban ngày ngụy trang triệt để cả trục đường hành quân và khu vực tập kết triển khai.

           + Khu vực tập kết đều ở trong rừng, hạn chế tối đa tiếng động như người xưa nói “người ngậm tăm, ngựa khóa miệng”, tuyệt đối không để xuất hiện khói lửa.

        Tuy có nhiều phương tiện trinh sát nhưng trước lúc ta nổ súng mở đầu chiến dịch, địch vẫn chỉ phát hiện một số đơn vị vào chuẩn bị hoạt động ở khu vực phía bắc (theo kế hoạch nghi binh của ta). Tại phía tây chúng cho rằng chỉ có lực lượng một số tiểu đoàn bộ đội địa phương hoạt động thường xuyên ở đây. Đúng 10 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1972, khi ta mở đầu chiến dịch, địch hoàn toàn bị bất ngờ. Đợt một chiến dịch chỉ diễn ra 3 ngày, nhưng ta đã đánh chiếm được khu vực phòng thủ của 4 trung đoàn, diệt gọn 1 trung đoàn, đánh thiệt hại nặng 1 trung đoàn khác.


        Một nội dung quan trọng của đánh địch bằng mưu là lập thế trận ta, phá thế trận địch. Lập thế trận ta, phá thế trận địch là một thể thống nhất. Lập được thế trận của ta có lợi sẽ phá được thế trận của địch, phá được thế trận của địch sẽ tạo được thế trận của ta có lợi.

        Trong hai cuộc kháng chiến, ta thường dùng các biện pháp sau đây trong lập thế trận của ta, phá thế trận của địch.

        - Dùng lực lượng đã triển khai sẵn của ta đánh vào quân địch đang hành quân.

        - Kéo địch đến khu vực ta đã chuẩn bị sẵn để tiêu diệt chúng.

        - Đột phá vào nơi địch tương đối yếu để nhanh chóng đưa lực lượng vào trong, chia cắt đội hình địch, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu, nhất là đánh chiếm sở chỉ huy.

        - Khi địch chủ động tiến công, dùng lực lượng tại chỗ đánh phủ đầu địch ngay từ đầu, tạo điều kiện để lực lượng cơ động nắm thời cơ, địa điểm đánh tiêu diệt từng đơn vị địch.

        - Khi phòng ngự, tổ chức đánh địch ngay trên đường hành quân, dựa vào trận địa được xây dựng kiên cố, phát huy hỏa lực diệt địch đang vận động trên mặt đất, chủ động tiến công vào đội hình tiến công của địch.

        Trong các trận chiến đấu, các chiến dịch ta đều suy nghĩ để phá thế trận địch, tạo thế trận của ta có lợi, dùng sức ít nhưng giành được thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:23:45 pm »


        2. Đánh địch bằng lực.

        Do lực lượng địch không những hơn ta về trang bị kỹ thuật mà còn hơn ta về số lượng, vì vậy trong phần lớn các chiến dịch ta không tạo được lực lượng (chỉ nói riêng số lượng) ưu thế hơn địch. Có chiến dịch lực lượng ta ít hơn địch, có chiến dịch lực lượng ta ngang địch, có một số chiến dịch ta tạo được lực lượng gấp hai lần địch. Rất ít chiến dịch ta có được ưu thế tuyệt đối (hơn địch 3-4 lần).

        Để giành thắng lợi về chiến dịch, ta thường tập trung ưu thế lực lượng trên hướng chủ yếu, trong từng trận đánh, nhất là trong những trận đánh mở đầu, những trận then chốt. Đứng về lý luận thì bất kỳ cán bộ nào cũng biết phải tập trung binh hỏa lực trong các trường hợp trên. Vấn đề cần bàn là tại sao không thực hiện được tập trung ưu thế trong trường hợp cần thiết. Nguyên nhân có nhiều, nhưng thường do các nguyên nhân sau đây:

        - Người chỉ huy nào ra chiến trường cũng muốn giành thắng lợi lớn, nên thường muốn đánh cụm lớn của địch. Từ đó phần lớn lực lượng chia ra nhiều mục tiêu, lực lượng dự bị ít. Vì vậy khi cần tập trung lực lượng, không còn để tập trung.

        - Đánh giá ta cao, đánh giá địch thấp nên chủ quan, cho rằng không nhất thiết phải tập trung tuyệt đối ưu thế.

        - Nguyên nhân phổ biến và quan trọng hơn là do không thấy được thắng lợi trong các trận quan trọng sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến thắng lợi các trận khác. Vì vậy thường tính toán lực lượng chia đều cho nhiều trận, nhất là chia đều hỏa lực, sợ tập trung vào một nơi, nơi khác sẽ không đủ sức để thắng địch.

        Trong chiến dịch Trị - Thiên (1972), Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ tiêu diệt 2 trung (lữ) đoàn thiếu của địch (tiểu đoàn của trung đoàn 56 địch do trung đoàn 24 phụ trách). Như vậy Sư đoàn 304 phải tiêu diệt 4 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 sở chỉ huy trung (lữ) đoàn. Các lực lượng trên phòng ngự trên 4 cứ điểm và 2 căn cứ trung đoàn với tổng diện tích không dưới 30ha. Với khoảng 3.000 viên đạn pháo, cối từ 100mm trở lên, nếu chia đều mỗi héc-ta (mẫu) ta chỉ sử dụng không quá 100 viên đạn. Đó là mật độ không cao. Bàn đi, tính lại chúng tôi chủ trương: tập trung hỏa lực pháo binh vào cứ điểm Động Toàn ở vòng ngoài và căn cứ 241. Các cứ điểm, căn cứ khác chỉ dùng ĐKZ, B40, B41 để diệt ụ súng lô cốt trên cửa mở, dùng cối 82mm của trung đoàn, tiểu đoàn để chế áp hỏa lực địch. Quyết tâm như vậy là dựa trên cơ sở quân ngụy rất sợ pháo. Nếu chúng ta có số lượng lớn đạn pháo bắn ác liệt vào một mục tiêu như vậy chúng sẽ không có khả năng chống đỡ. Vì vậy 3 cứ điểm còn lại ở vòng ngoài, tuy chỉ có ĐKZ và súng cối 82mm nhưng nơi địch bỏ chạy, nơi bị diệt nhanh. Căn cứ trung đoàn 56 bị bắn rất ác liệt, đồng thời bị bao vây chặt nên đã đầu hàng. Căn cứ lữ đoàn 147 thấy ít khả năng đứng vững nên đã tìm đường rút chạy. Đây là một ví dụ tập trung lực lượng tuyệt đối ưu thế trong trận quan trọng và giành thắng lợi nhanh, sẽ tạo thuận lợi để đánh các trận khác.

        Xuất phát từ các thực tế, các kinh nghiệm trên ta thấy, để đánh thắng cần kết hợp mưu cao và lực mạnh. Về lực phải biết tập trung trên hướng chủ yếu, vào các trận đánh then chốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:26:52 pm »


        IV. GIÀNH VÀ GIỮ CHỦ ĐỘNG TRONG TÁC CHIẾN (Chủ yếu ở quy mô chiến đấu)

        Có lực lượng mạnh, có cách đánh hay mới chỉ có cơ sở để thắng địch, khâu cuối cùng quyết định thắng là cuộc đọ sức trên chiến trường.

        Muốn chiến thắng, điều quan trọng nhất là phải giành và giữ chủ động trong quá trình tác chiến. Kinh nghiệm qua hai cuộc kháng chiến chỉ ra rằng có giành và giữ được chủ động mới giành được chiến thắng.

        Muốn giành và giữ chủ động phải:

        - Đánh bại các biện pháp của địch.

        - Đánh thắng các trận then chốt.

        - Kết thúc chiến dịch đúng thời cơ.

        1. Đánh bại các biện pháp đối phó của địch.

        Đánh bại các biện pháp đối phó của địch trong tiến công, phản công.

           + Đánh quân địch tăng viện ứng cứu, giải tỏa:

        Địch có thể tăng quân vào trong địa bàn chiến dịch để ngăn chặn ta tiến công, như trong các chiến dịch Tây Bắc (1952), Điện Biên Phủ (1954), Tây Nguyên (1975). Chúng ta có thể vừa tăng quân vào trong, vừa đánh từ ngoài vào như chiến dịch Trung Du (1951), chiến dịch Nguyễn Huệ (miền Đông Nam Bộ, năm 1972). Có chiến dịch chỉ tiến công từ ngoài vào như chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968).

        Để đánh bại quân địch tăng viện, ứng cứu, giải tỏa, ta thường tập trung lực lượng có trọng điểm. Có thể tập trung diệt quân địch vòng trong, ngăn chặn quân địch từ ngoài vào như chiến dịch Trung Du (1951), chiến dịch Nguyễn Huệ (1972). Có chiến dịch ta tập trung trước hết diệt quân tiến công từ ngoài vào như chiến dịch Biên Giới (1950), chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968). Đánh bại được quân tiến công từ ngoài vào sẽ tạo điều kiện đánh bại quân địch ở vòng trong.

        Ta có thể sử dụng một bộ phận lực lượng tiến công trên thê đội một hoặc sử dụng lực lượng dự bị để đánh quân tăng viện ứng cứu, giải tỏa.

        Nếu chỉ sử dụng lực lượng tiến công trên thê đội một, ta thường gặp khó khăn, khó giành được chủ động như chiến dịch Trung Du (1951). Trong nhiều chiến dịch, để giữ chủ động ta thường tổ chức một bộ phận chuyên trách, sẵn sàng đánh quân địch tăng viện ứng cứu, giải tỏa. Chiến dịch Biên Giới (1950) ta dùng cả một đại đoàn (Đại đoàn 308) để sẵn sàng đánh quân địch đến ứng cứu. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, lúc đầu ta sử dụng Trung đoàn 24 của Sư đoàn 304, sau tăng thêm Sư đoàn 308. Cả hai chiến dịch trên ta đều đánh bại hành quân ứng cứu giải tỏa của địch nên đã diệt gọn quân địch hoặc buộc địch phải rút chạy.

           + Đánh quân địch co cụm:

        Trong nhiều chiến dịch, khi không đủ khả năng đẩy lùi tiến công của ta, quân địch thường tiến hành co cụm nhằm tránh bị tiêu diệt và giữ vững các khu vực chưa bị ta đánh chiếm. Chúng vừa sử dụng lực lượng tại chỗ, vừa tăng lực lượng từ phía sau lên để co cụm.

        Trong một số chiến dịch như chiến dịch Tây Bắc (1952), chiến dịch Thượng Lào (1953), chiến dịch Trung Lào (1954), địch còn đưa lực lượng lớn từ phía sau lên cùng lực lượng tại chỗ co cụm lại và tổ chức thành tập đoàn cứ điểm.

        Ta có thể điều động lực lượng đánh ngay lúc địch đứng chân chưa vững, có thể chuẩn bị một thời gian mới bắt đầu tiến công, cũng có thể không tiến công vào bộ phận co cụm mà tiến công mở rộng chiến quả trên các hướng khác. Phải căn cứ vào tình hình cụ thể địch, ta để có biện pháp đánh địch có hiệu quả.

        Ta đã không tiến công địch co cụm thành tập đoàn cứ điểm mà tiến hành tiến công trên các hướng khác để mở rộng vùng giải phóng trong các chiến dịch Thượng Lào (1953), Trung Lào (1954).

        Ta đã chuẩn bị chu đáo rồi mới tiến công quân địch co cụm trong chiến dịch Trị - Thiên (1972). Sau khi bị ta tiêu diệt lực lượng và đánh chiếm khu vực phòng ngự ở phía tây, địch vừa rút 2 trung đoàn phòng ngự phía bắc cùng với điều động thêm lực lượng từ phía sau, tổ chức co cụm tại Đông Hà và Ái Tử. Ta tiến hành chuẩn bị 16 ngày, từ ngày 10 tháng 4 đến ngày 26 tháng 4, với lực lượng hai sư đoàn bộ binh cùng toàn bộ lực lượng pháo binh và xe tăng nên đã diệt được địch giải phóng Đông Hà, Ái Tử, tiến lên giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị.

        Một số chiến dịch do chuẩn bị không chu đáo hoặc không đánh giá đúng tương quan lực lượng nên đã tiến công không thành công.

        Ta đã tiến công không thành công vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản trong chiến dịch Tây Bắc (1952), nguyên nhân lúc đó ta chưa thấy hết chỗ mạnh của địch là phòng ngự theo kiểu tập đoàn cứ điểm, chỗ yếu của ta là chưa nghiên cứu cách đánh đối với kiểu phòng ngự mới của địch, lực lượng lại đã bị tiêu hao trong 2 đợt đầu của chiến dịch, đạn dược mang theo có hạn.

        Ta đã không tiến công thành công khi quân địch co cụm ở An Lộc (Bình Long) trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1972). Nguyên nhân là do ta chưa tập trung đủ lực lượng ưu thế và chưa chuẩn bị chu đáo, nhất là chưa tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh, xe tăng, pháo binh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 08:27:26 pm »


           + Đánh quân địch rút chạy:

        Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã diễn ra một số cuộc rút chạy quy mô lớn, như rút chạy trong các chiến dịch Thượng Lào (1953), Tây Nguyên và Trị - Thiên (1975), rút chạy từ Ba-na-phào về Thà Khẹt trong chiến dịch Trung Lào (1954) ...

        Trong chiến dịch Thượng Lào, do không có điều kiện vượt lên chặn đầu, nhưng nhờ tích cực truy kích liên tục ngày đêm nên ta đã đuổi kịp và diệt phần lớn lực lượng địch rút chạy khỏi Sầm Nưa.

        Trong chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1953, Đại đoàn 316 đã dùng đại bộ phận lực lượng để chặn đầu nên đã diệt được một số lớn quân địch.

        Trong chiến dịch Tây Nguyên (1975), nhờ phán đoán kịp thời ý định địch rút chạy của cấp chiến lược và chiến dịch, nhờ quyết tâm hành quân nhanh, liên tục ngày đêm để chặn đầu, nên Sư đoàn 320 cùng các lực lượng khác đã diệt, bắt làm tan rã hầu hết quân địch, khi chúng rút khỏi Tây Nguyên.

        Từ các chiến dịch trên, ta thấy rõ muốn diệt được quân địch rút chạy cần: phát hiện sớm ý đồ địch rút chạy, truy kích kiên quyết liên tục ngày đêm, không ngại mệt nhọc, không ngại đói rét, tìm cách vượt lên chặn đầu khi có điều kiện.

        Đánh bại các biện pháp tác chiến của địch trong phòng ngự: Để đánh bại các biện pháp tác chiến của địch trong phòng ngự cần:

           + Tiến hành đánh địch ngay từ nơi chúng xuất phát cũng như quá trình chúng tiếp cận, triển khai chuẩn bị tiến công. Đợt hoạt động phòng ngự trên đường 13 cũng như đợt hoạt động phòng ngự ở Thượng Đức, các sư đoàn đều phái một phần lực lượng, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh địch từ nơi chúng xuất phát cho đến lúc chúng tiếp cận trận địa phòng ngự của ta.

        Trong chiến dịch phòng ngự ở Thượng Đức, ta dùng từng đại đội công binh xây dựng trận địa cho từng đại đội phòng ngự ở tuyến 1, đồng thời huấn luyện bổ sung cách đánh cho bộ đội nên đã giữ vững được trận địa. Quân địch bị thương vong nhiều nhưng chỉ chiếm được 1-2 trận địa phòng ngự cấp trung đội của ta.

        Trong chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào), ta còn xây dựng được đường hầm ở khu phòng ngự then chốt. Địch không thể chiếm được các khu vực có đường hầm.

           + Chủ động tiến công địch cả trước mặt, bên sườn, sau lưng và ngay giữa đội hình tiến công của địch.

        Trong đợt hoạt động phòng ngự ở đường 13, Sư đoàn 7 đã dùng 50% lực lượng đứng ngoài trận địa phòng ngự để chủ động tiến công địch, làm cho chúng lo đối phó với tiến công của ta, không tập trung được lực lượng để đánh vào các trận địa phòng ngự.

        Trong đợt hoạt động phòng ngự ở Thượng Đức, Sư đoàn 304 đã dùng đặc công, công binh để đánh vào sau lưng địch. Sư đoàn còn dùng ngay lực lượng phòng ngự, ban đêm tập kích vào quân địch đang chuẩn bị tiến công.

           + Kiên quyết phản kích, phản đột kích để tiêu diệt địch đột nhập, giữ vững trận địa của ta.

        Trong chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào), ta đã chuẩn bị chu đáo tập trung lực lượng nên đã phản đột kích thành công.

        Trong chiến dịch phòng ngự Quảng Trị, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 đã phản kích ngay lại địch vượt sông, tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn của chúng, giữ vững trận địa của ta. Cùng trong chiến dịch này, lúc địch đưa một lữ đoàn tăng cường ra chiếm Cửa Việt trên hướng phòng ngự của Sư đoàn 320, Bộ tư lệnh chiến dịch đã sử dụng toàn bộ lực lượng Sư đoàn 320, đồng thời tăng thêm một trung đoàn của Sư đoàn 304 cùng 1 đại đội xe tăng, kiên quyết phản đột kích nên đã diệt gọn lữ đoàn địch, khôi phục lại khu vực cảng

           + Tổ chức lực lượng dự bị mạnh để đối phó với địch mở thêm hướng đột kích mới, thay đổi hướng đột kích chủ yếu.

        Trong chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum, khi địch thay đổi hướng đột kích chủ yếu từ hướng đông nam sang hướng tây nam và mở thêm hướng tiến công mới ở hướng đông, ta đã chủ động đối phó có hiệu quả nhờ có lực lượng cơ động mạnh. Lực lượng phòng ngự có hai trung đoàn 174 và 886. Lực lượng cơ động cũng gồm hai trung đoàn 148 và 335, cuối chiến dịch còn tăng thêm Trung đoàn 88.

        Trong chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (1972) lực lượng dự bị cũng được tổ chức mạnh, lúc đầu có 2 trung đoàn của Sư đoàn 325. Sau khi toàn bộ Sư đoàn 312 vào chiến đấu, chiến dịch đã rút một trung đoàn của Sư đoàn 304, toàn bộ Sư đoàn 308 ra làm lực lượng dự bị. Nhờ vậy ta đã tập trung kịp thời lực lượng để phản đột kích trên hướng Cửa Việt.

        Trong đợt hoạt động phòng ngự ở Thượng Đức, Quân đoàn 2 đã kịp thời điều thêm cho Sư đoàn 304 một trung đoàn (Trung đoàn 24). Từ đó sư đoàn có hẳn 1 trung đoàn làm dự bị. Vì vậy khi địch thay đổi hướng đột kích chủ yếu từ hướng đông nam sang hướng đông bắc, đánh chiếm điểm cao 1062, sư đoàn đã có lực lượng phản kích đánh bật địch ra khỏi điểm cao 1062, giành lại thế chủ động chiến dịch.

        Trong phòng ngự, mặc dù địch chủ động tiến công, nhưng với nhiều thủ đoạn tác chiến khác nhau, ta vẫn từng bước giành và giữ được chủ động.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM