Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:42:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương  (Đọc 25388 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:41:20 pm »


ÔNG TIỀN HIỀN Ở LÀNG HÒA AN

Ông tên là Trần Trọng Khiêm (1821-1866), người làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ. Lúc nhỏ nổi tiếng thông minh hay chữ nhưng ông không chọn con đường khoa cử vì anh ruột cũng do khoa cử mà rơi vào cảnh tù đày. Năm hai mươi tuổi, ông lấy vợ và theo nghề buôn gỗ, có điều kiện giao dịch với thương nhân Hoa kiều ở Bạch Hạc (Việt Trì), Phố Hiến (Hưng Yên). Năm 1843, vợ ông bị tên cai tổng thủ tiêu vì y không lấy được bà. Ông giết tên cai tổng để trả thù cho vợ rồi trốn xuống Hưng Yên làm ăn.

Tại đây, ông vào làm thủy thủ cho một tàu buôn nước ngoài nên có dịp đi Hương Cảng (Trung Quốc), Hà Lan, Anh... Cuối cùng khoảng năm 1850, ông đến Hoa Kỳ. Ông bỏ nghề thủy thủ, gia nhập vào đoàn người đi tìm vàng ở miền Viễn Tây - Hoa Kỳ. Chán ngán cuộc sống hỗn độn, trụy lạc, cướp bóc của bọn người tìm vàng, ông trở về California làm nhân viên cho tòa soạn báo Daily Evening (Thời báo buổi chiều). Năm 1854, lại chán cảnh vô chính phủ ở California, nhân có chuyến tàu ông quay về Hương Cảng nhập quốc tịch Trung Quốc.

Năm 1855, ông về nước và cư trú ở miền Nam. Vào thuở ấy, miền Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, dù đã được khai phá nhưng nhiều nơi vẫn còn hoang vu, ông cùng vài người bạn đứng ra khai hoang góp phần lập nên làng Hòa An thuộc tổng An Tịnh, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang, giáp ranh với làng Mỹ Trà (thuộc huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường).

Năm 1862, trước áp lực quân sự của thực dân Pháp, triếu đình Tự Đức nhường 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho chúng. Năm 1863, ông cùng Thiên hộ Võ Duy Dương xây dựng căn cứ ở Gò Tháp nằm trong Đồng Tháp Mười. Ông là người thiết kế các công sự chiến đấu mô phỏng theo kiểu của các đồn canh ở Mỹ do một đại úy (sau được chính phủ Hoa Kỳ phong đại tướng) tên Suter xây dựng ở California, gọi là đồn Suter. Sau đó, ông được Thiên hộ Dương giao chỉ huy một đội nghĩa quân, đánh thắng Pháp nhiều trận ở Mỹ Trà, Cao Lãnh, Cai Lậy...

Tháng 4 năm 1866, Pháp mang đại quân tấn công đại đồn Tháp Mười, ông chiến đấu quyết liệt và tử trận lúc 45 tuổi. Trước khi nhắm mắt, ông khuyên nghĩa quân hãy chiến đấu đến cùng và dặn vợ nuôi con, đừng hợp tác với giặc. Thi hài ông được nghĩa quân chôn cất tại Gò Tháp và có câu truy niệm:

"Hỡi ơi! Lòng trời không tựa, tấm gương tiết liệt vì nước quyên sinh; chí khí nêu cao, tinh thần Nùng Nhị còn lưu truyền hậu thế".

Sau khi ông qua đời, nhớ công lao góp phần khai phá lập làng Hòa An nên dân sở tại tôn ông là Tiền hiền của làng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:42:11 pm »


CHUYỆN ÔNG CẢ HUY

Đến nay chưa có tư liệu nào để biết rõ về dòng dõi và quê quán của cụ Huỳnh Công Huy. Có dư luận cho rằng cụ thuộc dòng dõi họ Bùi và tên là Bùi Quang Huy, có quan hệ thân tộc với Bùi Quang Diệu tức quản Là hay Đốc binh Là tức Thống binh Là. Có thể cụ thay đổi họ lúc nghĩa quân tan rã.

Tháp Mười vào năm 1864 là trung tâm kháng chiến của Nam Kỳ, bên cạnh việc xây dựng lực lượng quân sự để tiêu diệt kẻ thù, Thiên hộ Dương còn hình thành bộ máy chính quyền kháng chiến, ông phong cho Bùi Quang Diệu làm tổng đốc tỉnh Gia Định và cụ Huy phụ trách quản đốc quân lương.

Với chức vụ mới đầy trọng trách, lo sao có đầy đủ lương thực cho trên dưới 1.000 nghĩa quân, cụ Huy đã cùng với các quan trong bộ phận quân lương ngày đêm xuôi ngược khắp hai miền Đông, Tây Nam Kỳ để tuyên truyền vận động thu mua lúa gạo. Từ căn cứ Tháp Mười, theo các con đường gạo chính: Một là con đường ra Cái Nứa theo hướng trổ ra Quan Cư (nay là xã Hậu Mỹ, Cái Bè) đến Xoài Tư (nay thuộc xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy). Con đường thứ hai từ Tháp Mười theo hướng tây bắc lên Mộc Hóa, xuyên qua rộc Đìa Gừa (rộc Đìa Gạo) qua làng Hậu Thạnh Đông (nay là xã Tân Thạnh, Long An). Cuối cùng là con đường huyết mạch hơn hết, đó là con đường từ Tháp Mười theo hướng tây nam ăn ra rạch Cần Lố; nay còn lại tên đường Thét, gợi cho hậu thế hình ảnh một con đường thẳng từ ngọn Trà Bông (đường Gỗ) đến Bàu Tiên - Động Cát; từ đây vào Tháp Mười có các con lung, nay còn hiện rõ...

Dưới sự chỉ huy điều động của cụ Huy, đội quân lương đã vượt qua mọi khó khăn bất trắc từ khâu tuyên truyền vận động thu mua, vận chuyển, tiếp tế ra mặt trận, đến các đồn lũy xa xôi; vượt qua sự ngăn chặn, rình rập, phục kích của giặc để mang lương thực đến tận chiến trường phục vụ chiếu đấu nên cụ rất được chủ tướng Thiên hộ Dương và anh em nghĩa quân hết lòng tin tưởng.

Đến tháng 4 năm 1866, thực dân Pháp tập trung đại quân tấn công căn cứ Tháp Mười. Cụ Huy cùng đội quân lương vừa chiến đấu, vừa tiếp tế, vừa bảo vệ lương thực. Đến khi Thiên hộ Dương quyết định bỏ căn cứ Tháp Mười, rút lui về để bảo toàn lực lượng cụ được lệnh phải gấp rút mang một số lương thực tối đa có thể mang được, rút đi trước lên vùng biên giới.

Khi nghĩa quân tan rã, cụ Huy không về xứ, vẫn ở lại Sa Rày; cụ ra lệnh giải tán đội quân lương, khuyên nghĩa quân nên về quê quán làm ăn, không cộng tác với giặc, giữ vững lòng trung thành với Tổ quốc, chờ đợi thời cơ. Có một số nghĩa quân không về làng cũ mà tình nguyện ở lại với cụ. Trong số nghĩa quân đó có các ông Hồ Cường, Phan Hổ, ông Bua (không nhớ họ)... Sau khi thành lập làng Tân Thành, ông Hồ Cường được cử giữ chức câu đương (lo việc tố tụng, tranh chấp nhỏ trong làng) nên được gọi là Câu Cường; ông Bua và Phan Hổ giữ chức hương tham nên được gọi là Tham Bua, Tham Hổ. Riêng Tham Bua, có lẽ ông là người có công trong việc khai phá thành lập nên ấp Thi Sơn ngày nay nên tên của ông đã biến thành địa danh (ấp Tham Bua), tên một số ấp của làng Tân Thành ngày trước.

Để có lúa gạo bảo đảm cuộc sống lâu dài cho số nghĩa quân tình nguyện ở lại, cụ Huy hô hào họ phá hoang rừng bụi hai bên rạch Thông Bình để làm ruộng, về sau chiêu mộ thêm lưu dân từ các nơi khác đến. Lúc bấy giờ vùng này còn hoang vu, dân cư thưa thớt, phần lớn chỉ tập trung chung quanh Thông Bình.

Làng Tân Thành chính thức ra đời vào khoảng năm 1870 thuộc tổng An Phước, quận Hồng Ngự, tỉnh Châu Đốc; dân làng cử cụ Huy làm hương cả. Khi mới thành lập, làng Tân Thành rất rộng bao gồm cả huyện Tân Hồng ngày nay (chỉ trừ xã Bình Thạnh).

Sự ra đời của làng Tân Thành là công lao của toàn dân làng, trong đó phải kể đến công lao to lớn của cụ Huỳnh Công Huy. Theo truyền thống thì tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ; ở đây, cụ Huỳnh Công Huy vừa khai khẩn lại vừa khai cơ nên sau khi qua đời, cụ chẳng những được dân làng thờ với tư cách là Tiền hiền trong chánh điện của đình làng mà còn lập miếu thờ riêng gọi là miếu Tiền hiền. Trải qua bao năm tháng chiến tranh, đạn bom tàn phá, đình và miếu thờ cụ vẫn được trùng tu, ngày đêm khói hương không dứt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:43:19 pm »


NGƯỜI PHỤ NỮ ĐỒNG THÁP (HAY SỰ TÍCH VÀM BÀ BẦY)

Khi xưa, sông Cần Lố đổ nước vào sông Tiền tại vàm Doi Me. Cách đây hơn một trăm năm, trước khi đổ nước vào sông Tiền, sông Cần Lố đổ vào rạch Cái Sao Thượng ở tại vàm Bà Bầy.

Tên gọi vàm Bà Bầy được bắt nguồn từ một sự tích sau đây:

... Thiên hộ Dương chẳng những có tài thao lược mà còn có tài chiêu tập tuyển mộ nghĩa quân. Trong hàng ngũ nghĩa quân Tháp Mười, ngoài người Việt còn có người Hoa, lính đào ngũ người Tagals, người Pháp, đặc biệt còn có đội nữ binh chuyên lo việc thông tin liên lạc và tiếp tế.

Để đàn áp công cuộc kháng chiến của nghĩa quân Đồng Tháp Mười, bước đầu giặc Pháp đánh chiếm đồn Doi, thiết lập khu tham biện Cần Lố (thường gọi là Trường án Cần Lố) đóng trụ sở tại vàm Doi Me. Tại đây chúng kiểm soát, chế ngự mọi hoạt động của nghĩa quân và sự đi lại của nhân dân giữa Cao Lãnh và Đồng Tháp Mười. Từ Đồng Tháp Mười ra Cao Lãnh chỉ có con đường qua vàm Cần Lố nhưng không vì thế mà nghĩa quân chùn bước. Phải có con đường khác bằng bất cứ giá nào. Sông Cần Lố, chỗ vàm Bà Bầy bây giờ chỉ cách rạch Cái Sao Thượng bởi mấy con mương trong vườn cau của bà Bầy. Như biết được tầm quan trọng của mấy con mương trong vườn nhà mình đối với con đường giao thông huyết mạch này, nên bà Bầy cho nghĩa quân sử dụng nó để làm con đường nối liền giữa sông Cần Lố và Cái Sao Thượng. Mỗi khi ghe xuồng nghĩa quân đi qua rồi, bà tìm cách xóa dấu vết. Do xuồng ghe qua lại nhiều lần, con mương lở rộng và ngày một sâu thêm bởi nước sông Cần Lố đổ mạnh vào.

Chẳng bao lâu, con mương trong vườn cau bà Bầy trở thành một phần của sông Cần Lố và nhà bà là một trạm liên lạc.

Khi giặc Pháp phát hiện ra đoạn sông mới này, chúng thường xuyên mang quân phục kích. Một hôm, chúng được tay sai mật báo sẽ có một toán nghĩa quân dùng xuồng di chuyển qua đây. Nhưng khi chúng đến nơi thì chỉ còn kịp thấy thấp thoáng vài bóng người ẩn hiện dưới tán cây.

Chúng đuổi theo bắt nhưng họ nhanh chân trốn thoát. Chúng liên bắt bà Bầy đánh đập, tra khảo tàn nhẫn hòng tìm ra tung tích nghĩa quân. Nhưng bà Bầy cắn răng chịu đau đớn không hé nửa lời. Sau một hồi tra tấn không kết quả, chúng thay nhau hãm hiếp, rồi mang bà về Trương án Cần Lố chém bêu đầu.

Khúc sông mới ngày một rộng dần. Để ghi nhớ câu chuyện thương tâm về tấm lòng kiên trung bất khuất của người phụ nữ Đồng Tháp Mười, dân chúng lấy tên bà đặt cho ngã ba sông này. Tên vàm Bà Bầy bắt đầu từ đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:44:01 pm »


BÀ BƯỚM

Ngày xưa, ở thôn Hòa An (phủ Tân Thành, An Giang) có một bá hộ, ông ăn ở rất nhân hậu. Gia đình hiếm con, chỉ có một người con gái. Nàng duyên dáng mặn mà, đã đến tuổi cập kê nhưng không chịu lấy chồng.

Nàng giống tính cha, dù là con gái bá hộ, song nàng sống chan hòa thân ái với bà con tá điền và thường hay giúp đỡ những người nghèo khó. Nàng rất yêu thích hoa, cây kiểng, hễ có giờ rảnh là nàng thơ thẩn trong vườn hoa trước nhà, vì vậy bà con thường gọi nàng là Bướm.

Một hôm, có một đoàn thương lái lỡ đường, ghé nhà xin một bữa cơm. Trong đó, có một thanh niên diện mạo khôi ngô, vạm vỡ, cốt cách oai phong như một vị tướng. Thấy đây không phải là đám lái buôn bình thường, ông bá hộ cho mời vào nhà hậu đãi cơm rượu tử tế và gọi nàng Bướm ra hầu rượu.

Cơm nước xong, chàng thanh niên ấy đứng lên cảm ơn và xin được hoàn lại tiền cơm. Ông bá hộ ngăn lại, đoạn bảo nàng Bướm lấy ra một túi bạc và nói:

- Theo chỗ lão xét đoán thì ngài không phải là lái buôn mà là tráng sĩ đang lo việc dân việc nước. Tráng sĩ đã dám hy sinh đời mình cho đại cuộc, há lại không cho lão góp phần mình vào việc chung hay sao. Nhân đây xin cho lão được góp phần nhỏ mọn - vừa nói ông vừa để túi bạc lên bàn - và còn một điều...

Sau một thoáng ngạc nhiên, người lái buôn trả lời:

- Quả thật cụ có đôi mắt tinh đời. Chúng tôi là nghĩa quân của ngài Thiên hộ... Tôi xin thay mặt nghĩa quân nhận số bạc và hết sức cảm ơn nghĩa cử hào hiệp của cụ.

- Chẳng hay quý danh tráng sĩ là chi?

- Tên tôi là Kiều, họ Nguyễn.

- Té ra tráng sĩ là ngài Đốc binh Kiều. Thật là vạn hạnh cho lão. Nghe tiếng tráng sĩ đã lâu, hôm nay lão mới được diện kiến. Bây giờ lão xin nói tiếp ý của lão. Số là lão chỉ có mỗi một mụn con gái đây, nhiều thanh niên trong vùng ngấp nghé nhưng nó chưa ưng đám nào. Xin tráng sĩ nhận làm thê thiếp, cho nó có dịp nâng khăn sửa túi bậc anh hùng.

- Thưa lão gia, tôi xin cảm ơn lòng tốt của lão gia một lần nữa. Còn về việc đó, cho tôi xin thất lễ vì tôi đã có hiền nội ở nhà. Hơn nữa, chốn lửa đạn có nữ nhi kề bên e bất tiện.

- Lão không nề hà con gái lão là vợ chánh hay vợ thứ, miễn sao nó được theo hầu hạ kẻ anh hùng là được. Còn chừng nào làm lễ thành thân, tùy tráng sĩ định liệu. Hôm nay coi như ngày đính ước, xin tất cả các vị có mặt ở đây vui lòng chứng giám cho.

Thấy không thể từ chối được, Đốc binh Kiều nhận lời rồi từ biệt lên đường.

Từ đó, nàng Bướm tự coi mình là gái đã có chồng. Ít lâu sau, được tin Đốc binh Kiều tử trận ở Gò Tháp, nàng không vật nài kêu khóc mà lặng lẽ chít khăn, lập bàn thờ chồng. Mãn tang dù tuổi còn đang độ thanh xuân nhưng nàng từ chối bước một bước nữa mà ở vậy thủ tiết với chồng cho đến lúc qua đời.

Tấm lòng nhân hậu và trung trinh tiết liệt của nàng được bà con ca ngợi, làm gương ở đời và con rạch chảy qua vườn nhà nàng được gọi là rạch Bà Bướm từ thuở đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:45:00 pm »


KẺ PHẢN BỘI

Quản Khanh tên thật là Phạm Văn Khanh, con ông Phạm Văn Giai, người thôn Mỹ Trà, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường. Thuở nhỏ chuộng học võ nghệ hơn văn chương chữ nghĩa. Khi trưởng thành, Khanh nhập ngũ, nhờ giỏi võ nên chẳng bao lâu Khanh được phong chức ban biện suất đội, nắm đội 1 của cơ đồn điền Tường Võ, một trong 6 đồn điền của Định Tường hồi ấy.

Sau khi giặc Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, chúng giải tán các đồn điền của triều đình. Hầu hết các lính đồn điền đều gia nhập lực lượng nghĩa quân. Phạm Văn Khanh dẫn lính đồn điền của mình gia nhập vào lực lượng nghĩa quân Đốc binh Kiều. Đến khi Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều hợp nhau xây dựng căn cứ Gò Tháp, thấy Phạm Văn Khanh là người địa phương am tường đường đi nước bước, quen biết nhiều nên Thiên hộ Dương giao nhiệm vụ vận lương, tiếp tế cho nghĩa quân. Lúc đầu, Khanh hết lòng phục vụ nghĩa quân. Lương thực vũ khí quyên góp được tập trung tại đồn Doi (vàm Cần Lố), rồi theo ngả sông Cần Lố, qua đường Gỗ, Trà Bông, đường Thét tới Ba Sao, Bàu Tiên, Động Cát... Khanh đưa vào đồn Ổ Bịp đến Gò Tháp.

Khanh được Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều rất tin cậy. Do thường xuyên ra vào vùng giặc đóng, Khanh bị giặc dụ dỗ mua chuộc, y đưa cả đội vận lương ra đầu hàng giặc nhưng phần lớn đều tìm cách trốn thoát về với nghĩa quân. Lúc đầu, giặc chưa tin y lắm. Sau nhờ có Ba Tường (Tôn Thọ Tường) nên Khanh được giặc cho chỉ huy đám lính làng ở thôn Mỹ Trà. Để được giặc tin cậy, y tập hợp một số tay sai khác như đội Mên, bá hộ Cư (Đinh Văn Cư) ra sức lùng sục, bắt bớ những người ủng hộ tiếp tế cho nghĩa quân. Thiên hộ Dương đã nhiều lần cho người ra khuyến cáo nhưng không có kết quả, đành hạ lệnh thủ tiêu y để giảm bớt thiệt hại cho nghĩa quân.

Qua theo dõi, nghĩa quân biết được Khanh có người vợ nhỏ ở tại chợ Câu Lãnh và y thường ngủ đêm tại đây. Vào một đêm trời hơi lạnh, Khanh khoác thêm cái áo bành tô trắng đến nhà vợ nhỏ. Đến khuya, nghĩa quân lẻn vào, nhằm người mặc áo trắng mà giết. Nhưng may mắn cho y là khi vào nhà, y cởi áo khoác ra mắc lên giá, một lúc sau y ra về mà nghĩa quân không hay. Khi đi ngủ, vợ nhỏ y lấy cái áo đó mặc vào nên bị nghĩa quân giết lầm. Từ đó y càng căm thù nghĩa quân và càng ra sức chống phá hoạt động của nghĩa quân.

Tháng 6 năm Ất Sửu (1865), Thiên hộ Dương cho nghĩa quân tấn công đồn Mỹ Trà. Khanh chỉ huy đám tay sai và bọn lính làng chống trả kịch liệt. Y bị nghĩa quân tóm được nhưng y gặp may nhờ đồng bọn cứu thoát. Sau trận này, y được giặc phong chức quản bộ đạo và được ân thưởng một mề đay bằng vàng có khắc mấy chữ quản bộ đạo Phạm Văn Khanh. Khanh lấy đó làm tự hào.

Tháng 10 năm đó, y vâng lệnh quan thầy, chỉ huy một cánh quân dẫn đường tấn công vào căn cứ Gò Tháp. Khanh ra lệnh sung công ghe cộ của dân chúng ở các làng Mỹ Trà, An Bình, Mỹ Thọ... rồi cột lòi tói (xích sắt) vào trâu bắt trâu kéo chở lính hành quân. Nhưng đến Động Cát nước quá cạn, trâu kéo không nổi phải trú quân lại. Giữa cảnh nắng cháy da, trên muỗi, dưới đỉa, lại bị nghĩa quân bắn tỉa nên chúng đành phải lui quân. Ghe cộ của dân mà chúng vứt bỏ tứ tung, không trả, chiếc mòn đáy, chiếc sạt be, gãy cong... không dùng được nữa.

Tháng 3 năm 1866, tên thủy sư đô đốc Bạc Má (tức De Lagrandière) từ Pháp sang Việt Nam, quyết tâm tiêu diệt căn cứ Tháp Mười. Giặc tập trung quân tấn công bằng 3 mũi. Biết Khanh am tường đường đi vào Đồng Tháp Mười, giặc cho y hướng dẫn cánh quân từ Cần Lố vào. Qua sự chỉ huy của Khanh, giặc lần lượt chiếm được đồn Sa Tiền, đồn Tiền, đồn Ổ Bịp rồi tổng hành dinh Gò Tháp sau khi nghĩa quân rút lui...

Do những thành tích đó, Phạm Văn Khanh chẳng những được chủ Tây thưởng mề đay mà còn được tặng một ngàn quan. Nhưng trời bất dung gian, mấy năm sau đó, Khanh bị quan phòng vệ của Thiên hộ Dương là Nguyễn Văn Biểu (tức Phòng Biểu) bắt chém tại đình Tân Yên (Tân An), Cao Lãnh. Mộ y được xây uy nghi giữa chợ Cao Lãnh, có cả bia công đức nhưng đến tháng 8 năm 1945, bia công đức bị dân chúng đục bỏ và ngôi mộ bị phóng uế...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:46:04 pm »


THÀ CHẾT CHỨ KHÔNG LÀM NÔ LỆ

Lúc Thiên hộ Dương về Tháp Mười lập căn cứ chống giặc Tây xâm lược, ông truyền lệnh khắp nơi, kêu gọi sĩ phu ra giúp nước.

Ông Đà và ông Dật lúc nhỏ cùng học một trường, hai nhà gần nhau, lớn lên cùng học một thầy và cùng đậu tú tài như nhau.

Thế mà ông Đà lại theo giặc, còn ông Dật lại gia nhập vào hàng ngũ nghĩa quân chống giặc dưới trướng ngài Thiên hộ Dương ở Đồng Tháp Mười.

Ông Dật được ngài Thiên hộ Dương phái ra Cao Lãnh chiêu mộ nghĩa dũng và nhân tiện do thám tình hình hoạt động của giặc do tên đội Coursy điều khiển. Ra vùng giặc chiếm, ông Dật dùng sự hiểu biết của mình giao thiệp cùng các nhà ái quốc và nhờ người giới thiệu cho ông những sĩ tử ẩn dật trong vùng, công việc đang tiến hành thì ông bị bắt.

Hay tin ông Dật bị bắt, ông Đà đến nói với tên Coursy cho ông đến khuyên dụ ông Dật quy hàng. Với đường lối mua chuộc hơn khủng bố, tên Coursy cho ông Đà trọn quyền hành động để có thể khuyến dụ ông Dật.

Chỗ giam ông Dật là một nơi đặc biệt tại nhà ông Thông Tri, có người phục dịch cơm nước, rượu trà. Ông Đà đến nơi giả vờ hối tiếc rằng ông không hay để cho ông Dật bị những ngày lao lung, buồn khổ.

Ông Dật mỉm cười đáp: Đã là chiến sĩ thì lao lung, gian khổ là sự thường, là phần thưởng danh dự, đâu phải là đáng buồn.

Vì chưa biết ông Đà theo giặc nên ông Dật hỏi ông Đà ở đây làm gì, ông Đà liền ngâm bài thơ vịnh cuộc đời mình:

      Lỡ làng chưa trọn phận làm trai,
      Tạm sống cho qua đoạn tháng ngày.
      Trái mắt cũng thôi đành ngậm miệng,
      Đau lòng chịu vậy đã nghiêng tai.
      Về Tào chi xá thân hèn mọn,
      Ở Hán còn bao kẻ trí tài.
      Này nước này nhà hai gánh nặng,
      Xốn xang lòng tớ có ai hay.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:47:46 pm »


Nghe ông Đà ngâm bài thơ, ông Dật hiểu mọi lẽ, bèn ngâm đáp lại:

      Tai ngơ sao được phận làm trai,
      Mấy thuở gây nên được những ngày.
      Thục nữ còn ra giành trách nhiệm,
      Tu mi sao để chịu nghiêng tai.
      Biết Tào nên chẳng ra phò trợ,
      Gặp Hán sao không quyết trổ tài?
      Sóng gió rồi đây trời bể lặng,
      Gìn lòng đâu phải gọi rằng hay.


Bài thơ của ông Dật làm cho ông Đà hơi hổ thẹn. Nhưng một bài thơ đâu đủ làm cho ông ta thức tỉnh.

Ngày tháng dần trôi qua, nhiều phen ông Đà khuyên ông Dật nên theo Tây để được no thân ấm cật nhưng cũng đã bị ông Dật mắng nhiều trận nên thân. Ông Đà căm tức gửi cho ông Dật bài thơ Vịnh con tôm:

      Ỷ mình lớn mắt với râu dài,
      Gan ruột nhà va nõ có đâu;
      Chim chít khoe khoang tài mũi nhọn,
      Sụt sùi núp lén chốn dòng sâu.
      Đánh hơi thấy xác mùi ra miệng,
      Nghe tiếng chài te cứt lộn đầu,
      Còn giọng múa men cơn gặp nước,
      Cực vì ăn chạ mắc xa câu.


Ý của ông Đà chê ông Dật núp lén đánh du kích theo ngài Thiên hộ Dương ở trong bưng sình, muỗi, đỉa, sao bằng ông Đà đàng hoàng đứng bên cạnh chủ Tây, không trốn chui, không sợ sệt.

Xem bài thơ ông Đà, ông Dật buồn cười cho rằng hạng người mãi quốc cầu vinh, quên dòng mất gốc. Ông liền cầm bút họa lại một bài:

      Loài ở lộn bùn cũng mộ râu (?)
      Ngo ngoe nó biết mốc chi đâu!
      Cong lưng cứ ỷ tài đâm bắn,
      Lố mắt không dò ngách cạn sâu.
      Ngoài ủ lom xom càng múa gọng,
      Trong thoi sùi sụt đít co đầu.
      Giỡn rồng xin chớ đừng quen thói,
      Một ngãi là xong mấy tát câu.


Viết xong, ông dặn viên tùy phái của ông Đà: Người đem thơ này về cho chủ của ngươi và nhớ nói ta không muốn chủ ngươi nghĩ đến ta, tốt hơn là nghĩ cách giúp lũ xâm lăng cho mau thăng chức, lên lương mà thôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:48:49 pm »


ÔNG PHÒNG BIỂU - NGƯỜI HỘ VỆ THIÊN HỘ DƯƠNG

Ông Nguyễn Văn Biểu gốc người làng Tân Phú, tổng Kiến Phong, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), là con thứ tám của một gia đình nông dân. Lúc nhỏ có theo học võ nghệ và chữ Nho.

Tương truyền ông có vóc người cao lớn khỏe mạnh, da đen, môi chì, tướng tá bậm trợn, trông rất dữ dằn, ăn rất khỏe, một lúc ăn bằng bốn, năm người bình thường.

Gặp lúc gia đình sa sút, ông phải sinh sống bằng cách làm mướn cho bà con trong làng, khi thì phát cỏ, móc củi tràm lụt; lúc thì chèo ghe, tát đìa, gánh cá...

Đến khi trưởng thành, ông cùng người anh thứ bảy là Nguyễn Văn Phuông theo người cậu về làng Mỹ Thọ (thuộc huyện Cao Lãnh) để kiếm việc làm.

Lúc ban đầu, ở làng Mỹ Thọ, ít có người biết rõ sức khỏe và sức ăn của ông. Một hôm, có người thuê ông và hai người nữa vào Đồng Tháp Mười phát cỏ 5 ngày.

Thấy người chủ mang theo gạo và thức ăn dành cho khoảng thời gian làm, ông bảo phần nào của ông cứ nấu cho ông ăn tại chỗ, khỏi mang theo. Thấy lạ, chủ nhà cũng chiều theo. Nấu nướng xong, ông điềm nhiên ngồi ăn một mạch hết phần ăn 5 ngày của mình rồi xuống xuồng bơi đi. Lẽ ra phải phát cỏ 5 ngày mới xong, đằng này có ông, nên chỉ 3 ngày là xong hết. Có một lần ông đi tát đìa, cá chở bằng xe trâu, vì trời sắp tối mọi người đều mệt mỏi nên tất cả đều ngồi trên xe chứ không đi bộ. Xe nặng bị sụp hố, gãy cốt. Nếu chờ sửa xe xong, cá sẽ sình hết nên mọi người chia nhau gánh cá, riêng mình ông gánh tới 5 giạ. Một lần khác, trên đường đi làm đồng về, gặp hai con trâu lộn nhau. Con yếu thua chạy, con khỏe đuổi theo con kia, thương tích máu me đầy mình. Mấy đứa trẻ sợ con trâu yếu sẽ chết nhưng không biết làm sao, chỉ có nước kêu la om sòm. Thấy vậy, ông liền phóng qua một con rạch nhỏ rộng chừng 5 thước, đuổi theo con trâu khỏe, nắm đuôi kéo lại, con vật đứng chết trân, không nhúc nhích được, chờ con trâu kia chạy xa, ông mới buông.

Người cậu của ông làm nghề đóng cối xay bán dạo. Trong một chuyến đi bán ở Mỹ Tho (Định Tường), do đường xa và thường hay bị nạn cướp bóc nên muốn ông theo vừa chèo ghe vừa bảo vệ tiền bạc. Lúc tới nơi trời đã xế chiều, hai người cho ghe ghé vào một cái ụ có lau sậy chung quanh kín gió để nấu cơm. Ông nghe đâu đây hình như có tiếng binh khí va chạm vào nhau và có tiếng la hét. Hỏi người cậu, mới biết được gần đây có một trường võ bị tập luyện cho số lính mới tuyển của tỉnh. Nghe vậy, ông liền xin phép cậu đến xem cho biết. Người cậu biết ông khỏe lại giỏi võ nghệ, sợ ông ỷ sức gây rắc rối lôi thôi nên dặn chỉ đến xem một chút rồi về nấu cơm.

Ông vâng lời đi một lát rồi trở về, người cậu hỏi:

- Mày đến đó, thấy người ta dạy võ ra làm sao?

- Thưa cậu, họ dạy đủ cả thập bát ban võ nghệ. Không biết các ông quản cơ, lãnh binh thì sao chứ mấy tay đội suất, cai cơ vung đao múa gươm chỉ để đuổi gà, đánh chó chớ làm gì được ai.

- Ấy chết, sao mày lại nói vậy, ở đây gần trường lắm, rủi có người nghe được thì sao?

Không ngờ lúc ấy có một viên đội suất, sau giờ dạy lính luyện tập, ra bờ sông chui vào đám lau tiểu tiện nghe được mấy lời trên, về báo lại các võ quan chỉ huy trường. Lập tức ông bị một viên đội suất và ba người lính xuống tận ghe điệu về trường, làm người cậu sợ điếng hồn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:49:21 pm »


Tại trường, các võ quan thấy ông có tướng tá cao lớn đường bệ nên không dám quát nạt, hỏi tại sao ông nói như vậy, ông bình tĩnh trả lời:

- Thưa, tôi thấy sao nói vậy với cậu tôi chớ có thêm bớt chi đâu!

- Thế nhà ngươi có tài nghệ gì mà dám khen chê như vậy?

- Thưa, lúc nhỏ, tôi có học võ vẽ vài ba đường côn đường quyền thôi.

- Thôi được, ta sẽ thử tài nhà ngươi.

Viên đội suất giỏi môn đánh quyền nhất trường được gọi ra. Ông rất bình tĩnh, mặc cho viên đội tấn công tới tấp, ông vừa tránh đòn vừa lùi dần, lùi dần, khi đến một con mương rộng, nhanh như chớp ông chộp lấy thắt lưng của viên đội ném anh ta xuống nước. Khi viên đội vừa chạm nước, ông đã phóng mình qua mương và chộp lấy viên đội như lúc nãy, ném qua bờ bên kia cùng với ông. Viên đội ngơ ngác, cứ tưởng mình sẽ bị nhận chìm xuống nước không ngờ mình mẩy khô ran. Tiếng vỗ tay vang lên như sấm.

Tiếp theo đó, một viên võ quan khác bước ra, tay cầm trường côn, ông cũng được cấp một cây. Viên võ quan này đã xem ông đánh quyền, biết được sức và tài của ông nên để thủ thắng ngay từ lúc đầu, ông ta múa côn ào ào tạo thành một bức tường che kín người và tấn công ông như vũ bão. Ông cũng tránh đòn và không chống trả, đợi đến lúc đối thủ thấm mệt và có sơ hở, ông đập mạnh một côn vào côn đối phương, làm côn gãy bắn ra mấy trượng, hai bàn tay của viên võ quan bị tét, máu tuôn dầm dề. Mọi người vỗ tay không tiếc lời khen ngợi.

Các quan không bắt tội mà còn mời ông ở lại trường để huấn luyện binh sĩ nhưng ông từ chối.

Thấy ông khỏe mạnh, làm lụng siêng năng, tính tình nhân hậu nên một gia đình khá giả có nhiều ruộng đất ở rạch Miễu cũng thuộc làng Mỹ Thọ kêu gả con gái cho. Từ đó, ông thôi đi làm mướn vì phải trông nom ruộng đất cho nhà vợ.

Tới mùa cấy, nhà vợ ông thường cấy một lần 5, 7 chục công cấy nên công việc rải mạ phải cần tới 4, 5 người mới kịp. Vào mùa cấy năm nọ, có một người bạn cờ tướng tâm đắc đến thăm ông mà ông thì có tật mê cờ. Vậy thì sao có thể vừa làm việc vừa hầu cờ với bạn? Ông liền kéo một chiếc ghe có sức chứa 100 giạ lúa vào ruộng, rồi đi đánh cờ, trong khi đó nhạc gia ông cùng mấy anh em vợ chất mạ cho đầy ghe. Sau đó, ông liền nghỉ đánh cờ một chút để kéo ghe mạ đi qua đi lại trong ruộng cho những người kia đứng trên ghe rải mạ cho ông cấy. Chỉ một loáng là hết một ghe mạ. Ông lại tiếp tục đánh cờ... cứ như thế cho đến lúc cấy xong.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 05:50:15 pm »


Khi được tin Thiên hộ Dương kéo quân về lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ để chống Pháp, ông liền từ giã vợ con lên đường gia nhập hàng ngũ nghĩa quân. Nhờ khỏe mạnh, giỏi võ, gan dạ và một lòng với nghĩa quân nên buổi đầu, ông được Thiên hộ Dương chọn làm chỉ huy đội phòng vệ. Vì thế mọi người lúc bấy giờ thường gọi ông là Phòng Biểu hay Phòng Tám (vì ông là người con thứ tám trong gia đình). Từ đó, tiếng tăm ông vang dội khắp vùng Cao Lãnh.

Trong suốt thời gian theo nghĩa quân, ông được Thiên hộ Dương trọng dụng, luôn luôn có mặt bên cạnh chủ tướng. Trải qua bao trận đụng độ đẫm máu với giặc, lúc nào ông cũng tỏ ra là một vị tướng có tài, dốc lòng hy sinh cho đại cuộc.

Qua chiến đấu, tài nghệ ông ngày một được tôi luyện, nhất là tài sử dụng cây thước sắt. Có một lần, trên đường công tác, nhân dân địa phương thỉnh ông dự đám giỗ. Tiệc xong, mọi người yêu cầu ông biểu diễn tài nghệ sử dụng cây thước sắt. Ông bảo đem lại cho ông 30 cây mía lao đường thật to, chắc và thẳng. Ông dùng dây bó gộp lại thật chặt, cột làm 3 đoạn như một khúc cây nguyên, quăng lên, rớt xuống nhiều lần không rơi ra được. Ông tìm chỗ dựng bó mía cho vững, đoạn ông lấy thước sắt ra. Đây là vũ khí ông thường dùng để đánh giặc, nó dài độ một thước rưỡi, bề bản độ bốn phân, bề dày chừng một phân. Ông cầm cây thước trên tay xuống tấn, lấy bộ, rồi huơ cây thước đánh một cái, cạnh bén của cây thước chặt đứt bó mía chẳng khác gì dùng con dao bén mà chặt từng cây một.

Một lần khác trên đường đi công cán, ông vào nhà ông Ba Keo ở làng Mỹ Trà xin một bụng cơm. Thấy ông Ba Kẹo đang xách nước đổ vào 4 cái lu mái đầm (loại lu lớn), ông nói:

- Ông làm ơn vô nhà lo cơm nước cho 5 người ăn, còn nước để tôi xách cho.

Ông Ba Kẹo vào nhà, bảo người nhà làm cơm. Một lát sau, ông Ba trở xuống sông định xách nước tiếp với ông cho kịp nước ròng. Ba Kẹo vô cùng ngạc nhiên thấy ông Phòng Biểu bưng nguyên cái lu nước xuống sông nhận đầy nước rồi bưng lên để y chỗ cũ.

Đến lúc ăn cơm, chỉ thấy có một mình ông chứ không phải năm người, nhưng ông ăn hết nồi cơm lớn dành cho năm người ăn. Đoán được sự ngạc nhiên của Ba Kẹo ông nói:

- Bình thường, tôi cũng ăn như mọi người, nhưng gặp lúc có công việc khẩn cấp phải đi ba bốn ngày, tôi thường ăn trừ hao trước để khỏi mang theo đồ ăn và đỡ phải nấu nướng mất công. Cơm thì có nói gì, chè đậu là thứ ăn dễ ngán bằng trời mà tôi còn ăn được tới... ba chục chén.

Ông Ba Kẹo nói:

- Từ trước đến nay, tôi thường nghe danh ông, hôm nay mới thấy tận mắt, quả là thiên hạ đồn không sai, sức khỏe và sức ăn của ông không kém gì Tiết Nhơn Quý đời Đường bên Tàu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM