Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:37:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương  (Đọc 25518 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:53:34 pm »


CON TRÂU RA TRẬN

Thời kỳ Thiên hộ Dương cứ hiểm Đồng Tháp Mười, miệt mài kháng chiến chống Pháp giành độc lập dân tộc, ngày ngày đều ôn văn, luyện võ. Ngoài ra, ông còn có một đường roi song đôi rất tài tình, đã có lần ông thao dượt cho các bậc tướng hạ kề cận xem, ai cũng thán phục.

Một hôm, sau bữa tiệc văn thơ, ông mời các tướng hạ cùng ông ra sân diễn võ (võ trường) để xem ông thao diễn võ nghệ.

Võ trường là một sân lớn, tràm và chưng bầu (trâm bầu) che kín chung quanh, ông Thiên hộ cởi áo ra, mấy ông kia cũng cởi theo, đoạn ông lấy cái roi bằng khúc mây lớn hơn cườm tay múa lên. Lúc đầu còn thấy bóng người, sau chỉ nghe tiếng vù vù khúc mây cong oặt oà như khúc cao su, bao bọc lấy thân ông trong nửa tiếng đồng hồ. Ông tới lui giáp vòng cái sân, đoạn tiến vào giữa sân, hai chân ông xê dịch chỉ một chỗ không sai chút nào, tiếng gió phát ra từ đường roi nghe vi vút ghê mình. Thật là một thế yếm bách mười phần lợi hại.

Ông thường nói thế đó khi nào bị bao vây giữa vòng thì thượng bảo kỳ thân, hạ bảo kỳ mã (tức là trên giữ mình, dưới che cho ngựa).

Cuối cùng ông ngừng roi thì một tiếng vút từ ngọn roi đập xuống đất, lẹ như chớp, ông đã lao mình nhảy lên đứng trên cái gò gần đó, cao chừng cả thước.

Những người đứng coi không nháy mắt, thỉnh thoảng lắc đầu lè lưỡi. Khi thấy ông nhảy lên cái gò cao, một tay chống nạnh, một tay cầm cây mây đứng oai vệ như vị thần, mọi người vỗ tay lấy làm khâm phục.

Khi ông nhảy xuống, ông Phòng Biểu đề nghị:

- Đường roi song đôi của ngài có thể cho chúng tôi thí nghiệm hôm nay được không?

- Nếu muốn biết sự lợi hại của đường song đôi, mấy ông hãy dắt một con trâu ra đây.

Ai nấy chưa hiểu thế nào nhưng một ông đã nhanh chân chạy ra phía sau, dắt ra một con trâu già, cặp sừng nhọn hoắt, mập khỏe mạnh.

Ông liền nói:

- Bây giờ tôi ra ngoài bờ kinh gần đây, tôi cưỡi trâu này ở dưới kinh leo lên bờ, mấy ông cứ đứng trên, tôi sẽ đội roi đi lên cho các ông coi.

Giao hẹn xong, ông Thủ Chiếu, Nhiêu Chấn và Thông Phụng lựa khí giới rồi cùng nhau ra bờ kinh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:53:55 pm »


Anh trăng soi mờ mờ, Thiên hộ Dương ngồi trên mình trâu cao nghều nghệu, tay cầm roi, oai phong lẫm liệt. Ra đến bờ kinh, ông thúc trâu nhảy đùng xuống nước, đoạn nắm vàm trâu thúc trâu quay đầu nhắm bờ kinh tiến lên.

Trên bờ, các ông Chiếu, Chấn, Phụng hờm sẵn khí giới khi trâu vừa vào gần mé kinh, ba ông nhất tề tấn công, tiếng binh khí va chạm nhau nghe rôm rốp.

Thiên hộ lui trâu lại, kẹp hai dây vàm trâu quấn vào hai ngón chân cái, rồi thúc trâu tiến lên bờ. Đêm đang yên lặng bỗng có kinh động, tiếng nước tung toé ào ào pha lẫn tiếng binh khí chạm rôm rốp làm cho toàn dinh binh sĩ ai nấy giật mình thức dậy.

Họ lấy khí giới cầm tay, rồi đổ xô chạy xuống phía bờ kinh, thấy hai ông Phòng Biểu, Nhiêu Bá đứng coi, còn ba ông Chấn, Chiếu, Phụng đánh với Thiên hộ Dương một trận ác liệt, oai hùng.

Đang lúc phân vân chưa hiểu tại sao thì thấy ông Chiếu đánh xuống một roi liên tiếp ba đòn làm Thiên hộ Dương thúc trâu lui lại và khen:

- Đòn đó khá lắm!

Ông vừa khen vừa cười, đoạn thúc trâu tiến lên nữa. Có lẽ lúc đầu, ông cho đối thủ đang lúc hăng sức dùng hết thần lực một hồi. Khi đoán chừng ba ông kia có vẻ hơi mệt, ông dùng tuyệt kỷ thế roi song đôi điều khiển cây roi nghe vùn vụt, hai chân thúc mạnh vào hông trâu cho tiến lên mãnh liệt. Thấy ông quyết đội roi tiến lên, ông Chấn, ông Phụng kêu ông Chiếu, phân công ông này nhắm đánh vào giò trâu cho ngã. Những đường roi của Thiên hộ Dương càng lúc càng biến ảo, linh động lạ thường. Ông vừa ngăn hai ngọn roi của ông Phụng và ông Chấn vừa đâm đót roi dùng thế hồi thử dọa đánh qua ông Chiếu, làm ông Chiếu thu roi trở lại, không dám đánh vào giò trâu, rồi lẹ như chớp nhoáng, Thiên hộ Dương thừa lúc ông Chiếu thu roi về còn lỡ bộ, ông tiếp theo một đường làm cho cây roi của ông Chiếu văng xa hơn mười thước, đoạn ông chuyển roi để đón hai đòn của ông Chấn và ông Phụng đánh tới, đồng thời thúc mạnh cho trâu vọt lên bờ.

Thấy Thiên hộ Dương thúc trâu lên bờ được rồi, ông Chấn và ông Phụng thu roi trở lại, nhảy lui lắc đầu nói: "Ngài quả thật là bậc kỳ tài trong thiên hạ".

Những người đứng coi chung quanh đều vỗ tay vang rền, tiếng khen nức nở. Dưới ánh trăng người ta thấy Thiên hộ Dương ở trần, ngực nổi nở tròn, hai tay gân guốc, cặp cây roi trên lưng trâu nhảy xuống, thật là một viên kiện tướng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:54:23 pm »


THIÊN HỘ DƯƠNG ĐẤU GƯƠM VỚI ĐÔ ĐỐC BẠC MÁ (TỨC DE LAGRANDIÈRE)

Sau khi quân Pháp triệt hạ được đại đồn Tháp Mười nhưng không bắt được Thiên hộ Dương, nên hoạt động của nghĩa quân còn làm chúng ăn ngủ không yên.

Đô đốc De Lagrandière (mà dân chúng thường gọi là thằng Tây Bạc Má) lùng sục khắp nơi quyết bắt cho được Thiên hộ Dương, linh hồn của nghĩa quân Đồng Tháp Mười. Y cho lính kín, mật thám, tay sai rình rập giăng đón khắp ngả. Một ngày nọ, Bạc Má được lính kín báo là Thiên hộ Dương và người hộ vệ đang ở trong nhà một người dân tại chợ Ba Sao. Lập tức Bạc Má cho quân tới bao vây.

Vây xong, y cho thông ngôn vào nhà mời Thiên hộ Dương ra đấu gươm với y, lấy danh dự một sĩ quan Pháp hứa không bắn một viên đạn nào hoặc ra lệnh cho lính bắn.

Không biết Thiên hộ Dương có tin lời hứa của Bạc Má hay không nhưng vẫn thấy ông bình tĩnh hiên ngang cùng người hộ vệ từ trong nhà phóng ra đấu gươm với Bạc Má. Lính được lệnh chỉ đứng từ xa mà xem. Sau hơn nửa giờ so tài bất phân thắng bại, Thiên hộ Dương thấy càng đấu lâu càng bất tiện, vì gươm của ông ngắn hơn gươm của Bạc Má, hơn nữa chúng đang khép kín vòng vây nên ông ngầm ra lệnh cho người hộ vệ rút lui, rồi lần đến một hàng rào cao, hét lên một tiếng chém mạnh một nhát cho đối phương lùi lại... rồi phóng trái khỏi hàng rào, ra sức chạy mất. Bạc Má giữ lời hứa không cho lính đuổi theo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:55:46 pm »


LAI LỊCH NGÀY GIỖ ÔNG THIÊN HỘ

Trong kho tàng ca dao Đồng Tháp có một số câu nói về ông Thiên hộ:

            Ai về Đồng Tháp xa xôi,
      Dừng chân tôi gởi đôi lời nhớ nhung.
            Ai về ngã sáu ấp Trung,
      Cho tôi gởi nhớ về trong Tháp Mười.
            Ai về Đồng Tháp mà coi,
      Mồ ông Thiên hộ trăng soi lạnh lùng.
            Bà con đùm đậu quanh vùng,
      Tháng Giêng ngày giỗ xin đừng có quên.


Qua mấy câu ca dao này ta đừng vội cho rằng, đã là người dân Đồng Tháp, nơi có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sao lại để phần mộ của người anh hùng Đồng Tháp đã xả thân vì độc lập dân tộc lại hoang lạnh như vậy. Thực ra, sau khi giặc Pháp bình định được Nam Kỳ, để tiêu diệt ý chí quật cường, tinh thần dân tộc của dân ta, chúng cấm ngặt không cho nhắc nhở, thờ phụng các vị anh hùng lãnh đạo nhân dân chống lại chúng. Do đó mới có cảnh: Mồ ông Thiên hộ trăng soi lạnh lùng.

Còn về ngày giỗ, hiện nay là ngày mùng 3 tháng Giêng âm lịch. Đây không phải là ngày ông từ trần. Ngày đó là ngày dân chúng trong vùng đặt ra để tưởng niệm người anh hùng đó thôi. Vì người ta chỉ biết là sau khi đại đồn Tháp Mười thất thủ, ông Thiên hộ ra miền Trung, rồi mất lúc nào không rõ.

Ngày giỗ hiện nay xuất phát từ một giai thoại sau:

Ngày xưa do Pháp cấm ngặt, dường như không ai dám làm giỗ ông Thiên hộ. Có một năm nọ, dân chúng trong vùng Gò Tháp được ăn một cái Tết thanh bình vì trúng mùa, có cá kho dưa giá, có bánh tét ngon lành.

Giữa đêm mùng 3 Tết, sau khi bánh tét trong trã đã chín, một anh nọ vớt ra, mang bánh đi biếu người cha trong xóm. Khi đi qua mộ ông Thiên hộ (Thật ra ngôi mộ ở Gò Tháp là ngôi mộ Đốc binh Kiều nhưng lúc bấy giờ nhiều người lầm tưởng là mộ Thiên hộ Dương.), trong ánh đuốc chập chờn, anh thấy một người đứng tuổi, đầu bịt khăn be, mang giày ống như các võ quan ngày xưa, từ chỗ ngôi mộ đi vào miếu thì biến mất.

Anh kể cho mọi người nghe. Họ cho rằng, đó là anh linh của ngài Thiên hộ Dương về. Với tấm lòng biết ơn một người đã dày công chống xâm lăng đi đối với niềm tôn kính, dân chúng lấy ngày mùng 3 tháng Giêng làm ngày giỗ ông. Nhưng có lẽ khi biết được ngôi mộ ở Gò Tháp không phải là mộ Thiên hộ Dương nên ngày nay người ta không còn giỗ ông vào ngày mùng 3 tháng Giêng nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:57:06 pm »


RẮN THẦN TRỢ LỰC THIÊN HỘ DƯƠNG

Tổng hành dinh của nghĩa quân Đồng Tháp dưới quyền chỉ huy của Thiên hộ Võ Duy Dương đặt tại Gò Tháp, từ ngoài vào chỉ có ba con đường mòn: một từ gò Bắc Chiêng (Mộc Hoá) đi xuống, một từ Cái Nứa (Cái Bè) đi tới và một từ rạch Cần Lố đi vào.

Tại vàm Cần Lố có một cái doi nằm chắn ngang hai ngả nước sông Cửu Long; một đổ vào sông Con chảy về Cao Lãnh, một chảy vào rạch Miễu. Nơi đây nghĩa quân Đồng Tháp xây một cái đồn khá kiên cố gọi là đồn Doi, án ngữ giặc Pháp tiến quân từ mặt sông Tiền.

Địa thế đồn này rất hiểm: cây cối um tùm với nhiều cây me cổ thụ (vì thế doi này còn gọi là doi Me), ba mặt là sông nước. Tại đây bố trí một khẩu đại bác mà dân chúng thường gọi là ông Cà Lăm. Nhờ thế mà sau 3 năm tử thủ, hai bộ tướng của Thiên hộ Dương là Huỳnh Lục, Huỳnh Thất đã cầm được quân giặc và bảo đảm con đường áp tải quan trọng nhất trong ba con đường vào tổng hành dinh mà tục gọi là đường gạo từ vàm Cần Lố đến Gò Tháp.

Việc áp tải có khi sử dụng bằng ghe từ rạch Trà Cú Thượng đến rạch Trà Cú Hạ, qua kinh Phước, tức vào vàm Xoài Hột, đêm nào cũng có đoàn ghe áp tải về tổng hành dinh. Từ các sông rạch này đêm đêm vang lên câu hát, tiếng hò đậm tình yêu nước:

      Non nước tan tành ngủ mãi sao?
      Vội vã dân làng thà dẹp cuốc
      Trong lòng đã rộn ánh binh đao.


Hoặc là:
      Đã nghe sắc lửa âm thầm dậy
      Tiếng gọi từ xa thúc giục hoài
      Há chịu làm thân trâu ngựa mãi
      Chim lồng sao hót tiếng bi ai?


Bằng đường bộ thì dùng xe trâu đi trên ba con đường mòn nói trên. Đồng Tháp Mười hồi đó toàn là rừng đế, tràm, sậy, cỏ, năn, lác, ngoài mấy cái nhà làm trạm nghỉ chân của các đoàn áp tải, không có một bóng nhà của dân chúng, tất cả đều tập trung trong Gò Tháp, chung quanh tổng hành dinh của Thiên hộ Dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:57:42 pm »


Thường thường hàng tuần, có ba chuyến vận tải về bằng ba ngả nhưng phần lớn lương thực, súng ống, đạn dược từ đồn Doi tiếp tế nhiều hơn. Mỗi lần đoàn tiếp tế đi thì vợ con và người thân của nghĩa quân tháp tùng theo để mua sắm.

Từ đồn Doi vào đến tổng hành dinh theo đường mòn đến một giồng gọi là giồng Cát, còn gọi là động Cát, nơi đó có một trạm dừng chân cho đoàn áp tải nghỉ ngơi và cũng làm trạm gác.

Một ngày kia, dân chúng ở vùng ngoài vô cất vài cái nhà bên cạnh trạm để ở. Trong đó có hai nhà sống sung túc có vẻ khác thường.

Thình lình, một đêm nọ, hai gia đình ấy, cùng một nghĩa quân của trạm với số người trong đoàn áp tải, sau bữa cơm chiều, ngủ qua một đêm tới sáng đều chết hết. Mãi tới khi xác gần sình mới có người báo cho Thiên hộ hay. Ông liền phái ông Thủ Chiếu là lương y về thuốc rắn đến điều tra.

Khám nghiệm các tử thi, ông chẳng tìm được nguyên do nào cả. Ông chỉ ước đoán họ chết vì thuốc độc. Bí mật của vụ án chưa được khám phá thì có tin mật báo từ đồn Doi cho Thiên hộ biết rằng đoàn áp tải đã nhiều lần trao tin tức cho người mang đến cho tay sai của Pháp ở Cao Lãnh là Phạm Văn Khanh về tình hình của nghĩa quân. Cùng lúc đó cũng có tin cho hay rằng hai gia đình cất nhà gần trạm gác ở động Cát là người của bọn Pháp tổ chức để nắm tình hình của nghĩa quân.

Thiên hộ Dương đích thân đến động Cát để quan sát và đã tìm ra được một cái hang rắn, miệng lớn bằng cái lu. Ông bèn ra lệnh cho ông hộ vệ Tân cũng là thầy rắn đại tài bắt đàn rắn ấy.

Ông tới xem qua hang rắn, trình rằng dưới hang có con rắn chúa sáu khoan, trước kia lớn lắm, nay còn bằng cây đũa ăn, dài trên một thước tây, ban đêm chỉ ló ra ngoài năm khoan để hứng hơi sương, chứ không bao giờ bò ra ngoài. Rắn không cắn ai nhưng ai quyết hại nó thì nó cắn, khi bị nó cắn thì không có thuốc gì cứu được.

Hang rắn được Thiên hộ để yên.

Sau đó ít lâu, vào một buổi chiều, đồn Doi bị giặc Pháp tấn công, quân ta chống trả quyết liệt, nhưng cuối cùng vì quân giặc quá mạnh, quân ta phải rút lui về động Cát, rồi về Gò Tháp.

Quân Pháp đuổi đến động Cát thì trời đã tối, bèn hạ trại nghỉ ngơi, định sáng sẽ tiến vào. Không ngờ đêm đó quân Pháp chết hơn chục mạng. Gặp phải sự chết chóc lạ thường mà chúng không hiểu lý do nên chúng đành rút trở ra, không dám tiến quân vào Gò Tháp. Trong lúc đó dân chúng có tin đồn rằng Thiên hộ Dương dùng đạo quân rắn thần để đẩy lùi quân giặc ra khỏi động Cát. Bọn Pháp nghe vậy lại càng hoang mang lo sợ nên bỏ luôn đồn Doi Me rút về Cao Lãnh.

Quân ta trở lại đây xây dựng đồn Doi lại như cũ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:58:00 pm »


Ít lâu sau, chúng lại tấn công đồn lần nữa, ta rút lui, chúng đuổi theo và cũng đến động Cát thì dừng chân lại để nghỉ đêm. Đêm ấy trong đám quân giặc, nhiều tên đang ngủ bỗng la lên rồi chết, chúng không dám ngủ phải thức canh gác suốt đêm. Đến sáng chúng phát giác ra được cái hang rắn. Tên chỉ huy ra lệnh đổ dầu đốt hang.

Trong lúc khói lửa mịt mù, bỗng có tiếng ào ào như giông gió nổi lên, từ phía rừng một con rắn hổ mây bề ngang tròn bằng miệng thúng tiến tới như vũ bão, lăn xả vào lửa há họng nhe răng, đập đuôi làm dữ.

Quân giặc hoảng hồn, bỏ chạy tán loạn, tên chỉ huy không can đảm gì hơn, vắt giò lên cổ mà chạy, càn bừa trong rừng lau sậy.

Trong lúc chúng tranh nhau chạy, Thiên hộ Dương ra lệnh ông Huấn Hiệu mang quân đến tấn công bất ngờ. Quân giặc không còn lòng dạ nào chiến đấu, lớp bị giết, lớp bị thương, lớp bị bắt. Nghĩa quân toàn thắng, thu được nhiều chiến lợi phẩm và cũng giết được tên chỉ huy. Bọn còn sống sót, càn rừng lướt bụi, chạy về đến đồn Doi, bị dân chúng nổi dậy bắt đem nộp cho ông Huấn Hiệu.

Sau trận đó thế lực nghĩa quân Đồng Tháp mạnh hẳn lên và trở lại chiếm đồn Doi như cũ.

Thế là đạo binh rắn đã giúp Thiên hộ Dương ba lần đánh lui được giặc Pháp. Nhưng biết đâu, đó chẳng phải là mưu lược của vị tướng lĩnh kháng chiến tài ba để tăng uy tín và thế lực cho nghĩa quân chiến đấu vì độc lập dân tộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:59:28 pm »


ĐẠO BINH TRÂU

Một ngày kia, Thiên hộ Dương cùng bộ tham mưu đang bàn việc đánh Tây, bỗng nghĩa quân vào báo: Có một người đàn ông dẫn một bầy trâu đến trước tổng hành dinh xin ra mắt ngài Thiên hộ. Thấy lạ, Thiên hộ Dương cho vào.

Trước mắt ông là một người đàn ông đứng tuổi, cao lớn, da ngăm đen, vai mang mõ, tay chống gậy.

Người ấy nói:

- Thưa ngài Thiên hộ, tôi là dân Đồng Tháp Mười đã ba đời làm nghề nuôi trâu cho mướn. Trâu rừng ở Đồng Tháp ta còn rất nhiều, tôi cứ việc vô bắt đem về dạy dỗ cho thuần rồi cho mướn. Trâu của tôi dùng vào việc gì cũng được: kéo cày, kéo xe, kéo cộ, kéo ghe, móc tràm lụt. Tôi có tới hàng trăm con. Nay tôi đến đây xin hiến kế cùng ngài để dùng trâu đánh Tây.

- Đánh bằng cách nào?

- Trâu của tôi không điều khiển bằng roi, bằng la hét, mà điều khiển bằng mõ. Tiện đây xin mời ngài ra phía trước tôi sẽ điều khiển để ngài xem.

Mọi người theo ông, tất cả đều ngạc nhiên. Trên một bãi cát rộng, hàng trăm con trâu đang nằm phủ phục, đầu hướng về tổng hành dinh. Người ấy không nói gì, lấy mõ ra gõ:

- Cốc! Bầy trâu đồng loạt đứng dậy.

- Cốc, cốc! Trâu quỳ xuống kêu nghé ngọ. Ông nói: Trâu chào các ngài đó!

- Cốc! Bầy trâu đứng lên.

- Cốc, cốc, cốc! Bầy trâu hùng hổ tiến về phía mọi người như nước vỡ bờ.

- Cốc! Bầy trâu dừng lại.

- Cốc cốc cốc! Cốc, cốc, cốc! Bầy trâu quay đầu lại và chạy thật nhanh, ngược chiều với lúc ban đầu.

- Cốc! Cốc cốc cốc! Bầy trâu đứng lại rồi rẽ phải, cứ như thế theo hiệu lệnh tiếng mõ, bầy trâu lúc rẽ trái, lúc tiến lên, lùi lại trước sự thán phục của Thiên hộ Dương và bộ tham mưu.

- Cốc, cốc, cốc! Cốc, cốc, cốc! Bầy trâu quay về chỗ cũ phủ phục như trước.

Mọi người vỗ tay khen ngợi.

Ông nói:

- Nay tôi hiến bầy trâu này cho ngài để góp sức vào việc đánh đuổi bọn Tây. Bầy trâu được thuần như vậy là do tôi khổ luyện bấy lâu nay. Xin ngài hãy nhận dùng vào việc lớn.

Thiên hộ Dương mừng rỡ và cảm kích. Ông mời người hiến trâu ở lại để bàn việc đánh Tây.

Mùa khô năm sau, giặc Pháp lại kéo vào tấn công. Ông được cử đi tiên phong để ngăn giặc cũng là làm kế nghi binh.

Ông điều đoàn trâu xung trận như thả trâu đi ăn thường ngày. Đầu đội nón lá, vai đeo mõ, tay cầm gậy; không vũ khí gì hết, ngất ngưởng trên lưng con trâu đầu đàn.

Bọn giặc thấy đàn trâu đông quá, sinh nghi, ông vẫn bình tĩnh chờ giặc đến gần.

Bỗng một tiếng cốc vang lên, rồi ba tiếng nữa tiếp theo. Bầy trâu như một bức tường ào ạt xông vào đội hình bọn giặc, chúng trở tay không kịp. Số bị trâu đạp, số bị chém, bọn còn lại chạy tạt sang hai bên.

Theo hiệu lệnh tiếng mõ, bầy trâu chia làm hai, xua giặc rơi vào ổ phục kích của nghĩa quân. Ông lúc ngồi trên mình trâu để quan sát trận địa, lúc chạy dưới đất để tránh đạn.

Khi bọn giặc sa vào trận địa mai phục, ông thu quân lại. Bọn giặc lớp sụp hầm chông, lớp rơi vào bãi địa lôi, lớp bị bắn tan tác tìm đường thoát lui.

Đợi đến lúc này, ông cho trâu rượt nà một lần nữa, bọn sống sót chạy bán sống bán chết không dám quay trở lại.

Trận này nghĩa quân thắng lớn, ông được Thiên hộ Dương phong là Ngưu quân Thượng tướng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 07:02:06 pm »


2. GIAI THOẠI VỀ CÁC THỦ LĨNH NGHĨA QUÂN ĐỒNG THÁP MƯỜI

ÔNG THỐNG LINH

Ông là người quê ở thôn Mỹ Ngãi, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường trước đây, nay thuộc phường 1, thị xã Cao Lãnh, sinh ra trong một gia đình nông dân, lễ giáo.

Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ rõ khí phách anh hùng. Trong những cuộc giao du, đàm luận với bạn bè, ông thường biểu lộ tính kiên cường, chính trực, hay bênh vực kẻ yếu, thế cô. Ông thường nói với bạn hữu: "Thà chết vinh còn hơn sống nhục". Năm 22 tuổi, ông lập gia đình, cuộc sống ấm êm nhưng không làm ông sao lãng việc trau dồi văn chương võ nghệ, chờ có cơ hội giúp dân giúp nước.

Sau khi triều đình ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhường 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho thực dân Pháp, chúng kéo quân đến vùng Cao Lãnh tiến hành công việc bình định chiếm đóng. Lập tức, ông đứng ra quy tụ thanh niên trai tráng trong vùng luyện tập võ nghệ trang bị vũ khí tự tạo... hình thành đội nghĩa dũng bí mật ngày đêm rình rập theo dõi hành tung của giặc, hễ có cơ hội là diệt chúng, làm cho giặc hoang mang ngay từ buổi đầu mới chiếm đóng. Nhưng với lực lượng nhỏ, vũ khí lại thô sơ, kết quả mang lại không như ông mong muốn.

Giữa năm 1863, Thiên hộ Võ Duy Dương từ Ba Giồng (Cai Lậy) mang nghĩa quân vào Đồng Tháp Mười xây dựng đồn lũy, lập căn cứ, truyền hịch chiêu mộ nghĩa sĩ, ông liền đem lực lượng của mình đặt dưới quyền chỉ huy của Thiên hộ và hiến nhiều kế sách cho việc xây dựng, phát triển lực lượng nghĩa quân. Trong giai đoạn xây dựng căn cứ, ông và Đốc binh Kiều là hai bộ tướng phụ tá đắc lực của Thiên hộ Dương trong việc chiêu mộ nghĩa quân và vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến. Vùng hoạt động của nghĩa quân Đồng Tháp Mười ngày một mở rộng, nghĩa quân chủ động tiến công giặc nhiều nơi. Nguyễn Văn Linh được giao thống lĩnh một đạo nghĩa quân phụ trách hoạt động vùng Cao Lãnh nên trong quân cũng như ngoài dân thường gọi ông là Thống Linh. Hoạt động của ông làm cho giặc Pháp trong vùng mất ăn mất ngủ nhưng chúng không sao đàn áp nổi. Để đối phó, chúng phải sử dụng hai tên tay sai khét tiếng: cai Lộc (tức Trần Bá Lộc, sau thăng lên tổng đốc) và nhất là quản Khanh (tức Phạm Văn Khanh), vốn là người làng Mỹ Trà có quen biết với Thống Linh trước đây và có thời gian y tham gia lực lượng nghĩa quân. Bọn này thường xuyên rình rập theo dõi hoạt động của ông.

Một hôm trên đường lo việc quân cơ, tiện đường ghé qua thăm gia đình, bị chúng theo dõi, phục kích ông và hai người bạn chiến đấu là Thống Bình và Thống Chiếu bị bắt tại thôn Phong Mỹ, đem về chợ Ông Chánh (tức chợ Mỹ Ngãi sau này) giam giữ với thâm ý dùng tình cảm gia đình để lung lạc lòng yêu nước của ông. Suốt ngày đêm, bọn Lộc - Khanh hết dụ dỗ đến hăm dọa nhưng không lay chuyển được ý chí sắt đá của người anh hùng. Cuối cùng, chúng ra tay hành quyết ông cùng với Thống Bình, Thống Chiếu tại chợ Mỹ Ngãi. Trước khi đầu lìa khỏi cổ, ông vẫn bình tĩnh ngâm hai câu thơ:

      "Rất tiếc thù chung chưa trả đặng,
      Sụt sùi chín suối dễ nào nguôi".


Khi đầu rời khỏi cổ, mắt ông vẫn trừng trừng nhìn bọn giặc làm nhiều tên khiếp vía.

Để tưởng nhớ công lao và khí phách của những anh hùng vì nước hy sinh, dân làng lập miếu thờ 3 ông, nhưng để che mắt giặc, ngôi miếu được ngụy tạo dưới hình thức một ngôi chùa thờ Quan đế Thánh quân và nhân dân vẫn quen gọi là chùa Ba Ông. Hậu thế có bài thơ truyền tụng:

      Lịch sử nêu gương cụ Thống Linh,
      Trung can vì nước đã quên mình.
      Giận người sống mất suy ra nhục,
      Thương kẻ thác còn nghĩ lại vinh,
      Bao tiếng ngọt ngon lòng chẳng núng.
      Lắm lần hăm dọa chí không kinh,
      Ngâm câu ly, hận cười người phản,
      Quốc vận từ đây phú hậu sinh.


Về ngày mất của ông, theo các tài liệu trước đây là ngày 7 tháng 7 năm 1862. Điều này e ra chưa chính xác. Vì ngày 7 tháng 7 là ngày giỗ, tức là theo âm lịch; còn năm là năm dương lịch (1862) thì lúc ấy, thực dân Pháp chưa chiếm đóng vùng Cao Lãnh. Đến năm 1863, thực dân Pháp mới chính thức đưa quân đến Cao Lãnh và bằng nghị định ngày 3 tháng 6 năm 1865, chúng mới quyết định thành lập khu thanh tra Cần Lố. Do đó, thời điểm Hy sinh của Nguyễn Văn Linh chỉ có thể xảy ra trong khoảng từ 1863 đến 1865. Năm hy sinh của Nguyễn Văn Linh có thể là năm 1865 (theo âm lịch là năm Ất Sửu), vì lúc bấy giờ chúng mới thiết lập bộ máy bình định, đàn áp nghĩa quân. Lấy ngày giỗ ông theo âm lịch (7-7 năm Ất Sửu) thì ngày hy sinh của ông theo dương lịch là ngày 28 tháng 8 năm 1865.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 07:02:56 pm »


LÃNH BINH MIÊN

Ông Trương Tấn Minh, tên tục là Miên, sinh tại làng An Bình (nay thuộc huyện Cao Lãnh) trong một gia đình khá giả, học thức rộng. Lúc trưởng thành, lập gia đình riêng, được cha mẹ hỗ trợ tiền bạc, chia cấp ruộng đất; ông chí thú làm ăn buôn bán, trở thành một trong những người giàu có trong làng, đời sống vợ con sung túc.

Lúc bấy giờ, thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ, binh đội triều đình chống không nổi, phải ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhường 3 tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho chúng. Năm đó, ông tròn 30 tuổi, thấy không thể tiếp tục sống yên vui khi giặc ngoại xâm giày xéo quê hương, ông cùng một người bạn chí thân đứng lên chiêu mộ nghĩa dũng, lấy của nhà ra nuôi quân, sắm sửa vũ khí, hoạt động chống Pháp ở vùng Cao Lãnh gây nhiều khó khăn cho giặc trong công cuộc bình định của chúng. Về sau do có sự chia rẽ trong nội bộ, ông rút lực lượng của mình vào Đồng Tháp Mười hợp tác chiến đấu với nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương. Được biết ông là người địa phương, lại là người có nhiều mưu lược, can đảm, khéo léo trong việc điều binh nên Thiên hộ Dương giao cho ông nhiều trọng trách. Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành nên ông được phong chức lãnh binh. Từ đó, nghĩa quân thường gọi ông là Lãnh binh Miên.

Tháng 4 năm 1866, thực dân Pháp mang đại quân triệt hạ căn cứ Tháp Mười. Khi nghĩa quân rút sang Cao Miên, trên đường đến Tây Ninh hợp tác với nghĩa quân Trương Quyền, ông được lệnh ở lại xây dựng cơ sở cho công cuộc chiến đấu sau này. Lực lượng của ông thường xuyên bị giặc bao vây, truy lùng ráo riết; song do am tường địa hình nên ông đã khéo léo chỉ huy nghĩa quân thoát vòng vây, rút sang Cao Miên ẩn náu chờ đợi thời cơ.

Tình hình càng lúc càng không thuận lợi cho nghĩa quân. Khi hay tin Thiên hộ Dương tử nạn ở Cần Giờ, nghĩa quân ngày một suy yếu... rồi tan rã, ông trở về nước, sống ẩn dật trong chùa Thanh Lương cổ tự ở quê nhà cho đến lúc qua đời. Thi hài ông được an táng vội vã, đơn sơ gần chùa để tránh sự theo dõi của giặc (nay thuộc ấp An Lạc, xã An Bình, huyện Cao Lãnh).

Trải bao năm tháng, đến nay mộ ông vẫn là một nấm đất thấp, thường bị cỏ, lúa che khuất.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM