Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:13:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương  (Đọc 25389 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:14:21 pm »


Tác giả Schreiner trong quyển Đại Nam quốc sử (Nguyễn Văn Nhàn dịch, Sài Gòn, 1905, trang 490) cũng đã tái xác nhận nguồn tin này: "Người ta nghe tin ông Võ Duy Dương mới chết chìm tại phía mũi Đinh, là nơi ông đánh với ba chiếc ghe tàu ô của đảng ăn cướp, quân ấy hạ hết người trên hai ghe".

Trong dân gian ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp còn lưu truyền câu chuyện "sau khi thất thủ ở Đồng Tháp Mười, Võ Duy Dương rút qua An Giang, Rạch Giá và bị cướp biển chặn đánh và chết ở cửa biển Rạch Giá" (địa điểm chết khác với 2 tài liệu trên).

Ngoài ra còn có 2 tư liệu cũng cho rằng ông Dương mất ngoài biển cả nhưng nguyên do tại vì bão tố làm cho đắm thuyền:

Đại Nam thực lục chính biên có đoạn chép: "Thiên hộ Dương ủy người về dâng sớ kín. Vua sai Vũ Trọng Bình hỏi kín, cốt phải hỏi đến chỗ cùng bàn cho ổn thỏa. Rồi được quan Thuận Khánh báo rằng Võ Duy Dương đi thuyền về tỉnh Bình Thuận đầu thú gặp gió nên bị đắm ở phận biển Thần Mẫu, sai đi tìm xác, đồ vật đem chôn, cấp cho mẹ hắn mỗi tháng 5 quan tiền, 1 phương gạo".

Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (Nhà xuất bản Phát Toàn, Sài Gòn, 1909, trang 67) của Nguyễn Liên Phong viết:

      Thoát thân về với ghe bầu,
      Khỏi nơi Cần Hải tiền xu đoán thoàn.
      Giấc nồng đêm dậy nhảy khan,
      Hồn chôn bụng cá ưng oan chẳng cần.


Như vậy, có thể gần như chắc chắn Võ Duy Dương đã bị một tên cướp biển có tên là Lý Sen sát hại. Nhưng hình ảnh một Ngũ linh Thiên hộ Võ Duy Dương trí dũng có thừa đã từng thoát hiểm biết bao lần giữa trùng vây của quân Pháp với đầy đủ khí giới, lại bị Lý Sen, một tên cướp bắt ném xuống biển Cần Giờ làm cho chúng ta đau xót suy nghĩ. Phải chăng tên cướp Lý Sen cũng là tay sai của thực dân Pháp hay cụ thể hơn là tay sai của tên Việt gian khét tiếng gian ác quỉ quyệt nhất ở Nam Kỳ lúc bấy giờ là Trần Bá Lộc. Trần Bá Lộc muốn qua bàn tay của Lý Sen để vừa có thể hạ sát được Võ Duy Dương - vừa hạ được uy danh của người anh hùng họ Võ đang được nhân dân Nam Kỳ mến mộ và hết lòng ủng hộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:15:36 pm »


Câu hỏi 15: Để khích lệ người anh hùng có chí lớn, dù biết Võ Duy Dương đã có vợ con, bá hộ Trần Văn Học vẫn cho cô con gái duy nhất là Trần Thị Vàng về làm thiếp. Cho biết về người thiếp này của Võ Duy Dương?
Trả lời:


Võ Duy Dương khi còn ở quê nhà Bình Định đã lấy bà Phạm Thị Liệu, người thôn Tráng Long cùng huyện (nay cũng thuộc xã Nhơn Tân) và đến năm 1855, bà Liệu hạ sinh người con trai đầu là Võ Duy Cung. Vài năm sau đó, bà sinh người con trai thứ hai Võ Duy Phụng trong lúc ông lên đường vào Nam. Võ Duy Phụng mất lúc 10 tuổi nên nay không ai nhớ ông sinh vào năm nào.

Khi mới vào Nam, Võ Duy Dương mộ dân lập đồn điền tại Ba Giồng. Tại đây ông đã qua lại với bá hộ Trần Văn Học (thông gia với Thủ khoa Huân) ở Bình Cách. Mến nghĩa, mộ tài của Ngũ linh Dương, vị bá hộ giàu có này đã đem cô con gái yêu duy nhất Trần Thị Vàng gả cho Võ Duy Dương làm thiếp.

Bá hộ Trần Văn Học rất giàu có, có 447 mẫu đất tốt, hàng năm hoa lợi thu gần 7.000 giạ lúa, lại cũng rất nhiệt tình yêu nước. Đại Nam thực lục chính biên, chép: "Dân hạt Định Tường (Trần Văn Ngọ, Nguyễn Văn Cẩm, Trần Văn Học, Từ Thi Đế...) tự nguyện đem quyên sắt sống (8.000 cân), tiền (2.700 quan), gạo (200 phương) để giúp quân nhu. Quan tỉnh đem việc ấy tâu lên, vua ban khen thưởng cho biển ngạch, áo lụa màu, ngân tiền có thứ bậc khác nhau". Ngoài ra, ông còn là thông gia với Thủ khoa Huân - người bạn chiến đấu của Võ Duy Dương - con trai Trần Văn Học là Trần Văn Thạnh cưới con gái Thủ khoa Huân là Nguyễn Thị Vạn. Có lẽ chính vì vậy mà Võ Duy Dương sau khi cưới Trần Thị Vàng làm thiếp đã được gia đình bên vợ ủng hộ lập đồn điền và sau này tiếp tục ủng hộ kháng chiến. Chính bá hộ Học bán ruộng đất mua súng đạn giúp nghĩa quân và dùng nhà mình làm bản doanh khởi nghĩa.

Hiện nay trong dân gian vùng Bình Cách còn lưu truyền câu chuyện "Ông Năm linh - bà Bảy Vàng”. Chuyện kể rằng: Ông Năm linh (tức ông Ngũ linh) người miền Trung, võ nghệ cao cường, tánh tình cương trực, hay làm việc nghĩa, giao du rộng... vào Nam lập nghiệp. Lúc Tây xâm lược Nam Kỳ, ông đứng ra chiêu mộ nghĩa dũng, quyên góp lúa gạo mua súng đạn đánh Tây, được nhiều người hưởng ứng. Bá hộ Học là điền chủ giàu có nhất nhì trong vùng chẳng những ủng hộ lúa gạo mà còn bán ruộng lấy tiền bạc mua súng đạn ủng hộ nghĩa quân. Để khích lệ người anh hùng có chí lớn, bá hộ Học đem "đứa con gái duy nhất là bà Bảy Vàng gả cho ông Năm linh". Từ khi về với ông Năm linh, dù là gái "đưa" chứ không phải là vợ chính thức có cưới hỏi nhưng bà Bảy Vàng chẳng những một lòng chung thủy thờ chồng mà còn giúp chồng nhiều việc trong công cuộc quốc sự. Khi ông Năm linh cùng nghĩa quân rút vào Đồng Tháp Mười, bà cũng theo chồng để lo việc tiếp tế lương thực nuôi quân. Đến khi đại đồn Tháp Mười thất thủ, ông Năm linh theo ghe bầu về Huế cầu viện, bà ở lại nuôi con chờ chồng. Khi ông Năm linh bị chết ngoài biển, bà buồn rầu mà mất.

Trần Thị Vàng đã có một con gái với Võ Duy Dương. Tại Trung tâm Lưu trữ II Thành phố Hồ Chí Minh có một tư liệu rất quan trọng (ký hiệu SL.4522) có nhiều điểm liên quan đến tiểu sử của Võ Duy Dương. Trong tập tư liệu này có một số giấy tờ liên quan đến người vợ thứ của Võ Duy Dương:

- Tờ bẩm của Trần Văn Học với nội dung viết bằng chữ Quốc ngữ (không đề ngày).

- Bản dịch ra tiếng Pháp tờ bẩm bằng chữ Quốc ngữ của Trần Văn Học (24-9-1869).

- Điện của giám đốc nội vụ (Đổng lý dinh Thượng thơ) gởi Tham biện Mỹ Tho số 9626 (26-9-1869).

- Điện tín của Tham biện Mỹ Tho gởi giám đốc nội vụ Sài Gòn (Đổng lý dinh Thượng thơ) số 5024 ngày 26 tháng 9 năm 1869 lúc 10 giờ 40 sáng.

- Tờ bẩm của Trần Văn Học xin cho con gái của Trần Thị Vàng, vợ thứ của Võ Duy Dương, ra đầu thú (bằng chữ Hán) ngày 10 tháng 10 năm Kỷ Tỵ (tức 14-11-1869).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:16:04 pm »


Xin trích ra đây nguyên văn tờ bẩm bằng chữ Quốc ngữ như sau:

"Bẩm lạy,

Quan lớn Lại bộ Thượng thơ xin thứ tội cho con gái chúng tôi. Tôi tên là Trần Văn Học ở làng Bình Cách, tổng Thạnh Quận, huyện Kiến Hòa, bây giờ thuộc về sở tham biện Mỹ Tho. Năm trước Thiên hộ Dương làm ngụy thì có bắt hiếp con gái tôi là Thị Vàng làm vợ lẽ có đẻ ra một đứa con gái, rồi Thiên hộ Dương trốn chết đi, thì con gái tôi cũng sợ mà trốn biệt đi. Đến hôm nay tôi ra đầu thú với quan tham biện mà về an nghiệp, rồi thì tôi mới kiếm được con gái tôi và nó ở với Thiên hộ Dương có sinh một đứa con gái thì tôi sợ có tội, nên tôi phải ra thú thật với quan lớn rộng dung cho phép mẹ con chúng nó được về an nghiệp thì tôi mới dám nuôi mẹ con chúng nó sum hiệp một nhà, chúng tôi sẽ cám ơn quan lớn khôn cùng.

Nay bẩm
Trần Văn Học".


Một chi tiết đáng lưu ý trong tờ bẩm của Trần Văn Học là: "Thiên hộ Dương làm ngụy có bắt hiếp con gái tôi là Thị Vàng...", sự thật như thế nào?

Có thể suy luận như sau: Đây là tờ bẩm xin cho con gái ra quy thuận, dĩ nhiên Trần Văn Học phải trình bày việc con gái ông (Trần Thị Vàng) trở thành vợ thứ của Võ Duy Dương là do sự ép buộc của Võ Duy Dương chứ không do sự ưng thuận của Trần Thị Vàng và ông. Nhưng một người giàu có như bá hộ Trần Văn Học, lại nhiệt tình yêu nước, quyết chống giặc ngoại xâm, rồi lại hết lòng ủng hộ khởi nghĩa của Võ Duy Dương mà không đồng ý cho con gái mình se duyên với người cầm đầu của phong trào hay sao?

Điều này giúp cho ta thấy được thực chất của việc Trần Thị Vàng, con gái của Trần Văn Học trở thành vợ thứ của Võ Duy Dương.

Theo lời kể của cụ Võ Quế (cụ Võ Quế, 85 tuổi (1989) cháu nội của Võ Duy Dương), trong thời gian ở Nam Kỳ Võ Duy Dương có lấy vợ hai và đã sinh được hai người con trai tên là Võ Châu và Võ Phong. Nhưng tên tuổi và quê quán bà này chưa xác nhận được. Sau khi Võ Duy Dương qua đời, có một người đàn bà ở trong Nam ra Huế tâu với triều đình về hoạt động chống Pháp và gia đình của Võ Duy Dương ở trong Nam. Sau đó bà tìm đến gia đình của Võ Duy Dương ở Nhơn Tân (An Nhơn, Bình Định) rồi sống chung với gia đình một thời gian và qua đời tại đây. Hiện nay mộ của bà này nằm chung trong khu mộ gia đình họ Võ dưới chân núi Thơm. Ngôi mộ này được gọi là mộ của bà Đồng Nai (vì bà này ở xứ Đồng Nai, tức miền Nam).

Như vậy, ở trong Nam Võ Duy Dương có tới hai vợ thứ: Bà thứ nhất là mẹ của Võ Châu và Võ Phong. Bà thứ hai là Trần Thị Vàng.

Nhưng cũng có khả năng hai bà này chỉ là một. Trần Văn Học khai Trần Thị Vàng có một đứa con gái với Võ Duy Dương phải chăng để đánh lừa thực dân Pháp cốt để đảm bảo sự an toàn cho Võ Châu và Võ Phong?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:43:42 pm »


Câu hỏi 16: Bên cạnh những nét chung của những cuộc kháng Pháp ở Nam Kỳ, cuộc kháng Pháp của Võ Duy Dương có mấy điểm đáng lưu ý, những điểm đáng lưu ý đó như thế nào?
Trả lời:


Võ Duy Dương là người có tài có đức, biết tập hợp quần chúng quanh mình để xây dựng lực lượng, tạo nên uy tín.

Xuất thân là một nông dân nghèo, ít học, ở quê hương có truyền thống trọng võ, Võ Duy Dương lưu lạc vào Nam tìm kế mưu sinh, tham gia công cuộc chiêu dân khai hoang. Khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, ông liền cùng người bạn chí thân là Nguyễn Hữu Huân quy tập lưu dân, dân mộ kéo về Gia Định ứng cứu.

So với các thủ lĩnh nghĩa quân cùng thời, Võ Duy Dương thiếu những điều kiện thuận lợi cơ bản khi bắt tay vào cuộc kháng chiến. Chúng ta đều biết rằng, dưới thời đại phong kiến, một người muốn ra hiệu triệu nhân dân làm một công việc gì lớn phải là người từng đỗ đạt hay ít ra phải là quan chức của triều đình hoặc thấp lắm cũng phải có điền sản. Trương Định vốn là con nhà quan, có điền sản, có đồn điền nhà với 500 dân mộ lại được phong chức phó quản cơ nên rất dễ dàng gây dựng một lực lượng để chống Pháp. Nguyễn Hữu Huân, con một lái buôn, lại đỗ thủ khoa thi hương có tiếng tăm nên rất thuận lợi khi hô hào nhân dân tham gia kháng chiến. Sau này, ở miền Trung, Phan Đình Phùng vốn là một gián quan cũ của triều đình, đã từng đỗ đình nguyên danh tiếng lẫy lừng nên rất dễ dàng cổ động một phong trào Cần Vương rộng lớn. Ở miền Bắc, Nguyễn Thiện Thuật cũng là người có chức phẩm khá cao trong triều, có danh vọng lớn trong nhân dân. Lịch sử cho thấy phần lớn những người cầm đầu phong trào đều là quan chức của triều đình hoặc văn hoặc võ nếu không thì cũng đã từng đỗ đạt mới có đủ tư cách để dân chúng nghe theo.

Khi bước vào công cuộc vận động quần chúng đứng lên đánh giặc Pháp, Võ Duy Dương thiếu các điều kiện cơ bản đó, lại phát động cuộc chiêu mộ nghĩa dũng không phải trên quê quán của mình, ông chỉ có mỗi một lợi thế là giỏi võ nghệ, ấy vậy mà ông đã quy tụ được hàng ngàn nghĩa dũng, ngoài ra còn liên kết với các nhà khoa bảng, quan chức của triều đình và các điền chủ, bá hộ giàu có, liên hệ với nhà vua qua các sứ giả, đã quần thảo với giặc suốt 7 năm trời từ Ba Giồng đến Đồng Tháp Mười và nhiều nơi khác trên đất Nam Kỳ.

Bước vào cuộc kháng Pháp, Võ Duy Dương đã thấy và nhanh chóng khắc phục mặt yếu của mình. Ông đã liên kết với Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, một khoa bảng tiếng tăm ở Ba Giồng, đang là giáo thụ phủ Kiến An (Định Tường) tạo ra tư cách nhất định đứng ra hiệu triệu nhân dân.

Với tư cách là một đầu mục nghĩa dũng, ông táo bạo vượt biển về kinh, hiến kế chống giặc ngoại xâm, được triều đình giữ lại dẹp giặc biển và giặc Đá Vách ở Quảng Ngãi. Dẹp được giặc, ông được phong Chánh bát phẩm Thiên hộ. Ông lại quay vào Nam với tư cách này: "Dù là một võ quan cấp thấp nhưng vẫn có thể hơn một anh nhà nghèo tha phương cầu thực". Lúc đầu, Võ Duy Dương dựa vào uy tín văn thân của Nguyễn Hữu Huân nhưng từng bước Võ Duy Dương đã tạo ra được cho mình cái uy thế quan triều đình, một điều kiện hết sức cần thiết để hiệu triệu dân chúng dưới xã hội phong kiến.

Đánh giặc cần phải có người, có của. Muốn có người, có của phải dựa vào dân. Hai hạng người mà Võ Duy Dương dựa vào là nông dân và điền chủ.

Vốn là một lưu dân đi khẩn hoang nên Võ Duy Dương rất gần gũi, gắn bó với nông dân, dân đồn điền. Tình cảm tâm tư của những người này đối với ruộng vườn, đất nước cũng là tình cảm tâm tư của Võ Duy Dương. Khắp nơi từ Ba Giồng đến Đồng Tháp Mười, có lẽ trong thời kỳ đi khẩn hoang Võ Duy Dương đều có lui tới. Bản thân Võ Duy Dương cũng có những khổ cực nhọc nhằn, lo toan như bao lưu dân khác. Trên cơ sở đó, trong quá trình chiêu mộ nghĩa dũng, dù Võ Duy Dương không có cái thế của Trương Định, không có cái thế của Phan Đình Phùng sau này nhưng ông đã nhanh chóng quy tụ được hàng ngàn người. Võ Duy Dương quả thật là một lãnh tụ nông dân khoác áo quan triều đình trong kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

Nhưng đại bộ phận nông dân đồn điền đều nghèo khổ, đóng góp của họ cho kháng chiến chủ yếu là sức người, xương máu. Đóng góp lúa gạo làm quân lương, tiền bạc mua vũ khí phải trông cậy vào đám phú hào, điền chủ. Điền chủ ở Nam Kỳ lúc bấy giờ có tới hàng ngàn mẫu ruộng là chuyện thường. Đời sống của họ gắn chặt với ruộng đất và tá điền để thu tô. Thực dân Pháp xâm lược sẽ cướp đất đai của họ, nên họ sẵn sàng bỏ lúa gạo ra nuôi quân, tung tiền bạc ra mua súng đạn. Võ Duy Dương đã triệt để khai thác tình hình này, với tư cách là quan Thiên hộ, Võ Duy Dương quan hệ, liên kết với nhiều điền chủ, chủ ruộng (ở Nam Kỳ có sự phân biệt rõ: điền chủ là chủ đất, không gọi là địa chủ. Còn chủ ruộng không phải là chủ đất mà là người đứng ra thuê ruộng của điền chủ rồi mướn người làm để thu hoa lợi) giàu có để có một nguồn tài lực nuôi quân. Một trong những điền chủ có quan hệ mật thiết với ông là bá hộ Trần Văn Học ở thôn Bình Cách, huyện Kiến Hòa (Định Tường), nơi Võ Duy Dương lập căn cứ. Ông này có tất cả là 447 mẫu ruộng (theo di chúc của Trần Văn Học lập năm 1876), hàng năm thu trên dưới 7.000 giạ lúa ruộng. Trần Văn Học đã từng ủng hộ lúa gạo nuôi quân hoặc bán lấy tiền mua súng đạn cho nghĩa quân, sau lại gả người con gái là Trần Thị Vàng cho Võ Duy Dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:44:46 pm »


So với các lãnh tụ nghĩa quân khác, trong suốt quá trình kháng chiến, Võ Duy Dương có mối liên hệ khá chặt chẽ với vua Tự Đức.

Trước khi ký Hòa ước Sài Gòn (1862), Tự Đức đã lần lượt phong chức chánh quản đạo rồi quản cơ cho Võ Duy Dương. Sau đó, Tự Đức còn phong cho Võ Duy Dương làm chánh đề đốc. Qua hai bản tấu trình của Võ Duy Dương gửi cho Tự Đức, chúng ta thấy nhiều lần Tự Đức cử các đoàn kinh phái đến liên hệ với Võ Duy Dương, ngay cả khi Võ Duy Dương sắp vào lập căn cứ ở Đồng Tháp Mười, Tự Đức đã cử một kinh phái và một thị vệ đến tiếp xúc với ông.

Qua mối quan hệ này, chúng ta thấy rõ chính sách hai mặt của triều đình, muốn dùng lực lượng kháng chiến để khôi phục 3 tỉnh miền Đông nhưng lại e ngại thực dân Pháp. Thái độ nhu nhược, thiếu cả quyết của Tự Đức cộng với tư tưởng chủ bại, cầu hòa của một số quan lại đã biến chủ trương nhân nhượng với Pháp lúc đầu dần dần trở thành chủ trương đầu hàng nhục nhã.

Xuất thân là một lưu dân, có chút ít công lao với triều đình và được ân thưởng hàm chánh bát phẩm thiên hộ. Võ Duy Dương vẫn không hề bị cái hàm ân đó lôi cuốn, không để nghĩa quân thần chi phối hoạt động của mình mà ông chiến đấu vì lợi ích của nhân dân. Trong cuộc hội kiến với Kinh phái Nguyễn Tánh vào tháng 6 năm 1864, ông đã nói: "Tôi bày tỏ với sứ giả của nhà vua là tôi sẽ rút lui vào Tháp Mười ẩn náu đợi thời cơ để quật trả một trận mới và nhắn rằng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của nhân dân".

Qua mỗi quan hệ này chúng ta càng thấy rõ cuộc chiến đấu của Võ Duy Dương nhằm đạt mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc và sự vẹn toàn lãnh thổ. Mục tiêu này càng lộ rõ khi ông chọn Đồng Tháp Mười làm căn cứ, mặc dù trong thâm tâm ông chưa hề có dấu hiệu phản kháng đối với ý thức hệ phong kiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:45:09 pm »


Võ Duy Dương là một lãnh tụ nghĩa quân có tầm nhìn chiến lược, là một nhà quân sự có tài.

Chọn Đồng Tháp Mười làm căn cứ là một quyết định sáng suốt và có tầm nhìn chiến lược của Võ Duy Dương. Trong thời kỳ đầu chống Pháp có hai căn cứ làm thực dân Pháp lo sợ nhất là Tân Hòa (Gò Công) và Tháp Mười. Tân Hòa có ưu thế là vùng đất trù phú, đông dân cư, tiếp tế dễ dàng nhưng địa hình trống trải không thuận lợi cho cuộc chiến tranh du kích. Lập căn cứ ở Tháp Mười là Võ Duy Dương đã tìm ra được một căn cứ khắc phục nhược điểm của Tân Hòa về mặt địa hình.

Đồng Tháp Mười rộng mênh mông, dày đặc tràm, lau sậy với muỗi, đỉa, rắn, rết, đường giao thông hầu như không có - một địa bàn lý tưởng cho loại hình du kích chiến, cho một lực lượng nhỏ yếu đương đầu với một lực lượng lớn mạnh. Do địa hình, nghĩa quân sáng tạo nhiều lối đánh phong phú, đa dạng. Với địa hình này, nghĩa quân ở thế công hay thế thủ đều thuận lợi. Từ đây nghĩa quân tập kích địch ở vùng tạm chiếm, rút về an toàn nhờ địa hình che giấu bảo vệ. Nếu bị tấn công, nghĩa quân lúc ẩn lúc hiện tiêu hao lực lượng địch, làm địch mệt mỏi phải rút lui. Mạng lưới sông rạch chằng chịt ở vùng ven Đồng Tháp Mười còn cho phép nghĩa quân tổ chức những trận đánh du kích linh hoạt với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thế hệ và sáng tạo thêm, tạo điều kiện cho họ giành ưu thế trước quân thù trên các trấp, các bưng đầy lau sậy, muỗi đỉa, rắn độc. Nên không lạ gì dù chiếm ưu thế về binh khí kỹ thuật và phương tiện chiến tranh nhưng chúng không sao kiểm soát được Đồng Tháp Mười. P. Vial đã cay cú: "Đồng Tháp Mười ở tây bắc Mỹ Tho, nơi trú ẩn của quân phiến loạn An Nam, dùng như là căn cứ bất khả xâm phạm mà từ đó kẻ thù có thể tiến hành hàng ngày nhiều cuộc tấn công vào các làng mạc của chúng ta mà ta không thể trừng trị được (P. Vial, Les premières années de la Cochinchine, quyển 1, trang 39).

Đồng Tháp Mười còn có lợi thế nữa vì nó là đầu cầu để liên lạc giữa miền Đông và miền Tây Nam Kỳ, giữa Campuchia và vùng Đông Nam Kỳ. Nhưng ngược lại, Đồng Tháp Mười cũng có một hạn chế rất lớn là không thể tự túc sản xuất lương thực, còn khâu tiếp tế từ bên ngoài cũng hết sức khó khăn vì không có đường giao thông. Võ Duy Dương đã thấy rõ điều này. Muốn cho căn cứ Tháp Mười phát huy tác dụng, khâu quan trọng phải giải quyết là nguồn tiếp tế. Khi còn hoạt động ở Ba Giồng, Võ Duy Dương nhận ra thế "phên dậu" nương tựa nhau giữa Ba Giồng và Tháp Mười. Ba Giồng là vùng đất khai thác lâu đời, trù phú, đông dân ở Định Tường sau đất Gò Công, sức người sức của dồi dào, nên trong các con đường tiếp tế (đường gạo) được hình thành từ căn cứ Tháp Mười đã có tới ba đường hướng ra Ba Giồng: Cái Nứa, Cai Lậy, Trấn Định (Tân Hiệp). Ngoài ra, để nhận sự tiếp tế từ các tỉnh miền Tây con đường gạo từ Cần Lố vào Tháp Mười cũng được hình thành. Trên các con đường gạo, các đội vận lương với phương tiện xuồng ghe, cộ trâu, lĩa trâu đã mang về cho nghĩa quân mọi vật dụng cần thiết cho sinh hoạt và chiến đấu từ sự đóng góp nhiệt tình của nhân dân khắp nơi ở Nam Kỳ.

Hơn thế nữa, từ năm 1864-1865 trở đi, khi căn cứ Giao Loan và Tân Hòa thất thủ, Đồng Tháp Mười là chiến khu lớn nhất đóng vai trò trung tâm của phong trào kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ và liên lạc của Đồng Tháp Mười cùng sự liên kết chặt chẽ giữa Võ Duy Dương và các lãnh tụ nghĩa quân khác trên vùng đất tạm chiếm là những yếu tố tạo ra sự quy tụ ấy. Trần Kỳ Phong - một thuộc tướng của Phan Trung, năm 1865 đã kéo quân từ Giao Loan về Đồng Tháp Mười. Đầu năm 1866, Bùi Quang Diệu (quản Là) thủ lĩnh nghĩa quân quan trọng nhất của vùng Cần Đước, Cần Giuộc cũng đã liên kết chặt chẽ với Võ Duy Dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:46:18 pm »


Một nét độc đáo nữa trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Võ Duy Dương mà ít thấy ở các cuộc kháng chiến khác, đó là sự hiện diện trong hàng ngũ nghĩa quân những người lính Tagals và lính Pháp.

Sự hiện diện này là kết quả của chính sách tuyên truyền giáo dục cảm hóa được những người lính trong hàng ngũ đối phương. Không phải dễ dàng gì làm cho những người lính này thấy được công cuộc chiến đấu của ta là chính nghĩa và họ đến đây xâm lược xứ sở ta là phi nghĩa, đồng thời lôi cuốn họ đứng vào hàng ngũ nghĩa quân đánh trả lại thực dân Pháp. Võ Duy Dương làm được điều này chứng tỏ ông đã triệt để khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù để đẩy mạnh "công tác địch vận" có kết quả.

Trong báo cáo gửi vua Tự Đức của Võ Duy Dương có ghi rõ: "Quân đội của chúng tôi kéo đến Chinh Hầm, đang chiếm một điểm cao, từ địa thế này chúng tôi nã nhiều quả pháo tiêu diệt một số lớn quân Pháp, xác chúng rải rác trên trận địa, số tử vong vượt quá 150, chúng ta bắt được tù binh 3 người Pháp, 7 người Ma Ní, họ chịu đầu hàng và bằng lòng theo chúng tôi. Họ có sẵn súng và quân trang. Họ lại ghét bọn kia và muốn ra trận để trả thù".

Còn trong cuốn Lịch sử cận đại Việt Nam (Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, tập 1, Nxb Giáo dục II, 1960) cũng có ghi: "Bệnh hoạn, chết chóc bất ngờ thường xuyên đe dọa mạng sống của lính viễn chinh Pháp làm cho tinh thần chiến đấu của chúng ngày một suy sụp, nhiều lính Tagals (người Philippin), lính ngụy và cả lính Pháp đào ngũ chạy sang phía nghĩa quân, bán nhiều súng đạn cho ta".


Còn một điểm nữa cũng khá nổi bật trong cuộc kháng chiến của Võ Duy Dương, đó là sự liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia

Trong thời gian 1863-1864, khi Nguyễn Hữu Huân quyên góp tiến bạc ở vùng An Giang, Võ Duy Dương hành quân lưu động, ông đã liên kết với Achaxoa, một thủ lãnh nghĩa quân người Khơ Me.

Về sau Võ Duy Dương còn cùng Trương Quyền liên minh với một thủ lãnh nghĩa quân Khơ Me khác là Poucombo. Sự liên minh chiến đấu này trước mắt chỉ là sự đoàn kết nương tựa vào nhau của hai lực lượng yếu nhằm chống lại một kẻ thù chung mạnh hơn. Nhưng thực ra, nó còn bao hàm ý nghĩa sự liên minh giữa hai dân tộc, từ lâu đã có truyền thống giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tồn tại; sự thịnh suy, còn mất của nước này, dân tộc này nhất định sẽ ảnh hưởng đến dân tộc kia, nước kia.

Các đặc trưng nêu trên cho thấy rõ ràng Võ Duy Dương chẳng những là một thủ lĩnh nghĩa quân có quyết tâm chống giặc cao độ, có tài năng quân sự mà còn là một lãnh tụ kháng chiến có năng khiếu về tổ chức và chính trị, có tầm nhìn chiến lược sâu rộng và đặc biệt rất nhạy bén trước mọi thay đổi của tình thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:51:09 pm »


PHỤ LỤC
1. NHỮNG GIAI THOẠI, TRUYỀN THUYẾT VỀ VÕ DUY DƯƠNG

THIÊN HỘ DƯƠNG DÀN XẾP MỐI BẤT HÒA NỘI BỘ

Thuộc bộ tham mưu của ngài Thiên hộ có các ông Thủ Chiếu, Phòng Biểu, Nhiêu Chấn, Nhiêu Bá và Thông Phụng. Đây là những ông nếu không là bậc túc trí thâm nho thì cũng là tay võ nghệ cao cường, có ông đã từng là quan lại của triều đình trước đây.

Khi cuộc kháng chiến bắt đầu, các ông lần hồi quy tụ về cộng tác với ngài Thiên hộ để mưu đồ đại nghĩa. Tuy cùng là bậc khoa cử xuất thân nhưng tài có cao có thấp, trong đó có ông Thông Phụng là kém hơn hết.

Song cái hơn bù cái kém, ông Thông Phụng rất giỏi võ nghệ, lại cộng tác đắc lực nên được ngài Thiên hộ yêu mến kính nể. Những việc cơ mật về quân sự Thiên hộ thường bàn riêng với Thông Phụng. Vì thế ông Phòng Biểu và Nhiêu Bá ganh tỵ, thường tỏ thái độ bất mãn cho ông Nhiêu Chấn và Thủ Chiêu biết.

Việc này thấu đến tai ngài Thiên hộ, ngài quyết định đánh tan mỗi bất hòa. Nhân hôm đánh lui được giặc Pháp ra khỏi Động Cát, ngài mở tiệc khao quân long trọng. Ngài cho mời cả năm ông đến phòng riêng đàm đạo.

Rượu nửa tuần, ngài hỏi ông Thông Phụng:

- Nghe nói quan cơ mật biết đàn và đàn hay lắm phải không?

Tình thật, ông Thông Phụng thưa:

- Thưa ngài, tôi có biết nhưng chỉ chuyên một bản thôi.

- Bản gì?

- Thưa bản Trường tương tư.

Ông Nhiêu Bá bèn xen vào mỉa mai:

- Bản đàn đó thuộc về loại Trịnh vệ chi phong thứ bản dâm dật.

Câu nói cố ý của ông Nhiêu Bá làm ông Thông Phụng đỏ mặt.

Tình trạng đến lúc gay cấn, ngài Thiên hộ liền rót hai ly rượu trao cho ông Phụng và ông Bá mỗi người một ly rồi nói:

- Hôm nay nhân ngày vui thắng giặc, tôi xin kể một chuyện cổ tích Tàu để quý quan nghe chơi cho vui. Chuyện như thế này:

Ở thời Đông Chu liệt quốc, thất quốc tranh hùng, nước Tần mạnh nhất. Nghe tin nước Triệu có viên ngọc bích quý lắm, Tần Vương đưa thư xin đổi 15 thành. Triệu Vương được thư, liền nhóm đại thần là thượng tướng Liêm Pha bàn nghị nhưng e bị Tần lừa, ngọc mất mà thành không được, khước từ thì lại sợ Tần giận, gây việc binh đao. Các đại thần bàn luận lăng xăng, phân vân bất nhất.

Sau cùng, quan đại phu là Lạn Tương Như đứng ra xin mang ngọc sang Tần, tâu rằng: Nếu Triệu được thành thì tôi để ngọc bích lại Tần, bằng không, tôi xin giữ hoàn toàn được viên ngọc đem về Triệu.

Qua đến nơi, Tương Như trình ngọc cho Tần xem. Lòng tham vua Tần dấy động, muốn chiếm lấy ngọc mà không chịu mất thành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:51:45 pm »


Biết được dã tâm của Tần Vương, Lạn Tương Như sinh một kế, đến trước mặt vua tâu: "Viên ngọc ấy có tì vết, tôi xin chỉ cho Đại Vương xem".

Vua sai tả hữu đem ngọc bích giao cho Tương Như. Lấy được viên ngọc rồi, Tương Như lùi ra mấy bước, đứng tựa vào cột điện, quát hỏi Tần Vương:

- Đại Vương thư cho chúa tôi đem ngọc bích qua đây đổi lấy thành, sao Đại Vương định cướp luôn? Nếu Đại Vương muốn bắt tôi mà cướp ngọc thì cái đầu tôi đây xin cùng ngọc bích đập nát vào cây cột, thà chết chớ không để Tần đoạt ngọc vậy.

Tần Vương tiếc ngọc chịu đổi thành, chấp nhận điều kiện của Tương Như là trai giới năm ngày để nhận ngọc.

Tương Như biết vua Tần dối trá, đêm ấy sai kẻ tâm phúc mang ngọc về Triệu, sáng ra thì sự đã rồi.

Chừng Tương Như về nước, Triệu Vương ban thưởng rất hậu. Lần sau Tương Như bảo vệ Triệu Vương hội kiến với Tần Vương được an toàn và trọn gìn quốc thể. Triệu Vương càng kính trọng, phong Tương Như làm Thượng đại phu, trên Liêm Pha một bực. Vì thế mà Liêm Pha oán ghét, dọa rằng nếu gặp Tương Như tất phải giết chết. Tương Như nghe vậy, mỗi khi gặp buổi công triều liền cáo bệnh không đi, tránh cùng Liêm Pha gặp mặt.

Một hôm hai người cùng có việc ra ngoài, Tương Như trông thấy toán lính tiền đạo của Liêm Pha vội sai tên phu xe đánh xe tránh vào trong ngõ, đợi cho Liêm Pha qua rồi mới ra. Bọn xá nhân chê Tương Như hèn nhát, toan bỏ đi.

Tương Như nhóm tất cả lại, hỏi:

- Các người xem Tần mạnh hay Lục quốc mạnh.

- Tần mạnh.

Tương Như lại hỏi:

- Liêm tướng quân mạnh hay Tần mạnh?

- Liêm Pha sao sánh với Tần được!

Tương Như bèn giải thích:

- Ta đã không sợ Tần thì đâu có sợ một Liêm tướng quân! Sở dĩ Tần không dám đánh Triệu là e có hai người chúng ta. Nay hai con hổ cùng đánh nhau, thề không cùng sống, Tần tất thừa cơ đánh Triệu. Nên ta coi việc nước làm trọng mà việc nhà làm khinh vậy!

Một ít lâu sau, bọn xá nhân của Lạn Tương Như đi ra quán xá lại gặp bọn xá nhân của Liêm Pha và cùng nói cho nhau nghe duyên cớ tránh mặt của Lạn Tương Như rồi bảo nhau noi gương chủ tướng. Bọn xá nhân Liêm Pha về thuật lại câu chuyện ấy cho chủ tướng rõ.

Sau khi biết được chủ tâm cao thượng của Lạn Tương Như vì nước mà phải tránh mặt mình, không sợ thiên hạ cười chê là hèn nhát, Liêm Pha hối hận khôn cùng liền chạy đến tướng phủ họ Lạn ôm lấy Tương Như òa khóc mà tạ lỗi khiến Tương Như cảm động quá cũng ôm lấy Liêm Pha mà khóc.

Từ đó hai ông coi nhau như anh em ruột thịt, dốc lòng chung lo việc nước. Nước Tần thấy thế không dám đánh Triệu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 06:52:54 pm »


Nghe xong, ông Nhiêu Bá hối hận và thẹn thầm. Thiên hộ đoán được tâm trạng của người nghe, ngài bèn nói:

- Đêm nay trời trong trăng tỏ, thôi các ông hãy ra đề tài làm mấy bài thơ thưởng nguyệt.

Đoạn ngài giao cho ông Phòng Biểu ra đề. Biết hai ông Phụng và Bá có xích mích nhau, ông Phòng Biểu lấy sự tích Quách Tử Nghi đời Hán làm đầu đề.

Nguyên vua Đại Tôn gả con gái cho con Quách Tử Nghi là Quách Ái. Ỷ mình là con vua, cô dâu không chịu làm tròn bổn phận tứ đức tam tòng trong gia đình nên bị Quách Ái đuổi về và mắng:

- Mày đừng ỷ cha mày là vua, chớ cha tao khinh ngôi vua không thèm làm!

Câu chuyện gia đình xảy ra như vậy, chừng Quách Tử Nghi hay đặng, đến xin lỗi vua Đại Tôn.

Đề ra đã xong, ngài Thiên hộ bảo ông Nhiêu Bá làm trước, rồi ông Thông Phụng họa lại. Được lệnh, ông Nhiêu Bá cất bút đề:

      Ngai vàng cất mão dám tâu qua
      Lỗi ở con làm tội đến cha?
      Trẻ dại chẳng kiêng bề lớn bé,
      Già cam chịu lỗi phận sui gia.
      Cháy da chưa đủ đền ơn nước,
      Dại miệng khôn kiêng lỗi việc nhà.
      Cái nghĩa quân thần là đạo trọng.
      Muôn ơn rộng lượng giết cùng tha.


Ông Nhiêu Bá làm xong đọc lên, mọi người đều vỗ tay khen là tuyệt bút.

Đến phiên ông Thông Phụng, ông liền cầm bút họa:

      Thần vương nghĩ lại chuyện hôm qua,
      Lỗi ở con làm há trách cha!
      Dại miệng khoe khoang tài chú rể,
      Nghiêng tai giả điếc phận ông già.
      Người khôn ngõ đặng đền giềng nước,
      Đứa dại xui cho rối đạo nhà.
      Khó nhọc dễ quên công mấy thuở,
      Quân thần đạo trọng trẫm ban tha!


Cử tọa cũng khen bài thơ của ông Thông Phụng thật hay, tỏ rõ sự tha thứ về sự tranh chấp của hai ông từ trước tới giờ hiểu lầm nhau.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM