Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:03:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương  (Đọc 25517 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 08:39:39 am »


Hầu hết các cửa sông lớn, trước các đồn lũy, tàu địch đi lại dễ dàng, nghĩa quân đều phát động dân binh đắp cản bằng vật liệu tại chỗ như tre, tràm, dừa... Quy mô nhất là hệ thống cản trên sông Vàm Cỏ Tây từ trên phía Bắc Chiêng đổ xuống cho tới vùng sông Xoài, Bến Kè...

Đây là loại hình phòng thủ rất hiệu quả, Pháp không thể phát huy hết thế mạnh của mình là thủy quân, khi các thủy đạo quan trọng xâm nhập vào Đồng Tháp Mười đã bị đóng kín. Pháp đã huy động nhân dân phá cản, đem tàu tới cột xích sắt kéo cho bung ra. Mỗi cản khai thông phải mất vài ngày. Xong cản này lại gặp cản khác...

Chiếc cầu khỉ, hầm chông, ong vò vẽ, ong lỗ, một trận đốt đồng... từ Quản Oai, Hầm Vồ, Bằng Lăng, Mỹ Thạnh, Động Cát, Mộc Hóa đều có thể trở thành tai vạ đối với Pháp. Đi lẻ thì bị bắn tỉa, tập trung đông quân thì bị tập kích, ở trong nhà, đình, chùa bị phóng hỏa. Đỉa, muỗi, rắn, rết, sình lầy, nắng gió,... dường như cũng tiếp sức với nghĩa quân làm tiêu hao sinh lực Pháp.

Nghĩa quân đã dùng nhiều cách đánh phù hợp với địa hình Đồng Tháp Mười như phục kích trên đường mòn bất thần nổ súng, nếu Pháp nhảy sang một bên chống trả, thì lại vấp phải trấp (trên cỏ dưới sình), càng vùng vẫy càng lún sâu, nghĩa quân từ dưới trấp đội lục bình lên đánh hoặc nhử chúng vào sâu bên trong rồi đồng loạt đốt đồng nổ súng. Lửa cháy ngùn ngụt, khói bay mù mịt bốn phía, phút chốc bị rơi vào biển lửa mênh mông, Pháp hoảng sợ vứt bỏ súng ống mà chạy (ngày nay, đi khắp trong Đồng Tháp Mười, từ Cái Bè, Cai Lậy đến Gò Tháp, Mộc Hóa... đâu đâu chúng ta cũng được nghe các bậc kỳ lão kể chuyện Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều "Cấm cỏ 3 năm" đốt đồng đánh giặc).

Võ Duy Dương đã tận dụng được những khả năng của nhân lực, vật lực Đồng Tháp Mười để chống Pháp và đã đạt được những kết quả bất ngờ, để lại cho đời sau một bài học về lối đánh du kích xuất quỷ nhập thần.

Paulin Vial tiết lộ: "Người An Nam với vũ khí thô sơ chống với súng carbine, họ cứ việc nhào vô và đánh với một nghị lực mù quáng, chứng tỏ rằng họ can đảm và quyết tâm một cách phi thường..." (P.Vial, Les premières années de la Cochinchine, quyển 1, Paris, 1874, trang 189 - 201).

Trong một báo cáo gởi về Pháp ngày 14 tháng 1 năm 1863, Bonard đã nhận xét: "Cuộc khởi nghĩa là thường trực, nơi nào nó củng bị chặn lại nhưng không nơi nào khởi nghĩa bị đánh tan, vì ta không đủ phương tiện".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 08:39:55 am »


Võ Duy Dương còn khai thác đúng mức khả năng chiến đấu của những người lính Tagals, lính Pháp đang ở trong hàng ngũ mình. Vốn sẵn tinh thần yêu chuộng tự do, hòa bình chính nghĩa, lại được Võ Duy Dương cùng các thuộc tướng đối xử rất khoan dung, tin cẩn, các chiến sĩ Tây phương và Bắc Phi này đã trở thành những viên tham mưu đắc lực trong việc tổ chức lực lượng, luyện tập quân sự và sử dụng binh khí. Ngoài ra, họ còn xung phong đi đầu trong những cuộc đánh nghi trang. Các chiến sĩ Tây phương này đã giả dạng làm sĩ quan Pháp dẫn theo một số nghĩa quân ăn mặc như lính tập đi tuần để xuất kỳ bất ý đột nhập vào đồn bót bắt sống lính, đoạt hết vũ khí, lương thực. Xong đặt chất nổ sẵn chờ tốp khác tới giật sập đồn.

Có nơi, các chiến sĩ để lại truyền đơn hoặc ghi chữ trên vách bằng tiếng Pháp kêu gọi lính Pháp không nên phục vụ cho những kẻ xâm lược, phải sớm bỏ hàng ngũ về với chiến khu hoặc bỏ trốn qua Cao Miên, qua Xiêm tìm đường về Pháp.

Do đó, Võ Duy Dương đã lôi kéo được nhiều lính Pháp và Tagal về với ông, kể cả những người Việt trước kia lầm đường theo giặc.

Lối đánh du kích và đánh nghi trang dù tinh vi mấy cũng chỉ hiệu quả khi phòng ngự và đánh lẻ tẻ mà thôi. Mục tiêu chính của nghĩa quân là phải nhổ hết các đồn bót của Pháp vây quanh Đồng Tháp Mười, đánh cho chúng từ bỏ ý chí xâm lược, trả lại 3 tỉnh miền Đông, xóa đi hiệp ước nhục nhã năm Nhâm Tuất (1862).

Đầu năm 1865, khí thế đánh du kích mở rộng đều khắp, nghĩa quân bắt đầu dồn lực lượng đánh kỳ tập. Đáng nói nhất là những trận tấn công Mỹ Trà, rồi Cái Bè, Mỹ Quý, Thủ Thừa...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 08:40:24 am »


NHỮNG ĐỢT TẤN CÔNG MỸ TRÀ CỦA NGHĨA QUÂN ĐỒNG THÁP MƯỜI

Nếu như Cái Bè là vị trí quan trọng, tiền đồn của tỉnh Định Tường, đối đầu với Vĩnh Long thì Mỹ Trà là cửa ngõ phía tây của Đồng Tháp Mười.

Bên kia con sông Cao Lãnh rộng chừng 100 thước, đối diện với làng Mỹ Trà là làng Hòa An, tổng An Tịnh, tỉnh An Giang thuộc Nam triều. Có thể nói Mỹ Trà, cù lao Hổ, vịnh Tòng Sơn, cù lao Giêng và các cồn nhỏ rải rác là nhịp cầu nối 3 tỉnh miền Tây với 3 tỉnh miền Đông.

Nghĩa quân thường xuyên ra ngoài chợ Cao Lãnh khuyến khích dân làng ứng nghĩa và quyên góp tiền bạc, lương thảo để mua sắm khí giới và nuôi quân. Nổi bật nhất là hoạt động của Thống Linh, Thống Bình, Thống Chiếu...

Đầu năm 1865, mặc dù đã dời huyện lỵ Kiến Phong về Cần Lố, Pháp vẫn quyết định đóng đồn ở Mỹ Trà, ráo riết bắt dân chúng phục dịch. Đồn hình vuông có 4 chòi canh ở 4 góc, công sự bằng gạch, dựng nhiều hàng rào tre chung quanh.

Đầu trên và đầu dưới đồn có 2 con rạch tự nhiên án ngữ. Con sông Cái Sao Thượng (Đình Trung) làm giới hạn phía bắc; phía nam, con sông Cao Lãnh và nhiều rạch lớn chạy qua các vùng Bình Trung, Bình Trị đi thẳng ra sông Tiền.

Ngoài lợi thế quân sự, vùng này cũng rất trù mật, dân cư đông đúc. Từ thời chúa Nguyễn, đây là một trong chín khố trường biệt lập khai khẩn đất đai làm ruộng mang tên Bả Canh. Giao thông đường thủy thuận lợi, Pháp dễ dàng kiểm soát đường sông Cửu Long từ Cao Miên, Hồng Ngự xuống, từ An Giang qua, làm bàn đạp bình định các làng lân cận: Mỹ Ngãi, Mỹ Thọ, Mỹ Xương, Ba Sao, v.v... và từ đó tấn công Đồng Tháp Mười.

Để nối lại nhịp cầu đông - tây, khai thông con đường gạo Cần Lố, nghĩa quân không thể không đánh đồn Mỹ Trà.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 08:40:59 am »


1. Trận đánh úp đồn Mỹ Trà (22-7-1865)

Đóng đồn đã lâu mà không bị nghĩa quân tiến công, quân Pháp đâm ra khinh thường, lân la vào các tiệm quán và làm quen với các nhà dân gần chợ. Người được chúng tin cẩn nhất là một ông lang người Hoa. Những người bà con bên vợ (người Việt) của ông thường được giới thiệu vào xây cất trong đồn. Họ sớm trở nên gần gũi, thân thiện với lính tráng.

Sau thời gian theo dõi tình hình Pháp đóng đồn Mỹ Trà, Võ Duy Dương cùng bộ tham mưu bàn bạc kế hoạch đánh úp đồn này.

Một cô gái tuổi ngoài 20, xinh đẹp, duyên dáng và hoạt bát được phân công tiếp cận ông thầy lang người Hoa bằng cách giả dạng bệnh nhân tới điều trị và ở ngay trong nhà. Dưới bề ngoài có vẻ hữu hảo giữa ông lang và lính Pháp nhưng thực sự ông chẳng ưa gì chúng. Hiểu rõ điều đó, cô khéo gây thiện cảm và dần dần đưa ông về phía nghĩa quân.

Buổi chiều, ngày 22 tháng 7 năm 1865, sau khi ăn tiệc xong ở nhà ông, lính Pháp chếnh choáng men rượu, đeo súng nghênh ngang trở về đồn. Còn cách hàng rào một khoảng ngắn thì bất thần lính Pháp bị đội cảm tử phục kích 2 bên đường nổ súng và xông ra đánh phủ đầu.

Cùng lúc ấy, những người thợ làm trong đồn giết chết lính canh, đoạt súng bắn những tên có mặt tại doanh trại. Trở tay không kịp, tên chỉ huy chết tại chỗ, số sống sót nhanh chân chạy qua hàng rào thoát thân. Nghĩa quân ở các mũi áp sát vòng ngoài khai hỏa thần công trợ chiến và được dân phu dẫn đường tức tốc ùa vào đồn.

Trận đánh kéo dài mấy tiếng đồng hồ, thủy quân Pháp đổ vào tiếp ứng, từ phía bờ sông nã đạn tới tấp để giải vây. Nghĩa quân rút ra ngoài đồn và dựa vào những bờ mương làm phòng tuyến.

Đêm ấy, mưa như trút nước, quân Pháp không tiến thêm được, chúng báo tin khẩn cấp về Sài Gòn.

Chiều ngày sau 23 tháng 7 năm 1865, viện binh từ Sài Gòn do Roze chỉ huy xuống tới nơi chỉ còn cách gom góp tàn quân và thu nhặt xác chết.

Sau khi đoạt nhiều chiến lợi phẩm, nghĩa quân rút êm, đồng bào cũng tản cư hết.

Để trả thù, Roze hạ lệnh càn quét làng Mỹ Trà và các vùng phụ cận. Chúng hung hãn đốt nhà, bắt heo, gà. Sáng hôm sau, quân Pháp và lính mã tà của Huyện Lộc, Quản Khanh tiến sang vùng Mỹ Ngãi vấp phải sự đánh trả của nghĩa quân. Hai bên dàn thành mặt trận, quần nhau gần nửa ngày. Cuối cùng Roze phải cho quân rút về Mỹ Trà.

Qua trận đánh úp đồn Mỹ Trà, quân Pháp thiệt hại nặng nề về người và của, nhiều súng ống, đạn dược bị tịch thu và 1 tàu liên lạc bị thiêu hủy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 08:41:29 am »


2. Trận tấn công Mỹ Trà cuối năm 1865

Cuối năm 1865, trên 100 nghĩa quân trang bị 2 súng đồng cửu phân, 2 thùng thuốc, 2 củi đạn và 5 - 6 súng kép, còn lại là gươm, giáo, siêu, đao... dưới sự chỉ huy của Thượng biện Dương và Thống quản Long tiến công Mỹ Trà lần thứ hai.

Nghĩa quân chia làm 3 đạo tiến vào công sở Mỹ Trà quyết bắt sống Phạm Văn Khanh (một tên Việt gian nguy hiểm).

Đạo thứ nhất, 30 người, từ trong Tháp ra ngọn Ba Sao để xuống Cầu Mống. Đạo thứ hai, 50 người, kéo ra ngọn Cần Lố tràn lên theo đường Đồn (xóm Bún bây giờ). Đạo thứ ba, 30 người đi trên 3 ghe xuôi theo ngọn Mương Khai.

Được tin cấp báo, Quản Khanh chia tráng đinh ra làm 2 cánh. Đội Mến chỉ huy một cánh. Đích thân Quản Khanh kéo đội quân tinh nhuệ phục kích tại đường quẹo "Cây Đa" (nay là Bệnh viện đa khoa Cao Lãnh).

Hai bên xáp chiến, dân làng hoảng sợ, phố xá, nhà cửa 2 bên chợ đóng kín mít. Đến giờ nổ súng, đạo thủy quân vẫn còn loay hoay bên ngoài. Vì đêm tối, đạo quân thứ hai bị lạc đường không đúng hẹn làm cho đạo quân thứ nhất lúng túng.

Nguyễn Công Mẫn, một mưu sĩ của Khanh, nhanh chân chạy xuống Chùa Phật, cách chợ chừng 1.000m, thúc tăng lữ nổi trống sấm và thổi ốc lên hòa cùng tiếng trống quân dồn dập.

Tráng đinh của Quản Khanh hăng lên, vừa đánh vừa đồng thanh la lớn: "Có tàu lân lên" (tàu lân: là một chiếc tàu tuần của Pháp, trên mui có để một con kỳ lân bằng sành mỗi khi lên đến thì trong chùa đánh trống sấm để báo tin cho Quản Khanh biết mà đi tiếp đón, nghĩa là có tàu Pháp trợ chiến).

Trận chiến kéo dài đến rạng sáng. Vì hiệp đồng không khớp giữa 3 đạo quân, nghĩa quân buộc phải rút lui bỏ lại 1 xác chết, 1 súng đồng, 2 thùng thuốc và 2 củi đạn. Bên Quản Khanh chết 1, bị thương 2, phố Chợ cháy 4 căn nhà và 1 chiếc ghe.

Sau trận đánh, Thượng biện Dương và Thống quản Long về đại bản doanh tự nhận lỗi điều binh vụng về của mình với Võ Duy Dương. Hai ông chỉ huy mà không phối hợp chặt chẽ với các đạo quân để xảy ra những tổn thất đáng tiếc, thể hiện sự khinh địch. Võ Duy Dương thấy hai thuộc tướng của mình thành khẩn như vậy nên vỗ về và đốc suất các ông chuộc lỗi bằng những cuộc tập kích sắp tới.

Sau đó, nghĩa quân Đồng Tháp Mười còn tấn công chợ Cao Lãnh vài lần nữa và tìm cách ám sát Quản Khanh nhưng không có kết quả đáng kể.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 08:41:57 am »


Võ Duy Dương mở một mặt trận thứ hai, tấn công Cái Bè, Mỹ Quý, chọc thủng phòng tuyến của Pháp đóng ở vùng này. 50 quân Pháp và gần 100 lính mã tà bị nghĩa quân tiêu diệt và bắt sống.

Về phần Nam triều, hay tin Võ Duy Dương gây nhiều tổn thất cho quân đội Pháp, vua Tự Đức liền xuống chiếu cho Tổng đốc Trương Văn Uyển ở Vĩnh Long bí mật cử người vào Đồng Tháp Mười sắc phong cho Võ Duy Dương làm lãnh binh.

Cuộc khởi nghĩa của Võ Duy Dương vốn đã in sâu trong lòng quảng đại quần chúng, nay lại được sự nhìn nhận của triều đình nên càng có điều kiện phát triển. Các tỉnh miền Tây mạnh dạn hơn trong việc giúp thêm lương thực, khí giới các đạo nghĩa quân khác cũng thường xuyên liên lạc với ông để hợp đồng tác chiến, cùng một lúc đánh Pháp ở nhiều nơi khiến chúng phải phân tán lực lượng đối phó, kín chỗ này hở chỗ kia. Bộ máy cai trị làng xã ở nhiều nơi bị giải tán luôn, hương chức hội tề mất ăn, mất ngủ.

Đầu năm 1866, thủy sư đô đốc De Lagrandière quay trở lại Việt Nam với một quyết tâm lớn là tiêu diệt căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười và chiếm luôn các tỉnh miền Tây Nam Kỳ.

Trong tháng 3, Pháp bắt đầu mở những cuộc hành quân với ý đồ thăm dò phản ứng của nghĩa quân.

Từ Cái Bè, Pháp kéo vào vây đồn Cái Nứa. 200 nghĩa quân giao chiến với chúng suốt mấy ngày liền. Trước hỏa lực mạnh của Pháp, nghĩa quân phải tạm bỏ đồn Cái Nứa rút về Thủ Ngữ, Đất Sét. Pháp để lại một phân đội đóng tại chỗ.

Đêm đến, nghĩa quân tập kích chợ Cái Nứa nhưng bị Pháp đánh bật ra. Nghĩa quân lại tiếp tục tập kích lần thứ hai và tái chiếm chợ Cái Nứa.

Pháp tháo chạy, chờ viện binh từ Cái Bè rồi tổ chức tấn công một lần nữa. Hai bên giành giật nhau từng thước đất chợ Cái Nứa. Cuối cùng nghĩa quân phải lui về Thủ Ngữ và gấp rút đắp phòng tuyến. Lần này, Pháp đóng luôn một đồn kiên cố tại chợ Cái Nứa.

Tại Ấp Lý, Pháp huy động 250 lính thủy và lính mã tà tấn công. Nghĩa quân trong đồn chỉ có 150 người và vài chục khẩu súng phải chịu đựng sức công phá dồn dập của vũ khí tối tân từ các tàu chiến hỗ trợ cho bộ binh. Đồn Ấp Lý bị vỡ, nghĩa quân phải rút về phía sau để bảo toàn lực lượng.

Ngày 1 tháng 4 năm 1866, Pháp lại tấn công 1 đồn nữa và bắt được 2 nghĩa quân.

Trong khi đó, tàu chiến Pháp ngược sông Vàm Cỏ Tây tiến lên Mộc Hóa. Chúng đổ quân đóng tại Giồng Dừa, Kinh Ngang. Các trạm canh ven sông cố làm chậm bước tiến quân Pháp nhưng rồi Pháp cũng áp sát được tới tận gò Bắc Chiêng.

Lực lượng thủy, bộ Pháp tập trung gây áp lực lên phía tây bắc, vùng hậu của căn cứ Đồng Tháp Mười chờ ngày đồng loạt tấn công vào đại bản doanh.

Chính vì vậy, Võ Duy Dương giao mặt Hòa Khánh, Thông Lưu cho các thuộc tướng để về đồn Tiền và đồn Trung bàn luận với bộ tham mưu. Sau khi cân nhắc tình thế, đích thân ông sang chỉ huy đồn Tả, Phó tướng Nguyễn Tấn Kiều và Tướng Nguyễn Văn Cẩn thay thế ông coi giữ trung quân tại đại bản doanh và tăng viện đồn Tiền, đồn Hữu.

Mấy đợt lấn chiếm các nơi, một số nghĩa quân sa vào tay giặc và có người bị lung lạc. Sau khi khai thác tin tức tình báo, Pháp thấy có thể lên sơ đồ và xúc tiến kế hoạch tấn công căn cứ Đồng Tháp Mười ngay trong mùa khô. Mục tiêu chính cần phải triệt hạ là đại bản doanh Gò Tháp.

Mặt khác để tác động tâm lý, Pháp tung tin rằng: Triều đình đã đồng ý đổi Đồng Tháp Mười lấy Vĩnh Long. Lê Văn Ông đóng quân tại Rạch Ruộng và Võ Văn Khả đồn trú vùng Hồng Ngự cả tin, vội bãi binh lui về Sa Đéc.

Việc này đã gây hoang mang, dao động lớn trong hàng ngũ nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 08:25:17 pm »


Câu hỏi 11: Tháng 4 năm 1866, Pháp mở cuộc tấn công lớn vào căn cứ Đồng Tháp Mười, diễn biến của trận đánh này như thế nào?
Trả lời:


Quyết tâm tiêu diệt nghĩa quân Đồng Tháp Mười, Pháp đã huy động gần 1.000 quân thủy, bộ với nhiều tàu chiến và đại bác được tập trung mở cuộc hành quân.

Bộ binh gồm 100 lính Pháp, 250 lính mã tà. Thiếu tá Dérôme và các đại úy: Boubée, Bollardière, Gally Passebose cùng Quản Tấn, Huyện Lộc chỉ huy.

Ngày 14 tháng 4 năm 1886, toàn bộ lực lượng này chia làm 3 mũi đồng loạt tấn công Đồng Tháp Mười. Mũi 1: Từ Cái Nứa đi vào. Mũi 2: Từ Cần Lố đi qua. Mũi 3: Từ Bắc Chiêng đi xuống.

Thủy binh thì theo tàu chạy dọc theo các con sông để phong tỏa nghĩa quân. Trên sông Vàm Cỏ Tây, tàu giặc ra sức phá các bè cản ngang sông để tiến đến Bến Kè, sông Soài và Đá Biên rồi thẳng lên Nồi Gọ. Vấp phải cản dọc sông, thủy binh phải chạy vào sông Vàm Cỏ Đông tiến vào kinh Bình Hòa để xuyên qua Trà Cú.

Phía sông Tiền (Cao Lãnh), thủy quân tiến vào vàm sông Phong Mỹ, thẳng vào Ba Sao, Cái Bè...

Lúc đó, nghĩa quân tại đại bản doanh Gò Tháp được điều phần lớn ra tăng cường cho các đồn chính: đồn Tiền, đồn Tả, đồn Hữu.

Riêng hướng Cái Nứa, đối đầu với sào huyệt Pháp ở Cái Bè, Cai Lậy, Mỹ Tho, quân Pháp thường xuyên hành quân vào đây và hai bên đã nhiều lần chạm trán nên nghĩa quân đã chủ động rải lực lượng đóng ở khắp khu vực Bằng Lăng, Mỹ Thạnh chạy dài đến Bang Dày và xóm Than buộc bộ binh Pháp theo các ngả Cai Lậy và Cái Bè phải chia làm nhiều toán tiến vào Quản Oai, Hàm Vồ, Uy Trung và Mỹ Quý...

Ngày 15 tháng 4 năm 1866, toán quân của đại úy Boubée từ Cần Lố tấn công đồn Sa Tiền. Địa hình vùng này có nhiều sông rạch chằng chịt, tàu chiến lưu thông dễ dàng, tăng cường hỏa lực cho bộ binh rất hữu hiệu. Tuy vậy, 150 nghĩa quân trong đồn chống lại mạnh mẽ, làm cho trung úy Vigny bị thương, nhưng trước hỏa lực áp đảo của giặc, nghĩa quân cũng phải vùi khí giới dưới bùn rồi rút lui vào phía trong.

Dérôme chiếm được một đồn nhỏ trên đường từ Cái Nứa đến đồn Tiền. Quân Pháp tiến vào xóm Than, Bằng Lăng, Mỹ Thạnh. Hai bên kịch chiến, quân Pháp dùng đại bác mở đường. Nghĩa quân nấp trong các khu vực rừng tràm bắn tỉa ra. Quân Pháp bị thiệt hại khá đông, phải chững lại. Nghĩa quân rút lui về hướng khác.

Hướng Bắc Chiêng, quân Pháp từ phía Giồng Gừa, Kinh Ngang nhích dần lên. Tàu Pháp ngược xuôi trên ông Vàm Cỏ Tây tìm cách gỡ các trạm canh hai bên bờ. Lối bắn tỉa của nghĩa quân không phát huy được tác dụng. Cuối cùng Pháp đến trước đồn Tuyên Oai đóng trên gò Bắc Chiêng.

Một trăm hai mươi nghĩa quân với mười lăm súng bắn đá và gươm giáo sẵn sàng chiến đấu. Hai bên dồn mọi cố gắng cho trận quyết chiến đầu tiên ở mặt này. Trước sức công phá dữ dội của thủy binh Pháp, nghĩa quân tạm bỏ đồn Tuyên Oai.

Đại úy Gally Passebose chiếm được đồn này. Tuy lính Pháp bị thương và chết không nhiều nhưng tất cả đều kiệt sức và uể oải tinh thần. Gally Passebose phải xin thêm 25 viện binh.

Tất cả những nơi trú ẩn và 5 đồn nhỏ của nghĩa quân dài theo con đường mòn bị tan vỡ trong ngày 15. Các đồn chính: đồn Tiền, đồn Tả, đồn Hữu trở thành 3 đồn tiền tiêu và nghĩa quân đang bị dồn vào thế thủ từ 3 mặt. Quân Pháp còn cách đại bản doanh mỗi phía khoảng trên dưới 6km.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 08:25:56 pm »


Ngày 16 tháng 4 năm 1866, toán quân của Dérôme tiến tới đồn Tiền, lính mã tà đi trước dẫn đường. Nghĩa quân chờ sẵn ở công sự với vũ khí cầm chắc trong tay. Những trận dụng độ ở Ấp Lý, Cái Nứa giằng co ít hôm rồi Pháp cũng tiến thẳng một mạch đến đây. Pháp có ý xem thường, lính mã tà càng kiêu căng.

Không có một sự kháng cự từ xa, đồn Tiền như là bỏ ngỏ, Huỳnh Công Tấn hăng hái đi đầu dẫn quân men theo con đường đắp từ phía đường gạo và bỏ tốp lính Pháp lại phía sau khá xa... Bất thần nghĩa quân phục kích vòng ngoài đồng loạt nổ súng, 1/3 số lính ngã gục. Quản Tấn hấp tấp rút lui. Lính Pháp cũng dừng quân bắn giải vây cho lính Việt.

Sau khi bổ sung quân số từ tàu Fusée, theo sơ đồ, Gally Passebose điều động đội quân của mình nhắm hướng đồn Tả, còn gọi là đồn Chánh, nơi có 350 nghĩa quân chống giữ và 40 khẩu đại bác, cộng thêm số nghĩa quân từ Tuyên Oai rút về. Đặc biệt phải tính đến người lính Pháp Linguet luôn cận kề bên Võ Duy Dương, hơn một tuần nay trực tiếp đốc suất việc bố phòng và xuất kích tại đồn Tả.

Giữa tháng 4, những cơn mưa rào đã đến, thời tiết gây bất lợi cho việc đánh hỏa công. Từ trên các cao điểm (ngọn cây cao, đài quan sát) có thể nhìn thấy đội hình quân Pháp như những mũi dùi luồn sâu vào cánh đồng năn, lác. Thám báo của nghĩa quân từng chập phát tín hiệu theo kiểu liên hoàn, đưa tin khẩn cấp về đồn Tả.

Đội tiền quân sở trường đánh "đội trấp" của ta bị lúng túng vì tốp lính thủy quân lục chiến Pháp đã được tập luyện thích nghi với lối đánh sông nước, đồng bằng. Hơn nữa, số lính mã tà người Việt còn bày cho lính Pháp vận dụng cách di chuyển của nghĩa quân, đi trên cộ trâu, lĩa trâu và xuồng ghe theo các con lung tự nhiên. Sau vài đợt đánh cầm chừng, nghĩa quân phải rút vào trong đồn cố thủ.

Buổi trưa, Pháp nổ súng công đồn. Nghĩa quân trong đồn được sự chỉ huy của Võ Duy Dương quyết tử chiến. Hai bên giao tranh ác liệt. Đến buổi chiều, đạn dược của nghĩa quân hết sạch, quân Pháp từ 3 phía ồ ạt xung phong, nghĩa quân buộc lòng phải rút theo ngả sau, bỏ lại 3 khẩu đại bác và 17 súng bắn đá cùng 27 chiếc ghe, xuồng. Trận này lính Pháp chết 2 và bị thương 17.

Thừa thắng, Gally Passebose truy kích những nghĩa quân rút lui về hướng Tháp Mười mà y đã thấy. Quân Pháp bị sụp hầm chông chết và bị thương khá nhiều mới vào được đại bản doanh.

Biết được sức giặc và trù tính không thể dựa vào thành cao hào sâu cố thủ, Võ Duy Dương chủ động bỏ đồn Trung. Trong đồn có vài chục nóc nhà cất bằng tràm lợp dừa, kho chứa đạn dược và lương thực. Quân Pháp nổi lửa đốt, ngọn khói bốc lên đen kịt cả một góc trời.

Ở hướng đồn Hữu, nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm cầm cự với Pháp suốt 3 ngày đêm (15, 16, 17) trong hoàn cảnh vũ khí và lương thực thiếu thốn. Trong khi đó quân Pháp lại được tăng viện dồi dào.

Đồn Hữu là một đồn chính giữ con đường gạo huyết mạch Cần Lố. Nó đóng vai trò trung chuyển giữa đồn Doi, Sa Tiền với đại bản doanh. Mỗi khi có chuyến tiếp tế từ ngoài vào là thân nhân, vợ con của nghĩa binh cũng theo vào. Đây là cơ hội cho bọn do thám của giặc trà trộn vào để thám thính. Trước sự cảnh giác của dân binh nhiều kẻ gian đã bị bắt nộp cho nghĩa quân.

Khi Thống Linh hy sinh, Huỳnh Lục, Huỳnh Thất cầm chân Pháp tại đồn Doi thêm một thời gian. Tiếp theo, hai lần Pháp lấn chiếm đồn Doi và Sa Tiền và tiến sâu vào tận Động Cát (đồn Hữu). Người chỉ huy đồn Hữu lúc đó là Huấn Hiệu cùng hộ vệ Tân, Thủ Chiếu (thầy thuốc rắn) trợ lực cho Huỳnh Thất, Huỳnh Lục đánh bật quân Pháp đến tận Cần Lố và đóng tại đồn Sa Tiền, đồn Doi.

Mãi đến tháng 6 năm 1865, Pháp dời huyện lỵ Kiến Phong về Cần Lố (trước đặt tại Mỹ Trà) nghĩa quân mới rút hẳn về đồn Sa Tiền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 08:26:23 pm »


Ngày 17 tháng 4 năm 1866, Dérôme lại tấn công đồn Tiền lần nữa. Trước đây quân Pháp mở nhiều cuộc tấn công vào đồn Tiền theo hướng Cái Bè, Cái Nứa hòng phá vỡ bức tường án ngữ này để vào đồn Trung nhưng mấy lần đó đều thất bại. Về sau Pháp cho tên Quản Cao lén lút xâm nhập vào hàng ngũ nghĩa quân, bên cạnh còn Phạm Văn Khanh bỏ căn cứ theo Pháp. Nhờ các tên này báo cáo tình hình, Pháp biết rõ sơ đồ đồn lũy của nghĩa quân nên chúng mở thêm hai hướng tấn công mới từ Cao Lãnh và Mộc Hóa tạo thành thế áp đảo 3 mặt.

Trong cuộc tấn công này, Pháp đã dồn lực lượng về phía gò Bắc Chiêng đánh bọc hậu để tạo thế bất ngờ vừa ngăn chặn đường rút lui của nghĩa quân vừa đẩy nghĩa quân ra khỏi vùng đầm lầy để các cánh quân khác tiêu diệt.

Nghĩa quân bị truy kích mang theo tin đồn Tả thất thủ chiều ngày 16 đã làm tinh thần chiến đấu của nghĩa quân trong các đồn còn lại sa sút hẳn. Đại bản doanh Gò Tháp lại âm thầm phân tán lực lượng kéo theo sự sụp đổ nhanh chóng của đồn Hữu và đồn Tiền.

Trước tình hình nguy ngập này, Nguyễn Tấn Kiều (Đốc binh Kiều) và Nguyễn Văn Cẩn (Lãnh binh Cẩn) quyết tâm dùng kế phục binh để Võ Duy Dương tìm hướng thoát thân và bảo toàn lực lượng.

Trong một trận đánh giáp lá cà, Nguvễn Tấn Kiều đã anh dũng hy sinh bên cạnh những xác chết ngổn ngang của lính Pháp.

Còn lại một mình, Lãnh binh Cẩn mở đường máu rút về hướng tây, lên Hồng Ngự, Lăng Xăng, ngã ba Thông Bình. Tới Hồng Ngự, chưa kịp nghỉ quân, một lần nữa ông lại bị Trần Bá Lộc truy kích.

Chiến trận vừa tan, Phòng Biểu đã cùng nghĩa quân mang xác chủ tướng mình là Nguyền Tấn Kiều về chôn cất tại nền đồn Trung (đại bản doanh Gò Tháp). Ngoài ra, Phòng Biểu còn làm nhiều ngôi mộ giả để nghi trang.

Ngày 18 tháng 4 năm 1866, có thể coi như toàn bộ căn cứ của nghĩa quân đã thất thủ, tuy đây đó còn vang lên vài tiếng súng rời rạc.

Ngày 19 tháng 4 năm 1866, quân Pháp vội vã rút lui không dám chiếm giữ căn cứ của nghĩa quân. Suốt trong tuần lễ từ ngày 14 đến ngày 21 tháng 4 năm 1866, thủy quân do tàu chở chạy dọc theo các sông để phong tỏa đường ra của nghĩa quân.

Tính tổng cộng trong trận Tháp Mười, bên Pháp vừa chết và bị thương gần 100 người. Pháp tịch thu được nhiều vũ khí và quân trang quân dụng nhưng chỉ bắt được 2 hoặc 3 tù binh.

Cũng trong thời gian ấy, cánh nghĩa quân rút về phía đông do Võ Duy Dương chỉ huy bị Pháp chặn đánh, trận đánh lớn giữa 2 bên diễn ra tại vùng Cái Thia thuộc quận Cái Bè.

Trận đánh diễn ra liên tiếp mấy ngày, nghĩa quân đánh rất hăng. Hai bên đều thiệt hại nặng. Quân Pháp bắt được 2 người lính Tagals, 1 người Pháp tên là Linguet và 12 nghĩa quân, nhưng phải ngược lại chúng có 2 sĩ quan cấp úy và một số lính Pháp chết và bị thương.

Sau trận Tháp Mười này, Pháp lập thêm nhiều đồn bốt để bao vây căn cứ địa Tháp Mười, ngăn chặn các cuộc nổi dậy và đánh phá của nghĩa quân. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất đối với chúng là Võ Duy Dương, linh hồn của cuộc khởi nghĩa, đối thủ lợi hại của Pháp vẫn còn tồn tại...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 08:27:31 pm »


Câu hỏi 12: Sau khi căn cứ Gò Tháp thất thủ, Võ Duy Dương và nghĩa quân rút sang Cao Lãnh tiếp tục duy trì cuộc kháng chiến và liên minh với các cuộc khởi nghĩa khác, cho biết về những hoạt động của nghĩa quân trong thời gian này?
Trả lời:


Sau trận Pháp đại tấn công, căn cứ Tháp Mười coi như bị phá vỡ. Nghĩa quân tổn thất không nhiều nhưng tản mát. Tốp rã ngũ tìm nơi trốn tránh, lo làm ăn, tốp chạy sang An Giang gia nhập vào hàng ngũ của Achaxoa. Có người giả dạng tu hành chờ thời cơ.

Võ Duy Dương và các bộ tướng không vì thế mà ngã lòng, ông thay đổi cách đánh, từ chỗ dựa vào đồn lũy chuyển sang cách đánh cơ động. Lúc đầu ông đóng quân ở Mỹ Tho, Cai Lậy, rồi rút quân sang Cao Lãnh, tiến lên Ba Thằng Minh, gò Bắc Chiêng. Tại đây, cánh quân rút về phía đông (đến Cái Thia) do Võ Duy Dương chỉ huy, cánh quân rút về phía tây (lên Hồng Ngự - Lăng Xăng - Thông Bình) do Nguyễn Văn Cẩn chỉ huy và một vài toán nhỏ lẻ khác của Trương Tấn Minh, Phòng Biểu... đã gặp nhau.

Củng cố xong lực lượng, Võ Duy Dương phối hợp ngay với các thủ lĩnh khác để tiếp tục chiến đấu. Sự phối hợp này thật ra là bố trí lại lực lượng trên toàn khu vực, chọn những cách đánh linh hoạt hơn. Bởi vì sự liên minh chiến đấu đã có ngay trong trận Tháp Mười và trước đó nữa...

Căn cứ Đồng Tháp Mười tan vỡ là sự tổn thất riêng của Võ Duy Dương, đồng thời là tổn thất chung của các lực lượng chống Pháp của người Việt cũng như người Khơ Me tại Nam Kỳ và vùng biên giới.

Đến lượt trung tâm kháng chiến chuyển về khu tổng Cầu An Hạ ở Bắc Đức Hòa, một tổng liền với Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Võ Duy Dương đã tìm gặp Trương Quyền, người thủ lĩnh phong trào tại đây. Qua Trương Quyền, Võ Duy Dương liên minh với Poucombo.

Liên quân Việt - Khơ Me gồm đủ các chủng tộc: người Việt, người Khơ Me, người Chăm, người Xtiêng và các bộ lạc khác... ở đây còn có những người lính Pháp, lính Tagals phản chiến.

Mở màn cuộc liên minh này là chiến thắng Tây Ninh (7-6-1866). Liên quân Việt - Khơ Me trên 300 người do Poucombo lãnh đạo tấn công đồn Tây Ninh, hạ tại trận 12 lính Pháp, trong đó có chủ tỉnh Tây Ninh Larclauze và viên thiếu úy Le Sage.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM