Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:20:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương  (Đọc 25504 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:47:52 pm »


Trong khí thế sôi sục của nhân dân chống giặc, Võ Duy Dương cũng tỉnh táo nhận định tình hình lúc này đã khác trước: giặc đang đứng trên một thế mới, nghĩa quân chiến đấu đơn độc (thiếu sự chi viện của triều đình), chủ yếu là dựa vào sức dân, trước mắt phải tăng cường bổ sung lực lượng mới có thể chiến đấu lâu dài được. Do đó, vào tháng 7, ông phát lời kêu gọi hiệu triệu nhân dân trong tỉnh Định Tường nổi lên cùng nhau chống giặc.

Cùng lúc ấy, ông nhận được thư của Trương Định gửi từ Gia Định đề nghị hai bên thống nhất lực lượng vì chiến đấu riêng lẻ sẽ gặp nhiều bất lợi. Ông tán thành đề nghị này và cử Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân - trợ thủ đắc lực của ông đi Tân Hòa để hội kiến với Trương Định.

Tại đây, Nguyễn Hữu Huân gặp thị vệ Nguyễn Thi, thay mặt triều đình mang Thánh chỉ phong Trương Định chức Bình Tây Tướng quân, Võ Duy Dương chức Chánh đề đốc, Nguyễn Hữu Huân chức Phó đề đốc (theo quan chế triều Nguyễn, chức chánh đề đốc là chức võ quan trật chánh nhị phẩm, phó đề đốc trật tòng nhị phẩm - Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1964). Với chức Bình Tây Tướng quân, Trương Định chỉ huy toàn bộ lực lượng ứng nghĩa trong 3 tỉnh.

Võ Duy Dương vẫn đóng tổng hành dinh tại căn cứ cũ ở thôn Bình Cách thuộc tổng Thạch Quơn, huyện Kiến Hòa. Từ đây, ông chỉ huy nghĩa quân, huy động nhân dân thiết lập hệ thống đồn lũy trên khu vực đất Ba Giồng (từ Bình Cách qua Mỹ Quý, Thuộc Nhiêu đến Cai Lậy, Cái Bè). Các gò cao, các cửa sông trọng yếu đều xây đồn, đắp cản. Gò Cát (nay là gò lũy Nhị Bình, Châu Thành, Tiên Giang), Giồng Phèn (nay thuộc xã Điềm Hy, Châu Thành, Tiền Giang), vàm Cái Thia (thuộc huyện Cái Bè), Bưng Môn (thuộc xã Tân Phú, Cai Lậy), kinh Cây Gáo (giáp ranh hai huyện Cái Bè và Cai Lậy)... là các vị trí quan trọng đều có nghĩa quân đóng đồn cố thủ.

Tham gia nghĩa quân Võ Duy Dương có đủ mọi thành phần trong xã hội từ nông dân đến điền chủ, từ trí thức đến cựu quan, cựu binh của triều đình, ngoài người Kinh còn có người Khơ Me, người Hoa. Đặc biệt là trong hàng ngũ nghĩa quân Võ Duy Dương còn có những lính Pháp đào ngũ, lính người Tagals. Điều này không thấy ở các lực lượng nghĩa quân khác, chứng tỏ Võ Duy Dương đã chú ý đến công tác địch vận, cảm hóa được người đi lính cho Pháp đào ngũ gia nhập vào hàng ngũ nghĩa quân.

Võ Duy Dương đã hình thành trong khu vực hoạt động bên cạnh tổ chức quân sự còn có bộ máy chính quyền kháng chiến, những người tham gia hay được chiêu mộ, tùy theo năng lực, văn bằng, công trạng đều được ông phong chức tước, phẩm hàm và ấn triện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:48:20 pm »


Để có nguồn cung cấp vũ khí, Võ Duy Dương tổ chức vận động quyên góp tiền bạc trong các tỉnh Định Tường, An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long, rồi cử người đến Cà Mau, Rạch Giá (Hà Tiên) để mua súng. Đến giữa năm 1863, ông giao trọng trách này cho Nguyễn Hữu Huân.

Đáng tiếc, hiện nay chúng ta không có tài liệu chính xác về tổ chức lực lượng quân sự và chính quyền kháng chiến trong tỉnh Định Tường của Võ Duy Dương. Còn trong báo cáo của Phạm Tiến (viết sau trận Tân Hòa ngày 24 tháng 2 năm 1863) chỉ đề cập đến lực lượng vũ trang và hệ thống chính quyền kháng chiến trong tỉnh Gia Định nên chúng ta không rõ được về hai mặt tổ chức này ở Định Tường. Tuy vậy, đoạn cuối báo cáo của Phạm Tiến có ghi: “... Còn bao nhiêu dân hạt bị chết trong lúc trận mạc thì Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Phan Chánh đều ghi ở trong cuốn nhật ký" (Tập san Sử địa, số 3, 1966, trang 148, Sài Gòn). Có lẽ Nguyễn Hữu Huân ghi chép phần của tỉnh Định Tường.

Nửa năm sau khi ký Hiệp ước 1862, lực lượng nghĩa quân không những không rút lui, tan rã như thực dân Pháp dự đoán, trái lại còn được gia tăng, củng cố gấp bội. Căn cứ Tân Hòa và Ba Giồng là hai gọng kìm liên hệ, phối hợp với nhau chặt chẽ, sẵn sàng bóp nghẹt lực lượng của Pháp trong tỉnh Định Tường.

Ngay từ khi chiếm được Định Tường, thực dân Pháp cho rằng vị trí Mỹ Quý - Thuộc Nhiêu (nằm giữa thành Mỹ Tho và Cai Lậy) là vị trí có thế chiến lược quan trọng nên đã nhiều lần tấn công nghĩa quân để giành lấy. Tháng 11 năm 1862, chúng kéo quân tập kích căn cứ Bình Cách. Đích thân Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân nhanh chóng phản kích, buộc chúng phải tháo chạy. Nghĩa quân đuổi theo truy kích, 28 lính tập và mã tà bị bắt và bị giết.

Ngay sau đó, để chuẩn bị cho cuộc tập kích địch có sự phối hợp đồng bộ của nghĩa quân trên 3 tỉnh, Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân kéo quân đến Giồng Cát thuộc tổng Nhị Bình, phủ Kiến An (nay là gò Lũy, xã Nhị Bình huyện Châu Thành), hai ông cho nghĩa quân xây đồn lũy và trú lại. Vị trí này cách Thuộc Nhiêu khoảng 10km thuận lợi cho việc uy hiếp giặc ở Thuộc Nhiêu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:48:48 pm »


Đúng vào đêm 17 rạng 18 tháng 12 năm 1862 là thời điểm hiệp đồng chiến đấu. Quân và dân khắp 3 tỉnh đồng loạt nổi dậy đánh địch khiến chúng hết sức hoang mang, có cảm giác đây là một cuộc tổng khởi nghĩa: "Kẻ cướp và quân khởi nghĩa ngày càng dạn dĩ, càng tấn công. Bao nhiêu việc xảy ra chứng tỏ rằng cuộc khởi nghĩa sắp nổ, người Pháp dè chừng, người ta hiểu mang máng rằng người Pháp bị bao vây trong một cái lưới âm mưu, trong đó các giai cấp trong nhân dân đều tham dự chống lại chúng ta" (P.Vial, Les premières années de la Cochinchine, quyển 1, Paris, 1874, trang 191).

Nghĩa quân đồng loạt tấn công địch khắp nơi:

- Đánh đồn Rạch Tra (hay sông Tra): nằm trên đường bộ Sài Gòn - Tây Ninh, cách Sài Gòn 15km do 74 lính thủy đánh bộ và đại úy Thouronde trấn giữ. Gần sáng ngày 18 tháng 12 năm 1862, 600 nghĩa quân bí mật leo vào thành giết lính canh chiếm đồn. Thouronde tử trận.

- Đánh đồn Long Thành: đêm 17 rạng ngày 18 tháng 12 năm 1862, 1.200 nghĩa quân Biên Hòa tấn công chiếm được đồn. Bonard vội vàng huy động lực lượng kéo đến phản công.

- Tập kích thuyền giặc ở Bến Lức, vây đồn Phước Hòa. Cùng ngày nghĩa quân dưới quyền Nguyễn Trung Trực tấn công 2 lorcha (chiến thuyền nhỏ) đậu tại Bến Lức và bao vây đồn Phước Hòa, lính Pháp chống cự không lại, phải nhờ lính Tây Ban Nha đến cứu.

- Tập kích pháo thuyền Alarme: cùng đêm 17 rạng ngày 18 tháng 12 năm 1862, nghĩa quân Gò Công tập kích pháo thuyền Alarme và tấn công trận địa pháo của giặc trên bờ rạch Gò Công. Cùng lúc đó, 400 nghĩa quân tấn công các vị trí quan sát của giặc phía trước căn cứ Tân Hòa.

- Đánh đồn Rạch Kiến: ngày 18 tháng 12 năm 1862, 2.000 nghĩa quân có trang bị 12 súng đại bác bắn đá tấn công đồn gây cho giặc thiệt hại nặng.

- Tấn công đồn Thuộc Nhiêu do đại úy Taboulé với 50 quân trấn giữ. Võ Duy Dương tường thuật trận đánh sơ lược như sau:

"Ngày 27 trong tháng (tức 17-12-1862) quân Pháp mang quân tập kích các ông. Quân Pháp lại bại trận và tháo chạy bị quân các ông đuổi theo đến đồn Thuộc Nhiêu, cướp đồn và đốt cháy. Bọn Pháp trong đồn xông ra xáp trận. Thình lình một đám mưa to ập đến và đến tối, tất cả đều rút lui mỗi bên về một hướng".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:49:09 pm »


Kết quả của cuộc nổi dậy đồng loạt này là ngày 18 tháng 12 năm 1862, Bonard viết một báo cáo dài gửi về Pháp, trong đó có đoạn:

"Thật là đau đớn khi nghĩ đến bao nhiêu cố gắng mà tôi đã thực hiện từ 15 tháng nay! Các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi và đồng loạt. Tôi bị đẩy vào thế tự vệ, không có phương tiện để tổ chức một quân đội, dù chỉ 200 người. Nếu tăng viện đến ngay, tôi hy vọng làm chủ được tình hình, nếu không đành bất lực" (Kho lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, Kỷ yếu, tập 28, Cao Huy Thuần sưu tầm).

Những ngày tiếp theo đó, tình hình của chúng càng bi đát thêm. Ảnh hưởng của các cuộc tấn công trên làm cho bộ máy hành chính tay sai của chúng vừa mới thành lập rệu rã nhanh chóng, bọn tay sai rút vào công sở hoặc vào các đồn bót hay xuống tàu nằm, không dám đi đâu. Còn số khác sẵn sàng bắt tay với nghĩa quân âm thầm bí mật chống lại Pháp. Tình trạng thiếu hụt quân số ngày một trầm trọng: "Quân Pháp bị xé lẻ đến mức vô cùng trầm trọng. Ngay cả bọn xạ thủ cũng bị phân tán mỗi người một đồn, nhiều đồn không có pháo binh, chỉ có vài người chống giữ” (Poyen, Notice sur l’artillerie de la marine en Cochinchine, Paris, 1893).

Trong tình hình nguy khốn đó, Bonard cứu vãn bằng cách "quyết định yêu cầu sự trợ giúp gần nhất của người cầm đầu trạm hải quân của chúng ta tại Trung Quốc". Đáp lời kêu cứu này, phó đô đốc Jaurès từ Thượng Hải đến với tiểu đoàn khinh binh châu Phi, đem theo 2 tàu chiến Semiramis và Renommée, qua Manila (Philippin) đón một đại đội của lữ đoàn thứ 5 lính Tagals dưới quyền chỉ huy của trung tá Moscoso.

Có thêm được số quân đáng kể, Bonard tiến hành một cuộc bình định mới vào đầu tháng 2 năm 1863. Nắm được sự nhu nhược của triều đình Tự Đức và nhất là biết triều đình đang bận tâm tập trung binh lực đánh dẹp cuộc nổi loạn của Tạ Văn Phụng ở Bắc Kỳ, Bonard thúc ép triều đình gấp rút phê chuẩn Hiệp ước 1862 và cấm dân chúng nổi dậy chống Pháp hòng đẩy nghĩa quân vào thế bất lợi.

Chúng biết tổng chỉ huy quân kháng chiến Trương Định đang đồn trú ở căn cứ Tân Hòa. Từ ngày 13 tháng 2 đến ngày 24 tháng 2 năm 1863, chúng tập trung binh lực chiếm được căn cứ, nhưng với thiệt hại không nhỏ mà vẫn không tiêu diệt được nghĩa quân.

Sau khi tấn công Thuộc Nhiêu, Võ Duy Dương kéo quân về Giồng Cát, ở lại đó đến ngày 27 tháng 12 năm 1862 thì rút về Bình Cách.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:49:41 pm »


Ngày 5 tháng 1 năm 1863, bọn Pháp ở Mỹ Tho gom góp trong số quân thiếu hụt của chúng tấn công cái gai trước mắt chúng là căn cứ Bình Cách. Nghĩa quân ráo riết chống trả, chúng rút lui, nghĩa quân đuổi theo pháo kích. Tuy nhiên, do thiếu hụt đạn dược nên sau trận này nghĩa quân của Võ Duy Dương không tiếp tục phát huy chiến thắng được, ông phải cho người liên lạc với Trương Định để xin chi viện đạn dược.

Từ Tân Thạnh (Gia Định), ngày 11 tháng 1 năm 1863, Võ Duy Dương đưa quân về đóng ở Giồng Cát (nay là Gò Lũy, xã Nhị Bình, Cai Lậy). Bọn thực dân ở Mỹ Tho nghi ngờ ông sẽ tấn công Thuộc Nhiêu nên ngày 13 tháng 1, chúng điều quân đến tấn công, cuộc kịch chiến kéo dài từ 3 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Pháp đưa quân đến tăng viện, ông phải rút lui về cách đó 4 cây số (chưa rõ địa điểm nào, có lẽ là vị trí Ấp Bắc ngày nay, phần đất tận cùng của xã Nhị Bình - Châu Thành giáp Tân Phú - Cai Lậy).

Ngày hôm sau, chúng kéo đến vị trí mới của nghĩa quân tiếp tục công kích, lần này chúng bị đánh bật ra và phải rút lui. Nhưng với ý đồ chia cắt lực lượng nghĩa quân, không cho lực lượng Võ Duy Dương và Trương Định liên hệ được để ứng cứu cho nhau, chúng không lui quân về Mỹ Tho mà đóng đồn tại Giồng Phèn (cũng trong địa phận xã Điềm Hy, Châu Thành) để kìm chế nghĩa quân.

Cách một ngày sau (tức ngày 16-1-1863) chúng trở lại tâp kích vào vị trí nghĩa quân lần nữa. Nghĩa quân chống trả quyết liệt từ 3 giờ sáng đến 7 giờ sáng, bọn chúng bị đẩy lùi phải rút về Giồng Cát nhưng đến 3 giờ chiều lại quay trở lại tiếp tục tấn công. Võ Duy Dương lại phải chiến đấu trong tình trạng bị tấn công liên tục và vũ khí đạn dược ngày một ít đi nên đành bỏ vị trí rút về Bưng Môn (nay thuộc xã Tân Phú, Cai Lậy). Đây là một vùng bưng biền sình lầy, cây cỏ rập rạp, Võ Duy Dương cho đắp chiến lũy và trú đóng lại.

Lúc này bọn thực dân Pháp có thêm viện binh và đang chuẩn bị tấn công quy mô vào căn cứ Tân Hòa của Trương Định nên chúng càng quyết tâm phong tỏa lực lượng của Võ Duy Dương. Ngày 20 tháng 1, chúng tập trung một lực lượng lớn gồm một pháo thuyền với nhiều ghe chài và ghe nhỏ bằng nhiều ngả tiến vào bao vây đầm lầy Bưng Môn. Để bảo toàn lực lượng, Võ Duy Dương ra lệnh nhổ đồn bí mật lui quân trong đêm tối và kéo về huyện Kiến Đăng.

Xét thấy vùng Giai Mỹ nằm trên bờ kinh Cây Gáo có vị trí quan trọng có thể rút vào Đồng Tháp Mười, ông cho nghĩa quân dừng lại xây đồn, đắp lũy ở Xoài Tư (nay thuộc vùng Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc - Cai Lậy, giáp Hậu Mỹ Bắc, Hậu Mỹ Trinh thuộc huyện Cái Bè).

Tình hình nghĩa quân Võ Duy Dương ngày một xấu đi, luôn ở trong tình trạng bị cô lập, mọi sự tiếp tế lương thực, vũ khí hết sức khó khăn, nhưng với quyết tâm chống giặc giữ nước, nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của ông và Nguyễn Hữu Huân không hề có biểu hiện dao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:50:42 pm »


Sau khi đánh dẹp được căn cứ Tân Hòa của Trương Định, trong vòng không đầy một tháng từ ngày 30 tháng 3 đến 20 tháng 4 năm 1863, bọn thực dân ở Mỹ Tho đã ba lần tập trung quân quyết ý bình định khu vực Xoài Tư.

Tình trạng bất lợi ngày một gia tăng. Quân Pháp đã cắt đứt các đường giao thông thủy, bộ. Mọi sự tiếp tế càng ngày càng trở thành vấn đề cấp bách, nhất là lương thực, một mặt do nông dân bị mất mùa năm 1863 do hạn hán, một mặt bị phong tỏa và bọn tay sai đã bắt đầu hoạt động lại, thêm vào đó bọn thực dân Pháp sâu hiểm tung tiền cho nông dân vay không lấy lãi để làm mùa tới hòng mua chuộc họ. Để cô lập phong trào kháng chiến của nhân dân ta, vào tháng 4 năm 1863, Pháp cử đại diện sang Oudong gặp vua Cao Miên - Norodom I, đặt quan hệ ngoại giao với nước này nhằm thu hẹp địa bàn hoạt động và cô lập phong trào kháng chiến của nhân dân ta.

Xuất phát từ tình hình khó khăn đó, Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân có một kế hoạch nhằm bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài. Về mặt quân số, ông chia nghĩa quân làm từng toán nhỏ rút về làng riêng của họ, như vậy vừa bảo đảm được quân số vừa giải quyết được một phần lương thực. Về mặt hậu cần, ông cử người tiến hành một cuộc lạc quyên tiền đúc bằng bạc trên khắp các tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Về mặt cung cấp vũ khí, ông cử người đi Rạch Giá, Cà Mau (thuộc Hà Tiên) liên lạc với Hoa kiều để mua súng đạn.

Ông cử Phó đề đốc Nguyễn Hữu Huân cùng với 20 người bí mật sang Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên vừa làm công việc lạc quyên vừa mua súng đạn. Riêng phần ông chỉ giữ lại 100 nghĩa quân. Với quân số này ông tiến hành các cuộc hành quân lưu động, gọn nhẹ qua các làng mạc có nghĩa quân sơ tán để củng cố tổ chức, duy trì tinh thần chiến đấu, bổ sung quân số và vận động nhân dân tham gia ủng hộ kháng chiến.

Kế hoạch trên được thực hiện vào tháng 6 năm 1863, nghĩa là cùng lúc với Sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp để chuộc 3 tỉnh miền Đông. Võ Duy Dương không những di chuyển trong tỉnh Định Tường mà còn sang các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Hà Tiên, ông hoạt động nay nơi này, mai nơi khác. Thực dân Pháp tiến hành nhiều cuộc lục soát nhưng không bắt được ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:51:10 pm »


Về phần Nguyễn Hữu Huân, sau gần một năm hoạt động, kết quả tương đối khả quan. Do có sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhân dân 3 tỉnh miền Tây nên ông quyên được nhiều tiền bạc, mua được một số vũ khí đem về tàng trữ ở Châu Đốc. Ngoài ra Nguyễn Hữu Huân còn liên lạc được với Achaxoa (Thạch Bướm) người Khơ Me yêu nước cũng đang chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp, hai bên đã thỏa thuận liên kết với nhau cùng chống kẻ thù chung.

Nhưng do một số quan lại trung quân một cách mù quáng, chấp hành việc thi hành Hiệp ước 1862 theo lệnh Tự Đức một cách máy móc, thiếu sáng suốt nên đã bắt giam Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ở Châu Đốc.

Được tin Nguyễn Hữu Huân bị giam ở Châu Đốc, tháng 7 năm 1864, De Lagrandière (sang thay cho Bonard từ ngày 23-4-1863) phái ngay Doudart de Tagrée đem 500 quân và đại bác từ Oudong (Cao Miên) xuống Châu Đốc buộc tỉnh thần địa phương phải nộp Nguyễn Hữu Huân cho chúng trong vòng hai giờ, nếu không chúng sẽ triệt hạ thành Châu Đốc.

Trước áp lực quân sự của thực dân Pháp, Tổng đốc An Giang Phan Khắc Thận không còn cách nào khác đành giao Nguyễn Hữu Huân cho giặc.

Trong tình trạng đó, Kinh phái Nguyễn Tánh thay mặt triều đình đến hội kiến với Võ Duy Dương và theo Thánh chỉ của Tự Đức, Nguyễn Tánh khuyên ông nên hội quân với Trương Định để giải giáp nhưng Võ Duy Dương kiên quyết không nghe.

Sau đó, tháng 8 năm 1864, Võ Duy Dương cùng 30 nghĩa quân lên đường trở lại Xoài Tư, Rạch Ruộng (khu vực giáp ranh hai huyện Cái Bè, Cai Lậy hiện nay) với quyết tâm xây dựng lại lực lượng nghĩa quân để bắt đầu giai đoạn mới cho cuộc chiến đấu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:52:49 pm »


Câu hỏi 6: Sau khi Trương Định hy sinh, Võ Duy Dương rút quân về Đồng Tháp Mười, ông đã xây dựng Đồng Tháp Mười thành một căn cứ địa lợi hại, cho biết đôi nét về vùng đất Đồng Tháp Mười?
Trả lời:


Về tên gọi Đồng Tháp Mười có nhiều giả thuyết khác nhau. Hiện nay các nhà nghiên cứu đều ghi nhận vùng này có ngôi tháp thứ 10 trong số ước chừng 102 tháp bằng đá do Vua Jayavarman VII (1181-1218) xây cất trên khắp lãnh thổ Chân Lạp để thờ vị thần Bà La Môn Lockecvara là vị thần chuyên trị bệnh cho nhân thế.

Như vậy, tên gọi Đồng Tháp Mười đã có từ trước nhưng khi Thiên hộ Dương về đây lập căn cứ đánh Pháp và đặt đại bản doanh tại Gò Tháp thì tên gọi đó mới trở thành phổ biến.

Đồng Tháp Mười đồng nghĩa với vùng "đất bưng", từng được gọi là "tràng", "trạch" hay "pha trạch" thuộc địa phận Định Tường. Đồng Tháp Mười, theo các nhà địa lý học, trải rộng từ tả ngạn sông Tiền đến hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Phía bắc lên tới Preyveng (Campuchia), phía nam giới hạn bởi quốc lộ 1 (quốc lộ 4 cũ) diện tích gần 1 triệu hécta.

Nếu tính theo phương diện thủy học và phạm vi hoạt động thực tế của nghĩa quân Thiên hộ Dương thì Đồng Tháp Mười lùi lại ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây.

Xưa kia, Đồng Tháp Mười là một vịnh biển, sau những đợt vận động tân kiến tạo vào kỷ đệ tứ đáy biển được đội lên cao biến thành một vũng nông được phù sa sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ bồi đắp dần, tạo thành một đầm lầy như cái lòng chảo khổng lồ đầy xác thực vật, động vật trầm tích, đất nhiễm phèn nặng (có nơi độ Ph = 2) thích hợp cho các loại thực vật như: tràm, cà dâm, sen, súng, năn lác, bàng, đế, sậy, lau vôi, cỏ mồm, lúa trời... mọc bạt ngàn. Đây cũng là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật khác nhau: trăn, rắn, rùa, cá, chim, chuột, ong, muỗi, đỉa, vắt... Trong Đồng Tháp Mười nổi lên những gò, giồng là thềm phù sa cổ kéo dài hoặc là những cồn cát ven bờ hình thành do những dòng nước cuộn trước kia như: giồng Sa Rài; giồng Găng, gò Cỏ Ông, gò Lau Vôi, gò Cà Dâm, gò Thốt Nốt; Giồng Cát (Động Cát), Giồng Tháp (Gò Tháp) ở tỉnh Đồng Tháp; gò Thành, gò Gòn, gò Bắc Chiêng, gò Trấp Ky, gò Ông Hạp, gò Giồng Dung, gò Bãi Liếp ở tỉnh Long An; gò Đế (chùa Trương Tháp - Cai Lậy, Tiền Giang), v.v...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:53:11 pm »


Hàng năm cứ đến mùa mưa (tháng 6 âm lịch) là cả một vùng bao la bị chìm trong biển nước. Các con lung, bưng, trấp vẽ nên những đường nước ngoằn ngoèo như những mạch máu. Cuối tháng 10 âm lịch, nước rút dần, cây cỏ mục ủng làm nước thối đen. Chỉ còn những chiếc giếng khơi trên các gò, giồng là tạm uống được.

Mùa khô, cuối mùa nắng mà còn những chỗ sình sụp lún từ đầu gối đến ngực. Tại Tràm Sình (Sình Lớn và Sình Nhỏ) chu vi của nó rộng cả chục mẫu (chưa kể viền chung quanh), người, trâu đi qua không được. Nhiều cá sấu ẩn nấp ở đây. Muốn đi bộ phải len lỏi theo các vệt lau sậy, hoặc băng qua rừng tràm hàng chục cây số. Trên thì ong, muỗi, bù mắt vần vũ, dưới thì đỉa vắt, lại thêm rắn độc khắp nơi... Nắng như thiêu, như đốt, mùi sình bùn, cỏ ải xông lên nồng nặc, hôi thối, không khí oi bức đến nghẹt thở. Người không quen sẽ bải hoải, kiệt sức ngay.

Một cánh đồng hoang dã, rậm rạp, nắng cả mưa nhiều, bùn lầy nước đọng quanh năm và có nhiều thú dữ... Trong ký ức các cụ già 70-80 tuổi sống trong Đồng Tháp Mười còn nhớ những mẩu chuyện kể về ông bà mình là lớp người đầu tiên vào đây chiến đấu với voi, hổ, heo rừng, cá sấu, muỗi mòng, đỉa, vắt, rắn độc, trăn, khỉ...

Từ phía sông Tiền bọc qua Vàm Cỏ Tây dày đặc sông rạch lớn nhỏ là một hệ thống thoát nước cho Đồng Tháp Mười cũng là những thủy đạo tự nhiên. Đó là rạch Đốc Vàng Thượng, Đốc Vàng Hạ, Phong Mỹ, Cần Lố, Rạch Ruộng, Cái Thia, Trà Lọt, Cái Bè, Ba Rài, Rạch Chanh, Cá Rô, Bắc Chang. Các con sông này có nhiều nhánh luồn sâu vào nội địa chừng 10 cây số, ngọn nhỏ dần rồi trở thành những con lung tự nhiên chi chít khắp Đồng Tháp Mười và lượn quanh sườn các gò đất.

Nếu lấy Gò Tháp (Gò Tháp hiện nay thuộc ấp 4, xã Tân Kiền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) làm trung tâm thì: phía đông nam có Bưng Sen, lung Chuối Nước, lung Bông, trấp Bồn Bồn, trấp Cá Bông nối tiếp từ Hàm Vồ đến Phụng Thớt... cặp sát mé sườn Gò Tháp; phía tây nam: sông Cần Lố, Doi Me vào Đô Sơn, ngọn Ba Sao, Láng Cò, lung Kiến Vàng, Sình Tranh (Bàu Tiên - Động Cát), Sình Dỗ, Sình Dứt (Gò Tháp). Ngoài ra còn có trấp 20, Bưng Rồng, Sình Tranh, Sình Mướp...; phía tây bắc có lung Bông và bưng Sấu Hì bắt đầu từ Sình Dực, Sình Dỗ ở Gò Tháp nối liền lên Trấp Suông, Sình Tròn, Sình Lớn, Rộc Năn, láng Tả Mơn ra Tân Thành, Cái Cái... Một nhánh khác từ Tràm Sình (Sình Lớn - Sình Nhỏ) lên lung Bông, gò Cỏ Ống, Tràm Chim, Giồng Găng, Sa Rài...; phía đông bắc có lung Bàu Chứa, trấp Rùng Rình, Láng Sen, Rộc Tượng kéo dài đến Gò Tháp.

Nghĩa quân dựa vào các lung, trấp trên đây để vận chuyển vũ khí, lương thực bằng ghe xuồng, lĩa trâu, cộ trâu vào tận căn cứ hoặc ban đêm tập kích các đồn bốt giặc (Lĩa trâu: xuồng hoặc ghe, trước mũi được cặp thêm 2 cây tre nối lên ách trâu, kéo theo đường lung hoặc chỗ nước sâu. Cộ trâu: cũng như lĩa trâu nhưng chiếc xuồng được thay bằng chiếc cộ tre, 2 cây đà dưới bình cong để trâu kéo lướt trên đồng cạn hoặc chỗ khô ráo).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:53:41 pm »


Ba con đường chính còn gọi là "đường gạo" từ ngoài vào đại bản doanh Gò Tháp là: đường Cái Nứa (hướng đông nam) chạy từ ngã năm Phú Nhuận (xã Mỹ Thành Nam - Cai Lậy) theo rạch Cây Gáo đến Xoài Tư (xã Mỹ Thành Bắc) hướng Quan Cư (xã Hậu Mỹ - Cái Bè) lên Gò Tháp. Đường Cần Lố (hướng tây nam) thì dấu vết không còn nữa, nhưng tên gọi Đường Thét còn gợi lên một con đường thẳng nối ngọn Trà Bông (đường gỗ) đến Bàu Tiên - Động Cát. Từ đây vào Gò Tháp các con lung còn hiện rõ.

Ở khoảng giữa Giồng Dung - Gò Tháp, cách Gò Tháp 4km, tại xã Hậu Thạnh Đông (Tân Thạnh, Long An) có một con rộc mang tên rộc Đìa Gừa hay rộc Đìa Gạo rộng chừng 20m một đầu hướng về Giồng Dung - Mộc Hóa, đầu kia hướng về Gò Tháp và tiếp giáp các lung, trấp khác về phía Cai Lậy. Tận Vĩnh Hưng còn những địa danh đường Tượng, đường Gạo, gò Thành, gò Gạch, Vàm Đồn...

Cách thị trấn Kiến Bình 2km về phía nam (tức phía Cai Lậy) có một vệt đường Gạo (rộng chừng 2m, sâu 4 - 5 tấc) hướng về Gò Tháp. Nếu tính chỗ ngọn Bắc Đông (cắt kinh 12) tới Gò Tháp chừng 30km.

Có những con đường tự nhiên chạy ngoằn ngoèo, bất tiện nghĩa quân đã nhắm hướng đi tắt, hoặc mở thêm đường mới khi bị Pháp đóng đồn ngăn chặn như chỗ Vàm Bà Bầy. Ngoài ra còn có đường Gỗ (rạch Trà Bông - Cao Lãnh) dùng vận chuyển gỗ.

Như vậy, từ trung tâm Đồng Tháp Mười, nghĩa quân có thể đi lại dễ dàng giữa các đồn chính và các đồn phụ, có thể tiếp xúc với các cửa ngõ: Mộc Hóa, Long An, Cai Lậy, Cái Bè, Cao Lãnh, Hồng Ngự, và liên lạc xa hơn nữa với các miền An Giang, Hà Tiên, Rạch Giá, Preyveng... Ngược lại kẻ lạ không tài nào thông thuộc hết các đường ngang, nẻo dọc này.

Chọn Đồng Tháp Mười làm căn cứ không phải do ngẫu nhiên để đối phó tình hình vô cùng bất lợi cho nghĩa quân trong những tháng 6, 7, 8 năm 1864 mà việc chọn Đồng Tháp Mười làm tổng hành dinh để chống thực dân Pháp xâm lược của Võ Duy Dương là một việc làm có cân nhắc, tính toán cẩn thận. Ngay khi còn hoạt động ở đất Ba Giồng, Võ Duy Dương cũng đã sử dụng một phần lợi thế của Đồng Tháp Mười. Xưa kia, trong cuộc tranh chấp Tây Sơn - Nguyễn Ánh, Đỗ Thành Nhơn cũng đã sử dụng cái thế "phên dậu" của Đồng Tháp Mười - Ba Giồng làm thế tiến thủ. Rõ ràng, trong thời kỳ mộ dân khai hoang ở vùng ven đất Ba Giồng và nhất là trong thời gian hành quân lưu động (tháng 4-1863 đến tháng 5-1864), nhất định Võ Duy Dương đã nắm bắt được thế đất và lòng người của vùng này.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM