Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:40:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương  (Đọc 25380 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2017, 01:41:25 pm »


Câu hỏi 3: Cho biết quê quán và xuất thân của Võ Duy Dương?
Trả lời:


Do điều kiện tài liệu nên hầu hết các tác phẩm viết về Võ Duy Dương chưa trình bày cụ thể về thân thế và quê quán của ông. Về vấn đề này, có thể chia các tác phẩm trước đây ra 4 khuynh hướng khác nhau:

- Không đề cập tới lai lịch và dòng dõi của Võ Duy Dương là các quyển: Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, 1970); Lịch sử Việt Nam (1858 - cuối thế kỷ XIX), quyển 3, tập 1, phần 1 (Nhà xuất bản Giáo dục, 1979); Lịch sử Việt Nam, tập 2, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam).

- Xác định là không rõ quê quán và năm sinh của Võ Duy Dương là các tác phẩm: Việt sử Tân Biên (Việt Nam kháng Pháp sử của Phạm Văn Sơn, quyển 5, tập Thượng - Sài Gòn, 1962); Đồng Tháp Mười và cuộc kháng chiến của Thiên hộ Dương của Võ Bá Hài (Tạp chí Phổ thông, số 63, năm 1960, trang 10 - 16); Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam của Thái Bạch (Sông Mới, Sài Gòn, 1957).

- Cho rằng Võ Duy Dương là người miền Nam, là các bài viết về Thiên hộ Dương của Nguyễn Văn Hầu (Bản chép tay của Trần Văn Thông - cháu ngoại của thủ khoa Huân, gọi vợ của Võ Duy Dương bằng cô ruột).

- Cho rằng Võ Duy Dương sinh ra ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi là cuốn Anh hùng Võ Duy Dương chống Pháp ở Đồng Tháp Mười (Người con của Quảng Ngãi trên đất Tháp Mười, Nhà xuất bản Thanh niên, 2005).

Xác định cụ thể quê quán của Võ Duy Dương ở Bình Định duy nhất là bài Định Tường - Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân – Tiểu truyện (Văn hóa nguyệt san, số 50, 52, Sài Gòn, 1960).

Trong chuyến đi thực địa từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 11 năm 1989 tại Bình Định với sự kết hợp của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Bình Định, Tổ nghiên cứu lịch sử dân tộc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp đã xác định được quê quán của Võ Duy Dương. Đó là thôn Cù Lâm Nam, nay là thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn (Bình Định). Hiện nay, Nam Tượng là một thôn nhỏ chỉ khoảng mươi nóc nhà nằm dưới chân núi Thơm (bên tay phải đường 19 từ Quy Nhơn đi lên) cách sông Côn 4km về phía nam, cách làng Kiên Mỹ (quê hương Nguyễn Huệ) 12km.

Theo bản đồ Hồng Đức (năm Hồng Đức thứ 21, 1490) thì Bình Định lúc bấy giờ mang tên phủ Hoài Nhơn gồm ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly (Phù Cát) và Tuy Viễn (Tuy Phước). Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi thành phủ Quy Nhơn. Trong những năm 1771-1799, Quy Nhơn là cái nôi của phong trào nông dân Tây Sơn với người anh hùng dân tộc kiệt xuất Nguyễn Huệ - Quang Trung. Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm được thành Hoàng Đế đổi Quy Nhơn ra Bình Định.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2017, 01:41:48 pm »


Trước năm 1945, Bình Định có bốn phủ: Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ và ba huyện: Phù Cát, Hoài An và thành phố Quy Nhơn. Năm 1947 lập thêm ba huyện miền núi: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh.

Địa hình tự nhiên Bình Định rất đa dạng, có đủ rừng núi, đồng bằng và ven biển. Đồi núi chiếm 4/5 diện tích, núi không cao nhưng hiểm trở. Đồng bằng tuy nhỏ hẹp (chỉ chiếm 17,5% diện tích) song là cánh đồng lớn ở Trung Bộ sau Thanh Hóa và Nghệ An. Bờ biển dài gần 140km với nhiều cửa sông, đầm sâu, cảng lớn.

Bình Định nằm ở một vị trí địa lý quan trọng, có tầm chiến lược, là tụ điểm của nhiều đường giao thông thủy, bộ. Đường thiên lý Bắc Nam, đường giao nhau từ biển lên Tây Nguyên qua Đông Bắc Campuchia - Hạ Lào. Do vậy, Bình Định đã từng là nơi diễn ra những cuộc đụng đầu lịch sử: Việt Nam - Chămpa với Nguyên Mông, Tây Sơn với Nguyễn Ánh...

Bình Định là địa bàn cư ngụ của các dân bản địa lâu đời: Ba Na, Chămpa... đó là các dân tộc tha thiết với cuộc sống tự do, bản chất kiên cường, chân thật. Còn lớp người Kinh (Việt) định cư đầu tiên ở đây vốn là lưu dân, dân mộ, tội đồ, tù phạm, tù binh... tức là những lớp người dưới đáy của xã hội phong kiến. Tổ tiên anh em của Nguyễn Huệ vốn là "tù binh” của chúa Nguyễn trong những trận đánh nhau với chúa Trịnh (1653-1658). Những lớp người mất tự do và khốn cùng đó, cả Kinh lẫn Thượng sớm biết đoàn kết lại, không tiếc mồ hôi, xương máu biến vùng đất hoang dã ở vùng phiên trấn (từ năm 1470 đến 1611, dãy núi Cù Mông là biên giới giữa Đại Việt và Chămpa) thành những làng xóm đông đúc, trù phú.

Để có sức mạnh đương đầu với cuộc sống hằng ngày của vùng phiên trấn, người Bình Định phải thường xuyên trau dồi võ thuật, từ đó Bình Định trở thành một vùng đất nổi tiếng thượng võ, nhất là dòng võ Tây Sơn độc đáo. Võ thuật đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, cha truyền con nối. Hai câu ca dao: "Ai về Bình Định mà coi; con gái Bình Định cầm roi, đi quyền" đã nói lên tính phổ biến của loại hình sinh hoạt này trong dân gian. Suốt một thời gian dài trên 200 năm (1667-1884) ở Bình Định đều có tổ chức các kỳ thi võ thu hút sĩ tử cả một vùng từ Nam Ngãi đến Phú Khánh.

Chính những điều kiện kinh tế - xã hội và hoàn cảnh lịch sử đã tạo cho cư dân Bình Định vừa có những phẩm chất cao quý chung của người Việt (cần cù, sáng tạo, nhân ái, kiên cường) vừa có bản sắc riêng, đó là tính khẳng khái, hào hiệp, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2017, 01:42:13 pm »


Võ Duy Dương sinh ra và lớn lên ở một thôn nhỏ, được bao quanh bởi những dãy đồi núi chập chùng, sau lưng là núi Thơm, trước mặt là núi Hòn Giang, bên trái là núi An Tượng, bên phải là sông Côn, xa xa về phía trước mặt là núi chàng Lía.

Tổ sáu đời của Võ Duy Dương là Võ Hữu Man (họ Võ có gia phả nhưng đã bị thiêu hủy vào năm 1972) từ miền Bắc vào Cù Lâm Nam (Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn) lập nghiệp, đến nay con cháu vẫn còn nhiều người cư ngụ tại thôn này. Các thế hệ tiếp theo sau là Võ Văn Thạnh, Võ Văn Tín, Võ Hữu Sự và Võ Hữu Đức. Võ Hữu Đức có tất cả là bảy người con nhưng còn sống đến khi trưởng thành có 5 người, ba trai, hai gái: Võ Hứa Biểu, Võ Duy Tân, Võ Duy Dương, Võ Thị Viết và Võ Thị Bảy. Đến đời Võ Hữu Đức, gia đình họ Võ vẫn chuyên nghề làm ruộng, dù không mấy khá giả nhưng ông vẫn cố gắng cho các con học một ít chữ Nho với thầy đồ ở trong thôn. Võ Duy Dương lúc nhỏ đã có tiếng là khỏe mạnh và ăn nhiều. Sau khi cha mất, bà mẹ tảo tần hôm sớm nhưng không sao lo đủ cái ăn cho Dương. Bà rất thương con nhưng buộc lòng phải cho Dương đi chăn trâu mướn cho một bá hộ ở trong làng, không lấy tiền công, chỉ nhận đủ gạo để Dương sống qua ngày.

Dương thường tụ họp các bạn để vật lộn, đánh trận giả làm trò chơi. Một hôm, Dương lỡ mạnh tay làm chết một người bạn. Được tin có án mạng, quan phủ sở tại cho lính áp giải Dương về phủ đường xét hỏi. Hai người lính bắt Dương trói lại. Dương liền vung tay một cái, hai người té ngửa, bỏ chạy về. Quan phủ giận lắm, sai thêm hai người nữa nhưng cũng không bắt được. Sau cùng, quan phủ đích thân đến nhà, Dương không trốn tránh mà còn bình tĩnh trình bày sự việc. Quan phủ hỏi bà mẹ về Dương, bà cho biết từ nhỏ đến giờ, con mình cũng bình thường như bao đứa trẻ khác và cũng không học võ nghệ.

Quan phủ hết sức kinh ngạc, bảo bà mẹ sẽ không bắt tội Dương mà còn lo việc bồi thường cho gia đình nạn nhân với điều kiện là bà phải để cho Dương về làm con nuôi của quan phủ. Không còn cách nào khác, bà đành phải bằng lòng.

Thế là Dương về ở với quan tri phủ. Quan lo cho ông học văn, còn võ nghệ thì chưa có thầy thích hợp. Dù vậy, khi đi đâu, quan cũng cho Dương đi theo làm hộ vệ. Một hôm, Dương theo quan phủ về kinh đô hầu vua. Trong khi quan bận việc ở trong thành nội, Dương tản bộ ngắm cảnh núi Ngự, sông Hương, bỗng nghe tiếng trống quân thúc dữ dội và tiếng la hét vang rền ở phía bờ sông, Dương nhanh chân tiến về phía đó. Lúc bấy giờ là mùa nước lên, một bè gỗ quý của vua đứt dây trôi phăng phăng giữa sông. Gần mấy chục lính lực lưỡng xúm nhau kéo lại nhưng bè cứ trôi. Người đi đường đứng lại vừa coi vừa bàn tán, Võ Duy Dương cũng bàn góp:

- Tới cả chục người kéo, bè không dừng lại thì làm sao mà neo nó lại được?

Không ngờ, một viên chánh suất đội đứng cạnh đó nghe được, quay lại sừng sộ:

- À, chú bé này giỏi thật! Mi có ngon thì kéo lại một mình cho ta coi, nếu không thì đừng trách ta!

Dương bằng lòng, xắn tay áo lên, nắm lấy dây, xuống tấn. Bè gỗ từ từ dừng lại, rồi chầm chậm tiến ngược dòng nước, đến một gốc cây cổ thụ, Dương neo bè lại giữa tiếng cổ vũ của lính tráng và người đi đường.

Tan chầu, nghe ồn ào, vua và các quan ngự ra xem. Viên suất đội tâu qua mọi việc. Vua cho đòi Võ Duy Dương tới. Thấy vậy, quan phủ lật đật quỳ xuống tâu với vua về sức mạnh của Dương. Vua lấy làm lạ chưa tin lắm, ra lệnh cho Dương tới diễn ở võ trường để thử sức. Tại đây, Võ Duy Dương cử một cái đỉnh đồng nặng mấy trăm kilôgam đi mười bước rồi để xuống, mặt không hề biến sắc. Sau đó, Dương cử năm trái linh, mỗi trái nặng sáu mươi kilôgam. Hai nách hai trái, hai tay hai trái, miệng ngậm một trái. Vua và các quan hết lòng khen ngợi. Thấy Dương còn nhỏ, vua giữ lại kinh đô để ăn học và luyện tập võ nghệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2017, 08:35:17 pm »


Câu hỏi 4: Thời gian nào Võ Duy Dương vào Nam? Đến lúc được sung chức Chánh quản đạo, ông đã có những hoạt động gì? Hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ của Võ Duy Dương được phong vào năm nào?
Trả lời:


Năm Võ Duy Dương vào Nam là một trong những vấn đề then chốt trong toàn bộ tiểu sử của ông. Vì bản thân vấn đề này có liên quan đến một số vấn đề quan trọng khác.

Xác minh được niên đại này, chúng ta thấy được động cơ nào thúc đẩy ông vào Nam, nếu ông vào trước tháng 2 năm 1859 (lúc thực dân Pháp tấn công thành Gia Định) thì thời gian trước khi tham gia công cuộc chống giặc ngoại xâm ông đã có những hoạt động gì, vì sao ông được mệnh danh Thiên hộ? Và từ lúc nào? Rất tiếc là đến nay, chưa có tư liệu nào làm rõ vấn đề này.

Có lẽ điều mà Đại Nam thực lục chính biên chép: "Khoảng tháng 4 năm Tân Dậu (tức tháng 5-1861), Khâm phái Quân vụ Đỗ Thúc Tịnh đem theo các tùy phái Trương Minh Lượng, Phan Chánh (Phan Trung), Chánh bát phẩm Thiên hộ Võ Duy Dương... vào Nam mộ nghĩa quân ở các tỉnh Long, Tường, An, Hà" là tư liệu sớm nhất về thời điểm vào Nam của Võ Duy Dương. Ngoài ra không có tư liệu nào khác.

Tuy vậy, hiện nay cũng đã phát hiện ra nhiều yếu tố khác giúp ta suy nghĩ rằng ông có thể vào Nam sớm hơn.

Một trong hai tờ tấu trình mà ông gửi vua Tự Đức có lẽ bọn Pháp đã tịch thu được trong khi chúng tấn công vào Đồng Tháp Mười tháng 4 năm 1866 (Gustave Janneau, Deux rapports Militaires du Général Võ Duy Dương, Revue Indochinoise, số 2, 1914), có đoạn ghi: "Năm Tự Đức thứ 14 tháng 4, Võ Duy Dương tuân lệnh nhà vua theo Khâm phái Đỗ Thúc Tịnh di chuyển về Vĩnh Long, An Giang, Định Tường và Hà Tiên để nhận nhiệm vụ. Tháng 8 năm ấy, Khâm phái trao cho Dương bằng quản cơ chỉ huy võ sanh, võ sĩ".

Điều làm chúng ta thắc mắc: Nếu Võ Duy Dương chỉ có mặt ở Định Tường từ tháng 4 năm Tự Đức thứ 14 (tức tháng 5-1861) đến tháng 8 (tức là tháng 9-1861). Như vậy, chỉ trong vòng hơn ba tháng kể từ ngày Võ Duy Dương đặt chân lên đất Định Tường mà ông đã mộ được 1.000 nghĩa dũng để được phong bằng quản cơ (Theo quy chế quy định mức thưởng dành cho người mộ nghĩa dũng chống Pháp (3-1861), bằng quản cơ dành cho ai mộ được khoảng 1.000 người). Điều này ít có cơ sở thuyết phục, có thể Võ Duy Dương đã có mặt trong một thời gian nào trước đó nên ông mới có đủ điều kiện về uy tín và thời gian giúp công việc chiêu mộ đạt kết quả như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2017, 08:36:11 pm »


Mặt khác, có nhiều tác giả: Trần Văn Thông (Định Tường - Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân - Tiểu truyện), Ca Văn Thỉnh (Nguyễn Hữu Huân, thân thế và sự nghiệp, Kỷ yếu khoa học, Ban Văn học - Viện Khoa học xã hội miền Nam, số 4 năm 1976)... đều cho rằng Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân cùng được cử: một người làm chánh quản đạo và một người làm phó quản đạo, nhưng không nói rõ là vào lúc nào. Trong khi đó, các tác giả Phạm Thiều, Cao Tự Thanh và Lê Minh Đức trong quyển Nguyễn Hữu Huân - Nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1986, trang 14 - 17) lập luận rằng: Nguyễn Hữu Huân được sung chức Phó quản đạo vào cuối tháng 5 năm 1859. Như vậy, có nghĩa là Võ Duy Dương cũng được phong Chánh quản đạo (Theo quy chế triều Nguyễn thì hai chức phó quản đạo (trật chánh ngũ phẩm) và chánh quản đạo (trật tòng tứ phẩm) đều thuộc hệ văn giai) vào thời điểm tháng 5 năm 1859.

Nếu thực tế lịch sử khẳng định điều này thì thời điểm vào Nam của Võ Duy Dương lùi lại sớm hơn nữa.

Hiện nay, nhiều bô lão ở Đồng Tháp Mười còn kể rằng: ông cố, ông nội mình gốc người Quảng Nam, Bình Định theo Võ Duy Dương vào Nam khai hoang lập ấp rồi sau đó tham gia chống thực dân Pháp dưới cờ nghĩa của ông Thiên hộ.

Ở Ấp Bắc Chang I, xã Tuyên Thạnh (Mộc Hóa, Long An) có nhánh họ Võ, tổ là Võ Văn Lộn, người Bình Định vào Nam ngụ ở xã Vĩnh Công (Châu Thành, Long An) đến đời con là Võ Văn Lên, Võ Văn Sanh bỏ Vĩnh Công vào Đồng Tháp Mười khai hoang, rồi gia nhập nghĩa quân Thiên hộ Dương. Ở đây còn có nhánh họ Nguyễn, tổ là Nguyễn Văn Long, người miền Nam khai hoang lập nghiệp ở Mộc Hóa, sau gia nhập nghĩa quân Thiên hộ Dương phụ trách việc đào kinh Cái Cỏ, phục vụ tiếp tế, mất năm 1865.

Ở vùng Xoài Tư (khu vực đồn điền cũ có chùa Trường Tháp), nay thuộc các xã Hậu Mỹ Bắc, Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè); Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) có các nhánh họ Lê, họ Võ, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Trần, họ Huỳnh. Tổ các họ này là người Quảng Nam và Bình Định vào lập nghiệp ở đất Ba Giồng (Tiền Giang): họ Trần ở Bưng Môn (Tân Phú, Cai Lậy), họ Phạm ở Tân Hội (Cái Bè), họ Nguyễn, họ Huỳnh ở Nhị Quý (Cai Lậy). Sau đó lại theo Võ Duy Dương vào vùng Xoài Tư khai hoang lập ấp, được ông truyền dạy võ nghệ, khi Pháp tấn công Gia Định, mọi người đều theo Võ Duy Dương chống giặc.

Theo nguồn tư liệu dân gian này thì Võ Duy Dương vào Nam trước khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định (2-1859). Điều này trùng hợp với tư liệu do gia đình Võ Duy Dương cung cấp. Theo cụ Võ Quế cho biết, Võ Duy Dương vào Nam độ vài tháng thì bà Phạm Thị Liệu (vợ lớn) sinh người con thứ hai (tên là Võ Duy Phụng). Bà Phạm Thị Liệu có hai người con là Võ Duy Cung và Võ Duy Phụng. Võ Duy Cung sinh năm 1855. Còn Võ Duy Phụng mất lúc 10 tuổi, nên không ai nhớ ông sinh vào lúc nào.

Cứ theo lời cụ Võ Quế (cụ Võ Quế, 85 tuổi (1989) - cháu nội của Võ Duy Dương) thì năm sinh của Võ Duy Phụng cũng là năm Võ Duy Dương lên đường vào Nam. Theo lẽ thường mà suy thì Võ Duy Phụng có thể sinh vào một trong các năm 1856, 1857 và 1858.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 06:28:12 pm »


Như vậy, có khả năng Võ Duy Dương vào Nam trong khoảng từ 1857 đến 1858. Từ thời điểm này đến lúc được sung chức Chánh quản đạo vì đã chiêu mộ được nhiều nghĩa dũng chống thực dân Pháp, Võ Duy Dương có những hoạt động gì? Đó là vấn đề cần nghiên cứu để qua đó góp phần làm sáng tỏ thêm về con người và những hoạt động của Võ Duy Dương.

Sinh ra và lớn lên trên một vùng quê hương có truyền thống đấu tranh của các phong trào nông dân vào cuối thế kỷ trước với các địa danh, di tích ấp Tây Sơn, hòn Ông Bình, bến Trường Trầu (Tây Sơn), thành Hoàng Đế (An Nhơn), tân phủ Càn Dương (Phù Cát)... ít nhiều Võ Duy Dương cũng chịu ảnh hưởng truyền thống bất khuất của quê hương. Núi chàng Lía sừng sững trước mặt thôn Cù Lâm Nam (Nam Tượng) như nhắc nhở tấm gương đấu tranh chống bất công, áp bức.

Sau khi đàn áp được phong trào Tây Sơn, nhà Nguyễn tìm mọi cách xóa vết tích của anh em Tây Sơn, triệt hạ ấp Tây Sơn, san bằng thành Hoàng Đế, gán cho các địa danh lịch sử đó những cái tên mới có tính chất phỉ báng (Bình Định, An Tây, An Khê rồi Nam An, Bắc Thuận). Bọn địa chủ quan lại nhân cơ hội đó cướp đoạt ruộng đất của nông dân. Năm 1838, ruộng đất công ở Bình Định chỉ còn 6.000 mẫu trong khi đó ruộng tư lên đến trên 10.000 mẫu, phần lớn tập trung vào tay địa chủ. Năm 1839, triều đình thi hành chính sách quân điền bằng cách tịch thu phân nửa số ruộng tư làm thành ruộng đất công để chia cho nông dân (Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1971). Nhưng sau 13 năm thi hành chính sách quân điền, năm 1852, Hiệp biện Đặng Văn Thiêm sau khi đi kinh lý vùng Bình Định đã tâu với vua Tự Đức: "Trước kia, trong việc quân cấp cứ 10 mẫu ruộng thì một nửa chia làm công điền, một nửa làm tư điền. Nhưng về ruộng công chỗ nào màu mỡ thì cường hào giành hết, còn thì bọn hương lý bao chiếm. Dân nghèo chỉ được những chỗ xương xẩu". Kết quả của hành động cướp ruộng đất, bóc lột nghiệt ngã của bọn cường hào phong kiến đã gây ra những biến động sâu sắc, để lại nhiều hậu quả về tư tưởng, tình cảm và tâm lý qua nhiều thế hệ cư dân ở Bình Định.

Phản kháng thụ động là trạng thái phổ biến trong nhân dân. Nhiều vùng ở Bình Định, cư dân rời quê hương phiêu bạt kiếm sống. Từ năm 1822, ấp Chánh Thuận (nay thuộc Cát Hanh) và 2 ấp khác đã có nhiều đợt dân phiêu tán. Những năm 1824, 1860, 1863... nhiều làng dân bỏ đi nơi khác kiếm sống (Đại Nam thực lục chính biên). Đó là những cuộc phiêu tán lớn, không kể những chuyến đi lẻ tẻ.

Có lẽ Võ Duy Dương, con một nông dân nghèo ở đất An Nhơn (Bình Định) cũng lên đường phiêu tán trong hoàn cảnh này. Nhưng không như những lưu dân khác chỉ lo giải quyết cuộc sống của riêng mình, Võ Duy Dương đứng ra chiêu mộ người đồng cảnh ngộ hưởng ứng chính sách khai hoang lập ấp do Nguyễn Tri Phương đề ra và đã được vua Tự Đức chấp thuận (Nguyễn Thế Anh, Kinh tế và cơ hội Việt Nam dưới các triều vua Nguyễn, Sài Gòn, 1971).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 06:28:44 pm »


Công cuộc khai hoang thời này chủ yếu là vùng An Giang, Hà Tiên, cụ thể là vùng Vĩnh Tế, Tịnh Biên, Ba Xuyên nhằm mục đích ổn định tình hình an ninh biên giới. Tuy vậy, nhiều vùng hoang hóa khác trên địa bàn Nam Kỳ cũng xuất hiện nhiều khu đồn điền mới như Gia Thuận (phủ Tân An) của Trương Định, đặc biệt vùng Mãng Trạch (tức Đồng Tháp Mười), ven vùng đất Ba Giồng (Định Tường) cũng hấp dẫn một lượng khá lớn lưu dân.

Song do tính chất đất đai, địa thế trũng thấp, đường đi lại khó khăn nên đến năm 1850, ở Định Tường (cả vùng Đồng Tháp Mười) có tới 87 xã bị "điêu hóa" - nguyên trước báo là đã khai khẩn nhưng sau lại bỏ hoang và số ruộng mà chính quyền buộc phải miễn thuế lên đến 14.843 mẫu. Võ Duy Dương đã tìm đến đất Ba Giồng trong hoàn cảnh đó.

Ông tiến hành chiêu mộ lưu dân để khai hoang dưới hình thức nào, quy dân lập ấp, lập làng hay lập đồn điền (lúc bấy giờ ở Định Tường có các đội đồn điền: Tường Kiên, Tường Nhuệ, Tường Uy, Tường Võ. Tường Võ ở khu vực Cao Lãnh ngày nay) ở đâu và được bao nhiêu người, hiện nay không thấy tài liệu nào nói đến và chức danh chánh bát phẩm thiên hộ là vấn đề vẫn cần phải làm sáng tỏ.

Một điều chắc chắn rằng, số lưu dân mà Võ Duy Dương chiêu mộ được không nhiều bằng Trương Định. Vì Trương Định có nhiều ưu thế hơn: chẳng những là con quan (cha Trương Định là Trương Cầm, lãnh binh tỉnh Gia Định, có nơi chép là Thủy vệ úy tỉnh Gia Định), đương nhiên có thế lực, gia sản và sau đó lại có bà vợ hai là Trần Thị Sanh, bà Sanh là con gái Phạm Thị Phụng (cô ruột của Thái hậu Từ Dũ - mẹ Tự Đức) nên thế lực Trương Định vốn đã có lại được nâng lên. Hơn nữa Trương Định đã bắt tay vào cuộc chiêu dân lập đồn điền từ năm 1854, tức là ngay sau khi chính sách đồn điền được ban hành và có lẽ ông đã mộ được khoảng 500 người nên đã được phong chức phó quản cơ.

Cần nói thêm, khi mới lập đồn điền, Trương Định chỉ giữ chức phó quản cơ. Đến giữa năm 1861, Trương Định mới được thăng chức quản cơ. Điều này đã được ghi trong Đại Nam thực lục chính biên: "Tháng 8 âm lịch (1861) do Phó quản cơ Trương Định có công chiêu mộ những thổ dũng, có nhiều người đi theo, thường cùng quân Tây Dương chống đánh nhau đắc lực nên Thự tuần phủ Đỗ Quang đem việc tâu lên, vua cất nhắc cho làm Quản cơ, rồi lãnh chức Phó lãnh binh”.

Ở đây ta cần phân biệt rõ chức phó quản cơ và quản cơ của Trương Định được chi phối bởi hai văn bản khác nhau. Chức phó quản cơ quy định bởi quy chế đồn điền 1853, còn chức quản cơ của Trương Định là theo quy định của mức thưởng dành cho những người mộ nghĩa dũng chống Pháp (3-1861).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 06:29:14 pm »


Quy chế đồn điền năm 1853 quy định: Mộ được 50 người thì tổ chức thành một đội, người đứng mộ được quyền chỉ huy, gọi là suất đội. Khi canh tác có kết quả thì khu vực ấy trở thành một ấp, viên suất đội sẽ là ấp trưởng, theo quy chế dân sự.

Mộ được 500 người, tổ chức thành một cơ (10 đội), người đứng mộ lãnh chức vụ chánh đội thí sai phó quản cơ. Khi đất sinh huê lợi, phó quản cơ mặc nhiên là cai tổng, theo quy chế dân sự (Đại Nam thực lục chính biên).

Quy chế quy định mức thưởng cho người mộ quân chống Pháp (3-1861) quy định: Mộ đủ 50 người thưởng thụ suất đội trật tòng ngũ phẩm; mộ đủ 500 người thưởng thụ quản cơ trật chánh tứ phẩm. Trường hợp số quân mộ được 2, 3 cơ (tức 1.000 hay 1.500 người) thì đợi chỉ của vua cất lên bậc cao.

Ngoài ra, quy chế này còn quy định nếu đem 10 người thân thuộc trong gia đình gia nhập quân đội sẽ được cấp bằng cửu phẩm bá hộ, 20 người trở lên sẽ được cấp bằng tòng bát phẩm bá hộ, 30 người trở lên sẽ được cấp bằng đội trưởng tòng thất phẩm bá hộ (Đại Nam thực lục chính biên).

Đối chiếu hai quy chế trên, ta thấy trường hợp của Trương Định khá rõ: Trong khi lập đồn điền, Trương Định mộ được khoảng 500 người nên được cấp bằng phó quản cơ (hệ dân sự). Đến khi Pháp tấn công thành Gia Định, mang quân đồn điền ra chống giặc được cất nhắc lên quản cơ (hệ quân sự).

Còn trường hợp của Võ Duy Dương, chức danh phẩm hàm "chánh bát phẩm thiên hộ" của ông gợi cho chúng ta ít nhiều thắc mắc, vì trong quy chế đồn điền chỉ ghi: "Người đứng lập ấp mà mộ đủ 30 người thì tha thuế thân, sai dịch suốt đời; mộ được 50 người thì thưởng thụ chánh cửu phẩm bá hộ; được 100 người, thưởng thụ chánh bát phẩm bá hộ vẫn lãnh làm tổng lý (3 năm thì làm sổ, chiếu lệ đồn điền thi hành). Còn ruộng đất đã được khai khẩn và thuế thân của nhân đinh đều khoảng hạn (10 năm) mới bắt đầu thu để tỏ sự khuyến khích" chứ không có khoảng nào quy định được thưởng thụ chánh bát phẩm thiên hộ. Cũng như vậy, trong quy định mức thưởng dành cho người mộ nghĩa chống Pháp cũng không có ấn định phẩm hàm này.

Tuy nhiên, trong quy chế đồn điền (1853) có điều đáng lưu ý "mộ được 100 người, thưởng thụ chánh bát phẩm bá bộ, vẫn lãnh làm tổng lý (3 năm thì làm sổ, chiếu lệ đồn điền thi hành). Điều này giúp ta suy luận rằng: Võ Duy Dương lúc vào Nam chiêu mộ lưu dân không sung vào các đội đồn điền mà đứng ra lập làng, lập ấp. Số người mà ông quy mộ đã vượt quá con số 100 (có lẽ gần 1.000) nên ông được thưởng thụ hàm chánh bát phẩm (trật cao nhất theo quy định cho người đứng lập ấp) còn chức danh không phải là bách (bá) hộ mà là thiên hộ (vì đã mộ được gần 1.000 người). Lẽ ra, theo quy định, ông phải đợi đến 3 năm sau, triều đình mới chiếu theo lệ đồn điền thưởng thụ cho ông. Nhưng điều đó không xảy ra vì tháng 2 năm 1859 Pháp đã chiếm thành Gia Định, rồi sau đó hạ đồn Chí Hòa (2-1861), chiếm Định Tường (4-1861) và chính sách đồn điền dừng không thực hiện nữa.

Có lẽ dựa vào lập luận tương tự như trên nên đã có nhiều tác giả cho rằng chức danh thiên hộ của Võ Duy Dương xuất phát từ hoạt động chiêu dân lập ấp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 06:29:32 pm »


Song cũng có tác giả khác lại cho rằng sở dĩ Võ Duy Dương mang chức danh thiên hộ vì ông là người giàu có (ở trong Nam, những điền chủ giàu có thường mua chức hàm bá hộ hay thiên hộ) và cũng có tác giả cho rằng vì ông đã mộ được 1.000 nghĩa dũng tham gia chống Pháp nên được phong chức thiên hộ.

Nhưng theo quan chế triều đình nhà Nguyễn thì chức thiên hộ là một chức quan võ (hệ võ giai) nằm trong trật tòng thất chánh phẩm, dưới chức này là chánh bát phẩm bá hộ (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Tân Việt - Sài Gòn, 1975, trang 431). Như vậy, chức danh chánh bát phẩm thiên hộ của Võ Duy Dương là chức danh đặc cách, nghĩa là thiên hộ nhưng vẫn phải hưởng lương theo trật chánh bát phẩm (là 20 quan tiền, 18 phương gạo, 5 quan tiền xuân phục) chứ chưa được ăn lương theo trật tòng thất phẩm (25 quan tiền, 20 phương gạo, 5 quan tiền xuân phục) đúng với chức danh. Có lẽ Võ Duy Dương là một võ quan cấp thấp chức bá hộ (trật chánh bát phẩm) song có công trạng nên được đặc cách mang chức thiên hộ nhưng vẫn còn hưởng lương theo trật cũ (chánh bát phẩm) nên từ đó có chức danh thiên hộ.

Đến nay, không rõ Võ Duy Dương được thưởng thụ chánh bát phẩm thiên hộ vào lúc nào mà chỉ thấy chức danh và phẩm hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ Võ Duy Dương xuất hiện trong Đại Nam thực lục chính biên là vào tháng 8 năm Tự Đức thứ 14 (tức tháng 9-1861), sau đó ông lại được nhận bằng quản cơ do Khâm phái Đỗ Thúc Tịnh trao. Như vậy ông được nhận bằng quản cơ một lúc với Trương Định. Cũng như trường hợp Trương Định, bằng quản cơ của Võ Duy Dương được phong theo định lệ mức thưởng cho người mộ nghĩa dũng chống Pháp chứ không theo quy chế đồn điền.

Theo các bô lão ở Cái Bè, Cai Lậy (đất Ba Giồng) - nơi Võ Duy Dương hoạt động chiêu dân lập ấp trước đây thì sau khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định (2-1859), ông cùng một số thuộc hạ thân tín vượt biên ra kinh đô Huế hiến kế đánh giặc với triều đình. Song lúc bấy giờ (1859-1860) ở Quảng Ngãi có giặc biển hoành hành, quan quân địa phương không trị nổi, triều đình ủy thác cho Võ Duy Dương đánh dẹp, ông hoàn thành nhiệm vụ được vua khen ngợi và ban cho chức thiên hộ.

Sự kiện này hoàn toàn khớp với điều ghi chép trong Đại Nam thực lục chính biên: "Nguyên phái đi bắt giặc ở Quảng Ngãi là Chánh bát phẩm Thiên hộ Võ Duy Dương, khi ấy (5-1861) cũng ở trong bọn tùy phái”.

Như vậy, có khả năng Võ Duy Dương được phong Chánh bát phẩm Thiên hộ trong năm 1860.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 06:39:57 pm »


Câu hỏi 5: Cho biết địa thế Ba Giồng và hoạt động kháng Pháp của Võ Duy Dương giai đoạn từ năm 1861 đến tháng 8 năm 1864?
Trả lời:


Trước đây có nhiều ý kiến cho rằng cuộc khởi nghĩa của Võ Duy Dương chủ yếu chỉ gắn chặt trên địa bàn Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên với tư liệu mới phát hiện gần đây cho thấy, trước khi lấy Đồng Tháp Mười làm tổng hành dinh, Võ Duy Dương đã có một thời gian dài cùng với Nguyễn Hữu Huân vận động nhân dân tổ chức tác chiến đánh thực dân Pháp trên khu vực đất Ba Giồng ở phía tây tỉnh Định Tường.

Địa danh "Ba Giồng" chỉ một vạt đất đai đầy gò nổng chạy dài từ nam sông Vàm Cỏ Tây, dọc theo kinh Bảo Định rồi cập theo sông Tiền đến tận Cái Bè, Cái Thia, gồm một hệ thống với ba cụm giồng:

Cụm 1: Gò Cánh Én, gò Trâm Bầu, gò Trao Trảo (Qua Qua), giồng Dứa, giồng Trấn Định (Tân Hiệp) theo hướng bắc nam.

Cụm 2: Gò Lũy, giồng Cai Lữ, giồng Thuộc Nhiêu (gò ông Hoài) ở Nhị Bình, Điềm Hy; gò Trà Luộc - Điềm Hy; Hữu Đạo - Nhị Quý (thuộc Cai Lậy) theo hướng đông bắc - tây nam.

Cụm 3: Gò Mồ Côi, gò Lâm vồ (xã Tân Hội); giồng Cai Lậy, giồng Bà Trà (thị trấn Cai Lậy); gò Bù Lu (xã Nhị Mỹ); giồng Tre, gò Sung (xã Bình Chú); gò Triệu (xã An Cư, huyện Cái Bè) chạy song song với cụm 2.

Đây là địa giới của bờ biển cũ bao quanh mặt đông nam của Đồng Tháp Mười. Vùng Ba Giồng có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ xâm nhập vào Định Tường, một tỉnh đông dân và trù phú nhất Nam Kỳ và cũng là cửa ngõ tây nam của miệt lục tỉnh. Trong Đại Nam nhất thống chí mô tả: Gò Tam Phụ (Ba Giồng) tục danh là Ba Đổng nằm bên địa phận hai huyện Kiến Đăng và Kiến Hưng, gồm các gò: gò Yến, gò Kỳ Lân, gò Qua Qua. Gò Ba Giồng rộng lớn, cây cối xum xuê, chỗ nhô lên, chỗ phục xuống, tiếp tục nối liền, trước có đại giang (sông Tiền) ngăn trở, sau tựa vào chằm Mãng Trạch (vùng Đồng Tháp Mười) là nơi tụ nghĩa của Đỗ Thành Nhân (Đại Nam nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt, Bản dịch của Tu trai Nguyễn Tạo, trang 9).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM