Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:15:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương  (Đọc 25373 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 08:28:02 pm »


Được tin thất trận ở Tây Ninh, thủy sư đô đốc De Lagrandière đưa quân lên tiếp viện. Ngày 14 tháng 6 năm 1866, Marchaise, trung tá thủy quân lục chiến Pháp, chỉ huy 150 lính và 2 cỗ đại bác tìm diệt nghĩa quân. Trong lúc lội qua rạch Dinh, đội hình Pháp rơi vào ổ phục kích của nghĩa quân. Bằng cung nỏ, gươm giáo và một ít súng trường, nghĩa quân đã dũng cảm đánh giáp lá cà giết chết tên Marchaise và nhiều lính Pháp. Số còn lại bỏ chạy tán loạn.

Chiến thắng rạch Dinh và Tây Ninh trước đó là một tiếng vang lớn làm nức lòng nghĩa quân cũng như dân chúng Việt - Khơ Me. Nhưng đó là nỗi kinh hoàng và lo sợ của Pháp. Paulin Vial trong cuốn Histoire de la Cochinchine viết: "Trong khi Pháp lo những cuộc hành binh khác, tin trận rạch Dinh và tin số quân bị thiệt hại của ta (Pháp) làm tràn ra ngoài dân chúng như một làn lửa thuốc súng. Các lãnh tụ khởi nghĩa phái người đi cổ vũ khắp nơi, đến cả trong hàng ngũ chúng ta (Pháp), đến cả trong phố Sài Gòn và họ tìm cách tấn công ta tại thủ phủ của ta".

Ngày 24 tháng 6 năm 1866, nghĩa quân lại tấn công đồn Thuận Kiều và Trảng Bàng.

Biết rõ căn cứ của nghĩa quân đóng tại tổng cầu An Hạ, ở giữa bưng Tầm Lạc và Vàm Cỏ Đông, khu vực chạy dọc theo đường Sài Gòn - Tây Ninh, ngày 27 tháng 6 năm 1866, Pháp điều lực lượng quanh vùng Chợ Lớn, Phú Lâm, Cầu Ông Lãnh gồm 200 lính Pháp, 100 lính mã tà và một pháo thuyền do thiếu tá Rosse chỉ huy đến bao vây, tập kích vào căn cứ.

Nghĩa quân chủ động đánh mở ra 3 mặt. Trương Quyền dẫn một cánh quân đông nhất đánh lên phía Trảng Bàng. Cánh thứ nhì đánh về phía sông Bến Nghé. Cánh thứ ba đánh xuống phía nam, băng qua đầm lầy, trú quân tại Bình Điền. Cai tổng Phước hay tin kéo lính đến vây.

Cũng như căn cứ Tân Hòa (Gò Công), căn cứ Gò Tháp (Đồng Tháp Mười), trung tâm kháng chiến cầu An Hạ bị san bằng vì tương quan lực lượng và vũ khí chênh lệch, nghĩa quân kháng cự quyết liệt nhưng cuối cùng đành chịu thiệt hại nặng ở ấp Bình Thủy, Ba Hầm và Bình Điền. Nguyễn Văn Tài, một trong những người chỉ huy nghĩa quân đã bị giặc bắt. Khi rút quân lên đến Tây Ninh, Trương Quyền cùng hoạt động chung với Poucombo.

Từ ngày 2 đến ngày 11 tháng 7 năm 1866 liên quân Việt - Khơ Me còn chạm trán với Pháp trong các trận: Trà Vang (Tây Ninh), Củ Chi, Hóc Môn, Trảng Bàng, Long Trì (Tân An), Bình Thối.

Người Pháp nhận xét: "Trong thời kỳ chiến tranh này, điều đáng chú ý là ở những kẻ thù của chúng ta (nghĩa quân Việt - Khơ Me) có một sự hoạt động, một sự cương quyết và một sự khéo léo vô cùng, dùng các loại súng mà đến nay chưa hề thấy trong người bản xứ. Mỗi một người du kích đến quấy phá những vị trí tiền tiêu của ta hay quấy rối xóm giềng làng xã, họ núp ở những đường nho nhỏ, mà chờ toán quân đi qua để nhắm bắn các vị lãnh đạo của các toán quân đó. Những lính đào ngũ có mặt trong hàng ngũ của kẻ địch và lòng tin tưởng của người Khơ Me đối với Poucombo, điều ấy tạo ra một tình thế rất nguy hiểm cho quyền thống trị của chúng ta" (P. Vial, Histoire de la Cochinchine, quyển 2, trang 70).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 08:28:27 pm »


Pháp cho rằng nghĩa quân hoạt động mạnh là do triều đình làm ngơ, thậm chí còn cố ý trợ giúp, mà cụ thể là ở 3 tỉnh miền Tây. Trong thư gửi cho thống đốc Nam Kỳ De Lagrandière ngày 18 tháng 11 năm 1866, August Ansart - trung tá hải quân, tư lệnh tỉnh Mỹ Tho có kể lại cuộc nói chuyện giữa y và Phan Thanh Giản trước đây như sau:

"Tôi nhắc lại với ông, tất cả các sự phiến động trong tỉnh của chúng ta, do những người mật sứ chắc chắn đã được lệnh, vì nếu không, họ đã không thể nào tìm được sự giúp đỡ của dân chúng. Tôi nhắc lại cho ông những toan tính của con trai Quản Định, của Thiên hộ (tức Trương Quyền, còn gọi là Trương Tuệ và Thiên hộ Dương) là hai nhà lãnh tụ được họ ngầm giúp đỡ, chứa chấp và che chở, các đoàn quân của những người này ngày nay vẫn về bè với Poucombo...".

Pháp phản đối quyết liệt, Tự Đức bất đắc dĩ phải ra chỉ dụ ngày 7 tháng 6 năm Tự Đức thứ 19 (1866) tầm nã Achaxoa và Võ Duy Dương... nhưng sự thật bên trong lại khác.

Tuần phủ Thuận Khánh là Hoàng Văn Uyển tâu nói: Gần đây nghe nói Võ Duy Dương và bọn Trương Tuệ (Tuệ là con Trương Định) ngầm đến thượng du hội với bọn còn sót lại của tên Bướm mưu đồ khởi nghịch. Vua bảo cơ mật viện rằng: lũ tên Dương lòng hắn như thế nào chưa biết rõ nhưng cũng là do lòng căm phẫn mà ra, có thể mới ràng buộc lòng người, để dùng về sau, cho đi tuần bắt cũng chẳng qua cho vui lòng nước Pháp mà thôi, giết đi cũng đáng tiếc, người không biết bảo là phụ ân. Trước đã bất đắc dĩ để mất một Phan Huân (Nguyễn Hữu Huân) lòng trẫm vẫn áy náy, chưa biết quan kinh lược và quan tỉnh cũng đã biết rõ ý làm cho thỏa đáng hay không. Nếu nhận là việc thật thì thất sách lắm. Bọn chúng quen đánh không sợ, tuy sức ít không làm nên việc nhưng khí khái đáng khen, huống chi lũ tên Dương nếu được địa lợi, đủ quân lương, biết đem dùng hắn thì người đã quen, tường cũng được việc, nếu với hắn nên xử trí cho khéo, ngõ hầu lưỡng toàn" (Đại Nam thực lục chính biên).

Trong khi Pháp ép Nam triều ở tại An Giang phải bắt cho được Achaxoa giao cho chúng thì có một kẻ phản bội bắn ông trọng thương.

Pháp tưởng rằng khi mất chủ tướng, phong trào chống Pháp của nhân dân Khơ Me tại Tà Keo - Châu Đốc tan rã, nào ngờ nghĩa quân của Achaxoa lại về theo Poucombo. Hai lực lượng kháng chiến vùng Đông Bắc và vùng Đông Nam Campuchia phối hợp chặt chẽ hơn, phạm vi mở rộng hơn. Ngoài lực lượng kháng chiến của Võ Duy Dương và Trương Quyền, dân chúng hai tỉnh An Giang và Hà Tiên cũng ủng hộ Poucombo. Sau đó, lực lượng của Poucombo chuyển hướng tấn công Oudong và Nam Vang và lập căn cứ tại đất nước mình.

Ở Nam Kỳ, nghĩa quân của Võ Duy Dương và Trương Quyền tích cực hoạt động tại miền Đồng Tháp Mười, An Giang và Hà Tiên.

Trong một bức thư gửi cho Phan Huy Vịnh, Pháp báo: "Bọn phỉ Dương, súng đạn phần nhiều ở Hà Tiên và người của Vĩnh Long thì theo bọn nghịch và trợ chiến cho bọn đó. Lại việc nữa: nghịch Dương và 8 tên từng quản ẩn náu ở An Giang và được quan tỉnh đó che chở" (Dụ của vua Tự Đức ngày 7 tháng 6 năm Tự Đức thứ 19 - 1866).

Và theo Phan Huy Vịnh thì: "Tây súy lấy làm lạ về việc đó và đã đem sự việc đó báo về độc biên. Nếu không nã bắt giải giao mà để cho nghịch Dương trốn biệt đến bất cứ địa phương nào thì 3 tỉnh đó đều bị sự quy kết và Tây súy sẽ tùy nghi chiếu biện, v.v... " (Dụ của vua Tự Đức ngày 7 tháng 6 năm Tự Đức thứ 19 - 1866).

Trước sự bất bình và cương quyết của Pháp đe dọa đến 3 tỉnh miền Tây, triều đình cử Nguyễn Hữu Cơ vào Nam Kỳ tìm gặp và trao đổi riêng với Võ Duy Dương cho "lưỡng toàn".

Vừa đến Gia Định, Nguyễn Hữu Cơ đã tiết lộ với Pháp: "Bè lũ Võ Duy Dương nên cho ra thú đồn khi khai khẩn, khi đến Vĩnh Long đem việc ấy nói kín với Phan Thanh Giản, bèn tự cho các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và các tỉnh Bình Thuận trở ra Bắc, phàm bè lũ Dương đều cho ra thú đi khẩn hoang. Lại xin cho tuần phủ Bình Thuận, Khánh Hòa, hễ thấy tên Dương, tên Tuệ thì đem đổi tên cấp cho ngựa trạm về kinh, phái đi nơi khác cho hết điều tai tiếng" (Đại Nam thực lục chính biên). Có thể đây là ý của triều đình mà đứng đầu là vua Tự Đức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 08:33:10 pm »


Câu hỏi 13: Từ khi chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp cho đến lúc hy sinh, Võ Duy Dương vẫn có mỗi liên hệ với triều đình Huế, mối liên hệ này được thể hiện như thế nào?
Trả lời:


Căn cứ vào các tài liệu tham khảo, ta có thể thấy ngay từ năm 1859 (Kỷ Mùi, năm Tự Đức thứ 12), do đứng ra mộ nghĩa dũng chống Pháp nên Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân được phong chức chánh quản đạo và phó quản đạo.

Đầu năm 1859, Võ Duy Dương cùng một số thuộc hạ thân tín vượt biển ra kinh thành Huế để dâng kế diệt giặc. Được phái đi dẹp cướp biển và giặc mọi Đá Vách ở Quảng Ngãi. Thắng trận được phong chức thiên hộ (chánh bát phẩm).

Tháng 5 năm 1861 (Tân Dậu, năm Tự Đức thứ 14), triều đình cử Đỗ Thúc Tịnh làm khâm phái quân vụ vào Nam Kỳ mộ nghĩa dũng các tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên chống Pháp. Nguyễn Văn Nhã, Võ Duy Dương, Phan Trung... cùng theo Đỗ Thúc Tịnh vào Nam.

Do mộ được gần 1.000 nghĩa dũng nên Khâm phái Đỗ Thúc Tịnh trao bằng quản cơ cho Thiên hộ Dương. Ông chỉ huy nghĩa quân cùng Nguyễn Hữu Huân xây dựng căn cứ Bình Cách (Định Tường). Lúc này, lực lượng nghĩa quân Võ Duy Dương dưới quyền điều động của án sát Nguyễn Nhã và Thương biện (quân vụ) của tỉnh Định Tường. Sau đó Võ Duy Dương được điều đến Mỹ Quý, xây đồn lũy theo lối đánh chính quy (đồng bào quen gọi là Tân thành Mỹ Quý).

Tháng 4 năm 1862 (Nhâm Tuất, năm Tự Đức thứ 15) Pháp tấn công Mỹ Quý, sau 57 ngày đêm cố thủ vào cuối tháng 4 Tân thành Mỹ Quý thất thủ, Đỗ Thúc Tịnh hy sinh. Theo lệnh của Khâm phái Nguyễn Túc Trưng, Võ Duy Dương tập hợp các đội ứng nghĩa rút về vùng Bình Cách - Chợ Gạo (huyện Kiến Hòa) chờ lệnh mới.

Tháng 6 năm 1862, sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thay mặt Tự Đức ký hòa ước với Bonard (đại diện Pháp) và Guittierez (đại diện Tây Ban Nha) nhường 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho Pháp để chúng trả lại Vĩnh Long. Để thi hành hòa ước, triều đình ra lệnh quan quân kể cả nghĩa dũng rút lui khỏi 3 tỉnh, trao đất lại cho Pháp, phong Trương Định làm lãnh binh ở An Giang. Nhân dân phẫn uất bất chấp lệnh triều đình đứng lên chống Pháp, Trương Định không đi An Giang nhận chức, ở lại tiếp tục chiến đấu.

Võ Duy Dương phát lời kêu gọi nhân dân tỉnh Định Tường tiếp tục nổi dậy chống Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi hợp nhất lực lượng kháng chiến của Trương Định, Võ Duy Dương cử Nguyễn Hữu Huân đi Tân Hòa (Gò Công) để hội kiến với Trương Định. Tại đây Nguyễn Hữu Huân gặp thị vệ Nguyễn Thi mang Thánh chỉ phong Trương Định làm Bình Tây Tướng quân lĩnh chỉ huy các toán quân dân dũng trong 3 tỉnh. Đồng thời Võ Duy Dương và Thủ khoa Huân cũng được phong chánh đề đốc và phó đề đốc, tiếp tục cố thủ căn cứ Bình Cách.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 08:36:13 pm »


Sau đó, do triều đình Tự Đức bị áp lực từ Pháp nên không công khai liên hệ với Võ Duy Dương. Tuy nhiên, triều đình vẫn ngấm ngầm ủng hộ cuộc kháng chiến. Điều này được thể hiện rõ trong hai bản mật tấu của Võ Duy Dương gửi vua Tự Đức. Rất tiếc, hiện nay hai bản tấu này đã thất lạc, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm hiểu về chúng thông qua một tài liệu của Pháp:

NHỮNG PHÂN TÍCH CỦA GUSTAVE JANNEAU VỀ 2 BẢN TẤU TRÌNH CỦA VÕ DUY DƯƠNG DÂNG VUA TỰ ĐỨC

Tài liệu này đã được Gustave Janneau dịch và phân tích, được Jean Ricquebourg giới thiệu đăng trên Revue Indochinoise, số 2 (1914).

Qua nội dung, biết được hai bản tấu trình này của Võ Duy Dương gửi cho vua Tự Đức qua ba sứ giả: Phó quản cơ Nguyễn Xuân Phong, Tú tài Phạm Nguyên Lợi và Bát phẩm Nguyễn Tương, có thể 2 bức thư này Võ Duy Dương viết trước khi đại đồn Tháp Mười thất thủ và quân Pháp tịch thu được trong trận tấn công vào đồn này (4-1866).

Gustave Janneau, không biết vô tình hay cố ý, đã có lầm lẫn trong việc xếp thứ tự trước sau của hai tờ tấu. Bản mà Gustave Janneau đặt tên: "Bài phân tích bức thư của Thiên hộ Dương" thì nội dung Thiên hộ Dương nói nhiều sự việc khi đã vào Đồng Tháp Mười. Còn bản mà Gustave Janneau đặt tên: "Bản báo cáo thứ hai" thì nội dung lại là quá trình hoạt động của Võ Duy Dương từ khi theo phái đoàn Đỗ Thúc Tịnh vào Nam (5-1861) đến khi rút vào Đồng Tháp Mười (8-1864). Hơn nữa, dù Gustave Janneau đặt tên hai tờ tấu như đã nói, nhưng cuối bài lại ghi "Bản dịch của Gustave Janneau" nên không rõ được phần nào Gustave Janneau phân tích, phần nào ông ta dịch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:06:33 pm »


Còn một vấn đề đáng lưu ý nữa, có thể do Gustave Janneau chưa am tường việc đối chiếu ngày tháng âm lịch sang dương lịch nên đã cho rằng "Ngày tháng trong báo cáo này không có một sự chính xác nào". Nhưng khi đối chiếu các ngày, tháng và sự việc mà Võ Duy Dương báo cáo tương đối chính xác, ăn khớp với tài liệu của Quốc sử quán và một số tài liệu khác của Pháp. Cũng do sự chưa am tường đó nên phần lớn các chú thích của Gustave Janneau đều không đúng. Dưới đây là nguyên văn hai bài phân tích của Gustave Janneau về bản tấu trình của Võ Duy Dương. Do bản gốc 2 bản tấu không còn, nên đây là tài liệu duy nhất giúp chúng ta tìm hiểu về sự liên hệ giữa Võ Duy Dương với triều đình Tự Đức:

* Bài phân tích bức thư của Thiên hộ Dương

"Gửi dâng lên vua An Nam qua 3 vị sứ giả: Phó quản cơ Nguyễn Xuân Phong, Tú tài Phạm Nguyên Lợi, Bát phẩm Nguyễn Tương.

Ông Thiên hộ Dương tâu với vua là ông đã mộ được khoảng 1.000 người đáng được chú ý về nhiệm vụ mà họ gánh vác trước kia hoặc vì sự thế gia sản của họ, các vị được bổ nhiệm các ngạch trật hoặc được nâng các phẩm hàm.

Ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường đã cung cấp một đội quân gồm có người An Nam, người Trung Quốc, người Cao Miên và tổng số tăng lên hơn 100.000 người. Những đội ngũ được tổ chức lại, những cấp bậc của các ngạch trật trong hệ thống quân sự được phân phối xong, những đội quân đã được điều đi tùy theo nhu cầu của các đồn lũy.

Ông Thiên hộ Dương đề nghị với nhà vua cho phép dùng mưu kế thu hồi lại 3 tỉnh nói trên, ông nghĩ rằng phải hành động hết sức nhanh chóng đề phòng gặp phải những khó khăn trong công việc.

Ông Thiên hộ Dương nêu lên ở đây tiểu sử tóm tắt của Quản Định (tức là Trương Định), nhắc lại cấp bậc mà nhà vua đã lần lượt phong chức, v.v...

Ông còn nhận được bức Thánh chỉ đề tháng 6 (có lẽ là tháng 7 năm 1865, vì đến tháng 8 năm 1864, Võ Duy Dương mới rút vào Đồng Tháp Mười lập căn cứ) truyền lệnh cho ông phải mời quan Tổng đốc Gia Định Bùi Quang Diệu và Tham tán Bùi Tân. Các quan chức này đã đến Tháp Mười chỉ mang theo 80 người vào tháng 11, họ quay trở lại Gia Định để nhận vài chỉ định mới.

Trong tháng 2, mặt đất ở đây khô ráo do thời tiết nóng bức. Quân Pháp tổ chức một cuộc tấn công vào Tháp Mười với 600 bộ binh. Họ đánh nhau một trận tại huyện Kiến Đăng, chịu những thiệt hại to lớn và bị thua trận.

Ngày 11 tháng 2, quân Pháp lại vào Tháp Mười với số lượng hơn 1.000 quân gồm các lính tập và mã tà. Các toán quân của Thiên hộ Dương chống cự quyết liệt, một quan Pháp ở cấp chỉ huy bị giết. Những người Pháp khác hoảng sợ chạy trốn để lại ở trận địa vũ khí và quân dụng.

Dù sao cũng phải nhìn nhận rằng vị trí của Tháp Mười ít thuận lợi, là một nơi hoang vu và tiếp tế lương thực rất khó khăn. Người Pháp không thể không trở lại đây, nghĩa quân có thể bị tàn sát bởi quân số của chúng, nếu chúng không quyết định rút khỏi nơi đây.

Người Pháp theo dõi Thiên hộ Dương để gài Thiên hộ Dương vào cuộc chiến đấu mới. Quân đội của Thiên hộ Dương đã kéo đến Chinh Hầm, chiếm một điểm cao, nã nhiều quả pháo tiêu diệt một số rất lớn quan Pháp, xác lính Pháp rải rác khắp trận địa, số tử vong vượt quá 150, Thiên hộ Dương bắt tù binh 3 người Pháp, 7 người Ma Ní chịu đầu hàng và bằng lòng theo nghĩa quân. Họ đã có sẵn vũ khí và quân trang. Họ rất ghét bọn Pháp và muốn ra trận để trả thù bọn chúng.

Ông Thiên hộ Dương tường thuật một trận khác mà ông chắc chắn có thuận lợi hơn nữa (có lẽ đây là trận Cái Nứa, nghĩa quân tấn công vào tháng 3-1866).

Ông giải thích cho nhà vua một cách khá rõ ràng, tình thế mà trong đó ông gặp phải, để sao cho nhà vua có thể tính đến khả năng thu hồi 3 tỉnh trên.

Tiếp theo đó một tuyên bố dài dòng tố cáo tình hình hiện tại của 3 tỉnh này đã bị quân Pháp chiếm đóng. Gia đình tan nát, mồ mả bị xúc phạm, v.v...

Dân chúng ở Tân Bình (tức Sài Gòn) sẽ bị cám dỗ do bọn Pháp thống trị nếu nhà vua không cho phép ông Thiên hộ giáng trả một đòn quyết định.

Ông Thiên hộ có vô số đồng đảng. Nếu nhà vua ra lệnh thì ông có thể tiêu diệt hết binh lính Pháp ở các kinh rạch nhỏ hẹp, nơi mà bọn chúng không có khả năng sử dụng các trọng pháo, loại này chỉ thật sự có tác dụng cho những hoạt động tầm xa".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:07:59 pm »


* Bản báo cáo thứ hai

"Tướng Võ Duy Dương chỉ huy các toán quân đánh nhau với người Pháp đang đóng giữ trong tỉnh Định Tường đã dâng lên nhà vua một văn bản bí mật về những hoạt động trước kia và hiện trạng tâm lý trong các khu vực.

Ông Dương hoạt động một cách đơn độc, ông đã hết phương kế và cũng không làm gì được, vì không nhận được Thánh chỉ của nhà vua, ông thú thật sức lực của ông cũng chỉ đến thế thôi, ông bảo đảm nhà vua sẽ luôn luôn theo sát công việc của ông.

Tháng 4 năm Tự Đức thứ 14 (5-1861), Võ Duy Dương tuân lệnh nhà vua theo Khâm phái Đỗ Thúc Tịnh di chuyển về Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên nhận nhiệm vụ.

Tháng 8 năm ấy, Khâm phái trao cho Dương bằng quản cơ chỉ huy võ sinh và võ sĩ.

Tháng 11, Dương ở dưới quyền quan án Nguyễn Nhã và Thượng biện (quan vụ) Trương Minh Lượng trong tỉnh Định Tường.

Ông được điều đi Mỹ Quý để xây dựng một đồn lũy (đồn này được dân chúng quen gọi là Tân thành Mỹ Quý, được xây trên một gò cát cao, kết hợp với Thuộc Nhiêu trở thành vị trí xung yếu ở Định Tường, nằm giữa thành Mỹ Tho và đồn tiền tiêu Cai Lậy của Pháp).

Tháng 2 năm Tự Đức thứ 15 (2-1862), Thượng biện tỉnh Định Tường nhận nhiệm vụ Khâm phái, ông Đốc Binh thấy có thể mất đồn Thuộc Nhiêu. Trước đây là căn cứ của phủ Cậu Trần Xuân Hòa, sau khi ông hy sinh (7-1-1862) Võ Duy Dương điều Nguyễn Hữu Huân đến thay thế. Kết hợp với Mỹ Quý là khu vực mà De Grammont gọi là "khu bốn công sự" nằm giữa Mỹ Tho và Cai Lậy, thực dân Pháp phải đánh nhiều lần mới chiếm được - ông Dương lại ở tại Mỹ Quý, ông báo cáo việc này với quan thượng biện và ngài ra lệnh giải tán các đội quân và cất giấu vũ khí.

Tháng 5, Khâm phái Nguyễn Thúc Trơn (tức Nguyễn Túc Trưng) lại ra lệnh cho ông Dương ra kêu gọi các đội quân tập hợp về Kiến Hòa (nay là ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thành, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đến khi có lệnh mới.

Tháng 6, những tên man rợ (chỉ người Pháp) ra thông báo trong đó tuyên bố rằng 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa phải được xem như trực thuộc họ. Những quan binh và những nhà phú hộ van nài ông Dương đừng xa rời mà tiếp tục chống giặc, họ sẽ lập một đơn vị quân sự, hứa giúp đỡ và tiếp tế.

Tháng 7, Dương phát lời kêu gọi nhân dân ở Định Tường nổi lên từng toán và chiến đấu lại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:08:36 pm »


Trong lúc Phó lãnh binh Trương Định đang ở tại tỉnh Gia Định viết thư cho ông Dương để trình bày là ông sẽ gặp nguy hiểm khi hoạt động riêng lẻ, mời ông về đây thống nhất lực lượng hai bên, ông còn nêu địa điểm hội kiến tại huyện Tân Hòa.

Để thỏa thuận giao ước này ông Dương đã phái giáo thụ Nguyễn Hữu Huân đến Tân Hòa gặp thị vệ Nguyễn Thi. Ông này mang về cho Quản Định một Thánh chỉ phong cho ông chức Bình Tây Tướng quân thống lĩnh chỉ huy toán quân trong 3 tỉnh.

Giáo thụ Huân sau đó quay trở lại tỉnh Định Tường ngay. Ông Dương nhận cấp bậc Chánh đề đốc và ông Huân là Phó đế đốc. Cả hai ông đều nhận ấn, triện phẩm hàm.

Ông Dương và ông Huân lưu lại Kiến Hòa, chịu trách nhiệm xây dựng đồn lũy tại cuộc chiến.

Tháng 10, những toán lính Pháp tập kích đồn Bình Cách, ông Dương và ông Huân đánh bạt chúng ra ngay, bọn Pháp phải tẩu thoát. Quân của hai ông truy kích chúng, 28 lính tập hoặc mã tà bị bắt làm tù binh và bị chặt đầu.

Sau đó ông Dương và ông Huân kéo quân đến giồng Cát, tổng Nhị Bình, phủ Kiến An (nay là gò Lũy, làng Nhị Bình), nơi đây ông xây tạm một đồn lũy và trú tại đó.

Ngày 27 trong tháng 10, quân Pháp lại đến tập kích. Quân Pháp bại trận và tháo chạy, bị quân ông Dương đuổi theo đến đồn Thuộc Nhiêu cướp đồn và đốt cháy. Bọn Pháp đóng ở đây xông ra và sáp trận. Thình lình một đám mưa to ập đến tối, tất cả đều phải lui quân mỗi bên một hướng. Ông Dương dẫn quân về giồng Cát và ở lại đó.

Ngày 16 tháng 11, quân Pháp lại đến tấn công. Ông Dương xông ra sáp trận từ 3 giờ đến 7 giờ sáng. Quân Pháp bị đẩy lùi và rút khỏi đó vài cây số. Ông Dương truy kích bọn địch từ trưa đến chiều tối. Tối đến ông đưa quân về đồn.

Cuộc pháo kích nổ ra suốt ngày. Ông Dương kiểm tra xem còn bao nhiêu súng đạn, thấy chỉ còn rất ít, không thể chống trả một cuộc tấn công mới. Vì thế ông kéo binh lính về đồn Tân Thạnh trong tỉnh Gia Định. Nơi đây ông viết thư cho Quản Định xin thêm đạn dược.

Ngày 22, ông Dương lại đưa quân về Giồng Cát thuộc phủ Kiến An.

Ngày 24, quân Pháp lại tấn công, cuộc chiến kéo dài từ 3 giờ đến 5 giờ chiều. Bọn Pháp nhận được viện binh ông Dương phải tháo chạy và rút lui cách đó 4 cây số.

Sáng ngày 25, quân Pháp trở lại công kích. Dương chống trả từ 3 giờ đến 10 giờ sáng. Sau đó chúng rút lui. Chúng trở về giồng Phèn trong làng Nhị Bạch (nay thuộc xã Nhị Bình, huyện Cai Lậy), ở đây chúng dựng một đồn lũy.

Ngày 27, quân Pháp trở lại công kích. Ông Dương chống trả từ 3 giờ đến 7 giờ sáng. Quân Pháp bị đẩy lùi và rút về Giồng Cát. Đến 3 giờ chiều họ trở lại tấn công lần nữa. Ông Dương lại nghinh chiến nhưng thấy rằng mình không đủ lực lượng, đành tuyên bố không giữ được cứ điểm đó rồi rút về Bưng Môn thuộc tổng Tân Phú (nay thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy) - một vùng đầm lầy rậm rạp và cho đắp một lũy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:09:13 pm »


Ngày 2 tháng 2 năm 1863, một pháo hạm với nhiều ghe chài và tàu buôn khác đi vào kinh rạch tiến tới bao vây đầm lầy, ông Dương chỉ còn phải nhổ đồn, rút lui trong đêm và tới sáng ông đưa người của mình về Kiến Đăng, trong tổng Đại Mỹ trên kinh Cây Gâu (tức kinh Cây Gáo làng Giai Mỹ, nay thuộc hai xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Vị trí này khá quan trọng, ông liền đóng quân.

Năm Tự Đức thứ 16 ngày 12 tháng 2, hai tàu buôn Pháp xuất hiện ở kinh Cây Gâu. Đến trước mặt đồn, bọn Pháp tìm cách đoạt lấy. Những người bị vây chống trả quyết liệt buộc quân Pháp phải rút lui.

Ngày 20 trong tháng, quân Pháp lại xuất hiện, họ bị đẩy lùi lần thứ hai.

Ngày 23 trong tháng, quân Pháp lại tấn công lần thứ ba, ông Dương thấy mình không thể chống cự lâu hơn, ra lệnh cho các trung đoàn và các lính đồn trú bỏ vị trí này và rút vào bưng biền.

Ngày 12 tháng 3, các ngả đường giao thông bị ngăn chặn và đường bộ bị Pháp cắt đứt, lương thực cũng bị thiếu hụt. Dương ra lệnh cho người của ông rút về các làng riêng biệt của họ, ông chỉ giữ lại khoảng 100 người vừa quan vừa lính. Với lực lượng này, ông tiến hành một cuộc sống lưu động khi ẩn nơi này khi đánh nơi khác.

Tháng 5, ông Võ Duy Dương nhận thấy những khu rừng không thể cung cấp lương thực cho ông và ông được tin có người bán súng đạn ở Cà Mau, Rạch Giá thuộc tỉnh Hà Tiên. Dương phái Phó đề đốc (tức Nguyễn Hữu Huân) bí mật đưa 20 người qua Vĩnh Long, An Giang và An Hòa. Ông cùng các đồng chí mình nhận những tiền đúc bằng bạc quyên góp trong tỉnh Định Tường. Trong khi những người trước đã làm như thế tại Vĩnh Long, An Giang và An Hòa. Dương chờ tin từ Cà Mau và Rạch Giá và kết quả của cuộc lạc quyên.

Năm Tự Đức thứ 17 (tức năm 1864) tháng 4, ông phó đề đốc bị bắt làm tù binh ở An Giang (đúng ra là Nguyễn Hữu Huân bị các quan ở An Giang triệt để thi hành Hòa ước 1862 bắt giam; sau đó trước áp lực quân sự của Pháp mới giao ông cho kẻ thù. Nhưng trong dân gian có nguồn tư liệu cho rằng chính bạn học của ông là Nguyễn Thanh Trung đang là đốc học An Giang vô tình tiết lộ với Pháp rằng ông đang hoạt động ở Châu Đốc nên chúng mang quân đến buộc các tỉnh thần An Giang phải bắt ông nộp cho chúng), bao nhiêu súng đạn, tiền bạc quyên góp lọt vào tay kẻ thù. Võ Duy Dương trình bày cho Quản Định để ông này khẩn cấp báo cáo tình hình trên cho nhà vua.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:11:55 pm »


Tháng 5, vị kinh phái (sứ giả thường lệ của kinh đô thuộc hàng chủ sự) tên Nguyễn Tánh và một thị vệ đến hội kiến với ông Dương báo rằng theo Thánh chỉ của Hoàng đế việc giải giáp các toán quân xảy ra và lúc nào ông thấy có thể hợp nhất với Quản Định. Võ Duy Dương nhấn mạnh việc ông phó đề đốc sẽ bị chặt đầu làm kinh hoàng những người theo ông và bản thân ông là đối tượng của bao nhiêu cuộc lục soát trong tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Trong những điều kiện như thế, ông bày tỏ với sứ giả của nhà vua là ông sẽ rút lui về Tháp Mười ẩn náu chờ đợi thời cơ để quật trả một trận mới và nhắn rằng ông luôn luôn sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của nhân dân. Các sứ giả đều rút lui.

Tháng 6, ông Dương lại lên đường với hơn 30 người.

Tháng 7, ông đến Đại điền ấp, huyện Kiến Đăng, trong vùng gọi là xứ Xoài Tư (Đại điền ấp tức Rạch Ruộng khu vực đồn điền cũ; nay còn lại chùa Trường Tháp. Vùng này nay thuộc địa phận 4, xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc thuộc huyện Cai Lậy và Hậu Mỹ Trinh, Hậu Mỹ Bắc thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang). Bọn Pháp hay tin ông có mặt tại đó liền đến bao vây. Ông Dương chạy thoát được và đi thẳng về Tháp Mười rồi dừng lại đó. Từ đó, ông ra một thông báo cho các làng xã kêu gọi nhóm Tháp Mười của ông trở lại, sau đó ông xây cất những lán trại và đồn lũy.

Ngày 10 tháng 9, quân Pháp xuất hiện trước đồn lũy của ông với những toán chinh quân và mã tà.

Ông Dương xông ra và tiếp đánh rất ác liệt làm cho chúng phải hoảng sợ rút lui.

Để có thể đối phó và đẩy lùi một cách dễ dàng các cuộc tấn công sau này, ông Dương sai xây thành Bảo An (có lẽ là đồn Tả, nằm trên gò Bắc Dung, còn gọi là giồng Dung hay gò Bắc Bung, nay thuộc huyện Mộc Hóa (Long An), chu vi 104 trượng, bề dày thành 1 trượng (khoảng 2m), cao 8 thước (khoảng 3m). Ngày 9 tháng 10, quân Pháp lại tiến công đồn này"1.

Qua tư liệu trên có thể thấy rõ mặc dù ngoài mặt chiều theo áp lực của thực dân Pháp đòi giải giáp nghĩa quân nhưng bên trong triều đình Huế vẫn âm thầm liên lạc với các toán quân nghĩa dũng. Điều này càng thể hiện rõ tính chất nhu nhược, cầm chừng của triều đình Tự Đức khi không dám chủ hòa hay chủ chiến nhưng vẫn hy vọng nghĩa quân có thể giúp triều đình lấy lại đất đai đã mất hoặc ít nhất thì cũng quấy phá công cuộc bình định của Pháp.
_____________________________________________
1. Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười, Nxb Trẻ, 2005, tr. 176-182.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:13:36 pm »


Câu hỏi 14: Cuối năm 1866, Võ Duy Dương hy sinh. Cái chết của ông là một câu chuyện đầy bí ẩn, có những giả thuyết nào xung quanh cái chết của ông?
Trả lời:


Cuối năm 1866, sau khi triều đình Huế dưới áp lực của thực dân Pháp công khai ra lệnh truy nã Võ Duy Dương và Trương Quyền (con trai Trương Định), nghĩa quân bị cô lập. Bị tổn thất qua nhiều trận đánh, vũ khí, đạn dược thiếu thốn, Võ Duy Dương dùng thuyền theo đường biển ra Bình Thuận để cầu viện sự giúp đỡ của triều đình và liên lạc với nghĩa sĩ miền Trung nhằm gây dựng lại lực lượng. Tuy nhiên, ông không ra được đến Huế, khi đến cửa biển Cần Giờ, ông và các thuộc hạ tâm phúc đều bị cướp biển sát hại.

Cái chết của ông có rất nhiều giai thoại, nhưng tựu trung lại có hai giả thuyết:

Một là ông ốm và mất tại Đồng Tháp Mười, được nghĩa quân chôn ngay tại Gò Tháp. Thuyết này cho rằng sau một thời gian cầm cự ở căn cứ Đồng Tháp Mười, biết không thể giữ được, Võ Duy Dương đã về An Giang và liên lạc với các thủ lĩnh chống Pháp khác để hoạt động. Ở An Giang, ông liên hệ với Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân để bàn tính hợp đồng tác chiến, song bọn quan lại ở đây đã lừa bắt Nguyễn Hữu Huân nộp cho Pháp. Ngũ linh Thiên hộ Dương phẫn uất thổ huyết và mất vào tháng 10 năm 1866. Đến giờ trong dân gian vẫn truyền tụng câu ca:

      Ai về Đồng Tháp mà coi,
      Mồ ông Thiên hộ, trăng soi lạnh lùng.
      Bà con đùm đậu quanh vùng,
      Tháng Giêng ngày giỗ xin đừng có quên


Một tài liệu của mật thám Pháp cũng khẳng định Võ Duy Dương bị ốm chết. Nguyên văn của tài liệu này như sau (bản dịch):

Báo cáo ngày 21 tháng 2 năm 1881

Ông chánh sở mật thám!

Tôi có vinh dự để cho ông những tin tức: Người ta nói với tôi là tên Hội chức Thiên hộ - cựu lãnh tụ các đảng ở Tháp Mười, hắn đã chết vì bệnh từ 10 hoặc 12 năm nay, tử thi của hắn được chôn tại làng Tân Lập gần Cần Giuộc của Chợ Lớn; những người cầm đầu trong đoàn tùy tùng đã đi ra Huế. Cậu Hai, con trai của Quản Định, người ta không biết đi đâu, Thái chức Thống Quản, hắn đã bị ông Lãnh Huấn bắt, người ta đã kết án tử hình hắn. Trần Kỳ Phùng chức huyện, hắn chết vì bệnh, Huấn chức lãnh binh, hắn cũng chết như vậy và Cẩn chức đốc binh, hắn biến mất người ta không biết hắn đi đâu.


Tuy nhiên, phần lớn các tài liệu đều khẳng định Võ Duy Dương hy sinh trên đường vượt biển ra Bình Thuận, có thể do bị cướp biển giết chết. Nhiều nhà nghiên cứu sử học đã đồng thuận rằng Võ Duy Dương đã bị cướp biển giết ở mũi Thị Khiết (Thần Mẫu) thuộc vùng biển Cần Giờ khoảng tháng 10 năm 1866, lúc ông mới 39 tuổi. Bởi căn cứ vào các nguồn:

Trong báo cáo của Nguyễn Đức Hạnh gửi cho chánh sở mật thám Pháp: "Người này tên là Dương đã bỏ trốn sau khi Tháp Mười bị chiếm. Ông ta lên chiếc ghe bầu để đi Bình Thuận. Trước khi đến xứ này, ông đã bị tên Lý Sen cầm đầu một đám cướp biển tấn công. Lý Sen đi trên một chiếc thuyền mành mà người ta gọi là thiền du đã cho liệng xuống biển tất cả những người An Nam đi trên chiếc ghe đó. Lý Sen lục lọi trong một chiếc rương lớn lấy tất cả áo quần, các cấp bằng và mũ miện của Thiên hộ Nguyên soái tên Võ Duy Dương".

Nguyễn Đức Hạnh còn cho biết thêm, sau đó tên Sen bị bắt vì Hai Sĩ tố cáo y đã cướp bóc nhiều ghe biển và tên Sen đã cắn lưỡi chết trong ngục.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM