Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:53:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương  (Đọc 25377 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:53:58 pm »


Một Đồng Tháp Mười trũng thấp, mênh mông với tràm đưng, lau sậy, đỉa, muỗi... đường đi lại không có, cư dân ít ỏi; gối đầu với một Ba Giồng được khai phá lâu đời đã trở thành một vùng đất trù phú, đông dân nhất nhì tỉnh Định Tường. Quả thật đây là một vị trí chiến lược lý tưởng trong cuộc chiến tranh giữ nước. Ba Giồng cung cấp sức người, sức của cho lực lượng nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười. Đồng Tháp Mười vừa là bàn đạp tiến quân tiêu hao sinh lực đối phương, vừa là vật che chắn bảo vệ nghĩa quân. Từ Đồng Tháp Mười có thể tiến lên miền Đông, quay xuống miền Tây hoặc rẽ sang Campuchia, ra biển đều thuận lợi... Chọn Đồng Tháp Mười làm căn cứ, quả thật Võ Duy Dương là một nhà quân sự có tài.

Ngoài ra, còn một yếu tố khác hết sức thuận lợi cho việc chọn Đồng Tháp Mười làm căn cứ. Đó là ở vùng Cao Lãnh, ven Đồng Tháp Mười ở phía tây nam, nhất là các xã Mỹ Ngãi, Mỹ Trà, Mỹ Thọ... lúc bấy giờ có hai lực lượng nghĩa quân hoạt động: một do Nguyễn Văn Linh (Thống Linh), một do Nguyễn Tấn Kiều (Đốc binh Kiều) chỉ huy.

Nguyễn Văn Linh, người ở xã Mỹ Ngãi, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay thuộc phường 1 thị xã Cao Lãnh), khi triều đình Huế ký hòa ước nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, ông đã tự động đứng lên chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp ở Cao Lãnh.

Nguyễn Tấn Kiều (có tài liệu ghi là Lê Tấn Kiều hay Lê Công Kiều) mộ nghĩa quân chống Pháp ở vùng Mỹ Thọ, Rạch Ruộng (huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường).

Hai lực lượng này chính là những nhân tố đầu tiên tạo cơ sở cho căn cứ Đồng Tháp Mười phát triển sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2017, 09:28:17 am »


Câu hỏi 7: Từ đầu năm 1865, sau khi trở thành lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở ba tỉnh miền Tây, Võ Duy Dương đã xây dựng hệ thống đồn lũy tại Đồng Tháp Mười như thế nào?
Trả lời:


Võ Duy Dương đóng đại bản doanh tại Gò Tháp. Trên 3 con đường gạo, mỗi hướng có một đồn chính: Đồn Tiền (hướng Cái Nứa), đồn Tả (hướng gò Bắc Chiêng), đồn Hữu (hướng Cần Lố). Đồn nào cũng có lũy đất ở chung quanh, cao gần 2,5m, trong và ngoài lũy là hàng cừ bằng gỗ sao, lũy có đục cửa và có nhiều lỗ để nhắm bắn ra ngoài.

Mỗi đồn chứa từ 200 đến 300 nghĩa binh, 10 khẩu súng và 4 - 5 chục khẩu súng bắn đá, vài khẩu đại bác (Nguyễn Hiến Lê – Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười).

Đồn Trung (dân gian còn gọi là đồn ổ Bịp, ổ Bịp có lẽ do đồn đóng ở một nơi hiểm yếu, kín đáo như một ổ chim bìm bịp) nằm ngay giữa Gò Tháp (ngày nay thuộc ấp 4, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), cách thị trấn Mỹ An 107km về phía bắc. Đồn có hình tứ giác không đều, chu vi 675m ở trên độ cao 2,54m so với mực nước biển. Đồn được Lê Kim (Trần Trọng Khiêm) thiết kế và xây dựng theo kiểu đồn Suter ở California (Hoa Kỳ).

Mặt tiền đồn hiện còn rất phẳng, các bờ thành đã được san bằng nhưng dấu vết còn rất rõ. Chẳng hạn, bờ thành phía đông là một gò đất nhô lên rộng chừng 5m, cắt ngang mặt gò từ nam sang bắc, nằm giữa hai đường trũng của hào ngoài và hào trong. Hào ngoài sâu 3m, hào trong sâu gấp đôi là nơi lấy đất đắp bờ thành và nền đồn.

Như vậy, để tránh sụt lở, mỗi bên trừ hao 0,5m thì chân bờ thành ít nhất cũng 4m. Để đạt chiều cao trên 2m theo các tài liệu trước đây ghi chép thì đỉnh bờ thành rộng chừng 1,5m.

Phía ngoài và phía trong chân bờ thành được kè gỗ chắc chắn để chịu đựng được sức công phá của đại bác giặc. Ngoài các cổng chính, phụ vào đồn, nghĩa quân còn bắc nhiều cầu ngang từ bên trong qua bờ thành, nơi có nhiều công sự và lỗ châu mai hướng ra bên ngoài. Theo lời kể của các bậc kỳ lão trong vùng thì nghĩa quân còn lợi dụng độ cao của mặt thành chất gỗ sẵn chờ lúc giặc tấn công sẽ "bứt dây lăn gỗ". Người dân sống trên Gò Tháp đào mương, vét giếng thỉnh thoảng còn gặp nhiều khúc gỗ nằm sắp lớp. Chung quanh nền đồn còn có nhiều bụi tre mỡ, tre gai vốn là lũy cũ còn lại.

Gò Tháp là một gò đất pha cát do bàn tay con người bồi đắp dựa trên sự thành tạo ban đầu của tự nhiên, nằm theo hướng dòng chảy sông Tiền theo hướng đông bắc - tây nam. Đỉnh gò dài trên 500m, rộng 300m, nhưng chân gò chạy thoai thoải mở rộng ra hướng tây nam, diện tích lên gần một cây số vuông.

Với địa thế này, nghĩa quân dễ dàng bố trí nhiều trạm canh ở chung quanh, nhất là hai đầu cực bắc và cực nam. Trên đỉnh gò Tháp Mười (chỗ nền tháp mười tầng) có độ cao 5,047m là nơi nghĩa quân dùng làm đài quan sát từ xa (có tư liệu nói đài quan sát hình vuông, bằng gạch, xếp nhiều bậc nhỏ dần từ dưới chân lên đỉnh, cao 12m).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2017, 09:28:47 am »


Nếu như các đồn chính khác là đồn Tả, đồn Hữu nằm trên những gò cao như gò Giồng Dung, gò Động Cát thì đồn Tiền lại nằm giữa cánh đồng sình lầy gần vùng gò Bãi Liếp (nên nhân dân còn gọi là đồn Bãi Liếp).

Đồn Tiền ở về phía đông nam đồn Trung 6km, nằm ven con đường gạo từ Cái Nứa vào Gò Tháp, cách kinh 3 (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) 100m bên bờ sông. Trong những ngày đầu, đây là đồn tiền tiêu, án ngữ và ngăn chặn những đợt tấn công của Pháp.

Năm 1979, chỉ còn lại nền đồn cao hơn mặt ruộng chừng 0,5m, hào chung quanh đã lấp để trồng lúa.

Đồn hình thang cân, đáy dài hướng về phía Mỹ Tho, Cai Lậy, có lũy đất nối dài ra đến 75m, đáy ngắn hướng Gò Tháp dài 15m, chiều cao 25m. Ở phía đáy ngắn đồn cao hẳn lên, đó là nơi đặt chòi canh và đặt súng. Xung quanh đồn có hào, lũy. Một con đường nổi từ đồn ra đường gạo cũng được đắp cao. Súng thần công sử dụng trong đồn này có 3 loại: to, vừa và nhỏ, bắn đạn gang tròn cỡ trái cam và trái chanh.

Trên bờ thành còn chi chít những dấu đạn chì của súng trường, có lẽ quân Pháp đã bắn vào khi tấn công đồn Tiền.

Từ năm 1945 đến nay, tại đồn Tiền, nhân dân trong vùng đã nhặt được các loại súng: 3 khẩu súng thần công loại lớn (dài 1,85m, đường kính trong 11cm, đường kính ngoài 25cm), 1 súng gang còn gọi là súng trường cửu (dài 0,8m, đường kính ngoài 6cm, đường kính trong 3,5cm).

Đồn Tả nằm trên gò Giồng Dung hay Bắc Dung (hiện thuộc xã Hậu Thanh Tây, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) nằm cạnh rộc Đìa Gừa, con đường gạo từ Bắc Chiêng về Gò Tháp, cách đồn Trung 7km về hướng tây bắc. Đồn này tương đương với đồn Tiền, hiện không còn dấu vết gì ngoài mấy bụi tre. Bề mặt gò đã bị bới tung xuống tới độ sâu hơn 1m bởi những người đào vàng.

Đồn Hữu nằm trên gò Động Cát (Giồng Cát) thuộc xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cách đồn Trung chừng 6km về phía tây nam. Phạm vi và cao độ gò này cũng tương đương với gò Giồng Dung. Gò nằm trơ trọi giữa cánh đồng, không còn dấu vết đồn lũy gì.

Bên cạnh 3 đồn chính giữ thế chân vạc cho đại bản doanh Gò Tháp, còn nhiều đồn nhỏ, trạm canh như đồn Cái Thia, Cái Nứa, Thủ Ngữ, Đất Sét, Mỹ Thạnh (Thạnh Phú), Ấp Lý, Quản Oai, Đồn Tre, Sa Tiền, Rạch Ruộng...

Mỗi đồn nhỏ có chừng 150 nghĩa quân, vài chục khẩu súng bắn đá, còn lại là gươm đao. Mỗi trạm canh chừng 10 nghĩa quân đóng giữ. Họ có nhiệm vụ nắm tình hình và canh phòng người lạ mặt đột nhập căn cứ, đồng thời tiếp nhận tân binh và làm nơi dừng chân của các đoàn vận lương, tiếp tế cho căn cứ.

Các đồn, trạm này tạo thành tuyến bảo vệ vòng ngoài ở những nơi trọng yếu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2017, 09:29:14 am »


Phía đông nam là một cánh cung chặn đường Cai Lậy - Cái Bè gồm có: đồn Ấp Lý trên đường Tân Hương vào; đồn Mỹ Thạnh ở chỗ ngã năm Phú Nhuận bây giờ, chặn đường Cai Lậy; đồn Cái Nứa ở chỗ chợ Cái Nứa (xã Hậu Thanh, huyện Cái Bè, Tiền Giang). Đồn nằm trên ngã ba sông Cái Nứa và rạch Bà Xẩm.

Cách chợ Cái Nứa chừng 1km vào chợ Thiên Hộ (theo lô 28) là đồn Thủ Ngữ. Trước khi Pháp đến, tại đây có một ngôi chùa lớn. Trong lúc hai bên giành giật nhau từng thước đất ở chợ Cái Nứa, nghĩa quân đã đắp lũy tại Thủ Ngữ, kìm chân Pháp không cho tiến vào Đồng Tháp Mười. Đồn Cái Nứa và Thủ Ngữ kiểm soát ngả Cái Bè và Trà Lọt vào Hầm Vồ, Phụng Thớt.

Tại ngã ba Mỹ Đông, chỗ con sông Cái Thia (xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, Tiền Giang) chia làm 2 ngả: một ngả về Mỹ Đức Tây, một ngả về Mỹ Thiện, nghĩa quân có xây đồn lũy và cản đất.

Dọc bờ sông Mỹ Thiện, là lũy đất dài khoảng 100m, dày 8m, cao 8m, trên bố trí 4 - 5 khẩu súng thần công. Bên bờ Mỹ Đức Tây, cách ngã ba 400m, nghĩa quân cũng có đóng đồn. Buổi đầu vào đây lập nghiệp nhân dân còn thấy đồn hình chữ nhật dài 25m, rộng 12m, cao 7m. Phía sau đồn có một cái hầm lớn. Ngay mõm doi chỗ đình Mỹ Đông bây giờ là đồn chỉ huy.

Cách ngã ba 200m về phía sông Tiền có 1 cản đắp bằng tràm, dừa chặn tàu từ mặt vàm sông Cái Cối vào. Nhiều lần tàu Pháp vào đây dùng xích sắt kéo cản dừa, nghĩa quân kết bè, phủ rơm phóng hỏa thả trôi theo dòng nước để đốt tàu, nã thần công làm tàu giặc phải tháo chạy.

Phía bắc kinh 28 (100m) và phía tây rạch Đất Sét (400m) thuộc ấp Hòa Điền (xã Hòa Khánh, Cái Bè, Tiền Giang) có một địa danh gò Đồn. Phạm vi gò khoảng 0,5ha, cao hơn mặt ruộng 5 tấc (cách đây 60 năm gò rộng 1ha, cao 1m). Gò thuộc đất làng dùng để chôn cất người chết nên hình dạng tương đối còn rõ. Đồn nhỏ dần có hình chữ nhật. Phần trong lõm xuống có kích thước như sau: 25m (bờ nam - bắc), 30m (bờ đông - tây). Rộc Bưng từ rạch Đất Sét (phía đông) chạy dọc bờ thành phía nam, rồi vòng qua phía tây hướng gò Châu Báu cách đó 100m rồi đổ ra sông Cái Nứa. Năm 1960, nhân dân đào mương phát hiện nhiều đồng tiền điếu, ghè ống và miếng chén kiểu tại khu vực gò Đồn.

Một nơi đáng lưu ý nữa là gò Trường Tháp thuộc ấp 3, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Cai Lậy. Gò hình chữ nhật, rộng 1ha có đường qua trước giếng chùa rồi đổ ra rạch Cây Gáo cách đó 400m. Phía trong gò Trường Tháp 100m là gò Đế rộng nửa hécta ở độ cao 0,8 - 1m so với mặt ruộng.

Đây là nền cũ của quân đồn điền, nghĩa quân đã dựa vào cao điểm này để đồn trú, chặn giặc từ hướng Cai Lậy - Bà Tồn vào.

Hướng tây bắc đồn Tả có đồn Tuyên Oai nằm trên gò Bắc Chiêng (thị trấn Mộc Hóa), một khu vực khá cao ráo, nổi lên giữa vùng đất còn lầy lội hoang hóa, nằm trên hữu gạn sông Vàm Cỏ Tây. Đây chính là một cửa ngõ giao thông có tầm chiến lược của nghĩa quân, nối liền trung tâm căn cứ kháng chiến với phần đông bắc Đồng Tháp Mười. Mộc Hóa là một vùng hậu cần quan trọng của cuộc kháng chiến. Đây là đầu mối liên lạc với Tây Ninh và nhiều nơi khác ở miền Đông Nam Bộ.

Đồn Tuyên Oai khi ấy thuộc loại vững mạnh vùng ngoại vi có chừng 120 nghĩa quân đóng giữ được trang bị 15 súng bắn đá. Năm 1945 - 1946, nhân dân còn phát hiện một số khẩu súng loại này tại đây.

Trong vùng còn những địa danh liên quan đến thời nghĩa quân như Lò Gạch, gò Thiềng (tức gò Thành), Vàm Đồn, đồn Tre, Cây Gáo...

Phía tây nam, con sông Cần Lố là đường thủy quan trọng của Đồng Tháp Mười. Sông rộng, sâu, quanh năm đều có thể đi lại được. Hầu hết lương thực, vũ khí, đạn dược từ An Giang, Hà Tiên, Rạch Giá tiếp tế cho căn cứ đều qua con sông này. Con sông uốn lượn, ẩn hiện giữa hai hàng cây rậm rạp, nhiều lau lách, sậy đế, có nhiều nhánh nhỏ giao với các con sông khác, khi gặp trở ngại dễ len lách mà đi.

Ngoài đồn Doi cạnh sông Tiền và đồn Sa Tiền chỗ ngã ba Trà Bông, nghĩa quân còn đặt nhiều trạm canh tàu giặc. Cũng như các tiền đồn khác, đồn Doi và đồn Sa Tiển có từ 100 đến 150 nghĩa quân, còn các tháp canh thì khoảng 10 nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2017, 09:30:04 am »


Câu hỏi 8: Việc xây dựng lực lượng, chuẩn bị hậu cần của nghĩa quân Đồng Tháp Mười được Võ Duy Dương tổ chức như thế nào?
Trả lời:


Khi vào lập căn cứ Đồng Tháp Mười, Võ Duy Dương đẩy mạnh công cuộc tuyên truyền, vận động, kêu gọi nhân dân tham gia kháng chiến, kể cả việc tranh thủ sự giúp đỡ của quân triều đình ở 3 tỉnh miền Tây. Nhờ vậy, trong hàng ngũ của ông có nhiều thành phần tham gia: Nho sĩ, điền chủ, nông dân... gồm người Việt, người Hoa, người Khơ Me, ngay cả lính Pháp, lính Tagal cũng bỏ hàng ngũ theo về. Cuộc chiến đấu ở Đồng Tháp Mười rõ ràng là sự hợp tác giữa những người yêu công lý, chuộng tự do, không phân biệt tầng lớp, màu da, sắc tộc.

Nghĩa quân ở đại bản doanh Gò Tháp, 3 đồn chính và trên 10 đồn phụ có hơn 2.000 người (3 đồn chính mỗi đồn 300 người. Trên 10 đồn phụ, mỗi đồn trung bình 100 người. Tổng cộng có trên 2.000 người. Nếu tính luôn dân binh còn vượt hơn con số này). Lực lượng chính là quân đồn điền tại chỗ, lúc bình thường thì theo việc đồng áng, lúc rỗi thì luyện tập võ nghệ, khi có giặc thì cầm súng chiến đấu trên mảnh đất quen thuộc của mình hoặc được điều ra trận.

Những trung tâm chính là đất Ba Giồng, Xoài Tư, Rạch Ruộng, Cần Lố... Trại ruộng của hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đạo Ngoạn khai mở tại vùng Trà Bông cũng cung cấp không nhỏ về quân lính và lương thực cho nghĩa quân. Phía đồn Tả thì có vùng Mộc Hóa, từ gò Bắc Chiêng lên Bắc Giang, Long Khất, Cái Cỏ, Thông Bình...

Lực lượng nghĩa quân của Trương Định ở Gò Công sau khi chủ tướng hy sinh cũng được thu hút vào Đồng Tháp Mười tiếp tục chiến đấu.

Bên cạnh Chủ tướng Võ Duy Dương có Phó tướng Nguyễn Tấn Kiều (Đốc binh Kiều), Lê Kim (Trần Trọng Khiêm) và nhiều thuộc tướng khác, cả văn lẫn võ như lãnh binh Dương, Bùi Quang Diệu, Trần Kỳ Phong, Nguyễn Văn Cẩn, Lê Văn Ông, Võ Văn Khả, Trương Tấn Minh (Miêng), Võ Cẩm Tấn, Huấn Hiệu, Thống Linh, Thống Bình, Thống Chiếu, Thống Lãnh, Thống Cử... Huỳnh Lục, Huỳnh Thất, Phòng Biểu, Phòng Chơn, Hộ vệ Tân, Đội Nghị, Nhiêu Bá, Nhiêu Chấn, Thông Phụng, Bổn Lê, Tham Đa, Quản võ, Quản văn... có cả các lương y và thầy thuốc rắn: Lệ Huy Nhạc, Thủ Chiếu, Năm Hơn...

Bên cạnh hệ thống quân sự còn có bộ máy chính quyền kháng chiến. Những người tham gia hay được chiêu mộ, tùy theo năng lực, văn bằng, công trạng đều được Võ Duy Dương phong ấn tước, phẩm hàm.

Đồng Tháp Mười thật sự trở thành trung tâm kháng chiến thu hút hầu hết các lực lượng nghĩa quân ở Nam Kỳ trong thời kỳ 1864-1866.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2017, 09:30:27 am »


Ngoài việc xây cất các đồn lũy, tháp canh chiến đấu, nghĩa quân chia nhau đi đốn tre, tràm, sậy, đưng về dựng lán trại trên các gò, giồng hoặc trên các nền đất đắp ven các con đường gạo. Che tum nghỉ mát trong các vệt tràm để canh tác hoặc đi giăng câu, đặt lọp, đặt lờ bắt cá, bẫy chim, đào chuột, bắt trăn, rắn, rùa, đập lúa trời, móc củ co, hái sen, nhổ bông súng... Tại các khu vực đồn Trung, Tiền, Tả, Hữu đều có rẫy trồng khoai lang, khoai mì, đậu phộng, mè... đào giếng lấy nước uống và tưới rẫy. Cá ăn không hết thì làm khô, làm mắm để dành. Lương thực từ vùng ngoài tiếp tế vào chủ yếu là dự trữ.

Mỗi nghĩa quân thật sự là một nông dân dầm mưa dãi nắng, giỏi bơi lội, chống xuồng trên đồng nước. Phương tiện đi lại chủ yếu là xuồng, ghe, phổ biến là xuồng cui, xuồng ba lá, xuồng lìm kìm mũi nhọn 2 đầu để lướt nhanh trên đồng cỏ và xoay trở tùy ý. Nghĩa quân còn sáng tạo ra chiếc sào nang để chống qua bưng dày đặc sen súng, lục bình, cỏ mồm... vì những nơi đó nước sâu, đất sình chống sào thường sẽ bị lún sâu, hụt hẫng, khó nhổ sào lên để chống tiếp.

Ngoài những thứ do gia đình, nhân dân tiếp tế, nghĩa quân còn biết giã bàng đan đệm, làm nóp để ngủ, kết quần để mặc trong sinh hoạt hàng ngày và những lúc khó khăn. Thực tế thì loại đồng phục quân đồn điền không nhiều lắm và không phải ai cũng có, vả lại phải để dành khi hội quân, tập kích.

Hàng ngày, nghĩa quân còn luyện tập võ nghệ, sử dụng giáo mác dưới sự hướng dẫn của người thủ lĩnh tại chỗ. Tại các đồn chính, nhất là tại đại bản doanh có mở những đợt huấn luyện quy củ về bắn súng, đấu gươm, các thao tác quân sự chính quy do Linguet và các chiến sĩ Bắc Phi đảm nhận. Vốn là những tù binh của Pháp ở Maroc, Algerie, Tunisie... tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng cùng cảnh ngộ với đất nước ta. Họ đã nhận ra sự phi nghĩa khi phải cầm súng bắn giết nhân dân Việt Nam. Do đó, họ đã bỏ hàng ngũ để đứng về phía nghĩa quân. Sự chịu đựng gian khổ, lòng nhiệt tình, dũng cảm của họ đã kích thích tinh thần hăng say luyện tập và chiến đấu của nghĩa quân.

Mỗi người vừa là nông dân vừa là nghĩa binh "tay cày tay súng". Nhờ vậy, mọi hoạt động xâm nhập của giặc, nghĩa quân có thể phát hiện và ngăn chặn từ xa. Suốt thời gian dài hệ thống đồn lũy và đại bản doanh vẫn là dấu hỏi lớn đối với Pháp.

Đồng Tháp Mười bao la, bát ngát, chốn hoang dã thâm u tự bao đời đang giấu kín trong lòng nó một sự rộn ràng kể từ khi nghĩa quân vào lập căn cứ. Đồng Tháp Mười, nơi tụ nghĩa thứ hai sau Gò Công, trở thành trung tâm kháng chiến mới của cả Nam Kỳ. Ngày nào Pháp chưa đánh dẹp xong căn cứ này thì không thể lấn chiếm 3 tỉnh miền Tây.

Với tầm vóc đó, nghĩa quân ráo riết vận động nhân dân quanh vùng từ Mộc Hóa, Tân An, Cai Lậy, Cái Bè, Sa Đéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự... đóng góp sức người, sức của chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới. Ban đêm, nghĩa quân ra chợ quyên góp tiền, gạo muối của các nhà giàu, nhà nào cũng quyên góp, không nhiều thì ít.

Tháng 5 năm 1864, Nguyễn Hữu Huân bị bắt ở Châu Đốc, tiền bạc quyên góp mua sắm vũ khí, đạn dược bị tịch thu nhưng sự ủng hộ của nhân dân với nghĩa quân Võ Duy Dương không vì thế mà lụi tắt. Nhiều đoàn thuyền đã bí mật vượt sông Hậu, sông Tiền chở khí giới và thuốc đạn tiến vào căn cứ. Các ngả Trà Cú Thượng, Trà Cú Hạ, kinh Phước Tuy, vàm Xoài Hột... qua đường gạo Mộc Hóa, Cái Nứa cũng thường xuyên vận chuyển. Nhưng tấp nập nhất vẫn là con đường gạo Cần Lố. Tại các tiền trạm, nghĩa quân túc trực đón nhận và vận chuyển tiếp. Mùa nước thì xuồng ghe đi theo các con lung tự nhiên vào đại bản doanh, mùa khô thì phân tán nhỏ cho cộ trâu, lĩa trâu kéo vào.

Việc tiếp tế cho nghĩa quân rất gian nan, khổ cực, nhiều người đã âm thầm đổ máu, nhất là từ đầu năm 1865, Pháp đóng tại đồn Mỹ Trà - Cần Lố. Nghĩa quân Thị Bầy đã hy sinh trong lúc mở con đường tắt từ Cần Lố qua Ba Sao và tên tuổi bà đã để lại với con rạch này: "Vàm Bà Bầy”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 08:37:01 am »


Câu hỏi 9: Một trong những thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Đồng Tháp Mười là Đốc binh Kiều, cho biết đôi nét về cuộc đời và những hoạt động của ông?
Trả lời:


Rất tiếc đến nay, chúng ta chưa biết họ và quê quán cụ thể của Đốc binh Kiều. Dân gian thường gọi ông là Lê Công Kiều, Trần Phú Kiều hoặc Nguyễn Tấn Kiều nhưng phổ biến nhất là quan lớn Thượng.

Tương truyền, ông gốc người miền Trung vào Nam sinh sống ở huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường. Khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông về Gia Định đầu quân chống giặc, nhờ có võ nghệ và biết tổ chức nên ông được giao quyền chỉ huy một đội dân dũng. Khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, ông không theo quân triều đình rút về Biên Hòa mà đưa đội nghĩa dũng của mình về đóng ở Sầm Giang, Long Hưng thuộc huyện Kiến Đăng với ý định lập căn cứ chiến đấu lâu dài.

Đến khi Trương Định lập căn cứ Tân Hòa (Gò Công), Võ Duy Dương lập căn cứ ở Bình Cách, Mỹ Quý (Ba Giồng, thuộc huyện Kiến Đăng), ông mang quân về Ba Giồng hợp tác với Thiên hộ Dương. Ông được phong chức đốc binh và trở thành một tham mưu đắc lực của Thiên hộ.

Trong suốt thời kỳ chiến đấu ở Ba Giồng, chẳng những ông lập được nhiều chiến công mà còn dốc sức trong việc tổ chức và tuyển mộ, huy động binh lương nên ông được cất nhắc. Khi bị giặc đánh bật ra khỏi Bình Cách, nghĩa quân rút về Xoài Tư, cửa ngõ vào Đồng Tháp Mười, Võ Duy Dương phân công: Thủ khoa Huân đi các tỉnh miền Tây vận động tiền bạc để mua vũ khí. Thiên hộ Dương với 100 quân, hành quân lưu động hô hào kích động lòng yêu nước căm thù giặc, chiêu mộ nghĩa quân, còn ông giữ trọng trách vào Đồng Tháp Mười tìm nơi lập căn cứ chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Tháng 6 năm Giáp Tý (1864), Thủ khoa Huân bị bắt ở An Giang, đến tháng 7 Trương Định hy sinh ở Gò Công, nghĩa quân rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, Võ Duy Dương quyết định rút vào Đồng Tháp Mười và đặt tổng hành dinh tại Gò Tháp. Đốc binh Kiều được giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ. Ông huy động dân binh, nghĩa quân đào hào đắp lũy... xây dựng đại đồn Tháp Mười suốt mấy tháng liền. Chung quanh căn cứ là hào sâu, dưới cắm chông tre, kề bên là lũy cao trên trồng tre gai, đặt lỗ châu mai, có chòi canh trên ngọn cây để canh gác... Trong đồn có nhà ở, nhà ăn, giếng nước, nhà kho lương thực, kho vũ khí, nhà tham mưu, nơi bàn việc cơ mật... tất cả đều được bố trí canh phòng nghiêm ngặt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 08:37:31 am »


Để bảo vệ đại đồn ở vòng ngoài có đồn Tả, đồn Hữu, đồn Tiền nằm án ngữ trên các đường mòn dẫn vào. Sau đó, theo sự phân công của Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều chỉ huy đồn Tả, chịu trách nhiệm ngăn giặc mặt Xáng Xéo, Rạch Ruộng, đề phòng giặc từ Cai Lậy, Cái Bè tiến công vào. Ông chủ động kéo quân ra đánh Cai Lậy và nhiều nơi khác, không chờ giặc tới đánh mới chống đỡ. Ông vẫn dùng chiến thuật du kích kết hợp với kinh nghiệm dân gian sáng tạo các cách đánh giặc độc đáo như đốt đồng, dùng ong, dùng trâu, hầm chông... làm cho giặc Pháp và tay sai vô cùng khiếp sợ. Cả một tuyến dài từ Cái Bè đến Cai Lậy, ông luôn giữ được thế chủ động. Chúng rất căm tức nhưng không sao tiêu diệt được nghĩa quân do ông chỉ huy.

Lợi dụng địa thế sình lầy, đầy lau sậy, tràm đưng với vô số muỗi, đỉa của Đồng Tháp Mười, nghĩa quân Tháp Mười nghĩ ra nhiều cách đánh giặc hết sức phong phú đa dạng. Bắt ong, rắn để vào một chỗ, khi giặc vào thả chúng ra, gặp hơi người chúng đuổi theo đốt cắn...

Cầu khỉ bắc ngang rạch, được cưa đi một phần làm sao để cầu chỉ còn chịu nổi sức nặng của một người đi qua. Khi giặc qua một lúc nhiều tên làm cho cầu gãy, chúng rơi xuống rạch cắm sẵn đầy chông, nghĩa quân phục kích trên bờ bắn xuống. Vào mùa khô, các lung, bào, trấp, sình... vẫn còn chứa nước khá sâu nhưng trên mặt, cỏ mọc lâu ngày thành một lớp dầy, thoạt nhìn tưởng như đất bằng, ai lỡ sa chân vào sẽ bị lún sâu xuống, càng cố ngoi lên càng bị lún sâu thêm... Nghĩa quân chỉ cần bố trí nghi binh thế nào để giặc đi vào đó. Do vậy, khi bị bắt phải hành quân ở Đồng Tháp Mười bọn lính giặc vô cùng lo sợ, không biết sẽ rơi vào cái bẫy nào.

Riêng Đốc binh Kiều lại đề ra một cách đánh giặc rất độc đáo. Ông đóng quân ở gò Bảy Liếp, chịu trách nhiệm vùng Xáng Xéo, Rạch Ruộng. Hàng năm vào khoảng tháng Giêng, dân ở các vùng Cái Nứa, Cái Thia, Cái Bè, Cao Lãnh... thường vào phát hoang đốt đồng để đến tháng 4, tháng 5 âm lịch, khi trời mưa sẽ sạ lúa. Dưới sức nóng như thiêu, như đốt, lớp cỏ, lau sậy trên mặt đất khô rụi chỉ chờ có lửa là bắt cháy. Lửa bốc cao có lúc đến bốn năm thước, cực kỳ hung hãn. Có lửa, có gió, mà có gió thì lửa cháy càng dữ càng bốc cao và lan đi nhanh chóng. Chỗ nào có cỏ là có lửa, mọi sinh vật đều bị nướng chín nếu không nhanh chân chạy thoát. Đốt đồng ở Đồng Tháp Mười là một cảnh tượng hùng vĩ nhưng cũng rất khủng khiếp đã gợi cho Đốc binh Kiều tổ chức một trận hỏa công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 08:37:51 am »


Ông cho nghĩa quân bố trí trận địa, theo dõi sự thay đổi hướng gió của những tháng mùa khô, đào mương để chủ động đàn áp ngọn lửa. Xong đâu đấy, ông ra lệnh cấm đốt đồng ba năm trong khu vực bố trí trận địa cho cỏ mọc thật dầy, được dân chúng hưởng ứng. Năm ấy, giặc tập trung quân tiến công vào Gò Tháp, hướng từ Cái Nứa vào ấp Đại Điền. Giặc phải băng qua nhiều cánh đồng trống dưới trời nắng chang chang, mùi sình, mùi cỏ thối xông lên nồng nặc, ngột ngạt. Mồ hôi vã ra như tắm, tên nào tên nấy đều uể oải, mệt mỏi. Thấy phía trước là một dãy rừng tràm, chúng bảo nhau nhanh chân chạy đến tránh nắng và nghỉ mệt. Vừa đến nơi, bỗng lửa cháy sau lưng, lửa cháy trước mặt, chạy tới chạy lui phía nào cũng gặp lửa. Cả bọn bị bao vây trong biển lửa. Càng lúc lửa cháy càng dữ dội, tiếng lửa réo ào ào, tiếng lau sậy nổ lụp bụp hòa với tiếng kêu la tuyệt vọng của giặc tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn khủng khiếp... làm bọn chúng vốn đã hoảng sợ lại càng hoảng sợ hơn.

Tên nào tên nấy áo quần bị cháy sém, mặt mày bê bết tro than bùn đất, nhiều tên sa xuống bãi lầy, ngọ nguậy kêu cứu nhưng mạnh tên nào tên nấy chạy, tự cứu lấy mình, súng đạn, giày nón vứt vương vãi... cái chết cầm chắc trong tay. Đang nắng gay gắt, trời bỗng nhiên tối sầm lại, rồi mưa như trút nước. Ngọn lửa bị dập tắt. Bọn giặc thoát chết, vội vã lui quân trong hoang mang hãi hùng. Trong trận này, chúng chết bao nhiêu không biết, chỉ biết nơi này dân gian gọi là "Cánh đồng sọ Tây".

Trong cuộc tấn công Đồng Tháp Mười vào tháng 4 năm 1866, giặc Pháp đã dùng một lực lượng lớn để áp đảo, quyết hạ cho được đồn Tả để tiến vào Đồng Tháp Mười. Giặc do tên tay sai khét tiếng Trần Bá Lộc thạo đường chỉ huy tấn công rất hung hãn. Đốc binh Kiều điều động nghĩa quân chống trả quyết liệt đã đẩy lùi nhiều đợt tiến công của giặc, đến chiều bọn chúng phải rút lui. Ông lên đài quan sát theo dõi cuộc thoái binh của giặc, chẳng may ông bị thương. Ông được đưa về gò Giồng Dung điều trị. Mấy ngày sau, được tin đại đồn thất thủ, ông uất lên mà chết. Để ghi nhớ công lao chiến đấu chống giặc giữ nước gian khổ của ông, nhân dân xây cất đền thờ tưởng niệm ông chung với Thiên hộ Võ Duy Dương tại Gò Tháp.

Hiện nay trong dân gian còn lưu truyền bài thơ ca ngợi ông:

Vì nước quên mình bởi chữ trung,
Thương dân chi sá chốn sình bùn.
Mấy năm Đồng Tháp danh vang dội,
Cọp rống ngoài truông, cáo hãi hùng.
Hai thước im lìm nơi thạch động,
Đồng bào tưởng nhớ đứng thờ chung.
Nỗi lòng nghĩ đến nhiều năm trước,
Hương lửa đều không cảnh lạnh lùng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 08:39:04 am »


Câu hỏi 10: Nêu diễn biến cuộc khởi nghĩa Đồng Tháp Mười của Võ Duy Dương và một số trận đánh chính của nghĩa quân từ năm 1865 đến tháng 4 năm 1866?
Trả lời:


Quân Pháp biết rất rõ rằng ở Đồng Tháp Mười còn một bộ phận lớn nghĩa quân đang hoạt động dưới sự lãnh đạo của Thiên hộ Võ Duy Dương, nhưng chúng chưa nắm được sự bố phòng cụ thể của căn cứ. Chúng xoay qua dùng biện pháp ngoại giao, gây sức ép, buộc triều đình Huế ra chỉ dụ cho nghĩa quân Đồng Tháp Mười buông vũ khí đầu hàng. Mặt khác, chúng ráo riết thiết lập các đồn binh, trạm canh bao quanh địa bàn hoạt động của nghĩa quân. Đồng thời, mạng lưới tình báo tung người dò tìm ngày đêm tin tức về hệ thống đồn lũy, xác định rõ vị trí từng nơi, nhất là đại bản doanh. Tăng cường lực lượng bao vây, không chế buộc nghĩa quân phải xuất đầu lộ diện cho chúng tiêu diệt.

Để khủng bố và đe dọa những người yêu nước, Pháp còn cho dời huyện lỵ Kiến Phong từ Mỹ Trà về vàm Cần Lố, bố trí quân ở đây, thường được gọi là "Trường án Cần Lố”, điểm tiền tiêu của con đường gạo phía tây nam. Hằng ngày, quân Pháp theo rạch Cần Lố đi tảo thanh, hễ bắt được nghĩa quân hoặc tình nghi ai có quan hệ với nghĩa quân là đem về trường án trảm quyết và bêu đầu làm gương.

Sau gần một năm dùng kế "giấu cờ im trống" để lo xây dựng căn cứ, tích trữ quân lương, Võ Duy Dương nhận thấy nghĩa quân đã được thao luyện đầy đủ và tinh thần chiến đấu đang lên cao, không thể khoanh tay ngồi im chờ giặc đến mà phải dấy binh đánh đuổi quân xâm lược.

Với mục đích lãnh đạo dân binh kháng chiến đến kỳ cùng để giành lại chủ quyền và đất đai đã mất, Võ Duy Dương đã thật sự đưa cuộc chiến đấu mới của mình tại Đồng Tháp Mười mang ý nghĩa "dân chúng tự vệ", mặc dù lá cờ hiệu triệu lúc này là "Cần Vương cứu quốc" cho thích hợp với nhận thức của đa số đồng bào và sĩ phu. Địa bàn phát huy tác dụng nhất của chiến thuật này là những vùng tiếp giáp ngoại vi. Đó là vành đai trên dưới 10km bao bọc chung quanh Đồng Tháp Mười từ Bắc Chang, Bắc Chiêng cặp theo sông Vàm Cỏ Tây xuống Thủ Thừa qua Tân An, Cai Lậy, Cái Bè, Rạch Ruộng, Cần Lố, Cao Lãnh, Đốc Vàng, Hồng Ngự...

Đặc điểm chung của vùng này là sông rạch quanh co, chằng chịt, cây cối rậm rạp, dân cư tương đối đông đúc, là nơi tranh chấp thường xuyên giữa hai thế lực. Thực dân Pháp mới đến còn đang bỡ ngỡ, ra sức xây dựng bộ máy tay sai, tìm cách chiêu dụ, mua chuộc nhân dân. Nghĩa quân quyết tâm đánh bật chúng ra khỏi địa bàn. Ít nhất cũng phải cô lập các đồn binh, ngăn chặn những vết dầu loang. Khi được tin có giặc ruồng bố, dân chúng ở đó tức tốc tản cư bỏ nhà không, vườn trống...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM