Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:32:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương  (Đọc 25376 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 06:40:35 pm »


Đất này, khi xưa nguyên là của Vương quốc Phù Nam. Từ thế kỷ XVI, XVII đã có một bộ phận lưu dân người Việt vào cư ngụ. Năm 1623, chúa Nguyễn lập ra hai đồn thu thuế của Prei - Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Đến năm 1698, được lệnh chúa Nguyễn, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam làm kinh lược, lấy đất Nông Nại lập ra Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn (Sài Gòn) làm huyện Tân Bình, dựng thành Phiên Trấn.

Song hai huyện Phước Long và Tân Bình không đủ sức quản lý hết các vùng chung quanh nên vùng đất sau này là Định Tường được lập sổ sách biệt lập với 9 khổ trường: Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Gian Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lịch, Bả Canh, Tân Thạnh cho dân khai khẩn lập ấp làm ăn. Đến năm 1772, lập đạo Trường Đồn trên đất này; năm 1779 lập huyện Kiến Khương, lỵ sở đóng tại gò Kiến Định - Tân Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang). Qua năm 1781, cải thành dinh Trấn Định. Năm Gia Long thứ 5, huyện Kiến Khương đổi thành Kiến An (1806). Hai năm sau (1808), dinh Trấn Định cải thành trấn Định Tường trực thuộc Gia Định thành và huyện Kiến An nâng lên thành phủ và 3 tổng: Kiến Hưng, Kiến Hòa và Kiến Đăng trở thành 3 huyện. Đến 1831, trấn Định Tường lại đổi thành tỉnh Định Tường, chia đất Kiến Hòa thành hai huyện Tân Hòa và Kiến Hòa. Từ năm 1841, tỉnh Định Tường có 2 phủ: Kiến An, Kiến Tường với 4 huyện: Kiến Hòa, Kiến Hưng, Kiến Phong và Kiến Đăng, huyện Tân Hòa thuộc về tỉnh Gia Định.

Do địa thế cao ráo với nhiều gò cát cao nên đường thiên lý đoạn chạy qua tỉnh Định Tường đều nằm trên dải đất Ba Giồng.

... Quan lộ phía hữu, gặp chỗ nào cong queo, giăng dây để uốn thẳng lại bắt đầu từ Tân Thuận qua chùa Kim Chương ở phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò Tuyên Tự đến bến Thủ Đoàn (Thủ Thừa ngày nay) qua sông Hưng Hòa (tức sông Vàm Cỏ Tây, đoạn chảy qua thị xã Tân An ngày nay) trải qua gò Trấn Định (thị trấn Tân Hiệp ngày nay) rồi đến gò Triệu (thuộc huyện Cái Bè), con đường rộng 5 tầm, hai bên trồng cây mù u, cây mít là thứ cây thổ nghi. Cầu cống, thuyền đò thường xuyên gia tăng tu bổ. Đường rộng thẳng như tấm đá mài, gọi đó là đường Thiên Lý của miền Nam (Gia Định thành thông chí, tập hạ, mục Thành (trì) chí, trang 75).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 06:40:52 pm »


Vùng Ba Giồng được giới hạn về phía đông bởi rạch Bảo Định, về phía nam là sông Tiền. Rạch Bảo Định nối liền sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây. Địa hình Ba Giồng bị một số con rạch chia cắt. Hệ thống sông rạch ở Ba Giồng có hai hướng đều có tác dụng thoát nước cho Đồng Tháp Mười. Hướng tây bắc - đông nam đổ vào rạch Bảo Định có các rạch Tân Hương, rạch Trấn Định (Tân Hiệp) và rạch Chùa. Hầu hết các rạch này đều chảy qua các gò: Cánh Én, Trâm Bầu, Trao Trảo, gò Dứa, Trấn Định. Hướng bắc - nam, từ tây sang đông có: Rạch Cái Thia chảy qua hai tổng Phong Phú và Phong Hòa (Cái Bè) chia làm ba nhánh: Rạch Cái Cối dài 21km, rạch Cái Thia dài 12km, rạch Mỹ Thiện dài trên 10km; rạch Trà Lọt dài khoảng 18km cũng chảy qua tổng Phong Hòa. Rạch Cái Bè chia ra hai chi lưu: nhánh phía tây vẫn còn chảy trong địa phận tổng Phong Hòa, nhánh phía đông chảy qua tổng Lợi Thuận. Hai nhánh này gặp nhau tại chợ Cái Bè (làng An Bình Đông) tạo thành một vàm sông lớn trước khi đổ vào sông Tiền. Một nhánh nhỏ là rạch Cái Gáo (Cây Gáo) chảy vào tận Giai Mỹ, Xoài Tư. Rạch Ba Rài dài 22km chảy qua địa phận hai tổng Lợi Trinh và Lợi Thuận (Cai Lậy). Rạch Trà Tân chảy qua tổng Lợi Mỹ gồm cả rạch Trà Luộc chảy qua các tổng Lợi Trinh, Lợi Trường và Lợi Mỹ. Rạch Gầm chảy qua hai tổng Thuận Bình và Lợi Trường, dài 11km. Rạch Kỳ Hôn chảy qua tổng Hòa Hảo.

Ngoài ra, còn có một con kinh đào được khởi công dưới triều Minh Mạng, đó là kinh Tranh Giàng hay còn gọi là kinh Thương Mại (trong một số bản đồ cổ của người Pháp ghi nhầm là Đằng Giang) được kéo dài đến tận sông lớn bởi rạch Bà Bèo và rạch Cái Bè. Nó làm cho lưu vực của sông Tiền thông thương với Vàm Cỏ Tây xuyên qua mạn đông nam của Đồng Tháp Mười.

Hệ thống sông rạch ở Ba Giồng đã phân chia các gò nổng trong vùng thành ba hệ thống như đã nói ở trên.

Nếu Định Tường là tỉnh giàu có nhất Nam Kỳ thì Ba Giồng chẳng những là vùng trù phú trong tỉnh về mặt kinh tế mà còn có một vị trí chiến lược rất quan trọng về mặt quân sự. Nó kết hợp với Đồng Tháp Mười để tạo nên thế liên hoàn giữa thế công và thế thủ. Đây có thể là điều khiến Võ Duy Dương quyết định chọn Ba Giồng và Đồng Tháp Mười làm địa bàn hoạt động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 06:41:17 pm »


Sau khi chiếm được thành Mỹ Tho (4-1861), thực dân Pháp kéo đại quân về Sài Gòn, để lại 400 quân do trung tá Desvaux chỉ huy cố giữ phần đất vừa chiếm được. Pháp rải quân ra trú đóng ở các vị trí xung yếu trên địa bàn Định Tường. Trên bộ có các đồn chủ yếu: đồn Rạch Gầm, đồn Bourdais, đồn Trấn Định, đồn Trung Lương, đồn Cai Lậy (do Chasseriau đóng); đồn Cái Bè (do Bottet và Gonon đóng); đồn Kỳ Hôn (do Thouroude đóng); đồn Chợ Cũ Mỹ Tho, đồn Gia Thạnh (do Robinet và Pineau đóng); đồn Gò Công (do D'arieuille đóng), đồn Tân Hòa, đồn Chợ Gạo hòng bóp chết tại chỗ các cuộc nổi dậy và bảo vệ thành Mỹ Tho. Trên sông rạch để bảo đảm lưu thông liền mạch với Sài Gòn, chúng cho vét kinh Bảo Định nối liền Mỹ Tho - Tân An, tàu tuần tra liên tục trên các sông rạch như những pháo đài lưu động. Chiếc Solevad án ngữ ở Rạch Gầm, pháo thuyền Gougelard kiểm tra vàm Cái Thia, Cái Cối, chiếc Shamriver canh phòng Cửa Tiểu, Mỹ Tho.

Trên địa bàn tỉnh Gia Định, song song với mặt bố phòng về quân sự, chúng tập hợp một số Việt gian để hình thành bộ máy tay sai ở cấp xã, cấp tổng, tiến hành các công việc hành chính, thuế vụ nhưng nhân dân Định Tường và Gia Định nhất định không để chúng tự do hành động mặc dù quan quân của triều đình đã rút lui.

Về phía quan quân triều đình, sau khi rút chạy không tìm được kế sách gì để giành lại phần đất chịu trách nhiệm cai quản đã mất mà chỉ ngồi chờ triều đình trị tội và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Nguyễn Hữu Thành (lãnh tuần phủ) chạy đến trạm Biên Long, dâng tờ sớ đợi tội nói kèm việc lãnh tổng đốc Nguyễn Công Nhàn thừa cơ trốn trước. Nguyễn Công Nhàn sau khi đến huyện Kiến Đăng (Cai Lậy) cũng làm tờ tấu xin nhận tội, nói việc Hữu Thành không cùng nhau bàn tính công việc. Bọn Nguyễn Duy Quang, Tôn Thất Tuấn là án sát và lãnh binh do Tổng đốc Long Tường Trương Văn Uyển phái sang thấy không giữ được thành nên đã đem bản bộ về Vĩnh Long (Đại Nam thực lục chính biên).

Còn triều đình Huế, từ khi mất Gia Định đến lúc ấy, bản thân vua Tự Đức và đình thần cũng chưa tìm ra một sách lược cụ thể giữa đánh và hòa. Quan mỗi người mỗi ý, vua thì chưa biết quyết thế nào.

Một mặt nhà vua sai Nguyễn Bá Nghi viết thư tiếp tục quan hệ với Pháp để xem họ trả lời như thế nào; một mặt ra lệnh cho ba tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa và Bình Định mỗi tỉnh xuất 500 quân kéo đến Biên Hòa hiệp cùng quân sĩ ở đây chống giặc. Đốc thần Trương Văn Uyển (Vĩnh Long) và đốc thần Phan Khắc Thận (An Giang) hiệp nhau hỗ trợ cho Định Tường, còn các quan bại trận ở Định Tường phải về nhiệm sở cũ đoái công, chuộc tội.

Cùng lúc ấy, Đỗ Thúc Tịnh (đang là biên lý bộ binh), Nguyễn Túc Trưng (đang là thủ phủ Thừa Thiên) tự nguyện xin vào Nam đánh giặc nên được sung chức khâm phái quân vụ được lệnh vào Nam chiêu mộ dân sung làm quân chiến tâm cùng nhau chống giặc cứu nước. Đoàn khâm phái quân vụ còn được bổ sung thêm nhiều nhân vật yêu nước nữa như Trương Minh Lượng, Nguyễn Nhã, Phan Trung (Chánh), Chánh bát phẩm Thiên hộ Võ Duy Dương... (Đại Nam thực lục chính biên).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 06:41:40 pm »


Theo Đại Nam thực lục chính biên thì lúc bấy giờ Võ Duy Dương đang thi hành nhiệm vụ dẹp giặc ở Quảng Ngãi cũng được sung vào phái đoàn khâm phái quân vụ của Đỗ Thúc Tịnh lên đường vào Long, Tường, An - Hà (Định Tường, Vĩnh Long, An Giang - Hà Tiên).

Trên đất Ba Giồng, cũng như khắp nơi trong 2 tỉnh vừa bị Pháp chiếm đóng, dân chúng đều sôi sục khí thế đầu quân chống giặc. Võ Duy Dương trở lại địa bàn cũ, nơi ông đã có nhiều quan hệ thân hữu gắn bó trong thời kỳ mộ dân khẩn hoang. Cũng chính nơi đây ông đã được phong chánh quản đạo cùng với người bạn chiến đấu thân thiết là Nguyễn Hữu Huân vốn là giáo thụ phủ Kiến An được phong phó quản đạo.

Do những yếu tố thuận lợi đó nên chỉ một thời gian ngắn vận động dân dũng đầu quân chống giặc, ông đã quy tụ cả ngàn người, đủ mọi thành phần trong xã hội.

Những người ông quy tụ được chẳng những là dân đồn điền, nông dân yêu nước mà có cả khoa bảng, phú hào, điền chủ giàu có. Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân với tư cách là phó quản đạo đã trở thành một trợ lý đắc lực của ông. Tháng 9 năm 1861, ông nhận được chức quản cơ cùng lúc với Trương Định, đặc trách chỉ huy võ sinh và võ sĩ.

Xác định được thế mạnh của ông ở đất Ba Giồng, các viên khâm phái cho ông lập căn cứ ở Bình Cách, thuộc tổng Thạnh Quơn (Quan), huyện Kiến Hòa (nay thuộc ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh, Chợ Gạo, Tiền Giang). Địa bàn hoạt động của nghĩa quân dưới quyền rất rộng, lan ra khắp đất Ba Giồng. Trên danh nghĩa là ông hoạt động dưới sự chi phối và điều động của Án sát và Thương biện Quân vụ Định Tường là Nguyễn Nhã và Trương Minh Lượng nhưng thực tế do uy tín đối với địa phương và tài thao lược nên ông và Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hầu như nắm vai trò chủ động trong mọi việc từ chiêu mộ nghĩa dũng, điều động, bố trí binh lực đến đề bạt, khen thưởng những người có công trong công cuộc kháng chiến.

Ngay trong buổi đầu kháng chiến ông đã có mối quan hệ chặt chẽ với Trương Định ở Tân Hòa (Gò Công), với Trần Xuân Hòa (tức phủ Cậu ở Thuộc Nhiêu, Cai Lậy), Bùi Quang Diệu (tức quản Là ở Cần Giuộc) và các thủ lãnh nghĩa quân khác để tương trợ nhau và hợp đồng chiến đấu. Đồng thời ông cũng tranh thủ được sự ủng hộ của các điền chủ, bá hộ giàu có, trong đó có bá hộ Trần Văn Học (tự Minh) ở Bình Cách.

Vừa xây dựng lực lượng nghĩa quân, vừa đánh để tiêu hao binh lực địch và ngăn chặn chúng mở rộng vùng chiếm đóng, đồng thời cũng thỏa mãn yêu cầu diệt giặc sôi nổi của đồng bào lúc bấy giờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:44:48 pm »


Ngày 4 tháng 9 năm 1861, Võ Duy Dương cho nghĩa quân tập kích đồn Bourdais (đây vốn là đồn thứ 5 của ta trên tuyến phòng thủ rạch Bảo Định mà chúng đã chiếm được vào ngày 10 tháng 4 năm 1861, nhưng ta đã giết được tên trung tá Bourdais. Chúng lấy tên viên trung tá đặt tên cho đồn). Đồn nằm trên rạch Bảo Định, cách Mỹ Tho 3 dặm nhằm bảo đảm sự liên lạc đường thủy của Pháp giữa Mỹ Tho và Tân An. Chúng phải đưa tên trung tá hải quân Mac Dermot đến tăng viện.

Trong khi đó Trần Xuân Hòa hoạt động mạnh ở vùng Thuộc Nhiêu, Mỹ Quý, Cai Lậy thu hút sự chú ý của bọn Pháp. Từ ngày 29 tháng 8 đến ngày 15 tháng 9, Trần Xuân Hòa liên tiếp tấn công Cai Lậy (lỵ sở cũ của huyện Kiến Đăng) làm trở ngại công cuộc bình định của chúng ở khu vực này. Viên chỉ huy quân sự Pháp ở Định Tường, trung tá Desvaux phải tăng cường hỗ trợ cho Chasseriau (chỉ huy đồn Cai Lậy) bằng cách đích thân hắn ta trực tiếp hành quân ở "khu bốn công sự" (khu vực nằm giữa Cai Lậy và Mỹ Tho), đưa thêm chiếc Norsagaray vào trợ chiến. Ngày 23 tháng 9, chúng phá hủy các cản hàn trên Rạch Gầm mở đường tấn công Thuộc Nhiêu. Ngày 25 tháng 9, chúng tấn công Mỹ Quý, không tiêu diệt được Trần Xuân Hòa, chúng trả thù bằng cách bắn chết thân mẫu ông.

Để làm nhẹ bớt áp lực của giặc đối với Trần Xuân Hòa, đồng thời xây dựng một địa bàn làm đầu cầu liên lạc nhận tiếp tế lương thực, vũ khí từ Vĩnh Long, ngày 14 tháng 10 năm 1861, Võ Duy Dương cùng án sát Định Tường tổ chức đánh một trận lớn ở khu Cái Thia, Cái Bè. Tại Cái Bè, bọn Pháp đã tuyển người theo đạo Thiên chúa lập những đội lính mã tà, đóng đồn và dùng 2 tàu chiến cùng với pháo thuyền Gougelard tuần tiễu trên sông Tiến. Ngày 5 tháng 9, chúng đã tịch thu một ghe mành chở đầy súng của ta. Kết quả ta đã đánh chìm 2 tàu của bọn mã tà, giết chết 50 tên gồm lính Pháp và mã tà, đồng thời tấn công pháo thuyền Gougelard.

Chiến thắng có tầm cỡ chiến lược này đã cổ vũ phong trào nhân dân nổi dậy giết giặc, cứu nước. Ngày 15 tháng 10, nghĩa quân tấn công mạnh vào đồn Cai Lậy, chợ và một số doanh trại giặc Pháp. Pháp trả đũa bằng cách đốt một số nhà thường dân. Ngày 22 tháng 10, nghĩa quân tấn công đồn Kỳ Hôn. Ngày 30 và ngày 31 tháng 10, nghĩa quân liên tiếp tấn công đồn Rạch Gầm làm số lính tập bị thương lên đến 36 tên. Phát huy thế mạnh của mình, nghĩa quân tiếp tục đánh phá, quấy rối giặc khắp nơi, chặn đường phục kích giết bọn Pháp, ngày 17 tháng 10, đã ám sát một viên đội ở đồn Cai Lậy.

Mỹ Quý, một vị trí xung yếu trên địa bàn Ba Giồng, nối liền với Thuộc Nhiêu trở thành tuyến phòng thủ ngăn chặn giặc xâm nhập vào địa phận huyện Kiến Đăng (Cai Lậy), đồng thời nó còn có vai trò chia cắt và cô lập đồn tiền tiêu của giặc đóng ở Cai Lậy (lỵ sở cũ của huyện Kiến Đăng).

Trên một nền đồn cũ (nay thuộc ấp Quý Thành, xã Nhị Quý), chung quanh có sẵn lũy tre dày bao bọc, Võ Duy Dương cho huy động nhân dân và nghĩa quân gấp rút xây dựng một đồn mới với đầy đủ các công trình phục vụ chiến đấu: nhà kho, bến vựa, ao nước... Là một đồn mới xây dựng sau thành Chí Hòa nên được đồng bào gọi là Tân thành Mỹ Quý (đến nay vết tích Tân thành Mỹ Quý còn lại là cột phường, nền vựa kho lúa, nền vựa kho tiền, ao, hào thành; cách thành 500m có lũy tre bao bọc).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:45:11 pm »


Bên cạnh các hoạt động quân sự, Võ Duy Dương còn động viên và ra lệnh dân chúng phong tỏa, bao vây kinh tế địch. Đồng thời Võ Duy Dương ra lệnh trừng trị những người ra cộng tác làm tay sai cho giặc, nhận chức tước của thực dân Pháp. Chỉ nội trong các ngày 22, 23, 27 tháng 11, nghĩa quân đã ám sát trưởng các xã Mỹ Quý, Trung Lương, Tân Lý và cai tổng Lệ (ở xã Mỹ An) do thực dân Pháp mới bổ nhiệm. Điều này làm cho bọn Việt gian hết sức hoang mang, hoảng sợ phải xin từ chức.

Ngày 30 tháng 11 năm 1861, Bonard đến Sài Gòn thay thế cho Charner. Liền ngay sau khi đến, phó đô đốc Bonard nhận định phải gấp rút chiếm ngay Biên Hòa nhưng việc chuẩn bị của Pháp tiến hành chậm, phải đến 15 tháng 12 mới khởi sự.

Nắm được ý đồ của giặc, nghĩa quân như có hiệp đồng tác chiến, đồng loạt nổi dậy đánh địch khắp nơi buộc chúng phải rải quân ra đối phó, chật vật chống đỡ và cố giữ phần đất đã chiếm.

Sau khi chiếm được Biên Hòa, thực dân Pháp cho rằng đã giải tỏa được áp lực của nghĩa quân ở phía đông nên phải tập trung quân bình định phía tây.

"Chiếm được Biên Hòa, tức là đã đoạt được chỗ dựa của bọn nghĩa ứng. Khi ấy chỉ còn Vĩnh Long, các cuộc phá phách đều tập trung về phía tây, mạnh nhất là Mỹ Tho. Ngày 4 tháng 1 năm 1862, tất cả các đồn ở phía tây đều bị bao vây, ta phải giải vây nó" (Đinh Xuân Lâm, Anh hùng Trương Định, Nhà xuất bản Giáo dục, 1976).

Lúc này, trên địa bàn Ba Giồng, thực dân Pháp phải đối phó với hai lực lượng nghĩa quân lớn: Võ Duy Dương và Trần Xuân Hòa.

Trần Xuân Hòa lập căn cứ Thuộc Nhiêu, Võ Duy Dương đồn trú ở Mỹ Quý, chiếm một vị trí nằm giữa thành Mỹ Tho và đồn tiền tiêu Cai Lậy của Pháp. Đây là một khu có nhiều gò cát cao nằm trong hệ thống giồng thứ hai của đất Ba Giồng. Từ đây Võ Duy Dương hiệp đồng với Trần Xuân Hòa tung nghĩa quân đánh phá Cai Lậy, Cái Bè, Rạch Gầm, Kỳ Hôn... Thực dân Pháp phải nhiều lần tập trung quân do chính tên trung tá Desvaux - chỉ huy quân sự Pháp ở Định Tường lúc bấy giờ - chỉ huy đàn áp, nhưng không đạt được kết quả. Thuộc Nhiêu, Mỹ Quý trở thành cái gai trước mắt giặc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:45:59 pm »


Ngày 6 tháng 1 năm 1862, tên đại úy hải quân Rieuner bất thần mang quân bao vây vùng nằm giữa Cai Lậy và Cái Bè. Trần Xuân Hòa chỉ huy nghĩa quân chống cự quyết liệt, chẳng may bị bắt. Thực dân Pháp giải ông về Mỹ Tho tra tấn hết sức dã man. Ông cắn lưỡi chết để bảo toàn khí tiết (7-1-1862). Giặc Pháp điên cuồng chém và bêu đầu ông cùng với sáu nghĩa quân giữa chợ hòng uy hiếp tinh thần nghĩa quân và nhân dân. Nhưng vô ích, chúng phải công nhận rằng "cái gương đáng khiếp sợ đã không ngăn nổi phong trào khởi nghĩa" (Đinh Xuân Lâm, Anh hùng Trương Định, Nhà xuất bản Giáo dục, 1976).

Chỉ hai ngày sau, nghĩa quân đã bao vây đồn Gia Thạnh và mang 10 chiến thuyền tấn công đồn Rạch Gầm, khiến viên trung úy Rolz de Couzalaz - chỉ huy đồn Rạch Gầm - phải chống trả đến viên đạn cuối cùng.

Liền sau đó, với tư cách là chánh quản đạo, Võ Duy Dương phân công Phó quản đạo Nguyễn Hữu Huân đến Thuộc Nhiêu để ổn định tinh thần nghĩa quân, đồng thời chiêu mộ nghĩa dũng bảo vệ căn cứ Thuộc Nhiêu.

Từ đây, dù chiến đấu dưới sự chỉ huy chung của Trương Định nhưng Võ Duy Dương đã chỉ huy nghĩa quân dưới quyền hoạt động trên một địa bàn rộng lớn có tầm quan trọng nhất định về chiến lược. Võ Duy Dương đã thống nhất lực lượng nghĩa quân trên đất Ba Giồng từ Bình Cách qua Thuộc Nhiêu, Mỹ Quý đến Cái Bè, Cái Thia. Ba Giồng thật sự là một trung tâm kháng chiến ở phía tây bắc tỉnh Định Tường kết hợp với trung tâm Tân Hòa (Gò Công) của Trương Định đã đưa quân xâm lược Pháp vào tình trạng lúng túng về chiến lược giữa tập trung và phân tán binh lực.

Võ Duy Dương và Trương Định thường xuyên hợp đồng tác chiến, liên tục tập kích tấn công địch trên một tuyến dài từ Gò Công qua Gia Thạnh đến Bình Cách, Thuộc Nhiêu, Mỹ Quý, Cai Lậy, Cái Bè. Ngày 22 tháng 1, nghĩa quân đốt phá khu vực đồn rạch Kỳ Hôn; ngày 23 tấn công đồn Rạch Gầm; đến ngày 28, tiến đánh một lúc 4 đồn: Cái Bè, Cai Lậy, Thuộc Nhiêu, Rạch Gầm và mưu toan đốt chiếc Shamriver... Càng lúc công cuộc bình định của thực dân Pháp càng trở nên khó khăn.

Từ đầu năm 1862, Võ Duy Dương đương nhiên trở thành lãnh tụ nghĩa quân cao nhất ở Ba Giồng. Có lẽ, sau gần một năm quần nhau với giặc trên địa bàn này, các vị khâm phái và Võ Duy Dương đã thấy được tầm quan trọng của vị trí Mỹ Quý đối với cả vùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:46:23 pm »


Do tầm quan trọng của vị trí Mỹ Quý nên phía nghĩa quân cố giữ cho kỳ được, còn giặc Pháp cũng quyết lấy cho được. Vào tháng 4, tức là sau khi đồn xây dựng chưa được bao lâu, bọn Pháp tập trung quân tấn công. Nghĩa quân kiên cường chống giữ trong 57 ngày đêm nhưng cuối cùng thành vỡ, Đỗ Thúc Tịnh hy sinh, Võ Duy Dương và Thủ khoa Huân rút về Bình Cách.

Sở dĩ vào thời điểm này, bọn Pháp tập trung quân cả thủy lẫn bộ, cả Pháp lẫn Tây Ban Nha do hai sĩ quan cấp trung tá một của Pháp, một của Tây Ban Nha chỉ huy đánh chiếm cho kỳ được Mỹ Quý và Thuộc Nhiêu là nhằm mục đích bảo vệ Mỹ Tho. Bởi lúc ấy tình hình của chúng rất bi đát.

"Bệnh hoạn, chết chóc bất ngờ thường xuyên đe dọa mạng sống của lính viễn chinh Pháp làm cho tinh thần chiến đấu của chúng ngày một suy sụp, nhiều lính Tagals (người Philippin), lính ngụy và cả lính Pháp đào ngũ chạy sang phía nghĩa quân, bán nhiều súng đạn cho ta" (Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Lịch sử cận đại Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục II, 1960).

Trước tình thế ngày càng bất lợi đó, quân Pháp không còn cách nào khác hơn là phải rút bớt các đồn lẻ xa căn cứ lớn để bảo toàn lực lượng:

"Ngày 1 tháng 3 năm 1862, thiếu tướng hải quân Bonard, truyền cho các đồn Gò Công, Chợ Gạo, Gia Thạnh, Cái Bè rút đi hết và rút các sĩ quan cai trị các huyện Cần Giuộc (Phước Lợi), Tân An, Tân Hòa... Cùng với việc di chuyển khỏi trung tâm này, dưới mắt dân chúng, chúng ta cũng hết luôn quyền hành và pháp luật cũng như trên thực tế” (P.Vial, Les premières années de la Cochinchine, quyển 1, Paris, 1874, trang 141).

Điều cần lưu ý là cuộc lui quân này của thực dân Pháp không hề bao hàm ý nghĩa từ bỏ cuộc xâm lược Nam Kỳ mà đây chỉ là cuộc rút lui chiến lược nhằm đối phó với tình hình khó khăn trước mắt. Các cuộc chiến tranh ở Syri, Mêhicô và Trung Quốc đã ngốn của chúng một lực lượng quân sự quan trọng, đưa nền kinh tế, tài chính Pháp vào chỗ khủng hoảng, thâm thủng nghiêm trọng.

Mặt khác, sau năm năm tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, thực dân Pháp ngày càng hiểu biết thêm một số đặc điểm về nội tình của Việt Nam: đánh nhau với quân đội của triều đình, Pháp sẽ thu thắng lợi dễ dàng nhưng đương đầu với lực lượng kháng chiến thì chúng khó lòng tiêu diệt được. Do đó, thực dân Pháp tìm cách triệt để khai thác những nhược điểm của triều đình Huế để thủ thắng trong giải pháp chính trị một khi biện pháp quân sự không đạt được kết quả. Việc thực dân Pháp cố gắng chiếm thành Vĩnh Long vào cuối tháng 3 năm 1862, sau cuộc rút chạy, là chúng cố nhằm chiếm lấy một vật bảo đảm cho giải pháp chính trị sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:46:53 pm »


Lúc bấy giờ triều đình Tự Đức đang đứng trước muôn vàn khó khăn. Giặc cướp, nông dân nổi lên khởi nghĩa có đến hàng trăm vụ; nạn đói do lụt, hạn hán, sâu bọ; đường giao thông từ Nam ra Bắc bị chiến tranh làm gián đoạn. Ở Nam Kỳ có đến bốn tỉnh thành lọt vào tay giặc. Ở Bắc Kỳ trong mấy tháng đầu năm 1862, Tạ Văn Phụng làm chúa tể gần trọn cả miền Đông Bắc (Tạ Văn Phụng tự xưng là hậu duệ nhà Lê, nguồn gốc không rõ nhưng đã được rửa tội và nuôi dưỡng ở trụ sở Giáo hội tại Pinang, năm 1854, hô hào cuộc nổi dậy ở Quảng Yên, dưới cái tên là Lê Duy Phụng).

Nội bộ triều đình lại không thống nhất về kế sách đương đầu với thực dân Pháp. Trong triều đình không có người am hiểu tình hình quốc tế nói chung, tình hình nước Pháp nói riêng. Xuất phát từ quan điểm lạc hậu về thế giới, triều đình nhà Nguyễn chỉ coi Trung Quốc là mẫu mực dưới dạng vừa là "bậc thầy" về nhiều mặt, cần tham khảo đối chiếu lại vừa là kẻ thù đáng sợ.

Nay phải đương đầu với kẻ thù hoàn toàn xa lạ, hung hãn về vũ lực; xảo quyệt, già dặn trong ngoại giao nên triều đình Tự Đức sa vào tình trạng lúng túng phải ký hòa ước Sài Gòn năm 1862 (Hòa ước Nhâm Tuất), tạm nhường ba tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp để rảnh tay đối phó với cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng nguy hiểm hơn là lẽ đương nhiên.

Hòa ước Nhâm Tuất năm 1862 đối với thực dân Pháp là một thắng lợi lớn lao vượt quá dự định của chúng. Hiệp ước gồm 12 điều khoản với nội dung chủ yếu như sau: Triều đình Huế giao cho Pháp ba tỉnh miền Đông (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) và đảo Côn Lôn; Pháp, Tây Ban Nha được tự do truyền giáo ở Việt Nam và buôn bán ở các cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên; các thương thuyền và chiến thuyền của Pháp được tự do hoạt động từ sông Cửu Long tới Campuchia; triều đình Huế phải trả chiến phí (288 vạn lạng bạc tương đương 4 triệu đô la Mỹ) cho Pháp và Tây Ban Nha; Pháp sẽ phải trả tỉnh Vĩnh Long nếu triều đình Huế chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở tỉnh Gia Định và Định Tường.

Tuy nhiên, Tự Đức không hài lòng về văn kiện mà mình phải chịu nhiều thiệt thòi này nên đã gay gắt kết tội Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp: "Hai người không chỉ tội nhân của bản triều mà còn là tội nhân của muôn đời nữa" (Phan Khoang, Việt - Pháp bang giao sử, trang 148 - 149). Vẫn rất quyết tâm lấy lại ba tỉnh đã mất bằng cách nhờ vào người mà nhà vua coi là thuyết khách giỏi nhất của mình nên Tự Đức cử Phan Thanh Giản làm tổng đốc Vĩnh Long để tiện giao thiệp với Pháp; sau đó (21-6-1863) lại cử ông cầm đầu phái đoàn sang Pháp xin chuộc lại các tỉnh đã mất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 10:47:23 pm »


Đối với lực lượng kháng chiến đang mặt đối mặt với kẻ thù thì Hòa ước Nhâm Tuất là một hàng ước, một văn tự bán nước, một hành động phản bội không thể tha thứ được. Làn sóng căm phẫn nổi dậy khắp nơi. Thực dân Pháp ở Nam Kỳ bị tấn công đều khắp như một cuộc tấn công khởi nghĩa. Chính bọn thực dân đã thừa nhận:

"Trừ Khơ Me tương đối yên và trừ ngoại ô trực tiếp Sài Gòn thì đây là cuộc tổng khởi nghĩa lan tràn khắp Nam Kỳ" (Thomazi, La Conquête de l’Indochine, Paris, 1934).

Những vị trí quân Pháp rút chạy hồi tháng 3 đã được nghĩa quân bố trí phòng thủ để đương đầu với sự trở lại của chúng.

Nhưng Hòa ước 1862 đã tạo cho quân Pháp một cơ sở pháp lý vững chắc. Để thi hành hòa ước, trước mắt Tự Đức hạ lệnh bãi binh trên ba tỉnh miền Đông, triệu Nguyễn Túc Trưng về kinh. Nguyễn Túc Trưng vâng lệnh triều đình vừa thăng chức lãnh binh cho Trương Định vừa bắt Trương Định giải tán nghĩa quân rồi đi An Giang nhận chức. Trước khi về kinh, Nguyễn Túc Trưng đã lệnh cho Võ Duy Dương tập hợp nghĩa quân về Kiến Hòa (vùng Bình Cách - Chợ Gạo) chờ cho đến khi có lệnh mới. Lực lượng kháng chiến sẽ lâm vào tình trạng khó khăn và có nguy cơ bị triều đình bỏ rơi nếu không tuân lệnh giải giáp. Lúc này, trên đất Nam Kỳ còn lại hai lực lượng nghĩa quân đối đầu với thực dân Pháp: Trương Định ở khu vực Tân Hòa (Gò Công), Võ Duy Dương trấn giữ khu vực Ba Giồng.

Thực dân Pháp xảo quyệt lợi dụng lúc dân tình và nghĩa quân trong 3 tỉnh được quyền chiếm đóng đang hoang mang dao động vì việc nhường đất, nhất là lực lượng nghĩa quân yếu hẳn đi khi binh lính triều đình đã rút lui, chúng "hối hả đem tin hòa ước được ký kết đến các nơi bị nguy cấp nhất để chấm dứt ngay cuộc chiến đấu".

Nhưng tiếng loa báo tin của chúng được đáp lại bằng tiếng súng và máy bắn đá của nghĩa quân: "Khi đến phạm vi Tân Hòa, nơi Trương Định đóng quân người ta vẫn dùng súng và máy bắn đá bắn vào những người Pháp đến báo tin đình chỉ chiến sự" (P.Vial, Les premières années de la Cochinchine, quyển 1, Paris, 1874, trang 162).

Thực dân Pháp nghĩ đơn giản là khi quân của triều đình rút lui thì lực lượng nghĩa quân sẽ nhanh chóng tan rã. Nhưng chúng đã lầm, chúng vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhân dân và quân ứng nghĩa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dân chúng khắp nơi, kể cả quan binh của triều đình không chịu rút lui, yêu cầu các thủ lĩnh nghĩa quân ở lại tiếp tục chiến đấu, họ sẵn sàng gia nhập hàng ngũ nghĩa quân và tiếp tế lương thực.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM