Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương

(1/21) > >>

chuongxedap:
Tên sách: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, chuongxedap

Ban biên soạn:
      Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY (Chủ biên)
      Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
      Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN
      Trung tá TRẦN NGỌC ĐOÀN
      Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN
      Trung úy NGUYỄN MINH THỦY

Hoàn chỉnh bản thảo:
      Trung tá TRẦN NGỌC ĐOÀN
      Đại úy NGUYỀN THÚY CÚC


LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam là một đất nước nằm ở ven biển Thái Bình Dương - cửa ngõ quan trọng của lục địa Đông Nam châu Á. Trải qua bao thế kỷ, bọn xâm lược phong kiến, thực dân và đế quốc nhòm ngó và xâm lăng nhưng dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Ngay từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải bao phen đứng lên chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, lập nên những chiến công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế với một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.

Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản "Tủ sách lịch sử Việt Nam". Tủ sách lịch sử Việt Nam gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn sách trình bày một cuộc khởi nghĩa cụ thể dưới dạng hỏi đáp ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Hy vọng Tủ sách lịch sử Việt Nam nói chung và cuốn sách Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương nói riêng sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi bạn đọc trong cuộc hành trình tìm về lịch sử nguồn cội.

Mặc dù những người biên soạn đã có nhiều cố gắng nhưng bộ sách khó tránh khỏi những sai sót và khiếm khuyết, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và đóng góp ý kiến.
NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

chuongxedap:

Câu hỏi 1: Bối cảnh xã hội nước ta dưới thời vua Tự Đức, trước khi Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858 như thế nào?
Trả lời:

Một điều không ai có thể phủ nhận là hơn nửa thế kỷ (1802-1859) trị vì, vua quan nhà Nguyễn đã để lại cho dân tộc Việt Nam một đất nước suy nhược, một chính quyền phong kiến mục ruỗng, một xã hội đầy rẫy loạn lạc, bạo động và cơ cực lầm than. Chỉ với chừng ấy thời gian mà vua quan nhà Nguyễn đã phải chứng kiến và đàn áp trên dưới 450 cuộc nổi dậy lớn nhỏ.

Dưới triều Gia Long (1802-1819) có tất cả 73 cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Thủ lãnh Trấn ở Thanh Hóa (1805), Cao Văn Dung ở Hải Dương (1805), Cả Tổng và Nguyễn Trọng Phan ở Hải Dương (1807).

Triều Minh Mạng (1820-1840), chỉ trong 20 năm trị vì, Minh Mạng phải đối phó với 234 vụ nổi dậy; lớn nhất là các cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành ở Nam Định (1821), Lý Khai Bá ở Hưng Yên (1823), Lê Duy Lương ở Ninh Bình, Lê Văn Khôi ở Gia Định (1833), Nông Văn Vân ở Tuyên Quang (1836)...

Triều Thiệu Trị (1841-1847) với 7 năm cai trị đã có 5 cuộc nổi dậy, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Đinh Tuân ở Tây Ninh (1841), Nguyễn Vi và Lâm Sum (Xâm) ở Trà Vinh (1841), Nguyễn Văn Nhàn ở Sơn Tây (1844), Nguyễn Hữu Chính ở Ninh Thái (1847).

Triều Tự Đức, chỉ kể từ lúc lên ngôi (1847) đến khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862) cũng đã có gần 100 cuộc nổi dậy, đáng kể nhất là cuộc nổi dậy của Cao Bá Quát, Lê Duy Cự và Nguyễn Văn Thịnh ở Bắc Ninh (1854-1855)...

Đó là chưa kể đến các vụ cướp phá của bọn giặc biển, những cuộc nổi dậy lẻ tẻ mà quan lại địa phương không dám báo cáo sợ triều đình khiển trách.

Hầu hết các cuộc nổi dậy đều bị đàn áp nhưng các cuộc nổi dậy đó chẳng những không ngừng làm cho chế độ phong kiến nhà Nguyễn ngày một suy yếu, đất nước ngày một điêu tàn, kinh tế ngày một sa sút mà còn phản ánh sự mất lòng dân ngày một gia tăng đối với triều đình. Triều đình không hề có chủ trương thay đổi chính sách mà chỉ biết tập trung vũ lực để trấn áp.

Xây dựng theo chế độ phong kiến quan liêu, bảo thủ, lạc hậu, rập khuôn từ khuôn mẫu của Trung Quốc, xã hội Việt Nam dưới triều các vua Nguyễn là một xã hội phong kiến điển hình ở châu Á với các đặc trưng mà trong đó mức độ lầm than cơ cực trong đời sống của tầng lớp bị trị là nét nổi bật nhất.

chuongxedap:

Vua quan nhà Nguyễn bám chặt vào ý thức hệ phong kiến, dùng nó làm vũ khí bảo vệ địa vị xã hội của mình, đã khước từ, bác bỏ mọi đề án cải cách. Thái độ này đã kìm hãm sức vươn lên của dân tộc, dìm đất nước vào vòng nghèo nàn, lạc hậu.

Kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, tầng lớp nhân dân đại đa số là nông dân nhưng ruộng đất lại tập trung vào tay quan lại, địa chủ. Mặc dù người nông dân đầu tắt mặt tối trên mảnh ruộng thuê nhưng vẫn không đủ cái ăn, cái mặc. Nào sưu, nào thuế, nào phu phen, tạp dịch... nào hạn hán, lụt lội, người nông dân không thể sống nổi, phải bỏ làng mạc phiêu tán xứ khác kiếm ăn.

"Dân tình buồn bực
Nửa sợ nửa lo.
Vay mượn nhà giàu không cho.
Cầm tiền mua thì không bán (...).
Vợ con thôi nheo nhóc.
Chồng lại phải phu phen.
Muốn vạch cả trời lên
Kêu gào cho hả dạ.
Cơm thời nỏ (không) có.
Rau cháo cũng không (...)
Còn bộ xương sống
Vơ vất đi ăn mày.
Rồi xó chợ lùm cây.
Quạ kêu vang bốn phía.
Xác đầy nghĩa địa
Thây thối bên cầu.
Trời ảm đạm u sầu
Cảnh hoang tàn đói rét
Dân nghèo cùng kiệt
Kẻ lưu lạc tha phương
Người chết chợ chết đường.
Trừ bọn lòng lang dạ thú không thương
Ai ai thấy nỏ đau lòng xót dạ
Sẵn bút đây ta tả
Để ghi lại vài câu.
Cho ngàn vạn năm sau.
Biết cảnh tình cơ cực
Là cái đời Tự Đức
(Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao, Hát dặm Nghệ Tĩnh, tập 2).

chuongxedap:

Người nông dân là thế. Còn người lính thì lương cũng không đủ ăn, thợ mỏ giỏi nhất cũng chỉ có 3 quan tiền và một phương gạo mỗi tháng. Trong khi đó, "mỗi vua đều có hàng trăm bà vợ, chia làm 9 bậc: bậc nhứt mỗi năm được hưởng 1.000 quan tiền, 300 phương gạo, 60 tấm lụa, 48 bộ quần áo; bậc thấp nhất cũng có 180 quan tiền, 286 phương gạo, 12 tấm lụa. Hoàng thái hậu lương mỗi năm 10.000 quan, 300 phương gạo, 60 tấm lụa, gặp thượng thọ thì tiến cung thêm 5 vạn, thượng thọ vua thì tiến cung thêm 2 vạn. Lương thái tử 1.000 quan, 360 phương gạo, hoàng tử 500 quan, 360 phương gạo, công chúa 360 quan, 360 phương gạo. Tất cả những người trong tôn nhân phủ đều hưởng lương cao. Thỉnh thoảng lại có thưởng riêng" (Đại Nam thực lục chính biên).

Khi đang tại vị, ông vua nào cũng chỉ chăm chăm lo xây cái "hậu sự" cho mình thật nguy nga đồ sộ gọi là "nền nhà muôn thuở" (vạn niên cơ) hao tổn không biết bao nhiêu sức người sức của, gây nên bao nhiêu khổ cực cho trăm họ.

Tự Đức lên ngôi vua năm 1847, thừa hưởng cái "di sản" mục ruỗng do hậu quả của chính sách cai trị của các triều đại trước. Vua quan nhà Nguyễn tìm mọi cách củng cố quyền lực của mình dựa trên nhãn quan về thế giới và đường lối tổ chức chính trị theo kiểu Trung Quốc. Trung Quốc vừa được xem như là một kẻ thù chính nhưng chế độ xã hội Trung Quốc lại được coi là mẫu mực cần tham khảo, đối chiếu. Chính chế độ này với hệ thống tư tưởng, học thuật, quan chế, pháp luật... lỗi thời, lạc hậu đã gặm nhấm tiềm năng, sức sống dân tộc Việt Nam. Mặt khác, chính bản thân Tự Đức cũng góp phần thúc đẩy sự khủng hoảng của triều đại nhà Nguyễn ngày càng trầm trọng hơn không gì cứu vãn được. Ý thức được tình hình bi đát của triều đại mình, Tự Đức đã nhiều lần xuống chiếu "tìm người hiền và cầu lời nói thẳng" nhưng thực tế nhiều đề án cải cách, canh tân đều bị vua quan nhà Nguyễn xếp vào ngăn kéo.

Oằn vai vì "gánh nặng di sản", vua Tự Đức thường lúng túng trong việc đối phó với nhiều vấn đề, trong đó, kinh tế là vấn đề nổi cộm. Nguồn tài chính của triều đình chủ yếu chỉ dựa vào thuế thân và thuế ruộng đất, còn tiểu thủ công và ngoại thương thì không đáng kể. Giao thương với các nước phương Tây thì e ngại vô tình tạo điều kiện cho sự xâm nhập của đạo Gia tô. Có thời kỳ Nam Kỳ bán một số lúa gạo cho Philippin, Malaixia, Campuchia thì nặng về chính trị hơn là thương mại. Chính sách bế quan tỏa cảng cũng góp phần không nhỏ trong việc kìm hãm sự phát triển của các nghề tiểu thủ công. Chính sách "bế quan tỏa cảng" và chính sách "trọng nông ức thương" của triều đình nhà Nguyễn đã làm sức dân ngày một hao mòn, cùng kiệt. Ngay khi Tự Đức lên ngôi, Trương Quốc Dụng đã tâu: "Tài lực của nhân dân không bằng năm, sáu phần mười năm trước". Và mười ba năm sau khi bắt đầu chống lại quân xâm lược Pháp, Nguyễn Tri Phương đã phải than rằng: "Quân và dân ta của đã hết, sức đã yếu".

chuongxedap:

Rõ ràng là do cố duy trì một cơ chế xã hội đã lỗi thời kìm hãm sức sống của dân tộc trong nghèo nàn lạc hậu, thêm vào đó là thiên tai, là sự xa hoa của triều đình, người dân chỉ còn mỗi con đường là đứng lên chống đối; đất nước vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn, triều đình không còn hơi sức chống đỡ khi bị ngoại xâm, nên việc triều đình Tự Đức tỏ ra lúng túng đối phó với thực dân Pháp khi chúng tấn công xâm chiếm Nam Kỳ là lẽ đương nhiên.

Trong quá trình thực hiện chủ trương bành trướng thuộc địa để thỏa mãn yêu cầu phát triển chủ nghĩa tư bản, thực dân Pháp đã chú ý đến vùng Đông Nam Á mà trong đó Việt Nam là một mục tiêu không thể bỏ qua được.

Qua một số cố đạo trong hội truyền giáo hải ngoại, thực dân Pháp ngày càng tập trung nhiều lượng thông tin về Việt Nam làm cơ sở cho họ đi đến quyết định xâm lược nước ta. Hơn thế nữa, một vài cố đạo như Pellerin, Retord và nhất là Legrand de la Liraye (cố Trường) chẳng những cố thuyết phục Pháp hoàng dùng võ lực để thiết lập một vùng nhượng địa ở Việt Nam mà còn trực tiếp can thiệp vào nội tình nước ta bằng cách tài trợ, xúi giục một vài phần tử phản động, phiêu lưu nổi dậy chống lại triều đình.

Trước khi cho quân đi đánh phá Đà Nẵng vào năm 1858, nước Pháp đã là một đế quốc hùng mạnh có nhiều thuộc địa rải rác ở nhiều nơi: ở châu Mỹ có Martinique, Dominique..., ở châu Phi có Senegal, Saint Louis, Tahiti, Algérie..., còn ở châu Á thì chỉ mới lấy được một số thành phố hải cảng và Caledonie.

Sau khi lấy Caledonie vào năm 1853, Pháp thực sự tiến hành cuộc xâm chiếm Việt Nam.

Chính thực trạng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đã góp phần lý giải nguyên nhân tạo điều kiện cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đồng thời cho thấy sức đề kháng của nhân dân ta và lý do thất bại của sự đề kháng đó trước bão táp của chủ nghĩa tư bản Pháp.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page