Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:29:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!  (Đọc 26227 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 11:10:02 pm »


Phần ba

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU, NGUYÊN NHÂN VÀ TRUYỀN THỐNG  ĐẢO SINH TỒN ĐÔNG

        I. THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

        Trải qua hơn 29 năm kể từ ngày đóng giữ bảo vệ đảo 15 tháng 3 năm 1978, bộ đội Sinh Tồn Đông không ngừng .trưởng thành, xây dựng và phòng thủ đảo ngày càng vững chắc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những thành tích đó thể hiện khái quát trên một số mặt sau đây:

        Một là, 29 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ của quân đội, Quân chủng, của Vùng, Lữ đoàn và đơn vị được thường xuyên giáo dục truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng; trung thành vô hạn với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, lập trường kiên định vững vàng trước mọi hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, phức tạp, luôn luôn nhận thức đúng kẻ thù, xác định rõ đối tượng, đối tác, chấp nhận chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên trì cảnh giác, trên dưới một lòng đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau gắn bó với đảo, với đơn vị, giữ vững ý chí, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ bằng được chủ quyền đảo và phạm vi được phân công; tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường văn hoá, phong trào xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan".

        Hai là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tập trung xây dựng chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên và Hội đồng quân nhân vững mạnh, trong đó lấy xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh làm nòng cốt, xây dựng đội ngũ cán bộ làm khâu then chốt để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Chi bộ thường xuyên được công nhận là tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. Tổ chức Đoàn thanh niên luôn đạt "vững mạnh”, phần lớn là đoàn viên xuất sắc, Hội đồng quân nhân hoạt động hiệu quả, phát huy tốt chức năng nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông chấp hành nghiêm các quy định quan hệ quân dân, thực sự là chỗ dựa tin cậy của ngư dân đánh bắt cá xa bờ; thực hiện đúng đắn các đối sách trên biển, trên không, bảo đảm an ninh, an toàn cho đảo, cho đơn vị.

        Ba là, đảo duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị; quan sát nắm chắc tình hình trên biển, trên không; xử lý đúng đối sách, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống; luyện tập thành thục các phương án chiến đấu và thực hành thường xuyên các cấp báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ. Đảo thường xuyên tu sửa hầm hào, công sự dã chiến, đã đào hàng trăm mét hào giao thông, xây dựng, củng cố hàng trăm mét đường cơ động, đào hàng trăm công sự, hố chiến đấu cá nhân; vận chuyển hàng nghìn tấn nguyên vật liệu xây dựng công trình, khai thác hàng trăm khối đá san hô kè chống xói lở, đóng hàng ngàn bao cát chống nóng cho hầu hết công sự.

        Trong huấn luyện chiến đấu, tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng phương châm phương hướng, đúng, đủ nội dung, thời gian, từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện; tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện ban đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp luôn bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có trình độ thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách của mình và đủ khả năng kiêm nhiệm ở các vị trí khác khi cần thiết, biết sử dụng nhiều loại vũ khí; luôn bảo đảm cho đảo đủ sức phòng ngự, đánh thắng địch từ xa tới gần, bảo đảm được lực lượng, đủ khả năng đánh liên tục, dài ngày, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua "luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao", kết quả huấn luyện luôn luôn giữ vững 100% đạt yêu cầu, có gần 75% khá, giỏi. Đảo thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của các cấp trên và rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong quân đội, Quân chủng và không ngừng tiến bộ về nền nếp, lễ tiết, tác phong trên các mặt công tác của đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ sống đoàn kết, thân ái và kỷ luật.

        Bốn là, công tác kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Duy trì có nền nếp các chế độ bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật trong ngày, trong tuần. Công tác quản lý sử dụng, cung ứng vật tư ngày càng chặt chẽ; thiết bị bảo quản, cất giữ vũ khí, trang bị từng bước được nâng cấp, hạn chế thấp nhất tác hại do môi trường. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ngày càng được kiện toàn, nâng cao về mọi mặt chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm đáp ứng hiệu quả yêu cầu công tác kỹ thuật. Hàng năm, hệ số kỹ thuật vũ khí, trang bị thường xuyên đạt 0,9, đảm bảo tốt cho các nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đảo...

        Công tác hậu cần, đã duy trì tốt vật chất hậu cần bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên và lượng dự trữ trong các tình huống dự kiến. Đời sống của bộ đội không ngừng được cải thiện về mọi mặt như cả về ăn, mặc, ở và chăm sóc sức khoẻ; đã phát huy hiệu quả phương thức bảo đảm trên, dưới cùng tiến hành, cùng lo. Phong trào tăng gia, sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây xanh trên đảo ngày càng phát huy hiệu quả và thiết thực luôn đạt các chỉ tiêu đề ra, đảm bảo được khoảng 6,5kg rau xanh/người/tháng. Công tác quân y theo dõi, kiểm tra chặt chẽ tình hình sức khoẻ của bộ đội, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, quân số khoẻ đạt từ 98% trở lên. Các công trình phục vụ cho sinh hoạt như nhà ở, bể nước, mạng lưới điện, hệ thống loa truyền thanh, thiết bị vô tuyến được đầu tư xây dựng nâng cấp, ngày càng bảo đảm đầy đủ hơn, tốt hơn cho đời sống của bộ đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 11:11:00 pm »


        II. NGUYÊN NHÂN

        Đảo Sinh Tồn Đông đạt được những thành tích nêu trên do nhiều nguyên nhân tập trung vào một số điểm sau đây.

        1. Trước hết bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn sáng tạo kịp thời của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Hải quân, Đảng ủy - chỉ huy Vùng 4 mà thường xuyên, trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146. Thông qua các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị nhiệm vụ phù hợp với điều kiện đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo của từng thời kỳ. Quan tâm đầu tư đồng bộ bảo đảm cho quá trình xây dựng phòng thủ đảo ngày càng hiệu quả, thiết thực và vững chắc.

        2. Chi bộ đảo luôn quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường; tinh thần cách mạng tiến công, tích cực chủ động lãnh đạo các mặt công tác trọng tâm của từng thời kỳ, tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, chi đoàn thanh niên và Hội đồng quân nhân vững mạnh làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng mối đoàn kết thống nhất từ trên xuống, giữa cấp trên và cấp dưới, đảng viên với quần chúng, cán bộ với chiến sĩ, cùng đồng cam cộng khổ quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

        3. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp của đảo đã nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh khắc phục mọi khó khăn vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí, trang bị, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện.

        4. Đảo luôn luôn nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả của các ngành, các đơn vị, các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhân dân các địa phương trong cả nước. Đặc biệt từ năm 1988 đến nay, sự giúp đỡ càng có tác dụng hỗ trợ quan trọng cả vật chất và tinh thần góp phần giảm bớt những khó khăn của đảo, cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

        III. TRUYỀN THỐNG

        Trải qua 29 năm, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông đã lập nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ chủ quyền đảo, xây dựng nên truyền thống rất vẻ vang:

        “Đoàn kết, chủ động
        Khắc phục khó khăn
        Kiên trì cảnh giác
        Giữ vững chủ quyền”

        Truyền thống đó là sự kế thừa truyền thống của Quân chủng, của Vùng 4 và của Lữ đoàn 146 Hải quân Anh hùng. Nó kết tinh những giá trị trong quá khứ, hiện tại và định hướng phát triển tương lai, đồng thời thể hiện được tính đặc thù của nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách.

        Truyền thống đó là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, những người đã để lại nơi đây những năm tháng oanh liệt, đầy kỷ niệm không thể nào quên. Nó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đảo ngày hôm nay và mai sau không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và nhân dân.

        1. Đoàn kết, chủ động là truyền thống tiêu biểu được hình thành và xuyên suốt trong quá trình hơn 29 năm xây dựng và bảo vệ đảo của bộ đội Sinh Tồn Đông.

        Đứng chân ở đảo cách xa bờ hàng trăm hải lý, không có nguồn nước ngọt; thiếu thực phẩm rau xanh, khí hậu thời tiết khắc nghiệt; nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo nặng nề, căng thẳng là những thách thức lớn đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn Đông. Trước khó khăn, gian khổ, ngay từ ngày đầu tiên, cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, siết chặt đội ngũ, đoàn kết xung quanh tổ đảng, chi bộ, kiên cường bám đảo, xây dựng củng cố đơn vị. Chi bộ luôn là trung tâm đoàn kết, phát huy hiệu quả trí tuệ tập thể, chủ động lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trong các thời kỳ.

        Thực hiện đoàn kết rộng rãi các mối quan hệ trong nội bộ đảo với các đảo bạn, các đơn vị xây dựng đảo; với nhân dân sản xuất kinh tế trên biển trên cơ sở vì nhiệm vụ chung, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội, truyền thống đồng cam cộng khổ, sướng vui có nhau, gian nan vất vả cùng chia sẻ để xây dựng đơn vị thành một khối thống nhất, vững mạnh về ý chí và hành động, không ngừng nâng cao sức mạnh phòng thủ đảo và khu vực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 11:11:21 pm »


        2. Khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh là một phẩm chất của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông trở thành truyền thống vẻ vang mang tính đặc thù của các đơn vị trên quần đảo Trường Sa. Có thể nói, sự gian khổ, hy sinh của bộ đội Sinh Tồn Đông khác với sự gian khổ, hy sinh của các lực lượng vũ trang ở mọi miền biên giới, hải đảo trên đất nước ta. Đó là cuộc sống cách biệt với xã hội, với gia đình, kham khổ, thiếu thốn mọi bề, một cuộc sống thường xuyên đối mặt với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu căng thẳng. Đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo biết vượt qua mọi gian nan, hy sinh, mọi nhu cầu riêng tư để giữ vững ý chí chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là đặc điểm bao trùm thể hiện ý chí quyết tâm và trách nhiệm lớn của cán bộ, chiến sĩ đảo đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

        Trong công tác bảo đảm hậu cần, với trí tuệ năng động sáng tạo, bộ đội Sinh Tồn Đông đã có nhiều cố gắng tạo dựng nguồn hậu cần tại chỗ, tổ chức ăn ở phù hợp với thực tế, cùng với sự chi viện, giúp đỡ bảo đảm của trên, đời sống của đảo từng bước giảm bớt được những khó khăn, xây dựng môi trường đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp.

        Trong công tác kỹ thuật, cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn Đông đề cao tinh thần trách nhiệm trong học tập vươn lên quản lý sử dụng tốt vũ khí trang bị, nâng cao trình độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa kỹ thuật, giữ gìn vũ khí trang bị, hạn chế tối đa sự xuống cấp do tác động xấu của môi trường, bảo đảm hệ số kỹ thuật đáp ứng cho các yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

        Trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảo luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới phương pháp huấn luyện, chủ động, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có trên đảo; tích cực tu sửa hầm, hào, công sự, xây dựng kè chống xói lở đảo; vượt lên những cản trở, khó khăn về điều kiện ăn, ở, thiên tai bão, gió, giữ vững nền nếp sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo tuyệt đồi an toàn trong mọi tình huống.

        Khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh của bộ đội Sinh Tồn Đông bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc, lòng trung thành vô hạn với Đảng và nhân dân; từ sự giác ngộ lý tưởng cách mạng sâu sắc, từ ý chí vì độc lập tự do, vì sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mọi cán bộ, chiến sĩ luôn đặt lợi ích của tập thể, của đơn vị lên trên lợi ích cá nhân, sự nhường cơm, sẻ áo vì đồng chí, đồng đội, vì nhiệm vụ chung cao cả.

        Ngày nay, truyền thống khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh tiếp tục được phát huy trong hoàn cảnh mới, là sức mạnh tinh thần to lớn góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        3. Kiên trì cảnh giác là truyền thống vẻ vang mang tính đặc thù của bộ đội quần đảo Trường Sa nói chung và của đảo Sinh Tồn Đông nói riêng.

        Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa sự lãnh đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, xa các đảo bạn trong khu vực biển phức tạp, luôn có sự hoạt động thường xuyên của các loại phương tiện nước ngoài và luôn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp xâm chiếm của nước ngoài, song cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đảo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có lập trường bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận rõ các âm mưu, thủ đoạn xâm chiếm, lấn chiếm; các mánh khóe khiêu khích, dụ dỗ mua chuộc, kiên trì thực hiện đúng đắn các đối sách, xây dựng đảo an toàn về mọi mặt. 29 năm, qua các thời kỳ lúc khó khăn gian khổ, lúc tranh chấp chủ quyền căng thẳng, quyết liệt, cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn Đông luôn thể hiện lòng kiên trì, cảnh giác cao độ, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu phá hoại, lấn chiếm từ bên ngoài, giữ vững toàn vẹn chủ quyền đảo.

        4. Giữ vững chủ quyền là truyền thống vẻ vang, xuyên suốt 29 năm qua của bộ đội đảo Sinh Tồn Đông. Nó là kết quả của sự đoàn kết, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên trì cảnh giác vượt qua mọi thử thách để xây dựng và bảo vệ vững chắc đảo của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.

        Truyền thống giữ vững chủ quyền thể hiện sự quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm số 1 là bảo vệ bằng được chủ quyền đảo trong mọi tình huống; luôn luôn nắm chắc tư tưởng chỉ đạo xây dựng, tổ chức lực lượng phòng thủ đảo, thực hiện nghiêm chỉnh các đối sách trên không, trên biển, giữ vững môi trường hoà bình không để xảy ra xung đột, duy trì chặt chẽ chế độ sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện toàn diện, lấy xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh làm cơ sở, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nòng cốt để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện là động lực để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 11:11:48 pm »


        KẾT LUẬN

        Sinh Tồn Đông là một đảo cát san hô nhỏ của quần đảo Trường Sa ở khu vực luôn có những diễn biến căng thẳng, phức tạp. Trải qua 29 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146, được sự đầu tư của Nhà nước; sự giúp đỡ, chi viện của các ngành, các cấp, các đoàn thể và nhân dân các địa phương; sự lao động, đoàn kết phấn đấu học tập, rèn luyện, hy sinh quên mình của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảo Sinh Tồn Đông ngày càng được xây dựng vững chắc; khả năng phòng thủ, sức chiến đấu ngày càng tăng cường. Bộ đội Sinh Tồn Đông đã lập nhiều thành tích xây dựng, bảo vệ đảo, góp phần cùng Lữ đoàn và Quân chủng bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa và xây dựng nên truyền thống của đơn vị hết sức vẻ vang.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Sinh Tồn Đông cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1- Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị; âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và những thế lực thù địch. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc và tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2- Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu và hành động xâm lấn, phá hoại của kẻ thù. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3- Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng thay thế cho nhau khi cần thiết. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, có đời sống nội tâm phong phú, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng Anh hùng.

        4- Không ngửng củng cố, nâng cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5- Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng đảng bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6- Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 11:16:27 pm »

       

Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề

ĐẢO SINH TỒN XÂY DỰNG CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH 1975-2007



LỜI NÓI ĐẦU
       
        Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này.

        Từ tháng 4 năm 1975 đến nay hơn ba mươi năm, Hải quân nhân dân Việt Narn vượt qua biết bao khó khăn, dũng cảm ngoan cường đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền 9 đảo nổi và 12 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.

        Đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền (Cam Ranh) gần 320 hải lý. Ngày 28 tháng 4 năm 1975, bộ đội ta giải phóng, đóng giữ đảo Sinh Tồn. Hơn 31 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 Hải quân, trực tiếp là Đảng ủy và chỉ huy Lữ đoàn 146, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, bền bỉ khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ hy sinh, xây dựng đơn vị lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với những thành tích đạt được trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đảo Sinh Tồn cùng nhiều tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công; Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng cờ, bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân, Cục Chính trị phối hợp với Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân tổ chức biên soạn cuốn sách:”Đảo Sinh Tồn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1975-2007)" nhằm tuyên truyền, giáo dục cho quân, dân huyện đảo Trường Sa nói chung, đảo Sinh Tồn nói riêng về lòng yêu nước, ý chí kiên cường xây dựng, bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam của các thế hệ cha, anh, qua đó nâng cao niềm tự hào truyền thống của dân tộc, của đơn vị, không những phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

        Mặc dù Ban Biên soạn đã có nhiều cố gắng, song do hạn chế về tài liệu lưu trữ, thời gian và khả năng thể hiện, nên cuốn sách không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định, rất mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.

        Cục Chính trị Hải quân xin chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã quan tâm giúp đỡ về mọi mặt, tạo điều kiện để cuốn sách được biên soạn, xuất bản và phát hành đúng theo kế hoạch.

        Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN       

        NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

        CHỦ TỊCH NƯỚC TẶNG THƯỞNG

                + Huân chương Chiến công hạng Nhì, năm 1980.

                + Lẵng hoa Bác Tôn, năm 1980.

                + Huân chương Chiến công hạng Ba, năm 1988.

        THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẶNG

                + Bằng khen, năm 2004 về thành tích đơn vị nhiều năm liền vững mạnh toàn diện.

        TƯ LỆNH HẢI QUÂN TẶNG

                Danh hiệu "Đơn vị quyết thắng" các năm 1976; 1977; 1980; 1981; 1986; 2000; 2001; 2004 và 2005.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 11:24:54 pm »

       
Phần một

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA


Phần hai

QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO SINH TỒN (1975 - 2007)

        I. TIỂU ĐOÀN ĐẢO SINH TỒN VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN THỬ THÁCH XÂY DỰNG Ý CHÍ QUYẾT TÂM VỮNG CHẮC, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ PHÒNG THỦ BẢO VỆ ĐẢO GIAI ĐOẠN 1975 - 1987

        1. Vài nét về điều kiện tự nhiên của đảo Sinh Tồn

        Đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 15 hải lý về phía Tây; toạ độ gần đúng là 9°52'26" vĩ độ Bắc 114°19'10" kinh độ Đông. Đảo chạy dài theo hướng Đông - Tây và nằm trên một nền san hô ngập nước đường kính khoảng gần 2km. Rìa ngoài của nền san hô ngập nước cách bờ đảo từ 300 đến 600 mét. Đảo có chiều dài và chiều rộng ngang nhau, mỗi chiều khoảng 100 mét. Xung quanh đảo có bờ cát rộng từ 5 đến 10 mét; phía hai đầu đảo theo hướng Đông – Tây có hai doi cát. Doi cát phía Đông dài hơn doi cát phía Tây và có kích thước khoảng 140m x 45m, cả hai doi cát này thường di chuyển theo mùa sóng gió. Đất trên đảo là cát san hô nên hầu như không trồng được cây ăn quả, rau xanh, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng vuông, cây bão táp, cỏ dại..., đất qua cải tạo có thể trồng được rau xanh. Đảo không có nước ngọt.

        2. Xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến dấu phòng thủ bảo vệ đảo

        Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, các đảo Trường Sa, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa do hải quân ngụy Sài Gòn đóng giữ, phòng thủ bảo vệ. Sở chỉ huy địch đặt tại đảo Nam Yết Lực lượng đóng trên đảo Sinh Tồn có khoảng 20 tên là lính bảo an của tỉnh Phước Tuy (miền Nam cũ), vũ khí chủ yếu là súng bộ binh và bố trí công sự dã chiến. Ngoài lực lượng đồn trú trên các đảo, hải quân ngụy thường xuyên có từ 1 đến 2 tàu chiến làm nhiệm vụ tiếp tế và sẵn sàng chiến đấu chi viện đảo. Chu kỳ cứ 3 tháng địch lại tổ chức thay quân trên các đảo.

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, lực lượng đặc công, vận tải Hải quân, có sự tham gia của một bộ phận lực lượng bộ đội Quân khu 5 đã đổ bộ đánh chiếm giải phóng các đảo Song Tử Tây (ngày 14-4-1975), đảo Sơn Ca ngày 26 tháng 4, đảo Nam Yết ngày 27 tháng 4, đảo Sinh Tồn ngày 28 tháng 4 và đảo Trường Sa ngày 29 tháng 4.

        Ngày 28 tháng 4 năm 1975 được xác định là ngày truyền thống của bộ đội đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa.

        Ngay sau khi giải phóng 5 đảo trên quần đảo Trường Sa, Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 2 của Quân khu 5 được giao nhiệm vụ chốt giữ và bảo vệ các đảo này và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 4 chuyển về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.

        Lực lượng của Tiểu đoàn 4 chốt giữ, bảo vệ đảo Sinh Tồn, gồm 2 trung đội bộ binh và bộ phận thông tin, quân số gần 100 người.

        Sau ngày đất nước thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ vùng biển. đảo và thềm lục địa rộng lớn từ Móng Cái đến Hà Tiên của Quân chủng Hải quân trở nên hết sức nặng nề, đòi hỏi phải xây dựng và phát triển rất lớn các thành phần lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu hải quân. Trong đó, quần đảo Trường Sa là một trong những trọng điểm cần tăng cường tổ chức các lực lượng bảo vệ và xây dựng các công trình phòng thủ. Đáp ứng yêu cầu đó, tháng 5 năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu điều Trung đoàn 46, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Tiểu đoàn 4 được biên chế vào lực lượng của Trung đoàn 46. Tiếp sau đó, ngày 5 tháng 9 năm 1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 làm nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa và sẵn sàng cơ động chiến đấu bảo vệ vùng biển. Lực lượng Lữ đoàn 126 được biên chế từ lực lượng của 2 Trung đoàn 46 và 126 Đặc công Hải quân. Ngày 23 tháng 3 năm 19 76, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục ra quyết định điều động Trung đoàn Công binh 83 thuộc Quân khu 5 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân làm nhiệm vụ xây dựng các công trình chiến đấu phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 11:26:13 pm »


        Về tổ chức lực lượng phòng thủ bảo vệ các đảo trên quần đảo Trường Sa, tháng 11 năm 1975, Đoàn cán bộ Quân chủng và Lữ đoàn 126 do đồng chí Đại tá Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu và nghiên cứu tổ chức biên chế các lực lượng phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Trên cơ sở khảo sát nghiên cứu thực tế tình hình các đảo, Quân chủng xác định biên chế tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa là cấp đại đội tăng cường, còn các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn biên chế tổ chức lực lượng cấp đại đội thiếu.

        Thời kỳ đầu tiếp quản, chốt giữ bảo vệ đảo Sinh Tồn, hầu hết cán bộ, chiến sĩ là những cựu binh đã trải qua chiến đấu trên các chiến trường đất liền Quân khu 5 ác liệt, có bản lĩnh chiến đấu vững vàng và dày dạn kinh nghiệm. Chuyển sang làm nhiệm vụ mới sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo xa bờ, bảo vệ chủ quyền của đất nước trong một không gian, môi trường hoạt động cách biệt với đất liền, với xã hội, điều kiện sống gặp muôn vàn trở ngại, không có rau xanh, thiếu nước ngọt, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đời sống văn hoá, tinh thần gần như không có gì, họ không khỏi ngỡ ngàng. Mặc dù mới lạ và đầy khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn 4, chi bộ, chỉ huy đảo Sinh Tồn đã nêu cao ý chí tìm mọi biện pháp, quyết tâm lãnh đạo đơn vị khắc phục giảm bớt đi những thiếu thốn để đảm bảo đời sống, duy trì các hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ bằng được chủ quyền đảo, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mới giành lại được sau 30 năm chiến đấu hy sinh, gian khổ.

        Đại đội Sinh Tồn khẩn trương bắt tay vào thu dọn chiến trường, sắp xếp nơi ăn, chốn ở, nghiên cứu địa hình trên đảo, xây dựng các phương án tác chiến phòng thủ đảo; tổ chức tu sửa củng cố các công sự cũ, xây dựng thêm các công sự trận địa mới, các chòi canh gác, trạm quan sát và triển khai lực lượng canh gác tuần tra ngày đêm đảm bảo cho việc kịp thời phát hiện, đánh trả ngăn chặn mọi hành động xâm nhập đảo của bọn phản động trong nước và gián điệp biệt kích nước ngoài.

        Năm 1975-1976, đảo Sinh Tồn tập trung vào công tác quan trọng hàng đầu là tuần tra, canh gác, quan sát ngày đêm 24/24 giờ, thực hiện chế độ sẵn sàng chiến đấu, trực ban, trực chỉ huy, giữ vững thông tin liên lạc với các đảo, với Sở chỉ huy Lữ đoàn và Quân chủng. Chỉ huy đảo dự kiến các tình huống địch đổ bộ tấn công đảo, nghiên cứu cách đánh phòng thủ cả ban ngày và ban đêm, trên cơ sở đó xây dựng nội dung huấn luyện theo các phương án tác chiến của đơn vị. Thời kỳ này công tác bảo quản vũ khí trang bị, phòng chống cháy nổ được đại đội hết sức chú trọng, duy trì tốt tình trạng kỹ thuật, vũ khí trang bị đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

        Công tác bảo đảm hậu cần là vấn đề lớn và cũng là vấn đề khó khăn thường nhật của bộ đội Sinh Tồn. Các nguồn thực phẩm, lương thực và nước ngọt đều do đất liền cung cấp. Khó khăn lớn nhất là thiếu nước ngọt, rau xanh và lượng nước ngọt cung cấp cho ăn uống sinh hoạt và dự trữ cho đảo chủ yếu trông chờ vào nguồn nước trong bờ cung cấp do các tàu vận tải chở ra, chứa trong các tác sắt có thể tích vài chục khối, nên chỉ đáp ứng cho nhu cầu ăn, uống của đơn vị là chính. Vào mùa mưa thì còn tranh thủ hứng được nước mưa nhưng sang mùa khô thì rất thiếu. Để đảm bảo nước hàng ngày phục vụ cho đời sống của bộ đội, đại đội đề ra các quy định rất chặt chẽ định mức sử dụng nước hàng ngày của mỗi cán bộ, chiến sĩ và ở các bộ phận. Về rau xanh, đơn vị nỗ lực cải tạo đất, thu gom nguồn phân chim, rác trên đảo làm thành các khu vườn cây trồng bí song cũng chi cải thiện được chút ít về nhu cầu rau ăn hàng ngày của bộ đội. Đảo tích cực tổ chức đánh bắt hải sản, đây là nguồn thực phẩm tươi rất quan trọng nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội. Ngoài việc tích cực các biện pháp tăng gia, khai thác hải sản tại chỗ, bộ đội đảo Sinh Tồn còn được sự chi viện giúp đỡ của các đảo bạn. Thời gian này, đảo Trường Sa có nguồn trứng chim tự nhiên dồi dào và trồng được rau xanh thu hoạch khá hơn các đảo khác, nên mỗi lần có tàu vận tải ra công tác ngoài đảo, anh em đảo Trường Sa lại gửi trứng chim, rau xanh, còn đảo Nam Yết thì gửi hạt giống rau bí cho đảo Sinh Tồn trong tình cảm thương yêu đồng chí, đồng đội đồng cam cộng khổ hết sức cảm động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 11:26:49 pm »


        Về mặc, do khí hậu nóng ẩm, hơi sương muối có độ mặn cao nên quần áo của bộ đội rất mau mục, rách. Để có đủ quần áo công tác, anh em ở đảo khắc phục tự tìm cách khâu, vá tay. Cuối năm 1975, đoàn cán bộ của Quân chủng và Lữ đoàn 126 ra kiểm tra tình hình thực tế của đảo. Đoàn rất xúc động, cảm phục và đánh giá cao ý chí khắc phục khó khăn, chịu đứng gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội đảo Sinh Tồn. Trưởng đoàn Quân chủng đã biểu dương và động viên bộ đội đảo Sinh Tồn tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo khắc phục khó khăn, bảo đảm đời sống; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược của Quân chủng giao cho.

        Từ năm 1976, Quân chủng bắt đầu triển khai các kế hoạch xây dựng, phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa với tinh thần quyết tâm là: “Khẩn trương tập trung tăng cường khả năng phòng thủ cho các đảo về mọi mặt và huy động lực lượng trong Quân chủng với các lực lượng thác tích cực chi viện cho đảo đảm bảo sẵn sàng chiến đấu cao, không bị địch đánh bất ngờ".

        Thực hiện quyết tâm trên, Quân chủng nhanh chóng trang bị cho đảo pháo mặt đất, pháo phòng không và các loại hoả khí bộ binh bắn thẳng để tăng cường hoả lực chống địch đổ bộ đường biển, tập kích đường không vào đảo.

        Tháng 4 năm 1976, Quân chủng tổ chức diễn tập thực binh đổ bộ chi viện bảo vệ quần đảo Trường Sa để trên cơ sở thực tế đó tiếp tục hoàn chỉnh một bước xây dựng phương án phòng thủ và chi viện bảo vệ đảo. Cũng tháng 4 năm 1976, Bộ Tổng Tham mưu phê chuẩn “Kế hoạch Z76" xây dựng các công trình chiến đấu phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Kế hoạch này được giao cho Trung đoàn Công binh 83 thi công ngay từ năm 1976.

        Tháng 5 năm 1976, đoàn cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu do Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình phòng thủ quần đảo Trường Sa và khảo sát một số đảo ta chưa tổ chức chốt đóng để xây dựng kế hoạch bảo vệ các đảo này trong những năm sau đó.

        Thực hiện kế hoạch thay quân của Quân chủng, tháng 5 năm 1976, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn thuộc Tiểu đoàn 4 trước đây được thay thế lực lượng mới của Lữ đoàn 126. Gần 100 cán bộ, chiến sĩ tiếp quản, bảo vệ đảo Sinh Tồn từ ngày 28 tháng 4 năm 1975 được trở về bờ. Phần lớn số cán bộ, chiến sĩ này theo nguyện vọng được giải quyết chính sách phục viên, chuyển ngành, tiếp tục tham gia xây dựng đất nước trong hoàn cảnh mới.

        Lực lượng phòng thủ mới thay thế bảo vệ đảo Sinh Tồn nhanh chóng kiện toàn biên chế tổ chức các phân đội pháo mặt đất, phòng không và bộ binh, các bộ phận phục vụ; tiếp tục xây dựng hoàn thiện các phương án chiến đấu và bắt tay vào huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật phòng thủ đảo.

        Tháng 5 năm 1977, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn vui mừng đón đoàn cán bộ của Quân chủng do đồng chí Thiếu tướng, Tư lệnh Giáp Văn Cương và đồng chí Thiếu tướng, Chính ủy Hoàng Trà dẫn đầu đến kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đây là lần đầu tiên đồng chí Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng đi nắm tình hình trên đảo Sinh Tồn. Sau khi kiểm tra các mặt hoạt động của đơn vị, khảo sát, nghiên cứu thực địa, đồng chí Tư lệnh kết luận và quyết định một loạt vấn đề mới về cách đánh phòng thủ bảo vệ đảo, về biên chế trang bị vũ khí cho đảo, về tổ chức lực lượng chiến đấu... Đồng chí xác định hình thức tổ chức đảo Sinh Tồn tương đương cấp tiểu đoàn (thiếu) biên chế gồm 2 phân đội hoả lực và bộ binh, cùng bộ phận phục vụ thông tin, ra đa và hàng năm cán bộ, chiến sĩ được giải quyết chế độ đi phép, không thực hiện chế độ thay quân mỗi năm một lần.

        Thực hiện quyết định của Tư lệnh Tiểu đoàn, đảo Sinh Tồn khẩn trương được điều chỉnh về lực lượng, trang bị vũ khí, điều chỉnh bổ sung các phương án tác chiến, bố trí các trận địa dã chiến, tổ chức các cụm chiến đấu phòng thủ trên các hướng, xây dựng kế hoạch huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành thông tin, công binh, hậu cần, súng pháo, kế hoạch huấn luyện chiến thuật cá nhân, tổ chiến đấu và toàn đảo chiến đấu.

        Sau chuyến kiểm tra tình hình phòng thủ 5 đảo trên quần đảo Trường Sa của đồng chí Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng, cuối năm 1977 tổ chức lực lượng bảo vệ Trường Sa cũng có sửa thay đổi rất cơ bản. Xuất phát từ vị trí có ý nghĩa chiến lược của Quần đảo Trường Sa và yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ quần đảo, Quân chủng chủ trương tách một bộ phận lực lượng, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 46 cũ của Lữ đoàn 126 tổ chức thành một trung đoàn trực thuộc Quân chủng chuyên trách làm nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ Trường Sa. Theo đề nghị của Quân chủng, ngày 8 tháng 5 năm 1978, Bộ trưởng Quốc phòng ra Quyết định số 391/QĐ-QP thành lập Trung đoàn 146 phòng thủ Trường Sa. Đồng chí Trung tá Cao Ánh Đăng, nguyên Lữ phó 126, được bổ nhiệm chức Trung đoàn trưởng; đồng chí Trung tá Vũ Quang Chinh là Chính ủy Trung đoàn. Ngày 12 tháng 2 năm 1979, Trung đoàn 146 được Bộ Quốc phòng nâng cấp thành Lữ đoàn 146 và đến tháng 6 năm 1981, Bộ Tổng Tham mưu quyết định chuyển Lữ đoàn 146 về trực thuộc Vùng 4 Hải quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 11:27:07 pm »


        Đầu năm 1978, tình hình trên khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến mới phức tạp. Tháng 2 năm 1978, Philíppin đưa quân ra chiếm đóng đảo Ponata, đồng thời tăng cường các hoạt động thăm dò, trinh sát quanh khu vực các đảo của ta đang đóng giữ. Trước tình hình đó, Quân chủng một mặt tập trung lực lượng tàu vận tải, tàu đánh cá của Trung đoàn 125, 128, lực lượng đảo của Lữ đoàn 146, Công binh của Trung đoàn 83 ra đóng giữ bảo vệ các đảo Trường Sa Đông. Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang và bãi đá ngầm Thuyền Chài. (Riêng đóng giữ bảo vệ đảo Thuyền Chài do điều kiện bảo đảm cho sinh hoạt của bộ đội trên đảo này gặp nhiều khó khăn nên một thời gian sau đó ta rút bộ đội ở đảo này về bờ). Mặt khác, chỉ thị cho các đơn vị đang đóng giữ đảo đẩy mạnh các hoạt động sẵn sàng chiến đấu cao, quan sát nắm chắc tình hình trên biên, sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu nếu nước ngoài tiến công đảo.

        Cũng trong thời gian này, từ ngày 14 tháng 4 đến 21 tháng 5 năm 1978, Quân chủng tổ chức một đoàn cán bộ gồm có các thành phần của Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật và Trung đoàn 146 do đồng chí Tư lệnh và Chính ủy làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện của các đảo.

        Ngày 27 tháng 4 năm 1978, tàu 608 và 610 của Đoàn 125 chở đoàn cán bộ Quân chủng cập đảo Sinh Tồn. Đi theo đoàn có đội văn nghệ quần chúng của Hạm đội 171 và đội chiếu phim của Cục Chính trị ra phục vụ bộ đội đảo. Đây là lần đầu tiên bộ đội đảo Sinh Tồn được xem biểu diễn văn nghệ và xem chiếu bóng trên đảo. Hai ngày 28, 29 tháng 4, Đoàn Quân chủng đã được nghe chỉ huy đảo báo cáo tình hình và kết quả hoạt động trên các mặt của đảo trong năm vừa qua. Sau đó, đoàn đi kiểm tra địa hình, trận địa; báo động kiểm tra sẵn sàng chiến đấu của đảo và bắn đạn thật của một số khẩu đội pháo phòng không pháo mặt đất, súng bộ binh (AK). Kết quả kiểm tra các mặt, đảo đều đạt yêu cầu trở lên. Qua nắm tình hình và kiểm tra thực tế, đồng chí Tư lệnh đã kết luận đánh giá đảo Sinh Tồn sau một năm kiện toàn biên chế tổ chức lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đã có nhiều tiến bộ trên nhiều mặt bảo đảm đời sống và sẵn sàng chiến đấu, đã xây dựng được phương án tác chiến, tổ chức huấn luyện đi vào nền nếp, trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội được nâng lên, duy trì nghiêm các chế độ trực chiến đấu, tuần tra, canh gác ngày đêm, theo dõi và nắm chắc tình hình mặt biển. Các công trình chiến đấu dã chiến, bán kiên cố xây dựng đúng kế hoạch, đáp ứng được yêu cầu chiến đấu trước mắt. Về phương hướng, đồng chí Tư lệnh nhấn mạnh, đảo Sinh Tồn cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và củng cố các công trình chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội, thuần thục các phương án đánh địch ban ngày, ban đêm và trong mọi tình huống.

        Những năm tiếp theo 1979-1987, vũ khí trang bị mới tiếp tục được bổ sung, khả năng và sức phòng thủ của đảo không ngừng được nâng lên. Trong đó, có sự giúp đỡ to lớn của Hải quân Liên Xô.

        Tháng 4 năm 1980, Bộ Tổng Tham mưu đã cử đoàn cố vấn quân sự Liên Xô gồm có các chuyên gia lục quân, pháo binh, hải quân do Đại tá Hải quân Len Kốp làm Trưởng đoàn và Đoàn cán bộ Bộ Tham mưu Hải quân do đồng chí Đại tá Bùi Uỷ làm Trưởng đoàn đi khảo sát thực tế, nghiên cứu quần đảo Trường Sa. Giữa tháng 4 năm 1980, Đoàn cố vấn và Đoàn Bộ Tham mưu đến nghiên cứu đảo Sinh Tồn. Tại Sinh Tồn, đoàn được nghe chỉ huy đảo báo cáo kế hoạch phòng thủ của đảo, đi xem xét thực địa, thực hành diễn tập chiến đấu bảo vệ đảo và bắn đạn thật kiểm tra một số loại vũ khí. Các đồng chí trong đoàn cố vấn rất cảm động trước ý chí quyết tâm vững chắc và tinh thần tự lực, tự cường vượt lên mọi nỗi gian khổ vất vả, chịu đựng hy sinh khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng và bảo vệ đảo - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí trưởng đoàn phát biểu khẳng định sự giúp đỡ tích cực của Hải quân Liên Xô nhằm nhanh chóng tăng cường sức phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Sinh Tồn nói riêng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 11:27:29 pm »

 
        Thực hiện kế hoạch tăng cường sức phòng thủ bảo vệ đảo, xây dựng cách đánh địch từ xa, từ nơi xuất phát tấn công đảo, từ năm 1981 đến 1987, đảo Sinh Tồn tiếp tục được bổ sung các loại vũ khí trang bị thích hợp, tăng cường hoả lực tầm xa, đẩy mạnh công tác nắm địch, quan sát phát hiện địch từ xa. Để phù hợp với cách đánh, cơ cấu tổ chức lực lượng chiến đấu phòng thủ đảo Sinh Tồn cũng thay đổi, thành lập tiểu đoàn hỗn hợp (thiếu), mang phiên hiệu Tiểu đoàn 5 gồm các lực lượng pháo binh, pháo cao xạ, bộ binh, quân số từ 84 người phát triển lên 157 cán bộ chiến sĩ. Thời kỳ này, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu luôn luôn là công tác quan trọng hàng đầu của đơn vị Tiểu đoàn thực hiện nghiêm chỉ lệnh huấn luyện hàng năm của Lữ đoàn giao cho. Trong đó, chú trọng công tác huấn luyện cán bộ; huấn luyện chiến thuật, bộ binh, kỹ thuật cá nhân, hiệp đồng chiến đấu tiểu đội, trung đội, đại đội bảo đảm cho bộ đội thuần thục các phương án chiến đấu ban ngày, ban đêm, sử dụng thành thạo từ 1 đến 2 loại vũ khí. Đặc biệt thực hành bắn đạn thật luôn là nội dung trọng tâm số một của đảo nhằm đánh giá đúng thực chất chất lượng huấn luyện và trình độ chiến đấu của đơn vị. Trên cơ sở đó đảo xây dựng các chỉ tiêu, quyết tâm phấn đấu nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu, đánh thắng địch ngay từ trận đầu. Bởi vậy, hàng năm 100% các loại hoả khí của các đại đội đều được tham gia bắn đạn thật. Kết quả kiểm tra bắn đạn thật hàng năm đảo thường xuyên có trên 90% đạt yêu cầu, trong đó có trên 50% khá, giỏi. Để bảo đảm đủ điều kiện, khả năng sẵn sàng chiến đấu tốt, số lượng, chất lượng bộ đội luôn được điều chỉnh thường trực tại đảo có 1/3 quân số bộ đội một tuổi quân, 1/3 quân số bộ đội 2 tuổi quân và 1/3 quân số bộ đội 3 tuổi quân. Chiến sĩ mới bố trí một lần đi phép năm ở ngoài đảo và một lần ở trong bờ, sau đó ra quân trở về địa phương.

        Đi đôi với phát triển lực lượng chiến đấu, hệ thống công sự, trận địa phòng ngự trên đảo Sinh Tồn không ngừng được củng cố, nâng cấp chất lượng. Giai đoạn từ năm 1976 đến 1981 xây dựng hệ thống công sự phòng thủ dã chiến và bán kiên cố, từ năm 1981 đến năm 1986 từng bước nâng cấp xây dựng các công trình kiên cố, lâu bền bao gồm hệ thống lô cốt, hầm chỉ huy, hầm trú ẩn, hầm thông tin, quân y...

        Xây dựng công trình bán kiên cố và kiên cố do Trung đoàn Công binh 83 và Công binh Vùng 4 đảm nhiệm. Từ năm 1976 đến 1984, bộ đội công binh đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn về điều kiện ăn, ở, phương tiện, vận chuyển ra đảo hàng trăm khối cấu kiện bê tông, hàng nghìn tấn vật liệu, tranh thủ mùa khô tập trung lực lượng thi công. Đến cuối năm 1984, Trung đoàn 83 cơ bản đã hoàn thành xây dựng xong các công trình trên đảo Sinh Tồn. Còn một số hạng mục được bàn giao cho Tiểu đoàn 1 Công binh Vùng 4 thực hiện.

        Đi đôi với xây dựng các công trình bán kiên cố, lâu bền, các công trình dã chiến gồm hào giao thông, hầm pháo, đường cơ động trên đảo do Tiểu đoàn Sinh Tồn đảm nhiệm thi công. Từ năm 1976 đến 1986, bộ đội đã đào, kè và thường xuyên củng cố hơn 1.000 mét hào, gần 1.000 mét đường cơ động liên hoàn quanh đảo, làm được hàng chục hầm pháo, hố chiến đấu phục vụ tốt cho các hoạt động huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

        3. Công tác bảo đảm kỹ thuật hậu cần cho nhiệm vụ xây dựng phòng thủ bảo vệ đảo

        Tiến hành công tác kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ bảo vệ đảo Sinh Tồn trong điều kiện hoạt động ở xa đất liền, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm cao, nhiều sương muối, mưa, bão lớn kéo dài 4, 5 tháng trong năm, thiếu các cơ sở kỹ thuật bảo đảm là một trở ngại rất lớn cho việc duy trì hệ số kỹ thuật, súng pháo, đạn dược, trang bị khí tài phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng ủy Lữ đoàn về công tác kỹ thuật, sự hướng dẫn của ngành kỹ thuật, chi bộ và chỉ huy đảo Sinh Tồn tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác kỹ thuật, trong đó xác định công tác bảo quản, bảo dưỡng là trọng tâm của công tác kỹ thuật. Hàng năm, 'chi bộ và chỉ huy tiểu đoàn tổ chức tốt việc giáo dục nâng cao nhận thức của bộ đội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kỹ thuật đối với các nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ bảo vệ đảo, đồng thời tìm các biện pháp để hạn chế sự xuống cấp của vũ khí trang bị. Đội ngũ cán bộ các cấp từ khẩu đội trưởng trở lên đề cao trách nhiệm, tích cực đôn đốc và tổ chức tiến hành công tác kỹ thuật, duy trì các chế độ bảo quản, bảo dưỡng. Hàng năm, 100% các loại hoả khí của đảo được đưa vào diện thực hành bắn đạn thật vừa là biện pháp đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng huấn luyện, vừa là điều kiện thúc đẩy công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, duy trì hệ số kỹ thuật súng pháo, đạn dược phục vụ cho các nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của đơn vị.

        Về mùa mưa bão, đảo chủ động tu sửa chống dột, chống ngập nước cho các hầm cất giấu vũ khí, các kho dự trữ chiến đấu.

        Mặc dù có nhiều cố gắng, song công tác bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật chỉ hạn chế được một phần sự xuống cấp nhanh chóng của vũ khí, trang bị, bởi thực tế rất khách quan là môi trường quá khắc nghiệt và hạ tầng cơ sở kỹ thuật thời kỳ này chủ yếu mang tính chất dã chiến, bán kiên cố.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM