Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:28:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!  (Đọc 26221 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 11:52:49 pm »


        KẾT LUẬN

        Là một đảo trong quần đảo Trường Sa, An Bang có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội, sự giúp đỡ của các Bộ, các ngành, các đơn vị trong và ngoài Quân chủng, của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương, của đồng bào, chiến sĩ cả nước; sự phấn đấu nỗ lực của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, quân nhân chuyên nghiệp đảo An Bang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, chi bộ trong sạch vững mạnh, lập nhiều thành tích to lớn, truyền thống vẻ vang.

        Phát huy truyền thống trong giai đoạn mới, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo An Bang cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1- Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị; âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2- Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3- Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, có đời sống nội tâm phong phú, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống vẻ vang quân đội, Quân chủng anh hùng.

        4- Không ngừng củng cố, nâng cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian nguy, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5- Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng chi bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, niềm tin và chỗ dựa vững chắc của quần chúng. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6- Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 12:08:56 am »

       

Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề

ĐẢO PHAN VINH XÂY DỰNG CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH 1978-2007



LỜI NÓI ĐẦU

        Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này.

        Từ tháng 4 năm 1975 đến nay, Hải quân nhân dân Việt Nam vượt qua biết bao khó khăn, dũng cảm ngoan cuờng đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền 9 đảo nổi và 12 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.

        Đảo Phan Vinh nằm ở khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa, cách đất liền (Cam Ranh) gần 300 hải lý. Ngày 30 tháng 3 năm 1978, bộ đội ta ra đóng giữ đảo Phan Vinh. Hơn 29 năm qua, duỗi sự lãnh đạo của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 Hải quân mà trực tiếp là Đảng ủy và chỉ huy Lữ đoàn 146, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, bền bỉ khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ hy sinh, xây dựng đơn vị lớn mạnh và bảo vệ đảo ngày càng vững chắc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với những thành tích đạt được trong xây dựng chiến đấu và trưởng thành, đảo Phan Vinh cùng nhiều tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng cờ, bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân, Cục Chính trị tổ chức biên soạn cuốn sách “Đảo Phan Vinh xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1978-2007)”, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho quân, dân huyện đảo Trường Sa nói chung, đảo Phan Vinh nói riêng về lòng yêu nước, ý chí kiên cường xây dựng, bảo vệ đảo của các thế hệ cha anh, qua đó nâng cao niềm tự hào về truyền thống của dân tộc và đơn vị, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, phẩm chất năng lực về mọi mặt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

        Trong quá trình biên soạn, do hạn chế về tài liệu lưu trú, thời gian và khả năng, nên cuốn sách không thể thỏa mãn đầy đủ nhu cầu bạn đọc.

        Nhân dịp này, Cục Chính trị Hải quân xin chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã giúp đỡ về mọi mặt, tạo điều kiện để cuốn sách được biên soạn, xuất bản và phát hành đúng theo kế hoạch.

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN        

        NHỮNG PHẦN THƯỞNG

        TƯ LỆNH HẢI QUÂN TẶNG: Danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng" năm 1980; 1981; 1984; 1991; 1993; 2003; 2004.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 12:13:42 am »


Phần một

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Phần hai

QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO PHAN VINH (3-1978 – 4-2007)

        I. ĐẠI ĐỘI ĐẢO PHAN VINH VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN THỬ THÁCH, XÂY DỰNG Ý CHÍ QUYẾT TÂM VỮNG CHẮC, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ ĐẢO GIAI ĐOẠN 1978 - 1987

        1. Vài nét về điều kiện tự nhiên đảo Phan Vinh


        Đảo Phan Vinh hay còn gọi là đảo Hòn Sập, có tọa độ 08°58’00"N và kinh độ 113°41'30"E, nằm cách bãi đá Tốc Tan khoảng 1 3 hải lý về phía Tây Bắc và cách bãi đá Châu Viên khoảng 47 hải lý về phía Đông.

        Đảo có dạng gần tròn, đường kính khoảng 50 mét, nằm ở đầu cuối phía Đông Bắc trên một nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý, theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Ở phía Tây của vành san hô này có 1 xác tàu đắm luôn nhô cao trên mặt nước biển. Đảo không có giếng nước ngọt, không có cây xanh. Lúc thủy triều xuống thấp nhất, người có thể lội bộ từ đảo đến xác tàu đắm. Ở giữa vành đai san hô là một hồ nước sâu. Rìa ngoài của vành san hô ở hướng Bắc và Đông Bắc đến bờ đảo dài khoảng 200 mét.

        Khi không có sóng gió lớn, tàu thuyền thường đổ bộ lên đảo theo hướng từ phía Nam đi lên và tiếp cận đảo Tại điểm này có một lạch được dọn sạch đá san hô, rất tiện cho việc chèo xuồng ra vào đảo; khi thủy triều xuống còn 0,4 đến 0,5 mét, người có thể lội qua thềm san hô để vào đảo mà nước cũng chỉ sâu đến đầu gồi chân.

        Tại thềm san hô tận cùng phía Tây của vành san hô hình vành khuyên, cách mép sóng khoảng 200 mét có một bãi san hô, khi thủy triều xuống còn 1,7 mét thì bãi này bắt đầu nhô lên khỏi mặt nước và khi thủy triều còn khoảng 1,5 mét thì bãi đá nổi cao thành hình một bãi san hô dài khoảng 50 mét, rộng từ 5 mét đến 10 mét.

        2. Xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ đảo

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các lực lượng Hải quân có sự phối hợp của bộ đội Quân khu 5 chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa; đồng thời tổ chức lực lượng đóng giữ bảo vệ 5 đảo, gồm: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa. Còn một số đảo khác như Đá Giữa, Hòn Sập, An Bang và đảo Grigân... do điều kiện mới giải phóng, gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm sinh hoạt, ăn ở nên ta chưa đưa bộ đội ra đóng ở các đảo này.

        Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, các năm 1976, 1977, Bộ Tổng Tham mưu cùng với Bộ Tư lệnh Hải quân đã tiến hành kiểm tra tình hình và khảo sát thực tế các đảo đang đóng giữ và chưa đóng giữ trên quần đảo Trường Sa, đã nhanh chóng chấn chỉnh các lực lượng và xây dựng các phương án tác chiến phòng thủ bảo vệ quần đảo.

        Đầu năm 1978, tình hình trên khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến mới phức tạp. Tháng 2 năm 1978, Philíppin đưa quân ra chiếm đóng đảo Ponata, đồng thời tăng cường các hoạt động thăm dò, trinh sát quanh khu vực các đảo của ta đang đóng giữ. Trước tình hình đó, Quân chủng một mặt tập trung lực lượng tàu vận tải, tàu đánh cá của hai Trung đoàn 125, 128, lực lượng bộ binh đảo của Trung đoàn 146, Lữ đoàn 126, công binh của Trung đoàn 83 ra đóng giữ bảo vệ các đảo Trường Sa Đông (Đá Giữa), Sinh Tồn Đông (Grigân), Phan Vinh (Hòn Sập), An Bang và bãi đá ngầm Thuyền Chài. Mặt khác, chỉ thị cho các đơn vị đang đóng giữ đảo đẩy mạnh các hoạt động sẵn sàng chiến đấu, quan sát nắm chắc tình hình trên biển, sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu nếu nước ngoài xâm phạm tiến công đảo.

        Cũng trong thời gian này, từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 21 tháng 5 năm 1978, Quân chủng tổ chức một đoàn cán bộ gồm có các thành phần của Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật và Trung đoàn 146 do đồng chí Tư lệnh và Chính ủy làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình xây dựng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các đảo trên quần đảo Trường Sa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 12:14:07 am »


        Về tổ chức lực lượng đóng giữ đảo Hòn Sập, gồm 31 đồng chí hạ sĩ quan, chiến sĩ Trung đoàn 146 do đồng chí Vũ Xuân Hà chỉ huy, đi trên tàu 680 thuộc Đoàn 128 ra đóng giữ đảo ngày 30 tháng 3 năm 1978, cùng ngày này đồng chí Trung đoàn trưởng Cao ánh Đăng lên đảo kiểm tra nghiên cứu tình hình, trực tiếp chỉ đạo việc bố trí lực lượng, các trận địa phòng thủ bảo vệ Hòn Sập. Đồng chí Thiếu úy Vũ Xuân Hà được trên bổ nhiệm chức Chỉ huy trưởng đảo.

        Ngày 7 tháng 5 năm 1978, tàu 610, 608 của Hải đoàn 125 chở đoàn cán bộ Quân chủng cập đảo Hòn Sập Đồng chí Tư lệnh, Thiếu tướng Giáp Văn Cương và Chính ủy, Thiếu tướng Hoàng Trà đi kiểm tra tình hình đảo. Thủ trưởng Quân chủng rất phấn khởi thấy cán bộ chiến sĩ xác định tốt nhiệm vụ, có nhiều cố gắng trong tổ chức đời sống và chuẩn bị chiến đấu bảo vệ đảo. Thay mặt Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, đồng chí Tư lệnh đã biểu dương thành tích bước đầu của đảo và chỉ thị: “Nhiệm vụ bảo vệ đảo là lâu dài, nặng nề và phức tạp, tập thể cán bộ, chiến sĩ trên đảo tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống của Quân chủng ra sức xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt và cần kiệm xây dựng đảo; cảnh giác cao, sẵn sàng đánh thắng bất cứ kẻ nào dám xâm phạm chủ quyền đảo, bảo vệ vững chắc vị trí tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Thay mặt cán bộ chiến sĩ đảo, đồng chí Chỉ huy trưởng đảo xin hứa với Thủ trưởng Quân chủng “Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh giao cho, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo đến cùng trong bất cứ tình huống nào”. Cũng tại buổi kiểm tra tình hình đảo này, đồng chí Tư lệnh đề nghị đổi tên đảo Hòn Sập mang tên người Thuyền trưởng anh hùng Trung úy Nguyễn Phan Vinh của Hải quân trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (gọi tắt là đảo Phan Vinh) để ghi công và tôn vinh lịch sử truyền thống oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam. Từ đây, tên đảo Phan Vinh mãi mãi được ghi trên bản đồ biển, đảo Việt Nam. Nó là niềm tự hào và nguồn cổ vũ cán bộ, chiến sĩ xây dựng, bảo vệ đảo Phan Vinh luôn chắc tay súng, vững vàng trong mọi thử thách.

        Trong thời gian này, lực lượng công binh Trung đoàn 83 đã khẩn trương xây dựng nhà ở cho bộ đội và các trận địa, công sự dã chiến trên đảo Phan Vinh. Lần đầu tiên công binh Hải quân xây dựng nhà cao chân trên đảo, mô phỏng theo kiểu nhà sàn trên miền núi, tận dụng khả năng nguyên vật liệu sẵn có, làm cột nhà bằng các cây cột điện gỗ, mái nhà làm bằng mái tôn vòm kim loại là các vật tư thu được của địch sau ngày giải phóng miền Nam. Đây là một sáng tạo hết sức phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đảo Phan Vinh, với khả năng của ta và tình hình khẩn trương lúc này.

        Những năm 1978-1981, lực lượng chiến đấu của đảo được biên chế thành một phân đội hỗn hợp độc lập gồm các khẩu đội hoả lực ĐKZ, cối, pháo phòng không 12,7mm và một bộ phận phục vụ, tổng quân số khoảng 32 cán bộ, chiến sĩ. Trong thời gian này, vào giữa tháng 4 năm 1980, đảo được đón tiếp đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô do đồng chí Đại tá Len Kốp làm Trưởng đoàn và đoàn cán bộ Quân chủng Hải quân ra khảo sát, nghiên cứu tình hình tổ chức phòng thủ đảo Phan Vinh. Đoàn rất cảm phục cán bộ, chiến sĩ đảo trong điều kiện sống khó khăn, gian khổ nhưng vẫn luôn vững vàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Những năm 1982-1987, lực lượng chiến đấu của đảo tiếp tục được phát triển và chấn chỉnh. Để phù hợp với cách đánh đáp ứng yêu cầu nâng cao sức phòng thủ đảo, từ tổ chức lực lượng chiến đấu cấp phân đội phát triển lên thành đại đội chiến đấu hỗn hợp (đại đội đủ), có các bộ phận lực lượng pháo binh, pháo phòng không và bộ binh mạnh.

        Thời kỳ này, công tác nổi lên hàng đầu của đơn vị là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu Hàng năm, đại đội thực hiện nghiêm các nội dung huấn luyện của Lữ đoàn giao, đi sâu huấn luyện chiến thuật bộ binh, kỹ thuật cá nhân, hiệp đồng chiến đấu cấp tiểu đội, trung đội, bảo đảm cho bộ đội thuần thục các phương án chiến đấu đánh địch đổ bộ đường biển, tập kích đường không, các phương án đánh ban ngày, ban đêm; chú trọng huấn luyện thực hành ban đêm. Đặc biệt là thực hành bắn đạn thật, hàng năm 100% các loại vũ khí của đơn vị được tham gia bắn đạn thật, kết quả kiểm tra thường xuyên đạt 95% yêu cầu trở lên.

        Cùng với việc phát triển lực lượng chiến đấu, hệ thống công sự trận địa phòng ngự trên đảo Phan Vinh nhanh chóng được trên đầu tư xây dựng các công trình dã chiến, bán kiên cố.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 12:16:11 am »


        3. Bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ bảo vệ đảo

        Những năm 1978-1987, công tác kỹ thuật của đảo Phan Vinh tập trung chủ yếu vào công tác bảo quản, bảo dưỡng tại chỗ các loại súng pháo, đạn dược. Lực lượng làm công tác kỹ thuật là các đồng chí nhân viên, hạ sĩ quan kỹ thuật làm nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn và tổ chức bảo quản vũ khí. Hàng năm, ngành kỹ thuật Lữ đoàn tổ chức lực lượng ra đảo kiểm tra tình trạng kỹ thuật, đưa súng pháo vào bờ sửa chữa, đồng thời trực tiếp hướng dẫn tổ chức bảo dưỡng súng pháo tại đơn vị.

        Nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng của công tác kỹ thuật, các cấp lãnh đạo chi bộ, tổ đảng, chỉ huy đảo đến các trung đội đã có nhiều biện pháp lãnh đạo duy trì nghiêm các chế độ bảo quản, giữ gìn vũ khí, giáo dục động viên mọi cán bộ đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ nêu cao trách nhiệm trong việc giữ gìn vũ khí. Hàng năm, đảo tổ chức bảo quản nhiều lần các loại vũ khí, củng cố chống dột, chống nước mặn tràn vào các hầm vũ khí, các kho đạn. Tuy nhiên, hoạt động trong môi trường thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhiều hơi nước mặn, điều kiện cất giữ bảo quản dã chiến, bán kiên cố nên chất lượng kỹ thuật vũ khí xuống cấp nhanh. Việc tăng cường công tác bảo quản thường xuyên và định kỳ tại đảo cũng chỉ hạn chế được một phần sự hỏng hóc của vũ khí, trang bị do sự tác động xấu của môi trường tự nhiên.

        Công tác bảo đảm hậu cần của đảo Phan Vinh là vấn đề hết sức khó khăn phức tạp so với các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, là đảo nhỏ, cát san hô trắng trơ trọi, mong manh, không có nước ngọt, không có cây xanh, giữa bốn bề đại dương sóng gió, mọi nguồn bảo đảm hậu cần đều từ bờ đưa ra. Đời sống vật chất tinh thần, văn hoá, tình cảm và sinh hoạt của đảo vô cùng thiếu thốn, khó khăn. Bộ đội thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước ngọt, rau xanh, 6 tháng đến 12 tháng mới nhận được thư nhà.

        Yêu cầu đầu tiên của đảo là làm sao phải tổ chức duy trì được đời sống, bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội hoạt động xây dựng và bảo vệ đảo, để luôn luôn đủ sức sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ thắng lợi chủ quyền của Tổ quốc trong mọi tình huống. Cùng với sự tích cực bảo đảm, chi viện của ngành hậu cần Lữ đoàn, tổ đảng và những năm sau này là chi bộ với tinh thần tự lực, tự cường, nêu cao trách nhiệm chính trị, giữ vững quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tích cực chủ động lãnh đạo đơn vị phấn đấu khắc phục khó khăn, từng bước cải thiện điều kiện ăn ở, đời sống sinh hoạt, duy trì, nâng cao sức khỏe sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.

        Những năm đầu từ 1978 đến 1981, bộ đội ở nhà tạm cao chân, mái tôn kim loại, chật chội, nóng bức, từ năm 1981 chuyển sang ở nhà xây cấp 4 có diện tích sử dụng hơn 100m2 rộng rãi và thoáng mát hơn. Đó là kết quả của cán bộ, chiến sĩ đảo đã bỏ ra hàng trăm ngày công khắc phục nguyên vật liệu tại chỗ phối hợp với bộ đội công binh Trung đoàn 83 thi công bằng tinh thần cố gắng, hăng hái, nhiệt tình, quyết tâm vươn lên khắc phục mọi khó khăn. Năm 1980, 1982 đảo được trên đầu tư xây dựng thêm bể nước cố định và cấp các téc chứa nước cơ động. Hàng năm, tàu 931 của Vùng 4 Hải quân chở nước ngọt từ bờ ra cung cấp cho đảo, song hệ thống chứa nước chỉ có dung tích gần 70m3 nên bộ đội thường xuyên sống trong tình trạng thiếu nước, nhất là về mùa khô phải triệt để tiết kiệm. Đơn vị đề ra các các quy định sử dụng nước chặt chẽ, phân phối theo định mức đầu người cụ thể hàng ngày cho các tiểu đội, trung đội và các bộ phận của đảo. Đối mặt với những thiếu thốn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ luôn tự giác chấp hành cùng nhau san sẻ chịu đựng để vượt qua.

        Việc tổ chức trồng rau xanh ở đảo là vấn đề vô cùng khó khăn. Đảo cát san hô không có nước ngọt, muốn trồng được rau xanh phải cải tạo đất, che chắn gió, ngăn nước mặn, phải tận dụng hiệu quả nước thải để trồng rau. Với nỗ lực rất lớn, các chiến sĩ đảo cũng đã làm được các khu vườn của các trung đội, bộ phận, tổ chức trồng rau xanh, chủ yếu là giống rau leo, bầu, bí, hàng năm thu hoạch từ 3 đến 5 tạ rau các loại phấn đấu cho bộ đội trong một tuần có từ 1 đến 2 bữa ăn có rau xanh. Cùng với việc tích cực trồng rau xanh tại chỗ, đảo tổ chức đánh bắt hải sản và chăn nuôi lợn, chó. Đây là nguồn thực phẩm tươi sống rất quan trọng của đảo, hàng năm thu hoạch trên dưới 1 tấn thịt các loại.

        Từ năm 1979, đảo triển khai trồng cây xanh, chủ yếu là cây phi lao, cây bàng, dừa từ đất liền đưa ra nhưng tỷ lệ sống rất thấp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 12:18:17 am »


        4. Công tác đảng, công tác chính trị góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo

        Từ những năm 1978 đến 1981, tổ chức đảng của đảo Phan Vinh là một tổ đảng thuộc chi bộ đảo Nam Yết; tổ chức quần chúng thành lập một chi Đoàn thanh niên và một Hội đồng quân nhân. Đến năm 1982 thành lập chi bộ đảo trực thuộc Đảng bộ Lữ đoàn 146. Chi bộ gồm có các tổ đảng trung đội hoả lực, bộ binh, cao xạ và đảo bộ (có các bộ phận bảo đảm). Tỷ lệ lãnh đạo của đảo từ 10 đến 12%.

        Quán triệt nghị quyết của Đảng ủy Lữ đoàn, nắm vững yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, chi bộ đảo Phan Vinh thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập trung xây dựng, không ngừng nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo toàn diện và tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Trong điều kiện công tác gian khổ, nhiệm vụ nặng nề, căng thẳng, xa hậu phương, phải độc lập chỉ huy, xử lý mọi tình huống, các tổ đảng và cấp ủy đã phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả. Cán bộ, đảng viên luôn luôn tiền phong trong mọi công việc khó khăn vất vả, miệng nói tay làm; là tấm gương để quần chúng noi theo hành động, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đảo.

        Trong xây dựng đảng, tổ đảng, chi bộ đảo duy trì nghiêm các chế độ sinh hoạt chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo và chất lượng đại hội chi bộ nhiệm kỳ hàng năm cấp ủy luôn luôn được kiện toàn đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu lãnh đạo các nhiệm vụ của đơn vị; hết sức coi trọng công tác phát triển đảng viên mới nhằm tăng cường khả năng, sức mạnh lãnh đạo của các tổ đảng và chi bộ, đồng thời nó cũng là một yếu tố tác động cổ vũ quần chúng tích cực phấn đấu được đứng trong hàng ngũ Đảng. Trung bình hàng năm chi bộ kết nạp được 2 đảng viên mới và bồi dưỡng đưa vào diện đối tượng cảm tình Đảng 5 quần chúng ưu tú.

        Công tác chính trị thời kỳ này đảo tập trung vào việc giáo dục bộ đội nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường tư tưởng cách mạng, vững vàng kiên định trong mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ, mọi tình huống căng thẳng phức tạp, xây dựng ý chí sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ bằng được chủ quyền đảo, mảnh đất thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ đều thể hiện một lòng đoàn kết, thương yêu nhau, cùng nhau chia sẻ và khắc phục mọi khó khăn, gian khổ của cuộc sống ở đảo, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Ngày 29 tháng 10 năm 1978, trong lúc đang công tác, 3 chiến sĩ bị nước biển cuốn trôi, đồng chí đảo trưởng Vũ Văn Hà trực tiếp tổ chức cấp cứu, nhưng dòng nước chảy mạnh tiếp tục cuốn trôi 4 đồng chí đi cứu, trong đó có đảo trưởng. 7 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh bị trôi dạt đến một bãi cạn cách đảo mấy chục hải lý. Trong những ngày trôi dạt lênh đênh trên biển và sống thoi thóp trên đảo lạ giữa trời nước đại dương mênh mông, cái chết đến dần, 7 cán bộ, chiến sĩ bình tĩnh, tin tưởng vào ngày được cứu trở về với đồng đội, đã động viên lẫn nhau, đồng chí khỏe giúp đồng chí yếu tìm mọi cách cùng nhau vượt qua đói khát, bệnh tật, giành lấy sự sống. Sau 8 ngày đêm bị trôi dạt, 7 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh được tàu 641 phát hiện cấp cứu đưa về đơn vị an toàn. Ngay sau khi tàu 641 cập quân cảng Sài Gòn, chương trình phát thanh quân đội của Đài tiếng nói Việt Nam đã phát bài phóng sự dài về sự kiện này gây xúc động mạnh trong toàn quân và Quân chủng. Đồng chí Vũ Văn Hà được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

        Giai đoạn này việc bảo đảm đời sống văn hoá, tinh thần của bộ đội gặp nhiều khó khăn. Báo chí sáu tháng một lần chuyển ra đảo, rađiô cả đảo được cấp ba chiếc, chất lượng kém và hay hỏng hóc do môi trường ẩm, hơi nước mặn. Tuy nhiên, Quân chủng đã có nhiều cố gắng, từ sau năm 1982, hàng năm cử đội văn nghệ xung kích ra đảo phục vụ bộ đội một lần; Vùng 4 Hải quân tổ chức từ 1 đến 2 lần đội chiếu bóng ra phục vụ. Từ năm 1984, Quân chủng đầu tư xây dựng tủ sách, từng bước bổ sung số lượng hình thành thư viện của đảo sau này, đáp ứng nhu cầu đọc sách nâng cao nhận thức, tri thức và bồi dưỡng tâm hồn cao đẹp cho bộ đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 12:18:33 am »


        Những năm 1978-1987, Bộ Quốc phòng chưa có chủ trương luân phiên cán bộ công tác ở đảo Trường Sa, nên các đồng chí cán bộ xác định tư tưởng gắn bó công tác lâu dài với đảo, với lữ đoàn. Đội ngũ cán bộ đảo Phan Vinh là các sĩ quan ở các đơn vị lục quân chuyển sang; các sĩ quan mới tốt nghiệp các trường quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật được bổ sung cho đảo, phần lớn là những cán bộ trưởng thành đã trải qua nhiều năm gắn bó với các đơn vị trên quần đảo Trường Sa, đã trải qua thử thách của cuộc sống, thiếu thốn, cực khổ ở đảo, nhiều kinh nghiệm trên các mặt công tác, luôn luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc giữ vững ý chí chiến đấu, lập trường kiên định, có quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ của đảo kể từ tiểu đội trưởng trở lên được chú trọng bồi dưỡng về mọi mặt, về nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực chỉ huy là lực lượng nòng cốt trong xây dựng đơn vị, cũng như giữ vai trò quyết định trong thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

        Đoàn viên, thanh niên của đảo Phan Vinh chiếm trên 80% quân số. Toàn đảo thành lập một chi đoàn. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chi đoàn đảo Phan Vinh phát huy tốt chức năng, tổ chức các phong trào thi đua, xung kích trong các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong các phong trào tăng gia sản xuất văn hoá, thể thao. Đặc điểm của thời kỳ này là bộ đội ra đảo làm nhiệm vụ có tỷ lệ thanh niên chưa là đoàn viên chiếm khá cao. Sau khi ra đảo, được chi bộ bồi dưỡng, giáo dục mục tiêu, lý tưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, họ đã phấn đấu gia nhập tổ chức đoàn. Hàng năm chi đoàn kết nạp được nhiều đoàn viên mới. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hầu hết số thanh niên chưa là đoàn viên đều phấn đấu được đứng trong đội ngũ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiều đồng chí đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được cử đi đào tạo nguồn cán bộ phục vụ quân đội lâu dài. Trước khi rời đảo trở về địa phương, các đồng chí đoàn viên đều nói lên niềm tự hào đã có những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi được sống, học tập và công tác ở đảo tiền tiêu - nơi đầu sóng ngọn gió, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trở về địa phương, họ là những nhân tố tích cực tiếp tục phấn đấu học tập, công tác góp, phần xây dựng quê hương đất nước.

        Ngày 28 tháng 2 năm 1982, Quốc hội nước ta quyết định sáp nhập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai cũ vào tỉnh Phú Khánh (sau này là tỉnh Khánh Hoà). Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh tiếp tục được sự chăm lo, đùm bọc của nhân dân Phú Khánh và của nhiều tỉnh thành trong đất liền. Năm 1984, ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà tổ chức kết nghĩa giữa các huyện, thị trong tỉnh với các đảo thuộc huyện Trường Sa, trong đó nhân dân huyện Diên Khánh (Khánh Hoà) kết nghĩa với đại đội đảo Phan Vinh. Sau ngày kết nghĩa, hàng năm, khi có dịp nhân dân huyện Diên Khánh lại gửi thư, tặng quà, cùng với quà của các tỉnh Thuận Hải, Lâm Đồng (cũ), thành phố Hải Phòng... cho đảo. Đó là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn với cán bộ, chiến sĩ ngày đêm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo, một nhiệm vụ vinh quang nhưng đầy gian khổ, khó khăn mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

        Có thể nói, giai đoạn 1978-1987 là những năm tháng đầy thử thách đối với bộ đội đảo Phan Vinh, có những mặt về vật chất tinh thần thiếu thốn, cực khổ hơn cả thời chiến tranh giải phóng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng, của Vùng 4 và Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, cùng với sự chi viện của các cấp, các ngành, sự động viên của nhân dân tỉnh Phú Khánh, chi bộ, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã đoàn kết, chủ động, kiên trì khắc phục vượt qua khó khăn, xây dựng, củng cố đảo vững mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các năm 1980, 1981, 1984 đảo được công nhận “Đơn vị Quyết thắng", nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Bằng khen...

        Điểm nổi bật chủ yếu của đảo ở giai đoạn này là Quân chủng đã khẩn trương tập trung các lực lượng xây dựng và từng bước củng cố hệ thống các công trình phòng thủ dã chiến, bán kiên cố và kiên cố, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trước mắt và lâu dài. Lực lượng của đảo được phát triển nhanh chóng, tăng cường hoả lực đánh địch từ xa, đẩy mạnh công tác huấn luyện nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu, nâng cao sức mạnh phòng thủ để đảm bảo bắn trúng kẻ địch xâm phạm ngay từ loạt đạn đầu và đánh thắng địch ngay từ trận đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo.

        Trong những năm này ta chưa có các chế độ, chính sách, phương thức bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa và Nhà nước cũng chưa có điều kiện đầu tư lớn xây dựng tuyến đảo xa bờ, cho nên đời sống của bộ đội đảo Phan Vinh rất khó khăn, thiếu thốn. Song với quyết tâm bảo vệ đảo trong mọi hoàn cảnh, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã thể hiện lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, chịu đựng gian khổ, hy sinh, giữ vững ý chí chiến đấu, kiên cường bám đảo, đoàn kết thương yêu nhau, tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Chi bộ, chi ủy và chỉ huy đảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, phát huy trí tuệ tập thể, đoàn kết thống nhất lãnh đạo tốt các mặt công tác, đồng thời là nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh; cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 12:20:00 am »


        II. PHÁT TRIỂN LÊN ĐƠN VỊ ĐẢO CẤP III, RA SỨC XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TổNG HỢP SỨC MẠNH CHIẾN ĐẤU PHÒNG THỦ, BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN ĐẢO TRONG TÌNH HÌNH MỚI (1988-2007)

        1. Tiếp tục phát triển lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và tăng cường rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong tình hình mới

        Từ cuối năm 1986 đến năm 1988, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp căng thẳng, xảy ra tranh chấp chủ quyền trên một số bãi đá ngầm giữa các nước xung quanh khu vực quần đảo.

        Tháng 12 năm 1986, Malaixia đưa lực lượng chiếm đóng bãi đá Kỳ Vân và tháng 1 năm 1987 tiếp tục chiếm đóng bãi Kiều Ngựa ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Đầu năm 1988, nước ngoài đưa lực lượng lớn hải quân xuống Trường Sa ngang nhiên chiếm đóng bãi đá Chữ Thập, Ga Ven, Huy Gơ, Xu Bi và sử dụng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm bãi đá Châu Viên, Gạc Ma gây thương vong cho một số phương tiện và hàng chục cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

        Đối phó với âm mưu và hành động lấn chiếm đảo và mở rộng sự chiếm đóng quần đảo Trường Sa của nước ngoài, bảo vệ chủ quyền của ta, Quân chủng đã tiến hành tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ các đảo ta đang đóng giữ, đồng thời huy động các lực lượng tàu vận tải, chiến đấu, công binh, bộ binh của các đơn vị trực thuộc Quân chủng, trực thuộc Vùng 4 Hải quân ra đóng giữ bảo vệ một số bãi đá ngầm ở xung quanh các đảo nổi của ta, nhằm tạo nên sức mạnh phòng thủ của từng cụm đảo trên quần đảo Trường Sa.

        Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Quân chủng, các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã tổ chức đóng giữ và bảo vệ thắng lợi chủ quyền các bãi đá Thuyền Chài (tháng 3- 1987); Đá Tây tháng 10-1987); Đá Lớn (tháng 11-1987); Tiên Nữ (tháng 1 - 1988); Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le (tháng 2- 1988); Cô Lin, Len Đao, Đá Thị, Đá Nam (tháng 3-1988).

        Về tình hình đảo Phan Vinh, từ cuối tháng 2 năm 1988, thực hiện mệnh lệnh của Quân chủng, toàn đảo chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên cao. Các trung đội hoả lực, bộ binh, cơ quan đảo bộ chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu chi viện cho các đảo trong khu vực.

        Trong chiến dịch CQ-88, đảo Phan Vinh đã khẩn trương tiếp nhận an toàn nhiều vũ khí, trang bị bổ sung cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho đơn vị triển khai hiệu quả công tác quan sát trên không, trên biển, nắm chắc các hoạt động của nước ngoài trên khu vực phân công; đẩy mạnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây dựng, củng cố các công sự trận địa, đáp ứng yêu cầu chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo thắng lợi trong mọi tình huống.

        Để phù hợp với yêu cầu chiến đấu phòng thủ trong tình hình mới, tháng 4 năm 1988 đảo được tổ chức biên chế vào khu vực chiến đấu 3. Sở chỉ huy khu vực chiến đấu 3 đặt tại đảo Phan Vinh. Đây là khu vực có các bãi đá ngầm Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ ta đang đóng giữ, nơi có nhiều tàu thuyền nước ngoài hoạt động đánh bắt hải sản, đi lại và luôn sử dụng các thủ đoạn tiến sâu vào khu vực ta quản lý, như dùng các tàu lớn neo đậu ở ngoài xa thả hàng chục, có lúc hàng trăm xuồng nhỏ vào lòng hồ và khu vực quanh đảo đánh bắt hải sản trái phép. Cho nên tình hình hoạt động của đảo luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

        Đáp ứng yêu cầu bảo vệ đảo trong tình hình mới, những năm 1988-1997, đảo Phan Vinh không ngừng phát triển, tăng cường lực lượng chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu phòng thủ theo các phương án tác chiến mới của quy mô đảo cấp III. Lực lượng chiến đấu hình thành các trung đội hoả lực hỗn hợp. Quy mô tổ chức đảng của đảo vẫn duy trì cấp chi bộ cơ sở. Từ năm 1997 trở đi, tổ chức lực lượng chiến đấu của đảo lại có sự thay đổi, thành lập các phân đội chiến đấu hỗn hợp và các bộ phận phục vụ, bảo đảm chiến đấu để phù hợp với cách đánh mới. Cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy của đảo được kiện toàn ngày càng chặt chẽ và hoạt động hiệu quả.

        Đi đôi với xây dựng và chấn chỉnh lực lượng chiến đấu, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức lãnh đạo chỉ huy, công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; xây dựng các hệ thống công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu của đảo Phan Vinh được chú trọng và đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

        Về công tác sẵn sàng chiến đấu, nắm vững yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo "Tích cực, chủ động, mưu trí, ngoan cường, vững chắc" của Đảng ủy Lữ đoàn, chi ủy, chi bộ và chỉ huy đảo đã tiến hành thường xuyên, liên tục việc quán triệt, giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ quân nhân chuyên nghiệp âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài, xác định phân biệt rõ đối tượng và đối tác yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo và phạm vi được phân công. Đảo duy trì nghiêm 24/24 giờ các chế độ công tác sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban các cấp, trực thông tin, ra đa, trực phòng không; luôn đảm bảo số lượng, chất lượng phương tiện và lực lượng sẵn sàng xừ lý tốt mọi tình huống có thể xảy ra. Sở chỉ huy đảo được nâng cấp xây dựng mới cùng với việc đầu tư trang bị kỹ thuật khí tài phục vụ cho chỉ huy tác chiến ngày càng hiện đại. Hệ thống các trạm quan sát đồi không, đối hải được nâng cấp và tổ chức quan sát ngày càng chặt chẽ, theo dõi và quản lý được mọi mục tiêu trên biển, trên không cả ban ngày và ban đêm. Hàng năm, đảo quan sát phát hiện được hàng trăm lần máy bay, bắn xua đuổi 10 đến 15 lần tàu thuyền các loại của nước ngoài xâm phạm đánh bắt hải sản, nghiên cứu thăm dò trái phép, đảm bảo an toàn cho đơn vị và khu vực biển phụ trách. Công tác tuần tra, canh gác ban đêm được đảm bảo bí mật, giữ tuyệt đối an toàn cho đảo. Thông tin liên lạc thông suốt với Sở chỉ huy Quân chủng, Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn, đảo bạn và với các đơn vị xây dựng, chi viện đảo. Hiệu suất thông tin liên lạc cả hai mạng tín và thoại thường xuyên đạt trên 95%.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 12:20:20 am »


        Hàng năm, đảo làm tốt việc bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện về các phương án tác chiến phòng ngự; hiệp đồng chiến đấu, phương án đánh địch tập kích ban đêm ở cấp phân đội và toàn đảo; đồng thời tổ chức tốt việc luyện tập các phương án, thực hiện các đối sách xử lý các tình huống cụ thể trên biển và thường xuyên báo động sẵn sàng chiến đấu cấp phân đội Hàng năm, các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Quân chủng, của Vùng và Lữ đoàn kiểm tra tình hình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đảo. Kết quả kiểm tra các mặt công tác quân sự, chính trị, kỹ thuật, hậu cần, đảo Phan Vinh luôn đạt yêu cầu trở lên và được trên đánh giá là đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và các quy định của Vùng.

        Từ sau năm 1990, thực hiện việc luân phiên cán bộ trên quần đảo Trường Sa và Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nên thời gian công tác thực tế ở đảo của cán bộ, chiến sĩ thường từ 6 tháng đến 12 tháng. Để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện một cách liên tục của các bộ phận, đơn vị, đảo quan hệ hiệp đồng chặt chẽ với Lữ đoàn tiến hành thay quân hàng năm, giữ vững tỷ lệ hợp lý giữa cán bộ, chiến sĩ cũ và mới; giữa người có nhiều kinh nghiệm và ít kinh nghiệm một cách hài hoà.

        Huấn luyện chiến đấu là công tác quan trọng hàng đầu của đảo. Những năm 1988-2006, công tác huấn luyện tiếp tục được đẩy mạnh cùng với sự đầu tư mạnh về mọi mặt của Quân chủng và Lữ đoàn, đảo từng bước đổi mới nội dung, sát thực tiễn và đi vào nền nếp chính quy. Tổ chức huấn luyện luôn bám sát phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện thực hành ban đêm và trong những điều kiện thời tiết phức tạp. Đặc biệt quan tâm huấn luyện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ khẩu đội trưởng trở lên làm lực lượng nòng cốt để nâng cao chất lượng của đơn vị. Nắm chắc cách đánh phòng thủ của đảo và yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới, công tác huấn luyện tập trung nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật của cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm mỗi cán bộ, chiến sĩ có trình độ khai thác sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị của đơn vị; đồng thời cán bộ của đảo phấn đấu có trình độ chỉ huy thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách được giao và có khả năng sẵn sàng thay thế, kiêm nhiệm được ở các vị trí khi cần thiết; thường xuyên rút kinh nghiệm từng môn học, bài học, tăng cường công tác kiểm tra, hội thao huấn luyện, sơ kết, tổng kết ở các cấp đơn vị từ tiểu đội trở lên, nên chất lượng huấn luyện bảo đảm đạt được các yêu cầu đề ra và ngày càng tiến bộ vững chắc. Các năm 2000, 2003 và 2005, đảo được Lữ đoàn và Tư lệnh Hải quân tặng Bằng khen về thành tích huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

        Song song với tổ chức xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu từ năm 1988 đến 2005, hệ thống các công trình phòng thủ trên đảo tiếp tục được nâng cấp và xây mới theo hướng kiên cố, lâu bền để bảo đảm khả năng phòng thủ ngày càng vững chắc, cơ bản lâu dài. Ngoài các đơn vị công binh Trung đoàn 83, Trung đoàn 131 thi công các công trình, còn có sự tham gia vận chuyển vật liệu, tu sửa các công sự dã chiến của bộ đội đảo Phan Vinh. Đầu những năm 1990, nhiều công trình chỉ huy chiến đấu và chiến đấu được đưa vào sử dụng. Các năm tiếp theo 1995-2002 hàng loạt các công trình nâng cấp kiên cố, liên hoàn tiếp tục được xây dựng và đưa vào sử dụng, trong đó có hệ thống kè bê tông chống xói lở quanh đảo được hoàn thành, phát huy tốt hiệu quả củng cố đảo. Những năm này bộ mặt của đảo mỗi năm một đổi mới kiên cố và vững chắc hơn, cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, tin tưởng vào khả năng sức mạnh phòng thủ của đảo trong mọi tình huống.

        Chấp hành nghị quyết của lữ đoàn, từ năm 1996, đảo hướng mạnh vào công tác rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng chính quy. Chi bộ đảo xác định đây là mặt công tác quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định nâng cao sức mạnh chiến đấu của đảo và là một yêu cầu tất yếu trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Bởi vậy, những năm 1996-2000, tình hình chấp hành kỷ luật của đảo đi dần vào nền nếp. Các chế độ công tác, học tập, sinh hoạt từng bước được chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc, trật tự nội vụ, vệ sinh doanh trại, nơi ăn ở có nhiều tiến bộ, các hiện tượng vi phạm kỷ luật thông thường giảm đáng kể. Các năm tiếp theo 2001-2006, công tác rèn luyện, chấp hành kỷ luật xây dựng nền nếp chính quy được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, đã tạo ra sự chuyển biến mạnh trên mọi mặt công tác và sinh hoạt của đảo. Chỉ huy đảo đã thường xuyên làm tốt việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Quân chủng, của Vùng về rèn luyện kỷ luật xây dựng chính quy, chi bộ đã ra các nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Năm 2004-2007, đảo tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 733 về "5 xây, 5 chống" của Trưởng ban chỉ đạo 1438 Quân chủng và các chỉ thị về cấm uống rượu, bia say, cấm bán rượu bia trong đơn vị. Bằng nhiều biện pháp giáo dục, động viên đi đôi với kiểm tra thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời đã tạo nên một khí thế mới trong rèn luyện chấp hành kỷ luật của toàn đảo. Đảo tổ chức chấm điểm thi đua hàng tuần, hàng tháng, cụ thể đến từng phân đội một cách chính xác; biểu dương những tiến bộ, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót đã có tác dụng cổ vũ động viên mạnh mẽ tinh thần rèn luyện chấp hành kỷ luật của mọi cán bộ, chiến sĩ. Những năm này, doanh trại các đơn vị luôn giữ được vệ sinh sạch sẽ, bộ đội thể hiện đúng lễ tiết, tư thế tác phong quân nhân; công tác huấn luyện chuyển biến mạnh, luôn bảo đảm đúng, đủ nội dung, thời gian huấn luyện; công tác quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật, vũ khí, khí tài chặt chẽ, an toàn. Nơi làm việc từ đảo bộ xuống tới các phân đội có đầy đủ bảng, biểu theo quy định của trên; các chế độ thực hiện trong ngày, tuần, tháng được thực hiện nghiêm túc; các vụ vi phạm kỷ luật thông thường giảm hẳn và không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng. Nhiều năm đảo được công nhận Đơn vị vững mạnh toàn diện, Đơn vị Quyết thắng (như các năm 1993-1995, 1998-2000, 2003-2005).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 12:22:49 am »


        2. Không ngừng nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phòng thủ và đời sống của bộ đội

        Những năm 1988-2006, số lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài tăng cường cho đảo rất lớn với nhiều chủng loại do nhiều nước sản xuất và đi kèm theo là công tác bảo đảm duy trì khả năng hoạt động của vũ khí, trang bị cũng rất lớn. Trong khi đó, đảo ở xa bờ, việc tiến hành công tác kiểm tra, bảo quản, sửa chữa, cung ứng vật tư của ngành kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, do điều kiện thời tiết phức tạp, hạn chế khả năng hoạt động của phương tiện từ bờ ra đảo phục vụ công tác kỹ thuật, hơn nữa hoạt động trong môi trường khí hậu có độ ẩm cao, hơi nước mặn dày đặc, làm cho vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài nhanh xuống cấp, hư hỏng. Bởi vậy, công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện luôn là một công tác lớn, nặng nề, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với ngành kỹ thuật của cấp trên nói chung và của đảo Phan Vinh nói riêng.

        Từ năm 1988, để tiến hành các khâu bảo quản sửa chữa cho một số lượng lớn vũ khí, trang bị, ngoài lực lượng của Vùng 4 và Lữ đoàn 146, đảo còn được tăng cường lực lượng kỹ thuật Nhà máy Z753 của Quân chủng và Nhà máy Z133, Z201 của Tổng cục Kỹ thuật và Binh chủng Tăng - Thiết giáp.

        Đi đôi với việc tăng cường các lực lượng kỹ thuật của các cấp và đơn vị bạn, tổ kỹ thuật của đảo được thành lập và từng bước được kiện toàn làm nhiệm vụ theo dõi kiểm tra, quản lý các loại vũ khí, trang bị vật tư kỹ thuật, tổ chức huấn luyện kỹ thuật, bảo quản, niêm cất, sửa chữa khôi phục những hư hỏng thông thường, sửa chữa nhỏ, đôn đốc, giám sát các phân đội thực hiện các chế độ “ngày kỹ thuật”, “giờ kỹ thuật". Tổ kỹ thuật, và cán bộ chiến sĩ của đảo giữ vai trò rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Hàng năm, bám sát sự chỉ đạo của ngành kỹ thuật, công tác kỹ thuật của đảo tiến hành quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng vũ khí trang bị, đưa dần công tác quản lý sử dụng vào nền nếp chính quy, có hệ thống sổ sách đăng ký và ghi chép tình trạng kỹ thuật từ đảo xuống các phân đội; thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ kiểm kê đánh giá số lượng, chất lượng; duy trì nghiêm các chế độ bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ; chủ động phối hợp với đơn vị, với lực lượng kỹ thuật cấp trên và tìm biện pháp sửa chữa khắc phục hỏng hóc thông thường; các kho, hầm luôn luôn được sắp xếp gọn gàng, khoa học, bảo đảm an toàn chống cháy nổ. Hàng năm, đảo tổ chức tiếp nhận và bàn giao hàng chục tấn vật tư, đạn, vũ khí; sửa chữa nhỏ hàng chục lần vũ khí, trang bị, đảm bảo hệ số kỹ thuật vũ khí đạt 0,9; hệ số kỹ thuật đạn là 1, tổ chức huấn luyện kỹ thuật bổ sung được hàng trăm giờ về bảo quản, sử dụng vũ khí, trang bị.

        Thực hiện cuộc vận động "Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm" và phong trào đột phá “Xây dựng nền nếp chính quy, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật”, bảo chú trọng vào công tác giáo dục cho bộ đội nâng cao nhận thức về vị trí công tác kỹ thuật ở môi trường đảo và về tình hình của đất nước; nâng cao chất lượng chuyên môn và phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cùng với việc duy trì nghiêm nền nếp công tác kỹ thuật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thực lực vũ khí, trang bị đã góp phần quan trọng việc duy trì giữ vững chỉ tiêu hệ số kỹ thuật bảo đảm cho các nhiệm vụ.

        Những năm 1988-2006, các thiết bị bảo quản bao gói, nhà che, hầm chứa, kho cất giữ vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện của đảo không ngừng được trên tích cực nghiên cứu, đầu tư nâng cấp chất liệu và kiên cố hoá theo hướng bền chắc, cơ bản, lâu dài. Các công trình này đảo tiếp nhận sử dụng và quản lý tốt đã hạn chế được rất nhiều sự xuống cấp của vũ khí trang bị do tác động bất lợi của điều kiện môi trường.

        Như vậy, giai đoạn 1988-2006, công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu được đầu tư lớn cùng với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã góp phần rất lớn vào tăng cường sức mạnh và khả năng phòng thủ của đảo, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới về công tác kỹ thuật trên quần đảo Trường Sa của Quân chủng Hải quân.

        Đi đôi với công tác bảo đảm kỹ thuật, công tác bảo đảm hậu cần cho đảo Phan Vinh được tiến hành một cách toàn diện trên các mặt với cả chiều rộng và chiều sâu, mang tính đặc thù, sát với thực tế yêu cầu xây dựng và bảo vệ đảo.

        Ngày 11 tháng 12 năm 1989, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị 316 về bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa và sau đó là các chỉ thị hướng dẫn thực hiện phương thức bảo đảm mới trên các mặt công tác hậu cần cho đảo đánh dấu một thời kỳ hoạt động hậu cần sôi nổi và đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội Trường Sa nói chung và đảo Phan Vinh nói riêng đáp ứng yêu cầu huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trong tình hình mới.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM