Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:56:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!  (Đọc 26129 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 11:44:37 pm »

     
        Vậy là đã gần 30 năm kể từ sự kiện CQ-88, 30 năm thật dài với một đời người nhưng với đất nước nó chỉ là một cái chớp mắt! 30 năm đã trôi qua nhưng năm nào những người lính Hải Quân cũng có hoạt động tưởng nhớ đến những đồng đội của mình - những người anh hùng đã lấy máu của mình tô thắm lá cờ của Tổ Quốc nơi mảnh đất nhỏ bé chập chùng sóng giữa ngàn khơi.

         Topic này xin thay một nén tâm nhang thắp lên cho những người đồng đội đã ngã xuống vì từng tấc đất của ông cha, cũng là một lời nhắc nhở, một lời thề của chúng ta:




        Topic này giới thiệu quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành của 9 đảo (Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, An Bang, Phan Vinh, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn, Trường Sa Đông và đảo Trường Sa) trên quần đảo Trường Sa trong khoảng thời gian từ 1975 dến 2007. Trong thực tế mỗi đảo trên là 1 cuốn sách độc lập, riêng rẽ, đều do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2007 do THƯỜNG VỤ ĐẢNG UỶ  VÀ THỦ TRƯỞNG CỤC CHÍNH TRỊ chỉ đạo nội dung, BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ tổ chức thực hiện.
        
        1. Truyền thống Đảo Song Tử Tây anh hùng 1975-2007
        2. Đảo Sơn Ca xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1975-2007
        3. Truyền thống đảo Nam Yết anh hùng 1975-2007
        4. Đảo An Bang xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1978-2007
        5. Đảo Phan Vinh xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1978-2007
        6. Đảo Sinh Tồn Đông xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1978-2007
        7. Đảo Sinh Tồn xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1975-2007
        8. Đảo Trường Sa Đông xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1978-2007
        9. Truyền thống Đảo Trường Sa anh hùng-1975-2007


        Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
        Năm xuất bản: 2007
        Số hoá: ptlinh, hqnd, Giangtvx

       * Chỉ đạo nội dung:

        THƯỜNG VỤ ĐẢNG UỶ  VÀ THỦ TRƯỞNG CỤC CHÍNH TRỊ

        *Tổ chức thực hiện:

        BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ

        *Các thành viên trong nhóm biên soạn biên soạn:

        Thượng tá NGUYỄN ĐỨC THUNG
        Thượng tá CAO VĂN QUÝ
        Thượng tá PHẠM NGỌC KHUYẾN
        Thượng tá CAO VĂN QUÝ (Chủ biên)
         Đại tá PHAN VĂN THẢO
        Thượng tá  NHUYỄN HUY THÀNH
        
        Các cuốn sách đều có chung 1 cấu trúc giống nhau: gồm có 3 phần

        Phần một: Đặc điểm tự nhiên, vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa Do phần này có nội dung giống nhau trên cả 9 cuốn sách nên được topic đưa chung 1 lần duy nhất ở phần đầu. Như vậy trong mỗi đảo chỉ trình bày phần 2 và phần 3

        Phần hai Quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của đảo

        Phần ba Những thành tích tiêu biểu nguyên nhân và truyền thống.

        Xin trân trọng giới thiệu.

 
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2020, 02:57:11 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 11:05:52 pm »

Phần một
 

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

        I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

        Quần đảo Trường Sa còn được gọi với nhiều tên khác như Spratley... Ở khu vực này là nơi sinh ra các cơn bão ở biển Đông nên đôi khi còn gọi là “quần đảo bão tố”. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm diện tích khoảng 160 đến 180 nghìn kilômét vuông, nằm ở phía Đông - Đông Nam bờ biển Nam Trung Bộ, trong giới hạn từ vĩ độ 06°30’N đến 12°00'00’’N và từ 111°30'00"E đến 117°30'00"E thuộc lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Vị trí quần đảo Trường Sa trên biển Đông

        Trong số hơn 100 đảo, bãi san hô, có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Thực chất đó là những đỉnh nhô cao của một cao nguyên ngầm với tổng diện tích khoảng 414.000km2. Các đảo, bãi đá, bãi ngầm ở đây có dạng hình vành khăn hay elíp. Bao quanh đảo là thềm san hô nước nông, ra khỏi thềm nước biển sâu đột ngột từ vài trăm đến vài ba nghìn mét. Các thềm thường có các rãnh hẹp sâu từ vài chục mét đến hàng trăm mét, chạy dọc theo hướng từ chân đảo hay trong lòng các hồ ra ngoài vùng nước sâu. Các rãnh được coi như luồng ra vào đảo và lòng hồ tự nhiên của đảo. Thềm san hô ngầm gây nguy hiểm cho tàu thuyền đi lại trong khu vực.

        Đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Thái Bình (Ba Bình), có diện tích 0,6km2, tiếp theo là các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, diện tích mỗi đảo khoảng 0,1 đến 0,2km2, các đảo khác có diện tích nhỏ hơn. Độ cao các đảo nhìn chung không lớn, khi thủy triều lên, những đảo có bình độ lớn nhất cao trên mặt nước chừng 1,5 đến 2 mét. Khi thủy triều xuống thấp nhất, độ cao của các đảo cũng chỉ cao hơn mặt nước từ 2 đến 5 mét. Có khoảng 18 đảo lớn, nhỏ không bị nước thủy triều lên cao làm ngập là có thể đóng quân, còn lại những bãi đá ngầm khác muốn đóng quân phải tốn nhiều công sức, vật liệu xây dựng nhà cửa trên nền san hô thường xuyên ngập nước.

        Do tác động của biển Đông, hình dạng các đảo nổi và các bãi đá ngầm thường xuyên bị biến dạng. Đảo nào cũng có một vành đai san hô bao quanh, rộng hàng trăm mét, có bãi rộng 1 đến 2km che chở cho đảo trước sự tàn phá của sóng, nhưng khi có bão lớn, sóng biển trào lên làm cho hình dáng của đảo thay đổi, bồi ở bên này, lở ở bên kia và phụ thuộc vào hướng gió hoặc dòng chảy. Có một số bãi nông, thoải, thềm rộng thuận tiện cho các tàu đổ bộ.

        Cấu trúc các bãi san hô thường trũng ở giữa tạo thành các hồ, ngăn cách với biển xung quanh. Độ sâu hồ trung bình từ 5 đến 40 mét. Do không bị tác động trực tiếp của sóng và dòng chảy bên ngoài nên mặt nước hồ khá tĩnh lặng, rất thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu tránh gió bão.

        Trải qua biến đổi của thiên nhiên, san hô chết, lớp này chồng lên lớp kia, bị xâm thực gãy vụn thành cát nhỏ được sóng và dòng chảy mang đi vun lên thành các đảo. Độ dày trung bình của các lớp đá vụn từ 15 đến 40, 50cm gắn kết với nhau khá chặt chẽ. Trong các lớp đá vụn san hô còn có lớp phân chim lẫn mùn cây, có bề dày 5 đến 10cm. Tuy nhiên, nền địa chất của từng đảo cũng có sự khác nhau, gây không ít khó khăn cho việc xây dựng các công trình phòng thủ đảo.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2017, 11:13:39 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 11:20:22 pm »


        Trên một số đảo có nước ngầm. Nước ngầm ở quần đảo Trường Sa nói chung có nguồn gốc từ nước mưa, được chứa trong các tảng đá có lỗ hổng cao và nổi trên nền nước mặn. Cơ chế hình thành các túi nước ngầm ở đây giống như các đảo cát ven biển. Nước ngầm nằm ở độ sâu từ 1,7 đến 2,5 mét dưới mặt đảo ứng với tầng trên cùng của lớp san hô. Một số đảo lớn như: Thái Bình, Trường Sa, Nam Yết, Song Tử, Thị Tứ, Đảo Dừa, nước lợ tương đối nhiều, có thể tắm giặt. Khí hậu ở vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt lớn so với các vùng biển ven bờ, mùa hè mát hơn, mùa đông ấm hơn và có thể chia làm hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Ở vùng biển nước ta, quần đảo Trường Sa là nơi có lượng mưa hàng năm lớn nhất với 2.575mm, có ngày mưa tới 198mm, số ngày nắng 270 ngày trong năm. Một số hiện tượng thời tiết diễn ra theo những quá trình cũng khác so với lục địa.


Bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ Quốc

        Hàng năm, ở quần đảo Trường Sa có tới 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, phân phối không đều trong các tháng. Thời kỳ gió mạnh xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 1, 2 năm sau. Đây là thời kỳ thịnh hành của gió mùa Đông Bắc, mỗi tháng có 13 đến 20 ngày gió mạnh, các tháng 3, 4, 5 mỗi tháng chỉ có 2 đến 6 ngày có gió mạnh. Tháng 4 là tháng có ít gió mạnh nhất, đây là thời kỳ chuyển tiếp từ gió mùa Đông Bắc sang gió mùa Tây Nam gần như sóng yên biển lặng, rất thuận lợi cho việc đi biển. Từ tháng 6 đến tháng 9 là thời kỳ thịnh hành của gió Tây Nam, số ngày gió mạnh tăng lên, mỗi tháng tử 8, 9 ngày đến 13, 14 ngày. Hiện tượng giông trên vùng biển Trường Sa rất phổ biến, quanh năm tháng nào cũng có, từ tháng 1 đến tháng 3 số ngày có giông ít hơn.

        Thực vật ở quần đảo Trường Sa có hai nguồn gốc: sinh trưởng tự nhiên và do con người mang từ đất liền ra trồng. Thực vật sinh trưởng tự nhiên phổ biến là cây phong ba, cây bàng quả vuông, xương rồng, rau muống biển và một số cỏ sắc cạnh. Các loại mang từ đất liền ra như dừa, phi lao, bàng. Sinh trưởng của thực vật khó khăn vì đất cằn cỗi, thiếu nước ngọt, gió mạnh, hơi nước mặn. Một số đảo thấp không có cây hoặc cây thưa thớt.

        Căn cứ vào cấu tạo địa hình, địa chất, thủy văn, thảm thực vật và khoảng cách giữa các đảo, quần đảo Trường Sa được chia thành 8 cụm là: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Trong đó, cụm Bình Nguyên có nhiều đảo, bãi đá ngầm nhất (42 đảo, bãi đá ngầm).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 11:24:15 pm »


        II. VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

        Quần đảo Trường Sa nằm giữa biển Đông, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp vùng biển Philíppin, phía Nam giáp vùng biển Malaixia, Brunây và Inđônêxia; phía Tây là vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải và tuyến đảo ven bờ của vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Từ trung tâm quần đảo Trường Sa đến vùng biển của Malaixia khoảng 250 hải lý, đến vùng biển của Philíppin khoảng 210 hải lý, đến vùng biển của Brunây khoảng 320 hải lý, đến đảo Hải Nam khoảng 600 hải lý, đến đảo Đài Loan khoảng 900 hải lý.


Vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa

        Về giao thông, quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua biển Đông, trong đó có 15 đến 20% tàu lớn, trọng tải trên 30.000 tấn. Hiện nay, trên các đảo và bãi san hô đã có một số công trình kiên cố và nhà ở, một số đảo có đèn biển, có luồng vào. Trên luồng có thiết bị phao dẫn luồng và phao buộc tàu tạo thuận lợi cho tàu thuyền vào tránh giông bão. Tuy nhiên, việc điều động tàu vẫn khó khăn vì luồng hẹp, độ sâu hay thay đổi nên tàu thuyền ra vào phải nhằm thời tiết tốt và vào ban ngày.

        Về quân sự, quần đảo Trường Sa là lá chắn quan trọng bao quanh vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn ngừa và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế từ lâu quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao.

        Sau khi xâm lược nước ta, đánh giá cao vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa, người Pháp đã tổ chức khảo sát, đo đạc, biên vẽ bản đồ vùng biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa. Trước khi tiến hành chiến tranh ở Thái Bình Dương, Nhật Bản đã chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa làm bàn đạp đánh chiếm Đông Dương, Xingapo, Inđônêxia. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Mỹ can thiệp, đưa quân vào miền Nam Việt Nam đã ủng hộ và tạo điều kiện cho chính quyền ngụy Sài Gòn đóng giữ quần đảo Trường Sa; ép chính phủ Philíppin cho Mỹ lập căn cứ hải quân và không quân trên lãnh thổ Philíppin để khống chế lực lượng quân sự của các nước trong khu vực và đường hàng hải quốc tế qua biển Đông. Bàn về biển Đông, nhiều nhà quân sự thế giới cho rằng: Ai làm chủ Trường Sa sẽ làm chủ biển Đông.

        Về kinh tế, trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loài hải sản quý như hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển, các loài ốc có giá trị dinh dưỡng, nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho nhân dân và làm hàng hóa xuất khẩu thu lợi nhuận cao cho Nhà nước. Với vị trí ở giữa biển Đông, quần đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với quý khách trong và ngoài nước. Trong một vài thập kỷ tới, tốc độ phát triển kinh tế cao của các nước trong khu vực (dự báo khoảng 7% năm), khối lượng hàng hóa vận chuyển qua biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó biển Đông nói chung, vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng có vai trò to lớn trong thương mại quốc tế. Đặc biệt sau khi xây dựng xong kênh KRA ở Thái Lan sẽ thu hút một số tuyến đường biển quốc tế lớn đi qua đây, tạo cơ hội để chúng ta chia sẻ thị phần vận tải quốc tế, khi đó vùng biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa sẽ trở thành chiếc “cầu nối" cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

        Quần đảo Trường Sa có nguồn dầu khí là tài nguyên lớn và quan trọng nhất ở biển, ta đã và sẽ khai thác hàng triệu tấn dầu thô và hàng tỷ mét khối khí phục vụ cho mục đích kinh tế. Hiện Việt Nam đã trở thành nước lớn thứ ba trong khu vực về khai thác dầu khí (sau Inđônêxia và Malaixia).

        Rõ ràng, quần đảo Trường Sa có vị trí địa lý quan trọng và ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 11:25:53 pm »


        III. QUÁ TRÌNH LÀM CHỦ VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

        Quần đảo Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có đầy đủ căn cứ khoa học một cách vững chắc cả về lịch sử và pháp lý phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

        Theo luật pháp và tập quán quốc tế khi xem xét chủ quyền quốc gia đối với một hải đảo hay quần đảo người ta dựa vào các cơ sở về mặt địa lý, lịch sử và pháp lý. Trong 3 yếu tố đó, yếu tố địa lý là để tham khảo; cơ sở về mặt lịch sử chỉ được tính đến khi đó là hành động chiếm hữu và khai thác của Nhà nước đối với đất vô chủ, còn yếu tố về mặt pháp lý mới là cơ sở chủ yếu để xác định chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia đối với các đảo.

        Nhà nước Việt Nam từ lâu đã chiếm hữu thật sự quần đảo Trường Sa khi quần đảo chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và liên tục thực hiện chủ quyền thực sự của mình đối với quần đảo này.

        1. Thời kỳ trước năm 1884

        Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu trước tiên và thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

        Trong các tài liệu và bản đồ cổ của Việt Nam và nước ngoài từ nhiều thế kỷ trước đã ghi rõ quần đảo Trường Sa là lãnh thổ và nằm trong hệ thống địa lý hành chính của Việt Nam.

        Trong bản đồ xứ Đàng Trong do Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774 và “Đại Nam nhất thống toàn đồ" vẽ vào khoảng năm 1838 thì “Bãi Cát Vàng" Hoàng Sa, vạn lý Trường Sa đều được thể hiện là lãnh thổ Việt Nam.

        Lê Quý Đôn, trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục" viết năm 1776 đã ghi: “Phủ Quảng Ngãi , ở ngoài cửa biển xã An Vinh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, phía ngoài đó có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến". Địa điểm Lê Quý Đôn nói tới là quần đảo Trường Sa ngày nay.

        Trong “Bản đồ biển Đông" của anh em Van Lang Ren người Hà Lan in năm 1595 và trong bản đồ Méccato in năm 1693 đã vẽ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thành một dải liền nhau hình lá cờ đuôi nheo nằm sát bờ biển miền Trung Việt Nam.

        Qua các tài liệu và bản đồ lược kê trên đều khẳng định quần đảo Trường Sa từ lâu đã là một bộ phận lãnh thổ cụ thể, có tên tuổi, có người quản lý, làm chủ, thuộc Nhà nước Việt Nam.

        Với tư cách người làm chủ, Nhà nước Việt Nam trong nhiều thế kỷ đã liên tiếp điều tra, khảo sát, khai thác, lập bản đồ quần đảo Trường Sa.

        Triều Tây Sơn tuy phải đối phó liên miên với quân xâm lược vẫn luôn quan tâm đến việc duy trì và sử dụng các đội Hoàng Sa để khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1786, Nguyễn Huệ sai cai Hội Đức Hầu dẫn đội Hoàng Sa gồm 4 chiếc thuyền câu vượt biển thu lượm đồ vàng bạc, đồ đồng, đồi mồi, hải ba cùng cá gáy mang về kinh đô dâng nộp. Kết quả khảo sát, điều tra quần đảo Trường Sa được ghi chép tỷ mỷ trong các sách địa lý và lịch sử của Việt Nam. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí" viết năm 1821, "Việt sử cương giám khảo lược" năm 1876, “Hoàng Việt dư địa chí" năm 1883, “Đại Nam thực lục tiền biên” viết năm 1884 ghi chép về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ông cha ta cách đây hơn 2 thế kỷ trùng hợp với các số liệu trong các tài liệu khảo sát hàng hải hiện đại ngày nay.

        Sử sách các triều đại nhà Nguyễn còn ghi chép tỷ mỷ các đội Hoàng Sa hàng năm được cử ra hai quần đảo để khảo sát, vẽ bản đồ và thực hiện chủ quyền của mình. Năm 1815, vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh chỉ huy đội Hoàng Sa; năm 1816 cho thủy quân và đội Hoàng Sa ra khảo sát và đo đạc đường biển.

        Vào tháng cuối mùa đông mỗi năm, nhà Nguyễn đưa từ 5 đến 10 hoặc 18 đến 20 chiếc thuyền đến các đảo xa lấy hoá vật và thuỷ hải sản quý hiếm.

        Nhà nước phong kiến Việt Nam luôn chăm lo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền các nước qua lại và củng cố chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa.

        Trách nhiệm của một Nhà nước về chủ quyền của mình và về nghĩa vụ đối với hàng hải quốc tế trong khu vực, Nhà nước phong kiến Việt Nam đều đặn cho quân tiến hành việc đo đạc, khảo sát tỷ mỷ toàn diện - hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

        Việc thực hiện chủ quyền và nghĩa vụ của Nhà nước Việt Nam còn thể hiện ở sự giúp đỡ, cứu nạn tàu bè qua lại và thường xuyên tiến hành tuần tiễu bảo vệ hai quần đảo. Tháng 10 năm 1714, ba tàu buồm Hà Lan bị đắm ở Hoàng Sa, thủy thủ các tàu này đã được ngư dân Việt Nam cứu và dẫn vào đất liền trình diện chúa Nguyễn. Họ đã được giúp đỡ ăn, ở chu đáo cho đến ngày về nước. Những tài liệu lịch sử nghĩa cử, hoạt động nói trên và các văn kiện chính thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam đã ghi chép đầy đủ các mặt địa lý hành chính, kinh tế của quần đảo và việc thực hiện chủ quyền với danh nghĩa Nhà nước đối với quần đảo đó đã có giá trị pháp lý vững chắc, không ai có thể thay đổi được. Việc thành lập đội Hoàng Sa, hàng năm có mặt đều đặn ở hai quần đảo để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao chứng tỏ rằng Nhà nước Việt Nam thực sự thực hiện quyền làm chủ, củng cố và giữ vững chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa.

        Trong lịch sử trước đây, việc chiếm hữu và khai thác quần đảo Trường Sa của Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ gặp sự chống đối của bất cứ quốc gia nào. Ngay cả với nước láng giềng từ thế kỷ XIX trở về trước vẫn thừa nhận và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 11:27:57 pm »


        2. Thời kỳ từ năm 1884 đến tháng 1 năm 1950

        Sau khi ký Hiệp ước ngày 6 tháng 6 năm 1884 giữa Pháp và triều đình nhà Nguyễn về việc nhà Nguyễn đồng ý cho Pháp thay mặt Nhà nước Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại, ký các văn bản ngoại giao và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Từ đó, trong khuôn khổ cam kết chung, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

        Năm 1887, Pháp và triều đình Mãn Thanh ký công ước về hoạch định biên giới cả trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

        Năm 1909, nhà cầm quyền Pháp cho các pháo hạm tuần tiễu trên vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Từ năm 1920, các tàu của Sở hải quân Đông Dương cũng được tăng cường để làm nhiệm vụ tuần tiễu chống bọn buôn lậu ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

        Năm 1933, để tiếp tục củng cố chủ quyền, chính phủ Pháp đã phái lực lượng đến dựng bia chủ quyền trên 7 hòn đảo lớn của quần đảo Trường Sa. Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ Grơthayme đã ký Nghị định số 4762/S-P đặt quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.

        Ngày 15 tháng 6 năm 1938, toàn quyền Đông Dương Brêviê đã ký Nghị định số 156/S-P xây dựng một đèn biển, trạm khí tượng thủy văn, đài vô tuyến điện ở đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa.

        Suốt thời gian đại diện cho Nhà nước Việt Nam về đối ngoại, chính phủ Pháp luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời phản kháng những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo đó.

        Sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi trở lại chiếm đóng Việt Nam, nhà cầm quyền Pháp đã phái chiến hạm ra quần đảo Hoàng Sa, xây dựng lại trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa, từ đó luôn cử các tàu chiến liên tục làm nhiệm vụ kiểm soát và thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

        3. Thời kỳ từ tháng 10 năm 1950 đến tháng 4 năm 1975

        Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức bàn giao việc quản lý và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính phủ Bảo Đại. Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã ra Hoàng Sa chủ trì việc bàn giao. Ngày 9 tháng 7 năm 1951, tại Hội nghị Xan Phranxixcô, sau khi Nhật tuyên bố từ bỏ mọi quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đã chiếm đóng trái phép từ trước chiến tranh thế giới thứ hai, Trần Văn Hữu, Thủ tướng chính phủ của chính quyền Bảo Đại đã tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lời khẳng định này được đưa ra trước Hội nghị có đại diện của 51 nước tham dự nhưng không có đại biểu nào lên tiếng phản đối.

        Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, ngày 28 tháng 4 năm 1956, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, chính quyền Sài Gòn vẫn còn duy trì các lực lượng đồn trú bảo vệ, khảo sát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 20 tháng 10 năm 1956, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 143/NV về việc đổi tên các tỉnh miền Nam, trong đó có đảo Trường Sa được đưa về tỉnh Phước Tuy.

        Năm 1957, các lực lượng thủy quân lục chiến của quân đội Sài Gòn đã được đưa ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ các đảo thay các đơn vị đồn trú trước đây.

        Năm 1963, chính quyền Sài Gòn đã dựng bia chủ quyền trên các đảo Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây... Trong các năm từ 1961 đến 1973 liên tục phái các đội tàu làm nhiệm vụ tuần tiễu, kiểm soát và tiến hành khảo sát ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

        Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 420-BNV/HCDP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải thuộc quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

        Như vậy, từ sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương cho đến tháng 4 năm 1975 chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tiến hành những hoạt động thực hiện chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa một cách hoà bình, thực sự và liên tục.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 11:28:56 pm »


       4. Thời kỳ từ tháng 4 năm 1975 đến nay

        Tháng 4 năm 1975, trong hào khí của cuộc Tổng tiến công nổi dậy của quân và dân ta giải phóng miền Nam, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi trọn vẹn.

        Được giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa là lực lượng Đặc công Hải quân phối hợp với lực lượng Đặc công Quân khu 5. Các tàu 673, 674, 675 của Đoàn 125 làm nhiệm vụ chở bộ đội giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 14 tháng 4, đảo Sơn Ca ngày 25 tháng 4, đảo Nam Yết ngày 27 tháng 4, đảo Sinh Tồn ngày 28 tháng 4, đảo Trường Sa ngày 29 tháng 4 năm 1975 hoàn thành thắng lợi một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược do Quân ủy Trung ương giao cho Hải quân. Từ đó đến nay chúng ta tiếp tục tổ chức bảo  vệ và thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa.

        Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Tại Điều 5 trong tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ ta về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tại Điều 4 trong tuyên bố ngày 12 tháng 11 năm 1982 của Chính phủ ta về đường cơ sở để tính bề rộng của lãnh hải đều có những quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

        Ngày 9 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28 tháng 12 năm 1982, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá VII đã ra Nghị quyết tách huyện Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sáp nhập vào tỉnh Phủ Khánh. Năm 1990, khi Phú Khánh tách thành hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên thì huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà. Như vậy, cùng với huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh; Cát Hải, Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng; Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị; Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng; Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi; Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận; Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Kiên Hải, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang; Trường Sa là một trong 12 huyện đảo của đất nước có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về quốc phòng - an ninh, đang được cả nước quan tâm đầu tư để từng bước trở thành trung tâm kinh tế, giao thông trong công cuộc chinh phục biển cả.

        Ngày 23 tháng 6 năm 1994, tại kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa IX) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982 đã nhấn mạnh: "Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trưởng Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa". Quốc hội cũng nêu rõ quan điểm: "Cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam căn cứ vào các nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982".

        Ngày 18 tháng 3 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 171/TTG về các công việc cần triển khai để phát triển kinh tế biển và ngày 22 tháng 9 năm 1997, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 20/CT-TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có quần đảo Trường Sa.

        Ngày 14 tháng 10 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 34/2004/CT-TTg "Về tăng cường phối hợp công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam". Trong Chỉ thị, Thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Thủy sản, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự trên các vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 11:30:13 pm »


        Quần đảo Trường Sa và các vùng biển, thềm lục địa nhạy cảm dễ bị các quốc gia khác yêu sách tranh chấp, cần được ưu tiên hàng đầu củng cố vị trí vững chắc, nâng cao sức mạnh phòng thủ, đồng thời đầu tư thích đáng xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ hậu cần nhằm thu hút các hoạt động kinh tế góp phần củng cố thế và lực của Việt Nam.

        Quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta đối với vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ được thể hiện trong giai đoạn hiện nay mà còn ở trong các giai đoạn trước.

        Năm 1985, công ty viễn thông của năm nước là Ôxtrâylia, Inđônêxia, Philíppin, Xingapo, Nhật Bản và hai khu vực là Đài Loan, Hồng Lông muốn đặt cáp ngầm đi qua vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Trường Sa đã phải làm đơn xin phép và được Chính phủ ta cho phép mới tiến hành.

        Việc nước ngoài chiếm trái phép một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa và thông qua Luật biển, vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, quy định Trường Sa là lãnh thổ của họ đã vi phạm chủ quyền của Nhà nước ta đối với quần đảo này, trái với Luật biển quốc tế năm 1982, luật pháp và tập quán quốc tế, ảnh hưởng đến truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc. Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, quân và dân ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời tìm mọi biện pháp nhằm giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoà bình.

        Như vậy, việc xác lập chủ quyền và làm chủ quần đảo Trường Sa được thể hiện trên những điểm sau:

        Một là, Nhà nước phong kiến Việt Nam là người đầu tiên trong lịch sử đã làm chủ và thực hiện quyền kiểm soát, quản lý và khai thác quần đảo Trường Sa.

        Trước đó quần đảo này chưa có ai chiếm giữ, chưa hề nằm trong địa lý hành chính và chịu sự quản lý của bất cứ quốc gia nào. Không một quốc gia đương thời nào phản đối sự chiếm hữu của Việt Nam đối với quần đảo này và cũng chưa bao giờ xảy ra sự tranh chấp nào về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo kể từ khi được hình thành.

        Hai là, quyền làm chủ của các chính quyền kế tiếp nhau ở Việt Nam đối với quần đảo là thực sự rõ ràng, cụ thể, có văn bản pháp lý và được tuyên bố công khai cho các nước biết, có tổ chức lực lượng khai phá, bảo vệ, không ngừng củng cố và giữ vững quyền làm chủ của Việt Nam, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Ngay từ đầu và qua các thời kỳ, quần đảo đã được tổ chức thành những đơn vị hành chính, có bộ máy quản lý phù hợp với quy mô, phạm vi của từng đảo và yêu cầu của công cuộc bảo vệ.

        Ba là, việc thực hiện chủ quyền trên quần đảo được tiến hành tuần tự, có các bước đi chặt chẽ, phù hợp, diễn ra như một quy trình tự nhiên từ phát hiện, khảo sát, thăm dò, đo đạc, vẽ bản đồ, dựng bia, trồng cây, xây đèn biển, đặt đài khí tượng thủy văn, hệ thống liên lạc, xây dựng nhà cửa, hầm hào, đê bao quanh đến tổ chức cung ứng, tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược bảo đảm cho các hoạt động trên đảo diễn ra bình thường.

        Bốn là, Nhà nước Việt Nam liên tục kế tiếp nhau bảo vệ các quyền của mình trước mọi âm mưu và hành động xâm chiếm của kẻ thù đối với quần đảo.

        Năm là, chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo đã được nhiều nhà hàng hải, nhà địa lý, nhà nghiên cứu phương Tây xác nhận từ nhiều thế kỷ trước, các triều đình phong kiến phương Bắc cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp công nhận quyền làm chủ, quyền khai thác quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhiều luật gia quốc tế nổi tiếng cũng thừa nhận Việt Nam hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý, căn cứ lịch sử và thực tế để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo.

        Chúng ta khẳng định: quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta. Từ xa xưa, ông cha ta đã phát hiện, khai thác, làm chủ một cách hoà bình, thực sự, liên tục đối với quần đảo và đã được thế giới công nhận. Với ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước, quân và dân ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách giữ gìn, bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất, từng mét san hô, từng sải biển trước âm mưu, hành động của kẻ thù. Nhà nước Việt Nam đã, đang và mãi mãi là chủ nhân của quần đảo Trường Sa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 11:46:54 pm »

   

Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề

       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 12:20:16 am »

     
TRUYỀN THỐNG ĐẢO SONG TỬ TÂY ANH HÙNG 1975-2007


        
LỜI NÓI ĐẦU

        Trong hào khí cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta, ngày 14 tháng 4 năm 1975, đảo Song Tử Tây hoàn toàn được giải phóng. Hơn 30 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 Hải quân mà trực tiếp là Đảng ủy và chỉ huy Lữ đoàn 146, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã khắc phục khó khăn, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, chiến đấu anh dũng, xây dựng đảo trưởng thành và phát triển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với những chiến công và thành tích đó, đảo Song Tử Tây được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân chương Chiến công các hạng, Bằng khen, Giấy khen.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân về việc biên soạn truyền thống các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Cục Chính trị tổ chức biên soạn cuốn sách: "Truyền thống đảo Song Tử Tây Anh hùng (1975-2007)" nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, quân dân huyện đảo Trưởng Sa nói chung, đảo Song Tử Tây nói riêng và làm tài liệu tuyên truyền.

        Trong quá trình biên soạn, vì tài liệu lưu trữ không đầy đủ nên khó tránh khỏi thiếu sót, Cục Chính trị mong độc giả thông cảm, góp ý kiến để khi tái bản sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

        Nhân dịp này, Cục Chính trị xin chân thành cám ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tập thể, cá nhân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tạo điều hiện để cuốn sách được xuất bản đúng dịp kỷ niệm lần thứ 32 ngày giải phóng đảo (14-4-1975 - 14-4-2007).  

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN        

Phần một
 

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA


Phần hai


QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO SONG TỬ TÂY (1975 - 2007)

       I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CỦA ĐẢO SONG TỬ TÂY

        Đảo Trường Sa ở vĩ độ 11°25'55"N, kinh độ 114°19'44"E, cách Cam Ranh (Khánh Hoà) khoảng 305 hải lý. Đảo có có hình bầu dục, chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài khoảng 630 mét, rộng 270 mét. Diện tích ước chừng 0,17km2. Khi thuỷ triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao từ 4 đến 6 mét. Mặt đảo có hình lòng chảo, trũng ở giữa cao dần ra xung quanh. Độ chênh lệch giữa lòng chảo và vành đai bao quanh từ 1,5 đến 2 mét.

        Đảo được hình thành bởi quá trình vôi hoá hàng triệu năm của san hô, lớp này trồng lên lớp kia. Thổ nhưỡng trên đảo chủ yếu là cát san hô pha với xác lá cây phân huỷ, tạo thành một lớp mùn khá màu mỡ, thuận lợi cho cây cối phát triển. Dưới mặt đất khoảng 2 mét là nước ngầm lợ, nguồn nước chủ yếu cho tắm giặt, tưới cây.

        Nằm trong quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây mang đặc điểm khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, số ngày nắng chiếm hơn 300 ngày trong năm và chia làm hai mùa, mùa mưa và mùa khô như các đảo khác trong quần đảo, song mùa mưa đến sớm hơn, thường bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 12.

        Là đảo ở phía Bắc, có vĩ độ địa lý cao nhất so với các đảo trong quần đảo Trường Sa, khí hậu thời tiết của đảo mang đậm đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm không khí cao tạo ra kiểu thời tiết nóng, ẩm, đỡ khắc nghiệt, oi bức so với các đảo khác. Thời tiết nóng ẩm cộng với thổ nhưỡng có độ màu mỡ làm cho thảm thực vật trên đảo dễ sinh trưởng, phát triển nhất là các loại cây cỏ thân mềm và cây bóng mát. Tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên thuận lợi này, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây tổ chức nuôi bò với số lượng từ 10 đến 15 con.

        Đây là đảo duy nhất trong quần đảo Trường Sa nuôi được bò. Đảo Song Tử Tây có vị trí chiến lược về chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng. Nằm trong cụm Song Tử, từ Song Tử Tây sang Song Tử Đông thuộc Philíppin chỉ có 1,5 hải lý và cách các đảo trong cụm không xa, thuận tiện cho việc giao lưu, tiếp xúc, tăng cường được sự hiểu biết, mối quan hệ hữu nghị giữa các lực lượng trong khu vực phía Bắc của quần đảo. Nằm ở phía Bắc của quần đảo, đảo Song Tử Tây quan sát, phát hiện sớm từ xa tàu thuyền, máy bay từ phía Bắc xuống phía Nam, từ Đông sang Tây, kịp thời báo cáo cho cấp trên biết và xử lý. Khoảng cách giữa đảo Song Tử Tây và các đảo không xa, dễ tạo được mối liên kết trong cụm đảo và tuyến đảo, làm lá chắn vững chắc từ xa bảo vệ sườn phía Đông của đất nước.

        Về kinh tế. đảo Song Tử Tây cùng với các đảo trong quần đảo án ngữ đường hàng hải quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, giữa châu Âu, châu Phi, với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, với Đông Nam Á và Đông Bắc Á, là địa điểm thuận lợi để làm dịch vụ hàng hải giữa biển Đông. Thực tế những năm qua, đèn biển của đảo đã phát huy tác dụng, góp phần thu ngoại tệ cho đất nước. Xung quanh đảo có nhiều loài hải sản quý hiếm, lại dễ đánh bắt, khai thác, chế biến phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Rõ ràng, đảo Song Tử Tây có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2017, 12:25:28 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM