Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:36:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!  (Đọc 26109 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 09:57:48 pm »


        Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Nam Yết, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 khẩn trương bắt tay vào việc thu dọn chiến trường, sắp xếp nơi ăn, chốn ở; nghiên cứu địa hình, địa vật trên đảo, xây dựng các phương án tác chiến phòng thủ; nhanh chóng sửa sang củng cố các công sự cũ và xây dựng các công sự, trận địa mới; bố trí các chốt canh gác, quan sát và tuần tra ngày đêm để kịp thời phát hiện, đánh trả, ngăn chặn mọi hành động xâm nhập đảo của bọn phản động trong nước gián điệp và biệt kích nước ngoài, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo của Tổ quốc. Để duy trì sẵn sàng chiến đấu cao, Đại đội 2 triển khai thực hiện các chế độ trực ban, trực chỉ huy, giữ vững thông tin liên lạc với các đảo và sở chỉ huy Lữ đoàn, Quân chủng.

        Sau ngày 30 tháng 4 năm 19 75, đất nước thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, hải đảo rộng lớn tử Móng Cái đến Hà Tiên của Quân chủng Hải quân trở nên hết sức nặng nề, đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng và phát triển rất lớn các thành phần lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong đó quần đảo Trường Sa là một trong những trọng điểm cần tăng cường các lực lượng xây dựng và phòng thủ.

        Đáp ứng yêu cầu đó, cuối tháng 5 năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu điều Trung đoàn bộ binh 46, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Tiểu đoàn 4 được chuyển sang trực thuộc Quân chủng Hải quân, biên chế vào Trung đoàn 46. Ngày 5 tháng 9 năm 1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126, gồm lực lượng của 2 Trung đoàn 46 và Trung đoàn 126 Đặc công Hải quân, làm nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa và sẵn sàng cơ động chiến đấu bảo vệ vùng biển. Ngày 23 tháng 3 năm 1976, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục điều động Trung đoàn Công binh 83 thuộc Quân khu 5 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân làm nhiệm vụ xây dựng các công trình chiến đấu phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa.

        Tháng 11 năm 1975, Đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân và của Lữ đoàn 126 do đồng chí Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, Đại tá Hoàng Hữu Thái làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của các đảo trên quần đảo Trường Sa và nghiên cứu việc tổ chức các lực lượng phòng thủ đảo. Trên cơ sở nghiên cứu khảo sát thực tế tình hình các đảo Quân chủng xác định biên chế tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ các đảo Nam Yết, Trường Sa, Song Tử Tây là cấp đại đội tăng cường, các đảo còn lại biên chế tổ chức cấp đại đội thiếu.

        Bộ đội đảo Nam Yết thời kỳ đầu tiếp quản chốt giữ bảo vệ đảo là những ngày tháng hết sức khó khăn gian khổ. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ là những cựu binh đã trải qua chiến đấu trên các chiến trường Quân khu 5 ác liệt, có bản lĩnh chiến đấu kiên cường, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu bộ binh trên địa bàn rừng núi, đồng bằng ở đất liền, chuyển sang làm nhiệm vụ phòng thủ chiến đấu, bảo vệ đảo xa bờ, hết sức mới lạ không khỏi ngỡ ngàng. Họ bước vào thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ chủ quyền của đất nước trong một môi trường, không gian hoạt động cách biệt với đất liền, với xã hội, điều kiện sống gặp muôn vàn khó khăn, không có rau xanh, thiếu nước ngọt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ đời sống văn hoá, tinh thần gần như không có gì. Song, chi bộ đảo Nam Yết đã nắm chắc yêu cầu nhiệm vụ mới, tìm hiểu các đặc điểm địa lý của đảo, nhận rõ những thuận lợi, khó khăn... Xác định quyết tâm và tìm mọi biện pháp để bảo vệ bằng được chủ quyền đảo, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mới giành lại được sau 30 năm chiến đấu kiên cường bất khuất, hy sinh của quân và dân ta.

        Đại đội tập trung vào công tác quan trọng hàng đầu là triển khai các hoạt động tuần tra, canh gác, quan sát ngày đêm bảo đảm 24 trên 24 giờ; dự kiến các tình huống địch đổ bộ tấn công đảo, nghiên cứu cách đánh phòng thủ, cả ban ngày và ban đêm, từng bước xây dựng nội dung huấn luyện theo các phương án tác chiến. Đặc biệt, hết sức chú trọng công tác bảo quản giữ gìn vũ khí, trang bị, phòng chống cháy nổ. Năm 1975, 1976, không để xảy ra mất an toàn trong sử dụng, bảo quản vũ khí, chất nổ và luôn bảo đảm kỹ thuật tốt cho yêu cầu sẵn sàng chiến đấu.

        Bảo đảm hậu cần là một vấn đề lớn và cũng là vấn đề khó khăn thường nhật của bộ đội. Các nguồn thực phẩm, lương thực đều đưa từ trong đất liền ra, kể cả nước ngọt, trong đó, khó khăn lớn nhất là nước ngọt và rau xanh. Lượng nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và dự trữ cho cả đảo chủ yếu trông chờ vào nguồn nước ngọt trong bờ cung cấp do các tàu vận tải chở ra, chứa trong 2 téc sắt thể tích gần 60m3. Vì vậy nước ngọt chỉ đáp ứng cho nhu cầu ăn, uống hàng ngày của đơn vị là chính.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 09:58:24 pm »


        Để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đã tổ chức đánh bắt cá. Phát hiện cây rau bí mọc hoang, anh em tổ chức thu gom nguồn phân chim rải rác trên đảo làm thành các khu vườn trồng cây bí leo, ra quả, giải quyết được một phần tình trạng thiếu rau xanh trên đảo. Ngoài việc tích cực tăng gia, khai thác hải sản tại chỗ, bộ đội đảo Nam Yết còn được sự chi viện của đảo bạn trên tình cảm đồng chí, đồng đội, đồng cam cộng khổ hết sức cảm động. Thời gian này, đảo Trường Sa có nguồn trứng chim dồi dào và bộ đội trồng được nhiều rau cải xanh nên mỗi lần có tàu vận tải ra công tác ngoài đảo, anh em đảo Trường Sa lại gửi trứng chim, rau xanh tặng bộ đội Nam Yết.

        Về mặc, do khí hậu nóng ẩm, môi trường nước mặn nên trong sinh hoạt bộ đội chủ yếu mặc quần đùi. Rồi sử dụng trong điều kiện ẩm mặn cũng mau mục nát, anh em phải tự tạo bằng cách tháo các bao vải đựng đạn thu được của địch, khâu thành quần để mặc. Trong đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân và Lữ đoàn 126 do đồng chí Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, Đại tá Hoàng Hữu Thái làm đoàn trưởng ra nghiên cứu, khảo sát và kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của bộ đội đảo Nam Yết (tháng 11 năm 1975), nhìn thấy anh em mặc quần đùi bằng bao đạn khâu tay, người nào cũng đen cháy, nhiều đồng chí trong đoàn không cầm được nước mắt. Đây là chuyến đầu tiên ra đảo, thủ trưởng Quân chủng và thủ trưởng Lữ đoàn hết sức cảm phục và đánh giá cao ý chí khắc phục khó khăn, thành tích xây dựng đơn vị của bộ đội đảo Nam Yết. Đồng thời cũng động viên cán bộ, chiến sĩ đảo tiếp tục phát huy tinh thần chịu đựng gian khổ, sáng tạo khắc phục các trở ngại khó khăn để bảo đảm đời sống và sức khoẻ cho bộ đội, duy trì sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Quân chủng giao.

        Bắt đầu từ năm 1976, Quân chủng tiến hành thực hiện các kế hoạch phòng thủ bảo vệ Trường Sa với quyết tâm: “Khẩn trương tập trung tăng cường khả năng cho các đảo về mọi mặt và huy động các lực lượng trong Quân chủng hiệp đồng với các lực lượng khác tích cực chi viện cho đảo, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao, đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, không để bị đánh bất ngờ”.

        Thực hiện quyết tâm trên, Quân chủng nhanh chóng bổ sung trang bị vũ khí cho đảo các loại súng, pháo mặt đất, pháo cao xạ để tăng cường hoả lực chống đổ bộ, chống tập kích đường không vào đảo. Đồng thời xác định lại biên chế tổ chức lực lượng chiến đấu trên đảo cho phù hợp với dự kiến các phương án tác chiến phòng thủ. Tháng 4 năm 1976, Quân chủng lần đầu tiên tổ chức diễn tập thực binh đổ bộ chi viện quần đảo Trường Sa để trên cơ sở thực tế đó tiếp tục hoàn chỉnh một bước về phương án phòng thủ, chi viện Trường Sa. Cùng với việc gấp rút triển khai lực lượng phòng thủ đảo, Bộ Tổng Tham mưu phê chuẩn "Kế hoạch Z76" xây dựng các công trình phòng thủ Trường Sa. Kế hoạch này được giao cho Trung đoàn 83 Công binh thực hiện ngay từ năm 1976. Tháng 5 năm 1976, Đoàn cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu do Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền dẫn đầu đi kiểm tra tình hình phòng thủ quần đảo Trường Sa và khảo sát một số đảo mới mà ta chưa tổ chức chốt giữ để xây dựng kế hoạch bảo vệ các đảo này trong những năm sau đó.

        Nằm trong kế hoạch tổ chức lực lượng của Quân chủng, tháng 6 năm 1976, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đảo Nam Yết được thay thế lực lượng mới của Lữ đoàn 126. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đảo Nam Yết trở về bờ, sau những năm tháng chiến đấu xa quê hương và sau hơn một năm làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, đất nước đã hoà bình, thống nhất, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đảo Nam Yết mới được trở về với gia đình, quê hương. Phần lớn số cán bộ, chiến sĩ ở đảo về bờ theo nguyện vọng được giải quyết chính sách phục viên, chuyển ngành tiếp tục xây dựng đất nước trong hoàn cảnh mới.

        Lực lượng phòng thủ mới thay thế bảo vệ đảo Nam Yết nhanh chóng kiện toàn biên chế tổ chức thành lập các phân đội pháo phòng không, pháo mặt đất và bộ binh, các bộ phận phục vụ chiến đấu, tiếp tục xây dựng hoàn thiện các phương án chiến đấu và bắt tay vào tập luyện sử dụng binh khí, chiến thuật phòng thủ đảo.

        Tháng 5 năm 1977, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết vui mừng đón đoàn cán bộ của Quân chủng do đồng chí Tư lệnh, Thiếu tướng Giáp Văn Cương và Chính ủy, Thiếu tướng Hoàng Trà dẫn đầu kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đây là lần đầu tiên đồng chí Tư lệnh và Chính ủy đi nắm tình hình trên đảo Nam Yết.

        Sau khi kiểm tra các mặt hoạt động của đơn vị, khảo sát nghiên cứu thực tế đảo, đồng chí Tư lệnh kết luận và quyết định một loạt vấn đề về tổ chức lực lượng của đảo, về xây dựng hệ thống các công trình chiến đấu phòng thủ, cách đánh phòng thủ và về trang bị các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật cho đảo. Trong đó, đồng chí Tư lệnh xác định hình thức tổ chức đảo Nam Yết tương đương cấp tiểu đoàn, biên chế có các phân đội hoả lực bộ binh, pháo binh, pháo cao xạ, các bộ phận thông tin, ra đa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 09:58:41 pm »


        Thực hiện quyết định của Tư lệnh, tiểu đoàn đảo Nam Yết khẩn trương được chấn chỉnh về lực lượng, trang bị vũ khí, điều chỉnh bổ sung các phương án tác chiến, bố trí lại các trận địa hoả lực và phân chia các cụm chiến đấu phòng thủ các khu vực đảo; xây dựng kế hoạch huấn luyện kỹ thuật các ngành thông tin, công binh, hậu cần, kỹ thuật; kế hoạch huấn luyện cá nhân, tổ chiến đấu, cụm và toàn đảo chiến đấu. Cũng từ năm 1977, theo quyết định của Tư lệnh, hàng năm cán bộ, chiến sĩ được giải quyết chế độ đi phép, không thực hiện chế độ thay quân trên đảo.

        Về tổ chức lực lượng phòng thủ Trường Sa thời gian này cũng có những thay đổi. Xuất phát từ vị trí, đặc điểm quần đảo Trường Sa và yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ quần đảo, từ cuối năm 1977, Quân chủng chủ trương và tiến hành tách một bộ phận lực lượng, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 46 cũ của Lữ đoàn 126 tổ chức thành một trung đoàn chuyên trách làm nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ Trường Sa. Theo đề nghị của Quân chủng Hải quân, ngày 8 tháng 5 năm 1978, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định 391/QĐ-QP thành lập Trung đoàn 145 phòng thủ Trường Sa. Sau đó, thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, để ghi dấu truyền thống các đơn vị tiền thân là Trung đoàn 126 và Trung đoàn 46, Trung đoàn 145 được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 146 phòng thủ Trường Sa. Đồng chí Trung tá Cao Anh Đặng được bổ nhiệm Trung đoàn trưởng; đồng chí Trung tá Vũ Quang Chinh là Chính ủy Trung đoàn. Ngày 12 tháng 2 năm 1979, Bộ Quốc phòng ra Quyết định nâng cấp Trung đoàn 146 thành Lữ đoàn 146. Đến tháng 6 năm 1981, Bộ Tổng Tham mưu quyết định chuyển Lữ đoàn 146 trực thuộc Quân chủng về trực thuộc Vùng 4 Hải quân.

        Đầu năm 1978, tình hình trên khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp. Tháng 2 năm 1978, Philíppin đưa quân ra chiếm đóng đảo Ponata, đồng thời tăng cường các hoạt động thăm dò, trinh sát quanh các khu vực đảo của ta đã đóng giữ. Trước tình hình đó, Quân chủng một mặt tập trung các lực lượng tàu vận tải, tàu đánh cá, Trung đoàn 146, Trung đoàn 83 Công binh ra chốt giữ bảo vệ các đảo Trường Sa Đông (Đá Giữa), đảo An Bang, đảo Phan Vinh (Hòn Sập), đảo Sinh Tồn Đông (Grigân), mặt khác chỉ thị cho các đơn vị đang đóng giữ đảo nâng cấp sẵn sàng chiến đấu, quan sát nắm chắc tình hình trên biển, sẵn sàng chiến đấu và đánh thắng ngay từ trận đầu khi địch xâm phạm tiến công đảo. Từ ngày 14 tháng 4 đến 21 tháng 5 năm 1978, Quân chủng tổ chức một đoàn cán bộ gồm có các thành phần Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Kỹ thuật, Cục Hậu cần và Trung đoàn 146 do đồng chí Tư lệnh và Chính ủy làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của các đảo. Nội dung kiểm tra gồm kiểm tra các công trình phòng thủ, báo động chiến đấu, bắn đạn thật và diễn tập trên bản đồ.

        Ngày 30 tháng 4 năm 1978, 2 tàu 610, tàu 608 của Hải đoàn 125 chở đoàn cán bộ Quân chủng cập đảo Nam Yết. Đi theo đoàn còn có Đội văn nghệ quần chúng của Hạm đội 171 và Đội chiếu phim của Cục Chính trị ra phục vụ bộ đội đảo. Đây là lần đầu tiên bộ đội đảo Nam Yết được xem biểu diễn văn nghệ và xem chiếu bóng trên đảo.

        Tại đảo Nam Yết, ngày 1 tháng 5, Quân chủng tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 và từ ngày 1 tháng 5 đến 5 tháng 5 năm 1978, đoàn tiến hành nắm tình hình và kiểm tra đơn vị theo kế hoạch. Kết quả kiểm tra bắn đạn thật pháo mặt đất 85 ly, pháo cao xạ 37 ly đơn vị đạt khá, diễn tập trên bản đồ đạt yêu cầu. Qua nắm tình hình và kiểm tra thực tế, đồng chí Tư lệnh kết luận, đảo Nam Yết sau một năm kiện toàn biên chế tổ chức lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu có nhiều tiến bộ đã xây dựng được các phương án tác chiến, bố trí các công sự trận địa, huấn luyện đi vào nền nếp; trình độ sẵn sàng chiến đấu được nâng lên một bước, duy trì nghiêm các chế độ trực chiến đấu, tuần tra canh gác ngày đêm, theo dõi nắm chắc tình hình mặt biển, các công trình bảo đảm chiến đấu được thi công khẩn trương đúng kế hoạch, như công sự hoả lực, hào giao thông, các hầm chỉ huy, thông tin, quân y, giấu pháo, ẩn nấp; các hầm kho đạn dược, lương thực... đáp ứng được yêu cầu chiến đấu trước mắt và lâu dài. Về phương hướng, đồng chí nhấn mạnh đảo Nam Yết cần đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng huấn luyện, thuần thục các cách đánh ban ngày, ban đêm và trong mọi tình huống... Ngày 6 tháng 5 năm 1978, đoàn cán bộ Quân chủng rời đảo tiếp tục đợt công tác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 09:59:00 pm »


        Các năm tiếp theo 1979, 1987, khả năng phòng thủ của đảo không ngừng được nâng nên, vũ khí trang bị mới tiếp tục được bổ sung cho đảo. Trong đó, đặc biệt có sự giúp đỡ của Hải quân Liên Xô. Tháng 4 năm 1980, Bộ Tổng Tham mưu đã cử đoàn cố vấn Liên Xô gồm các chuyên gia lục quân, pháo binh, hải quân do đồng chí Đại tá Hải quân Len Kốp làm trưởng đoàn và Đoàn Bộ Thàm mưu Hải quân Việt Nam, do đồng chí Đại tá Bùi Ủy làm trưởng đoàn đi khảo sát nghiên cứu tình hình quần đảo Trường Sa. Giữa tháng 4 năm 1980, đoàn đến khảo sát nghiên cứu tình hình phòng thủ đảo Nam Yết. Đoàn đã được nghe báo cáo kế hoạch phòng thủ của đảo, xem xét thực địa, tham quan diễn tập và bắn đạn thật của một số loại vũ khí. Đồng chí trưởng đoàn cố vấn rất cảm kích trước ý chí quyết tâm vững chắc và tinh thần tự lực, tự cường của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết trong xây dựng và bảo vệ đảo - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí phát biểu khẳng định Liên Xô giúp đỡ tích cực Hải quân Việt Nạm nhanh chóng tăng cường sức mạnh phòng thủ của quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Nam Yết nói riêng.

        Thực hiện kế hoạch tăng cường sức mạnh phòng thủ bảo vệ đảo, đẩy mạnh công tác nắm địch, quan sát phát hiện và xây dựng cách đánh địch từ xa, từ nơi xuất phát tấn công đảo, từ năm 1981 đến năm 1987, đảo Nam Yết được tiếp tục bổ sung vũ khí, trang bị thích hợp, tăng cường hoả lực tầm xa. Sự thay đổi cách đánh nâng cao khả năng phòng thủ, cơ cấu tổ chức biên chế lực lượng chiến đấu của đảo cũng thay đổi. Thành lập tiểu đoàn phòng thủ hỗn hợp mang phiên hiệu Tiểu đoàn 3 bao gồm các lực lượng bộ binh, pháo mặt đất, pháo cao xạ, thiết giáp. Từ 3 phân đội phòng thủ ban đầu, đảo phát triển thành 5 đại đội hoả lực mạnh, quân số từ hơn 100 người tăng lên hơn 200 người.

        Thời kỳ này, huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu luôn là công tác trọng tâm hàng đầu của đơn vị. Hàng năm tiểu đoàn thực hiện nghiêm các chỉ lệnh huấn luyện của Lữ đoàn giao cho. Trong huấn luyện, chú trọng huấn luyện cán bộ, huấn luyện chiến thuật bộ binh, kỹ thuật cá nhân, hiệp đồng chiến đấu tiểu đội, trung đội đại đội, bảo đảm cho bộ đội thuần thục các phương án chiến đấu ban ngày, ban đêm, sử dụng thành thạo từ 1 đến 2 loại vũ khí an toàn. Đặc biệt huấn luyện thực hành bắn đạn thật luôn là nội dung trọng tâm số một của đảo để không ngừng nâng cao chất lượng, trình độ sẵn sàng chiến đấu, phấn đấu đánh trúng ngay từ loạt đạn đầu, trận đầu; giành thắng lợi. Bởi vậy, hàng năm, 100% các loại hoả khí của tất cả các đơn vị đều được tham gia bắn đạn thật. Kết quả kiểm tra bắn đạn thật hàng năm đảo thường xuyên có 95% đạt yêu cầu, trong đó có 50-60% khá, giỏi.

        Để đủ điều kiện, khả năng sẵn sàng chiến đấu tốt đảo được lữ đoàn điều chỉnh số lượng, chất lượng bộ đội đảm bảo luôn có 1/3 quân số bộ đội một tuổi quân; 1/3 quân số bộ đội hai tuổi quân và 1/3 quân số bộ đội ba tuổi quân. Chiến sĩ được bố trí một lần đi phép năm ở ngoài đảo và một lần ở trong bờ, sau đó ra quân trở về địa phương (thực hiện nghĩa vụ quân sự của hạ sĩ quan chiến sĩ theo luật năm 1981 là 3 năm).

        Cùng với việc phát triển lực lượng, hệ thống công sự trận địa phòng ngự trên đảo Nam Yết tiếp tục được đầu tư xây dựng. Trung đoàn 83 sau khi hoàn thành xây dựng các công tình quân sự của kế hoạch "Z76" năm 1980 tiếp tục được Quân chủng giao nhiệm vụ xây dựng các công trình quân sự lâu bền, kiên cố trên đảo Nam Yết, bao gồm hệ thống lô cốt, hầm trú ẩn, hầm chỉ huy. Lúc này, bộ đội công binh Trung đoàn 83 đã có hơn 5 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa xây dựng các công trình, nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn về điều kiện ăn, ở, phương tiện, chịu đựng sự thiếu thốn vật chất, tinh thần, tranh thủ mùa khô, mùa biển lặng vận chuyển ra đảo hàng trăm mét khối cấu kiện bê tông, hàng nghìn tấn vật liệu xây dựng và tập trung lực lượng thi công. Đến cuối năm 1984, Trung đoàn hoàn thành xây dựng xong các công trình trên đảo, có hạng mục xong trước thời gian kế hoạch 3 tháng.

        Song song với xây dựng các công trình chiến đấu kiên cố, do công binh đảm nhận, tiểu đoàn Nam Yết được phân công xây dựng các công trình quân sự dã chiến. Ban chỉ huy tiểu đoàn đã biết phát huy trí tuệ tập thể của các ngành, các đơn vị, phối hợp với Trung đoàn 83 dân chủ bàn bạc tìm các biện pháp tổ chức thi công các công trình. Năm 1983, 1984, bằng khai thác nguồn vật liệu đá san hô sẵn có trên đảo, tiểu đoàn đã kè được hơn 2.000 mét giao thông hào và các đường cơ động liên hoàn quanh đảo, làm được hàng chục hầm pháo các loại, hàng trăm hố chiến đấu; đào lấy được hơn 2.000m3 đá san hô xây kè chống xói lở ở 2 đầu đảo. Những năm tiếp theo, tiểu đoàn tập trung chủ yếu vào công tác củng cố, tu sửa các công trình phục vụ cho các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 10:03:30 pm »


        3. Công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ bảo vệ đảo.

        Tiến hành công tác kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ đảo trong điều kiện ở xa đất liền, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm cao, nhiều hơi nước mặn, mưa bão lớn kéo dài 4, 5 tháng trong năm, thiếu các cơ sở đảm bảo kỹ thuật là một trở ngại rất lớn cho việc duy trì hệ số kỹ thuật súng pháo, đạn dược trang bị khí tài phục vụ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Chấp hành sự lãnh đạo của Đảng ủy Lữ đoàn và chỉ đạo của ngành kỹ thuật, chi bộ, chỉ huy tiểu đoàn xác định công tác bảo quản kỹ thuật là trọng tâm của công tác kỹ thuật. Hàng năm, tiểu đoàn tổ chức tốt việc giáo dục nâng cao nhận thức của bộ đội về tầm quan trọng của công tác bảo quản, giữ gìn vũ khí, trang bị kỹ thuật đối với các hoạt động sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và việc nâng cao sức mạnh phòng thủ bảo vệ đảo. Cán bộ, chỉ huy các cấp tích cực đôn đốc kiểm tra công tác kỹ thuật, duy trì các chế độ bảo quản, bảo dưỡng. Trong huấn luyện, hàng năm có 100% các loại hoả khí của đảo được đưa vào diện thực hành bắn đạn thật vừa bảo đảm nâng cao chất lượng huấn luyện đồng thời vừa là một biện pháp hiệu quả để duy trì giữ vững hệ số kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Về mùa mưa bão, tiểu đoàn chủ động tổ chức tu sửa chống dột, chống ngập nước cho các hầm cất giấu nòng pháo, trang bị kỹ thuật, các kho tàng dự trữ chiến đấu. Tuy nhiên, hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, nóng ẩm, hơi nước mặn cao và với điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật cất giữ dã chiến, bán kiên cố, công tác bảo quản, giữ gìn vũ khí, trang bị kỹ thuật của bộ đội đảo Nam Yết cũng chỉ đáp ứng được phần nào việc ngăn chặn tình trạng xuống cấp chất lượng vũ khí, trang bị do sự tác động của môi trường tự nhiên.

        Về công tác bảo đảm hậu cần, thời kỳ 1975-1987, đảo gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, do các chế độ cung cấp chưa phù hợp với đặc thù, điều kiện sống, sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện của bộ đội ở quần đảo Trường Sa. Ngoài 45% phụ cấp khu vực bộ đội ở đảo không được bổ sung hoặc tăng thêm gì trong các nhu cầu bảo đảm về ăn, mặc, ở và sức khoẻ. Bởi vậy, đời sống của bộ đội rất thiếu thốn, trong khi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo luôn nặng nề, căng thẳng. Năm nào cũng vậy, các đoàn cán bộ của Quân chủng, của Vùng 4 và của Lữ đoàn ra kiểm tra tình hình thực hiện các mặt công tác của đảo đều có chung một nhận xét: "đời sống của bộ đội đảo quá khó khăn". Bộ đội thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước ngọt, rau xanh, thiếu thông tin, giao lưu tình cảm. Có hiện tượng một số chiến sĩ không chịu đựng nổi, đi phép vào bờ, bỏ ngũ luôn không trở lại đảo. Cảm thông, thấu hiểu nỗi vất vả, thiếu thốn của bộ đội, từ năm 1977, Quân chủng đã có nhiều đề nghị nghiên cứu vận chuyển đất ra đảo trồng rau xanh, mỗi đảo từ 200 đến 300m3 đất trồng trọt; đề nghị trên bảo đảm tốt hơn số lượng, chất lượng các nhu yếu phẩm, quân trang, quân dụng thiết yếu cho bộ đội. Song hoàn cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn, hơn nữa công tác bảo đảm hậu cần cho bộ đội quần đảo Trường Sa là vấn đề mới mẻ nên không thể một sớm, một chiều có thể đáp ứng và giải quyết được.

        Không trông chờ vào trên, quán triệt sự lãnh đạo của Đảng ủy Trung đoàn, (Lữ đoàn), chi bộ và chỉ huy Tiểu đoàn Nam Yết đã nêu cao quyết tâm, phát huy trách nhiệm chính trị, chủ động lãnh đạo đơn vị với tinh thần tự lực, tự cường nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, giảm bớt dần những thiếu thốn, từng bước cải thiện đời sống cho bộ đội.

        Hàng năm, ngành hậu cần của Trung đoàn (Lữ đoàn) tích cực chỉ đạo các mặt công tác tăng gia, đồng thời mạnh dạn cải tiến phương thức bảo đảm cho phù hợp với thực tế ở đảo. Về phía đơn vị tổ chức tốt việc trồng rau xanh, đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 10:03:47 pm »


        Năm 1980, ngành hậu cần Trung đoàn cấp cho đảo bếp dầu hoá hơi thay cho bếp than, bếp củi đã khắc phục được tình trạng về mùa mưa bão, gió lớn, bếp than không cháy được nên bộ đội thường xuyên phải ăn cơm sống, khê, tỷ lệ mắc bệnh đường tiêu hoá rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sức chiến đấu của đơn vị.

        Hoạt động trong điều kiện thời tiết mùa khô thì nắng như đổ lửa, mùa mưa thì triền miên những trận mưa kéo dài, bộ đội vừa huấn luyện, vừa tham gia xây dựng, củng cố công sự, trận địa, tăng gia sản xuất nên quần, áo rất nhanh rách, mục, nhiều cán bộ, chiến sĩ không còn đủ quần áo lành để mặc. Tiểu đoàn đã tổ chức bộ phận may, vá, sửa chữa quần áo cho bộ đội, máy móc và vật tư do Lữ đoàn bảo đảm. Mỗi năm trung bình đảo sửa chữa hơn 100 bộ quần áo; may vá được 200 chiếc quần, áo, cơ bản khắc phục hiện tượng bộ đội thiếu quần áo, phải mặc quần áo rách.

        Trồng rau xanh là công tác quan trọng trong tổ chức tăng gia bảo đảm đời sống, sức khoẻ cho bộ đội; đồng thời cũng là vấn đề không đơn giản, dễ dàng mốt chút nào. Thực tế ở đảo về mùa khô thì thiếu nước ngọt; mùa mưa, gió bão lớn, nhiều hơi nước mặn nên việc trồng rau xanh đều gặp khó khăn. Song, với quyết tâm cao, tiểu đoàn tổ chức cải tạo đất, tìm nguồn giống rau, chủ yếu là bầu, bí phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đảo; phát động phong trào thi đua trồng rau xanh ở tất cả các đơn vị, bộ phận trên toàn đảo Bởi vậy, khối lượng rau tăng gia của đảo hàng năm đạt trên dưới 3 tấn, có năm thời tiết thuận lợi thu nhập được gần 4 tấn bầu bí, giải quyết được một phần rất quan trọng việc bảo đảm rau xanh trong bữa ăn của bộ đội. Về đánh bắt hải sản và chăn nuôi, hàng năm bộ đội đảo đánh bắt được gần 3 tấn cá các loại, đặc biệt là rùa biển, bắt được hơn 2 tấn/năm. Năm 1984, bắt 141 con, khối lượng 2.862kg; chăn nuôi nhập bếp được hơn 6 tạ thịt lợn hơi là nguồn bổ sung thực phẩm khá dồi dào của đơn vị. Ngoài ra tiểu đoàn còn được sự chi viện thực phẩm là trứng chim của bộ đội đảo Trường Sa gửi tặng.

        Nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống của bộ đội đảo Nam Yết là vấn đề nan giải và khó khăn. Về mùa mưa anh em tận dụng nguồn nước mưa tự nhiên, còn về mùa khô luôn trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Hệ thống chứa nước của đảo gồm bể xây và bể téc sắt chỉ bảo đảm lượng chứa hơn 200 khối, chia theo mỗi đầu người 1m3 sử dụng thường xuyên và dự trữ. Bể nước xây trên đảo thường hay bị lún và nứt rò chảy do xây trên nền san hô yếu, bị rung do các loại pháo lớn bắn đạn thật thường xuyên trên đảo nên cũng chỉ dùng một thời gian lại phải xây, sửa. Còn nước chứa trong téc sắt bị ô xi hoá, bị vàng, bẩn không bảo đảm vệ sinh nhất là về mùa khô, đơn vị phải lọc nước mới sừ dụng được. Vì vậy việc quản lý và sử dụng nước ngọt đơn vị quy định rất chặt chẽ, phân phối theo định lượng đầu người trong ngày để duy trì cho sinh hoạt và dự trữ sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn nêu cao ý thức tự giác chấp hành, cùng nhau san sẻ, chấp nhận thiếu thốn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ lữ đoàn giao cho.

        Bộ phận quân y tích cực tham gia cho chỉ huy đảo, chỉ đạo tốt công tác vệ sinh môi trường đảo, an toàn thực phẩm, theo dõi, quản lý sức khoẻ của bộ đội. Thời kỳ này do ăn uống thiếu thốn, cùng với sự tác động của khí hậu, thời tiết, bộ đội đảo Nam Yết hay bị mắc bệnh kiết lỵ, sốt xuất huyết nhiều đợt thành dịch lây lan khắp các đơn vị trên đảo. Tổ quân y đã tiến hành nhiều biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh, xử lý giải quyết tốt các ca cấp cứu tiêu chảy, sốt xuất huyết, ngộ độc thức ăn và hàng trăm ca cấp cứu khác trong phạm vi khả năng chuyên môn cấp trên quy định, bảo đảm quân số khoẻ cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu.

        Từ năm 1978, đơn vị bắt đầu triển khai trồng và chăm sóc cây xanh để cải thiện môi trường sống trên đảo. Giống cây từ bờ đưa ra đảo chủ yếu là cây phi lao, bàng quả vuông, dừa, mù u là những loại cây phù hợp với đảo Nam Yết. Mặc dù tỉ lệ cây sống thấp và thường xuyên bị bão nhưng sau nhiều năm số lượng cây xanh không ngừng tăng lên, đảo luôn giữ được màu xanh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 10:04:49 pm »


        4. Công tác đảng, công tác chính trị tích cực góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        Công tác đảng, công tác chính trị luôn là công tác quan trọng hàng đầu, quyết định đến quá trình thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của đảo. Thời kỳ 1975-1987, quy mô tổ chức đảng của đảo Nam Yết là cấp chi bộ cơ sở. Chi bộ có trên dưới 10 đảng viên, những năm 1982, 1987, số lượng đảng viên tăng lên trên dưới 25 đảng viên, kể cả chưa chính thức. Tỷ lệ lãnh đạo của đơn vị khoảng từ 9% đến 12%. Dưới chi bộ là các tổ đảng, lãnh đạo các phân đội sau đó là đại đội. Quán triệt nghị quyết của Đảng ủy Lữ đoàn, nắm chắc nhiệm vụ của đơn vị, chi bộ đảo luôn đề cao vai trò trách nhiệm, không ngừng củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong xây dựng đơn vị và phòng thủ bảo vệ đảo. Đặc biệt là vai trò của cấp ủy và các tổ đảng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác cụ thể của đơn vị. Mọi vấn đề trong hoạt động sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo đảm đời sống trước khi quyết định đều thông qua bàn bạc thống nhất trong cấp ủy, chi bộ và trong tổ đảng để phát huy cao nhất năng lực trí tuệ tập thể. Mọi cán bộ, đảng viên luôn tiên phong trong mọi công việc, xả thân, quên mình trong những hoàn cảnh gian khổ, khó khăn nhất, là tấm gương để lôi cuốn quần chúng, khích lệ quần chúng hành động hướng vào mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

        Để duy trì sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảm bảo khả năng lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, chi bộ đảo thường xuyên được kiện toàn về số lượng, nâng cao về chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng, củng cố chi ủy mạnh ngang tầm với nhiệm vụ Công tác phát triển đảng luôn được chú trọng, hàng năm chi bộ kết nạp từ 5 đến 6 đảng viên mới bổ sung, tăng cường sức lãnh đạo đơn vị. Từ năm 1981 đến năm 1984, chi bộ đảo liên tục đạt trong sạch vững mạnh, 100% đảng viên đủ tư cách.

        Thời kỳ này đảo Nam Yết tập trung vào công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, cán bộ và quần chúng. Trong đó đi sâu vào quán triệt, giáo dục cho bộ đội về đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước; nhiệm vụ của đơn vị, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng đơn vị; xây dựng ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo, đề cao tinh thần đoàn kết, thương yêu, chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau gắng sức để vượt qua khó khăn thử thách; đặc biệt giáo dục về ý thức tổ chức, chấp hành kỷ luật quân đội và các quy định của Lữ đoàn, của đảo. Ngay từ năm 1977, đảo Nam Yết được cấp “sổ truyền thống" để ghi chép lại những thành tích, chiến công hàng năm của đơn vị, làm tài liệu giáo dục, tổng kết truyền thống của đảo. Năm 1978, lần đầu tiên bộ đội đảo Nam Yết được xem chiếu phim, xem biểu diễn văn nghệ do Quân chủng tổ chức. Những năm sau đó, vào mùa biển lặng, Quân chủng đều tổ chức văn công ra đảo phục vụ bộ đội và đội chiếu bóng của Vùng 4 đi theo các tàu vận tải ra chiếu phim. Từ năm 1983, Quân chủng đầu tư xây dựng tủ sách cho đảo từng bước hình thành thư viện đảo sau này, đáp ứng nhu cầu đọc sách, nâng cao nhận thức chính trị, xã hội, bồi dưỡng tâm hồn cao đẹp cho bộ đội. Được sự quan tâm của Quân chủng, của Lữ đoàn, đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng tình cảm cách mạng, phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ".

        Thời kỳ này, công tác cán bộ chưa có chủ trương, chính sách luân phiên nên các đồng chí cán bộ làm nhiệm vụ ở .đảo luôn xác định tư tưởng công tác lâu dài với đảo, với Lữ đoàn, đại đa số cán bộ đảo Nam Yết là các sĩ quan tốt nghiệp các trường quân sự, chính trị, kỹ thuật và nghiệp vụ được điều động bổ sung cho đảo và phát triển, trưởng thành thông qua đảm đương các chức vụ chủ yếu trong phạm vi Lữ đoàn để bảo đảm chất lượng, số lượng cán bộ theo quy luật phát triển từ cấp trung đội lên đại đội, từ chỉ huy đảo nhỏ lên chỉ huy đảo lớn và Lữ đoàn.

        Đảo chú trọng huấn luyện, giáo dục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, năng lực chỉ huy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cách mạng làm nòng cốt xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt. Thời gian này hầu hết cán bộ của đảo đã trải qua nhiều năm gắn bó với các đơn vị trên quần đảo Trường Sa, trải qua thử thách của cuộc sống thiếu thốn, gian khổ, hy sinh nên dày dạn kinh nghiệm trên các mặt công tác, luôn thể hiện sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, có ý chí kiên định, lập trường vững vàng, đoàn kết và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 10:05:10 pm »


        Lực lượng đoàn viên thanh niên của đảo Nam Yết chiếm 80% quân số. Toàn đảo thành lập 1 liên chi đoàn. Mỗi đại đội thành lập 1 chi đoàn. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, liên chi đoàn đảo vừa coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ đoàn viên thanh niên vừa tổ chức tốt các phong trào thi đua xung kích trong các nhiệm vụ trọng tâm là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện; các phong trào tăng gia, sản xuất, thể thao, văn hoá, văn nghệ. Thời kỳ này, bộ đội khi mới ra đảo làm nhiệm vụ, tỷ lệ quần chúng chưa phải là đoàn viên thanh niên chiếm khá cao, như năm 1983, 1984, đảo có tới 40% quần chúng chưa là đoàn viên. Sau khi ra đảo, số quần chúng chưa là đoàn viên tiếp tục được chi bộ, liên chi đoàn bồi dưỡng, giáo dục mục tiêu lý tưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hướng họ phấn đấu, gia nhập tổ chức đoàn. Hàng năm các chi đoàn đảo tổ chức kết nạp hàng chục đoàn viên mới, tăng cường sức mạnh cho các hoạt động của đoàn. Kết quả bình xét thi đua hàng năm, tỷ lệ đoàn viên được bầu danh hiệu chiến sĩ thi đua, khen thưởng bằng khen, giấy khen chiếm đến 80% tổng số được khen thưởng của đơn vị. Đó là sự biểu dương động viên kịp thời, tích cực đối với lực lượng trẻ - động lực mạnh mẽ trong xây dựng và bảo vệ đảo. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ hầu hết số thanh niên chưa là đoàn viên đều phấn đấu trở thành đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiều đồng chí đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, họ là những nhân tố tích cực trở về địa phương tiếp tục học tập, công tác, xây dựng quê hương, đất nước. Phát biểu trước khi rời đảo, tất cả các đồng chí đoàn viên thanh niên đều nói nên niềm tự hào đã có những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi được sống, học tập, rèn luyện và công tác ở đảo tiền tiêu, nơi đầu sóng, ngọn gió, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

        Ngày 28 tháng 12 năm 1982, Quốc hội nước ta ra nghị quyết sáp nhập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai cũ vào tỉnh Phú Khánh (sau này là tỉnh Khánh Hoà). Từ đây, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết lại tiếp tục được sự chăm lo, đùm bọc của nhân dân tỉnh Phú Khánh. Năm 1984, ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh tổ chức kết nghĩa giữa các huyện, thị trong tỉnh với các đảo của huyện Trường Sa, trong đó nhân dân thị xã Tuy Hoà kết nghĩa với bộ đội đảo Nam Yết. Sau ngày kết nghĩa, hàng năm khi có dịp, nhân dân thị xã Tuy Hoà lại gửi thư, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ hăng hái phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo một nhiệm vụ vinh quang đầy khó khăn gian khổ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

        Có thể nói, giai đoạn năm 1975 đến 1987 là những năm tháng đầy thử thách đối với bộ đội đảo Nam Yết, về vật chất, tinh thần thiếu thốn hơn cả thời chiến tranh giải phóng. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng, của Vùng 4 và Lữ đoàn 146, sự chi viện của các cấp, các ngành, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đã bền bỉ khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng, củng cố đảo vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Có nhiều năm liên tục đảo đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng". Năm 1984, đảo được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, ghi nhận những cố gắng vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết, cũng như những thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ đảo của một thời kỳ lịch sử hết sức khó khăn gian khổ.

        Điểm nổi bật chủ yếu của đảo ở thời kỳ này:

        Một là, Quân chủng đã khẩn trương tập trung các lực lượng xây dựng và hoàn thành hệ thống công trình phòng thủ dã chiến, bán kiên cố và kiên cố đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đảo trước mắt, đồng thời quan tâm đầu tư phát triển nhanh chóng về lực lượng nhằm tăng cường khả năng và sức phòng thủ, đẩy mạnh huấn luyện nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm đánh thắng kẻ địch xâm phạm ngay từ trận đầu.

        Hai là, thời kỳ này chưa có các chế độ, chính sách, phương thức mới bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa nên điều kiện ăn, ở của bộ đội chủ yếu mang tính chất dã ngoại, đời sống khó khăn. Song với quyết tâm bảo vệ đảo trong mọi hoàn cảnh của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đã thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, chịu đựng gian khổ, hy sinh, giữ vững ý chí chiến đấu, kiên cường bám đảo, đoàn kết thương yêu nhau, đồng cam cộng khổ, tìm mọi cách khắc phục giảm bớt khó khăn, duy trì xây dựng củng cố sức chiến đấu phòng thủ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Ba là, chi bộ, chi ủy và chỉ huy tiểu đoàn đảo Nam Yết có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, biết phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, đoàn kết, chủ động lãnh đạo tốt các mặt công tác, đồng thời là nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh, cán bộ, đảng viên đề cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu, đi đầu trong mọi công tác gian khổ, khó khăn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 10:07:34 pm »


        II. PHÁT TRIỂN LÊN ĐƠN VỊ ĐẢO CẤP I, RA SỨC XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, TỔNG HỢP SỨC MẠNH CHIẾN ĐẤU PHÒNG THỦ BẢO VỆ VỮNG CHẮC ĐẢO TRONG TÌNH HÌNH MỚI (1988-2007)

        1. Tiếp tục phát triển lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tăng cường rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong tình hình mới.


        Từ cuối năm 1986 đến năm 1988, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến mới phức tạp, căng thẳng, xảy ra tranh chấp chủ quyền trên một số bãi đá ngầm giữa các nước ở xung quanh khu vực quần đảo.

        Tháng 12 năm 1986, Malaixia đưa lực lượng đóng giữ bãi đá Kỳ Vân và tháng 1 năm 1987 đóng giữ bãi đá Kiều Ngựa ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Đầu năm 1988, nước ngoài đưa lực lượng lớn hải quân xuống Trường Sa, ngang nhiên chiếm đóng bãi đá Chữ Thập, Gơ Ven, Huy Gơ, Xu Bi và sử dụng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm bãi đá Châu Viên và Gạc Ma, gây thương vong cho một số phương tiện và hàng chục cán bộ, chiến sĩ hải quân ta.

        Để đối phó với âm mưu, hành động lấn chiếm đảo và mở rộng sự chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của nước ngoài, bảo vệ chủ quyền của ta, Quân chủng đã tiến hành tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ các đảo đang đóng giữ, đồng thời huy động, tập trung các lực lượng ra đóng giữ thêm một số bãi đá ngầm xung quanh các đảo nổi nhằm tạo nên sức mạnh phòng thủ của từng cụm đảo.

        Với sự cố gắng vượt bậc, từ giữa năm 1987 đến giữa năm 1988, ta đã tổ chức chốt giữ thắng lợi các đảo Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lớn, Tốc Tan, Tiên Lữ, Núi Le, Đá Thị, Đá Nam, Đá Đông, Đá Lát, Cô Lin, Len Đao. Đồng thời lực lượng công binh khẩn trương xây dựng các công trình phòng thủ trên các đảo bãi đá ngầm này.

        Thực hiện chủ trương tăng cường sức phòng thủ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, tháng 4 năm 1988, Quân chủng quyết định thành lập 5 khu vực đảo phòng thủ và thành lập các tiểu đoàn pháo binh, phòng không trên các đảo Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Tây. Trong đó, đảo Nam Yết được xác định là trung tâm chỉ huy khu vực 2.

        Như vậy, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đầu năm 1988, đảo Nam Yết có bước phát triển mạnh về tổ chức các lực lượng chiến đấu cả về chất lượng và số lượng, quân số cao nhất năm 1989 lên tới gần 400 cán bộ, chiến sĩ, quy mô tổ chức của đảo Nam Yết là đảo cấp I tương đương trung đoàn. Ban chỉ huy đảo gồm có đảo trưởng, đảo phó chính trị, đảo phó - tham mưu trưởng, đảo phó Pháo binh, đảo phó phòng không, đảo phó bộ binh (lục lăng đột kích). Về tổ chức lãnh đạo, thành lập Đảng bộ bộ phận đảo trực thuộc Đảng bộ Lữ đoàn.

        Sau năm 1988 đến những năm đầu 2000, tình hình trên quần đảo Trường Sa thường xuyên có những diễn biến phức tạp, căng thẳng, luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột tranh chấp chủ quyền trên một số đảo chìm - bãi đá ngầm. Một số nước đẩy mạnh xây dựng nâng cấp kiên cố hoá các công trình trên các đảo chiếm đóng trái phép, tàu thuyền của họ không ngừng và tăng cường ngày càng nhiều các hoạt động thăm dò nghiên cứu tài nguyên, khai thác hải sản vào sâu vùng biển chủ quyền của ta.

        Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa của Lữ đoàn 146 nói chung và bảo vệ đảo của bộ đội đảo Nam Yết nói riêng tiếp tục nặng nề, khó khăn phức tạp. Đặt ra yêu cầu chất lượng xây dựng lực lượng và sức mạnh chiến đấu phòng thủ bảo vệ đảo ngày càng cao và cấp bách.

        Từ năm 1991 đến 1996, để phù hợp với cách đánh, với các phương án tác chiến mới, tiểu đoàn pháo binh, tiểu đoàn phòng không của đảo Nam Yết được giải thể, thành lập các cụm chiến đấu và các phân đội hoả lực cơ động. Những năm tiếp theo đến năm 2006, tổ chức lực lượng các đảo tiếp tục được tinh hoá theo hướng gọn, mạnh, giảm dần số lượng, nâng cao chất lượng phòng thủ, chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Cơ cấu tổ chức chỉ huy, tổ chức lực lượng ngày càng được kiện toàn củng cố và hoàn thiện, bao gồm lực lượng phòng ngự chiến đấu tại chỗ, lực lượng cơ động, lực lượng bảo đảm và cơ quan đảo bộ gồm có đội ngũ trợ lý tham mưu, chính trị, kỹ thuật, hậu cần và các bộ phận bảo đảm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 10:07:53 pm »


        Về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, những năm 1988-2006, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo: "Tích cực, chủ động, mưu trí, kiên cường, vững chắc", Đảng ủy và chỉ huy đảo đã tiến hành thường xuyên, liên tục việc giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, xác định rõ đối tượng tác chiến, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo và phạm vi được phân công. Đảo duy trì thực hiện nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến đấu của các lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, bảo đảm hoạt động liên tục ngày đêm. Sở chỉ huy của đảo được nâng cấp xây mới cùng với việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho chỉ huy tác chiến ngày càng hiện đại, hiệu quả cao. Công tác quan sát phát hiện và tuần tra, canh gác được hết sức chú trọng. Hệ thống quan sát đối không, đối hải được nâng cấp và tổ chức ngày càng chặt chẽ, bảo đảm quan sát liên tục ngày đêm 24/24 giờ, theo dõi và quản lý mọi mục tiêu hoạt động ban ngày và ban đêm. Hệ thống vọng gác xung quanh đảo luôn giữ được yếu tố bí mật, thực hiện quan sát tốt các mục tiêu xâm nhập, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Trung bình hàng năm đảo phát hiện theo dõi trên 1.500 lần chiếc máy bay hoạt động trên không, trên 800 lần tàu thuyền hoạt động trên biển, khả năng nhận dạng chính xác mục tiêu cũng ngày càng tiến bộ. Đảo luôn chủ động xử lý các tình huống tàu, thuyền nước ngoài vi phạm đúng đối sách, an toàn và báo cáo kịp thời không để xảy ra bất ngờ.

        Công tác thông tin, liên lạc thông suốt, luôn giữ vững liên lạc với sở chỉ huy và các đảo.

        Hàng năm, đảo tập trung làm tốt việc bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện theo các phương án chiến đấu phòng ngự; hiệp đồng chiến đấu; đánh địch tập kích ban đêm ở các cấp toàn đảo, cụm và phân đội. Tổ chức luyện tập, toàn đảo tháng 1 lần, cụm một tháng 2 lần, phân đội một tháng 3 lần. Kết quả luyện tập thường xuyên đạt khá, giỏi. Trong luyện tập phương án, chú trọng luyện tập các phương án đánh địch ban đêm, đánh biệt kích người nhái, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, đảo tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch luyện tập thực hành bắn xua đuổi các tàu thuyền xâm phạm khu vực biển đảo quản lý. Hàng năm, các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Quân chủng, Vùng và Lữ đoàn về huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đảo luôn đạt yêu cầu, có nhiều năm liên tục đạt khá, giỏi như các năm 1993- 1995 và liên tục các năm 1998-2005. Việc tăng cường kiểm tra của cấp trên, nhất là của Vùng và Lữ đoàn là cơ sở để đánh giá đúng thực chất chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu đã tác động mạnh tới công tác chấn chỉnh, nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cũng như việc duy trì thực hiện nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu của các cấp đơn vị đảo.

        Sau năm 1990, thực hiện chế độ cán bộ công tác luân phiên trên quần đảo Trường Sa và Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nên thời gian công tác thực tế ở đảo của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp từ 12 đến 18 tháng, hạ sĩ quan, chiến sĩ thường từ 24 tháng đến 30 tháng. Để bảo đảm chất lượng sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu cũng như việc duy trì nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu thường xuyên, liên tục của đảo, việc thay quân luôn đảm bảo tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ cũ và mới hợp lý, khoa học.

        Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ đảo trong tình hình mới, những năm 1988-2006, công tác huấn luyện chiến đấu tiếp tục được đẩy mạnh, được Lữ đoàn, Quân chủng đầu tư mạnh về vật chất và tích cực đổi mới phương pháp, nội dung huấn luyện sát với những diễn biến mới của thực tiễn. Công tác huấn luyện của đảo luôn thực hiện đúng phương châm "toàn diện, cơ bản, thiết thực và vững chắc", coi trọng huấn luyện thực hành, huấn luyện ban đêm và trong điều kiện thời tiết phức tạp. Quan tâm huấn luyện bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ cán bộ từ khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng trở lên làm nòng cốt nâng cao chất lượng huấn luyện và trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Bảo đảm mỗi cán bộ, chiến sĩ phải phấn đấu có đủ trình độ sử dụng thành thạo 2 đến 3 loại vũ khí, trang bị hiện có trên đảo; cán bộ có trình độ chỉ huy thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách của mình và sẵn sàng thay thế, kiêm nhiệm được ở các vị trí khác nhau khi cần thiết.

        Ban chỉ huy đảo đã có nhiều biện pháp huấn luyện như rút kinh nghiệm trong từng bài học, môn học, đẩy mạnh công tác kiểm tra, hội thao, sơ kết, tổng kết đánh giá đúng chất lượng huấn luyện, kết quả huấn luyện ở từng bộ phận từ khẩu đội, tiểu đội, phân đội đến các cụm. Bởi vậy, chất lượng huấn luyện và trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị luôn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ vững chắc đảo Đặc biệt từ năm 1996 đến 2000, kiểm tra các nội dung huấn luyện đảo Nam Yết đều đạt 100% yêu cầu có trên 79,5% khá, giỏi; luôn bảo đảm 100% cán bộ huấn luyện theo phân cấp, trong đó có 85% cán bộ khá, giỏi, có trên 40% giỏi.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM