Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:27:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42991 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #180 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 08:13:51 am »


Ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm: "Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không để chậm''.

Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định - lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh. Một Bộ chỉ huy chiến dịch được thành lập. Tư lệnh chiến dịch là anh Văn Tiến Dũng, Chính ủy là anh Phạm Hùng. Phó tư lệnh có các anh Lê Đức Anh, Đinh Đức Thiện, Trần Văn Trà; sau bổ sung anh Lê Trọng Tấn là Phó tư lệnh và anh Lê Quang Hòa làm Phó chính ủy. Anh Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị phân công vào trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Đúng là một tập thể những nhà chính trị xuất sắc, những tướng lĩnh tài ba được tung vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Về lực lượng, ngoài quần chúng, cơ sở cách mạng tại chỗ, bốn quân đoàn và Đoàn 232 tương đương quân đoàn được huy động tham gia chiến dịch. Đại quân phía bắc, gồm: Quân đoàn 1 (thiếu Sư đoàn 308 - Quân tiên phong làm lực lượng dự bị chiến lược của Bộ), Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3.

Hội đồng Chi viện chiến trường được thành lập do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, các Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, Đỗ Mười làm Phó chủ tịch. Tổng lực cơ sở vật chất hậu cần - kỹ thuật hậu phương miền Bắc cũng được dồn cho miền Nam. Các phương tiện vận tải thủy, bộ của Tổng cục Hậu cần, của Bộ Giao thông vận tải... tập trung cơ động binh lực, vật chất vào chiến trường.

Cùng với cả nước, bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh dốc hết lực lượng và quyết tâm cho chiến dịch mang tên Bác. Không chỉ lúc này, mà trong khi đang dồn sức chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, ngày 26 tháng 2, theo yêu cầu của Bộ, tôi đã điều gần 400 xe của Sư đoàn 571 cơ động gấp Sư đoàn 341 Quân khu 4, từ Vĩnh Linh vào Nam Bộ bổ sung cho Quân đoàn 4. Sau 12 ngày kể từ lúc xuất phát, toàn bộ đội hình Sư đoàn 341 đã vượt 1.200 cây số đường Đông Trường Sơn vào vị trí quy định. Thắng lợi này mở ra khả năng cơ động đội hình quân đoàn vào chiến trường tham gia chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #181 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 08:14:13 am »


Rồi cơ hội để bộ đội Trường Sơn "thử sức" đã đến. Vào những ngày đang tập trung phục vụ chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chúng tôi nhận lệnh đột xuất của Bộ Tổng tư lệnh sử dụng một lực lượng lớn ô tô cơ động gấp Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 vào tham gia giải phóng Sài Gòn và chuyển một khối lượng lớn đạn pháo tầm xa vào Nam Bộ.

Hội nghị bất thường, chớp nhoáng của Bộ Tư lệnh có các anh: Lê Xy, Phan Khắc Hy, Nguyễn Lệnh, Hoàng Kiện, Trần Quyết Thắng, cơ quan tham mưu vận tải, công binh... đã quyết định sử dụng Sư đoàn 571 cơ động Quân đoàn 1 và Sư đoàn 471 tập trung cơ động Quân đoàn 3.

Ngày 26 tháng 3, tôi trực tiếp vào giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh 571 tập trung 1.000 xe phối hợp với lực lượng vận tải ô tô của Cục Vận tải Tổng cục Hậu cần cơ động Quân đoàn 1 từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài. Chậm nhất là ngày 24 tháng 4 Quân đoàn 1 phải có mặt ở vị trí tập kết chiến dịch.

Nhận lệnh gấp, nhiệm vụ hết sức nặng nề, trong khi phần lớn xe của sư đoàn đang phân tán chuyển hàng đi các hướng, nhưng Sư đoàn trưởng và Chính ủy sư đoàn rất tự tin, hứa thu quân ngay để thực hiện nhiệm vụ.

Theo các anh, thì Bộ Tư lệnh sư đoàn đã quy định các đơn vị nếu nhận được "tín hiệu đặc biệt" phải khẩn trương trả hàng, thu quân ngay.

Liền sau đó, Bộ Tư lệnh phân công Chính ủy Lê Xy xuống trực tiếp cùng chỉ huy Sư đoàn 571 tổ chức lực lượng và động viên bộ đội trong cuộc ra quân đầy ý nghĩa này.

Ngày 29 tháng 3, từ sở chỉ huy, tôi nhận điện của anh Lê Xy báo về: bộ phận thứ nhất gần 300 xe của Sư đoàn 571 đã được lệnh xuất phát. Bộ phận này cơ động Sư đoàn 320 từ Vĩnh Chấp - Vĩnh Linh tiến theo đường số 9 qua đường 22, đường 14 vượt Plây Cu, Công Tum, Buôn Ma Thuột vào Đồng Xoài.

Cùng ngày, một cánh quân khác của Sư đoàn 571 cũng lên đường vào Huế cơ động Trung đoàn 27 Sư đoàn 320 đang tập kết ở Huế theo đường số 1 vào Quy Nhơn, ngược đường 19 lên Buôn Ma Thuột, nhập vào đội hình Quân đoàn 1. Tiếp theo là cánh quân thứ hai, thứ ba... của Sư đoàn 571 lên đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #182 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 08:14:33 am »


Ngày 19 tháng 4, toàn bộ đội hình Quân đoàn 1 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đã tập kết đủ ở Đồng Xoài, Lộc Ninh. Trong vòng 20 ngày, một sư đoàn huy động hơn 1.000 đầu xe, cơ động gọn đội hình quân đoàn binh chủng hợp thành với trang bị khí tài mạnh, vượt 1.200 cây số đường Trường Sơn, tới đích sớm hơn 6 ngày so với thời gian quy định. Đây thực sự là một chiến công, một kỳ tích của bộ đội vận tải Trường Sơn.

Cùng với chỉ đạo, tổ chức Sư đoàn 571 cơ động Quân đoàn 1, đầu tháng 4 Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 471 cơ động toàn bộ Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên vào Nam Bộ và chuyển hơn 6.000 tấn đạn pháo "theo lưng” bộ đội vào phục vụ chiến dịch.

Làm một phép tính đơn giản, để cơ động đội hình quân đoàn đủ biên chế với biết bao khí tài trang bị, ít nhất cũng cần 1.500 xe. Vậy mà đã qua gần trọn mùa khô "Tổng công kích", hoạt động với cường độ cao, xe không khỏi xuống cấp và người thì xuống sức.

Không còn phương cách nào hơn, Bộ Tư lệnh 471 phát lệnh thu quân, dồn dịch đội hình. Thiếu xe thì tập trung thợ sửa chữa. Thiếu phụ tùng thì chia nhau theo các trục đường tháo các xe hỏng mang về dồn dịch, lắp ráp. Bằng mọi cách, cố gắng nỗ lực hết mình, Sư đoàn 471 cũng có đủ đầu xe. Tất cả lại hòa cùng dòng xe, dòng người cuộn chảy. Núi rừng Trường Sơn rùng rùng chuyển động theo bánh xe lăn. Nhưng lượng xe pháo cơ động trên đường như nước chảy đã gây ách tắc cục bộ. Tại đèo Am Pun trên đường ngang 88 qua cao nguyên Bu Prăng ách tắc. Thời điểm gay cấn nhất, xe pháo dồn lại chừng 4-5 cây số.

Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, ta đang chạy đua với thời cơ từng giây, từng khắc, cũng đồng thời đua đuổi với mùa mưa đang "gõ cửa”, được tin từ trong tuyến báo về, tôi gọi điện ngay cho Sư đoàn trưởng 471 - Phạm Thái và Chính ủy sư đoàn - Nguyễn Văn Lạn: Bám đường đèo, hiệp đồng chỉ huy giao thông hai đầu chân đèo thật tốt và tập trung mọi cố gắng giải tỏa ngay ách tắc, bằng mọi giá không để chậm bước tiến của Quân đọàn 3.

Tuy có khó khăn, nhưng do cung độ hành quân ngắn hơn Sư đoàn 571, nên chỉ 10 ngày đầu tháng 4, Sư đoàn 471 đã cơ động toàn bộ đội hình Quân đoàn 3 và Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B Khu 5 vào Lộc Ninh, đúng thời gian quy định. Giao quân xong, đội hình xe lập tức quay về cụm kho dự trữ chiến lược KG4, Xê Sụ, Buôn Ma Thuột, chuyển gấp 6.000 tấn đạn pháo theo yêu cầu chiến dịch.

Để đảm bảo cho các quân đoàn hành quân thần tốc, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tung hết lực lượng công binh cho mặt trận cầu đường. Từ cuối tháng 3, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 470 tập trung bảo đảm giao thông trục đường 14 từ Buôn Ma Thuột vào Đồng Xoài, Lộc Ninh và bảo đảm các đường ngang 7, 19, 21... phục vụ các đơn vị truy kích địch. Phần lớn Sư đoàn 473 tiếp tục xây dựng đường cơ bản Đông Trường Sơn từ Quảng Bình đi Thạch Mỹ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #183 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:53:12 am »


*

Như vậy, với việc huy động lực lượng xe vận tải cơ động Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 hành quân từ sau chiến dịch Tây Nguyên, thì đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là hướng tiến quân chủ yếu của các quân đoàn chủ lực cơ động trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh vào tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Nam Bộ.

Nhưng, vào đầu tháng 4, sau khi chiến dịch Huế - Đà Nẵng toàn thắng, một tình thế mới xuất hiện. Tình thế đó là cơ sở để Bộ Chính trị quyết định thành lập cánh quân Duyên Hải có nhiệm vụ cơ động thần tốc theo đường số 1, đánh địch trong hành tiến, đập nát các tuyến phòng thủ từ xa của địch dọc duyên hải miền Trung, tiến vào hợp vây Sài Gòn - Gia Định từ hướng đông, đông nam.

Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải do anh Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, anh Lê Quang Hòa làm Chính ủy và tôi là Phó tư lệnh.

Đầu tháng 4, nhận được điện của anh Võ Nguyên Giáp thông báo quyết định của Bộ Chính trị, tôi vào ngay Hòa Khánh, Hòa Vang, Quảng Nam (sở chỉ huy của sư đoàn 3 ngụy trước đây), dự cuộc họp chớp nhoáng của Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải. Dọc đường 1 từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, người và xe như mắc cửi.

Dự họp còn có anh Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy Khu 5, anh Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5. Đây là buổi họp mặt đầu tiên và cũng là cuối cùng của Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải. Bởi sau đó, tình hình chiến trường phát triển như vũ bão. Anh em chúng tôi mỗi người ở cương vị của mình đều cuốn vào "dòng xoáy" của công việc.

Hợp thành cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324) được tăng cường Sư đoàn 3 (Quân khu 5). Ngoài các loại vũ khí, khí tài trang bị đồng bộ, quân số của chiến dịch hành quân đại quy mô này lên tới gần 33.000.

Để cơ động được ngần ấy quân và khí tài trang bị kèm theo, tôi nhẩm tính sơ bộ, ít nhất cũng phải có hơn hai nghìn ô tô. Vậy mà, gộp số xe của Quân đoàn 2 và lượng xe chiến lợi phẩm Quân đoàn tận thu của địch ở Huế, Đà Nẵng cũng mới chỉ đáp ứng được một nửa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #184 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:53:43 am »


Anh Lê Trọng Tấn, anh Giáp Văn Cương - Phó tổng tham mưu trưởng vừa vào và anh Nguyễn Hữu An đang bàn cách gỡ thế bí. Điện báo Bộ Tổng tư lệnh, xe của Tổng cục Hậu cần sẽ vào. Nhưng không thể nào vào sớm được. Yếu tố thời cơ không còn. Đúng lúc đó 600 xe của Sư đoàn 571 chuyển gạo bảo đảm cho Quân đoàn 2 đang vào Đà Nẵng. Không chần chừ, anh Giáp Văn Cương đáp ngay máy bay ra sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 571 bàn tìm giải pháp tình thế. Chúng tôi quyết định sử dụng luôn số xe chuyển gạo vào Đà Nẵng để cơ động Quân đoàn 2 vào Sài Gòn. Đồng thời, tôi cũng đề nghị anh Giáp Văn Cương cho huy động phương tiện vận tải của nhân dân từ Huế, Đà Nẵng trở vào để chuyển quân. Sau đó, cánh quân Duyên Hải đã huy động được hàng trăm xe, lái xe trong nhân dân các vùng mới giải phóng tham gia chiến dịch cơ động thần tốc này.

Trưa ngày 7 tháng 4 năm 1975, cùng lúc, sở chỉ huy cơ bản và sở chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được điện tối khẩn số 157-H-TK của anh Võ Nguyên Giáp:

      "Thần tốc, thần tốc hơn nữa,
      Táo bạo, táo bạo hơn nữa,
      Tranh thủ từng giờ từng phút,
      Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.
      Quyết chiến và toàn thắng!".


Mệnh lệnh hành quân, mệnh lệnh chiến đấu được anh thể hiện dồn dập, thúc giục như lời thơ giàu vần điệu, chỉ đọc một lần mà nhớ mãi!

Chỉ sau hai ngày nhận điện của anh Văn, 669 xe của Sư đoàn 571 do Sư đoàn trưởng Hoàng Trá trực tiếp chỉ huy dàn đội hình từ nam đèo Hải Vân vào tới sân bay Đà Nẵng, tổ chức tiếp nhận các lực lượng của Quân đoàn 2, chờ lệnh xuất phát. Thành xe, cửa buồng lái, vành mũ người chiến sĩ giải phóng sáng trắng khẩu hiệu "Thần tốc - táo bạo - tất thắng”. Có được kết quả này, ngoài tinh thần, sĩ khí của cán bộ, chiến sĩ lái xe, phải kể đến vai trò tích cực, chủ động của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 571, vai trò công binh Trường Sơn bắc cầu, sửa đường số 1.

Nghĩ đến chiến dịch hành quân đại quy mô của cánh quân Duyên Hải dọc theo đường số 1 vào Nam, đánh địch mà đi, tiến quân thần tốc, tôi bỗng liên tưởng đến cuộc hành binh của vị tướng lĩnh tài ba, lỗi lạc, người Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ năm Kỷ Dậu 1789, ngược đường Thiên lý ra Bắc Hà đại phá 20 vạn quân Thanh xâm lược. Có điều, thay cho cảnh khiêng, cáng; thay cho những thớt voi của những chiến binh xưa, giờ đây đại quân của ta cưỡi trên hơn hai nghìn xe pháo, hùng dũng thẳng hướng Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #185 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:54:12 am »


Trên hướng tiến của cánh quân Duyên Hải, thuận lợi lớn là đường tốt. Nhưng, cản trở lớn ngoài các tuyến phòng thủ của địch là nhiều cầu cống quan trọng đã bị chúng phá hỏng hòng cản bước tiến của ta.

Theo tài liệu của địch mà chúng tôi thu thập được, thì trên 1.000 cây số đường số 1 từ Quảng Trị vào Xuân Lộc có tới 569 cây cầu lớn nhỏ. Nhưng chiếc nào còn, chiếc nào mất, hiện chưa rõ. Còn theo Cục Công binh Trường Sơn báo cáo, chỉ riêng 640 cây số đường 1 từ Đà Nẵng vào Nha Trang, địch đã cho phá hầu hết các cầu lớn, như cầu Cao Lâu, Kế Xuyên, Bà Bầu, An Tâm... Trong khi, khí tài vượt sông của Lữ đoàn công binh 219 Quân đoàn 2 chỉ đủ ghép bốn phà.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều gấp ba trung đoàn công binh cơ động thiện chiến là: Trung đoàn 8, Trung đoàn 99, Trung đoàn 531 tăng cường bảo đảm cho cánh quân Duyên Hải dọc đường số 1 từ Huế vào Nha Trang. Đồng thời lệnh cho Sư đoàn 470 ngoài nhiệm vụ bảo đảm đường Đông Trường Sơn từ Công Tum đi Buôn Ma Thuột và trục ngang từ Plây Cu xuống Quy Nhơn, phải đưa ngay lực lượng xuống bảo đảm đường số 1 từ Quy Nhơn vào Phan Rang.

Ý thức được khó khăn về bảo đảm giao thông trên đường số 1, tôi cùng tiền phương Cục Tham mưu công binh trực tiếp đôn đốc, động viên các trung đoàn 99, 8, 531 bám đường, bám cầu. Với cương vị Phó tư lệnh cánh quân Duyên Hải và Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, tôi toàn quyền cho các đơn vị công binh được lấy dầm cầu be-lây và vật tư thiết bị trong các kho của địch mà ta vừa chiếm được, sử dụng kịp thời khắc phục những cầu cống bị địch phá hỏng, quyết không để bánh xe ngừng quay.

Chưa bao giờ ta thu được nhiều chiến lợi phẩm như lúc này. Mặc dầu sau khi Mỹ rút, tướng tá ngụy có lúc đã hô hào binh sĩ "đánh theo kiểu con nhà nghèo", song nguồn vật chất ta thu được ở khu kho Mai Hắc Đế (Buôn Ma Thuột), ở Huế, Đà Nẵng... không phải là ít. Nào máy bay, tăng - thiết giáp, nào súng pháo, đạn pháo. Hấp dẫn đối với bộ đội vận tải là xe ô tô; với công binh cầu đường là cầu be-lây, những khung cầu thép lắp sẵn... Nguồn vật chất mới tạo cho hỏa lực và sức cơ động của các binh đoàn chủ lực của ta tăng lên ghê gớm.

Trên hai hướng tiến quân - đường số 1 và đường Trường Sơn, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, công binh Trường Sơn được tung hết trí lực, vật lực bảo đảm cho cùng một lúc ba quân đoàn binh chủng hợp thành hành quân thần tốc đường dài.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #186 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:54:33 am »


Dốc toàn lực, sử dụng tối đa khí tài tận thu của địch, huy động nhân tài vật lực trong nhân dân và triệt để khai thác số xe - máy do Cuba trợ giúp, công binh Trường Sơn đã khôi phục kịp thời 96 cầu trên các trục đường 1, 14, 19, 26, 57, với tổng chiều dài hơn 3.000 mét, trong đó có 68 cầu be-lây, 15 cầu dầm thép, 5 cầu phao..., bảo đảm được tốc độ hành quân của bộ binh, cơ giới, binh khí kỹ thuật.

Có xe, cầu, đường tốt chưa đủ, "Thần tốc, thần tốc hơn nữa!” lúc này còn là nhịp đập của con tim những người lính xăng dầu, thông tin, phòng không, giao liên... trên đường Trường Sơn!

Cùng với việc chỉ đạo Cục Xăng dầu vận hành tốt tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn lúc này đã áp sát đại bản doanh Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, bảo đảm cho trục hành quân phía tây; sau khi ta giải phóng Đà Nẵng, chúng tôi phái ngay một bộ phận vào tiếp quản kho xăng Liên Chiểu dưới chân đèo Hải Vân, tổ chức cấp phát bảo đảm cho cánh quân Duyên Hải. Cũng từ đó, bộ đội xăng dầu áp sát đội hình bộ binh cơ giới, tổ chức tiếp các trạm cấp phát ở Quy Nhơn, Cam Ranh, Phan Thiết; chưa kể một lực lượng khá lớn xe xi-téc chở xăng dầu từ các kho nội tuyến cơ động theo đội hình xe chở quân... tiếp xăng kịp thời. Hơn 4.000 tấn xăng dầu huy động bảo đảm cho chiến dịch là một chiến công không nhỏ của những người lính xăng dầu Trường Sơn.

Trước sự phát triển dồn dập của tình hình, Bộ Tư lệnh khẩn trương xốc lại thế trận phòng không toàn tuyến. Sư đoàn phòng không 377 vươn sâu, rải lực lượng dọc hành lang Đông Trường Sơn bảo vệ đội hình hành quân của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3. Hai trung đoàn phòng không 527, 528 cơ động vào khu vực Cam Ranh, Nha Trang, tham gia bảo vệ đội hình hành quân của cánh quân Duyên Hải.

Phối hợp nhịp nhàng với các binh chủng chủ lực trên tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, kho tàng, hậu cần luôn bám sát đội hình chiến dịch, phục vụ hết mình cho các mũi hành quân, cho trận thắng cuối cùng.

Sau 18 ngày vượt hơn 1.000 cây số xuyên qua ba quân khu, đập tan các cụm phòng ngự của địch ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân..., được sự hỗ trợ của công binh Trường Sơn khắc phục hàng chục cầu lớn bị phá hỏng, ngày 21 tháng 4, cánh quân Duyên Hải tràn đầy dũng khí tiến qua thị xã Xuân Lộc còn nghi ngút khói lửa vào tập kích ở rừng cao su Ông Quế, phía nam Xuân Lộc.

Như vậy, trên cả hai hướng tiến quân, đường Trường Sơn và đường số 1, các lực lượng binh chủng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Nhận nhiệm vụ cơ động các binh đoàn chủ lực vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là cơ động Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 theo đường Trường Sơn khi mùa mưa đã "gõ cửa”, chúng tôi không khỏi bồn chồn, lo lắng. Trong cuộc đua tranh giữa bộ đội Trường Sơn với thời gian, tôi thầm mong mưa đừng đến vội...

Khi được tin Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 vào Lộc Ninh trót lọt, an toàn; Quân đoàn 2 vượt "cánh cửa thép" Xuân Lộc, khó ai thấu nỗi vui mừng của những người lính Trường Sơn, đặc biệt là lực lượng vận tải.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #187 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:55:08 am »


*

Sau khi cánh quân Duyên Hải phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, giải phóng Nha Trang, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định chuyển sở chỉ huy vào Nha Trang, bám sát đội hình các đơn vị phục vụ chiến dịch trên cả hai hướng đường số 1 và đường Đông Trường Sơn, tiện liên lạc với Tiền phương Bộ Tư lệnh ở Buôn Ma Thuột. Sở chỉ huy lần này được đặt tại Trường hạ sĩ quan thông tin của địch ở Đồng Đế mà ta vừa tiếp quản.

Tại đây, ngày 22 tháng 4, Bộ Tư lệnh triệu tập hội nghị cán bộ chủ trì các đơn vị trực thuộc thông báo tình hình phát triển của chiến trường, của chiến dịch Hồ Chí Minh, phổ biến nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị. Đối với các sư đoàn ô tô vận tải, ngoài lực lượng cơ động bộ binh tác chiến chiến dịch, phải tập trung xe chuyển gấp đạn pháo, vật chất hậu cần - kỹ thuật từ các cụm kho dự trữ ở Tây Nguyên, Đông Hà - Quảng Trị vào bảo đảm kịp thời theo yêu cầu chiến dịch; đặc biệt lưu ý chọn những đơn vị vận tải cơ giới thiện chiến nhất cơ động lực lượng bộ binh đột kích thọc sâu của các quân đoàn. Công binh, phòng không, xăng dầu, thông tin, giao liên... tập trung bảo đảm giao thông, bảo đảm tốc độ tiến quân của các cánh chiến dịch.

Trong thế thắng như "chẻ tre" của ta trên chiến trường, chỉ huy các đơn vị nhận nhiệm vụ với tâm trạng phấn chấn tột độ, quyết tâm cao. Kết thúc hội nghị, ai nấy lập tức về ngay đơn vị. Thời gian mở màn chiến dịch đang hối thúc tất cả.

Lúc này, ở Buôn Ma Thuột, Tiền phương Bộ Tư lệnh do Phó tư lệnh Nguyễn Lang vẫn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hoạt động trên tuyến hành lang Đông - Tây Trường Sơn. Đồng thời, chúng tôi quyết định tổ chức một bộ phận gồm Sư đoàn phó 470 Trần Quốc Khiêm, Sư đoàn phó 471 Phạm Lê Hoàng và một số sĩ quan tham mưu do anh Phan Khắc Hy phụ trách đại diện cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn bên cạnh Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp nhận chỉ thị và tổ chức giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp thiết nhất của chiến dịch.

17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, trận tổng công kích vào Sài Gòn - thủ phủ của chính quyền Sài Gòn, bắt đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #188 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:55:34 am »


Trên hướng đông và đông nam, ở mũi chủ yếu, Trung đoàn xe 512 Sư đoàn 571 - một trung đoàn ô tô vận tải thiện chiến - đơn vị Anh hùng, cơ động Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 tiến công từ Nước Trong - Long Bình và phát triển theo xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn. Ở mũi thứ yếu, một đơn vị khác của Sư đoàn xe 571, tham gia cơ động Sư đoàn 325 bộ binh tiến công Long Thành - Thành Tuy Hạ, phát triển về bến phà Cát Lái để vượt sông Lòng Tàu.

Cùng thời gian, trên hướng bắc chiến dịch, Sư đoàn xe 471 cơ động nhanh chóng Quân đoàn 1 tiến công vào nội đô Sài Gòn theo hai mũi. Một, cơ động Sư đoàn 320 bộ binh qua Tân Uyên, vượt cầu Bình Triệu đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy. Một, cơ động lực lượng còn lại của Quân đoàn 1 đánh chiếm Bến Cát, vượt cầu sông Bé phát triển vào nội đô.

Ở hướng tây bắc, các trung đoàn ô tô vận tải 17, 32, 536, sau khi dồn đủ đạn pháo lớn và các loại vật chất hậu cần - kỹ thuật khác theo yêu cầu của chiến dịch, đã kịp thời cơ động Quân đoàn 3 băng qua Đồng Dù, Củ Chi, Hóc Môn..., đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất...

Từ sở chỉ huy, chúng tôi được tin Sư đoàn 304 gặp địch kháng cự quyết liệt ở ngã ba đường 15, Nước Trong, Long Bình; Trung đoàn 66, Lữ đoàn 203 gặp khó khăn ở cầu sông Buông; địch tập trung tàu thuyền, pháo hạm khống chế Sư đoàn 325 ở bến phà Cát Lái... Quân đoàn 2, lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn gặp khó khăn có nghĩa là Sư đoàn ô tô 571 gặp khó khăn, lái xe Trường Sơn gặp khó khăn... Không khí sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn các ngày 28 - 29 tháng 4 có những lúc căng thẳng tột độ. Anh Lê Xy không giấu được lo lắng nói:

- Trong cơn giãy chết, sợ chúng liều mạng. Chẳng gì cũng gây cho ta tổn thất.

- Đúng vậy - Tôi nói. Lúc này, chỉ cần chúng ta vào thành phố sớm một giờ là đồng bào, chiến sĩ đỡ tốn biết bao xương máu.

Nói tới đó, trong tôi lại hiển hiện hình ảnh máu những người lính công binh Trường Sơn loang đỏ dòng Thạch Hãn khi rà vớt bom mìn, bắc cầu cho bộ binh cơ giới tiến vào giải phóng Huế; gương dũng sĩ lái xe Phạm Văn Chuyên hy sinh bên vành tay lái trong khi cơ động bộ binh đột phá tuyến phòng thủ Phan Rang và một số cán bộ, chiến sĩ lái xe hy sinh trong hành tiến dọc duyên hải miền Trung. Còn giờ đây, trước cửa ngõ Sài Gòn...?

Nhưng, mọi phản ứng của kẻ thù chỉ là cơn giãy chết tuyệt vọng. Giờ cáo chung của chính quyền, quân đội Sài Gòn đã đến. Với thế và lực áp đảo kẻ thù, đòn tiến công của các binh đoàn chủ lực kết hợp với phong trào nổi dậy của quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã đè bẹp mọi sự phản kháng cuối cùng của quân đội Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #189 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:56:07 am »


Sáng 30 tháng 4, từ nhiều hướng, các quân đoàn 1, 2, 3, 4 đồng loạt tiến công dũng mãnh vào nội đô Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm, làm chủ những mục tiêu trọng yếu.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4, Trung đoàn bộ binh 66, Lữ đoàn 203 xe tăng tiến công làm chủ dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh cùng hầu hết những nhân vật chủ chốt nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện.

Điện từ Bộ Tư lệnh chiến dịch, điện từ đại diện Bộ Tư lệnh Trường Sơn báo về. Ra-đi-ô lớn bé bật hết cỡ, truyền đi bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh... Tin vui dồn nén đến nghẹt thở!

Vào giờ phút vô cùng thiêng liêng ấy, trong tôi hiển hiện bóng dáng đoàn "Tuấn mã Trường Sơn", những người lính Trường Sơn làn da dãi dầu nắng gió, quân phục nhuốm đỏ bụi đường chở quân tiến công dũng mãnh, cùng lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 làm chủ dinh Độc Lập, hang ổ cuối cùng của địch.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Các lực lượng bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tham gia chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng quan trọng là bảo đảm cầu đường, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, và đặc biệt là đã cơ động các binh đoàn chủ lực đánh địch trong hành tiến, thần tốc vượt lộ trình hàng nghìn cây số; kịp thực hiện chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh giải phóng của dân tộc ta.

Bằng nỗ lực cao độ của mình, cán bộ và chiến sĩ bộ đội Trường Sơn đã góp phần to lớn thực hiện một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự - cơ giới hóa bộ binh, tạo nên khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh của các binh đoàn chủ lực, nhanh chóng đè bẹp mọi sự phản kháng của kẻ thù, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Vấn đề cơ giới hóa bộ binh - tôi vẫn nghĩ là một trong những nội dung có tính quy luật trong tổ chức lực lượng vũ trang theo yêu cầu tác chiến hiện đại. Quân đội ta cũng không nằm ngoài quy luật đó. Dĩ nhiên vận dụng quy luật đó vào điều kiện Việt Nam như thế nào lại thuộc về tài nghệ của Đảng ta. Điều hết sức lý thú, tuyệt vời đối với bộ đội vận tải ô tô Trường Sơn là: Từ vận chuyển vật chất phục vụ chiến đấu - tiến lên cơ động các binh đoàn chủ lực thần tốc vượt chặng đường hàng nghìn cây số vào tham gia chiến dịch và cao trào là vào giai đoạn cuối - khi tình huống xuất hiện đã Bất thần chuyển thành lực lượng cơ động bộ binh chiến đấu, tiến công dũng mãnh vào sào huyệt kẻ thù. Một sáng tạo trong quá trình vận động tất yếu, trong tính quy luật, là ở chính hai tiếng Bất thần ấy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM