Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:50:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42977 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2017, 08:12:47 am »


Riêng anh Lê Ngọc Hiền tôi quen biết anh từ lớp quân sự "đánh to thắng lớn" năm 1966, hồi đó tôi là Chủ nhiệm Chính trị Cục Quân y cùng với anh Vũ Văn Cẩn - Cục trưởng Cục Quân y đi dự lớp học này. Năm 1968, chúng tôi gặp lại nhau ở Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, anh là một cán bộ tham mưu cao cấp có tuổi đời còn trẻ lại xông xáo, đi bộ rất giỏi, bao giờ trên vai cũng mang một khẩu tiểu liên AK.

Trong một căn nhà khách làm theo kiểu dáng mới trong khu vườn cà phê đồn điền Rô-mơ ở Khe Sanh, chúng tôi tâm sự sau nhiều năm xa cách. Đồng chí công vụ của tôi có tài làm món phở bằng thịt bò hộp, ăn rất ngon và mang một cái tên rất ngộ: "Phở Tà Rụt" bởi sáng kiến làm phở này xuất xứ từ cung đường Tà Rụt - Pê Ke của Trung đoàn 217 công binh. Hôm đó chúng tôi mỗi người ăn liền hai bát và các anh cứ tấm tắc khen ngon muốn ăn thêm một bát nữa, nhưng bụng đã no rồi.

Anh Phan Hàm nói với anh Lê Ngọc Hiền:

- Từ cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 đến nay, Bộ Tổng sử dụng lực lượng Đoàn 559 như một lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ. Bộ đội Trường Sơn chiến đấu trên một chiến trường tổng hợp ở một hướng chiến trường quan trọng, tác chiến theo phương thức binh chủng hợp thành. Đó vừa là một hướng chiến trường quan trọng vừa là một tuyến vận chuyển chi viện chiến lược, chiến dịch. Ở đây cần công binh có công binh, cần phòng không có phòng không, cần vận tải có vận tải, cần bộ binh có bộ binh, cần thông tin có thông tin. Lực lượng vừa đông về số lượng vừa cao về chất lượng, được trang bị tương đối hiện đại.

Anh Hiền chen vào:

- Bộ đã huy động lực lượng 559 nhiều lắm chứ. Những năm qua nếu không có lực lượng này thì Bộ xoay xở làm sao được; không chỉ vận tải cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ động binh hỏa lực cho các chiến trường, cho các chiến dịch lớn mà cả lực lượng chiến đấu trực tiếp nữa, các binh chủng của bộ đội đường Hồ Chí Minh đều được Bộ huy động tham gia các chiến dịch.

Anh Phan Hàm nói tiếp:

- Kể từ năm 1964 đến năm 1967 kháng chiến chống Mỹ và sau 3 năm (1965-1967) trực tiếp đánh quân chiến đấu Mỹ chưa có lần nào huy động lực lượng có quy mô lớn và khí thế cao như những ngày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Ta đã đánh một đòn bất ngờ và mãnh liệt chưa từng có vào quân địch ở đô thị, vào hầu hết các cơ quan đầu não của chúng (cả Mỹ và ngụy), làm đảo lộn thế chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, gây chấn động mạnh trong nước Mỹ, tạo tiếng vang lớn trên thế giới, làm lung lay ý chí xâm lược của bọn cầm quyền nước Mỹ. Ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực Mỹ - ngụy, làm tan rã từng mảng lớn quân đội tay sai và đã giải phóng được nhiều thôn, ấp, phường phố... Trong khi lực lượng quân sự của địch đã lên tới một triệu hai mươi vạn quân, đứng chặn trên những căn cứ phòng thủ vững chắc, thì quân và dân miền Nam đã rất táo bạo tiến công sâu vào những căn cứ đầu não của chúng trên toàn Miền. Đưa chiến tranh cách mạng phát triển vào thành thị, giành thắng lợi chiến lược chưa từng có, buộc đế quốc Mỹ phải từ bỏ chiến lược "chiến tranh cục bộ", xuống thang chiến tranh, ngồi vào đàm phán tại Hội nghị Pa-ri, tạo ra một bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2017, 08:13:32 am »


Cuộc tiến công nổi dậy làm chủ thành phố Huế, cuộc tấn công vào nội đô Sài Gòn, là những hoạt động quy mô rất lớn như những chiến dịch tấn công, có tính chất chiến lược.

Chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn ở Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, là một trong những mặt trận của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968.

Đây là một hướng tiến công chủ yếu của bộ đội chủ lực ta nhằm thu hút quân cơ động Mỹ, tiêu diệt một bộ phận, vây hãm và giam chân địch, tiêu hao chúng, tạo thế cho các chiến trường khác nhất là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, trực tiếp là Huế tiến công và nổi dậy thắng lợi.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này, vai trò của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn rất quan trọng. Trong hai mùa khô liên tiếp 1966-1967 và 1967-1968 ta giành được thắng lợi lớn trên mặt trận chi viện chiến lược, nhờ đó ta có thực lực đầy đủ để phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Tuyến chi viện chiến lược có vai trò rất lớn đối với cách mạng miền Nam. Tại Mặt trận Huế, Đoàn 559 đã đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu cho quân ta tác chiến trong một thời gian dài. Đoàn 559 còn đưa lực lượng vào mặt trận làm đường thọc sâu vào thành phố Huế.

Tại Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, Đoàn 559 trực tiếp đảm bảo vật chất kỹ thuật cho hai căn cứ A1 và A3 của mặt trận, làm mới toàn bộ các tuyến đường xung quanh Khe Sanh phục vụ cho cơ động lực lượng, Binh trạm 14 Đoàn 559 còn chở bằng xe ô tô 2 sư đoàn 304 và 308 vào trận địa kịp giờ nổ súng.

Anh Phan Hàm nói tiếp:

- Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 diễn ra trên địa bàn của bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đây là một chiến dịch kết hợp lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ tuyệt vời. Lực lượng cơ động là Binh đoàn 70 của Bộ, lực lượng tại chỗ là Đoàn 559.

Từ ngày bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, đây là lần đầu tiên quân đội ta tiến hành thắng lợi một chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đánh tiêu diệt quân địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2017, 08:14:02 am »


Toàn bộ việc đảm bảo hậu cần chiến dịch do Đoàn 559 phụ trách. Toàn bộ các đường cơ động trong tác chiến chiến dịch cũng do tuyến 559 chuẩn bị sẵn sàng. Toàn bộ lực lượng phòng không chiến dịch do lực lượng phòng không Trường Sơn đảm nhiệm. Thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy chiến dịch là mạng thông tin liên lạc của 559.

Chưa có địa bàn tại chỗ nào đủ những điều kiện để triển khai một chiến dịch lớn, thuận lợi nhiều mặt như vậy.

Anh Lê Ngọc Hiền nói:

- Có một điều lớn hơn là chúng ta rút được nhiều kinh nghiệm quý giá về kết hợp lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động trong chiến tranh. Lực lượng tại chỗ mạnh, cộng với lực lượng cơ động mạnh, tất yếu sẽ giành thắng lợi. Đó là một kết luận xác đáng cho cả mai sau.

Anh Phan Hàm lại nói:

- Trong chiến cuộc năm 1972, Bộ Tư lệnh 559 đã xác định nhiệm vụ trọng yếu nhất của Đoàn 559 lúc này là bảo đảm thông suốt mạng đường vận chuyển chiến lược, chuyển đủ và kịp thời khối lượng vật chất cho các chiến trường trước ngày các chiến dịch mở màn. Đoàn 559 vừa củng cố mở rộng tuyến đường Trường Sơn, vừa xây dựng con "đường kín" Tây Trường Sơn (2.899km) cho xe vận tải chạy ban ngày dưới các cánh rừng bạt ngàn. Các đơn vị pháo binh, xe tăng và binh khí kỹ thuật nặng vào mặt trận đã có đường dành riêng.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1972, Đoàn 559 đã hoàn thành chỉ tiêu vận chuyển của cả năm. Cùng với khối lượng hàng hóa và 5 vạn 5 ngàn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào các chiến trường. Một sư đoàn và 3 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn xe tăng, 20 tiểu đoàn pháo mặt đất và pháo cao xạ, 2.000 thợ sửa chữa, 9 tiểu đoàn và 44 đại đội bộ đội địa phương, hàng ngàn cán bộ cao cấp, trung cấp thuộc các ngành tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật được tăng cường cho các chiến trường miền Nam trước tháng 3 năm 1972.

Nam Bộ là chiến trường xa nhất, trước ngày nổ súng cũng được nhận 2 trung đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo 85 ly, 1 tiểu đoàn pháo 122 ly, 2 tiểu đoàn pháo 37 ly, 1 tiểu đoàn xe tăng 36 chiếc, 1 đại đội tên lửa chống tăng B72.

Anh Lê Ngọc Hiền nói chen vào:

- Anh Hàm nhớ chính xác từng con số đến như vậy, quả thật là có một trí nhớ tốt, làm tham mưu rất cần trí nhớ. Rồi anh Lê Ngọc Hiền nói tiếp:

- Trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, chỉ sau 6 ngày chiến đấu từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5 ta đã tiêu diệt một bộ phận lớn quân địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Chỉ trong một thời gian ngắn từ 30 tháng 3 đến 2 tháng 5 ta tiêu diệt được một tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của quân ngụy hồi đó, đánh bại cả thủ đoạn phòng ngự mới của chúng là co cụm bằng xe tăng thiết giáp làm nòng cốt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2017, 08:14:28 am »


Để cứu nguy cho quân ngụy thua to hơn và có nguy cơ sụp đổ trước cuộc tổng tiến công chiến lược của ta, ngày 16 tháng 4 năm 1972 đế quốc Mỹ đã ném bom trở lại Việt Nam, liên tục dùng máy bay B.52 và pháo hạm đánh phá rất quyết liệt vào hậu phương chiến dịch của ta. Bộ đội ta gặp nhiều khó khăn trở ngại về bảo đảm vật chất tiếp tế hậu cần.

Thi hành mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 phải lật cánh từ Tây Trường Sơn sang để cùng với các lực lượng ở Đông Trường Sơn tiếp tục đảm bảo toàn bộ công tác tiếp tế hậu cần cho Mặt trận Quảng Trị, ta đưa 2 trung đoàn công binh xây dựng con đường dài 52 kilômét phía tây đường 1A, đưa hai trung đoàn công binh bảo đảm cho vận chuyển thông suốt, đưa một trung đoàn cao xạ 591 từ miền Tây về bảo vệ ngầm Phương Thúy - Ba Lòng. Bộ Tư lệnh 559 còn tổ chức hai tuyến vận chuyển phục vụ chiến dịch, tuyến vận tải ô tô và tuyến vận tải đường sông. Tư lệnh và Chính ủy Đoàn 559 đến trực tiếp chỉ huy. Sự chi viện của Đoàn 559 đã bảo đảm cho quân ta chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành Cổ Quảng Trị, bảo đảm cho ta giữ vững vùng giải phóng Bắc Quảng Trị, giữ vững đường chiến lược số 9 từ Đông Hà đi lên phía Tây và đi vào phía Nam.

Anh Phan Hàm chốt một câu:

- Lực lượng 559 là tuyến vận chuyển chi viện chiến lược, là một hướng chiến trường quan trọng, là một lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ. Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lại chiếm giữ căn cứ chiến lược Nam Đông Dương, là xương sống cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương.

Anh Lê Ngọc Hiền và tôi đều nhận thấy ý kiến của anh Phan Hàm là đúng.

Năm 1984, trong một dịp đi công tác ở Quảng Ninh của Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Cục Tác chiến và Thủ trưởng Cục Kinh tế, chúng tôi lại có dịp để hàn huyên với nhau về chủ đề Trường Sơn với các chiến trường.

Anh Phan Hàm nói:

- Trận then chốt thứ nhất của chiến dịch Tây Nguyên cũng là trận đột phá chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột là cách đánh hiệp đồng binh chủng với 4 cánh quân chủ lực kết hợp với các đơn vị tinh nhuệ và các tiểu đoàn bộ binh bí mật luồn sâu bố trí sẵn, bỏ qua các đơn vị chốt ở ngoại vi của địch, dùng cơ giới cơ động binh lực lớn tiến theo các trục đường với tốc độ cao, đánh thẳng vào trung tâm thị xã nhằm đập vỡ ngay hai đầu não chỉ huy của địch là sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy và sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc ngụy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2017, 03:40:25 pm »


Trận thứ hai là hành quân vận động bằng cơ giới đánh địch, phản kích diệt trung đoàn 44, trung đoàn 45 và trung đoàn 53 của sư đoàn 23 ngụy ở Phước An.

Trận thứ ba là nhanh chóng chuyển sang truy kích bằng xe cơ giới theo đường lớn vượt lên trước đội hình rút chạy của chúng, lập các chốt chặn dọc đường để thu bắt bọn tàn binh. Trong chiến dịch này Sư đoàn xe ô tô 471 của Bộ Tư lệnh 559 đã cơ động các sư đoàn từ Tây Nguyên, thực hiện bộ binh cơ giới hóa, thực hành ba trận then chốt ấy. Phải vận động tấn công bằng cơ giới mới giải quyết chiến trường nhanh, quân địch hoàn toàn bất ngờ.

Anh Lê Ngọc Hiền nói:

- Trận đột phá chiến lược Buôn Ma Thuột là một đòn táo bạo, rất bất ngờ và rất hiểm, lại đánh mạnh và dứt điểm nhanh, khiến địch không kịp trở tay. Tiếp đó là trận tiêu diệt gọn sư đoàn bộ binh 23 ngụy phản đột kích bằng đổ bộ trực thăng phía đông Buôn Ma Thuột làm địch kinh hoàng rối loạn, không những cấp quân đoàn ngụy, quân khu ngụy mà cả cơ quan đầu não ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn. Trận tiêu diệt địch trên đường bỏ chạy, rút chạy cũng rất gọn.

Trong chiến dịch Tây Nguyên lực lượng ta đã xóa sổ quân đoàn 2, quân khu 2 ngụy. Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược này của ta làm nổi bật cái hay, cái sắc sảo về chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Tây Nguyên.

- Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ngoài việc vận chuyển bảo đảm đầy đủ nhu cầu vật chất kỹ thuật cho chiến dịch Tây Nguyên, còn tăng cường cho Tây Nguyên các đơn vị Sư đoàn công binh 470, Sư đoàn xe 471, Sư đoàn bộ binh 968, một trung đoàn cao xạ và một số lực lượng khác. Trong chiến dịch này bộ đội Trường Sơn gần một nửa lực lượng tham gia chiến dịch, trong đó nổi bật là mở một con đường ô tô bí mật tiếp cận thị xã Buôn Ma Thuột, Sư đoàn bộ binh 968 nghi binh thu hút hai phần ba lực lượng địch ra Bắc Tây Nguyên và bộ đội xe ô tô Trường Sơn đã cơ giới hóa bộ binh Mặt trận Tây Nguyên tấn công địch và truy kích địch.

Tôi nói thêm:

- Đó là nghệ thuật chọn hướng và mục tiêu tấn công rất đúng, rất hiểm. Đó là nghệ thuật nghi binh lừa địch tạo thế giành quyền chủ động chiến dịch. Đó là nghệ thuật tạo ưu thế hơn hẳn địch trên hướng và mục tiêu chủ yếu. Hơn nữa đã phát triển xuống đồng bằng Khu 5 tạo thế chia cắt chiến lược. Từ tiến công chiến dịch phát triển thành công tiến công chiến lược.

Anh Phan Hàm nói:

- Chiến dịch Huế - Đà Nẵng là một chiến dịch đặc biệt, nó hình thành trong quá trình diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2017, 03:41:52 pm »


Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mở cuộc tiến công vào Đà Nẵng với tư tưởng chỉ đạo kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng.

Đây là một chiến dịch tiến công trong hành tiến, Sư đoàn ô tô 571 của bộ đội Trường Sơn đã cơ động Quân đoàn 2 từ tuyến Đông Trường Sơn về Huế, từ Quảng Trị vào Huế, từ Huế vào Đà Nẵng hợp lực với Sư đoàn 2 Quân khu 5 tiến công bằng các loại xe từ Quảng Tín ra Đà Nẵng, cùng với lực lượng vũ trang các địa phương, kể cả thành phố Đà Nẵng. Trận tiến công Đà Nẵng toàn thắng là trận then chốt quyết định kết thúc chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Căn cứ liên hợp quân sự mạnh nhất của địch ở miền Nam đã bị ta chiếm lĩnh nhanh gọn trong một cuộc tiến công thần tốc trong 32 giờ. Để cơ động được Quân đoàn 2, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động 2 trung đoàn làm đường, 2 trung đoàn cầu của Sư đoàn công binh 473 triển khai đảm bảo giao thông trên quốc lộ 1A, làm lại các cầu địch đã phá hoại khi chúng rút chạy.

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Cùng với chiến dịch Tây Nguyên góp phần làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo ra sự nhảy vọt, cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, thúc đẩy quân ngụy nhanh chóng đi đến sụp đổ, tạo điều kiện và thời cơ rất thuận lợi cho ta đẩy nhanh cuộc Tổng tiến công chiến lược, tập trung lực lượng áp đảo trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng ở Sài Gòn.

Bộ Tổng Tư lệnh đã trực tiếp tổ chức chỉ huy trận đánh lớn có tầm quan trọng chiến lược này.

Nói về chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Lê Ngọc Hiền nguyên là Tham mưu trưởng chiến dịch, nói:

- Sau chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, một cục diện chưa từng có đã mở ra. Thời cơ lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã kịp thời đánh giá tình hình. Cục diện chiến tranh đã có bước phát triển nhảy vọt. Lực lượng quân sự, lực lượng chính trị và thế chiến lược của ta đã hoàn toàn áp đảo quân địch. Quân ngụy đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Mỹ hoàn toàn bất lực, dù có can thiệp cũng không thể cứu vãn được quân ngụy. Thời cơ đã chín muồi để quân và dân ta tiến hành trận quyết chiến lịch sử đánh thẳng vào Sài Gòn, tiêu diệt toàn bộ ngụy quân, đánh đổ toàn bộ ngụy quyền Sài Gòn, giành thắng lợi hoàn toàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2017, 03:43:30 pm »


Về phía địch, nhìn chung tập đoàn phòng ngự lớn ở Sài Gòn - Gia Định cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuy số lượng còn đông, nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã sút kém hẳn.

Về ta, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, bao gồm cả Sài Gòn và Gia Định vào thời kỳ cuối chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta đã xây dựng được một thế trận vững vàng và độc đáo của chiến tranh nhân dân. Các lực lượng vũ trang của ta không những đã đứng vững trên các địa bàn trọng yếu xung quanh Sài Gòn mà còn bám trụ ngay cả ở vùng ven và sâu trong nội thành. Các lực lượng vũ trang ta, trước giờ mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã có tới 5 quân đoàn chủ lực, các đơn vị bộ đội địa phương, các đội biệt động, các tổ chức dân quân tự vệ, an ninh vũ trang mà một lực lượng lớn bộ đội đặc công, lực lượng chính trị quần chúng ngày càng phát triển trong nội đô đã từng liên tục đấu tranh chống địch dưới nhiều hình thức, lúc này lại có hàng ngàn cán bộ vừa mới tăng cường hướng dẫn chuẩn bị đấu tranh phối hợp với đòn tiến công lớn của quân chủ lực.

Thế và lực đó là điều kiện rất thuận lợi để ta tiến hành thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Các quân đoàn chủ lực cơ động cùng các quân đoàn chủ lực tại chỗ, cùng với Binh đoàn Trường Sơn hùng mạnh bố trí thế trận hoàn chỉnh cho một cuộc Tổng tiên công chiến lược giải phóng Sài Gòn.

Thời cơ xuất quân hành động tham gia chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng đã đến! Quân đoàn 1, đội tổng dự bị chiến lược do Sư đoàn ô tô 571 của bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh hành quân bằng cơ giới vượt 1.700 kilômét từ miền Bắc vào miền Đông Nam Bộ. Quân đoàn 2 sau khi giải phóng Đà Nẵng hành quân thần tốc bằng 2.000 xe các loại của Sư đoàn ô tô 571 qua 900 kilômét vừa đánh địch, vừa mở đường vào Đông Nam Bộ. Quân đoàn 3 được thành lập ngày 26 tháng 3 năm 1975 từ bộ đội chủ lực Tây Nguyên cũng do Sư đoàn xe 471 bộ đội Trường Sơn cấp tốc hành quân về miền Đông Nam Bộ. Quân đoàn 4 chủ lực trực thuộc Miền đang triển khai đội hình chiến đấu ở Xuân Lộc, Dầu Dây. Binh đoàn 232 (tương đương quân đoàn trực thuộc Miền) đã và đang chiến đấu ở hướng Tây Nam Sài Gòn. Tổ chức hậu cần các cấp và các lực lượng bảo đảm khác đã bảo đảm đầy đủ nhu cầu vật chất kỹ thuật với khối lượng to lớn phục vụ năm cánh quân tiến công trên phạm vi rộng lớn.

Như thế là trước khi nổ súng công kích Sài Gòn, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, với đợt tác chiến tạo thế của các lực lượng Miền cùng với cuộc hành quân thần tốc của các binh đoàn chủ lực cơ động đã hình thành được thế trận bao vây áp sát Sài Gòn từ nhiều hướng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #137 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2017, 03:44:00 pm »


Ngày 22 tháng 4 đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng điện cho Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Nội dung bức điện viết:

"Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn để giành thắng lợi hoàn toàn, cần ra chỉ thị ngay cho các hướng hành động kịp thời, chú trọng kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng.

Sự hiệp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động. Hiện nay thời cơ thúc đẩy chúng ta phải có hành động nhanh nhất. Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định thắng".

Và cùng ngày 22 tháng 4 Bộ chỉ huy chiến dịch duyệt lại lần cuối cùng kế hoạch chính thức của chiến dịch Hồ Chí Minh.

17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975 chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975 cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ tổng thống chính quyền ngụy Sài Gòn, trở thành hợp điểm của các cánh quân giải phóng Sài Gòn.

Sau 3 ngày đêm chiến đấu thần tốc, dũng mãnh, chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.

Anh Phan Hàm nói:

- Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Đây là một chiến dịch tấn công lớn chưa từng có trên chiến trường nước ta, vượt tất cả các chiến dịch lớn trước đó trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, trong 30 năm chiến tranh giải phóng cả về quy mô lực lượng, cường độ tiến công, một nội dung tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng và mức độ hoàn thành triệt để những nhiệm vụ chiến lược giao cho cũng như mục tiêu của chiến tranh cách mạng chống Mỹ ở miền Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #138 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2017, 03:44:26 pm »


Trong lịch sử phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại, chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu một đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng, thể hiện bước phát triển nhảy vọt lớn nhất về sức mạnh và nghệ thuật chiến đấu của toàn quân và toàn dân trên cả nước ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước - Anh Phan Hàm nói tiếp:

- Tôi được Tổng tham mưu trưởng giao cho theo dõi chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh từ những ngày đầu cho đến kết thúc cuộc chiến tranh; qua bao nhiêu bước thăng trầm của con đường Hồ Chí Minh lịch sử này tôi đồng tình với kết luận đánh giá của Đảng và Nhà nước ta: "Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc".

Từ một tuyến chi viện chiến lược đến xây dựng căn cứ chiến lược Nam Đông Dương, một hướng chiến trường quan trọng, một binh đoàn chi viện chiến lược đồng thời là lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà Đảng và Bác Hồ đã giao.

Tôi trân trọng đứng nghiêm chỉnh bắt tay anh Lê Ngọc Hiền, anh Phan Hàm và nói một câu cuối cùng:

- Các anh rất hiểu, các anh đã nói lên thực chất về bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Anh Lê Ngọc Hiền nói: Chủ tịch Trường Chinh đã nói: "Chúng ta đã kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi vì chúng ta có đường lối kháng chiến đúng đắn, căn cứ vào đường lối của Đảng mà vạch ra. Song muốn thắng quân xâm lược về hạ tầng cơ sở của cuộc kháng chiến, chúng ta phải có những con đường chiến lược như đường Trường Sơn và biết sử dụng những con đường ấy một cách tốt nhất để lập nên những chiến công vĩ đại...".

Lời Chủ tịch Trường Chinh chính là tâm sự của chúng tôi về chủ đề tuyến đường và chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #139 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 03:31:20 pm »


TRƯỜNG SƠN - NHỮNG KỶ NIỆM
Đại tá TRẦN VĂN PHÚC
Trợ lý Cục Tham mưu công binh Bộ Tư lệnh 559

TÔI ĐƯỢC ĐỒNG ĐỘI TRUY ĐIỆU SỐNG TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN1

Hằng năm sau Tết Nguyên đán, Binh trạm 12 chúng tôi lại tổ chức gặp mặt. Những anh những chị ngày xưa phơi phới tuổi xuân nay đã lên chức ông bà, nhưng kỷ niệm những ngày sống chiến đấu trên đường Trường Sơn vẫn còn đậm trong ký ức. Gương mặt ai cũng ngời sáng, tay nắm tay khi gặp đồng đội. Những câu chuyện, những kỷ niệm về Trường Sơn ngày ấy cứ trải dài không dứt... Đây là những cô gái thanh niên xung phong bùi ngùi nhắc lại hôm tìm thấy đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ Tân Ấp, Quảng Bình. Kia là nhóm công binh từng chốt ở trọng điểm Ka Tang, Khe Ve... "với con mắt tinh đời và đôi tai rất thính" chỉ nghe qua tiếng rít gió của cánh bom cũng phân biệt được đâu là bom từ trường, đâu là bom nổ chậm để tóm gọn từng "chú" khi chui xuống đất mai phục. Sôi nổi nhất vẫn là cánh lái xe nhớ lại những ngày tăng cung, vượt tuyến qua Cổng Trời, Xóm Péng. Chuyện đang nở như ngô rang thì xuất hiện một dáng người chắc đậm, mặt vuông, da ngăm đen, mặc bộ quân phục đông, trên ngực lấp lánh chiếc Huân chương Chiến công hạng nhất, đứng nghiêm chào kiểu quân sự:

- Báo cáo, tôi A trưởng lái xe C9 có mặt!

Mọi người kêu lên:

- Ô! Anh Oanh. Nghiêm Xuân Oanh!

Anh Trịnh Minh Phúc, nguyên là lái xe C22 nắm chặt tay anh Oanh:

- Chúng ta còn nhớ chứ, lễ truy điệu ở Km 468 tưởng ông đi đứt ở Khe Ve, thế mà vẫn sống nhăn răng ra, bây giờ trông dáng như... sếp ấy!

Mọi người cười, vỗ tay rung cả hội trường, chợt không khí như chùng xuống tĩnh lặng, nhớ về kỷ niệm cách đây 37 năm theo lời kể của anh...

Tôi được sinh ra và lớn lên ở Thủ đô ngàn năm văn vật, vốn là người làng Láng Thượng, có rau húng Láng nổi tiếng. Vừa tròn 20 tuổi, tôi rời ghế nhà trường, xung phong tòng quân và được cử đi học lái xe ở Sơn Tây. Kết thúc khóa học, chưa kịp về thăm nhà, cả đại đội được lệnh đi B vào ngày 9 tháng 11 năm 1965 và tôi được về Đại đội 734 Binh trạm 12. Thời gian này máy bay Mỹ liên tục bắn phá các tuyến đường giao thông của ta nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, ác liệt nhất là cửa khẩu đường 12 sang Lào. Sau một thời gian ngắn, anh em lái xe mới vào cũng đã được thử thách và dạn dày với bom đạn. Chúng tôi thuộc từng kilômét, từng cây cầu, cái ngầm, các trọng điểm suốt từ Hà Tĩnh qua Khe Ve, Cổng Trời sang đường 128.
____________________________________
1. Ghi theo lời kể của đồng chí Nghiêm Xuân Oanh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM