Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:09:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42975 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 06:00:13 pm »


Từ cuối mùa mưa năm 1965, Tổng cục Chính trị đưa vào tuyến Trường Sơn một đội ngũ sáng tác văn học khá đông; có những tên tuổi mà chúng tôi từng nghe và ngưỡng mộ như nhà thơ Chính Hữu, nhà văn, nhà đạo diễn Tào Mạt, nhà thơ Xuân Thiều, nhà biên kịch Sỹ Hanh, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối cùng một số văn nghệ sĩ khác như Ngô Văn Phú, Ngọc Thọ, Vũ Lương... Điều mà bộ đội Trường Sơn còn nhớ mãi những tác phẩm xuất sắc, rất tâm đắc với các chiến sĩ đường Hồ Chí Minh do các anh để lại như: tập truyện Hương Cau, Hoa Lim của Thu Vân, các bài hát "Xe ta đi trên Trường Sơn" ca ngợi chiến sĩ lái xe; bài hát "Người chiến sĩ giao liên", "Đi theo ánh lửa trái tim" của Vũ Trọng Hối; những tác phẩm kịch nói của nhà văn Tào Mạt, Sỹ Hanh cùng nhiều tác phẩm thơ, văn khác. Hình ảnh cảm động nhất mà tôi ghi nhận được là đồng chí Võ Bẩm vừa đi thị sát khu Nam tuyến về, ốm mệt nằm trong hầm chỉ huy, vẫn cố gượng dậy, đem hết sổ sách, bản đồ, tài liệu ra để mời các anh chị đến nghe anh trình bày và hỏi han sức khỏe đã khiến không chỉ có tôi mà rất nhiều người có mặt cảm động và mãi không thể nào quên. Dưới ánh đèn tờ mờ trong hang đá lạnh, các anh chăm chú nghe và ghi chép lấy tư liệu để sáng tác... Giờ đây, sau gần 50 năm nhiều người trong số họ đã thành người thiên cổ như Vũ Trọng Hối, Tào Mạt, Chu Văn, Xuân Thiều, Chính Hữu... Bộ đội Trường Sơn vẫn mãi ghi nhớ, ngâm ngợi, thưởng thức và hát vang tác phẩm của các anh.

Có thể nói từ năm 1966, cuộc sống văn hóa, văn nghệ trên tuyến lửa Trường Sơn như bừng lên sôi nổi. "Tiếng hát át tiếng bom", đã trở thành khẩu hiệu ở Trường Sơn và được cán bộ, chiến sĩ thể nghiệm một cách mạnh mẽ và sâu sắc nhất. Bom đạn là vậy, nắng lửa là vậy, lại còn thiếu áo, đói cơm, ngày đêm cận kề gian khổ và cái chết rình rập... Nhưng các lực lượng công binh, lái xe, pháo thủ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên mọi nẻo đường vẫn hò reo, ca múa, được thưởng thức các món ăn tinh thần khác hẳn trước đây phải "đi không dấu, nấu không khói". Cơ quan chính trị bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng đào tạo người, xin cấp và sẻ san máy móc, phim ảnh, phông màn ra làm ba đội, chốt ở ba vùng phục vụ các lực lượng chiến đấu, vận tải, làm đường và hành quân ra mặt trận. Một số chiến sĩ làm công tác điện ảnh đã hy sinh ngay trên bãi chiếu phim, phần lớn nguyên nhân do lộ sáng trên màn ảnh. Về sau anh chị em đã hợp sức làm những phông bạt kín chiếu phim ban ngày, rất thuận lợi cho các lực lượng đến xem, vì hầu hết đều đã "lấy đêm làm ngày" và ngày bớt ngủ đi xem phim đã thành một nếp sống tinh thần cho rất nhiều người, từ chị dân công hỏa tuyến đến đồng chí cán bộ cao cấp từ Nam ra hay từ Trung ương vào.

Mũi xung kích của Đoàn ca múa giao hưởng hợp xướng thuộc Bộ Văn hóa, khi được phái vào tuyến lửa Khu 4 phục vụ đã xin được phép "vượt cửa khẩu", đi sâu vào Lùm Bùm, Ka Tốc, qua cả phía nam Đường 9 để cất cao tiếng hát, điệu múa, nhịp đàn cổ vũ các trạm giao liên, các đơn vị lái xe, trận địa pháo... Những nghệ sĩ - chiến sĩ phải thực hiện cuộc đi bộ vượt qua chặng đường suối sâu đèo dốc trên 40 kilômét vào phía nam Đường 9 là một thử thách mà anh chị em văn nghệ "chưa bao giờ gặp". Trên vai mang vác nặng, leo núi, thiếu ăn, đến nơi không kịp tắm rửa, nghỉ ngơi, cả đoàn đã phải căng phông, lắp rạp, mắc loa máy, mang đàn ra phục vụ tại mặt trận. Hình ảnh các nữ diễn viên như Bích Liên, Kim Thúy, Hồng Liên lúc đến chặng có lớp học của dân quân bạn Lào giữa rừng đã ngã ngất trên ghế tre, đồng đội phải pha sữa để chống cơn "choáng vì kiệt sức", đã làm Chính ủy Vũ Xuân Chiêm rất lo lắng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo đi theo chăm sóc sức khỏe cho đoàn có lúc đã lắc đầu ngao ngán muốn bàn việc "cho đoàn quay ra", nhưng anh chị em trong đoàn quyết tâm quá cao, tất cả đều tình nguyện hăm hở đi đến nơi để biểu diễn động viên chiến sĩ. Tiếng hát âm vang bay bổng của các nghệ sĩ mà lâu nay các chiến sĩ mới được nghe trên đài phát thanh như Quý Dương, Bích Liên..., nay được trực tiếp gặp mặt, bắt tay, nghe hát như thổi vào tâm hồn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn một sức mạnh kỳ diệu, sẵn sàng chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Cảm kích trước tấm lòng của văn nghệ sĩ, có chiến sĩ vệ binh đã chạy bộ vượt trên 20 cây số đường rừng, tìm cho được chiếc micrô cầm tay của ca sĩ Bích Liên bỏ quên trên một chặng nghỉ nào đó. Anh chiến sĩ này lấy được chiếc micrô về đến đích thì đổ cơn sốt rét, phải đắp chăn nằm. Các ca sĩ Quý Dương, Bích Liên đã đến bên giường bệnh hát và cảm ơn, khích lệ anh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 06:00:38 pm »


Cũng từ giữa mùa khô năm 1966, những đội xung kích văn nghệ được hình thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và phục vụ cho công tác giáo dục chính trị trên toàn tuyến. Hạt giống đầu tiên là đội văn nghệ "nghiệp dư" của Cục Chính trị, do nữ bác sĩ Nguyễn Thị Băng Trâm làm đội trưởng. Ngoài nhiệm vụ ca hát, phát thanh tài liệu, động viên chiến sĩ đang tác nghiệp tại trận địa, đội còn tham gia chữa bệnh, cứu thương và bảo vệ sức khỏe cho những người trong đội và của cả đơn vị nơi đến. Sau khi phục vụ ca hát, đội lại cùng sinh hoạt, bồi dưỡng hạt nhân phong trào cho đơn vị. Có một lần, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khi dẫn một số cán bộ của Binh trạm do đóng quân tít tận đỉnh núi, xa trọng điểm, đôn đốc ra sát đường cái, thấy đội đang hát trên một bãi đỗ xe, đã đến biểu dương và anh chị em trong đội đã ngồi xung quanh ông chụp ảnh. Ông nói với đồng chí Chính ủy Binh trạm:

- Đây cũng là một binh chủng đặc biệt, có hiện trường tác chiến không kém gì một đơn vị thi công, tác chiến, vận tải, binh trạm nên học và làm theo.

Cũng từ đó, các binh trạm được phép tách quân số trong biên chế ra, từ 10 đến 20 người có khả năng văn nghệ lập thành một đội "tuyên truyền văn hóa" như của Cục Chính trị, lấy nòng cốt là những hạt nhân trong phong trào văn hóa quần chúng của Binh trạm. Phong trào này được các đơn vị tích cực hưởng ứng vì chính họ cũng đang "rất đói văn nghệ".

Đầu mùa thu năm 1966 - 1967, để giúp các binh trạm nâng cao chất lượng hoạt động của những đội hạt nhân này, Cục Chính trị đã cử Chủ nhiệm câu lạc bộ Phạm Đức Cường - Nguyên chính trị viên Đoàn văn công Quân khu 3 về các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, tuyển được trên 50 em đưa vào hậu cứ của Bộ Tư lệnh tại Quảng Bình, học tập quân sự và đào tạo các bộ môn nghệ thuật một cách cơ bản trong ba tháng. Đạo diễn chèo nổi tiếng Tào Mạt, Trịnh Quý..., cả nghệ sĩ xiếc Trúc Vinh từ rạp xiếc Thống nhất được mời vào để dạy dỗ các em. Năm, sáu em trong số này về sau chuyển cho Đoàn văn công Quân giải phóng miền Nam năm, sáu em có thể làm văn công chuyên nghiệp. Còn phần lớn, biên chế thành từng nhóm chuyển sâu vào phía trong, giao cho các binh trạm. Đội trưởng, chính trị viên các đội văn nghệ đều do binh trạm tuyển chọn từ các hạt nhân văn nghệ có bản lĩnh ở đơn vị lên. Các em được phái vào ngoài lưng vốn ít ỏi đã học được thì tự mình mày mò, vừa phục vụ vừa nâng cao nghiệp vụ. Rất nhiều anh chị em được khen về tinh thần dũng cảm trong công tác và xông pha nơi trọng điểm. Thật xót xa khi nhắc đến những dòng tên liệt sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ "bán chuyên nghiệp" này. Ở đoàn bộ, có y tá Nguyễn Thị Tứ, khi đội bị bom, đồng đội không tìm thấy nguyên vẹn thi thể của chị...; rồi diễn viên chèo Tuấn Ngọc, diễn viên đàn Nguyễn Đình Đa đều hy sinh vì bom đạn địch. Chiến sĩ hát chèo Đỗ Thị Thắm của Binh trạm 35 lên cơn sốt rét ác tính ngã xuống trên đường đi biểu diễn... Binh trạm 32 hai lần lập lại đội, lần đầu bị mất 13 diễn viên. Sau đó được bổ sung, đội mới đi biểu diễn trên các trọng điểm ác liệt như Lùm Bùm, Cốc Mạc... Binh trạm 32 "là binh trạm vạn tấn" trong chi viện chiến trường, cũng là binh trạm có đời sống tinh thần, văn hóa sôi nổi nhất. Số đông trong các diễn viên văn nghệ không chuyên này về sau do tiến bộ nghề nghiệp và kinh nghiệm phục vụ biểu diễn đã trở thành những nghệ sĩ ưu tú, diễn viên chuyên nghiệp có tên tuổi như Nguyễn Ngọc Thà, Phùng Tất Cứ, Nguyễn Khắc Nghiêm, hay trở thành nhạc sĩ, đạo diễn có tài như Đào Hữu Thi, Lê Huy, Huy Loan, Đào Thế Y...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 06:02:38 pm »


Cao điểm của phong trào văn nghệ không chuyên mang tính quần chúng, nhưng có tổ chức và nghiệp vụ gần như chuyên nghiệp là Hội diễn toàn tuyến vào tháng 4 năm 1973 tại Hiền Ninh, Lệ Thủy, Quảng Bình. Hội diễn đã tụ hội trên 300 cán bộ và diễn viên. Các đội chia thành từng nhóm khu vực, gồm 16 đội, bước đầu tự tập duyệt và trình diễn chương trình tự biên. Một Ban giám khảo gồm các tác giả, đạo diễn và nhạc sĩ, nhà thơ của Trường Sơn và Tổng cục Chính trị vào đi duyệt chấm từng chương trình. Kết quả đêm chung khảo là một chương trình tổng hợp gồm các tiết mục đặc sắc của các binh trạm hợp lại. Đêm biểu diễn báo cáo được cán bộ, chiến sĩ tham gia Hội nghị quân chính toàn tuyến mùa mưa năm 1973 hết sức hoan nghênh. Có đồng chí nói không biết có quá khen không, nhưng rất chân tình: "Văn nghệ quần chúng cũng đứng được sánh vai cùng văn công Tổng cục và văn công Trường Sơn". Sau Hội diễn còn có tập huấn chuyên môn cho các đội một cách bài bản, do các nghệ sĩ chuyên nghiệp giảng dạy. Cục Chính trị đã gộp các đội tuyên truyền văn hóa lại thành một đoàn lấy tên là Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn 2. Một lớp viết văn và sáng tác kịch bản đã được tổ chức bên cạnh Hội diễn và tập huấn, các nhà thơ của Quảng Bình như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây..., cùng các nhà thơ quân đội như Phạm Tiến Duật, Vương Trọng đều đến dự trao đổi và hướng dẫn về chuyên môn. Chính từ trong đợt hội diễn và tập huấn lần này, nhiều diễn viên đã được giao lưu, học hỏi, nâng thêm trình độ. Một số nhà văn như Phạm Hoa, Nguyễn Hữu Quý... đã bắt đầu sự nghiệp cầm bút, sau trở thành những nhà văn có tên tuổi.

Sẽ là thiếu sót, nếu nhắc đến "trận địa văn nghệ" Trường Sơn mà bỏ qua mất một số ngành đã đem đến nhiều thành tựu ấn tượng. Đó là các đội quay phim của Tổng cục Chính trị phái vào ngay từ đầu mùa khô năm 1965 - 1966. Những thước phim quay trên dòng thác Bạc của các nghệ sĩ Nguyễn Nhàn, Đắc Xuân; những trọng điểm ác liệt dưới ông kính của U Đa là những tư liệu mà không bao giờ có lại nữa của Điện ảnh Quân đội. Đó là ngành nhiếp ảnh ban đầu chỉ có vài "ống kính sang ngang" như Trọng Khoát, Mai Trung, Lý Tự Nhiên, Hoàng Bá Thực, về sau đào tạo ra một thế hệ những nhà nhiếp ảnh có chuyên môn cao, đóng góp cho lịch sử bộ đội Trường Sơn nhiều tác phẩm có giá trị như của tác giả Hoàng Kim Đáng (sau này anh chuyển sang báo Văn nghệ của Hội nhà văn, rồi làm Tổng biên tập Tạp chí nhiếp ảnh của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mà Hoàng Kim Đáng là ủy viên Trung ương hội). Đồng nghiệp của Đáng còn có Vương Khánh Hồng, Văn Tuấn Anh rồi sau này có Quảng Bình (chuyên chụp và quay phim cho Binh đoàn 12 đã qua đời). Hội họa ở Trường Sơn cũng có nét đặc thù riêng, tổ 3 người, toàn những tài năng do đơn vị và anh em phát hiện. Minh Đỉnh vào Binh trạm 12 làm chiến sĩ phụ lái xe. Đỉnh mắc chứng "mù màu" nên muốn vẽ xe pháo, anh nặn, đẽo, gọt những hình gần như thật rồi đặt ở các góc độ khác nhau trên những tấm ảnh đen trắng mà vẽ cảnh đoàn xe. Nguyễn Đức Dụ được điều từ Binh trạm 42 về, anh đã vẽ Binh trạm phó Toàn "cười hở chiếc răng vàng" giống y hệt. Vĩnh Phúc trong một bức tranh vẽ ở Binh trạm, phác họa cảnh cơ quan, có hình ảnh một chiến sĩ cầm tờ bạc Việt Nam, "nhìn qua nhiều người tưởng là tờ bạc thật". Hoàng Đình Tài từ Binh trạm 12 ở cửa khẩu Cha Lo chuyển vào nói rằng, anh em ở ngoài đó được dự một vài lớp đào tạo cấp tốc nên có tay nghề cơ bản hơn. Công việc chính của tổ "họa sĩ" này ban đầu là trang trí hội trường và trưng bày cho các hội nghị ở đoàn bộ trong các dịp lễ tết. Phòng Tuyên huấn phân công tổ vẽ thêm một số tranh cổ động, về sau phòng văn nghệ quần chúng của Cục Tuyên huấn phái người vào mở lớp vẽ tranh in lưới thì số anh em này mới bắt đầu tiếp tục với các lý thuyết về hội họa. Sau này, chiến tranh kết thúc họ mới được cử đi học Đại học Mỹ thuật và đều trở thành họa sĩ. Minh Đỉnh sau này làm Trưởng phòng sáng tác của Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, anh có nhiều bức tượng được đặt ở nghĩa trang Trường Sơn. Tượng Bác Hồ của Minh Đỉnh được Ban văn hóa tư tưởng Trung ương Đảng chọn làm "tượng mẫu" tại các hội nghị, cơ quan. Anh Minh Đỉnh đã qua đời ở tuổi 60, sau một chuyến đi gian nan vất vả lên Cao Bằng để tạc tượng Bác Hồ ở hang Pác Pó. Hoàng Đình Tài đã được đề nghị tặng giải thưởng quốc gia về hội họa với các tác phẩm xuất sắc về Trường Sơn. Đức Dụ đã mở trên 10 cuộc triển lãm tranh ở Hà Nội, Hải Dương với bộ sưu tập gồm hàng trăm bức tranh đặc sắc. Duy có Vĩnh Phúc là vất vả, học xong một lớp họa ở Hà Nội anh về địa phương xây dựng phòng văn hóa cơ sở và mất do một tai nạn rủi ro trên đường làm nhiệm vụ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 07:31:15 pm »


Tờ báo Trường Sơn là một trong những ngọn cờ đầu "nổ súng" cho phong trào văn hóa văn nghệ ở Trường Sơn, ban đầu tờ báo là một bản tin viết tay in rô-nê-ô do Chủ nhiệm chính trị Hồng Kỳ làm chủ bút, làm phó cho anh có trợ lý văn nghệ và trợ lý thi đua Hoàng Bá Thi. Ngày 1 tháng 1 năm 1967 thì chính thức ra số đầu tiên lấy tên "Hoa thắm Trường Sơn", đăng tải chủ yếu các bản tin, bài viết, thơ ca viết về những tấm gương thi đua xuất sắc lượm lặt từ các đơn vị, cơ quan, về sau Tổng cục Chính trị cử một số phóng viên báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ Quân đội bổ sung vào và phát triển thành báo in, trong đó có hơn 1 trang dành cho văn hóa văn nghệ, sáng tác thơ văn. Đồng chí Lục Văn Thao chính thức được quyết định là Tổng biên tập, các anh Phạm Tiến Duật rồi Duy Khánh, Đình Phong, Phạm Bá Lợi cùng một số anh chị em ở cơ quan lên như Phạm Ngọc Huệ... thay nhau làm phóng viên thường trực và đi xuống cơ sở, trọng điểm binh trạm ghi bài, chụp ảnh, đưa tin. Trang văn nghệ báo Trường Sơn cũng là nơi luyện bút đầu tiên cho một số tác giả, sau này có người trở thành nhà văn nổi tiếng như Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Phạm Hoa, Nguyễn Hữu Quý cùng nhiều nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp khác vào "tham chiến" ở Trường Sơn như Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Minh Châu trước lúc kết thúc chiến tranh đều có bài gửi báo Trường Sơn. Những "con người" sau khi đã trở thành "thiên cổ" mà tác phẩm còn sống mãi trong lòng bao thế hệ chiến sĩ Trường Sơn và con em chúng ta.

Được sự quan tâm của Đảng, nhân dân và lực lượng vũ trang trong cả nước, chiến trường Trường Sơn từ khi chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã trở thành trung tâm thu hút các lực lượng văn học, nghệ thuật khắp nơi trong cả nước. Và quả thật, như cố nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

      "Trường Sơn: Đông nắng, Tây mưa
      Ai chưa đến đó như chưa rõ mình...


Các cơ quan văn hóa văn nghệ từ Trung ương đến địa phương, gồm cả lực lượng chính quy và xung kích nô nức lên đường vào tham gia chiến đấu, phục vụ ở Trường Sơn. Gắn bó và gần gũi nhất, trước hết phải nói tới Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, trong đó có các nhạc sĩ nổi tiếng như Doãn Nho, Huy Thục đã từ Tây Nguyên hành quân ra từ một vài mùa khô trước. Nay lại quay vào với một lực lượng "tinh nhuệ và hùng hậu" hơn hẳn. Các ca sĩ Linh Nhâm, Kim Cúc, Nguyệt Ánh đi đến tận cơ quan, trạm xe, trận địa, cung đường nào cũng được đón chào như anh chị em trong nhà. Nhiều chiến sĩ trẻ còn gọi các chị là "Mẹ nuôi" và coi tiếng hát các chị là "lời ru của mẹ". Những bài hát trẻ trung, sôi động, ngộ nghĩnh như "Quả bom câm”, "Năm anh em trên một chiếc xe tăng",v.v... được bộ đội Trường Sơn hát truyền nhau vang vọng khắp mọi nẻo đường. Sau những chuyến phục vụ dài này, Đoàn lại được đưa về và ra Bắc để tập huấn nghiệp vụ, củng cố tổ chức, trang bị sẵn sàng đi phục vụ cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đoàn nọ tiếp đoàn kia, các đội văn công xung kích các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Bắc Thái, Hà Tuyên, Cao Bằng cũng lần lượt vào Trường Sơn biểu diễn phục vụ bộ đội. Họ bảo nhau rằng: "Đi Trường Sơn cũng là đi B, cơ hội ngàn năm có một" nên ai nấy đều hăm hở, nhiệt tình. Khi vào tuyến, đối mặt với gian khổ, khó khăn, bom đạn, họ càng cảm thông sâu sắc với chiến sĩ Trường Sơn. Các anh, các chị đã đem hết lòng dũng cảm, tài năng và ý chí phục vụ cho chiến trường với khẩu hiệu: "Xả thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam”, "Tiếng hát át tiếng bom”.

Đoàn Hà Nội là một trong những đoàn vào sớm nhất, tiết mục có cả múa, hát, kịch và cả xiếc. Tiếng hát bay bổng của các cô gái Thủ đô làm ngây ngất lòng chiến sĩ. Những ấn tượng khó quên lại là những vai diễn nhí nhảnh của "người lớn đóng trẻ con" như chị Phạm Thị Thành trong các vở kịch ngắn của Nguyễn Vũ... Đoàn Bắc Thái để lại hai liệt sĩ trên đường phục vụ, bởi bị trúng bom. Đoàn Nam Hà đi tới đâu cũng đem lại niềm vui như sấm dậy với màn chèo "Vợ chồng anh thợ mộc", "Mẹ Đốp...". Đoàn Hà Bắc, Hải Hưng là những đoàn vào Trường Sơn sớm và đi sâu, đi xa nhất. Đoàn Quảng Ninh gây ấn tượng ở những cô gái vùng than mà da trắng như trứng gà bóc. Đoàn văn công Thái Bình do Lê Thế Phiệt dẫn đầu đã thu hút được cảm tình của cơ quan Bộ Tư lệnh và được sự ưu ái của nhiều cán bộ binh chủng bởi thế mạnh của đoàn là hát chèo. Hơn nữa là do tác phong thâm nhập và gần gũi chiến sĩ của những người con quê lúa này có cái gì đó rất dễ gần, dễ mến. Từ cô gái trẻ măng Đoàn Minh Huệ đến các em ít tuổi hơn như Xuân Quý, Vân Quý và cô em út Thu Lan đi đến đâu đều được chăm sóc chu đáo. Tay chèo nam Đức Quảng luôn có nụ cười vừa sân khấu, vừa dân dã. Và còn rất nhiều gương mặt đáng nhớ khác. Đoàn được một dịp may hiếm có là trên đường trở về quê hương sau một năm phục vụ bộ đội Trường Sơn (tháng 1-1969-1970) Bộ Tư lệnh Trường Sơn cho xe và cử cán bộ đưa về tận nhà khách Tỉnh ủy Thái Bình. Trên đường qua hậu cứ Hương Đô, đoàn được cử lên phục vụ và dự tiệc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến nay tấm ảnh chụp chung với Đại tướng đã trở thành vật gia bảo của nhiều anh chị em trong đoàn.

*

Còn rất nhiều câu chuyện, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu gương mặt khó quên đã đóng góp tích cực vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên chiến trường tổng hợp ngày càng quy mô to lớn, góp sức vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Năm mươi năm đã trôi qua, và người từng đảm trách "mặt trận" này của Bộ Tư lệnh Trường Sơn trong chống Mỹ nay tuổi cũng đã gần 80. Bởi vậy, có điều nhớ, có điều quên, chỉ xin ghi lại đôi chút tâm tình và xin được nhường lại, tiếp âm cho những ai đã từng tham gia vào "binh chủng đặc biệt" này, mong được góp thêm nhiều trang lịch sử Trường Sơn huyền Thoại.

Hà Nội, tháng 10 năm 2008
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 01:50:52 pm »


TUYẾN ĐƯỜNG VÀ CHIẾN TRƯỜNG
(tâm sự của ba người trong cuộc)
Đại tá BÙI THẾ TÂM
Nguyên chính ủy Sư đoàn công binh 473

Những ngày tôi làm Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng, anh Lê Ngọc Hiền - Tổng tham mưu phó, anh Phan Hàm - Cục phó Cục Tác chiến và tôi thường gặp nhau sau các buổi giao ban.

Tâm sự thường xoay quanh con đường Trường Sơn với các chiến trường ta và bạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Câu chuyện lôi cuốn chúng tôi đến kỳ lạ. Đôi lúc vui chuyện, Bộ trưởng Văn Tiến Dũng còn bảo chúng tôi đến nhà làm việc của anh để trò chuyện. Anh thường kể chuyện anh đi trên tuyến Đông Trường Sơn vào chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên. Anh nói, trong chiến dịch Tây Nguyên, lực lượng bộ đội Trường Sơn có vai trò lớn, chiếm gần một nửa; còn chiến dịch Hồ Chí Minh quân số ba mươi vạn thì bộ đội Trường Sơn có trên mười vạn rồi.

Tôi vẫn nhớ câu nói để đời của anh về con đường Đông Trường Sơn: "Cả cuộc đời làm tướng của tôi, cái mơ ước lớn nhất của tôi là làm sao mở được tuyến Đông Trường Sơn để mau chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà".

*

Tôi và anh Phan Hàm đã biết nhau từ dạo tôi làm Chủ nhiệm Chính trị Cục Quân y chuyên lo tổ chức các bệnh viện, các đội điều trị, đội phẫu thuật chi viện cho các chiến trường.

Tôi cũng biết anh Lê Ngọc Hiền từ dạo tôi cùng với Cục trưởng Vũ Văn Cẩn đi học lớp quân sự "đánh to thắng lớn" và thời tôi làm Chủ nhiệm Chính trị Cục Hậu cần chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Xuân Mậu Thân 1968.

Cuối năm 1968, Chính ủy Lê Quang Đạo giao nhiệm vụ cho tôi xuống làm Chính ủy Binh trạm 14, sau đó Bộ Tư lệnh 500 kết thúc, thu gọn lại thành Đoàn 500 trực thuộc Tổng cục Hậu cần.

Trong một cuộc họp chuẩn bị cho mùa khô 1968-1969 do Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện chủ trì, tôi có dịp gặp lại anh Phan Hàm (khi đó anh đã về Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu), anh hỏi tôi:

- Liệu bọn Mỹ gây ra một vụ "Đồng Lộc" ở biên giới Lào - Việt trên đường 20 Quyết thắng, Binh trạm 14 không? Câu hỏi quá đột ngột làm cho tôi phải suy xét vì thời gian công tác ở Tổng cục Tiền phương, tôi có ra công tác ở trọng điểm đó, có lần tôi và anh Tuy đưa được anh Lê Quang Đạo vượt trọng điểm Đồng Lộc về Đức Thọ.

Tôi trả lời:

- Kiểu Đồng Lộc anh nói đó so với Xiêng Phan đường 12 và Ta Lê đường 20 có những đặc điểm khác. Ở Đồng Lộc, Mỹ sử dụng nhiều loại máy bay ném bom, còn Xiêng Phan và Ta Lê thì cả B.52 rải thảm. Nhờ ta mở đường vòng tránh mới giải tỏa được. Chúng có thể mở trọng điểm ở chỗ độc đạo để ngăn chặn ta, có thể ở phía đông đường 20B.

Anh Đinh Đức Thiện, đứng phía sau nghe thấy câu chuyện của chúng tôi, anh nói:

- Cậu Tâm nói đúng đó, thằng Mỹ chuyên nghề đánh vào chỗ độc đạo của ta. Đồng Lộc mình mở đường vòng tránh chậm nên có những lúc đường bị tắc và tổn thất lớn. Sau khi ta mở một con đường vòng qua trọng điểm Đồng Lộc thì Mỹ cũng chịu thua ta. Làm vận tải trong thời chiến, nhất là đối phó với thằng Mỹ thì phải luôn luôn phá thế độc đạo!

Anh Phan Hàm nói tiếp:

- Anh nói phải quá, làm sao mà cãi anh được!

Rồi sự việc xảy ra đúng như vậy. Có người tưởng rằng thằng Mỹ ngừng ném bom miền Bắc là ngừng ném bom ở các cửa khẩu. Trái lại thằng Mỹ lại chọn cửa khẩu làm trọng điểm tiếp tục đánh phá ác liệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 01:51:39 pm »


Tranh thủ thời gian địch tạm ngừng đánh phá, xe và ca nô của Bộ Giao thông vận tải lấy hàng ở cảng Gianh đưa lên Phong Nha, Khương Hà, Cự Nẫm. Binh trạm 14 đưa từ đây lên Cụm C để tuyến 559 ra đó nhận hàng chuyển lên phía trước.

Hồi ấy cứ một ngày đêm chúng tôi đưa lên Cụm C trên 300 tấn hàng các loại, cung độ dưới 100 kilômét chạy cả ngày lẫn đêm rất thuận lợi. Nhờ 3 tiểu đoàn thanh niên xung phong 15, 23, 25 khẩn trương tập trung nâng cấp mặt đường, cải tuyến nên công việc vận chuyển tiến hành thuận lợi. Đường 20 Quyết thắng được khắc phục đáng kể.

Thế rồi, đùng một cái, Mỹ gây ra trọng điểm K68. Đây là một đoạn đường yên ngựa, đi trên sống núi, hai bên là vực sâu. Binh trạm trưởng Hoàng Trá nói với tôi:

- Tôi lên trên đó giải quyết xem sao, rồi ghé qua đội thanh niên xung phong 23 đón anh Trần Đình Cầu cùng lên luôn. Anh ở nhà chủ trì công việc, anh ra Tiểu đoàn 15 thanh niên xung phong chỉ thị cho tiểu đoàn dỡ bỏ hoàn toàn rông đanh thay vào cấp phối cho xe đi vào hướng Binh trạm 16 tốt hơn.

Khi lên đến nơi, anh Hoàng Trá gọi điện về cho tôi. Anh nói:

- Nó đánh Km 68, Chính ủy giở bản đồ ra đi. Nó cắt đường đi vào Cụm C, nơi Binh trạm 14 trả hàng cho Binh trạm 32 Đoàn 559. Cách giải quyết của tôi là mở rộng đường ra cho xe qua, dẫu nó ném bom trúng tim đường, xe ta vẫn lách qua được để đi vào kho giao hàng. Tối nay tôi bảo lái máy Nguyễn Phong Lưu xuất trận cùng với Đội 25 thanh niên xung phong.

Thế là tuyến tiền phương đã bị Mỹ đánh chặn cửa khẩu đường 20 Quyết Thắng. Chuyện cắm cờ biên giới của Binh trạm 32 ở Nậm Chà Là, cắm cờ ở Ta Lê - Phu La Nhích của Binh trạm 14 coi như Mỹ không chấp nhận.

Tôi sổt ruột quá, nên bàn giao công việc lại cho anh Tầm - Binh trạm phó, anh Sơn - Phó chính ủy để theo xe Tiểu đoàn 781 chở hàng lên Cụm C. Trước khi đi anh Phan Hàm ngoài Hà Nội gọi điện thoại vào hỏi tôi:

- Mỹ nó đánh vào biên giới phải không? Các anh xử lý ra sao?

Tôi nói: - Tôi đi lên đó đây. Ông Đinh Đức Thiện hỏi anh phải không? Anh trả lời: Hôm qua giao ban Bộ anh Đinh nổi cáu lên đó.

Ba chúng tôi: Hoàng Trá, Bùi Thế Tâm, Trần Đình Cầu và các đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn 781, Đội 25 thanh niên xung phong (lúc này là Tiểu đoàn 25) bàn bạc và đi đến kết luận: Làm theo cách giải quyết của Binh trạm trưởng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 01:52:28 pm »


Ngày hôm sau hai chúng tôi chống gậy đi thị sát địa hình từ Km 66+500 rẽ về bên phải tuyến 20A thấy có một khu rừng rậm rạp, đi sâu vào 500 mét thì thấy có mấy quả núi liền nhau, con đường sườn núi có mặt bằng tốt, thoai thoải không có dốc, tôi đi một mạch 4 cây số thì chạm vào khu kho của Cụm C.

Tôi vào gặp đồng chí Nguyễn Quang Hứa - Cụm trưởng, và đồng chí Dương Hồng Sơn - Chính trị viên, dẫn hai anh cùng tôi ra thị sát lại. Thấy điều kiện cho phép, tôi ra lệnh cho Ban chỉ huy Cụm huy động lực lượng kho và một máy húc 75cv mở một con đường bí mật từ cụm kho ra Km 66+550. Chỉ sau hai ngày đường đã làm xong.

Chúng tôi đặt một kho trung chuyển tại Km 66+550, để phòng nếu số xe không có khả năng vượt trọng điểm và quay về thì để hàng tại đây quay về căn cứ đi chuyến khác. Cụm kho C cho một số xe trọng tải 2 tấn của nội bộ kho, ban ngày ra na-vét chuyển vào kho. Tư tưởng vận dụng chiến thuật trong vận tải quân sự chiến đấu bắt đầu từ đây, phải biết biến hóa trong tổ chức vận chuyển đế đối phó với một kẻ địch giàu, mạnh như đế quốc Mỹ.

Mặc cho địch đánh, càng đánh thì tuyến đường Km 68 cứ rộng ra, có đến 15 mét, 20 mét chiều rộng, giữa hai đợt công kích của máy bay Mỹ, xe của Binh trạm vẫn vượt vào và ra bình thường. Nếu đưa hết khối lượng đất, đá do bom Mỹ đào lên ra hai bên thì mặt đường cứ thế rộng ra như sân bay.

Mục tiêu 300 tấn lên Cụm C vẫn tiếp tục thực hiện. Anh Trần Đình Cầu - Binh trạm phó phụ trách cầu đường có câu vịnh theo kiều như sau:

      "Có ba trăm tấn lên C, ấm êm chẳng có chuyện này, trò kia!
      Không có ba trăm tấn lên C, Tư lệnh Hồng Kỳ quát vỡ lỗ tai''.


Bởi ông Hồng Kỳ đã giao nhiệm vụ cho Binh trạm 14 mỗi đêm, phải đưa lên Cụm kho C 300 tấn; ba mươi đêm là 9.000 tấn, cố gắng đưa năng suất trọng tải mỗi chuyến xe đạt thêm 1.000-1.500 tấn để có 10.000 tấn/tháng đến 10.500 tấn/tháng giao cho tuyến 559.

Tôi hỏi Hồng Kỳ về việc giao chỉ tiêu đó thì anh cho biết: Làm như vậy là để tạo chân hàng cho tuyến 559 theo chỉ thị của Tổng tư lệnh. Còn để "thi đua với ông Đồng Sỹ Nguyên", lúc nào tuyến tiền phương cũng đủ, cũng thừa chân hàng cho tuyến 559. Ông Hồng Kỳ là một con người đa tài, năng động. Ở đường 12 còn đổ hàng xuống vùng kho của Binh trạm 31 và Binh trạm 31 của tuyến 559 không kịp giải phóng xe đến trả hàng của Binh trạm 12. Còn ở Binh trạm 14 thì chúng tôi tăng cường cho Cụm C thêm quân để đưa hàng vào các nhà kho chu tất và bốc hàng lên xe nhanh, sau đó còn cho xe chạy vượt cung vào Binh trạm 32 trả hàng, và có thêm lực lượng làm nhà kho cho Binh trạm 32.

Và quả thật, Binh trạm 14 đã trải qua vượt trọng điểm liên hoàn rồi, chỉ một trọng điểm Km 68 thôi, chẳng có gì đáng phải lo ngại, Binh trạm 14 dư sức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 01:52:56 pm »


Mùa khô 1968-1969 Binh trạm 14 hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch Bộ giao. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện hoan nghênh, anh "thưởng" cho chúng tôi thêm 20 xe Zin 157 khi Binh trạm 14 nhập vào Đoàn 559. Ở Km 68 đường 20, cứ 40 phút chúng công kích một đợt, mỗi đêm có từ 5 đến 6 đợt công kích như vậy mà khối lượng hàng vượt khẩu vào bảo đảm trên 300 tấn/đêm, anh xin phép Bộ Tổng tham mưu vào đường 20 xem sao. Anh gặp tôi ở sở chỉ huy.

Tôi lấy trong cặp ra một tờ giấy vẽ con đường chiến thuật và vẽ đoạn Km 68 đường A nói với anh:

- Địch ngơi đánh là chúng tôi cho xe vượt khẩu, mặt đường rộng và nơi này khó đánh lắm, ném bom khó trúng tim đường nên tranh thủ 40 - 50 phút chúng tôi cho xe vượt vào trả hàng xong rồi quay về. Số xe không vượt kịp và quay về trong đêm thì trả hàng tại kho chiến thuật rồi quay về đi chuyến tiếp theo, đội xe nhỏ của Cụm kho C ban ngày đi trên đường bí mật vét hàng vào kho chính.

Với anh Đinh Đức Thiện, tôi còn nhớ một chuyện trên đoạn Km 68 đường 20. Đó là, khi nghe Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu báo cáo tình hình, anh nói với tôi.

Nghe xong anh "à" ra một tiếng rồi nói: - Chiến thuật tổ chức vận chuyển hàng thật là hay, tôi về báo cáo với ông Thiện để ông yên tâm "khoản" đường 20.

Mùa khô 1969-1970 tuyến 500 tiền phương sáp nhập vào tuyến 559.

Lúc này Binh trạm 14 phụ trách toàn bộ tuyến 20 Quyết Thắng, nhận hàng của Tổng cục Hậu cần, vượt khẩu đưa hàng vào Lùm Bùm cho Binh trạm 32, Binh trạm phía trước. Cửa khẩu đường 20 là cửa khẩu chủ yếu. Anh Phan Hàm vào đường 20. Anh nói với chúng tôi.

- Bây giờ tuyến vượt khẩu của Binh trạm 14 đi hết tuyến đường 20 Quyết thắng rồi, xấp xỉ 130 kilômét, lại qua trọng điểm lớn ATP, nhất là năm nay nhập tuyến trên 5.000 xe, pháo, vào các chiến trường, ông Nguyên lấy đường 20 là đường nhập tuyến chủ yếu, vượt qua Lùm Bùm là vào đến đường 9 rồi, gần nhất, nhanh nhất.

Chúng tôi thấy anh có vẻ lo lắng trước nhiệm vụ sắp tới của đường 20.

Tôi báo cáo với anh:

- Vượt khẩu ATP là một thử thách mới của Binh trạm 14. Có vượt qua thử thách này mới được trưởng thành lên một bước trên con đường dài chi viện chiến lược. Đã qua mấy nấc thang rồi, vượt đèo Đá Đẽo, vượt Xuân Sơn, vượt K14, vượt Khe Diêm, Kà Roòng, Km 68, vượt ATP mùa khô này là một nấc thang, sau này chắc có nhiều nấc thang phải vượt nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 01:53:33 pm »


Ở Binh trạm 14 chúng tôi coi trọng cả hai mặt quân sự và chính trị, vận tải phải có chiến thuật, phải có ý chí chiến đấu cao và phải có phương thức hành động chính xác, có hiệu quả.

Tôi trình bày luôn:

- Tiếp tục giữ kín đường 20C và nhất là đường 20Đ, sau khi khôi phục đường sau mùa mưa, chúng tôi cho ngụy trang lại bằng cây khô, rải kín trên mặt đường, coi như che kín con đường.

- Mở rộng đường 20A, 20B có nền đường rộng cho hai làn xe Zin. Kéo địch vào đường 20A, 20B cho chúng đánh. Ta lặng lẽ đưa xe nhập tuyến lọt vào 20C và 20Đ rồi vượt qua Lùm Bùm thật nhanh, địch không phát hiện kịp.

Anh Phan Hàm nói:

- Mỹ nó hiện đại lắm, đủ thứ máy bay trinh sát, thế nào nó cũng phát hiện sớm.

Tôi nói:

- Ăn nhau trong một tuần lễ. Nó phát hiện sau một tuần là chúng tôi thắng nó hoàn toàn. Tôi cho xe của Binh trạm đi trên đường 20A, 20B, xe Binh trạm thông thạo đường sá, vừa vận tải tốt vừa thu hút địch vào đó.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đến tận đây giao cho Binh trạm 14 và Trung đoàn pháo cao xạ 224 bảo đảm xe, pháo nhập tuyến an toàn. Anh Đoàn Tạo - Chính ủy Trung đoàn 224 và tôi đã hứa rồi. Anh vui vẻ nói:

- Vận tải quân sự trong chiến tranh "đầy ắp" việc vận dụng chiến thuật, phong phú về chiến thuật. Vận tải chi viện chiến lược phải có chiến thuật đặc thù của vận tải chiến đấu mới được. Lĩnh vực này thì Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu chưa có bài bản gì, khi đi vào cuộc chiến tranh chống Mỹ và bây giờ đây vẫn chưa tổng kết nêu ra được gì! Tôi tự nhận đó là một khiếm khuyết!

Từ khi Bộ Tư lệnh 559 phát lệnh nhập tuyến, 5.000 xe pháo đi vào theo phương án 2, nói đúng ra sau 6 đêm địch hoàn toàn không phát hiện được đi đường 20C, 20Đ. Chúng quay ra đánh vào đèo Tam Đảo, đánh ngầm 20C thì ta lại cho xe nhập tuyến ra 20B và 20A, nó bị ta lừa một "vố” nữa.

Cuộc nhập tuyến thắng lợi to, 5.000 xe pháo vào tuyến là sức chiến đấu của tuyến vận chuyển chi viện chiến lược hoạt động trong một năm. Bảo vệ an toàn 5.000 xe pháo có ý nghĩa to lớn. Riêng nhiệm vụ mùa khô 1969-1970, Binh trạm 14 cũng hoàn thành xuất sắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2017, 08:12:12 am »


Năm 1971 khi anh Phan Hàm vào Bộ Tư lệnh Trường Sơn truyền đạt chỉ thị của Bộ về việc địch có thể đánh ra Đường 9 - Nam Lào, cắt đứt tuyến chi viện chiến lược của ta, anh không lên được Binh trạm 14 (hồi đó chỉ huy sở Binh trạm 14 đã lên Km 54 và Km 71, đường 20 Quyết thắng rồi). Anh nhờ người chuyển bức thư của nhà tôi gửi và một lá thư ngắn của anh gửi cho tôi.

Anh viết rằng địch sẽ mở cuộc hành quân đánh vào tuyến vận chuyển chi viện chiến lược, phạm vi cuộc hành quân của Mỹ - ngụy bao gồm cả tuyến vượt khẩu đường 20.

Trong mùa khô này Bộ Tư lệnh 559 và Ban chỉ huy Binh trạm 14 dự kiến Mỹ sẽ đánh vào đoạn đầu cửa khẩu nên đã chủ động mở đường 20E, 20K.

Không ngờ đâu Mỹ mở trọng điểm Chà Là nằm vào đoạn Nam tuyến đường 20 Quyết thắng.

Nói thẳng ra là địch đã tìm đúng chỗ để gây trọng điểm, bởi đây là nơi giao nhau của ba tuyến đường vượt khẩu của đường 20 Quyết thắng, đường 20A, 20C và 20Đ.

Tuy nhiên, trước khi nhận được thư anh Phan Hàm thì tôi có chuyến đi kiểm tra tuyến giao liên bộ, nhân thể đi thị sát khu vực bên trái tuyến đường 20A, thấy một vùng rừng đại ngàn trải dài từ bờ sông Ta Lê đến phía Nam. Cho nên khi địch mở trọng điểm Chà Là thì Chính ủy đã giao cho đồng chí Nghiêm Đình Huyền - cán bộ cơ quan tham mưu cầu đường đi tìm tuyến đường QZ25. Đồng chí Huyền tìm ra một tuyến đẹp, nhất là đầu vào của tuyến đường và đầu ra cũng rất bất ngờ. Biết được kết quả tôi vào ngay.

Với một trọng điểm cỡ lớn nhất trên tuyến 559, địch đánh bằng B.52 rải thảm và cường kích, kéo dài 10 ngày liên tiếp, chiều rộng trên 3 kilômét, chiều dài trên 7 kilômét, trở thành một bãi sa mạc, đất trắng bị bom đào lên trắng xóa như cồn cát Quảng Bình.

Binh trạm bị động hơn chục ngày, rồi cũng khắc phục được bằng cách: Chúng tôi đến chóp một quả núi đá độc lập giữa trọng diểm, nghiên cứu các hướng bổ nhào của máy bay phản lực, tầm đi qua ném bom của máy bay B.52 tìm tuyến không có hố bom và ít hố bom để làm "con đường tránh túi bom" giữa lòng trọng điểm Chà Là, cho nên xe vẫn qua trọng điểm nhưng chỉ với lượng xe ít. Sau khi làm xong đường kín QZ25 thì xe vận tải của 2 tiểu đoàn xe Binh trạm 14 vẫn vận chuyển theo đội hình tập trung, tiểu đoàn đi gọn đến trả hàng cho Binh trạm 32 tại khu vực Nậm Khừng, bắc đường 9.

Bẵng đi một thời gian khá dài, mãi đến khi tôi làm Chính ủy Sư đoàn công binh 473 mới gặp lại anh Lê Ngọc Hiền - Phó Tổng tham mưu trưởng và anh Phan Hàm - Cục phó Cục Tác chiến tại sở chỉ huy Sư đoàn 473 tại Khe Sanh khi hai anh trên đường đi vào Nam chuẩn bị kế hoạch tác chiến năm 1975.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM