Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:51:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42986 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:16:08 pm »


Tới trung tuần tháng 7 cuộc chiến giữ Thành Cổ đã đến hồi vô cùng quyết liệt. Đây là thời điểm chúng tôi biết cứ mỗi ngày đêm, lực lượng chốt giữ Thành Cổ của chúng ta tổn thất tới một đại đội. Cũng vì vậy, anh em chúng tôi xác định việc tiếp sức cả lực lượng, vũ khí, lương thực cho Thành Cổ là vấn đề sinh tử. Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn chủ trương tranh thủ tuần trăng, tập trung cả ba đại đội xuồng để vận chuyển. Anh Nguyễn Trung chỉ huy thê đội 1, tôi chỉ huy thê đội 2. Anh Lê Hoan đốc chiến, chỉ huy chung.

Biết chúng ta quyết giữ Thành Cổ, một mặt địch tập trung máy bay trút bom, hòng hủy diệt bất cứ sự sống nào ở đây; tiếp đó, chúng cho bộ binh phản kích tái chiếm. Đồng thời, địch gia tăng phong tỏa các tuyến vận chuyển ven biển, đường sông, mà chúng cho rằng đây là những mạch máu ít ỏi sót lại nuôi sống những chiến sĩ Thành Cổ. Trên các tuyến sông, địch đánh phá cả ban ngày lẫn ban đêm, kết hợp bằng các loại bom phá, sát thương, nổ ngay, nổ chậm, bom từ trường, rải thủy lôi, v.v...

Phát hiện địch rải bom từ trường, thủy lôi, công binh và dân quân du kích đã khẩn trương tìm kiếm, rà quét để rồi cứ đêm đêm, những con thuyền của tiểu đoàn chúng tôi lại cần mẫn, lặng lẽ vượt lên hiểm nguy chết chóc, chuyển từng hòm đạn, tải gạo, hướng vào thị xã, vào Thành Cổ.

Tối 21 tháng 7 năm 1972, cũng như những đêm trước đó, tôi đi cùng Đại đội 8. Dẫn đầu đội hình đại đội là Trung đội 1 gồm các thủy thủ: Chung, Cõn, Khiết. Tiếp theo là thuyền của lái trưởng Đỗ Kính, Đại, Hiệp... Thuyền của chúng tôi đi gần cuối đội hình, do lái trưởng Sơn điều khiển. Thuyền khá đằm hàng, lặng lẽ đi trong đêm yên ắng. Đêm tháng 7, trời đầy trăng, sao. Nhưng sau vẻ yên bình, thi vị đó, thần chiến tranh đã cầm lưỡi hái đón chờ chúng tôi.

Thuyền rời bến được khá xa, đến ngang khu vực xã Triệu Thuận tôi chợt thấy phía trước từng loạt ba phát đạn lửa - súng AK bắn chỉ thiên. Lái trưởng Sơn phán đoán có thể thuyền đi trước gặp biệt kích, báo hiệu để chúng tôi đi sau đối phó. Một vài loạt AK nữa lại nổ đanh gọn. Một thoáng phán đoán trôi qua, tôi bảo Sơn và anh em thủy thủ có lẽ thuyền đi trước bị hỏng, đang gọi cấp cứu.

- Đúng là tín hiệu cấp cứu rồi, tăng tốc lên để giúp anh em - Tôi nói to, sợ tiếng máy đang rồ lên, Sơn nghe không rõ.

Con thuyền gằn lên một nhịp rồi lao đi. Bất thần một quầng lửa bùng lên kèm một tiếng nổ dữ dội; cả con thuyền, mấy anh em chúng tôi cùng hàng hóa bị nhấc khỏi mặt nước, hất tung lên trời. Trong chớp lửa, mặc dù bị hất tung lên cao, nhưng trước khi bị ném xuống bùn nước, tôi cũng kịp thấy hình hài của vài anh em như khúc gỗ bị quăng quật.

Sau này, khi điều trị bình phục vết thương, sức khỏe ổn định, tôi được anh em kể lại rằng: Những loạt AK của anh em thuyền đi trước không phải báo hiệu hỏng hóc hay gặp nạn, mà báo với những thuyền đi sau là địch đã rải thủy lôi. Có điều, chưa kịp hiểu thông tin của nhau để xử lý thì thuyền của chúng tôi đã dính thủy lôi. Tôi bị hất tung cao, rơi xuống, đập sàn thuyền nên mặt mũi giập nát, bùn sộc vào miệng, mũi, tai... gần như tắc thở. Nhưng dẫu sao, nghĩ mình còn may mắn hơn Sơn - lái trưởng, Miến - thủy thủ và hai chiến sĩ chưa biết tên đã vĩnh viễn ra đi trong đêm 21 rạng ngày 22 tháng 7.

Hai chiến sĩ hy sinh mà anh em chúng tôi chưa nhớ tên thuộc quân số của một đơn vị chiến đấu khác. Trong thời điểm chiến sự khốc liệt diễn ra ở Quảng Trị, các em đã thất lạc, dạt về nơi tiểu đoàn chúng tôi đứng chân, rồi xin ở lại tham gia chuyển hàng và tìm đường về đơn vị. Vừa tới hồi chiều thì buổi tối lên thuyền bốc hàng, nào đã kịp biết tên nhau! Sau này, mỗi khi nghĩ về sự kiện đêm 21 tháng 7 năm 1972, nghĩ tới sự hy sinh của những chiến sĩ chưa biết tên, trong tôi trào dâng nỗi xót thương ngậm ngùi...

Không chỉ thuyền của chúng tôi mà đêm đó, trên dòng Thạch Hãn, một thuyền của Đại đội 9 cũng bị pháo bầy của địch chụp xuống; toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên thuyền hy sinh... Một tổn thất quá lớn!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:16:34 pm »


Trở lại với con thuyền gặp nạn của chúng tôi, sau khi vớt được tôi lên từ bùn, nước, anh em đưa ngay đến một căn hầm của du kích cạnh bờ sông, khẩn trương sơ cứu rồi tập trung tìm kiếm thi hài của Sơn và mấy anh em, đưa về mai táng gần bến sông, nơi con thuyền đắm, thuộc thôn Đại Lộc, xã Triệu Thuận, Triệu Phong.

Gần đây, vào mùa hè năm 2005, tôi cùng thủ trưởng Việt Phương và một vài đồng đội vốn là lính Tiểu đoàn 166 trở lại Quảng Trị. Hơn 30 năm trôi qua kể từ sự kiện buồn của tiểu đoàn, đất trời, sông nước, xóm làng biết mấy đổi thay, về lại Triệu Thuận, như linh tính mách bảo, chỉ cần hỏi một lần chúng tôi đã tới đúng lối mòn xuống bến sông mà thuyền dính thủy lôi năm nào. Nhà thờ xưa và hàng ô rô ven sông ngày nào vẫn còn như những chứng tích lịch sử. Và thiêng liêng hơn là qua vài câu chuyện, bà con ở đây cho chúng tôi biết, một năm trước đó, khi hút cát lòng sông, dân phát hiện một chiếc thuyền đắm với nhiều hòm súng đạn, đã báo cho Ban Chỉ huy quân sự huyện xuống cẩu đi rồi. Mộ của Sơn đã được gia đình ở Thanh Hóa vào cất bốc đưa về quê. Riêng mộ hai chiến sĩ chúng tôi chưa biết tên, đã được chính quyền, nhân dân quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương. Nghe bà con nói vậy, tôi cảm thấy thanh thản được phần nào.

Về phần tôi, sau khi được sơ cứu, anh em để tôi trong căn hầm ven sông, và sáng hôm sau có một nữ dân quân ra trông nom. Trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, tôi nghe cô xưng tên là Yến. Gần trưa, tôi thoảng nghe Yến nói: Chắc anh đói quá rồi, để em nấu cháo anh ăn. Đau đớn, cổ họng bỏng rát, nhưng nghe Yến dỗ dành tôi cũng cố nuốt được một bát cháo để lấy sức.

Nằm trong hầm nóng như nung trong một ngày, tối hôm đó, trung đội trưởng Đàm Nghị lái xuồng đưa tôi về Mai Xá. Đã tỉnh lại, phút chia tay, tôi cám ơn Yến. Trên bến sông, dưới ánh trăng, hình bóng người thôn nữ Triệu Phong hiện lên trong tôi với tất cả lòng biết ơn, cảm mến.

Thời gian tôi ở Mai Xá điều trị vết thương, anh Nguyễn Đàm - Cục phó Cục Tham mưu vận chuyển được Bộ Tư lệnh Trường Sơn phái xuống động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 166 đã không quản hy sinh, gian khổ, ác liệt, thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho lực lượng của ta chốt giữ Thành Cổ.

Xuống thăm thương binh tại đội điều trị của tiểu đoàn, vốn rất thân quen với anh em lái xe chúng tôi, anh Nguyễn Đàm giãi bày rất chân tình: Bao nhiêu năm lăn lộn ở biết bao "tọa độ lửa", "cung đường lửa" chẳng xây xước gì, nay mới xuống nước vài tháng đã dính thủy lôi. Tuấn không hợp với mệnh Thủy. Nhưng còn may là không què gãy gì - Có điều sây sát mặt mày, bớt đẹp trai đi một chút - nhìn cậu lúc này chắc Cử xót xa lắm (anh Đàm cũng biết vợ tôi đang công tác ở Viện 59 thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh 559. Đã cùng nhau công tác chiến đấu nhiều năm ở Trường Sơn, lại thành vợ thành chồng trong những năm bom đạn, nên vợ chồng chúng tôi được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, đồng đội biết và dành cho nhiều thiện cảm).

Anh Đàm còn chỉ thị cho anh Hoan, anh Hiệm đưa tôi về ngay Đội điều trị 14, tuy vết thương của tôi không nặng, nhưng ở mặt, tổn thương mũi, điều kiện chữa trị ở đây hạn chế, dễ nhiễm trùng, thêm "cái sảy nảy cái ung"...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:17:06 pm »


Công việc của tiểu đoàn đang lúc cao trào, nhưng vì tất cả đã vào guồng, anh em ở lại đảm đương tốt, tôi đi cùng xe anh Đàm về Đội điều trị 14 ở gần Nông trường Quyết Thắng. Suy tính đơn giản là vậy, nhưng phút chia tay anh em đồng đội lên xe về tuyến sau, tôi cảm thấy mình như mang nợ với tiểu đoàn, với những người ở lại.

Được chăm sóc, thuốc thang chu đáo, sau khoảng chục ngày ở Đội điều trị 14, vết thương của tôi tạm ổn, đã lên da non. Tuy nhiên, do vết thương vùng mặt, nên cảm giác vướng víu, khó chịu chưa buông tha tôi. Đang tính gắng ít ngày nữa thuốc thang theo chỉ định của quân y và chỉ huy đội điều trị thì tôi nhận được tin rạng sáng ngày 21 tháng 8, làng Mai Xá - nơi Đại đội 8 đứng chân phải hứng chịu một trận pháo của địch. Bà con không ai việc gì, nhưng thuyền của Đại đội 8 vừa chuyển hàng về cập bến, anh em chưa kịp trở tay, thì Hoàng Tôn đã hy sinh bởi một mảnh đạn pháo oan nghiệt. Được tin, lòng tôi như xát muối. Không thể yên lòng ở lại, tôi quyết xin ra viện. Bác sĩ Kiểm thấy thái độ cương quyết của tôi, đành phải xuống nước đồng ý. Anh cẩn thận cấp thêm một ít thuốc, dặn dò tôi sử dụng.

Được về tiểu đoàn, vậy là ổn rồi. Sau bữa cơm trưa, tôi tranh thủ đánh một giấc. Nạp thêm được giấc ngủ nào hay tí đó. Mai kia về đơn vị làm gì có.

Vừa chợp mắt, tôi giật mình choàng dậy bởi tiếng máy bay cường kích F105 rít lên cùng với tiếng ầm ì như tiếng xay lúa ngày một to, đúng là F105 hộ tống máy bay B.52. Như phản xạ tự nhiên, tôi lao về phía cửa hầm. Nhưng vừa tới cửa hầm một luồng sức ép cực lớn xô tôi ngã sấp xuống. Một loạt bom rải thảm chụp xuống cả khu vực. Rất may là thương binh và nhân viên đội điều trị đã kịp xuống hầm và không quả bom nào trúng hầm, nên tổn thất không nghiêm trọng. Nhưng trận bom rải thảm báo hiệu vị trí đóng quân đã bị lộ. Đội điều trị phải sơ tán sang chỗ khác ngay. Trong khi đội điều trị chuyển vị trí thì tôi được trở về hậu cứ của tiểu đoàn ở Vĩnh Hòa.

Thời điểm tôi trở về, tiểu đoàn đang tập trung giải quyết hậu quả trận đánh ngày 21 tháng 8 của địch, dồn sức vận chuyển để bù đắp lượng thiếu hụt do gián đoạn vận chuyển. Công việc tạm ổn, Thường vụ Đảng ủy tiểu đoàn họp mở rộng bàn bạc đề nghị bổ nhiệm mấy cán bộ chủ chốt: thay chính trị viên đại đội Lương Văn Đạt hy sinh, thay đại đội trưởng bị bãi chức...; xét đề nghị Bộ Tư lệnh khen thưởng các cá nhân, đơn vị đạt thành tích xuất sắc, đề nghị kết nạp những quần chúng xuất sắc vào Đảng... Hết nửa buổi sáng mới làm gọn được nội dung đề nghị bổ nhiệm cán bộ, kết nạp đảng viên; bỗng mấy loạt AK đanh gọn vang lên. Có tiếng ai hô to: Xuống hầm ngay, B.52!

Gần như chai lì với cảnh báo động kiểu này, Nguyễn Sắc ngước nhìn mấy dải khói trắng dăng ngang trời và thủng thẳng nói:

- Nó dọa đấy thôi. Nếu có đánh, chưa chắc trúng, mà trúng chưa chắc chết - như ông Tuấn đây này - Có dễ chết đâu...! Rồi Sắc cười ngặt nghẽo.

- Đừng chủ quan - Lê Hoan quát to. Xuống hầm ngay!

Nhưng không kịp nữa rồi. Một vệt bom rải thảm ập xuống khu hậu cứ của tiểu đoàn. Bom rơi tạo nên một trận cuồng phong xô tôi ngã sấp, đập mặt vào thành công sự. Một quầng lửa trùm lên chỗ Nguyễn Sắc đứng... Vệt bom thứ hai rơi gọn vào làng Mai Xá, rồi loạt thứ ba trút dọc theo sông Thạch Hãn. Làng Mai Xá chìm trong lửa khói.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:17:56 pm »


Dứt ba loạt bom, tôi được anh Nguyễn Trung cùng mấy anh em bới hầm moi lên. Mặc dù mặt mày bỏng rộp, đau đớn vô cùng, nhưng tôi vẫn khá tỉnh táo. Chạy về phía Nguyễn Sắc, tôi thấy toàn thân anh cháy đen, nhưng tay chân vẫn còn động đậy đôi chút. Anh Trung và tổ quân y sơ cứu, thổi ngạt, tiêm trợ sức cho anh, nhưng Sắc chỉ ngáp vài cái rồi nằm bất động... Chứng kiến sự hy sinh của một người đồng chí dũng cảm, tháo vát, hết mình vì nhiệm vụ, chỉ vài phút trước còn đùa cợt với hiểm nguy... lòng mỗi chúng tôi đau như cắt. Ai cũng bật khóc. Không thể nào kìm nén được.

Thấy vết thương của tôi có nguy cơ nhiễm trùng, dễ gây tổn thương vùng mặt, các anh trong Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn cương quyết không cho tôi ở lại đơn vị mà buộc phải ra điều trị tại bệnh xá của Đoàn đặc công 1 hải quân ở Vĩnh Tú. Đoàn trưởng đặc công 1 lúc này là anh Mai Năng.

Vừa bị thương bầm dập sây sát chưa khỏi hẳn, nay lại bị lửa táp, da mặt tôi bỏng rộp, mũi bị biến dạng, chỉ cần ai đụng vào một chút là xót đến tận ruột gan. Nước vàng từ vết bỏng tứa ra suốt ngày đêm làm mồi cho ruồi nhặng. Tôi ngồi ở đâu thì ruồi nhặng bâu lại, đi đâu thì chúng bay theo. Tay xua đuổi liên hồi vẫn không lại. Buộc lòng phải dùng mũ cứng đội, rồi trùm mảnh vải màn bên ngoài, buộc quanh cổ để chống ruồi muỗi, giống như thiếu nữ theo đạo Hồi che mặt khi ra đường. Lúc chỉ một mình, tôi kiếm mảnh gương tự ngắm dung nhan của mình. Chao ôi - thật kinh khủng! Sau hơn một tuần điều trị, vết bỏng se lại, đỡ rát, dần dần kéo da non, nhưng tôi cũng không dám soi gương lần thứ hai. Sợ cái dị hình bám đuổi mình, chẳng buông tha.

Bị thương lần trước, tôi hình dung nỗi buồn của vợ nếu nhận diện tôi lúc đó, thì nay tôi bỗng thấy sợ, lo lắng nếu biết tin, cô ấy đến thăm. Vợ tôi là quân y sĩ, lại công tác ở tuyến lửa, đã trực tiếp điều trị, cứu chữa nhiều thương bệnh binh; nhưng cô ấy chuyên nội khoa, liệu có hình dung khuôn mặt gớm ghiếc của tôi lúc này! Nhưng nghĩ đến tình cảm vợ chồng, nghĩ đến bao người con gái chung thủy sắt son bên những người chồng thương tật, tôi như được tiếp thêm nghị lực, sức mạnh để vượt qua những mặc cảm đời thường.

Thương tật chồng lên thương tật, buộc tôi phải nằm lại bệnh xá của Đoàn đặc công 1 thêm một thời gian. Phần bị vết thương hành hạ, phần nóng lòng nghĩ tới anh em đơn vị đang ngày đêm gồng mình lên bất chấp mưa bom bão đạn, chuyển hàng cho bộ đội ta ở Thành Cổ, làm cho tôi đứng ngồi không yên.

Cuối tháng 8, anh Hiệm thay mặt chỉ huy tiểu đoàn ra bệnh xá thăm tôi. Chỉ mới hơn tháng trời xa đơn vị mà ngỡ như hàng năm.

- Anh bị thương hai lần liền nhau, mà hôm nay mới thay mặt đơn vị ra thăm được, thật có lỗi quá - Anh Hiệm nói như giãi bày, rồi ái ngại nhìn "dung nhan" của tôi.

- Đúng ra là tôi có lỗi với tiểu đoàn - tôi đáp - Đang lúc nước sôi lửa bỏng, tôi lại phải rời vị trí chỉ huy. Nhưng nay, tôi khỏe rồi, vết thương tạm ổn, bệnh xá trưởng cũng đã đồng ý, tôi sẽ về với anh em.

- Hình như đơn vị có chuyện gì phải không? - Ngó thái độ của anh không "hoạt" lắm - Tôi hỏi.

Không giấu lòng mình, anh Hiệm kể với giọng buồn buồn:

- Từ giữa tháng tám lại nay, tình hình chiến sự ở khu vực Thành Cổ và vùng ven cực kỳ ác liệt, phi pháo địch oanh kích suốt ngày đêm, bộ đội thương vong nhiều, dân buộc phải sơ tán. Tiểu đoàn kiên gan trụ bám sông lạch, tổ chức vận chuyển, nhưng đêm nào cũng bị đánh chặn; thêm gần một chục thủy thủ và hai cán bộ trung đội hy sinh. Mỗi đêm cũng chỉ vài ba thuyền tới đích trọn vẹn; hàng giao được dăm bảy tấn; chở được một số thương binh về tuyến sau. Cao điểm là từ ngày 23 đến 25 tháng 8, máy bay địch rà quét dọc các tuyến sông Vĩnh Định, Thạch Hãn... Ba đêm ta thiệt hại ba thuyền. Một số anh em hoang mang, tìm cớ thoái thác nhiệm vụ. Chỉ huy tiểu đoàn đã động viên, thuyết phục, nhưng tình hình chưa biến chuyển.

- Tôi sẽ về, anh em mình cùng nhau tháo gỡ. - Tôi ngắt lời anh Hiệm.

Mặc dù anh Hiệm can ngăn, nhưng đã quyết là tôi không giải thích nhiều. Liền đó, tôi thuyết phục bằng được đồng chí bệnh xá trưởng cho phép tôi xuất viện. Cuối cùng, tôi trở về đơn vị trước thời hạn cho phép, và mặt vẫn phủ vải màn giống như thiếu nữ đạo Hồi ra đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:18:44 pm »


Tôi về tiểu đoàn hôm trước, hôm sau anh Hiệm cho triệu tập bộ đội sinh hoạt và giới thiệu tôi đang kỳ điều trị vết thương nhưng xin xuất viện về đơn vị công tác, tranh thủ nói chuyện với anh em.

Anh Hiệm ngừng lời, tôi dành vài chục phút trò chuyện cùng anh em, không "lên gân lên cốt", mà với những lời tâm sự, chân tình, bày tỏ nỗi day dứt khi anh em đang trần mình đội bom đạn kẻ thù để chuyển hàng đêm đêm thì tôi lại đi "lánh nạn". Tôi nói nhiều đến thương vong, mất mát của những chiến sĩ Thành Cổ và sự hy sinh lớn lao của anh em đồng đội trong tiểu đoàn là khó tránh khỏi. Tôi dù bị thương tới hai lần trong hơn nửa tháng, nhưng so với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, so với Sơn, chính trị viên đại đội Lương Văn Đạt... vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều. Ngay trong đêm nay, tôi sẽ cùng anh em xuống thuyền...

Không khí buổi họp đang im ắng bỗng có tiếng thì thào, rồi liền một lúc mấy anh em liên tiếp: "Em đi cùng thủ trưởng", "Tôi cũng đi tối nay"...

Cảm động dâng trào. Tôi biết một cơn dông bão đã nổi trong lòng những người lính. Vậy là tối nay tôi sẽ cùng những chiến sĩ của mình tiếp tục vật lộn với sông nước, sống chết có nhau. Cái "nút thắt" của tiểu đoàn cơ bản đã được cởi bỏ. Anh Hiệm thở phào như trút được gánh nặng, ghé tai tôi thì thầm: Tuấn đã thuyết phục anh em bằng chính việc làm của mình và bằng những lời thân tình, nhỏ nhẹ nhất. Thế mới biết, đâu phải lúc nào cũng cần "đao to búa lớn" mới được việc.

Tối đó, trời vắng trăng sao, hai chiếc thuyền máy lại lặng lẽ đưa tôi và mấy anh em trở lại nơi mà chúng tôi ví như là "túi lửa", và tiếp những ngày sau đó, tối tối, cán binh lại ngược xuôi sông Vĩnh Định, sông Thạch Hãn chuyển gạo, đạn vào và đưa thương binh về tuyến sau.

Trung tuần tháng 9, vùng Trị Thiên, mùa lụt lội đang lên đỉnh điểm. Nước các triền sông dâng đầy, thuyền đi lại dễ dàng hơn. Nhưng chính vào thời điểm đó, chúng tôi nhận lệnh trên: dừng chuyển hàng vào Thành Cổ; khẩn trương tổ chức lực lượng vận chuyển chi viện cho các đơn vị ngăn chặn địch lấn chiếm lên phía tây và vượt sông qua Nham Biều, Ái Tử...

Vào thời điểm đó, mọi suy nghĩ, hành động tập trung cho thực hiện nhiệm vụ trên giao, nên chúng tôi đâu biết, sau 81 ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ chốt giữ Thành Cổ trợ lực cho hoạt động đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Pa-ri, các đơn vị của ta đã rút khỏi Thành Cổ.

Do lũ lụt kéo dài, vận tải bộ gặp khó khăn, tiểu đoàn vận tải thủy chúng tôi tổ chức thành các phân đội nhỏ, được các đội thuyền của du kích địa phương phối hợp vận chuyển gạo, đạn cho các hướng đang chặn địch lấn chiếm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:19:25 pm »


Đầu tháng 10, anh Lý Tự Nhiên cùng một số phái viên của Cục Chính trị vào nắm tình hình tiểu đoàn và phổ biến một số thông tin khái quát về diễn biến Hội nghị Pa-ri. Anh cũng chuyển lời của Phó chính ủy Lê Xy dặn dò tôi rằng vết thương chưa khỏi hẳn, đừng xốc vác quá sức. Anh chuyển cho tôi mấy lá thư của Cử. Thư nào cũng không giấu nổi sự lo lắng khi được tin tôi hai tháng hai lần bị thương; không hình dung được tình trạng sức khỏe, thương tật của tôi thế nào! Muốn chạy ù vào chỗ tôi nhưng ở Viện 59 thương binh đang quá tải, cần chữa trị chăm sóc...

Đọc ngấu nghiên những dòng chữ thân thương, trong tôi dâng trào niềm hạnh phúc. Thứ nhất, dù có bị thương hai lần nhưng tôi vẫn là người lành lặn, khỏe mạnh, đang trở về đội ngũ cùng anh em đồng chí tiếp tục chiến đấu, công tác; thứ hai, giữa nơi hòn đạn mũi tên rình rập, sự sống cái chết không lằn ranh, vợ chồng tôi vẫn gần nhau cả trong suy tư, trong công tác..., vẫn dành cho nhau những lời yêu thương... Hạnh phúc thật lớn lao!

Vào một sáng trung tuần tháng 10 năm 1972, tôi đang cùng anh Hoan trao đổi công việc tại nhà Ban Chỉ huy tiểu đoàn thì nhận được điện của anh Vũ Quang Bình - Chính ủy Binh trạm 12 truyềt đạt lệnh của Phó chính ủy Lê Xy điều tôi và 50 thủy thủ giỏi ra ngay Binh trạm 17 ở Hiền Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình nhận nhiệm vụ mới. Lại một cú bất ngờ nữa! Nhưng, cuộc đời là tiếp nối những chuyến đi - Ai đó đã từng nói như vậy. Lại một cuộc chia tay trong thoáng chốc. Tạm biệt các anh Lê Hoan, Nguyễn Trung, Nguyễn Hiệm, Huỳnh Khương và anh em cơ quan tiểu đoàn; tạm biệt làng Mai Xá, tôi đi thuyền ra Hồ Xá. Ghé Binh trạm 12, tôi gạn hỏi anh Bình có biết trên điều chúng tôi ra làm gì ngoài đó hay không? Anh Bình đáp thủng thẳng:

- Giấu làm gì cậu, bọn tớ mù tịt, ông Xy đã gọi thì cứ ra. Có việc gì cần lắm, ông Nguyên và ông Xy mới gọi. Các ông ấy không đưa các cậu ra ngoài ấy chơi. Nghe chừng gấp gáp lắm. Mình đã chuẩn bị xe, anh em tranh thủ đi sớm.

Không "moi" được gì ở Chính ủy binh trạm, chúng tôi : theo chiếc Zin 157 ra Hiền Ninh. Vừa chân ướt, chân ráo tới sở chỉ huy Binh trạm 17, báo cáo trực ban xong, chưa hiểu đầu cua tai nheo gì, người của binh trạm đã đón tôi vào dự hội nghị quân chính và nói đó là lệnh của Phó chính ủy Lê Xy đang chủ trì hội nghị.

Vào dự họp, tôi chứng kiến không khí khá căng thẳng. Đồng chí Phó chính ủy tỏ ý không hài lòng với kết quả vận chuyển của Binh trạm 17. Với chất giọng Nghệ Tĩnh mộc mạc, nằng nặng, nên thoáng nghe ông "lên lớp", thấy rất gay gắt. Cái gay gắt của một cán bộ hết mình vì công việc, vì nhiệm vụ. Ông chất vấn:

- Ở đây địch đánh làm gì ác liệt như mạn trong Quảng Trị, tại sao các anh không thể thực hiện hai đêm một chuyến? Có phải là do tư tưởng không? Trong khi hàng từ ngoài dồn vào đây, yêu cầu phải giải tỏa ngay, thì các anh cứ đủng đà đủng đỉnh thế này, thật không ổn. Bộ Tư lệnh quyết định đưa anh Tuấn và năm chục thủy thủ thiện chiến nhất của Tiểu đoàn 166 vừa kết thúc nhiệm vụ vận chuyển chi viện Thành Cổ ra tăng cường cho các anh, phải thực hiện ngay hai đêm một chuyến, sau đó rút xuống ba đêm hai chuyến - một đêm một chuyến...

Dứt lời, ông kéo tôi đứng dậy giới thiệu với toàn thể hội nghị. Rồi ông ra lệnh: Theo quyết định của Bộ Tư lệnh, anh Tuấn về ngay Tiểu đoàn 4 làm Chính trị viên tiểu đoàn; cùng với số anh em của Tiểu đoàn 166 ra làm nòng cốt. Gắng bàn tính với các anh trong Ban Chỉ huy tiểu đoàn để thực hiện ngay yêu cầu tôi vừa nói.

Nghe Phó chính ủy Lê Xy nổ một tràng như liên thanh tôi liếc ngay thấy anh Trọng - Chính ủy Binh trạm 17, anh Đồng - Binh trạm trưởng tỏ vẻ ngài ngại.

Từ tốn nhận lệnh trên, tôi cũng xin phép Phó chính ủy cho mấy đêm nghiên cứu tìm hiểu tình hình, để khi xuống tiểu đoàn có cái mà bàn bạc với các anh dưới đó. Ông Lê Xy miễn cưỡng chấp thuận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #106 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:20:18 pm »


Vài ngày sau, đồng chí Phó chủ nhiệm chính trị Binh trạm 17 dẫn tôi cùng năm chục anh em ra Tiểu đoàn 4 Đoàn vận tải thủy Hồng Hà đóng ở gần bến đò Trùng Quán - sông Nhật Lệ. Ban Chỉ huy tiểu đoàn lúc này cơ cấu đầy đủ: Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn phó, Chính trị viên trưởng, Chính trị viên phó, nay cấp trên đưa tôi xuống làm Chính trị viên; hơn nữa các anh ở đây tuổi đều trên dưới 40, còn tôi khi đó mới 28, nên thực lòng tôi rất ngại. Mặc dù các anh chỉ huy tiểu đoàn đã hiểu chủ định của trên, cởi mở, ủng hộ tôi, nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề nghị Đảng ủy tiểu đoàn tiếp tục lãnh đạo, các anh cứ ở nguyên cương vị, chúng tôi chỉ là lực lượng tăng cường. Tôi cũng đề nghị chia năm chục anh em thủy thủ của Tiểu đoàn 166 ra bố trí xen vào các đơn vị.

Đã có mấy đêm nghiên cứu tìm hiểu tình hình, nên sau khi thống nhất sơ bộ trong Ban Chỉ huy tiểu đoàn, tôi trực tiếp cùng anh em tổ chức chuyển hàng luôn. Sau vài chuyến, tôi thấy đường không dài, vận chuyển hai đêm một chuyến rất thoải mái. Vấn đề mấu chốt là vị trí nhập hàng. Từ Bảo Ninh thuyền phải sang bến Tam Tòa gần nhà thờ Tam Tòa để bốc hàng, thường bị máy bay địch ném bom tọa độ rất chính xác. Bốc hàng chậm sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình vận chuyển.

Qua nghiên cứu, tôi bàn với các anh trong Ban Chỉ huy tiểu đoàn và anh em thủy thủ là phải "thi gan" với địch, mạnh dạn đưa thuyền tiếp cận bến Tam Tòa từ sớm, nhận hàng luôn, không phải chờ đợi; đồng thời khi vào chỗ trả hàng không chờ lực lượng đơn vị bạn, mà thủy thủ bốc hàng, gỉải phóng thuyền luôn. Như một vòng quay, được điều vận hợp lý, cứ hai đêm chúng tôi thực hiện một chuyến hết sức nhẹ nhàng. Chỉ đến ngày 26, kế hoạch vận chuyển tháng 11 năm 1972, tiểu đoàn thực hiện xong. Trước đó tháng cao nhất, tiểu đoàn chỉ thực hiện được 80% kế hoạch, về sau, Bộ Tư lệnh 559 tăng cường thêm phương tiện, lực lượng để Binh trạm 17 tổ chức thêm một số đơn vị vận tải thủy, việc giải tỏa hàng hóa từ ngoài Bắc chuyển vào được thực hiện chóng vánh hơn.

Cuối năm 1972, hoạt động vận chuyển tạo chân hàng cho tuyến 559 ở địa bàn đường 9 - Bắc Quảng Trị ngày một dồn dập. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh và Chính phủ, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn - Đồng Sỹ Nguyên bàn với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - Nguyễn Tư Thoan và Tỉnh ủy Quảng Bình thành lập Bộ Tư lệnh vận tải hỗn hợp gồm lực lượng vận tải thủy bộ của Đoàn 559 và lực lượng giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình.

Một hôm, tôi nhận được điện triệu tập của Bộ Tư lệnh 559. Lên tới nơi, tôi thấy anh Mai Trung - thư ký của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đang đợi. Anh Mai Trung thông báo lệnh của bác Nguyên và đón tôi cùng Chính ủy Binh trạm 17 ra Trùng Quán làm việc với Bộ Tư lệnh. Ra tới nơi, chúng tôi được dẫn lên làm việc với Tư lệnh, Phó chính ủy Lê Xy và anh Khóa - Tham mưu phó vận chuyển, anh Miên - Trưởng phòng cán bộ.

Tư lệnh hỏi chúng tôi tình hình vận chuyển của Binh trạm 17, nhất là vận chuyển đường thủy, rồi thông báo yêu cầu vận chuyển lập chân hàng cho tuyến 559 rất lớn, vận chuyển đường sông rất quan trọng, vì vậy Bộ Tư lệnh quyết định thành lập Binh trạm 19, còn Binh trạm 17 lùi ra tuyến ngoài, giao khu vực Tam Tòa cho Binh trạm 19 tổ chức vận chuyển hàng từ Đồng Hới vào đường 9 - Bắc Quảng Trị. Ông cũng thông báo Bộ Tư lệnh bổ nhiệm tôi làm Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 19, anh Đào Mỹ là Tham mưu trưởng. Sau khi Đảng ủy binh trạm được thành lập, tôi được chỉ định là ủy viên thường vụ.

Lúc đầu, Bộ Tư lệnh Binh trạm 19 đóng ở Bảo Ninh - quê của mẹ Suốt anh hùng - một vùng chỉ toàn cát và cát. Sau đó, chúng tôi quyết định chuyển qua thị xã đóng ở khu vực Đồng Phú, để nhận hàng cho tiện. Điều mà tôi không thể tin nổi là qua hai lần không quân, hải quân Mỹ đánh phá hủy diệt Đồng Hới mà ở đây vẫn còn một vài chỗ gần như nguyên vẹn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #107 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 05:53:36 pm »


Trong những lần làm việc với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, mặc dù ông không nói gì về diễn biến Hội nghị Pa-ri. Nhưng vào một buổi tối đầu tháng 1 năm 1973, anh Lê Nghĩa Sỹ - Phó chính ủy Bộ Tư lệnh 559 kéo mấy anh em trong Thường vụ Đảng ủy Binh trạm 19 ra một địa điểm bên bờ sông Nhật Lệ - phía Bảo Ninh. Dăm cái đầu chụm lại bên mấy con thuyền hỏng, nghe anh Sỹ bí mật thông báo Hiệp định Pa-ri sắp được ký kết. Cả miền Bắc đang tranh thủ thời gian Mỹ "xuống thang", dồn tất cả lực lượng chuyển hàng vào khu vực "yết hầu" Quảng Bình - Vĩnh Linh, cố gắng đứa được thật nhiều hàng qua bên kia sông Bến Hải, chủ động khi Hiệp định Pa-ri được ký kết không để đối phương bám lấy những quy định của công ước quốc tế gây khó dễ cho ta. Quả là một cuộc chạy đua lặng lẽ, nhưng vô cùng quyết liệt. Tôi bắt tay vào triển khai công việc mà lòng dạ bồn chồn, cố hình dung cảnh tình đất nước quê hương ngày hòa bình trở lại.

Một lần, anh Mai Trung - thư ký của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thông báo và đón tôi vào nhận nhiệm vụ gấp. Đồng chí Tư lệnh chỉ thị cho tôi rằng Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã làm việc với đồng chí Nguyễn Tư Thoan và Tỉnh ủy Quảng Bình sẽ tăng cường thuyền máy để tổ chức hai tiểu đoàn vận tải thủy, lấy tên là Kiến Giang và Nhật Lệ. Binh trạm 19 tăng cường cho tỉnh hai đại đội chủ chốt, và tôi trực tiếp đi tổ chức, không phải về báo cáo Binh trạm bố trí người khác. Ông sẽ báo chỉ huy binh trạm sau. Quả là một mệnh lệnh khó cho tôi. Nhưng "Quân lệnh như sơn", thời gian bây giờ và yêu cầu nhiệm vụ không cho phép "lòng vòng", tôi về báo cáo lại chỉ huy Binh trạm và khẩn trương liên hệ với các anh ở tỉnh, trực tiếp là đồng chí Lại Văn Ly - Phó chủ tịch tỉnh và đồng chí Hanh - Phó ty Giao thông để triển khai nhiệm vụ trên giao.

Sau mấy ngày chuẩn bị, Tiểu đoàn vận tải thủy mang tên Kiến Giang của huyện Lệ Thủy chính thức được thành lập. Kiến Giang là tên con sông đẹp nổi tiếng của Lệ Thủy, của Quảng Bình. Lễ thành lập tiểu đoàn được tổ chức tại xã Đại Phong - huyện Lệ Thủy - một địa danh nổi tiếng của Lệ Thủy, Quảng Bình - lá cờ đầu của phong trào thi đua trên miền Bắc những năm đầu thập niên sáu mươi: "Cờ Ba Nhất, Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải...". Tại buổi lễ, anh Kính - Chủ tịch Huyện ủy Lệ Thủy thông báo Tiểu đoàn Kiến Giang do huyện tổ chức, bảo đảm, nhưng toàn quyền chỉ huy là Binh trạm 19 và tôi là người trực tiếp thay mặt Ban Chỉ huy binh trạm.

Vì lực lượng vận tải của huyện Lệ Thủy chỉ quen sử dụng thuyền buồm, chưa sử dụng thuyền máy đẩy, nên lãnh đạo chỉ huy huyện đề nghị Binh trạm tập huấn lái máy đẩy. Tôi chọn một số thủy thủ có kinh nghiệm tổ chức huấn luyện cho dân quân tự vệ Lệ Thủy. Bộ đội và dân quân được hoạt động cùng nhau như cá gặp nước. Không khí tập luyện sôi nổi, vui vẻ. Chỉ mấy ngày là anh chị em sử dụng thành thạo thuyền máy. Tiểu đoàn Kiến Giang, Nhật Lệ phối hợp cùng Binh trạm 19 vận chuyển suốt ngày đêm.

Lúc này hàng từ các tỉnh phía Bắc chuyển vào nhiều, chưa chuyển kịp vào tuyến trong, chúng tôi cho sơ tán vào các làng ven sông như Bảo Ninh, Lương Ninh... Dân tự quản lý, bảo vệ. Điều đáng khâm phục, trân trọng là mặc dù khi đó đời sống của bà con nơi đây khó khăn, túng thiếu vô cùng, nhưng không ai đụng tới bất kỳ một hạt gạo, một vật dụng gì của Nhà nước. Tất cả đều được giữ gìn bảo quản chu đáo để chi viện chiến trường. Sau này có điều kiện tìm hiểu, tôi biết được bà con mình nơi đâu cũng đều có ý thức như vậy. Điển hình là năm 1972, khi Mỹ phong tỏa gắt gao các cửa sông, cảng biển miền Bắc, tàu Hồng Kỳ của Trung Quốc chở gạo chi viện cho ta không cập cảng được, phải cho gạo vào túi ni lông hai lớp và thả trôi trên biển, nhờ sóng đánh vào bờ. Nhân dân, dân quân các địa phương ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình tự tổ chức bốc vác, quản lý, giao tất tật cho xã, huyện... để chuyển vào Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #108 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 06:46:33 pm »


Thực hiện kế hoạch vận chuyển của Binh trạm 19, Tiểu đoàn Kiến Giang nhận hàng ở Tam Tòa (Đồng Hới) và bến Mỹ Trung (trên sông Kiến Giang) để chuyển vào tuyến trong.

Thời gian này, ngoài tiểu đoàn vận tải thủy, Binh trạm 19 được bổ sung một đợt tân binh nữ, quê Nghi Lộc - Nghệ An. Biết đây là số chị em miền biển, ít nhiều quen với sóng với gió, nên chúng tôi quyết định tăng cường cho tiểu đoàn vận tải thủy và tổ chức tập huấn lái thuyền cho số tân binh nữ. Sau vài ngày, chị em sử dụng được thuyền máy. Khi bố trí về tiểu đoàn, lúc đầu xếp xen với nhau, về sau thì ba, bốn cô tự lái một thuyền. Nhìn những chiếc thuyển máy lướt trên sông Kiến Giang, Nhật Lệ; cầm lái là những thiếu nữ tràn căng sức sống, tóc vờn trong gió, khuôn dung rạng ngời..., cánh thanh niên chỉ biết ngẩn ngơ, ao ước...

Trong khung cảnh thanh bình, sông Kiến Giang thật đẹp đẽ, nên thơ. Nước trong xanh trôi lững lờ giữa hai bò rợp bóng cây. Len lỏi dưới những tán cây là con đường mềm mại chạy dọc hai bờ sông.

Vận chuyển trên sông Kiến Giang có hai điểm buộc cánh thủy thủ phải để mắt tới là đập ngăn mặn Mỹ Trung và vời Hồng Thủy.

Mùa đông năm 1972 cũng như lệ thường hàng năm, cứ ngoài Bắc gió mùa đông bắc tràn về là vùng Quảng Bình - Quảng Trị mưa trắng trời trắng đất. Khi đó nước thượng nguồn đổ về, ruộng đồng ven sông trắng nước, con sông nhỏ nhắn hàng ngày bỗng chốc mênh mông vô bờ. Điểm nhấn là xã Hồng Thủy - đến đây sông bỗng phình ra một quãng dài ngót chục cây số - mênh mông nước, nên dân trong vùng gọi là "vời Hồng Thủy". Trong cái mênh mang đó, thuyền đi đúng lòng sông mới không mắc cạn, còn đi vào ruộng sẽ lâm nạn ngay, vì nước ở triền ruộng chỉ quá đầu gối hoặc ngang thắt lưng mà thôi. Giữa biển nước mênh mông, trên trời máy bay Mỹ quần thảo, thả pháo sáng xoi mói, thuyền mắc cạn sẽ không lọt được mắt lũ giặc trời. Chưa hết, khi đi chệch luồng, lên chỗ nước cạn, chân vịt thuyền máy thường bị rong rêu, rơm rạ quấn chặt, chết máy liên tục. Vì vậy cánh thủy thủ rất ngại qua vời Hồng Thủy.

Vào những dịp mưa lớn, dài ngày, địch đánh chặn ác liệt, có anh em ngại, kiếm lý do thoái thác nhiệm vụ.

Là người sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, Chính ủy Đặng Tính và Phó chính ủy Lê Xy xuống làm việc với Binh trạm 19 và tiểu đoàn vận tải thủy, bàn cách tháo gỡ ách tắc. Sau đó, hai ông xuống đại đội vừa được tăng cường hơn ba chục nữ, trực tiếp xem các cô chuẩn bị thuyền máy. Tại đây Chính ủy Đặng Tính cho tập trung số chị em lại để ông hỏi chuyện. Nghe báo cáo chị em quê Nghi Lộc - Nghệ An, đồng chí Chính ủy vui vẻ hỏi:

- Quê Nghi Lộc, chắc các đồng chí biết bơi cả chứ?

- Thưa chú - một cô nhanh nhảu trả lời - có người biết, có người không: Ai có gia đình đi biển thì biết, còn làm nông thì không.

- Vậy khi chở hàng, thuyền đắm thì làm sao?

- Báo cáo, chúng cháu nhảy xuống. Sông ở đây thường chỉ ngập đến cổ.

- Còn những chỗ sâu thì sao? Tôi biết sông sâu lắm.

- Thưa chú, khi đó chúng cháu bám vào thuyền. Thường thì thuyền đắm nhưng không chìm.

Quay lại phía chúng tôi, đồng chí Đặng Tính ân cần nói:

- Đừng có đùa giỡn với "Hà bá", không được để chị em chưa biết bơi đi thuyền. Tiểu đoàn phải tổ chức tập bơi ngay cho số chị em chưa biết bơi.

Khi nghe cán bộ cơ sở trình bày vì thuyền qua vời Hồng Thuỷ bị máy bay địch đánh, bị mắc cạn nhiều nên nhịp độ vận chuyển chậm, đồng chí Chính ủy phê phán ngay, cho dù lời lẽ rất nhẹ nhàng:

- Địch đánh dữ, ta không bàn, còn thuyền mắc cạn, sao không khảo sát cho cắm vè đánh dấu luồng lạch? Vấn đề như vậy đã rõ. Các đồng chí phải khắc phục ngay tư tưởng nửa vời chứ không phải là vời Hồng Thủy...

Sau mệnh lệnh ngắn gọn, rõ ràng là nụ cười xởi lởi, cử chỉ thân tình, đồng chí Chính ủy giúp chúng tôi tránh được cảm giác ngại ngùng. Mọi người cùng cười nói rôm rả.

Tuy nhiên, sau tình tiết "vời Hồng Thủy", tôi càng cảm phục tầm tư duy, "khả năng đọc trận đấu" của vị Chính ủy tài đức vẹn toàn mà bộ đội Trường Sơn, bộ đội Phòng không - Không quân và rất nhiều người tôn kính, quý mến.

Đồng thời, tôi cũng lĩnh hội thêm được một bài học quý báu nữa ở ông: dù khó khăn đến mấy, nếu sâu sát cụ thể, chịu khó tìm tòi, sẽ tìm được giải pháp khắc phục. Chuyện cắm vè đánh dấu luồng lạch nông sâu, bà con nông dân ta đã làm từ bao đời khi cày bừa ruộng sâu. Đơn giản như vậy, mà chúng tôi không nghĩ ra! Sau này, mỗi khi nhớ lại sự kiện "vời Hồng Thủy" những ngày cuối đông 1972, tôi lại tự ngại ngùng với chính mình.

Đồng chí Chính ủy yêu cầu bố trí đi cùng tiểu đoàn một chuyến, có gì vướng mắc sẽ giải quyết. Nhưng tôi báo cáo rằng, rút kinh nghiệm, chúng tôi sẽ tổ chức vận chuyển tốt, ông không phải đi và ông đã chấp thuận.

Sau buổi làm việc của đồng chí Đặng Tính, chúng tôi cho đơn vị triển khai cắm vè, đánh dấu luồng lạch. Cũng từ đó nhịp độ vận chuyển được đẩy nhanh hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #109 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 06:46:58 pm »




Khao khát đợi chờ bao lâu rồi ngày vui nổ trời cũng đến. Tin Hiệp định Pa-ri được ký kết lan truyền như ánh chớp. Khắp mọi thôn xóm, bản làng, dòng sông, cánh rừng... tràn ngập tiếng reo hò, tràn ngập cờ hoa. Trào dâng niềm vui bất tận, cán bộ chiến sĩ chúng tôi, dân quân du kích hầu như quên đi trong chốc lát kỷ luật nhà binh; ai có súng cũng đều mang ra bắn như vãi đạn lên trời. Từ sau ngày 27 tháng 1 năm 1973, dọc đầu bờ sông Kiến Giang, Long Đại, Nhật Lệ;... khắp các xóm thôn các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Đồng Hới tràn ngập cờ hoa.

Hòa cùng niềm vui chiến thắng, hàng hóa từ hậu phương miền Bắc tiếp tục dồn chảy vào chiến trường.

Lúc này, lẽ ra tàu Hồng Kỳ của Trung Quốc chở hàng chi viện cho ta không phải đậu ngoài khơi xa, mà đã vào Đồng Hới giao hàng. Nhưng vì một sự cố - trước đó, một tàu của ta vào cửa biển Nhật Lệ, va vào một cánh bom từ trường đã nổ, bị thủng, nên tàu của bạn được lệnh đậu cách bờ chừng hơn cây số. Binh trạm 19 có nhiệm vụ tiếp chuyển hàng từ tàu Hồng Kỳ. Tôi vinh dự được cử chỉ huy một số cán bộ, với danh nghĩa thay mặt bộ đội Trường Sơn - Quân giải phóng miền Nam ra nhận hàng. Binh trạm không có thuyền lớn, buộc lòng chúng tôi phải dùng xuồng nhỏ để tiếp cận tàu Hồng Kỳ. Đang kỳ biển động, xuồng lách được dải sóng ven bờ để ra tới tàu của bạn là cả một kỳ công. Có lúc tôi nghĩ trăm phần trăm xuồng bị nhấn chìm trong muôn lớp sóng bạc đầu. Nhưng rất may là điều đó đã không xảy ra.

Khi chúng tôi lên tàu, gần hai chục sĩ quan, quân nhân của bạn đứng thành hàng chào, rồi bắt tay từng người, rất đẹp, rất bài bản. Tiếp đó, Thuyền trưởng, Chính ủy tàu tiếp đoàn chúng tôi. Đội ngũ sĩ quan, quân nhân khỏe khoắn, trang phục đẹp, tác phong chính quy; tàu Hồng Kỳ hoành tráng... là ấn tượng rất mạnh đối với chúng tôi khi đó.

Đồng chí Chính ủy tàu Hồng Kỳ giới thiệu: Tàu được Mao Chủ tịch, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc giao nhiệm vụ chở hàng chi viện cho Quân giải phóng miền Nam.

Tôi đáp từ: Thay mặt Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, cám ơn Liên Xô, Trung Quốc, nhân dân và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam, Quân giải phóng miền Nam sự giúp đỡ quý giá...

Sau thủ tục bàn giao, tàu thuyền của Binh trạm 19 cập tàu bạn nhận hơn 500 tấn gạo. Tiếp đó, đoàn đại biểu của Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình ra thăm, tặng bạn một số rau, quả.

Sau chuyến ra tàu Hồng Kỳ nhập hàng, tôi còn bị say sóng hành hạ mất mấy ngày, nôn ra mật xanh mật vàng, lúc nào trong đầu cũng có cảm giác đất trời chung chiêng nghiêng ngả như chao võng. Với tôi đây là một kỷ niệm không thể nguôi quên về biển!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM