Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:03:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 43159 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 08:24:46 am »


Đến chiều, Ban chỉ huy Binh trạm 27 nhận được quyết định chính thức bằng giấy tờ điều tôi làm Binh trạm trưởng kiêm Chính ủy và chỉ định tôi làm Bí thư Đảng ủy binh trạm. Thế là tôi thực sự "vào cuộc" và đứng trước một nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn. Tuy nhiên tôi tin vào khả năng của tập thể lãnh đạo và của quần chúng, nên trong cách làm việc ít có sự do dự.

Tôi bàn với Thường vụ Đảng ủy và Ban chỉ huy binh trạm phải tập trung sức nghiên cứu giải quyết cho được hai vấn đề có tính tiên quyết để vận chuyển cơ giới, đó là bàn đạp đứng chân cho các đội hình xe, bao gồm kho tàng, bến bãi; đồng thời ưu tiên thiết kế thế trận vượt khẩu của đội hình vận tải quy mô lớn, chủ động đối phó với sự đánh phá bằng siêu pháo đài bay B.52. Được các anh hoàn toàn nhất trí, suốt một tuần, tôi và các anh Vận, anh Tấn - Binh trạm phó, anh Quỳnh,Tham mưu trưởng vận chuyển cùng một số cán bộ cơ quan cơm đùm, cơm nắm leo hết đồi này qua đồi khác, lội hết suối này qua suối khác để khảo sát thực địa tìm giải đáp cho bài toán có nhiều ẩn số này. Nhiều anh em vừa đi vừa lắc đầu, càng đi càng chán nản. Bụng đói meo, tất cả rủ nhau ngồi nghỉ trên bãi cát bờ sông Sê Băng Hiêng để ăn trưa. Riêng tôi nhờ có đôi ủng Liên Xô nên đi đứng vẫn tỏ ra xông xáo. Thấy một chiếc ô tô vận tải của binh trạm đang giấu mình dưới một lùm cây bên con suối, tôi chạy đến, thấy con suối vừa rộng, vừa phẳng, vừa nông, bỗng nảy ra ý nghĩ cải tạo lòng suối làm chỗ đứng chân cho đội hình xe nếu được sẽ lý tưởng biết chừng nào. Tôi quay lại ăn cơm với anh em, rồi rủ nhau đi điều tra con suối. Càng đi tôi càng phấn khởi, suối rộng tới hai làn xe, đáy suối là đá pha cát, nước suối sâu lắp xắp, chỗ cao tới mắt cá chân, chỗ sâu đến đầu gối, bờ suối hai bên đều cao tựa hai bức thành. Tôi sướng quá nói với anh em: "Bãi xe ở đây chứ ở đâu nữa". Anh Vận và anh Tấn vừa cười vừa nói:

- Làm sao mà thành bãi xe?

Tôi trả lời với giọng nghiêm túc và hơi căng:

- Tất nhiên là phải cải tạo! Chúng ta cứ đi tiếp xem sao.

Thế là chúng tôi cứ ngược dòng suối đi. Đi được ba kilômét, sắp đến đầu nguồn thì thấy có đơn vị đóng quân. Té ra đó là sở chỉ huy của Binh trạm 27. Giở bản đồ ra xem mới biết con suối này gọi là suối Cô Pút. Khi tôi giải thích, các đồng chí nghe ra đều phấn khởi, khẳng định với nhau rằng nhất định con suối này sẽ là bàn đạp đứng chân cho một đại đội xe.

Ngày hôm sau chúng tôi đi về hướng suối Vĩnh Linh. Suối này còn dài và rộng hơn nhiều so với suối hôm trước, thỉnh thoảng lại có bãi đá rộng nằm giữa ngã ba suối được các cây to che kín đáo. Ở đây có thể đứng chân một tiểu đoàn xe.

Mọi người hăm hở rủ nhau đi về phía suối Chà Lì, tìm thêm được chỗ đứng chân cho vài đại đội xe nữa. Như vậy sau khi cải tạo, Binh trạm 27 đã có những khu đủ chỗ đứng chân cho một đến hai tiểu đoàn xe. Nó không phải là bãi rừng mà là bãi suối. Quả là một bất ngờ, bất ngờ với cả ta và chắc chắn cũng sẽ bất ngờ với địch.

Về tới sở chỉ huy binh trạm, tôi báo cáo ngay ý đồ này với thường vụ và ban chỉ huy. Một số anh em có vẻ ngỡ ngàng và hoài nghi, một số im lặng. Có tiếng xì xầm của một số anh em trong cơ quan: "Các ông này to gan thật!".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 08:27:11 am »


Tôi gọi điện thoại báo cáo với Bộ Tư lệnh. Bên kia đầu máy, anh Nguyên hỏi:

- Kết quả đến đâu rồi? Bộ Tư lệnh đang sốt ruột chờ báo cáo của các anh.

- Báo cáo anh, đã tìm ra bàn đạp đứng chân cho một tiểu đoàn xe.

Anh Nguyên hơi ngạc nhiên, vì anh đã xuống binh trạm vài lần, biết khá rõ về tính phức tạp của địa hình khu vực này nên chỉ đặt mức cho tôi tìm bàn đạp đứng chân cho một đại đội xe. Anh hỏi:

- Tìm được ở đâu?

- Ở lòng suối ạ.

- Lòng suối?

- Vâng, lòng suối Cô Pút, suối Vĩnh Linh, suối Chà Lì. Ba suối đổ ra sông Sê Băng Hiêng, cự ly hàng ngang cách nhau khoảng 500 - 1.000 mét, một thế xuất kích khá đẹp nhưng phải cải tạo, tốn nhiều thuốc nổ và công lao động.

- Tốn bao nhiêu cũng chấp nhận. Thôi được, ngày mai tôi sẽ xuống cùng anh đi thị sát lại để thống nhất quyết tâm và biện pháp.

Ngày hôm sau anh Nguyên xuống binh trạm cùng tôi đi xem các suối. Xem xong anh nói: Thực hiện được phương án này, địch lại bất ngờ mới. Anh hứa sẽ thỏa mãn những yêu cầu về lực lượng và phương tiện để cải tạo các suối này. Thế là một chiến dịch làm bàn đạp được mở màn. Các đơn vị kho, giao liên, binh trạm bộ đều được điều ra nhận từng đoạn suối, cùng với đại đội công binh lao động suốt ngày đêm. Chỉ trong vòng mười ngày, các con suối đã biến thành những con "đường hầm" ô tô, những bãi đậu xe có một không hai trên khu vực Trường Sơn. Nhiệm vụ tiên quyết nhất, gay cấn nhất đã được xử lý xong. Vào thời điểm này, tuyến đường từ Chà Lì đi Bản Đông do Tiểu đoàn 161 và Tiểu đoàn 25 phụ trách mở từ mấy tháng trước cũng được hoàn thành. Nhận được tin này Bộ Tư lệnh điều ngay một tiểu đoàn xe do đồng chí Trạch làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Vị làm chính trị viên xuống cho binh trạm. Nhìn đội hình xe núp kín dưới suối, anh em vô cùng phấn khởi.

Anh Nguyên gọi điện cho tôi hỏi:

- Đã có thể tổ chức vận chuyển được chưa?

- Báo cáo, xét về yếu tố cầu đường, kho tàng và bãi xe tập kết thì đã có thể vận chuyển được, nhưng yếu tố đánh địch bảo vệ cầu đường và đội hình xe thì chưa đủ. Chưa nói đến địch phát hiện được sự hoạt động vận chuyển cơ giới của ta mà mở trọng điểm đánh phá ngay tại cửa khẩu thì có khả năng bị tắc vì thế trận cầu đường còn rất mỏng manh, nhất là khu vực vượt khẩu.

- Tôi hiểu ý anh. Tôi sẽ điều thêm cho anh một Tiểu đoàn cao xạ 37 ly và một Tiểu đoàn 14,5 ly. Anh triển khai toàn bộ mạng thông tin và các trạm điều chỉnh giao thông nội nhật ngày mai cho xong. Còn pháo ba ngày nữa sẽ vào trận địa rồi cho tiến hành ra quân vận chuyển. Vì tình hình hết sức bức bách, chiến trường đang giục.

- Tôi xin chấp hành, nhưng sau này tôi sẽ đề nghị với anh một số vấn đề mà tôi cho là có tính chất sinh tử.

- Anh cứ nói cho tôi nghe bây giờ cũng được.

- Báo cáo anh, từ khu vực Chà Lì vượt sông Sê Băng Hiêng rồi trèo dốc cua "tay áo" sẽ là cái túi lửa. Nó hiểm yếu không khác gì trọng điểm cua chữ A - Ta Lê - Phu La Nhích bên Tây Trường Sơn. Địch đánh bom bằng máy bay phản lực thông thường đã là mối đe dọa lớn. Nếu địch đánh phá bằng máy bay B.52, sẽ giống như tình hình ở cửa khẩu cua chữ A - Ta Lê - Phu La Nhích bên Tây Trường Sơn năm trước.

- Tôi đã nghĩ đến điều đó, nhưng muốn anh hoàn thành bước một đã.

- Anh cho triển khai bước hai luôn, chúng tôi sẽ tập trung sức tổ chức vận chuyển, vừa xây dựng các trục vượt khẩu, phá cái thế độc đạo ác nghiệt này.

- Vậy thì anh cứ đề xuất những vấn đề cụ thể. Tôi sẽ ủng hộ anh.

Là người đã từng vật lộn với cửa khẩu cua chữ A - Ta Lê phía Tây Trường Sơn, biết rõ phải làm những gì và phải làm thế nào để giành được thế chủ động từ đầu thì mới đỡ tốn xương máu và giữ được mạch máu giao thông, tôi trả lời:

- Báo cáo anh, tôi đề nghị Bộ Tư lệnh cho mở thêm hai tuyến vượt khẩu nữa. Một tuyến ở phía sau đồn biên giới Cù Bai, một ở phía Đông cua "tay áo" chạy vòng sau dãy lèn đá Bơrai.

- Anh định bao giờ thì xong?

- Tôi định một tháng phải xong. Nhưng nếu lấy thời gian là yêu cầu số một thì đề nghị anh thỏa mãn về lực lượng và phương tiện cho binh trạm.

- Tôi ủng hộ anh về quyết tâm này. Tôi sẽ điều ngay cho anh Trung đoàn 98 do anh Yêm1 làm Trung đoàn trưởng, anh Tô Đa Mạn2 làm Trung đoàn phó, anh Chía làm Chính ủy, anh Tùng làm Phó chính ủy. Anh sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các anh ấy. Ngày mai các anh ấy sẽ đến gặp anh. Cần bao nhiêu bộc phá và máy húc, Bộ Tư lệnh sẽ thỏa mãn cho các anh.
______________________________________
1. Anh Yêm sau là Cục phó công binh, hy sinh năm 1972 ở Trường Sơn.
2. Anh Mạn sau này là Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 08:27:53 am »


Tôi thấy sung sướng và nhẹ nhõm. Làm việc mà được trên tin, dưới ủng hộ thì không gì yên tâm bằng. Hôm sau anh Yêm đến gặp tôi, hai anh em chụm đầu trên chiếc bản đồ tìm khu vực kín, bình độ thoải và thống nhất mở một đường từ dốc Dân Chủ chạy ra đồn biên phòng Cù Bai vượt sông Sê Băng Hiêng rồi luồn vào rừng phía Tây cua "tay áo" chạy xuống Bắc bản Tà Ha, chiều dài khoảng 15 kilômét. Chúng tôi đặt cho nó cái tên đường F. Anh Yêm nhẩm tính rồi hạ quyết tâm một tháng xong với điều kiện cần bao nhiêu bộc phá phải có bấy nhiêu và ít nhất tăng thêm hai máy húc. Tôi đồng ý ngay vì biết đằng sau mình có chỗ dựa rất vững chắc, đó là Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Hai hôm sau, người, máy ùn ùn kéo đến tập kết nhảy cóc trên tuyến sắp thi công. Từng đoàn khảo sát len lỏi trong rừng, hai chân đầy máu do vắt cắn, mặt mày xây xát do dây gai cào xước. Khảo sát đến đâu, thi công đến đấy.

Cả khu rừng chim kêu vượn hót đã nhường cho cảnh sống động của đoàn người "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Mọi việc mở đường vượt khẩu đã được giải quyết. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi có đồng chí Yêm và đồng chí Chía đôn đốc thực hiện.

Tôi và anh Tấn, Binh trạm phó phụ trách công binh xoay trần tìm tuyến hướng Đông. Hướng này trống trải, lại phải men theo dãy lèn đá nên khó khăn nhiều bề. Địch sẽ phát hiện và đánh gục ngay khi ta đang mở, nhưng cũng có cách đối phó là tác nghiệp ban đêm, sáng sớm và chiều tối, đồng thời phải chuẩn bị hầm hào trước. Song dãy lèn đá đã gây chùn lòng một số anh em, bởi có một tảng đá khổng lồ chắn ngang lối mở đường, không tránh chỗ khác được. Chúng tôi báo cáo với Bộ Tư lệnh về khó khăn này. Anh Nguyên nói: "Nếu cần mấy tấn bộc phá để đánh sập nó, các anh cứ làm, có đủ bộc phá cho các anh”. Tôi biết Bộ Tư lệnh theo đuổi quyết tâm này một cách mãnh liệt, vì hoàn thành tuyến vận chuyển cơ giới Đông Trường Sơn sẽ tạo ra một mũi khoan xuyên nhanh, mạnh và sâu, đẩy vào chiến trường khối lượng vật chất lớn. Chúng tôi yên tâm và bắt tay ngay vào chiến dịch mở tuyến vượt khẩu thứ ba. Với sự cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi yêu cầu Bộ Tư lệnh tăng thêm hai đại đội công binh và hai máy húc. Mới đề nghị chiều hôm nay thì sáng hôm sau đã thấy ô tô chở không phải hai đại đội mà là một tiểu đoàn thanh niên xung phong tới và ngay chiều hôm đó hai máy húc cũng có mặt. Như vậy, mọi việc đã được sắp đặt và tổ chức tiến hành. Quân ta tác nghiệp cả đêm lẫn ngày với tốc độ thi công chóng mặt. Mới có 10 ngày mà đường đã kéo dài được bảy kilômét. Địch ngửi thấy hoạt động của ta nên đã tiến hành những chuyến bay trinh sát. Ngày nào cũng có một vài trận bom. Trong anh em, có nhiều người dao động. Thanh niên xung phong kêu ốm ngày càng nhiều. Tôi và anh Tấn bàn nhau phải thay phiên ra mặt đường để giữ vững tinh thần bộ đội. Có hôm hai chúng tôi cùng ra đường và cùng chịu những trận bom sấm sét.

Một hôm quân ta đang tác nghiệp, bỗng có máy bay xăm xăm lao tới. Tám quả bom không trúng đường mà trúng núi. Đất, đá đổ xuống ào ào. Cái hốc nhỏ bên lèn đã cứu chúng tôi. Còn anh chị em được hầm che chở nên điểm danh đủ mặt. Chúng tôi thở phào mừng rỡ.

Nhưng mối đe dọa còn ở phía trước. Từ hôm khởi công đến nay, chúng tôi đã tìm mọi biện pháp để tiết kiệm tối đa xương máu, nhưng ngày nào cũng có thương vong. Chúng tôi phải tăng cường máy húc để nhanh chóng dứt điểm. Và ngày thứ 20 thì đường đã được nối thông. Đường này được đặt tên là đường C. Anh Yêm thông báo cho chúng tôi vài ngày nữa xin mời binh trạm nghiệm thu và liên hoan thắng lợi mở thông đường.

Giấc mơ đã trở thành hiện thực! Chưa bao giờ ta lại chủ động mở được ba đường vượt qua một cửa khẩu! Nói sao hết niềm sung sướng và hạnh phúc của chúng tôi khi biết chắc một ngày gần đây địch sẽ mở những cuộc giội bom xuống khu vực này vô cùng ác liệt, vô cùng tàn khốc, nhưng chắc chắn chúng khó lòng ngăn chặn bước đi của chúng ta. Đứng trước hàng quân, tôi đã chào mừng thắng lợi và biết ơn những cán bộ, chiến sĩ đã lăn lộn trong cuộc chiến đấu mở đường, biết ơn Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã nhạy cảm, thường xuyên chắp cánh cho chúng tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:35:39 pm »


Vận chuyển lớn đã có thể bắt đầu. Chúng tôi chuyển trọng tâm sang lập kế hoạch tổ chức hiệp đồng chiến đấu bảo đảm vượt khẩu cũng như vượt các trọng điểm của các đội hình xe. Một mạng thông tin được thiết kế với yêu cầu không được để mất liên lạc quá 15 phút. Pháo được bố trí tập trung đảm bảo đánh áp đảo những loại máy bay trinh sát và phản lực cường kích. Công binh được phân bổ lực lượng đảm bảo tình huống nào cũng không để đường tắc quá một giờ. Các đoàn xe phải được đảm bảo kỹ thuật, có đủ lái chính, lái phụ, có khả năng làm chủ tốc độ, biết ứng phó với mọi tình huống, biết mật tập vượt trọng điểm một cách dũng mãnh. Sở chỉ huy cơ bản, sở chỉ huy tiền phương và các trạm điều chỉnh giao thông được hình thành một hệ thống thông suốt đảm bảo chỉ huy chuyên ngành và chỉ huy hiệp đồng nhịp nhàng ăn khớp. Mọi việc coi như chuẩn bị xong. Thời gian này bọn địch đã tăng cường trinh sát, nhưng mức độ đánh phá vừa phải. Chúng tôi nghĩ rằng bọn chúng đang bị hút vào hướng Tây Trường Sơn, vì vậy cần chớp thời cơ đẩy nhanh quy mô và tốc độ vận chuyển.

Tiểu đoàn xe 62 đã dàn hàng dọc trên hai suối Vĩnh Linh và Cô Pút. Tất cả mọi lực lượng được động viên ra quân đánh thắng trận đầu.

Năm giờ chiều, khi nắng hoàng hôn yếu ớt vương lại những vệt sáng lờ mờ trên những đỉnh non cao, hai chiếc máy bay trinh sát quay đầu về căn cứ của chúng.

Binh trạm ra lệnh cho xuất kích đội hình xe. Tám mươi chiếc xe ba cầu (Zin 157) như trong đường hầm chui ra theo thứ tự hành quân trên các hướng vượt khẩu đã chỉ định, rầm rộ lao nhanh. Khi toàn đội hình đã qua hết cửa khẩu, máy bay trinh sát mò tới. Pháo ta được lệnh không nổ súng để chúng tự do bay lượn lâu hơn trên cửa khẩu nhằm giữ chân chúng lại cho xe ta hành tiến. Đêm nay địch bị bất ngờ nên đội hình xe đã tới đích an toàn. Hai hôm sau, hình như phát hiện được sự hoạt động vận chuyển cơ giới của ta nên chúng bắt đầu mở các cuộc tập kích vào đèo 300, đèo 500 và đặc biệt cửa khẩu tại cua “tay áo”. Tất cả mọi hoạt động đánh phá của địch chưa vượt quá dự kiến của chúng tôi, vì vậy địch cứ đánh, ta cứ đối phó và xe cứ đi. Tổn thất thương vong có, nhưng chưa nhiều.

Đến bây giờ thì chúng tôi không sợ tắc cửa khẩu mà sợ tắc ở đèo 300, đèo 500 vì ở đó địa hình chỉ cho phép mở được một đoạn đường tránh. Tôi nghĩ ngay đến việc làm thêm một tuyến mới từ Chà Lì men theo sông Sê Băng Hiêng đi về phía Tây nối vào Bản Cọ, giáp tuyến Binh trạm 9 kéo xuống Thà Khống. Tôi báo cáo với Thường vụ Đảng ủy binh trạm và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Tư lệnh hỏi lại đường có dễ làm không; nếu địa hình phức tạp mất quá nhiều thời gian, tốn quá nhiều lực lượng thì phải tính lại cho kỹ. Tôi biết anh lo lắng như vậy là phải, nhưng tôi đã đi bộ trên đường mòn này mấy lần nên biết rõ khả năng làm nhanh và không cần nhiều lực lượng. Tôi báo cáo với Bộ Tư lệnh sự cần thiết phải làm đường này để có thể vu hồi khi địch thít chặt đoạn đèo 300 và 500, đồng thời cam đoan với Bộ Tư lệnh chỉ trong vòng nửa tháng có thể xong nếu được tăng cường một đại đội công binh. Có lẽ anh Nguyên tin vào khả năng tính toán và quyết tâm của chúng tôi nên đã đồng ý. Anh Tấn, binh trạm phó công binh đặc trách chỉ huy mở đoạn đường này, "vớ" được một đại đội công binh người Nghệ An nên mặt mày hớn hở. Anh nói với tôi rằng "được quân Nghệ An như được vàng". Vì anh đồng hương với tôi nên đùa tếu: với đám quân "cá gỗ" "gan lỳ cóc tía" thì nửa tháng là ngon thôi! Chúng tôi nhìn nhau, tủm tỉm cười tâm đắc. Quả thật, nửa tháng sau, một nhánh đường từ Chà Lì đi Bản Cọ được nối thông. Thế trận vượt khẩu càng thêm vững chắc, thế trận lật cánh vu hồi đã thành hiện thực.

Tuyến đường phía Đông Trường Sơn đã thọc sâu vào đường số 9 nối thông với các nhánh đường ngang của tuyến phía Tây Trường Sơn tạo thành một mạng giao thông liên hoàn Đông, Tây hỗ trợ. Mỹ - ngụy đã lâm vào tình trạng bị động đối phó với tuyến đường chi viện chiến lược thiên la địa võng này. Chúng đang đứng trước khó khăn khi lựa chọn đánh đúng "điểm huyệt" của đường Trường Sơn. Nhưng đâu là điểm huyệt? Cửa khẩu Xiêng Phan, cửa khẩu cua chữ A - Ta Lê - Phu La Nhích, cửa khẩu Pha Băng Nưa phía Tây Trường Sơn hay cửa khẩu Chà Lì phía Đông Trường Sơn? Rải lực lượng không quân đánh đồng loạt cả bốn cửa khẩu và các trọng điểm tung thâm, chúng sẽ không đủ để chặn đứng ta lại. Nếu tập trung không quân dứt điểm hủy diệt một cửa khẩu thì càng không giải quyết được vấn đề. Mỹ đành phải lựa chọn một phương án là đánh đồng loạt toàn bộ cửa khẩu, nhưng ưu tiên diệt tuyến Đông Trường Sơn - vì tuyến này như mũi mác chọc vào hông chúng.

Sau một tháng địch trinh sát, chụp ảnh, rải các phương tiện trinh sát điện tử, nắm được những lượng thông tin về tình hình hoạt động của binh trạm, chúng mở chiến dịch đánh phá ồ ạt, đánh Bản Đông, đánh đèo 300 và đèo 500, đánh cánh đồng Mường Trương, đánh các tuyến vượt khẩu Chà Lì. Trên tuyến đường Binh trạm 27, hàng ngày có đến mấy trăm lượt máy bay ném bom đánh phá. Pháo ta đánh trả quyết liệt, diệt nhiều máy bay, công binh xông ra, rút vào tranh chấp với địch "một tấc không đi, một ly không rời". Trục đường của Binh trạm 27 biến dạng. Tại các trọng điểm, đất đá dồn lại thành đống tầng tầng, lớp lớp. Hàng nghìn hố bom cắt đứt từng đoạn mặt đường. Núi bị bạt, bị phá rừng tạo nên cảnh hoang tàn rùng rợn. Nhưng thế cầu đường của binh trạm khá vững, khả năng ta nắm bắt quy luật đánh phá của địch khá nhanh và sắc, nên đêm đêm xe ta vẫn đưa vào tới đích hàng trăm tấn hàng. Như vậy ở hướng Đông Trường Sơn địch vẫn không bịt nổi cửa khẩu mà còn bị cầm chân một lực lượng không quân khá lớn, nới lỏng một phần sự đánh phá hướng Tây Trường Sơn, tạo điều kiện cho các binh trạm trên hướng đó hoàn thành nhiệm vụ một cách thắng lợi.

Tôi nghĩ đến mấy ý kiến của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nói trước Hội nghị Tổng kết vận chuyển chi viện chiến lược mùa khô 1968-1969 của Đoàn 559 tại Sầm Sơn, rằng Mỹ giàu nhưng không mạnh vì vấp phải một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của một dân tộc với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do", rằng sức mạnh của Mỹ chỉ có hạn, đánh nơi này phải bỏ nơi khác, đánh mạnh chỗ này sẽ đánh yếu chỗ khác, nếu nắm được quy luật hoạt động của chúng, biết tránh và biết đánh, nhất định ta sẽ thắng chúng; rằng sự lãnh đạo của Đảng ủy và chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 và các cấp binh trạm là táo bạo, sáng tạo, đúng đắn, tinh thần chiến đấu của bộ đội 559 là anh dũng tuyệt vời đến mức ta khó hiểu nổi làm sao địch đánh phá ác liệt, liên tục trên các cửa khẩu như vậy mà hàng mấy chục tiểu đoàn ô tô vận tải vẫn vượt được Trường Sơn vào tới các chiến trường... Tôi sung sướng và tự hào được đứng trong Đoàn 559, đoàn quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự biểu dương của vị Tổng Tư lệnh - người Anh Cả lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:37:34 pm »


*

Biết không thể dùng không quân để chặn tuyến đường vận chuyển Trường Sơn của ta, đồng thời muốn gỡ thế bị động trên chiến trường miền Nam và giành một số thắng lợi về quân sự để có tiếng nói trọng lượng trên bàn Hội nghị Pa-ri về Việt Nam, Mỹ âm mưu mở cuộc hành quân đại quy mô mang tên Lam Sơn 719 lên đường số 9 - Nam Lào nhằm dùng bộ binh cắt đứt toàn bộ khu trung tuyến của tuyến đường Trường Sơn, bóp chết "dạ dày" Quân giải phóng miền Nam và ngăn chặn sự xâm nhập của quân "Bắc Việt", đồng thời tạo bàn đạp tấn công vùng Nam Khu 4 cũ, đẩy ta vào thế bị động. Tháng 1 năm 1971, chúng tôi được Bộ Tư lệnh 559 thông báo như vậy và được giao nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng đối phó, đồng thời vừa vận chuyển chiến lược, vừa vận chuyển phục vụ chiến dịch; trước mắt phải vận chuyển lót sẵn lương thực, đạn dược chờ quân ta hành quân tới là có điều kiện triển khai tác chiến ngay.

Ít hôm sau lại nhận được điện trên thông báo Mỹ-ngụy đã huy động 3 vạn quân, trên 1.000 xe tăng và thiết giáp, 700 máy bay chiến đấu và trực thăng, 300 khẩu pháo đang gấp rút triển khai đội hình hành quân. Trung tướng ngụy quyền Hoàng Xuân Lãm cùng với hai cố vấn quân sự cao cấp Mỹ trực tiếp chỉ huy chiến dịch này. Trung tướng Dư Quốc Đống đích thân chỉ huy sư đoàn dù ngụy.

Thật oái ăm! Bọn Mỹ đã không dại dột liều mạng mang quân lên vùng rừng núi bí hiểm này mà trút toàn bộ gánh nặng lên đầu bọn ngụy Sài Gòn để thực hiện một sứ mệnh đầy mạo hiểm. Tuy nhiên Mỹ sẽ yểm trợ bằng không quân tới mức tối đa.

Từ đầu tháng 1, địch bắt đầu mở cuộc không tập bằng máy bay B.52 vào khu vực cửa khẩu Chà Lì, cày nát đèo cua "tay áo" và khu vực lân cận. Trong tung thâm từng phi đội thay nhau giội bom xuống đèo 300, đèo 500, ngã ba Bản Đông. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch vô cùng ác liệt. Pháo tầm trung của ta bị vô hiệu hóa trước các phi đội máy bay B.52. Thương vong đột nhiên lên cao, có những trường hợp hy sinh đau đớn, bị địch đánh sập miệng hang phải dùng thuốc nổ mở cửa nhưng không cứu được người. Có trường hợp xe bị lật nhào xuống vực hàng chục chiếc một lúc, có hôm cả tiểu đội công binh bị xóa sổ gọn. Nhưng bộ đội vẫn giữ vững ý chí chiến đấu. Chính trị viên phó đại đội công binh Nguyễn Bá Tòng1 xông pha lửa đạn ôm bộc phá chạy lên đỉnh đèo đánh hất chiếc xe đang cháy để giải phóng đoàn xe 20 chiếc còn bị máy bay săn đuổi. Anh bị trọng thương vẫn ở lại động viên chiến sĩ bám giữ tuyến đường cho xe qua. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Thân2 10 lần bom nổ gần, khi bị sức ép, khi bị thương, lúc bị đất đá chôn vùi, khi được bới lên, anh vẫn tiếp tục tìm bom nổ chậm để đánh dấu. Hình ảnh đó gây trong tôi một ấn tượng rất mạnh. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, tưởng chừng kẻ địch sẽ nuốt chửng chúng ta, nhưng chỉ trong vòng ba ngày quân ta đã trở lại trạng thái bình thường sau khi rút ra được quy luật đánh phá của chúng.
___________________________________________
1, 2. Đồng chí Nguyễn Bá Tòng (sau này là Phó tư lệnh Binh đoàn 12) và Nguyễn Văn Thân còn lập nhiều thành tích khác, sau này được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1972.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:39:30 pm »


Ngày 5 tháng 1 năm 1971, đồng chí Hồng Sơn, Phó tư lệnh Mặt trận B.701 trên đường ra trận đã vào Binh trạm 27 gặp tôi để phổ biến tình hình và nhiệm vụ. Trên chiếc bản đồ trải rộng, đồng chí nói cho tôi biết những tin kỹ thuật ta nhận được là địch đang ráo riết tổ chức mở cuộc hành quân đại quy mô vào khu vực đường số 9 - Nam Lào, phối hợp với bọn ngụy Lào đánh thốc từ phía Tây xuống nhằm chiếm đóng và kiểm soát hoàn toàn đường số 9. Đồng chí chỉ vào những vị trí khoanh tròn màu xanh trên bản đồ dự kiến địch đổ bộ bằng trực thăng xuống trong đó có cao điểm Cô Bốc, Phu Cốc, 540, 550, 650, 655 ở phía Nam đường số 9; cao điểm 456, 453, 500 - Làng Sen, Làng Hồ...; ở phía Bắc đường số 9 và các mũi tiến công của các đơn vị thiết giáp lên Bản Đông - Sê Pôn.

Đồng chí yêu cầu Binh trạm 27 đảm nhiệm nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng tăng, pháo và các phương tiện cơ giới khác của chiến dịch vượt khẩu với tỷ lệ tổn thất thấp nhất, đồng thời vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm đảm bảo cho chiến dịch quy mô lớn và dài ngày.

Khi nghe tiếng bom B.52 đang ào ào đổ xuống cửa khẩu làm rung giật cả hầm chỉ huy, nét mặt trở nên tư lự, đồng chí hỏi lại tôi:

- Địch đánh như vậy, khả năng binh trạm đến đâu?

- Tất nhiên là rất ác liệt và phức tạp, nhưng chúng tôi muốn biết số lượng tăng pháo của chiến dịch là bao nhiêu?

- Có thể mấy trăm. Sẽ có cán bộ tham mưu làm việc cụ thể với anh.

- Và số lượng cơ sở vật chất bảo đảm cho chiến dịch là bao nhiêu?

- Sẽ rất lớn, nhiều ngàn tấn. Việc này có cơ quan hậu cần sẽ làm việc cụ thể.

- Báo cáo Phó tư lệnh, chúng tôi sẽ cố gắng với mức cao nhất, nhưng không phải mọi việc tùy thuộc ở ta mà còn cả ở địch. Chúng tôi đang chuẩn bị đối phó với tình huống ngặt nghèo nhất. Đồng chí cứ yên tâm.

Câu nói kết thúc của tôi hình như làm cho đồng chí phấn khởi và chuyển sang câu chuyện tâm tình:

- Anh Đại hình như quê ở Nghệ An?

- Sao đồng chí biết?

- Vì tôi nghe tiếng nằng nặng của người xứ Nghệ đã quen.

- Vâng, tôi ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh    Nghệ An.

- Hóa ra anh cùng quê với cụ Hồ Phi Huyển2 - tác giả cuốn Nhân đạo quyền hành ấy mà. Anh có quen cụ Hồ Phi Huyền không?

- Có. Cụ là bố vợ nhà văn Đặng Thai Mai. Tôi quen biết cụ vì cụ giảng giúp cho tôi những danh từ khó hiểu trong các tác phẩm triết học phương Tây hồi tôi mới tập nghiên cứu trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng đồng chí có quan hệ gì với cụ Hồ Phi Huyền?

- Bố vợ tớ là rể của cụ mà.

- Ai vậy?

- Đặng Thai Mai.

- Vậy đồng chí là cháu rể làng Quỳnh chúng tôi. Hay quá.
___________________________________________
1. Mặt trận cánh Đông đường 9 – Nam Lào.
2. Cụ Hồ Phi Huyền là tác giả cuốn sách "Nhân đạo quyền hành".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:39:58 pm »


Chúng tôi kết thúc câu chuyện khi mâm cơm được dọn ra với đĩa măng xào, một ít mắm tôm và dưa hành còn lại sau Tết. Bữa cơm thanh đạm, thân mật đã xong, đồng chí khẩn trương chia tay tôi. Sắp bước khỏi hầm chỉ huy, đồng chí quay lại vừa cười vừa nói:

- Bọn chúng mình như lính mới, vào đây chỉ biết dựa vào cậu. Hiện giờ đường dây điện thoại của chiến dịch chưa triển khai kịp, các cậu vẫn phải cho bọn tớ bám vào và nhớ là phải cho ưu tiên đấy.

- Đồng chí đừng lo. Tất cả cho thắng lợi của chiến dịch mà.

Tôi cử hai cảnh vệ dẫn đường, đưa đồng chí về sở chỉ huy của mặt trận đóng ở phía Tây Mường Trương trong một khu rừng già, cách sở chỉ huy binh trạm 15 kilômét theo đường chim bay.

Ngày hôm sau tôi lại được tiếp thượng tá Lê Đình Truy, chính ủy Sư đoàn tên lửa phòng không 367. Đồng chí vào hiệp đồng với chúng tôi giúp đỡ đặt một bệ phóng tên lửa SAM.2 tại dốc Dân Chủ, sau lưng chúng tôi khoảng một kilômét. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì tên lửa vào mà diệt được máy bay B.52 thì còn gì sung sướng bằng. Lo vì với địa hình phức tạp, liệu tên lửa của ta có diệt được B.52 không, hay chúng lại đánh vào tên lửa thì binh trạm bị vạ lây.

Trong những ngày này, tăng, pháo của ta đã kêu rít trên đường số 16, ùn ùn kéo vào đứng sắp thành hàng dọc trong lòng suối Chà Lì chờ lệnh của binh trạm để vượt khẩu.

Nghe tiếng bom của siêu pháo đài bay B.52 liên tục kéo rền, chớp giật làm rung chuyển cả khu vực Chà Lì, anh em trong đơn vị tăng, pháo bồn chồn lo lắng. Chúng tôi phải mời cán bộ chỉ huy từng phân đội vào sở chỉ huy để giải thích chiến thuật vượt khẩu, kỷ luật hành tiến, và yêu cầu anh em chấp hành triệt để mệnh lệnh của binh trạm, như vậy sẽ đảm bảo an toàn. Được giải thích và động viên, anh em yên tâm và hứa sẽ quán triệt cho từng chiến sĩ.

Có lẽ đây là thời điểm máy bay B.52 đánh dữ dội nhất - vì không phải chỉ ngăn chặn vận chuyển mà ngăn chặn cả cuộc hành quân của các lực lượng binh khí kỹ thuật của ta vào chiến trường. Tuy nhiên chúng tôi vẫn bình tâm và tin tưởng sẽ đưa lực lượng tăng pháo vào với tổn thất ít nhất, vì chúng tôi đã có thế trận được chuẩn bị khá chu đáo.

Cho đến bây giờ thì tôi mới nhận ra ý đồ thiết lập cửa khẩu và tuyến vận chuyển cơ giới hướng Đông Trường Sơn của trên không phải đóng khung trong giác độ vận chuyển. Cách nhìn xa có tầm chiến lược đã chứng minh được ý nghĩa lớn lao của nó. Chúng ta thử giả thiết, nếu cửa khẩu này chưa được mở thì việc đối phó với cuộc hành quân đại quy mô này của địch sẽ ra sao?

Ngày 5 tháng 2 tháng 2 năm 1971, toàn bộ lực lượng binh trạm từ cơ quan đến đơn vị đều tập trung vào việc chỉ huy và bảo đảm tăng, pháo, xe bọc thép… vượt khẩu, đồng thời chỉ huy cả lực lượng vận tải để đảm bảo nhu cầu cho chiến dịch. Một lúc làm hai nhiệm vụ trong điều kiện địch đánh phá quyết liệt như vậy quả là một áp lực nặng nề với binh trạm.

Trong thời gian này, chúng tôi nóng lòng chờ tên lửa vút lên diệt máy bay B.52 của địch. Nhưng chờ mãi vẫn thấy im hơi lặng tiếng. Tôi gọi điện thoại cho anh Truy yêu cầu các anh phóng cho một quả tên lửa, ít nhất cũng làm cho chúng hoảng, phải nhả cửa khẩu dăm ngày đêm, nhưng anh Truy giải thích là cần đánh chắc, thắng chắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:41:01 pm »


Ngày 6 tháng 2 năm 1971, chúng tôi quyết định cho vượt khẩu 20 tăng, 10 pháo và 50 xe ô tô vận tải. Tất cả các phương tiện phải tiếp cận tới hạn cho phép sát cửa khẩu, trên những hướng nhất định mà chúng tôi dự đoán xác suất an toàn cao.

Bảy giờ tối, loạt bom B.52 trút vào hướng đường F, chỉ có ba quả trúng mép đường ở phía Nam, có khả năng sau 15 phút ta sẽ khắc phục xong. Chúng tôi ra lệnh cho các đoàn cơ giới xuất kích trên hướng đó.

Ai đứng ở cửa khẩu lúc này mới thấy một bức tranh lạ lùng: máy bay B.52 cứ rải thảm, pháo, tăng, ô tô của ta cứ đi. Trên trời thì ầm ầm máy bay, dưới đất thì ầm ầm bom nổ lẫn với tiếng rú của xe xích. Huyên náo, ác liệt và hào hùng, không cách gì vẽ nổi bức tranh kì diệu đó.

Chỉ trong vòng năm đêm, mấy trăm xe vừa tăng, vừa pháo cao xạ, pháo mặt đất, xe bọc thép, pháo tự hành đã vượt qua cửa khẩu, nằm gọn trong các khu tập kết của chiến dịch. Chỉ có một khẩu pháo bị đánh gãy càng. Năm đêm liền địch đã thực hiện 200 lần chiếc B.52 giội bom xuống cửa khẩu với hàng trăm tấn bom mà ta đưa vào chiến trường được khối lượng xe pháo như vậy quả là một kỳ công. Đồng chí Cao Văn Khánh1, Tư lệnh mặt trận đêm nào cũng gọi điện thoại cho tôi hỏi về tình hình vượt khẩu của tăng, pháo. Nhiều lúc tôi phải đề nghị đồng chí chờ cho tôi chỉ huy xong đợt vượt khẩu. Và cứ mỗi khi tôi báo cáo số lượng đã vượt qua an toàn thì đồng chí lại buột miệng nói: "Tuyệt quá! Cảm ơn Binh trạm 27". Kết thúc đợt vượt cuối cùng đồng chí gọi điện cho tôi và nói:

- Binh trạm 27 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Địch đánh như thế mà tăng pháo vào được như thế là lý tưởng. Các đồng chí đã tạo điều kiện để bước vào chiến dịch một cách thuận lợi. Hoan hô Binh trạm 27! Bộ Tư lệnh Mặt trận nhiệt liệt biểu dương các đồng chí và sẽ đề nghị khen thưởng.

Chiều ngày 7 tháng 2, hàng trăm lượt máy bay B.52, máy bay phản lực F4, F5 ném bom quyết liệt cả cửa khẩu, cả tung thâm, không những trên đường vận chuyển mà cả trong các khu đồi núi. Các cuộc oanh kích kéo dài suốt cả đêm. Chúng tôi đoán có thể địch đang dọn đường cho cuộc đổ bộ, liền ra lệnh cho các đơn vị bộ binh, pháo cao xạ, công binh, kho, giao liên của binh trạm sẵn sàng chiến đấu, chú ý tiếp cận nơi địch đã ném bom.

Tám giờ sáng ngày 8 tháng 2, các đài quan sát của binh trạm báo cáo có hàng đàn máy bay trực thăng không đếm xuể đang bay về phía Tây Bắc đường số 9 trên khu vực tam giác Cô Bốc - Làng Sen - Bản Đông. Bộ Tư lệnh 559 thông báo địch đã bắt đầu mở cuộc tiến công, Binh trạm 27 phải kiên quyết đánh trả.
______________________________________
1. Đồng chí Cao Văn Khánh sau này được phong quân hàm Trung tướng làm Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:42:16 pm »


Bộ Tư lệnh Mặt trận cũng gọi điện thông báo và yêu cầu binh trạm chiến đấu với mọi vũ khí có trong tay. Chúng tôi khẳng định là địch đã bắt đầu chiến dịch tấn công thực sự, do đó ra lệnh ngay cho từng đơn vị tập trung đánh máy bay trực thăng của địch. Khoảng 8 giờ 30 phút, cả khu vực Nam, Bắc đường số 9, bầu trời như chao đảo với sự nhào lộn gầm rít của máy bay phản lực. Sự quay cuồng và tiếng nổ bành bạch của cả đàn trực thăng rồi tiếng bom nổ, tiếng đạn bay, và lũ lượt từng đàn dù lơ lửng trên không hình thành một chiến địa khổng lồ hiện đại. Các cỡ đạn dưới đất bắn lên như mưa. Tiểu đoàn cao xạ 14 do đồng chí Chiêm trực tiếp chỉ huy báo cáo về binh trạm đã hạ được một chiếc, bắn bị thương chiếc khác. Chủ nhiệm kho Làng Sen báo cáo có một chiếc trực thăng hạ xuống lòng chảo gần đèo 500, anh em giữ kho đã tập trung súng CKC chúc nòng xuống diệt luôn tại chỗ. Các đại đội công binh báo cáo anh em vác súng CKC đuổi theo trực thăng hết đồi này qua đồi khác, đã bắn cháy hai chiếc. Tin thắng lợi dồn dập bay về binh trạm. Cơ quan chính trị liên tục gọi dây nói thông báo các nơi. Cho đến chiều chúng tôi nhận được tin cuộc chiến đấu ngày đầu, toàn binh trạm đã bắn rơi 17 trực thăng và hai F4.

Bộ Tư lệnh 559 và Bộ Tư lệnh Mặt trận đánh điện biểu dương. Đồng chí Cao Văn Khánh với tiếng nói nhỏ nhẹ có vẻ là nhà chính trị hơn là nhà quân sự đã gọi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ binh trạm đánh giỏi và động viên chúng tôi tiếp tục lập công.

Mặt trời vàng nhạt, tắt dần sau những dãy núi xám mờ. Lúc này máy bay B.52 vẫn còn đánh cửa khẩu, nhưng khoảng cách thưa dần. Chúng tôi hối hả cho đoàn xe vận tải xuất kích vượt khẩu chuyển hàng tới khu vực chiến dịch. Các bộ đàm1 của binh trạm bắt đầu làm việc. Đồng chí Ngôn - tiểu đoàn trưởng thông tin báo cho tôi là đã bắt được tần số bộ đàm của địch. Tôi cầm nghe, thấy bọn chúng đang hốt hoảng chửi nhau. Đứa kêu thiếu nước, đứa thì la không có hầm sẽ chết hết. Có thằng chửi cả chỉ huy đưa con bỏ chợ. Một cảnh hỗn loạn, bi quan tràn ngập trong bọn chúng. Đến 18 giờ 30 phút, tôi mở nghe đài BBC của Luân Đôn. Họ đưa tin cuộc tấn công của Mỹ - ngụy ngày đầu: nào là quân đội Cộng hòa đã tập trung 35.000 quân, 50 chiếc máy bay B.52, 1.000 máy bay phản lực oanh kích và máy bay lên thẳng, 1.200 xe tăng, xe bọc thép và pháo tự hành mở cuộc hành quân Lam Sơn 719; nào là ông Thiệu mắc sai lầm kéo quân đến khu vực rừng núi mà Việt cộng đã chờ sẵn; nào là lưới lửa phòng không của Việt cộng dày đặc chưa từng thấy; nào là quân đội Cộng hòa đang ngồi trên các ốc đảo chưa nối liên lạc được với nhau... Như vậy là đã rõ.

Tối hôm đó địch nới lỏng cửa khẩu, tập trung không quân đánh vào những khu vực nghi có quân ta bố trí. Từ Chà Lì đến đường số 9 chớp sáng liên hồi, lúc chỗ này, lúc nơi kia, tiếp theo những tiếng nổ ầm ầm như sấm sét, kéo dài suốt đêm.

Sáng hôm sau, trực thăng của chúng cho đổ bộ tiếp một số quân và thả đồ tiếp tế. Hai thiết đoàn từ Lao Bảo tiến về Bản Đông bị quân ta tiêu hao một bộ phận.

Bộ chỉ huy chiến dịch do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh trưởng, đồng chí Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy ra lệnh mở màn chiến dịch phản công trên toàn bộ các hướng.
________________________________________
1. Máy vô tuyến 2 oát nói chuyện cự ly gần thường dùng sau khi trận đánh đã khai hỏa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:43:32 pm »


Mặt trận phía Tây do Tư lệnh 559 chỉ huy đã tiêu diệt các cánh quân của ngụy quân Lào, chặn đứng và tiêu diệt một bộ phận của thiết đoàn 1 tại Sê Pôn, buộc số còn lại tháo chạy về Bản Đông, đồng thời một số bộ binh của chúng chạy về núi "yên ngựa" và điểm cao 723. Còn ngụy Lào thì chạy giạt về Đồng Hến.

Ở mặt trận phía Đông do Tư lệnh trưởng Cao Văn Khánh chỉ huy, các lực lượng bộ binh, xe tăng, xe bọc thép, pháo mặt đất, pháo tự hành... tổ chức cuộc phản công trên mọi hướng diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép M.113 của địch, đồng thời đã sử dụng Trung đoàn 64 có pháo binh mặt đất và cao xạ yểm hộ đánh thọc lên đồi "không tên". Ở đây cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra vô cùng ác liệt suốt cả đêm. Ngày cuối cùng ta đã diệt được đại bộ phận sinh lực địch, bắt sống đại tá lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ, kết thúc đợt 1 chiến dịch phản công.

Riêng trong đợt này, có khoảng một trung đội ngụy chạy giạt vào kho của binh trạm tại Làng Sen, bị đơn vị kho bao vây tiêu diệt.

Tôi đề nghị anh Bào - Binh trạm phó tác chiến tổng hợp tình hình chiến đấu của binh trạm. Anh giở sổ xem từng cột rồi nói:

- Quân của binh trạm chiến đấu giỏi, diệt 150 lính bộ binh, bắt sống 10 tên khác có 1 sĩ quan thiếu úy, bắn rơi 24 trực thăng và 2 chiếc F4. Riêng khu vực cửa khẩu và đèo 300, đèo 500 địch đã sử dụng 500 lần chiếc B.52, hai nghìn lần chiếc máy bay ném bom phản lực, 100 lần chiếc trinh sát suốt đêm ngày, 500 đợt ném bom tọa độ, 30 lần chiếc máy bay AC.130 bắn đạn 40 ly, số bom bi không đếm xuể. Số bom trúng đường 500 quả. Ta bị thương 50 đồng chí và hy sinh 20 đồng chí. Cơ quan Chính trị đọc thông báo của Bộ Tư lệnh cho biết ngày đầu bộ đội Trường Sơn hạ 50 máy bay, tiêu diệt trên 200 tên địch.

Chúng tôi trong ban chỉ huy thống nhất nhận định Binh trạm 27 đã làm được ba việc lớn trong chiến dịch này: một là, chỉ huy vượt khẩu toàn bộ binh khí kỹ thuật của mặt trận một cách thắng lợi; hai là, đảm bảo đầy đủ lương thực đạn dược; ba là, tham gia góp phần chặn đứng và làm rối loạn cuộc tấn công của địch trong giờ đầu, ngày đầu, diệt được một số sinh lực của chúng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung. Tất cả thành quả vượt ngoài dự kiến của binh trạm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM