Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:53:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42863 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 03:37:10 pm »

Tên sách: Trường Sơn-Miền ký ức-Tập 2
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2009
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



Tổ chức bản thảo:
BAN LIÊN LẠC CỰU CHIẾN BINH BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
    - Thiếu tướng VÕ SỞ
    - Đại tá BÙI THẾ TÂM
    - Thiếu tướng HOÀNG ANH TUẤN
    - Đại tá NGUYỄN DUY TƯỜNG



TRÊN TUYẾN TRỌNG ĐIỂM ATP

Đại tá HOÀNG TRÁ
Nguyên Binh trạm trưởng Binh trạm 14
Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn ô tô 571

Ngày 31 tháng 10 năm 1968, đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc sau gần 4 năm tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất; không quân Mỹ dồn lực lượng đánh phá tuyến chi viện chiến lược 559 Tây Trường Sơn.

Ngày 5 tháng 1 năm 1968, Mỹ gây ra tập đoàn trọng điểm cua chữ A - ngầm Ta Lê - đèo Phu La Nhích trên đường 20A Quyết thắng (mật danh trọng điểm ATP). Mỗi ngày đêm 25-30 lần tốp, 65-70 lần chiếc máy bay B.52 đến đánh phá, máy bay trinh sát vòng lượn, gọi cường kích đến đánh sát thương lực lượng khôi phục giao thông vận tải của ta. Ngày nối đêm, đêm nối ngày trên "ATP" rực lửa thiêu cháy mọi sinh vật, tưởng chừng con chuột cũng không chạy thoát.

Các lực lượng công binh Trường Sơn được điếu động, tăng cường cho tuyến trọng điểm, hỗ trợ cho Tiểu đoàn 33, Binh trạm 32 bị thương vong khá nhiều. Các đội máy ủi của hai binh trạm 32, 14 hợp lực cố sức khôi phục giao thông, bị tổn thất gần một nửa phương tiện, đường 20A vẫn tắc nghẽn. Binh trạm 14 phải tổ chức gùi cõng những hàng khẩn cấp vào tuyến trong.

Lúc này, tôi bị thương, vết mổ vẫn chưa lành. Nằm trong nhà hầm chỉ huy theo dõi tình hình, tôi xem lại cuốn sổ ghi chép hoạt động của địch mà đồng chí Tham mưu phó tác chiến chuyển tới:

- Ngày 5 tháng 11 năm 1968:

     
0h 15’3 tốp, 9 chiếc B.52 đánh Phu La Nhích
1 - 1h 30’1 chiếc C130 thả pháo sáng Ta Lê - Phu La Nhích
2h      2 tốp, 6 chiếc B52 đánh Ta Lê
2 - 3h      2 chiếc C130 thả pháo sáng Phu La Nhích – Ta Lê
3h 15’      3 tốp, 9 chiếc B52 đánh Ta Lê – Phu La Nhích
3h 30’      1 chiếc C130 thả pháo sáng
4h      2 tốp 4 chiếc F4 đánh cua chữ A
4h 30’ – 5h   1 chiếc C130 thả pháo sáng ATP
5h 30’      3 tốp 9 chiếc B52 đánh Ta Lê – Phu La Nhích
6h 30’      2 tốp 5 chiếc F4 đánh km 85
7h 15’      1 tốp 2 chiếc F4 đánh Ta Lê
7h 30’ - 8h 30’   2 chiếc OV10 trinh sát ATP
9h      2 tốp 4 chiếc F4 đánh Ta Lê
9h 10’ – 10h   2 chiếc OV10 trinh sát ATP
11h      1 tốp 3 chiếc F4 đánh km 80-85
11h 15’ – 12h   2 chiếc OV10 trinh sát ATP
13h      1 tốp 2 chiếc F4 đánh cua chữ A
13h 15’ – 14h   2 chiếc OV10 trinh sát km 76-86
14h 15’   1 tốp 2 chiếc F4 đánh km 84-85
15h 15’   1 chiếc OV10 trinh sát km 86-87
15h 45’   1 tốp 2 chiếc F4 đánh km 83
16h      1 chiếc OV10 trinh sát km 82-87
16h 30’   1 tốp 2 chiếc F4 đánh cua chữ A
17h      1 chiếc OV10 trinh sát Ta Lê
17h 30’   2 tốp 3 chiếc B52 đánh Phu La Nhích
19h – 20h   2 chiếc C130 thả pháo sáng ATP
20h 30’   2 tốp 6 chiếc B52 đánh Ta Lê – cua chữ A
21h      1 chiếc C130 thả pháo sáng T-P
22h      2 tốp F4 đánh của chữ A
22h 30’   1 chiếc C130 thả pháo sáng
23h 40’   3 tốp 9 chiếc B52 đánh Phu La Nhích – Ta Lê


Đặt quyển sổ xuống, tôi nhẩm tính: Cường độ đánh phá tăng hơn 2 lần so với trọng điểm cua chữ A - Ta Lê đầu mùa khô trước. Đã 5 ngày đêm cường độ đánh không giảm, chỉ thay đổi quy luật thời gian.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 11:01:50 am gửi bởi ptlinh » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 03:38:16 pm »


Mùa khô 1967-1968, chúng mở trọng điểm dốc cua 68 - Ta Lê 105 ngày đêm; mùa mưa 1968 trọng điểm Trà Ang - Xuân Sơn 150 ngày đêm; liệu rằng, ở liên hoàn ATP nó sẽ duy trì cường độ đánh phá này được bao nhiêu ngày đêm?

Trọng điểm nào chúng cũng chọn địa hình hiểm yếu; Liên hoàn ATP đặc biệt hiểm trở, mười cây số đèo cao, dốc lớn, sông sâu, rộng. Ngầm Ta Lê và cua chữ A không đáng sợ, vì đã có đường và ngầm 20B bổ trợ cho 20A. Gai góc nhất là đoạn đỉnh đèo Phu La Nhích dài 3 kilômét (Km 85-88 đường 20A), đường độc đạo men theo sườn núi dựng đứng, taluy dương cao, taluy âm sâu hàng nghìn mét, xe trượt bánh lăn xuống vực chỉ còn là xác vụn.

Công binh có thể đào hầm mai phục giữa trọng điểm nhưng cao xạ 37 ly không cho phép đánh gần, đánh xa ít hiệu quả...

Suy tư còn miên man chưa giải được thì Binh trạm phó Cầu và Chính ủy Việt Phương về.

Hai anh em đến bên giường và ân cần hỏi tôi:

- Sức khỏe anh thế nào rồi?

Tôi định ngồi dậy, Việt Phương ngăn lại...

Tôi nói:

- Sức khỏe đỡ dần, nhưng vết mổ bị nhiễm trùng. Bác sĩ Huệ vừa mắng y sĩ Vinh không làm tròn nhiệm vụ chăm sóc thủ trưởng hậu mổ... Cô ấy đứng khóc sụt sùi, tôi đã minh oan cho cô ấy... Thôi, chuyện vặt cho qua, bây giờ hai anh kể chuyện họp ở Bộ Tư lệnh 500 cho nghe đi!

Anh Việt Phương kể: "Cuộc họp do Thiếu tướng Nguyễn Đôn, Tổng tham mưu phó kiêm Tư lệnh 500; Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Chính ủy 500 chủ trì. Có các đồng chí trong Bộ Tư lệnh, cùng thủ trưởng cơ quan tham mưu, chính trị hậu cần, trưởng ban 67 Bộ Giao thông vận tải (lãnh đạo thanh niên xung phong bảo đảm giao thông tuyến 500); Binh trạm 14 có anh Cầu và tôi dự. Bộ Tư lệnh 500 đã điều động tôi trở lại làm Chính ủy Binh trạm 14 thay anh Đào Mạnh Thúy mới về binh trạm chưa quen người quen việc, trong lúc anh đang ốm, giải pháp tình thế ấy mà".

Tôi vui mừng khó tả khi nghe đến đó nên ngắt lời anh Việt Phương: Anh nói thật đấy chứ?

Anh Việt Phương nói tiếp: "Bộ Tư lệnh 500 chủ trương không thể "húc đầu" vào sắt thép, phải tìm ra biện pháp hữu hiệu. Trước mắt Binh trạm 14 tiếp tục gùi thồ, đưa những mặt hàng thiết yếu cho Đoàn 559. Tập trung lực lượng mở đường vòng tránh, xa trọng điểm; phối hợp với Binh trạm 32, Đoàn 559 mở đoạn nối tiếp Nam Ta Lê ra đường 20A. Bộ Tư lệnh tăng cường cho Binh trạm 14 hai tiểu đoàn 336, 302 đi B dừng lại, cùng với lực lượng của binh trạm mở đường 20C, do binh trạm phó cầu đường chỉ huy. Chính ủy binh trạm trực tiếp làm công tác chính trị lãnh đạo. Đồng chí tư lệnh nói dứt khoát phải mở xong đường 20C trước tháng 1 năm 1969.

Nhìn bản đồ hướng tuyến bình độ xít vào nhau, anh Cầu đã hình dung hàng loạt khó khăn, công việc phải làm trong khoảng thời gian hẹp đó. Anh nói:

- Vừa khảo sát, thiết kế, chuẩn bị vật tư công cụ, tổ chức triển khai lực lượng thi công một con đường khoảng 28km, trên địa hình rừng núi hiểm trở, chưa có chuẩn bị trước, với lực lượng một trung đoàn thiếu, trong thời gian bốn mươi ngày, thì không thể xong được. Nhưng trước yêu cầu đòi hỏi của chiến trường, phải thi hành mệnh lệnh với bất kỳ cường độ nào, giá nào. Binh trạm 14 quyết tâm hoàn thành đúng hạn; yêu cầu cơ quan Bộ Tư lệnh giúp đỡ kịp thời.

Nghe anh Cầu trình bày, đồng chí Tư lệnh Nguyễn Đôn nở nụ cười hể hả, bắt tay Cầu rung mạnh: "Các đồng chí phải nhớ nguyên tắc tuyệt đối giữ bí mật hướng tuyến, đặc biệt là đoạn vượt sông Ta Lê. Khi mở xong phải có lệnh bằng giấy của Bộ tham mưu mới được sử dụng. Cũng phải suy tính đến biện pháp chuyển tải qua sông, nếu đường ngầm không thể đảm bảo bí mật khi xe qua". Tư lệnh nhấn mạnh cần làm phương án chuyển tải bán cơ giới bằng cáp treo, kéo hàng qua sông, hoặc bằng cách nào đó?... “Nhưng không được để lộ con đường 20C mới mở, vì để lộ kẻ địch mở trọng điểm mới ngay, lại tắc... Bộ Giao thông đã hứa cử kỹ sư vào, giúp ta phương tiện chuyển tải bằng dây cáp lớn...".

Nghe anh Việt Phương kể lại nội dung cuộc họp, tôi rất phấn khởi khi thấy tư tưởng chỉ đạo của Bộ Tư lệnh 500 và các đơn vị phối hợp đã phần nào định hướng cho chúng tôi cách thức giải tỏa trọng điểm. Tôi nói với anh Việt Phương và anh Cầu:

- Đúng, chúng ta phải mở ngay một con đường vòng xa trọng điểm. Làm xong ta bí mật dồn toàn bộ xe vận tải, binh khí kỹ thuật, xe kéo pháo... của toàn tuyến 559 đang nằm chờ, nhập tuyến vào các chiến trường. Nếu phải áp dụng chuyển tải, thì tăng, pháo, binh khí kỹ thuật tự hành phải tìm biện pháp giải quyết... Thôi, để đấy tính sau. Bây giờ hai anh em đi ăn cơm, nghỉ trưa, còn bao nhiêu công việc phải triển khai chiều nay cho kịp tối đi mở đường; còn tôi cũng phải vào đội điều trị ít hôm nữa, theo yêu cầu của bác sĩ đội trưởng Nguyễn Văn Lân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:21:28 pm »


2

Ngay tối hôm đó, cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần... tất cả cơ quan chỉ huy sở tiền phương binh trạm lên hai chiếc xe tải, cùng chiếc xe con đít vuông rời chỉ huy sở cơ bản (Cổ Giang) lên phân trạm C. Sau khi giao nhiệm vụ cho thượng úy Nguyễn Khoa, tiểu đoàn trưởng 335 và thượng úy Quách Bận, tiểu đoàn trưởng 336, chúng tôi lại dự cuộc họp cán bộ từ trung đội trưởng trở lên của hai tiểu đoàn, để chỉ đạo chấn chỉnh tổ chức biên chế từng phân đội cho phù hợp với tổ chức thi công dây chuyền. Sau đó, đồng chí Cầu lại dẫn cán bộ đến từng khu vực để thị sát, giao nhiệm vụ tại thực địa. Kế hoạch thi công ứng dụng theo trình tự đặc biệt: làm đường vận tải chiến lược quân sự làm gấp trong chiến tranh; các công việc: thị sát, khảo sát, duyệt tuyến, chuẩn bị vật tư công cụ, thi công phải tiến hành đồng thời.

Hôm sau, Binh trạm phó Cầu lại vượt sông sang phía Nam để xác định vị trí tiếp nối đường ngầm bắc - nam Ta Lê và hợp đồng với Binh trạm 32, mở đoạn bờ nam Ta Lê.

Tuy đã mệt, nhưng anh Cầu không chịu nghỉ khi công việc chưa đến đầu đến đũa. Tuy vậy, vẫn còn bao nhiêu việc bề bộn chưa thể yên tâm. Máy húc, xe Ben chưa được bổ sung, thuốc nổ, lương thực, hỏa cụ còn quá ít... nhưng không được phép chờ đợi, vẫn cứ phải làm. Biết chiến thuật "vừa chạy vừa xếp hàng" quả thật khó khăn, bao nhiêu trở ngại sẽ diễn ra... nhưng chiến tranh, kẻ địch chẳng đợi ta. Song mối lo lớn nhất là tìm cho ra điểm thọc qua dãy núi Ca Phung ở chỗ nào, khiến cho Cầu trằn trọc mãi.

Sau ba ngày đi khảo sát thực địa, chúng tôi trở lại trạm chỉ huy bắc Ta Lê vào lúc đứng bóng. Cậu Tánh đứng đón chúng tôi ở chân dốc, nói:

- Chào thủ trưởng! Tánh cười: - Các thủ trưởng mệt rồi, em mang cả hai ba lô cho hai thủ trưởng.

Tôi nắm chặt bàn tay Tánh, nói:

- Cảm ơn, tốt nhất cậu về trước chuẩn bị cho tụi mình ít nước uống, sau đó cho bữa cơm, đói lắm rồi.

- Báo cáo, đã sẵn sàng cả rồi ạ.

- Thế hả, tinh thần chủ động quá đi thôi...

Trung úy, kỹ sư Phạm Thọ lặng lẽ trải bản đồ rồi vuốt vuốt cho phẳng. Đường 20A vẽ chì đỏ, các điểm địch đánh tắc đánh dấu ký hiệu màu đen, đường 20C vẽ chì đỏ cắt khúc, điểm đầu tách khỏi đường 20A ở Km 74, vòng xuống hạ lưu cách ngầm 20A Ta Lê khoảng 8 kilômét và nhập vào đường 20 ở Km 105, dài khoảng 28 kilômét. Thọ mở tiếp tập bản vẽ đã tính cụ thể khối lượng đất đá, hạ cây của từng cây số. Riêng đoạn uốn khúc dưới chân núi Ca Phung, cắt lưng chừng tỉnh Ta Xét 1.211 mét, vượt đỉnh Ca Phung và vượt sông Ta Lê thì chưa tính toán được, bởi vì chưa tìm ra điểm chọc thủng bức thành đá và đoạn trống trải dài khi làm ngầm vượt sông Ta Lê, điều mà Bộ Tư lệnh 500 đặc biệt lưu ý...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:21:58 pm »


Sau khi uống xong ngụm nước, Cầu thong thả nói:

- Dải Ca Phung đá xanh xen kẽ đất sỏi, nó chặn ngang trục đường định mở; với những bình độ này, không hy vọng làm dưới một vạn khối trên một kilômét.

Cầu rút thước lô-ga-rít kiểm tra, rồi nói tiếp:

- Tôi nhẩm tính, nếu mỗi cây số làm sáu mét khối, vị chi hai nghìn bảy trăm công trên một cây số. Như vậy, muốn làm xong một cây số, trong bốn mươi ngày, phải có chín mươi đến một trăm người, mười cây số cần có chín trăm đến một nghìn người, chưa kể hai mươi cây số còn lại dù khối lượng đất, đá, chặt cây ít hơn. Thế mà quân số ta chỉ có non nghìn người kể cả gián tiếp, chỉ huy, phục vụ... Thời gian bốn mươi ngày thật khó mà làm xong. Cậu Thọ thấy thế nào? - Nói xong, Cầu cầm điếu cày châm lửa.

- Báo cáo... Thọ ngần ngừ một chút... theo ý tôi tính toán thế này chưa sát ạ.

Cầu đang hút thuốc lào dừng lại, mở to mắt nhìn Thọ...

Tôi nhìn thấy một thoáng ngần ngại trên gương mặt người kỹ sư trẻ.

Chính ủy cười, nói xen vào:

- Đây là cuộc trao đổi dân chủ kỹ thuật... Đề nghị Thọ cứ nói thật hết ý mình đi.

Thọ nói tiếp:

- Tôi nghĩ dự kiến chưa sát vì lẽ chúng ta mới chỉ đi được một số đoạn chính, còn vẫn dựa theo bản đồ mà tính. Bản đồ này do Pháp sản xuất, chưa được tu chỉnh. Các nhà đồ bản phần lớn đều quan sát theo phương pháp đo đạc điển hình từng hệ thống núi. Trong thực tế các dãy Phu La Nhích, Co Rai, San Cao… đã mở đường 20 trên thực địa đều khác xa với bản đồ. Anh em khảo sát của ta trình độ khá, nhưng chưa nhờ được những ông già người địa phương sống lâu năm làm nghề săn bắn ở đây giúp đỡ, cho nên chưa tìm được những khe hở trong dãy núi, mà ta có thể luồn lách được đấy thôi..., còn có thể tìm ra lối đi ít khối lượng hơn.

Đã hết cách thuyết phục cấp lãnh đạo Ban 67. Chúng tôi đến gặp Đội 25 thanh niên xung phong, trước là thăm hỏi, sau gợi ý xem sao? Dù sao cách đây chưa đầy tháng họ còn trực thuộc binh trạm. Chu Đức Châu, đội trưởng niềm nở đón chúng tôi, tay bắt mặt mừng. Sau khi trò chuyện, chúng tôi đưa thẳng vấn đề ra bàn...

Châu nói:

- Chúng em với Binh trạm 14 đâu phải người dưng, đã là đồng đội cùng trên tuyến đường 20 bốn năm nay. Lúc trực thuộc, phối thuộc, phối hợp với binh trạm, trước sau nhiệm vụ chúng em chỉ có: mở đường bảo đảm giao thông cho Binh trạm 14, vận tải chi viện miền Nam... Chúng em sẵn sàng chi viện hai máy ủi C100 và một trung đội đi cùng, lên chi viện mở đường 20C - "Thật là một con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có việc làm tình nghĩa" - Tôi thầm nghĩ.

Từ hôm đó, trên đường 20C dấy lên phong trào thi đua: "Tiến gấp về miền Nam thân yêu". Từng đại đội tính chặng đường đã đi của đơn vị mình bằng khối lượng đất đá quy ước. Các đại đội xe, kho, thanh niên xung phong, pháo cao xạ tới tấp gửi thư, quà tặng đến chúc đội quân "mở đường mà đi", vượt mức về đích sớm nhất.

Thủ trưởng binh trạm treo giải thưởng một chiếc đài bán dẫn Li Đô và bộ loa cho đại đội nào cắm cờ tới đích (tượng trưng) thành phố mang tên Người.

Suốt ngày đêm, trên con đường đang mở, bám theo sườn núi, chân lèn, suối cạn, dưới rừng cây rậm rịt, không khí trở nên sôi động lạ thường. Chỗ nào cũng rực cờ, băng rôn, biểu ngữ cổ động... Mỗi chiến sĩ dán lên mũ lời hứa, mỗi tiểu đội chăng khẩu hiệu hành động ở nơi thi công..., các bản thống kê thành tích kỷ lục viết lên giấy xanh đỏ dán khắp nơi, những quyết tâm thư của tiểu đội, đại đội, tiểu đoàn tới tấp gửi lên cấp trên trực tiếp.

Thật là, số lượng chỉ cho ta khả năng về sức mạnh, còn tinh thần mới đảm bảo cho khả năng ấy nhân lên...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:22:55 pm »


3

Đội phẫu thuật điều trị 52, ở hang chân lèn đá cạnh suối, cách trọng điểm Trà Ang 500 mét. Sáu tháng qua, ngày nào cũng có thương binh từ các trọng điểm Trà Ang, Khe Diêm, Xuân Sơn... đưa đến cứu chữa.

Vừa mới được hưởng không khí thanh bình năm ngày địch ngừng bắn miền Bắc. Hôm nay, lại hối hả kẻ khiêng người vác dụng cụ, thuốc men, ra xe ôtô di chuyển vào Khe Tum để tiếp nhận thương binh từ trọng điểm ATP gửi về.

Số thương binh cũ trả về đơn vị hoặc chuyển ra tuyến sau điều trị tiếp. Tôi được bác sĩ đội trưởng cùng các y sinh chăm sóc đặc biệt, bốn ngày hôm nay cũng lên xe con về cơ quan binh trạm ở Cổ Giang.

Trần Thiết (tham mưu phó) nói nhỏ với tôi:

- Phái đoàn cụ Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đang họp với thủ trưởng và cơ quan binh trạm. Cụ Đinh đang "quạt” cái tội chủ quan, mất cảnh giác, để xe cộ, hàng hóa nghênh ngang trên bến bãi Khương Hà, Cù Lạc...

- Tôi biết tính cách ông ấy: nóng công việc, nhưng rất thương cán bộ, cấp dưới. Lúc cụ đang nóng, để cụ nói cho hả, ta hãy chăm chú nghe, phụ họa, thỉnh thoảng mỉm cười hoặc nhận lỗi... đợi lúc bình tâm thì báo cáo, "cụ” chịu nghe và quyết đoán công việc triệt để đạt lý, thấu tình người.

Tôi đang nói với Thiết thì bác sĩ Huệ, chủ nhiệm quân y binh trạm vào. Huệ nói:

- Sức khỏe thủ trưởng suy nhược, với trách nhiệm chuyên môn, tôi yêu cầu thủ trưởng ra tuyến sau điều dưỡng một thời gian...

Tôi nói:

- Trong con người tôi đang có hai cái muốn: đi ra sau điều trị an dưỡng, hoặc lên Ta Lê với đồng đội. Để tôi suy tính và gặp cụ Đinh xem sao, rồi sẽ quyết định sau.

Chiều hôm ấy, tôi xuất hiện bất ngờ, cụ Đinh bắt tay tôi rung rung mừng vui như cha con lâu ngày mới gặp...

Ông nói:

- Tao nghe nói mầy đi điều trị, sao về đây?... Trông mầy yếu lắm, hãy về Hà Nội điều trị, an dưỡng một thời gian, thăm vợ con, rồi hãy vào. Công việc đã có Việt Phương tạm thay.

Tôi nói:

- Cảm ơn anh đã thương tôi, Bộ Tư lệnh 500 cũng có ý kiến như anh. Nhưng để tôi suy tính... Hay là anh cho tôi về với mẹ tôi ở Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình để mẹ bồi dưỡng sức khỏe cho sớm trở lại với đơn vị... Mẹ tôi ở một mình với em dâu tôi, chồng nó đang ở mặt trận Vĩnh Linh, Quảng Trị.

- Thế ông cụ đâu?

- Bố tôi bị giặc Pháp bắt, rồi bắn bởi tội làm Việt Minh - cộng sản. Khổ thân mẹ, mất chồng lúc bốn mươi tuổi, một mình nuôi con, lớn lên đi đánh giặc, hai đứa chết, hai đứa đi xa... thân mẹ già yếu, hết giặc Pháp giam cầm vì tội "để chồng con làm Việt Minh, cộng sản"; đến khi cải cách ruộng đất quy sai thành phần... Rồi giặc Mỹ lại đến ném bom triệt hạ nhà cửa thôn Hà, bà bị tội chứa giấu xe trước lúc qua phà Quán Hàu. Mẹ cùng dân làng phải sống chui lủi ở cồn cát trắng chang chang nắng trưa Quảng Bình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:24:02 pm »


*

Một hồi chuông điện thoại đổ dồn trong đêm khuya nghe càng rõ. Tôi nhỏm người dậy đã thấy Cầu với lấy ông nghe đặt vào tai, một tay vặn to chiếc đèn bão. - Báo cáo anh, nghe rõ... vâng, vâng... anh lướt nhanh ngòi bút trên giấy. Vâng, tôi nghe rõ - Báo cáo anh, chúng tôi quyết tâm thông đường như Bộ Tư lệnh quy định. - Còn đường ngầm vượt sông, chỗ này rộng 82 mét, chưa làm theo điện Bộ tham mưu... - Cầu lắng nghe rồi nói: - Báo cáo tư lệnh, cho phép tôi được nói nhận thức của công tác nghiệp vụ; đã làm đường mà không vận tải cơ giới lớn thì vô nghĩa... - Vâng, vâng, tôi luôn nhớ là sĩ quan chỉ huy công binh trên tuyến chi viện chiến lược ạ!... - Nhưng nếu không có xe vượt sông, mà tổ chức chuyển tải, thì sẽ sử dụng bao nhiêu nhân lực mới đưa đủ hàng trăm tấn hàng một đêm?... Còn mặt bằng ở hai bờ sông để xây kho, lán, giấu xe hạ hàng đóng gói lại... sẽ giải quyết ra sao? - Vâng, chúng tôi đã tính phải phát quang bốn ngàn mét vuông và làm năm cây số đường ra vào dã chiến, tránh ùn tắc. Còn phải có bãi tập kết cho xe, nơi ăn nghỉ cho lái xe, rồi nấu nướng ăn... lúc đó lửa khói bốc lên, đường kín trở thành hở.

Tiếng nói trong máy bỗng cao hẳn lên, vọng cả ra ngoài: "Nói như đồng chí có nghĩa là không chuẩn bị chuyển tải rồi? Không chấp hành mệnh lệnh phải không?".

Da mặt Cầu căng lên, mồ hôi trán lấm tấm... Chờ cho người ở đầu dây bên kia bớt nổi nóng, anh mới trình bày từ tốn:

- Báo cáo tư lệnh, từ khi vào lính, bây giờ đã hai thứ tóc, tôi chưa bao giờ không lại nói có. Đơn vị đã tốn hơn trăm công để hạ cây, phát bãi, dựng cột, làm đường… nhưng đến bây giờ vẫn chưa nhận được dây cáp, tời của Bộ tham mưu gửi vào theo hợp đồng. - Vâng, vâng, tôi đã phát hết cây con dưới rừng già, dựng kho lán, xong cũng chỉ nhận được dưới hai mươi xe thôi.

Tiếng máy lại vang to:

- Điều này đồng chí không quên chứ? Hiện nay, đường là một thứ vũ khí. Khi nào sử dụng đường 20C phải có lệnh của Bộ Tư lệnh 500.

- Báo cáo, rõ. Tuy lúc này chưa cho thông "ngầm", nhưng cho biết khi nào được phép làm đường ngầm vượt sông để chuẩn bị vật liệu, chỉ riêng đá hộc chí ít nghìn khối.

Tiếng nói trong máy có vẻ bực bội:

- Tinh thần chủ động thì tốt, nhưng các đồng chí lại tỏ ra không tích cực thực hiện kế hoạch chuyển tải bằng cáp.

- Báo cáo tư lệnh, những việc cần làm chúng tôi đã làm cả rồi, xin cử người vào kiểm tra. Nhưng với tư cách người trên tuyến vận tải chiến lược, tôi kiến nghị phải làm ngầm cho xe vượt sông, chứ không phải để chuyển tải cò con.

Tiếng nói bên kia vọng lại:

- Đâu có đơn giản vậy. Nếu cho xe vượt sông bị lộ "ngầm”, địch đánh lại tắc như ngầm 20A, cua chữ A - Phu La Nhích...

- Báo cáo tư lệnh tôi nghĩ thế nào thì cũng phải thông ngầm mới vận tải lớn và tăng, pháo, binh khí kỹ thuật mới vào chiến trường đánh lớn được chứ!

Tiếng nói trong máy cắt ngang lời Cầu:

- Chứng tỏ đồng chí không chấp hành mệnh lệnh chuyển tải. Nếu con đường 20C bị lộ, địch đánh xuống, đồng chí là người chịu trách nhiệm trước tiên.

Nghe cuộc đối thoại, tôi không hiểu vì sao lại hình thành chủ trương chuyển tải vững chắc đến thế? Hễ động đến, vấp phải đánh phá ác liệt của địch thì tâm lý chuyển tải ló ra. Nghe đâu loáng thoáng ông Hoàng Anh đang đi vào, nghiên cứu lập lại đường dây "thống nhất" trở lại gùi, thồ, vận tải thô sơ... như thế thì cứu đói cũng không xong, chứ nói gì phục vụ đánh to, thắng lớn.

Chúng tôi đang "trên đe dưới búa”. Bộ Tư lệnh 500 kiên quyết đòi sẵn sàng chuyển tải; Bộ Tư lệnh 559 thì kiên quyết phải làm ngầm thông xe. Hôm qua Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên đã gọi điện thoại đặt thẳng vấn đề: Nếu Binh trạm 14 không làm ngầm, tôi cho Binh trạm 32 làm. Tuyến 559 không tổ chức lực lượng nhận chuyển tải bờ nam Ta Lê đâu!... Một tình thế khó xử... Không có chuyện động cơ gì ở đây, mà là hai cách nhìn... thật ra chân lý đã được kiểm nghiệm trên đường 20 rồi. Làm gì có con đường bí mật tuyệt đối vĩnh viễn, khi địch ra sức trinh sát bằng kỹ thuật điện tử hiện đại. Chỉ có thể yêu cầu kéo dài thời gian che mắt địch được bao lâu thôi và tranh thủ vận chuyển lớn nhất trong thời gian con đường mới mở chưa bị lộ, dù là ngắn nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:25:19 pm »


4

- Alô, tổng đài! Cho tôi nói chuyện với 601...

Nghe đầu máy bên kia tiếng khịt... khịt, tôi biết đó là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.

- Chào anh, anh khỏe chứ?

- Vâng, vẫn khỏe, nghe nói cậu ra tuyến sau điều trị sao vào nhanh thế?

- Tôi chỉ về thăm mẹ ở Võ Ninh. Mẹ tôi bồi dưỡng cho được năm hôm. Hàng ngày bà con đến thăm kể chuyện: "Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương"..., sốt cả ruột, nằm không yên, tôi vội lên đây...!

- Đã nắm tình hình binh trạm chưa?

- Dạ, rồi ạ. Xin ý kiến anh, Binh trạm 14 nên làm như thế nào nữa để sớm đưa hàng vào cho 559.

Ngừng một lát mới nghe tiếng anh:

- Thế cậu đã xin ý kiến Bộ Tư lệnh 500 chưa?

- Rồi ạ. Nhưng anh biết đấy: trọng điểm ATP nằm giữa địa giới Binh trạm 14 Bộ Tư lệnh 500 với Binh trạm 32 Bộ Tư lệnh 559. Địch chỉ có một, thống nhất chỉ huy. Còn ta hai binh trạm, hai bộ tư lệnh cùng chỉ huy một trọng điểm, "lắm cha con khó lấy chồng". Hiện tại ý kiến của hai bộ tư lệnh khác nhau về giải tỏa trọng điểm. Đó là điều khó cho chúng tôi, đề nghị anh cho chỉ thị. Tôi biết cách chấp hành mệnh lệnh của cấp trên trực tiếp (Bộ Tư lệnh 500); đồng thời chấp hành chỉ thị của cấp trên gián tiếp, mà anh là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Tư lệnh 559, hơn nữa cách đây mấy tháng anh là thủ trưởng trực tiếp của tôi...

- Thế cậu muốn gì ở mình thì nói đi.

Tôi nói tiếp:

- Việc mở đường vu hồi 20C gần một tháng nữa mới thông, không thể ngồi đợi... Bên ấy đã có anh Phương và anh Cầu chỉ huy thi hành mệnh lệnh Bộ Tư lệnh 500. Tôi đề nghị có sự phối hợp Binh trạm 32, 14 khôi phục đường và ngầm 20A, 20B, đánh địch mà đi; nghi binh thu hút địch về phía thượng lưu ngầm 20B. Tôi sẽ trực tiếp chỉ huy vận chuyển mũi này.

Anh Nguyên nói: Tôi đồng ý, sẽ chỉ thị cho Binh trạm 32 phối hợp hành động. Cậu gặp anh Đại, anh Ngữ, thủ trưởng Binh trạm 32 bàn bạc thực hiện, có gì khó khăn báo cáo mình chi viện...

Vừa đặt máy xuống, tiếng chuông lại đổ dồn. Tôi nhấc máy:

- Chào binh trạm trưởng... Anh đã khỏe rồi ư? Sao lên nhanh vậy?

- Tạm khỏe, ai lại nằm yên, để các anh lo lắm việc thế.

- Các anh cứ lo việc mở đường, tôi không qua đó đâu...

- Bộ Tư lệnh chỉ thị khôi phục đường 20A ạ?

- Vâng, chiến trường kêu cứu, không thể ngồi chờ đường 20C thông.

- Phải chấp nhận mở đường máu mà vận chuyển như Trà Ang... không thể lùi mãi anh ạ. Hơn nữa có vận chuyển qua ATP mới thu hút địch vào đây, tạo thuận lợi cho bên ấy mở đường C. Đề nghị các anh cho cậu Thọ về đây giúp tôi có được không?

- Tôi sẽ trao đổi với anh Cầu. Theo tôi thì được - Việt Phương nói.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:25:43 pm »


Sáng nay giao ban, tham mưu vận chuyển báo cáo: Xe Binh trạm 12 nhập hàng tổng kho A là 100 xe; xe Tiểu đoàn 781 vận chuyển A lên B là 80 xe; hàng ở tổng kho A đầy ắp, hết chỗ chứa. Bộ Tư lệnh chỉ thị kể từ ngày 1 tháng 12, Binh trạm 12 giao hàng cho Binh trạm 14 ở U Bò, còn Binh trạm 14 giao hàng cho Binh trạm 12 ở tổng kho K4 Lùm Bùm...

Tham mưu tác chiến báo cáo: có tin "kỹ thuật", kẻ địch đã tung thám báo biệt kích xuống vùng Ta Lê.

Chúng sử dụng bọn "mũ nồi xanh" huấn luyện cho phỉ mẹo, có thể dùng những tên người địa phương thuộc đường, để lẩn tránh ta. Máy vô tuyến 2W của ta đã bắt được làn sóng lạ. Máy bay trinh sát 15 lần chiếc đánh phá; B.52 - 15 lần tốp, 35 lần chiếc; cường kích 10 lần tốp, 20 lần chiếc.

Bộ Tư lệnh phòng không 367 đã chỉ thị cho Trung đoàn cao xạ 224 lên đánh khu vực bắc Ta Lê, Trung đoàn tên lửa 238 đưa một tiểu đoàn lên phân trạm C đánh B.52 ở ATP; lập chỉ huy sở phòng không tiền phương bên cạnh chỉ huy sở binh trạm để phối hợp chiến đấu bảo vệ vận tải vượt khẩu.

Qua trao đổi bàn bạc, Binh trạm trưởng hạ quyết tâm giao nhiệm vụ: Đồng chí Đoàn (Binh trạm phó tác chiến), sử dụng Đại đội 16 bộ binh phối hợp với công binh tại chỗ, tổ chức lùng sục truy quét bọn thám báo biệt kích ra khỏi địa bàn khu C. Hợp đồng với Trung đoàn trưởng Trung đoàn 224 bố trí ba tiểu đoàn cao xạ 37, 57 ly cùng đại đội 12,7 ly, 14,5 ly của binh trạm tập trung đánh bảo vệ cua chữ A, ngầm 20A, 20B bắc Ta Lê. Hợp đồng với Binh trạm 32 cho tiểu đoàn cao xạ 37, 57 và 100 ly đánh bảo vệ đèo Phu La Nhích. Đối tượng tác chiến chủ yếu hạ máy bay trinh sát và cường kích, ít ra cũng buộc chúng phải bay cao, trinh sát, đánh phá ít hiệu quả. Chú ý bố trí trận địa tránh đường bay của B.52 rải thảm Phu La Nhích - Ta Lê... Phối hợp với Trung đoàn 238 giúp họ mở đường đưa tiểu đoàn tên lửa vào bố trí ở đỉnh đồi Km 67 như đã hợp đồng để đánh B.52.

Đồng chí Thiết, Tham mưu phó vận chuyển tổ chức di chuyển Tiểu đoàn xe 781 lên đóng ở U Bò - Khe Tum và Ka Roòng, chuẩn bị mọi mặt cho Tiểu đoàn 781 sẵn sàng vận tải, vượt qua ATP giao hàng cho Binh trạm 32 ở kho K4 Lùm Bùm, mở rộng kho phân trạm B thành tổng kho, đủ sức tiếp nhận hai tiểu đoàn xe, xếp, dỡ hàng cùng một lúc.

Đồng chí Thọ, Tham mưu phó cầu đường, sử dụng một đại đội của Tiểu đoàn 335 và một máy ủi, phối hợp với Tiểu đoàn 33 Binh trạm 32 khôi phục giao thông, sử dụng một tiểu đội làm nhiệm vụ nghi binh thu hút địch...

Còn hai tham mưu phó tác chiến giao liên (Ngọc và Thám) giúp cho việc tổ chức chỉ huy di chuyển chỉ huy sở binh trạm lên phân trạm C, nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin để chỉ huy sở binh trạm chỉ huy trực tiếp, kịp thời đến các đơn vị trực thuộc, phối thuộc, phối hợp chiến đấu, vận chuyển trên liên hoàn trọng điểm.

Tất cả mọi việc phải hoàn thành gấp cho kịp ngày N mở đột phá khẩu qua ATP.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:27:15 pm »


5

Cuộc họp tan, tôi xuống đường, các đồng chí đi cùng ngồi sẵn trên xe. Thượng sĩ Phạm Vũ Điền lái chiếc xe con lao nhanh trên con đường 20, qua tỉnh lộ 2 gập ghềnh, hai tay tôi nắm chặt thanh vịn, cố chịu xóc và động viên Điền cứ phóng, để kịp gặp anh Phùng Thế Tài trước 14 giờ. Xe dừng trước sân cơ quan huyện đội Bố Trạch, tôi thấy ông Phùng Thế Tài - Tổng tham mưu phó đang đi đi, lại lại trước hàng hiên có vẻ sốt ruột...

Tôi bước đến trước mặt, đứng nghiêm báo cáo:

- Tôi, Hoàng Trá, Binh trạm trưởng Binh trạm 14 có mặt.

Đồng chí Tài và đồng chí Phí Triệu Hàm - Cục phó tác chiến theo dõi vận tải lần lượt bắt tay tôi và mời vào phòng họp.

Tôi thúc đồng chí Vinh, trợ lý tác chiến binh trạm treo sơ đồ trọng điểm ATP lên bảng đen.

Đồng chí Phùng Thế Tài nói:

- Các tư lệnh chiến trường tới tấp điện khẩn ra Bộ kêu đói gạo, đói đạn... dù vào mùa khô vận tải chiến lược đã một tháng. Tuyến chi viện chiến lược bị chặn đứng ở hai cửa khẩu Ta Lê - Phu La Nhích và Xiêng Phan - Mụ Giạ... Giao ban tổng hành dinh "Tổng tư lệnh" sốt ruột đứng ngồi không yên nên cử tôi và anh Hàm vào đây... Các đồng chí báo cáo cho tôi nghe tình hình, xem có cách gì và bao giờ thông đường vận chuyển.

Tôi chỉ lên bản sơ đồ báo cáo tình hình và quyết tâm kế hoạch giải tỏa trọng điểm tiến hành vận chuyển của binh trạm...

Đồng chí Tài tai lắng nghe, chân bước nhẹ đi lại, suy nghĩ đăm chiêu, thỉnh thoảng vỗ tay lên trán trông chừng suy nghĩ mung lung lắm...

Đột nhiên, ông ngồi xuống, giơ tay cắt ngang lời tôi. Ông nói:

- Nghe đồng chí trình bày, tôi đã hình dung được: địch đã chọn được địa hình đặc biệt hiểm yếu để ngăn chặn ta; cường độ đánh phá ác liệt, mật độ dày đặc khép kín thời gian và không gian, trên trọng điểm ATP như chúng nói: "Con chuột không chạy thoát". Nếu là kế hoạch thuần túy tác chiến tiến công, phòng ngự tiêu diệt địch thì tôi đã nghe tỉ mỉ và tham gia ý kiến với các đồng chí. Còn kế hoạch: "Đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển", thú thật tôi không biết và không có kinh nghiệm hơn các đồng chí ở binh trạm... Đồng chí chỉ cho tôi biết bao giờ mới thông đường, vận tải được? Và có đề nghị gì với Bộ Tổng tham mưu, để tôi về báo cáo với anh Văn chi viện cho các đồng chí sớm thông đường - vận chuyển, có vậy thôi...

Tôi đứng dậy, nói quả quyết:

- Hai Binh trạm 32, 14 và Trung đoàn 224 cao xạ đã triển khai lực lượng, cao xạ và công binh chiếm lĩnh trận địa, đào công sự trên liên hoàn trọng điểm... Sau năm ngày đêm sẽ khôi phục thông đường cho Tiểu đoàn xe 781 của Binh trạm 14 vận chuyển qua trọng điểm ATP; đồng thời mở đợt thi đua đột kích thông đường 20C trước ngày 31 tháng 12. Lúc đó, hàng nghìn xe, pháo, binh khí kỹ thuật tự hành sẽ bí mật vượt qua. Sau khi phá thế độc đạo Phu La Nhích, chúng tôi thực hiện vừa đánh địch, vừa tránh địch mà đi, vận chuyển cả ba trục đường 20A, 20B và 20C để bù lại cho những ngày đầu mùa khô bị tắc.

Đề nghị Bộ Tổng tăng cường cho hai máy ủi C100, hai chiếc xe Ben; nếu được cho thêm một đoàn quân đi B tạm dừng lại một tháng, chi viện mở đường 20C sẽ thông sớm hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:27:38 pm »


Ông Tài nói:

- Tốt rồi! Bộ Tổng yên tâm chờ đợi... Tôi sẽ báo cáo đầy đủ với anh Văn. Bộ Tổng tham mưu sẽ chi viện trực tiếp cho Binh trạm 14 theo yêu cầu của đồng chí.

Ông đứng dậy bắt tay tôi và nói:

- Tình hình nhiệm vụ đang khẩn trương, đồng chí về cho kịp triển khai công việc!

Tôi về đến chỉ huy sở binh trạm đã hai mươi mốt giờ. Đồng chí Thọ trải bản đồ lên bàn. Ban chỉ huy binh trạm chụm đầu nghe anh Thọ báo cáo:

- Tiểu đoàn công binh 33 Binh trạm 32 do tiểu đoàn trưởng Đỗ Xuân Diễn chỉ huy, đã bố trí hai đại đội, hai máy ủi, ba xe Ben ở các hang đá lớn 34, 35, 82, 86... các hầm chữ A, trú ẩn, mai phục dọc đường từ Phu La Nhích về ngầm 20A, 20R, cua chữ A...

- Tiểu đoàn 335 Binh trạm 14 bố trí một đại đội, một máy ủi, hai xe Ben ở các hang, hầm từ Km 68 đường 20A, đường 20B đến ngầm 20B. Địch đánh xa, ta đánh gần, sau năm phút địch thôi đánh, chiến sĩ công binh đã có mặt để san lấp hố bom, rút về hầm trú ẩn trước năm phút khi địch đánh tiếp đợt khác (theo quy luật).

- Quyết tâm của công binh: Sau năm ngày đêm san lấp xong khoảng hai vạn khối đất đá, trả lại mặt đường cũ. Từ đó trở đi ban ngày địch cường kích đánh phá đường đến đâu, ta san lấp luôn, không để tồn đọng qua đêm.

Ban đêm, sau đợt B.52 đánh ba mươi đến sáu mươi phút, máy ủi và công binh sẽ thông đường cho xe qua trước lúc B.52 đến đánh đợt khác.

Tiếp đó, đồng chí Đoàn báo cáo: - Trung đoàn 224 đang triển khai trận địa, quyết tâm đánh bại máy bay trinh sát, không cho chúng bay thấp trên trọng điểm; đánh cho máy bay cường kích không "ôm bom đặt giữa tim đường" như Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nói; còn B.52 để đấy chờ tên lửa và không quân...

Tôi nói:

- Thôi, việc đánh địch, khôi phục giao thông, vận tải vượt qua trọng điểm, bốn năm qua quân ta dày dạn kinh nghiệm, có thể nói là thiện chiến. Bây giờ, đồng chí Thọ báo cáo kế hoạch nghi bính thu hút địch.

Anh Thọ chỉ lên bản đồ nói: - Khu vực hạ lưu thì rộng, dễ làm đường, nhưng gần hướng mở đường 20C. Đề nghị làm đường ngầm giả nghi binh thu hút địch về phía thượng lưu, chỗ này cách ngầm 20B khoảng 1km đường chim bay. Đoạn này đường vượt sông lộ rõ, địch dễ bị lừa.

Nghe anh Thọ báo cáo, tôi chấp nhận phương án đã vạch ra và hỏi: - Thế các anh định giao cho đơn vị nào đảm nhiệm?

- Đề nghị điều một tiểu đội của Đại đội 3 Tiểu đoàn 335, vốn thông thạo địa hình vùng này...
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM