Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:19:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42864 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:03:09 pm »


Sau vài lần chúng tôi thử lắp lại tuyến ngầm, ống vẫn bị thủng. Tình thế bắt buộc phải thực hiện giải pháp treo ống vượt sông. Nhưng treo thế nào đây? Sông thì rộng hàng trăm mét, trong tay không một sợi cáp nào, cả mấy anh em kỹ sư, không ai biết thiết kế cầu treo. Thấy tôi suy nghĩ nhiều quá, anh Trần Danh Hòa - Cục phó Cục Xăng dầu 559 nói với tôi: "Gần đây có một cái kho của công binh, ta thử đến đó, may ra có ích gì chăng". Thật may mắn, chúng tôi không những gặp anh Đỗ Xuân Diễn, Cục phó công binh, sẵn sàng ra lệnh xuất kho cho chúng tôi mấy cuộn thép phi 6, mà còn gặp cả anh Lợi, kỹ sư cầu, vui vẻ giúp cùng thiết kế. Thế là tôi cung cấp ngay các yếu tố thiết kế cho Lợi. Tôi nói: "Trong tay mình chỉ có một cái địa bàn 7 tác dụng để đo độ dốc của đáy ở hai đầu trụ. Do đó anh tính thế nào để cho tôi được 3 thông số: một là làm sao cho các sợi thép phi 6 riêng rẽ phải cùng chịu lực như nhau, hai là độ chênh cao tối thiểu của đỉnh trụ hai bên bờ so với mặt nước lũ, ba là độ dốc của dây ở hai đầu trụ khi chúng chưa treo ống, sao cho khi dây mang tải tối đa, điểm võng thấp nhất phải cách mặt nước ít nhất 1 mét". Sau khi trao đổi, chỉ sau một buổi Lợi đã cho tôi đủ 3 thông số và chúng tôi còn liên lạc với nhau qua điện thoại suốt quá trình thi công để bảo đảm thành công. Sau một ngày cật lực với nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn, đoạn ống treo qua sông Sê Rê Pốc hoàn thành, kịp thời đưa xăng ra mặt trận. Ở thời điểm đó, sự thành công này quan trọng vô cùng. Chúng tôi ôm lấy nhau, vui mừng khôn xiết. Giờ đây, Lợi đã là tiến sĩ, không hiểu anh có còn nhớ và biết ý nghĩa của việc anh đã giúp cho chúng tôi thời đó không?

Thi công đó là lúc quân của toàn đơn vị triển khai. Các kỹ sư phải chia nhau đi cắm tuyến và theo dõi thi công. Mọi vấn đề phát sinh được giải quyết nhanh chóng. Khi tuyến đi qua ruộng, phải đào rãnh chôn ống. Do phải đào nhanh lại thường làm đêm nên rãnh anh em đào thường ngoằn ngoèo. Khi lắp, ống không nằm được xuống rãnh, mất rất nhiều thời gian sửa lại rãnh, vừa chậm lại hay bị mấy anh thợ ống càu nhàu. Bằng một bài toán lượng giác đơn giản, mấy chàng kỹ thuật đã tìm ra ngay biện pháp nghiệm thu rãnh trước khi lắp ống, dùng một cây nứa dài 9 mét kéo dọc theo rãnh, cây nứa bị vướng chỗ nào thì sửa chỗ ấy. Cái "lý thuyết" này về sau cũng được phát triển lên để tính tầm nhìn tối thiểu khi phát tuyến theo đường bình độ trong rừng rậm sao cho ống đi gọn trong tuyến phát.

Trong bài bản của Liên Xô, khi thi công, ống sẽ được ô tô rải dọc tuyến. Trên tuyến Trường Sơn thì không thể như vậy được, ống phải đi xa đường ô tô, vật tư phải tập kết tập trung ở một vị trí nhất định. Lúc đầu người ta chia đôi khoảng cách giữa các điểm tập kết vật tư để tính số ống, nhưng rồi chúng tôi đã sớm phát hiện ra sự bất hợp lý của cách tính ấy. Ví dụ như một điểm trên đỉnh núi, một điểm dưới chân núi thì việc chuyển ống từ trên đỉnh xuống sẽ dễ hơn vác ngược dốc, do đó, phải tập kết ống ở đỉnh núi nhiều hơn. Thế là một bài toán vận trù rất nghiêm túc để tính số ống tập kết vào mỗi vị trí đã được thiết lập trên cơ sở thống kê năng suất vác ống trên các loại địa hình khác nhau. Nhờ phương pháp này, công lao động giảm được 5 đến 10%.

Khắc phục khó khăn khi địch dùng vũ khí mới đánh vào tuyến thi công cũng là một việc không thể thiếu được vai trò của cán bộ kỹ thuật. Điển hình nhất là trên tuyến K5C của Tiểu đoàn 969 mùa khô 1970-1971, trước khi bước vào chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, gần 3 kilômét tuyến bị địch rải bom vướng dày đặc gây nhiều thương vong cho bộ đội phát tuyến. Tiểu đoàn đã có sáng kiến cắt một cái thùng phuy 200 lít. Khoét lỗ châu mai, xung quanh nẹp một lớp nứa dày chừng 20 centimét (dụng cụ này hiện nay vẫn còn trong Bảo tàng đường Trường Sơn). Một người đội mũ sắt ngồi trong cái "boong ke" bằng sắt ấy, dùng một cây sào càng dài càng tốt khua ra xung quanh, kích bom cho nổ mảnh, hoặc bi của bom vẫn bắn vào lỗ châu mai, mảnh qua mũ sắt gây thương vong. Tình hình ấy buộc tiểu đoàn phải cho dừng thi công và báo cáo lên trung đoàn. Mấy anh kỹ thuật chúng tôi chẳng được học gì về bom đạn, nhưng do quá lo lắng cho tiến độ nên cứ đề nghị trung đoàn cho xuống tuyến xem có cách gì không. Trên đường đi ra tuyến, càng hiểu rõ tình huống thật phức tạp, khó khăn. Sau khi nghiên cứu hiện trường, chúng tôi đã đề nghị trung đoàn họp các cán bộ có liên quan để chúng tôi được trình bày phương án. Phương án của chúng tôi là dùng từng thỏi nhỏ thuốc nổ, ném dọc tuyến, dùng địa bàn định hướng cho bộ đội mở tuyến. Sau 4 giờ đồng hồ, tuyến đã thông mà không một ai thương vong, kịp lắp ống phục vụ chiến dịch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:03:43 pm »


VẬN HÀNH - CUỘC CHIẾN ĐẤU ĐẦY HY SINH VÀ GIAN KHÓ

Khi thi công, địch tìm mọi biện pháp ngăn chặn chúng ta, đến khi tuyến ống đi vào vận hành là ta bơm lót nước vào tuyến để tránh thiệt hại khi tuyến bị địch đánh trúng. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy làm như vậy sẽ mất thời cơ vận hành vì khoảng thời gian địch ngừng đánh phá rất ngắn ngủi, thêm vào đó chất lượng xăng rất kém do lẫn nước. Sau này, chúng ta bỏ hẳn phương thức lót nước trong ống, nhờ đó, tận dụng được thời cơ, hiệu suất vận hành tăng lên rõ rệt.

Trong quá trình vận hành, các kỹ sư đã nghiên cứu rất kỹ quy luật áp suất tại các cửa van trong nhật ký vận hành. Nhờ đó, việc phán đoán vị trí xảy ra sự cố trên đường ống ngày càng tốt hơn. Mùa mưa năm 1971 nhóm kỹ thuật Trung đoàn 592 đã dựa vào lý thuyết thiết kế, đề ra biện pháp phát hiện sự cố từ xa căn cứ vào số đo trên các đồng hồ áp suất dọc tuyến. Mùa khô 1971-1972, Tiểu ban kỹ thuật do kỹ sư Đào Quang Nghiêm phụ trách đã được chỉ huy trung đoàn tạo điều kiện áp dụng thành công trong chỉ huy vận hành. Sáng kiến này đã góp phần phát hiện và xử lý nhanh sự cố, giảm tổn thất xăng dầu, giảm thương vong cho bộ đội trên tuyến.

Thông tin trên tuyến cũng là một vấn đề phức tạp. Máy điện thoại của các van đều đấu "chữ đinh" vào đường dây. Khi vận hành mọi người canh ở các cửa van đều phải áp tai để nắm được diễn biến toàn tuyến, nhưng khi không vận hành thì thật là phiền phức. Vì các máy đấu chữ đinh nên khi quay chuông một máy thì máy nào cũng phải nghe xem có phải gọi mình không. Để khắc phục khó khăn này, kỹ sư Nguyễn Hữu Dư có sáng kiến kết hợp giữa các hồi chuông dài và chuông ngắn như tín hiệu "tích - tè" để quy định cho từng máy. Nhờ đó việc liên lạc trên tuyến đỡ rắc rối hơn nhiều.

Trong máy bơm PNU 35/70 của Liên Xô có hệ thống tự động điều chỉnh. Thời bấy giờ đây là thiết bị hiện đại nhưng không thể sử dụng trên tuyến đường ống của chúng ta. Các kỹ sư của Trung đoàn 532 không hài lòng với điều đó. Mùa khô 1973-1974 với sự kiên trì của Tiểu ban kỹ thuật do Dương Ngọc Văn phụ trách, các anh đã thử nghiệm thành công việc thực hiện chế độ chạy tự động máy bơm trong vận hành. Để làm được việc này, các anh đã phải thực hiện hàng loạt biện pháp đồng bộ như: Căn chỉnh lại các thiết bị điều chỉnh tự động của máy, kiểm tra lại thiết kế thủy lực và có giải pháp đảm bảo tính đồng nhất về lưu lượng trên tuyến, nhưng áp suất đầu vào của trạm bơm nằm trong giới hạn cho phép...

Có lẽ tôi nên dừng lại tại đây, bởi vì chắc chắn tôi không thể nói hết được những việc cán bộ kỹ thuật trên tuyến ống Trường Sơn đã làm. Đến cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, tuyến ống Trường Sơn dài tới hàng ngàn kilômét, tôi không thể biết được hết những việc tốt đẹp mà bạn bè, đồng nghiệp của tôi đã làm. Chỉ có một điều tôi luôn chắc chắn rằng tuyến đường ống Trường Sơn đã cho mỗi chúng ta một quãng đời thật đẹp và đáng tự hào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 08:43:08 am »


BA NĂM XUỐNG BlỂN, LÊN NGÀN…
Thiếu Tướng HOÀNG ANH TUẤN
- Nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 52 ô tô vận tải
- Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn vận tải thủy 166
- Nguyên Chính ủy Trung đoàn công binh 515 Bộ Tư lệnh 559
- Nguyên Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật

Với khúc tráng ca "Đường 9 - Nam Lào", đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 - cố gắng cuối cùng của giới cầm quyền Mỹ trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", cục diện chiến trường miền Nam đối với chúng ta vô cùng sáng sủa. Đặc biệt, khi lưỡi dao của kẻ thù dùng hòng chặt ngang tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị bẻ gãy, mọi hoạt động trên tuyến đường Hồ Chí Minh thông thoáng hơn nhiều.

Nhằm tăng cường vận chuyển góp phần tạo thế, tạo lực cho chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ chuẩn bị cho đòn tiến công chiến lược 1972, từ cuối năm 1974, đội hình vận chuyển của Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn đã có một số thay đổi. Theo đó, Tiểu đoàn vận tải ô tô 52 của chúng tôi từ Binh trạm 14 được điều vào tăng cường cho Sư đoàn khu vực 472.

Nhận nhiệm vụ mới khi năm hết Tết đến, có biết bao việc phải dự liệu. Nhưng lính thời chiến, chẳng có gì thiêng liêng, cao cả bằng nhiệm vụ chiến đấu. Theo phân công của Tiểu đoàn trưởng, tôi - Chính trị viên phó tiểu đoàn dẫn một tổ vào tiền trạm, chọn vị trí đóng quân, để toàn đội hình tiểu đoàn chuyển vào sau. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 472 lúc này đóng gần sở chỉ huy ở Binh trạm 32. Đón chúng tôi ở cơ quan Bộ Tư lệnh Sư đoàn là anh Hoàng Trá - Tham mưu trưởng Sư đoàn. Anh Hoàng Trá trước là Binh trạm trưởng Binh trạm 14 - là thủ trưởng rất gần gũi với chúng tôi. Biết Tiểu đoàn 52 thiện chiến vào tăng cường cho Sư đoàn 472, anh Trá mừng lắm; anh bảo chúng tôi nghỉ lại sư bộ một đêm, sáng hôm sau đi cùng anh vào Binh trạm 39 - đóng ở trục đường 23 bên kia Thác Hài (Mường Phin - Nam Lào) để tìm chỗ đóng quân.

Sáng hôm sau, tôi ngồi cùng xe anh Hoàng Trá, theo đường kín vào Binh trạm 39. Dọc đường, anh Trá dặn: rằng Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã tính kỹ, sẽ đưa tiểu đoàn chúng tôi vào tăng cường cho Binh trạm 39, tập trung chuyển hàng vào sâu hơn. Xe đi dưới tán rừng già âm u, yên ả - cái yên ả hiếm hoi ở Trường Sơn trong chiến tranh.

Sau gần hai tiếng đường rừng, chúng tôi có mặt ở Binh trạm 39, gặp anh Nguyễn Lợi - Binh trạm trưởng, anh Lê Huy Tưởng - Chủ nhiệm Chính trị binh trạm. Đều là anh em thân quen, nên mọi việc khởi đầu suôn sẻ.

Anh Lợi vỗ vai tôi, cười và nói:

- Tuấn yên trí, ăn Tết đàng hoàng với bọn mình. Chỗ đóng quân của tiểu đoàn anh chọn rồi - trong rừng khộp bờ nam sông Sê La Nông, dưới chân đỉnh Phu Mạc.

Tranh thủ chút thời gian ít ỏi chiều ngày 29, tôi ra thực địa ngó nghiêng khu vực dự định đóng quân cho yên tâm, rồi trở về "tận hưởng" không khí chuẩn bị tết nhất của cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 39. Dù không nhiều nhưng bộ đội vẫn có gạo nếp để gói bánh chưng, một ít đường dùng nấu chè và một ít bánh kẹo, thuốc lá. Vậy là, Tết Nhâm Tý, tôi đón giao thừa nơi "đất khách", không phải trong sự quần tụ gia đình mà cũng chẳng ở đơn vị. Một tâm trạng khó nói thành lời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 08:49:01 am »


Sáng hôm sau, "xông đất" Binh trạm 39 là mấy cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 52 vừa vào, anh em đi cả đêm ba mươi tết. Vừa chân ướt, chân ráo tới nơi, Kim Ngọc Quản - một tay lái cự phách của tiểu đoàn1 gặp tôi truyền lệnh:

- Báo cáo anh, trên lệnh cho anh ra ngay Bộ Tư lệnh 559.

- Ai ra lệnh? - Tôi hỏi, hơi bất ngờ.

- Báo cáo anh, ông Biên - Tư lệnh Sư đoàn 472.

Vậy là thật rồi, không thể trù trừ, tôi khẩn trương bàn giao việc bố trí đội hình đóng quân cho đơn vị trong tâm trạng rất đỗi bàng hoàng. Đã chục năm gắn bó với tiểu đoàn, gắn bó với từng cung đường Trường Sơn, từ một anh lái phụ trưởng thành lên, tôi đã có biết bao kỷ niệm vui buồn với những đồng đội của mình, với những chiếc xe, những vành tay lái - những "đại bàng Trường Sơn". Trong tập thể bện kết keo sơn, anh dũng tuyệt vời này, chúng tôi đã có với nhau những chiến công, và cũng chịu không ít mất mát đau thương... vả lại, chia tay đơn vị giữa ngày tết, anh em cán binh đang mỗi anh mỗi nơi, thật chạnh lòng khôn tả. Thực lòng, mong mỏi của tôi khi đó là trên chỉ điều tôi tăng cường cho đơn vị nào đó một thời gian, rồi lại trả về tiểu đoàn. Nhưng không phải vậy.

Đón tôi tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn 472 ở Phu Kiều, Phó tư lệnh sư đoàn Việt Phương nói:

- Số cậu thế mà hên, Tiểu đoàn đi vào thì anh đi ra. Từ tiểu đoàn cậu nhảy lên Bộ Tư lệnh 559. Cơ hội lớn đó, liệu mà đi lẹ lên.

Đã hiểu ít nhiều cá tính của vị thủ trưởng "văn võ song toàn" này, nên tôi biết sau câu đùa của ông là sự động viên tôi cố gắng, nhiệm vụ sắp tới là thử thách mới đối với tôi - một sĩ quan thuộc quyền, mà ông vẫn xem là non nớt.

Cùng tôi ra Bộ Tư lệnh nhận nhiệm vụ lúc này có một cán bộ tiểu đoàn cao xạ và một cán bộ tiểu đoàn công binh. Xe đưa chúng tôi trở ra Quảng Bình, theo đường 20 - Quyết Thắng, vòng qua đường 10, tới Mỹ Đức (cây số 33) qua phà Long Đại là tới sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tới nơi, ba anh em chúng tôi được đưa về Cục Chính trị. Cục trưởng Ngô Thành Vân niềm nở đón tiếp và phổ biến nhiệm vụ:

- Mặt trận B5 sắp mở chiến dịch lớn, nhiệm vụ vận chuyển chi viện nặng nề. Bộ Tư lệnh điều các đồng chí lên làm phái viên của cơ quan, bám nắm tình hình các đơn vị, khi cần thì đốc chiến.

Liền sau đó, tôi được phân công sinh hoạt ở Phòng Tổ chức, do anh Phạm Tề - một trong những người đầu tiên tham gia mở đường Trường Sơn, làm trưởng phòng. Cán bộ cấp cục thời gian này ngoài Cục trưởng Ngô Thành Vân có các anh Quang Vân, Lê Nghĩa Sỹ, Võ Sở là Cục phó. Riêng anh Sở, tiếng là Cục phó nhưng thường xuyên đi tăng cường cho các sư đoàn khu vực, binh trạm.
_________________________________________
1. Sau này, đồng chí Kim Ngọc Quản được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 08:49:30 am »


Sau vài ngày làm quen với sinh hoạt của cơ quan, tôi được phân công trực ban Cục Chính trị. Công việc quá đơn điệu. Từ môi trường tiểu đoàn ô tô vận tải, cường độ công việc dồn nén, căng thẳng bất cứ đêm hôm; nay về cơ quan, ngoài thời gian trực ban nắm tình hình, báo cáo Thủ trưởng Cục, lắm khi, tôi thấy như người thừa. Nhưng ở đời thường cái gì cũng có mặt trái của nó. Chính khoảng thời gian nghĩ mình như là người thừa đó, tôi đã làm được khá nhiều việc có ích cho bản thân: tôi học được nền nếp, phong cách làm việc của Thủ trưởng, cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh và có điều kiện đọc được nhiều sách vở, tài liệu, cả sách văn học, cả tài liệu nghiệp vụ công tác đảng, công tác chính trị,... điều mà trước đây ở đơn vị, tôi không có điều kiện. Rồi có khi, do yêu cầu của Cục Chính trị, tôi tham gia biên soạn công văn, chỉ thị về công tác đảng, công tác chính trị. Vì là người của đơn vị cơ sở, nên đa phần các văn bản chúng tôi biên soạn đều được cấp trên và cán bộ cơ sở cho là mang tính thực tế cao, dễ thực hiện...

Hàng ngày, vào ca trực - từ chập tối - lúc mà các đơn vị vận tải xuất quân, qua mạng thông tin tải ba, tôi điện hỏi nắm số lượng xe của từng đơn vị vận chuyển và tình hình tư tưởng của anh em. Nắm tình hình cửa khẩu từ chập tối và theo dõi đến hết đêm cũng là lúc xe ta vào đến khu vực ngã ba biên giới. Từ đó, tôi tổng hợp: lượng xe, hàng vận chuyển, thương vong, tổn thất; cả những đơn vị, cá nhân đề nghị biểu dương khen thưởng, v.v... để Cục trưởng báo cáo trong hội nghị giao ban Bộ Tư lệnh vào đầu buổi sáng hàng ngày.

Thời gian làm trực ban "chuyên nghiệp" của Cục Chính trị với tôi là một đợt tập huấn tổng hợp, mở mang biết bao điều. Tôi được chứng kiến nhiều đoàn của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần... vào làm việc với Bộ Tư lệnh 559. Điều lý thú mà tôi chứng kiến là cách làm việc của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện - một vị tướng rất cá tính. Lúc này ông đã ngoài 60 tuổi. Có thể cấp trên giữ sức khỏe cho ông, hạn chế ông vào tuyến trong nhiều, nên thường là sau khi có mặt ở Bộ Tư lệnh 559 rồi, ông mới báo cáo Thủ trưởng Bộ - sợ báo trước, trên không cho đi. Theo dõi ông làm việc với cấp trên qua điện thoại, anh em chúng tôi anh nào anh nấy rất thú vị và khâm phục cách làm việc khác người của Trung tướng. Đặc biệt qua cách làm việc, quan hệ, chúng tôi thấy Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và Tư lệnh 559, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Đồng Sỹ Nguyên rất hợp nhau. Đây cũng là một may mắn của tuyến chi viện chiến lược.

Đầu năm 1972, khi Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh quyết định chọn Trị - Thiên làm hướng chính của cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam thì Bộ Tư lệnh 559 rất chú trọng công tác chuẩn bị chiến trường, bảo đảm hậu cần cho Mặt trận Quảng Trị. Lần lượt các đồng chí Chính ủy Đặng Tính, Phó chính ủy Lê Xy... xuống trực tiếp nắm tình hình. Đi cùng Chính ủy và Phó chính ủy xuống Binh trạm 12 ở khu vực Nông trường Quyết Thắng - Vĩnh Linh, về cơ quan chính trị có anh Nam - Phó phòng cán bộ, anh Lý Tự Nhiên (Phòng Tuyên huấn), tôi và anh Trần Điệt (Phòng Dân vận). Anh Điệt quê ở Triệu Phong - Quảng Trị, nên lần này nghe tin ta mở chiến dịch giải phóng Quảng Trị, anh mừng lắm.

Binh trạm 12 vừa chuyển từ khu vực Cổng Trời - đường 12 vào Nông trường Quyết Thắng nên ấn tượng nhất đối với tôi khi tới sở chỉ huy binh trạm là cảnh lán trại tạm bợ, võng giăng mắc rất nhiều dưới tán cây rừng. Chỉ cần chiếc võng và tấm tăng là thành nhà rồi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 08:49:56 am »


Xuống tới nơi, Chính ủy Đặng Tính triệu tập ngay cuộc họp. Về phía Binh trạm 12 có anh Phạm Thái - Binh trạm trưởng, anh Lê Quang Bình - Chính ủy, anh Lê Thanh - Binh trạm phó và một số anh khác. Qua báo cáo của binh trạm, từ khi ta mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị (30-3-1972), địch tập trung đánh phá ác liệt tuyến hậu cần chiến dịch và cả tuyến hậu cần chiến lược (từ vĩ tuyến 20 trở vào). Về vận chuyển đường bộ, xe của ta chuyển hàng vào khu vực Bến Tắt, Bến Quang (Vĩnh Linh) bị chặn đánh dữ dội, tổn thất lớn.

Trước tình hình đó, đồng chí Đặng Tính yêu cầu Binh trạm 12 tiến xuống sâu hơn - xuống xã Vĩnh Trung bám sát thực tế, giải tỏa ách tắc.

Sau buổi giao ban ở Binh trạm 12, thực hiện chỉ đạo của Phó chính ủy Lê Xy, tôi trực tiếp xuống nắm tình hình các đơn vị xe, kho, cầu đường của binh trạm. Theo như lời của Phó chính ủy là phải tìm ra căn cứ để giải thích được vì sao không đạt được cung độ vận tải mà xe lại tổn thất nhiều? Việc bốc dỡ hàng ở các kho, trạm quá chậm, chỉ huy và hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng vận tải, công binh, thông tin... đã nhịp nhàng hiệu quả chưa?

Sau hơn nửa tháng xuống nắm tình hình các đơn vị, tôi mới thấy không chỉ Binh trạm 12 mà cả Binh trạm 19 lúc này cũng gặp muôn vàn khó khăn, vận chuyển đình trệ, tổn thất. Cũng vì vậy nên khi Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện vào đã thống nhất cùng Tư lệnh 559 cho Binh trạm 12 lật cánh xuống phía đông thay Binh trạm 19, quyết tâm vận chuyển đủ gạo, đạn, bảo đảm cho chiến dịch. Trong chiến dịch, có những thời điểm hậu cần chiến lược phải "tranh" việc của hậu cần chiến dịch một cách bất đắc dĩ như vậy.

Đúng hẹn, tôi trở về sở chỉ huy binh trạm báo cáo cụ thể tình hình với Phó chính ủy Lê Xy và các anh Phạm Thái, Vũ Quang Bình... Nghe tôi trình bày xong, đồng chí Lê Xy lặng đi một chút rồi kết luận:

- Vậy là ta rất khó chi viện cho cánh Đông mặt trận bằng đường ô tô, nhất là quãng từ Cam Lộ - Cửa Việt vào thị xã và Thành Cổ. Nhưng đòi hỏi của mặt trận lúc này không cho phép chúng ta bó tay. Phải xuống bàn việc cụ thể với địa phương, với dân, may ra mới có cách tháo gỡ. Chúng ta sẽ xuống Vĩnh Trung!

Chẳng phải đợi lâu, anh Nam tổ trưởng tổ cán bộ Cục Chính trị bảo tôi chuẩn bị mọi thứ để đi cùng Phó chính ủy.

Tôi hỏi: Anh có biết đi bao lâu không?

- Cứ chuẩn bị chu đáo vào - Anh Nam trả lời, khi nào cụ Xy về thì về.

Vậy là ở đơn vị về, chưa kịp thở, tôi lại phải chuẩn bị vội mấy thứ để đi tiếp. Có điều Phó chính ủy không có thư ký nên đi cùng ông, tôi kiêm luôn thư ký. Nôm na là ông bảo gì, tôi làm nấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 08:50:37 am »


Sau bữa cơm chiều hôm đó, chiếc Gát-69 đưa Phó chính ủy cùng tôi và hai trợ lý nữa xuống Vĩnh Trung. Thời gian và yêu cầu nhiệm vụ quá gấp gáp, nên Phó chính ủy và chúng tôi tranh thủ làm việc với anh Trần Đồng - Bí thư Đặc khu ủy, anh Dương Tôn - Chủ tịch và anh Vũ Kỳ Lân - Chính ủy Đặc khu Vĩnh Linh... nắm cụ thể tình hình. Ở Vĩnh Trung và đa phần các xã của Vĩnh Linh lúc này một bộ phận dân cư đã sơ tán ra các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Lực lượng dân quân tự vệ các xã khá mạnh, mỗi xã có chừng một trung đội súng 12,7 ly, một trung đội ĐKZ, một trung đội cối 82... Mọi hoạt động của dân gần như trong lòng đất, dưới hầm thùng, địa đạo. Chúng tôi cũng ở dưới hầm thùng (hầm đào sâu và úp mái nhà lên). Vĩnh Linh cũng là địa bàn tập kết lực lượng tăng cường cho mặt trận. Cứ chập tối, bộ đội từ ngoài Bắc vào nghỉ lại một đêm và sáng hôm sau lại hành quân vào phía trong.

Một hôm tôi đang làm việc bình thường thì đồng chí Phách - thư ký của Chính ủy Đặng Tính gọi tôi sang gặp đồng chí Đặng Tính. Tôi sang hầm của Chính ủy, thấy ông và Phó chính ủy Lê Xy đang chụm đầu trên tấm bản đồ, tay rê theo các nét nâu, nét xanh. Đồng chí Đặng Tính ngẩng lên hỏi tôi:

- Tuyến vận chuyển phía tây bị đánh chặn, cậu xem ở phía đông có tuyến đường nào có thể chuyển hàng vào cho mặt trận?

Tôi thận trọng trình bày:

- Qua làm việc với các đồng chí lãnh đạo đặc khu và hỏi han bà con trong vùng, tôi biết, có thể dùng thuyền chở hàng theo ven biển từ Vĩnh Thái qua cửa Tùng, đi chừng 20 cây số nữa qua Cửa Việt rồi tấp vào Hải Lăng (Gia Đẳng); liên lạc với hậu cần Mặt trận B5 nhận hàng ở Gia Đẳng, Mỹ Thủy. Gần khu vực này có căn cứ hậu cần Mặt trận B5 ở Tài Lương.

- Vậy là câu hỏi hóc búa: Làm thế nào để đưa được hàng vào chi viện cho bộ đội ở Thành Cổ Quảng Trị đã có hướng giải đáp - có hướng thôi - đồng chí Đặng Tính nói - để chắc chắn, Tuấn phải đi trinh sát kỹ càng, tìm đường cụ thể, trực tiếp điều nghiên luồng lạch, bến bãi giao hàng, dự tính cung độ từ Vĩnh Linh vào Thành Cổ Quảng Trị.

Phó chính ủy Lê Xy còn dặn: Gắng vào Tài Lương, Phù Liêu gặp lãnh đạo cụm hậu cần B5 hiệp đồng cụ thể nơi giao nhận hàng, ký tín hiệu liên lạc...

Tình hình quá gấp gáp. Tối hôm đó đã xuất hành, tôi tranh thủ chuẩn bị mấy thứ: ống nhòm, bản đồ, địa bàn, súng, đạn... và không quên ghi vội mấy chữ gửi anh Nguyễn Nam ngày hôm sau trở ra Bộ Tư lệnh, chuyển cho vợ tôi đang công tác ở Viện 59, để cô ấy yên tâm, rằng tôi vẫn khỏe, đang giúp việc cụ Xy.

Cùng đi trinh sát tìm đường với tôi có anh Nguyễn Trung - vốn là tiểu đoàn phó hải quân và hai chiến sĩ người Quảng Trị dẫn đường. Qua chuyện trò, biết đươc hai chiến sĩ này người Triệu Phong, từng bị bắt lính, sau đó đã tìm cách bỏ ngũ theo Quân giải phóng. Được cử dẫn đường cho cán bộ vào Triệu Phong, hai chiến sĩ không giấu được sự sung sướng, vì sẽ có cơ hội qua nhà, gặp và khoe với người thân mình đã là chiến sĩ Giải phóng quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:14:23 pm »


Sau bữa cơm chiều, nhá nhem tối, xe của Phó chính ủy đưa bốn anh em tôi đến bờ bắc sông Bến Hải phía hạ lưu cầu Hiền Lương, đợi một lát thì thuyền du kích từ bờ Nam qua đón. Ngồi trên thuyền, nghe mái chèo khua nước trong đêm vắng lặng, ngoái nhìn ánh đèn le lói từ một vài ngôi nhà ở bờ bắc dần xa, trong tôi trỗi dậy cảm xúc bồi hồi khó tả. Đau đớn làm sao khi một dòng sông nhỏ nhắn hiền hòa, mà gần hai chục năm trời kẻ thù đã biến thành con dao cắt lìa hai miền Nam - Bắc. Dân đôi bờ chỉ cách nhau một mái chèo mà như nửa vòng trái đất...

Qua sông, theo bước chân thoăn thoắt của hai chiến sĩ dẫn đường, chúng tôi luồn lách tránh những khu vực nghi địch trước đây đã cài mìn, thẳng hướng về phía nam. Càng đi càng thấy cảnh quan, địa bàn nam cầu Hiền Lương chẳng giống chút nào trên bản đồ. Tất cả gần như thành bình địa bởi bom đạn kẻ thù. Cũng phải thôi, từ lâu lắm rồi, chúng đã biến nơi đây thành "vành đai trắng".

Vừa lần đường, vừa dò hỏi dân, chúng tôi qua Trúc Khê, Dốc Miếu, Quán Ngang rồi tìm vào Mai Xá, Phù Liêu... Hỏi dân, cũng có người chỉ dẫn tận tình, niềm nở; nhưng giữa đêm khuya, thấy người lạ gõ cửa, cũng có người ngần ngại, miễn cưỡng. Lần mò dọc theo sông Vĩnh Định, suốt đêm mệt bở hơi tai, chân mỏi rã rời, mờ sáng hôm sau, mấy anh em cũng tìm tới được Sở chỉ huy cụm hậu cần B5 ở thôn Phù Liêu.

Trong thời điểm tình hình bảo đảm hậu cần cho lực lượng ta chốt giữ Thành Cổ đang căng như dây đàn, nghe chúng tôi giới thiệu là cán bộ Đoàn 559 vào liên hệ tìm đường, phối hợp với hậu cần B5 vận chuyển vật chất vào tiếp tế, các anh ở hậu cần B5 mừng quýnh lên. Theo chỉ dẫn của mấy anh đúng là "thổ công" ở đây, chúng tôi xác định được nếu vận chuyển vào bằng đường sông sẽ theo kênh Vĩnh Phước, sông Vĩnh Định vào Quy Thiện, An Điềm, và theo sông Thạch Hãn tới Thành Cổ. Hàng giao cho hậu cần B5 ở Phù Liêu, Tài Lương... Nếu vận chuyển theo đường biển vào thì giao tại Gia Đẳng, Mỹ Thủy. Chúng tôi cũng thống nhất với các anh hậu cần B5 về mật khẩu, ký tín hiệu, hiệp đồng thời gian giao nhận hàng.

Chờ cho trời nhá nhem tối, chúng tôi theo đường tắt đi An Lưu ngược ra xã Triệu Trạch. Đi được dăm cây số, tôi bàn với anh Trung tìm chỗ nghỉ lại, để ngày mai tìm hiểu kỹ hơn luồng lạch sông, chỗ giao hàng. Nghe tôi nói, cậu thanh niên tên là Tĩnh, rụt rè đề nghị nhà anh ở rất gần, mời cả đoàn vào nghỉ, kết hợp cho anh thăm ba, mạ; cậu ta cũng không giấu giếm ao ước bấy lâu có dịp được khoe với gia đình, chòm xóm là anh ta đã thành chiến sĩ Giải phóng đích thực. Đúng là "nhất cử lưỡng tiện", tôi đồng ý luôn.

Thấy cậu con trai dẫn chúng tôi về nhà quá đường đột, ông bà chủ luống cuống, bối rối. Tôi đọc được ẩn chứa sau cử chỉ bối rối là sự ngỡ ngàng, sung sướng của ông bố, bà mẹ khi thấy đứa con của mình đã chững chạc trong dáng dấp của chiến sĩ giải phóng, lại mời được "quý thủ trưởng" về nhà, và thủ trưởng với lính lại xưng hô, đối xử rất bình đẳng, gần gũi.

Ngồi chơi, chuyện trò với chủ nhà một lúc, bác gái đã bưng lên một mâm cơm khá tươm tất. Đang đói, anh em chúng tôi cũng chẳng khách sáo gì, mời gia đình và gọi Tĩnh lên ăn cơm. Nghe tôi bảo vậy, bố mẹ cậu ta lại càng sửng sốt; ông bà không tin lính lại được ngồi cùng ăn cơm với sĩ quan. Tôi phải nói rõ đó là nếp sống hằng ngày, quan hệ thân tình giữa cán - binh của Bộ đội Cụ Hồ. Khi chúng tôi ăn cơm, đến lượt hai cô em gái của Tĩnh đứng phía sau quạt liền tay; tôi nói với cô em gái đưa quạt cho tôi, rồi vừa quạt tôi vừa ăn...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:14:50 pm »


Ngủ lại vùng giải phóng một đêm, sáng hôm sau, trời chưa tỏ mặt người, sau bữa khoai lang lót dạ ngon tuyệt trần, anh em chúng tôi tạm biệt gia đình, tiếp tục cuộc hành trình và trở về đơn vị đúng hẹn. Sau khi chúng tôi trở về, Phó chính ủy Lê Xy cho triệu tập ngay cuộc họp cán bộ chủ trì Binh trạm 12. Tại cuộc họp này, tôi và anh Trung báo cáo cụ thể chi tiết các tuyến đường thủy có thể tổ chức vận chuyển chi viện cho Thành Cổ - trọng tâm là hệ thống sông Thạch Hãn, gồm tuyến chính là sông Thạch Hãn và các phụ lưu khác như: sông Canh Hòm, Vĩnh Định, Vĩnh Phước, sông Hiếu... Với sông Thạch Hãn, ta có thể dùng thuyền trọng tải 10 tấn, còn các tuyến sông khác, chỉ có thể dùng thuyền nhỏ chở vài ba tấn.

Về cung chặng vận chuyển, chúng tôi xác định: Nếu vận chuyển ven biển, sẽ nhận hàng ở Vĩnh Thái chạy thẳng một mạch vào giao hàng ở Gia Đẳng, Mỹ Thủy. Nếu đi đường sông sẽ qua hai cung: Nhận hàng từ Hồ Xá - Vĩnh Lâm, đi theo sông Sa Lung, ra sông Bến Hải, vào sông Canh Hòm rồi vào sông Thạch Hãn đến Mai Xá là kết thúc cung thứ nhất; Cung thứ hai từ Mai Xá ngược sông Thạch Hãn lên thị xã và Thành Cổ. Yêu cầu phải có bộ đội vận chuyển. Mỗi cung phấn đấu mỗi đêm một chuyến. Chúng tôi cũng dự kiến phương án sau khi tập kết tại Mai Xá có thể tách thành hai cánh; một cánh đi lên thị xã, Thành Cổ; một cánh đi theo sông Vĩnh Định chi viện cho lực lượng bảo vệ cánh Đông Quảng Trị, gồm các sư đoàn chủ lực và cụm hậu cần B5 ở Phù Liêu, Tài Lương.

Nghe chúng tôi báo cáo xong, Phó chính ủy kết luận các tuyến và cung độ vận chuyển cơ bản hợp lý. Cần chú ý dự kiến các tình huống luồng lạch cạn, để chủ động có lực lượng khai thông. Vấn đề cơ bản thứ hai là ông thông báo Bộ Tư lệnh 559 đã quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy mang phiên hiệu 166 trực thuộc Binh trạm 12. Tiểu đoàn 166 gồm ba đại đội (Đại đội 7 Đoàn Hồng Hà - Tổng cục Hậu cần chuyển thuộc; Đại đội 8 từ khu vực đường 12 xuống và sẽ thành lập thêm Đại đội 9 - điều một số cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 7 và Đại đội 8 sang). Tăng cường cho Tiểu đoàn 166 còn có một đại đội công binh phá bom, thủy lôi và hai đại đội dân công hỏa tuyến - một để nạo vét luồng lạch, một để bốc xếp hàng hóa.

Ban Chỉ huy tiểu đoàn gồm năm sĩ quan. Và thật bất ngờ, khi anh Vũ Quang Bình đọc danh sách, thì tôi được trên chỉ định làm Chính trị viên tiểu đoàn. Anh Lê Hoan - nguyên cán bộ hải quân tăng cường làm Tiểu đoàn trưởng, anh Nguyễn Trung - Tiểu đoàn phó, anh Huỳnh Khương - nguyên đội trưởng đội kích kéo làm Tiểu đoàn phó kỹ thuật, anh Nguyễn Văn Hiệm - làm Chính trị viên phó. Sở chỉ huy cơ bản của tiểu đoàn đóng ở làng Mai Xá; sở chỉ huy căn cứ đóng trong rừng cao su Vĩnh Hòa.

Cùng ngày hôm đó, Ban Chỉ huy tiểu đoàn họp quán triệt nhiệm vụ, từng người theo đó triển khai ngay. Chậm trễ công việc vận chuyển chi viện lúc này là có tội lớn với những đồng chí đồng đội đang chiến đấu giữ Thành Cổ.

Ngay sau buổi họp đầu tiên của Ban Chỉ huy tiểu đoàn, anh Khương tổ chức tiếp nhận phương tiện ca nô, thuyền, xuồng, để định hình đội hình vận chuyển đường sông. Anh Lê Hoan và anh Trung ra Vĩnh Thái trực tiếp tổ chức chỉ huy chi viện tuyến ven biển. Lực lượng vận chuyển đường biển chủ yếu là đơn vị vận tải thủy thuộc Đoàn Hồng Hà do Tổng cục Hậu cần tăng cường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:15:10 pm »


Căn cứ tình hình thực tế, chúng tôi thống nhất cho thuyền đi gần bờ, tránh đụng tàu của địch. Thực hiện quyết định của chỉ huy tiểu đoàn, Chính trị viên phó Ngọc The và đại đội phó Đại đội 7 Xuân Kiểu phụ trách lực lượng vận chuyển theo đường biển. Ở tuyến đường biển, anh em bước đầu thực hiện có hiệu quả.

Ở tuyến đường sông, tôi cùng anh Huỳnh Khương trực tiếp chỉ huy Đại đội 8 nhận và tổ chức hạ thủy thuyền máy, tại bến Châu Thị - sông Bến Xe. Chỉ trong hai đêm, Đại đội 8 do đại đội trưởng Nguyễn Sắc chỉ huy đã tiếp nhận và hạ thủy được trên hai chục xuồng. Tôi và anh Khương cho khởi động chạy thử rồi đưa ngay vào giấu phía bờ sông thuộc xã Vĩnh Lâm. Máy bay địch phát hiện được thì không chỉ xuồng chẳng còn mảnh tôn mà kế hoạch vận chuyển cũng sẽ thất bại.

Công việc chuẩn bị hoàn tất, cuối tháng 6, lực lượng vận chuyển đường sông của Đại đội 8 bắt đầu chuyển hàng vào chi viện cho các đơn vị chiến đấu giữ Thành Cổ. Các thuyền trưởng Cõn, Chung, Khiết, Toán, Tôn, Hoạt... được chọn xuất kích trận đầu. Thuyền đi ban đêm, mặc dù luồng lạch đã được khảo sát khá kỷ, nhưng luồng lạch chỗ nông, chỗ sâu... luôn là thử thách đối với các thủy thủ. Chưa hết, sông nào cũng đầy rong rêu, thuyền chạy được một quãng, rong rêu đã quấn chặt chân vịt, làm chết máy. Cán bộ, chiến sĩ phải trần mình đánh vật với rong rêu mới suôn sẻ được vài chuyến đầu. Sau đó, anh em thủy thủ nghĩ ra cách cài rào tre vào đầu thuyền để gạt rêu - giống như tàu phá băng, rồi dân quân du kích địa phương giúp nạo vét luồng sông, vớt rong rêu thì thuyền đi lại dễ dàng hơn.

Thuyền chở gạo, đạn, thuốc chiến thương vào tiếp tế cho các đơn vị chiến đấu giữ Thành Cổ và nhận thương binh chuyển về tuyến sau. Gần bốn mươi năm đã qua, nhưng tôi vẫn không thể nguôi quên sự vui mừng của các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 khi nhận được nguồn gạo, đạn của chúng tôi chuyển vào và giải phóng được tình trạng thương binh của đơn vị dồn ứ không chuyển về tuyến sau kịp. Những con thuyền nhỏ nhoi của tiểu đoàn chúng tôi hoặc theo mép sóng biển vào giao hàng tại Gia Đẳng, Mỹ Thủy; hoặc luồn lách theo luồng lạch uốn lượn các con sông, lặng lẽ trong đêm làm nhiệm vụ đã hứng chịu biết bao trận oanh kích của máy bay địch đủ loại và pháo từ các hạm tàu địch từ biển nã vào: biệt kích, tập kích... nhưng nghĩ tới những đồng đội đang gồng mình chốt giữ Thành Cổ, thì không một ai trong chúng tôi chùn bước, rời tay lái.

Đã ngót 10 năm lăn lộn trên chiến trường Trường Sơn, đã ngồi sau tay lái ô tô vượt qua biết bao trọng điểm, tập đoàn trọng điểm đánh phá của kẻ thù, nào Văng Mu, Xiêng Phan, Tha Mé, Phu La Nhích, Tà Lê, cua chữ A (ATP)… hứng chịu biết bao trận lượt đánh của máy bay cường kích, rải thảm của B.52, nhưng chưa bao giờ và chưa ở đâu tôi chứng kiến sự đánh phá khốc liệt, dữ dội của địch như ở Quảng Trị mùa hè năm 1972. Chính ủy Đặng Tính cũng đã có lần thốt lên với anh em chúng tôi rằng: địch đánh trên đường Trường Sơn đã dữ, nhưng không có nơi nào ác liệt như ở Cửa Việt lúc này...

Sau này được đọc mấy câu thơ của anh Lê Bá Dương: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm... tôi nghĩ có lẽ anh Dương đã dành nói về những người lính vận tải đường sông chúng tôi. Lúc đó, mỗi khi triều xuống, lòng sông hẹp; nước sông Thạch Hãn như đặc quánh lại bởi xác người, xác trâu bò trôi nổi, trộn với mùi bom đạn khét lẹt, nồng nặc... Nên dù có lấm lem bẩn thỉu, anh em chúng tôi cũng không dám rửa mặt... đúng nghĩa là dòng sông chết. Vậy mà chúng tôi vẫn căng sức ra, quần lộn với địch trên dòng sông này từ tháng 6 đến đầu tháng 10, đêm đêm chuyển hàng vào chi viện cho bộ đội chiến đấu ở thị xã, Thành Cổ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM