Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:37:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42866 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 04:58:38 pm »


*

Khi trở về Hà Nội, tôi băn khoăn giữa ý nghĩ rời Hà Nội mà không được biết Sài Gòn giải phóng và sự nóng lòng được trở về nhà, Leon và các đồng chí của anh chỉ để lại một con đường mà lai lịch của nó đã đi vào lịch sử.

Trên con đường đó các xe tăng đã lăn bánh đưa đến sự tan vỡ các vị trí của Sài Gòn ở cao nguyên Trung phần và với chiến thắng này đã mở đường tiến về giải phóng Sài Gòn và biến Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi ở Thủ đô mọi người đang vui mừng trước các tin vui từ chiến trường bay về thì trong hang ổ cuối cùng của chế độ bù nhìn có tin cuộc tấn công của các chiến sĩ yêu nước đã không để một phút nào để chúng xoay sở. Thế là mạnh ai nấy chạy. Chúng leo lên càng máy bay trực thăng, bíu vào cánh cửa máy bay đang cất cánh khỏi dinh tổng thống Sài Gòn và cái pháo đài sứ quán Mỹ, treo lơ lửng hàng chùm “những siêu nhân“

Trong những ngày đó ở Hà Nội và sự tháo chạy ở Sài Gòn người ta không còn thời gian để suy nghĩ tới cái “con rắn“ khổng lồ bằng đất đó nữa, cái con đường mà sau đó được rải nhựa. Con đường này là một trong những yếu tố quyết định sự kiện đã xẩy ra...

Người ta có thể đi từ một Hồ Chí Minh này sang một Hồ Chí Minh khác, từ ý định đến thắng lợi nhờ có con người mang cái tên như vậy, con người mà đã quyết định mở các hệ thống mạch máu có khả năng cho phép dòng máu của tình đoàn kết chảy trên toàn bộ cái bán đảo nằm ở trung tâm một vùng chiến lược và giàu có của hành tinh chúng ta. Và cùng nhờ có nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân các nước Lào và Cam-pu-chia, trong nhiều năm chịu đựng hàng ngàn trận bom để mở hệ thống con đường vượt qua rừng sâu, núi cao mặc dù máy bay Mỹ đã cày xới tạo nên những cảnh như trên mặt trăng ở đây và ở kia.

Mặc dù đề cập đến một công trình quân sự, cái tên mà các đồng chí cộng sản Việt Nam đã đặt trong một ngày 19 tháng 5 mang một nội dung thơ, một chủ nghĩa lãng mạn cách mạng: Sự nhìn nhận của Hồ Chí Minh đã đi và đến hàng ngày dưới các tán cây, không hề sợ bom đạn. Không phải ngẫu nhiên mà dân tộc này gọi đôi dép giản dị bằng cao su, mà ai cũng có thể làm được là đôi dép Hồ Chí Minh, được làm ngay trong rừng, ở Hà Nội hay trên núi cao. Tôi đã nhìn thấy họ làm các đôi dép đó bằng những chiếc lốp máy bay Mỹ bị bắn rơi. Những chiếc dép đó đã được nhiều người sử dụng đi trên con đường Hồ Chí Minh để đi đến cuộc chiến đấu cuối cùng. Các chiến sĩ của đơn vị quân sự 4539 mà ở Việt Nam gọi là A-74 đã kể với tôi như vậy.

Những câu thơ đẹp của Antonio Machado mà đã tạo nên bài hát rất hay của Juan Manuel Serrat đã có mặt ở đây, một góc của hành tinh. Một góc mà đã quyết định thời điểm lịch sử và ý nghĩa của tư tưởng đã thúc đẩy loài người làm thay đổi thế giới: "Có người đi đường nếu có con đường và sẽ có con đường khi đi lại nhiều lần".

Việc Cuba tham gia làm con đường đó, góp phần kết thúc trong thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là một hạt cát, nhưng hạt cát của một biểu tượng đẹp và có ý nghĩa lịch sử lớn lao làm cho người ta nghĩ đến bãi biển Hiron của chúng ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:10:48 am »


NHỮNG KỶ NIỆM VỀ TUYẾN ĐƯỜNG ỐNG XĂNG DẦU ĐẦU TIÊN VƯỢT TRƯỜNG SƠN
Đại tá MAI TRỌNG PHƯỚC
Nguyên chỉ huy trưởng Công trường 18 và Trung đoàn 592

Sau khi hoàn thành việc thi công tuyến đường ống X42 vượt qua "tam giác lửa" Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm, Công trường 18 tiếp tục nhận nhiệm vụ thi công kéo dài tuyến đường ống lên phía Hương Khê (Hà Tĩnh) để đi vào Quảng Bình nối vào kho Khe Ve của Binh trạm 12 Đoàn 500. Ngày 1 tháng 11 năm 1968, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc. Có điện của Cục Xăng dầu gọi tôi ra Hà Nội gấp để nhận nhiệm vụ mới.

Anh Phan Tử Quang, Cục trưởng, đưa tôi lên gặp Chủ nhiệm Tổng cục tại Văn phòng Tổng cục Hậu cần. Trong cuộc họp, sau khi phân tích tình hình và âm mưu mới của địch, anh Thiện cầm bút chì đỏ vạch trên bản đồ một đường từ Cổng Trời vượt qua đèo Mụ Giạ - 050 xuống Na Tông (Khăm Muộn - Lào) rồi nói: "Các cậu phải nhanh chóng làm tuyến đường này, đặt kho đầu ở khu vực bãi rộng của suối Cha Lo phía bắc Mụ Giạ và một kho ở Na Tông, phải làm xong trước Tết Nguyên đán phục vụ kịp thời cho Đoàn 559 tổ chức vận chuyển đột kích". Sau đó, Chủ nhiệm lại vạch tiếp đoạn từ Na Tông vượt qua ngã ba Lằng Khằng, xuống Xiêng Phan - Pha Nốp đến Ka Vát và kết thúc ở Lùm Bùm. Anh nói tiếp: "Sau khi đến Na Tông các cậu phải nhanh chóng đưa đường ống xuống Ka Vát rồi đi Lùm Bùm tiếp cận nhanh đường 9, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nam đường 9...". Anh nhắc nhở hiện nay địch đang đánh mạnh ở thung lũng Xiêng Phan và ngầm Pha Nốp. Cần phải chú ý tìm mọi cách để tránh nó, phải giữ được bí mật bất ngờ. Công việc phía sau giao cho công trường X40 đảm nhiệm.

Sau khi nghe chúng tôi trình bày những khó khăn khi thi công trên vùng rừng núi có nhiều núi cao vực sâu, núi đá, nhiều sông suối; địch lại đánh phá rất ác liệt, nhất là chưa có kinh nghiệm trong việc thi công và vận hành trên đồi núi cao, anh Thiện chỉ thị cho anh Phan Tử Quang cần tăng cường cán bộ kỹ thuật cho công trường đủ mạnh, chỉ thị cho Bộ Tham mưu Hậu cần điện cho Bộ Tư lệnh 500 và 559 tăng cường lực lượng giúp đỡ.

Về đến công trường, chúng tôi một mặt nghiên cứu việc di chuyển công trường bộ lên đóng ngay tại khu vực lèn đá ở Cổng Trời trên đường 12, đồng thời cử cán bộ đi khảo sát và thiết kế tuyến từ Cổng Trời xuống Na Tông. Bộ phận vật tư tổ chức tiếp nhận ống, bể 25 mét khối và máy bơm các loại... nhanh chóng đưa vào tuyến thi công. Khó khăn đầu tiên chúng tôi gặp phải là không đưa xe chở ống dài 6 mét và xe chở bể chứa 25 mét khối vượt qua Cổng Trời được, vì địa hình dốc cao và nhiều cua gấp. Vào thời gian này cấp trên phối thuộc cho chúng tôi hai tiểu đoàn công binh. Chúng tôi cùng với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 29 ra ngay thực địa nghiên cứu tìm cách cho xe vượt Cổng Trời.

Sau khi thống nhất phương án, đồng chí Nguyễn Đình Cự - tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy thi công. Bốn hôm sau, Cổng Trời đã được mở rộng. Đại đội 8 của Cục Xăng dầu liên tục vận chuyển bể sắt cùng máy thi công. Sau khi thông Cổng Trời, trong một đêm ngồi uống nước ở Sở chỉ huy, đồng chí Nguyễn Tráng, kỹ sư khảo sát phấn khởi đọc:

      "Có ai dám phá Cổng Trời
      Để cho suối chảy ngược đồi lên non
      Trải qua sông cạn đá mòn
      Cổng Trời cửa khẩu vẫn còn trơ trơ
      Một phen sấm sét bất ngờ
      Đội quân Đường Ống phất cờ tiến công
      Tiếng mìn vang dậy núi sông
      Cổng Trời rộng mở chọc thông đỉnh đầu
      Đưa bể lớn chứa xăng dầu
      Khẩn trương đáp ứng yêu cầu tiền phương''.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:11:33 am »


Tiếp nhận ống đến đâu chúng tôi thi công đến đó, kho bể 500 mét khối ở Na Tông cũng đã làm xong. Trung tuần tháng 12 năm 1968, sau hoàn chỉnh tuyến ống, chúng tôi tiến hành bơm nước để rửa ống, kiểm tra việc lắp ráp ống và tìm các thông số vận hành (gọi tắt là thử rửa). Một máy đẩy không bơm được nước lên đỉnh đèo Mụ Giạ, trên "tọa độ lửa" đã diễn ra hết sức gay go và quyết liệt. Để đánh lừa địch, chúng tôi vẫn tiếp tục khắc phục như thật trên tuyến bị địch đánh phá. Để đảm bảo bí mật cho tuyến tránh, anh em phải vác ống leo qua đèo Mụ Giạ, men theo bìa rừng tập kết vào khu vực an toàn để đến tối mới đưa vào tuyến lắp ráp theo con đường hào đã đào hôm trước. Lắp ráp đến đâu chôn lấp ngay đến đó và dùng cây cối bị đổ để ngụy trang. Việc đưa ống vào tuyến thi công đã khó thì việc chuyển máy bơm PNU 35/70 nặng hàng tấn bằng sức người đưa vào vị trí càng khó hơn. Khắc phục được khó khăn đưa máy vào vị trí xong, tôi được điện gọi ra sở chỉ huy tiền phương của Tổng cục đóng ở Hương Đô (Hà Tĩnh). Có lẽ Chủ nhiệm Tổng cục nóng ruột vì ngày Tết sắp đến, nếu không có xăng cho Đoàn 559 vận chuyển đột kích trong 3 ngày Tết là một khó khăn lớn. Tôi biết đồng chí Thiện rất nóng tính, không khéo kỳ này ra gặp chắc cũng phải bị cụ "cạo" cho một trận.

Gặp anh Thiện ở sở chỉ huy tiền phương, anh hỏi ngay khi tôi chưa kịp ngồi xuống: "Anh có làm được không thì nói...". Tôi bình tĩnh báo cáo về tình hình đánh phá của địch, cách khắc phục của chúng tôi và bảo đảm chỉ vài ngày nữa là xong. Anh hỏi tôi về cách tổ chức ngụy trang cũng như việc nghi binh đánh lừa địch. Tôi trình bày lại cách làm của chúng tôi. Trong quá trình nghe tôi báo cáo, tôi thấy thái độ của anh Thiện dần dần vui lên. Anh Thiện còn hỏi thêm về tình hình các kho hậu cần sau khi bị địch đánh phá, tình hình xe vận tải trên đường và sinh hoạt của anh em bám trụ trên khu vực này. Tôi đã trả lời rành rọt các vấn đề mà tôi nắm được. Những vấn đề tôi đề nghị, anh đều giải quyết ngay. Anh bảo đồng chí Trần Lư ghi những ý kiến đề nghị mà anh chưa giải quyết và lấy quà gửi về cho anh chị em trên tuyến. Anh không quên nhắc tôi là phải tuyệt đối giữ bí mật và sau khi nối tuyến phải bơm ngay, kết quả ra sao phải báo cáo ngay về sở chỉ huy tiền phương.

Trở về công trường, tôi truyền đạt lại ý kiến của anh Thiện và đưa quà Tết của anh gửi cho công trường. Mọi người rất phấn khởi, thấy sự quan tâm của Chủ nhiệm Tổng cục. Chỉ hai ngày sau đã nối xong tuyến và tổ chức bơm nước để thử rửa. Sau khi thử rửa xong tiến hành bơm xăng ngay vào kho Na Tông và tổ chức cấp phát kịp thời cho các xe. Đến đêm giao thừa của Tết năm Kỷ Dậu 1969, xăng vẫn còn đầy kho Na Tông để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo.

Đây là một chiến công mà nhiều người không ngờ tới. Khi tiếp nhận những dòng xăng của đường ống đầu tiên ấy, đồng chí Tham mưu trưởng Đoàn 559 cảm động nói: "Thật là tuyệt vời - dòng sông ngầm vượt núi...". Tuyến đường ống xăng dầu này không những bảo đảm kịp thời cho các Binh trạm của Đoàn 559 vận chuyển "đột kích" mà còn tạo ra lượng dự trữ cho nhiệm vụ tiếp theo. Riêng về bộ đội đường ống do đã tập kết vật tư sẵn ở kho Na Tông nên đồng chí Nguyễn Ngọc Tài, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tranh thủ vận chuyển vật tư vượt Xiêng Phan và Pha Nốp vào cho Tiểu đoàn 968 thi công tuyến từ ngã ba Lằng Khằng xuống Ka Vát. Đồng chí Mai Văn Tiếu - tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 968 nhanh chóng tổ chức cho anh em thi công tuyến ống tránh trọng điểm Xiêng Phan và Pha Nốp.

Tuyến thi công của Tiểu đoàn 968 có nhiều trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt. Suốt ngày đêm hầu như bầu trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Rừng núi, lòng khe liên tục chớp lửa và rung lên bởi những trận bom rải thảm của B.52. Cuộc đấu trí giữa ta và địch diễn ra hết sức căng thẳng. Địch cứ đánh, ta cứ tìm cách làm. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 968 anh dũng bám sát trận địa thi công, bằng nhiều biện pháp thi công và nhiều thủ đoạn nghi binh đánh lừa địch nên tuyến đường ống phát triển theo đúng tiến độ. Có nhiều đoạn, xe không tập kết ống vào được thì dùng sức người để khắc phục đưa ống, máy và vật tư vào tuyến. Những câu hò động viên của các chiến sĩ văn nghệ làm tăng thêm nghị lực cho bộ đội thi công:

      “... Trăm tấn sắt trên vai chiến sĩ
      Vượt băng qua đỉnh đá tai mèo
      Tiếng hò át tiếng bom reo
      Mấy sông cũng vượt, mấy đèo cũng qua...".


Và điều mừng nhất là ngày 3 tháng 3 năm 1969, tuyến đường ống từ Vinh vào Cổng Trời vượt Trường Sơn đến Ka Vát, dài 350 kilômét đã được nối thông. Đến ngày 9 tháng 3 năm 1969, bốn tiểu đoàn đường ống lần đầu tiên vận hành thông suốt từ hậu phương miền Bắc vào đến kho Ka Vát, bảo đảm xăng dầu kịp thời cho Đoàn 559 tiếp tục "Tổng công kích" đợt 2 trong mùa khô 1968-1969. Và cũng từ đây các binh trạm 31, 32 không phải lui cung vượt qua các trọng điểm để lấy xăng nữa.

Tuyến đường ống đầu tiên vượt Trường Sơn là như thế. Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:14:11 am »


NHỚ LẠI CÔNG TÁC KỸ THUẬT TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG ỐNG DÂN DẦU TRƯỜNG SƠN
Thiếu tướng HỒ SỸ HẬU
Nguyên Phó ban Thiết kế thi công Cục Xăng dầu 559

Tuyến vận tải 559 là một huyền thoại về sự chịu đựng gian khổ, ác liệt và sự sáng tạo của con người trước bom đạn Mỹ, trước những cơn sốt rét rừng và thời tiết khí hậu vô cùng khắc nghiệt của Trường Sơn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên Tuyến 559, dù là công binh làm đường, đảm bảo giao thông, phòng không, thông tin, vận tải đường sông, đường ống, giao liên... đều tỏ rõ bản lĩnh của mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Tháng 5 năm 1968, 13 kỹ sư khóa 9 của các trường đại học Bách khoa, Xây dựng và Mỏ địa chất được gọi nhập ngũ, bổ sung cho tuyến lửa miền Trung, xây dựng đường ống dẫn dầu và chỉ cuối năm đó, phần lớn trong số họ đã vượt đèo Mụ Giạ vào chiến trường 559. Tuy là kỹ sư vừa tốt nghiệp nhưng cuộc chiến tranh ác liệt đã nhanh chóng tôi luyện họ thành những người dạn dày kinh nghiệm, sáng tạo và không khuất phục trước bất kỳ trở lực nào. Bây giờ mỗi khi nhớ lại cái thời trai trẻ ấy, chúng tôi vẫn cảm thấy tự hào về những việc mình đã làm, gian khổ, ác liệt nhưng nặng nghĩa tình đồng đội...

Có một nhà báo nào đó đã nói: Nếu gọi Đường mòn Hồ Chí Minh là huyền thoại thì đường ống dẫn dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó. Tôi thì không dám nghĩ như vậy, bởi ai đã một lần sống trong tuyến lửa này mới thấm thía sự hy sinh của những chàng trai, cô gái trên mọi vị trí của cuộc chiến đấu. Nhưng có một điều không thể phủ nhận được là đường ống xăng dầu Trường Sơn đã được xây dựng nên từ mồ hôi, xương máu và ý chí của hàng ngàn vạn con người.

Những người cán bộ khảo sát tuyến đường đầu tiên của đơn vị đi tìm và mở tuyến. Chúng tôi thường đi cắt rừng theo phương vị hoặc men theo dòng suối, vượt đỉnh núi theo phân thủy. Những người lính khảo sát phải vượt qua bao núi cao, suối lũ, vượt qua những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Có khi những cơn sốt rét kéo đến giữa lúc cả toán đi trên đỉnh núi cheo leo, cõng hoặc cáng không được, đành dừng lại, đắp khăn ướt lên trán, uống mấy viên thuốc cho hạ sốt rồi cố dìu nhau đi tiếp, ai không thể đi được thì phải gửi lại một đơn vị dọc đường. Có một lần, trên tuyến K7-K8, tôi lên cơn sốt cao quá, bạn bè đã mang giúp súng, gạo, tôi chỉ còn khoác ba lô, vậy mà bước chân vẫn run rẩy. Cho đến khi mắt hoa lên, tôi ngã rơi xuống vách đá. May mà giữa rừng già, cây cối rậm rạp nên tôi rơi lên một cây bống báng (loại cây gần giống cây dừa), đồng đội lại lần xuống, dìu lên. Một lần khác, khi tìm tuyến tránh, lên đỉnh 900 chúng tôi phải vượt qua bãi bom B.52 mà địch mới đánh ngày hôm trước, chỉ còn lại những gốc cây bị bom địch chặt ngang tơ tướp trơ lại trên sườn dốc 60 độ, với đất bột và đá nát vụn. Chúng tôi bám vào những gốc cây đó mà đi, chỉ cần tuột tay là lăn xuống vực. Ở dưới đấy, dòng suối đục ngầu trông chỉ còn nhỏ như sợi chỉ. Ra đến giữa bãi bom, khi tôi bám vào một gốc cây, bỗng cái "gốc cây" ấy bật lên. Đó thực ra chỉ là một khúc gỗ bị bom chặt hai đầu, rồi cắm xuống lớp đất bột, trông như cái cây thật, thế là tôi lăn trước, thanh gỗ lao theo sau. Cậu Đốc đi cùng thấy thế hét lên: "Anh Hậu! Cẩn thận cây gỗ". Trong phản xạ tuyệt vọng, tôi quờ tay nắm lấy bất kỳ cái gì có thể nắm được và Trời phật đã phù hộ cho tôi, tôi bám vào được sợi dây song chưa bị đứt. Tôi cố né sang một bên, cây gỗ đâm thẳng bao gạo tôi đeo trên lưng, gạo bắn tung tóe, thế là nó đổi hướng, lăn xuống đến tận đáy vực.

Những chuyến đi gian truân như vậy, tất cả chúng tôi ngày ấy hầu như ai cũng hơn một lần nếm trải. Trận bom B.52 nặng nề nhất mà công trường 18B phải chịu đựng là ở suối Ra Vơ đường 18. Hôm ấy, các đại đội của Tiểu đoàn 37 đang nối đuôi nhau vác ống, cùng đoàn cán bộ của công trường đang hành quân vào vị trí tiền phương thì bom B.52 đánh vào giữa đội hình, trên 70 đồng chí hy sinh và bị thương. Đào Quang Nghiêm, vốn là kỹ sư cơ khí đã xông pha trong khói lửa cứu đồng đội. Khi nhận bằng khen về thành tích này, anh không dám gửi về nhà vì anh là con một, sợ mẹ lo. Võ Thủ Thành (kỹ sư cơ khí) bao ngày nằm hầm bám trụ ở nơi ác liệt nhất của trọng điểm Ra Vơ, đèo 900 tuyến cửa khẩu đường 18. Nguyễn Hữu Dư (kỹ sư trắc địa) sau một trận B.52, đã một mình vượt qua mưa lũ, bão rừng, tìm về đơn vị...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:14:38 am »


Cán bộ kỹ thuật đường ống Trường Sơn thường là những người đầu tiên nếm trải sự ác liệt của mỗi tuyến. Các anh Sơn, Lạc, Cát, Lành đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Hầu hết các kỹ sư đều ít nhiều thương tích trong những trận bom, hoặc tai nạn bất ngờ khi khảo sát, thi công, vận hành. Kỷ niệm đau lòng nhất còn lại trong tôi là cái chết của anh Quy, một cán bộ kỹ thuật người Thanh Hóa, Trạm trưởng trạm bơm ở Ka Tần. Khi phát hiện bom địch đánh đứt tuyến, anh lao ra nối ống, khi đang thao tác thì một dòng xăng trong ống bất ngờ phun ra, tưới khắp người, xăng ngập đầy cái vũng anh đứng. Và chính lúc ấy, một loạt bom giội tiếp, nơi anh đứng trở thành biển lửa. Đồng đội chỉ kịp nhìn thấy mà không sao cứu được.

Lần đầu tiên tôi chôn cất đồng đội là trong đợt khảo sát tuyến cửa khẩu đường 18, bốn anh em: Sơn, Lạc, Diệu, Hậu ngủ lại trong 1 "nhà âu" ai đó đã đào sẵn. Khoảng 9 giờ tối, chúng tôi bị "dính" bom tọa độ. Một quả bom nổ trên ngọn cây ngay gần chỗ chúng tôi nằm. Dứt loạt bom, nghe tiếng Lạc thảng thốt: "Các anh ơi, em bị rồi". Dưới ánh đèn pin, chúng tôi nhận ra cái đùi của nó giập nát, thịt văng vung vãi khắp sạp nằm, chúng tôi bắn 3 phát súng báo hiệu, rồi cáng Lạc đến trạm xá. Nhưng đến nửa đêm thì Lạc hy sinh vì choáng và mất máu. Cả Diệu và anh Sơn đều bị thương phải đưa đi trạm xá nên tôi ở lại với Lạc trong một cái lán giữa rừng. Mệt quá, tôi thiếp đi đến tận 8 giờ sáng hôm sau. Lũ vẫn vây hết mọi ngả đường nên trong cái lán nhỏ vẫn chỉ có một mình tôi. Tôi vuốt mắt cho Lạc và khâm liệm cho nó. Thương quá, cậu bé 19 tuổi, lúc nào môi cũng đỏ như son, da trắng, mắt sáng long lanh, anh em thường bắt nó đóng vai con gái trong các vở kịch. Mới đêm qua còn ríu rít, mà bây giờ nó đã mãi mãi ra đi. Tôi vừa khâm liệm vừa khóc. Đến trưa, khi nước suối rút, mấy anh lính công binh đến giúp tôi chôn cất Lạc, thấy tôi khóc nhiều quá, một anh hỏi:

- Liệt sĩ là thế nào với anh?

- Là đồng đội.

- Thôi đừng khóc nữa. Đồng đội chúng mình ngày nào chẳng có người hy sinh. Cứ mỗi lần thế lại có nước mắt thì còn đánh đấm gì.

Tôi gật gật đồng tình mà vẫn không ghìm được tiếng nấc. Mấy tuần sau tôi trở lại thăm mộ Lạc, thì nơi ấy đã là một bãi bom B.52, chẳng còn lại một dấu vết nào của ngôi mộ. Tôi bùi ngùi nghĩ đến bố mẹ em ở quê nhà, sẽ chẳng bao giờ các cụ thấy được hài cốt đứa con trai yêu quý của mình.

Trong gian khổ, ác liệt như vậy, nghĩa tình đồng đội là chất keo gắn kết chúng tôi thành một khối để vượt qua hiểm nguy. Tuổi trẻ chiến trường coi cái chết nhẹ nhàng. Thung lũng Pha Băng Nưa mùa khô năm 1970-1971 dài gần 10 kilômét có 3 tuyến vận tải: đường ô tô, đường ống, đường sông đã trở thành trọng điểm vô cùng ác liệt. Hết B.52 lại máy bay bổ nhào, hết bổ nhào đến tọa độ. Một lần, Trung đoàn có lệnh cần một kỹ sư ra tuyến để xử lý kỹ thuật, Đào Quang Nghiêm theo dõi việc này hăm hở lên đường. Mấy anh em ngăn lại "mày ở nhà, để chúng tao đi, vì mày là con độc nhất. Tuyến ác liệt lắm, chúng tao đứa nào cũng dăm ba anh em, có làm sao thì nhà vẫn còn người".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:15:03 am »


Lần chúng tôi đi khảo sát qua đỉnh 911 của tuyến cửa khẩu đường 18, giữa rừng âm u, bỗng thấy đất rung chuyển vì bom B.52. Cứ mỗi đợt lại thấy bom gần hơn. Và khi ấy đất văng lên đến chỗ chúng tôi đang đứng thì cảm thấy cái chết đã gần kề, vì quanh đấy chẳng có cái hố nào để ẩn nấp. Cả tổ nhìn nhau: chưa đứa nào có vợ. Thế là mấy đứa tếu táo hỏi nhau, té ra đứa may nhất là đã được hôn người yêu, còn có đứa chưa một lần nắm tay con gái, rồi cười rúc rích "chết bây giờ kể cũng tiếc nhỉ"...

Tôi nhớ lần đầu tiên nhận nhiệm vụ chỉ huy là dẫn đầu một tổ khảo sát tuyến dọc theo nền đường sắt cũ ở Quảng Bình. Khi trời chạng vạng tối, chúng tôi mắc võng lại bên một dòng suối. Sáng hôm sau, mở mắt ra, cả tổ sững người: bốn xung quanh là bom từ trường. Không hiểu sao chúng tôi mang lỉnh kỉnh máy móc, súng ống mà đêm qua không có quả bom nào nổ.

Năm ấy tôi 22 tuổi, Dư là kỹ sư 25 tuổi, còn lại đều là những công nhân trắc địa, ít thì 27-28, nhiều thì 35-40 tuổi. Trong cơn hoảng loạn, một anh túm cổ áo tôi nói: ''Thằng nhóc, mày dẫn chúng tao vào chỗ chết à?". Tôi trả lời: "Đã chết thì chết cả chứ riêng gì anh. Phải nghĩ cách, chứ làm như anh thì giải quyết được gì?".

Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu sao lúc đó mình lại nghĩ ra sáng kiến mời mấy đồng chí đảng viên lại và nói: - "Tôi là người phụ trách, còn các anh là đảng viên, lúc này các anh phải cùng chúng tôi nghĩ ra cách thoát ra khỏi vòng nguy hiểm. Tôi đề nghị: không thể bỏ súng và máy lại được. Có thể những thứ chúng ta mang theo chưa đủ kích cho bom nổ, do đó tôi và các đồng chí đảng viên mang máy và súng đi trước, những thứ không phải sắt thép thì anh em mang theo sau. Đi giữ cự ly để nếu bị hy sinh thì chỉ bị một vài người". Vậy là chúng tôi đã lần lượt từng người thoát ra khỏi cái bãi bom chết người ấy, thoát ra rồi, cả bọn lôi thuốc ra khao nhau, cảm ơn Trời phật đã phù hộ...

Năm 1969, đoạn tuyến ống trên đường 18 vượt Trường Sơn qua đỉnh 900 cứ lắp xong chưa vận hành đã bị đánh. Tìm tuyến tránh khác, có khi mới phát tuyến xong đã bị B.52 rải thảm. Thương vong cộng với sốt rét đã làm vơi hẳn quân số công trường, nhất là Tiểu đoàn 668, đơn vị trực tiếp thi công và quản lý đoạn tuyến này. Đã có người cảm thấy bế tắc, thậm chí nản lòng. Riêng tốp cán bộ kỹ thuật vẫn quyết tâm không chịu bó tay. Chúng tôi phân chọn đỉnh 911 mét, đỉnh cao nhất khu vực ấy, chắc chắn địch sẽ bị bất ngờ vì chúng cho rằng đường ống dẫn dầu không thể bò qua đó được. Tính toán và thấy các yếu tố kỹ thuật cho phép, chúng tôi đề nghị với Ban chỉ huy Công trường 18B và được chấp nhận.

Trong chiến trường ác liệt, chúng tôi luôn được những người chỉ huy yêu thương, tận tình giúp đỡ.

Mùa khô 1970-1971 các đoạn tuyến ống của chúng tôi từ kho đầu nguồn ở Quảng Bình vào đến Nam đường 9 đều bị đánh phá ác liệt, ống bị đánh đứt, xăng chảy, nhiều đồng chí hy sinh. Có những đoạn chỉ huy ta mới có ý định vạch tuyến thì địch đã cho B.52 cày đi xới lại. Bom đạn, sốt rét đã làm vợi quân số các tiểu đoàn. Các tổ khảo sát tuyến cũng có những đồng chí hy sinh khi làm nhiệm vụ. Chính trong hoàn cảnh gian khổ ác liệt ấy, tôi thầm hiểu được tình đồng đội sâu sắc của nhũng người chỉ huy như anh Mai Trọng Phước, Trung đoàn trưởng 592. Dù nhiều đêm thức trắng vì công việc, anh vẫn có mặt ở những nơi ác liệt để động viên anh chị em cán bộ, chiến sĩ, thăm hỏi thương binh. Tôi nhớ mãi buổi sáng khi tổ khảo sát tuyến của chúng tôi ra đến cổng cơ quan thì anh Phước gọi lại. Anh đang lên cơn sốt rét, nhưng vẫn chống gậy ra gặp chúng tôi. Anh đưa cho chúng tôi hai lọ sâm viên, loại thuốc chỉ phát cho cán bộ trung đoàn trở lên, anh nói: "Chuyến đi này vất vả và ác liệt lắm, các cậu hãy cố gắng. Đứa nào mệt quá thì ngậm viên thuốc này mà lấy sức". Nhìn nước da tái xám, vẻ mặt hốc hác vì ốm, vì lo nghĩ công việc của anh mà tổ khảo sát của tôi lặng đi vì xúc động. Chuyến khảo sát ấy, mặc dù phải vượt qua những trận B.52 ác liệt, và phải gửi lại hai đồng chí ở một bản ven đường do bị sốt rét ác tính, nhưng chúng tôi đã chọn đúng một tuyến mà kẻ địch không ngờ tới. Trung đoàn đã đưa xăng vượt qua đoạn cửa khẩu ác liệt nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:15:21 am »


Một kỷ niệm tương tự như vậy ở Trung đoàn 532. Mùa khô năm 1971-1972 là mùa khô gian khổ nhất của Trung đoàn đường ống này. Đặc biệt là đói và sự tác quái của máy bay AC.130. Các đồng chí chỉ huy trung đoàn quan tâm đến tiểu ban kỹ thuật không những vì chúng tôi phải đi đầu trong gian khổ khó khăn khi mở tuyến, mà còn vì những hiệu quả mà chúng tôi mang lại. Tình thương ấy nhiều khi thật ấm áp như anh em ruột thịt. Một lần, khi tôi khoác ba lô lên đường khảo sát, anh Nguyễn Tuấn, Trung đoàn trưởng gọi lại.

- Cứ lủi thủi mấy đứa chui trong rừng có buồn không?

- Dạ, chúng tôi quen rồi thủ trưởng ạ!

- Đây, mình có cái ácmônica, cho cậu, lúc nào buồn thì thổi cho vui. Còn cái mũ của cậu tàng quá rồi, lấy mũ của mình mà đội. - Nói rồi anh đưa cho tôi cái mũ và cái kèn ácmônica mà tối tối tôi thường thấy anh ngồi dựa cửa thổi những bài ca tiền chiến. Tôi đắn đo quá:

- Báo cáo thủ trưởng...

- Không sao - Anh mỉm cười - Tối buồn thì mình nghe đài và đi các bộ phận chơi, còn cái mũ, mình là Trung đoàn trưởng, đội mũ của cậu thì nhất định quân nhu sẽ phải đổi cho ngay đấy mà.

Anh Tuấn là học sinh trường Anbe Xarô - thư sinh Hà Thành "chính hiệu". Bóng bàn, văn nghệ đều "một cây". Giữa rừng Trường Sơn, cái kèn gắn bó với anh lắm, bởi vậy, tôi rất hiểu tình cảm sâu nặng của anh với chúng tôi. Cái kèn ấy theo tôi đi hết cuộc chiến tranh, rồi hòa bình, cho đến khi cậu con trai tôi lên 7, 8 tuổi nó vẫn thổi cái kèn ấy. Một cái kèn mà trong âm thanh của nó luôn gợi cho tôi một thời gian khổ với nghĩa tình ấm áp biết nhường nào.

Đường ống dẫn dầu là một phương tiện vận tải hiện đại. Bởi vậy, những người chỉ huy luôn khuyến khích chúng tôi phát huy sáng kiến, làm chỗ dựa cho chúng tôi trước các quan điểm bảo thủ, ngại khó. Anh Mai Trọng Phước và anh Đặng Thế Hải, thủ trưởng Trung đoàn 592 đã tạo điều kiện cho Đào Quang Nghiêm và tiểu ban kỹ thuật thực hiện thành công việc "phát hiện sự cố từ xa" trong nhiều tình huống. Các anh sẵn sàng ra lệnh cho các tiểu đoàn thực hiện đúng các yêu cầu táo bạo của các kỹ sư khi phải thi công vận hành trong điều kiện ác liệt. Anh Nguyễn Tuấn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 532 trong những đợt vận hành khó khăn, thường trực tiếp chỉ huy và yêu cầu tôi ngồi bên cạnh: "Cậu đề xuất, tớ ra lệnh", và anh rất tôn trọng những đề xuất của chúng tôi, nhất là khi tuyến bị đánh phá dữ dội. Anh Trần Danh Hòa, Cục phó Cục Xăng dầu và anh Hồ Tuấn Mạnh, Trung đoàn 537 đã tạo mọi điều kiện giúp chúng tôi thực hiện thành công phương án treo ống vượt sông Sê Rê Pôc vào mùa khô năm 1974-1975.

Như vậy, khi nói tới những người kỹ sư trên tuyến ống Trường Sơn, trước hết phải khẳng định chúng tôi là những người lính chịu đựng gian khổ, chấp nhận hy sinh, sống giữa tình đồng đội và sự yêu thương giúp đỡ của những người lãnh đạo thân thiết như anh em một nhà. Từ môi trường ấy, chúng tôi mới có thể làm được những việc có ích cho tuyến đường ống thân yêu của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:00:10 pm »


XÂY DỰNG TUYẾN ỐNG "CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN”

Xây dựng tuyến gồm khảo sát, thiết kế và thi công.

Những thành công đáng kể nhất của cán bộ khảo sát trên tuyến ông dẫn dầu Trường Sơn trước hết là việc chọn tuyến, đặc biệt là ở những khu vực địch cày đi xới lại, phải tìm tuyến tránh. Có những phương án xây dựng tuyến thật táo bạo khiến cho kẻ địch hoàn toàn bất ngờ như tuyến vượt qua bình độ 900, sườn của cao điểm 1001, hay tuyến tây sông Sê Băng Hiêng, mà ở đó có tấm gương quên mình cao cả của trung sĩ Nguyễn Lương Định.

Trên tuyến đường 14B có một tình thế, nếu đặt phía trên đường ô tô thì khi tuyến bị đứt, xăng có thể tràn xuống, ngăn đường xe đi, ngược lại, nếu đặt phía ta luy âm, thì khi nổ mìn bảo đảm giao thông, ống sẽ bị hỏng. Cục Tham mưu vận chuyển yêu cầu chúng tôi phải tìm một phương án nào có thể tận dụng cơ giới cao nhất cho thi công, nhưng không được ảnh hưởng lẫn nhau giữa đường ô tô và đường ống. Bằng kinh nghiệm của mình chúng tôi đã chọn được tuyến đi bên kia sông, nhưng phải dùng máy húc thả máy bơm, theo một triền dốc rất mạo hiểm. Nhìn chiếc máy húc nhích từng bước chênh vênh, chúng tôi như nghẹt thở vì lo. Nếu không may máy lăn xuống vực thì không chỉ mất máy, hy sinh người mà tiến độ phải chậm lại hàng tháng, ảnh hưởng đến chiến dịch. Khi máy bơm yên vị theo thiết kế, anh Nguyễn Khỏa, Cục phó Cục Tham mưu vận chuyển bắt tay tôi rất chặt: "Các cậu đã cứu nguy một bàn thua trông thấy".

Cái sự đo đạc của mấy anh lính khảo sát cũng thật đáng nói. Từ nhà trường ra đi, chúng tôi yêu cầu phải có máy kinh vĩ, mia và lỉnh kỉnh đủ thứ đồ nghề trắc địa. Nhưng chỉ chớm vào đoạn tuyến đầu tiên trong rừng, chúng tôi hiểu ngay rằng những thứ "chính quy lý thuyết" ấy là bất lực với yêu cầu thời gian và phức tạp của địa hình. Chúng tôi chuyển sang đo chiều dài bằng dây, xác định chênh cao bằng thước đo độ có buộc một dây dọi, rồi tính bằng hàm số lượng giác. Khi vào sâu trong Trường Sơn, cả thước đo độ và bảng tra lượng giác đều không còn, chúng tôi tính độ dài theo tuyến vẽ trên bản đồ và độ cao thì dựa vào đường bình độ. Nhưng hiềm một nỗi, nhiều đoạn tuyến đi qua núi đá không có đường bình độ, hoặc một số khu vực, bản đồ gần như trắng. Chỉ có những nét thể hiện sống núi, chẳng có bình độ, chỉ có vài địa danh hết sức sơ sài. Những chỗ ấy xác định độ cao sao đây để lên được trắc dọc của tuyến? Đành phải áp dụng một giải pháp mà tôi gọi là "đếm bước chênh cao". Đường Trường Sơn thường có bậc, có thang, nhưng cũng có đoạn chỉ thuần túy là dốc. Để làm việc "đo" độ chênh cao, trước hết phải tập ước lượng: những bậc cao kiểu này là chênh 20 centimét, kiểu kia là 30 centimét. Đường dốc mà không có bậc thì phải ước lượng chênh cao qua từng bước đi. Khi ước lượng quen rồi là vừa đếm theo kiểu cộng dồn, lên một bước thì cộng thêm, xuống một bước thì trừ bớt đi. Rồi cuối cùng mặt cắt cũng được vẽ ra và tuyến ống vận hành vẫn như mong muốn, cũng may là cái máy PNU 35/70 bơm khỏe nên nó "chấp nhận" được cái "phát minh" bất đắc dĩ ấy.

Tuyến đường ống Trường Sơn dài hàng ngàn kilômét, mỗi kilômét đều thấm mồ hôi, gian truân của người lính khảo sát. Trong đó, có công lớn của kỹ sư Nguyễn Hữu Dư, người đã có mặt trên hầu hết các tuyến từ Đông Trường Sơn đến tận Bù Gia Mập.

Tham gia khảo sát tuyến, không chỉ là kỹ sư trắc địa, mà các kỹ sư cơ khí, điện như Đào Quang Nghiêm, Nguyễn Phúc Môn, Dương Ngọc Văn... đều phải nhập cuộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:01:51 pm »


Khảo sát dù khó khăn, nhưng lên được cái trắc ngang, trắc dọc là nghề của chúng tôi, đến khi phải thiết kế thì sự khó khăn mới thực sự xuất hiện. Hầu như cả tốp kỹ sư chúng tôi vào 559 (Nguyễn Văn Tạo, Trần Thanh Minh, Võ Thủ Thành, Đào Quang Nghiêm, Lê Sơn - Kỹ sư cơ khí; Nguyễn Phúc Môn, Hồ Sĩ Hậu, Phan Văn Hợi, Nguyễn Xuân Diệu - kỹ sư trắc địa...) đều không được học về thiết kế thủy lực. Trước khi vào tuyến lửa Khu 4, chúng tôi được đưa đến một lớp huấn luyện mấy ngày do các chuyên gia Liên Xô dạy. Họ giới thiệu: đây là cái ống, đây là cái van, cái T, cái cút... còn đây là máy PNU 35/70, MPG60... Các chuyên gia dạy chúng tôi cách lắp ống, lắp máy; dạy các kỹ sư cơ khí vận hành máy và một vài công thức thiết kế đơn giản, ví dụ: số trạm bơm bằng chiều dài tuyến chia cho quãng đường mà mỗi trạm bơm có thể đảm nhiệm được. Khi chọn tuyến phải nhớ phương châm: ngắn (chọn phạm vi ngắn nhất trong phạm vi có thể), gần (gần nơi có thể tập kết vật tư), tránh (tránh nơi gần địch đóng quân và các trọng điểm đánh phá của chúng), kín (ngụy trang tuyến hoặc đưa tuyến đi trong rừng). Hành trang kiến thức của chúng tôi khi lên đường chỉ có vậy. Bắt đầu từ tuyến 18, cán bộ kỹ thuật chỉ toàn mấy đứa mới ra trường. Anh Lê Tử Kỳ, kiến trúc sư, người đi học bổ túc xăng dầu ở Liên Xô về, là kỹ thuật đầu đàn của bọn tôi. Anh cầm theo được một cuốn thiết kế đường ống dã chiến bằng tiếng Nga. Đó là cuốn sách duy nhất để chúng tôi nghiên cứu mỗi khi bế tắc. Cho đến khi thành lập Trung đoàn 592 thì có kiến thức và kinh nghiệm gì, chúng tôi cố vận dụng bằng hết. Hồi đó, nếu có ai mang vào cho một cuốn nội san "Kỹ thuật xăng dầu" của Cục Xăng dầu - Tổng cục Hậu cần là chúng tôi cám ơn lắm và cố khai thác tối đa những gì trong đó cho công việc của mình.

Ngày nay, các kỹ sư trẻ luôn ngồi trước những chiếc máy vi tính hiện đại, chắc không thể tưởng tượng được nỗi thiếu thốn của chúng tôi hồi đó. Lúc đầu có giấy kẻ ly và bút chuyên để vẽ trắc ngang, trắc dọc. Chỉ ít tháng sau khi qua đỉnh Trường Sơn là thấy thiếu đủ thứ. Trắc dọc được vẽ trên những tờ giấy "năm hào hai" dán nối với nhau, thậm chí là những tờ giấy nứa đen, xù xì. Khổ nhất là khi phải tra hàm số lượng giác, trong tay không có bảng tra, không có thước lôgarit, chúng tôi phải triển khai thành chuỗi số để tính. Các hàm số lũy thừa, giai thừa đều cầm bút mà tính qua các phép nhân chia bằng tay, mất nhiều thời gian lắm.

Địa hình Trường Sơn trùng điệp. Tuyến ống hết trên đỉnh núi lại xuống vực sâu. Suốt quá trình vận hành, địch đánh phá liên tục và hết sức ác liệt, phải thay đổi tuyến liên tục. Điều kiện ấy đã làm đảo lộn rất nhiều điều trong sách vở. Trước hết là cái van điều chỉnh áp suất (thiết bị dùng để hạ bớt áp suất trên tuyến nhằm bảo vệ ống) bị loại khỏi danh mục vật tư đường ống Trường Sơn ngay từ tuyến cửa khẩu đường 18 năm 1969. Lúc đầu có một chiếc van điều chỉnh áp suất ở sườn phía nam đèo 900, nhưng khi ống phải vượt đèo 1001 ngay sau đó thì phải tháo nó đi, vì không có cách nào đưa được máy bơm vào chân đèo 1001. Việc tháo bỏ chiếc van điều chỉnh áp suất này đã làm cho điểm sâu nhất ở thung lũng giữa đỉnh 900 và 1001 có áp suất cao. Theo tính toán của chúng tôi thì nó luôn khoảng 30 đến 35 KG/cm2. Mấy ngày vận hành thử nước, ống ở đây vỡ liên tục. Lúc đầu chúng tôi rất lo, nhưng sau tìm ra được một cái que mắc trong ống, lại chọn kỹ vật tư lắp ở đoạn này, thì tuyến dần dần ổn định. Từ đây, trên tuyến ống Trường Sơn xuất hiện thuật ngữ "điểm xung" là điểm luôn chịu áp suất cao gần với giới hạn cho phép của ống.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 11:02:50 pm »


Năm 1971, trạm bơm trong hang Bản Cọ bị trúng tên lửa của địch. Thời gian không cho phép chờ máy bơm từ hậu phương đưa vào. Thế là chúng tôi phải tính đến khả năng vượt trạm. Thật may quá, dịp ấy có ai đó đã đưa vào cho chúng tôi một cuốn tạp chí Kỹ thuật xăng dầu, trong đó có bài của tác giả Raskazov viết về vấn đề này. Chúng tôi đã vận dụng nó để tính toán bơm vượt trạm. Phương pháp tính của chúng tôi chỉ khác của Raskazov ở chỗ: ông khống chế giới hạn áp suất ở ngay cửa ra của máy bơm. Còn tuyến Trường Sơn khống chế áp suất tại "điểm xung" và kết quả là chúng tôi đã ứng dụng bơm vượt trạm thành công.

Để hạn chế thiệt hại khi bị đánh đứt tuyến, việc thiết kế các "cửa van" là vấn đề rất được quan tâm. Trên tuyến ống Trường Sơn, mỗi cửa van hai chiều và một cái đồng hồ đo áp suất, do một tổ canh gác khi vận hành. Số đo của các đồng hồ áp suất là thông số rất quan trọng để xác minh vị trí xảy ra sự cố trong vận hành. Bởi vậy khi thiết kế vị trí của các cửa van được chọn rất cẩn thận, không chỉ căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật, mà cả yêu cầu chiến thuật.

Thiết kế tự chảy cũng là một sự sáng tạo nảy ra từ chính cái khó của địa hình. Các kho trên tuyến ống Trường Sơn nói chung đều được thiết kế xuất nhập độc lập. Nhờ đó chúng có thể vừa vận hành, vừa tự chảy đến một bãi cấp phát cách đó vài ba kilômét. Bằng cách này, nếu bãi cấp phát bị lộ thì kho vẫn an toàn. Các bãi cấp thường là nơi tập kết nhiều xe. Nếu tính thời gian giải phóng xe không sát, để ùn tắc khi bị lộ máy bay địch đánh sẽ thương vong và thiệt hại khôn lường. Công thức tự chảy là một hàm phi tuyến, dụng cụ tính toán chúng tôi lại không có, bởi vậy tính toán mất thời gian lắm. Thế là một lần ra Hà Nội, tôi phải đi lùng sách, hỏi thêm bạn bè, và lập được một toán đồ tính tự chảy, nhờ đó, khi thiết kế thuận lợi hơn nhiều, thậm chí có thể đưa cho cán bộ tiểu đoàn, đại đội tự tính nếu họ phải lập một cái kho cấp phát tự chảy mà chúng tôi không đến được.

Thiết kế ống treo vượt sông Sê Rê Pốc là một kỷ niệm khó quên trong đời làm kỹ sư của tôi. Đó là mùa khô năm 1974-1975, chúng ta đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc Tống tiến công mùa Xuân 1975, nhu cầu xăng dầu cho chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ rất lớn vậy mà bơm mấy ngày, xăng trên tuyến của Trung đoàn 537 vẫn không qua được bờ nam sông Sê Rê Pốc. Bằng một số biện pháp kỹ thuật, chúng tôi tìm được nguyên nhân: do nước sông chảy xiết quá, ống đập vào đá ngầm ở đáy sông chỉ sau một giờ đồng hồ là bị thủng. Tuy nhiên, do nước xiết, nên sau khi qua khúc ngoặt của sông cách chỗ vượt về phía hạ lưu chừng 500 mét, xăng mới nổi lên mặt nước. Trước đó, Trung đoàn 537 đã không nghĩ tới khả năng này, không kiểm tra dọc sông nên không phát hiện được.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM