Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:02:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42876 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 07:19:15 am »


Ngày 10 tháng 1 năm 1972 tôi đến Binh trạm 45 nắm tình hình xe đi thẳng, báo cáo về Bộ Tư lệnh những khó khăn gặp phải, sau đó đến làm việc với Binh trạm 34. Tư tưởng của các cán bộ chỉ huy Binh trạm quá ỷ lại vào đường kín, bỏ lỏng đường 128, khi đường kín bị tắc thì không xoay chuyển kịp. Tôi họp với Ban chỉ huy Binh trạm bàn biện pháp tổ chức bảo đảm đường 128, sử dụng cả hai đường 128 và 24, khi địch chặn đường này thì ta đi đường kia một đường đi chính, một đường nghi binh.

Các Binh trạm 33, 34, 39 gặp khó khăn, Bộ Tư lệnh 559 phải cử các đồng chí có năng lực và quyết tâm gồm: Nguyễn Việt Phương - Phó tư lệnh, Phan Hữu Đại - Phó chính ủy, Hoàng Trá - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 472 xuống trực tiếp làm Binh trạm trưởng. Binh trạm 32 chủ lực của Sư đoàn 472 có đồng chí Bùi Thế Tâm - Chính ủy Binh trạm 14 vào làm Binh trạm trưởng.

Ngày 18 đến 24 tháng 1 năm 1972, tôi xuống làm việc với đồng chí Nguyễn Tuấn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn đường ống 532 và đồng chí Liễu Văn Thắng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 công binh về việc xúc tiến đẩy mạnh tốc độ xây dựng đường ống xuống Bạc, gấp rút tạo hai trục đường kín và biện pháp ngụy trang các đoạn hở trên đường kín. Các đơn vị động viên bộ đội đẩy mạnh thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật tăng năng suất.

Để chuẩn bị cho việc vận chuyển quy mô lớn, Bộ Tư lệnh quyết định chuyển Đoàn 30 bảo đảm giao thông thành một binh trạm hoàn chỉnh, tạo mũi đột kích trên đường 24, kiến thiết và mở rộng khu bàn đạp KG4, D1, hợp lý hóa hệ thống đường ra vào kho và bố trí kho thuận tiện cho việc bốc xếp hàng hóa, giải phóng xe nhanh, chấn chỉnh công tác chỉ huy và bảo đảm giao thông. Tổ chức hội nghị chuyên đề về tác chiến phòng không, tập trung bàn biện pháp đối phó với AC.130 cả cách đánh, phòng tránh và nghi binh.

Ngày 25 tháng 1 năm 1972 Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào 472 thông báo ý định chuẩn bị kế hoạch Tổng công kích sau khi kết thúc chiến dịch Bình Giã, giao nhiệm vụ cho tôi vào Binh trạm 46 truyền đạt kế hoạch cho hai trung đoàn xe 11, 13 và hiệp đồng với 471. Ở khu vực các binh trạm 35, 37, 38 địch đánh phá ác liệt. Trong đợt địch đánh phá này đồng chí Nguyễn Tam Anh - Phó chính ủy 471 và đồng chí Trương Bình Khiêm - Binh trạm trưởng 37 hy sinh.

Ngày 30 tháng 1 năm 1972 tôi đến Binh trạm 46 làm việc với đồng chí Hồ Quang Trung - Phó tư lệnh 471 và đồng chí Phạm Đức Tầm - Binh trạm trưởng 46. Các đồng chí đang chỉ huy đơn vị tập trung lực lượng bảo đảm cho các đoàn xe vượt Bạc trong lúc mực nước ngầm còn cao, trong đó có đoàn xe của đồng chí Mười Bị hậu cần B2 đi thẳng từ Bắc vào Nam Bộ. Các đoàn xe đều vượt sông Bạc an toàn.

Ngày 4 tháng 2 tôi được lệnh ra ngay Binh trạm 45 gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Đồng chí giao nhiệm vụ cho tôi kiêm Tư lệnh 472, đồng chí Ngô Huy Biên về cơ quan Bộ Tư lệnh. Sau khi trao đổi công việc với chúng tôi, đồng chí Tư lệnh trở về sở chỉ huy cơ bản. Ngày 6 tháng 2 thường vụ và Bộ Tư lệnh 472 họp sơ kết tháng và thông qua kế hoạch tháng 2 của chiến dịch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 07:19:47 am »


Những ngày đầu triển khai chiến dịch thời tiết chưa thuận lợi, đường kín còn ẩm ướt nên chưa phát huy tác dụng, địch tập trung đánh phá gây cho ta khó khăn và tổn thất. Nhưng càng về sau thời tiết khô ráo, đường kín được hoàn thiện cả hai trục, lực lượng xe và tổ chức chỉ huy giao thông có kinh nghiệm chạy ngày, lực lượng phòng không kết hợp bảo vệ trọng điểm với cơ động bảo vệ đội hình xe, áp dụng rộng rãi biện pháp ngụy trang, nghi binh, duy trì một lực lượng chạy đêm trên trục đường hở, thu hút khá lớn bom đạn của địch. Các mặt bảo đảm kỹ thuật, đời sống bộ đội được cải thiện, hệ thống kho hàng giải phóng xe nhanh, hiệu suất vận chuyển tăng lên rõ rệt.

Cuối tháng 2 năm 1972 kết thúc chiến dịch Bình Giã, hoàn thành kế hoạch bảo đảm khối lượng hàng cho các chiến trường, tổ chức hành quân 55.000 người vào chiến trường, đặc biệt bảo đảm cho các đơn vị cấp trung đoàn và các đoàn binh khí kỹ thuật gồm pháo binh, cao xạ, xe tăng, tên lửa chống tăng, tên lửa A72 bắn máy bay vào tới chiến trường Nam Bộ, tăng sức mạnh cho chiến trường và gây bất ngờ cho địch.

Nắm vững ý định của trên và nhân đà thắng lợi của chiến dịch Bình Giã, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 559 quyết định mở đợt Tổng công kích trên toàn tuyến nhằm dứt điểm kế hoạch chi viện chiến lược, bảo đảm cho các chiến trường nhu cầu vật chất kỹ thuật và binh lực cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Ngày 20 tháng 2 năm 1972 Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến Sở chỉ huy 472 phổ biến nghị quyết về Tổng công kích và chỉ đạo triển khai kế hoạch của hướng chủ yếu. Nội dung kế hoạch Tổng công kích là huy động lực lượng hai trung đoàn xe cơ động, các tiểu đoàn xe độc lập và xe của các binh trạm tham gia Tổng công kích với đội hình tập trung, chạy ngày, vượt cung và chạy thẳng. Sử dụng hai trục đường kín và các tuyến đường ngang ra chiến trường, tổ chức nghi binh trên đường hở. Phát huy pháo cao xạ 57, pháo 100 và tên lửa diệt AC.130, bố trí lực lượng phòng không bảo vệ trọng điểm và đội hình xe. Phân công cán bộ có kinh nghiệm và dũng cảm dẫn đầu đơn vị đột phá và chỉ huy các trọng điểm.

Với phương châm chỉ đạo và biện pháp đồng bộ, ta đẩy địch vào thế bất ngờ và bị động. Máy bay địch vẫn nhằm đánh vào các trọng điểm trên tuyến đường hở và các khu vực nghi binh của ta. Bộ đội phòng không đánh trả quyết liệt, bắn rơi 28 máy bay của địch, có 3 chiếc trinh sát OV10 rơi tại chỗ. Ngày 14 tháng 3 năm 1972 đại đội cao xạ 57 ly thuộc Trung đoàn 591 bắn rơi tại chỗ một máy bay AC.130 ở ngã ba Máy Húc. Hai ngày 18, 19 tháng 3, Tiểu đoàn 26 bắn rơi tại chỗ 7 máy bay tại Thác Hài (địch cố cứu phi công nên bị bắn rơi nhiều).

Ngày 24 tháng 3 năm 1972 tôi cùng đồng chí Lê Xy họp với Bộ Tư lệnh 472 sơ kết đợt tổng công kích, hàng giao cho các chiến trường vượt rất cao so với kế hoạch, tổ chức hành quân giao cho chiến trường 95.000 cán bộ, chiến sĩ. Thế trận vận chuyển của ta vững vàng chủ động nhờ diệt được AC.130, lực lượng xe chạy ngày, đội hình lớn, vượt cung và chạy thẳng, tổn thất từ 20% giảm xuống còn 1,2%, hiệu suất vận chuyển tăng 2 đến 3 lần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 07:20:02 am »


Ngày 25 tháng 3 năm 1972 Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến 472 truyền đạt kế hoạch chuẩn bị lớn phối hợp với chiến trường. Bàn kế hoạch xong, ngày 29 tháng 3 Tư lệnh cùng tôi xuống Tiểu đoàn xe 102 Binh trạm 32, đơn vị mũi nhọn trong đội hình tổng công kích để trực tiếp giao nhiệm vụ và động viên. Tối 29 tháng 3 Tiểu đoàn tên lửa 67 của Trung đoàn 275 bắn rơi tại chỗ một AC.130 tại khu vực Na Bo. Sáng 30 tháng 3, đồng chí Tư lệnh vượt sông Sê Băng Hiêng ban ngày vào giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh 471.

Ngày 30 tháng 3 năm 1972 cuộc tiến công chiến lược trên ba hướng đường 9 - Bắc Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ mở màn. Hướng chủ yếu là đường 9 - Bắc Quảng Trị. Quán triệt lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 31 tháng 3: "Chiến dịch lịch sử năm 1972 đã bắt đầu. Trong cuộc đọ sức quyết liệt này giữa ta và địch, thắng lợi quân sự của ta trên chiến trường có tầm quyết định về chiến lược. Lúc này trách nhiệm của các lực lượng vũ trang rất nặng nề và vẻ vang".

Bộ đội Trường Sơn tranh thủ thời cơ không quân địch bị thu hút vào mặt trận chính, đẩy Tổng công kích lên cao trào mới.

Ngày 4 tháng 4 tôi họp cán bộ 472 phổ biến tình hình, nêu rõ tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của cuộc tiến công chiến lược 1972, thấy rõ thời cơ đẩy mạnh nhiệm vụ chi viện chiến lược, tạo thế và lực cho chiến trường giành thắng lợi quyết định.

Ngày 15 tháng 4 ta giải phóng thị xã Bình Long. Chiến dịch Đường 9 - Bắc Quảng Trị phát triển thuận lợi. Ngày 17 tháng 4 được Bộ Tư lệnh cho rút cơ quan tiền phương. Sau khi làm việc với các binh trạm 15, 31, 14, 32 giải quyết chân hàng, ngày 22 tháng 4 tôi về đến sở chỉ huy cơ bản, kết thúc nhiệm vụ tiền phương 472.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:57:20 pm »


TUYẾN ĐÔNG ÁC LIỆT

Về đến cơ quan Bộ Tư lệnh 559 tôi thấy các đồng chí trong cơ quan đang chuẩn bị kế hoạch bảo đảm cho hướng Đông và đẩy mạnh Tổng công kích toàn tuyến.

Tại Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, bộ đội là đã tiêu diệt tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của địch, diệt 8.000 tên, bắt trên 2.000 tên, phá hủy trên 2.000 xe các loại. Tuyến phía Tây địch sơ hở, ngày 26 tháng 4 năm 1972 Bộ Tư lệnh tổ chức một đội hình 7 tiểu đoàn xe đi thẳng vào chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên.

Ngày 26 tháng 4 năm 1972 Bộ Tư lệnh 559 họp thông qua kế hoạch. Nhận thấy nhiệm vụ của tuyến Đông sẽ khó khăn phức tạp, nên phân công tôi đi tiền phương khu vực 473. Bộ Tư lệnh 473 có nhiệm vụ chi viện cho cánh tây Mặt trận Đường 9, Thừa Thiên – Huế và bắc Khu 5.

Ngày 1 tháng 5 năm 1972 Quảng Trị được giải phóng. Ngày đó tôi đến Binh trạm 42 thuộc Bộ Tư lệnh 473 ở khu vực A Lưới, phía tây Huế. Binh trạm 42 do đồng chí Đỗ Hữu Tần làm Binh trạm trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Toàn làm Chính ủy. Tiền phương 473 ở đây do đồng chí Nguyễn Thế Bưu - Phó chính ủy phụ trách. Các đồng chí đó báo cáo với tôi tình hình. Địa thế của Binh trạm khá hiểm trở, đường qua thung lũng A Lưới nền đất yếu, những trận mưa đầu mùa gây trơn lầy nặng. Từ Km 77 đến Km 119 có đến 6.800 mét lầy lội, có cây số lầy đến 800 mét. Vượt dốc Đỏ qua đường 49 để đưa hàng đến căn cứ hậu cần B4 đường hẹp, đèo dốc quanh co, bên núi đá, bên vực sâu.

Quảng Trị bị quân ta chiếm, cố đô Huế bị uy hiếp nghiêm trọng nên địch tập trung đánh phá rất ác liệt. AC.130 quần đảo suốt đêm, B.52 ném bom tọa độ, có đêm 53 lần chiếc B.52 rải thảm xuống khu vực. Đường qua A Lưới như bị đào bới tung lên với nhiều hố bùn lầy. Lái xe, bộ đội công binh, bộ đội phòng không chiến đấu ở đây vô cùng gian khổ, ác liệt.

Thấy tình hình đường 49 khó khăn, cấp trên ra lệnh cho tôi phải tổ chức mở đường 71 qua Tam Dần đến 15 tháng 5 phải xong. Tôi đến Tam Dần trực tiếp gặp đồng chí Xường, cán bộ của Trung đoàn công binh 98 đang khảo sát đoạn đường này. Đồng chí báo cáo với tôi đã khảo sát đến Km 37. Khối lượng phải san ủi 43.400 mét khối đất, 59.139 mét khối đất lẫn đá, 27.568 mét khối đá, dự trù phải có 5.913 ngày công với 120 tấn bộc phá, làm tích cực cả ngày lẫn đêm đến 30 tháng 5 mới xong. Tôi báo cáo về Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tình hình thực tế là như thế, đề nghị đồng chí vào kiểm tra tại chỗ.

Trên Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, địch vơ vét lực lượng cơ động chủ lực quân ngụy cùng với sự chi viện bằng không quân và pháo hạm trên biển của Mỹ phản kích. Cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng kiên cường của bộ đội ta chiếm giữ Thành Cổ Quảng Trị đang đòi hỏi sự chi viện kịp thời của hậu phương và tuyến chi viện Trường Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:57:40 pm »


Trước tình hình chiến đấu gay go của Bộ Tư lệnh 473, ngày 1 tháng 6 năm 1972 Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp xuống nắm tình hình và chỉ đạo tại chỗ. Đồng chí đi khảo sát thực địa, góp ý cụ thể và cách khắc phục khó khăn, giải quyết các đề nghị của 473. Đồng chí bảo chuyển chỉ huy sở từ Ly Tôn ra gần đường 9 để nắm vững đầu mối trên chỉ huy cả hai hướng.

Nhận thấy đồng chí Lê Đình Sum sức khỏe giảm sút, đồng chí Tư lệnh quyết định tôi kiêm Tư lệnh 473 để đồng chí Sum về cơ quan. Bộ Tư lệnh 473 gồm có tôi là Tư lệnh, đồng chí Lê Nghĩa Sỹ - Chính ủy, đồng chí Võ Văn Quỳ - Phó tư lệnh, đồng chí Dương Đình Tạ - Tham mưu trưởng công binh, đồng chí Hoàng Thọ Đống - Tham mưu trưởng tác chiến, đồng chí Phùng Hữu Đễ - Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Nguyễn Trợ - Chủ nhiệm Hậu cần. Được sự chỉ đạo của Tư lệnh, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 473 họp kiểm điểm tình hình, xác định quyết tâm và biện pháp khắc phục khó khăn. Căn cứ tình hình địch đánh phá và tình hình đường sá, Bộ Tư lệnh 473 quyết định bố trí lại cung độ giữa các binh trạm 27, 28, 41, 42, các binh trạm phía sau phải vươn tới, rút ngắn cung độ cho Binh trạm 41, 42. Tổ chức đội hình xe đi gọn từng trung đội, tăng cường lực lượng công binh chống lầy, khắc phục bom mìn, tổ chức xe kích kéo ở các trọng điểm. Bố trí Tiểu đoàn 4 cao xạ bảo vệ trọng điểm A Lưới, Tiểu đoàn 35 bảo vệ ngã ba đường 9, hiệp đồng với hậu cần B4 bảo đảm đường vào kho và giải phóng xe nhanh. Kiện toàn cán bộ và bổ sung lực lượng cho các đơn vị xe và công binh. Đề nghị Bộ Tư lệnh 559 cho 2 tiểu đoàn xe cơ động 101 và 64 đứng chân ở Hướng Hóa để rút ngắn cung độ, tăng cường công tác tư tưởng, cán bộ chỉ huy gương mẫu đi đầu những nơi khó khăn nguy hiểm.

Tình hình trên tuyến do 473 đảm nhiệm chuyển biến tốt, bộ đội công binh bảo đảm cầu đường thông suốt, lực lượng phòng không tác chiến có hiệu quả. Ngày 18 tháng 6 tên lửa A72 của B4 bắn rơi một AC.130 ở A Lưới. Ngày 7 tháng 7 Đại đội 2 Tiểu đoàn 35 bắn rơi tại chỗ 1 máy bay AD6, bắt sống giặc lái ở Hướng Hóa. Lực lượng vận tải bảo đảm giao hàng cho Mặt trận Đường 9 là 8.200 tấn, cho Mặt trận Thừa Thiên - Huế 3.700 tấn, góp phần quan trọng cho bộ đội ta giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị. Tổ chức đưa đón an toàn các cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ và Quân đội vào làm việc với Mặt trận B4 gồm các đồng chí: Trần Hữu Dực - Phó thủ tướng, Cao Văn Khánh - Phó tổng tham mưu trưởng, Lê Chưởng, Lê Nam Thắng, Lưu Quý Kỳ.

Hoạt động cửa 473 đi vào thế ổn định, ngày 15 tháng 9 năm 1972 tôi được lệnh trở về Bộ Tư lệnh 559.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:58:12 pm »


CUỘC CHIẾN Ở VÙNG "CÁN XOONG"

Trước đòn tiến công chiến lược của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đơn phương ngừng đàm phán ở Hội nghị Pa-ri, đồng thời huy động lực lượng không quân, hải quân chi viện hỏa lực cho quân ngụy ở Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai.

Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai nhằm mục đích đánh phá tiềm lực hậu phương lớn của ta, cắt đứt tuyến chi viện cho miền Nam từ gốc làm suy yếu sức tấn công của ta trên chiến trường và làm nao núng quyết tâm của ta, buộc ta chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn đàm phán.

Trên mặt trận giao thông vận tải, chúng tập trung đánh phá hệ thống cầu đường sắt, đường bộ, kho tàng, tuyến đường ống xăng dầu, các điểm vượt sông. Chúng thả thủy lôi, bom từ trường, bom chờ nổ hòng bịt các cửa sông, cảng biển. Ngày 8 tháng 5, Ních-Xơn tuyên bố phong tỏa cảng Hải Phòng. Đặc biệt, chúng tập trung lực lượng ngăn chặn đoạn hẹp nhất ở nam Quân khu 4 mà chúng gọi là vùng "cán xoong". Công cuộc vận tải tiếp tế cho chiến trường gặp rất nhiều khó khăn.

Chính phủ thành lập Hội đồng chi viện và khôi phục Ban điều hành vận tải Trung ương để tập trung sức lực bảo đảm tốt giao thông vận tải, chi viện chiến trường. Để giải tỏa ách tắc tuyến nam Khu 4, Chính phủ quyết định quân sự hóa hệ thống giao thông vận tải từ nam Hà Tĩnh vào Vĩnh Linh, giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thống nhất chỉ huy. Bộ Tư lệnh Trường Sơn lập tức chuyển Bộ Tư lệnh hậu cứ 571 thành Bộ Tư lệnh khu vực có nhiệm vụ chỉ huy hiệp đồng binh chủng bảo vệ giao thông thông suốt, vận tải phục vụ chiến dịch và tạo nguồn hàng cho tuyến chiến lược, phân công tôi trực tiếp làm Tư lệnh 571. Bộ Tư lệnh 571 gồm có tôi là Tư lệnh, đồng chí Bùi Đức Tạm - Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn làm Chính ủy (đến tháng 10 năm 1971 đồng chí Lê Nghĩa Sỹ thay đồng chí Tạm), các đồng chí Nguyễn Đàm, Hoàng Huyềnh làm Phó tư lệnh, đồng chí Cao Tâm - Phó chính ủy.

Để kết hợp chặt chẽ với địa phương, Ban chỉ huy giao thông vận tải thống nhất được thành lập. Ban gồm đồng chí Trần Sự - ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Tỉnh đội trưởng làm Trưởng ban, tôi làm Phó ban và đồng chí Lại Văn Ly - Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình phụ trách giao thông vận tải làm ủy viên. Bộ Tư lệnh 571 chấn chỉnh tổ chức lực lượng cho phù hợp với tình hình mới. Tăng cường lực lượng cho Binh trạm 16 do đồng chí Nguyễn Tuy làm Binh trạm trưởng, đồng chí Phùng Hữu Đễ làm Chính ủy, phụ trách bắc sông Gianh, vượt sông Gianh giao hàng cho Binh trạm 26. Binh trạm 26 do đồng chí Nguyễn Tất Giới làm Binh trạm trưởng, đồng chí Nguyễn Dân làm Chính ủy, phụ trách nam sông Gianh chuyển hàng cho Binh trạm 19. Binh trạm 19 do đồng chí Nguyễn Văn Vận làm Binh trạm trưởng, đồng chí Ngô Khuân làm Chính ủy, phụ trách từ Đồng Hới, vượt sông Long Đại vào giao hàng cho Binh trạm 12 tại Mỹ Trung, Hồ Xá.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:58:35 pm »


Ở các binh trạm cũng có đại diện địa phương tham gia Ban chỉ huy thống nhất. Bộ Tư lệnh Trường Sơn tăng cường cho Bộ Tư lệnh 571 hai trung đoàn cao xạ bảo vệ các trọng điểm phà Gianh, Xuân Sơn, Long Đại và hai trung đoàn công binh.

Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và các ban ngành tỉnh Quảng Bình, từ đồng chí Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cổ Kim Thành, Tỉnh đội trưởng Trần Sự, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách giao thông vận tải Lại Văn Ly quan tâm đặc biệt đối với Đoàn 571. Các đồng chí coi nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải chi viện chiến trường là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng bộ và quân dân tỉnh Quảng Bình. Toàn thể nhân dân Quảng Bình đều trực tiếp tham gia mặt trận bảo đảm giao thông vận tải. Sau một trận địch ném bom lập tức có hàng trăm dân công đã được chuẩn bị sẵn, tham gia với bộ đội công binh và công nhân giao thông sửa chữa khôi phục cầu đường. Đồng bào sẵn sàng dỡ nhà của mình để lấy vật liệu khôi phục cầu đường. Khẩu hiệu "Xe chưa qua, nhà không tiếc" và câu ca "Nhà tan cửa nát cũng ừ! Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ, sướng sau" thể hiện tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của nhân dân Quảng Bình. Địch đánh phá ác liệt tỉnh Quảng Bình vì chúng cho đây là nơi tập kết lực lượng của tuyến chi viện chiến lược, là nơi xung yếu nhất chúng có thể gây nhiều khó khăn cho ta.

Nhờ thế trận chống chiến tranh ngăn chặn của địch được bố trí khá vững chắc về chiến đấu, bảo đảm giao thông và tổ chức vận chuyển linh hoạt, cùng với sự phối hợp và ủng hộ hết lòng của quân dân nam Khu 4 và Quảng Bình, tuyến chi viện vùng "cán xoong" được khai thông.

Ngày 15 tháng 11 năm 1972 Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến làm việc với Bộ Tư lệnh 571 và Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Đồng chí mang theo trên 100 máy đẩy giao cho Sở giao thông vận tải Quảng Bình trang bị cho các hợp tác xã đường sông của các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy tổ chức thành các tiểu đoàn vận tải đường sông được cơ giới hóa, vận chuyển lập chân hàng cho đường 20 và đường 16. Đồng chí giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh 571 vận chuyển cả đường 1, đường 12, đường 20 cùng với việc tăng cường đường sông, đưa khối lượng hàng lớn vào chiến trường và lập chân hàng cho tuyến trước.

Với sự nỗ lực vượt bậc của bộ đội 571 và quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bộ Tư lệnh 571 đã vận chuyển trên một vạn tấn vật chất kỹ thuật cho chiến trường và lập chân hàng cho các binh trạm cửa khẩu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 11:00:14 pm »


HƯỚNG VỀ HÀ NỘI

Trước thất bại nặng nề trên khắp chiến trường miền Nam và việc ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược không đạt được như ý đồ, ngày 18 tháng 12 năm 1972 đế quốc Mỹ đi nước cờ cuối cùng, đó là mở trận tập kích chiến lược bằng "siêu pháo đài bay" B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc.

Ngày 19 tháng 12 Bộ Tư lệnh 571 tổ chức hội nghị sơ kết đợt vận chuyển đột kích. Mở đầu hội nghị, trực ban thông báo tin chiến thắng, ngay trận đầu tiên bộ đội Phòng không - Không quân cùng quân dân miền Bắc đã bắn rơi 3 máy bay B.52, có 2 chiếc rơi tại chỗ.

Hội nghị tràn ngập niềm phấn khởi. Trong hàng ngũ cán bộ 571 có nhiều đồng chí đã từng ở Quân chủng Phòng không - Không quân, nhiều đồng chí có gia đình hậu phương ở Hà Nội, Hải Phòng, nên trong niềm vui có xen lẫn lo âu. Nhưng toàn thể hội nghị biểu thị sự tin tưởng vào chiến thắng của quân dân Hà Nội, Hải Phòng, của Quân chủng Phòng không - Không quân. Mọi người thấy đây là cơ hội tốt để đẩy mạnh vận chuyển chi viện chiến trường khi không quân Mỹ đang tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng. Kế hoạch vận chuyển với chỉ tiêu cao hơn được thông qua.

Kết thúc hội nghị, mọi người nhanh chóng ra về triển khai thực hiện kế hoạch. Một khí thế thi đua sôi nổi hướng về Hà Nội dấy lên trong khắp các đơn vị. Trên các trục đường, các dòng sông, từng đoàn xe, đoàn thuyền tiến về phía trước. Lực lượng công binh, dân công, kể cả đồng bào hai bên đường hối hả san lấp hố bom khôi phục mặt đường, bảo đảm giao thông thông suốt. Các đơn vị phòng không bảo vệ trọng điểm đánh trả địch quyết liệt. Khối lượng vận chuyển 10 ngày bằng cả tháng trước đó.

Trong một chuyến kiểm tra bộ đội trên đường, đến ngã ba Hoàn Lão tôi ghé thăm nhà em gái và dì ruột tôi ở ngay cạnh đường 1. Em rể tôi là xã đội trưởng đang ở vị trí trực chiến chỉ huy dân quân bắn máy bay bay thấp và báo động phòng không, em tôi đang cùng dân công sửa đường, các cháu nhỏ ngủ trong hầm chữ A kiên cố. Dì tôi đã trên 70 tuổi, được con cháu làm cho một hầm chữ A ngay cạnh chỗ bà ngồi bán hàng tạp hóa. Bao nhiêu lần địch thả bom bi, bom phá nhưng nhờ báo động, kịp thời xuống hầm nên được an toàn. Trước nhà em gái tôi là một hố bom sâu và rộng, nước mưa đọng lại như một cái ao, tấm phản gỗ gụ dùng làm vật ngăn còn cắm đầy viên bi. Dì tôi tỏ ra bình tĩnh chẳng lo sợ gì mà lo cho tôi đi lại trên đường dễ bị "ăn" bom đạn. Dì cho tôi đường sữa để bồi dưỡng sức khỏe.

Trong cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ hung bạo, nhân dân ta vững tin vào thắng lợi, không sợ Mỹ, ngoài lòng yêu nước, dám đánh địch còn biết cách tự vệ. Chúng ta thắng không quân Mỹ trên cả hai mặt trận đánh địch và phòng không nhân dân.

Ngày 23 tháng 12 năm 1972, tôi được Bộ Tư lệnh Trường Sơn mời về họp bàn kế hoạch tháng 1 năm 1973. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính chủ trì hội nghị. Vào hội nghị, trực ban tác chiến thông báo tin chiến thắng vang dội của quân dân Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc đã bắn rơi 15 máy bay B.52, có 8 chiếc rơi tại chỗ, 17 máy bay chiến thuật, 1 máy bay F.111 "cánh cụp cánh xòe" do tự vệ Hà Nội bắn hạ, tiêu diệt và bắt giặc lái.

Mở đầu hội nghị, đồng chí Tư lệnh phát biểu:

"Cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam năm 1972 đã giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định. Trước thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng, trung tâm chính trị - kinh tế của miền Bắc, đầu não của cuộc kháng chiến, hòng uy hiếp nhân dân ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện của chúng. Nhưng mới mở màn chiến dịch, chúng đã thất bại khá nặng, báo hiệu chiến dịch của chúng không thể kéo dài và nhất định bị thất bại hoàn toàn. Thắng lợi này với thắng lợi trên chiến trường sẽ tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh, thời cơ mới có lợi cho ta.

Vì vậy kế hoạch tháng 1 năm 1973 là kế hoạch chuẩn bị cho bước đột biến, vừa hoàn thành chỉ tiêu tháng 1 năm 1973, vừa chuẩn bị cho bước nhảy vọt của tình hình. Ta phải khẩn trương chuẩn bị để đón thời cơ thắng lợi của cuộc chiến trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 11:01:30 pm »


Quả đúng như dự đoán của Bộ Tư lệnh, sau 12 ngày đêm bị tổn thất không thể cứu vãn với 81 máy bay các loại bị hạ, trong đó có 34 máy bay B.52, 5 F.111, nhiều giặc lái bị tiêu diệt, ngày 30 tháng 12 năm 1972 Tổng thống Mỹ Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và nối lại cuộc đàm phán ở Pa-ri. Sáng 30 tháng 12 năm 1972 Thông tấn xã Việt Nam phát đi bản thông báo chiến thắng oanh liệt của ta. Các đài và báo phương Tây đều đưa tin thất bại thảm hại của Mỹ và coi đây là một "Điện Biên Phủ trên không”.

Ngày 1 tháng 1 năm 1973 tôi được lệnh ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Trên đường đi nhìn từng đoàn người đoàn xe ngược xuôi hối hả, công nhân đang ra sức sửa chữa cầu đường, cánh đồng lúa xanh mơn mởn, các cháu học sinh tung tăng đến trường, lòng tôi cảm thấy hân hoan trước cảnh thanh bình của miền Bắc sau bao năm chiến tranh ác liệt.

Về đến Hà Nội trời vừa tối. Nhịp sống của Thủ đô trở lại bình thường dưới ánh đèn điện sáng trưng, về đến nhà, mẹ và vợ con tôi đã ở nơi sơ tán về đầy đủ. Niềm vui lớn đến với tôi: đất nước chiến thắng, gia đình sum họp.

Sau khi làm việc với Thủ trưởng và cơ quan Bộ Quốc phòng, tôi đến thăm gia đình đồng chí Đặng Tính. Chị và các cháu đều khỏe và đang mong anh ra. Tôi báo với chị và các cháu là anh đang nắm tình hình chuẩn bị ra báo cáo với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, nên sẽ ra sau. Tôi đến thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Đồng chí Lê Văn Try - Tư lệnh Quân chủng siết chặt tay tôi nói: "Anh Tính, anh Nguyên và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh 559 cùng toàn thể bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường giành thắng lợi quyết định. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cùng toàn thể bộ đội Phòng không - Không quân đã anh dũng, mưu trí, sáng tạo đã cùng quân dân miền Bắc đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 của đế quốc Mỹ, làm nên một "Điện Biên Phủ trên không". Đế quốc Mỹ nhất định phải chấp nhận điều kiện của ta".

Ngày 27 tháng 1 năm 1973 Hiệp định Pa-ri được ký kết. Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ta và rút quân về nước. Cùng ngày, trên 1.000 xe vận tải của bộ đội Trường Sơn với hàng hóa chất nặng trên xe, vượt sông Bến Hải vào Nam, mở đầu thực hiện kế hoạch thời cơ do chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" đem lại, phát triển thế và lực của tuyến chi viện chiến lược, chuẩn bị cho bước đột biến của cách mạng miền Nam: Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.   
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 04:11:59 pm »


NHỮNG NGƯỜI BẠN CUBA TRÊN TUYẾN TRƯỜNG SƠN – ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
RAUN VANDES VIVÓ1

NHỮNG "NGƯỜI CHƠI BÓNG CHÀY” XUẤT HIỆN

Những người Cuba sang Hà Nội, theo đường Mạc Tư Khoa chia làm hai: Nhóm thứ nhất 3 người do đồng chí Chacon chỉ huy và nhóm sau do đồng chí Leon dẫn đầu ngày 8 tháng 8 năm 1974. Ngày 14, tất cả đều có mặt ở Thủ đô Hà Nội.

12 ngày trước đó, cuộc họp đầu tiên của chi bộ Đảng được thành lập ở trường Coca, trên cánh đồng Florida trước khi chuẩn bị sang Việt Nam, đã được tiến hành, Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba cũng được thành lập ngày 21 cùng tháng.

Một sự việc được phát hiện ra là tất cả những người ra đi đều là anh em bè bạn của chúng tôi, cùng chung tư tưởng và cũng là những người hay bông đùa. Khi chúng tôi gặp nhau ở khách sạn Kim Liên, những người mới đến cùng với những kỹ thuật viên (gia cầm, nông nghiệp) và các bác sĩ đã nhiều năm làm việc ở các đội quân khác nhau, tự giới thiệu với nhau về công việc, ngành nghề của mình, điều này không một ai biết trước ở Cuba. Chacon reo lên:

- Chúng tôi ấy à?... là những vận động viên bóng chày.

- Chắc các anh sang đây để huấn luyện những người Việt Nam? Một người đã hỏi lại chúng tôi với một giọng rất hóm hỉnh, và tất nhiên rất dễ đoán ra chúng tôi ở đây còn có mục đích khác.

- Đúng như vậy, người anh em ạ!

Và cũng từ đó, đội quân quốc tế Cuba có ba tên. Tên thứ nhất theo ngôn ngữ quân sự Cuba U.M.4539 mà các bạn Việt Nam gọi là A-74. Và cái tên mới xuất hiện tức thì, tất cả đều biết một cách kín đáo để không phải hỏi thêm nữa là "Những vận động viên bóng chày".

Ủng hộ sự có mặt vui vẻ chia sẻ tất cả những nguy hiểm của những người làm công tác mở những con đường tiền tuyến, một nghị định thư với ngôn ngữ rất đơn giản đã được ký kết. Đó là một bản nghị định thư nữa trong nhiều bản mà Cuba đã ký với các nước có quan hệ hữu nghị anh em, bên lề những văn bản đó, một dòng chữ "tuyệt mật" so với tầm quan trọng trung thực của nó.

Lời giới thiệu tài liệu đó được đại úy Alejendro Mediavilla và đại tá Nguyễn Văn Đoan ở Hà Nội viết làm hai bản bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt có cùng giá trị như nhau ngày 27 tháng 5 năm 1974. Nội dung như sau:

"Chính phủ cách mạng nước Cộng hòa Cuba và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mong muốn tăng cường sự hợp tác quân sự giữa nhân dân hai nước và cho rằng sự hợp tác đó sẽ thắt chặt thêm mối tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống lại các lực lượng đế quốc, chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới, đã quyết định ký nghị định thư này".
____________________________________
1. Trích: Raun Vandes Vivõ, Tối mật - Những người Cu Ba trên đường Hổ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM