Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:52:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42871 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 09:52:42 am »


Ngày hôm sau, những vấn đề trên được quán triệt trong cán bộ và được triển khai tổ chức thực hiện. Các cán bộ binh trạm được phái đi tốc chiến từng khu vực. Anh Bào, Binh trạm phó tác chiến bám trụ khu Mường Trương, anh Tấn, Binh trạm phó cầu đường bám trụ khu đèo 500. Anh Hoan, Binh trạm phó vận chuyển bám trụ khu Bản Đông. Anh Đễ và anh Thụ, Phó chính ủy bám các đoàn xe. Nhiều cán bộ khác được phái đi tăng cường cho các trạm chỉ huy giao thông. Cả binh trạm bám vào mặt đường, tổ chức lại thế trận vận chuyển, cố xoay chuyển lại tình hình. Cuộc vật lộn giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Hai bên cố tìm hiểu nắm bắt quy luật hoạt động của nhau nhằm đẩy đối phương vào thế bị động và thất bại.

Trong cuộc thử thách này, thắng lợi sẽ thuộc về bên nào có tầm cao về ý chí, trí tuệ, biết sử dụng sức mạnh tổng hợp, biết tránh chỗ mạnh và khoét sâu chỗ yếu của đối phương.

Trong vòng hai ngày chúng tôi đã điều chỉnh xong lực lượng, bố trí lại thế trận mới và đạt được những bất ngờ mới, thực hiện được một số chuyến vận chuyển thành công.

Đồng chí Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Trường Sơn1 gọi điện thoại hỏi tôi:

- Những biện pháp đối phó của các anh hiệu quả đến mức nào và có thể kéo dài đến bao lâu?

- Báo cáo Tư lệnh, có hiệu quả nhưng vẫn nằm trong tình thế rất phức tạp. Trước sau địch cũng phát hiện được cách vận chuyển của ta. Giỏi lắm ta cũng chỉ giữ bí mật được mươi, mười lăm ngày.

- Vậy sau đó các anh sẽ xử lý như thế nào?

- Báo cáo Tư lệnh, kẻ thù số một của chúng ta vẫn là máy bay AC.130 hoạt động với bán kính rộng và thời gian lâu, lại được trang bị phương tiện hồng ngoại và khuếch đại ánh sáng mờ, nếu không diệt được nó hoặc hất nó lên cao, đẩy nó ra xa tuyến đường thì vẫn còn bị đe dọa lớn.

- Trước mắt, Bộ Tư lệnh sẽ tăng thêm pháo cho các anh, nhưng chúng ta có thể phải thực hiện một phương án khác là vừa chạy ngày, vừa chạy đêm. Phải nắm vững quy luật địch và phải có gan mới thực hiện nổi phương án này.

- Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến chỉ đạo của Tư lệnh. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất mới, lại phải có thời gian chuẩn bị, nhất là khâu ngụy trang đường trống thành đường kín. Khối lượng công việc khổng lồ này phải huy động mọi lực lượng tham gia và phải mất thời gian hàng tháng vì đường Binh trạm 27 phụ trách chủ yếu là đường trống.

- Đồng ý. Các anh bàn với nhau cho kỹ, rồi báo cáo quyết tâm lên Bộ Tư lệnh.
__________________________________________
1. Tháng 7 năm 1970 Bộ Tư lệnh 559 đổi tên gọi thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 09:53:01 am »


Đã có những cơn mưa đầu mùa. Trên bầu trời những đám mây đen đuổi nhau tầng cao, tầng thấp chăng khắp tuyến đường. Máy bay hạng nặng AC.130 hoạt động yếu ớt vì mất khả năng trinh sát bởi các màn mây che khuất.

Nhưng tình hình đó cũng không giúp ích gì cho chúng tôi, vì mùa mưa đã tới, xe không chạy được nên vận chuyển của binh trạm đành tạm kết thúc khi chỉ tiêu nhiệm vụ chưa hoàn thành. Nhưng thực tình mà nói, cũng may mà mùa mưa lại rơi vào thời điểm toàn bộ lực lượng của binh trạm dường như bị kiệt sức do tổn thất thương vong và đau ốm quá nhiều nên ta có điều kiện rảnh tay hồi phục sức chiến đấu và củng cố thêm thế trận.

Một lần nữa tôi lại bị cơn sốt rét ác tính đe dọa tính mệnh. Khi anh Đễ báo cáo lên Bộ Tư lệnh, các anh có ý định chuyển ngay tôi ra hậu phương. Nhưng tôi đang ở trong trạng thái hôn mê. Các bác sĩ đề nghị tạm để lại điều trị bước đầu cho qua cơn hiểm nghèo và hòa ký ninh với huyết thanh truyền thẳng vào mạch máu giúp tôi dần dần tỉnh lại. Hy vọng để tại chỗ sẽ được cứu sống, nên khi nghe đồng chí Phùng Hữu Đễ truyền đạt ý kiến của trên định cho tôi ra Bắc điều trị, tôi không đồng ý vì lo rằng có khi chưa kịp đến bệnh viện đã tử vong trên đường. Nằm trên giường bệnh, nghĩ lại những việc mà binh trạm đã làm, tôi cảm thấy tự hào, không chút ân hận.

Đồng chí tư lệnh đi gần nửa ngày đường vừa xuống để nắm tình hình vừa thăm tôi. Đồng chí nắm chặt tay tôi và nói chân thành:

- Bọn mình rất thông cảm với cậu, thông cảm với anh em. Vì độc lập tự do, chúng ta phải hy sinh. Mùa này chúng ta đã làm thêm được nhiều việc lớn là mở được tuyến đường vận chuyển Đông Trường Sơn, tạo thế trận cho chiến dịch Đường số 9 - Nam Lào, tham gia chiến dịch và phục vụ chiến dịch một cách thắng lợi, đồng thời tạo ra một thế mới buộc địch phải dàn mỏng lực lượng trên toàn tuyến Đông và Tây Trường Sơn. Công lao Binh trạm 27 rất to lớn.

Câu nói của Tư lệnh làm tái hiện trong tôi "cuốn phim" dài về các trận chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt của cán bộ, chiến sĩ đầy dũng cảm và mưu trí của Binh trạm 27, đã thực hiện được quyết tâm cực kỳ chính xác. Lật cánh sang Đông Trường Sơn, phá tan âm mưu địch muốn chặn đứng sự chi viện chiến lược của ta cho các chiến trường miền Nam trên đường Hồ Chí Minh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:59:27 pm »


NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
Thiếu tướng PHAN KHẮC HY
Nguyên Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh 559
Bộ đội Trường Sơn

VÀO TRƯỜNG SƠN

Trước khi vào nhận công tác tại Bộ Tư lệnh 559, tôi được đồng chí Lê Quang Đạo thay mặt Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị gặp, giao nhiệm vụ và căn dặn:

- Để đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", phải giải quyết hai vấn đề mấu chốt: phá âm mưu bình định và diệt chủ lực quân ngụy.

- Để phục vụ hai nhiệm vụ trên, khâu vận chuyển chi viện cho chiến trường càng có ý nghĩa quyết định.

Đồng chí cũng nhắc tôi những công việc cần phải làm tốt, đó là: đẩy mạnh vận chuyển chi viện, vận chuyển nhiều phương thức; xây dựng căn cứ địa, hậu cần tại chỗ; làm tốt nhiệm vụ quốc tế; gắn nhiệm vụ tác chiến với xây dựng.

Đồng chí chân tình nhận xét những ưu điểm và nhược điểm của tôi, động viên tôi cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Được cấp trên nói rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ mới và động viên, tôi phấn khởi chuẩn bị lên đường.

Những cuộc họp chia tay với các đồng chí trong Quân chủng Phòng không - Không quân, nơi tôi gắn bó nhiều năm, từ ngày đầu xây dựng cho đến khi ra quân đánh thắng trận đầu của các binh chủng và cùng quân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tình cảm biết bao quyến luyến. Cục Chính trị tặng tôi bức ảnh chụp với Bác Hồ ngày mồng 1 Tết năm 1967, lúc Bác đến thăm và chúc Tết Trung đoàn không quân 921.

Tôi được nghỉ phép 5 ngày, kết hợp đưa vợ con về thăm quê nội, quê ngoại. Vợ tôi chuẩn bị chu đáo mọi thứ cần thiết cho tôi đi vào chiến trường, như gửi mọi yêu thương vào đó.

Vào đến Quảng Bình, nơi tôi được sinh ra và hoạt động trong Cách mạng tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi được các đồng chí lãnh đạo đón tiếp như đón người thân về nhà.

Quảng Bình trong chiến tranh vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương trực tiếp của chiến trường, là nơi tập kết và xuất phát tiến công của bộ đội Trường Sơn với 4 cửa khẩu: đường 12, đường 20, đường 16, đường 18. Nhân dân Quảng Bình với khẩu hiệu: "Xe chưa qua, nhà không tiếc" đã đóng góp sức người, sức của và cả xương máu cho nhiệm vụ chi viện cách mạng miền Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:59:53 pm »


Ở lại Quảng Bình vài ngày, ngày 6 tháng 7 năm 1971 tôi vào Đoàn 559. Tôi cho cháu Công, con trai đầu đang học lớp 9 đi cùng cho cháu biết Trường Sơn. Hôm đó trời mưa bão, xe lội ngầm lội suối như ca nô. Đến trạm đón của cơ quan Đoàn bộ ở cây số 3 đường 18, nước suối to, anh em phục vụ không đưa bạt, chiếu, nước uống đến được, chúng tôi phải đốt củi sưởi, đun nước uống, tự thu xếp chỗ ngủ. Cháu Công cũng học tập các chú cách mắc võng, che bạt, mắc màn của bộ đội Trường Sơn.

Đêm đầu tiên đến Trường Sơn, tôi không ngủ được. Rừng khuya thanh vắng, nước suối rì rào, cảm thấy nhớ vợ con da diết. Tôi soi đèn pin, viết vào nhật ký:

"Những ngày các con cùng mẹ tiễn ba đi công tác, các con biết những sự tích trên các chặng đường đi qua. Diệp biết quê mẹ, được tắm sông tắm biển, Thúy được cô Linh khen ham biết, ham làm. Công đi Trường Sơn, ngủ võng, ăn rau rừng, đóng vai bộ đội. Xa các con càng nhớ và mong các con khôn ngoan, tiến bộ.

Với mẹ Lan, mọi việc ở nhà mẹ sẽ đảm đương để ba yên tâm lên đường. Các con càng phải ngoan để mẹ vui".

Sáng hôm sau, trời tạnh mưa, chúng tôi được đưa vào nhà khách. Đến đây được các anh Hoàng Thế Thiện, Nguyễn Quang Bích và một số đồng chí bên Phòng không - Không quân vào đây từ trước ra đón, tay bắt mặt mừng! Tôi thấy rõ: do vị trí chiến lược của đường Trường Sơn, cấp trên đã tăng cường vào đây nhiều cán bộ.

Cháu Công thích thú với cảnh núi rừng Trường Sơn, cùng chú Tiến đi tìm hoa lan rừng. Ngày hôm sau tôi cho cháu ra cùng chú Tiến, lái xe của Quân chủng Phòng không - Không quân trở ra Hà Nội.

Chiều ngày 7 tháng 7 tôi dự cuộc họp của Bộ Tư lệnh, nghe đồng chí Nguyễn Chúc, Cục trưởng Cục Vận tải vừa đi khảo sát khu vực Bạc trở về báo cáo.

Vấn đề nổi bật qua thí điểm xe chạy ngày ở Binh trạm 38: trong tháng 5 chỉ bị cháy 11 xe (5 xe giấu bị lộ, 2 xe hỏng ở trọng điểm, 4 xe không ngụy trang). Còn chạy đêm tháng 3 bị đánh mất 29 xe, tháng 4 mất 36 xe. Rút kinh nghiệm qua hoạt động của binh trạm: tận dụng quy luật hoạt động của địch, nghi binh, ngụy trang, tổ chức chỉ huy chặt chẽ, bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm đường sá tốt, kết quả năng suất tăng hơn, xe ít bị đánh, sức khỏe lái xe được nâng lên.

Qua bước đầu nghe tình hình công việc của Đoàn 559, tôi cảm nhận nhiều công việc đang chờ đợi mình, phải chuẩn bị nhiều mặt cho cuộc chiến đấu tới. Việc đầu tiên là tìm hiểu nắm tình hình. Bộ Tư lệnh bố trí lịch cho các cơ quan làm việc với tôi để tôi nắm tình hình cán bộ, tổ chức biên chế; rồi tình hình cầu đường, lực lượng vận tải ô tô, đường ống, đường sông, v.v...

Qua đây, tôi cũng được biết, từ Bộ Tư lệnh đến các cơ quan đang khẩn trương triển khai một khối lượng công việc đồ sộ chuẩn bị cho mùa khô 1971-1972. Bộ Tư lệnh phải thông qua kế hoạch cụ thể từng mặt: kế hoạch cầu đường, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch tác chiến, kế hoạch bảo đảm các mặt hậu cần, kỹ thuật, quân y, thông tin liên lạc, tổ chức biên chế, bố trí cán bộ, công tác đảng và công tác chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 05:01:42 pm »


Một vấn đề mới về tổ chức lực lượng mà Bộ Tư lệnh và Đảng ủy 559 đề nghị với Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng là để đưa quy mô vận chuyển chiến lược lên trình độ cao hơn, đề nghị bỏ hình thức một tuyến dài, mà tổ chức các khu vực vận tải hiệp đồng binh chủng. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phê chuẩn: ngoài Bộ Tư lệnh khu vực 470 đã có, Đoàn 559 được tổ chức các khu vực 471, 472, 473 và Bộ Tư lệnh hậu cứ 571.

Tôi được Bộ Quốc phòng quyết định làm Chính ủy Bộ Tư lệnh 470, nhưng vào tuyến, dựa trên tình hình thực tế, cấp trên lại điều sang làm Chính ủy 471. Bộ Tư lệnh 471 phụ trách khu vực Đông và Hạ Lào gồm cao nguyên Bô Lô Ven, tỉnh Tà Ven Oọc, từ sông Bạc vào sông Sê Ca Mán, tổng chiều dài các tuyến phụ trách là 2.133 kilômét. Tổ chức khu vực gồm các binh trạm 35, 36, 38, 46, 47.

Ngày 12 tháng 7 năm 1971, Đảng ủy 559 họp thông qua kế hoạch vận chuyển mùa khô 1971-1972, tôi được mời tham dự. Trong cuộc họp, đồng chí Nguyễn Lang - Phó tư lệnh báo cáo kết quả làm việc với Bộ về nhiệm vụ của Đoàn. Lần đầu tiên tôi được thấy những con số, những địa danh nói lên quy mô, nhiệm vụ của Đoàn 559:

- Khối lượng vận chuyển 37.000 - 40.000 tấn, hướng chủ yếu B2 (gồm cả kế hoạch K), hướng quan trọng là B3.

- Khối lượng bảo đảm để đạt mục tiêu: trên 70.000 tấn.

- Lực lượng hành quân qua tuyến: 150.000 người, có 50.000 đến 60.000 người đi ra.

- Tổng quân số biên chế: 70.000 người, không kể thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến.

- Khối lượng, thời gian, địa điểm giao cho các chiến trường...

- Các điểm vượt: đường 9, La Hạp, Bắc Bạc, Chà vằn, Sê Ca Mán.

Qua ý kiến thảo luận của Đảng ủy, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên kết luận:

"Nhiệm vụ của 559 ảnh hưởng trực tiếp đến quyết tâm của Bộ Chính trị, tạo một bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam. Sau thắng lợi Đường 9, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, nếu khối lượng vận chuyển cho chiến trường đạt được sẽ tạo bước chuyển biến rất lớn trên chiến trường.

Trong kế hoạch, ngoài chỉ tiêu dự kiến, phải có dự trữ cho bước đột biến. Để thực hiện được nhiệm vụ, công tác chuẩn bị có ý nghĩa quyết định. Chuẩn bị toàn diện, nhưng có trọng điểm".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 05:02:11 pm »


Tối 14 tháng 7 đồng chí Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gặp riêng tôi tâm sự. Đồng chí trao đổi với tôi những băn khoăn, suy nghĩ và định hướng cho tôi biện pháp thực hiện nhiệm vụ. Anh nói: Vấn đề quan trọng nhất là làm sao tập hợp được cán bộ. Đoàn kết được cán bộ là bảo đảm 80% thắng lợi. Phải hiểu tâm tư nguyện vọng của cán bộ, biết được ưu nhược điểm của họ để bồi dưỡng và sử dụng đúng. Đồng thời, phải nhạy bén nắm vững tình hình địch và thực tế chiến trường, xoay chuyển kịp với diễn biến tình hình. Nếu bảo thủ, ngại khó, thiếu linh hoạt thì hối không kịp. Trong công tác vận chuyển chiến lược, những kinh nghiệm rút ra cần nắm vững là: cầu đường phải luôn đi trước một bước; phải nắm vững lực lượng vận tải ô tô, lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ; chuẩn bị tốt căn cứ bàn đạp, triển khai lực lượng tác chiến, thế trận đã sẵn sàng chủ động mới bảo đảm tấn công của bộ đội lái xe. Phải nắm vững nghệ thuật quân sự để chỉ đạo, chỉ huy vận tải quân sự trong chiến tranh, đồng thời phải nắm vững địa hình và thời tiết.

Đó là những bài học đầu tiên tôi tiếp thu được để vận dụng vào công tác sau này của mình.

Ngày 13 tháng 8 năm 1971, Bộ Tư lệnh triệu tập hội nghị quân chính. Dự họp có đồng chí Lê Quang Đạo, đại diện Quân ủy Trung ương, đồng chí Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đồng chí Tường Lân và đồng chí Nam Hải - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đồng chí Lê Văn Try - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Các đồng chí thủ trưởng các cục của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, các đồng chí Tư lệnh công binh, Tư lệnh thông tin; đồng chí Nguyễn Tư Thoan - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình, đồng chí Hồ Sĩ Thản - Bí thư Đặc khu Vĩnh Linh, các nhà văn, nhà báo Trung ương và quân đội, các trưởng đoàn văn công Trường Sơn, các tỉnh Trị Thiên, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Tây, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Bắc, Thái Bình, Quảng Ninh dự khai mạc.

Hội nghị thể hiện sức mạnh và quyết tâm của quân dân cả nước đối với nhiệm vụ của Đoàn 559 trước thời cơ mới.

Sau hội nghị quân chính, một không khí thi đua sôi nổi trong tất cả các đơn vị chuẩn bị cho mùa khô tới. Bộ Tư lệnh phân công cùng nhau đi kiểm tra các đơn vị. Tôi được đồng chí Đồng Sỹ Nguyên giao nhiệm vụ theo dõi việc quán triệt trong các đơn vị ô tô vận tải.

Ngày 2 tháng 9 năm 1971, sau khi nghe tôi báo cáo tình hình công tác chuẩn bị ở các đơn vị, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên thông báo và hỏi ý kiến tôi: Cấp trên quyết định chuyển anh sang công tác quân sự và làm Phó tư lệnh giúp tôi. Anh có ý kiến gì?

Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng cảm thấy cấp trên đánh giá khả năng và tín nhiệm mình nên mới có quyết định như vậy. Vốn luôn sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì cấp trên và cách mạng giao cho, tôi trả lời anh Nguyên: "Tôi hứa sẽ làm tốt nhiệm vụ được phân công”.

Sau khi trao đổi công việc, anh Nguyên nhận định: Năm nay địch sẽ đánh phá công tác chuẩn bị của ta sớm hơn, có nhiều thủ đoạn mới hơn. Khâu chuẩn bị lực lượng xe và chuẩn bị vượt khẩu là trọng tâm. Anh phân công tôi đi kiểm tra công tác chuẩn bị ở Binh trạm 12, nơi sẽ tổ chức lực lượng nhập tuyến sớm, vì cự ly vào chiến trường xa.

Trước khi đi Binh trạm 12, tôi phải bàn giao một số công việc cho Bộ Tư lệnh 471, ghé Binh trạm 14 nghe kinh nghiệm vượt khẩu đường 20 của Binh trạm 14 theo gợi ý của anh Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 05:02:46 pm »


Ngày 21 tháng 9 năm 1971 tôi đến Binh trạm 12, làm việc với Đảng ủy và Ban chỉ huy Binh trạm, nắm tình hình chuẩn bị cầu đường, lực lượng xe, kho, phương án tác chiến phòng không, đảm bảo kỹ thuật, tổ chức chỉ huy, bảo đảm thông tin, quân y, hậu cần.

Ngày 26 tháng 9 năm 1971, tôi cùng đồng chí Khúc Trường Thành - Binh trạm trưởng, đồng chí Quyền, chính trị viên Tiểu đoàn 2 công binh đi kiểm tra trọng điểm Xiêng Phan, nơi núi đá hiểm trở, địch thường tập trung đánh phá ác liệt nhất trên địa phận Binh trạm 12.

Chúng tôi quan sát địa thế, xem các vị trí tập kết lực lượng, hệ thống công sự ngụy trang, kiểm tra các phương án đánh và phòng tránh của các lực lượng. Nhìn hệ thống núi đá bị đánh tơi bời, không còn một mảng xanh nào còn sót lại, có ngọn núi bị cụt đầu, đá biến thành bụi dưới sức ép và sức nóng của bom đạn, lòng tôi đau thắt...

Đúng như dự đoán của Bộ Tư lệnh, địch đã tích cực hoạt động phá thế chuẩn bị của ta. Chúng cho máy bay OV10 thay nhau trinh sát liên tục trên tuyến. Máy bay cường kích đánh phá xăm soi những nơi nghi ta tập kết lực lượng.

Trong lúc chúng tôi đi bộ quan sát khu vực, thì máy bay F4 của Mỹ thả bom vào khu vực giấu xe. May mắn, chiếc xe con của chúng tôi chỉ bay mất bạt, máy móc và thùng xe không việc gì.

Khảo sát xong chúng tôi chuẩn bị ra về. Lúc 17 giờ 30, các đồng chí công binh kiểm tra đường đến báo cáo với chúng tôi: địch có rải 1 quả bom trúng đường, bom khoan sâu xuống đất nhưng không nổ. Anh em cho xe phóng từ nhưng bom vẫn không nổ. Anh em kết luận là bom nổ chậm và đã cắm cây đánh dấu.

Tôi và đồng chí Khúc Trường Thành quyết định nhanh chóng vượt qua, thường bom nổ chậm chưa nổ ngay sau khi vừa bị ném xuống. Chúng tôi cùng đồng chí Quyền, chiến sĩ cảnh vệ lên xe và dặn đồng chí Bản, lái xe vượt nhanh qua bom nổ chậm. Nhưng không ngờ đó là quả bom từ trường loại mới, Mỹ cải tiến lần thứ ba (Model 3), ngòi nổ hẹn giờ khi tắt, khi mở. Lúc công binh cho xe phóng từ đi qua ngòi nổ ở dạng tắt, lúc xe chúng tôi chạy qua, ngòi nổ mở nên bị kích nổ. Tôi nghe một tiếng nổ rất xa rồi bất tỉnh. Anh em cấp cứu đưa về binh trạm bộ. Qua sơ cứu của quân y binh trạm, tôi tỉnh lại và ngồi dậy được. Anh em kể lại tình trạng của chúng tôi khi bị bom từ trường: xe bị hất tung lên cao và lật úp xuống mặt đường. Đồng chí Quyền và chiến sĩ cảnh vệ bị hất tung ra xa 15m. Tôi, đồng chí Khúc Trường Thành và đồng chí Bản lái xe bị kẹt nằm trong xe. Đồng chí Bản nhờ lọt vào giữa cần lái và thùng xe nên bị thương nhẹ. Đồng chí Khúc Trường Thành bị cửa xe đè gãy tay nhưng còn tỉnh táo chỉ huy anh em cứu hộ. Đầu tôi bị đập vào kính chắn gió phía trước, ghế xe đè lên lưng máu me đầy mặt và bất tỉnh. Mọi người tưởng tôi bị nặng nhất, nhưng không ngờ đồng chí Khúc Trường Thành được đưa về đến binh trạm bộ thì hy sinh vì bị chảy máu não.

Tôi thương tiếc đồng chí Thành vô cùng. Đồng chí là một cán bộ chỉ huy dũng cảm, tận tụy, có kinh nghiệm, được cán bộ, chiến sĩ quý mến. Nhà đồng chí ở gần nhà tôi ở khu tập thể Nam Đồng. Khi về gặp chị Thành tôi biết ăn nói sao đây. Nghĩ đến điều đó tôi ứa nước mắt. Chị Thành và các cháu sẽ đau đớn biết chừng nào! Đồng chí Quyền và chiến sĩ cảnh vệ được chuyển về tuyến sau điều trị. Đồng chí Bản lái xe sau một tuần ở bệnh xá, sức khỏe bình phục và trở về đơn vị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 05:03:09 pm »


Trước tình hình binh trạm trưởng hy sinh trong lúc nhiệm vụ sắp tới rất nặng nề, không tránh khỏi lo lắng trong anh em, tôi quyết định ở lại binh trạm bộ để bàn bạc công việc với Ban chỉ huy binh trạm.

Tin tức xấu lại dồn đến: đồng chí Nguyễn Hải Kình, Binh trạm phó trên đường đi kiểm tra bộ đội, được tin Binh trạm trưởng hy sinh vội trở về cơ quan, trên đường về cũng bị bom từ trường như chúng tôi. Tiếp đến đồng chí Cường, đại đội trưởng xe phóng từ, sau khi rà bom không nổ, cho xe qua thì bị bom nổ. Hai đồng chí được đưa ngay về đội điều trị.

Một cải tiến kỹ thuật của Mỹ đã gây cho chúng ta những tổn thất. Tôi hội ý với đồng chí Hồ Quang Bình, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy binh trạm triệu tập hội nghị Đảng ủy để bàn cách ổn định tình hình, tìm biện pháp đối phó với kỹ thuật mới của địch, động viên bộ đội vượt khó khăn, hoàn thành tốt công tác chuẩn bị cho mùa khô mà binh trạm mở đầu đột phá của toàn tuyến.

Bộ Tư lệnh 559 kịp thời điều động đồng chí Phạm Thái về làm Binh trạm trưởng, bổ sung Binh trạm phó và Chính trị viên tiểu đoàn công binh.

Tập thể Đảng ủy và Ban chỉ huy Binh trạm 12 đã thể hiện ý chí kiên cường và ý thức trách nhiệm cao, động viên khí thế của toàn Đảng bộ và toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong binh trạm vượt qua thử thách, xúc tiến mọi công tác chuẩn bị cho mùa khô.

Tình hình binh trạm ổn định, ngày 4 tháng 10 tôi tạm biệt Binh trạm 12 trước sự lưu luyến của các đồng chí trong Ban chỉ huy và cơ quan binh trạm về điều trị ở Viện 59. Ngày 13 tháng 10 đồng chí Nguyên điện nói tôi về Viện 108 kiểm tra và điều trị.

Ngày 14 tháng 10 tôi lên đường về Bệnh viện 108. Tin tức tôi bị thương chỉ được báo cáo về Tổng cục Chính trị, gia đình tôi không biết. Khi tôi vào Viện 108 có ghé qua nhà, vợ con tôi mới được biết.

Vợ tôi mừng chồng chết hụt, còn sống về với gia đình và đồng đội. Nhưng cũng từ đó một mối lo ngấm ngầm, dai dẳng luôn ám ảnh vợ tôi cho đến ngày kháng chiến thành công mới trút bỏ được. Đó là mối lo: "Xưa nay chinh chiến mấy ai về".

Khi nằm viện tôi vẫn theo dõi tình hình Binh trạm 12. Tôi vui mừng được biết Binh trạm 12 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đầu mùa khô, đạt danh hiệu "Binh trạm vạn tấn”.

Tôi điều trị và an dưỡng đến đầu tháng 12 thì bình phục. Ngày 6 tháng 12 đồng chí Lê Quang Đạo gặp. Ngày 11 tháng 12 đồng chí Văn Tiến Dũng gặp. Các đồng chí giao nhiệm vụ và căn dặn những vấn đề mấu chốt Bộ Tư lệnh 559 phải thực hiện trong thời gian tới và động viên tôi tiếp tục nhiệm vụ.

Ngày 13 tháng 12 năm 1971, từ biệt vợ con và bạn bè, tôi trở lại Trường Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 07:18:24 am »


ĐI TIỀN PHƯƠNG 472, TÂY TRƯỜNG SƠN

Ngày 13 tháng 12 nằm 1971 tôi vào đến chỉ huy sở, Bộ Tư lệnh 559. Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh vui mừng bắt tay và hoan nghênh tôi sớm trở lại chiến trường. Trong các ngày 14 đến 17 tháng 12 tôi tranh thủ nắm tình hình. Các đồng chí cơ quan tham mưu cho tôi biết kết quả và kinh nghiệm chiến dịch vượt khẩu mang tên "chiến dịch Đồng Xoài" vừa kết thúc.

Nghệ thuật chiến dịch được vận dụng vào nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến lược là một sáng tạo trong lãnh đạo chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tổ chức chiến dịch vận chuyển hiệp đồng binh chủng mới phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng chống chiến tranh "ngăn chặn" của địch có hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ trung tâm là vận chuyển chi viện chiến trường. Nhiệm vụ, mục tiêu của chiến dịch Đồng Xoài là đưa hàng và lực lượng nhập tuyến, vượt các cửa khẩu từ Đông sang Tây Trường Sơn.

Sau chiến dịch Đồng Xoài, cơ quan đang chuẩn bị kế hoạch chiến dịch tiếp theo. Ngày 18 tháng 12, Bộ Tư lệnh họp thông qua kế hoạch chiến dịch vượt Sê Băng Hiêng và đặt tên là “chiến dịch Bình Giã". Địa bàn và hướng chủ yếu của chiến dịch là từ các cửa khẩu Tây Trường Sơn đến Bạc. Lực lượng gồm có 4 binh trạm độc lập 12, 14, 15, 31; Trung đoàn bộ binh 29; Trung đoàn ô tô 13 và 3 tiểu đoàn ô tô độc lập, Trung đoàn 10 công binh, 3 trung đoàn cao xạ 591, 210, 250; 3 tiểu đoàn cao xạ 12, 88, 98, tiểu đoàn tên lửa 67, hai trung đoàn đường ống xăng dầu 592, 532. Lực lượng bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, quân y, thông tin được tăng cường và tổ chức chu đáo.

Kế hoạch chiến dịch được Đảng ủy thông qua và Bộ Tư lệnh phân công thực hiện. Bộ Tư lệnh quyết định tổ chức Sở chỉ huy tiền phương ở hướng chủ yếu do tôi và Phó chính ủy Lê Xy phụ trách. Đồng chí Lê Xy lăn lộn nhiều với bộ đội vận tải nên có kinh nghiệm tổ chức vận tải và nắm vững cán bộ. Cơ quan sở chỉ huy tiền phương chủ yếu dựa vào cơ quan 472, có tăng cường một số cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh 559 xuống. Đảng ủy 559 quyết định thành lập Ban cán sự tiền phương gồm 3 đồng chí: Lê Xy - Bí thư, Phan Khắc Hy và Lê Đình Trung, Bí thư Đảng ủy 472 là ủy viên.

Ngày 22 tháng 12 năm 1971 tôi, đồng chí Lê Xy cùng một số cán bộ cơ quan đi tiền phương đến Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 472. Từ ngày 23 đến 28 tháng 12 chúng tôi làm việc cùng Bộ Tư lệnh 472, nắm tình hình, cụ thể hóa kế hoạch chiến dịch và chuẩn bị triệu tập hội nghị quân chính. Bộ Tư lệnh 472 gồm các đồng chí: Ngô Huy Biên - Tư lệnh, Lê Đình Trung - Chính ủy, Đào Kim Sơn và Nguyễn Việt Phương - Phó tư lệnh, Phan Hữu Đại - Phó chính ủy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 07:18:47 am »


Ngày 29 tháng 12, đồng chí Đặng Tính - Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559 đến thông qua quyết tâm và kế hoạch của Ban cán sự. Hội nghị quân chính được tổ chức vào 2 ngày 30 và 31 tháng 12 nhằm quán triệt kế hoạch chiến dịch thông suốt đến cán bộ chủ chốt các binh trạm, Trung đoàn và cơ quan Bộ Tư lệnh 472. Mục tiêu quan trọng nhất của chiến dịch là đưa được khối lượng lớn hàng vượt đường 9 và Sê Băng Hiêng, tạo thuận lợi cho tuyến trước sớm có hàng đưa vào chiến trường và có dự trữ cho bước phát triển tiếp theo. Để đạt mục tiêu nhiệm vụ, toàn lực lượng chiến dịch phải giải quyết tốt các vấn đề:

Tìm mọi cách đánh và phòng tránh có hiệu quả thủ đoạn của địch dùng AC.130 săn lùng diệt sinh lực vận chuyển của ta.

Mở nhanh và củng cố hệ thống đường kín bảo đảm cho xe chạy ngày với đội hình lớn, đi thẳng, bỏ cung để tăng hiệu suất vận chuyển.

Hai trung đoàn đường ống tranh thủ thời cơ, thi công nhanh đường ống đến Bạc, xây dựng các khu kho và trạm cấp phát phù hợp với cung độ và đội hình của bộ đội xe và các đoàn binh khí kỹ thuật.

Về công tác bảo đảm hành quân phải cải thiện các đoạn đường dốc, bắc cầu vượt sông suối, ngụy trang và công sự khu trú quân, đẩy mạnh tăng gia để cải thiện bữa ăn cho bộ đội hành quân, chăm sóc tốt thương bệnh binh.

Sau hội nghị quân chính, đồng chí Đặng Tính vào Bộ Tư lệnh 471. Tôi cùng đồng chí Lê Xy vào Bộ Tư lệnh 472 triển khai kế hoạch. Ngày 1 tháng 1 năm 1972 chiến dịch Bình Giã mở màn.

Phát hiện ta hoạt động tập trung quy mô lớn, địch huy động lực lượng đánh phá ác liệt, đặc biệt tập trung kiểm soát gắt gao khu vực đường 9 từ ngã ba Bản Đông đến Mường Phin, khống chế các điểm vượt sông Sê Băng Hiêng. Mới vào mùa khô, nên nước sông còn cao, ta phải đổ đá tôn ngầm, xe 1 cầu vượt qua khó khăn, phải tổ chức kích kéo nên tốc độ chậm, địch phát hiện đánh phá gây tổn thất. Đồng chí Phạm Diêu - Cục trưởng Cục Công binh xuống hiện trường tổ chức khắc phục. Đồng chí hướng dẫn cho công binh kết bè nứa làm cầu nổi bắc qua đoạn sông hẹp nhất, ký hiệu là cầu FB, ban ngày ngụy trang giấu cạnh bờ sông có nhiều cây cao, đêm đến kéo ra ghép vào hai mố cầu đã chuẩn bị sẵn. Ngày 4 tháng 1 năm 1972 tôi xuống kiểm tra, chứng kiến 102 xe qua cầu trong đêm nhanh chóng.

Khi nước sông cạn dần, công binh tôn tạo ba ngầm vượt N11, N12, N13, làm dàn ngụy trang, bố trí lực lượng phòng không mạnh, ta vượt qua được lưới lửa ngăn chặn của địch. Trên trục đường kín (đường 24) đường còn ẩm ướt nên đội hình xe bị các đoạn trơn lầy chia cắt, tốc độ quá chậm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM