Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:48:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42867 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #150 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 09:18:26 am »


*

Tháng 3 năm 2000 đoàn cựu chiến binh Binh trạm 12 đi thăm chiến trường xưa được gặp bác Tố Hữu và chị Thanh (vợ nhà thơ) tại nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Tôi xin phép được nhắc lại kỷ niệm tháng 5 năm 1973 ở Trường Sơn và nói: - Chúng cháu đọc thơ của bác, vẫn nhớ đêm đón bác khi bác đi thuyền trên sông Bung, rồi tôi đọc:

... Non cao rực rỡ ánh vàng
Đêm rằm vằng vặc Bến Giàng trăng lên
Con thuyền rời bến sang Hiên
Xuôi dòng sông Cái, ngược triền sông Bung...

Bác Tố Hữu cười nhẹ:

- Thế là đã 27 năm rồi! Tôi chỉ viết lại, người viết giỏi lắm cũng chỉ nói được một phần sự thật thôi. Mọi người cùng cười vui.

Chúng tôi không ngờ đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi được gặp bác Tố Hữu. Đối với những người lính Trường Sơn chúng tôi mãi mãi nhớ ơn và tự hào về những khổ thơ của bác Tố Hữu được ghi tại văn bia nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

... Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang
Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng
Trường Sơn, vượt núi, băng sông
Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa
Trường Sơn, đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình.

Tôi viết những dòng này xin phép được coi như những nén hương thơm kính dâng và tưởng niệm hương hồn bác Tố Hữu an nghỉ ở cõi vĩnh hằng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #151 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2017, 11:45:04 pm »


THEO BƯỚC CHÂN THẦN TỐC
Đại tá DƯƠNG ĐÌNH TẠ
Phó cục trưởng Cục Tham mưu công binh Đoàn 559

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng. Quân ngụy Sài Gòn co cụm lại hòng củng cố tuyến chiến lược duyên hải Quảng Trị trở vào, không để cho địch có thời gian củng cố, cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta bắt đầu từ trung tuần tháng 3 năm 1975.

Chiều ngày 18 tháng 3 năm 1975, tại Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị cho Cục Công binh tổ chức trinh sát đường 1A và có kế hoạch bảo đảm giao thông cho tác chiến sắp tới. Sáng 19 tháng 3, tổ trinh sát gồm 4 người: đồng chí Cục phó Dương Đình Tạ, đồng chí Cứ, Đạt, cán bộ khảo sát thiết kế và đồng chí Lộc cảnh vệ; tổ trinh sát trang bị chiến đấu gọn nhẹ, đến Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hà mượn 4 chiếc xe đạp, vừa đi vừa theo dõi tình hình địch và trinh sát cầu đường quốc lộ 1A. Đến bờ sông Quảng Trị (Thạch Hãn) bên kia là Thành Cổ, chiều hôm qua, bờ sông phía Nam còn dày đặc họng súng của quân ngụy, sáng nay thì vắng tanh! Tiếng súng bộ binh và cối lùi dần vào phía trong. Linh tính nghề nghiệp, mỗi người chúng tôi đều có một cảm xúc chuyến đi trinh sát này chắc chắn là chuẩn bị cho những cuộc tác chiến lớn sắp tới.

Chúng tôi vượt sông bằng thuyền nan của dân. Qua Thành Cổ thấy từng tốp dân gồng gánh tất tưởi di tản về Đông Hà. Đến cầu Dài, mặt cầu làm bằng gỗ vừa bị địch đánh bộc phá còn khét lẹt, chúng tôi vác xe đạp đi trên các thanh dầm: đến gần trưa tiếp cận phòng tuyến sông Mỹ Chánh, tại đây vừa có trận ác chiến giữa ta và quân ngụy. Không thể chống cự nổi, quân ngụy rút về bên kia cầu; 2 xe tăng đứng trên đường bắn xối xả sang phía Bắc. Bộ binh ta phải dừng lại, chúng tôi đào công sự tạm, dùng ống nhòm quan sát cầu Mỹ Chánh và dự kiến địch trước khi rút thế nào cũng phá cầu Mỹ Chánh. Sau đó chúng tôi quay về, vừa đi vừa xem xét lại những cầu cống bị phá hoại và tìm địa điểm bắc cầu phao qua sông Quảng Trị (cầu bê tông bị phá hoại không thể khôi phục ngay được).

Sau khi nghe báo cáo về tình hình địch và cầu đường bị phá hoại, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị cho Cục trưởng Cục Tham mưu công binh Phan Quang Tiệp: Điều ngay Tiểu đoàn 73 thuộc Trung đoàn 99 ra bắc cầu nổi hai làn xe qua sông Quảng Trị; lệnh cho Trung đoàn 99 bàn giao việc thi công cầu treo Đắc Rông cho Trung đoàn 509, đưa đội hình vào khôi phục cầu đường từ Đông Hà trở vào Nam; tổ chức một tổ chỉ huy tiền phương của cục có điện đài.

Nhận được lệnh, Tiểu đoàn 73 hành quân bằng ô tô đến trú quân tại xã Nham Biều, ngày 21 tháng 3 tổ chức các tổ rà phá mìn hai đầu cầu phao, đưa xe lội nước phóng từ đi rà phá thủy lôi và bom từ trường dưới lòng sông khu vực bắc cầu. Các đồng chí Đặng Hương, Trần Đình Cầu, Cục phó đi vét các phao thuyền từ sông Gianh trở vào tập kết cho Tiểu đoàn 73 bắc cầu phao Quảng Trị dài 200 mét có hai làn xe.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #152 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2017, 11:45:29 pm »


Ngày 22 tháng 3, đơn vị hoàn thành xong cầu phao trong tiếng hân hoan của các đơn vị cơ giới qua cầu và nhân dân, tuy vậy đơn vị cũng bị tổn thất một ca-nô, hai chiến sĩ hy sinh khi đi thả neo cầu bị bom từ trường nổ. Ngay tối hôm đó, đồng chí chính trị viên phó cùng một tiểu đội và các mẹ xã Nham Biều đã chôn cất hai liệt sĩ tại nghĩa trang xã, trong tình thương xót của đồng đội và nhân dân. Hai cụm cao xạ bố trí tại hai đầu cầu sẵn sàng nhả đạn, nhưng không quân ngụy không dám bén mảng tới.

Ngày 25 tháng 3, cố đô Huế hoàn toàn giải phóng. Trong không khí tưng bừng của thành phố đầu tiên được giải phóng, cờ đỏ sao vàng rợp trời, thì đơn vị công binh Trường Sơn rất khẩn trương tiếp quản kho cầu be-lây - một loại cầu quân dụng của Mỹ - tại nha công chánh Huế, để khôi phục lại cầu Mỹ Chánh, cầu An Lỗ và cầu Thừa Lưu ở phía Nam thành phố Huế.

Đến cầu Truồi bị phá hỏng, sông ở đây nước rất sâu, công binh Quân đoàn 2 đã đưa hai phà quân dụng để đảm bảo cho mũi cơ giới phía Bắc tiến vào đèo Hải Vân, nhưng số lượng xe pháo quá lớn, số người di tản từ Đà Nẵng ra bị tắc ở đầu cầu Nam. Trung đoàn 99 rất linh hoạt cho xe quay về Huế đưa dầm, ván gỗ ra kết cấu thành một nhịp mặt cầu gỗ trên cầu đường sắt, đảm bảo thông các loại xe quân sự và phục vụ nhân dân đi lại.

Ngày 29 tháng 3, Đà Nẵng - một căn cứ lớn nhất miền Trung được giải phóng; tổ tiền phương đã vượt Đà Nẵng cách 30 kilômét thì gặp cầu Câu Lâu qua sông Thu Bồn bị không quân địch ném bom phá một trục cầu dài 50 mét tiếp đó cầu Bà Rén là cầu lớn cũng bị phá sập. Chúng tôi quay về Chỉ huy sở Quân đoàn 2 đóng tại đồn Hòa Khánh, báo cáo với Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Hữu An về kết quả đã làm từ Quảng Trị vào Đà Nẵng và tình hình các cầu phía Nam Đà Nẵng bị phá hoại. Chúng tôi đã nhận được giấy phép vào tổng kho quân sự để tiếp nhận các vật tư cầu và đến chỉ huy sở liên đoàn công binh ngụy để tìm tài liệu cần thiết.

Trung đoàn 99 được giao nhiệm vụ bắc cầu Câu Lâu. Địa hình ở đây gần biển nên sông rất rộng, gió to, từ mặt cầu xuống nước cao tới 15 mét. Lần đầu tiên bắc nhịp cầu quá dài, cán bộ, chiến sĩ có những băn khoăn về tổ chức và kỹ thuật. Đồng chí Vũ Viết Thường - Trung đoàn trưởng tốt nghiệp trường trung cấp giao thông và đồng chí Nguyễn Đình Mẫn - Trung đoàn phó tốt nghiệp trường sĩ quan công binh đã thức rất khuya để đọc tài liệu của công binh ngụy, nghiên cứu biện pháp kéo nhịp cầu dài và nặng làm sao được an toàn và kịp yêu cầu của chiến dịch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #153 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2017, 11:45:52 pm »


Công binh Quân khu 5 đưa hai phà quân dụng bảo đảm qua sông Thu Bồn nhưng với sông rộng, xe quân sự đã nhiều, xe của dân di tản muốn trở về Đà Nẵng cũng không ít, hai chiếc phà chỉ giải quyết xe đi chiến đấu. Tất cả phải chờ vào sự khôi phục cầu Câu Lâu. Nhịp cầu 50 mét phải kết cấu khoang be-lây kép 3 và cao 3 tầng, phải có 50 mét làn đối trọng khi kéo cầu nên khối lượng vật tư rất lớn. Việc đi tìm các loại chốt cầu cũng rất vất vả. Cuối cùng sau 4 ngày chuẩn bị, nhịp cầu đã được kéo vào vị trí an toàn trong tiếng reo mừng của cán bộ, chiến sĩ và các lái xe chờ đợi mấy ngày liền. Đoàn của Bộ Giao thông vận tải do tổng công trình sư Đỗ Hựu đi xem xét giao thông vùng mới giải phóng, nhiệt liệt khen ngợi công binh Trường Sơn bắc cầu trong điều kiện rất khó khăn, Bộ Tư lệnh Trường Sơn cũng kịp thời gửi điện biểu dương đơn vị.

Từ đó trở vào các cầu trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... bị phá hoại thì trung đoàn phân công cầu nhỏ giao cho một đại đội, cầu lớn giao cho 2 đại đội làm liên tục 24 giờ/24 giờ. Ban đêm nhân dân cho mượn máy phát điện gia đình thắp sáng cho Quân giải phóng bắc cầu.

Từ Huế trở vào có nhiều đèo, có những đèo cao như đèo Hải Vân, Cù Mông... Để bảo đảm giao thông được chắc chắn, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã điều Trung đoàn 531 công binh bảo đảm sửa chữa các đèo.

Căn cứ Chu Lai được giải phóng, nhưng cầu An Tân dài 150 mét phía Bắc căn cứ bị phá sập. Đội hình Trung đoàn 99 đã rải quá dài nên Trung đoàn công binh 8 Trường Sơn được điều vào khôi phục cầu An Tân và làm một số cầu tiếp theo. Đội hình khôi phục cầu bị phá cứ cuốn chiếu theo chiều thắng lợi của chiến dịch. Nhưng đến Phan Rang là tuyến chặn từ xa của chính quyền Sài Gòn không quân địch oanh tạc dữ dội, chặn bước tiến của quân ta, chúng ném bom phá hỏng cầu Ba Ngòi phía bắc Phan Rang và cầu Phan Rí, nam Phan Rang. Đội hình xe tấn công phải dừng lại mấy tiếng đồng hồ sửa chữa cầu Cầu Ba Ngòi thấp nhưng ở địa hình sình lầy, đồng chí Nguyễn Hạnh, Phó phòng kế hoạch công binh đã rất linh hoạt tìm ra kho thanh dầm MI chuyên dùng sửa chữa cầu thấp, đã điều hành việc lắp ráp các thanh, chữa lại cầu dưới làn đạn của máy bay địch, vài giờ sau đã thông cầu. Đồng chí Hạnh, quê ở Gò Vấp, thành phố Sài Gòn, học sinh tập kết ra Bắc, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, sau đó vào công tác tại Cục Công binh Trường Sơn. Vì lòng dũng cảm của một sĩ quan và lòng yêu quê hương, anh đã lập một chiến công như trên và được Bộ Quốc phòng thưởng Huân chương Chiến công ngay trong chiến dịch. Tiếp sau đó, một đại đội của Trung đoàn 99 đã kịp thời đưa be-lây đến bắc lại cầu Phan Rí; tuyến giao thông chiến dịch lại thông suốt, chúng tôi vẫn bám sát bước chân thần tốc của Quân đoàn 2.

Thành phố Đà Lạt được giải phóng, nhưng hai đường đến Đà Lạt có hai cầu lớn đều bị phá. Đường từ Phan Rang lên thị trấn Đơn Dương thì cầu Phù Mỹ dài 120 mét bị phá sập; đường 20 từ ngã ba Dầu Dây lên Đơn Dương thì cầu La Ngà dài 100 mét cũng bị phá. Sẽ không biết có bao nhiêu khó khăn cho công tác quân quản vào bảo đảm thành phố mới được giải phóng, nếu cả hai đường không có xe ô tô hoạt động. Được lệnh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, hai đơn vị thuộc Trung đoàn 99 đã chở vật tư đến làm lại hai cầu trên.

Hai tuyến đường được thông suốt, Ủy ban Hành chính huyện Đơn Dương và Ủy ban quân quản thành phố đến tận nơi bắc cầu, úy lạo Quân giải phóng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #154 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2017, 11:47:04 pm »


Trung đoàn trưởng Vũ Việt Thường chỉ đạo đơn vị làm xong cầu La Ngà trên đường về Dầu Dây bị thương phải về tuyến sau điều trị. Trung đoàn phó Nguyễn Đình Mãn và Chính ủy Nguyễn Văn Tâm tiếp tục tổ chức và động viên đơn vị hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo. Tốc độ chiến dịch phát triển càng gần Sài Gòn càng khẩn trương, để đạt mục đích cuối cùng kết thúc thắng lợi trước mùa mưa 1975. Chiều 30 tháng 4, tiền phương công binh đến thành phố Biên Hòa, tại đây sáng nay tốp đi đầu của Quân đoàn 2 đã tiêu diệt các ổ đề kháng canh gác ba cầu qua sông Đồng Nai.

Cầu giữa là cầu Ghềnh loại cầu liên hợp cả đường sắt và đường bộ, hai cầu còn nguyên vẹn. Bởi công binh địch sau khi buộc xong 8 khối thuốc nổ vào các thành cầu, các kíp điện đã lắp vào xong đến lô cốt đầu cầu phía Nam, nhưng vì hốt hoảng quá nên chúng không kịp quay máy phát điện phá cầu. Đại úy Nguyễn Đình Tiên cùng tổ trinh sát cho ngừng ngay việc đi lại trên cầu và với động tác rất nhẹ nhàng, cẩn thận, tháo hết kíp nổ, phá hủy 8 khối thuốc nổ trong ánh mắt khâm phục của nhân dân đứng chờ để qua cầu.

Cầu bê tông ở thượng lưu là cầu đôi bị phá hỏng một trụ, hai nhịp cầu 30 mét gãy gục xuống sông. Điều kiện khôi phục lại cầu cần số lượng lớn be-lây như cầu Câu Lâu (Đà Nẵng) nên phải đưa được lực lượng vào tổng kho Long Bình lấy đủ vật tư. Hạ lưu cầu Ghềnh là xa lộ, cầu còn nguyên vẹn nhưng địch đặt các ụ chướng ngại vật hình chữ chi trên mặt cầu để hãm tốc độ xe nếu ta chọc thủng phòng tuyến Biên Hòa. Chúng tôi tìm đến mỏ đá Biên Hòa huy động hai xe cẩu lớn giải phóng mặt cầu xa lộ. Từ Biên Hòa vào Sài Gòn địch không kịp phá hoại gì cả.

Chiều 1 tháng 5 chúng tôi đến báo cáo đồng chí Phan Khắc Hy, Phó tư lệnh bộ đội Trường Sơn tại sở chỉ huy để xin giấy phép vào tổng kho Long Bình nhận cầu be-lây khôi phục cầu đôi Biên Hòa và ngày 10 tháng 5 hoàn thành. Tại đây, đoàn Ủy ban quân quản thành phố Biên Hòa đã đến tặng quà cho đơn vị.

Về hướng đường 1B từ Biên Hòa, Vũng Tàu, địch phá sập cầu Ô May là cầu lớn nhất, dài 150 mét. Một đơn vị thuộc Trung đoàn 99 đã được điều đến khôi phục tại Bà Rịa, sau 5 ngày xong. Đơn vị còn dùng xe tải kéo những xe đi trước ngày 30 tháng 4 nhưng vì trục trặc phải dừng lại, gây tắc cầu đến nay được thông tuyến đường như cũ.

Cuộc Tổng tiến công kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Các đơn vị công binh Trường Sơn đã đảm bảo giao thông đường 1A từ Đông Hà - Sài Gòn dài 1.262 kilômét, quốc lộ 20 từ ngã ba Dầu Dây - Đà Lạt dài 230 kilômét, quốc lộ 15 từ Biên Hòa - Vũng Tàu dài 90 kilômét, riêng trên đường 1A đã khôi phục 18 cầu loại vừa và lớn với tổng chiều dài 3.300 mét đáp ứng yêu cầu của tổng tiến công. Trong lễ mừng chiến thắng của bộ đội Trường Sơn gồm các đơn vị vận tải, công binh, cao xạ, v.v. tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Trung đoàn công binh 99 được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các đơn vị khác cũng được khen thưởng.

Trong chiến công của công binh Trường Sơn có phần đóng góp rất quan trọng của các Ủy ban quân quản, các thành phố và nhân dân ven các tuyến quốc lộ nói trên.

Sau cuộc Tổng tiến công, công binh Trường Sơn đã trưởng thành thêm một bước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #155 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:38:55 am »


THẦN TỐC VÀ TOÀN THẮNG1

Trung tướng ĐỒNG SỸ NGUYÊN
Nguyên Tư lệnh Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn

Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân bế mạc chiều ngày 23 tháng 4. Cùng lúc, tôi được thông báo ngày hôm sau làm việc với các anh Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng.

Thêm một điều gì? Một nhiệm vụ gì hệ trọng, mà Trường Sơn có được may mắn này? Mừng, lo lẫn lộn là tâm trạng bám đuổi tôi cả đêm 23 và sáng ngày 24 trên đường từ nhà vào Thành nội làm việc. Bởi hôm nói chuyện với hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân, các anh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp... đã phân tích rất sâu sắc một số điểm trong nhận định, đánh giá tình hình của Trung ương Đảng, chỉ ra những khả năng phát triển của cách mạng miền Nam và những việc cần làm để giành thắng lợi trong những năm tới.

Vào làm việc, theo yêu cầu của các anh, tôi báo cáo khái quát hoạt động vận chuyển chi viện chiến trường, tiến độ xây dựng đường tiêu chuẩn Đông Trường Sơn, xây dựng đường ống xăng dầu, đường thông tin tải ba; tiếp nhận hàng ở các cảng Hòn La, Nhật Lệ, sông Gianh, Đông Hà... Mọi lĩnh vực đều suôn sẻ, khả quan.

Anh Duẩn, anh Đồng, anh Văn và anh Dũng đều lưu ý tôi: Tình hình đã có nhiều thuận lợi; với thế và lực đã tạo được, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn cần tính toán chính xác, tổ chức chỉ đạo thật chặt chẽ để đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 1974.

Anh Duẩn còn dặn thêm:

- Ngoài chỉ tiêu kế hoạch năm 1974, các anh cần bàn tính, chuẩn bị sớm kế hoạch năm 1975. Lưu ý, các chỉ tiêu tăng hơn kế hoạch thông thường. Tình hình sẽ có những bước nhảy vọt mà ta chưa thể lường trước được.

Những điều anh Ba gợi ý làm tôi liên tưởng tới những chủ trương đầy tính dự báo của Đảng ta kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945. Vậy sau Mậu Thân 1968, xuân hè 1972, lần này "bước đột biến" sẽ là gì đây?

Tiếp những ngày sau đó, tôi làm việc với các cơ quan Bộ Quốc phòng chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch năm 1975, trực tiếp nghe các anh Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện... trao đổi về hai phương án của kế hoạch chi viện chiến trường.
__________________________________
1. Trích hồi ký.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #156 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:39:21 am »


Hôm làm việc với Tổng cục Hậu cần, anh Đinh Đức Thiện nói:

- Phương án 1, như Bộ Tổng tham mưu và các tổng cục đã làm việc với anh. Phương án 2 nay chưa chuẩn bị kịp. Nhưng anh nhớ là có phương án 2. Khi phương án đó xảy ra thì khó mà nói trước được là tăng bao nhiêu quân và vật chất kỹ thuật.

Trước sự quả quyết gần như "đinh đóng cột" của anh Thiện về phương án thời cơ, tôi trả lời:

- Báo cáo anh, chúng tôi mong cho phương án đó đến càng nhanh càng tốt, không ngại khó khăn, vất vả. Theo tôi, những ngày khó khăn nhất của tuyến chi viện Trường Sơn đã vĩnh viễn qua rồi, qua lâu rồi.

Ra Hà Nội, ngoài công việc, tôi còn được gần gũi gia đình. Mặc dù lúc này ở nhà chỉ có vợ và hai con gái. Sĩ Hưng - con trai cả đã là phi công lái máy bay chiến đấu, Quân là sĩ quan pháo binh, Bắc và Việt cũng đi học xa. Hôm lên thăm Sĩ Hưng tại sư đoàn không quân đóng ở Sóc Sơn, tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến sức mạnh của một sư đoàn không quân tiêm kích hiện đại và sự trưởng thành "bằng anh, bằng em" của con trai mình.

Chưa trọn tuần làm việc ở Hà Nội, với những thông tin nóng hổi vừa lĩnh hội, tôi trở về đơn vị trong tâm trạng phấn chấn tột đỉnh. Lòng tự bảo, với những gì mà đường Hồ Chí Minh tạo dựng trong 15 năm qua, dù tình hình có phát triển đột biến, chúng tôi cũng không vì thế mà bị động.

Cơ quan Bộ Tư lệnh Trường Sơn lúc này đang rộn rực khí thế kỷ niệm 15 năm ngày thành lập tuyến chi viện chiến lược. 15 năm đạn bom và máu lửa, 15 năm thăng trầm luyện rèn, mưa nguồn suối lũ... Nhưng bất chấp mọi thử thách, hy sinh, từ hơn 400 con người đã phát triển thành một binh đoàn hùng mạnh. Những lối mòn giao liên nhỏ nhoi cũng đã nhường chỗ cho một thế trận cầu đường - một "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm", một tuyến chi viện chiến lược, một căn cứ hậu cần chiến lược... Nói sao hết những xúc cảm, tự hào! Cũng dịp này, bộ đội Trường Sơn vinh dự được đón thư khen của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Bác Tôn động viên, căn dặn chúng tôi: "Hãy xứng đáng là những cán bộ, chiến sĩ vinh dự được lao động và chiến đấu trên tuyến đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại!".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #157 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:40:07 am »


Một trong những sự kiện có ý nghĩa lớn trong thời điểm này là vào cuối tháng 5, Bộ Tư lệnh quyết định chuyển sở chỉ huy vào khu vực Bến Tắt, ngay bờ nam sông Bến Hải.

Cũng khu vực này, nhưng ở bờ Bắc, vào buổi "sơ sinh" của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, anh Võ Bẩm đã bí mật cho đặt sở chỉ huy tiền phương Đoàn 559. Cũng bầu trời này, cũng dòng sông ấy, nhưng giờ đây trời như xanh cao hơn, sông lại một mực hiền hòa, đằm thắm; không còn trào sôi nỗi đau chia cắt, cảnh một con sông mà nước chảy đôi dòng. Sau này suy ngẫm lại, tuy lúc đó quyết định của Bộ Tư lệnh đâu có tính đến sự lặp lại của lịch sử, nhưng chính sự ngẫu nhiên đó, cho phép tôi nghĩ rằng lịch sử thật công bằng, "Có trước có sau!".

Để nâng tầm thế của một địa danh lịch sử giàu ý nghĩa này, từ cuối năm 1973 chúng tôi đã cho xây dựng cầu treo Bến Tắt nối hai bờ sông Bến Hải. Đây là chiếc cầu treo đầu tiên trên tuyến Đông Trường Sơn.

Cũng tại địa bàn này, trong quá trình xây dựng đường tiêu chuẩn Đông Trường Sơn, lần đầu tiên chúng tôi cùng chuyên gia Cu Ba sử dụng thiết bị làm đường hiện đại của Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô gửi tặng bộ đội Trường Sơn rải nhựa sáu cây số trên đường 15 mới, kéo dài đến Cam Lộ, nối với đường 9.

Công trình có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử lớn nhất được xây dựng ở đây là nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Chọn vị trí có ý nghĩa xây dựng một nghĩa trang có quy mô, tầm thế tương xứng với sự hy sinh của biết bao đồng chí, đồng đội vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, vì sự sống còn, lớn mạnh không ngừng của tuyến đường mang tên Bác Hồ kính yêu là một chủ trương lớn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn và đông đảo cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đặc biệt quan tâm.

Từ giữa năm 1974, tôi cùng các anh trong Bộ Tư lệnh tranh thủ mọi nơi, mọi lúc tìm chọn vị trí khắp địa bàn hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Cuối cùng, cũng chính khu vực Bến Tắt được xem là nơi hội tụ khá đầy đủ những gì chúng tôi muốn. Ngoài ý nghĩa là điểm lưu giữ dấu ấn về buổi phôi thai đường Trường Sơn, gần trục giao thông xuyên Việt Bắc - Nam, chúng tôi còn muốn những đồng chí, đồng đội yêu quý của mình được yên nghỉ bên dòng Bến Hải - ranh giới cắt chia hai miền Bắc - Nam thời đánh Mỹ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #158 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:42:04 am »


Từ cuối năm 1974, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn chính thức được khỏi công. Toàn bộ công trình được bố trí trên ba quả đồi, có diện mạo cảnh quan khá đẹp, rộng chừng 100 héc-ta, sát đường 15 - đoạn mới mở thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh.

Vào thập kỷ bảy mươi, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có quy mô lớn nhất so với các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước; về kiến trúc, bố cục, cho đến nay vẫn là một nghĩa trang độc đáo, không giống đa phần nghĩa trang liệt sĩ mà tôi thấy trên cả nước, thường như bản sao của nhau.

Biết rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ sẽ kết thúc, hòa bình được thiết lập ở hai nước Việt - Lào, khi đó việc đi lại khó khăn hơn, nên từ đầu năm 1974, Bộ Tư lệnh đã chỉ thị cho Cục Chính trị tổ chức năm đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt của các liệt sĩ được chôn cất rải rác trên tuyến hành lang Tây Trường Sơn, quy tập về đây.

Một quyết định đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của hết thẩy mọi người, nên được sự hưởng ứng, ủng hộ của nhiều đơn vị, các ngành, các cấp.

Tới đầu năm 1976, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hoàn thành về cơ bản. Về sau, được sự trợ giúp, đóng góp của các địa phương, ban ngành, đoàn thể trong cả nước, công trình này được tôn tạo đúng tầm cỡ nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, với hơn 10 nghìn ngôi mộ. Trên ba ngọn đồi, với ngàn thông, phi lao đón gió suốt ngày đêm tạo nên bản hòa âm vĩ đại, bất tử, làm ấm lòng những người con đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì sự sống của "con đường huyền thoại"1.

Mỗi lần viếng thăm hương hồn những liệt sĩ đã yên nghỉ nơi đây, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động trước cảnh quan bi hùng của nghĩa trang, trước tấm bia tưởng niệm đã được chúng tôi cho khắc ghi đôi câu đối:

      "Vạn thuở lưu danh liệt sĩ.
      Ngàn đời tạc sử Trường Sơn".


___________________________________________
1. Đính chính:
    Trong tập hồi ký "Với cả cuộc đời" của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - Nxb Quân đội nhân dân xuất bản năm 2007, do sơ suất về biên tập (trang 328, dòng 21) có ghi số lượng thương vong là 223 nghìn; xin đọc là hơn 22 nghìn. Thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc!

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #159 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:42:39 am »


*

Trung tuần tháng 6 năm 1974, Quân ủy Trung ương thông qua kế hoạch công tác năm 1975 của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, gồm những chỉ tiêu cụ thể về vận chuyển chi viện chiến trường, xây dựng đường cơ bản Đông Trường Sơn. Quân ủy Trung ương đặc biệt lưu ý chúng tôi cần chuẩn bị một khối lượng lớn hàng dự trữ chiến lược, xây dựng ba cụm kho dự trữ chiến lược: một ở đường số 9, một ở Sa Thầy, một ở Bù Đốp. Những nội dung này được cụ thể bằng Nghị quyết số 25/QUTW, ngày 17 tháng 6 của Quân ủy Trung ương.

Từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 8 năm 1974, tại sở chỉ huy Bến Tắt, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp, hạ quyết tâm và thống nhất các biện pháp thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ trên giao; bảo đảm và phối hợp cùng các chiến trường tạo thời cơ quyết định. Cụ thể:

- Tập trung xây dựng, sớm thông tuyến đường Đông Trường Sơn, nối dài đường ống xăng dầu vào Bù Gia Mập; đồng thời cải tạo đường Tây Trường Sơn, để tận dụng cả hai tuyến đông - tây trong mùa khô tới.

- Chuyển hệ thống kho tàng dự trữ sát các tuyến chiến dịch, cải tiến hệ thống kho tàng đảm bảo đủ năng lực cấp phát, giải phóng một lúc một trung đoàn xe.

Anh Đinh Đức Thiện, thay mặt Quân ủy Trung ương và Tổng cục Hậu cần vào dự, hoàn toàn nhất trí với những chủ trương và giải pháp kể trên.

Hơn mười ngày sau hội nghị Đảng ủy, hội nghị quân chính toàn tuyến được triệu tập nhằm quán triệt nghị quyết đảng ủy, bàn triển khai kế hoạch mùa khô 1974- 1975. Đây là hội nghị cán bộ có quy mô lớn, đông đủ các đồng chí trong Bộ Tư lệnh: Chính ủy Hoàng Thế Thiện; các Phó chính ủy: Lê Xy, Lê Nghĩa Sỹ, Trần Quyết Thắng; các Phó tư lệnh: Nguyễn Lang, Phan Khắc Hy, Lê Đình Sum, Nguyễn Lệnh, Hoàng Kiện và đông đảo cán bộ chủ trì các cơ quan Bộ Tư lệnh, 8 sư đoàn, 11 trung đoàn trực thuộc; đại diện Ban 67 và đoàn trưởng các đoàn thanh niên xung phong...

Thay mặt Bộ Tư lệnh, tôi báo cáo khái quát tình hình trên hai miền đất nước, tập trung đi sâu công việc của tuyến; dự kiến phương hướng nhiệm vụ năm 1975 với hai phương án theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và những gì lĩnh hội được qua làm việc với các anh Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM