Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:42:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42884 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #140 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 03:32:20 pm »


Mùa khô năm 1967-1968 toàn binh trạm bước vào chiến dịch vận chuyển cho chiến trường (sau này chúng tôi mới biết là phục vụ cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968). Đơn vị lái xe luôn quay vòng tăng chuyến chở hàng từ Hương Khê vào 050 và Xóm Péng bên Lào. Ai đạt 10 chuyến/tháng trở lên được thưởng chiếc đồng hồ Poljot của Liên Xô. Các nữ lái xe chỉ cần đạt 4-5 chuyến là được thưởng như cô Thanh, cô Vân, cô Xuân. Tôi là một trong nhiều người đạt 13 chuyến tháng trở lên. Tôi nhớ mãi đêm 12 tháng 11 năm 1965 âm lịch, trăng về khuya dát vàng trên đỉnh núi và soi tỏ những con đường còn nham nhở hố bom. Có ai quý ánh trăng hơn như lái xe Trường Sơn trong đêm nay. Qua Thanh Lạng, Khe Núng, Ka Tang... sắp đến Khe Ve, khoảng 50 kilômét nữa là đến Cổng Trời. Tôi đang nhẩm tính thì nghe những tiếng súng AK báo hiệu tắc đường ở Km 468. Cậu Nguyễn Văn Túy, phụ xe trèo lên thùng, nhìn khắp trọng điểm nói vọng xuống:

- Anh Oanh ơi, xe nằm dài lắm.

Rồi cậu ta ngân nga:

      Đành lòng chờ đó ít lâu
      Chầy ra thì một giờ sau lên đường...


Tôi phì cười và nhìn đồng hồ lúc này đã 3 giờ sáng. Tại căn hầm nửa chìm nửa nổi khá rộng có ánh sáng đèn dầu vàng khè cạnh trạm barie có một số người đi lại vẻ nôn nóng. Tôi nhận ra anh Vũ Văn Thặng - Chính trị viên trưởng và anh Nguyễn Đình Hoành - Chính trị viên phó Đại đội 9 đang trao đổi với mấy anh bên công binh. Tôi đứng ngoài nhưng nghe khá rõ:

- Từ 20 giờ máy bay Mỹ đã 2 lần ném bom tọa độ, có nhiều quả trúng mặt đường ở Km 468, có cả bom từ trường và bom nổ chậm ở cua phía tay trái. Chúng tôi đã dùng mìn kích nổ nhưng bọn này nằm sâu quá...

Bỗng có những bóng người bước nhanh vào hầm trông như lính đặc công: mặc quần đùi, chân trần không giày dép, mặc áo bông, đầu đội mũ sắt. Ai cũng thở gấp như chạy bộ về đây. Một người khẽ lau những giọt mồ hôi trên mặt, nói gấp gáp:

- Báo cáo các anh, chúng tôi đã dùng gần chục thùng phi loại 100 nhưng đều lăn xuống vực cả. Dây dài 30 mét là khoảng cách an toàn tối thiểu, khi kéo vừa xuống dốc, vừa vào cua, dây bị chùng lại, thùng phi theo đà lăn thẳng xuống vực, nhanh hơn cả người, mất tác dụng...

Anh Thặng và anh Hoành nói nhỏ với nhau điều gì đó tôi nghe không rõ. Mấy phút sau tất cả lái xe các đại đội: 9, 22, 11 được triệu tập họp gấp. Anh Thặng là người chỉ huy cao nhất ở đây quán triệt:

- Thưa các đồng chí, chiến trường miền Nam đang từng giờ từng phút cần súng đạn của chúng ta chuyển vào, nếu chậm trễ chúng ta có tội với đồng bào miền Nam ruột thịt. Không còn cách nào khác, chúng ta phải dùng ngay xe ô tô để phá bom từ trường. Thay mặt lãnh đạo và chỉ huy tôi kêu gọi các đồng chí cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên... hãy xung phong làm nhiệm vụ, dám hy sinh trước giờ chiến thắng...

Ông Thặng vừa dứt lời, hàng trăm cánh tay giơ lên kèm theo tiếng:

- Tôi. Tôi xung phong...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #141 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 03:33:00 pm »


Sau mấy phút hội ý, Ban chỉ huy chọn hai người: Anh Bùi Văn Vinh quê Hòa Bình và tôi Nghiêm Xuân Oanh, người Hà Nội. Tôi nói:

- Anh Vinh lái xe từ năm 1963, là một lái xe giỏi, đã có nhiều thành tích, tôi tin là anh Vinh sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng gia đình anh Vinh đã có một người con hy sinh cho Tổ quốc, anh Vinh lại còn vợ và 3 con gái còn nhỏ... Còn tôi chưa vợ con, nếu hy sinh vẫn còn một em trai và các chị em gái sẽ phụng dưỡng cha mẹ già, tôi ra đi sẽ thanh thản hơn. Và đây là thể hiện lòng trung thành với Đảng của người đảng viên trong tôi... Cách đây 21 năm những người cha, người anh của Thủ đô Hà Nội đã "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh". Nay đến thế hệ chúng tôi cũng dám xả thân vì con đường mang tên Bác, vì cách mạng miền Nam. Đề nghị các đồng chí và Ban chỉ huy chấp thuận đề nghị của tôi.

Tôi vừa dứt lời, tiếng vỗ tay như pháo nổ. Anh Vinh đứng lên nói tiếp:

- Anh Oanh còn trẻ, còn nhiều công hiến cho cách mạng, việc này phần tôi...

Anh Thặng tuyên bố:

- Ban chỉ huy chấp thuận nguyện vọng của đồng chí Oanh.

Mọi người ùa vào chuyển những hòm đạn của xe tôi sang xe khác và đứng vây quanh chiếc xe Gát màu cỏ úa của tôi thành một vòng cung.

Anh Vũ Văn Thặng đứng đối diện với tôi ở đầu xe đọc lời điếu:

Thưa các đồng chí, đồng chí Nghiêm Xuân Oanh sinh trưởng trong một gia đình công nhân, quê ở Láng Thượng, Từ Liêm, Hà Nội. Lớn lên được học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, năm 1965 vừa tròn 20 tuổi gia nhập quân đội, vào Nam chiến đấu và đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đêm nay cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù ngay tại trọng điểm Khe Ve này. Đồng chí đã xung phong làm nhiệm vụ, cầm chắc sự hy sinh, công hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Phần việc còn lại của đồng chí chúng tôi sẽ gánh vác. Trước giờ phút linh thiêng này, chúng ta vĩnh biệt đồng chí Nghiêm Xuân Oanh, chúc đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và trở về đội ngũ chiến đấu dù chỉ một phần ngàn tia hy vọng.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt!

Nghiêm! Một phút mặc niệm bắt đầu!

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #142 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 03:33:59 pm »


Trước mặt tôi là những đồng đội đã từng sát cánh trên từng kilômét, đang đứng nghiêm trang, ngực mang áo giáp, mũ sắt trên đầu và hơi cúi xuống trông mờ mờ ảo ảo như những chiến binh cổ đại trong đêm. Cả không gian tĩnh lặng, chỉ còn nghe tiếng chim xa xa vọng lại... Bóng trăng vàng chênh chếch phía tây làm ánh lên những giọt lệ đang từ từ lăn trên gò má của những khuôn mặt đen sạm. Rồi những tiếng nấc, tiếng khóc bật ra:

- Anh Oanh ơi! Vĩnh biệt, vĩnh biệt. Anh không thể chết...

Mọi người ôm chầm lấy tôi, người nắm tay, kẻ vỗ vai như truyền thêm sức mạnh cho tôi trước giờ xung trận. Cảnh ngộ ấy cũng làm tôi xúc động và thấy cay cay nơi sống mũi. Tôi đưa chiếc ba lô con cóc cho anh Nguyễn Đình Hoành - Chính trị viên phó Đại đội 9.

- Nếu tôi không trở về, anh trao chiếc ba lô này cho mẹ tôi và nói lại là: "Con trai của mẹ đã làm đúng lời mẹ dặn khi vào bộ đội, đã sống bằng anh bằng em và xứng danh thanh niên Hà Nội".

Tôi nhìn lần cuối chiếc đồng hồ Poljot mới được thưởng: đã 3 giờ 45 phút và tặng lại anh Nguyễn Văn Thức, lái xe cẩu, người Bắc Ninh. Chiếc bút máy Trường Sơn tôi tặng cậu Nguyễn Văn Túy, phụ xe. Có thể đã từng vượt qua những tình huống hiểm nguy và cận kề cái chết nên lúc này tôi rất bình tĩnh và tự tin khi bước lên xe, rồi nổ máy, bật đèn gầm, bật đèn quả nhót để tăng ánh sáng. Trong đầu tôi chỉ còn ý nghĩ: tốc độ nhanh, xử lý chính xác khi vào cua bên tay trái, bên phải là vực sâu...

- Báo cáo đại đội trưởng, tôi Nghiêm Xuân Oanh đã sẵn sàng!

- Xuất phát!

Tôi giơ tay vẫy mọi người và cùng con "tuấn mã" mang biển số BB-1960 lao đi. Mấy phút sau tôi bỗng thấy xe rung lên, ánh chớp loằng ngoằng rồi chói lòa và nghe rõ tiếng nổ nhỏ rất trầm. Bên tai nghe như có tiếng đất đá bay rào rào và người tôi như đang bồng bềnh trên mây...

- Nước, nước... Tôi thấy khát và kêu lên: Anh Thặng ơi, xe qua chưa?

- Anh Oanh tỉnh lại rồi, sống rồi!

Tôi nghe rõ tiếng người con gái reo lên khe khẽ, nhiều bước chân đi lại rậm rịch, nói thì thào. Đầu tôi vẫn nóng như hòn than, nặng trịch, toàn thân ê ẩm, chung quanh là màn đêm mung lung.

- Tôi đang ở đâu thế này? Sao đêm dài thế, tôi không nhìn thấy gì cả!

Có cô gái cầm tay tôi nói nhỏ:

- Anh đang nằm ở Đội điều trị 14, ở hang Hóa Tiến ấy. Chúng em lo quá, hôm nay là ngày thứ ba anh mới tỉnh lại. Em là Nga, y tá, người Yên Mô, Ninh Bình. Anh uống tý sữa nóng nhé. Thế, một thìa nữa thôi... mới mau khỏe. Anh bị thương rạn xương hông bên phải, đầu bị chấn thương, ảnh hưởng hệ thần kinh, nên thị giác cũng bị ảnh hưởng theo. Vài tuần là anh khỏi, lại lên xe Chào em cô gái Ninh Bình thôi mà...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #143 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 03:34:39 pm »


Nghe em Nga nói vậy cũng không làm giảm nỗi buồn trong tôi. Mình có bị mù không, có phải chống nạng không? Sau này sẽ sống thế nào. Tôi lại nhớ nhân vật Paven trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy khi còn học phổ thông đã được đọc. Cần phải nghe em Nga, cố gắng ăn và tập đi. Tôi thầm tự nhủ như vậy. Anh em đến thăm tôi rất nhiều, từ chỉ huy binh trạm đến lái xe, công binh, thanh niên xung phong. Tôi cảm nhận bằng tai những tiếng cười nói của bạn bè đồng đội và tôi đã chắp lại hình ảnh về cái đêm ấy...

Do xuống dốc, tốc độ cao, xe lướt nhanh trên mặt đường, những quả bom từ trường, bom nổ chậm thi nhau nổ vút theo xe. Do vào cua tôi bị dính quả cuối cùng. Độ nửa tiếng sau, khói bom đã loãng, sương tan dần, anh em công binh mới phát hiện ra xe của tôi đang ngồi trên cành cây bên ta luy âm. Hai cánh cửa xe bật tung, họ soi đèn pin vào thấy tôi nằm co quắp trong ca bin, máu lênh láng ở quần. Sờ thấy người còn nóng, tim thoi thóp đập, mũi thở nhè nhẹ, anh Thặng cho xe chở ngay vào Đội điều trị 14. Chiếc xe của tôi bay mất cả nhíp và đôi lốp sau, thành xe gẫy nát, khẩu súng CKC trong ca bin chỉ còn cái nòng. Đêm ấy cả đoàn xe tới đích an toàn.

Đón giao thừa Mậu Thân 1968, chúng tôi ngồi quanh chiếc đài Orionton của Đội điều trị 14. Tiếng Bác đầm ấm vang lên:

      Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
      Thắng trận tin vui khắp nước nhà...


Những ngày sau đó quân và dân miền Nam đồng loạt nổi dậy, làm rung chuyển cả nước Mỹ. Tôi thầm nghĩ, những viên đạn đêm ấy chuyển đi, chắc đã đến tay các anh Giải phóng quân.

Một buổi sáng tôi tự lần cửa ra sân, mùi thơm của những giò phong lan đang phảng phất đâu đây. Với phản xạ tự nhiên, tôi căng mắt ra nhìn. Hình như có ánh sáng, rồi màu vàng, màu tim tím.

- Đúng rồi, hoa phong lan đẹp lắm, Nga ơ...i! - Tôi kêu lên sung sướng.

Mọi người ùa lại, hình như bốn, năm người.

- Anh nhìn thấy rồi ư? Em đây, Nga đây!

Tôi mò mò trông thấy đôi bàn tay của người con gái đang bay về phía trước mặt. Tôi bước lên nắm chặt bàn tay Nga, lòng trào lên niềm hạnh phúc và biết ơn vô hạn người con gái Ninh Bình đã chăm sóc tôi hơn ba tháng qua.

Tổng kết chiến dịch vận chuyển mùa khô năm 1967- 1968, tôi được Quân đội tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Sau khi đi an dưỡng ở Hương Sơn 3 tháng, tôi lại trở về tiếp tục lái xe ở Đại đội 9 Tiểu đoàn 734 của Binh trạm 12...

Ngừng một lúc, anh nói như tâm sự:

- Tôi nghĩ chúng mình sống đến hôm nay là hạnh phúc lắm rồi. Phải giáo dục cho con cháu chúng ta để có cuộc sống như ngày hôm nay là do sự hy sinh xương máu của các bậc tiền bối cách mạng, của chính xương máu của những người cha, người anh trong hai cuộc kháng chiến vừa qua.

Rồi anh khoe:

- Cuối năm nay tôi mới được Cục phục vụ Ngoại giao đoàn cho nghỉ hưu. Đại đội 9 chúng tôi sẽ tổ chức đi thăm đường Hồ Chí Minh, để được viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và đến cầu Khe Tang thắp hương cho 7 đồng đội của Đại đội 9 đã hy sinh ngày 9 tháng 2 năm 1967...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #144 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 03:36:20 pm »


NHỮNG NGÀY MỞ ĐƯỜNG TRAO - BẾN GIÀNG

Đã gần 30 năm trôi qua, nhưng cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trung đoàn 98 (bộ đội Trường Sơn) vẫn còn nhớ như in kỷ niệm những ngày mở đường Trao - Bến Giàng.

Dạo ấy vào đầu năm 1973, đơn vị vừa hoàn thành hệ thống đường và chiếc cầu gỗ dài 64 mét trên sông Sê Pôn, nối liền đường 9 đoạn Cha Ky - Phìn với Dốc Thơm thì nhận được lệnh của Đoàn 559 khẩn trương hành quân vào Trao (trước đây thuộc tỉnh Quảng Đà). Mới xa Trao có mấy tháng, chúng tôi không ngờ được quay lại. Những cái tên quen thuộc đã gắn bó với người lính công binh như A Sầu, A Lưới, Bù Lạch, Xưởng Giấy... Khi xe đến Chà Làng, nhìn những đám mây trắng đang lững lờ trôi giữa bầu trời trong xanh yên ả, cậu Tuyên, nhân viên thống kê Ban tác huấn cất tiếng cười sảng khoái rồi hạ giọng trầm trầm xứ Nghệ:

- Các ông nhớ không? Ngày 18 tháng 8 năm 1972 khi từ Trao ra đi phải lấn sớm lấn chiều, luồn rừng bám núi để tránh địch, nay trở lại ngồi trên xe tải ung dung giữa ban ngày, sướng thật.

Rồi cậu ta ngân nga:

      Ra đi ngày ấy âm thầm
      Nay về trong cõi hồng trần như bay...


Mọi người vỗ tay tán thưởng, rồi những "bè khê, bè đục" cất lên: Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước... Tiếng hát không có nhạc đệm nhưng hào hùng, vang xa giữa núi rừng Trường Sơn. Và với niềm tin tưởng lạc quan cách mạng của những người lính khi đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" ngày 27 tháng 1 năm 1973...

Đặt ba lô chưa ấm chỗ, anh Tô Đa Mạn - Trung đoàn trưởng đã lệnh cho Ban tác huấn triển khai gấp đoạn Trao - A So với phương châm: Khảo sát đi trước một bước, vừa thiết kế, vừa thi công theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi và kết hợp tiêu chuẩn đường quân sự. Anh Nguyễn Văn Khải, trung đội trưởng trinh sát tổ chức các mũi khảo sát lên đường ngay. Những người lính trinh sát xốc lại ba lô tăng võng, súng AK, gạo muối, dao, thước... trên vai luồn rừng soi tuyến; lúc đi theo đường mòn của dân, lúc bám triền sông A Vương. Những cái lán lợp tạm bằng lá chuối chưa kịp héo đã dời đi làm lán mới. Sáng ăn cơm chính, trưa có vắt cơm mang theo bi đông nước, tối mịt mới về lại đỏ lửa, chụm đầu bên nhau ghi chép số liệu, báo cáo kịp thời về chỉ huy sở.

Tại Ban tác huấn, các nhóm làm việc không kể giờ giấc. Đây là nhóm do anh Toàn phụ trách vạch tuyến trên tấm bản đồ 1/200.000, với cây bút chì HB có nhiều chỗ đâm thủng cả giấy. Kia nhóm công trình của anh Nhâm đang tính toán làm ngầm rọ đá hay bắc cầu gỗ. Nhóm anh Phúc thì đang tính khối lượng bằng thước Logarit kéo ra kéo vào xèn xẹt... Thời kỳ ấy dụng cụ và văn phòng phẩm nhiều khi quý hơn vàng, vì có tiền cũng không kiếm đâu ra, tất cả đều trông chờ hậu phương chuyển vào. Từ tờ giấy kẻ ly, giây bóng mờ, giấy tơ-rô-ki... đều phải báo cáo trưởng ban.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #145 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 03:36:48 pm »


Sau 5 ngày đêm chúng tôi đã có hồ sơ 5 kilômét đầu đoạn Trao đi A So dài 18 kilômét, phục vụ kịp thời ra quân ngày 2 tháng 3 và lấy thành tích chào mừng ngày thành lập Đảng. Một khí thế thi đua sôi nổi toàn trung đoàn với những khẩu hiệu ở ngoài đường hay trong lán trại như:

"Tuyến đường là trận địa. Năng suất lao động là mục tiêu tiến công".

"Chất lượng, thời gian, an toàn, tiết kiệm là mệnh lệnh chiến đấu".

Đội 303 - thanh niên xung phong Hà Tây, quê hương chiếc gậy Trường Sơn, có 3 đại đội nữ, vừa nhập tuyến đã cuốn hút ngay vào phong trào thi đua lập công.

Anh Dương Sỹ Hoạt, nguyên Đội trưởng Đội 303 sau này đã nhắc lại: "Chính không khí thi đua sôi nổi và được sống trong môi trường quân đội đã giúp chúng tôi nâng cao quyết tâm thực hiện lời hứa với lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh: Thanh niên Hà Tây đã ra đi là chiến thắng...".

Các mũi thi công tương đối thuận lợi, riêng Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 gặp khó khăn. Tại Km 3+500 một vỉa đá rất to nhô ra sát mép sông A Vương, chỉ đủ 3 mét làm đường công vụ. Nước ngầm phía trong ngấm ra làm từng mảng đất bị sụt nhão nhoét, có nguy cơ mất cả đường công vụ. Các phương án làm đường tránh, hay nổ phá thủ công cũng phải hàng tháng mới xong. Nếu không giải quyết bị tắc chỗ này sẽ ảnh hưởng toàn tuyến, chưa nói đến chi viện cho chiến trường... Anh Hạnh, Đại đội trưởng cùng anh Phan, trợ lý công binh Trung đoàn đi kiểm tra thực địa và thống nhất phương án nổ lớn. Được anh Đoàn Ngọc Lập, Tham mưu trưởng đồng ý, 20 lính Đại đội 6 đào 3 hố sâu từ 3,5 đến 4 mét, hố giữa chôn 500kg thuốc nổ TNT, hố bên phải 100 kg, hố bên trái 60kg, tất cả 660kg. Để chắc ăn, mỗi hố lắp 5-8 kíp nổ điện. Khi đồng hồ chỉ 14 giờ 45, từ hai đầu cảnh giới hai loạt súng AK nổ giòn báo hiệu mọi người trở về hầm trú ẩn. Tại căn hầm chữ A cách nơi đặt khối nổ 300 mét, anh Phan, anh Hạnh cùng một số chiến sĩ kiểm tra lần cuối dây dẫn và máy điểm hỏa. Đúng 15 giờ 05, sau cái quay nhẹ vào máy điểm hỏa của anh Hạnh, mọi người nghe thấy một tiếng nổ "uỳnh" rất trầm, rồi những tiếng đất đá văng ra ào ào và rơi lịch bịch khắp nơi. Lát sau mọi người lên khỏi hầm quan sát, mùi thuốc nổ khét lẹt, đất đá ngổn ngang, cây cối xơ xác... cả khu vực như trải qua trận bom B.52.

- Tảng đá bay mất rồi... mất rồi...

Một anh lính kêu lên và người nọ nắm tay người kia nhìn nhau sung sướng. Với một máy ủi T100 và 40 lính làm trong hai ngày liền đường mới thông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #146 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 03:37:16 pm »


Các đơn vị tiếp tục di chuyển vào phía trong, làm theo kiểu cuốn chiếu, qua A So vượt sông Bung tới Bến Giàng... Mọi người không quên những năm 1971-1972 khi mở đường từ A Lưới vào Xưởng Giấy, ban ngày thì máy bay OV10 quần đảo xoi mói chỉ điểm cho phản lực, đêm đến thì máy bav AC130 được trang bị khí tài hồng ngoại (ban đêm nhìn rõ không kém ban ngày) săn đuổi xe của ta, lúc nào cũng "cắc bùm, cắc bùm" dai như đỉa đói. Vậy mà suốt thời gian thi công đoạn Trao - Bến Giàng địch hầu như không có phản ứng gì. Có lần chiếc OV10 dám cả gan lượn lờ ở khu vực A Vương 1 đến Bung, tức thì từng loạt pháo 37 ly và đạn 12,7 ly đã nổ như ngô rang, hoảng quá chiếc OV10 đành vọt lên cao rồi chuồn thẳng.

Ngày 21 tháng 6 năm 1973, anh Lê Xy - Phó chính ủy Đoàn 559 trực tiếp chỉ huy lễ khánh thành đoạn đường Trao - Bến Giàng. Tại bãi đất rộng và tương đối phẳng ở phía nam ngầm A Vương 2, nơi sẽ được chọn làm lễ khánh thành đã được dọn dẹp phong quang sạch sẽ, được trang trí bằng tre nứa từ ghế ngồi của các đại biểu đến bục nói chuyện. Chính giữa lễ đài là hình ảnh Bác Hồ. Bác đang mỉm cười và tay vẫy chào như người Cha đón các con trở về. Bức tranh này do anh Hoàng Huỳnh, họa sĩ của trung đoàn thể hiện...

Mới 4 giờ 30 phút, hàng trăm xe ô tô đầy ắp hàng phủ lá ngụy trang của Trung đoàn vận tải ô tô 101 anh hùng và Trung đoàn 13 đã vào vị trí tập kết. Các pháo cao xạ đã sẵn sàng. "Nòng pháo quay theo bánh xe lăn. Nhìn quang cảnh này và nhìn tấm biển chỉ đường giao thông có mũi tên: Đà Nẵng, ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Đà không giấu nổi xúc động nói với ông Chính ủy Trung đoàn 98:

- Con đường này đã góp phần quan trọng củng cố lòng tin tưởng đặc biệt của quân và dân tỉnh chúng tôi vào thắng lợi.

- Và đường về thành phố Đà Nẵng cũng rất gần - Chính ủy nói tiếp.

Hai người cùng mỉm cười và nắm tay nhau đi vào lễ đài khi chung quanh đã đông nghịt người.

Đây là những cô gái Đội 303 trang nghiêm trong bộ quân phục mới, nước da ngăm ngăm đen, đã thể hiện rõ tinh thần và nghị lực của thanh niên xung phong Hà Tây những ngày đầu trên đường Trường Sơn. Kia là đội hình những người lính Trung đoàn "Thần tốc mở đường", "Thọc sâu vươn dài" từ Lào tới Cam-pu-chia, với những đôi mắt ngời sáng trên khuôn mặt sạm nắng. Đoàn đại biểu dân bản khu vực Trao là những cụ già người Kà Tu nước da bánh mật, tóc quăn, áo quần thêu hoa văn cầu kỳ, miệng lúc nào cũng ngậm chiếc tẩu. Các cô gái dân tộc mặc váy đen, áo thêu hoa văn, cánh tay để trần, nước da đen giòn và lấp loáng những vòng bạc trên tay trên cổ. Mấy anh lính trinh sát nói nhỏ với nhau:

- Hôm nay trông cô nào cũng xinh hơn cái hôm bọn ta gặp ở nương khi cắm tuyến. Rồi vừa cười vừa chỉ trỏ làm các cô gái cười e thẹn quay mặt đi.

Đúng 6 giờ 15 phút, anh Nguyễn Sỹ Chía, Chính ủy Trung đoàn 98 bước lên bục đọc báo cáo và nhấn mạnh: "Chỉ trong 126 ngày đêm, từ 3 tháng 2 đến 7 tháng 6 năm 1973 toàn Trung đoàn đã hoàn thành 52 kilômét đường cấp 5 miền núi, đào đắp 312.094 mét khối đất đá... góp phần nối liền hành lang phía đông Trường Sơn từ hậu phương miền Bắc vào Tây Nguyên...". Tiếp theo, ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Đà tặng Trung đoàn 98 lá cờ Quân kỳ Quân Giải phóng. Sau khi phát biểu, anh Lê Xy - Phó chính ủy Đoàn 559 tới cắt băng khánh thành. Một băng vải đỏ chăng ngang đường do hai nữ chiến sĩ đầu đội mũ tai bèo, trang nghiêm trong bộ quân phục mới, nâng thẳng trước mặt. Cô Sơn, người trẻ và đẹp nhất bệnh xá từ từ nâng chiếc khay phủ vải đỏ đựng 2 chiếc kéo quân y tiến về phía anh Lê Xy và anh Nguyễn Sỹ Chía. Sau tiếng cắt rất nhẹ của hai anh, từng loạt pháo 37 ly và đạn 12,7 ly của Đại đội 11 đặt trên đồi nổ giòn giã làm vang động cả bầu trời khu vực Trao. Từng đoàn xe rung rung lá ngụy trang chuyển bánh. Đi đầu dẫn đường là xe Gát 69 của ông Đoàn Ngọc Lập, Tham mưu trưởng, đầu xe cắm cờ đuôi nheo. Tiếp theo là xe của ông Tô Đa Mạn và đoàn xe tải chở hàng hướng về Bến Giàng, hướng về chiến trường, thẳng tiến!

Những người lính mở đường Trao - Bến Giàng năm xưa sau này đã trở về sống với đời thường. Nhiều người nay đã nên ông, nên bà và nhiều người đã ở tuổi xưa nay hiếm. Ước nguyện cuối đời của mọi người là được đi thăm lại chiến trường xưa, thăm lại con đường mình đã từng sống, chiến đấu và biết bao đồng đội đã hy sinh anh dũng cho con đường mang tên Bác Hồ kính yêu. Ước nguyện ấy sẽ thành hiện thực. Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn một vào năm 2003 và đường về Trao - Bung - Bến Giàng cũng rất gần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #147 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 09:15:15 am »


CHÚNG TÔI ĐÓN NHÀ THƠ TỐ HỮU TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Tối ngày 11 tháng 12 năm 2002 một số cựu chiến binh Binh trạm 12 (bộ đội Trường Sơn) đang quây quần tại nhà bác Việt Phương, nguyên Chính ủy Binh trạm 12, xem cuốn sách "Vượt Cha Lo” của bác được xuất bản tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân còn thơm mùi mực. Mọi người nhận ra bác Tố Hữu trong tấm ảnh chụp với đoàn cựu chiến binh Binh trạm 12 tại nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Cùng lúc đó Đài truyền hình Việt Nam đưa tin: đồng chí Tố Hữu đã qua đời... Tất cả chúng tôi đều lặng đi và mỗi người như đang nhớ về những kỷ niệm với bác Tố Hữu.

Đối với tôi không thể nào quên những ngày giữa tháng 5 năm 1973, khi Trung đoàn 98 - Bộ đội Trường Sơn đang tập trung mở đường Trao - Bến Giàng trong không khí thi đua sôi nổi hướng tới kỷ niệm ngày 19 tháng 5.

Tối ngày 10 tháng 5 năm 1973 tại Chỉ huy sở ở Trao, đồng chí Tô Đa Mạn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 gọi tôi lên giao nhiệm vụ:

- Tôi giao cho đồng chí trong 7 ngày phải làm xong 4 nhà tại vị trí X. Anh vừa nói vừa chỉ vào tấm bản đồ tỷ lệ 1/100.000. Yêu cầu "Trên kín dưới quang" - Rồi ông cười: nhưng phải đảm bảo đẹp, mỹ thuật, phù hợp với cảnh quan chiến trường. Có yêu cầu gì cứ đề đạt.

Tôi đã quen cách giao nhiệm vụ quân sự như thế này nên cũng không dám hỏi làm cho ai ở, cấp nào sẽ đến, rồi thận trọng trả lời:

- Báo cáo Thủ trưởng, tôi sẽ cố gắng, nhưng Thủ trưởng cho tôi đủ quân và dụng cụ thi công.

- Tất nhiên sẽ đáp ứng. Cần triển khai ngay - Anh trả lời rồi bắt tay tiễn tôi ra về.

Đêm ấy tôi thiết kế và vẽ sơ bộ, tính toán vật liệu cho một nhà mẫu, mãi tới khuya mới xong. Sáng sớm hôm sau tôi cùng tổ trinh sát đi chọn và cắm vị trí từng nhà, rồi san nền. Đây là dãy đồi nằm về phía tây sông A Vương, cách Trung đoàn bộ khoảng 300 mét. Mỗi dãy hai nhà, cách nhau bằng con suối cạn có nước chảy róc rách. Các nhà đều dựa lưng vào sườn đồi, cửa trông về hướng nam, trên có rừng cây che kín. Một bộ phận của Đại đội 10, 11 đi xa gần cây số chặt tre nứa và thi công theo bản vẽ. Còn quanh khu nhà khách, không được chặt cây nào nhằm giữ bí mật. Ba ngày sau các nhà được lắp dựng. Tôi chú ý trau chuốt, trang trí tỉa tót các cửa sổ, cửa đi. Chỉ bằng vật liệu tre, nứa, song mây, chỗ thì đan, cài theo kiểu hoa thị, chỗ thì tạo hoa văn theo hình quả trám, hình vuông như hoa văn dân tộc. Các bậc tam cấp làm thấp có cọc tre giữ đất. Các tay vịn lan can chọn cây tre nhỏ và đều, trau chuốt tỉ mỉ, ở từng đoạn cũng được trang trí hoa văn. Hai dãy nhà đi lại với nhau bằng chiếc cầu tre bắc qua suối cạn có hình cong, chúng tôi đặt tên cầu là Thê Húc Trường Sơn. Từ tay vịn đến trụ, lan can đều trang trí hoa văn tỉa tót cầu kỳ, trông rất thanh thoát, giản đơn và đẹp mắt. Mỗi nhà mắc một chiếc võng, một sạp tre có dát bằng tre luồng chẻ nhỏ, ken dày nằm rất êm. Trong nhà còn có một bộ bàn ghế bằng tre, vừa làm bàn ăn, vừa để làm việc. Một căn hầm đủ cho 3-4 người ở. Một bóng điện 40W đã phủ "phòng không". Mỗi nhà mắc một điện thoại Liên Xô nối liền với Trung đoàn trưởng và Chính ủy. Để trang trí đẹp mắt, tôi đã bí mật đi tuyển chọn và mượn các phòng, ban những giò phong lan đẹp, nhiều chủng loại mang về đem treo ở lan can, ở cửa ra vào, đặc biệt là lan can trên cầu Thê Húc. Nhiều giò hoa còn tươi thắm, khoe sắc vàng, phớt hồng hay màu trắng, làm nổi bật giữa màu xanh của cây rừng.

Đến ngày thứ sáu công trình đã xong toàn bộ. Chính ủy Nguyễn Sỹ Chía, Trung đoàn trưởng Tô Đa Mạn và anh Phong, Ban Tuyên huấn, bác sĩ Tuấn ở Bệnh xá đi kiểm tra. Các thủ trưởng xem rất kỹ rồi kết luận:

- Công trình đạt yêu cầu, cần bổ sung một số điểm...

Hôm sau chúng tôi tiếp tục hoàn thiện và canh phòng cẩn mật. Mấy chú vệ binh bàn tán:

- Ông Phúc chỉ vẽ vời, các cụ Trung đoàn đến ở thì có gì phải tính kỹ thế!

Tôi đứng gần đó nghe thấy mỉm cười:

- Thì các thủ trưởng chứ ai vào đây.

Thực tình đến giờ phút này tôi cũng chưa biết đón đoàn khách nào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #148 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 09:16:28 am »


*

Về hướng sông Bung, gần tuần nay Trung đoàn đã lệnh cho Tiểu đoàn 1 do đồng chí Nguyễn Xuân Thu - Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Điềng - Chính trị viên Tiểu đoàn mở gấp đường giao liên dài 5 kilômét, rộng 1-1,5 mét hai người tránh nhau được. Nhiều đoạn rất dốc phải làm bậc thang có tay vịn, có đoạn dốc chân người nọ ngang mặt người kia. Riêng đoạn cuối cách sông Bung 500 mét và một bến thuyền dã chiến chỉ được làm vào chiều ngày N-1 nhằm giữ bí mật tuyệt đối. Lực lượng bảo vệ đã bí mật ém sẵn từ trước, hệ thống phòng không 12,7 ly, đường dây thông tin đã vào trực chiến cấp 1 do đồng chí Đoàn Ngọc Lập - Tham mưu trưởng chỉ huy.

Đúng đêm ngày 17 tháng 5 năm 1973 đoàn cán bộ đi đón khách do Trung đoàn trưởng Tô Đa Mạn dẫn đầu đã lặng lẽ đến vị trí tập kết. Đêm cuối tháng, ánh trăng vàng đã ngả về tây soi sáng rừng Trường Sơn yên ả. Xa xa có tiếng gà gáy lẫn với tiếng chim "khó khăn khắc phục" vọng lại. Mọi người căng mắt nhìn về phía hạ lưu sông Bung, mặc cho đàn muỗi, dĩn bâu lấy từng người. Trên bầu trời ầm ì vọng lại tiếng máy bay, nhấp nháy đèn đỏ lao về hướng Đà Nẵng. Rồi những chiếc thuyền nhỏ lần lượt xuất hiện với tiếng mái chèo khỏa nước nhẹ nhàng. Trung đoàn trưởng bấm đèn pin nhấp nháy có ánh sáng bằng đồng xu hướng về đoàn thuyền, ánh đèn pin trên thuyền đáp lại. Nhận đúng tín hiệu, từng chiếc thuyền cập bến, những cái bắt tay chào hỏi đủ nghe nhưng không kém phần nhiệt tình mến khách. Bộ phận giao liên Quân khu 5 sau khi bàn giao đoàn khách cho Trung đoàn 98 lại xuôi dòng về Hiên, trên xếp những tay lưới như thuyền đánh cá. Qua đoạn đường giao liên đi bộ 5 kilômét đoàn khách được mời lên hai chiếc xe Gát 69 đã đợi sẵn ở cửa rừng rồi thẳng tiến về Trao. Chính ủy Nguyễn Sỹ Chía và một số cán bộ, chiến sĩ phục vụ chờ sẵn và hướng dẫn đoàn vào nhà khách. Những người khách trang phục giống nhau: quần áo màu tro, mũ tai bèo, một số người vai đeo cái bòng nhỏ. Tôi nhận ra Thủ trưởng Đinh Đức Thiện người cao, to, đậm, đi lại đĩnh đạc, một người nữa hơi đậm, cao vừa phải. Sau này tôi mới biết đó là bác Nguyễn Thọ Chân, Bộ trưởng Bộ Lao động. Trung đoàn trưởng đi cùng một người khách tầm thước vừa phải, tay cầm máy ảnh vừa đi vừa hỏi thăm mọi người. Khi đến căn nhà trước mặt, Trung đoàn trưởng nói:

- Báo cáo anh, đậy là nơi nghỉ của anh.

- Nhà đẹp hỉ... Rồi ông đến bên giò phong lan treo trước cửa có bông hoa còn tươi và thoang thoảng mùi thơm - Đến đây mình lại nhớ ATK ở Việt Bắc, nhưng không có nhiều hoa phong lan đẹp thế ni.

Chính ủy tiếp lời:

- Chúng tôi xin tặng anh để đem về Hà Nội.

Mọi người cùng cười vui vẻ. Anh Phong, cán bộ tuyên huấn ghé tai tôi nói nhỏ:

- Bác Lành khen công trình của anh đấy!

- Bác Lành, nhà thơ Tố Hữu - Tôi thầm kêu lên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #149 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 09:17:34 am »


Hôm nay tôi mới được gặp nhà thơ Tố Hữu lần đầu tiên, khác xa với những hình ảnh đã đăng trên sách báo. Trước đây tôi đã được đọc nhiều bài thơ của bác. Bây giờ bác Tố Hữu là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng đi thăm chiến trường miền Nam, nên tôi càng thầm hiểu công tác đón tiếp quan trọng như thế nào.

Sau này trong bài thơ "Nước non ngàn dặm" của bác Tố Hữu có đoạn:

... Tới đây tre nứa là nhà
Giò phong lan nở nhành hoa nhị vàng
Trưa nằm đưa võng thoảng sang
Một làn hương mỏng mênh mang nghĩa tình...

Tôi cứ liên tưởng như bác Tố Hữu viết về Trường Sơn khi bác dừng chân ở Trung đoàn 98 và nghỉ trong căn nhà ngày ấy ở Trao mà tôi đã góp phần xây dựng.

Tối ngày 19 tháng 5 năm 1973, tại hội trường của trung đoàn, bác Lành nói chuyện với cơ quan trung đoàn bộ, cán bộ từ trợ lý trở lên. Bác nói về thời cơ lớn của cách mạng miền Nam, về làm ăn theo kiểu quản lý kinh tế và khoa học kỹ thuật hiện đại, sau cùng bác nói chuyện về thơ. Chúng tôi đề nghị bác ngâm thơ.

Mình chỉ đọc chứ không ngâm được thơ.

Với giọng trầm ấm xứ Huế, bác say sưa đọc cho chúng tôi nghe bài thơ "Đường vào". Chúng tôi rất thích đoạn:

... Đường ta đi đẹp vô cùng
Ngàn năm luyện bước Anh hùng đây chăng?
Đường vui không đợi mùa trăng
Ta đi làm ánh sao băng giữa đời!

Rồi đây đến khổ thơ trong "Việt Nam máu và hoa"

... Sài Gòn ơi, Huế ơi xin đợi
Tái hợp huy hoàng cả nước non...

Bác Lành vừa ngừng lời, y sĩ Nguyễn Thị Son, người Hà Tĩnh, cô Hòa thanh niên xung phong Hà Tây chạy vội lên tặng bác Lành những bó hoa còn ngát hương rừng. Mọi người đang im lặng, bỗng vỗ tay rầm rầm làm rung chuyển cả hội trường. Rồi bác Lành đọc tặng chúng tôi cả bài thơ "Việt Nam máu và hoa".

Hôm sau ngày 20 tháng 5 năm 1973, mãi 9 giờ đoàn khách mới lên đường, vì ngầm A Vương 2 nước dâng cao do mưa ở thượng nguồn đổ về.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM