Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:38:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42875 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 06:47:17 pm »


Ngay sau ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào thăm Quảng Bình và các đơn vị quân đội đứng chân làm nhiệm vụ ở đấy. Sau khi làm việc với lãnh đạo của tỉnh, Đại tướng ra thăm khu vực tập kết hàng ở Tam Tòa - cửa biển Nhật Lệ.

Lúc này do yêu cầu cần lực lượng bốc xếp hàng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tuyển nhận một số tân binh nữ quê Bố Trạch. Vừa nhập ngũ, biên chế về đơn vị, chị em tham gia bốc xếp hàng ngay. Cô nào cũng trẻ trung, xúng xính trong bộ quân phục mới, trông rất vui mắt.

Tôi tập trung đơn vị trên một triền cát để đón Đại tướng. Triền cát mấp mô; chỉ mới hơn mười ngày vắng tiếng đạn bom mà cỏ đã mọc lún phún. Sức sống của cây cỏ thật là kỷ diệu!

Đứng trước hàng quân chưa thật chính quy, Đại tướng hỏi: - Đây là dân quân hay bộ đội?

- Thưa Đại tướng, là tân binh, nên còn lỗ đỗ - Tôi trả lời.

Với cử chỉ thân tình, chất giọng nguyên gốc Lệ Thủy, Đại tướng tâm sự, hỏi chuyện các cháu. Khi được hỏi: Sao con gái lại đi bộ đội, các cô cùng trả lời: Chúng cháu thích đi chiến đấu.

Chuyện trò với các nữ tân binh một lúc, Đại tướng bất ngờ hỏi:

- Nghe nói trong lực lượng vận tải của các đồng chí có Anh hùng Đỗ Trực, vậy Đỗ Trực có đây không?

Rất may là anh Đỗ Trực có mặt, đứng ngay sau Đại tướng, anh ngượng ngùng bước lên chào. Đại tướng nắm chặt tay Đỗ Trực, động viên anh tiếp tục lập nhiều chiến công mới.

Sau đó, Đại tướng lên thăm cán bộ, thủy thủ trên tàu Hồng Hà của Tổng cục Hậu cần vừa tăng cường cho Đoàn 559. Tàu đỗ ở cửa sông, sóng dập dềnh, tàu này nối sang tàu kia bằng một tấm ván hẹp. Tôi cùng anh Đỗ Trực dẫn Đại tướng đi trên tấm ván ấy để lên tàu, chỉ sợ vị Tổng Tư lệnh ngã. Nhưng thật mừng là đã không có điều gì bất trắc!

Tết Quý Sửu 1973, vừa mừng năm mới, mừng Hiệp định Pa-ri được ký kết, nửa nước im tiếng đạn bom và cũng là dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm quê, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ mít tinh tại khu vực bến đò Trùng Quán. Hôm đó, bộ đội dàn đội hình, theo từng khối rất đẹp. Ai còn bộ quân phục nào mới đều đưa ra mặc, trông thật tươm tất, gọn gàng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh bộ đội Trường Sơn - Đồng Sỹ Nguyên đi thuyền diễu qua trước hàng quân giống nghi thức duyệt binh. Khi Đại tướng và Tư lệnh bước lên thuyền, quân nhạc nổi lên trầm hùng. Thuyền đưa hai vị lần lượt chào bộ đội, nhân dân. Quân và dân đứng chật trên bờ, vỗ tay vang dội. Đêm đó, tỉnh Quảng Bình tổ chức bắn pháo hoa tại nơi mà ban ngày mít tinh. Pháo hoa của Trung Quốc sản xuất, rất đẹp. Tôi còn nhớ, pháo hoa để ở trong một lô cốt xây từ thời Pháp, gần bến đò Trùng Quán. Sau này qua lại nơi đây nhiều lần tôi thấy lô cốt ấy vẫn còn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 06:47:58 pm »




Sau ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết, cùng với đơn vị hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển cấp tốc tạo chân hàng cho chiến trường, tôi được triệu tập đi học Học viện Chính trị. Lại một khúc ngoặt mới của đời chiến sĩ!

Bàn giao công việc, chia tay các anh ở Binh trạm 19, tôi tranh thủ tạt qua Bệnh viện 59 ở Văn Hóa - Tuyên Hóa thông báo với vợ việc đi học. Vợ chồng gần gũi nhau được vài ngày thì tôi ra Bắc nhập trường. Cùng đi dự khóa đào tạo này, Bộ Tư lệnh 559 còn có anh Hoàng Xiển - Phó phòng Cán bộ, anh Ngữ - Phó chính ủy Trung đoàn công binh 98. Có bạn đồng hành, đường xa như ngắn lại.

Thời gian này, Học viện Chính trị sơ tán lên mạn Nam Hồng - Đông Anh - ngoại thành Hà Nội. Thiếu tướng Lê Hiến Mai - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Giám đốc học viện. Nhập học, chúng tôi được phổ biến đây là khóa đào tạo bậc cao nhất của Học viện Chính trị lúc đó; thời gian học từ tháng 4 năm 1973 đến hết năm 1973. Đa số học viên cùng khóa là các bác, các anh "lính hai thời kỳ” - đã qua kháng chiến chống Pháp. Chỉ có tôi và anh Nguyễn Đức Sơn thuộc lớp trẻ, lính chống Mỹ. Anh Sơn hiện giờ là Trung tướng - Chủ nhiệm chính trị - Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng tham mưu - cơ quan Bộ Quốc phòng.

Sau nhiều năm, tôi vẫn nhớ nằm lòng bài học đầu tiên tại Học viện Chính trị là: "Phấn đấu trở thành người chính ủy ưu tú".

Sau tám tháng dùi mài đèn sách, chúng tôi hoàn thành chương trình đào tạo và trở về Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận công tác. Trong thời gian tôi đi học, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã kiện toàn, củng cố lại tổ chức. Cơ quan Bộ Tư lệnh lùi ra đứng chân tại Thác Cóc - trên đường 15 - gần Bang thuộc huyện Lệ Thủy - Quảng Bình.

Thời gian chờ phân công công tác, tôi "tạm trú" ở Cục Chính trị. Ở đây, tôi được cử đi dự lớp tập huấn làm đường cơ bản. Lớp tập huấn được tổ chức rất bài bản, công phu kéo dài hơn hai chục ngày, do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp chỉ đạo. Dần dà tôi mới biết đây là kế hoạch nhằm thực hiện ý đồ chiến lược mở tuyến Đông Trường Sơn theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm tạo thế và lực mới trên chiến trường, chuẩn bị cho chủ trương chiến lược của Trung ương trong hai năm 1975-1976...

Một hôm, sau khi lên lớp bài "Công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng cơ bản", đồng chí Bùi Thế Tâm - Thủ trưởng cũ, gặp tôi có hỏi cả năm nay Tuấn đi đâu?

Tôi trình bày với Thủ trưởng Tâm những gì tôi làm, lộ trình của tôi trong hơn năm qua. Nghe xong, ông cười xởi lởi:

- Vậy là lên rừng, xuống sông, xuống biển; từ lái xe xuống lái tàu thủy, Tuấn đã nếm trải, bây giờ về với công binh làm đường vậy!

Nghe ông nói vậy, tôi giãy nảy lên:

- Không, không, em không về công binh đâu. Em biết gì về cầu với đường mà về công binh. Tốt hơn hết các thủ trưởng cho em về Sư đoàn ô tô vận tải 571 là hợp lý nhất.

Ông Tâm quả quyết hơn: Tuấn cứ về công binh. Về sẽ thấy hay, bây giờ ta làm đường bài bản lắm, chủ yếu là cơ giới. Thủ tướng Phi-đen Cát-xtơ-rô vừa sang Việt Nam, có vào thăm bộ đội Trường Sơn, quyết định chi viện cho ta nhiều trang thiết bị làm đường rất hiện đại, rặt xe - máy của Nhật. Tuấn không về sẽ tiếc đấy. Tuấn về cố gắng khuấy động công tác đảng, công tác chính trị của trung đoàn lên; dưới đó trầm lắm, yếu lắm...

Tôi không ngờ ông Tâm quyết đeo đuổi ý định của mình. Không biết ông đề đạt thế nào mà Phó chính ủy Lê Xy gặp tôi động viên:

- Cậu Tâm muốn xin Tuấn về Trung đoàn 515 Sư đoàn 473. Mình thấy Tuấn về đó cũng được. Nếu có gì khó khăn cứ mạnh dạn đề đạt...

Qua lời động viên của Phó chính ủy, tôi hình dung tới tình huống "ván đã đóng thuyền". Rồi quả đúng như vậy, tan lớp tập huấn, tôi có quyết định về làm Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 515 thuộc Sư đoàn công binh 473.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2017, 04:44:01 pm »


Sư đoàn công binh 473 có 9 trung đoàn (6, 98, 99, 509, 515, 517, 529 , 531, 542). Bộ Tư lệnh Sư đoàn 473 lúc này có các đồng chí Nguyễn Văn Kỷ - Tư lệnh, Bùi Thế Tâm - Chính ủy, Nguyễn Sĩ Chía - Phó chính ủy, Cao Đôn Luân - Phó tư lệnh, Đỗ Xuân Diễn - Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm chính trị là anh Hoàng Đình Phượng.

Cầm quyết định về Trung đoàn 515 khi năm hết Tết đến, nhiệm vụ mới lại không được như mình mong muốn, lòng dạ tôi bứt rứt, chẳng thoải mái chút nào. Nhưng bù lại, sau Tết, tôi nhận được tin vợ tôi sinh con gái đầu lòng vào ngày mùng sáu Tết (30-1-1974). Thời gian gần sinh, Viện 59 cho phép vợ tôi ra Bắc, nghỉ tại đoàn an dưỡng Tỉnh đội Hà Tây. Vợ chồng tôi đặt tên cháu là Hoàng Thị Thụy Khanh. Thế là, niềm vui, niềm hạnh phúc có con gái đầu lòng - "ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng", đã làm tôi nguôi đi những băn khoăn rất đời thường, và hăm hở về Trung đoàn 515 nhận công tác.

Thời điểm tôi về Trung đoàn 515, Trung đoàn trưởng là anh Nguyễn Thăng - người Phan Thiết, Bình Thuận. Anh Thăng là một cán bộ mẫn cán, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác; rất mực thương yêu cán bộ, chiến sĩ; tính tình trầm lắng, kiệm lời. Qua tìm hiểu, tôi biết do những mắc mứu trong quan hệ gia đình; vả lại trước đây khi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn công binh 25 Quân khu 4, trong quá trình chỉ huy xây dựng một công trình quân sự, anh để mất tài liệu, nên đường hoạn lộ của anh không mấy hanh thông. Khi nghỉ hưu anh vẫn mang quân hàm thiếu tá. Quyền chính ủy trung đoàn là anh Lê Chí Duyên, người Vĩnh Phúc. Trung đoàn phó có anh Xuý - quê Bắc Giang, anh Trịnh Thanh. Cơ quan chính trị trung đoàn có anh Dương Cao Siêu - Phó chủ nhiệm. Anh Siêu hơn tôi tới 15 tuổi, nên trong quan hệ công việc hai anh em cũng có lúc giữ ý.

Nhiệm vụ của Trung đoàn thời gian này là bảo đảm giao thông trên trục đường số 9 từ Đông Hà sang Mường Phin thuộc đất bạn Lào và mở tuyến đường cơ bản Đông Trường Sơn. Hằng ngày, bộ đội rải ra san lấp hố bom; chỗ nào rải được nhựa thì rải nhựa. Bảo đảm giao thông thông suốt đường số 9 lúc này là nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi lẽ đường 9 là "cuống họng" hút hàng từ miền Bắc vào - mọi tuyến vận chuyển đường bộ, đường biển từ miền Bắc vào đều phải qua đường 9, rồi từ đó chuyển sang Hạ Lào, vào B5, B4, B3...

Thời gian này, Sư đoàn 473 đã tiến hành khai thác mỏ đá Đầu Mầu, lấy đá làm đường. Mới ngày nào, Đầu Mầu còn là căn cứ kiên cố của Mỹ-ngụy thì nay đã trở thành công trường khai thác đá của ta. Nghĩ về cảnh "vật đổi sao dời" ấy, lại nghĩ tới những con đường đang theo trục Đông Trường Sơn thẳng tiến về Sài Gòn, tôi mơ tưởng đến một ngày không xa được cùng trong đoàn quân chiến thắng có mặt tại thành phố mang tên Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2017, 04:44:32 pm »


Thoát khỏi giấc mơ, trở về với thực tại, thật lòng những ngày đầu ở Trung đoàn 515, tôi bị hành hạ bởi cảm giác lạ lẫm, buồn chán. Ở đơn vị vận tải ô tô, rồi về Tiểu đoàn 166, qua Binh trạm 19, không khí lúc nào cũng hừng hực, gấp gáp; nay thấy gì cũng lạ, chưa nhập cuộc được, như là người thừa. Ban ngày ra công trường, đến các đơn vị làm đường, sửa đường, thấy từng đoàn xe của Sư đoàn 571 chuyển quân, chuyển hàng; gặp cán bộ, chiến sĩ cũ, lòng dạ nôn nao. Đêm đêm, nằm ở cơ quan, không ngủ được, nghe ì ầm tiếng xe tăng ga vượt dốc... chỉ muốn về đơn vị vận tải, sớm ngày nào hay ngày đó. Điều tệ hại hơn là lúc này các đơn vị vận tải ô tô, bộ binh... đang ầm ầm, ào ào chuẩn bị thế và lực cho đòn quyết chiến chiến lược Xuân năm 1975, thì công việc ở Trung đoàn 515 dẫu có gấp gáp, thúc bách lắm cũng chỉ ở trạng thái bình bình. Lắm khi tôi đã có ý định viết đơn hoặc trực tiếp lên Bộ Tư lệnh Sư đoàn, thậm chí gặp trực tiếp cụ Lê Xy xin về đơn vị vận tải. Nhưng rồi suy nghĩ lại, bụng tự bảo dạ, quân đội cũng phải có người việc này, người việc khác. Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải có đơn vị vận chuyển, đơn vị đánh địch, đơn vị làm đường. Ai cũng nhào lên xe mà cầm lái thì đường ai làm và như vậy lấy đường đâu cho xe chạy. Mình thoái thác nhiệm vụ làm đường lúc này có khác gì anh đào ngũ. Nghĩ vậy, tôi vui vẻ hòa mình vào công việc. Càng làm càng thấy chỉ huy điều hành một trung đoàn công binh cơ giới, với hơn bốn mươi chủng loại xe máy và trên 2.000 quân, địa bàn hoạt động rộng, nên khá phức tạp. Phải nói rằng, ở đơn vị vận tải ô tô, do phải ngày đêm bám đường, bám trọng điểm, nên thường phải đối mặt với bom đạn ác liệt; nhưng công tác quản lý không phức tạp như ở đơn vị công binh. Để làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình, tôi lại phải mày mò tìm hiểu thực trạng đơn vị về công tác tư tưởng, tổ chức, các hoạt động phong trào, cùng các anh trong ban chỉ huy trung đoàn, cơ quan chính trị tìm ra giải pháp hữu hiệu khuấy động dần mọi hoạt động của đơn vị.

Thời gian này công binh Trường Sơn dồn sức làm đường cơ bản Đông Trường Sơn. Sư đoàn 473 cùng trên 4.500 thanh niên xung phong các tỉnh Hà - Nam - Ninh - Thanh - Nghệ - Tĩnh đảm trách quãng từ Cù Bai, Thạch Bàn vào Khâm Đức (sau tăng cường thêm Sư đoàn 472). Thi công đường theo tiêu chuẩn cấp 4 miền núi được thực hiện theo phương pháp mới đã được tập huấn: Tập trung, chuyên sâu, dây chuyền, đồng bộ, kết hợp cơ giới với thủ công; kết hợp sức người với sức máy, thuốc nổ, dụng cụ cải tiến...

Do làm tốt công tác chính trị tư tưởng, phong trào thi đua vượt các chỉ tiêu tiên tiến về năng suất, chất lượng, an toàn, tiết kiệm trên mặt trận cầu đường diễn ra sôi nổi. Tiếng mìn phá đá, tiếng máy nghiền đá trên công trường mỏ đá Đầu Mầu ì ùng, rộn rã suốt ngày đêm để bảo đảm đá dăm cho làm đường. Sau khoảng im ắng ban đầu, hàng trăm xe máy rầm rập hoạt động; hàng mấy vạn lao động thủ công không quản nắng mưa, tác nghiệp 10 giờ một ngày. Diện mạo đường Đông Trường Sơn thay đổi từng ngày. Trung đoàn 515 trong đội hình Sư đoàn 473 phụ trách quãng trên dưới Rào Quán - đường 9, đường vượt cầu treo Đắc Rông vào A Sầu, A Lưới. Ở đây, đường bám theo núi đá, rất hẹp, xe chỉ chạy được một chiều. Đội hình tiểu đoàn xe vượt quãng đường ba - bốn cây số, mất chừng hai giờ, nếu gặp xe đi ngược chiều, thì cầm chắc tắc cả buổi. Trung đoàn, sư đoàn đã tập trung xe máy, thuốc nổ mở rộng mặt đường 8 mét. Sau gần một tháng đã dứt điểm khúc quanh Rào Quán, chuyển đường này thành hướng tiến công chủ yếu của tuyến Đông Trường Sơn. Đến cuối năm 1973, tuyến phía đông đã thông xe được từ Thạch Bàn vào quá Bến Giàng. Đầu năm 1974, nhịp độ thi công khẩn trương hơn. Hè - thu năm 1974, khi ta nhổ nốt chi khu quận lỵ Đắc Pét (Công Tum) và chi khu quận lỵ Thượng Đức (tây Quảng Đà) là hai chốt chặn hiểm yếu của địch trên tuyến Đông Trường Sơn, thì tuyến Đông càng vươn nhanh về phía Nam, vào đến Sa Thầy, Bù Gia Mập.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2017, 04:45:06 pm »


Theo đường cơ bản Đông Trường Sơn và tuyến Tây Trường Sơn tiếp tục được củng cố, mở rộng, các sư đoàn ô tô vận tải 571, 471 thả sức tung hoành vận chuyển hàng hóa. Tiếp đó, cơ động các binh đoàn chủ lực vào Tây Nguyên miền Đông Nam Bộ, chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng – Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Về phần mình, đầu năm 1975, tôi được bổ nhiệm Phó chính ủy trung đoàn. Đầu tháng 3, ta mở màn Tổng tiến công Xuân 1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên, theo yêu cầu nhiệm vụ, anh Lê Chí Duyên chuyển công tác khác, tôi kiêm luôn Chính ủy trung đoàn và đến năm 1978, tôi là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng.

Trong Tổng tiến công Xuân 1975, tình hình chiến trường diễn biến hết sức mau lẹ "một ngày bằng hai mươi năm". Dọc các nẻo đường Trường Sơn, cơ ngơi nào là quân, xe, pháo cơ động nườm nượp, hối hả. Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết:

      Lịch sử sang trang, anh vào trận cuối cùng.
      Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn...


Người nào cũng hối hả, xe nào cũng tăng tốc, như sợ vào chậm không được dự trận cuối cùng. Cũng vì quá hối hả đó mà suýt nữa, tôi cùng mấy anh em ở cơ quan trung đoàn bộ toi mạng.

Một buổi chiều, trên đường đi kiểm tra tuyến về, chiếc xe con hiệu Bắc Kinh do chiến sĩ Lập cầm lái đang bon bon ngược trở ra. Vừa vào cua, bất thần xe chúng tôi đấu đầu với một Zin157 từ ngoài vào (đoàn xe vào Nam Bộ - B2). Bắc Kinh "đấu" với Zin157 chẳng khác gì "châu chấu đấu voi". Sau một tiếng "choang" chát chúa, kinh hoàng, xe chúng tôi quay ngoắt 180°, hỏng hoàn toàn. Định thần sau một phút, tôi vạch bạt xe chui ra. Cậu Lập lái xe và mấy anh em cùng đi ngất xỉu luôn, phải chuyển tới trạm xá gần đó cấp cứu. Còn tôi, quả là "phúc to bằng trái núi!". May sao khi đội mũ cối Trung Quốc, tôi cài dây rất chặt, nên mũ cối trở thành mũ bảo hiểm - khi đập đầu vào thành xe rồi quăng quật bởi xe đổ, đỉnh mũ và vành mũ bị nứt mấy đường, mà đầu, cổ tôi chỉ bị đau mất mấy ngày. Không có mũ cối thì chắc tôi cũng chẳng giữ được cái "gáo" trên cổ. Sau này, tôi giữ mãi chiếc mũ cối nứt như lưu giữ kỷ vật của một thời ở Trung đoàn công binh 515 bộ đội Trường Sơn anh hùng.

Là người lính công binh cầu đường, chúng tôi không được vinh dự và may mắn như những "cánh đại bàng Trường Sơn" có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Nhưng vào những ngày Xuân quật khởi đó, ngày ngày nhìn những đoàn xe pháo cơ động rung chuyển núi rừng Trường Sơn, ai cũng trào dâng niềm xúc động tự hào đã góp phần nhỏ nhoi sức lực, máu xương của mình để mở rộng, kéo dài đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh như muôn mạch máu chảy về tim - về thành phố mang tên Bác kính yêu!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:31:19 am »


CHUYỆN VỀ "CÂY NHIỆT ĐỚI”
Thiếu tướng NGUYỄN BÁ TÒNG
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Tiết trời cuối tháng 3 đầu tháng 4 hàng năm nơi tôi chốt giữ đảm bảo giao thông đã có những trận mưa rào đầu mùa. Nếu như bình thường thì trên mảnh đất quê hương sẽ là tiết xuân sang hạ, cây cối đâm chồi nảy lộc, màu xanh, màu của sự sống trải rộng mênh mông, Nhưng nơi đây cả một cánh rừng chiều dài trên 10 cây số, chiều sâu tính từ đường ô tô vào hai ba trăm mét tất cả một màu trắng đứng im lìm vì chất độc, đạn, bom máy bay Mỹ trút xuống làm cho cỏ cây trơ trụi chết đứng. Tại trọng đểm U Bò - Ngã ba La Hạp đường 128 thuộc Binh trạm 34 quản lý, mặc dù không là bãi biển song cũng cồn cồn lớp lớp bùn đất, bùn đá bạc trắng cả một triền núi dài trên cả cây số, ấy thế mà ngày cũng như đêm không bao giờ ngớt tiếng gầm rú, tiếng bom giật, đạn réo của máy bay Mỹ. Sức tàn phá khủng khiếp của các đợt oanh kích bằng không quân của Mỹ đã làm cho cả một vùng rừng nguyên sinh đầy sức sống thơ mộng trở thành một vùng đất chết, đến cả loài chim sâu nhỏ nhoi cũng không còn nơi sinh sống. Chỉ có bộ đội Trường Sơn, đơn vị Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 98 là vẫn kiên cường bám trụ mở đường tránh, phá bom, lấp hố bom, cứu chữa thương binh, hướng dẫn các đoàn xe đêm đêm đưa hàng vào chiến trường.

Tôi còn ngày 3 tháng 4 năm 1970 hôm đó là phiên trực chiến của tiểu đội, từ 5 giờ sáng đến 16 giờ chiều, chúng tôi đã phải chịu 3 trận đánh phá của máy bay F4, F.105, B.52 với đủ các loại bom phá, phát quang, từ trường, nổ chậm, bom bi và vướng nổ. Sau mỗi trận bom thù, chúng tôi lại khẩn trương khắc phục hậu quả, phá những quả bom chưa nổ sát đường ô tô, san lấp những hố bom trúng đường. Sau khi dùng máy bay phản lực địch sử dụng máy bay AC.130 trút bom vướng nổ. Đây là một loại bom gây khó khăn cho lực lượng ta mà nhiều ngày không thể phá hết được, chỉ giải quyết trên mặt đường và chiều sâu hai bên đường 15 mét để thông đường cho xe hàng vào. Sau khi khắc phục đường xong tôi nhìn đồng hồ trên tay lúc này đã là 4 giờ rưỡi chiều, tôi phán đoán giờ này đến khi xe hàng vào sẽ không còn đợt hoạt động nào của máy bay nữa. Dòng suy nghĩ của tôi chưa dứt thì tiếng động cơ máy bay đã ập đến, một tốp 2 chiếc F4 ào tới, chúng lượn một vòng rồi chúc đầu phóng 4 quả bom. Tôi quan sát vị trí bom rơi cách đài quan sát khoảng 200 mét, cách đường ô tô 30 mét. Chờ hồi lâu không thấy bom phát nổ, tôi cho gọi điện về chỉ huy sở báo cáo, anh Bằng, Trung đội trưởng lệnh "Đồng chí vào kiểm tra, không được mang bất cứ vật gì có kim loại, có thể là bom nổ chậm hẹn giờ hoặc bom từ trường, chú ý bom vướng nổ". Tôi làm đúng theo mệnh lệnh, nhưng tìm mãi không thấy dấu vết bom, tôi quay lại đài quan sát báo cáo: sở chỉ huy lệnh tiếp "điều thêm hai chiến sĩ cùng vào tìm, phải giải quyết xong trước 7 giờ (tức 19 giờ)". Cả ba chúng tôi sục sạo đi lại hai ba lượt vị trí tôi định vị khi ở đài quan sát, rất may trong đống cây đổ ngổn ngang có một loại cây lạ không có lá tôi liền tới sát gọi hai chiến sĩ cùng quan sát rồi cho hai chiến sĩ quay về chốt báo cáo ngay, xin chỉ huy hướng xử lý. Hai chiến sĩ quay lại thông báo đây là cây nhiệt đới, lệnh tìm thu hết và xử lý bằng việc buộc túm các râu ăng ten lại. Để chắc ăn, tôi còn quấn trên các đầu ăng ten bằng vải áo lót xé ra, chỉ sau nửa giờ chúng tôi tìm được cả 4 cây nhiệt đới xong trước 7 giờ tối (tức 19 giờ kém 10) cũng là lúc xe hàng đầu tiên tới đỉnh dốc nơi chúng tôi chốt bảo vệ xe qua.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:32:29 am »


Hôm sau tôi cưa một cây nhiệt đới thành hai nửa lấy ra 3 tầng linh kiện điện tử và đọc tài liệu mới hiểu. Thực chất là bộ cảm ứng thu các chấn động, được Mỹ chế tạo thành nhiều loại: loại cho biệt kích đem đi đặt, loại cho máy bay thả bằng dù treo trên các cây rừng; còn một loại trang bị cho F4 phóng, mỗi dàn 8 ống phóng, thông thường F4 mang 2 dàn 16 ống phóng; loại trang bị cho F4 được cải tiến từ bộ cảm ứng ASID được gọi là cây nhiệt đới, tiếng Anh gọi là Tranggenradio, nghĩa là trinh sát điện tử, một cái tên rất kêu được tuyên truyền là loại vũ khí siêu lợi hại, có thể thu tín hiệu mọi hoạt động của bộ đội ta. Cây nhiệt đới có loại ngắn, loại dài, thông thường chúng thả loại thân dài 1,24 mét, đường kính thân 7,6 centimét, đường kính đuôi 11,7 centimét, nặng 16,8kg (trông giống như quả đạn tên lửa). Bên trong chứa 3 tầng linh kiện điện tử gồm các loại bóng bán dẫn, tụ, kháng... được bao bọc bằng lớp nhựa dày hỗn hợp rất cứng, một khối pin lớn và một micrô nối với ăng ten. Cấu tạo bộ ăng ten gồm 4 râu, một râu thẳng lên trời, 3 râu xòe 3 góc, tất cả là màu xanh lá cây trông như một cây rừng rất khó phát hiện. Mục tiêu của cây nhiệt đới là phát hiện chấn động mặt đất, đối với người cự ly phát hiện từ 25-35 mét, ô tô từ 200- 300 mét, thời gian hoạt động từ 65-70 ngày. Quy trình hoạt động của cây nhiệt đới là thu các tiếng động và chấn động, phát tín hiệu lên không trung cho một máy bay ở độ cao 15-20 kilômét, máy bay lập tức phát về trung tâm xử lý. Trung tâm này Mỹ đặt ở đảo Guam. Trung tâm xử lý xác định tiếng động của người, hay ô tô, xe máy, kho tàng, xác định tọa độ khu vực, sau đó truyền tín hiệu về Sở chỉ huy. Chỉ huy sở kiểm tra lại và điều động máy bay ở khu vực gần nhất đến oanh tạc. Quy trình xử lý phát tín hiệu thông tin từ cây nhiệt đới đến các bộ phận chỉ diễn ra trong giây phút. Cây nhiệt đới gây không ít khó khăn cho ta trong thời kỳ đầu. Sau đó, khi ta phát hiện và xử lý được thì cây nhiệt đới không còn tác dụng, thậm chí gây khó khăn và tổn thất ngược lại cho địch.

Từ việc đọc tài liệu và thực tế tháo máy ra quan sát, tôi đã hiểu được tính năng tác dụng của cây nhiệt đới, liền bàn với chỉ huy và anh em đem 3 cây nhiệt đới thu được trả về vị trí cũ, bố trí một đài rađiô và một máy phát điện, cứ đúng 19 giờ 30 cho phát hai loại máy đến 22 giờ cho tắt, cứ thế 3 đêm liền. Để có đường cho ô tô ta mở một đường tránh cách 3 kilômét, địch có đánh cũng không ảnh hưởng kế hoạch vận chuyển. Đúng như dự đoán, đến ngày thứ 5 khi tiếng gà rừng vừa cất phía xa báo hiệu buổi sáng quân địch theo tín hiệu từ "cây nhiệt đới" cho một máy bay OV10 vè vè lượn đi lượn lại, cứ xoáy tròn khu vực chúng tôi nghi binh, rồi chúc đầu phóng một quả đạn khói vào đúng vị trí của ba "cây nhiệt đới" rồi chuồn thẳng. Chỉ 10 phút sau hai biên đội F4 và F.105 gồm 4 chiếc lao đến gầm rít vòng lượn hai vòng rồi bổ nhào trút bom phá, bom bi, bom cháy, phát quang, chúng dốc vào một khoảng rừng còn sót lại sát trọng điểm làm cho cây đổ ngổn ngang, cháy đen nham nhở, lẫn với đất đỏ, bùn suối bị bom đào hất tung tóe, trông cảnh tượng thật thảm thương. Cứ thế, chúng oanh tạc 3 lần trong ngày, hàng chục tấn bom đạn trút xuống khu rừng trống vắng, cá suối chết trắng trôi dạt xuống cuối nguồn, anh em vớt về tổ chức bữa liên hoan mừng chiến công. Tất cả các món luộc, rán, nướng, nấu măng đều là cá do máy bay địch cung cấp, cộng với rượu cần, xôi dân bản cho tạo thành bữa liên hoan thịnh soạn, sôi nổi. Nhiều chiến sĩ trẻ vừa ăn vừa hát, nào là "Tiểu đội xe không kính""Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" của Phạm Tiến Duật, "Quả bom câm” của Doãn Nho, "Tiến quân trên đường dài” của Huy Du, v.v... Bữa liên hoan vui vẻ thực sự đã tạo niềm phấn chấn cho đơn vị. Có chiến sĩ vẻ mặt tươi cười nói "Các anh ơi! Trận này ta chơi thằng Mỹ một quả đẹp quá; nhưng phải nghĩ kế tiếp chứ, để trận sau ta thắng to hơn, đẹp hơn", "Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn", cả đơn vị cười râm ran sảng khoái.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:52:16 pm »


KỶ NIỆM KHÓ QUÊN VỀ NHỮNG ĐỘI QUÂN TUYÊN TRUYỀN VĂN HÓA
NGUYỄN TRỌNG KHOÁT
Nguyên Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ Bộ đội Trường Sơn

Tháng 4 năm 1965, theo quyết định của Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương, Cục Chính trị (ban đầu là cơ quan chính trị) được hình thành. Phó chính ủy Lê Nghĩa Sỹ trực tiếp làm Chủ nhiệm chính trị. Phòng Tuyên huấn được thành lập do trung tá Hoàng Long phụ trách. Tôi được biên chế vào Phòng Tuyên huấn, phụ trách công tác văn hóa văn nghệ, vẫn còn nhớ đêm đầu tiên nằm bên anh Nghĩa Sỹ trong cái lán nhỏ giữa rừng, đến nửa đêm, thì thấy anh thức dậy, tôi thấy lạ liền đi theo. Anh đi vào hang kín bấm đèn pin và đưa sổ tay ra ghi chép. Biết tôi tò mò, anh bảo tôi bịt nhỏ lỗ đèn pin lại, kéo tôi lại gần đọc mấy câu thơ anh vừa viết: "Ôi con đường ra trận mùa này/Không chỉ có xe trâu, xe thồ, ba gác/Chiến sĩ đường dây không lẩn khuất trong mây, mà ra giữa trời quang ca hát".

Tôi tham gia ý kiến về câu thơ thứ ba tôi nói: "Chiến sĩ đường dây". Nghe như đường dây thống nhất chưa rõ là tuyến vận tải quân sự chiến lược, lại khuất trong mây như máy bay Mỹ đi oanh tạc vậy. Anh Sỹ cười rồi tự sửa "Chiến sĩ Trường Sơn cùng xe pháo trong tay/Phải mở máy, vây trời ca hát”. Sau đó anh bắt đầu phân tích cho tôi rõ mối quan hệ ta - bạn và tương quan lực lượng địch - ta trên tuyến. Anh nói với tôi phải động viên mọi người bỏ thói lầm lỳ trốn tránh, pháo thì phải quay nòng theo bánh xe lăn. Anh giao cho tôi phác thảo một kế hoạch xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng, trước hết ở cơ quan, rồi dần lan xuống đơn vị. Sau đó anh hướng dẫn tôi viết các công văn gửi Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần xin người và máy móc chiếu phim, mời các đội biểu diễn xung kích ngoài đó vào Trường Sơn, rồi mời các phóng viên, nhà văn, nhà báo vào tận đây để thiết lập mối quan hệ giữa cơ quan chính trị và các báo chí, đài phát thanh cùng nhiều cơ quan Văn hóa - Thông tin ngoài Bắc. Ấn tượng đầu tiên trong tôi về người chủ nhiệm chính trị ham mê văn nghệ này là trong một đêm sinh hoạt văn nghệ, sau khi hát một bài dân ca Quảng Trị, anh để tôi trèo lên cổ, cứ thế ra sân khấu, anh nói mặt tỉnh bơ:

- Tiết mục dự thi của chúng tôi là một màn "chèo cổ” - Rồi anh đặt tôi xuống, anh em ôm nhau trong tiếng cười vang của khán giả.

Giữa mùa mưa năm 1965, anh Hồng Kỳ, nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân khu Tây Bắc, vào làm Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Trường Sơn thay cho anh Lê Nghĩa Sỹ vào tuyến trong. Cùng lúc Bộ Tham mưu của Trường Sơn tiếp nhận từ Quân khu 4 cùng một lúc năm đại đội súng 12,7 ly để thực hiện chủ trương tiến công: "Đánh địch mà đi trong chiến dịch giao thông vận tải quân sự mới". Nhưng trời vẫn mưa như trút nước cả hai phía Đông và Tây Trường Sơn. Địch thì chưa hoạt động mạnh nhưng lực lượng ta trên mặt trận phục hồi và mở rộng mạng lưới cầu đường gặp rất nhiều khó khăn. Do mưa lũ, túi nước Xiêng Phan - Tha Pa Chôn dâng cao như một biển lũ mênh mông. Đoàn xe 100 của Tổng cục Hậu cần chở vũ khí và lương thực từ Bắc vào cứ đi ậm ạch, tránh lũ từ ngách rừng nọ đến dốc núi kia. Mùa mưa ở Trường Sơn thật vô cùng gian nan. Tuyến vận chuyển hoạt động cầm chừng, lương thực thực phẩm thiếu nghiêm trọng, anh em phải thay nhau đi đào củ rừng kiếm rau rừng thay bữa, rồi bệnh sốt rét hoành hành. Tình thế thật khẩn cấp. Đảng ủy Bộ Tư lệnh họp quyết định mấy biện pháp cứu đói trước mắt: tập trung lực lượng cả cơ giới và thô sơ tổ chức "tiếp tế cho các công trình trọng điểm" để giữ quân số thi công mặt đường, đi đôi với kế sách lâu dài là "thiết kế một con đường lát" bằng gỗ trên mặt đường cho xe Trường Sơn chạy được cả hai mùa. Ở đại đội pháo 12,7 ly, chủ yếu là chiến sĩ trẻ của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mới nhập ngũ, rất khỏe mạnh và yêu đời, khí thế đánh giặc lập công rất cao. Đặc biệt, các đại đội đều do các sĩ quan lục quân vừa ra trường chỉ huy. Phần lớn họ đều biết phát huy sức mạnh năng lực và tinh thần của bộ đội nên đời sống văn hóa, văn nghệ tăng lên khá cao. Ở đâu dù khó khăn, vất vả, các anh cũng ca hát reo cười, ngay cả khi vào trận "chọi lửa" với máy bay Mỹ trên đường nhập tuyến. Có những đại đội trưởng như Lê Quang Thọ, Phan Kiều Nhật... đã trở thành "hình ảnh Nguyễn Viết Xuân” trên trận địa. Có những chính trị viên như Hoàng Đức Ngô, Phan Văn Nhật đã đứng bắt nhịp cho chiến sĩ hát vang những bài ca pháo binh ngay giữa trận đánh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:59:17 pm »


Sau khi tiếp nhận và kiểm tra các đơn vị súng máy 12,7 ly về họp Đảng ủy Bộ Tư lệnh xong, anh Hồng Kỳ gọi tôi đến lán của anh và bảo:

- Này, Trọng Khoát, cậu có biết câu nói nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: "Văn nghệ có thể thay một phần ba thực phẩm" không?

- Dạ có, nhưng mà sao cơ ạ? - Tôi đáp.

- Thế nhưng bây giờ đấy, có mấy công trình trọng điểm bộ đội thiếu đói đến mức quá hai phần ba. Vậy nên phải vừa phát huy sức mạnh tinh thần vừa phải tập trung tiếp tế, cứu đói cho họ.

Tôi biết kiểu nói của anh Hồng Kỳ rồi nên kiên nhẫn ngồi nghe hết ý anh. Anh hướng cặp kính lão lên, nhìn tôi nói tiếp:

- Các đại đội phòng không 12,7 ly xem ra là một đội quân văn nghệ khá hùng hậu. Họ đi tới đâu chắc sẽ chiếu vào đó, kể cả người đang hấp hối, một luồng gió hồi sinh mạnh mẽ. Lại nữa, giờ đây địch cũng đang giảm cường độ đánh phá để xoay sang những thủ đoạn âm mưu mới. Ta còn phải thăm dò nên chưa có phác đồ tổng thể cho một lưới lửa chắc ăn. Bộ Tham mưu đề nghị Bộ Tư lệnh cho sử dụng các đại đội làm một chuyến gùi thồ tiếp tế đến tận Noọng Cà Đeng phía nam Tha Pha Chôn. Quân số khoảng trên 500 người. Mỗi người cứ cho trừ ăn đi cũng tiếp tế được 30 kilôgam, vị chi phải giải quyết cho trọng điểm đó trên 15 tấn lương thực, thực phẩm và hàng nhu yếu.

- Báo cáo anh, cái đó ít liên quan đến nghiệp vụ văn hóa văn nghệ của tôi. Nhưng không sao, tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì - Tôi đáp.

Anh Hồng Kỳ nói tiếp:

- Mình giao cho cậu làm tiểu đoàn trưởng thay cho anh Hà. Anh Hà giao quân xong thì quay về Khu 4. Đồng chí Hồ Chí Hồ của Cục Hậu cần làm chính trị viên. Tuy làm chỉ huy, nhưng cậu vẫn có hai nhiệm vụ song song là cùng đồng chí Hồ đưa anh em đi đến nơi bảo đảm an toàn tối đa, kịp thời hạn và giao hàng cho đơn vị đầy đủ về số lượng, chất lượng, tránh hư hỏng, thất thoát. Nhiệm vụ thứ hai rất quan trọng là xuống cơ sở, tìm hiểu đời sống sinh hoạt tinh thần, văn hóa của anh em để có những nhận định đề xuất, làm sao giải tỏa được tâm lý "đêm nằm nghe muỗi vo ve" của anh em, xốc lại không khí lạc quan, tin tưởng vào cơ giới hóa. Còn nữa khi quay về đây báo cáo cậu phải kèm theo ít nhất năm bài thơ để tớ duyệt...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:59:41 pm »


Chúng tôi thực hiện chuyến đi này trọn vẹn, hàng giao đúng hóa đơn, đầy đủ. Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy công trường cảm động trước món quà "cấp cứu” của Bộ Tư lệnh. Nhìn những chị em ôm rụng tóc, nằm dài mà gượng dậy khẽ cười hát cùng chiến sĩ khiến chúng tôi thấy hởi lòng hởi dạ. Anh Hồ cùng với mấy đồng chí công binh rút về trước để báo cáo tình hình, còn tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy các đại đội rải quân thi công khoảng 40 kilômét đường "rông đanh" (loại cầu nổi kéo dài, kết cấu bằng những cây gỗ nhỏ có đường kính xấp xỉ nhau, bắc qua các đoạn đường lầy cho xe tải đi lên trên không bị sập cầu, sa bánh).

Các chiến sĩ đại đội "pháo binh làm đường”, với sức trẻ hăng say đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ. Ai xong sớm cho trở về đơn vị để sẵn sàng chiến đấu. Trên đường ra, chúng tôi còn tranh thủ tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ, kết nghĩa giữa các chiến sĩ pháo binh với các đơn vị công binh, lái xe, nữ dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Có một sự cố đáng tiếc xảy ra trên đường, đó là Đại đội 4 của Phan Văn Nhật, hành quân "tranh thủ" đã vượt cầu Bãi Dinh ở phía tây Quảng Bình, bị trúng trận bom cường kích của phản lực Mỹ, để hy sinh một chiến sĩ. Sau này về, tôi bị truy cứu trách nhiệm và phải ra hầu tòa. Tòa án do Tham mưu trưởng Đỗ Hữu Đào - chủ tọa, anh Hồng Kỳ và anh Lê Nghĩa Sỹ làm hội thẩm và bào chữa. Bị cáo chính là Phan Văn Nhật xin nhận hoàn toàn trách nhiệm và viện cớ quán triệt khẩu hiệu "lấn sáng, lấn chiều" nên bất ngờ bị địch đánh bom. Nhưng do đơn vị có thành tích chiến đấu xuất sắc, nên đồng chí Nhật chỉ bị cảnh báo; còn về tôi, anh Hồng Kỳ kết luận:

- Nhiệm vụ chỉ huy giao cho một trợ lý chuyên văn hóa - văn nghệ, đi khảo sát tình hình cơ sở và làm thơ là chính, lại chỉ đạo việc hành quân, làm đường, vả lại "bị can" cũng đã có lệnh cấm đi ban ngày qua trọng điểm mà bộ đội không chấp hành triệt để. Xét cả mặt kết quả đạt được trong chuyến thi hành công vụ và kết quả sáng tác trên đường đi, tôi đề nghị "Tòa" cho trắng án.

Đến cuối năm 1965, những công văn xin chi viện về văn hóa, văn nghệ của Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị 559 gửi lên Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị bắt đầu có hồi âm. Tổng cục Chính trị quyết định điều một bộ phận của Đoàn văn công Tây Bắc kết hợp với một mũi của văn công Nam Bộ do các đồng chí Huỳnh Cao Kiểng, Hồ Ngọc, Nguyễn Thành... vào phục vụ bộ đội Trường Sơn. Đoàn gồm trên ba mươi diễn viên nam, nữ với những gương mặt khó quên như Ngọc Minh, Thúy Hường, Ngọc Thảo (vợ Nguyễn Thành), Kim Yến (con nghệ sĩ Nguyễn Tấn Huy Trọng), rồi Ngọc Loan (vợ Ngọc Minh)... Nhiều anh chị em đã hy sinh trên đường biểu diễn phục vụ bộ đội như Thúy Hường, Kim Yến, Đức Dân, Ngọc Minh, Trịnh Quý, Ma Quy... Trong đó có hai anh em Ngọc Minh và Ma Quy ngã xuống ngay trước cửa hầm, trúng đạn rốc két phản lực của Mỹ sau khi đã dồn hết anh chị em khác vào hầm ẩn nấp an toàn. Trịnh Quý vừa là ca sĩ vừa sáng tác nhạc và thơ. Anh đã hy sinh vì trúng mìn chống tăng của phản động Lào trên đường đi tháp tùng Chính ủy Đặng Tính ở cao nguyên Bô Lô Ven tháng 4 năm 1973. Đoàn văn công Nam Bộ, sau khi đi đến cực nam tuyến chi viện Trường Sơn trên đất Cam-pu-chia, được chuyển cho Mặt trận B2 - Nam Bộ còn Đoàn văn công Trường Sơn do Tây Bắc chuyển vào, đổi tên thành Đoàn văn công Quân giải phóng Trường Sơn...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM