Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:29:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 2  (Đọc 42865 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:28:57 pm »


6

Kế hoạch đã được thống nhất, chúng tôi khẩn trương triển khai các phân đội công binh, xe, máy thay phiên trực chiến trên ATP hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ. Cứ sau một đợt giao chiến dữ dội của cao xạ với máy bay trinh sát, cường kích, tiếng bom đạn vừa dứt, bụi mù trời, đã nghe tiếng bộc phá nổ, tiếng cuốc xẻng công binh tới tấp, sột soạt san lấp. Rồi tiếng rè rè rú ga của máy ủi C100 hì hục đẩy các khồi đất đá lớn trên đường xuống vực, trả lại mặt đường. Những chiếc xe Ben chở đầy đá hộc chạy bon bon trút xuống ngầm 20A, 20B... Tất cả đều "nhanh như sóc, mạnh như hổ” với cường độ lao động đặc biệt để tranh cướp thời gian với kẻ thù.

Tiếng súng lệnh cho cao xạ vào cấp một; đồng thời là tiếng động cho công binh, xe máy rút về hầm trú ẩn, trả lại trận địa cho máy bay và cao xạ... Không gian trở lại im lặng, một sự im ắng, nóng bức lạ lùng và như báo hiệu cơn giông tố lại sắp kéo đến trên tuyến.

Cứ như vậy đã diễn ra ba ngày, ba đêm, công binh đã san lấp một vạn mét khối đất đá trên đèo, dưới ngầm, nhờ có sự yểm trợ của Trung đoàn 224 và Tiểu đoàn 14 cao xạ. Còn hơn một vạn khối nữa mới thông đường, ngầm, chưa kể hàng ngày địch vẫn đánh bổ sung thêm khối lượng...

Công binh, cao xạ căng thẳng, mỏi mệt, thương vong đã nhiều...

Địch phát hiện ta mở đột phá khẩu khôi phục giao thông, vận chuyển qua Ta Lê - Phu La Nhích. Chúng tăng cường độ đánh phá, B.52 tăng ném bom rải thảm lên 16 lần tốp, 48 lần chiếc/đêm.

Tinh thần quyết thắng của công binh và cao xạ có phần chùng xuống...

Sáng nay, chỉ huy sở binh trạm nhận tin vui: Bộ Tổng tham mưu chi viện cho Binh trạm 14 hai máy ủi C100 và ba xe Ben; binh trạm cử lái xe ra cảng Gianh nhận.

Bộ Tổng đã ra lệnh cho Trung đoàn bộ binh 32 đi "B" dừng lại một tháng tăng viện cho Binh trạm 14 làm đường để rút ngắn thời gian thông đường 20C. Thủ trưởng binh trạm gặp Trung đoàn 32 đang ở Thanh Sơn, Bố Trạch, Quảng Bình hợp đồng giao nhiệm vụ cụ thể.

Tôi vừa bàn xong với cơ quan tham mưu triển khai công việc, tiếp nhận lực lượng phương tiện của Bộ Tổng tham mưu tăng viện.

Đồng chí Trưởng ban hành chính vào báo cáo:

- Thủ trưởng có khách.

- Ai vậy?

- Đồng chí Tư lệnh Phòng không - Không quân.

Tôi bước vội đến phòng khách... Đồng chí Lê Văn Tri siết chặt tay tôi:

- Nom cậu quen quen...

- Vâng, ông anh đồng hương quên em thì có, còn em quên sao được thầy giáo quân sự "nhanh như sóc, mạnh như hổ" dạy chúng em ở trường quân chính Lê Trực - Đồng Hới năm 1946; người chỉ huy có tiếng ở Trung đoàn 18 Quảng Bình thời đánh Pháp... Câu chuyện rôm rả của hai thầy trò cũng là đồng hương sau hai mươi năm mới gặp lại, làm tôi quên bẵng người ngồi cạnh cùng đi. Anh ta đứng dậy tự giới thiệu:

- Tôi, Nguyễn Văn Hội, Trung đoàn trưởng 238 tên lửa, Tham mưu phó Sư đoàn 367 phòng không.

Tôi đứng dậy xin lỗi và đến bắt tay...

- Thôi, vào việc nhé - Anh Tri nói: Giôn-xơn tuy sắp ra khỏi Nhà trắng, nhưng vẫn không chịu lùi bước trong việc vận động thông qua ngân sách 30 tỷ đôla viện trợ cho miền Nam năm 1969. Từ tàu sân bay hạm đội 7 rồi căn cứ không quân chiến lược Cò Rạt và Utapao của Mỹ; căn cứ không quân chiến lược Lào, Miên, Thái Lan của Mỹ đều vây quanh con đường Hồ Chí Minh, sắp tới Ních-Xơn sẽ cho áp dụng vũ khí cải tiến kỹ thuật điện tử để hủy diệt ngăn chặn tuyến vận tải chi viện chiến lược. Trước mắt tập trung lực lượng, sử dụng B.52 ngăn chặn cửa khẩu: Đường 20 và 12 ở Ta Lê - Phu La Nhích và Cổng Trời đèo Mụ Giạ - Xiêng Phan. Bộ Tổng chỉ thị cho tôi vào đây nghiên cứu đưa tên lửa và máy bay của ta vào bảo vệ vượt khẩu... Đồng chí cho tôi biết tình hình.

Tôi báo cáo vắn tắt tình hình: - Ba ngày mở đột phá ATP, bộ đội cao xạ 35, 37 của Trung đoàn 224 Sư đoàn 367, Tiểu đoàn 14 Binh trạm 32 và Đại đội 16 súng máy 12,7 ly, 14,5 ly Binh trạm 14 đã cơ động, len lỏi trên các sườn đồi, đỉnh núi, bí mật bất ngờ đánh trả máy bay trinh sát, cường kích. Tuy chưa rơi, nhưng buộc chúng phải bay cao, không đủ bình tĩnh "ôm bom đặt giữa tim đường" và sát thương ta, thời gian vòng lượn trinh sát, đánh phá giảm.

Nhờ đó công binh, xe Ben, máy ủi có nhiều thời gian san lấp hố bom, đường, ngầm.

Nếu ban đêm ta có tên lửa hoặc máy bay xuất kích đánh B.52, dù chưa rơi, nhưng sẽ làm cho chúng giảm mật độ đánh phá, chắc chắn ba ngày nữa sẽ thông đường. Còn nếu cứ để cho B.52 tự do hoành hành thì dù có thông đường, không còn thời gian cho xe vượt qua.

Suy nghĩ một lát, anh Hội nói quả quyết:

- Tôi sẽ ra lệnh cho tiểu đoàn tên lửa: đêm nay, chậm nhất là đêm mai "phụt” B.52, để Binh trạm trưởng thực hiện lời hứa...

Cuộc họp hợp đồng tác chiến nhanh chóng kết thúc.

Anh Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân vội vã chia tay và nói nhỏ với tôi: "Lúc nào Mic 21 xuất kích, tớ điện cho cậu biết, nhớ giữ bí mật".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:30:33 pm »


7

Chỉ huy sở binh trạm nhận và truyền tin "kỹ thuật": Máy bay B.52 đã cất cánh ở sân bay Utapao lúc 18 giờ; lệnh cho trạm chỉ huy công binh, cao xạ trên trọng điểm.

Sau 5 phút, các ngọn đèn dầu trong hầm phụt tắt.

Một loạt... hai loạt... ba loạt như sấm rền, đất động. Tổng đài điện thoại 40 cửa xè xè dồn dập đổ. Cô Chanh hai tay thoăn thoắt cắm, rút phích, miệng liên tục thưa máy, gọi số:

- Alô K82 đâu? - Có đây - Nói chuyện với 03.

- Alô 20 đâu? - Có tôi - Nói chuyện với 04.

Tôi bật máy khuếch đại để nghe các máy trực ban đàm thoại... Alô, B.52 đánh đâu đấy? - Ngầm 20A - về cua chữ A... Quân ta an toàn, máy ủi, công binh đã xuất kích...

- Alô! Anh Ngọc (tham mưu phó tác chiến) đó phải không? - Vâng, tôi đây. Nghị (trợ lý tác chiến) báo cáo: Các tổ trinh sát phát hiện ở dãy núi mép sông Ta Lê, có dấu người nằm, mới đi chừng một, hai ngày. - Nhiều hay ít? Đầu nằm ở hai ổ có từ tám đến mười tên. - Chúng thuộc loại nào? - Nó để lại nhiều tàn thuốc lá bằng tẩu, có cả mẩu thuốc lá ngoại. Phán đoán là biệt kích người dân tộc; có chỉ huy Mỹ hoặc ngụy miền Nam. - Nó đi hướng nào? - Đã thấy dấu chân giày và giấy kẹo ở cách chỗ cũ độ năm trăm mét về phía hạ lưu ngầm 20A. - Các anh đã làm gì rồi? - Đại đội bộ binh 16 đang lùng sục tại nam Ta Lê; phối hợp các tổ chuyên gia dân vận để phong tỏa chúng. Nghe đến đây, tôi nói xen vào máy: Anh Ngọc ơi! - Có tôi. - Đồng chí báo cáo cho anh Cầu biết và nói với anh ấy rằng: Binh trạm trưởng yêu cầu anh chỉ thị cho hai tiểu đoàn 335, 336 công binh, cho ít tổ lùng sục khu vực họ đang mở đường, chú ý khu vực mở ngầm 20C.

Lại một việc đáng lo lắng, tôi nghĩ: "Mục đích hoạt động của Mỹ ở chiến tuyến này là dùng không quân ngăn chặn chi viện của miền Bắc vào nam Đông Dương... Vì sao chúng lại sử dụng bọn biệt kích thám báo? Chắc chủ yếu là tìm con đường mới mở, kho hàng, bãi giấu xe, trận địa cao xạ... để chỉ điểm cho máy bay hủy diệt. Không quét sạch bọn này, ta chẳng yên". Tôi suy nghĩ mung lung tìm kế sách...

Nghe tổng trực ban truyền tin kỹ thuật máy bay B.52 xuất kích ở sân bay Cò Rạt lúc 23 giờ, chỉ huy sở binh trạm trở lại nhộn nhịp truyền tin, theo dõi, xử lý tình huống tác chiến, cầu đường, quân y...

Đài quan sát báo cáo: B.52 đánh đợt 2 ở đèo Phu La Nhích...

Trực ban phòng không báo cáo: Trung đoàn 238 đã phóng hai quả tên lửa, chưa xóa được mục tiêu.

Trực ban cầu đường báo cáo: Công binh an toàn, ba quả trúng đường, còn lại rơi trên núi, dưới vực. Máy húc và chiến sĩ đã lên mặt đường san lấp; xe Ben hai chiếc đổ đá xuống ngầm "B".

Tôi mời êkíp trực ban hội ý.

Đồng chí Đoàn (binh trạm phó tác chiến) nói:

- Tuy B.52 chưa rời nhưng dù sao đã bị đánh cảnh cáo... Có thể chúng sẽ tạm dừng ném bom ít hôm để trinh sát tìm trận địa tên lửa.

Thọ nói:

- Nếu đúng thế là thời cơ cho ta thông đường, ngầm...

Tôi nêu quyết tâm và giao nhiệm vụ: hai đêm nữa xe Tiểu đoàn 781 vượt khẩu. Tham mưu cầu đường, tác chiến, phòng không, vận chuyển chuẩn bị kế hoạch, sáng mai giao ban báo cáo...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 01:30:55 pm »


Trở về chiều, đỉnh U Bò mây mù dày đặc. Tiểu đoàn xe 781 đang lùi lũi cõng hàng đến vị trí tập kết xuất phát vượt liên hoàn trọng điểm ATP.

Tiểu đoàn trưởng Võ Quốc Khánh cho hai đại đội 1 và 15 mai phục đầu đường 20B; Đại đội 6 và Đại đội 10 ở Km 73-74 đường 20A sẵn sàng chờ lệnh.

Mười tám... mười chín giờ rồi B.52 vẫn chưa đánh đợt 1 như thường lệ. Nó tạm dừng hay thay đổi quy luật thời gian?... - Nếu tạm dừng chắc chắn công binh sẽ thông đường theo hạn định...

Hai mươi mốt giờ, Đỗ Xuân Diễn - Tiểu đoàn trưởng 33 báo cáo đèo Phu La Nhích đã thông, ngầm 20A hai mươi phút nữa cũng thông xe.

Chỉ huy sở binh trạm đắn đo... cho Tiểu đoàn 781 xuất phát hay đợi qua thời điểm B.52 đánh đợt 2 theo quy luật?

Hai mươi hai giờ, Võ Quốc Khánh nhận lệnh: Cho một đại đội xuất kích đi thử đường 20A và thăm dò địch... Xe Đại đội 10 qua cua chữ A. Vượt ngầm 20A, xe đầu đã le lói trong ánh đèn rùa chớp giật chân đèo.

Đột nhiên, pháo sáng rực ở đỉnh Phu La Nhích, cả đại đội xe tắt đèn dừng tại chỗ.

Pháo sáng vừa tắt, ba loạt bom nổ trên đỉnh đèo... Không gian im lặng, mọi người chờ đợi tín hiệu... Ba phát súng nổ (báo hiệu tắc đường), chiếc xe ủi rì rầm guồng bánh xích leo lên hầm, bò lên đèo. Các chiến sĩ công binh rời khỏi hầm, hối hả vác xẻng chạy đến nơi bom nổ... Tiếng bộc phá nổ ùng ục rồi im lặng. Những cánh tay thoăn thoắt lưỡi xẻng lướt trên mặt đường. Tiếng nổ máy ủi lúc to, lúc nhỏ trên đèo vọng về. Cán bộ, chiến sĩ C10 thì thầm... chờ đợi cái gì sẽ đến với họ...

Hai phát súng hiệu lệnh thông đường. Ánh đèn lấp loé, Đại đội 10 đang vượt đèo, Đại đội 15 vượt ngầm 20B.

Bỗng nhiên, những chùm lửa đỏ từ các sườn núi bay lên. Tiếng máy bay AD6 vòng lượn tung ra các chùm pháo sáng; tiếng rít của phản lực bổ nhào xuống rải những chấm sáng le lói trên đèo; hàng nghìn mũi tên đỏ rực lao lên. Cả bầy chúng nó đang bu tới... Tiếng bom nổ trên đèo; những ánh đèn vụt tắt; máy bay gầm rú rà sát bắn như vãi đạn hai mươi ly.

Tại trạm chỉ huy ở Km 74, Khánh nhận điện cho ba xe chạy nghi binh hút địch về phía cua chữ A. Đồng chí Uyển, tiểu đội trưởng chạy trước, theo sau hai xe cùng tiểu đội, ba luồng ánh sáng cách nhau 100 mét chạy lên cua chữ A; lúc bật đèn "pha" chạy nhanh; lúc đèn "tai” chạy vừa; bật đèn "rùa" chạy chậm; đứng lại tắt đèn ở nơi "tử giác"; rồi lại chạy, tốc độ luôn thay đổi; lúc chạy lúc dừng, lúc ẩn lúc hiện, trên con đường núi "úp bát" nhiều cua chữ A, làm mồi cho lũ giặc lái Hoa Kỳ lồng lộn, săn đuổi, bắn như xối đạn; lưới lửa cao xạ của Trung đoàn 224 phóng lên rừng rực, pháo hoa nổ lụp bụp trên không như cổ động viên trên sân bóng, cầu thủ thêm hăng. Uyển đã bị thương nhưng không rời tay lái...

Lúc này ở đèo Phu La Nhích đã ngớt tiếng bom đạn, thương binh đã được đưa vào hang đá 34 cấp cứu, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Xuân Diễn cho mở đường tránh ba xe hỏng để xe Đại đội 10 vượt qua đi vào phía trong. Hai đại đội 15 và 6 tiếp tục vượt ngầm, lên đèo, xuống đèo, vào K4 Lùm Bùm.

Ba giờ sáng B.52 lại đánh đèo; Đại đội 1 quay lại phân trạm C giấu xong xe thì trời vừa rạng sáng.

Tin ba đại đội xe Tiểu đoàn 781 vượt qua ATP - trận mở đầu mùa khô 1968-1969 đã lấy lại lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ trên đường 20 Quyết thắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 05:41:46 pm »


8

Cuộc chiến đấu ở ATP diễn ra quyết liệt hai mươi bốn trên hai mươi bốn tiếng đã trải qua hai tuần nay.

Sau hai quả tên lửa bắn, B.52 tạm dừng được hai đêm, công binh thông đường, ba đại đội xe Tiểu đoàn 781 qua. Tên lửa di chuyển để bảo tồn lực lượng; B.52 tiếp tục đánh lại, mỗi đêm ba bốn lần. Công binh, cao xạ, xe vận tải tiếp tục từng phút, từng giờ đổ mồ hôi và máu, mỗi đêm thông đường một vài giờ, cho vài chục xe qua ATP...

- Đêm hôm đó:

18 giờ 10 phút: B.52 đánh một đợt ở ngầm - đèo.

19 giờ: hai tốp F4 đánh Phu La Nhích.

20 giờ 10 phút: hai phản lực đánh cua chữ A.

22 giờ: thông đường cho 40 xe qua...

Lại có tin "kỹ thuật" B.52 cất cánh ở Cò Rạt lúc 23 giờ. Chỉ huy sở binh trạm đang theo dõi tình huống mới sắp xảy ra...

Đài quan sát báo cáo về: hai F100, máy bay gây nhiễu dọn đường cho B.52 đã qua Phu La Nhích - Ta Lê...

Chiếc B.52 thứ nhất đã rải bom ở Phu La Nhích...; không thấy chiếc thứ hai, thứ ba rải bom tiếp như thường lệ...

Chúng tôi phán đoán... Tên lửa phóng lên ư?

Lúc chiều, chỉ huy sở phòng không báo chưa chuẩn bị xong kia mà?... Hay là "én bạc" đã xuất kích?

Dù sao, bây giờ cũng là thời cơ tốt, đôn đốc công binh kiểm tra giao thông cho Đại đội 1 Tiểu đoàn 781 qua nốt... Đến 2 giờ sáng, qua điện thoại, anh Lê Văn Tri thông báo cho tôi biết: Hai "én bạc" ta xuất kích đến Ta Lê vòng lượn, chưa kịp đánh thì phải quay về (vì điều kiện kỹ thuật không cho phép). Còn hai chiếc B.52 thứ hai, thứ ba của Mỹ chưa kịp ném bom, phải quay lại.

B.52 trạm chán không quân ta, chúng dừng lại hai đêm, rồi đánh tiếp...

Cao xạ các tầm cỡ của ta vẫn đánh mạnh ban ngày, nhất là sau khi hạ chiếc OV10, máy bay trinh sát cường kích không dám vòng lượn lâu, bay thấp như trước. Tên lửa và máy bay ta xuất kích đánh B.52 ban đêm, mật độ B.52 đánh giảm. Các tổ nghi binh ban ngày sẵn sàng từng lạng bộc phá, nổ tung bụi mù lên trời, kéo OV10 đến ném pháo hiệu hút địch vào nơi giả..., chia lửa cho công binh khôi phục đường ban ngày. Ban đêm, các đống củi lửa, đèn pha chiếu lên ở ngầm giả, trận địa giả... làm cho máy bay Mỹ rối loạn mục tiêu, bom đạn giội vào cả nơi núi rừng hoang dã.

Địch đánh, cao xạ đánh trả, công binh san lấp, xe ta tiếp tục luồn lách qua ATP.

Đảng ủy binh trạm chủ trương: Dồn sức mở đợt tổng công kích thông đường 20C trước hạn định 5 ngày nhân lúc địch bị thu hút vào đường 20A.

Hai Bộ Tư lệnh 500 và 559 tiếp tục thương thuyết vấn đề thông ngầm hay chuyển tải?...

Bộ Tư lệnh 559 kiên trì ý kiến: chuyển tải không phải là biện pháp chi viện chiến lược. Làm đường chỉ để vận tải cơ giới, dù chỉ năm ngày rồi tắc, cũng bằng mấy trăm ngày chuyển tải.

Bộ Tư lệnh 500 đặt vấn đề thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương phải bảo đảm an toàn tuyến vượt khẩu này...

Bộ Tư lệnh 599 cũng đưa ra ý kiến hay là bàn giao khu vực vượt khẩu cho Đoàn 559 chịu trách nhiệm thắng, bại...

Bộ Tư lệnh 500 nói rằng: Bàn giao cho Đoàn 559 thì dễ, nhưng giao dễ làm lộ bí mật con đường 20C, lãng phí bao nhiêu công sức của chiến sĩ hơn một tháng nay...

Chính vì lẽ đó mà mất một tuần đường 20C chưa thông; chuyển tải chưa chuẩn bị xong; ngầm chưa được làm; con đường bí mật; vu hồi cứ nằm đợi; trong lúc đó trên ATP, mồ hôi và máu chiến sĩ tiếp tục chảy ngày, đêm cho từng chiếc xe vượt qua.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 05:42:08 pm »


Đồng chí tổng trực ban hớt hải chạy vào báo cáo: Có sự thay đổi tổ chức, cán bộ lãnh đạo: ông Đinh đã vào Đoàn 500; Thiếu tướng Nguyễn Đôn và Lê Quang Đạo ra Hà Nội; ông Hồng Kỳ, quyền Tư lệnh và Chính ủy 500, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Đinh, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Trước mắt, Quân ủy Trung ương giao quyền cho Bộ Tư lệnh 559 thống nhất chỉ huy khu vực vượt khẩu. Như vậy thì bờ bắc, bờ nam Ta Lê đều do Bộ Tư lệnh 559 quyết định...

Chuông điện thoại reo cắt ngang câu chuyện. Tôi cầm máy nghe bên kia tiếng "khịt, khịt", tôi biết là anh Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh 559:

- Báo cáo anh, có tôi.

- Nghe rõ không?

- Rõ.

- Làm ngầm 20C đi thôi. Ngày 15 tháng 12 phải thông xe, tôi đã nói với đồng chí Ngữ, Binh trạm trưởng 32, thông đường bờ nam đến mép ngầm 20C, cậu bảo Cầu gặp Ngữ để phối hợp hành động cụ thể...

Bỏ máy điện thoại xuống, tôi viết vội thư cho anh Phương và anh Cầu, giao cho đồng chí Thọ cầm, dặn thêm mấy điều và giục đi ngay.

Chiếc xe con phóng hết tốc độ, đến trạm chỉ huy thì dừng lại. Thọ bật mạnh cửa xe nhảy xuống chạy leo lên sườn núi vào nhà chỉ huy:

- Báo cáo Chính ủy có thư.

Đợi hai ông đọc xong thư, Thọ nói thêm những điều tôi dặn...

Cầu nhìn Thọ:

- Nội dung công việc mới cậu biết cả rồi, bây giờ cậu gọi điện thoại cho tiểu đoàn trưởng và các đại đội trưởng tới đấy.

Thọ quay điện thoại gọi các nơi. Cầu nhẩm tính lại công việc làm ngầm. Quyết định sử dụng hai đại đội lát ngầm, đóng cọc kè, hai đại đội chuyển đá xuống chân ngầm. Nước đã cạn dần, chủ yếu lấp xong ba cái vực.

Quách Bận, Tiểu đoàn trưởng 336 và các đại đội trưởng đến; Thọ hướng dẫn gọn mấy quy trình kỹ thuật chủ yếu phải chú trọng. Các cán bộ phấn khởi nhận nhiệm vụ ra về...

Khi trời vừa hửng sáng, tiếng xẻng, cuốc, ki, chạc, đòn gánh chạm nhau loảng xoảng. Một ngày mới lại bắt đầu náo nhiệt...

Khúc sông làm ngầm ưu điểm có lòng sông sỏi lẫn đá cứng, bằng phẳng, lưu tốc 0,5 mét/giây. Nếu sử dụng hết tháng tư chỉ tôn cao 10 centimét ở chỗ cạn, chủ yếu lấp ba vực sâu, cần có khoảng tám trăm mét khối đá hộc ban đầu, sau sẽ bổ sung mở rộng tôn cao. Hiện tại đội 8 đã chuẩn bị hơn tám trăm mét khối. Trước mắt cả 4 đại đội tập trung chuyển đá, lát ngầm chỉ kịp thông xe ngày 15 tháng 12.

Suốt hai ngày đêm dồn dập, khẩn trương, người khiêng, người vác đá lấp sông làm ngầm; cán bộ tiểu đoàn, đại đội đều có mặt ở ngầm để chỉ huy liên tục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 05:44:54 pm »


9

Đêm nay, trên ATP bom vẫn rơi, đạn vẫn nổ, đường tắc lại thông, xe lại qua, các tổ nghi binh hút địch có hiệu quả...

Trong chỉ huy sở binh trạm, không khí vui vẻ hẳn lên, không lúc nào ngớt đàm thoại của các máy trực ban, theo dõi tình hình...

Binh trạm phó Cầu ngồi buồng trực ban chỉ huy giao thông. Đường 20C bắt đầu vào cuộc chiến...

- A lô! A lô! Trạm 20C đâu?
- Ai đấy?
- Tòng đây?
- Đến lúc này anh đã nhận được mấy đoàn?
- Báo cáo, tám đoàn.
- Chuẩn bị đón sáu đoàn sắp vào đấy nhé.



- A lô! A lô! K56 đấy phải không?... Ba tiểu đoàn xe sẵn sàng chưa?
- Báo cáo, đã sẵn sàng.
- Cho xuất phát vào tập kết đường C.



Trực ban vận chuyển gọi máy K41:

- Đoàn T đã sẵn sàng chưa?
- Rồi ạ.
- Tổng số có thay đổi không?
- Có hai xe "pan" điện, tổ kỹ thuật ta đang sửa giúp. Tổng số đi là: "Hà Nội - An Châu - I Tờ - Ba Vì - Ô Môn - Nam Định”. Công trường xa cho đi sau đội hình, không được lộn xộn như hôm vào khu tập kết đấy...
- Rõ.



Đến 4 giờ sáng, các đoàn đã lọt vào đường kín 20C tập kết đợi lệnh.

Năm giờ sáng, tôi đã đến trạm chỉ huy giao thông bắc ngầm 20C. Cầu giao nhiệm vụ trực chỉ huy cho Thọ, xuống đường gặp binh trạm trưởng.

Chúng tôi gặp nhau niềm vui khó tả...

Bốn mươi ngày đêm chỉ gặp nhau trên máy điện thoại, nay giáp mặt nhau.

Tôi nói với Cầu:

- Anh ở lại chỉ huy, tôi theo xe đi kiểm tra đường và hợp đồng với Binh trạm 32: thống nhất chỉ huy đảm bảo giao thông cho xe ta vào trả hàng K4 Lùm Bùm, theo lệnh mới...

Đúng sáu giờ sáng, lệnh xuất phát. Xe có binh trạm trưởng ngồi, dẫn đầu đội hình vượt ngầm 20C. Những tiểu đoàn xe vận tải mang đầy hàng, ngụy trang kín lá, từng chiếc một thận trọng vượt ngầm Ta Lê, rì rầm đi vào phía Nam, giữa ban ngày trên con đường kín mới mở. Đoàn xe chở khí tài công binh cồng kềnh bám đuôi xe vận tải, loang loáng vượt qua các trạm chỉ huy giao thông. Những đoàn xe pháo kềnh càng, các pháo thủ ngồi trên thùng xe mâm pháo, lung lay cành lá ngụy trang, liếc nhìn, mỉm cười, gật đầu đáp lại những bàn tay vẫy tiễn của anh chị em công binh bên đường. Tất cả hối hả bám đuôi nhau tiến lên phía trước.

Giữa trưa, mặt trời đổ lửa dữ dội trên đèo Phu La Nhích - Ta Lê đến cua chữ A trơ trụi đoạn đường hàng chục cây số, chỉ còn lại màu đất đá xám xịt và những gốc cây cháy dở...

Máy bay vẫn gầm thét, tiếng súng cao xạ, tiếng bộc phá công binh tiếp tục nổ, thực hiện mệnh lệnh: "Đánh địch mà đi" trên đường 20A.

Tranh thủ lúc địch chưa phát hiện, trên con đường 20C dưới tán rừng già, dưới giàn lá phong lan... ngụy trang qua đoạn rừng thưa, đồi trống, các đoàn xe nhập tuyến, rì rầm đi suốt ngày đêm...

Mặt trời xuống núi, các đoàn xe chưa qua hết đường 20C, có lệnh dừng lại, nghỉ tại chỗ, ngày hôm sau đi tiếp, để giữ bí mật con đường.

Đêm đến, lực lượng công binh, cao xạ và một đại đội xe vận tải của Tiểu đoàn 781 thay phiên nhau vượt qua liên hoàn trọng điểm, cố ý để lại vết xe lăn. Họ chấp nhận sự hy sinh vì nhiệm vụ hút địch, để đảm bảo thắng lợi an toàn cho mấy nghìn xe chạy ngày đêm trên đường 20C vào tuyến 559...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 05:45:29 pm »


*

Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Tư lệnh Đoàn 559 đi thăm các đơn vị giải tỏa cửa khẩu ATP, cũng đến thăm Binh trạm 14 đúng lúc binh trạm đang họp sơ kết một tháng vận chuyển, sau khi đường 20C thông, giải tỏa liên hoàn trọng điểm cua chữ A - Ta Lê - Phu La Nhích, thực hiện "vừa tránh địch mà đi, vừa đánh địch mà đi"...

Ông Nguyên vui cười hỏi chúng tôi:

- Các đồng chí thống kê và vận chuyển bảo đảm xe nhập tuyến được bao nhiêu rồi?

- Báo cáo: Đảm bảo cho xe Đoàn 559 nhập tuyến và xe pháo, đặc chủng của các đơn vị vào chiến trường là 3.520 xe các loại, quy thành khối lượng khoảng 39.000 tấn.

Ông nhìn chúng tôi cười thành tiếng:

- Nếu các cậu lui cui chuyển tải thì đến đời thiên tổ nào cũng chẳng được thế...

Chúng tôi bật cười với lối nói so sánh mộc mạc khôi hài, nhưng rất quen thuộc của ông.

Tôi lấy tình đồng hương, nói thật lòng:

- Báo cáo với anh, những ngày đó như nước sôi lửa bỏng. Tôi không thông một chút nào mà không sao phát biểu ra được, cứ lẳng lặng mà làm, không nói ra là hơn hết...

Ông mỉm cười, rồi nói:

- Mình thông cảm với các cậu lúc đó... cách giải quyết thế là đúng. Vẫn chấp hành chỉ thị của cấp trên trực tiếp; vừa chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng đòi hỏi tình thế mới, mệnh lệnh mới. Trong một tổ chức, điều tai hại nhất là sự lỏng lẻo về kỷ luật.

Đột nhiên, ông chuyển hướng câu chuyện, nhìn qua Chính ủy Nguyễn Việt Phương và nói:

- Đồng chí có điện của Tổng cục Hậu cần (qua Đoàn 559), điều vào làm Cục phó Cục vận chuyển Đoàn 559 đấy. Ý kiến đồng chí thế nào?

- Báo cáo, ở đây không có chỗ muốn cho cá nhân, tùy tổ chức quyết định, chỉ có yêu cầu nhỏ: cho về thăm vợ con mấy ngày, trước lúc đến công tác nơi ác liệt không kém tuyến vượt khẩu.

- Rất tốt, cậu về thăm chị và các cháu đi.

Ông quay sang tôi nói giọng hể hả:

- Binh trạm trưởng bố trí xe con cho chính ủy về thăm nhà rồi đưa luôn vào đoàn chu đáo nhé.

Tôi hơi ngập ngừng hỏi lại:

- Chúng tôi làm việc rất ăn ý...

Ông Nguyên nói:

- Tôi biết, chính vì sự thống nhất chặt chẽ mà binh trạm các đồng chí giành thắng lợi. Nhưng yêu cầu của sự vật là phải phát triển, đồng chí muốn dừng lại à? Đồng chí Bùi Thế Tâm nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn Bộ Tư lệnh 500 sẽ về làm Chính ủy Binh trạm 14 thay đồng chí Việt Phương. Như vậy được chứ?

Tôi với anh Việt Phương đưa mắt nhìn nhau. Hai người cùng không nói gì thêm nữa. Việc gì chẳng có cái "độ" của nó, kể cả thực hiện quyền dân chủ ngôn luận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 05:46:39 pm »


10

Đầu mùa khô năm nào cũng vậy, tuyến vận tải vượt khẩu đường 20 gặp khó khăn gần như bất khả kháng.

Bởi lẽ, đường từ Đông sang Tây Trường Sơn lắm dốc, nhiều cua, suối sông chia cắt.

Tháng mười, mười một, mười hai là cuối mùa mưa đầu mùa khô tỉnh Khăm Muộn, giữa mùa mưa Quảng Bình, nước mưa là kẻ thù của đường vận tải quân sự làm gấp...

Biết địch sẽ đánh phá ác liệt cửa khẩu đầu mùa khô, nhưng khó biết nó ngăn chặn ở đoạn nào?... Thủ đoạn, vũ khí gì?...

Đầu mùa khô năm 1968-1969, chứng tôi bị bất ngờ: địch chọn cua chữ A - ngầm Ta Lê - đèo Phu La Nhích đường 20, mười cây số địa hình hiểm yếu nhất trong 125km đường 20. Tập trung lực lượng đánh phá với cường độ lớn hơn hai lần mùa khô trước, vào lúc trời còn mưa, ngầm Ta Lê còn cao, lưu tốc lớn.

Hai bộ tư lệnh đã ném vào đây bốn trung đoàn vận tải, cao xạ, bộ binh... ngoài ra còn có tên lửa và không quân chi viện. Phải mất bốn mươi ngày mới triển khai xong thế trận, giải tỏa liên hoàn trọng điểm ATP.

Đến giữa mùa khô Trường Sơn, mỗi ngày đêm có mười bốn tiếng sương mù, mười tiếng nắng, bốn tháng không có giọt mưa rơi, đường bụi mù, nước sông khô cạn, bướm bay lèn đá, trời đất trở lại ủng hộ chúng tôi.

Tiểu đoàn xe 781 Binh trạm 14 cõng hàng từ U Bò đi Lùm Bùm; Tiểu đoàn xe 52 và 102 Binh trạm 32 về ăn hàng phân trạm C chạy vào đường 9 - Nam Lào. Đoạn đường kín tranh thủ chạy ngày, đoạn trống, qua trọng điểm chạy đêm và lấn sáng, lấn chiều (chạy trước sương mù)... Dồn dập tin về: phá kỷ lục vượt cung tăng chuyến...

Công binh, thanh niên xung phong cất cao tiếng hát, mở rộng, nâng cấp là nhẵn mặt đường, nâng bánh xe lăn. Địch đánh ngày coi như không đánh, đánh đêm chỉ tắc theo giờ không thể tắc cả đêm.

Các trạm chỉ huy giao thông với khẩu hiệu hành động: "Tắc đường không để tắc xe".

Đường, ngầm 20A tắc thì cho chạy đường, ngầm 20B, 20C; đường ngầm 20B tắc, bẻ ghi chạy vào 20C..., lách qua, vòng lại, nhanh như sóc.

Các bộ phận kho thi đua bốc xếp phá kỷ lục 12 tấn/người/đêm của nữ chiến sĩ Phạm Thị Kiều, giải phóng xe nhanh (một tiểu đoàn xe không quá một tiếng đồng hồ).

Chiến sĩ cao xạ Trung đoàn 224... ngày đêm trên mâm pháo "Nhằm thẳng quân thù mà bắn"..., bắn nữa đi anh, như pháo hoa nở rộ trên đỉnh Trường Sơn, chào mừng xe vận tải vượt cung, tăng chuyến.

Địch đã biết thất bại ngăn chặn cửa khẩu chữ A - Ta Lê - Phu La Nhích. Máy bay hai thân lại lồng lộn, dòm ngó vùng thung lũng xanh San Cô, lần theo vệt lá khô chạy dài trên rừng xanh để tìm con đường vòng qua cửa khẩu, theo tín hiệu máy bay OV10 chỉ điểm, những chiếc cường kích đến ném bom phát quang, bom cháy... con đường 20C lộ ra từng đoạn, từ Km 74 đường 20A qua vùng kho phân trạm C, đi về phía hạ lưu ngầm 20A Ta Lê, rồi cuối cùng chúng cũng tìm ra được ngầm 20C. B.52 và cường kích ném bom bừa bãi vào kho hàng, đường và ngầm 20C; chỉ huy sở binh trạm, chỉ huy sở Trung đoàn 224 cũng dính bom...

Biết trước việc này sẽ xảy ra sớm hoặc muộn, sau khi thông đường 20C, Tiểu đoàn 335 ở lại bảo đảm giao thông; còn Tiểu đoàn 336 đi mở đường và ngầm 20Đ, ở hạ lưu 20C.

Tháng 2 năm 1969, chúng đánh đường, ngầm 20C tắc, xe vận tải chạy qua đường ngầm 20Đ.

Đến lúc này, cửa khẩu đường 20 như rắn có 4 đầu: A-B-C-D, chúng không sao đánh nổi.

Hơn thế nữa, toàn tuyến 559 xe đã chạy trăm ngả, nghìn nơi: từ Tây Trường Sơn về Đông Trường Sơn, A Sầu, A Lưới, Thừa Thiên, Bến Giàng; Quảng Nam, Kon Tum, B3, Quân khu 5, miền Đông Nam Bộ; vào các chiến trường Hạ Lào, đông bắc Cam-pu-chia... hàng trăm con đường, hàng nghìn cây số, nhấp nhô lúc tỏ lúc mờ, báo hiệu những đòn sấm sét sắp giáng xuống đầu Mỹ-ngụy...

Theo vết bánh xe lăn của Đoàn 559, buộc chúng phải bám theo săn đuổi, ngăn chặn.

Mật độ đánh cửa khẩu giảm dần và tăng dần vào phía Nam. Chúng không thể đánh hết "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm".

Đoàn 500 và Đoàn 559 hoàn thành vượt mức kế hoạch vận tải mùa khô 1968-1969 sớm.

Đoàn 500 giải thể. Các binh trạm 12, 14 nằm trên tuyến các trục vượt khẩu từ Đông sang Tây Trường Sơn đều sáp nhập vào Đoàn 559. Tin truyền đi rất nhanh. Cán bộ đã có nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu - vận chuyển trên tuyến đều hoan nghênh, coi đó là một quyết định sửa sai thành đúng để chiến thắng sự ngăn chặn của địch trên đoạn yết hầu tuyến vận tải chiến lược. Vì ở vùng tiếp giáp tuyến phía sau với tuyến phía trước, nơi địch đánh phá ác liệt, địa hình hiểm yếu, thời tiết khắc nghiệt, thường nảy sinh tình huống phải xử lý quyết đoán thật nhanh chóng, thích hợp, không thể chần chừ, bàn bạc thường không thống nhất giữa hai tuyến.

Tư lệnh Đoàn 559 là người rất năng động về mặt tổ chức cán bộ. Khi nhận các binh trạm, ông không quan tâm nhiều đến nội dung có thứ gì? Bao nhiêu? Mà chủ yếu tìm hiểu về tổ chức - cán bộ, tạo sự thống nhất nhận thức và tác phong hành động là ưu tiên hàng đầu...

Trừ bộ phận ở lại trên tuyến làm nhiệm vụ mùa mưa, còn lại xe, pháo, cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 14 chúng tôi theo Đoàn 559 ra Nga Sơn (Thanh Hóa) dự tổng kết, tập huấn, chấn chỉnh tổ chức biên chế, bổ sung quân số, vũ khí, xe cộ, trang bị phương tiện... chuẩn bị cho mùa khô vận chuyển 1969-1970 sắp đến!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 08:23:38 am »


LẬT CÁNH SANG ĐÔNG TRƯỜNG SƠN1

Đại tá PHAN HỮU ĐẠI
Chính ủy Sư đoàn ô tô 571
Phó chính ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470

Tháng 9 năm 1970, tôi được bổ nhiệm làm Phó chính ủy Bộ Tư lệnh 470. Đang chuẩn bị lên đường về đơn vị mới thì được lệnh dừng lại, lên Bộ Tư lệnh 559 nhận nhiệm vụ khác.

Khi gặp Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, anh Nguyên nói với tôi rằng tình hình vận chuyển cơ giới ở khu vực của Bộ Tư lệnh 470 quy mô không lớn. Trong đó đã có Tư lệnh trưởng Nguyễn An, Tư lệnh phó Hoàng Anh Vũ, Chính ủy Bùi Đức Tạm, Phó chính ủy Vũ Quang Bình. Các binh trạm phía ngoài địch đánh phá rất ác liệt, nhất là các binh trạm cửa khẩu ở Tây Trường Sơn, địch vẫn dùng chiến thuật "thắt cổ họng"... Chiến trường đòi hỏi khối lượng rất lớn và cấp bách. Vấn đề đặt ra lúc này là phải phân tán, dàn mỏng sự đánh phá của địch và rút ngắn cự ly đẩy hàng tới chiến trường. Vì vậy sau khi được Quân ủy Trung ương nhất trí, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định mở thêm một cửa khẩu ở phía Đông Trường Sơn và chuyển tuyến gùi thồ hướng đó thành tuyến vận chuyển cơ giới từ Chà Lì thọc xuống Bản Đông, nối với đường từ Bản Đông qua Dốc Thơm vào Mường Noòng, La Hạp. Tuyến này được mở sẽ tăng hiệu quả vận chuyển và tiết kiệm lực lượng với cấp số nhân so với hướng Tây Trường Sơn. Đây là một quyết tâm táo bạo và có ý nghĩa to lớn. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh đã quyết định điều đồng chí về làm Cục phó Cục Chính trị, nhưng trước mắt giúp Bộ Tư lệnh nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện quyết tâm này.

Các anh cũng thông báo cho tôi biết hiện ở Chà Lì đã có một binh trạm làm nhiệm vụ vận chuyển đường sông mà chủ yếu là thả hàng xuống sông cho trôi theo dòng nước chảy từ Chà Lì vào Thà Khống. Ở đó đã có ban chỉ huy binh trạm do anh Đống làm binh trạm trưởng, anh Đễ làm chính ủy. Tôi thấy nhiệm vụ Bộ Tư lệnh giao cho vượt quá sức mình nhưng hứa quyết tâm thực hiện bằng sự nỗ lực cao nhất. Thực ra lúc này tôi có về làm việc tại cơ quan Cục Chính trị cũng chẳng cần thiết lắm vì ở đấy có khá nhiều cán bộ chủ trì: anh Lê Xy làm Cục trưởng, anh Linh Anh, anh Võ Sở, anh Trần Xuân Trường2 làm Cục phó. Tôi về lán nằm suy nghĩ về nhiệm vụ mới với sự lo lắng, vì tôi khá quen thuộc địa hình ở khu vực này hồi đi kiểm tra các đơn vị gùi thồ đầu năm 1966. Từ dốc Dân Chủ ở độ cao 1.000 mét đổ xuống Chà Lì theo đường chim bay chỉ khoảng 500 mét, nhưng đường đi uốn khúc kéo dài đến 1,5 kilômét. Một khu vực chỉ thấy núi cao trập trùng. Chà Lì vốn là một bản nhỏ nằm tựa vào một dải rừng núi trùng điệp kéo dài men sông Sê Băng Hiêng. Từ Chà Lì vào Bản Đông dài khoảng 70 kilômét. Rời khỏi Chà Lì băng qua một bãi cát trắng là phải vượt ngay sông Sê Băng Hiêng nước sâu và chảy xiết, lại gặp ngay dãy núi đá tai mèo dài hai kilômét, đi bộ phải mất nửa ngày, rồi tiếp tục đi men những dãy đồi kéo dài mấy chục kilômét đến bản Tà Ha, sau đó vượt qua cánh đồng Mường Trương đầy lau lách và nhỏ hẹp, tiếp đó lại phải vượt qua các điểm cao 500, 300 rồi mới đến được Cha Ki. Và từ Cha Ki đi Bản Đông dài khoảng ba kilômét là có bình độ thoai thoải mà thôi. Địa hình Đông Trường Sơn trống trải, rừng lưa thưa, ngắt ra từng nhóm. Từ năm 1965 ta mở rộng đường mòn này thành tuyến thồ xe đạp nên có thể dựa vào đó mà cải tạo thành tuyến đường ô tô. Ngặt nỗi nó lại nằm trong lãnh thổ chính quyền Sài Gòn kiểm soát và sát vị trí đóng quân của chúng như Khe Sanh, Động Toàn, Động Tri, vì vậy rất dễ bị bộ binh địch uy hiếp, và không quân địch đánh phá với cường độ cao.
_____________________________________
1. Trích hồi ký: Trường Sơn ngày ấy, Nxb Quân đội nhân dân - Hà Nội, 1994.
2. Đồng chí Trần Xuân Trường sau là Trung tướng, Giám đốc Học viện Chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 08:24:20 am »


Ngày hôm sau, tôi xin Bộ Tư lệnh mấy cán bộ rồi đi thẳng về Chà Lì, nơi đóng quân của binh trạm vận chuyển đường sông - Binh trạm 27. Đến đây, tôi thấy các đồng chí tổ chức một tiểu đoàn đường sông, bố trí theo từng cung dọc sông Sê Băng Hiêng, từ Chà Lì đến Thà Khống với độ dài 60 kilômét. Hàng ngày các bao gạo, muối, thực phẩm khô được bọc trong các túi nilông với khối lượng khoảng vài chục tấn được thả xuống sông.

Các bao nổi lềnh bềnh, lững lờ trôi. Trên mặt sông đâu đâu cũng thấy bao bì. Bao giạt vào bờ, dân bản rủ nhau ra lấy; bao mắc vào cành cây, đàn chuột nghiễm nhiên "mở tiệc liên hoan" thoải mái; bao chìm xuồng dòng sông do cành cây chọc thủng... Binh trạm 27 tuy có sốt ruột về những tổn thất trong thả trôi sông, nhưng dù sao mỗi đêm ở Thà Khống quân ta vớt được năm, mười tấn là phấn khởi rồi. Vì vậy, các đồng chí chỉ huy vẫn phải tạm bằng lòng với phương thức vận chuyển này và e ngại mở đường vận chuyển cơ giới, vì vấn đề quá hóc búa. Binh trạm có 10 xe vận tải chở gạo từ dốc Dân Chủ ra sông mà cũng thiếu chỗ đậu xe, huống chi tổ chức vận chuyển cơ giới cần tới hàng trăm xe thì lấy đâu làm bãi xe trú đậu... Tôi truyền đạt chủ trương mở đường và tổ chức vận chuyển cơ giới ở Đông Trường Sơn cho Thường vụ Đảng ủy Binh trạm 27, nhưng chỉ nhận được sự hưởng ứng dè dặt. Chỉ có anh Vận - Binh trạm phó tỏ thái độ tán thưởng. Vì vậy, sáng hôm sau tôi đề nghị anh hướng dẫn tôi đi thăm một số khu vực tại cửa khẩu. Địa hình thiên nhiên quả là phức tạp, nhưng với quan điểm cải tạo, tôi thấy ló ra những khả năng thực hiện được quyết tâm của trên. Tôi quay về sở chỉ huy cơ bản của binh trạm gọi điện báo cáo với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Anh Nguyên vừa cầm máy đã hỏi ngay:

- Anh Đại đã đi thị sát thực địa chưa?

- Báo cáo, mới nhìn khái quát.

- Anh đánh giá vấn đề như thế nào, nếu tổ chức vận chuyển cơ giới lớn?

- Báo cáo, vấn đề lớn nhất nhưng khó khăn nhất là tìm cho ra hoặc bằng cách nào đó tạo cho được các bãi đậu xe, chí ít cũng đủ đứng chân cho một tiểu đoàn. Tôi tin rằng sẽ có đáp số, nhưng phải đi trực tiếp vài hôm nữa. Vấn đề lớn thứ hai là phải kiến thiết khu vực vượt khẩu với thế trận tương đối vững chắc, vấn đề này có khó khăn nhưng chắc rồi cũng tìm được lối thoát. Vài hôm nữa xin báo cáo lại với Bộ Tư lệnh toàn bộ phương án.

- Quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh anh đã rõ. Nhưng thực hiện được quyết tâm là cả một chuỗi khó khăn. Lúc này đòi hỏi phải có sự táo bạo, quyết đoán và tập trung quyền quyết định mới làm được. Thường vụ và Bộ Tư lệnh đã quyết định giao cho anh là Cục phó Chính trị trực tiếp làm Binh trạm trưởng kiêm Chính ủy Binh trạm 27 để anh có đủ thẩm quyền quyết định mọi việc và sử dụng lực lượng của binh trạm. Anh Đống, Binh trạm trưởng, anh Đễ - Chính ủy sẽ làm phó cho anh.

Tôi hơi bất ngờ về quyết định này và chưa sẵn sàng chấp nhận nên có ý kiến:

- Đề nghị Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh cứ để tôi làm đặc phái viên vì thay đổi như vậy sợ không tiện.

- Bộ Tư lệnh đã cân nhắc kỹ, anh không ngại gì cả, vì anh là Cục phó Chính trị, là cấp trên của các anh ấy rồi. Anh đã nắm chắc quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh rồi, nên phải cầm cờ mà phất. Bộ Tư lệnh sẽ có quyết định chính thức đưa xuống.

Chúng tôi bỏ máy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM