Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:31:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung tướng Nguyễn Bình  (Đọc 20168 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 01:58:26 pm »


NHỚ VỀ ANH NGUYỄN BÌNH

        Đến Nam Bộ Trong lúc phong trào đang tan rã, tình trạng "Thập nhị sứ quân", nhiều cán bộ lãnh đạo, chỉ huy bỏ vị trí, thì Nguyễn Bình xuất hiện như một vị tướng của tình thế với cương vị là phái viên của Trung ương và Bác Hồ. Và với bản lĩnh riêng của mình Nguyễn Bình đã thề trong Hội nghị An Phú Xã rằng sẽ chết sống với nhân dân Nam Bộ; quyết không chạy. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì với khẩu súng mà nhân dân Thành phố Tô Hiệu (Hải Phòng) đã tặng mình, Anh sẽ tự xử. Lời thề đó có sức thuyết phục ghê gớm những người dự cuộc họp và lan truyền ra xa. Các đơn vị xin đổi thành GIẢI PHÓNG QUÂN ngay ngày hôm sau.

        Còn với nhân dân, trong tình hình đen tối hồi đó, Anh là người có công lớn, có thể như một vị cứu tinh. Các bà mẹ Nam Bộ gọi Anh bằng "Thằng Khu trưởng", "Thằng Trung tướng" coi Anh như là người thân, vừa kính trọng vừa thương yêu. Có thể nói Anh là vị Tướng của nhân dân, được dân thương, dân tin. Phong cách của Anh rất gần gũi dân.

        Ở Nam Bộ, uy danh của Anh lớn lắm, đặc biệt ở miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhân dân Nam Bộ vân luôn nhớ đến Anh; người ta vẫn nhắc đến Anh, làm giỗ Anh hằng năm với lòng tôn trọng đặc biệt. Cách đây khoảng sáu - bảy năm, Tướng Tô Ký đứng ra tổ chức đám giỗ cố Trung tướng Nguyễn Bình tại nhà anh Hai Nhã (Thiếu tướng Lương Văn Nho - Phó Tư lệnh Khu 7). Bạn cùng thời với Nguyễn Bình đến rất đông, chật cả hội trường, nhiều người phải đứng ở hàng hiên. Hôm đó, anh Tô Ký ra tận cổng đón từng người một. Gặp tôi, anh Tô Ký nói : Hôm nay chúng ta làm giỗ anh Ba Bình để đưa Anh vào quân sử. Mọi người đều đến trước bàn thờ bày biện trang trọng đốt hương viếng hương hồn cố Trung tướng Nguyễn Bình - Tư lệnh đầu tiên của Khu 7.

        Thành phần mời rộng rãi, nhiều người được tin làm giỗ anh Ba Bình, tuy không nhận được giấy mời cũng tự động đến. Phát biểu tại lễ giỗ hôm đó có anh Tô Ký khai mạc, anh Trần Văn Trà, bác sĩ Trần Nam Hưng, bác sĩ Võ Cương và tôi. Về phần mình, tôi có phân tích đại ý : Cái anh hùng của Nam Bộ gặp cái dũng cảm của Nguyễn Bình nên nó quyện vào nhau một cách tự nhiên ngay từ ngày đầu anh Bình vào Nam.

        Anh Trần Văn Trà nói đại ý : "Mỗi giai đoạn lịch sử có con người của nó. Thời kỳ đầu, thời kỳ "Thập nhị sứ quân" nếu không có Nguyễn Bình, khó có người làm nổi. Với tư cách là phái viên Trung ương và phái viên của Bác Hồ, cộng với bản lĩnh riêng của mình, Nguyễn Bình đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn đặt ra hồi đầu kháng chiến".

        Hai tháng trước khi đồng chí Nguyễn Văn Linh qua đời (độ tháng 2-1998) tôi có gặp để trao đổi với đồng chí ý kiến của tôi nghiên cứu về Sài Gòn những năm đầu chống Pháp (1946 - 1947). Tôi tổng quát lại là Sài Gòn trong những năm đó : "Nội thành thì lỏng lẻo, ngoại thành thì tự do. Căn cứ địa Sài Gòn là huyện Bình Chánh". Anh có ý kiến ngay : "Đúng, đúng quá. Anh nên viết lại, anh em bây giờ họ không hiểu được...".

        Viết về Sài Gòn 300 năm, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đã nêu : "Hộ 17 là lãnh địa của Cụ Hồ hồi đó".

        Kết thúc buổi làm việc, đồng chí dặn tôi : "Anh biết nhiều về anh Bình, anh nên viết về anh Bình, đừng để lịch sử bị xuyên tạc".

        Ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong cuộc gặp cuối cùng với tôi trước khi đồng chí qua đời là một lời khuyên trang trọng. Và theo yêu cầu của anh Nguyễn Thế Trường - cháu gọi anh Bình là chú ruột, tôi ghi lại những điều mà tôi đã biết về anh Bình như trên để đông đảo bạn đọc và con cháu anh Bình biết thêm về Anh những ngày Anh hoạt động ở Nam Bộ với tư cách là phái viên của Bác Hồ và Trung ương.

        Tôi cũng mong muốn góp một phần hiểu biết của tôi với những người có trách nhiệm viết sử về nhân vật lịch sử Nguyễn Bình những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Đại tá NGUYỄN XUÂN DIỆU       

        Nguyên Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn những năm 1946 - 1947, Chỉ huy trưởng các Ban công tác Thành - Tự vệ Thành và Ban Thông tin (Quân báo) Sài Gòn - Chợ Lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 01:59:42 pm »

         
ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH

        (Bài đăng trên báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 8-2-2000)

        Ngày 29 tháng 9 năm 1951 trên đường hành quân từ Nam Bộ về Trung ương, Trung tướng Nguyễn Bình, người chỉ huy thân yêu của các lực lượng vũ trang Khu 7 và Nam Bộ đã hy sinh tại một làng nhỏ bên bờ sông Srê Pốc thuộc tỉnh Stung Treng của đất nước Campuchia anh em. Trong một bài báo với nhan đề "Mấy suy nghĩ nhân 45 năm ngày hy sinh của Trung tướng Nguyễn Bình" của Phùng Đình Cung đăng trên báo Sài Gòn giải phóng, số ra ngày thứ bảy 28 tháng 9 năm 1996, có đoạn viết :

        "Sự hy sinh của Trung tướng Nguyễn Bình là một tổn thất lớn đối với Đảng, Quân đội và nhân dân ta nói chung, với lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn - Gia Định, nhân dân Nam Bộ nói riêng1 và là nỗi đau thương lớn đối với gia đình, đồng chí, đồng đội. Đồng chí Nguyễn Bình vĩnh biệt chúng ta nhưng tên tuổi và sự cống hiến vì sự nghiệp cách mạng và nền độc lập của đất nước của đồng chí vẫn sống mãi trong lòng chúng ta... Bốn mươi lăm năm trôi qua, việc tìm kiếm hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình chưa thực hiện được. Cán bộ, chiến sĩ trong đoàn bảo vệ đồng chí trên đường hành quân là những nhân chứng sống đối với trường hợp địa điểm, và ngày giờ vị tướng của mình hy sinh, hiện còn sống ở Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Sĩ - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố. Nếu có sự tổ chức của Bộ Quốc phòng với biện pháp tích cực nhất, chúng ta hy vọng có thể thực hiện trọn nghĩa vẹn tình đối với người đã khuất...".

        Sau bốn năm, đến nay tình hình và điều kiện cho phép, việc tổ chức đoàn công tác đặc biệt đi tìm hài cốt cố Trung tướng Nguyễn Bình được tiến hành, khẩn trương thực hiện theo Quyết định số 53/QĐ-QP đề ngày 21  tháng 1 năm 2000 của Bộ Quốc phòng ta. Qua con đường đối ngoại, được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh quân đội Vương quốc Campuchia thỏa thuận, chấp nhận và tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho đoàn công tác đặc biệt của ta vào Vương quốc Campuchia để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng đối với người liệt sĩ, theo đúng thủ tục, nguyên tắc quan hệ giữa hai nước.

        Đoàn công tác đặc biệt gồm 14 ngươi do đại tá Đỗ Minh Nguyệt làm trưởng đoàn, thượng tá Hồ Ngọc Vận, cán bộ của Cục Chính sách làm trợ lý và 8 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị không quân và Phòng Chính sách Quân khu 7. Giúp cho đoàn còn có 3 cán bộ đã nghỉ hưu nhưng rất nhiệt tình đó là đại tá Trần Bá Hào - nguyên Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu, người đã từng chiến đấu bên cạnh Trung tướng Nguyễn Bình, có công đi tìm gặp nhân chứng, thu thập cứ liệu từ nhiều nguồn tin cậy, tác nghiệp lên bản đồ để xác định phạm vi và địa bàn đoàn sẽ triển khai việc tìm kiếm. Đồng chí Lư Ngọc Quế - cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam tại đông bắc Campuchia, đã từng có lần tiếp cận với ngôi mộ cách đây 49 năm về trước. Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (Ba Cung), người tháng 9 năm 1951 nhận nhiệm vụ cấp trên giao từ căn cứ Ban cán sự đông bắc Campuchia đi đón đoàn của cố Trung tướng Nguyễn Bình từ Nam Bộ ra để về Trung ương, tuy không gặp được nhưng đã nghe và hiểu tường tận sự việc dẫn đến sự hy sinh của vị Trung tướng mình hằng mến mộ, và biết tiếng nói, phong tục giúp đoàn trong việc tiếp xúc với địa phương và người cuối cùng là ông Nguyễn Thế Trường - cháu ruột của Trung tướng Nguyễn Bình.

        Lúc 17 giờ 30 ngày 24 tháng 2 năm 2000, đoàn công tác đặc biệt đến sân bay Pô Chen Tông, Vương quốc Campuchia theo giấy phép số 036LD.GOF8/00. Ở đây đoàn được ngài Thiếu tướng Mắt Chia La - Phó Tham mưu trưởng Lục quân Hoàng gia Campuchia đón tiếp nồng hậu. Ngài Thiếu tướng cho biết vì lòng mến mộ cố Trung tướng Nguyễn Bình, vị chỉ huy tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia đã cử ngài trực tiếp cùng đi với đoàn suốt cuộc tìm kiếm đặc biệt này và đã ra lệnh cho Quân khu 1 hết lòng giúp đỡ đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Một nghĩa cử tốt đẹp đầy cảm động của Quân đội Hoàng gia dành cho đoàn ngay từ giờ phút đầu tiên bước chân đến đất nước Chùa Tháp đã động viên đoàn rất nhiều.

-------------------------
        1. Trung tướng Nguyễn Bình là Tư lệnh đầu tiên của Quân khu 7 và Tư lệnh đầu tiên của lực lượng vũ trang Nam Bộ từ tháng 10 năm 1948.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 02:05:04 pm »


        Lúc 10 giờ 30 ngày 25 tháng 2 năm 2000 tại sân bay Stung Treng, Thiếu tướng Khăm Chanh - Phó Tư lệnh Quân khu 1 trực tiếp đón đoàn. Qua câu chuyện trao đổi trên đường từ sân bay về Sở chỉ huy Quân khu, ngài Thiếu tướng cho đoàn biết là phạm vi địa bàn đoàn chấm tọa độ sẽ tìm mộ đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình hiện nay thuộc xã Srê Pốc, huyện Sê San cách Stung Treng khoảng 60km đường chim bay. Từ Stung Treng đến đó đi đường thủy bằng ca nô hoặc đi đường bộ bằng xe hơi đều được. Nhưng đường thủy mùa khô phải qua nhiều lèn đá khó khăn, đường bộ dễ đi hơn nhưng đường xấu, nhiều ổ gà, ổ voi, thậm chí có chỗ còn lầy khá vất vả. Ở đó có 3 phum (thôn) : Kpal Rô Mia (tức là thôn đầu con tê giác), thôn Pré Phơ Ết (tức thôn Phật dựa) và thôn Rom Pé thường gọi là thôn Lếch (tức thôn phía Tây), nhân dân hầu hết là người Mơ Nông, có vài gia đình người Khơ Me gốc Lào. Trong những năm Pôn Pốt cầm quyền, nhân dân ở đây đấu tranh quyết liệt nên chúng không lùa đi nơi khác được, chúng chỉ gom ba thôn lại làm một. Đến nay Kpal Rô Mia vẫn là trung tâm của xã, nhưng rải rác một số gia đình lần lượt trở về thôn làng cũ. Xã Srê Pốc là chỗ dựa của Tiểu đoàn 421, Trung đoàn 42 Quân đội Hoàng gia trực thuộc quân khu, ta có thể dựa vào dân làng để hoàn thành nhiệm vụ. Được nghe ý kiến của ngài Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân khu 1, cả đoàn đều vui mừng và cảm thấy dường như ánh sáng đã lấp lánh phía sau con đường hầm của cuộc tìm kiếm. Dựa vào dân nhất định tìm được, lòng tin ấy được khẳng định trong mỗi thành viên của đoàn.

        Ở Quân khu 1, đoàn được Trung tướng Thao Cung - Tư lệnh Quân khu cùng các cơ quan đón tiếp, chăm sóc rất nhiệt tình. Từ chỗ ăn ở, phương tiện đi lại rất chu đáo như những người thân trong gia đình. Buổi làm việc đầu tiên tại Sở chỉ huy Quân khu đó Trung tướng Tư lệnh chủ trì, có ngài Thiếu tướng Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Lục quân Hoàng gia, ngài Thiếu tướng Phó Tư lệnh và các vị đại tá chủ chốt các cơ quan xung quanh Quân khu, ngài Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 cùng tham dự. Sau khi nghe ý kiến của đoàn đề nghị và thảo luận qua lại. Trung tướng Tư lệnh Thao Cung kết luận :

        - Cố Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh đến nay đã 49 năm cô đơn giữa núi rừng. Quân khu 1 sẽ không từ một khó khăn nào để giúp đỡ đoàn tìm kiếm và đón cố Trung tướng trở về với Tổ quốc, với gia đình. Nhưng 49 năm là một thời gian dài, ngót nửa thế kỷ trôi qua, địa hình biết bao thay đổi. Tọa độ bản đồ giúp ta cái hướng, nhưng rừng núi mênh mông ta khó độc lập tìm kiếm được. Do đó Quân khu rất đồng ý kế hoạch "một chậm" của đoàn Việt Nam, ta phải dựa vào dân địa phương, tìm cho được các vị bô lão tại chỗ, chúng ta có nhiều hy vọng thành công.

        Vị Trung tướng 46 tuổi nói với lòng đầy tin tưởng và vẻ mặt mãn nguyện. Thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu, ngài phân công Thiếu tướng Phó Tư lệnh Khăm Chanh chịu trách nhiệm tổ chức và cùng đi giúp đoàn Việt Nam cho đến lúc hoàn thành nhiệm vụ. Lệnh cho các cơ quan xung quanh Quân khu tùy theo chức năng bảo đảm mọi mặt cho đoàn Việt Nam, từ dụng cụ nhà bếp, bát đũa, võng mùng cho đến lương thực, thực phẩm xe cộ phục vụ đủ chuyến hành quân dã chiến của đoàn. Lệnh cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42, Tiểu đoàn 421 bảo đảm tuyệt đối an toàn và giúp đoàn mời các vị bô lão trong vùng đóng quân ngay trong buổi chiều hôm sau khi đoàn đến Srê Pốc.

        Đồng chí Đại tá Trưởng đoàn thay mặt đoàn cảm ơn sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của Quân khu 1 và tỏ lòng tin tưởng thành công ở chuyến đi đặc biệt này. Bất ngờ, ngài Thiếu tướng Phó Tham mưu trưởng Lục quân Hoàng gia đứng dậy, chắp hai tay giơ lên trời nói với đoàn Việt Nam : "Tối nay, tôi sẽ vái thần Tê Vê Đa của đất nước Campuchia phù hộ cho đoàn Việt Nam tìm thấy mộ của ngài Trung tướng Nguyễn Bình, tôi tin nhất định thắng lợi !". Lòng tin của các vị tướng lĩnh Campuchia tăng thêm lòng tin tưởng của đoàn chúng ta. Nhưng cái đêm 25 tháng 2 năm 2000 ấy quả là một đêm khó ngủ, ai nấy đều rạo rực, bồn chồn như thời chiến đấu sắp vào trận đánh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 08:18:06 pm »


        Sáng ngày 26 tháng 2 năm 2000, mọi việc chuẩn bị đã chu tất. Hai xe vận tải đưa đoàn, cả Việt Nam, Campuchia từ Sở chỉ huy Quân khu 1 vượt đoạn đường gần 3 tiếng đồng hồ đến sở chỉ huy dã chiến của Tiểu đoàn 421 tại bắc đầu cầu Srê Pốc. Xe vừa dừng bánh, Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân khu Khăm Chanh giao nhiệm vụ cho vị đại úy Tiểu đoàn trưởng 421 cấp tốc đến làng Kpal Rô Mia, mời chủ tịch xã, chủ tịch thôn và các vị bô lão đến họp mặt tại sở chỉ huy dã chiến của tiểu đoàn. Xe đi rồi, cả bạn và ta ai nấy đều nóng lòng chờ đợi. Đoạn đường từ đây đến làng Kpal Rô Mia chỉ 13 km mà xe đi đã ngót 5 tiếng đồng hồ chưa thấy về. Thiếu tướng Phó Tham mưu trưởng Lục quân nói : "Mình trông họ như trẻ trông mẹ về chợ", không riêng gì Thiếu tướng mà tâm trạng tất cả mọi người đều vậy cả. Rồi việc phải đến đã đến. Có tiếng xe hơi từ đầu cầu chạy về đậu trước Chỉ huy sở Tiểu đoàn 421. Từ trên xe vị tiểu đoàn trưởng chạy ùa xuống, vẻ mặt hớn hở, vừa chạy vừa la : "OK ! Tốt lắm, đã gặp được người mà vừa khiêng, vừa chôn Trung tướng!". Cả đoàn ồ lên và nhảy cẫng sung sướng vô ngần. Ông Nguyễn Thế Trường cháu ruột đồng chí Nguyễn Bình không cầm được nước mắt.

        Lúc bấy giờ, người Tiểu đoàn trưởng như sực nhớ ra, chạy đến chiếc xe dắt hai vị bô lão vào gặp hai vị Thiếu tướng và đoàn Việt Nam. Một vị bô lão, mái tóc quăn đã ngả màu bàng bạc và hai vành tai căng rộng của người Mơ Nông, chắp hai tay chào các vị khách và tự giới thiệu :

        - Tôi tên là Nhoi Sarô, chủ tịch làng Kpal Rô Mia, còn người này là Rom Chưm, phó chủ tịch thứ 3 của xã Srê Pốc, nhưng cũng là người cùng làng.

        Qua sự gợi ý của đoàn, ông già lần lượt kể câu chuyện dài của 49 năm về trước, cái năm Trung tướng Nguyễn Bình đến đầu làng, ông mới vừa 24 tuổi và là đội trưởng dân quân. Ông bảo: "Bộ đội Việt Nam đến ở trong làng tôi hai đêm. Không biết người chỉ huy tên gì, cấp gì, theo thói quen đồng bào chúng tôi gọi là. "Lục Thum" (tức Ông Lớn). Tôi cho "Lục" biết ở đây bọn "Commando" gác cầu thỉnh thoảng vào làng bắt heo, gà, "Lục" ở phải đề phòng. Không ngờ tai họa đến với "Lục", bất thình lình bọn chúng đến làng, phát hiện "Lục" ở ngoài chòi ruộng, chúng đã nổ súng và "Lục" đã bị đạn hy sinh. Hôm đó tôi đưa đường cho ông Vàng và 15 bộ đội Việt Nam đi liên lạc ở làng Sray Cô, đón anh em Việt Nam ở sông Sê Kông đến, khi trở về thì sự việc đã xảy ra, tôi vô cùng đau đớn, tiếc thương "Lục". Lập tức tôi, Rom Chưm và một người làng nữa cùng với bộ đội Việt Nam khiêng vác "Lục" đi khoảng 6km, dùng thuyền độc mộc vượt sang bờ nam Srê Pốc. Tội nghiệp "Lục Thum" người cao to như Tây, hỏng con mắt trái, có 3 - 4 cái răng vàng, đã chết lúc còn trẻ lắm. Để chôn cất tôi phải đốt đuốc bằng tre nứa để soi sáng cho bộ đội Việt Nam đào hố thật rộng, sâu đến ngực, khi chôn xong thì trời đã một giờ sáng. Lúc đó còn mùa mưa, nước sông dâng cao, nghe bộ đội Việt Nam nói là tháng 9 của năm 1951. Sau đó bộ đội Việt Nam rút về phía nam. Chừng ba ngày, ông Vàng cùng anh em trở lại đắp nấm mộ thật cao; không biết đã lấy xác đi chưa? Nếu chưa thì xác còn đấy. Ngôi mộ nằm gần con đường lên xuống bến, nên hàng ngày bà con đi qua, đi lại thấy ngôi mộ vẫn còn nguyên, năm nào đồng bào cũng phát dọn cây cối xung quanh không cho chúng mọc lấp thành rừng".

        Ông cụ nói một thôi dài, mọi việc đều sáng tỏ. Cả bầu trời, cây cối, sông núi như cùng vui với đoàn. Thiếu tướng Phó Tư lệnh điện báo về đại bản doanh Quân khu 1 là theo kế hoạch đã đạt yêu cầu 80 phần trăm. Cả Sở chỉ huy và Trung tướng Tư lệnh Quân khu reo mừng.

        Đêm 26 tháng 2 năm 2000, hai vị bô lão cùng ăn và ngủ lại với đoàn. Trừ hai ông lão, các thành viên trong đoàn không ai chợp mắt được. Không phải vì ở ngoài trời dã chiến, gió núi từng cơn ào ào thổi và sương rừng khuya giá lạnh mà vì quá vui, công việc tìm kiếm sắp hoàn thành. Cả đoàn không ngờ rằng kết quả quá tốt đẹp như vậy, càng thấm thía "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Nếu không có dân, ba ngày luồn rừng mà tìm thấy được mộ theo tọa độ bản đồ thì... không ai dám nghĩ kết quả sẽ ra sao?

        Sáng 27 tháng 2 năm 2000, đoàn đi ngang qua làng Kpal Rô Mia, nhân dân chạy ùa ra đón như đón người thân. Ai cũng bảo "Tìm cái mộ ông "Lục" đó dễ lắm!".

        Ngôi mộ của Trung tướng Nguyễn Bình tọa lạc trên mảnh đất cách nam bờ sông Srê Pốc chừng 70 - 80 mét. Nấm mồ hãy còn cao, đúng như lời ông cụ nói, xung quanh mộ không có cây cối nào xâm lấn, chỉ lơ thơ vài cây nhỏ độ ngón tay.

        Khi đào sâu cách mặt đất độ hơn một mét thì hài cốt đồng chí Trung tướng bộc lộ. Mặc dù đã 49 năm qua nhưng hài cốt vẫn còn nguyên vẹn, kể cả con mắt giả phía bên trái và bốn chiếc răng vàng. Tay nâng hài cốt đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình, các thành viên trong đoàn công tác đặc biệt xúc động, vui mừng cực độ, nhiệm vụ đã hoàn thành trước thời gian hạn định. Đoàn đã rước hài cốt đồng chí Nguyễn Bình về đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 15 giờ 30 ngày 29 tháng 2 năm 2000 trước sự đón tiếp trang nghiêm của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, có thể nói là sự thành công tuyệt vời.

        Thắng lợi này trước hết là nhờ có sự quan tâm của Bộ Quốc phòng hai nước, sự giúp đỡ tận tình của Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Lục quân, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Quân đội Hoàng gia Campuchia và đặc biệt nhân dân phum Kpal Rô Mia đã chôn cất và giữ gìn ngôi mộ suốt 49 năm trời. Nhờ đó,Trung tướng Nguyễn Bình đã về với Tổ quốc, với gia đình và ấm tình đồng đội. Và qua chuyến đi tìm hài cốt Trung tướng liệt sĩ Nguyễn Bình đã góp phần vun đắp thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, hai quân đội Việt Nam - Campuchia.

TP. Hồ Chí Minh ngày 29-2-2000                           
Thiếu tướng PHÙNG ĐÌNH ẤM                             
(Thành viên của đoàn công tác tìm hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 08:20:41 pm »


LỜI ĐIẾU TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH

        (Thượng tướng Phạm Văn Trà - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đọc tại lễ truy điệu Trung tướng Nguyễn Bình ngày 11-3-2000)

        Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng - Nhà nước - Quân đội !

        Thưa toàn thể các đồng chí, các bạn và gia đình đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình!

        Hôm nay trong bầu không khí trang nghiêm, trọng thể, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cùng gia đình tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ Trung tướng Nguyễn Bình, người chiến sĩ cách mạng ưu tú, vị tướng tài ba của Quân đội.

        Thưa các đồng chí và các bạn !

        Thưa gia đình đồng chí Nguyễn Bình!

        Đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình, tức Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 1908 tại xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm) huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, nguyên Chỉ huy Chiến khu Đông Triều, nguyên Khu trưởng Khu 7, Tư lệnh Nam Bộ, Ủy viên Xứ Quân ủy, Ủy viên Quân sự trong Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ.

        Sống dưới ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, từ năm 16 tuổi, người thanh niên Nguyễn Phương Thảo đã tham gia các phong trào cách mạng, cứu nước. Năm 1925, đấu tranh bãi khóa ở Trường kỹ nghệ Hải Phòng. Năm 1926, lãnh đạo học sinh làm lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh để phản đối chế độ thực dân Pháp tại Dư Hàng Kênh - Hải Phòng. Năm 1927, bị bọn thực dân truy lùng đồng chí đã trốn vào Sài Gòn. Năm 1928, vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Phương Thảo gia nhập Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, khi Quốc dân đảng còn là một Đảng tiến bộ hoạt động chống Pháp xâm lược. Năm 1929, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Trong lao tù đế quốc, được những người Cộng sản giác ngộ, đồng chí đã kiên quyết từ bỏ đường lối Quốc dân đảng. Chính sự kiện này - sự thay đổi về quan điểm tư tưởng, lập trường chính trị - đồng chí đã bị những người tù Quốc dân đảng trả thù móc mất một con mắt. Mặc dù chưa là đảng viên nhưng đồng chí luôn đấu tranh kiên cường, bất khuất chống mọi sự đàn áp dã man của nhà tù, tự nguyện đi theo đường lối của Đảng Cộng sản. Năm 1935 ra tù, đồng chí hoạt động trong Phong trào Bình dân và bị bắt ở Thái Nguyên. Năm 1938, hoạt động ở Hưng Yên, đồng chí lại bị địch bắt. Năm 1942 ra tù, được đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) phái lên Lai Châu hoạt động sưu tầm nhiên liệu để chế lựu đạn. Từ năm 1943, đồng chí được Trung ương giao phụ trách binh vận và mua sắm vũ khí cho cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng.

        Trong điều kiện chồng chất khó khăn, từ những ngày đầu khởi nghĩa vũ trang, đồng chí Nguyễn Bình với trí thông minh và lòng quả cảm đã chủ động trực tiếp chỉ huy chiến dấu lập công xuất sắc : Tháng 3 năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí đã chỉ huy đánh chiếm đồn Bần Yên Nhân ngay trên đường số 5, thuộc tỉnh Hưng Yên. Tháng 5 năm 1945, đồng chí đã binh vận thành công, lấy được trọng liên trên tàu chiến địch ở Thượng Lý - Hải Phòng. Tháng 6 năm 1945, trong cuộc khởi nghĩa vũ trang thành lập Đệ tứ chiến khu, đồng chí đã chỉ huy hạ đồn Đông Triều, diệt đồn Bí Chợ, đánh chiếm Uông Bí. Tháng 7 năm 1945, đồng chí đã tổ chức tiến công giải phóng thị xã Quảng Yên, là tỉnh lỵ duy nhất ở miền Bắc được giải phóng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ Chiến khu Đông Triều, đồng chí đã chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng phối hợp với nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức giành chính quyền ở thành phố Hải Phòng, Kiến An và Hải Dương. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được Trung ương giao làm Khu trưởng Khu Duyên hải Bắc Bộ (nay thuộc Quân khu 3). Đồng chí đã có công lao to lớn trong việc bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ ở vùng duyên hải Bắc Bộ.

        Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, gây hấn Ở Nam Bộ, tình hình ở Nam Bộ hết sức phức tạp. Trước một tình thế bất lợi, một bên là quân xâm lược thiện chiến được trang bị vũ khí đầy đủ, một bên là các lực lượng kháng chiến còn trứng nước lại bị xé nhỏ, phân tán, tháng 10 năm 1945, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp động viên, giao nhiệm vụ vào Nam Bộ, ban đầu với trọng trách là phái viên của Trung ương, của Cụ Hồ và sau đó giữ chức Khu trưởng Khu 7. Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1946. Năm 1947, đồng chí là Ủy viên Quân khu ủy Quân khu 7. Năm 1948 được Trung ương bổ nhiệm làm Tư lệnh Nam Bộ. Đồng chí là Ủy viên Xứ Quân ủy. Tháng 1 năm 1948 đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm cấp Trung tướng. Đồng chí là một trong những tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 08:21:12 pm »


        Trên cương vị Khu trưởng Khu 7 rồi Tư lệnh Nam Bộ, với uy tín và tài trí của mình, đồng chí đã cùng Khu ủy và Xứ ủy Nam Bộ có những quyết định đúng đắn, giải quyết được những vấn để rất cơ bản. Ngày 22 tháng 11 năm 1945, đồng chí đã triệu tập Hội nghị Quân sự Nam Bộ tại An Phú Xã nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với chủ trương tập trung xây dựng lực lượng chủ lực làm nòng cốt, đồng chí đã chú trọng lãnh đạo, phát động chiến tranh du kích ở Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Nam Bộ. Sau khi Sài Gòn bị địch chiếm đóng, một mặt vừa chỉ đạo tác chiến đánh địch ở vòng ngoài, mặt khác đồng chí đã chỉ đạo đưa chiến tranh du kích vào lòng địch. Các Ban công tác Thành được thành lập và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Nhiều lần đồng chí đã dũng cảm táo bạo một mình vào tận hang ổ sào huyệt địch để thị sát nắm địch, chỉ đạo tác chiến. Đồng chí là một trong những cán bộ có công lao to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu của quân, dân miền Đông Nam Bộ và Nam Bộ từ những ngày đầu tiên đầy gian nan, thử thách. Đồng chí đã có những đóng góp lớn vào việc chỉnh đốn xây dựng chính quyền và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất Nam Bộ.

        Năm 1951, trên đường ra Bắc báo cáo Trung ương, đồng chí đã bị địch phục kích và đã hy sinh ngày 29 tháng 9 năm 1951 tại phum Kpal Rô Mia, xã Srê Pốc, huyện Sê San, tỉnh Stung Treng, Campuchia. Gần nửa thế kỷ qua, phần mộ của đồng chí đã được nhân dân và lực lượng cách mạng ở Campuchia gìn giữ.

        Từ những buổi đầu tham gia cách mạng đến lúc hy sinh, trước sự tra tấn giam cầm trong lao tù thực dân đế quốc hay trên các chiến trường nóng bỏng quyết liệt, đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình luôn luôn giữ trọn danh hiệu cao quý của người Cộng sản, trung thành với sự nghiệp cách mạng, một lòng một dạ chiến đấu vì Tổ quốc vì nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với đồng bào và đồng đội, đồng chí là người sống có nghĩa có tình, trung thực, thẳng thắn, luôn luôn nghiêm khắc, quyết đoán trọng xử lý mọi tình huống. Đồng chí luôn luôn tôn trọng nhân tài, đã cảm hóa, động viên các nhân sĩ, trí thức yêu nước phát huy tài năng phục vụ cách mạng.

        Đồng chí Nguyễn Bình là một người Cộng sản kiên trung, một tướng lĩnh quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, lòng dũng cảm và tài thao lược. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp giải phóng Dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tên tuổi Nguyễn Bình luôn luôn gắn liền với Chiến khu Đông Triều, Chiến khu Duyên hải Bắc Bộ, với Sài Gòn - Chợ Lớn, Đông Nam Bộ và Nam Bộ. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập noi theo. Công lao và tên tuổi của đồng chí mãi mãi sáng ngời trên Đài Tổ quốc ghi công.

        Do những công lao đối với sự nghiệp giải phóng Dân tộc, đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đồng chí là người đầu tiên của Quân đội ta được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất. Và đặc biệt là, ngày 6 tháng 3 năm 2000, Nhà nước đã có quyết định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh - Huân chương cao quý của Nhà nước ta cho liệt sĩ Trung tướng Nguyễn Bình. Một lần nữa, Đảng và Nhà nước đánh giá xứng đáng công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng...

        Sau gần nửa thế kỷ yên nghỉ trên đất bạn, do hoàn cảnh lịch sử, cho đến hôm nay và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng sự giúp đỡ của Chính phủ Vương quốc Campuchia, chúng ta đã tìm, đưa được hài cốt đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình về nước. Nhân đây, thay mặt cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và thay mặt gia đình Trung tướng Nguyễn Bình, chúng ta xin chân thành cảm ơn nhân dân Campuchia anh em đã gìn giữ phần mộ trong suốt mấy chục năm qua, cám ơn Chính phủ và Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho đoàn công tác Việt Nam tìm kiếm và cất bốc hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình về nước.

        Toàn thể tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên trong toàn quân xin kính cẩn nghiêng mình dâng hương với lòng thành kính, biết ơn vô hạn tiễn đưa đồng chí liệt sĩ Trung tướng Nguyễn Bình về cõi vĩnh hằng, yên nghỉ ngàn thu trên đất Mẹ. Đất nước mà cả cuộc đời đồng chí đã nguyện chiến đấu hy sinh.

        Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta xin nguyện trước hương hồn đồng chí :

        Ra sức xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại để bảo vệ vững chắc những thành quả của cách mạng. Cùng toàn Đảng, toàn dân đưa sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến thắng lợi, thực hiện bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

        Thưa gia quyến Trung tướng Nguyễn Bình !

        Trong buổi lễ trang nghiêm này, chúng tôi mong chị và gia đình đoàn kết một lòng, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, sống xứng đáng với lý tưởng, hoài bão cao quý của Trung tướng Nguyễn Bình để tiếp tục góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

        Thưa các đồng chí và các bạn!

        Để tỏ lòng thương tiếc và tưởng nhớ đồng chí liệt sĩ Trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tôi đề nghị các đồng chí và các bạn để một phút mặc niệm...!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 08:21:58 pm »


TÀI LIỆU THAM KHẢO

        1. Bộ Tư lệnh Quân khu 3: Chiến khu Trần Hưng Đạo - Nxb Quân dội nhân dân, 1993.

        2. Câu lạc bộ truyền thống vũ trang TP. Hồ Chí Minh : Lược sử chiến sĩ quyết tử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

        3. Câu lạc bộ truyền thống vũ trang TP. Hồ Chí Minh : Tự vệ thành Sài Gòn - Chợ Lớn.

        4. Sống mãi với Đô thành.

        5. Mùa thu rồi... ngày 23 - Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia.

        6. Tạp chí Lịch sử Đảng, số tháng 6-1991.

        7. Tạp chí Lịch sử quân sự, số 2- 1998.

        8. Tạp chí Lịch sử quân sự, số 5-2001.

        9. Ngọc An : Trung tướng Nguyễn Bình.

        10. Dương Chính : Hoạt động của cơ quan Việt Minh CQ88.

        11. Nguyễn Xuân Diệu : Trung tướng Nguyễn Bình những năm đầu kháng chiến chống thực dân Phápở Nam Bộ.

        12. Nguyên Hùng : Người Bình xuyên.

        13. Nguyên Hùng : Nguyễn Bình - Huyền thoại và sự thật.

        14. Hoàng Thiếu Minh : Từ CQ88 đến Chiến khu Trần Hưng Đạo.

        15. Hùng Phong : Cơ quan mặt trận Việt Minh ở Hải Phòng.

        16. Hùng Phong : Nguyễn Bình với nhiệm vụ tìm vũ khí cho Xứ ủy.

        17. Lê Phú : Trận đánh diệt trại huấn luyện Thanh niên Bí Chợ.

        18. Bùi Sinh : Chuyện kể về Trung tướng Nguyễn Bình. Nxb Quân đội nhân dân, 1998.

        19. Trung Thu : Trung tướng đầu tiên vào Nam Bộ.

        20. Mạnh Việt : Nguyễn Bình - Độc nhãn tướng quân.

        21. Đinh Thu Xuân : Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Trung tướng Nguyễn Bình.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM