Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:17:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46043 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #260 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:21:25 am »


        Trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã họp bàn bố trí thế trận mới để thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy giao cho với yêu cầu: đánh tốt tiêu diệt thêm sinh lực địch; giam chân địch thêm một thời gian nữa nhưng vẫn bảo toàn và phát triển được lực lượng ta để tham gia đánh lâu dài.

        Những ngày đầu năm 1947, chiến sự diễn ra ác liệt. Trên bầu trời Hà Nội ban ngày lúc nào cũng thấy những cột khói đen đặc cuồn cuộn bốc lên, đêm đến là những vầng lửa cháy sáng rực cả vòm trời. Nhưng chính trong những ngày này khả năng ghìm địch lâu ngày ở Hà Nội lại thể hiện rõ rệt nhất. Sau khi được cấp trên chuẩn y, chúng tôi đã sắp xếp lại lực lượng, tổ chức lại chỉ huy chiến đấu cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Trước hết tại Liên khu I, chúng tôi thống nhất các lực lượng Vệ quốc đoàn, công an, tự vệ để thành lập trung đoàn Liên khu I và cử đồng chí Hoàng Siêu Hải làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Trung Toản là Chính trị viên.

        Về việc thành lập trung đoàn Liên khu I, các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân và tôi bàn luận rất thận trọng, cân nhắc mọi mặt, cuối cùng chúng tôi nhất trí tán thành, vì có thống nhất lực lượng mới thống nhất chỉ huy, sức mạnh càng tăng lên, ta càng giữ Hà Nội được lâu, càng chứng minh đường lối kháng chiến lâu dài của Đảng là đúng đắn. Chúng tôi báo cáo ý kiến để nghị này lên Bộ Tổng chỉ huy và được Bộ đồng ý ngay.

        Ngày 7 tháng 1 năm 1947, một ngày đáng ghi nhớ - ngày trung đoàn Liên khu I, con đẻ của cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Thủ đô, chính thức thành lập trong lòng địch, dưới tầm súng địch. Quả là một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh.

        Một tuần sau, sau ngày 12 tháng 1 năm 1947, Hội nghị quân sự toàn quốc họp ở Chương Mỹ - Hà Đông, nhận xét thành tích của trung đoàn Liên khu I và tặng danh hiệu Trung đoàn Thủ đô. Về sau này, trong một bài diễn văn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nói: Đặt tên cho trung đoàn ấy không có tên nào xứng đáng hơn là Trung đoàn Thủ Đô.

        Cả mặt trận Hà Nội phấn khởi được tin cấp trên tặng danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô cho Trung đoàn Liên khu I.

        Anh em chiến đấu ở ngoại thành cũng gian khổ, quyết liệt và diệt được khá nhiều địch, nhưng ai nấy đều đánh giá rất cao vai trò của Trung đoàn Thủ Đô. Vì nếu không có trung đoàn ấy chiến đấu kiên trì trong Liên khu I thì địch sẽ rảnh tay tập trung lực lượng phá vỡ vòng vây của ta bao quanh các cửa ô Hà Nội. Ai nấy đều thấy rằng để tạo điều kiện cho Trung đoàn Thủ Đô có thể chiến đấu được lâu hơn nữa ở trong đó thì các đơn vị ở ngoài phải hoạt động mạnh, liên tục đánh ép địch.

        Lúc này lực lượng Vệ quốc đoàn chiến đấu ở ngoại thành Hà Nội đã tăng lên 7 tiểu đoàn:

        - Tiểu đoàn 145, do đồng chí Lê Quân, rồi đến đồng chí Trắc Vinh Nam chỉ huy, phụ trách mặt tây bắc, từ sông Hồng đến giáp Ô Cầu Giấy.

        - Tiểu đoàn 523, do đồng chí An Giao chỉ huy, phụ trách mặt tây nam từ Cầu Giấy đến giáp đường Kim Liên.

        - Tiểu đoàn 64, do đồng chí Quốc Linh chỉ huy, phụ trách mặt nam, từ Kim Liên đến giáp cửa Ô Đống Mác.

        - Tiểu đoàn 212, do đồng chí Hồng Kỳ chỉ huy, phụ trách mặt đồng nam, từ Ô Đống Mác đến Vĩnh Tuy, sông Hồng.

        - Tiểu đoàn 77, do đồng chí Hoàng Kiện chỉ huy, làm đội dự bị của Liên khu II, đóng ở phía đông nam thành phố.

        - Tiểu đoàn 56, do đồng chí Anh Đệ chỉ huy, làm đội dự bị của Liên khu III, đóng ở trường bay Bạch Mai.

        - Tiểu đoàn 13 do đồng chí Phùng Thế Tài chỉ huy, là lực lượng dự bị của Liên khu II đóng ở Ô Đống Mác tới Giáp Bát, luân phiên đánh địch ở Ô Cầu Dền. Lúc này toàn thành phố chỉ có một khẩu ba-dô-ca với năm viên đạn – là loại vũ khí chống tăng hiện đại duy nhất lúc đó. Khi giao vật hiếm ấy cho đơn vị đồng chí Phùng Thế Tài, tôi nói vui nhưng có ý nhấn mạnh phải bảo vệ nó:

        - Để mất khẩu súng này là các anh mất đầu đấy!

        Cán bộ, chiến sỹ, Tiểu đoàn 13 động viên nhau sau khi nhận súng: Trên giao cho đơn vị ta vật quý đó, là trên tin cậy vào khả năng chiến đấu của ta. Để đáp lại lòng tin cậy của cấp trên, chúng ta cần phải “chiều chuộng, nâng niu” nó chu đáo, và phải sử dụng nó cho thật tốt, Tiểu đoàn 13 đã chọn cử ra một số cán bộ, chiến sỹ vừa có tinh thần chiến đấu dũng cảm vừa có nhiều hiểu biết kỹ thuật sử dụng súng chuyên giữ khẩu ba-dô-ca này và liên tục ngày đêm anh em mang nó đi săn xe tăng địch trên một khu vực rất rộng từ Ô Cầu Dền, Kim Liên đến cửa Ô Chợ Dừa, v.v. Trận đầu, bằng hai viên đạn, anh em đã diệt một xe tăng địch, càng nhắc nhở mọi người phải chăm sóc nó chu đáo hơn nữa, như một vật báu, bất ly thân. Khi đi chiến đấu, anh em buộc dây thừng dài năm, sáu mươi mét vào súng đề phòng đồng chí bắn chẳng may bị thương hoặc hy sinh, đồng chí ngồi sau kịp thời giật súng rời khỏi nơi nguy hiểm, địch không cướp được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #261 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:21:54 am »


        Về phía địch, lúc này đã biểu hiện rõ rệt tình trạng lúng túng. Kể từ sau trận Giảng Võ ngày 06 tháng 01 năm 1947, chúng không mở cuộc tiến công nào lớn. Chúng chờ quân tiếp viện. Mà quân đó lấy đâu ra? Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ chiến tranh du kích đã phát triển, địch không thể rút quân từ trong đó ra Hà Nội được. Từ vĩ tuyến 16 đổ ra, quân Pháp đóng ở Vinh đã phải đầu hàng, còn ở Huế, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn... đâu đâu quân Pháp cũng đang kêu xin tăng viện. Địch ở Hà Nội ngong ngóng chờ quân tăng viện từ bên Pháp sang.

        Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy mặt trận nảy ý kiến mở một cuộc phản công tiêu diệt sinh lực địch và chiếm lại một phần phía nam nội thành Hà Nội với kế hoạch: Đánh kiềm chế địch ở các hướng Ô Cầu Dền, Kim Liên, Ô Chợ Dừa, Ngọc Hà, đồng thời tập trung lực lượng đánh thọc vào Phà Đen, Đồn Thuỷ rồi theo đường Trần Hưng Đạo đánh cắt ngang ra phía ga Hà Nội. Mục đích chính của kế hoạch này là làm giảm sức ép của địch đối với Trung đoàn Thủ Đô đang chiến đấu trong Liên khu I. Nhưng rồi ý kiến này phải gác lại ngay, bởi vì không đúng với phương châm chỉ đạo tác chiến của Trung ương là “tiêu hao sinh lực địch đồng thời phải bảo toàn lực lượng mình để đánh lâu dài”. Hơn nữa lúc này lợi dụng tình hình địch lúng túng, Chính phủ ta đang dùng biện pháp ngoại giao để cùng chúng thoả thuận một ngày ngừng bắn cho đồng bào ta và những ngoại kiều (Hoa, Ấn) còn lại trong vòng vây địch ở Liên khu I được công khai rút ra ngoài. Đây cũng là một chủ trương rất sáng suốt, một đòn tiến công ngoại giao của Đảng rất đúng lúc, kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho Trung đoàn Thủ Đô có thể chiến đấu lâu ngày trong lòng địch. Theo chỉ thị của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến thành phố Hà Nội, cùng các đồng chí Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ vào Ô Chợ Dừa để cùng các viên lãnh sự Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch), Lãnh sự Anh, Mỹ đàm phán về ngày giờ tạm ngừng bắn cụ thể.

        Kết quả cuộc đàm phán này là ta và địch đã thoả thuận ngừng bắn vào ngày 15 tháng 01 năm 1947.

        Hôm đó, hơn 6.000 đồng bào ta và ngoại kiều tản cư công khai theo đường Hàng Đậu lên Yên Phụ. Hôm đó, hàng ngàn chiến sỹ của Liên khu I cũng cải trang đi lẫn vào nhân dân để vượt khỏi vòng vây theo kế hoạch đã được chuẩn bị.

        Theo chỉ thị của đồng chí Tổng chỉ huy, Trung đoàn Thủ Đô chỉ cần để lại 500 người chiến đấu, còn tất cả theo đường tản cư công khai và bí mật rút ra hết. Nhận được chỉ thị đó, Đảng uỷ Liên khu I đã có chủ trương chọn người ở lại, thành lập đội quyết tử. Và ngày 14 tháng 01 năm 1947, đội quyết tử của Trung đoàn Thủ Đô làm lễ tuyên thệ tại rạp hát Tố Như (sau là rạp Chuông Vàng), phố Hàng Bạc.

        Sở dĩ đồng chí Tổng chỉ huy phải quy định cụ thể mức quân số ở lại của Trung đoàn Thủ Đô là để giải quyết khó khăn về lương thực, thuốc men và nước uống cho Liên khu I. Nhưng qua ngày 15 tháng 01 năm 1947, chúng tôi nhận được điện của ban chỉ huy trung đoàn báo cáo ra thì quân số ở lại chiến đấu trong Liên khu I không phải là một “đội quyết tử 500 người” mà trên 1.200 người, trong đó có hơn 200 phụ nữ, hơn 100 thiếu nhi. Số quân vượt quá mức quy định của trên như thế này hoàn toàn có thể thông cảm được vì như đồng bào ở trong Liên khu I ra, đã nói với chúng tôi: Thanh niên họ không chịu ra đâu, nhiều người vừa đi vừa khóc; nhiều người đã ra đi lại quay trở lại. Tinh thần vui vẻ chấp nhận một cuộc chiến đấu đầy hiểm nghèo của anh chị em thanh niên Hà Nội thật đáng quý biết bao! Việc làm anh hùng đó đã khích lệ chúng tôi rất nhiều. Nhưng mặt khác, với số quân đông như thế lại là một mối lo ngại lớn đối với Uỷ ban kháng chiến và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội. Làm thế nào để bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội trong đó, vì đã hàng chục ngày các chiến sỹ ta ăn uống kham khổ, thiếu chất tươi. Anh em rất thèm rau xanh mà mặt trận chỉ có một tiểu đội nữ giao thông Lãng Bạc đêm đêm vượt bao nguy hiểm, thậm chí có khi đổ máu chỉ đưa được lượng rất ít rau xanh đủ cung cấp cho thương binh.

        Để phục vụ cho cuộc chiến đấu vô cùng khẩn trương, với khẩu hiệu “tất cả cho chiến thắng”, nhân dân Liên khu I đã không tiếc bất cứ một thứ gì. Trong số những ụ súng, những ba-ri-cát được huy động ra làm vật cản địch có lẫn cả bao chứa đầy đỗ xanh, đường kính. Được tin này, chúng tôi điện vào cho Trung đoàn Thủ Đô tổ chức tìm kiếm những thứ đó, nếu là đỗ, đem ngâm thành giá cho bộ đội ăn thay rau tươi; tìm những bao đường đã đem là Ba-ri-cát lấy về phân đều ho bộ đội ăn để bảo đảm sức khoẻ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #262 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:22:18 am »


        Bấy giờ tình hình chiến sự ở ngoại thành không gay gắt lắm, tôi ngỏ ý muốn vào thăm Trung đoàn Thủ Đô. Nhưng đồng chí Trần Quốc Hoàn không đồng ý:

        - Anh Vũ phải ở ngoài này! Để tôi vào...

        Rồi đêm 20 tháng 01 năm 1947, các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Lê Quang Đạo với tư cách là phái viên của Trung ương Đảng đi men theo sông Hồng, qua gầm cầu Long Biên vào Liên khu I. Vượt qua bao nguy hiểm, các đồng chí đem đến cho các chiến sỹ Trung đoàn Thủ Đô sự chăm sóc ân cần của Đảng, của nhân dân. Và qua chuyến đi nghiên cứu thực tế đó, các đồng chí đã hiểu thêm một cách sâu sắc về tình hình sức khoẻ, tinh thần và khả năng chiến đấu của anh em ta trong đó. Đặc biệt cũng qua chuyến đi này, các đồng chí đã rút ra được những kết luận bổ ích về lãnh đạo và chỉ đạo chung cho Mặt trận Hà Nội và riêng cho Liên khu I.

        Khắp nơi đổ nát, nhưng cũng ở khắp nơi đầy máu lửa - hiểm nghèo này đã nổi bật lên những dòng chữ viết bằng mực, bằng than, bằng phấn, viết lên tường, lên cửa hay mảnh gỗ, mảnh bìa các-tông treo ở gốc cây, cắm ngang chiến luỹ đặt trước ụ súng: “sống chết với Hà Nội”; “Hãy xứng đáng là thanh niên thời đại Hồ Chí Minh”; “Hà Nội – Xta-lin-grát của Việt Nam”; “ Tiêu diệt xâm lược Pháp”; “ Thà chết không chịu làm nô lệ”; “Quyết tử bảo vệ Thủ đô”; “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước”... Những dòng chữ hằn nét căm thù, đọc lên là thấy dòng máu nóng trong người thêm rạo rực. Các chiến sỹ Thủ đô tình nguyện chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, nhưng rất lạc quan yêu đời, họ tổ chức các tổ ca nhạc, đội kịch, làm thơ ca ngợi cuộc chiến đấu đầy khí phách anh hùng. Trước khi đi tập kích, biết là phải xông pha nguy hiểm, nhưng họ vẫn cười đùa, trêu chọc nhau rất hồn nhiên. Trở về họ lại vui chơi ca hát, lại nghịch, rồi lăn ra ngủ để lấy sức mai còn “đi săn Tây”. Những đảng viên và quần chúng cảm tình vẫn còn theo học lớp chính trị ở phố Hàng Buồm. Tai phố Hàng Mắm, Hàng Thiếc, có những lớp đào tạo tiểu đội trưởng, mà bãi tập là một quãng đường nhựa giữa hai lớp ba-ri-cát.

        Chỉ có quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng vô sản chân chính thì trong hoàn cảnh một mất một còn, sống giữa vòng vây của địch đang xiết chặt, mới giữ vững được tinh thần lạc quan như vậy. Ở Đồng Xuân, một đảng viên nói với đồng chí Trần Quốc Hoàn: “Chỉ khi nào tiểu đội tôi không còn một ai nữa thì quân giặc mới chiếm được cái chợ này”. Ở Hàng Gai, bên dãy số chẵn là chiến tuyến của ta, bên kia địch cắm 5 vị trí, bên này nói to, bên kia nghe rõ, thỉnh thoảng anh em ta lại tổ chức ca nhạc đàn hát cho chúng biết rằng: ở bên này chúng tao vui lắm, nhưng bọn bay chớ có mò sang mà ăn đạn đấy!

        Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô báo cáo lên Bộ chỉ huy mặt trận về tinh thần chiến đấu rất cao của bộ đội và hứa hẹn: sẽ động viên nhau khắc phục mọi khó khăn về vật chất bằng cách cho đào giếng để bảo đảm có đủ nước ăn và tắm giặt; sẽ tổ chức lực lượng ra bờ sông lấy ngọn khoai lang, chuối xanh, đu đủ ... làm rau xanh. Ban chỉ huy trung đoàn còn điện ra cho biết đã lập một đội tiếp tế tại chỗ, chuyên lo tìm, thu về tất cả những gì là lương thực, thực phẩm làm thành kho dự trữ tại chỗ đảm bảo cho bộ đội ăn no đánh giặc. Cả các đơn vị tiểu đội đóng ở các phố giáp địch cũng phải tìm kiếm lương thực, thực phẩm khô trong những căn nhà bị bom đạn đánh sập đổ. Chúng tôi cố gắng tự lo việc ăn uống để cấp trên khỏi phải bận tâm, tập trung chỉ huy tác chiến...

        Qua cuộc đi thăm Trung đoàn Thủ Đô của các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Lê Quang Đạo, và qua những điện thư, thư quyết tâm tới tấp gửi về, Thành uỷ Hà Nội càng vững tay lãnh đạo cuộc chiến đấu quyết liệt nhưng đầy vinh quang và tự hào này. Về phần tôi, tôi càng cảm phục và tin tưởng vào ý chí chiến đấu kiên cường của anh em ta ở Liên khu I và tin vào cái thế trận của toàn bộ Mặt trận Hà Nội mà trong đó Trung đoàn Thủ Đô đang đảm nhiệm phần trọng yếu: cái thế trận đã góp phần bước đầu làm thất bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của bọn xâm lược Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #263 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:22:51 am »


        Thấm thoát đã đến Tết Nguyên đán. Mắt trận Hà Nôi ghìm địch trong thành phố đã hơn một tháng rưỡi. Từ khắp các địa phương trên đất nước gửi thư, gửi quà uý lạo chiến sỹ Hà Nội. Trên các nẻo đường, từng tốp người gồng gánh bánh chưng, càm, bưởi, mứt, kẹo, thuốc lá ra tận chiến hào vây địch ở các cửa ô, đem vào tận Liên khu I - trận tuyến kiên cường ở trong lòng địch. Thủ đô kháng chiến đón xuân một cách thất là Hà Nội, cũng hoa đào, hoa cúc, cũng pháo đùng, pháo bánh, pháo thăng thiên, cũng tổ chức đêm ba mươi, nhưng là một đêm ba mươi “có một không hai”, liên hoan ca kịch, ngâm thơ, rồi đi đánh giặc, đánh về lại ngâm thơ mừng xuân, lại ca hát, pháo nổ suốt đêm, súng nổ suốt đêm mà nổ nhiều nhất là vào lúc giao thừa. Đặc biệt, trông đêm giao thừa này, các chiến sỹ Thủ đô rất vinh dự được Bác Hồ gửi thư riêng. Đọc thư người, có ai cầm được nước mắt? Những lời thăm hỏi thân thiết ân cần của Người cha hiền từ thương yêu những đứa con trung hiểu. Bác Hồ gọi những chiến sỹ Thủ Đô là em:   “... Các em ăn tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em nên cũng không ai nỡ ăn tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến.

        Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau.
        .......
        Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên các em.

        Thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi các em lời chào thân ái và quyết thắng” (Hồ Chí Minh, Với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà xuất bản QĐND, Hà Nội, 1975, tr.25-26).

        Những lời tuyên dương của Bác Hồ là lời của đất nước mấy ngàn năm bất khuất kiên cường, ghi nhận công lao những người con anh hùng đang viết tiếp những trang sử mới rất oanh liệt.

        Qua Tết Nguyên đán (Đinh Hợi), Mặt trận Hà Nội bước vào giai đoạn gay go nhất. Quân Pháp đã đưa được một số viện binh từ Hải Phòng lên Hà Nội. Có thêm viện binh, chúng dồn sức cố đánh bật các đơn vị của ta ở ngoại thành ra xa các cửa ô. Mặt khác chúng liên tục dội bom bắn pháo vào trận địa Trung đoàn Thủ Đô, chuẩn bị mở những cuộc tiến công quyết định. Trên bản đồ chiến sự lúc này, trận địa của Trung đoàn Thủ Đô chỉ còn là một mảnh con con tô màu đỏ nằm lọt giữa vùng địch chiếm đóng khá rộng tô xanh. Bộ chỉ huy quân đội xâm lược Pháp tức tối điên cuồng vì đã hơn bốn chục ngày rồi mà cái mảnh đỏ chói kia cứ chọc vào mắt họ. Họ đã mất hàng trăm tên lính lê dương thiện chiến ngã gục bên những lề đường, gốc cây, trong những căn nhà đổ nát, mà vẫn không thu hẹp được cái mảnh tô đỏ ấy đi được mấy tí. Từ chỗ chủ quan xem thường lực lượng đối phương, bộ chỉ huy Pháp đã phải chuyển giọng “đề cao” Trung đoàn Thủ Đo là đơn vị “tinh nhuệ nhất của Việt Minh”. Điều đó cũng chẳng có gì là khó hiểu. Đây chỉ là cách giải thích vì sao quân đội Pháp hùng cường mà nuốt mãi không nổi một đơn vị của ta đã bị chúng bao vây bốn bề, bị ép chặt trong một phạm vi nhỏ bé ngang dọc mỗi bề chưa đầy một cây số, đồng thời là cách chuẩn bị dư luận cho một cuộc quảng cáo rùm beng rằng bộ chỉ huy Pháp tin là trước sau thế nào quân lực Pháp cũng tiêu diệt được Trung đoàn Thủ Đô - một đơn vị tinh nhuệ nhất của Việt Minh – ngay tại Hà Nội.

        Nhưng trên đất nước Việt Nam này, kẻ xâm lược thường hay bị ngã bổ chỏng, vào cái lúc mà chúng đinh ninh nắm chắc phần thắng. Thì mới đó thôi, hồi tháng 12 bọn Va-luy, Moóc-li-e chẳng đã tưởng rằng quân Pháp chỉ úp một cái là chiếm cả Hà Nồi, bất quá chỉ ngày một ngày hai là xong xuôi hết. Rồi đùng một cái chúng bị mắc kẹt, giãy mãi chẳng ra. Và đến tháng 2 này, bọn chúng đang ôm cái mộng đến hôm nào đó sẽ tổ chức ăn mừng chiến công “tiêu diệt Trung đoàn Thủ Đô”.

        Ngày 6 tháng 2 năm 1947, quân Pháp mở đầu đợt tiến công lớn vào trận địa Trung đoàn Thủ Đô. Trận đầu chúng đánh vào vị trí của ta ở nhà Xô-va (Sở vận tải đường sông của tư bản Pháp, nay là trường Nguyễn Huệ đường Trần Nhật Duật ở giáp đê sông Hồng). Chiều hôm ấy, nhận được tin đầy đủ, tôi báo cáo lên Bộ Tổng chỉ huy: quân ta anh dũng chống lại năm lần xung phong của địch. Lần thứ năm địch chiếm được nhà Xô-va. Sau ta phản kích chiếm lại và truy kích địch tháo chạy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp biểu dương Tiểu đoàn 103, đơn vị vừa chiến thắng đã xứng đáng là một đơn vị của Trung đoàn Thủ Đô và của Vệ quốc quân Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #264 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:23:26 am »


        Ngày hôm sau, địch đánh vị trí “trường Ke” (nay là trường Trần Nhật Duật ở phố Trần Nhật Duật). Địch xung phong tám lần, anh em ta đề đánh bật ra hết. Cũng hôm ấy, địch tiến công vào phố Hàng Thiếc. Phố này nhỏ, nhiều nhà lụp xụp chúng phun ét-xăng đốt mặt này, xung phong mặt kia, đến hai giờ chiều chúng chiếm được một dãy phố nhưng bị thiệt hại nặng, vừa chết vừa bị thương đến ngót trăm tên. Hai ngày sau (9/02), địch lại tiến công định chiếm nốt cả phố Hàng Thiếc. Nhưng cái “kế hoả công” của chúng không còn hiệu nghiệm nữa rồi. Chúng không tiến được nửa bước. Ban ngày địch tiến công, ta quyết ngăn chặn. Ban đêm, ta đem các thùng sơn, dầu xăng, dầu hoả sang đốt hết những căn nhà bên dãy địch chiếm để chúng không lợi dụng được.

        Rồi liên tục trong bốn ngày 10, 11, 12, 13 tháng 02 địch liên tục dội bom, bắn pháo vào trận địa Trung đoàn Thủ Đô.

        Trong những ngày địch tập trung đánh vào Liên khu I thì bộ đội ta ở Liên khu II và Liên khu III đều mở cuộc tiến công sâu vào sau lưng địch, có mũi thọc tới Văn Miếu, có mũi thọc theo đường Hàng Lọng (đường Lê Duẩn) tới gần Tràng Tiền... để co kéo địch trở ra. Trong những ngày ấy, trời mưa phùn tầm tã, rét buốt, các đồng chí liên lạc của đội du kích Hồng hà làm việc vất vả, đêm nào cũng đem được chỉ thị của bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội và đạn dược tiếp tế vào Liên khu I, và đưa báo cáo từ trong ấy ra. Đường liên lạc thông suốt. Đó là một bảo đảm của thắng lợi.

        Sáng ngày 14, trinh sát của mặt trận nghe thấy có nhiều tiếng súng ở bắc Liên khu I. Địch đánh vào khu Đồng Xuân. Mấy ngày sau, chúng tôi vẫn nhận được báo cáo tinh thần bộ đội rất vững vàng, sẵn sàng “tiếp” địch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hồi hộp lo lắng, vì cũng mấy ngày ấy, địch oanh tạc dữ dội, anh em ta trong đó phải chịu đựng căng thẳng, thể lực tất phải giảm sút. Qua điện đài, chúng tôi nắm tình hình diễn biến trận đánh rất khẩn trương nhưng cũng giàu chất anh hùng.

        9 giờ, ta và địch quần nhau trong chợ Đồng Xuân, địch chết nhiều.

        11 giờ, trận đánh vẫn diễn ra trong khu vực chợ.

        12 giờ, địch đánh sang phố Hàng Đường, Hàng Chiếu.

        15 giờ, sức tiến công của địch yếu dần. Ta phản kích mạnh.

        18 giờ, ta vẫn giữ vững phố Hàng Chiếu, Hàng Mã. Bộ đội diệt được nhiều địch, rất phấn khởi.

        Tôi vừa đọc xong bức điện này thì đồng chí cán bộ quân báo đến báo cáo một tin: Đài địch nói là Trung đoàn Thủ Đô đã bị vây chặt, lâm vào thế cùng quẫn, số phận trung đoàn này chỉ còn tính từng ngày. Tôi hỏi lại:

        - Nó nói thế, cậu nghĩ sao?

        Đồng chí quân báo mỉm cười hóm hỉnh, trả lời hơi ngập ngừng nhưng chứa đựng cái chất hài hước, lạc quan:

        -Tôi nghĩ, thằng Tây vẫn quen thói huênh hoang, chẳng qua ... nó là.. con đười ươi giữ ống.

        Tôi bật cười về cái hình ảnh ví von ngộ nghĩnh này, và vội vã cắt đứt câu chuyện với đồng chí quân báo vì lúc này đã có chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy tổ chức cho Trung đoàn Thủ Đô rút ra ngoài; việc này phải triệt để giữ bí mật cho đến phút cuối cùng.

        Hồi trung tuần tháng 1, và sau Tết Nguyên đán, khi ta kìm chân địch trong Hà Nội một thời gian vượt yêu cầu của Bộ đề ra là một tháng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã hỏi tôi:

        - Anh Vũ suy nghĩ xem liệu ta đã phải rút Trung đoàn Thủ Đô ra chưa?

        - Ta còn có khả năng trụ bám trong đó, đề nghị xin cho tiếp tục giữ Liên khu I một thời gian nữa – Tôi trả lời.

        Thể theo nguyện vọng của anh em và nhất là xét khả năng thực tế, Bộ Tổng chỉ huy đồng ý với đề nghị của chúng tôi. Nhưng lần này, vào chiều ngày 14 tháng 02 sau khi tôi báo cáo: trận Đồng Xuân đã kết thúc, địch bị thiệt hại nặng... thì đồng chí Tổng chỉ huy lại chỉ thị phải tổ chức cho Trung đoàn Thủ Đô rút ra ngoài và chuyển lời khen của Bác Hồ: Các chú giam chân địch được một tháng là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi.

        Trong các phương án đưa Trung đoàn Thủ Đô vượt ra khỏi vòng vây địch chúng tôi chọn phương án gọi là “cường công, mật rút”, nghĩa là tất cả lực lượng của Mặt trận Hà Nội đều đánh thật mạnh, khiến cho địch bị căng kéo ra, tạo nên một hướng sơ hở cho Trung đoàn Thủ Đô bí mật rời Liên khu I an toàn, làm cho địch bị một vố chua cay nữa. Sau khi đã quyết định chọn phương án này rồi, đồng chí Võ Nguyên Giáp với thái độ thực sự cảm thông tâm trạng dùng dằng nửa đi nửa ở của toàn thể cán bộ, chiến sỹ Mặt trận Hà Nội, của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn Thủ Đô, đã nói những lời vừa động viên, biểu dương chúng tôi, vừa như ra lệnh cho chúng tôi phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của Bộ Tổng chỉ huy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #265 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:23:55 am »


        - Tôi biết nguyện vọng của bộ đội ta còn muốn cố thủ thêm ít ngày nữa ở Liên khu I. Đó là tinh thần chiến đấu ngoan cường đáng quý, một tình cảm yêu mến quê hương rất đẹp. Với tinh thần hy sinh cao cả đó, Trung đoàn Thủ Đô có thể trụ bám một thời gian nữa. Nhưng xét về nhiệm vụ thu hút địch, giam chân địch thì Trung đoàn Thủ Đô đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Nay đã đến lúc cần thiết phải vượt ra khỏi vòng vây của địch, trở về hậu phương xây dựng lực lượng lớn mạnh hơn nữa để kháng chiến lâu dài.

        Đồng chí Tổng chỉ huy đưa mắt nhìn chúng tôi với một thái độ cảm thông. Vẫn giọng nói miền Trung êm nhẹ, tình cảm, nhưng nhịp điệu thì dồn dập, kiên quyết:

        - Rời Liên khu I được an toàn lại là một thắng lợi lớn hơn nữa. Chúc các đồng chí thắng lợi.

        Kế hoạch “cường công, mật rút” được triển khai ngay từ ngày 15 tháng 02. Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho đồng chí Phùng Thế Tài điều động các đơn vị của Liên khu II tiến công vào Ô Cầu Dền, đồng chí Lê Quân điều động các đơn vị của Liên khu III tiến công vào Ô Cầu Giấy, Kim Mã, Hàng Bột. Đồng thời phải tung nhiều tổ luồn sâu vào các khu phố trong nội thành đánh du kích, quấy rối, phá hoại. Đêm ấy, Trung đoàn Thủ Đô cũng phối hợp với bên ngoài, đánh phối hợp.

        Ngày 16 tháng 02, các đồng chí trong Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô đang bận rộn chuẩn bị kế hoạch “trở về hậu phương vào đêm sau – 17 tháng 02, thì lai phải giải quyết một việc đột xuất phức tạp. Từ trong khu vực địch chiếm, viên lãnh sự của Tưởng Giới Thạch vác cờ đến xin gặp đại biểu của Trung đoàn. Hắn đề nghị ta tiếp tế cho số Hoa Kiều còn lại trong Liên khu I và đề nghị ta tạm ngừng bắn vào ngày 17 tháng 02 để cho Hoa kiều tản cư, hoặc là ngày 18 tháng 02 để cho họ có thời gian chuẩn bị. Đây là một thủ đoạn nham hiểm của địch, chúng muốn đưa hết Hoa kiều ra ngoài để rảnh tay oanh tạc khu vực nhỏ hẹp mà Trung đoàn Thủ Đô còn đang trấn giữ. Và thêm nữa, qua việc yêu cầu tiếp tế cho Hoa Kiều, chúng muốn thăm dò xem khả năng tích trữ gạo, muối của ta còn được bao nhiêu? Quả thực đây là một vấn đề rất phức tạp, ngoài dự kiến của chúng tôi, nhưng lại đòi hỏi phải có chủ trương đối phó kịp thời, đúng đắn. Tất nhiên, ta không chấp nhận ngừng bắn vào ngày 17 tháng 02 vì như vậy có thể địch bắn phá ngay từ chiều tối hôm ấy là đêm ta “ra đi”. Nhưng không chấp nhận ngừng bắn ngày 17 tháng 02 ta cũng không tự chọn ngày 18 tháng 02, vì như thế địch có thể ngờ vực. Lúc này ta cần phải cho địch không mảy may ngờ vực gì về ý định cố thủ của ta ở Liên khu I. Sau khi thảo luận trong Bộ chỉ huy mặt trận và xin ý kiến Thành uỷ, xin chỉ thị cấp trên, chúng tôi điện vào chỉ định đồng chí Hoàng Phương đại diện Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô làm nhiệm vụ này. Ngay hôm đó đồng chí Hoàng Phương gặp viên lãnh sự Tưởng Giới Thạch trả lời: Chúng tôi đồng ý đề nghị của ông là có thời gian chuẩn bị. Vì vậy, ngày mai chưa tản cư vội. Nếu chuẩn bị chưa kịp thì ngày 19 tháng 02, tam ngừng bắn cho Hoa kiều tản cư cũng được. Hoặc giả cần lui lại đến ngày 20 tháng 02 cũng không sao. Vả lại, ông cũng cần phải có thời gian để liên lạc với quân đội Pháp. Sáng mai, ngày 17 tháng 02 chúng tôi sẽ tiếp tế cho Hoa kiều 5 tạ gạo và 2 tạ ngô. Viên lãnh sự Tưởng hết lời cảm tạ đại diện ta và xin chọn ngày 18 tháng 02 cho Hoa kiều tản cư.

        Ta chấp nhận.

        Thế là cái việc đột xuất, phức tạp, gần như bị động ấy ta đã khôn khéo giành quyền chủ động và đưa ra những biện pháp giải quyết rất thông minh hoàn toàn có lợi cho ta.

        Đêm 16 tháng 02, các chiến sỹ Thủ Đô vẫn chưa biết rằng chỉ trong 24 tiếng đồng hồ nữa họ sẽ phải tạm biệt Hà Nội. Theo kế hoạch của Trung đoàn, các chiến sỹ Thủ Đô vẫn xách súng mang đạn đi quấy rối địch, đốt phá những dãy nhà do địch chiếm giữ. Trong nội thành súng nổ suốt đêm, lửa cháy rừng rực. Ngoại thành cũng phối hợp tiến công khắp các ngả. Ta nghi binh rất giỏi. Không một dấu hiệu nào chứng tỏ tình hình chiến sự ở đây giảm đi. Trái lại địch vẫn căng thẳng đối phó, vẫn thấy xoá được căn cứ của ta ở Liên khu I còn phải mất nhiều thời gian.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #266 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:24:41 am »


        Sáng ngày 17 tháng 02, ngày quyết định của cả một kế hoạch lớn, các đồng chí trong Đảng bộ và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội, mỗi người lo một việc: Người đi xuống các đơn vị thuộc Liên khu II, Liên khu III đôn đốc việc thực hiện kế hoạch “cường công”, đánh mạnh trên các tuyến ngoại thành; người đi kiểm tra việc tổ chức đoàn thuyền vào đón Trung đoàn Thủ Đô “mật rút” vượt qua sông Hồng. Tôi cứ nghĩ đến lúc được ôm chầm lấy các chiến sỹ từ Liên khu I ra mà đứng ngồi không yên. Nhìn đồng hồ thấy đã mười mấy giờ, căn cứ vào kế hoạch của trung đoàn mới báo cáo ra, tôi tưởng tượng như chính mình đang dự cuộc họp mà đồng chí Lê Trung Toản phổ biến nhiệm vụ với các bí thư chi bộ và các đồng chí chỉ huy cấp tiểu đoàn, đại đội. Anh em thắc mắc rất nhiều.

        Nhưng đây là mệnh lệnh, “rời khỏi Liên khu I được toàn vẹn là một thắng lợi”.

        Hôm ấy, suốt cả ngày chúng tôi bám sát tình hình địch, các hoạt động của chúng đều dồn ra ngoại thành, hướng tây nam và đông nam Hà Nội. Trong Liên khu I địch vẫn bắn pháo và súng cối. Kế hoạch đưa Trung đoàn Thủ Đô ra hậu phương được giữ bí mật đến mức cao nhất. Các đơn vị ở ngoại thành chỉ được biết là phải đẩy mạnh các hoạt động để phối hợp với toàn mặt trận. Còn đối với Trung đoàn Thủ Đô, thì mãi đến 14 giờ mới được phổ biến nhiệm vụ cho các đảng viên, cán bộ trung đội và đến 16 giờ các chiến sỹ mới được biết toàn trung đoàn phải vượt ra ngoài, ngay trong đêm 17 tháng 2.

        Đêm hôm ấy mưa phùn, gió rét. Khắp các cửa ô Hà Nội súng nổ ran. Địch chống cự rất kịch liệt. Có những tổ du kích của ta lọt vào phố trong Liên khu II, Liên khu III đánh quấy rối. Những đám cháy bùng lên trong nội thành, lửa sáng rực. Trong Liên khu I cũng có nhiều đám cháy, chiều tiếng nổ, đó là kế hoạch nghi binh của Trung đoàn Thủ Đô. Cả Hà Nội rực lửa, ầm vang tiếng súng như một trận phản công lớn. Tính đến đêm nay, 60 ngày và 61 đêm, Mặt trận Hà Nội luôn luôn sôi động. Không những ta đã phá được âm mưu địch đánh úp Hà Nội, lại cầm chân địch lâu ngày tại Hà Nội. Lúc đầu, yêu cầu để ra phải kìm hãm được địch từ một đến hai tuần lễ, nhưng quân và dân Hà Nội đã giữ được gần chín tuần lễ, tiêu hao được nhiều sinh lực địch, trong khi đó lực lượng ta phát triển, thành thế vang lừng. Nhưng đêm nay là đêm Mặt trận Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ, đêm kết thúc một chiến dịch, mà kết thúc thật đặc biệt.

        Theo kế hoạch, 20 giờ ngày 17 tháng 02 năm 1947, các tổ nghi binh của Trung đoàn Thủ Đô bắt đầu hoạt động, nổ súng quấy rối, đốt phá nhiều nơi trong các khu vực địch chiếm giữ và phải tổ chức những vụ cháy chậm, nổ chậm để suốt đêm lúc nào trong Liên khu I cũng có những cột lửa, những tiếng nổ. Trong khi đó, một trung đội do trung đoàn phái ra qua cột đồng hồ vượt qua đê, lên bố trí ở gầm cầu Long Biên đề phòng nếu ta bị lộ thì đánh chặn địch bảo vệ đường rút qua gầm cầu. Khi trung đội đó bố trí xong, Tiểu đoàn 101 xuất phát, tiếp đến cơ quan trung đoàn, Tiểu đoàn 102 rồi Tiểu đoàn 103. 

        22 giờ, các tổ nghi binh ngừng hoạt động, tập trung ở đình Phất Lộc.

        0 giờ ngày 18 tháng 02 năm 1947, các tổ nghi binh qua gầm cầu Long Biên. Tiếp đó Tiểu đoàn 103 rời trận địa bảo vệ đi cuối đội hình trung đoàn.

        2 giờ sáng, tin trinh sát báo về phía cầu Long Biên vẫn im ắng tiếng súng. Chúgn tôi mừng thầm: giờ này Trung đoàn Thủ Đô đã lặng lẽ qua gầm cầu Long Biên rồi. Và cũng đến giờ này, chúng tôi mới hết hồi hộp. Bởi vì, đây là cửa ải gay go nhất. Trên cầu địch canh gác và thường xuyên xe địch đi lại tuần tiễu, thỉnh thoảng chúng lại chiếu đèn pha xuống sông, xuống bãi soi dõi; ngoài ra ở đầu cầu phía đường Hàng Đậu (Hà Nội) còn có một trung đội địch canh gác, có chó béc giê đánh hơi. Ví thử ta bị lộ, địch bắn quét thì khó tránh khỏi thương vong. Lại phải tính đến trường hợp xấu nhất, địch phát hiện được có một đoàn quân từ Hà Nội đi ra, chúng huy động quân ra đánh chặn. Tất nhiên, theo kế hoạch dự định từ trước, Trung đoàn Thủ Đô đã có những biện pháp đề phòng. Nhưng bí quyết thành công của ta hôm nay là bí mật, ta đi rồi địch vẫn không biết, mới là chiến thắng trọn vẹn. Và đến 2 giờ sáng phía cầu Long Biên vẫn im ắng tiếng súng có nghĩa là Trung đoàn Thủ Đô đã thành công trong việc bí mật vượt qua cửa ải gay go nhất rồi, con chim đại bàng bắt đầu tung cánh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #267 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:25:06 am »


        Đã hai tháng nay, Tiểu đội du kích Hồng Hà do đồng chí Nguiyễn Văn Nại chỉ huy, bám chặt lấy bãi dâu Phúc Xá, giữ đường liên lạc giữa nội thành và ngoại thành, đêm nay tiểu đội của Nguyễn Văn Nại dẫn Trung đoàn Thủ Đô từ nội thành vượt vòng vây địch ra hậu phương. Các chiến sỹ du kích Hồng Hà thuộc con đường này như lòng bàn tay của họ, vì họ đẻ ra ở bên bờ sông Hồng, uống nước sông Hồng, lớn lên trên bãi cát sông Hồng này. Ngang Yên Phụ có một chỗ lòng sông rất nông, mùa khô xắn quần lội qua được, họ dẫn một chặng dài thì đến một nơi có đoàn thuyền hai chục chiếc chờ sẵn đưa sang làng Cơ Xá, thuộc huyện Gia Lâm. Anh chị em du kích bên ấy lại dẫn Trung đoàn Thủ Đô đi ngay đến địa điểm an toàn bên bờ sông Đuống.

        5 giờ sáng, khi cơ quan trung đoàn bộ và hai tiểu đoàn 101, 102 đã qua sông, tôi báo cáo lên Bộ Tổng chỉ huy, coi như đã giành được thắng lợi căn bản. Vì cơ quan trung đoàn có đủ thành phần nam, phụ, lão, ấu, hơn nữa, ban quân y còn phải phụ trách mấy chục thương binh, phần lớn phải khiêng, phải cõng, mọi người đã vượt sông rộng, thế là gọn.

        6 giờ sáng, trời còn mù sương, đơn vị cuối cùng của Tiểu đoàn 103 vượt sông, thì cũng là lúc nổ ra một trận đánh - một trận đánh không có tiếng vang như trận Bắc Bộ phủ hay Đồng Xuân... Nhưng nói đến cuộc chiến đấu của Thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, thì nhất định phải nhắc đến trận này.

        Trận đánh không mang tên địa danh vì nơi diễn ra không gần một làng, một xóm nào cả, chỉ có những công dân và những con người bất tử, trận đánh cuối cùng của Tiểu đội Nguyễn Văn Nại.

        Mờ sáng hôm ấy, bọn địch ở cầu Long Biên thấy có nhiều dấu chân ở dưới bãi, rõ ràng có một đoàn người từ Hà Nội đi ra. Bộ binh địch có xe bọc thép yểm trợ lần dấu vết đuổi theo. Một đội ca nô bọc thép hùng hổ ngược sông tìm kiếm, và qua cầu Long Biên khoảng một ki-lô-mét thì lũ thuỷ binh này thấy có một đoàn năm, sáu chiếc thuyền nhỏ đang rẽ nước qua sông. Chúng bắn xối xả, nhưng đoàn thuyền đã cập bến Cơ Xá bên tả ngạn sông. Rồi mấy chục người vừa mới rời đoàn thuyền ấy nhảy lên bờ, chĩa sũng bắn trả lại, giữa lúc đó, Tiểu đội du kích Hồng Hà của đồng chí Nguyễn Văn Nại, vẫn còn ở bãi giữa liền nổ súng. Địch bị đánh trước mặt và cả ngang sườn, chúng bỏ mục tiêu bên tả ngạn sông Hồng, quay sang bãi giữa. Một tốp máy bay khu trục Xpít-phai cũng lao tới xối xả trút đạn xuống trận địa. Trận đánh kéo dài mãi gần trưa,. Chúng ta không còn được gặp Nguyễn Văn Nại và các đồng chí trong Tiểu đội du kích Hồng Hà nữa để biết rõ trận đánh diễn ra như thế nào mà cả bảy đồng chí đã thu hút được địch trong suốt buổi sáng hôm đó. Nhưng chúng ta có đủ bằng chứng để đánh giá tác dụng to lớn của trận này: suốt hai tháng liền, các đồng chí đã giữ vững liên lạc giữa Bộ chỉ huy mặt trận với Trung đoàn Thủ Đô. Những ngày qua, các đồng chí đã truyền đạt mệnh lệnh từ ngoại thành vào nội thành và các báo cáo từ nội thành ra ngoại thành để trong ngoài thống nhất hành động. Đêm 17 tháng 02, các đồng chí đã đưa Trung đoàn Thủ Đô bí mật ra đi. Và đến sáng 18, các đồng chí đã hy sinh oanh liệt giữ bí mật đến cùng, bảo đảm cho Trung đoàn Thủ Đô rời Hà Nội được tuyệt đối an toàn, mãi ngày 19 tháng 02 địch mới biết Liên khu I chỉ còn là miếng đất không người, thì hôm đó Trung đoàn Thủ Đô đã sang đất Phúc Yên rồi.

        Nói đến chiến công của Trung đoàn Thủ đô Liên khu I thắng lợi, tôi không thể không kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh anh dũng của Tiểu đội du kích Hồng Hà do đồng chí Nguyễn Văn Nại chỉ huy.

        Ngay sáng 18 tháng 02, chúng tôi nhận được điện của đồng chí Võ Nguyên Giáp chuyển lời Hồ Chủ tịch khen Mặt trận Hà Nội: Bác bảo thế là đại thắng lợi. Và đồng chí chỉ thị phải tổ chức ngay một cuộc mít tinh mừng chiến thắng. Việc đó đã được thực hiện tối 22 tháng 02 năm 1947 tại đình làng Thượng Hội huyện Đan Phượng (thuộc tỉnh Hà Đông cũ) có đông đủ đại biểu các cơ quan Đảng, Dân, Chính. Đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên dương công trạng Trung đoàn Thủ Đô - đặc trưng cho một đội quân của một dân tộc nhỏ bé quyết không chịu làm nô lệ, đã hiên ngang chống lại quân đội của một nước đế quốc hùng mạnh. Đồng chí trao tặng Trung đoàn Thủ Đô một lá cờ và nói: Hôm nay, tôi thay mặt Chính Phủ chính thức trao danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô cho các đồng chí. Thay mặt Bộ Quốc phòng và quân đội quốc gia, tôi tặng các đồng chí một lá cờ thêu tên “Trung đoàn Thủ Đô” để nêu cao tấm gương anh hùng của các đồng chí.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #268 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:25:30 am »


        Đêm đó, một đêm tưng bừng rộn rã, đêm mừng công của Mặt trận Hà Nội. Tôi gặp nhiều đồng chí quen biết cũ, chuyện trò mãi không dứt. Một đồng chí đội mũ ca lô gắn sao vàng vành trắng, cấp hiệu tiểu đội, chen đến gọi tôi: Anh Vũ, bây giờ em mới biết tên anh. Anh còn nhớ không, em đã gặp anh ở của nhà tên Moóc-li-e ấy mà, hôm ấy anh mặc bộ quần áo nâu như bác nông dân ấy... Tôi nhớ ra ngay, đúng là đồng chí đội trưởng đội tự vệ phố Nhà Thờ giờ đây trông rắn rỏi ra nhiều quá, nhưng cái dáng học sinh thì vẫn còn nguyên. Đồng chí ấy mở bao thuốc là Phi-líp Mo-rít mời tôi:

        - Anh hút với em một điếu!

        Rồi đồng chí ấy khoe với tôi: : Anh biết không, hôm đầu kháng chiến, em ở phố Nhà Thờ, sau nó đánh phải rút dần về phố Hàng Gai, mình lùi hơn 100 mét. Ấy thế rồi mà tiểu đội em cứ giữ chịt được ở đây cho đến khi có lệnh ra đây. Tối hôm 17, em được chỉ huy một tổ nghi binh, ôi tha hồ mà đốt pháo. Nhưng lúc ra đi, nhớ thương Hà Nội quá, em vừa đi vừa khóc đấy. Bao giờ lại trở về anh nhỉ? Nói đến đấy, đồng chí ấy lại chảy nước mắt. Những đồng chí vây quanh tôi cũng có chung một câu hỏi: Bao giờ ta lai trở về anh Vũ ơi? Trong giây phút này tôi nghẹn ngào, biết nói thế nào đây, tôi hỏi lại?

        - Thế các chú không nghe anh Giáp vừa nói lúc nãy à?

        Tuy đã thông suốt và đang suy nghĩ cách lãnh đạo anh em chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cấp trên, nhưng chính lúc này đây tôi cũng đang sống trong tâm trạng thật xúc động - một tình cảm buồn vui rất khó mà diễn đạt. Nhìn những người lính trẻ Thủ đô đang đứng quanh tôi, đang đòi hỏi ở tôi một câu trả lời chính xác. Tôi rít một hơi dài điếu thuốc lá Phi-líp Mo-rít mà đồng chí Tiểu đội trưởng tự vệ phố Nhà Thờ vừa cho, phả một làn khói khoan khoái rồi nói tiếp: “Ta thề Thủ đô chiến thắng quân thù?”. Ta không bao giờ quên lời thề đó. Nhưng để có chiến thắng thì ngay từ bây giờ chúng ta phải bắt tay vào xây dựng lực lượng, tiếp tục đánh, ta sẽ về Thủ đô trong ngày đại thắng?

        Họ reo lên, phải nói rằng họ hét lên thì mới đúng: Ta thề Thủ đô chiến thắng quân thù... Thủ đô ta đã chiến thắng, sẽ chiến thắng... Ngày mai, ta về giải phóng Thủ đô ta...? Rồi họ ôm nhau ca hát, họ hát nhưng bài tôi chưa hề được nghe bao giờ, bởi đó là những bài hát sáng tác ngay trong chiến hào của Liên khu I, những bài hát họ tự làm ra, ca ngợi cuộc chiến đấu rất đáng tự hào của những người rất yêu đời nhưng không sợ chết, những chiến sỹ cảm tử của đất Thăng Long bất diệt”...

        Trích: Trung tướng Vương Thừa Vũ, Những chặng đường chiến đấu, NXB QĐND, Hà Nội – 2005, tr. 70 – 138.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #269 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:35:17 am »


12. THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG XUYÊN
       

        Đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên sinh năm 1926, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1988-1999) kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cầu (1988-1993). Quê xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Đồng chí nhập ngũ năm 1945, Thượng tướng năm 1992; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946.

        Tháng 8 năm 1945 đến 1954, giữ các chức vụ từ trung đội trưởng đến Tiểu đoàn trưởng.

        Tháng 9 năm 1954 đến 1960 là Tham mưu trưởng trung đoàn, Trung đoàn phó, tham mưu phó rồi Tham mưu trưởng Sư đoàn 305.

        Năm 1961 đến 1975 là Tham mưu trưởng Quân khu 6, Phó ban quân sự Khu 10, Phó Tư lệnh, Tư lệnh, Đảng uỷ viên Quân khu 6.

        Tháng 12 năm 1975 đến 1976 là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thuận hải, Thường vụ tỉnh uỷ.

        Từ tháng 3 năm 1979 đến 1985 là Phó tư lệnh Quân khu 3.

        Tháng 5 năm 1985 là trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cuba (Đoàn 385).

        Tháng 4 năm 1986 là Tư lệnh, Bí thư Đảng uỷ Quân khu 3.

        Năm 1988 đến 1999 là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (1988-1993).

        Đồng chí là uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, VII; đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương: Độc lập hạng nhất, Quân công (hạng nhất, hạng nhì), Chiến công hạng nhất, Chiến thắng hạng nhất, Kháng chiến hạng nhất...

        Trải qua một đoạn đường lịch sử năm mươi bảy năm đầy sóng gió, dù ở cương vị nào, trong chiến tranh ác liệt cũng như trong hoà bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí luôn luôn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, thể hiện lòng trung thành tận tuỵ, kiên định vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, nghiêm chỉnh sáng tạo, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ hy sinh phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        Suốt ba mươi năm chiến đấu liên tục ở chiến trường cực Nam Trung Bộ trong điều kiện tương quan lực lượng giữa ta và địch cực kỳ chênh lệch, lại xa Trung ương, xa căn cứ địa của vùng tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí đã không ngại hy sinh gian khổ, mưu trí dũng cảm, bám đất bám dân xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, vừa tổ chức phát động nhân dân đánh giặc, đồng thời vừa kiên quyết tổ chức chỉ huy chiến đấu, vừa sản xuất, bảo vệ sản xuất, bảo vệ nhân dân, bảo vệ căn cứ góp phần giành thắng lợi to lớn trên một địa bàn chiến lược, một hành lang chiến lược từ Bắc vào Nam, là điểm tựa để đại quân ta từ hướng đông bác tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM