Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:21:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46182 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:18:58 am »


        Sau thắng lợi này, dân quân du kích cùng nhân dân xã càng ra ssức củng ccố làng chiến đấu, thực hiện rào làng để chủ động đánh địch tiến công vào xã. Các hàng rào bằng cọc tre vót nhọn cắm dày ba lớp kết hợp với rào tre đã có ven làng tạo thành vật chướng ngại ngăn chặn địch. Bên trong hàng rào có giao thông hào và nhiều ổ chiến đấu. Hầm chông được bố trí ở trên đường làng, nơi địch có thể đi qua. Dân quân du kích và nhân dân đều đào hầm bí mật để che giấu lực lương, bất ngờ chiến đấu tiến công địch và bảo vệ cán bộ trụ bám phong trào.

        Tháng 12 năm 1948, Quân dân du kích và nhân dân xã Điện Tiến phối hợp với biệt động huyện Điện Bàn chống địch càn ở Tứ Sơn thắng lợi. Sau đó, Điện Tiến đánh độc lập giành thắng lợi nhiều trận, diệt 64 tên địch. Ngoài đánh giắc giữ làng, xã còn thi đua đẩy mạnh các mặt công tác khác, đẩy mạnh sản xuất đóng góp cho kháng chiến.

        Điện Tiến đã trở thành một căn cứ du kích mạnh ngay giữa vùng bị địch chiếm, được Liên khu 5 tuyên dương là xã xuất sắc toàn diện trong năm 1948-1949.

        Noi gương Điện Tiến, các căn cứ du kích ở Quảng Nam-Đà Nẵng xuất hiện ngày càng nhiều vào những năm 1950-1952, hình thành vùng du kích rộng lớn, biến hậu phương địch không chỉ từ nam sông Thu Bồn trở vào mà còn bao gồm các vùng căn cứ du kích rộng lớn ngày trong vùng địch kiểm soát.

        Ở Hoà Văng, nhờ hoạt động của Đại đội 10 phối hợp với biệt động và du kích phá kế hoạch lập tề của địch, bảo về được chỗ đứng chân của cơ quan lánh đạo huyện Hoà Vang và Đà Nẵng để tiến vào thành phố. Không những ở Điện Bàn, Hoà Vang mà cả ở Đại Lôc, thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An đều có những hoạt động tập kích, treo cờ, rải truyền đơn, gọi loa vào đồn địch kêu gọi binh lính; đánh mìn, bao vây, quấy rối nơi địch đóng quân.

        Không chỉ bội đội, dân quân, du kích đánh giặc mà nhân dân từ cụ già đến thiếu niên, chị em phụ nữ cũng đều tham gia đánh giặc rất mưu trí, dũng cảm.

        Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, Quảng Nam-Đà Nẵng đã chống phá kế hoạch bình định vùng chiếm đóng, lấn chiếm vùng tự do của địch. Tháng 4 và tháng 6 năm 1948, bộ đối phối hợp với dân quân du kích và nhân dân liên tiếp đánh bại hai cuộc hành quân quy mô tiểu đoàn của địch ở Hương An (Quế Sơn), diệt 200 tên. Đây là đợt tiến công cuối cùng của địch lấn chiếm vùng tự do nhưng đã bị thất bại.

        Vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch, vừa thực hiện chủ trương tổng phá tề của Trung ương, các đại đội độc lập đã phối hợp chặt chẽ với biệt động, công an, dân quân, du kích bám dân, bám đất quét sạch tề trên nhiều vùng nhắm lập lại chính quyền cách mạng. Đặc biệt ở Hội An, lực lượng của ta, đêm 4 tháng 1 năm  1949, đã tiến công vào cơ quan nguỵ quyền tỉnh, đột nhập vào nhà tên tỉnh trưởng Hồ Ngận, đọc lệnh của chính quyền cách mạng bắt hắn và một tên tay chân của hắn. Trước hành động “xuất quỷ, nhập thần” này của ta, bọn nguỵ quyền Quảng Nam-Đà Nẵng vô cùng hoang mang lo sợ.

        Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tháng 10 năm 1948, Thường vụ Trung ương Đảng ra Nghị quyết lập chế độ chính trị uỷ viên đại diện Đảng phụ trách quân đội.

        Tháng 2 năm 1949, hội nghị chính trị viên của lực lượng vũ trang Liên khu 5 nhận định: “ Tình hình Nam Trung Bộ lúc này tuy vẫn còn một số khó khăn hạn chế nhưng cũng đã đạt được thành tích khả quan, đánh bại một bước âm mưu “bình định” vùng địch tạm chiếm; chiến tranh du kích vùng sau lưng địch được phát động, vùng tự do được xây dựng và củng cố về mọi mặt, bước đầu đáp ứng những nhu cầu kháng chiến của chiến trường”. Hội nghị cũng tập trung phân tích những khuyết nhược điểm tồn tại trong đó có chiến tranh du kích chưa chú trọng đúng mức nên phát triển chưa sâu rộng, đều khắp, chất lượng một số đơn vị chưa cao, công tác đảng, công tác chính trị ở những đơn vị phân tán chưa đi vào nề nếp.

        Nói chuyện với hội nghị, sau khi phân tích sâu sắc tình hình chung cả nước và tình hình liên khu, đồng chí Phạm Văn Đồng nêu rõ nhiệm vụ quân sự của Liên khu 5 trong năm 1949 là: “ Phát động chiến tranh du kích rộng rãi, đánh sâu vào vùng địch tạm chiếm…dồn hẹp phạm vi an toàn và chiếm đóng của địch, ra sức phá hoại kinh tế, chính trị của chúng, đẩy mạnh công tác vận động nguỵ binh; giữ vững vùng tự do, xây dựng lực lượng mạnh. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, cần phải giải thích sâu rộng nhiệm vụ, phương châm chiến lược, chiến thuật cho cán bộ, chiến sỹ, thúc đẩy cán bộ tiến về chiến thuật, chiến sỹ tiến về kỹ thuật, phải xây dựng công tác đảng, công tác chính trị…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:20:38 am »


        Sau hội nghị, các cơ quan phụ trách công tác chính trị, công tác đảng (tuyên huấn, tổ chức) được kiện toàn, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác phát triển Đảng đi vào nề nếp. Các tư tưởng như quân sự đơn thuần, bản vị, cục bộ, không bám dân, bám đất, hoang mang, dao động, không giữ nghiêm kỷ luật….đều được đấu tranh phê bình để khắc phục. Các đại đội đều có chi bộ, trung đội có tổ đảng, đa số tiểu đội có đảng viên. Việc xây dựng chi bộ tự động công tác được tiến hành đều đặn, có sự giám sát chặt chẽ của cấp trên. Thực hiện chế độ Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện trong lực lượng vũ trang, mỗi xã cử hai đồng chí trực tiếp tham gia ban chỉ huy xã đội, đồng chí bí thư chi bộ làm chính trị viên, đồng chí chi uỷ phụ trách xã đội trưởng hay xã đội phó, phân công một số đảng viên tham gia du kích, sinh hoạt trong dân quân. Tuy thực hiện chế độ Chính uỷ tối hậu quyết định nhưng mọi việc quan trọng đều có sự bàn bạc trong tập thể Đảng uỷ, chi uỷ và chỉ huy các cấp.

        Qua một năm thực hiện phương châm “du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ trợ, nhưng cần đẩy vận động chiến tiến tới”, các đơn vị chủ lực đã phối hợp với dân quân du kích Quảng Nam-Đà Nẵng thực hiện việc chấn chỉnh lực lượng, kết hợp luyện quân với lập công, bám đất bám dân tiến sâu vào vùng bị địch tạm chiếm phát động chiến tranh du kích đạt kết quả.

        Vào Đông Xuân năm 1948-1949, Liên khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương mở đợt hoạt động mạnh trên toàn chiến trường liên khu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh hơn nữa phong trào chiến tranh du kích.

        Ở Quảng Nam-Đà Nẵng, Trung đoàn 108 được tăng cường Tiểu đoàn 19 và Tiểu đoàn 79 của quân khu, phối hợp cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích Quảng Nam-Đà Nẵng mở một đợt hoạt động trên toàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Bá Phát-Trung đoàn trưởng và tôi-Chính uỷ trung đoàn phụ trách đợt hoạt động này.

        Hướng đánh địch đầu tiên là đường đèo Hải Vân. dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Huyện uỷ Hoà Vang, đồng bào tây bắc Hoà Vang đã vượt qua khó khăn chuẩn bị chiến trường rất công phu đầy cảm động, đảm bảo đủ 15 tấn gạo, trong đó có 7 tấn đưa đến đèo Hải Vân. Du kích và bộ đội địa phương huyện đã bám đánh địch suốt một tháng để đẩy lùi hai tiểu đoàn địch ra khỏi địa bàn dự bị tập kết của bộ đội đánh địch ở đèo Hải Vân. Du kích các huyện, thị, thành phố: Đại Lộc, Điện Bàn, Suy Xuyên, Hội An, Đà Nẵng liên tục quấy rối tiêu hao để đánh lạc hướng địch.

        Sáng ngày 24 tháng 1 năm 1949, quân ta phục kích cả đường ôtô và đường xe lửa, diệt một đoàn tàu quân sự và một đoàn xe 18 chiếc của địch từ Đà Nẵng chạy ra Huế, phá huỷ một đầu máy, 12 toa xe lửa, 15 xe cơ giới, giết và làm bị thương trên 300 tên địch. Tiếp đó, một đoàn xe 12 chiếc chạy từ Huế vào tiếp viện, đến cầu Roger (cầu này ta đặt tên để ghi chiến công ngày 25/5/1947,ngày ta diệt tên đại tá Roger), 200 tên Pháp nhảy xuống, 40 tên đã bị quân ta tiêu diệt tại chỗ. Đến xế chiều, ta rút quân, trên đèo chỉ còn lại hàng trăm xác giặc.

        Đây là trận thắng lớn thứ ba của quân ta trên đèo Hải Vân kể từ đầu năm 1947.

        Cay cú vì trận thất bại quá lớn, tên chỉ huy Pháp ở Đà nẵng cho rằng với địa hình hiểm trở này, quân ta chưa rút được. Chúng liền huy động tám tiểu đoàn cơ động đổ quân chặn kín các ngả đường núi và suốt hữu ngạn sông Trường Định, tịch thu phá huỷ hết ghe thuyền, ra lệnh thiết quân luật, hòng bao vây tiêu diệt lực lượng ta. Đêm 27 tháng 1 năm 1949, giữa lúc du kích và biệt động huyện bí mật bơi qua sông tập kích cứ điểm Nam Ô để nghi binh thu hút địch, hàng vạn nhân dân huyện Hoà Vang huy động thuyền từ xa đến, bí mất đưa 1.800 cán bộ, chiến sỹ, thương binh và hàng chục tù binh qua sông Trường Định an toàn. Dân quân, du kích canh gác cảnh giới, nhân dân trong vùng đứng dọc suốt theo hành lang lui quân vừa làm hoa tiêu chỉ đường, vừa tiếp tế cơm nước cho bộ đội. Nhân dân toàn huyện nổi thanh la, trống mõ, vừa phô trương thanh thế vừa đánh lạc hướng địch. Vậy là, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, nhân dân đã chuẩn bị cho bộ đội đánh thắng, giờ đây nhân dân lại giúp bộ đội lui quân an toàn.

        Chiến thắng Hải Vân lần thứ ba là thắng lợi của sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng, là một điển hình tiêu biểu của chiến tranh nhân dân vùng sau lưng địch, thể hiện sinh động phong trào toàn dân đánh giặc trong các quá trình chuẩn bị chiến trường, thực hành chiến đấu và bảo tồn lực lượng lúc lui quân.

        Sau trận đèo Hải Vân, theo lệnh của Bộ Quốc phòng, Tiểu đoàn 19 ra phối hợp chiến đấu với lực lượng của Khu 4 ở nam Thừa Thiên. Tiểu đoàn đã đánh thắng một trận vận động phục kích lớn tiêu diệt hoàn toàn đại đội Ta-bo (Âu-Phi) phá huỷ và đốt cháy 14 xe cơ giới của địch tại Gò Cà, trên đường từ Ái Nghĩa đi Tuý Loan (Hoà Vang).

        Trận đèo Hải Vân và trận Gò Cà là hai hoạt động tập trung có những yếu tố của một chiến dịch lần đầu xuất hiện ở chiến trường Nam Trung Bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:21:52 am »


        Sau hai trận thắng lớn Hải Vân và trân Gò Cà , nguỵ quân, nguỵ quyền cơ sở hoang mang, ta liền phát động một đợt hoạt động du kích: diệt tề trừ gian, đánh mìn, phục kích đường giao thông, tổng phá hoại đường sá cầu cống, đào hầm bí mật, rào làng chiến đấu, đếm đêm dùng trống mõ, thanh la uy hiếp địch, gọi loa, rải truyền đơn vào đồn kêu gọi binh lính địch trở về với kháng chiến, không tàn sát cướp bóc đồng bào.

        Đợt hoạt động quân sự trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng đã góp phần thực hiện mục đích của liên khu đề ra vừa tiêu diệt một phần sinh lực địch, vừa thúc đẩy phong trào nhân dân du kích chiến tranh vùng sau lưng địch phát triển một bước. Lực lượng bộ đội địa phương huyện tuy mới được thành lập nhưng đã trưởng thành vượt bậc, tiêu biểu là trận đánh độc lập phục kích độn thổ giữa ban ngày, ngày 6 tháng 3 năm 1949, của đại đội bộ đội địa phương Điện Bàn, diệt hai tiểu đội địch và trận tiêu diệt đồn Núi Lở, san bằng một lô cốt, diệt gọn một trung đội địch của bộ đội và đội du kích huyện Đại Lộc. Đây là trận đánh có cơ sở nội ứng của binh vận và giành thắng lợi đầu tiên ở chiến trường Quảng Nam-Đà nẵng.

        Tháng 3 năm 1949, Đại hội Đảng bộ Liên khu 5 kiểm điểm các mặt hoạt động toàn liên khu từ tiền khởi nghĩa đến đầu năm 1949, đi sâu đánh giá phong trào và từng vùng chiến lược, từng tỉnh trong Liên khu. Đại hội đã quyết định tặng cờ "Vững tiến" cho tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

        Từ kinh nghiệm của đợt hoạt động mạnh trong Đông Xuân năm 1948-1949, sau đại hội, Liên khu uỷ quyết định mở chiến dịch Hè Thu năm 1949 tại chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng mang tên chiến dịch Phạm Văn Đồng.

        Lực lượng tham gia gồm có Trung đoàn 108 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích trong tỉnh.

        Chiến dịch nhằm mục đích phối hợp với chiến trường toàn quốc, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, phá âm mưu chiếm vùng tự do phía tây huyện Đại Lộc nối liền từ Đà Nẵng đi Kon Tum của địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá giao thông trên đường Đà Nẵng-Huế, tạo thế chiến trường cho hoạt động Đông Xuân năm 1949-1950.

        Trung đoàn 108 cùng lực lượng địa phương vừa đẩy mạnh đánh phá giao thông, bao vây đồn bốt, phục kích các toán quân tuần tiễu, vừa tập trung lực lượng đánh tiêu diệt từng đơn vị địch trong đó hướng tiến công chính là tuyến phòng thủ phía nam sông Thu Bồn. Mục tiêu chủ yếu trước mắt là cứ điểm Thu Bồn.

        Thu Bồn là cứ điểm then chốt của địch trên tuyến phòng thủ phía nam. Địch bố phòng ở cứ điểm này một đại đội, có nhiệm vụ chiếm giữ, ngăn chặn ta tiến công, đồng thời làm chỗ dựa cho nguỵ quân, nguỵ quyền kìm kẹp, đàn áp nhân dân vùng xung quanh. Vì vậy công tác chuẩn bị chiến trường phải làm rất tỉ mỉ, công phu.

        Đúng 16 giờ ngày 18 tháng 8 năm 1949, được sự giúp đỡ của cơ sở trong bộ máy chính quyền xã và nhân dân địa phương, một đại đội của Tiểu đoàn 39 phối hợp với Đại đội 7 Duy Xuyên và một trung đội trinh sát cải trang thường dân nổ súng tiêu diệt cứ điểm Thu Bồn giữa ban ngày, đồng thời uy hiếp cả hệ thống cứ điểm địch ở Kiểm Lâm, La Tháp, Giao Thuỷ, Phú Thuận, Phú Mỹ, An Khương...

        Đây là trận đánh đồn đầu tiên giành thắng lợi do kết hợp được chặt chẽ giữa nội ứng bên trong với lực lượng tiến công từ ngoài vào, giữa quân sự và binh vận. Trận đánh diễn ra nhanh đến nỗi bọn địch còn sống sót bàng hoàng trước mọi diễn biến. Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống một đại đội Âu-Phi, thu toàn bộ vũ khí. Sau đó ta phối hợp với cơ sở binh vận tiêu diệt các đồn Cẩm Lệ, Núi Lở.

        Để đối phó lại sự tiến công của ta, địch tập trung lực lượng càn quét liên tục ở vùng nam bắn sông Thu Bồn. Đảng uỷ, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng lực lượng đánh vào cơ quan đầu não của địch ở thành phố Đà Nẵng để buộc chúng phải rút quân về bảo vệ thành phố.

        Đêm 14 tháng 3 năm 1949, quân ta mở một đợt hoạt động trong toàn tỉnh. Riêng tại thành phố Đà Nẵng, Tiểu đoàn 39 và Tiểu đoàn 49 của Trung đoàn 108 đã cùng biệt động, công an xung phong...được dân quân du kích và nhân dân hỗ trợ, đột nhập đánh địch suốt ba giờ; giết, làm bị thương và bắt sống gần 150 lính địch và gần 200 tay sai; tổ chức nhiều cuộc mít tinh nhân dân tuyên truyền chiến thắng, chính sách của mặt trận dân tộc thống nhất. Bộ máy nguỵ quyền cơ sở của địch trong toàn tỉnh cơ bản bị phá rã, gây ảnh hưởng rộng lớn. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sức mạnh của kháng chiến. Còn kẻ địch thì hoang mang, lo sợ. Tiếp đó, du kích mật Đà Nẵng lại đột nhập đốt cháy 1,5 triệu lít xăng ở kho Liên Chiêu. Bộ đội địa phương và dân quân du kích các huyện, thị xã Hội An Liên tục quấy rối, nghi binh, đánh giao thông, tập kích, phục kích, chống càn quét làm cho địch lúng túng đối phó khắp nơi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:23:32 am »


        Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.200 tên địch, đánh phá 34 cơ quan nguỵ quyền, giải tán 17 ban tề, bắt cải tạo 487 tên tay sai. Địch bị diệt và buộc phải rút bỏ 18 đồn bốt. Ta giải phóng các xã ở tây nam Đại Lộc và tây Duy Xuyên, vùng tự do được mở rộng.

        Tuy chiến dịch hoạt động trong thời gian ngắn, quân số ít, nhưng đạt hiệu quả chiến đấu cao, giành thế chủ động chiến trường. Thắng lợi của chiến dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến phong trào du kích chiến tranh ở Liên khu 5. Nó thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích , công an và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh; bước đầu kết hợp quân sự, chính trị, binh vận, tạo thành sức mạnh của chiến tranh nhân dân vùng sau lưng địch, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang địa phương.

        Trước sự trưởng thành nhanh chóng của lực lượng vũ trang ta trên cả nước, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ rất lo ngại, tập trung mọi nỗ lực để củng cố lực lượng và thực hiện chính sách “bình định” vùng tạm kiểm soát, đồng thời mở rông ra vùng du kích và vùng tự do của ta.

        Tháng 8 năm 1949, Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị xây dựng bộ đội địa phương làm nòng cốt cho việc phát triển dân quân du kích, sẵn sàng thay thế bộ đội chủ lực để bộ đội chủ lực cơ đông trên địa bàn rộng, thực hiện quả đám mạnh, tiêu diệt lớn quân địch.

        Căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu của chiến trường, thánh 5 năm 1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 thành lập Trung đoàn 210 gồm ba tiểu đoàn: 19, 50, 79 là những tiểu đoàn cơ động của liên khu.

        Tại Quảng Nam-Đà Nẵng, địch rút bỏ các cứ điểm vòng ngoài để tăng cường bảo vệ thành phố Đà Nẵng, đường giao thông chiến lược, đồng thời có lực lượng cơ động để mở những cuộc càn quét đánh phá vùng bàn đạp của ta tại Hoà Vang, tây Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc nhằm phá kế hoạch Đông Xuân của ta.

        Mặc dù có sự phản ứng của địch sau Hè Thu, Liên khu uỷ 5 vẫn nhận định Quảng Nam-Đà Nẵng có nhiều thuận lợi vì phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao có thể phối hợp với chủ lực tiến hành chiến dịch. Liên khu uỷ quyết định mở chiến dịch Đông Xuân năm 1949-1950 tại Quảng Nam-Đà Nẵng và Khánh Hoà, trong đó chiến trường bắc Quảng Nam-Đà Nẵng là chiến trường chính nhằm chủ động chống phá âm mưu đánh chiếm miền tây Quảng Ngãi của địch; tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, củng cố và phát triển phong tào du kích chiến tranh. Chiến dịch lấy tên là chiến dịch Võ Nguyên Giáp. Lực lượng tham gia chiến dịch có Trung đoàn 210, Trung đoàn 108 của quân khu và lực lượng vũ trang của tỉnh.

        Ngày 19 tháng 1 năm 1950, được cơ sở binh vận làm nội ứng, Đại đội 3, Tiểu đoàn 39 chủ lực cùng dân quân du kích địa phương được nhân dân hỗ trợ đắc lực, đã tổ chức tiến công đồn Ngũ Giáp giữa ban ngày, diệt và bắt gọn hai trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí chỉ trong vòng 15 phút. Tiếp đó, ta đánh trận phcụ kích trên quốc lộ 1 (đoạn Đà Nẵng-Vĩnh Điện) diệt và bắt sống hai trung đội. Địch phải điều quân cơ động ứng chiến đến đối phó.

        Tối ngày 2 tháng 2 năm 1950, Trung đoàn 210, từ chiến khu Phú Túc bí mật hành quân xuống xã Điện Hoà (Điện Bàn) để đánh vận động phục kích trên đường số 1. Cả Trung đoàn được bố trí trong nhà dân với sự che chở tận tình của nhân dân địa phương. Mọi nhu cầu về ăn, ở, vận chuyển, đảm bảo tuyệt đối ví mật đều được các gia đình thực hiện chu đáo, mặc dù đây là “làng tề” bị địch chiếm sâu, gần quốc lộ 1, có đồn Ngũ Giáp, gần căn cứ lớn của địch ở Vĩnh Điện, cách sân bat Đà Nẵng khoảng 10 ki-lô-met.

        Đúng 16 giờ 30 phút ngày 6 tháng 2 năm 1950, môt6j đoàn xe 10 chiếc có một đại đội lính Âu-Phi hộ tống từ Đà Nẵng chạy vào đến Thanh Quýt thì lọt vào trận phục kích của quân ta, một đại đội lê dương bị diệt gọn,50 tên bị  bắt sống, ta thu hơn 100 súng, phá huỷ 14 xe. Nhân dân xông ra thu chiến lợi phẩm, thu dọn chiến trường, chèo đò chở bộ đội qua sông đồng thời dùng rơm rạ hun khói mù mịt che mắt địch, tạo điều kiện cho bộ đội lui quân an toàn.

        Sau trận Thanh Quýt, ban chỉ huy chiến dịch chủ trương đẩy mạnh các hoạt đông trong toàn tỉnh, bộ đội địa phương, dân quân, du kích cùng nhân dân phá hoại đường giao thông, phục kích diệt bọn đi lùng, quấy rối đồn bốt, diệt tề trừ gian, đốt chợ địch, nổi trống, mõ, thanh la… uy hiếp tinh thần địch; bộ đội đột nhập vào trung tâm thành phố Đà Nẵng vũ trang tuyên truyền, binh vận gây náo động trong thành phố, tiến công đồn Hòn Bằng (Duy Xuyên), tập kích, phục kích vào Nam Ô, gò Ông Tự, Liên Chiểu, Tùng Sơn, Hướng Phước, kỳ tập diệt đồn Cẩm Lệ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:25:48 am »


        Trong chiến dịch này, vai trò của quân-dân-chính-đảng ở địa phương phối hợp với chủ lực để chuẩn bị chiến trường cũng như giải quyết hậu quả sau chiến đấu là rất to lớn, đầy xúc động. Thắng lợi của phong trào chiến tranh nhân dân phát triển ngày càng mạnh mẽ, buộc địch phải thu hẹp phạm vi chiếm đóng.

        Kết quả của chiến dịch, ta triệt hạ được ba cứ điểm, bức rút sáu cứ điểm, giải phóng 600 ki-lô-mét vuông với hơn hai vạn dân, diệt 450 tên trong đó có tên quan tư Lô-tu-lec, bốn tên quan ba, thu 203 súng các loại, phá huỷ 30 xe cơ giới.

        Tuy nhiên, do ta có khuyết điểm về chuẩn bị chiến trường trên đèo Hải Vân, về tinh thần cảnh giác cách mạng và kỷ luật bảo đảm bí mật quân sự, nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả của chiến dịch.

        Tháng 6 năm 1950, quân khu lại thành lập trung đoàn chủ lực thứ hai, Trung đoàn 803 gồm Tiểu đoàn 39, Tiểu đoàn 49 và cơ quan trung đoàn bộ phụ trách tác chiến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cùng Tiểu đoàn 365 của Khánh Hoà; đổi tên Trung đoàn 210 thành Trung đoàn 108, củng cố các trung đoàn địa phương, điều một số cán bộ có kinh nghiệm chiến đấu và một số vũ khí trang bị về cho các tỉnh nhằm thúc đẩy mạnh việc xây dựng bộ đội địa phương để làm nhiệm vụ chiến đấu ở địa phương và sẵn sàng thay thế, bổ sung cho bộ chủ lực.

        Khó khăn nhất ở chiến trường là khi bộ đôi chủ lực rút đi, bộ đội địa phương không trụ bám được, phong trào bị tổn thất nặng. Để giải quyết mâu thuẫn đó, Trung đoàn 108 đã hết sức giúp đỡ địa phương xây dựng lực lượng đủ sức đảm đương nhiệm vụ.

        Qua gần bốn năm chiến đấu, trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, dân quân du kích được tổ chức rộng khắp, chất lượng hoạt động ngày càng tiến bộ, đã phối hợp với bộ đội chủ lực trong xây dựng và chiến đấu, có kinh nghiệm và trưởng thành rõ rệt. Các đại đội bộ đội địa phương huyện được thành lập sớm từ năm 1949 đã kết hợp luyện quân với lập công, tác chiến với xây dựng, phối hợp tác chiến với chủ lực qua ba chiến dịch, có nhiều đại đội tác chiến độc lập tiêu diệt từng trung đội địch ngoài công sự, bắt tù binh, thu vũ khí, đã thực sự làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trên địa bàn huyện.

        Tháng 4 năm 1950, thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam-Đà Nẵng quyết định thành lập Tiểu đoàn 29, tiểu đoàn cơ động tập trung đầu tiên của tỉnh đồng thời cũng là tiểu đoàn bộ đội địa phương đầu tiên của Liên khu . Tiểu đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sỹ của bốn đại đội của các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc và thị xã Hội An; thành lập ba đội đội độc lập (23,24,26) trực thuộc ban chỉ huy tỉnh đội, đồng thời rút du kích tập trung về thành lập lại bộ đội địa phương ở các huyện mà không ảnh hưởng gì đến phong trào du kích chiến tranh ở cơ sở. Khoảng giữa năm 1950, theo chỉ thị của Liên khu uỷ, Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng tổ chức như một trung đoàn bộ đội địa phương lấy phiên hiệu Trung đoàn 93. Các cán bộ, các ban và tiểu ban của tỉnh đội đồng thời cũng là cán bộ, ban và tiểu ban của trung đoàn. Tình hình trên đây đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng và vững chắc của lực lượng vũ trang Quảng Nam-Đà Nẵng.

        Sau hai năm, kể từ khi thành lập (4/1948) với trách nhiệm chiến đấu tại địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng, chiến trường chính của Liên khu, Trung đoàn 108 đã làm tròn nhiệm vụ được giao, dìu dắt bộ đội địa phương và dân quân, du kích; góp phần quan trọng phát phong trào chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc vùng tự do, đưa chiến tranh vào vùng sau lưng địch, không chỉ biến hậu phương địch thành tiền phương ta mà còn biến hậu phương địch thành hậu phương của ta, làm thất bại âm mưu lấn chiếm, bình định của địch. Cũng qua hai năm đó, trung đoàn đã trưởng thành lên một bước, rút được nhiều kinh nghiệm trong tác chiến, lập được nhiều chiến công vang dội được nhân dân tin yêu mến phục, kẻ thù khiếp sợ. Trong nhân dân lưu truyền huyền thoại “tướng Quang Trung có bốn mắt nên đánh đâu thắng đó”.

        Tháng 5 năm 1950, Trung đoàn được lệnh rút về làm nhiệm vụ cơ động của Bộ Tư lệnh Liên khu.

        Đây là thời kỳ địch chuyển sang phòng ngự, đánh kéo dài hòng vơ vét nhân tài, vật lực của ta, chứng tỏ địch đã thất bại về chiến lược. Lực lượng vũ trang của ta vừa đánh, vừa xây dựng vừa trưởng thành. Bộ đội chủ lực rút đi, bộ đội địa phương vẫn độc lập tác chiến được.

        Sau một thời gian ngắn học tập chính trị, quân sự trong phong trào “rèn cán, chỉnh quân”, Trung đoàn 108 được quân khu điều đi tham gia giải quyết tiệp vụ bạo loạn ở Sơn Hà ( miền tây Quảng Ngãi).

        Từ khi trở lại xâm lược nước ta, thực dân Pháp không bao giờ từ bỏ âm mưu đánh chiếm vùng tự do Liên khu . Từ năm 1949, lợi dụng một số sai lầm, khuyết điểm của cán bộ ta trong việc thực hiện chính sách dân tộc và một số cuộc vận động không phù hợp với trình độ, tập quán phong tục của nhân dân miền núi, bọn Pháp ở Kon Tum đã móc nối với bọn tù trưởng phản động kích động quần chúng nổi lên chống lại cán bộ, gây hận thù dân tộc, tổ chức và trang bị cho lực lượng phiến loạn gồm hàng ngàn tên hòng chiếm miền tây Quảng Ngãi làm bàn đạp chiếm đống bằng vùng tự do.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:28:07 am »


        Tháng 4 năm 1950, ta đã đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm của quân Pháp xuống Sơn Hà, buộc chúng phải rút về Kon Tum, nhưng bọn phiến loạn và vấn đề ổn định chính trị miền tây Quảng Ngãi ( chủ yếu là Sơn Hà và Ba Tơ) vẫn chưa giải quyết được. Bọn phản động địa phương vẫn ngấm ngầm hoạt động, bí mật nhận súng cảu Pháp đưa về phát cho dân, đánh bật cán bộ ta ra phần lớn huyện Sơn Hà và gây mất ổn định nhiều vùng thuộc miền tây Quảng Ngãi. Đồng bào Rhe, một mặt vẫn thành kiến với những sai lầm của cán bộ ta trong thực hiện chính sách trước đây, cộng thêm những sai lầm mới trong thái độ và hành động của cán bộ và bộ đội ta trong thời kỳ đầu xử lý cuộc nổi loạn, nên vẫn chưa tin vào cách mạng, vào cán bộ và bộ đội. Mặt khác, trong nhân dân, nhiều gia đình có con em tham gia lực lượng phiến loạn, cộng thêm sự chi phối của tù trưởng phản động nên vẫn lén lút tiếp tế, phục vụ và khi bọn này bị tan rã vẫn tiếp tục che giấu.

        Sau khi kiểm điểm lại những sai lầm, thiếu sót, Liên khu uỷ quyết định lấy công tác vận động nhân dân làm căn bản, cán bộ và bộ đội phân tán làm công tác tuyên truyền giải thích chính sách trong cả đồng bào dân tộc và Kinh, chăm lo giải quyết đời sống nhân dân, vận động lớp trên, cô lập bọn cầm đầu phản động ngoan cố nhất.

        Đối với Trung đoàn 108, đây là đợt hoạt động hoàn toàn mới. Do chưa được học tập đầy đủ về quan điểm chiến tranh nhân dân, về bản chất và chức năng của quân đội nhân dân, lại lần đầu tiên làm nhiệm vụ vận động đồng bào có nhiều phong tục tập quán lạc hậu, có mối quan hệ phức tập nên bước đầu không tránh khỏi những thiếu sót, thậm chí sai lầm như nặng về quân sự, mệnh lệnh…, sau khi được uốn nắn đã dần dần sửa chữa, khắc phục. Được cán bộ cơ sở và một số người Rhe tiến bộ cộng tác, giúp đỡ, công tác vận động nhân dân đi đôi với truy lùng và gọi hàng “chí xẻng” “tên gọi bọn chống đối ta chạy theo giặc Pháp) đã bắt đầu thu được kết quả. Sau ba tháng, ta đã tranh thủ được phần lớn nhân dân và một số tù trưởng tiến bộ. Các toán “chí xẻng” bị truy lùng ráo riết, mất dần sự tiếp tế của dân, không còn chỗ đứng an toàn nữa. Một số được người thân thuyết phục trở về đầu thú, số còn lại chạy lên Công Plông (một căn cứ bàn đạp ở Kon Tum để địch tung về đánh vùng tự do Quảng Ngãi) nhập với bọn đã chạy lên trước.

        Công việc xây dựng cơ sở chống bọn phiến loạn đang bắt đầu tiến triển tốt thì giữa tháng 10 năm 1950. Trung đoàn 108 được Bộ Tư lệnh khu điều ra tham gia đợt hai của chiến dịch Hoàng Diệu, Thu Đông 1950, ở Quảng Nam-Đà Nẵng với mục đích bảo vệ mùa lúa đang chín (trọng điểm là Điện Bàn); phá âm mưu bình định, dồn dân, bắt lính của địch, diệt một số cứ điểm, hỗ trợ nhân dân chống địch chiêu an, đưa phong trào du kích chiến tranh vượt qua khó khăn, giữ vững phong trào kháng chiến ở vùng tạm bị chiếm. Từ cán bộ đến chiến sỹ đều nô nức phấn khởi trở lại chiến trường cũ rất đỗi thân yêu.

        Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt một do Tiểu đoàn 29 và lực lượng vũ trang các huyện đảm nhiệm, đánh thắng trận đầu ngày 5 tháng 8 ở đình Bảo An (Điện Quang) và trận phục kích ỉơ tuyến đườn Giao Thuỷ-Tuý La và Ái Nghĩa-Điện Hồng, cùng dân quân, du kích bám sát, bắn tỉa các đơn vị địch, đặt mìn chống địch càn quét cướp lúa; tiến vào vùng xung yếu, khu tập trung diệt tề, trừ gian xây dựng cơ sở, chuẩn bị phá chiêu an, dồn dân trong toàn tỉnh của địch.

        Bước vào đợt hai chiến dịch, Trung đoàn 108 tham gia chiến dịch Hoàng Diệu chỉ có Tiểu đoàn 19 và Tiểu đoàn 79, còn Tiểu đoàn 50 di dẹp loạn ở Ba Tơ (Quảng Ngãi). Tiểu đoàn 19 đã hoạt động phân tán, tiêu hao, kiềm chế địch có kết quả ở La Nghi, Gò Nổi, đánh địch đi tuần tiễu trên đường La Nghi diệt gọn một trung đội địch.

        Sau các đợt hoạt động liên tiếp ở Tứ Hải, ta chuẩn bị sẵn sàng đánh địch vào giữa xã Điện Hoà với ý định chống các cuộc càn quét nhỏ, nhưng tình hình không diễn ra như ta dự kiến.

        Ngày 4 tháng 11 năm 1950, với lực lượng 1.500 quân cơ động ứng chiến, cộng thêm quân các cứ điểm Bình Long, Phong Thử, Ngũ Giáp, Quá Giáng, có 10 máy bay yểm trợ, địch chia làm ba mũi tiến công chính diện và hai bên sườn đội hình ta, bao vây xã Điện Hoà. Lực lượng ta chỉ bằng một phần năm lực lượng địch và đang ở thế bị kẹp giữa đường sắt và quốc lộ 1. Anh Phan Hoan- huyện đội trưởng Điện Bàn (Sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 5) đã lo lắng và liên tưởng: “Chiến dịch Biên giới ta vây đánh tan hai binh đoàn cơ động mạnh và bắt sống hai viên chỉ huy binh đoàn sừng sỏ của Pháp là Sác-tông và Lơ Pa-giơ, chẳng lẽ ở đây Trung đoàn 108 và ban chỉ huy trung đoàn lại để cho địch đánh bại và bắt sống ban chỉ huy thì coi bằng hoà”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:29:28 am »


        Tiểu đoàn 79, Tiểu đoàn 19 phân tán thành từng tiểu đội, trung đội phối hợp cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích bám từng bờ tre, mương nước, gò mả chiến đấu ngăn chặn địch. Trước sự tiến công dồn dập của địch, nhiều cán bộ, chiến sỹ ta đã nêu gương tuyệt vời của lòng dũng cảm hy sinh, tiêu biểu là chiến sỹ Trần Đức còn lưu truyền mãi trong lòng nhân dân huyện Điện Bàn cũng như trong toàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (ngày 7 tháng 5 năm 1956, đồng chí Trần Đức được Quốc hội và Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng nhì). Trong suốt trận chống càn ở Điện Hoà, nhân dân đã hết lòng ủng hộ, giúp đỡ bộ đội và dân quân du kích, không ngại gian khổ hy sinh dẫn đường cho bộ đội, tiếp tế cơm nước, di chuyển và chăm sóc thương binh, liệt sỹ, tổ chức đốt khói nghi binh, đánh lạc hướng cho bộ đội chiến đấu và rút lui an toàn. Nhớ lại trận đánh ở đèo Hải Vân lần thứ ba, ngày 24 tháng 1 năm 1949, tôi không khỏi bồi hồi xúc động, càng thấy rõ lòng dân mạnh hơn máy bay, đại bác của địch, chiến tranh nhân dân thực sự là vô địch.

        Cuộc càn quét của địch, tuy có gây khó khăn cho ta, nhưng chúng không tiêu diệt được chủ lực, không cướp được lúa và bình định vùng du kích của ta. Chính địch cũng phải thú nhận thất bại: “Cuộc hành quân với 1.500 bình lính, có đủ máy bay, đại bác, cơ giới vào Điện Hoà đã đưa đến kết quả…không đi đến đâu cả”.

        Chiến dịch Hoàng Diệu kết thúc thắng lợi, bộ đội và nhân dân bảo về được mùa lúa ở Điện Bàn, vựa thóc của tỉnh và của Liên khu 5, phối hợp chặt chẽ với chiến dịch Biên Giới, buộc địch phải rút năm tiểu đoàn Âu-Phi ở Bắc Bộ vào tăng cường cho mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, thực hiện ý định của cấp trên về phân tán lực lượng địch trên chiến trường Bắc Bộ.

        Sau Chiến dịch Hoàng Diệu, Trung đoàn 108 lại trở về Quảng Ngãi tiếp tục vận động quần chúng dẹp loạn ở Sơn Hà, đồng thời chuẩn bị đánh phân tán tiểu khu Công Plông- căn cứ chỉ huy, tiếp tế, nuôi dưỡng bọn phiến loạn, một trong những cứ điểm kiên cố trong tiểu khu Kon Tum của địch cùng các cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, Công Rãy hình thành tuyến cứ điểm vững chắc bảo vệ Kon Tum, uy hiếp miền tây Quảng Ngãi. Đây là trận đánh công kiên đầu tiên do Trung đoàn 108 đảm nhận, sau khi tiếp thu được kinh nghiệm trong chiến dịch Biên Giới, đánh dấu một sự chuyển biến mới về chiến lược, chiến thuật của chiến trường toàn quốc nói chung cũng như của Liên khu 5 nói riêng.

        Có thể nói, chiến trường Quảng Nam-Đà nẵng là nơi tôi gắn bó lâu nhất (1946-1950) trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Liên khu 5, để lại cho tôi nhiều kỷ niệm và nhiều bài học sâu sắc.

        Phát huy những kinh nghiệm cơ bản, vô giá của cuộc vận động cách mạng tháng Tam, nhất là những kinh nghiệm hoạt động trong lòng Hà Nội trước tháng tám năm 1945, từ lúc làm Chính trị viên Đại đoàn 31, Chính trị viên Uỷ ban Quân sự đến Chính uỷ Trung đoàn chủ lực 108, có khi là người tối hậu quyết định của mặt trận, tôi dã vượt qua mọi khó khăn thử thách vươn lên làm tròn nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách mạng. Cũng chính từ mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, thực hiện đường lối, phương châm, phương thức chiến tranh của Trung ương Đảng, Tổng Chính uỷ và Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Đồng, của Liên khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 5, tôi rút được nhiều bài học mới về chiến lược, chiến thuật, về chỉ huy chiến đấu, nhất là nâng cao trình độ công tác đảng, công tác chính trị, công tác xây dựng cơ sở phát động nhân dân chiến tranh, xây dựng lực lượng chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương… Những bài học đó có giá trị rất lớn khi tôi về làm chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu 5 cũng như cả thời gian sau này trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

        Quảng Nam-Đà Nẵng là cửa ngõ của miền Trung Đông Dương, là chiến trường chính của Liên khu 5, có địa hình địa thế tiêu biểu của cả nước: vừa có đồng bằng, rừng núi; vừa có đô thị, hải cảng lớn, nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường không; vừa có vùng bị địch tạm chiếm vừa có vùng tự do; là nơi có truyền thống yêu nước chống thực dân Pháp từ ngày chúng nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta (1858) và trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chín năm, là nơi  trung đoàn trưởng thành vượt bậc, vừa có những chiến công vang dội, vừa có phong trào nhân dân, du kích chiến tranh mạnh nhất của Liên khu 5 đã từng làm cho quân thù hoảng sợ. Tên Đờ-bát-tít-ty, chỉ huy mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng của quân Pháp đã phải thú nhận một sự thật cay đắng với chúng trên chiến trường này, một chiến trường không chỉ có bộ đội đánh giặc mà toàn dân đều đánh giặc và phát triển đến mức độ cao: “Ở đây, mỗi người dân là một bức tường, thậm chí đến đứa trẻ cũng là cái mắt lưới đáng sợ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:31:14 am »


        Chiến tháng Biên Giới (10/1950) có ý nghĩa chiến lược quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta, buộc thực dân Pháp đứng trước tình thế “ tiến thoái lưỡng nan. Nhưng với bản chất ngoan cố và tham vọng điên cuồng, dựa vào viện trợ của Mỹ, thực dân Pháp ráo riết thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” đưa Đờ lat Đờ Tát-xi-nhi, Tư lệnh lục quân khối Tây âu sang làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh kiêm cao uỷ Pháp tại Đông Dương hòng xoay chuyển tình thế.

        Để phá kế hoạch của Đờ Tát-xi-nhi, đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi, sau Đại hội Đngr toàn quốc lần thứ II (2/1951), Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở liên tiếp bốn cuộc họp) chủ trương:

        1. Ra sức tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

        2. Phá tan kế hoạch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch.

        3. Bồi dưỡng sức kháng chiến của nhân dân, xây dựng lực lượng, củng cố hậu phương, thực hiện cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến.

        Về quân sự, Trung ương Đảng vạch ra phương châm tác chiến chung là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; ở Bắc Bộ nâng vận động chiến lên vị trí chủ yếu đồng thời phát triển công kiên chiến; các chiến trường khác đẩy mạnh du kích chiến, kiềm chế địch và phối hợp với chiến trường chính có hiệu quả hơn, học tapạ đánh vận động trong những điều kiện thuận lơi; phương châm xây dựng là nâng cao chất lượng của bộ đội chủ lực bằng cách tiến hành chỉnh huấn chính trị, thực hiện biên chế, giải quyết tốt vấn đề cung cấp, đẩy mạnh việc xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích, đẩy mạnh công tác vận động binh lính địch; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội.

        Trung ương Đảng đặt công tác chỉnh Đảng và chỉnh quana là công tác trung tâm về xây dựng Đảng và xây dựng lực lượng vũ trang. Yêu cầu chỉnh quân là nâng cáo giác ngộ giai cấp và giác ngộ dân tộc cho cán bộ chiến sỹ, quán triệt quan điểm trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh kết hợp với nâng cao trình độ chiến thuật, kỹ thuật, chăm lo đời sống, bồi dưỡng và mạnh dạn cất nhắc cán bộ công nông, nâng cao hơn nữa chất lượng chiến đấu của bộ đội ta. Yêu cầu của chỉnh Đảng là củng cố lập trường vô sản cho cán bộ, đảng viên, thống nhất tư tưởng hành động trên cơ sở quán triệt quan điểm bồi dưỡng sức dân, chống tư tưởng tiểu tư sản và ảnh hưởng của các tư tưởng phi vô sản khác; chống các biểu hiện “tả khuynh”, “hữu khuynh”, không phân biệt rõ bạn, thù, ỷ lại, ngại đánh lâu dài, kém ý thức tổ chức và kỷ luật, quan liêu, mệnh lệnh, hủ hoá; làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn mới.

        Để chuẩn bị triển khai chủ trương trên đây trong toàn Đảng, toàn quân, Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng Chính uỷ tổ chức các lớp thí điểm và bồi dưỡng phương pháp tổ chức thực hiện cho một số cán bộ chủ chốt của cơ quan Trung ương, địa phương, các quân khu, đại đoàn.

        Tháng 6 năm 1951, tôi được Liên khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu cử ra Việt Bắc dự lớp chỉnh huấn và tham gia chiến dịch Hoà Bình để rút kinh nghiệm đánh lớn ở chiến trường chính. Tháng 4 năm 1952, tôi trở về liên khu 5 và được Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Liên khu  giao phụ trách côgn tác chỉnh huấn cho cán bộ tiểu đoàn và đại đội; số cán bộ chủ chốt của Bộ Tư lệnh Liên khu và các trung đoàn thì dự các lớp chỉnh Đảng do liên khu uỷ mở. Đợt chỉnh huấn kéo dài từ giữa năm 1952 đến giữa năm 1953 cho toàn thể cán bộ và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang liên khu.

        Cùng với kết quả của chỉnh huấn quân sự, việc chỉnh huấn chính trị đối với cán bộ, chiến sỹ trong các đơn vị của Liên khu lần này thực sự đã đem lại kết quả rất tốt cả về quan điể, nhận thức và phương pháp tư tưởng đối với cách mạng dân tộc dân chủ, nhất là đối với vai trò của nông dana và cách mạng ruộng đất, nhận thức rõ hơn về đường lối kháng chiến của Đảng ta nhất là quan điểm trường kỳ kháng chiến, về tư tưởng tự lực cánh sinh... đồng thời cũng được nâng cao một bước về trình độ chiến lược, chiến thuật, về kỹ thuật đánh công kiên, đánh vận động quy mô lớn, đánh trong điều kiện chuẩn bị gấp hoặc không có chuẩn bị và một số vấn đề cơ bản về nghệ thuật chiến dịch cho cán bộ trung cấp... trong điều kiện cụ thể của chiến trường Liên khu 5.

        Qua học tập, tinh thần yêu nước, lòng yêu nhân dân lao động, chí căm thù địch được nâng cao, càng thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa cán bộ và chiến sỹ, đoàn kết giữa bộ đội với nhân dân, biến thành quyết tâm trong học tập cũng như rèn luyện trên thao trường. Cán bộ, chiến sỹ đều ra sức suy nghĩ, tìm tòi học tập để đảnh chắc thắng trong những điều kiện khó khăn phức tạp và ác liệt hơn trước.

        Với phương châm nghiêm túc, thận trong, lấy giáo dục làm chính, không truy bức tư tưởng kết hợp với kiểm tra điều chỉnh có trọng điểm, các đơn vị lần lượt tiến hành chỉnh đốn về tổ chức. Các cấp uỷ Đảng cũng như bộ máy quân sự các cấp được kiện toàn. Hàng ngàn cán bộ và chiến sỹ xuất thân từ thành phận công, nông trải qua rèn luyện thử thách được kết nạp vào Đảng, được giao những nhiệm vụ quan trọng hơn. Những cán bộ, chiến sỹ xuất thân từ tầng lớp trí thức, tiểu tư sản có thành tích trong chiến đấu cũng được chú ý cất nhắc, không thành phần chủ nghĩa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:32:11 am »


        Kết quả đó cùng với việc thi hành Nghị Quyết 4 của Trung ương Đảng (1/1953) về thực hiện chính sách ruộng đất ở vùng tự do đã có tác dụng to lớn về chính trị, tư tưởng, về đẩy mạnh các mặt công tác đặc biệt trong nghệ thuật, kỹ thuật chỉ huy chiến đấu trong Đông Xuân 1953-1954. Sau bảy tháng chiến đấu liên tục, quyết liệt, quân ta đã chiến thắng vang dội trên chiến trường Bắc Tây Nguyên, đập tan tham vọng lấn chiếm vùng tự do Liên khu 5 trong chiến dịch Át-lăng mà không phải dừng lại để chỉnh huấn thêm.

        Cuối năm 1952, sau thời gian về phục trách công tác chỉnh huấn của Bộ Tư lệnh Liên khu 5, tôi được Bộ Chính trị quyết định bổ sung vào Liên khu uỷ và được phân công làm trưởng phòng chính trị (nay là chủ nhiệm chính trị) Liên khu 5, tiếp tục tham gia Đảng uỷ quân sự Liên khu. Những kinh nghiệm rút ra từ việc trực tiếp lãnh đạo chỉ huy cuộc chiến đấu ở mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng trong những năm 1946-1950 và qua chỉ đạo công tác chỉnh huấn chính trị trong năm 1952 đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành tốt công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang Liên khu 5 thời gian sau đó.

        Sau tám năm liên tiếp bị thất bại, tháng 5 năm 1953, thực dân Pháp cử Na-va sang thay Đờ Lát Tát-xi-nhi làm tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Na-va vạch kế hoạch lớn hòng xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi có tính chất quyết định, kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng. Kế hoạch êu rõ là trong Thu đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, thực hành tiến công chiến lược để bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương, xoá bỏ vùng tự do gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên của Nam Trung Bộ.

        Tháng 9 năm 1953, sau khi phân tích cụ thể cục diện chiến tranh ở đông Dương và âm mưu mới của Pháp-Mỹ, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta nhận định: Kế hoạch Na-va tuy có gây cho chúng ta những khó khăn mới, nhưng bản thân nó chứa đựng nhiều mâu thuẫn và có nhiều nhược điểm lớn. Bộ Chính trị chủ trưởng mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 bắng ba đòn tiến công lớn:

        1. Tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc, phốihợp vơi quân giải phóng Lào giải phóng Phong-xa-lỳ.

        2. Phối hợp với quân giải phóng Lào và quân giải phóng Cam-pu-chia, mở rộng vùng giải phóng tới sau lưng Sài Gòn, đánh thông đường chiến lược Nam Bắc Đông Dương.

        3. Giành địa bàn chiến lược Tây Nguyên, phá tan âm mưu bình định miền Nam của địch.

        Trong lúc đó, trên các mặt trận phía sau lưng địch, trước mắt đẩy mạnh chiến tranh du kích, củng cố và phát triển các căn cứ du kích và khu du kích, phá tan kế hoạch xây dựng nguỵ quân và dồn dân của địch. Tiếp theo, tuỳ diễn biến của tình hình mà sử dụng một bộ phận chủ lực tiến sâu vào sau lưng địch phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh đấu tranh phá kế hoạch “bình định” của địch, thu hẹp vùng tạm chiếm, phối hợp với cuộc tiến công trên mặt trận chính diện.

        Ở Nam Trung Bộ, từ mùa Hè 1953, Na-va ráo riết tăng cường lực lượng đánh phá các khu du kích của ta hòng ổn định phía sau trước khi tập trung lực lượng đánh ra vùng tự do; ráo riết tiến hành chiến tranh tâm lý gây hoang mang, tung gián điệp, biệt kích xâm nhập, móc nối nhen nhóm lại các tổ chức phản động, xây dựng các tổ chức vũ trang phản động chuẩn bị bạo loạn trong vùng tự do.

        Cuối năm 1953, để chuẩn bị chiến dịch Át-lăng đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, quân Pháp gấp rút đưa các binh đoàn cơ động từ Pháp sang, từ Nam Triều Tiên về, từ Bình-Trị-Thiên vào, từ Nam Bộ ra cùng với các binh đoàn và tiểu đoàn tại chỗ hợp thành một lực lượng tập trung lên tới 40 tiểu đoàn, một lực lượng lớn chưa từng có ở chiến trường Đông Dương vào thời điểm đó.

        Sau khi phân tích toàn bộ tình hình địch, ta, mối quan hệ giữa chiến trường đồng bằng và Tây Nguyên, mối quan hệ giữa tiến công lên Tây Nguyên và bảo vệ vùng tự do Liên khu 5, Bộ Chính trị đồng ý kế hoạch của Tổng Quân uỷ trong kế hoạch tác chiến đông Xuân 1953-1954 ở chiến trường Liên khu 5 là: “Trong Đông Xuân này, Liên khu 5 cần tập trung lực lượng tiến công lên Tây Nguyên, phát triển lên Tây Nguyên phải coi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, nhiệm vụ củng cố vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai”.

        Do chưa nhận thức được hết ý nghĩa chiến lược của việc tiến công lên Tay Nguyên và trước âm mưu đánh chiếm vùng tự do của địch, trong cán bộ, nhân dân, kể cả một bộ phận cán bộ lãnh đạo phân vân, lo ngại: “Nếu đánh lên Tây Nguyên mà không phá vỡ được thế trận của địch, không giành được một khu vực có giá trị chiến lược, mà lại để mất vùng tự do; hoặc ta chưa kịp đánh lên Tây Nguyên mà địch đã tiến công ra vùng tự do thì tình hình sẽ trở nên phức tạp”. Từ đó có ý kiến cho rằng: cần phải tập trung lực lượng củng cố căn cứ địa, bảo vệ vùng tự do, xem nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do Nam-Ngãi-Bình-Phú là quan trọng hơn cả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:32:49 am »


        Thấm nhuần và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Trung ương, Hội nghị Liên kh uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 5, đầu tháng 12 năm 1953, quyết định:

        - Tập trung toàn bộ chủ lực cho nhiệm vụ tiến công lên Tây Nguyên. Phải nắm chắc địch, ta, dự kiến mọi tình huống có thể xảy ra, đánh chắc thắng và thắng ngay từ trận đầu, kiên quyết đạt cho được mục tiêu đã đề ra.

        - Giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương, địch đánh đến địa phương nào địa phương đó tự đối phó, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch, kìm chân không cho chúng nhanh chóng mở rộng phạm vi kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do địch gây ra. địa phương nào địch chưa đến, phải tích cực động viên nhân dân phục vụ tiền tuyến.

        - Các chiến trường sau lưng địch tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh giao thông, bao vây đồn bốt; tổ chức đánh mạnh không cho địch rút lực lượng đi nơi khác, đồng thời ra sức tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng du kích, vùng giải phóng.

        Liên khu uỷ phân công anh Nguyễn Chánh-Bí thư Liên khu uỷ, Chính uỷ kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Liên khu 5 làm Bí thư Đảng uỷ kiếm Chính uỷ và Tư lệnh chiến dịch trực tiếp chỉ huy mặt trân Tây Nguyên. Tôi và anh Nguyễn Đôn-Tham mưu trưởng quân khu lo thường trực chỉ huy ở Bộ Tư lệnh Liên khu và phụ trách chống chiến dịch Át-lăng của địch ở vùng tự do. Với nhận thức tiến công lên Tây Nguyên và bảo vệ vùng tự do là hai nhiệm vụ song song mật thiết của chiến dịch, tuy điều kiện khẩn trương, phân tán nhưng Bộ Chỉ huy chiến dịch vẫn cố gắng làm việc tập thể. Một thời gian sau, anh Nguyễn Đôn cũng lên Tây Nguyên cùng với anh Nguyễn Chánh.

        Liên khu uỷ điều động 200 cán bộ tỉnh, huyện tăng cường cho bộ máy lãnh đạo dân công phục vụ mặt trận, đồng thời cũng điều động gần 200 cán bộ của Liên khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu về các tỉnh tự do cùng cấp uỷ, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng lực lượng, xây dựng làng chiến đấu, bố phòng sẵn sàng đánh trả các cuộc tiến công của địch.

        Trước khi đi vào cuộc chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong quân đội cũng như các địa phương, các đơn vị chủ lực đã xác định được vai trò, vị trí của bộ đội chủ lực trong chiến dịch; lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương cũng đã sẵn sàng; các tiểu đoàn của tỉnh và đại đội của các huyện vùng tự do được tăng cường và củng cố, lực lượng dân quân du kích được chuẩn bị thêm cả về tinh thần tư tưởng, kỹ-chiến thuật và kế hoạch đối phó với bộ đội địa phương xây dựng thế trận chiến đấu; nam nữ thanh niên và trung niên tham gia dân công hoả tuyến; số còn lại, kể cả các cụ phụ lão, nông dân lớn tuổi, các mẹ, các chị mỗi người một việc nô nức hối hả chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho chiến trường và dự trữ lực lượng cho cuộc chiến đấu ở địa phương. Ai nấy đều hồ hởi, quyết tâm.

        Trong khi thế chiến thắng của quân và dân cả nước trên khắp các chiến trường, để mở màn chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, ngày 1 tháng 1 năm 1954, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 phát động phong trào thi đua giết giặc lập công, giành cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn lực lượng vũ trang liên khu.

        Theo đúng kế hoạch, từ đầu tháng 1 năm 1954, trên các chiến trường sau lưng địch, quân ta lần lượt nổ súng, hoạt động đều, đánh trúng một số mục tiêu chuẩn bị cho cuộc hành quân lớn của địch, nhưng vẫn chưa đủ sức buộc địch phải tập trung quân đối phó.

        Ngày 20 tháng 1, quân Pháp đưa 22 tiểu đoàn  trong đó có bốn binh đoàn cơ động: số 10, 100, 41, 42 và hai tiểu đoàn dù nguỵ đánh ra Phú Yên.

        Từ đầu tháng 1 năm 1954, Tỉnh uỷ Phú Yên đã chủ động lãnh đạo các ngành, các cấp khẩn trương chuẩn bị, nêu cao quyết tâm chiến đấu đồng thời phát động phong trào thanh niên đi bộ đội, tham gia dân quân du kích, nhân dân thi đua hoàn thành nộp thuế nông nghiệp, góp quỹ nuối du kích, tham gia phá hoại cầu đường, nhà kiên cố trên trục đường lớn, xây dựng làng chiến đấu, dời kho lúa, gạo, muối xa quốc lộ 1, lên miền tây hoặc ra phía bắc của tỉnh.

        Dựa vào làng chiến đấu và thế trận đã chuẩn bị sẵn, quân và dân Phú Yên chủ động đánh địch ngay từ lúc chúng mới đến, liên tục chặn đánh quyết liệt các cuộc tiến công, các đoàn xe vận tải tiếp tế của địch, đánh vào sân bay Tuy Hoà, gây cho chúng nhiều thiệt hại; loại khỏi vòng chiến đấu gần 800 tên địch sau 10 ngày vào trận.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM