Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:11:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46013 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:31:27 am »


        Tôi xuống phòng trực ban tác chiến. Đã khá muộn, nhưng cả anh Khánh và anh Đức còn ở đó. Các anh đang nắm lại tình hình. Tôi nói lại ý định của Bộ Chính trị và Quân uỷ về nội dung các hội nghị sắp tới và những việc Bộ Tổng tham mưu cần làm. Riêng về báo cáo chiến sự, chúng tôi trao đổi ý kiến và nhất trí rằng trong những ngày này, các anh trong kia còn rất bận, mọi công việc sau chiến trắng rất bề bộn, chờ điện báo cáo tổng hợp thì chậm, nhất là tình hình diễn biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Phải dùng cả điện thoại và vô tuyến điện và dựa vào sự giúp đỡ của các phái viên của Bộ Tổng tham mưu ở trong đó, nắm lại diễn biến chiến sự từ ngày 30 tháng 4, trong đó chú ý phong trào tiến công và nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long. Cơ quan tham mưu nắm vấn đề này chưa vững, chưa kịp thời, vì vừa qua chúng ta tập trung nhiều vào việc theo dõi Mặt trận Sài Gòn. Cần có báo cáo kịp thời để Bộ Cính trị và Quân uỷ chỉ đạo giải phóng tiếp các địa bàn còn lại.

        Đường Hoàng Diệu đã sáng đèn. Có tiếng loa phóng thanh từ xa vẳng đến. Phát thanh viên đang đọc tin chiến thắng trong bản tin buổi tối. Một ngày đã trôi qua, ngày 30 tháng 4, với những sự kiện liên tiếp diễn ra. Nhưng sự kiện lịch sử của ngày 30 tháng 4 sẽ được ghi đậm nét trên chặng đường 30 năm giải phóng dân tộc.

        Hôm sau, ngày 1 tháng 5. Những người lao động bốn biển, năm châu chia vui với dân tộc Việt Nam đúng vào một ngày lịch sử quốc tế. Tự hào biết bao đối với Đảng ta, dân tộc, ta, Quân đội ta, đã giành thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đúng vào ngày kỷ niệm trọng đại của giai cấp cần lao thế giới.

        Tại cơ quan Bộ Tổng tham mưu chiều hôm đó, tất cả cán bộ cao cấp, trung cấp đều có mặt ở hội trường để mừng ngày lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân và mừng chiến thắng mà quân và dân cả nước mới giành được.

        Thay mặt Thủ trưởng Bộ, phát biểu ý kiến trong cuộc mít tinh trọng thể này, tôi trình bày vắn tắt một số vấn đề về quá trình hình thành và phát triển quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị từ sau Hiệp định Pa-ri đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vừa qua; khái quát quá trình diễn biến của ba chiến dịch - chiến lược trong hai tháng 3 và 4 năm 1975; ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi trong đó đi sâu phân tích sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương.

        Trong ngày lịch sử huy hoàng này, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến sự lãnh đạo tài tình của Đảng trong 20 năm chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong 3 năm cuối của cuộc chiến tranh. Từ những dự kiến đầu sau hiệp định, đến từng bước phát triển của cục diện chiến trường, Đảng ta đã kiên trì tạo thế mới, lực mới và trong hai tháng qua đã nhạy bén chớp thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm liên tiếp đánh những đòn quyết định, giành thắng lợi trọn vẹn. Trong thắng lợi chung đó, mỗi người, mỗi bộ phận trong cơ quan tham mưu chiến lược, từ các đồng chí phái viên ở phía trước, các cán bộ trực tiếp giúp việc chỉ đạo, chỉ huy ở phía sau, đến các chiến sỹ công vụ, vệ binh, lái xe, nấu ăn... tất cả đều làm tròn nhiệm vụ của mình, góp phần cùng toàn quân, toàn dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thân yêu.

        Sau khi nêu lên yêu cầu nhận thức đúng về tình hình mới và nhiệm vụ mới của cơ quan tham mưu chiến lược, thay mặt Thủ trưởng Bộ; tôi kêu gọi anh em tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và bản chất của người cán bộ cách mạng, người sỹ quan tham mưu trong điều kiện mới. Với thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa. Trong giờ phút đáng ghi nhớ của mùa Xuân đại thắng này, để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Tổng tham mưu trong giai đoạn mới, chúng ta càng ghi sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ hoà bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chủ động trước...”

        Cuộc mít tinh kết thúc, sau khi bài hát Giải phóng miền Nam và bài Quốc tế ca vang lên, trang nghiêm hùng tráng. Niềm vui dạt dào thể hiện trên nét mặt hân hoan của mọi người.

        Ngay sau buổi lễ chào mừng chiến thắng, chúng tôi thông qua bản báo cáo diễn biến chiến sự trong ngày chót của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thực ra, đến lúc này, Cục Tác chiến chỉ mới nắm được những điểm chính, nhất là trên các hướng tiến quân của các binh đoàn chủ lực. Sau ngày Sài Gòn giải phóng các phái viên được cử vào làm việc với cơ quan tham mưu chiến dịch và thành đội Sài Gòn. Bộ Tổng tham mưu mới xây dựng được bản báo cáo đầy đủ hơn về diễn biến của Mặt trận Sài Gòn cũng như cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long, đệ trình lên Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Kèm theo bản báo cáo lần này là tấm bản đồ thành phố Sài Gòn khổ rộng, trên đã ghi diễn biến ngày 30 tháng 4 của cuộc tiến công và nổi dậy từ vùng ven vào nội đô.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:32:15 am »


        Chúng tôi nhất trí nên báo cáo diễn biến của các cánh quân trên từng hướng, đánh vào các mục tiêu chủ yếu ở nội đô; vấn đề nổi dậy nói riêng ở Mặt trận Sài Gòn rồi đến đồng bằng sông Cửu Long; tập trung vào diễn biến ngày 30 tháng 4 như Bộ Chính trị đã chỉ thị, vì tình hình những ngày trước đó, các anh đã nắm được.

        Tại mặt trận Sài Gòn, ngày 30 tháng 4, trên cả 5 hướng các cánh quân đồng loạt tiến vào đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố:

        Trên hướng đông:

        Từ 5 giờ sáng, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2, được một phân đội đặc công phối hợp và dẫn đường, bắt đầu vượt cầu xa lộ sông Đồng Nai, tiến về Sài Gòn. Sau khi tiêu diệt địch ở Trường huấn luyện Thủ Đức, bộ phận đi đầu liên lạc được với Tiểu đoàn Biệt động 81 (đang giữ cầu Rạch Chiếc) rồi tiến về cầu xa lộ Sài Gòn (cầu Tân Cảng do biệt động đánh chiếm và giữ từ ngày 29 tháng 4). Sau khi tiêu diệt địch ở cầu Thị Nghè, binh đoàn thọc sâu đã mở được đường tiến về hướng “dinh Độc Lập”. Tổ đặc công đã dẫn đường cho xe tăng tiến vào cơ quan đầu não của chính quyền địch. Dương Văn Minh đầu hàng, cờ cách mạng được treo lên lúc 11 giờ 30 phút. Trong khi đó, các cánh quân khác của binh đoàn thọc sâu nhanh chóng toả ra chiếm đài phát thanh, nhà ngân hàng, trụ sở Bộ quốc phòng, Bộ tư lệnh Hải quân và Quận 4.

        Lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 ở bên ngoài tiếp tục truy quét địch ở khu Long Bình, chiếm và làm chủ thị xã Vũng Tàu, sau đó phát triển ra giải phóng đảo Cần Giờ.

        8 giờ sáng, sau khi tiêu diệt địch ở tuyến phòng thủ tây Hố Nai, Sư đoàn 7, đơn vị thọc sâu của Quân đoàn 4, theo đường 1 phát triển vào Biên Hoà. Cầu Mới qua sông Đồng Nai bị địch phá sập, cầu Ghềnh quá yếu, xe tăng không qua được, quân ta phải quay lại cầu xa lộ sông Đồng Nai để tiến vào thành phố Sài Gòn. 13 giờ, bộ phận đi đầu tới “dinh Độc Lập” của Quân đoàn 2. Lữ đoàn 52 tiến sau đội hình Sư đoàn 7, cũng đánh chiếm Bộ tư lệnh Biệt động quân.

        Các đơn vị còn lại của Quân đoàn 4 tiếp tục phát triển tiến công khu quân sự Biên Hoà; Sư đoàn 6 đánh chiếm sở chỉ huy Quân khu 3, Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 ngụy và sân bay Biên Hoà, Sư đoàn 341 đánh chiếm căn cứ Hóc Bà Thức và các thị xã Biên Hoà, Thủ Đức, sau đó phát triển vào nội đô.

        Trên hướng bắc:

        Sáng 30 tháng 4, Sư đoàn 320b thuộc Quân đoàn 1 được lệnh tăng tốc độ tiến quân. đến Lái Thiêu, sư đoàn theo đường 13 tiến thẳng về cầu Bình Triệu, bắt cả Lữ đoàn kỵ binh 3 và thiết đoàn 6 Ngụy đầu hàng (bọn này đang rút chạy về Sài Gòn), thu 140 xe tăng, thiết giáp. Trung đoàn 48 dùng 8 xe địch, bắt tù binh lái dẫn đường qua cầu Bình Triệu, theo đường Bạch Đằng – Chi Lăng tiến thẳng về Bộ Tổng tham mưu ngụy, bắt liên lạc với Đội biệt động Z.28. Anh em biệt động cho biết: Từ sáng, nhiều tướng tá ngụy đã bỏ chạy nhưng biệt kích dù vẫn ngoan cố giữ các cổng và chống cự quyết liệt. Từ 9 giờ sáng, một tổ biệt động 17 người cải trang làm lính ngụy bất ngờ đánh chiếm cổng số 3 rồi thọc thẳng vào khu làm việc trong Bộ Tổng tham mưu. Một tổ khác của Z.28 diệt khu trung tâm điện toán, bắt viên đại tá phụ trách trung tâm này cùng 30 sỹ quan, hạ sỹ quan và giao nhiệm vụ cho họ phải bảo vệ phương tiện khí tài để bàn giao cho quân đội giải phóng. Một tổ thứ ba của Z.28 , sau khi tiến công vào cổng số 2 không thành công, chuyển sang cổng số 3 thì gặp Trung đoàn 48 Trung đoàn trưởng cho tổ biệt động lên xe dẫn các mũi đánh thẳng vào bên trong Bộ Tổng tham mưu. 11 giờ 30, Trung đoàn 48 và biệt động đã làm chủ các cơ quan thuộc bộ Tổng tham mưu ngụy (trừ khu vực do Trung đoàn 28 Sư đoàn 10 đã chiếm giữ), với đầy đủ hồ sơ tài liệu, máy móc và phương tiện làm việc.

        Ở bên ngoài, Trung đoàn 27, Sư đoàn 320b, phối hợp với lực lượng vũ trang Bình Dương, đánh chiếm trung tâm huấn luyện Sư đoàn  ngụy và Chi khu quận lỵ Lái Thiêu; đánh quân địch từ Thủ Dầu Một chạy về, bắt tù binh dẫn đường tiến về cầu Bình Phước (do đặc công chiếm lại lần thứ hai lúc 7 giờ 30 phút). Sau khi qua cầu, quân ta đánh chiếm khu Bộ tư lệnh các quân chủng ngụy và Chi khu quận lỵ Gò Vấp, đồng thời cho một bộ phận tiến về “dinh Độc Lập”.

        Trong khi đó, Sư đoàn 312 tiến công tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận Sư đoàn 5 ngụy, tiến công căn cứ Phú Lợi, diệt lực lượng chính của địch ở Tiểu khu Bình Dương và lực lượng còn lại của Sư đoàn 5 ngụy. Bọn này gồm 1.200 tên cùng 36 xe đang rút từ Lại Khê, Bến Cát về An Lợi. Sau đó, Sư đoàn 312 phát triển lên đánh chiếm Chi khu quận lỵ Bến Cát, bắt toàn bộ hệ thống kìm kẹp của địch.

        Từ sáng, nhất là sau khi Dương Văn Minh kêu gọi ngừng bắn, cán bộ chính trị địa phương và lực lượng biệt động đã kịp thời phát động quần chúng nổi dậy, kết hợp với lực lượng vũ trang từ ngoài tiến công vào, nhanh chóng làm chủ thi xã Thủ Dầu Một.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:33:26 am »


        Trên hướng tây bắc:

        Từ 6 giờ sáng, một phân đội thuộc Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 tiến công tiểu đoàn dù 8 của địch và làm chủ ngã tư Bảy Hiền. Pháo binh cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất khi phân đội này phát triển vào lăng Cha Cả rồi đánh chiếm cổng số 5 của sân bay. Nhưng cả ba lần tiến công, xe tăng đều bị hoả lực địch chặn lại. Quân ta phải tổ chức lại đội hình tiến công và đưa pháo 85 lên ngắm bắn trực tiếp, diệt hoả điểm chống tăng của địch. Vượt quan cửa số 5, phân đội đánh thẳng vào chiếm Bộ tư lệnh Sư đoàn 5 không quân và khu truyền tin trong sân bay. Trong khi đó, một phân đội khác của Sư đoàn 10 đánh chiếm Bộ tư lệnh quân dù và liên lạc với phái đoàn quân sự của ta ở “Trại Đa-vít”. đến 11 giờ, phân đội thứ ba tiến công Bộ tư lệnh không quân. đến 14 giờ, các Tiểu đoàn 4, 5, 6 Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 10 đã hoàn toàn làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất.

        Trong khi Trung đoàn 24 tiến công sân bay, Trung đoàn 28 Sư đoàn 10 được lệnh đánh thẳng vào Bộ tổng tham mưu ngụy, phối hợp với Trung đoàn 48 Sư đoàn 20b. Dọc đường tiến quân, Trung đoàn 28 liên tiếp diệt quân dù ngoan cố chống cự,11giờ, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn đến cổng số 1 của Bộ Tổng tham mưu diệt một lô cốt và bắn cháy hai xe thiết giáp. Bọn Biệt kích dù giữ cổng bỏ chạy. Quân ta nhanh chóng đánh thẳng vào trong và cùng Trung đoàn 48 và lực lượng biệt động làm chủ cơ quan Bộ Tổng tham mưu ngụy.

        Cũng trong thời gian trên, theo lệnh của quân đoàn, Trung đoàn 64 cho một tiểu đoàn bộ binh, có xe tăng dẫn đầu, tiến về “dinh Độc Lập”.

        Trên hướng tây:

        Từ 4 giờ 30 sáng, Trung đoàn 1 Sư đoàn 9 Đoàn 232 đánh chiếm ngã ba Bà Quẹo rồi phát triển về ngã tư Bảy Hiên, ngay sau đội hình thọc sâu của Quân đoàn 3. Mặc dù máy bay địch ném bom dọc đường tiến quân, trung đoàn vẫn khẩn trương vượt lên theo đường Lê Văn Duyệt tiến về Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô. Nhân dân đổ ra đường hoan hô bộ đội. Đến cổng biệt khu, thấy địch bỏ chạy, trung đoàn chỉ dùng một tiểu đoàn đánh vào mục tiêu, bắt tướng ngụy Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt khu, hai tiểu đoàn còn lại được lệnh tiến về “dinh Độc Lập”.

        Trong khi đó, Trung đoàn 2 của Sư đoàn 9 nhanh chóng vượt qua ngã tư Bảy Hiền rồi theo đường Phan Thanh Giản tiến về “dinh Độc Lập”. Thấy đơn vị bạn đã đánh chiếm và làm chủ mục tiêu, trung đoàn này quay về Biệt khu thủ đô và toả ra chiếm các khu vực thuộc hai quận 2 và 10.

        Trung đoàn 3, sau khi giải phóng toàn bộ khu Bà Hom, Tân Tạo, diệt bọn địch từ Đức Hoà chạy về Sài Gòn, sau đó phát triển về hướng trường đua Phú Thọ, bức địch hàng, thu 18 khẩu pháo và hai kho súng trên 2.000 khẩu.

        Trên hướng nam:

        Từ 5 giờ sáng, Trung đoàn 24 (Quân khu Cool và Trung đoàn đặc công 429 phối hợp tiến công tiêu diệt địch ở ngã ba Bình Hưng Đông, đánh chiếm bốt cảnh sát quận 8 và cầu Nhị Thiên Đường rồi phát triển lên cầu chữ Y. 10 giờ 30 phút quân ta tiến vào chiếm Tổng nha cảnh sát, thu toàn bộ hồ sơ, tài liệu của địch. Sau đó, một bộ phận của Trung đoàn 24 tiến về “dinh Độc Lập”.

        Cùng lúc đó, sau khi vượt qua cầu Ông Thìn và ngã ba An Phú chiếm lĩnh tuyến đường 5, Trung đoàn 88 (Quân khu Cool chia thành hai mũi đánh chiếm Bộ tư lệnh Hải quân, Cảng Bạch Đằng và Chi khu quận lỵ Nhà Bè.

        Trên hướng đường 4, Sư đoàn 5 Đoàn 232 diệt và bức hàng toàn bộ Sư đoàn 22 ngụy, Liên đoàn Biệt động quân 6 và một liên đoàn bảo an, đánh chiếm các thị xã Tân An, Thủ Thừa. Quân địch ở Tân An chống trả quyết liệt. Trận đánh kéo dài từ 10 giờ đến 12 giờ kết thúc. Quân ta thu 9 khẩu pháo và 3 xe M113. Sau đó, Sư đoàn 5 nhanh chóng tiến công tiêu diệt Sư đoàn 22 ngụy trên đường 22, thu 10 xe M113.

        Như vậy là ngay trong buổi sáng ngày 30 tháng 4, các binh đoàn đột kích thọc sâu đã từ các hướng đồng loạt tiến công vào nội đô và đến trưa đã chiếm xong 5 mục tiêu chủ yếu đã được xác định là “dinh Độc Lập”, Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát và sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó đã nhanh chóng toả ra đánh chiếm các mục tiêu và khu vực khác trong thành phố. Một số điểm nổi lên trong sự hiệp đồng giữa các hướng là sau khi đánh chiếm mục tiêu chủ yếu được giao, các mũi đột kích đều cho một bộ phận tiến về “dinh Độc Lập” để hỗ trợ cho đơn vị bạn có trách nhiệm đánh chiếm mục tiêu quan trọng hàng đầu này.

        Đến buổi chiều, ta đã hoàn toàn làm chủ thành phố Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:33:48 am »


        Về phong trào nổi dậy của quần chúng vùng ven đô và nhất là nội đô, qua báo cáo của thành đội, sau này Bộ Tổng tham mưu mới nắm được tình hình cụ thể hơn,. Dưới sự chỉ đạo của các cơ sở cách mạng, của cán bộ chính trị do Thành uỷ phái vào và của các lực lượng biệt động thành, nhân dân ở nhiều nơi đã kịp thời nổi dậy phối hợp với cuộc tiến công của bộ đội trên các hướng, tạo nên một khí thế cách mạng rầm rộ, sôi nổi, áp đảo quân địch ngay từ đêm ngày 29 tháng 4.

        Hoạt động phối hợp và hỗ trợ của quần chúng trong quá trình bộ đội tiến công vào nội đô, diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú: tổ chức đón và dẫn đường cho bộ đội; sử dụng các loại xe chở bộ đội nhanh chóng tiếp cận và đánh chiếm các mục tiêu; dùng loa kêu gọi, giải thích, hù doạ, buộc địch đầu hàng; hướng dẫn bộ đội bắt bọn cảnh sát ác ôn và sỹ quan ngụy ngoan cố chạy trốn; cao hơn cả là xoá bỏ chính quyền địch, lập chính quyền tự quản ở phường, khóm. đường phố được giải phóng đến đâu, rừng cờ cách mạng lan nhanh đến đó, nhiều nhất là ở Hạnh Thông, Bình Hoà, Phú Nhuận, Bàn Cờ, Vườn Chuối, đường Trần Quốc Toản, cư xá Lữ Gia, ngã tư Bảy Hiền, Tân Phú, Phú Lâm....

        Hoạt động nổi bật của quần chúng nội thành đêm ngày 29 và sáng ngày 30 tháng 4 là có nơi như ở nhà máy sợi Khánh Hội, nhân dân nổi dậy phá kho lấy súng của địch trang bị cho tự vệ phường; bao vây trụ sở phường, kêu gọi địch đầu hàng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, như ở phường Bình Tây, Quận 6 (Chợ Lớn), phường Trần Quang Khải, Quận 1, phường Bến Thành, Quận 2, phường Trương Minh Giảng, Bàn Cờ, Quận 3... Anh chị em tù chính trị ở nhà lao Chí Hoà, Quận 10, nổi dậy phá ngục tự giải phóng, bung ra phát động nhân dân phường Chí Hoà đứng lên giành chính quyền. Khi Sư đoàn 9 tiến vào, lực lượng tự vệ Chí Hoà đã cùng anh em tù chính trị và quần chúng phối hợp đánh chiếm trại quân cụ, viện Quân y 115, trại Trần Nguyên Hãn. Ở nhiều phường khác, khi bộ tiến vào thành phố, hoạt động phổ biến của nhân dân là nổi dậy chiếm trụ sở phường, khóm, thu vũ khí của cảnh sát và phòng vệ dân sự, tiêu diệt bọn tề điệp, giải tán chính quyền địch.

        Công nhân, viên chức đã chấp hành chỉ thị của Thành uỷ và Uỷ ban khởi nghĩa nhanh chóng chiếm và làm chủ nhà máy, xí nghiệp, công sở của ngụy quyền trung ương và thành phố, không cho địch và những phần tử xấu phá hoại, lấy cắp hoặc tẩu tán máy móc, vật liệu sản xuất, kho tàng, hồ sơ tài liệu. Đặc biệt là các nhà máy điện và nhà máy nước Thủ Đức, ngay trong ngày 30 tháng 4 vẫn cung cấp đầy đủ điện nước cho thành phố (nguồn điện chỉ bị gián đoạn từ hai giờ). Tại hầu hết các nhà máy dệt, thực phẩm, cơ khí, công nhân đã bảo vệ an toàn máy móc, nguyên vật liệu, kho tàng. Hồ sơ, tài liệu và phương tiện làm việc của các công sở ngụy quyền đều được bảo vệ để bàn giao uỷ ban quân quản.

        Nhìn chung lại, trong hai ngày 29 và 30 tháng 4, trong tổng số 160 phường, đã có khoảng 60 phường nội thành nổi dậy giành chính quyền trước và trong khi chủ lực từ các hướng tiến công vào. Sau khi bộ đội đã vào thành phố, chính quyền địch trong 100 phường, khóm còn lại đều tan rã hết. Kết quả của các đòn tiến công quân sự trong quá trình của cuộc tổng tiến công đã tạo nên một thế hết sức thuận lợi cho phong trào quần chúng nổi dậy. Sự phối hợp kịp thời của lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và quần chúng từ vùng ven vào nội đô, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cánh quân chủ lực tiến công nhanh chóng, đã tiêu diệt lớn lực lượng địch, thúc đẩy nhanh đà tan rã, sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền, thực hiện được việc đánh chiếm và làm chủ thành phố còn nguyên vẹn nhanh, gọn, tạo điều kiện để đời sống nhân dân trong thành phố sớm trở lại bình thường.

        Về tình hình đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo của các Quân khu 8 và 9 cho thấy: trong những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn biến thuận lợ thì phong trào chuẩn bị tiến công và nổi dậy của lực lượng vũ trang và nhân dân hết sức khẩn trương. Quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp kịp thời và đắc lực với chiến trường trọng điểm Sài Gòn, thực hiện xuất sắc chủ trương đón thời cơ của Trung ương Cục là từng địa phương tự giải phóng với lực lượng chính mình.

        Từ sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Cục đến khi mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, ở đồng bằng sông Cửu Long, ta đã phát triển được 36 ngàn dân quân tự vệ, du kích, đã tuyển thêm được gần 14 ngàn tân binh, đã đưa du kích lên phát triển được thêm 30 tiểu đoàn bộ đôi địa phương. Lực lượng chính trị cũng phát triển mạnh. Quần chúng được động viên, tổ chức thành đội ngũ mạnh mẽ. Tất cả đã sẵn sàng chuyển lên cao trào tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng địa phương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:34:23 am »


        Đường 4, con đường huyết mạch cuối cùng của địch nối liền Sài Gòn với miền Tây đã bị cắt đứt hoàn toàn. Bọn địch ở đồng bằng sông Cửu Long không những không chi viện được cho đồng bọn ở Sài Gòn mà còn bất lực trước khi hình thức nổi dậy tự giải phóng của nhân dân trên toàn địa bàn chiến lược quan trọng đông người, nhiều của này.

        Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, trong lúc chủ lực Quân khu 8 cắt đường 4 và có một bộ phận phối thuộc cho Đoàn 232 tiến vào Sài Gòn từ hướng nam, chủ lực Quân khu 9 vừa tham gia cắt đường 4 vừa tiến công địch ở Cần Thơ, thì lực lượng vũ trang các tỉnh, huyện, xã cùng quần chúng thực hành tổng tiến công và nổi dậy đều khắp.

        Quân khu 4 Ngụy bị cô lập với Sài gòn, tiếp đến là việc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, bọn địch ở đồng bằng sông Cửu Long hoang mang, dao động cao độ, không còn ý chí đề kháng. Các cấp lãnh đạo địa phương đã nhạy bén chớp thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy, xoá bỏ chính quyền địch, giành quyền làm chủ ở từng địa phương. Với kinh nghiệm sẵn có về vận dụng chiến lược tổng hợp, kết hợp chặt chẽ hai chân, ba mũi, cấp uỷ các khu, tỉnh, huyện, xã đã động viên hàng chục vạn quần chúng xuống đường biểu dương khí thế cách mạng, bao vây đồn bốt, quận lỵ, chi khu để làm áp lực, đẩy mạnh hoạt động binh vận của hàng ngàn, hàng vạn gia đình binh sỹ, kêu gọi con em trong hàng ngũ địch hạ vũ khí đầu hàng cách mạng. Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú. Bước đầu, do tài liệu chưa thật đầy đủ, chúng tôi tạm thời khái quát thành ba hình thức dưới đây:

        Trước hết là hình thức tiến công của lực lượng quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng tại chỗ như ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Vị Thanh... Lực lượng vũ trang đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã thì quần chúng nổi dậy bao vây bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bốt. Gia đình quân ngụy xuống đường kêu gọi con em, tranh thủ cô lập bọn sỹ quan, tạo thế cho tiến công quân sự. Khi bọn địch ở Sài Gòn đầu hàng thì quần chúng tràn vào toà hành chính, buộc tỉnh trưởng đầu hàng. Ba mũi giáp công áp đảo buộc các đơn vị bảo an địch phải hạ vũ khí. Khi bọn địch ở sân bay Sóc Trăng phản kích, lực lượng vũ trang đánh lui địch, bao vây bức hàng thì quần chúng nổi dậy chiếm thị xã. Cũng có nơi như ở Vị Thanh, khi địch ở Sài Gòn đã đầu hàng nhưng quân địch ở đây vẫn chống cự quyết liệt, lực lượng vũ trang bắn pháo vào hậu cứ địch, đoạt xe M113 tiến công vào dinh tỉnh trưởng, cuối cùng làm chủ thị xã.

        Một hình thức khác là khi lực lượng vũ trang tiến công áp sát các mục tiêu ở ngoại vi, quần chúng nắm thời cơ nổi dậy giành chính quyền như Cần Thơ, Mỹ Tho, Rạch Giá, Vĩnh Long, Bến Tre, Gò Công. Ở Cần Thơ khi nghe tin địch ở Sài Gòn đã đầu hàng, Thành uỷ lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở các phường, mở khám giải phóng tù chính trị và thanh niên bị bắt. Quần chúng xuống đường chiếm đài phát thanh gây áp lực, làm tan rã bọn địch ở sân bay Trà Nóc, trong khi đó bộ đội từ các hướng tiến công vào thị xã. Ở Vĩnh Long, sau khi đã cắt đường 4, ta gọi địch đầu hàng, chúng ngoan cố chống cự, lực lượng vũ trang tiến công các vị trí trong thị xã, quần chúng nổi dậy bao vây dinh tỉnh trưởng buộc phải đầu hàng. Nhân dân làm chủ thị xã sáng ngày 1 tháng 5. Ở Gò Công, ta không có lực lượng tiến công địch từ ngoài vào mà huy động quần chúng tập trung các loại xe nhanh chóng tiến vào thị xã bằng nhiều hướng, cùng nhân dân tại chỗ bức địch đầu hàng. Ta làm chủ thị xã đồng thời với các huyện.

        Hình thức thứ ba là công tác binh vận đi trước một bước, kết hợp với quần chúng nổi dậy buộc địch hàng trước khi lực lượng vũ trang tiến công địch như ở Bác Liêu, Châu Đốc. Do ta cử người gặp trước, buộc tỉnh trưởng (hoặc phó tỉnh trưởng) phải đầu hàng, ta lấy xe cắm cờ Mặt trận đưa quần chúng kéo vào dinh tỉnh trưởng, nơi đã có hàng vạn quần chúng tại chỗ tập trung từ trước. Tỉnh trưởng tuyên bố đầu hàng cách mạng. Ta tiếp nhận bàn giao chính quyền, 6 tiểu đoàn của ta ở Bạc Liêu không phải ra quân chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:34:49 am »


        Như vậy là, trừ một số nơi địch ngoan cố chống lại, còn nhìn cùng, chỉ trong hai ngày 30 tháng 4 và 1 tháng 5, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân các tỉnh, huyện, xã ở khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn và ít tổn thất. Bằng tiến công đồng loạt, nổi dậy đồng loạt, ta đã làm chủ toàn bộ các thành phố, thị xã, thị trấn, đã chiếm các căn cứ quân sự lớn, các chi khu quận lỵ, các sân bay, đã tiêu diệt, bức hàng và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 4 ngụy, đánh đổ toàn bộ chính quyền địch từ tỉnh, huyện đến cơ sở, giải phóng hoàn toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long và các đảo Công Sơn, Phú Quốc, kết thúc thắng lợi trọn vẹn sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi được bổ sung và chỉnh lý bước đầu, bản báo cáo được trình bày trong cuộc họp ngày 2 tháng 5 của Thường trực Quân uỷ. Các anh góp nhiều ý kiến quan trọng, nhất là những kết luận rút ra về chỉ đạo vận dụng các phương châm, phương thức trong quá trình chuẩn bị và thực hành đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng.

        Trong hội nghị lần này, Thường trực Quân uỷ tập trung thảo luận một số vấn đề quân sự trước mắt đã được Bộ Chính trị nêu lên trong cuộc họp ngày 30 tháng 4.

        Trong việc củng cố vùng mới giải phóng, nhất là quân quản các thành phố lớn, phải phát động nhân dân giúp quân đội và các lực lượng an ninh kiên quyết truy quét bọn tàn quân còn lẩn trốn, nhất là bọn chỉ huy, bọn cầm đầu ác ôn ngoan cố không chịu ra trình diện, trốn tránh cải tạo. Phải nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội, để nhân dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Riêng đối với bọn Phun-rô đang lén lút hoạt động phá hoại vùng Tây Nguyên, phải chỉ đạo địa phương tiếp tục giúp đỡ bộ đội tiêu diệt bọn cầm đầu và kêu gọi những người còn lầm đường theo chúng mau tỉnh ngộ trở lại với gia đình, với buôn làng đã giải phóng. Đây là một công việc khó khăn, phức tạp, phải có kế hoạch phối hợp giữa các ngành, các cấp, để cùng nhân dân địa phương tiến hành kiên trì, vì nó có quan hệ đến các mặt quân sự, chính trị, xã hội và đoàn kết dân tộc.

        Việc thu hồi các phương tiện chiến tranh của địch là một công tác lớn. Bộ Tổng tham mưu và các tổng cục cần có kế hoạch kiểm tra lại các kho tàng và khối lượng rất lớn chiến lợi phẩm còn rải rác khắp nơi, để thống kê, bàn giao, bảo quản chu đáo và có kế hoạch điều chỉnh sử dụng đối với từng loại ở từng địa phương, đơn vị.

        Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu kế hoạch điều chỉnh bước đầu các đơn vị chủ lực của Bộ. Không nên để nhiều lực lượng trong thành phố, mà nên lui ra ngoài theo một kế hoạch sơ bộ về bố phòng trên cả hai miền, cả ở đô thị và nông thôn, biên giới và hải đảo. Cần điều chỉnh một bước, sau sẽ căn cứ vào kế hoạch phòng thủ chung mà bố trí lại cho phù hợp. Dù ở nông thôn hay thành phố, cần chỉ đạo các đơn vị tăng cường giáo dục bộ đôi chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật và chính sách vùng mới giải phóng, giữ gìn bản chất tốt đẹp của quân đội cách mạng.

        Đối với những nhân viên Ngụy quân, Ngụy quyền, nhất là các sỹ quan và viên chức cao cấp, phải tổ chức tốt việc giáo dục, cải tạo, để họ có thể trở thành những công dân tốt của chế độ xã hội mới.

        Ngoài ra, Thường trực Quân uỷ cũng đề cập đến một số công việc cụ thể như tổ chức lễ mừng chiến thắng trên cả hai miền, việc chuẩn bị tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trước mắt là kinh nghiệm chỉ đạo chuẩn bị và thực hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy vừa qua. Thắng lợi to lớn của 20 năm chống Mỹ, cứu nước và riêng hơn hai mươi năm cuối chiến tranh, đã cho chúng ta những bài học vô cùng quý báu về lãnh đạo chiến tranh, về chỉ đạo, chỉ huy các chiến dịch, về công tác tham mưu chiến lược. Cần nhanh chóng tổng kết, rút ra những kết luận chính xác, để vận dụng trong chỉ đao chiến lược trong giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước trong điều kiện Tổ quốc đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tế cuộc sống và chiến đấu mấy chục năm qua cho thấy âm mưu và thủ đoạn của bọn đế quốc và các thế lực phản động vòn vô cùng thâm độc: Mặc dù phải chịu những thất bại cay đắng, nhưng bản chất phản động không cho chúng có khả năng tiếp thu những bài học của lịch sử. Chủ động đi trước một bước trong việc tổng kết kinh nghiệm, làm cơ sở để nghiên cứu phương hướng xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong điều kiện mới là một yêu cầu vừa rất cơ bản vừa rất cấp bách, để trong bất kỳ tình huống nào, quân và dân ta cũng luôn chủ động trước âm mưu của mọi kẻ thù xâm lược”...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:44:36 am »


4. THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN HỮU AN



       
        Thượng tướng Nguyễn Hữu An sinh tháng 10 năm 1926 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Trường Yên huyện Gia Viễn (nay là Hoa Lư) tỉnh Ninh Bình. Đồng chí tham gia quân đội tháng Tám năm 1945 và từ đó liên tục chiến đấu trên các chiến trường, góp phần vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

        Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Nguyễn Hữu An trưởng thành từ chiến sỹ đến Trung đoàn trưởng. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Trung đoàn 174 Đại đoàn 316 do Nguyễn Hữu An chỉ huy được giao đảm nhiệm đánh chiếm đồi A1 – lá chắn phía Đông tập đoàn cứ điểm và là một vị trí trọng yếu bảo vệ chỉ huy sở của tướng Đờ Cát. Trận đánh kéo dài, đòi hỏi ở người chỉ huy bản lĩnh vững vàng, ý chí và trí tuệ kiên cường, sắc sảo: tập trung được sức mạnh ý chí của toàn đơn vị quyết giành thắng lợi. Sau gần 2 tháng giằng co quyết liệt giữa ta và địch, sáng ngày 7 tháng 5 Trung đoàn 174 đã đập tan hoàn toàn sức kháng cự cuối cùng của địch, làm chủ A1, mở toang cánh cửa sắt cho quân ta tiến vào hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

        Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Hữu An được giao đảm nhiệm:

        - Năm 1955 – 1964: Tham mưu phó Sư đoàn 16, Tham mưu phó Quân khu Tây Bắc.

        - 1964 – 1967: Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Sư trưởng các Sư đoàn 6 và 1.

        - Từ 1968 – 1974 là Tham mưu trưởng Quân Khu Hữu Ngạn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308, Phó Tư lệnh các Mặt trận: 31, Đường 9 và Quân khu Trị - Thiên.

        Năm 1975 là Tư lệnh Quân đoàn 2 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Trải qua nhiều cương vị công tác, sống gắn bó với cán bộ, chiến sỹ trên nhiều chiến trường gian khổ và ác liệt, đồng chí Nguyễn Hữu An đã tỏ rõ bản lĩnh của “nhà chỉ huy quân sự quyết đoán và mưu lược”. Đồng chí đã cùng bao đồng đội và nhân dân viết nên những bản anh hùng ca tuyệt đẹp - những chiến thắng còn vang vọng trong lịch sử như: Plây Me, Tu Mơ Rông, Ia Đrăng (Tây Nguyên), Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, Chiến dịch Cánh Đồng Chum.

        Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975, lực lượng Quân đoàn 2 do Nguyễn Hữu An chỉ huy nằm trong cánh quân phía Đông thần tốc hành tiến dọc miền Duyên Hải, giải phóng Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết... và cắm lá cờ giải phóng trên nóc dinh Độc lập trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

        Đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Hữu An tiếp tục đảm nhiệm: Phó Tổng thanh tra quân đội (1981-1984); Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, Quyền Tư lệnh Quân khu 2 (1984-1987). Từ năm 1988 đến 1991 là Giám đốc Học viện Lục Quân, sau đó là Giám đốc Học viện Quốc Phòng (1991-1995).

        Thượng tướng Nguyến Hữu An vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất, ba Huân chương Quân công (hai hạng nhất, một hạng ba), ba Huân chương Chiến công (hạng nhất, nhì, ba).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:45:59 am »


CHỚP LẤY THỜI CƠ MỚI

        “ Tháng 5 năm 1974 tôi nhận lệnh rời chiến trường Trị - Thiên ra Hà Nội chuẩn bị đi học ở Liên Xô. Các bạn tôi, gia đình tôi và nhất là tôi rất vui mừng với chuyến du học ngoại quốc có một không hai này.Từ trước tới giờ tôi chưa được đi học trường lớp hẳn hoi, nên chuyến đi học này đối với tôi đáng giá biết bao. Tôi tin rằng, lần này chắc chắn sẽ không có chuyện hụt hẫng như lần trước.

        Nghỉ vài ngày, thân thể chưa sạch bụi chiến trường đã có người của Cục Cán bộ tới báo: “Thôi không đi học ở Liên Xô, anh cứ nghỉ chờ nhận nhiệm vụ mới”.

        Hôm ấy tôi nhận được vài giấy mới xem trận đấu bóng ở sân Hàng Đẫy.

        Trung tướng Lê Trọng Tấn thấy tôi đang bước vào khán đài A, anh ra vui mừng vời tôi vào ngồi bên. Anh Tấn hỏi tôi:

        - Nghe tin anh ra để đi Liên Xô học phải không?

        - Vâng, nhưng lại có lệnh thôi rồi.

        Anh Tấn đỏ tai lên, nói gằn giọng:

        - Quái lạ thật ... thằng nào chiến đấu thì cứ chiến đấu miết. Tôi phải nói việc này mới được.

        Có lẽ nhờ anh Tấn nói với ai đó, tôi vẫn được sang Liên Xô học. Những năm tháng chiến đấu hiệp đồng tương đối hiện đại, với đối phương là quân đội Mỹ đã giúp tôi dễ dàng tiếp thu nguyên tắc, lý luận  quân sự học ở trường. Trong thời gian học, các thầy đã giúp tôi hiểu ra nhiều điều mới mẻ, có tính nguyên lý ngay trong những trận đánh tôi đã trải qua. Tôi biết ơn Đại tướng - Viện trưởng Sa-vơ- rốp, Thượng tướng Ma-za-ép đã tận tình giúp đỡ và nhiều cán bộ của học viện đã tỏ sự ưu ái đặc biệt đối với những học viên Việt Nam chúng tôi.

        Trở về nước (1-1975) vào dịp giáp Tết, tới sân ga Hàng Cỏ đã có người của Cục Cán bộ ra đón, tôi rất xúc động trước cử chỉ ấy của tổ chức. Bước lên xe, một trợ lý của Cục Cán bộ nói nhỏ với tôi: “Sáng ngày mai anh vào ngay Văn Phòng Bộ Tổng tư lệnh họp”.

        Tôi ăn mặc chỉnh tề vào cuộc họp. Các cử toạ trong cuộc họp đông đủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Trung tướng Tổng tham mưu phó Lê Trọng Tấn, Thiếu tướng Lê Tự Đồng, Thiếu tướng Lê Linh, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, và vài cán bộ của Cục Tác chiến.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì cuộc họp công bố quyết định tôi về thay Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Quân đoàn trưởng Quân đoàn 2. Tiếp đó là cuộc thảo luận về chọn hướng chiến dịch. Nghe đâu trước đó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu đã quyết định chọn hướng chiến dịch hướng đường 12 và khu vực bắc đường 12 (tây bắc Huế).

        Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 nghiên cứu trao đổi thấy rằng: hướng đường 12 địch hết sức đề phòng, và tăng cường lực lượng phòng thủ. Nếu ta đánh ở hướng này phải đột phá nhiều, đường sá chưa thông, cơ động khó khăn, và nếu có thời cơ thì không phát triển nhanh được.

        Cuộc họp (đầu tháng 2-1975) này đã tập trung thảo luận vào ý kiến đề đạt của Quân đoàn 2: chọn hướng tập trung chủ yếu của chiến dịch vào khu vực tây nam Thừa Thiên (khu vực đường số 14) tiến công dọc tả hữu sông Truồi ra đường số 1. Qua hai ngày thảo luận, mọi người đã nhất trí với ý kiến trên của Quân đoàn 2 và Quân khu Trị - Thiên. Chọn hướng này là hướng có lợi thế để triển khai binh hoả lực của quân đoàn, tập trung vào đối tượng chủ yếu là Trung đoàn 54 của địch bố trí trên khu vực điểm cao Núi Bông, Núi Nghệ, 224, 273, 308, vùng mỏ Tàu... là hướng hiểm yếu và bất ngờ với địch, khi thời cơ lớn xuất hiện ta có thể nhanh chóng chiếm đường số 1 chia cắt Huế, Đà Nẵng, hình thành thế bao vây cô lập địch ở Trị - Thiên - Huế.

        Cuối cuộc họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc nhở Quân khu và Quân đoàn phải chuẩn bị hai kế hoạch, kế hoạch thường lệ và kế hoạch đón thời cơ. Thời cơ đó có thể ở chiến trường khác tác động, hoặc có thể ngay ở Trị - Thiên tạo nên.

        Từ hôm đó tôi không còn thời giờ để chuyện trò tâm sự với vợ con. Một chồng tài liệu mật của Cục Tác chiến cho mượn, buộc tôi ngốn ngấu đọc để nắm được tình hình chung và tình hình chiến trường Trị - Thiên, qua đó tôi thấy nhiều sự phát triển mới mẻ và to lớn trong thời gian tôi xa đất nước.

        Tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị đã dự kiến thời cơ chiến lược cụ thể có thể xuất hiện sớm. Do đó, ngoài kế hoạch cơ bản hai năm 1975 -1976, còn chuẩn bị một kế hoạch để sẵn sàng đón thời cơ, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

        Chiến thắng Phước Long (6/1/1975) là chiến thắng đầu tiên trên chiến trường miền Nam, và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở gần Sài Gòn. Đây là một thắng lợi rất có ý nghĩa trong việc thăm dò khả năng chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần củng cố vững chắc thêm quyết tâm chiến lược, đã được Bộ Chính trị xác định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:46:31 am »


        Từ tình hình chung về chiến lược như vây, tôi thấy ý kiến của anh Lê Trọng Tấn nhắc “Phải thật nhanh, thật nhanh lên không thì không kịp thời gian” là rất xác đáng.

        Nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị cá nhân hai  ba ngày, tôi lại tạm biệt vợ con để ra trận. Thế là cái Tết sum họp gia đình mà tôi chắc mẩm từ khi rời Liên Xô về đành gác lại. Xe lăn bánh theo quốc lộ 1, tới đường 9 không gặp trắc trở gì. Quang cảnh đường 9 độ này đã xóa đi nhiều dáng dấp chiến trận ác liệt trước đây. Đông Hà đã có vẻ một thị trấn, trên bến dưới thuyền tấp nập, quán cà phê, quán ăn, quán bán tạp phẩm... đã có nhiều khách dừng lại mua bán. Từng đoạn dọc đường 9 nếu giạt về phía bắc khoảng trên dưới một cây số ta sẽ gặp những cụm nhà lợp tôn, hoặc lợp tranh còn mới, gọn ghẽ xinh xắn. Đây là khu vực thủ phủ của Chính phủ cộng hoà miền Nam Việt Nam; là bản doanh của Sư đoàn 325 Quân đoàn 2; đây là doanh trại của một binh trạm lập chân hàng...

        Nếu ta đi ngược về phía tây giáp chân đường Trường Sơn, sẽ thấy có một con đường đất đỏ ngoằn ngoèo chạy về phía nam, những đoạn nối đuôi nhau và những làn bụi đỏ cũng nối đuôi nhau bay lơ lửng trên sườn núi. Đó là con đường chiến lược đông Trường Sơn. Hơn ba vạn người gồm bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật được điều động tới đây mở đường...

        Không khí của khu vực này có cái gì đó sôi sục khẩn trương thôi thúc lòng người. Tôi có cảm giác mình đang đến với một công việc lớn lao, trang nghiêm hơi muộn màng, phải gấp lên mới kịp.

        Đến nơi chúng tôi tổ chức ngay cuộc họp Đảng uỷ bất thường. Anh Bùi Công Ái – Tham mưu trưởng Quân đoàn truyền đạt lại quyết tâm, đã được Bộ thông qua và những chỉ thị của Quân uỷ Trung ương. Trên cơ sở đó Bộ tư lệnh sơ bộ hạ quyết tâm và có kế hoạch triển khai phân công nhau xuống truyền đạt và đôn đốc các đơn vị.

        Bộ tư lệnh Quân đoàn lúc này gồm: Tôi là Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Linh – Chính uỷ, Đại tá Hoàng Đan – Phó tư lệnh, Đại tá Công Trang – Phó Chính uỷ, Thượng tá Bùi Công Ái – Tham mưu trưởng, Thượng tá Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm chính trị, thượng tá Nguyễn Ngọc Thực - Chủ nhiệm hậu cần. Chúng tôi đã từng quan hệ công tác với nhau, hiểu biết nhau nên khi lắp ghép vào một cơ quan, không phải mất thời gian rà trơn mà guồng máy vẫn chạy đều.

        Đại tá, Phó tư lệnh Hoàng Đan đang ở A Lưới với Sư đoàn 324. Tham mưu trưởng Ái truyền đạt lại quyết tâm của Đảng uỷ và chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, đồng thời các anh Đan và Ái giúp sư đoàn xây dựng phương án tác chiến.

        Kế hoạch chuẩn bị chiến trường chuyển động rất gấp gáp, trinh sát chiến trường, mở đường, vận chuyển lương thực đạn dược vào “lót ổ”, và chuyển quân vào khu vực tập kết hầu như cùng làm một lúc.

        Chỉ còn mươi ngày nữa là Tết Nguyên đán. Chúng tôi tổ chức cho anh em ăn tết sớm để vào trận, tuy vậy có nhiều anh em cán bộ chiến sỹ không có thời gian để vui một bữa tết. Đoàn cán bộ cơ quan quân đoàn và cán bộ Sư đoàn 324, 325 đi chuẩn bị chiến trường đã đón giao thừa trên đỉnh động Truồi.

        Ba ngày trinh sát thực địa xong, Đại tá Hoàng Đan và Thượng tá Bùi Công Ái đã hướng dẫn và thống nhất với các đơn vị triển khai phương án tác chiến ngay tại thực địa, đồng thời ra lệnh tiến hành việc làm đường (102) từ Vũng Tròn vào khe Truồi, bảo đảm đường cơ động pháo của Sư đoàn 325.

        Trung tuần tháng 2 Sư đoàn 324 rời khỏi hậu cứ A Lưới, hành quân vào vị trí tập kết chiến dịch ở khu vực Vũng Tròn. Cùng thời gian đó Sư đoàn 325 bàn giao khu vực phòng ngự, vùng giải phóng Quảng Trị cho các lực lượng Quân khu Trị - Thiên, khẩn trương kéo quân về phía tây nam Thừa Thiên. Theo lệnh của Bộ: lực lượng xe tăng, pháo tầm xa chưa tham gia đợt đầu, nhưng chúng tôi cũng cho di chuyển vào A Lưới để kịp thời cơ chiến đấu. Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) đứng ở vùng giải phóng Quảng Trị, được lệnh sẵn sàng cơ động ra phía trước.

        Vẫn là chuyện đường sá. Tôi không bao giờ quên đợt 3 của chiến dịch Cánh Đồng Chum – Loong Chẹng. Bộ binh yêu cầu pháo bắn chi viện nhưng pháo bắn hụt tầm, bởi vì không có đường vận chuyển. Các đơn vị phía trước không đủ gạo, đạn tiếp tục chiến đấu, cũng vì không có đường vận chuyển. Kết thúc chiến dịch không gọn cũng vì không có đường vận chuyển. Bài học nhớ đời đó, hồi còn là Phó Tư lệnh B5 tôi đã bàn với các anh Cao Văn Khánh, Lê Tự Đồng, Hoàng Văn Thái, Thanh Quảng, được các anh thống nhất dùng một trung đoàn công binh mở con đường Nam Đông- Khe Tre. Đang làm dở dang, tỉnh đội Trị - Thiên gặp khó khăn về hậu cần, xin chuyển sang làm đường xe thồ. Đến chiến dịch này lại khai thác tuyến đường ấy. Quân khu Trị - Thiên đã huy động tối đa lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong thay nhau ngày đêm lao động mở đường. Đến đầu tháng 3 năm 1975 đã hoàn thành con đường đất cho cơ giới qua lại nối với đường 14, làm mới 10 ki-lô-mét đường nhánh chạy qua các ngọn đồi xung quanh động Truồi, mở đường cái hai bên tả, hữu ngạn sông Truồi dọc theo dãy núi Kim Sắc, bảo đảm cho Sư đoàn 325 vào tập kết, chiến đấu và sẵn sàng cơ động ra đường 1 khi có thời cơ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:47:20 am »


        Đầu tháng 3 năm 1975 Sư đoàn 324 đã vào chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng nổ súng mở màn chiến dịch, cũng là lúc hậu cần quân đoàn đưa cơ bản đủ cơ số dự trữ lượng thực đạn dược... vào Nam Đông, Khe Tre, động Truồi bảo đảm giai đoạn đầu chiến dịch cho Sư đoàn 324.

        Các bạn thử tưởng tượng xem đường đất mới, mưa cuối mùa dầm dề; trên đường lúc nào cũng có người đi, xe đi nườm nượp sẽ xảy ra chuyện gì? Vâng! Lội và lội bì bõm trong sình lầy, lúc nào người đi bùn đất cũng ngập quá mắt cá chân; xe đi như rùa bò đôi lúc quay bánh tại chỗ, phải xúm nhau lại “hò dô” đùn đẩy. Pháo 105 đưa vào trận địa Lưỡi  Cái ở độ cao 847 mét phải vượt dốc 20 đến 40 độ dưới trời mưa, Lữ 164 pháo được bộ binh, công binh giúp sức mới kéo được pháo vào trận địa. Gian khổ khó khăn chắng kém gì kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Pháo cao xạ đưa vào đèo Mụ Khâm cũng vất vả tương tự. Các đơn vị hậu cần, các binh chủng tiềm nhập trận địa, nhiều việc tưởng như bó tay, nhưng cuối cùng đã vượt qua.

        Khoảng trung tuần tháng 2 năm 1975, ở giữa những ngày chót của công tác chuẩn bị, Đảng uỷ Quân đoàn họp mở rộng để thông qua quyết tâm và phương án tác chiến lần cuối. Vấn đề được tập trung thảo luận là: làm thế nào kịp thời gian nổ súng, để phối hợp với các chiến trường bạn, chủ yếu phối hợp với Buôn Ma Thuột (trên quy định Trị - Thiên nổ súng ngày 5 tháng 3). Thứ hai là: sử dụng lực lượng và cách đánh như thế nào (lúc này chỉ có 5 trung đoàn _ Sư 304 (thiếu Trung đoàn 9) và 1 trung đoàn của Sư đoàn 324 đang ở Thượng Đức.

        Khác các chiến dịch trước đây, quân chủ lực cùng với địa phương lập ra bộ chỉ huy chiến dịch, lần này quân đoàn do Bộ trực tiếp. Nhưng để phối hợp chặt chẽ, ngày 21 tháng 2 tôi và anh Lê Linh đã tới dự cuộc họp của Đảng uỷ Mặt trận Trị - Thiên để bàn kế hoạch hiệp đồng.

        Theo ý chỉ đạo của Bộ, Trị - Thiên - Huế trong năm 1975 sẽ mở liên tiếp hai chiến dịch tổng hợp (ngoài ra phải dự kiến kế hoạch thời cơ). Chiến dịch Xuân Hè (mật danh 175) từ tháng 3 đến tháng 5.

        Chiến dịch Thu dự kiến khoảng tháng 7, tháng 8.

        Quyết tâm chung của mặt trận; Tập trung toàn bộ lực lượng của Quân đoàn và Quân khu Trị - Thiên đẩy mạnh tiến công tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đánh bại về cơ bản “kế hoạch bình định” của chúng ở Trị - Thiên, giành 350.000 dân ở nông thôn đồng bằng, phát động cao trào đấu tranh chính trị ở thành phố, đánh mạnh vào kho tàng, hậu cứ, triệt phá giao thông; tích cực tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn (kể cả giải phóng Huế).

        Riêng chiến dịch “K175” thực hiện các yêu cầu:

        - Ở đồng bằng từ phá lỏng đến làm tan rã hệ thống kìm kẹp của địch, giành từ 7 tới 10 vạn dân, phát triển lực lượng vũ trang và chính trị địa phương, đưa cơ quan chỉ huy xuống vùng sâu.

        - Ở giáp ranh, tiêu diệt từ năm đến bảy tiểu đoàn địch ( trong đó có 1 trung đoàn bị tiêu diệt gọn), phá vỡ thế phân tuyến, mở rộng hành lang xuống đồng bằng, chiếm lĩnh một số địa bàn có lợi nhất, nhất là khu vực đường 14, làm chủ khu vực điểm cao 303 - Mỏ Tàu, cắt đứt từng phần, tiến tới cắt đứt hoàn toàn giao thông vận chuyển chiến lược của địch giữa hai thành phố Huế và Đà Nẵng; đồng thời tích cực thu hút, kiềm chế lực lượng cơ động chiến lược địch, phối hợp với mặt trận chính Tây Nguyên và các chiến trường khác trên toàn Miền.

        - Khi có thời cơ, tung hết lực lượng ra tiến công giải phóng toàn bộ nông thôn, thực hiện chia cắt chiến lược, bao vây uy hiếp thành phố Huế. Nếu có điều kiện, kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế trong chiến dịch “K175” hoặc chiến dịch tiếp sau.

        Quân đoàn 2 tập trung lực lượng đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch từ đường 14 (Điểm cao 303 -  Mỏ Tàu) vào tới tây nam Phú Lộc.

        Quân khu Trị - Thiên đảm nhiệm hướng phối hợp quan trọng ở đường 12 (khu vực Chúc Mao, Sơn Na, Bình Điền, Hòn Vượn) và các hướng khác ở đồng bằng. Hướng Quảng Trị vừa là hướng phối hợp, vừa là hướng nghi binh chiến dịch.

        Căn cứ vào kế hoạch chiến dịch, Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định sử dụng lực lượng:

        Sư đoàn 324 (thiếu 1 trung đoàn) đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu của quân đoàn ở khu vực Mỏ Tàu - điểm cao 303.

        Sư đoàn 325 (thiếu 1 trung đoàn) đảm nhiệm cánh phải của quân đoàn tiến công địch chiếm các điểm cao 560, 520, 494, dãy Kim Sắc, là bàn đạp cắt đứt đường 1 từ nam Lương Điền vào đến bắc Phú Lộc.

        Trung đoàn 9 (thuộc Sư đoàn 304) và Trung đoàn 3 (thuộc Sư đoàn 324) là lực lượng dự bị của quân đoàn trong chiến dịch (Trung đoàn 3 (324) đang ở Thượng Đức, Quân đoàn đã đề nghị với Bộ điều ra tây nam Huế trong giai đoạn 1 của chiến dịch).
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM