Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:38:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46037 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:16:38 am »


        Được biết, kèm theo bản chỉ thị công tác chính trị, cơ quan tuyên huấn mặt trận còn cho phát hành rộng rãi “7 lời dạy của Bác Hồ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968” (Ý chí phải kiên quyết; Kế hoạch phải thật tỉ mỉ; Kiểm tra phải thật kỹ càng; Phối hợp phải thật ăn khớp; Chấp hành phải thật chu đáo; Cán bộ phải thật gương mẫu; Bí mật phải giữ triệt để) và lời dạy của Người năm 1954 khi bộ đôi vào tiếp quản các thành phố ở miền Bắc.

        Tiếp đến là báo cáo về công tác chuẩn bị bảo đảm vật chất kỹ thuật cho chiến dịch. Các đồng chí đại biểu Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật cho biết: điểm nổi lên là ngay trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, ta đã phát huy sức mạnh của cả ba nguồn bảo đảm: chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, hậu cần tại chỗ và tận dụng chiến lợi phẩm.

        Với hai trục đường vận chuyển chiến lược Đông và Tây Trường Sơn được củng cố và mở rộng, bảo đảm vận chuyển bằng xe cơ giới với tốc độ nhanh, với đường ống dẫn dầu đã kéo dài thêm về phía nam, việc khôi phục và sử dụng các đường 14 và đường 1, với lực lượng và phương tiện vận tải tăng cường cho các binh đoàn xe thuộc Bộ tư lệnh 559, với việc tận dụng đường biển và đường không... chỉ trong một thời gian ngắn, 10 vạn tấn hàng đã từ hậu phương lớn được đưa cấp tốc vào chiến trường.

        Hậu cần Miền, sau khi được tăng cường về lực lượng, tổ chức và phương tiện, đã mở thêm hành lang về các hướng (hướng đông: Long Khánh, Bà Rịa; hướng tây: Bến Cầu, Kiến Tường, bắc lộ 4). Quá trình tiếp nhận chi viện của hậu phương lớn và huy động lực lượng tại chỗ cũng là quá trình hình thành hệ thống kho tàng trên các hướng cơ động. Cán bộ và chiến sỹ hậu cần Miền đã mưu trí “lót ổ hàng ngàn tấn lương thực, đạn dược, rải ra trong các lõm du kích trên các địa bàn cơ động theo hướng tiến vào Sài Gòn. Thuốc nổ, súng đạn đã được cất giấu ở các vùng ven đô, sát các sân bay, bến cảng, kho tàng của địch và cả ở ngay nội thành, gần các mục tiêu quan trọng, sẵn sàng bảo đảm cho các lực lượng biệt động, đặc công hoạt động.

        Ở đồng bằng sông Cửu Long, ở miền Đông Nam Bộ và cả vùng chung quanh Sài Gòn, từ vùng giải phóng đến vùng còn do địch kiểm soát, nhân dân đã góp sức người, sức của chi viện cho bộ đội. Gần 10 ngàn tấn lương thực, thực phẩm được huy động tại chỗ đã bảo đảm nửa nhu cầu của các cánh quân tham gia chiến dịch. Trên những địa hình ruộng lầy hoặc có nhiều sông rạch bao quanh, từ phía tây đến phía nam và đông nam Sài Gòn, hàng vạn dân công và hàng trăm ghe, thuyền, ca nô đã được huy động phục vụ chiến dịch.

        Số chiến lợi phẩm thu được của địch trên chiến trường Nam Bộ trong mùa mưa cũng như các trang bị kỹ thuật thu được ở Tây Nguyên à các tỉnh ven biển miền Trung được khẩn trương đưa vào làm tăng thêm sức mạnh về trang bị của các binh đoàn chủ lực và các quân chủng, binh chủng kỹ thuật tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

        Kết thúc báo cáo, đồng chí đại biểu Tổng cục Hậu cần vui vẻ nói:

        - Xin báo cáo thêm với các anh, nỗi băn khoăn của chúng ta về đạn lớn đến nay được giải quyết. Đạn thu được trong tháng qua rất nhiều, trước mắt đã đủ cho trận quyết chiến. Đó là chưa kể số đạn ta sẽ thu được trong quá trình diễn biến chiến dịch, cũng chưa kể số đang được tiếp tục đưa vào bằng cả đường biển và đường bộ để bảo đảm liên tục chiến đấu nếu chiến dịch kéo dài.

        Hội nghị trao đổi ý kiến về cách hiệp đồng giữa Bộ Tổng tham mưu và các tổng cục để cùng nhau theo dõi và giúp trên chỉ đạo trong quá trình diễn biến chiến dịch.

        Do có ý kiến hỏi và tôi thấy cũng nhân cuộc họp đông đủ này mà thông báo để anh em nắm vững được tình hình Đoàn cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh cử vào chiến trường và về việc sử dụng không quân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

        Ngoài số cán bộ đi với Đoàn A.75 đã cùng anh Dũng từ Tây Nguyên vào B2 từ đầu tháng 1, mới đây, để giúp Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo công tác chuẩn bị chiến đấu, thêm một đoàn cán bộ được Bộ cử vào chiến trường. Ngoài số cán bộ đầu ngành hoặc có kinh nghiệm công tác của Bộ Tổng tham mưu và các tổng cục, trong đoàn còn có nhiều cán bộ chỉ huy các quân chủng, binh chủng. Đó là các anh Doãn Tuế, Tư lệnh Pháo binh,; Lê Xuân Kiện, Phó Tư lệnh Thiết giáp; Nguyễn Chí Điềm, Tư lệnh Đặc công; Trần Quang Hùng, Phó Tư lệnh Phòng không – Không quân; Hoàng Niệm. Phó Tư lệnh Thông tin; Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh Đoàn 559.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:18:06 am »


        Nhớ lại hôm gặp và trao nhiệm vụ cho đoàn, anh Văn đã thay mặt Quân uỷ Trung ương nói rõ quy mô to lớn của chiến dịch và những nội dung cần nghiên cứu để thiết thực giúp đỡ Bộ tư lệnh chiến dịch trên các mặt tổ chức chỉ huy, công tác chính trị, hậu cần kỹ thuật. Chiến dịch quy mô 4 – 5 quân đoàn với nhiều binh khí kỹ thuật, tiến công địch trong một thành phố lớn, yêu cầu hiệp đồng rất cao, trên một không gian rất rộng, rất nhiều vấn đề mới được đặt ra và phải được giải quyết trong một thời gian ngắn để không lỡ thời cơ chiến lược, chiến dịch. Từ việc cơ động binh khí, khí tài, cơ động bộ đội trên địa hình nhiều sông ngòi, kênh rạch, việc chi viện hoả lực của pháo binh trên nhiều hướng, đến việc tiếp quản một thành phố mấy triệu dân đã trải qua nhiều năm dưới chế độ Mỹ - Ngụy..., tất cả những vấn đề đó yêu cầu phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, nắm vững khoa học kỹ thuật quân sự và vận dụng trong từng tình huống cụ thể của từng binh chủng, quân chủng để giúp Bộ tư lệnh chiến dịch trong chỉ đạo chuẩn bị và thực hành chiến dịch.

        Đến nay, trước khi mở màn chiến dịch, qua tin tức chúng tôi nhận được, đoàn cán bộ của Bộ đã “miệng nói tay làm” cùng các đồng chí cán bộ các ngành của B2 vượt lên mọi khó khăn, góp phần vào công tác chuẩn bị để bộ đội sẵn sàng nổ súng.

        Việc dùng máy bay chiến đấu trước và trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn là vấn đề được chúng tôi ở cơ quan Bộ trao đổi ý kiến nhiều lần với các anh ở B2 để cùng nhau thực hiện. Vừa qua, Hải quân đã cùng bộ đội Khu 5 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng một số đảo trên quần đảo Trường Sa. Còn không quân nên sử dụng thế nào, đó là vấn đề được đặt ra để suy nghĩ.

        Với một lực lượng không quân không lớn, những năm vừa qua, máy bay chiến đấu của ta tập trung chủ yếu vào việc đánh trả máy bay địch để bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc. Nhưng đến nay, tình hình đã khác.

        Ngày 7 tháng 4, anh Lê Ngọc Hiền điện ra cho biết: Ở Nha Trang, Cam Ranh, ta thu được một số máy bay chiến đấu. Anh đề nghị cho người vào tiếp thu và nghiên cứu sử dụng. Hôm sau, có tin trung uý phi công Nguyễn Thành Trung, một đảng viên của ta hoạt động bí mật trong không quân Ngụy, lái máy bay F5E của địch, ném bom dinh tổng thống Ngụy rồi hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long.

        Chúng tôi trong Bộ Tổng tham mưu trao đổi ý kiến và nhất trí đề đạt với Quân uỷ: Ta đã giải phóng được nhiều sân bay, thu được nhiều máy bay địch, đã có những sỹ quan không quân ra hàng ta, như trường hợp viên trung tá ở Đà Nẵng. Cần nghiên cứu sử dụng số phi công này vào việc huấn luyện các sỹ quan lái của ta cũng như việc bảo quản máy bay, quản lý sân bay và dùng máy bay địch tham gia chiến dịch sắp tới. Chúng tôi nghĩ nhân lúc địch đang rối loạn này mà ta dùng máy bay của chúng đánh vào một số mục tiêu ở Sài Gòn, nhất là đánh căn cứ Tân Sơn Nhất sẽ tác động lớn đến tinh thần quân địch.

        Anh Thọ và anh Dũng cũng đề cập vấn đề này. Các anh đề nghị giao cho Nguyễn Thành Trung chỉ huy số phi công Ngụy đã sang hàng ngũ ta hướng dẫn các chiến sỹ lái của ta dùng máy bay A37 và F5E của địch đánh địch.

        Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Quân uỷ, anh Khánh chỉ thị cho Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân cho chiến sỹ lái và kiểm tra kỹ thuật vào Đà Nẵng. Chỉ trong mấy ngày, ta đã huấn luyện được 8 chiến sỹ lái và kiểm tra kỹ thuật được 4 máy bay A37. ngày 26 tháng 4, Bộ Tổng tham mưu cho một tổ chỉ huy do anh Lê Văn Tri, Tư lệnh Phòng không – Không quân dẫn đầu vào sân bay Thành Sơn để chuẩn bị cho một phi đội A37 xuất kích trong vài ngày tới.

        Trong khi đó, ở Đà Nẵng, ta tiếp tục huấn luyện các phi đội cường kích A37 và tiêm kích F5E, tiếp tục kiểm tra kỹ thuật số máy bay còn lại để sớm đưa vào sử dụng.

        Việc chọn thời có và chọn mục tiêu cho máy bay sẽ do anh Dũng và các anh trong đó chỉ thị trực tiếp cho anh Tri và bộ phận tiền phương của Phòng không – Không quân ở Thành Sơn. Bộ Tổng tham mưu đã cho đưa đài vô tuyến điện và một tổ cơ yếu để anh Tri liên lạc với Bộ tư lệnh chiến dịch.

        Thế là đến hôm nay, ngày 27 tháng 4, một chủ trương mới, khá táo bạo đã được hình thành, với sự nhất trí giữa các anh trong Bộ tư lệnh chiến dịch và Bộ Tổng tham mưu. Với trí thông minh và trình độ kỹ thuật vốn có, các chiến sỹ lái của ta đã nhanh chóng nắm được ký thuật máy bay địch và chắc chắn sẽ tạo nên một bất ngờ đối với quân ngụy, cũng như đã từng làm cho giặc lái Mỹ bị bất ngờ khi chúng lao ra miền Bắc mấy năm trước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:18:52 am »


        Trong cuộc họp hôm nay, khi nói về chủ trương dùng máy bay địch đánh địch, tôi nhắc Cục Tác chiến thông báo cho bộ đội ở phía trước, nhất là những đơn vị phòng không ven biển và cánh quân hướng Đông, chú ý phân biệt máy bay của ta bay từ Phan Rang vào; nhắc Cục Cơ yếu và Thông tin bảo đảm việc liên lạc với đài của cơ quan chỉ huy tiền phương Phòng không – Không quân.

        Cuộc họp bế mạc, tôi mời anh Nguyễn Duy Phê, Cục trưởng Cơ yếu ở lại báo cáo tóm tắt công việc của cục và riêng tổ cơ yếu thường trực trong Khu A. Cục mới họp kiểm điểm đợt hoạt động trong hai tháng. Tôi muốn gặp anh chị em hai tổ cơ yếu và thông tin thường trực trước khi chiến dịch mở màn.

        Từ tháng 3, Văn phòng bố trí cho tổ làm việc ngay trong phòng của đồng chí Tổng tham mưu trưởng, gần phòng họp của Quân uỷ Trung ương. Anh Dũng đang ở trong chiến trường. Phòng làm việc của anh vẫn bài trí như trước đây. Vấn chiếc bàn to, trên có tấm bản đồ Đông Dương trải rộng. Vẫn mấy hàng ghế và hai tấm bản đồ thế giới và Đông Nam Á treo trên tường.

        Trời đã về chiều, một buổi chiều chủ nhật. Trừ các phòng trực ban còn mở cửa, trong khu “nhà con rồng” đã vắng bóng người.

        Khi tôi và anh Phê đến, một số cán bộ và chiến sỹ cơ yếu, thông tin đã có mặt đông đủ. Tổ cơ yếu thường trực có năm người thì hai là nữ, Đặng Thị Muôn và Vũ Thị Trọng. Cô Trọng đã có một cháu nhỏ.

        Anh chị em cho biết: Công việc hết sức khẩn trương, từ khi chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Những bức điện luôn kèm theo những chữ “dịch ngay”, “hoả tốc”, “ưu tiên 1”... Cái ký hiệu “Tk” (thượng khẩn) (Có lẽ tác giả nhầm vì điện "Thượng khẩn" ký hiệu là TgK, còn TK là "Tối khẩn" mức độ khẩn cao hơn thượng khẩn) đã bị đẩy lùi. Không còn ngày nào làm việc 10 giờ mà 14 giờ, 18 giờ và trực 24/24. Tổ mang cơm về ăn tại chỗ để tranh thủ thời gian làm việc. Trả lời câu hỏi của tôi, các đồng chí nói chân thật:

        - Báo cáo thủ trưởng, mệt thì mệt thật, nhưng rất vui. Tin chiến thắng dồn dập, càng dịch điện càng phấn khởi, quên cả mệt.

        Tôi thầm nghĩ: đối với người lính, chiến đấu cho mục đích cao cả - vì độc lập tự do của Tổ quốc – thì tin chiến thắng luôn là một nguồn động viên vô giá.

        Phòng làm việc của tổ ở cùng dãy với phòng họp của Quân uỷ. Trong những ngày qua, như đã thành lệ, cứ buổi sáng anh chị em lại thấy những chiếc xe qua cổng A, thấy các đồng chí lãnh đạo của Đảng, của quân đội đi vào căn phòng giữa. Và cũng đã thành lệ, cứ sau cuộc họp thường có những bức điện gửi vào chiến trường, bức điện chứa đựng trí tuệ tập thể Bộ Thống soái tối cao - Bộ Chính trị. Đã có sự phân công chuẩn bị sẵn trong tổ cơ yếu, có sự phối hợp giữa hai tổ thông tin và cơ yếu thường trực, làm sao có điện là dịch được ngay và thông tin chuyển được ngay. Phân đoạn thế nào, xử lý kỹ thuật thế nào để đảm bảo bí mật, nhất là khi gặp những bức điện đài, có khi 15-20 trang.

        Có lúc đang dịch, anh chị em nghe tiếng bước chậm rãi, đi đi lại lại ngoài hành lang. Rồi đồng chí Tổng tư lệnh bước vào. đồng chí chữ một chữ, thêm một đoạn vào bức điện đang dịch. Tôi ngồi nghe anh chị em nói về tâm tư và công việc của minh một cách rất tự nhiên, thoải mái. Một đồng chí kể lại câu chuyện mới xảy ra cách đây ít ngày mà tổ cơ yếu ở cánh quân hướng Đông vừa biên thư về cho biết.

        Bữa đó, một bức điện của đài “VF73” (đài chỗ anh Dũng) vừa chuyển đến. Cơ yếu dịch xong mang sang anh Tấn mà không biết rằng đó chính là bức điện mà Bộ chỉ huy cánh Đông đang chờ đợi. Đọc xong bức điện, anh Tấn reo lên: “Hay lắm, rất tốt, rất kịp thời”. Rồi anh bảo đồng chí Vũ Văn Cảnh, người vừa trao bức điện:

        - Cậu đưa sổ đây tớ ghi mấy chữ.

        Cảnh giở trang cuối cuốn sổ chuyển điện. Anh Tấn viết: “Hoan nghênh các đồng chí cơ yếu, thông tin. Rất kịp thời. – Ký tên: Tấn”

        Tôi hỏi:

        - Thế sắp tới, các đồng chí mong được dịch bức điện mang nội dung gì?

        Hầu như mọi người đều trả lời thống nhất:

        - Báo cáo, điện nói quân ta cắm cờ trên “dinh Độc lập” ở Sài Gòn.

        Một sự mong đợi như sự mong đợi của tất cả mọi người, thật là chính đáng, tôi thầm nghĩ.

        Tôi nói tóm tắt về hoạt động của Bộ Tổng tham mưu đã góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, về thành tích của các tổ cơ yếu hoạt động độc lập phục vụ phái đoàn quân sự bốn bên và các đoàn của anh Dũng, anh Thọ, anh Tấn và của các tổ cơ yếu và thông tin thường trực trong Khu A, về yêu cầu phục vụ chỉ đạo chỉ huy trong chiến dịch sắp tới. Phải làm sao để Bộ Chính trị và Quân uỷ kịp thời nắm từng bước phát triển của các cánh quân, của từng mũi tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:24:28 am »


        Cuộc gặp gỡ thân mật, ngắn gọn kết thúc. Bắt tay anh chị em, tôi vui vẻ nhắc lại:

        - Bức điện mà tất cả chúng ta đang chờ, nhất định sẽ đến. Nhất đinh chúng ta sẽ toàn thắng.

        Đèn điện trong Khu A bật sáng. Tôi đi qua phòng trực ban tác chiến. Anh em đã tổng hợp xong tình hình nhận được trong ngày. Anh Khánh đang dùng điện thoại báo cáo tóm tắt tình hình với các anh trong Bộ Chính trị và Thường trực Quân uỷ. Từ 17 giờ ngày 26, cánh quân anh Tấn bắt đầu nổ súng tiến công khu căn cứ Nước Trong, các chi khu Long Thạnh và thị xã Bà Rịa.

        Hướng tây bắc, anh Vũ Lăng đang cho dùng pháo cối diệt các trận địa pháo địch và cho Sư đoàn 316 chốt chặn ở Phú Mỹ, ở đông Trảng Bàng và cắt một số đoạn trên đường 22. Hướng tây nam, anh Lê Đức Anh đã cho quân áp sát đường 10, chuẩn bị tiến công địch trên đường 4, chia cắt Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long và mở đầu cầu qua sông Vàm Cỏ Đông, đưa các lực lượng đột kích thọc sâu vào chiếm lĩnh vùng ven. Trên hướng bắc, Sư đoàn 312 Quân đoàn 1 đang chuẩn bị tiến công địch ở Bình Cơ, Bình Mỹ, tạo thế cho toàn quân đoàn đánh chiếm Lai Khê - Bến Cát và đưa lực lượng đột kích vào triển khai ở vùng ven. Dự kiến sáng ngày 29, tất cả các hướng sẽ tiến công đồng loạt vào nội thành Sài Gòn.

        Anh Khánh chuyển điện của đồng chí Bí thư Quân uỷ Trung ương cho cánh quân hướng Đông:

        1. Thường xuyên báo cáo diễn biến tình hình hàng ngày để báo cáo với Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương.

        2. Trước mắt, cho biết mấy vấn đề sau: đánh giá thắng lợi bước đầu; dự kiến thời cơ phát triển vào nội đô, cả trường hợp hiệp đồng chung với các hướng và trường hợp đến mục tiêu trước mắt sớm hơn thời gian quy định và khi có thời cơ cụ thể thuận lợi, bảo đảm chắc thắng thì tranh thủ phát triển vào, không nên chờ các cánh khác.

        3. Nếu trận địa pháo 130 đặt ở Nhơn Trạch và bắn được vào Tân Sơn Nhất thì Sài Gòn sẽ rung động lớn.
         
        Tình hình ngày 27 cho thấy hướng đông có nhiều thuận lợi. Hướng bắc và tây bắc có thể chậm hơn một chút, nhưng hướng tây nam có thể phát triển kịp với các hướng khác. Mấy hôm nay, quân ta hoạt động trên đường 4 (Tân An) có kết quả. Nếu hướng tây nam phát triển nhanh và mạnh sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho hướng bắc và tây bắc.

        Trong buổi họp giao ban sáng hôm sau, ngày 8 tháng 4, anh Khánh và trực ban tác chiến cho biết chưa nắm được tình hình các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Chiến sự vùng chung quanh Sài Gòn đã được thể hiện trên bản đồ.

        - Trên hướng đông, ta đã đột phá được tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, làm chủ được đường 22 và phần lớn đường 15, áp sát Bà Rịa, chia cắt Bà Rịa với Vũng Tàu, giải phóng gần hết tỉnh PhướcTuy và phần lớn tỉnh Biên Hoà, nhưng chưa chiếm được Biên Hoà, Nhơn Trạch theo kế hoạch, do đó cũng chưa đặt được pháo tầm xa ở Nhơn Trạch để bắn vào Tân Sơn Nhất và khoá sông Lòng Tàu.

        - Trên hướng bắc, Sư đoàn 312 đã chiếm lĩnh xong trận địa; một bộ phận của Sư đoàn 320b, đã vượt sông sang phía tây đường 16, chuẩn bị bàn đạp cho sư đoàn thọc sâu. lực lượng vũ trang và quần chúng tỉnh Bình Dương đã nổi dậy phối hợp với chủ lực. Công tác binh vận được đẩy mạnh.

        - Trên hướng tây bắc, Sư đoàn 316 cùng lực lượng vũ trang Tây Ninh đã tổ chức chốt chặn ở Phú Mỹ và đông Trảng Bàng, cắt nhiều đoạn trên đường 22. Quaâ ta đã liên tục đánh địch phản kích, giữ vững thế bao vây chia cắt từng cụm quân địch trên đường 22 và đường 1. Phối hợp với Quân khu 8, lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân Trảng Bàng, Hiếu Thiện, Kiêm Hạnh, Phước Ninh đã bao vây, bức hàng, bức rút nhiều đồn bốt, giải phóng nhiều xã ấp vùng nông thôn Tây Ninh. Lực lượng vũ trang vùng ven đã giải phóng một số ấp trên đường 7 (bắc Củ Chi). Lực lượng đặc công bám sát cầu Bình Phước trên sông Sài Gòn và các mục tiêu từ cầu Bình Phước đến Quán Tre, đồng thời đã có lực lượng chuẩn bị thọc sâu vào bắc sân bay Tân Sơn Nhất.

        - Trên hướng tây và tây nam, quân ta đang khắc phục khó khăn để đưa binh khí kỹ thuật vượt sông  Vàm Cỏ Đông vào chiếm lĩnh tuyến xuất phát tiến công. Hai trung đoàn thuộc Quân khu 8, trên hướng nam, đã đứng chân ở bắc Cần Giuộc, chiếm lĩnh tỉnh đường 5, sẵn sàng thọc sâu vào Quận 8 và Nhà Bè.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:25:15 am »


        Buổi chiều, qua đài phương Tây, chúng tôi nhận được tin: Hồi 16 giờ 40 phút, 5 chiếc A37 của ta đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Tin cho biết nhiều máy bay bị phá huỷ, kể cả máy bay Mỹ túc trực để thực hiện kế hoạch “di tản”. Sài gòn náo động vì bị đòn bất ngờ này.

        Bộ Tổng tham mưu nhận được tin này gần như đồng thời với tin Trần Văn Hương trao ghế Tổng thống cho Dương Văn Minh, một việc mà Bộ Chính trị đã từng dự kiến. Viên tổng thống mới kêu gọi quân đội Ngụy “bảo vệ những vùng đất còn lại và muốn hoàn thành nhiệm vụ đó, mọi người phải giữ vững vị trí”(!).

        Buổi tối, Bộ Tổng tham mưu tổng hợp tình hình, báo cáo Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương sau hai ngày chiến dịch mở màn.

        Bộ đội trên các hướng đã cơ bản thực hiện được kế hoach bao vây cô lập Sài Gòn, chia cắt địch giữa tuyến ngoài và nội đô. Quân ta cắt đường 15 từ Sài Gòn đi Vũng Tàu và đường 4 từ Sài Gòn về đồng bằng sông Cửu Long. Trên hướng đông, mặc dù địch ra sức chống đỡ, Quân đoàn 4 (anh Hoàng Cầm, Tư lệnh; anh Hoàng Thế Thiện, Chính uỷ) và Quân đoàn 2 (anh Nguyễn Hữu An, Tư lệnh; anh Lê Linh, Chính uỷ) đã chiếm được một số mục tiêu quan trọng như Trảng Bom, Long Thành, Đức Thạnh, thị xã  Bà Rịa và về cơ bản đã làm chủ căn cứ Nước Trong. Lực lượng của ta trên hướng bắc và tây bắc đã triển khai, hình thành thế bao vây, chia cắt địch ở vòng ngoài, đã làm các sân bay Biên Hoà và Tân Sơn Nhất bị tê liệt. Sài Gòn bị bao vây và hoàn toàn bị cô lập cả về đường bộ, đường không và đường thủy. Phối hợp với chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương và nhân vòng ngoài và vùng ven đô đã kịp thời tiến công và nổi dậy, giải phóng được nhiều vùng nông thôn rộng lớn bao quanh các chi khu quận lỵ, các tiểu khu và các căn cứ lớn chung quanh Sài Gòn.

        Điều đáng quan tâm lúc này là chỉ đạo các đơn vị đặc công đánh chiếm và giữ các cầu, nhất là trên hướng đông, dể đảm bảo tốc độ tiến quân của các quân đoàn và việc đưa binh khí kỹ thuật của Đoàn 232 sang sông để kịp phối hợp với các hướng khác tiến công vào nội đô.

        Trên hướng đồng bằng sông Cửu Long, tin tức đầu tiên cho biết lực lượng vũ trang của hai Quân khu 8 và 9 đã áp sát các thị xã Cần Thơ, Mỹ Tho, kìm chân các sư đoàn của Quân đoàn 4 Ngụy, khống chế sân bay Bình Thuỷ. Lực lượng chính trị và vũ trang các tỉnh, huyện đã áp sát các chi khu quận lỵ, thị xã, thị trấn. Việc đánh và cắt đường 4 được xúc tiến khẩn trương.

        Chỉ mới sau hai ngày tiến công của ta, hệ thống chỉ huy của địch từ Bộ Tổng tham mưu đến bộ chỉ huy Quân đoàn 3, đều đã rối loạn. Nhiều tên cầm đầu ngụy quân, ngụy quyền tiếp tục di tản theo Mỹ. Việc Dương Văn Minh thay Trần Văn Hương nói lên thế chính trị của Ngụy đã sắp sụp đổ, nhưng chúng vẫn hy vọng con bài cuối cùng có thể đứng ra dàn xếp với ta nhằm đạt tới “ngừng bắn”.

        Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Tổng tư lệnh đã thay mặt Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương gửi điện động viên toàn thể cán bộ và chiến sỹ, đảng viên và đoàn viên anh dũng tiến lên giành toàn thắng cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại”.

        Tiếp đó, bức điện viết:

        1. Chiến dịch đã bắt đầu với những thắng lợi giòn giã. Chúng tôi tất cả đều rất phấn khởi, gửi lời chúc các anh khoẻ và giành được toàn thắng.

        2. Các anh nhắc cơ quan tham mưu và chính trị:

        a) Đi đôi với mệnh lệnh tác chiến cần có chỉ thị cụ thể về nhiệm vụ, phạm vị quản lý thành phố của từng đơn vị.

        b) Xúc tiến kế hoạch phát triển thắng lợi, tiêu diệt và làm tan rã quân địch ở đồng bằng sông Cửu Long.

        c) Có dự kiến về việc điều chỉnh lực lượng sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhất là những việc điều chỉnh cần làm trước mùa mưa.

        3. Nhận được điện, các anh trả lời để chúng tôi hướng dẫn cơ quan nghiên cứu.

        Từ sáng sớm ngày 29, những chiếc xe con lần lượt vào Khu A. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp bàn những việc lớn cần phải làm ngay sau ngày toàn thắng.

        Trong phòng trực ban tác chiến, anh Khánh và một số cán bộ Cục Tác chiến, Cục Tình báo danh hầu hết thời gian bám sát diễn biến từng giờ của Mặt trận Sài Gòn. Mỗi khi nhận được tin mới, anh Khánh lại sang phòng họp của Quân uỷ để báo cáo. Một cán bộ tác chiến thường đi theo để tác nghiệp những bước tiến của từng cánh quân trên tấm bản đồ Sài Gòn trải rộng trên chiếc bàn lớn trong phòng họp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:26:11 am »


        Khoảng 9 giờ, anh Ba cho gọi một cán bộ Cục Tình báo sang. Anh muốn nghe những tin tức mới nhất về địch.

        Qua đài phương Tây, được biết có thêm nhiều tên tay sai ở Sài Gòn bỏ chạy ra nước ngoài, trong đó có 60 nghị sỹ, Tổng Tham mưu trưởng Sài Gòn Cao Văn Viên, Thủ tướng Nguyễn Bá Cần mới từ chức... Tại trung tâm Sài Gòn, cuộc di tản đang diễn ra trong cảnh hỗn loạn, hốt hoảng. Sau khi sân bay Tân Sơn Nhất bị ném bom, một số máy bay Mỹ đang làm nhiệm vụ di tản bị phá huỷ, Mỹ phải tổ chức chiến dịch di tản bằng máy bay trực thăng trên sân thượng một số nhà cao tầng ngay tại trung tâm thành phố, làm cho quang cảnh nội đô càng thêm hỗn loạn. Các đài Anh, đài Úc, đài Nhật đều nói nhiều đến không khí náo động trong thành phố Sài Gòn, nhất là từ chiều ngày 28. Dương Văn Minh gặp một số sỹ quan cao cấp còn ở lại Sài Gòn. Quá nửa số tướng Ngụy được mời đến chủ trương ngừng bắn. Viên Tổng thống mới cố vớt vát bằng cách cử “đại diện chính phủ” đến Tân Sơn Nhất xin gặp phái đoàn ta, hòng “thương lượng cho một cuộc ngừng bắn”. Hắn rất hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ đạt kết quả mong muốn vì “Hà Nội chưa chắc đã có một bộ máy hành chính đủ để quản lý toàn quốc, vì vậy rất có thể họ sẽ sẵn sàng chấp nhận một chế độ quá độ....” Có tin lệnh ngừng bắn đã được Ngụy ban ra.

        Sau khi trao đổi ý kiến với các anh có mặt trong phòng họp, anh Ba đọc một bức điện để chuyển gấp vào chiến trường: “Gửi các anh Sáu, anh Bảy, anh Tuấn, anh Tư, đồng điện anh Tấn (tức các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn).

        Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chỉ thị:

        1. Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch: tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.

        2. Công bố đặt thành phố Sài Gòn – Gia Định dưới quyền của Uỷ ban quân quản do tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch.

        3. Sẽ có điện tiếp, nhận được điện trả lời ngay. Ba”.

        Điện viết lúc 10 giờ sáng ngày 29 tháng Tư.

        Tối hôm ấy, trong buổi giao ban của tham mưu, có anh Văn dự, chúng tôi nghe anh Lê Hữu Đức, Cục trưởng Cục Tác chiến báo cáo tình hình tổng hợp sau ba ngày đêm liên tục chiến đấu. Riêng trong ngày 29, tình hình diễn ra đúng như kế hoạch. Các sư đoàn, quân đoàn đã chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh chiến đấu và kế hoạch hiệp đồng. Mọi khó khăn, trở ngại đã được khắc phục với tinh thần nỗ lực, khẩn trương, linh hoạt và sáng tạo. Mặc dù tốc độ phát triển khác nhau, nhưng các mũi, các hướng đều đã đánh chiếm được các mục tiêu quy định. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân địch ở vòng ngoài, mở được cửa thọc sâu trên các hướng. Trên hướng tây bắc, tây và tây nam, lực lượng thọc sâu đã vào tới địa bàn quy định. Trên hướng đông, địch ngoan cố chống cự, Quân đoàn 4 phát triển chậm, nhưng Quân đoàn 2 phát triển thuận lợi hơn, lực lượng thọc sâu đã vòng qua căn cứ Long  Bình và đang phát triển trên xa lộ. Các lực lượng ven đô đã phối hợp đắc lực với các cánh quân, kịp thời đánh chiếm và giữ các cầu quan trọng và các mục tiêu được phân công, chuẩn bị tốt các địa bàn vùng ven trên hướng tiến của các binh đoàn, đồng thời chặn đánh, diệt và bắt tàn quân địch từ ngoài chạy vào Sài Gòn. Lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy trên các hướng tiến công của chủ lực đã kịp thời phối hợp chặt chẽ, tích cực tiến công địch. Lực lượng ba mũi trong vùng sâu đã chủ động nổi dậy tự giải phóng địa phương mình, tạo nên một thế chung là chủ lực phát triển đến đâu thì diện giải phóng đều mở rộng đến đó.

        Trong ba ngày qua, nhất là ngày 29, sự đối phó của địch chỉ có mức độ. Hiện tượng chung là mau chóng tan rã, rút chạy hoặc đầu hàng. Thực tế cho thấy hệ thống chỉ huy của địch đã bị rối loạn, không còn phát huy được tác dụng. Bộ máy Ngụy quyền, nhất là ở cơ sở đã sụp đổ. Cuộc di tản của Mỹ và bọn tay sai đang xúc tiến với tốc độ khẩn trương nhất và sắp đến lúc kết thúc.

        Các cánh quân trên các hướng đã nhận lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch chuyển sang tổng công kích vào nội đô, hiệp đồng đánh thẳng vào trung tâm thành phố, chiếm các mục tiêu đã định.

        Chúng tôi đang nghe báo cáo thì một nhân viên cơ yếu gõ cửa xin vào mang theo bức điện mới nhận.

        Anh Tấn báo cáo: Đã ra lệnh cho quân đoàn đánh vào nội đô 16 giờ hôm nay. Nếu có khó khăn sẽ đánh vào 4 giờ sáng mai, ngày 30 tháng 4.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:27:07 am »


        Anh Văn cầm điện thoại trao đổi với anh Ba. Sau đó, anh đọc bức điện gửi ngay cho anh Dũng:

        “ Anh Ba và chúng tôi thấy tình hình các hướng đang phát triển thuận lợi. Hướng anh và anh Tấn hành động càng nhanh càng tốt...”.

        Và một bức điện gửi anh Tấn:

        “Anh căn cứ chỉ thị về thời gian của anh Tuấn mà hành động. Nếu anh Tuấn không có chỉ thị thì hành động với thời gian nhanh nhất. Giờ cụ thể, anh căn cứ vào tình hình mà quyết định”.

        Những bức điện ra khỏi phòng trực ban tác chiến lúc 22 giờ 15 phút ngày 29 tháng 4.

        Đêm hôm đó, anh Cáo Văn Khánh nghỉ lại trong phòng trực ban tác chiến. Chừng quá nửa đêm, nghe Cục Tình báo báo cáo xong, anh gọi điện thoại cho tôi. Sau khi trao đổi ý kiến, anh điện thông báo cho các anh trong chiến trường: Có tin lúc 01  giờ ngày 30 tháng 4, địch ra lệnh cho các tàu hải quân ở Cần Thơ, Đồng Tâm và Phú Quốc tập trung ở một địa điểm (chưa rõ ở đâu) và một số tàu (tin đầu tiên có 8 chiếc) chuẩn bị chuyển qua đảo Guy-am. Trước đó có tin 78 máy bay của Ngụy đã chuyển qua U-ta-pao. Chưa rõ đây là tổng số máy bay địch chuyển đi hay mới là đợt đầu tiên... “Báo cáo các anh rõ và ra lệnh cho đơn vị theo dõi xem tàu hải quân có chở bộ binh theo không và có kế hoạch đánh cho kịp”.

        Sáng ngày 30 tháng 4, anh Ba, anh Trường Chinh và anh Đồng vào khu “Nhà con rồng” từ sớm. Anh Văn cũng đã có mặt. Các anh khác trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương tiếp tục đến sau.

        Sau khi nghe anh Khánh báo cáo, các anh trao đổi ý kiến đánh giá tình hình. Khoảng 8 giờ, một bức điện của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương viết xong và cho dịch (tác giả có thể nhầm là cho mã hoá) gửi đi:

        “Nhiệt liệt khen ngợi toàn thể các đơn vị đã lập được chiến công lớn trong những ngày qua, đập tan tập đoàn phòng ngự và các cứ điểm phòng ngự phía đông, bắc, tây bắc và tây nam, cắt đứt đường 4, tiến công các sân bay lớn của địch, hoạt động tốt ở ven Sài Gòn và nội thành Sài Gòn.

        Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương kêu gọi toàn thể cán bộ và chiến sỹ, đảng viên và đoàn viên, với quyết tâm lớn nhất, hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh nhất của một quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sự đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn – Gia Định. Phải giữ kỷ luật thật nghiêm, triệt để chấp hành mọi chỉ thị, mệnh lệnh; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; nêu cao truyền thống và bản chất cách mạng của Quân đội ta, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại...”.

        Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương nhắc Quân uỷ và Bộ tư lệnh miền về việc quản lý thành phố; tiếp tục phát triển thắng lợi, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn các lực lượng địch còn lai ở các khu vực khác, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, các đảo Côn Sơn và Phú Quốc; động viên tinh thần cách mạng triệt để và chiến đấu liên tục cho đến thắng lợi hoàn toàn, khắc phục mọi hiện tượng thoả mãn dừng lại. Để tiếp tục phát triển thắng lợi ngay sau khi giải phóng Sài Gòn, Quân uỷ Trung ương nhắc việc chuẩn bị sân bay Tân Sơn Nhất để sử dụng không quân vào kế hoạch mới. Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân đã được lệnh chuẩn bị hai đại đội chiến sỹ lái A37 ở Phan Rang. Các phi đội Mích cũng được lệnh chuẩn bị sẵn sàng cất cánh khi có lệnh.

        Cuộc họp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương vẫn tiếp tục.

        10 giờ, đồng chí Nguyễn Thanh, Trưởng phòng 70 (thuộc Cục Tình báo, chuyên theo dõi tin địch bằng phương tiện kỹ thuật) chạy vào báo cáo: Đài phát thanh của Nhật loan tin quân giải phóng, có xe tăng dẫn đầu, đang tiến vào Sài Gòn.

        Tôi đề nghị hội nghị tạm dừng ít phút để nghe tình hình. Anh Khánh được mời lên báo cáo. Cả đêm qua, hầu như anh không ngủ.

        Anh trình bày: Các anh trong Bộ tư lệnh chiến dịch đã trao thêm nhiệm vụ cho Quân đoàn 3: Khi đánh vào Tân Sơn Nhất thì cho một cánh phát triển vào hướng Bổ Tổng tham mưu ngụy, phối hợp với Quân đoàn 1. Từ nửa đêm, các binh đoàn thọc sâu đã khẩn trương thi hành lệnh tiến gấp, chọc thẳng vào mục tiêu được giao, bỏ qua những mục tiêu khác trên dọc đường để nâng tốc độ tiến quân.

        Cuộc di tản của người Mỹ diễn ra dồn dập từ chiều ngày 29, đã kết thúc mờ sáng nay với chuyến bay của Đại sứ Mỹ Ma-tin, rời Sài Gòn lúc 4 giờ 45 phút.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:28:00 am »


        Theo tin mới nhận được sáng nay, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đang tiến vào ngã tư Bảy Hiền; các cánh quân của Quân đoàn 1 đánh vào căn cứ Lai Khê, Phú Lợi, Lái Thiêu, đang phát triển về Gò Vấp. Một cánh khác đang đánh địch từ cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu. Sau khi đánh tan quân địch chống cự ở Hố Nai, Tam Hiệp, Quân đoàn 4 đang tiến công Sở chỉ huy Quân đoàn 3 Ngụy, chuẩn bị thọc sâu vào Sài Gòn. Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 đang vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai. Đã diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức, phía bắc cầu Rạch Chiếc. Trên hướng nam và tây nam, các đơn vị phía trước, cả Đoàn 232 đang tiến về hướng Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát Ngụy. Trên đường, ta đã đánh chiếm Chi khu Thủ Thừa, giải phóng thị xã Tân An.

        Để chuẩn bị cho các mũi thọc sâu của chủ lực tiến quân vào nội đô từ 27 đến ngày 29 tháng 4, các đơn vị đặc công và biệt động đã kịp thời đánh chiếm các cầu lớn, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch và giữ vững cầu. Có những cầu ta phải giành giật với địch 2 - 3 lần như cầu Rạch Chiếc, cầu Bình Phước. 

        Trước đó, từ cuối trung tuần tháng , các Trung đoàn 1 và 2 Gia Định đã đẩy mạnh hoạt động: tiến công trạm ra đa Phú Lâm; đưa lực lượng vào áp sát phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất; mở hành lang tiến công cho chủ lực vào ngã tư Bảy Hiền; phối hợp với đặc công đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc, cầu xa lộ Biên Hoà; đưa quân vào tiếp cận các mục tiêu theo kế hoạch hiệp đồng trên các cánh, các hướng. Lực lượng vũ trang Biên Hoà, sau khi phối hợp với chủ lực giải phóng các đường 25, 19, các khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, đã tiến xuống giải phóng  và tiếp quản các mục tiêu ở huyện Duyên Hải, một huyện hẻo lánh sát biển.

        Khi các đơn vị đầu tiên của cánh quân hướng Đông tiến từ cầu Tân Cảng vào Sài Gòn, đông đảo nhân dân đổ ra hai bên đường tiến quân, hoan hô bộ đội. Nhiều nhà báo trong và ngoài nước đón đường quay phim, chụp ảnh bộ đội tiến vào nội đô. Trên hướng bắc, lực lượng vũ trang địa phương đã giải phóng các chi khu quận lỵ Châu Thành, Dĩ An, bức hàng bọn địch trong căn cứ Sóng Thần. Nhân dân các xã ấp được lực lượng vũ trang hỗ trợ đã nổi dậy, xóa chính quyền địch, xây dựng chính quyền tự quản.

        Trong vùng ven đô và nội đô, khi quân ta sắp tiến quân vào, nhân dân nhiều nơi, được sự chỉ đạo của cơ sở cách mạng và lực lượng biệt động đã kịp thời nổi dậy phối hợp. Ngay trong đêm ngày 29, ở nhiều phường, quận, quần chúng đã chiếm bốt địch, chiếm trụ sở cướp chính quyền ở phường, xóm. Có nơi như ở phường Tây Nhì (nay là phường 12) quận Phú Nhuận, ở sát Bộ Tổng tham mưu Ngụy, cờ cách mạng được treo ở trụ sở phường từ trưa ngày 29, tự vệ và quần chúng phường Bình Thới, quận 11, đã chiếm trụ sở khóm 5 và 6 từ đêm hôm đó, trong khi quần chúng ở phường Khánh Hội nổi dậy chiếm chi khu cảnh sát và làm chủ phường....

        Trên hướng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tổng tham mưu vừa nhận được tin tức mới nhất của một số tỉnh.

        Từ chiều ngày 29, các lực lượng vũ trang Trà Vinh đã tập kết chung quanh thị xã 1 ki-lô -mét và ém sẵn quân gần các mục tiêu sâu như sân bay, trận địa pháo địch. Ở Bạc Liêu, ta đã vận động và cuối cùng đưa tối hậu thư buộc tỉnh trưởng đầu hàng. Hắn vẫn chần chừ do dự, viện cớ chờ lệnh trên.

        Các ban khởi nghĩa của các huyện đã bí mật đưa lực lượng vào thị xã và đang hoạt động tích cực chuẩn bị cho quần chúng nổi dậy. Ở Sóc Trăng, lực lượng vũ trang đã tiến vào thị xã và sân bay, bức hàng Chi khu Khánh Hưng.

        Sau khi bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương nghe báo cáo và trao đổi ý kiến về tình hình và những công việc cấp thiết trước mắt, anh Văn đã thay mặt Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương gửi điện vào chiến trường, nói về “một số ý kiến đã nhất trí để các anh thi hành”:

        1. Uỷ ban quân quản công bố ngay trên đài phát thanh mệnh lệnh đầu tiên. Nôi dung đại thể : a) Quân giải phóng tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn – Gia Định, hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam; b) Quân đội Ngụy quyền Sài Gòn phải lập tức hạ vũ khí đầu hàng; c) Tuyên bố giải tán chính quyền các cấp; d) Kêu gọi đồng bào  đứng dậy cùng Quân giải phóng đập tan mọi sự chống cự của địch, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam thân yêu.

        2. Đã kiểm tra lại công tác chuẩn bị của không quân. Các đơn vị Mích 17, Mích 21 đã sẵn sàng. Sẽ tuỳ tình hình, nếu thật cần thiết thì sẽ quyết định sử dụng kế hoạch dự kiến...

        Bức điện vừa gửi đi được nửa giờ thì Cục Tình báo báo cáo: Đài phương Tây đưa tin quân ta đã vào dinh Tổng thống Ngụy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:29:25 am »


        Thêm một bức điện gửi gấp vào Nam nói rõ ý kiến của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương: “Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí nhưng không phải với tư cách tổng thống mà chỉ với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân”.

        Bức điện nhắc lại tin quân ta đã cắm cờ trên “dinh Độc Lập” và kết thúc bằng câu: “Các anh Bộ Chính trị rất vui, rất vui...”

        Cầm bức điện, chưa kịp dịch để gửi đi, mấy anh chị em trong tổ cơ yếu thường trực hỏi nhau:

        - Các “cụ” nhận được tin ở đâu mà nhanh thế nhỉ?

        Thắc mắc là đúng, vì tin này do đài anh Tấn ở hướng đông trực tiếp báo về, cơ yếu của cục dịch và anh Phê đích thân mang lên báo cáo gần như đồng thời với Cục Tình báo thu được của đài phương Tây.

        Gặp tôi ở sân “Nhà con rồng”, anh Phê phấn khởi ôm lấy tôi, xúc động nói:

        - Toàn thắng rồi, toàn thắng rồi, anh ạ! Quân ta cắm cờ trên “dinh Độc lập” rồi!

        Tôi bảo anh vào báo cáo với các anh trong phòng họp. Ngay sau đó, hành lang phòng họp của Quân uỷ bỗng trở nên chật hẹp hẳn lại. Không biết từ lúc nào, các anh trong Bộ Chính trị và chúng tôi đã từ phòng họp ra cả hành lang. Anh Khánh, một số cán bộ các cục và Văn phòng, trực ban tác chiến, tổ cơ yếu thường trực, mấy chiến sỹ công vụ, vệ binh... tất cả chỉ trong chốc lát bỗng nhiên hình thành một cuộc mít tinh. Già, trẻ, thường phục, quân phục, cấp trên, cấp dưới..., mọi người đều hân hoan xúc động. Các anh trong Bộ Chính trị cười nói rất vui.

        Đồng chí trực ban tác chiến được phép thông báo tin chiến thắng đến các tổng cục, các cục. Trước đó, ít nhiều cán bộ, chiến sỹ trong cơ quan Bổ Tổng tham mưu đã biết. Vậy mà khi tiếng loa chính thức báo tin vừa dứt, nơi nơi vang lên tiếng vỗ tay reo hò. Đâu đó có tiếng pháo nổ vang. Một không khí phấn khởi, náo nhiệt bao trùm cơ quan Tổng hành dinh.

        Tin chiến thắng cũng được thông báo cho Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và cho cơ quan thông tin Hà Nội.

        Một đồng chí cán bộ vừa đi từ Bờ Hồ qua ngã tư Cửa Nam về, kể lại: Tiếng loa trên các đường phố vang lên báo “tin đặc biệt”. Dòng người, dòng xe đạp đang chuyển động trên các ngả đường bỗng chậm hẳn lại. Người người lắng nghe và cuối cùng, tiếng hò vang lên. Một sự kiện bao năm chờ đợi, nay đã đến. Từ các nhà, các dãy phố, người ta đổ ra đường. Quanh Bờ Hồ, dưới các loa phóng thanh, người chật ních. Ai cũng muốn nghe tiếng phát thanh viên đọc đi, đọc lại tin chiến thắng mới nhận được. Nét mặt mọi người hân hoan, rạng rỡ. Chặng đường dài chiến đấu liên tục 30 – 40 năm đã đến đích cuối cùng. Lời tiên tri của Bác năm 1960 đã thành hiện thực: “Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”.

        Mặt trời đã đứng bóng. Nhiều anh trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương lên xe ra về. Niềm vui còn thể hiện rõ trên nét mặt các anh. Hơn hai mươi năm qua, các anh đã bao lần trải qua những giây phút tâm tư, với trách nhiệm nặng nề, nhiệm vụ to lớn đè trĩu lên vai. Thắng lợi không đột ngột nhưng quá nhanh, khiến tâm tư, tình cảm tràn ngập một niềm xúc động mạnh.

        Anh Văn chưa về, dù đã 12 giờ trưa. Anh cho gọi tổ cơ yếu thường trực sang phòng họp. Trên bàn đã bày sẵn mấy chai bia Trúc Bạch, kẹo Hà Nội, thuốc lá Điện Biên. Anh muốn chia vui và thưởng riêng cho anh chị em cơ yếu thường trực sau những ngày làm việc hết sức khẩn trương, căng thẳng, phục vụ đắc lực cho việc chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương.

        Mới hơn 13 giờ, đã thấy những chiếc xe con trở lại Khu A. Buổi trưa nay, ngày 30 tháng 4, hình như nhiều anh trong bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương không nghỉ. Các anh vào phòng họp, vẫn vẻ mặt hân hoan, xúc động. Buổi họp chiều chưa bắt đầu thì đồng chí Trưởng phòng 70 đã chạy và phòng họp, mang theo bản tin mới thu được của đài Sài Gòn.

        Bản tin nói về lời chấp nhận đầu hàng của viên Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn. “Tôi là Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn. Tôi kêu gọi bỏ vũ khí đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng, giải tán cơ cấu chính quyền từ trung ương đến địa phương và giao quyền cho Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam”.

        Tiếp đến là lời đại biểu Quân giải phóng:

        “Tôi đại diện Quân giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng của ...” Anh không ghi tiếp nữa. Anh xúc động quá, bỏ máy chạy ngay lên phòng họp của Quân uỷ.

        Trong phòng mới có anh Ba, anh Đồng, anh Văn, một số anh trong Thường trực Quân uỷ và tôi. Nghe xong, anh Ba hỏi lại:

        - Có đúng nó tuyên bố đầu hàng vô điều kiện không? Phải bắt nó tuyên bố như vậy.

        Đồng chí Trưởng phòng 70 đọc lại. Đúng là nó đầu hàng vô điều kiện.

        Các anh cùng cười, vui, rất vui.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 12:30:19 am »


        Nửa giờ sau, anh Trân Lâm ở Đài phát thanh vào và cũng mang theo tin nói trên. Các anh dặn anh Lâm về phương hướng tuyên truyền trong những ngày sắp tới. Cần nói nhiều hơn, rõ hơn về chiến dịch Hồ Chí Minh, về các trận chiến đấu,  về phong trào nổi dậy và tin đồng bào nhiệt liệt hoan nghênh Quân giải phóng, nhất là ở Sài Gòn, về việc đầu hàng vô điều kiện của tổng thống Ngụy. Cần đưa nhiều tin về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và công việc của Uỷ ban quân quản. Chú trọng động viên nhân dân giúp đỡ lực lượng vũ trang truy quét tàn binh địch và góp sức vào việc xây dựng chính quyền mới, kêu gọi quân đội và cảnh sát địch còn lại nhanh chóng đầu hàng...

        Cuộc họp buổi chiều bắt đầu muộn. Các anh vừa trao đổi ý kiến về những công việc lớn trước mắt, nừa có ý đợi báo cáo chính thức của chiến trường.

        Khoảng 16 giờ, hai bức điện đến cùng một lúc, một của anh Lê Đức Thọ, một của anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng, được viết hồi 13 giờ 30 ngày 30 tháng 4. Các anh nói về lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, về lệnh cho các cánh quân tiếp tục phát triển tiến công thật nhanh vào các khu vực và mục tiêu đã quy định; về lời kêu gọi quân địch còn lại đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí; về chỉ thị bắt giữ và tập trung các sỹ quan địch từ cấp tá trở lên, nếu nơi nào địch chống cự thì lập tức tiến công tiêu diệt ngay. Các anh cũng đã chỉ thị cho đồng bằng sông Cửu Long chớp thời cơ nổi dậy, đánh đổ toàn bộ chính quyền địch, lập chính quyền cách mạng, lập uỷ ban quân quản ở địa phương...

        Sau khi nghe điện báo cáo của các anh trong chiến trường, anh Ba tóm tắt những vấn đề đã được trao đổi ý kiến hôm nay và nhắc lại một số việc dự kiến bàn trong cuộc họp chính thức của Bộ Chính trị vào ngày 3 tháng 5, để chuẩn bị Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương sắp tới. Anh chỉ thị Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị báo cáo tổng hợp diễn biến của chiến trường từ trưa ngày 30 tháng 4, cả ở Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long, để báo cáo trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cần họp trước, bàn về một số công tác trước mắt mà đồng chí Bí thư Quân uỷ đã nêu lên: Vấn đề chỉ đạo tác chiến, hoàn thành giải phóng toàn bộ lãnh thổ (kể cả các đảo); vấn đề quản lý vùng giải phóng; kế hoạch (sơ bộ) bố phòng đất nước, làm cơ sở để kiện toàn và điều chỉnh lực lượng, vấn đề thu hồi toàn bộ vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh, cơ sở vật chất và kỹ thuật của một đội quân trên một triệu tên địch vừa bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn. Đây là một nhiệm vụ rất lớn, ta đã làm một bước, nay phải có kế hoạch toàn diện, trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam và cả nước. Cần bàn cả công thức ra tuyên bố về giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa,  các đảo Côn Sơn, Phú Quốc, Cù Lao Thu... Một vấn đề cụ thể cần làm sớm là tổ chức lễ mừng chiến thắng, vào khoảng từ 10 đến 12 tháng 5, không nên để chậm. Ngoài công tác ngoại giao, Hội nghị Bộ chính trị sắp tới sẽ tập trung bàn phương hướng tiến lên của cách mạng nước ta sau ngày toàn thắng. Đảng là một, dân tộc là một, quân đội là một. Đương nhiên phải có chuẩn bị nhưng tình hình đã chín muồi để thực hiện thống nhất đất nước. Chúng ta sẽ có nhiều điều kiện cơ bản để đưa cách mạng tiến lên mạnh mẽ, xây dựng đất nước giàu mạnh. Phải làm sớm vấn đề cơ bản này mới có cơ sở để giải quyết các vấn đề cụ thể khác.

        Trước khi ra về, anh Ba còn nhắc tôi:

        - Dặn anh em chú ý tin tức về tiến công và nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin chỉ huy của tham mưu nặng về tiến công của chủ lực, nhẹ về nổi dậy của quần chúng đấy!

        Có tiếng cười vui.

        Thật ra thì vừa qua, Bộ Tổng tham mưu nhận được tin tức phong trào nổi dậy. Đã có lần báo cáo chúng tôi xin phải “khất”.

        Chúng tôi trong Thường trực Quân uỷ ngồi nán lại. Đồng chí Bí thư nhắc chúng tôi những nôi dung cần chuẩn bị cho cuộc họp của Thường trực Quân uỷ, dự định vào ngày 2 tháng 5. Ngoài những việc anh Ba vừa gợi ý, anh Văn nhắc thêm một số công tác quân sự trước mắt.

        Một là, trong việc quản lý các vùng mới giải phóng nhất là các thành phố lớn, phải chỉ đạo các uỷ ban quân quản phối hợp với các ngành, các đoàn thể, vừa xây dựng chính quyền cách mạng, vừa thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết như truy quét bọn tàn binh, bắt giữ bọn đầu sỏ phản động, giữ vững trật tự trị an, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân và tài sản công cộng, ổn định đời sống của nhân dân. Phải làm cho mỗi cán bộ và chiến sỹ của các đơn vị có nhiệm vụ quản lý thành phố trở thành một cán bộ biết vận động nhân dân, phát động quần chúng làm chủ địa bàn mới giải phóng.

        Hai là, nghiên cứu kế hoạch giải quyết bọn địch còn lại ở đồng bằng sông Cửu Long và các đảo Côn Sơn, Phú Quốc. Trong việc giải quyết các đảo, anh nhắc lại chủ trương trước đây của Bộ Chính trị về việc giải phóng và đưa các anh chị em tù chính trị của ta ở ngoài đó trở về.

        Ba là, nghiên cứ kế hoạch xây dựng và điều chỉnh lực lượng trong điều kiện đất nước thống nhất và ta mới thu hồi được một số lớn trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh của địch.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM