Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:04:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46034 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:14 pm »


        Từ kết quả diệt Mỹ trên các mặt trận vành đai, Đảng uỷ - Bộ tư lệnh Quân khu 5 đi đến khẳng định: Du kích đã diệt được Mỹ thì bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực càng có khả năng đánh Mỹ, thắng Mỹ. Thực tế đã chứng minh: Trận Núi Thành (26/5/1965), Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam được tăng cường một trung đội đặc công, sau 30 phút chiến đấu các chiến sỹ ta đã tiêu diệt gần hết 1 đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ. Trận Vạn Tường, Trung đoàn 1, Đại đội 21 bộ địa phương tỉnh Quảng Ngãi và du kích địa phương sau một ngày chiến đấu đã loại khỏi vòng chiến đấu 900 tên Mỹ, phá huỷ 22 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 13 máy bay.

        Chiến thắng oanh liệt của các trận đánh trên góp phần quan trọng vào ciệc xác định được cách đánh, xây dựng được lòng tin, quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của quân và dân ta, cổ vũ khí thế thi đua diệt Mỹ trên toàn chiến trường.

        Hội nghị Khu uỷ diễn ra vào đầu tháng 5 năm 1965, chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chính trị, vũ trang và vận động binh sỹ địch đầu hàng nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng quân chủ lực nguỵ, làm cho chúng rối loạn cao độ về chiến lươc, suy sụp hoàn toàn về chính trị...; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng địch trong “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Về tác chiến, hội nghị chủ trương tập trung chủ lực mở hoạt động Hè trên ba hướng: Nam Tây Nguyên, tây Gia Lai - bắc Kon Tum, bắc Quảng Ngãi.

        Bắc Quảng Ngãi - hướng trọng điểm của hoạt động ở đồng bằng bao gồm ba huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi. Địa bàn tác chiến chủ yếu của chủ lực là tây Sơn Tịnh. Vùng đất nằm kẹp giữa 4 chi khu quân sự Sơn Tịnh 4 ki-lô-mét là thị xã Quảng Ngãi. Xa hơn 20 ki-lô-mét về phía bắc là căn cứ Chu Lai, nơi quân Mỹ vừa mới đổ vào ngày 7 tháng 5 năm 1965. Lực lượng địch, ngoài bảo an, dân vệ vòn có Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 51 độc lập đóng tại cứ điểm Gò Cao (còn có tên gọi là Ba Gia). Sở chỉ huy Trung đoàn 51 và các Tiểu đoàn 2, 3 ở thị xã Quảng Ngãi. Địa bàn hẹp, lực lượng động, cứ điểm dày đặc. Kể từ mùa Thu năm 1964, chủ lực ta chưa hoạt động ở đây. Do đó địch khá chủ quan sơ hở.

        Lực lượng ta trong chiến dịch này có Trung đoàn 1 bộ binh, do anh Lê Hữu Trữ làm Trung đoàn trưởng và anh Nguyễn Đình Trọng – Chính uỷ chỉ huy được tăng cường Tiểu đoàn 45 từ miền Bắc vào, cùng với lực lượng vũ trang địa phương. Tôi trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ chiến dịch.

        Cách đánh chiến dịch được xác định là: đánh điểm, diệt viện, đánh địch ngoài công sự là chính. Vùng tây Sơn Tịnh được xác định là địa bàn chiến dịch.

        Ngày 20 tháng 5 năm 1965, Trung đoàn 1 được lệnh hành quân rời Quảng Nam vào Quảng Ngãi. Trong buổi lễ xuất quân, toàn trung đoàn tỏ chức lễ phát động thi đua”Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, đã làm bừng lên khí thế sôi nổi, hào hùng trong cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 1. Khi thảo luận phương án, anh Lê Hữu Trữ nói: “Trung đoàn 1 chúng tôi đang sung sức, nên mở đầu chiến dịch bằng tiêu diệt Ba Gia trước”.

        Nhưng qua thảo luận, phân tích, thấy phương án diệt Ba Gia là không phù hợp, phải có cách đánh chắc chắn hơn, tìm cách khơi ngòi, lôi địch ra ngoài công sự để tiều diệt. Quyết tâm chiến đấu của Trung đoàn 1 được quyết định như sau: Sử dụng một lực lượng nhỏ đánh vào một đơn vị dân vệ, kéo quân viện của địch ra tiêu diệt từ nhỏ đến lớn, tạo ra sự bùng nổ dây chuyền, buộc quân địch ngày càng lao sâu vào chỗ chết.

        4 giờ 25 phút ngày 29 tháng 5 năm 1965, một trung đội bộ đội địa phương huyện Sơn Tịnh, cùng một trung đội trinh sát đặc công của Trung đoàn 1 đánh vào vị trí đóng quân của trung đội dân vệ ở thôn Lộc Thọ.

        Đúng như ta dự đoán, sau khi bộ đội địa phương Sơn Tịnh nổ súng, bọn dân vệ liền kêu cứu. Địch cho pháo binh ở Ba Gia bắn vào Lộc Thọ và ra lệnh cho đại đội đóng quân dã ngoại ở Núi Tròn kéo xuống ứng cứu.

        Thực hiện ý định chiến đấu, các chiến sỹ ta không dùng súng trung liên và súng cối, mà chỉ dùng súng trường diệt địch. Chiến sỹ ta dựa vào công sự địch lên gần tỉa từng tên khiến cả đại đội nguỵ phải dừng lại. Bọn chỉ huy địch điều ngay 2 đại đội còn lại đi trên 8 xe GMC và 1 xe Jeep do hai cố vấn Mỹ chỉ huy kéo xuống giải toả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2016, 11:06:54 pm »


        Như vậy, ta đã kéo 1 đại đội nguỵ vào khu chiến, rồi tiếp tục giữ đại đội này trong thế tiến thoái lưỡng nan, để kéo cả Tiểu đoàn 1 ( Trung đoàn 51) nguỵ ra khỏi đồn để tổ chức tiêu diệt. Đội hình của Tiểu đoàn 1 địch đến gần cầu Gãy thì dừng lại. Lúc này, Tiểu đoàn 90 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chơn từ xóm An Thanh, thôn Minh Thành đang bí mật vận động hình thành thế bao vây. 9 giờ 30 phút ngày 29 tháng 5, đội hình tiến công chủ yếu của Tiểu đoàn 90 đã ở ngay sát bên sườn và phía sau quân địch. Được lệnh nổ súng, các mũi xung phong đánh chia cắt quân địch ra từng cụm nhỏ để tiêu diệt. Hai có vấn Mỹ bị tiêu diệt ngày từ đầu. Cả ba mặt đều có lực lượng ta tiến công, đôi hình chúng rối loạn không kịp chống cự. Số còn sống sót liều chết chạy ra cánh đồng hòng vượt sông Trà Khúc thoát thân. Tiểu đoàn 90 được lệnh truy kích. Các chiến sỹ nuôi quân, thông tin, vận tải, quân y tham gia bắt tù binh. Cả tiểu đoàn Nguỵ hoàn toàn bị tiêu diệt. Ta bắt 217 tên, có cả tên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1.

        Bị thua đau và hết sức bất ngờ, ngay chiều 29 tháng 5, địch điều động Tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ 3 đang càn quét ở Đức Phổ và Tiểu đoàn Biệt động quân 39 đang ở bắc Đà Nẵng tập trung về thị xã Quảng Ngãi. Một chiến đoàn hỗn hợp gồm Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 51, Tiểu đoàn Biệt động quân 39 và Tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ 3 được gấp rút tổ chức.

        Về phía ta, sau chiến thắng oanh liệt vừa qua, Trung đoàn khẩn trương cho củng cố để chuẩn bị đánh những trận sau lớn hơn.

        Đúng như dự kiến, mờ sáng ngày 30 tháng 5, từng tốp máy bay phản lực ào tới dội bom xuống khắp các xóm làng và dãy điểm cao hai bên đường số 5 từ Sơn Tịnh đi Hà Thành. Pháo binh địch từ thị xã Quảng Ngãi bắn liên tiếp. Tưng tốp trực thăng phóng rốc-két, bắn đạn 20 ly xuống các điểm cao Mã Tô, Núi Khỉ, Chóp Nón mơ đường cho chiến đoàn địch tiến lên.

        9 giờ 30 phút ngày 30 tháng 5, cả chiến đoàn địch được chở trên 20 xe GMC và 12 xe bọc thép M113 từ thị xã Quảng Ngãi tiến đến ngã ba Lâm Lộc chia làm hai cánh. Tiểu đoàn Biệt động quân số 39 rẽ về phía bắc và băng qua cánh đồng Vĩnh Khánh, tiến lên chiếm điểm cao núi Chóp Nón. Cánh quân chủ yếu gồm các đơn vị còn lại tiếp tục theo đường số 5 đánh lên Phước Lộc, điểm cao Mã Tô, Nhí Khỉ rồi phát triển lên Ba Gia.

        Từ đài quan sát chỉ huy trên đỉnh Núi Khỉ, Trung đoàn liên tục theo dõi, nắm chắc mọi hành động của địch báo cáo và nhận định: So sánh lực lượng tiểu đoàn ta 1 - địch 1, nhưng địch có quân số đông hơn, hoả lực phi pháo binh khí nhiều hơn. Ta không đủ khả năng tập trung tiêu diệt ngày một lúc toàn bộ quân địch. Do đó cách đánh của ta là tìm mọi cách tách quân địch ra từng tiểu đoàn, không cho chúng liên kết, chi viện lẫn nhau để ta có thể diệt chắc từng bộ phận địch.

        Từ nhận định về địch và xác nhận cách đánh, Trung đoàn trưởng Lê Hữu Trữ chỉ thị từng mục tiêu cụ thể cho các tiểu đoàn. Trên các hướng, được sự hỗ trợ của du kích, quân ta nhanh chóng vận động, bí mật hình thành thế bao vây quân địch.

        13 giờ 30 phút ngày 30 tháng 5, Tiểu đoàn 39 đến núi Chóp Nón, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 51 và Tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ 3 đang tiến vào làng Phước Lộc.

        Theo tình huống dự kiến Tiểu đoàn 45 và Đại đội 6 Tiểu đoàn 60 nổ súng đánh vào sau lưng Tiểu đoàn 39 của địch. Nghe tiếng súng nổ, cánh quân chủ yếu của địch ở Phước Lộc triển khai đội hình chiếm đồi Mã Tô và điểm cao 47.

        Lúc này toàn trung đoàn được lệnh xuất kích.

        Tiểu đoàn 40 từ chân Núi Khỉ, hình thành hai mũi đánh chiếm phía tây làng Phước Lộc, phát triển dọc theo bờ bắc sông Trà Khúc, hình thành thế bao vây chặt phía nam quân địch. Tiểu đoàn 60 (thiếu) từ Vĩnh Lộc chia thành hai mũi đánh bật địch ra khỏi điểm cao 47, tiến thẳng vào làng Phước Lộc, cắt đôi đội hình địch, rồi vòng về phía đông, chiếm cầu Bà Mẹo cắt đường rút lui của địch, phối hợp với Tiểu đoàn 40.

        Trận đánh diễn ra mỗi lúc một ác liệt, ta và địch giành giật nhau từng mô đất, từng đoạn chiến hào. Sau 2 giờ chiến đấu quyết liệt, chiến sỹ ta đã diệt phần lớn Tiểu đoàn 39, đánh thiệt hại Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 51), đánh thiệt hại Tiểu đoàn lính thuỷ đanh bộ 3. Trời tối, quân số còn lại của Tiểu đoàn 39 cố thủ ở đồi Chóp Nón,Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 51) co cụm trong một đoạn chiến hào ở rìa làng Phước Lộc, Tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ số 3 co cụm ở điểm cao 47.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 11:20:59 pm »


        Như vậy, bằng nhiều trận đánh liên tiếp, ta đã gom địch lại thành ba cụm cách biệt nhau, buộc chúng phải trú quân lại trong đêm.

        Về phí ta, sau một ngày chiến đấu căng thẳng, nhưng để diệt gọn cả chiến đoàn địch, cán bộ trung đoàn phân công nhau xuống từng đơn vị để động viên bộ đội, tổ chức lại đội hình, nắm địch và quyết định tập kích tiêu diệt cả ba cụm quân địch ngay đêm 30 tháng 5.

        4 giờ 30 phút ngày 31 tháng 5, trận tập kích bắt đầu từ đồi Chóp Nón. Chỉ sau 7 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 45 đã tiêu diệt gọn quân địch, làm chủ trận địa. Ở hướng Mã Tô và điểm cao 47, Tiểu đoàn 60 nổ súng, bọn địch không kịp chống cự mà lợi dụng đêm tối tháo chạy. Tiểu đoàn 60 truy kích, diệt gọn tiểu đoàn này.

        Ở làng Phước Lộc, Tiểu đoàn 40 gặp khó khăn hơn, chưa nắm được địch. Cán bộ tiểu đoàn và đại đội đi trước nắm địch, khi nắm được địch nhanh chóng hình thành phương án, tổ chức chiến đấu và thực hành tiến công ngay. 4 giờ ngày 31 tháng 5, Tiểu đoàn 40 nổ súng. Sau 30 phút chiến đấu, toàn bộ lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 51) Ngụy bị tiêu diệt.

        Như vậy, sau 16 giờ chiến đấu liên tục, Trung đoàn 1 đã tiêu diệt hoàn toàn 1 chiến đoàn quân Ngụy, diệt 916 tên, có 4 cố vấn Mỹ, bắt 65 tên, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng.

        Chiến thắng Ba Gia là một trận tiêu diệt chiến xuất sắc của chủ lực ta. Lần đầu tiên ta diệt gọn một chiến đoàn quân Ngụy (Tiểu đoàn Biệt động 39, Tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ 3, Các Tiểu đoàn 1 và 2 (Trung đoàn 51) Ngụy) và cũng là lần đầu tiện trong một thời gian ngắn của chiến dịch (trong vòng 42 tiếng đồng hồ) ta diệt gọn 4 tiểu đoàn Ngụy, với lực lượng một chọi một, chứng tỏ địch không còn đủ sức tiến công mà cũng không đủ sức phòng ngự nữa. Qua trận Ba Gia, bộ đội ta đã thể hiện xuất sắc chủ nghĩa anh hùng tập thể, đánh mạnh, xung phong mạnh.

        Về mặt đấu tranh vũ trang thì chiến thắng Ba Gia đánh dấu sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam với lực lượng chiến lược là quân Ngụy do Mỹ tổ chức, trang bị, huấn luyện, chỉ huy và sự phá sản đó lại đánh dấu sự thất bại bước đầu của chính sách thực dân mới và âm mưu ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á của chúng.

        Thắng lợi to lớn về quân sự, sức ép mạnh mẽ về chính trị và binh vận của nhân dân càng làm cho ngụy quân, ngụy quyền nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi hoang mang, dao động. Nhân dân toàn tỉnh nổi dậy kết hợp với bộ đội địa phương và du kích tiến công giải phóng nhiều vùng nông thôn ở đông và tây Tư Nghĩa, bắc Nghĩa Hành, đông Mộ Đức, đông Sơn Tịnh, tây Bình Sơn. Nông thôn đồng bằng cơ bản được giải phóng.

        Thị xã Quảng Ngãi lúc này chỉ có lực lượng bảo an. Trong cán bộ lãnh đạo có người cho rằng có thời cơ dùng Trung đoàn 1 tiến nhanh vào diệt địch, giải phóng thị xã. Nhưng Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân khu thấy: Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã sẵn sàng ở Chu Lai, ta giải phóng được thị xã Quảng Ngãi nhưng thi xã sẽ bị địch oanh kích nát, Trung đoàn 1 có thể bị thương vong nhiều, nên quyết định cho bộ đội dừng lại nghỉ ít ngày chuẩn bị cho trận đánh thuỷ quân lục chiến Mỹ ở Vạn Tường.

        Sau khi thành lập Mặt trận Tây Nguyên (B3) (01/5/1964), Bộ Tổng tham mưu dự kiến tập trung vào Tây Nguyên mấy sư đoàn mở chiến dịch tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Ngụy, giải phóng bắc Tây Nguyên, trước hết là Kon Tum, cắt đường 19. Vì yêu cầu đó phải tăng cường cho Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên trở thành Bộ chỉ huy chiến dịch.

        Theo thông báo của Bộ Chính trị thì anh Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, tôi làm Chính uỷ Mặt trận Tây Nguyên. Cùng lên Tây Nguyên với tôi có anh Bùi Nam Hà - Tham mưu phó Quân khu, anh Đặng Vũ Hiệp – Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu và một số cán bộ khác.

        Tôi lên Tây Nguyên thì Sư đoàn kỵ binh số 1 Mỹ đã đổ bộ vào quân cảng Quy Nhơn, chiếm đóng An Khê - một vị trí then chốt trên đường 19, án ngữ cửa ngõ Tây Nguyên. Theo tin chúng tôi nắm được về Sư đoàn không vận số 1 (kỵ binh bay) như sau: quân số 15.984 người, 450 máy bay hầu hết là máy bay trực thăng, trong đó có 39 trực thăng vũ trang, 54 pháo 105 ly, khoảng 1.600 xe (trong đó có 20 xe vận tải bọc thép, hơn 2.000 máy vô tuyến điện các loại (trong đó có loại 2W PRC5 hiện đại nhất của Mỹ lúc đó); biên chế 8 tiểu đoàn chiến đấu gồm 3 tiểu đoàn dù và 5 tiểu đoàn bộ binh, mỗi tiểu đoàn 830 người; bán kính hoạt động tối đa của Sư đoàn không vận là 300 ki-lô-mét, trung bình từ 100 đến 200 ki-lô-mét.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 11:21:37 pm »


        Sau khi đoàn cán bộ Quân khu 5 lên Tây Nguyên, trong Bộ tư lệnh Mặt trận phân công như sau: tôi (Chu Huy Mân) – Tư lệnh kiêm Chính uỷ (anh Lê Trọng Tấn không vào Tây Nguyên), anh Huỳnh Đắc Hương – Phó Chính uỷ, anh Nguyễn Chánh và anh Nguyễn Hữu An – Phó Tư lệnh, anh Bùi Nam Hà – Tham mưu trưởng, anh Đặng Vũ Hiệp - Chủ nhiệm chính trị.

        Hoạt động chiến đấu ở đồng bằng Khu 5 một thời gian lại lên Tây Nguyên, trong khi nghiên cứu đánh trận phủ đầu lực lượng sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ, chúng tôi có dịp nghiên cứu trên bản đồ Trung Đông Dương càng dễ dàng nhất trí với Bộ Tổng tham mưu: Chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên là một phương hướng có vị trí chiến lược quân sự và chính trị rất quan trọng. đồng bằng ven biển có căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng, Chu Lai và Cam Ranh. Đà Nẵng và địa bàn Quân đoàn 1 địch là điểm tựa sau lưng Huế, Quảng Trị, đối mặt với tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tây Nguyên hay nói Cao Nguyên Trung phần cũng được coi là nóc nhà Trung Đông Dương. Lầu Năm góc cho Sư đoàn kỵ binh bay số 1 chiếm đóng An Khê với mưu tính kiểm soát cả địa bàn Tây Nguyê, mấy tỉnh đồng bằng Liên khu 5, đông bắc Cam-pu-chia và Hạ Lào, uy hiếp con đường vận chuyển chiến lược từ Bắc vào Nam. Cho nên đánh trận phủ đầu sư đoàn này của Mỹ là cực kỳ quan trọng. Đánh thắng trận đầu là cơ sở để hiểu địch, để thắng địch trong những trận tiếp sau. Đánh thắng trận đầu giúp cho đồng bào, chiến sỹ các dân tộc Tây Nguyên, cho đồng bào và lực lượng vũ trang Khu 5 tự kết luận: đánh được Mỹ và hoàn toàn có khả năng đánh thắng Mỹ. Do đó, chiến trường Khu 5 với Tây Nguyên là một. Lãnh đạo và chỉ huy có phân công và có thống nhất.

        Trước tình hình quân chiến đấu Mỹ vào Tây Nguyên, Bộ chính trị và Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho chiến trường tranh thủ thời cơ đánh đau quân Ngụy, làm suy yếu chỗ dựa về bình định, không để quân Mỹ rảnh tay tìm diệt; đồng thời khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng đánh thắng quân Mỹ ngay từ trận đầu, nỗ lực cao nhất đánh bại chiến lược ‘đánh nhanh giải quyết nhanh” tiến lên đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ.

        Thực hiện chủ trương chiến lược trên, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch mùa khô 1965 nhằm tiêu diệt một bộ phận quân Ngụy và tạo thời cơ buộc quân Mỹ phải tham chiến để tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, củng cố và mở rộng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ địa vững chắc, rèn luyện bộ đội và cơ quan chỉ đạo chiến dịch, nâng cao trình độ tác chiến; đồng thời qua tác chiến tìm hiểu thêm quân Mỹ.

        Vấn đề đặt ra với Mặt trận Tây Nguyên là chọn hướng mở chiến dịch nên ở Cánh Bắc, Cánh Trung hay Cánh Nam Tây Nguyên. Cánh Bắc là tỉnh Kon Tum có rừng rậm, núi cao hiểm trở, với ta thuận lợi cho việc giấu quân, lập kho tàng, hạn chế đến mức cao nhất hiệu lực của máy bay, pháo binh địch. Còn Cánh Trung và Cánh Nam Tây Nguyên thời tiết tháng 10 trở đi bước vào mùa khô, địa hình rừng bằng, đồi núi thấp, xen kẽ nương rẫy. Về cơ bản sông suối không ảnh hưởng đến cơ động của bộ đội. Địa hình thời tiết thời gian này cho phép ta tập trung binh lực tương đối lớn, cơ động được rộng rãi, nhưng với địch chúng cũng phát huy được uy lực không quân trong tác chiến, nhất là việc vận dụng chiến thuật “trực thăng vận”, chúng có thể cơ động nhanh đổ bộ được nhiều nơi. Với những đặc điểm thời tiết như vậy, thì vấn đề tổ chức “đối không” rộng rãi không những làm giảm bớt uy lực không quân địch mà còn là thời cơ để bộ đội bắn rơi máy bay Mỹ, nhất là trực thăng. Mặt khác, nếu ta tổ chức rộng rãi mạng đường quân sự làm gấp không những bảo đảm được sự cơ động nhanh bí mật mà còn tạo điều kiện cho ta tiếp cận phản kích địch trên nhiều hướng. Từ phân tích trên, Đảng uỷ nhất trí chọn Cánh Trung Tây Nguyên mở chiến dịch mùa khô 1965.

        Cuộc họp Đảng uy Mặt trận mở rộng do bí thư chủ trì nghiên cứu, quán triệt nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch chiến dịch. Sau khi phân tích trên bình diện toàn chiến trường, tôi nói:

        - Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đã thất bại, Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn tuy chưa tan rã về tổ chức, nhưng đã suy yếu toàn diện. Về phía ta, lực lượng quân sự, chính trị ở miền Nam phát triển mạnh mẽ, thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc và cách mạng miền Nam đang ở thế tiến công. Như vậy, về chiến lược, Mỹ nhảy vào miền Nam nước ta trong thế bị động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 11:24:11 pm »


        - Do vị trí chiến lược đặc biệt của Tây Nguyên nên bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn đã tung đơn vị sừng sỏ bậc nhất của chúng lên chiếm đóng ở đây, với tham vọng tiêu diệt chủ lực của ta trong một thời gian ngắn, vực quân Ngụy dậy và từ đó chiếm đóng lâu dài Tây Nguyên, khống chế cả chiến trường Trung Đông Dương. Mặc dù chúng ta đã tập trung nghiên cứu nhưng cũng chỉ hiểu Mỹ trên lĩnh vực tư tưởng, tâm lý và chiến thuật “nhảy cóc” còn cách đánh với Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 ở chiến trường rừng núi ra sao thì chưa có tiền đề. So sánh lực lượng ta ít hơn địch cả về quân số và trang bị. Quân Mỹ có nhiều máy bay và pháo binh, còn chúng ta không có. Khi Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 bước vào tham chiến thì cường độ ác liệt do pháo binh và hoả lực từ máy bay sẽ gia tăng gấp bội. Do vậy, để bảo đảm chắc thắng, Đảng uỷ cần tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu, đặc biệt coi trọng việc xây dựng tư tưởng quyết đánh và quyết thắng quân Mỹ cho bộ đội.

        Quân uỷ  Trung  ương đặt niềm tin rất lớn vào quân và dân Tây Nguyên. Ta thắng Mỹ trong chiến dịch này sẽ có ý nghĩa lớn, không những về mặt quân sự mà cả về chính trị, tâm lý, sẽ tạo ra thế mới, lực mới đối với lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên nói riêng và toàn miền Nam nói chung. Chính vì lẽ đó chúng ta phải làm cho cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến dịch có ý chí quyết tâm đánh, trước hết phải dám đánh Mỹ, cứ đánh thắng khắc tìm ra cách đánh. Với phương châm: vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu và rèn luyện.

        Cuộc họp Đảng uỷ Mặt trận Tây Nguyên biểu thị quyết tâm “trước hết phải dám đánh Mỹ, cứ đánh thắng khắc tìm ra cách đánh” và quyết tâm này được thấu triệt đến cán bộ chiến sỹ toàn mặt trận.

        Một buổi tối cuối tháng 9, tôi mời anh Đặng Vũ Hiệp đến chỗ tôi. Anh Hiệp còn rất trẻ (36, 37 tuổi gì đó), thông minh, có trí nhớ tốt, nhạy bén sắc sảo trong nhận định đánh giá tình hình, có quan điểm tốt, là người coi trọng giữ gìn sự nhất trí đoàn kết nội bộ. Mời anh Hiệp uống nước, tôi nói:

        - Mấy hôm nay, Đảng uỷ đã bàn nhiều về nhiệm vụ chiến dịch tới. Với lực lượng của ta hiện có, lại tác chiến với đối tượng sừng sỏ bậc nhất của quân đội Mỹ, yêu cầu nhiệm vụ của Quân uỷ Trung ương giao cho rất cao, theo anh vấn đề quan trong để giành thắng lợi ở chiến dịch này là gì?

        Suy nghĩ một lát, anh Đặng Vũ Hiệp nói:

        - Thưa anh, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc mình luôn phải đương đầu với những kẻ thù hung bạo và lớn mạnh hơn mình nhiều lần. Tuy vậy, dân tộc ta chưa bao giờ chịu khuất phục trước một kể thù nào, kể cả chúng là quốc gia mạnh nhất thời đó, một khi ta khơi dậy được lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và chí căm thù giác cho quân và dân cả nước.

        - Nhưng đây là đối tượng tác chiến mới, có nhiều máy bay, đại bác, xe tăng.

        - Đối tượng tác chiến của quân và dân Tây Nguyên là Sư đoàn kỵ binh không vận số 1. Cái mạnh của nó là sức cơ động, là hoả lực phi pháo, nhưng nó cũng có hạn chế nhất định ở ngay trong cái mạnh đó. Do được trang bị mạnh nên quân Mỹ thường ỷ vào hoả lực, một khi ta hạn chế hoặc vô hiệu hoá chỗ dựa đó thì tinh thần và ý chí của chúng chắc chắn sẽ bị suy giảm. Với ta, ưu thế đồng thời cũng là sức mạnh ở chính trị tinh thần và sở trường đánh vận động trên địa bàn rừng núi bằng vũ khí mang vác. Nếu ta phát huy được ưu thế này thì nhất định ta sẽ đánh thắng chúng.

        - Đúng! Đúng! Vấn đề là chỗ đó – Tôi xác nhận.

        Anh Đặng Vũ Hiệp mở cuốn sổ công tác, nói tiếp:

        - Hiện nay cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 33, Trung đoàn 320 và cả Trung đoàn 66 đang trên đường hành quân vào chiến trường. Theo chúng tôi nắm được, các trung đoàn này quân số trực tiếp chiến đấu trên 2.600 người, đảng viên 420, đoàn viên 1.720 người. Cán bộ trung đội đã qua chiến đấu 32%, cán bộ đại đội đã qua chiến đấu 80%, cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn 100% đã qua chiến đấu. điều quan trọng nhất là sau ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc, theo yêu cầu mới, những người vào quân đội phải có tiêu chuẩn nhất định về chính trị, tư tưởng, có sức khoẻ có văn hóa và tự nguyện, thời gian huấn luyện cơ bản của những chiến sỹ này dài hơn. Nội dung huấn luyện bao gồm cả kỹ thuật, chiến thuật đều đạt trình độ thuần thục, các yếu lĩnh động tác cơ bản, sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị, đặc biệt khả năng bắn súng bộ binh đạt tỷ lệ khá giỏi rất cao. Việc rèn luyện thể lực để nâng cao sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai được tiến hành thường xuyên thông qua các cuộc hành quân xa, mang vác nặng, ăn ở dã ngoại dài ngày trước khi vào chiến trường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 11:25:27 pm »


        - Ưu thế chính trị, tinh thần như anh vừa nói đã sẵn có trong mỗi cán bộ, chiến sỹ ta. Vấn đề còn lại là làm thế nào phát huy được ưu thế ấy. Chính vì lẽ đó tôi mời anh qua để chúng ta cùng bàn.

        Chợt nhớ ra, tôi hỏi anh Hiệp:

        - Anh Hiệp này, anh còn nhớ trận Vinh Huy gần thị xã Tam Kỳ tháng 4 năm 1964 không?

        - Tôi còn nhớ.

        - Trong trận ấy có tiểu đội trưởng của Trung đoàn 1 quân khu, khi truy kích địch có một khẩu lệnh rất hay: “Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”. Khi nghe việc trên, tôi điện báo cáo với anh Nguyễn Chí Thanh. Nghe xong, anh Thanh reo lên: “Hay quá anh Mân ơi! Đây không còn là phương châm của một trung đoàn, một quân khu, nó là của toàn miền, toàn quân rồi”. Tôi được biết sau đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ thị các chiến trường toàn miền lấy câu: “Bám lấy thắt lưng địch mà đánh” làm phương châm khi giao chiến với quân Mỹ.

        Tối hôm đó, tôi với anh Hiệp làm việc với nhau đến gần 1 giờ sáng. Tôi đã trao đổi với cơ quan chính trị mặt trận nhiều vấn đề về xây dựng quyết tâm cho bộ đội, vai trò tiền phong của cán bộ, đảng viên trong chiến đấu, xây dựng lòng tin vào quần chúng, phải thực hành quân sự dân chủ để phát huy trí tuệ, tinh thần và tính sáng tạo của tập thể.

        Những ngày sau đó, Bộ tư lệnh Mặt trận dành nhiều thời gian bàn tính xây dựng kế hoạch chiến dịch, nhiều lần phải thức thâu đêm để giải quyết những vấn đề do nhiệm vụ chiến dịch đặt ra. Trong đó mọi người thống nhất khá cao về kế hoạch tác chiến do Bô tư lệnh Mặt trận đề ra là: Thực hành vây điểm diệt viện, lấy đánh ngoài công sự là chủ yếu, sử dụng bộ đội địa phương và dân quân du kích hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đánh phá căn cứ hậu phương và hệ thống cầu đường của địch. Khi thảo luận chọn điểm vây, mọi người thống nhất về nguyên tắc: điểm vây là nơi có tác dụng buộc địch phải viện, không viện không được, viện chậm cũng không được; đồng thời, điểm vây phải thuận lợi cho ta tổ chức trận địa đánh viện đường bộ và đánh đổ bộ đường không.

        Từ vấn đề trên, chúng tôi đưa ba vị trí để chọn điểm vây, đó là Tân Lạc, Đức Cơ và Plây Me. Cả ba vị trí này đều quan trọng đối với địch, do đó nếu vị trí nào bị đánh thì sớm hay muộn địch cũng phải ứng cứu. Song Tân Lạc nằm gần hậu cứ địch, địa hình trống trải, ta khó triển khai lực lượng lớn. Vì vậy, đánh vị trí này không lợi. Đức Cơ nằm sát biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia, đường vận chuyển chiến lược Bắc – Nam đi gần, nếu đánh ở đay trong thời gian này sẽ ảnh hưởng lớn cho việc bảo vệ hậu phương tại chỗ của ta. Còn Plây Me là tiền đồn phía tây nam Plây Cu, quân số lúc cao nhất lên tới 500 tên, là lực lượng đặc biệt do Mỹ chỉ huy và đa số là người Thượng. Do vậy, nếu Plây Me bị mất thì các căn cứ địch nằm trong dải phòng ngự phía tây nam Plây Cu bị uy hiếp, vùng đất ấy sẽ bị cắt rời và trở thành bàn đạp tiến công của quân ta. Như vậy, về cơ bản mọi người thống nhất cách đánh chiến dịch là “vây điểm, diệt viện”, đánh Ngụy trước, diệt Mỹ sau, kéo quân Mỹ ra xa căn cứ vào sâu trong rừng núi hiểm trở để diệt chúng.

        Tôi còn nhớ, khi thảo luận về chỉ tiêu diệt địch, có nhiều ý kiến khác nhau,. Có người nói rằng, trước đây trong cuộc “kháng Mỹ viện Triều”, quân chí nguyện Trung Quốc đã có tổng kết chưa có trận nào tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn quân Mỹ. Có người lại cho rằng trận Núi Thành ta chỉ có một tiểu đoàn thiếu mà diệt gần hết đại đội Mỹ thì sao? Xem ra cuộc tranh luận khó đi vào hồi kết, tôi đứng dậy nói:

        - Thôi xếp lại tranh luận, chỉ tiêu trong chiến dịch này diệt chiến đoàn quân ngụy và diệt gọn hai đại đội đến tiểu đoàn Mỹ, nếu có thời cơ thì chủ động giành thắng lơi cao hơn nữa. Chỉ tiêu đặt ra là vậy, nhưng các đồng chí cần suy nghĩ việc xây dựng quyết tâm đánh Mỹ cho bộ đội. Việc quán triệt nhiệm vụ chiến dịch phải được tiến hành khẩn trương, cụ thể đến từng chi bộ, từng cán bộ chiến sỹ. Đồng thời các đồng chí suy nghĩ về bố trí thế trận đánh Mỹ, đặc biệt là đối phó với chiến thuật “nhảy cóc” của địch. Cơ quan tham mưu mặt trận trong chỉ đạo phải làm cho bộ đội có ý thức xây dựng công sự chắc chắn, giấu quân kín đáo, xuất kích nhanh, khi xung phong giữ vững đội hình, tiếp cận đánh gần, thọc sâu kết hợp đánh bộ binh, đánh cơ giới và bắn máy bay địch.

        Tôi điện báo lên Bộ về kế hoạch và quyết tâm chiến đấu của bộ đội Tây Nguyên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 11:27:46 pm »


        Đầu tháng 10 năm 1965, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nhận được điện của Bộ Tổng tư lệnh như sau: “Về nhiệm vụ của đợt hoạt động sắp tới, chúng tôi đồng ý những nhiệm vụ mà các đồng chí đã đề ra. Nhưng cần nắm vững hai nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn hiện nay là tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động Mỹ: tiếp tục làm tan rã một bộ phận chủ lực Ngụy, đánh bại kế hoạch tiến công mùa khô của chúng; đồng thời mở rộng vùng đứng chân của ta, làm chủ đại bộ phận rừng núi và nông thôn, nhất là vùng rừng núi có ý nghĩa chiến lược... Chiến trường tiêu diệt quân Mỹ tốt nhất là ở Tây Nguyên, đường 19 và đường số 7. Phải đặt ra cả hai trường hợp: Chủ động tiến công quân Ngụy trước, câu viện quân Mỹ và trường hợp quân Mỹ chủ động tiến công ta”.

        Đảng uỷ Mặt trận họp nghiên cứu những ý kiến của trên chỉ đạo, bổ sung kế hoạch chiến dịch. Cuộc họp kết thúc, tôi dẫn đầu một đoàn cán bộ đi quan sát địa hình chiến trường tại khu vực đồn Plây Me và thế bố phòng của địch để quyết định phương thức tiến hành vây điểm; đồng thời quan sát khu vực dự kiến đánh viện binh địch giải toả đồn Plây Me khi bị ta vây ép.

        Sau khi đi trinh sát chiến trường về, Bộ tư lệnh Mặt trận đã quyết định bổ sung phương án tác chiến chiến dịch. Với lực lượng hiện có phải giải quyết được hai vấn đề cơ bản nhất là đánh thiệt hại nặng lực lượng cơ động quân Ngụy làm suy yếu chỗ dựa bình định của Mỹ; đồng thời khẩn trương chuẩn bị đánh phủ đầu quân Mỹ, góp phần đánh bại biện pháp chiến lược đánh nhanh thắng nhanh giải quyết nhanh tiến lên đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ.

        Về sử dụng lực lượng: dùng Trung đoàn 33 tiêu diệt căn cứ Chư Ho và thực hành vây ép đồn Plây Me. Dùng Trung đoàn 320 bố trí sẵn ven đường 21 – con đường bộ duy nhất nối Plây Cu với Plây Me. Trung đoàn này phải xây dựng trận địa phục kích trên quãng đường 3 ki-lô-mét, đoạn đường 21 chạy trên các điểm cao 600, 607, Pơ Lu, đồi Độc Lập. Để phối hợp với hai trung đoàn chủ lực trên hướng chủ yếu của chiến dịch, Tiểu đoàn pháo binh 200, Tiểu đoàn đặc công 952 và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Gia Lai tổ chức đánh địch vào những mục tiêu và thời điểm cần thiết để phân tán lực lượng của địch.

        Một vấn đề mất nhiều công sức đối với Bộ tư lệnh và cơ quan Mặt trận Tây Nguyên là xác định khu quyết chiến và thời cơ diễn ra trận then chốt tiêu diệt quân Mỹ. Suy đi tính lại, Bộ tư lệnh quyết định chọn thung lũng Ia Đrăng dưới chân núi Chư Prông là nơi diễn ra trận quyết chiến với quân Mỹ. Ở đây ta sẽ bố trí Trung đoàn 66, lực lượng chủ yếu tiêu diệt quân Mỹ.

        Bộ tư lệnh Mặt trận Tây nguyên cử anh Nguyễn Chánh, anh Huỳnh Đắc Hương, anh Bùi Nam Hà và một số cán bộ của ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần lập sở chỉ huy tiền phương mặt trận chỉ huy vây ép đồn Plây Me và đánh viện binh Ngụy trên đường 21.

        Đêm 19 tháng 10 năm 1965, Trung đoàn 33 nổ súng bao vây đồn Plây Me. Bị đánh bất ngờ, một số lô cốt và nhà lính bị sập. Địch dùng máy bay đánh trả lại ta mỗi ngày từ 120 đến 140 lần chiếc. Bộ binh trong đồn mở các đợt phản kích đánh vào các mũi bao vây. Tuy mới tham gia trận đầu, nhưng chiến sỹ vẫn kiên quyết siết chặt vòng vây. Có mũi đứt liên lạc không tiếp tế được cơm nước vẫn bám trụ kiên cường không rời trận địa.

        Ngày 23 tháng 10 năm 1965, sau nhiều lần tổ chức nghi binh và thăm dò vẫn không phát hiện gì đáng nghi ngờ, biệt khu 24 quyết định tổ chức giải vây cho Plây Me. lực lượng hành quân gồm thiết đoàn thiết giáp hỗn hợp (3 chi đoàn), 2 Tiểu đoàn biệt động quân số 21. số 22 và Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 42. Đến 16 giờ 30 phút ngày 23 tháng 10 năm 1965, toàn bộ cánh quân trên lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn 320. Quân ta dồn dập nổ súng tiến công. Trận chiến đấu giữa bộ binh ta với xe tăng và thiết giáp địch diễn ra quyết liệt. Tinh thần chiến đấu của bộ đội ta đã cắt nát đội hình hành quân cơ giới kéo dài 3 ki-lô-mét của địch. Đến 18 giờ, ta làm chủ trận địa, tiêu diệt gần hết chiến đoàn địch. Kết quả trận này ta tiêu diệt 1 thiết đoàn thiết giáp, 1 tiểu đoàn và 1 đại đội bộ binh địch.

        Đến đây, xét thấy đã gây cho địch phản ứng dây chuyền, ngày 20 tháng 10, ta quyết định “mở vây” căn cứ Plây Me, chuyển toàn bộ hai Trung đoàn 33 và 320 về bố trí ở Quynh Kla, Ba Bỉ phía đông Ia Đrăng, Plây Bon Ga, là nơi tiện cơ động trên hai hướng Plây Me và Tân Lực để sẵn sàng đánh quân Mỹ đổ bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 11:28:51 pm »


        Ngày 26 tháng 10, Oét-mo-len – Tư lệnh lực lượng quân Mỹ ở miền nam bay lên sở chỉ huy tiền phương Lữ 1 Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 ở Plây Đê Mốt xem xét tình hình. Tại đây, ông ta đã quyết định đình chỉ cuộc càn quét của Lữ đoàn 3 quân Mỹ ở Bồng Sơn (Bình Định) để tập trung lực lượng của sư đoàn này lên Tây Nguyên. Tiếp đó, chúng đưa 1 Trung đoàn Nam Hàn, 2 chiến đoàn quân dù Ngụy, 2 trung đoàn trực thăng vận tải Mỹ lên Plây Cu tham chiến. bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Sài gòn định mở cuộc hành quân đánh sâu vào hậu phương ta, hòng gỡ thế thất bại cho quân Ngụy.

        Sau khi kết thúc giai đoạn một, hoạt động cơ bản của ta là di chuyển quân, bố trí theo kế hoạch mới. Trong khi đó địch sử dụng Lữ đoàn 1 Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 tăng cường đổ bộ và tập kích nhiều nơi trên trục đường hành quân của Trung đoàn 33 làm cho việc chỉ huy của trung đoàn bị gián đoạn. Tình hình trên dẫn đến một thực tế là địch đang từ thế bị động chuyển sang thế chủ động về chiến thuật trong thế bị động về chiến dịch.

        Điều dễ nhận thấy là trong suốt quá trình đổ bộ trực thăng theo kiểu “cóc nhảy” của Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 như nói ở trên, chúng sử dụng máy bay phản lực, trực thăng vũ trang với mật độ rất cao hoạt động suốt ngày khống chế khu vực đổ quân. Thủ đoạn chủ yếu của địch là tập kích vào trục đường vận động các đoàn vận tải của ta, bắt cóc các phân đôi đi lẻ, trạm quân y, phát hiện vị trí trú quân của ta để dùng máy bay oanh tạc.

        Hành động của Mỹ và những trận đánh của bộ đội ta vừa qua cho thấy những dự đoán về địch và quyết tâm chiến dịch của ta là chính xác.

        Ngày 8 tháng 11 năm 1965, Đảng uỷ Mặt trận Tây Nguyên mở rộng. Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn một của chiến dịch thống nhất cho rằng: Nhiệm vụ cơ bản đặt cho đợt một là làm thất bại ý định giải toả nhanh bằng không quân buộc địch phải điều quân Ngụy viện binh đường bộ để ta tiêu diệt đã hoàn thành.

        Quân Ngụy bị đánh đau, quân Mỹ phải nhảy vào cứu quân Ngụy. Như vậy, ta đã thu hút được lực lượng tổng dự bị quân Ngụy và quân Mỹ ở chiến trường khác về hướng Plây Me. Đảng ủy đánh giá cáo tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các đơn vị và cơ quan. Đặc biệt là các phân đội nhỏ thực hành bao vây Plây Me đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây chặt, đánh tiêu hao tiêu diệt từng bộ phận quân địch, cắt nguồn nước, đánh chiếm và khống chế Chư Ho, khống chế và cắt đứt sự hoạt động của sân bay dã chiến, đẩy địch ở Plây Me lâm vào tình trạng cùng quẫn.

        Một lần nữa Đảng uỷ khẳng định cách đánh chiến dịch “vây điểm, diệt viện” trong hoàn cảnh cụ thể của Plây Me là đúng. Với cách đánh này ta đã tiết kiệm được sinh lực. Chỉ cần dùng một lực lượng nhỏ bao vây vẫn dụ được viện binh địch theo ý muốn, vẫn giữ được binh lực cơ động mạnh bảo đảm thế tiến công liên tục dài ngày trong điều kiện lực lượng ta chỉ có hai trung đoàn và tránh được sự tiêu hao lớn bằng công kiên ngay từ đầu chiến dịch. Cần nói thêm rằng, nếu ta công kiên được đồn Plây Me, địch chưa viện ngay thì ta vẫn phải tổ chức lực lượng chiếm giữ. Như vậy địch có thể dùng phi pháo gây cho ta tổn thất lớn. Hơn thế nữa, trong điều kiện lực này ta lấy việc tiêu diệt sinh lực địch làm chính, chưa đặt vấn đề giải phóng đất đai khu vực Plây Me.

        Khi bàn về âm mưu và thủ đoạn sắp tới của địch, Đảng uỷ cho rằng lực lượng của chúng trên chiến trường Tây Nguyên lúc đó gồm có Sư đoàn kỵ binh không vận số 1, một Trung đoàn quân Nam Hàn, 1 Trung đoàn trực thăng vận tải, 2 Tiểu đoàn pháo binh quân đội Mỹ. Ngoài ra, chúng thường xuyên có 2 Trung đoàn không vận của Mỹ và Ngụy sẵn sàng cất cánh chi viện khi chúng mở những cuộc tiến công. Theo tin chúng ta nắm được, Mỹ còn có ý định sử dụng cả máy bay chiến lược B52 ở chiến trường này. Do phát hiện được khu tây, trạm phẫu thuật nên địch sẽ mở cuộc tiến công lớn vào hậu phương ta hòng vớt vát một thắng lợi về quân sự lấy lại tinh thần cho quân Ngụy sau thất bại nặng nề ở Plây Me - đường 21.

        Về phía ta, tính đến thời điểm này, bộ đội chủ lực Tây Nguyên ngoài hai Trung đoàn 33 và 320, có thêm Trung đoàn 66, một đơn vị có truyền thống chiến đấu vẻ vang của Quân đội ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 11:30:09 pm »


        Từ tình hình trên, đảng uỷ cũng xác định mục đích đợt chiến đấu tới như sau: Tiêu diệt một bộ phận sinh lực, diệt chiến đoàn Ngụy (cả bộ binh, thiết giáp), 1 tiểu đoàn Mỹ hoặc hơn nữa, bắn rơi 20 đến 25 máy bay các loại, phá huỷ 40 đến 50 xe cơ giới các loại, đánh bại một bước chiến thuật “trực thăng vận” và “nhảy cóc” của Mỹ, thu hút một bộ phận lực lượng quân Mỹ và lực lượng tổng dự bị quân Ngụy về Tây Nguyên nhằm mục căng địch ra mà đánh, tạo điều kiện cho sự phát triển thuận lợi của các chiến trường, đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của địch.

        Về tư tưởng chỉ đạo, Đảng uỷ xác định quyết tâm diệt cả đơn vị nhỏ, đơn vị vừa và đơn vị lớn quân Mỹ, tiêu diệt bọn đổ bộ xuống trước, tiêu diệt tiếp bọn xuống lấy xác, lấy thương binh và tăng viện, đánh cả bọn nhảy vào sau lưng ta, đánh cả vào căn cứ pháo binh và căn cứ hành quân của chúng; tích cực bắn rơi máy bay địch, đặc biệt là máy bay trực thăng để tiêu hao phương tiện cơ động chủ yếu của sư đoàn không vận. Chúng hành quân bộ cũng đánh, chúng đổ bộ trực thăng cũng đánh, có Mỹ và Ngụy cùng tham chiến thì nhằm vào Mỹ đánh trước, dùng lối đánh phục kích và tập kích đánh quân đổ bộ trực thăng, đánh nhảy có là chủ yếu. Ngoài ra cần phải tổ chức các phân đội pháo độc lập và các đội đặc công đột nhập vào hậu phương địch pháo kích, tập kích sân bay, sát thương phi công, phá huỷ máy bay, kho tàng dã ngoại của chúng.

        Đảng uỷ lưu ý cơ quan tham mưu mặt trận bố trí lực lượng phải có chiều sâu theo hình bậc thang. Địch nhảy có, ta bậc thang, mật độ trú quân không quá dày để tránh phi pháo, song phải đảm bảo đội hình chiến đấu trong thế hiệp đồng chặt chẽ, có chỗ dựa vào nhau vững chắc, dễ cơ động có thể đánh địch trong trường hợp chúng đổ bộ trực tiếp vào khu vực trú quân. Với khả năng cơ động nhanh, tập kích nhanh và rút nhanh của Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ, nên đội hình các trung đoàn và mặt trận đều nằm trong phạm vi bị địch uy hiếp và có thể bị chúng tập kích bất ngờ. Do vậy, việc bảo đảm hậu cần phải nằm ngay trong đội hình các trung đoàn và tiểu đoàn, thực hiện kho di động tức là tất cả trên vai người chiến sỹ vận tải và người lính chiến đấu. Phải quy định lượng, liều đạn cho từng loại súng trong từng trận đánh; đồng thời tích cực lấy vũ khí địch để đánh địch.

        Một vấn đề được Đảng uỷ hết sức coi trọng, đó là việc quán triệt cho bộ đội khi giao chiến với Sư đoàn không vận số 1 Mỹ phải đánh mạnh vào chỗ dựa hoả lực phi pháo của chúng, nhất là hoả lực từ trên máy bay trực thăng vũ trang. Trong điều kiện súng phòng không của ta chỉ có súng 12,7 ly với số lượng không nhiều, do vậy phải phát huy toàn bộ các loại súng bộ binh bắn máy bay địch, tổ chức nhiều tổ bắn máy bay bằng súng trường, súng tiểu liên khắp mọi nơi trong cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích.

        Hội nghị Đảng uỷ kết thúc trong không khí đoàn kết thống nhất cao. Quan sát mọi người, tôi thấy ai cũng náo nức lạc quan, dù biết rằng cuộc chiến đấu tới sẽ vô cùng ác liệt. Tất cả chúng tôi đều vui vẻ, sẵn sàng chấp hành nhiệm vụ dù có phải hy sinh đến tính mạng của mình để giành thắng lợi.

        Để chỉ huy trận đánh Mỹ tới, chúng tôi quyết định lập sở chỉ huy tiền phương mặt trận do anh Nguyễn Hữu An – Phó Tư lệnh làm Tư lệnh, anh Đặng Vũ Hiệp - Chủ nhiệm chính trị làm Chính uỷ. Trước khi anh An và anh Hiệp ra trận , tôi mời đến, nói:

        - Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 là đơn vị mạnh nhất của quân Mỹ. Nếu ta đánh thắng nó trong trận này không những chỉ là vấn đề tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch mà nó còn có ý nghĩa to lớn trên nhiều mặt. điều quan trọng nhất là cổ vũ và lòng tin đánh thắng Mỹ của quân và dân Tây Nguyên nói riêng, quân và dân cả nước nói chung. Và như vậy, vấn đề về chỉ đạo chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật cũng sẽ được giải quyết và kết luận một bước cơ bản sau trận này. Cuộc chiến đấu tới sẽ diễn ra hết sức ác liệt, đó là cuộc đụng đầu giữa lực lượng không lớn quân chính quy của ta với quân viễn chinh nhà nghề của Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 11:31:42 pm »


        Ngừng một lát, tôi nói tiếp:

        - Tôi vừa nhận được chỉ thị của Quân uỷ Trung ương giao cho lực lượng vũ trang Tây Nguyên chúng ta phải tạo mọi cơ hội tiêu diệt bằng được một hoặc hai tiểu đoàn Mỹ trong chiến dịch này. Như vậy, nhiệm vụ tiêu diệt gọn đơn vị cỡ tiểu đoàn quân Mỹ là nhiệm vụ lịch sử mà Đảng ta, Quân đội ta, nhân dân ta giao cho quân và dân Tây Nguyên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các anh phải bắt tay vào việc triển khai ngay nghị quyết Đảng uỷ Mặt trận, làm cho cán bộ, chiến sỹ tham gia trận chiến đấu tới thấy rõ tính quyết liệt của nhiệm vụ lịch sử, để họ nâng cao tinh thần cách mạng, dũng cảm ngoan cường tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt. Phải kiên quyết chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, biểu hiện chủ yếu là ngại ác liệt, khó khăn, sợ hy sinh, chần chừ thoái thác nhiệm vụ. Đặc biệt, tác phong chỉ huy và lãnh đạo của cán bộ, nhất là cán bộ chính trị phải sâu sát bộ đội, làm chỗ dựa tinh thần cho bộ đội trong những tình huống ác liệt khó khăn.

        Khi chia tay anh An và anh Hiệp, tôi nắm chặt tay các anh, nói:

        - Máu và sinh mạng của chiến sỹ là vô giá nhưng khi cần thiết vẫn phải hy sinh để giành thắng lợi. Trong trận này dù phải một đổi một cũng kiên quyết đánh thắng. Phải diệt gọn tiểu đoàn Mỹ, các anh hiểu ý tôi chứ? Tôi nhắc lại, dù phải một đổi một cũng phải đánh thắng, nhưng chỉ được phép trong trận này thôi nhé.

        Anh Đặng Vũ Hiệp trả lời:

        - Thưa anh, chúng tôi hiểu, chúng tôi hứa sẽ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ anh giao.

        Ngày 10 tháng 11, Lữ đoàn 3 Sư đoàn không vận số 1 trở lại tập kết ở Bầu Cạn. Ngay trong đêm, các chiến sỹ Tiểu đoàn 952 và bộ phận trinh sát mặt trận bí mật tiếp cận và bất ngờ nổ súng tiến công sở chỉ huy hành quân Lữ đoàn 3 và sân bay lên thẳng ở Bầu Cạn, diệt và làm bị thương hàng chục tên địch, phá huỷ phá hỏng một số máy bay trực thăng.

        Bằng chiến thuật “trực thăng vận”, ngày 4 tháng 11 năm 1965, Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn kỵ binh không vận số 3 nhảy xuống khu vực bắc Chư Prông 3 ki-lô-mét. Đồng thời, chúng đổ xuống tây nam Quynh Kla và đông nam Ia Đrăng  trận địa pháo để chi viện cho Tiểu đoàn 1. Quân Mỹ đổ xuống Chư Prông vừa đúng lúc Trung đoàn 6 đến chiến trường. Tiều đoàn bộ Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 đang củng cố nơi đóng quân thì quân Mỹ tập kích bất ngờ vào đơn vị. Các chiến sỹ trinh sát, thông tin, anh nuôi, y tá liền tổ chức đánh trả quân Mỹ. Đại đội 13 nghe súng nổ, vận động đến phối hợp chiến đấu. Trận chạm súng đầu tiên diễn ra khá ác liệt. Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 9 chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt 1 đại đội, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội khác, buộc chúng phải rút chạy.

        Ngày 15, sở chỉ huy tiền phương mặt trận ra lệnh cho Trung đoàn 66 nhân đà quân Mỹ rối loạn dùng Tiểu đoàn 7 vận dụng tốt chiến thuật đánh vận động, liên tục công kích tiêu diệt gọn 1 đại đội Mỹ thuộc Tiểu đoàn 1. Bọn còn lại hốt hoảng phải chạy vòng quanh trên bãi cỏ rậm rạp dưới chân núi Chư Prông.

        Trước tình thế đó, chỉ huy quân đội Mỹ ở Sài Gòn phải ra lệnh cho không quân dùng 100 lần chiếc máy bay chiến lược B52 ném bom xuống thung lũng Ia Đrăng. Đây là lần đầu tiên Mỹ dùng máy bay chiến lược yểm trợ chiến thuật cho bộ binh ở Tây Nguyên. Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 tổ chức tiến công vào tiểu đoàn Mỹ không cho chúng hoàn hồn phản kích lại. Khẩu hiệu “gặp Mỹ là đánh, tìm Mỹ là diệt” được cán bộ chiến sỹ ta triệt để chấp hành. Bộ đội ta tìm đánh trúng vào sở chỉ huy tiểu đoàn địch, diệt điện đài và sở chỉ huy. Quá trình phát triển tiến công, mọi người đều nhằm hướng súng nổ lao tới. Bị đánh tả tơi và bị truy kích sát nút, quân Mỹ đang đêm phải bỏ chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng không đợi trực thăng đến bốc.

        Sáng ngày 17 tháng 11 năm 1965, Tiểu đoàn 8 từ hướng Ba Bỉ được lệnh cấp tốc hành quân về đội hình Trung đoàn 66. Trên đường hành quân đến đông bắc Chư Prông thì Tiểu đoàn 8 gặp Mỹ. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Lê Xuân Phôi bình tĩnh chỉ huy đơn vị tiến công vào giữa đội hình Mỹ làm chúng rối loạn và bị cắt rời. Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 33 đang lùng sục ở một hướng khác nghe súng nổ liền đến phối hợp. Quân Mỹ bị Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 33 vây chặt giữa thung lũng Ia Đrăng. Lần đầu tiên chiến sỹ ta giáp mặt với quân Mỹ, những trận chiến đấu giáp lá cà đã diễn ra quyết liệt.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM