Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:19:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46039 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #300 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 01:04:32 am »


        Tôi được tới cánh rừng “nô lệ” này lần đầu khi xuống công tác tại đội vũ trang công tác của huyện mùa khô năm 1971. Tới nơi chỉ thấy phía trên là những bụi cây thấp, phía dưới là cát, vậy mà chỉ một lúc sau đã có cơm nóng nước sôi. Thì ra tất cả gạo, nước, xoong nồi của anh em ta đều vùi trong cát, khi đi vùi giấu xuống cát, khi về lại lấy lên dùng. Chỉ có những chiến sỹ đã từng sống lâu ở đây mới không bị lạc trong một cánh rừng vốn bằng phẳng mênh mông lại không có đường đi này. Đêm đến, anh em ta có người mắc võng, có người rải ni-lông xuống cát nằm ngủ. Cánh rừng này đã có lúc chứa hàng tiểu đoàn bộ đội, cùng trung đoàn bộ, cả cơ quan Tỉnh uỷ, Uỷ ban tỉnh Bình Thuận.

        Theo cánh rừng này có hai nguồn thức ăn đặc sản mà chiến sỹ ta coi là được ăn theo chế độ tự do. Nguồn thứ nhất là dưa hấu của dân trồng để lấy hạt xuất khẩu sang Đài Loan. Tất nhiên ăn xong phải để hạt gọn lại cho dân. Nguồn thứ hai là con giông, trông giống như con tắc kè, nặng khoảng ba đến bốn lạng, thậm chí có con nặng tới năm lạng. Giống này bỏ ruột đi, nướng hoặc rán lên, chấm muối ăn ngon như thịt chim. Ngoài hai cách ăn trên, con giông còn có thể bỏ ruột, băm viên nấu với dưa hấu ăn rất ngon. Muốn bắt con giông có hai cách, một là làm bẫy thòng lọng treo ở cửa hang, hai là dùng que nhỏ từ từ luồn vào hang giả làm rắn khiến giông ta vọt lên, anh em ta phục sẵn tóm gọn. Chính vì vậy ở đây mới có câu ca: “Bức mấu, dò giông, nuôi ong đuổi thỏ, đẽo đòn gánh”.

        Mấu là loại vỏ cây rừng có thể dùng để ăn trầu. Còn giông, ong và thỏ thì mọi người để biết.

        Nhưng ở đây có một thứ quan trọng nhất thì lại thiếu, đó là nước. Lần đầu tiên cháu Lê con gái tôi lên chiến khu này, được nghe thông báo tiêu chuẩn mỗi người được một một ca nước vừa đánh răng vừa rửa mặt buổi sáng thì cháu rất lấy làm lạ. Lúc đó cháu mới ở Nha Trang lên, đâu có hiểu được đó vẫn còn tiêu chuẩn ưu tiên.

        Toàn bộ khu rừng rộng hàng chục cây số vuông nằm ở phía đông bắc Phan Thiết này chỉ có hai hồ nước nhỏ được gọi là hồ Ông và hồ Bà. Hồ Ông dài chừng hai cây số chỗ rộng khoảng ba trăm mét, chỗ hẹp chừng một trăm mét. Hồ Bà nhỏ bằng nửa hồ Ông. Địch biết ta hoạt động trong khu rừng này nên chúng tìm đủ mọi cách tiêu diệt lực lượng của ta. Chúng hay đánh vào khu vực quanh hai hồ nước này bằng bom pháo và cả bộ binh, nên ta cũng không đóng quân gần hai hồ nước này được. Mỗi khi đi lấy nước, anh em ta phải đi mất một tiếng đồng hồ, khi về phải mang nước nặng nên thường đi mất hai tiếng đồng hồ. Đó là điều kiện bình thường, nếu gặp địch phục hoặc bị lạc thì có thể mất một ngày mới có thể lấy được một chuyến nước, mà số nước mang về cũng không còn bao nhiều vì bị đạn bắn rách túi hoặc gai cào thủng túi ni-lông, nước rò rỉ mất khá nhiều.

        Một lần anh em ta đi lấy nước, trong đoàn có một chiến sỹ nữ trong nhóm trinh sát, tên cô là D. Lúc đó cô đã mười tám tuổi nhưng người rất nhỏ và gầy. Bố cô là người miền Bắc, mẹ cô quê ở Phan Thiết. Bộ phận đi lấy nước không may lọt vào ổ phục kích của địch, cô D bị địch bắn gãy chân ngay từ loạt đạn đầu. Biết là không có cách nào chạy thoát được vòng vây của địch, mặc cho máu chảy đầm đìa, cô nằm lăn ra úp mặt xuống đất giả chết. Bọn địch tưởng thật liền rút dao găm cắt một bên tai của cô để mang về đồn lĩnh thưởng. Dù đau buốt đến tận cùng, nhưng với sức chịu đựng phi thường, cô đã lừa được bọn địch. Khi chúng rút đi, lực lượng của ta đã quay lại cứu thoát. Sau ngày đất nước thống nhất, một chiến sỹ ta do khâm phục sự dũng cảm ngoan cường đã đem lòng yêu thương cô D, họ đã nên duyên chồng vợ. Hiện nay vợ chồng con cái cô D đang sống hạnh phúc ở thị xã Phan Thiết.

        Trong cánh rừng này không chỉ có bộ đội mà còn có các xã: Hồng Liêm, Hồng Kiệm và Hồng Chính... Trong đó xã Hồng Liêm là xã được nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Sau này, quân Mỹ dùng xe ủi những đường ô vuông cách nhau năm trăm mét, rộng một trăm mét hòng kiểm soát sự hoạt động của ta trong cánh rừng này, nhưng chúng mới ủi được một số đường thì ta giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #301 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 01:06:06 am »


        Sau hai năm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy liên tục, lực lượng của ta ở Khu 6 bị tiêu hao, giảm sút đáng kể. Địch bị tổn thất nhiều, chúng kịp thời bổ sung, chi viện để cố giành giật quyết liệt với ta tại địa bàn xã, ấp và ra sức ngăn chặn ta từ bên ngoài với kế hoạch “Bình định đặc biệt”, đến tháng 4 năm 1971 thì chuyển sang kế hoạch “Bình định phát triển giai đoạn 1. Nội dung chủ yếu của giai đoạn này là tăng cường khả năng tự vệ, tự quản, tự túc, củng cố và mở rộng vùng an ninh, mở rộng lấn chiếm ra vùng tranh chấp, vùng giải phóng, gom hết số dân còn lại vào vùng kiểm soát của chúng; tăng cường xây dựng ngụy quân , ngụy quyền tổ chức các đoàn thể phản động để chống lại ta. Đồng thời, chúng khôi phục tuyến đường sắt để chuyển quân, chuyển hàng, và cũng để tạo phòng tuyến ngăn chặn ta từ vùng núi xuống đồng bằng ở hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

        Về phía ta, nhiệm vụ đánh phá kế hoạch bình định trên toàn Miền gặp không ít khó khăn. Trung ương Cục và Quân uỷ Miền tiếp tục ra nhiều chỉ thị về nhiệm vụ đánh phá bình định bằng cách đẩy mạnh tiến công trên ba mũi, xây dựng thực lực trên ba vùng, trước hết đánh sập lực lượng kìm kẹp của địch ở cơ sở, giành quyền làm chủ ở cơ sở xã, ấp ở nông thôn, mở rộng phong trào đến thành thị, giữ vững các địa bàn căn cứ, các trục đường hành lang, làm thất bại kế hoạch bình định của địch.

        Đầu năm 1971, theo quyết định của Thường vụ Trung ương Cục, tôi được chuyển lên thành Khu uỷ viên chính thức của Khu uỷ Khu 6.

        Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục và Quân uỷ Miền, đầu tháng 3 năm 1971, Quân khu 6 đã mở một đợt tiến công đồng loạt vào các mục tiêu của địch nhằm phối hợp với các chiến trường chung của toàn Miền, với Mặt trận Đường 9 – Nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia.

        Tại trọng điểm Bình Thuận, các tiểu đoàn 840, 842 và một tiểu đoàn của Trung đoàn 33 phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương đã đánh nhiều trận, diệt và đánh thiệt hại nặng năm đại đội và mười hai trung đội địch. Ở Thuận Phong, Tiểu đoàn 186 đột nhập vào ấp Gò, đánh quân giải toả diệt nhiều bộ binh và cơ giới địch. Đêm ngày 22 tháng 3, đặc công Quân khu đánh và căn cứ Sông Mao lần thứ bảy, diệt một trăm năm mươi tên địch.

        Tại Lâm Đồng, ta đánh tiêu diệt hậu cứ liên đội bảo an Quang Trung, phá khu ấp Việt Kiều ở sát thị xã Blao, đánh địch ở các ấp Tân Lạc, Liên Đầm, Đồng Lạc trên đường 20.

        Tại Ninh Thuận, ta đánh diệt một đoàn bình định ở Nhuận Đức, đánh phá giao thông trên đoạn đường 11 Tháp Chàm.

        Tại Tuyên Đức, Bình Tuy, ta vừa diệt ác, phá ấp, diệt viện vừa tuyên truyền, móc nối cơ sở cách mạng. Ngoài việc tiến công tiêu diệt địch, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1971, toàn khu đã xoá được 63 ấp trắng và nối lại hàng trăm cơ sở bị đứt liên lạc, tạo một chất lượng mới cho phong trào ở cấp cơ sở.

        Thời kỳ này ta đánh mạnh ở Đường 9 - Nam Lào. Ở Cam-pu-chia, cuộc hành quân Chen La 1 và Chen La 2 của địch cũng bi bẻ gãy, khiến địch phải căng ra chống đỡ đã tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh ở cơ sở phát triển mạnh.

        Ở Sài Gòn, chế độ ngụy quyền tổ chức bầu cử hạ viện và tổng thống ngụy. Để đấu tranh chống phá cuộc bầu cử này, từ đầu tháng 8 năm 1971, phong trào đấu tranh vũ trang và chính trị của ta đã diễn ra rất sôi nổi từ nông thôn đến thành thị.

        Đến thời điểm này ta đã làm chủ một vùng dân cư rộng lớn với 50.662 dân, vùng tranh chấp gồm 77.673 người, vùng lõng kìm gồm 122.423 người, vùng còn bi kìm kẹp là 235.000 người.

        Năm 1972, Miền tăng cường hai tiểu đoàn bộ binh cho Quân khu là Tiểu đoàn 15 và Tiểu đoàn 17 từ miền Bắc vào cùng một khung trung đoàn bộ. Trên cơ sở hai tiểu đoàn và số cán bộ đã qua chiến đấu này, Khu thành lập Trung đoàn 211 (thiếu).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #302 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 01:08:12 am »


        Để thực hiện quyết tâm chung của Miền và Nghị quyết tháng 12 năm 1971 của Khu uỷ, Thường vụ Khu uỷ và Đảng uỷ Quân khu chủ trương mở chiến dịch tổng hợp. Yêu cầu của chiến dịch là: Đánh pháp bình định ở trong điểm Bình Thuận, tiêu hao và làm tan rã lực lượng bảo an cơ động, dân vệ, cảnh sát, phá lỏng, phá bộ máy kìm kẹp, bung dân về khôi phục vùng giải phóng cũ, mở thêm những lõm giải phòng mới, nâng thế làm chủ nhiều mức trên đại bộ phận nông thôn còn lại, phát triển cơ sở và đưa phong trào thị xã, thị trấn lên một bước mới, cắt giao... góp phần chia lửa với các chiến trường trong toàn Miền.

        Trong hai tháng 6 và 7 năm 1972, ta liên tiếp có những trận tập kích vào Camp Êsépíc, vào thị xã Phan Thiết, căn cứ Sông Mao và các chi khu Hải Ninh, Hoà Đa, Thiện Giáo, tiến công phá rã một số ấp chiến lược, đưa 32.000 dân lên làm chủ, phá lỏng rã kìm 65.000 dân, vận động rã ngũ 560 bảo an, dân vệ, 350 phòng vệ dân sự. Ở Tuyên Đức, Tiểu đoàn 810 và Đại đội 816 tiến công địch ở các ấp Phú Sơn, Gia Thanh, Đa Huynh; mở rộng đường hành lang từ căn cứ tỉnh Lâm Đồng qua đường 21 kéo dài đến Nam Ban, vùng bàn đạp tây nam thị xã Đà Lạt; trong thành phố, biệt động và tự vệ mật diệt được một số ác ôn.

        Trên toàn miền Nam, địch bị thua đau trong cuộc tiến công chiến lược và bị thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nên từ mùa thu năm 1972, đế quốc Mỹ đã buộc phải chuẩn bị để ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam.

        Ở chiến trường Khu 6, từ giữa tháng 7 năm 1972, địch đã điều một số lực lượng cơ động, tăng cường cho lực lượng tại chỗ và bắt đầu phản kích. Lực lượng Quân khu tuy được Bộ tư lệnh Miền tăng cường cho hai tiểu đoàn bộ binh (15,17) và trung đoàn bộ nhẹ ghép thành Trung đoàn 211 (thiếu), nhưng quân số và vũ khí trang bị đều rất thiếu.

        Tháng 10 năm 1972, được hướng dẫn của trên, Quân khu đã động viên các lực lượng đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng nông thôn; đồng thời khẩn trương xây dựng các mặt chuẩn bị cho kế hoạch thời cơ khi có giải pháp chính trị.

        Sau thời gian này, trọng điểm hoạt động của ta chuyển về phía nam (từ khu vực Tam Giác của Bình Thận qua Tánh Linh – Hoài Đức của Bình Tuy và lên đường 20 phía nam đèo Blao của Lâm Đồng), nhằm mở rộng vùng giải phóng toàn tuyến hành lang từ Miền về Quân khu. Ta còn điều Tiểu đoàn 840 từ bắc Bình Thuận vào địa bàn đường số 8 Tam Giác, Tiểu đoàn 186 vào Tánh Linh – Hoài Đức, Tiểu đoàn 200c từ Bình Thuận lên khu vực Đa Oai (Lâm Đồng), Trung đoàn 211 (thiếu) đứng chân hoạt động ở đoạn nam đèo Blao trên đường 20 của Lâm Đồng.

        Đêm 14 tháng 10 năm 1972, Tiểu đoàn 200c đặc công (thiếu) tập kích tiêu diệt chi khu Đa Oai, một cứ điểm khá kiên cố từ lâu khống chế đoạn đường 20 và bảo vệ cầu Đa Oai. Ta đã đánh sập cầu Đa Oai. Sáng 15 tháng 10, Trung đoàn 211 (thiếu) đánh địch tiếp viện từ tiểu khu Lâm Đồng vào. Trận đánh diệt viện diễn ra ngay tại chân đèo Blao. Ta đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an, làm chủ đoạn đường 20 từ nam đèo Blao đến nam cầu Đa Oai trong nhiều ngày. Ta thực hiện đúng ý đồ “đánh điểm diệt viện”.

        Trước ngày ngừng bắn, địch cũng liên tục phản kích quyết liệt. Chúng bắt dân sơn cờ ba sọc của ngụy lên bờ tường, nóc nhà hòng xác định chủ quyền. Ta chủ trương đánh đến đâu treo cờ tới đó. Lực lượng chủ lực Khu 6 đánh vào Bình Tuy để diệt địch ở Hoài Đức, Tánh Linh. Một số bộ phận của cơ quan Khu bộ và các đơn vị nhỏ, rút một số cán bộ chiến sỹ trong các cơ quan ra hình thành tổ chức đơn vị mới để tham gia chiến đấu. Lực lượng tăng gia sản xuất cũng được khẩn trương điều về chiến đấu giành đất, giành dân, cắm cờ giữ đất. Ta chiếm được nhiều xóm, ấp trên đường số 8 như các ấp Bình Lâm, Bình An, Lệ Hoà, Đại Thiện, thị trấn Mường Mán. Cho đến khi ký hiệp định, ta không những vẫn giữ được vùng giải phóng mà còn mở rộng thêm. Ta và địch tranh chấp nhau từng tấc đất. Máu chiến sỹ ta vẫn đổ khi mà hoà bình dường như đang ở trong tầm tay. Có đoạn ta cắm cờ ngay giữa cánh đồng, anh em ta đào hầm hố trụ lại để bảo vệ cờ. Bọn địch điên cuồng tung quân lấn chiếm nhưng lấn đến đâu đều bị đánh đến đó. Không những chúng không lấn thêm được mà lại bị mất thêm khá nhiều đất.

        Cuối tháng 12 năm 1972, hòng ép ta phải ký Hiệp định Pa-ri theo những điều khoản do phía Mỹ quy định, đế quốc Mỹ ồ ạt tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 tập trung đánh phá huỷ diệt Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Nhưng ta đã thắng, địch đã thua. Đế quốc Mỹ đã phải xuống thang ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Pa-ri, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam...”

        Trích: Thương tướng Nguyễn Trọng Xuyên, Nhớ về chiến trường Khu 6, (Hồi ức – Vũ Hải Đăng, thể hiện), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2004, tr. 150-240.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #303 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 01:26:57 am »

   
MỤC LỤC

1.   Đại tướng Nguyễn Quyết (Nguyễn Tiến Văn)
2.   Đại tướng Chu Huy Mân (Chu Văn Điều)
3.   Đại tướng Hoàng Văn Thái: (Hoàng Văn Xiêm)
4.   Thượng tướng Nguyễn Hữu An
5.   Thượng tướng Hoàng Cầm (Đỗ Văn Cẩm)
6.   Trung tướng Nguyễn Đệ (Ba Trung)
7.   Thiếu tướng Huỳnh Công Thân (Huỳnh Công Mến).
8.   Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương:
9.   Đại tướng Lê Trọng Tấn (Lê Trọng Tố)
10.   Thượng tướng Song Hào (Nguyễn Văn Khương)
11.   Trung tướng Vương Thừa Vũ (Nguyễn Văn Đồi)
12.   Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên

HẾT

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM