Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:30:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46019 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #290 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:43:57 am »


        Đêm mùng 2, ta rút ra khỏi Phước Long. Mỗi đơn vị đều thiệt đến một phần tư quân số, đặc công bị thương và hy sinh gần một nửa quân số vì đánh vào sâu, bám trụ lâu trong thành phố.

        Vào thời điểm đó lực lượng của quân Mỹ và ngụy còn khá đông, bom đạn còn rất nhiều, chúng phản kích rất quyết liệt. Sẵn phương tiện cơ động bằng máy bay, chúng chuyên chở vũ khí và bộ binh đổ quân vòng ngoài ngăn chặn đường rút quân của ta, gây cho ta không ít khó khăn sau khi rút ra khỏi thành phố. Theo kế hoạch, ta vẫn bám trụ ở các vùng ven nông thôn để tiếp tục chiến đấu và phát động quần chúng trừ gian diệt ác.

        Trong đợt một tổng công kích – tổng khởi nghĩa, ta đã đưa lực lượng và sâu nội thành, đánh bất ngờ gây thiệt hại cho các cơ quan đầu não của địch khiến chúng hoang mang, hoảng loạn. Việc địch dùng bom pháo để chống lại ta ngay trong thành phố, thị xã đã tạo nên một không khí chiến tranh ngay giữa sào huyệt địch. Các lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận của Khu 10 đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của trên, đã thể hiện quyết tâm cao, kiên quyết tiến công địch, góp phần cùng toàn Miền giáng cho Mỹ một đòn bất ngờ, gây cho chúng những tổn thất.

        Kết thúc đợt một của chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, Khu 10 được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba. Tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Tháng 8 năm 1968, Trung ương Cục có quyết định bổ sung tôi làm Khu uỷ viên dự khuyết của Khu uỷ Khu 10.

        Sau thắng lợi oanh liệt của Tết Mậu Thân, ta đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Chúng buộc phải từ bỏ chủ trương “tìm diệt và bình định”, thay bằng “quét và giữ” thực hiện “quét đến đâu giữ đến đó”, kết hợp “quét sạch đối phương” với  “giữ đất giành dân”. Đây thực sự là giai đoạn ác liệt, tàn khốc nhất ở chiến trường miền Nam. Vì thế, sau này ta tiếp tục đánh hai đợt nữa vào thị xã Phước Long. Đợt hai vào ngày 5 tháng 5 và đợt ba vào ngày 17 tháng 8 năm 1968, chủ yếu bằng pháo kích, còn bộ binh hoạt động ở vùng ven.

        Có thể nói cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là một bất ngờ lớn đối với địch, đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Sau các đòn quân sự liên tiếp trên khắp chiến trường miền Nam, ta đã buộc địch phải xuống thang từng bước trên mặt trận chính trị, ngoại giao, khiến chúng phải ngồi vào bàn đàm phán tai Hội nghị Pa-ri.

        Sau đợt hai tiến công Mậu Thân, ngày 5 tháng 5 năm 1968, một lần làm việc với anh Bảy Kính - Tỉnh uỷ viên tỉnh Phước Long, Bí thư huyện uỷ Phước Bình, tôi thấy có một cháu gái chứng mười ba mười bốn tuổi, người gầy gò đang học đánh máy chữ ở cơ quan. Tôi hỏi:

        - Con nhà ai vậy?

        Anh Bảy cho biết:

        - Cháu tên là Nguyễn Lệ Quyên, con một đồng chí cán bộ địa phương bị địch bắn chết trên đường đi công tác. Quê cháu ở Quảng Ngãi, một vùng quê cách mạng. Mẹ con cháu bị địch dồn vào ấp chiến lược. Sau ta giải phóng ấp chiến lược này, tôi cho cháu vào cơ quan học đánh máy. Trong lúc cháu ở cơ quan thì xóm của cháu bị vệt bom B52 dài mười cây số, rộng ba cây số làm cả xóm chết gần trăm người, trong đó có mẹ và em cháu.

        Tôi thấy hoàn cảnh của cháu thật đáng thương rồi nhận cháu làm con nuôi. Cháu Quyên gắn bó với gia đình tôi từ đó.

        Tết năm 1969 đến. Thế là đã mười lăm năm không gặp lại gia đình. Hình ảnh người vợ tần tảo cùng hai đứa con nhỏ luôn theo tôi trên mọi nẻo đường chiến trường, giúp tôi hiểu thấu và thông cảm với nỗi khổ của đồng bào đồng chí, càng thôi thúc tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, cùng nhân dân chiến đấu để chiến thắng, để mong đến ngày sum họp.

        Tết năm 1969 cũng như bao Tết trước chiến trường, chúng tôi cùng lo cho anh em ăn cái Tết đơn sơ mà đầm ấm. Đặc biệt, Tết này chúng tôi cùng nhau lắng nghe qua đài bán dẫn “Lời chúc tiết của Bác Hồ”. Người chúc đồng bào và chiến sỹ cả nước năm mới “đoàn kết, chiến đấu, thắng lợi” và kêu gọi:

“... Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sỹ đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.

        Lời chúc tết của Bác Hồ như thôi thúc chúng tôi cùng đồng bào đồng chí Khu 10 cùng đồng bào đồng chí miền Nam, cùng cả nước vượt qua mọi khó khăn gian khổ để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình, thống nhất nước nhà.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #291 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:46:34 am »


        Trong khi đang cùng quân và dân Khu 10 ra sức chiến đấu chống địch càn quét đánh phá sâu vào căn cứ hành lang của ta, tôi nhận được lệnh điều động trở lại Khu 6.

        Tháng 7 năm 1969, anh Nguyễn Minh Châu – Tư lệnh Quân khu 6 về làm Tham mưu trưởng Miền. Tôi về làm Tư lệnh Quân khu 6 thay anh Nguyễn Minh Châu.

        Khu 6 lúc này bao gồm Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận và Bình Thuận (bao gồm cả tỉnh Bình Tuy của địch). Kể từ khi tách hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức để thành lập Khu 10, thì Khu 6 gần đồng bằng hơn, nhưng lại xa trên, xa đường hành lang chiến lược nên phải tự túc nhiều.

        Lực lượng chủ lực của Khu 6 vẫn bao gồm các Tiểu đoàn 840, 186 và Tiểu đoàn 145 (trợ chiến), Tiểu đoàn 200c (đặc công). Ngoài ra còn có các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh, huyện.

        Cũng từ sau khi sắp xếp lại chiến trường, Quân khu 6 quyết định tổ chức Đoàn vận tải H50 để tiếp nhận sự chi viện, giữ hành lang chiến lược từ biên giới qua tỉnh Phước Long, chuyển hàng và đưa người về Khu, trả đi các tỉnh và ngược lại.

        Tôi muốn nói kỹ hơn về đoàn vận tải đặc biệt này.

        Tuyến đường mà Đoàn vận tải H50 đảm nhiệm là một tuyến đường xuyên qua rừng núi có độ dài trên ba trăm cây số, phải vượt qua nhiều suối sâu, đèo dốc cao; đặc biệt phải vượt qua hai con đường chiến lược là đường 14 và đường 20 thường xuyên bị địch ngăn chặn, phục kích. Do vậy đối với anh chị em Đoàn vận tải H50, mỗi chuyến hàng là một trận chiến đấu, luôn luôn đụng đầu với địch; phải đánh địch mà đi, mở đường mà tiến. Cho nên, mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường Khu 6 không chỉ thấm mồ hôi mà còn thấm cả máu của các chiến sỹ Đoàn vận tải H50.

        Lực lượng tham gia đoàn H50 chủ yếu là chị em phụ nữ các tỉnh cả người Kinh và một số chị em người dân tộc trong địa bàn Quân khu, số đông thuộc tỉnh Bình Thuận, chỉ có một số ít cán bộ nam làm nòng cốt. Có đại đội hoàn toàn là nữ. Lúc cao điểm quân số của đoàn lên đến tám trăm người.

        Lúc đầu mới thành lập, do điều kiện còn khó khăn, phương tiện vận chuyển chủ yếu dựa vào đôi vai và chiếc gùi. Mỗi người mang từ hai ba chục cân hàng chủ yếu là súng đạn. Sau này do yêu cầu của chiến trường có nhiều chị em đã mang được đến năm sáu chục cân như các chị: Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Hương, Phạm Thị Thu, Phạm Thị Hương...

        Tôi còn nhớ trong Đại hội chiến sỹ thi đua năm 1972 – 1973, Quân khu đã tuyên dương hành động anh hùng của chị Nguyễn Thị Xuân – Trung đội phó Trung đội vận tải của Đoàn H50. Một lần trung đội của chị Xuân đang vận chuyển vũ khí qua một trảng trống. Khi đội hình vừa bám vào bìa rừng thì bị máy bay địch bất ngờ lao đến bắn xối xả vào mấy người còn đang ở ngoài trảng trống, trong đó có chị Xuân. Không chần chừ, chị Xuân đã tách ra khỏi đội hình chạy lùi về phía sau để thu hút hoả lực địch về phía mình, bảo đảm cho người và vũ khí của đoàn vận tải được an toàn. Chị đã nhận lấy sự hy sinh về mình một cách anh dũng.

        Đến những năm sau này, trên một số cung đoạn của Đoàn H50 đã xuất hiện những chiếc xe đạp thồ, có đoạn có cả ôtô hoặc ca nô. Do được trang bị xe đạp thồ, thành tích vận tải của anh chị em đã được nâng lên một cách rõ rệt. Từ chỗ chỉ mang được năm sáu chục cân trên vai, giờ đây có xe thồ, anh chị em đã chuyển được trên một trăm cân, thậm chí có chị như chị Phạm Thị Thu đã thồ được tới một trăm chín lăm cân hàng trong khi chị chưa hề biết đi xe đạp.

        Chỉ tính riêng năm 1967 đầu năm 1968, Đoàn vận tải H50 đã vận chuyển về đến Quân khu 6 một khối lượng lớn súng đạn gồm ba nghìn khẩu súng bộ binh và các loại súng, đạn B40, B41, cối 82, ĐKZ 57 và pháo 57 ly... Do đó không chỉ số lượng mà cả chất lượng trang bị của các lực lượng trên địa bàn Quân khu đã được nâng lên một cách rõ rệt. Ta có thể đánh liên tục dài ngày với địch mà không lo thiếu vũ khí súng đạn như trước. Ngoài ra, đoàn còn đưa đón các đoàn cán bộ qua lại, kịp thời đưa số anh em thương, bệnh binh lên bệnh viện tuyến trên điều trị hoặc lên tuyến hành lang ra Bắc.

        Trong khi làm nhiệm vụ vận tải, Đoàn H50 còn tranh thủ thời gian tăng gia sản xuất, tự túc một phần lương thực, thực phẩm cho mình và cứu giúp, bảo vệ đồng bào các buôn dọc đường hành lang. Với đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của Khu, đoàn vận tải H50 đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Có thể nói việc tổ chức, duy trì và phát triển Đoàn vận tải H50 ở Khu 6 nói riêng và Đường dây 559 trải dọc đường mòn Hồ Chí Minh nói chung là một trong những sáng tạo của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #292 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:47:57 am »


        Xin được trở lại kể tiếp về tình hình Khu 6. Vì địa bàn Khu khá rộng nên anh Châu dành hẳn mười ngày dẫn tôi đi khắp Bình Thuận. Chúng tôi đi qua những cánh rừng trơ trọi những thân cây, cành cây đã tróc vỏ đen sì vì chất độc hoá học của Mỹ như những cánh tay gầy guộc khẳng khiu giơ lên trời xanh vô vọng tiếng vo ve suốt ngày của L19. Tôi nắm tổ trinh sát đi vượt lên trước. Thấy vậy, anh Châu bảo:

        - Mày phải đi sau, tao đi trước cùng trinh sát, vì quy luật hoạt động của địch ở đây tao biết, mày mới về chưa biết, nó đánh chết.

        - Tôi ở cùng anh Nguyễn Minh Châu từ hồi năm 1945, khi mới thành lập “Chi đội anh Vĩnh”, nhiều khi anh vẫn coi tôi như hồi còn nhỏ nên hay gọi “mày, tao” cho thân mật.

        Trên đường đi, chúng tôi ghé vào cơ quan tỉnh, các đồng chí sắp cơm riêng cho hai anh em ăn. Thức ăn ngoài rau ra còn một khoanh cá kho to bằng một cái đĩa trông rất ngon, nhưng tôi thấy anh Châu không đụng đũa. Tôi định thò đũa xắn thì anh liền xua tay bảo bỏ xuống. Tôi không hiểu ra sao. Đến khi ngồi uống nước, anh Châu mới nói:

        - Ở đây địch hay bỏ thuốc độc vào thức ăn. Có cháu bé quen nói: “Chú Năm, Chú Năm (Chú Năm Ngà – bí danh của anh Châu), cháu nói dì cháu kho riêng cho chú Năm nồi cá cho chú ăn”. Thà nó không nói kho cá cho mình thì mình không ngại, chứ nói ra lỡ kẻ xấu nghe được thì không biết thế nào.

        Sau này tôi được biết từ trước đến nay, tại các vùng giáp ranh, địch hay bắt dân để kiểm tra giấy tờ, hàng hoá. Nếu thấy nghi số hàng hoá, thực phẩm nào dễ tiếp tế cho ta là chúng bí mật tìm cách cho thuốc độc vào, không chỉ để tiêu diệt ta, mà còn gây nghi ngờ giữa bộ đội và nhân dân. Các loại thực phẩm khô như đường, bột canh, chúng thường dùng thuốc độc dạng bột trộn vào. Còn các loại thực phẩm thuộc dạng như rượu và các loại thực phẩm tươi sống khác thì chúng dùng thuốc độc dạng nước tiêm vào.

        Ở đây đã có chuyện bị địch đầu độc như vậy. Một lần hai đồng chí từ đồng bằng về tỉnh họp và mang theo con cá khô để ăn đường. Đến trạm giao liên, thương các cháu bé không có thức ăn, hai anh ăn khúc đuôi, còn lại nhường các cháu. Không ngờ trong mang cá có độc, các cháu bị ngộ độc chết.

        Chính vì vậy mà mỗi khi mua yến đường, anh em lấy tấm ni lông trải ra đổ đường ra khắp tấm ni lông, sau đó lấy thìa xúc mỗi chỗ một ít pha nước cho mèo uống. Theo dõi sau mười ngày mèo không chết thì chỗ đường ấy có thể phân phát cho bộ đội dùng được. Còn nếu mèo chết hoặc bỏ ăn thì đành đổ cả đống đường đó đi.

        Thế mới thấy, sự thâm độc của kẻ địch thì không thể tính được. Cảnh giác và cẩn thận là phương châm hàng đầu để đối phó với sự quỷ quyệt của chúng. Ngoài việc đối phó với âm mưu quỷ kế và sự đánh phá ác liệt của địch, cũng phải kể đến cái thiếu ăn và thiếu nước. Thiếu ăn vốn là bệnh kinh niên do sự cách trở về tiếp tế và sự ngăn trở của địch. Quân khu đã tổ chức cho anh em tự túc tìm nguồn tiếp tế để đảm bảo  sức chiến đấu, ngoài ra còn động viên đồng bào tăng gia, thậm chí đốt được ban đêm mà làm, nhưng cũng chỉ đủ sắn mà ăn cho đỡ đói lòng. Còn nước thì thật là cơ cực. Ở căn cứ Lê Hồng Phong thiếu nước đến mức mà quà mừng đám cưới là mấy bi đông nước lại được gọi là sang trọng. Còn tắm thì ở đây anh em có lối “tắm lửa”, tức là đốt củi rồi hơ người cho nóng vã mồ hôi, sau lấy tay kỳ cọ cho sạch. Thế mà quân và dân Khu 6 vẫn lạc quan chiến đấu và chiến thắng.

        Tôi về đến Khu 6 là tham gia đợt hoạt động Hè ngay. Ta đang đánh tốt thì chúng tôi nhận điện từ Hà Nội điện vào Khu uỷ: “Bác Hồ mất rồi”. Cái tin quá đột ngột đã làm mọi người đau xót đến bàng hoàng. Một sự xúc động lớn và đột ngột đã đến với toàn đảng bộ, toàn quân và dân trong Quân khu. Ở vùng giải phóng, nhân dân và bộ đội, cán bộ túm tụm quanh máy thu thành nghe như nuốt vào lòng từng lời di chúc thiêng liêng của Bác và thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sự kiện lớn lao này. Nhiều người đã oà khóc nức nở khi nghe từng lời căn dặn của Người. Nhiều cán bộ cả Kinh, cả Thượng không ăn không ngủ mấy ngày để theo dõi lễ tang Bác được truyền đi qua làn sóng Đài phát thành Tiếng nói Việt Nam phát đi từ Hà Nội. Không chỉ ở vùng tự do, mà cả ở vùng tạm chiếm, các tầng lớp nhân dân cả nông thôn và đô thị đều tỏ rõ lòng tiếc thương và kính yêu Bác vô hạn. Bất chấp cả sự hăm doạ, ngăn cấm của địch, đồng bào ta công khai luận bàn về công đức của Người, nghe đài miền Bắc, tổ chức truy điệu, làm lễ cầu siêu cho Bác và dặn dò nhau tiếp tục làm theo lời dạy của Người.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #293 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:49:35 am »


        Khu uỷ tổ chức lễ truy điệu ở Quân khu. Còn Bộ tư lệnh chia nhau xuống các đơn vị, tỉnh đội dự lễ truy điệu. Tôi xuống Tiểu đoàn 840 – đơn vị hai lần anh hùng – lúc đó đang dừng chân ở Bình Thuận. Lễ truy điệu được tổ chức tai bìa rừng. Sau lễ truy điệu, Tiểu đoàn 840 hành quân đi chiến đấu luôn.

        Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, biến đau thương thành hành động cách mạng, đảng bộ các đơn vị mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng: “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chí Minh”; xây dựng quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng miền Nam; mở cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên, tuyển chọn kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh, kết hợp việc học tập Di chúc của Bác với việc tự phê bình và phê bình, chống tư tưởng ngại ác liệt, hy sinh; phát động thi đua bám đánh địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Trong nhân dân thì nổi lên phong trào học tập lời dạy: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, động viên nhau vượt mọi khó khăn, đoàn kết quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

        Ngày 5 tháng 9 năm 1969, ở hướng bắc Bình Thuận, các Tiểu đoàn 840, 240 đã đánh phục kích giao thông trên quốc lộ 1 (đoạn giữa huyện Hoà Đa và Tuy Phong), diệt tiểu đoàn 1 (thiếu) của trung đoàn 44, phá huỷ ba mươi lăm xe quân sự, trong đó có bảy xe bọc thép, bắn rơi ba máy bay. Tiểu đoàn 186 tập kích đánh thiệt hại nặng yếu khu Sông Luỹ. Hướng nam Bình Thuận, lực lượng của tỉnh tập kích gây thiệt hại nặng cho một chốt Mỹ đóng tại đông bắc Phan Thiết mười cây số.

        Có một điều đặc biệt là giai đoạn này ta vừa tổ chức đánh địch vừa tổ chức động viên nhân dân ở vùng giải phóng khẩn trương thu hoạch vụ mùa sớm và tích cực chăm sóc, bảo vệ lúa mùa chính vụ. Riêng Bình Thuận và Lâm Đồng, ta đã vận động bà con trồng được hai trăm nghìn gốc sắn và hàng nghìn mét vuông rau lang, rau màu ngắn ngày. Để tránh máy bay và phi pháo địch bắn phá, đồng bào dân tộc khu căn cứ Bác Ái đã đốt đuốc làm rẫy ban đêm. Lương thực, thực phẩm sản xuất ở vùng căn cứ tuy chỉ đảm bảo một phần nhu cầu kháng chiến của Khu song đã tạo nên một không khí tin tưởng, yên tâm chiến đấu lâu dài.

        Để đảm bảo thành quả của sản xuất, phong trào du kích bố phòng chống địch càn quét tiếp tục phát triển. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng đã xây dựng thêm nhiều tuyến bố phòng; đào thêm nhiều hầm chông, gài thêm nhiều mang cung, bẫy đá và lựu đạn, trái nổ; đồng thời đào thêm nhiều hầm hào để đánh địch và chống bom pháo. Chỉ tính riêng Thu Đông năm 1969, toàn Quân khu 6 đã diệt 11.709 tên địch, bắn rơi 72 máy bay, phá huỷ 466 xe quân sự (có 162 xe bọc thép), 27 khẩu pháo, thu 400 súng, trên 10 máy  thông tin.

        Chuẩn bị cho hoạt động Xuân Hè 1970, Miền đã đưa Trung đoàn 33 ra phối thuộc với Quân khu 6 cùng đánh địch mở vùng nông thôn Hoài Đức – Tánh Linh, tạo bàn đạp phát triển vào vùng sâu miền Đông Nam Bộ từ hướng đông.

        Thực hiện chủ trương căng địch ra mà đánh nhằm hỗ trợ cho phong trào địa phương phát triển và tao thế đứng chân cho Trung đoàn 33 từ Long Khánh ra, Quân khu điều một số đơn vị ra Ninh Thuận, bắc Bình Thuận hoạt động. Tôi và anh Hược – Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị Khu 6 thay nhau người trực chỉ huy tại sở chỉ huy Khu, người đi chiến dịch. Tôi chỉ huy hoạt động ở Bắc Bình Thuận về thì Khu uỷ và Quân khu bàn tranh thủ đưa ra Ninh Thuận đánh địch, phá ấp chiến lược, đến hoạt động Đông Xuân mới đưa chủ lực về Bình Thuận, tôi lại xuống trực tiếp chỉ huy. Vì vậy, chiến dịch, này chúng tôi phân công anh Hược đi.

        Trước khi hành quân đi chiến dịch một tuần, tôi thấy anh Hược lạ quá. Hôm ấy hai người đi họp Thường vụ về, tôi đi trước, anh đi sau cách nhau một đoạn đề phòng pháo địch bắn. Tôi về nhà một tiếng thì trời tối, mà vẫn không thấy anh về. Đêm ấy chúng tôi đốt đuốc đi tìm, hoá ra anh Hược đi lạc vào rẫy đồng bào. Trong rẫy có một cái chòi, trong chòi có hai cha con người dân tộc, một ông già và một cháu gái. Ông già người dân tộc tưởng anh là biệt kích vì hai bên không biết tiếng nhau. Anh Hược rút trong túi ra tấm ảnh Bác Hồ cho hai ông cháu người dân tộc xem. Ông gật đầu rồi bảo cháu bé đi đun nước để ông ra rẫy bẻ ngô nướng cho anh Hược ăn. Ba người đang ăn ngô thì cảnh vệ vào đón anh về cơ quan. Hôm sau anh họp cả phòng chính trị lại dặn dò công việc của năm 1970. Anh gặp riêng từng ban: tổ chức, tuyên huấn, bảo vệ, dân vận, địch vận để trao đổi công việc một cách rất tỉ mỉ cụ thể. Không chỉ có vậy, anh còn gọi một số anh em có khuyết điểm đến động viên anh em cố gắng khắc phục khuyết điểm để tiến lên theo kịp anh em trong đơn vị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #294 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:52:01 am »


        Chiều hôm trước khi lên đường đi chiến dịch, anh cho thịt con gà, anh em vừa ăn cơm vừa ban nhau kế hoạch ra Ninh Thuận. Hai anh em vừa bàn công việc vừa tâm sự đến 11 giờ đêm, tôi giục anh đi ngủ rồi đi ngủ luôn, hai anh em ngủ chung một hầm. Vừa thiếp đi một lát đã thấy anh gọi tôi dậy. Tôi thấy anh vẫn ngồi đó, bên ấm trà đã pha sẵn. Trên bàn còn bày sẵn cả bánh kẹo, thuốc lá. Anh Hược rót nước mời tôi rồi tâm sự chuyện gia đình, vợ con đến gần sáng. Tôi sợ anh mệt nên lại giục anh đi ngủ.

        Sáng ra, lúc 8 giờ, anh chỉ huy bộ đội hành quân. Trên đường đi, anh còn kịp ghé vào một đơn vị dự hội nghị thi đua ngành hậu cần. Cơ quan hậu cần cho đoàn năm con gà mang theo. Cơ quan Khu bộ đi có mười hai người gồm anh Hược và một số cán bộ cơ quan như: tuyên huấn, tổ chức, bảo vệ và một đồng chí liên lạc người Nam Bộ, một đồng chí cán bộ tỉnh Ninh Thuận và một đồng chí liên lạc tỉnh. Anh em hành quân đến 3 giờ chiều, anh đang ngồi nghỉ ở đỉnh dốc thì gặp một đơn vị bắn được một con nai, anh em cho một đùi. Một anh đề xuất: “Sao ta không nghỉ nấu cơm ở đây luôn nhỉ?”. Nhưng vì nghe tiếng sấm ở trên cao, nên anh Hược bảo anh em đi cho kịp đến trạm.

        Đoàn đi một hồi thì đến dốc lên trạm. Anh em bảo nhau lôi theo suối Mù-u cho đỡ mệt. Thật không ngờ, tốp đi đầu vừa bị bọp lội đến chân thác thì nước trên nguồn ập xuống. Bộ phận đi đầu đã vượt qua miệng thác liền chạy dạt vào bờ. Anh Hược, cậu Bình liên lạc người Nam Bộ và cậu Quảng liên lạc của tỉnh lọt đúng vào miệng thác, ba anh em chỉ còn biết nắm lấy tay nhau và bám tảng đá. Trong khi đó bộ phận đi sau cũng cũng chạy kịp vào bờ tránh lũ. Đến đợt nước xối lần thứ hai tiếp đổ vài phút thì anh Hược và cậu Quảng bị lũ cuốn trôi đúng lúc trời sập tối xuống.

        Anh em ta bỏ cả cơm tối, đốt đuốc đi tìm cả đêm theo dòng suối suốt một cây số mà chẳng thấy người nào. Sáng ra anh em lại tiếp tục xuôi xuống khoảng hai cây số thì gặp anh nằm như ngủ trên một phiến đã giữa dòng suối, vì nước lũ đã rút. Còn cậu liên lạc trôi tận ba cây số nên đến chiều mới tìm thấy. Anh Hược vẫn mặc cái áo may bằng vải dù do tôi tặng. Trên người anh vẫn đeo súng ngắn và xắc-cốt. Sau gáy có vết va đập mạnh. Anh Hược là một cán bộ trung kiên, gương mẫu, hoạt động trên chiến trường Khu 6 từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Anh vào chiến trường năm 1959 và chiến đấu chủ yếu ở chiến trường Khu 6. Chỉ mới nhớ đến việc anh làm trước khi đi chuyến này, tôi lại hình dung ra hình ảnh một anh Hược tận tuỵ, chu đáo trong công việc, mà lòng lại thấy đau xót. Anh Hược mất đi là tổn thất đau thương, nhưng anh vẫn sống trong lòng quân và dân nơi đây. Sau khi lo chôn cất cho anh Hược và đồng chí liên lạc, chúng tôi cử anh Mười Cộng – Tham mưu trưởng thay anh Hược chỉ huy chiến đấu.

        Cuối năm 1969, anh Nguyễn Hữu Xuyến – Phó tư lệnh Miền triệu tập Khu 6 và Khu 7 đến một địa danh giáp biên giới Cam-pu-chia thuộc đất Khu 7 để nhận nhiệm vụ.

        Khu 6 cử tôi và anh Vũ Anh Ba (Bảo?) - Thường vụ Khu uỷ (Anh Bảo là con trai anh Ba, sau này làm Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng). Anh Xuyến quán triệt:

        - Năm 1969, ta đã đánh mạnh. Năm 1970, ta đánh mạnh hơn nữa để chi viện cho các đơn vị bạn đang gặp khó khăn. Mật danh của chiến dịch hè này là CD. Hè tôi về Khu 6, tôi đổi mật danh lại là TK “tiến công”. Đợt này Khu 6 thực hiện kế hoạch đánh căn cứ Sông Mao lần thứ năm.

        Sông Mao là căn cứ của Mỹ nằm trên đất bắc Bình Thuận. Sau khi Mỹ rút đi căn cứ này hoàn toàn do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ. Một căn cứ đã bị ta đánh đi đánh lại tất cả tám lần. Anh Châu chỉ huy đánh lần đầu thắng lợi, được thưởng Huân chương Quân công hạng nhì. Từ lần thứ hai đến lần thứ năm này tôi trực tiếp chỉ huy đánh. Sau này tôi còn trực tiếp chỉ huy đánh thêm ba lần nữa cho đến khi giải phóng hẳn khu vực này. Lực lượng tham gia trận đánh thứ năm này là các tiểu đoàn 840, 186 và 240. Trong trận này ta đã diệt khoảng sáu trăm tên địch, tiêu diệt sở chỉ huy, trung tâm thông tin, phá huỷ hai pháo 105 ly diệt đơn vị cơ động của căn cứ, đơn vị bảo vệ sở chỉ huy và đánh quân tiếp viện gây thiệt hại nặng cho chiến đoàn 1/50 Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #295 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:53:38 am »


        Nói đến căn cứ Sông Mao không thể không nói tới anh Chi - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công là người bảy lần trực tiếp căn cứ Song Mao, trận nào cũng được giao nhiệm vụ đánh vào chỗ hiểm yếu nhất của địch. Anh là người nắm vững việc bố trí phòng thủ cũng như mọi quy luật hoạt động cùng ngõ ngách của căn cứ Sông Mao. Tuy anh là tiểu đoàn trưởng đặc công nhưng anh em thường gọi đùa là “Trung đoàn trưởng trung đoàn 44”, tức là trung đoàn ngụy trấn giữ căn cứ Sông Mao. Đến trận thứ tám và cũng là trận cuối cùng ta đánh Sông Mao, sau trận đánh thắng lợi, khi rút ra trời vẫn chưa sáng, một đồng chí dẫm phải mìn làm anh Chi và một số đồng chí đặc công hy sinh.

        Riêng trận đánh lần thứ năm này, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì.

        Nói đến căn cứ Sông Mao ở bắc Bình Thuận tôi không thể nào quên hình ảnh của hai người phụ nữ anh hùng đã để lại những ấn tượng rất sâu đạm trong tình cảm của tôi cũng như bao chiến sỹ đã từng công tác và chiến đấu trên mảnh đất này, đó là mẹ Phạm Thị Ngư và chi Phạm Thị Mai.

        Riêng tỉnh Bình Thuận, đến nay đã được Đảng, Nhà nước phong tặng 672 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đó có mẹ Phạm Thị Ngư ở Phong Nẫm thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mẹ Ngư vừa hoạt động cách mạng lại có bảy người con là liệt sỹ. Với những đóng góp vo cùng lớn lao đó cho Tổ quốc mẹ đã được Quốc hội và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào ngày 06 tháng 11 năm 1978 và ngày 17 tháng 12 năm 1994, mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

        Quê mẹ Phạm Thị Ngư ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Cụ ông, cụ bà mất sớm, mẹ phải lao động để kiếm sống. Lớn lên mẹ xây dựng gia đình với ông Bùi Dinh người cùng quê. Thời kỳ chống Pháp, gia đình mẹ là cơ sở cách mạng. Bản thân mẹ Ngư là tổ trưởng phụ nữ. Hằng ngày, mẹ đi vận động quyên góp tiền bạc, thuốc men, lương thực, thực phẩm ủng hộ kháng chiến. Nhà mẹ là nơi ẩn náu của các chiến sỹ cảm tử vào đánh Phan Thiết, là đầu mối liên lạc vùng giải phóng với vùng tranh chấp, vùng địch hậu.

        Năm 1960, sau một cơn bệnh hiểm nghèo, chồng mẹ bị liệt hai chân rồi qua đời, mình mẹ vừa lao động nuôi dạy đàn con thơ dại, vừa hăng hái hoạt động cách mạng. Hằng ngày, mẹ đi tiếp tế lương thực thuốc men cho bộ đội, dẫn đường cho bộ đội vào hoạt động ở Phan Thiết. Tết năm Mậu Thân 1968, mẹ đưa đường cho bộ đội tiến công vào Phan Thiết. Cũng trong thời gian này mẹ đã giải thoát cho hai chiến sỹ của ta đang bị địch bắt và đưa ra vùng căn cứ an toàn.

        Năm 1969, địch quay lại đánh phá ác liệt quê hương, mẹ đã canh gác cho cán bộ đào hầm bí mật ngay trong vườn nhà mình để có điều kiện nuôi giấu cán bộ và bộ đội lâu dài. Mẹ đã liên tục hoạt động cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975.

        Quá trình tham gia hoạt động cách mạng cũng là quá trình mẹ phải chịu nỗi đau ngày càng lớn. Có thể nói những nỗi đau đó ngày càng bao trùm, đè nặng lên cả phần đời của mẹ, khi mẹ lần lượt được tin bảy người con hiền thảo cả trai, cả gái của mẹ đều anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Mỗi khi người con lớn hy sinh, mẹ lại nói: “Cho em nó đi chiến đấu tiếp để trả thù cho anh chị nó”. Thực tế trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt như vậy, giữa ta và địch không có một con đường nào khác thì đó là một quyết định tất yếu.

        Người hy sinh đầu tiên là anh Bùi Văn Thành con trai cả của mẹ, anh đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh ngày 3 tháng 5 năm 1961. Hơn năm năm sau, người con thứ hai là anh Bùi Văn Trung – cán bộ huyện Hàm Thuận, hy sinh tháng 10 năm 1966. Chưa đầy hai năm sau, người con thứ ba của mẹ là anh Bùi Văn Tài tham gia du kích xã, hy sinh tháng 5 năm 1968. Hơn ba năm sau đó người con thứ tư, Anh Bùi Văn Tứ là trung đội trưởng, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hy sinh ngày 29 tháng 8 năm 1971. Không đầy một năm nữa, người con thứ năm là cô Bùi Thị Mười (Mười Em) là y tá của xã đã hy sinh tháng 4 năm 1972. Chỉ sáu tháng sau, anh Bùi Văn Mười du kích xã hy sinh tháng 10 năm 1972. Một năm sau, người con thứ bảy của mẹ là chị Bùi Thị Luyến, cán bộ phụ nữ xã, hy sinh ngày 10 tháng 11 năm 1973.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #296 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:54:52 am »


        Qua cuộc đời của mẹ Ngư - một trong biết bao Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp mọi miền Tổ quốc ta, cũng thấy được nỗi đau và sự hy sinh to lớn mà các thế hệ đi trước phải trả cho cuộc sống bình yên dưới bầu trời tự do hôm nay.

        Có thể nói, không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau mà cuộc đời mẹ phải chịu đựng, khi đất nước đã thanh bình sạch bóng quân xâm lược mà các cơn của mình thì đã ra đi và tất cả đều không trở lại.

        Không có sự bù đắp nào có thể bù đắp nổi những gì mà các mẹ đã mất mát, hy sinh, đã phải chịu đựng trong các cuộc chiến tranh vừa qua. Vì vậy, trách nhiệm của mọi người chúng ta, của toàn xã hội hôm nay và cả ngày mai đối với những người như các bà mẹ thật lớn lao.

        Nếu như mẹ Ngư bị kẻ thù cắt đi từng khúc ruột vì mất đi những người con rất đỗi yêu thương trong chiến tranh, thì chị Phạm Thị Mai lại bị kẻ thù dã man bắn bị thương nhiều lần và cắt đi từng phần thân thể hòng khuất phục ý chí chiến đấu của chị.

        Chị Phạm Thị Mai (Tám Tiệm) sinh năm 1947 ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Gia đình chị Mai có bảy anh em đều tham gia cách mạng, một người là liệt sỹ, ba người là thương binh, hai người là bệnh binh.

        Tham gia cách mạng từ lúc mười lăm tuổi, năm 1961, nhà chị Mai là cơ sở bí mật của ta. Tháng 2 năm 1962, chị Mai vào Đoàn thanh niên, rồi làm đội trưởng đội vũ trang công tác của xã Hàm Liên. Năm 1964, chị lãnh đạo quần chúng phá ấp chiến lược Hàm Hiệp, đưa đồng bào về vùng căn cứ. Năm 1965, chị Mai chỉ huy du kích xã đánh hai bốt, diệt một ác ôn, bắt bảy tên chiến tranh tâm lý. Năm 1965 chị được chi bộ xã Hàm Liên kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1967, chị được bầu vào cấp uỷ xã, làm Hội trưởng Hội phụ nữ kiêm Chính trị viên xã đội. Năm Mậu Thân 1968, chị Mai tích cực chuẩn bị hầm bí mật để nuôi giấu thương binh, bảo vệ an toàn cho các đồng chí cán bộ của ta, trong đó có đồng chí Năm Ngà (Nay là cố Thượng tướng Nguyễn Minh Châu) - Chỉ huy trưởng mặt trận Phan Thiết, bảo đảm an toàn cho Sở chỉ huy tiền phương của Khu 6.

        Tháng 3 năm 1968, chị Mai đang bám hầm bí mật thì bị địch phát hiện. Địch gọi hàng, chị không lên, chúng bắn xối xả xuống hầm. Chị bị thương nặng rồi bị địch bắt và tra tấn dã man. Không khai thác được gì, chúng cưa cụt bên chân bị thương nhằm uy hiếp tinh thần cách mạng của chị cũng như của đồng bào địa phương. Với tinh thần kiên trung bất khuất, chi quyết không khai báo nửa lời. Trong lao tù, chị tiếp tục lãnh đạo chị em đấu tranh chống khủng bố.

        Tháng 9 năm 1969, không khuất phục được chị Mai, bọn địch buộc phải thả chị. Ra tù, thay vào bên chân đã mất là chiếc nạng gỗ, người phụ nữ hai mươi lăm tuổi ấy vẫn tiếp tục hoạt động chỉ huy du kích mật của xã. Năm 1970, chị Mai tổ chức chống càn quét năm trận, diệt 41 tên lính cộng hoà, phá huỷ hai xe tăng và xe bọc thép của địch.

        Từ giữa năm 1971 đến tháng 8 năm 1973, tuy bị cụt chân phải chống nạng, chị vẫn được tín nhiệm cử làm bí thư chi bộ bí mật của xã. Hàng ngày, chị chống nạng ra đồng lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi được ngủ lại ngoài đồng để giữ lúa. Bọn địch vô cùng căm ghét chị, chúng đã nổ súng bắn gãy luôn chiếc chân lành của chị. Đáng ra phải chữa chạy cho chị, thì chúng lại nhân thể cưa luôn cái chân còn lại cho đến hông, hòng cách ly chị với phong trào.

        Không thể đi nạng được nữa. Từ đó chị phải chống tay vào hai cái ghế nhỏ để lết đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác lãnh đạo đấu tranh và nắm tình hình để du kích mật đánh địch. Tháng 7 năm 1972, chị Mai chỉ huy nội tuyến đánh mìn ở rạp chiếu bóng Phan Thiết, diệt 19 tên phượng hoàng, thám báo. Sau trận này, chị bị địch bắt giam lần thứ hai. Sau khi ra tù, tháng 12 năm 1974, ta tổ chức đưa chị ra căn cứ để bảo vệ tính mạng cho chị.

        Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 6 năm 1975, trong một lần đi công tác, tôi có điều kiện đến thăm chị Mai khi đó chị đã về sống với mẹ già ở xã Hàm Liêm, được công nhận là thương binh ¼, được cử làm Phó bí thư chi bộ hợp tác xã. Ngoài công việc chung, vốn là người tích cực lao động, chị vẫn tích cực tăng gia sản xuất để nuôi con nhỏ. Cũng phải nói thêm rằng vì việc có đứa con nhỏ ngoài hôn thú này mà việc đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng của chị gặp rất nhiều khó khăn. Người ta đâu có hiểu rằng, dù chị có là người phụ nữ kiên trung đến đâu đi nữa thì chị vẫn là một người phụ nữ với những nhu cầu thiết tha được sinh con, được làm mẹ. Sau này, các đồng chí địa phương cũng như cấp trên đã hiểu được điều đó và chị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong một chuyến công tác, tôi có dịp đến thăm chị lần thứ hai vào năm 2000, thấy cuộc sống của chị đã khá hơn, tôi cũng mừng cho chị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #297 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:57:51 am »


        Tôi nhớ lại cái Tết năm 1970, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch tổ chức phản công mạnh ở trên toàn tuyến chiến trường cũng như ở Khu 6. Ta tuy rút khỏi thành phố song vẫn bám lại vùng ven và nông thôn. Lực lượng du kích, bộ đội địa phương và đặc công liên tục đánh tập kích vào thành phố bằng bộ binh và hoả lực khiến địch cũng không thể dễ bề thẳng tay đánh lại ta. Địch dựa vào vào địa bàn thành phố đẩy ta ra khỏi địa bàn nông thôn. Chúng mở nhiều cuộc càn quét nhưng không đủ sức tiêu diệt lực lượng của ta, mà chỉ đẩy ta ra khỏi địa bàn. Trước tình thế đó, các lực lượng vũ trang Khu 6 liên tiếp chống càn để bám trụ lại vùng nông thôn. Vừa đánh địch, bộ đội ta vừa bám dân, gây dựng cơ sở. Được dân tiếp tế ủng hộ về nhiều mặt, ta có đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men để bám trụ, thiếu vũ khí thì lấy vũ khí của địch đánh địch, nên địch cố đẩy cũng không đẩy được ta khỏi địa bàn nông thôn. Xóm Bầu là một xóm tiêu biểu như vậy, mặc dù xóm Bầu chỉ cách Phan Thiết có bốn cây số nhưng địch không làm gì được. Cho tới Hiệp định Pa-ri, tháng 1 năm 1973, xóm Bầu vẫn còn bị địch tiến công lấn chiếm và chúng đã bị ta đánh bại.

        Khác với cái Tết trước, Tết năm 1970 chúng tôi có điều kiện lo cho anh em khá đàng hoàng. Các loại thực phẩm chuẩn bị cho Tết như gạo, thịt, rau, đường, sữa, bánh (kể cả rượu) đều được anh em ta mua từ vùng tranh chấp. Lúc giao thừa, anh em được nghe lại đoạn băng Lời chúc tết và thơ của Bác từ năm 1968, ai nấy đều rất xúc động, tiếc thương Bác vô hạn.

        Riêng với Khu 6, chúng tôi cho anh em ăn Tết trước ngày 23 tháng Chạp và sau Tết (sau ngày 5 tháng Giêng) với những đồng chí chưa kịp ăn Tết trước. Bởi tuần lễ giáp Tết và đặc biệt dịp ngừng bắn là dịp trinh sát, đặc công, các lực lượng địa phương của ta có dịp bám nắm địch rất thuận lợi. Lợi dụng bọn địch chè chén say sưa, cờ bạc, gái mà lơ là khâu kiểm soát, ta có thể vào rất sâu các căn cứ của chúng để nắm địch, vẽ bản đồ bố phòng cũng như nắm các hoạt động của địch chuẩn bị cho những đòn sau Tết và Xuân Hè năm 1970.

        Trở lại với chiến trường Khu 6 những năm 1970, nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, Bộ tư lệnh Miền có Chỉ thị số 136 nêu rõ: “Khẩn trương đẩy mạnh tổng tiến công toàn diện, tạo thêm thế và lực, đánh bại “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, mở ra cục diện mới để giành thắng lợi quyết định”. Thực hiện Chỉ thị 136 của Trung ương Cục miền Nam, tháng 1 năm 1970, hội nghị Khu uỷ Khu 6 đề ra chủ trương nhiệm vụ như sau: “Ra sức đẩy mạnh tiến công và xây dựng lực lượng nhằm làm chuyển biến cho được một bước cục diện chiến trường, đồng thời ráo riết chuẩn bị điều kiện để tiến tới một cao trào tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, dồn dập, quyết liệt tạo một sự chuyển biến có tính chất nhảy vọt”. Phối hợp với chiến dịch “CD” của Miền, chiến dịch “TK” (tiến công) của Khu phát triển thuận lợi. Khu 6 đã quyết tâm bám trụ địa bàn đánh địch, dựa vào sức mạnh lòng dân, dựa vào núi rừng trùng điệp, dựa vào năm triệu gốc sắn để bám chặt địch, nắm chắc từng động thái nhỏ của chúng để liên tục tiến công tiêu diệt địch theo sát ý kiến chỉ đạo của Miền.

        Bộ tư lệnh Miền thấy Khu 6 hoạt động tốt nên chỉ đạo kéo dài chiến dịch, yêu cầu tiến công vào thành phố Đà Lạt, buộc địch phải đối phó.

        Đợt hoạt động này, đơn vị được Huân chương Quân công hạng nhì cho trận Sông Mao lần thứ năm và đánh Đà Lạt.

        Cuối tháng 5 năm 1970, nhận được chỉ thị của Miền đánh phối hợp với chiến trường Cam-pu-chia, Quân khu chủ trương mở chiến dịch tiến công đồng loạt vào thị xã Đà  Lạt. Lực lượng của ta gồm hai tiểu đoàn bộ binh thiếu là Tiểu đoàn 810 và Tiểu đoàn 145 cùng Tiểu đoàn 200c đặc công, các đội biệt động thi xã, lực lượng du kích và cơ sở tại chỗ. Cấp trên yêu cầu phải chiếm giữ một số mục tiêu quan trọng then chốt trong thị xã, làm chủ thị xã ít nhất hai ngày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #298 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:59:39 am »


        Thực tế diễn ra như dự kiến. Sau khi đánh chiếm các vị trí quan trọng, ta liên tục đánh phản kích ở đồi Đất Đỏ, đồi Bạch Đằng và Lãnh địa Đức Bà... Ta bám trụ đánh lui tám đợt phản kích của địch, diệt một đại đội và đánh thiệt hại một đại đội khác. Ở Trường đại học Giáo hoàng Chủng viện, ta đã đánh địch phản kích suốt ngày 29 tháng 5, diệt một đại đội và đánh thiệt hại nặng một đại đội khác. Sau ngày 30 tháng 5, ta chuyển ra đứng chân tại ấp Đa Thiện tiếp tục đánh phản kích, đến sáng ngày 31 tháng 5 năm 1970 ta mới rút ra. Kết quả trong đợt này, ta diệt ba đại đội (trung đoàn 53), phá trụ sở Vô tuyến viễn thông, đánh chiếm dinh 2, cao điểm Pi-cro-bin, Lãnh địa Đức Bà, đồi Đất Đỏ và đánh thiệt hại nặng dinh Thị trưởng, trận địa pháo Tân Lạc. Cùng với chủ lực, du kích và biệt động đã phối hợp diệt một bốt cảnh sát, diệt một số ác ôn và phá huỷ trạm biến thế điện. Lực lượng quần chúng đã hưởng ứng, nổi dậy truy lùng bọn tề ác trong một số khu phố, treo cờ khẩu hiệu, tiếp tế cơm nước cho bộ đội, chăm sóc thương binh, huy động cuốc xẻng cho bộ đội đào hầm. Ở trường đại học, học sinh, sinh viên hăng hái đưa bàn ghế, giường tủ ra làm chướng ngại vật.

        Trong đợt tiến công này, bộ đội ta đã làm tốt chính sách dân vận, khi vào vùng Công giáo ở Lãnh địa Đức Bà, Giáo hoàng Chủng viện, bộ đội vừa chiến đấu đánh địch, vừa phân công cán bộ làm công tác tuyên truyền, giải thích chính sách cho quần chúng giáo dân, trong đó có một số cha cố của Chủng viện. Địch đã dùng đạn có chất độc hoá học bắn vào Chủng viện. Ta đã giúp dân phòng tránh và cứu chữa những người bị ngạt, gây được ảnh hưởng tốt. Vì thế sau khi ta rút, địch đến tuyên truyền xuyên tạc, đã bị giáo dân phản bác thẳng thừng, nói lên những việc làm đúng đắn, tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Chiến công này của quân và dân Khu 6 đã được Quân uỷ, Bộ chỉ huy Miền gửi điện khen ngợi và tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.

        Dư luận báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ gồm các báo như “Công luận”, “Chính luận”, “Tiền tuyến”, “ Đuốc nhà Nam” xuất bản tại Sài Gòn đầu tháng 6 năm 1970 đều đăng trên trang nhất dòng tít lớn sự kiện này và đánh giá: “Đây là cuộc tiến công lớn nhất vào thành phố ở Nam Việt Nam sau Tết Mậu Thân”.

        Năm 1970, khi chuẩn bị đánh Sông Mao lần thứ năm, chúng tôi hành quân từ phía đông sang phía tây Sông Mao. Sau khi hành quân qua một dãy núi cao xuống dãy đồi thấp gần bìa làng có một bãi cỏ tranh bị địch đốt cháy trụi, chúng tôi lặng lẽ đi tiếp trong đêm tối chừng một cây số, thấy được thế thuận lợi cho việc phòng tránh và đánh trả địch tốt, chúng tôi tạm nghỉ để lấy sức, 2 giờ sáng lại thức dậy nấu ăn sáng và trưa luôn. Lúc 4 giờ sáng, chúng tôi vừa đi được một lúc thì gặp một đại đội ta đi lấy gạo về. Tôi hỏi một đồng chí:

        - Dưới làng có tin tức gì không? (Ý hỏi có địch không?).

        Một đồng chí của đại đội đi lấy gạo nói:

        - Dưới ấy bình thường.

        Ta tiếp tục hành quân, còn anh em đi ngược vào rừng. Đi được khoảng 15 phút thì có tiếng súng rộ lên ở phía sau. Anh em gặp địch liền đặt bao gạo xuống làm công sự đánh địch ngay giữa vạt đồi tranh bằng phẳng. Một đại đội ta đánh một đại đội địch, nên sau phút bất ngờ ta đã giành lại thế chủ động bao vây chia cắt địch, sau trận đánh chúng phải bỏ lại năm xác chết cùng súng đạn. Anh em tiếp tục vác gạo vào núi. Ta bị hy sinh một, bị thương hai đồng chí.

        Một lát sau máy bay địch dùng bom, pháo đánh phá vào khu vực bãi trống rồi đưa trực thăng xuống lấy xác chết. Đến trưa địch im hẳn, tôi cho sở chỉ huy hành quân tiếp, 6 giờ tối thì đến vị trí tập kết. Theo thói quen thường xuyên nắm đich, hễ có điều kiện là tôi cho anh em ở bộ phận kỹ thuật bật máy thông tin PRC-25 (chiến lợi phẩm thu được của địch) để dò sóng nghe tin tức địch. Chỗ ta tạm nghỉ chân gần một bệnh xá của bắc Bình Thuận. Bệnh xá này có đôi vợ chông tôi quen là Cô Nga – bác sỹ, bệnh xá trưởng người Hà Nội. Cô Nga lấy anh nhật Hùng làm bác sỹ. Cả hai vợ chồng cùng xung phong vào miền Nam công tác. Riêng đối với anh Nhật Hùng thì phải nói là về quê hương công tác mới đúng, bởi anh quê ở miền Nam, được ra Bắc học trường thiếu sinh quân từ nhỏ. Khi còn ở Khu 10, tôi đã đón cả hai vợ chồng trẻ cùng một đoàn bảy người từ miền Bắc vào, nên biết cả hai vợ chồng từ hồi đó. Lần này chúng tôi đến, nghe tin cô Nga mới sinh cháu nhỏ khoảng năm, sáu tháng tuổi. Tôi mừng lắm, chưa kịp thăm cháu thì nghe bộ phận kỹ thuật báo cáo:

        - Thưa thủ trưởng, chúng tôi vừa nghe được tin của địch, chúng nói với nhau: “Sáng mai trời mưa lúc 6 giờ tại toạ độ x,y”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #299 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 01:02:26 am »


        Tôi cùng các đồng chí tổ trinh sát xem lại các toạ độ trên bản đồ thì đúng là bệnh xá mà chúng tôi đang trú quân gần đó. Với kinh nghiệm nắm địch nhiều năm, tôi biết đây là thông tin đáng tin cậy. Thấy tình hình không thể chậm trễ, tôi lệnh cho một tiểu đoàn ở gần nhất huy động được 150 người đến di chuyển bệnh xá ra khỏi khu vực toạ độ nguy hiểm, đồng thời báo cho cô Nga biết:

        - Bệnh xá đã bị lộ, khả năng địch dùng máy bay hoặc pháo binh đánh phá trạm xá vào 6 giờ sáng ngày mai. Sau khi đánh phá bằng bom pháo, địch có thể đổ quân càn quét. Bây giờ phải lập tức sơ tán bệnh xá! Không được chậm trễ.

        Lúc này trong bệnh xá có khoảng 40 thương binh và 20 nhân viên cùng các dụng cụ y tế, nồi niêu xoong chảo đều được anh em di chuyển ra khỏi toạ độ nguy hiểm ngay trong đêm.

        Đúng là chẳng có cuộc chuyển nhà nào được gọn gàng cả, nhất là lại chuyển gấp trong đêm khi mối đe doạ của bom đạn địch đang treo lơ lửng ở trên đầu.

        Tôi gặp mẹ con cô Nga lúc gần sáng, khi anh em đang cùng cô thu dọn đồ để mang đi. Nhà cửa tanh bành, cháu bé vẫn nằm ngủ trên võng, phấn rôm vãi đầy nên nhà. Thấy tôi, cô Nga vừa mừng vừa tủi nói:

        - Khổ quá anh ơi, anh đến đây em chưa kịp nấu nướng gì cho anh ăn, đã phải lo di chuyển...

        - Cô cho con đi mau, nấn ná làm gì, bom pháo nó chụp xuống đầu bây giờ - Tôi nói rồi bế cháu bé lên đưa cho cô và giục anh em khẩn trương thu dọn để rời khỏi khu vực nguy hiểm.

        Anh em yếu  thì chuyển đồ đi một chuyến. Anh em khoẻ thì quay lại đi chuyến nữa. Bộ phận cuối cùng tận 5 giờ 30 phút mới rời khỏi bệnh xá.

        Đúng 6 giờ sáng, trời chưa tan sương, lũ L19 đã lên quần đảo tại khu vực trạm xá. Mười phút sau khi bắn pháo khói vào đúng bệnh xá, cột khói trắng bò lên khỏi tán cây xanh thì các trận địa pháo cấp tập bắn vào bệnh xá của bắc Bình Thuận. Đến khoảng 7 giờ sáng, địch cho hàng đàn trực thăng lên đổ quân xuống lục soát, đốt sạch những lán trại còn sót lại, đến gần trưa trực thăng lên bốc quân đi. Anh em ta ở cách đó không xa nên quan sát và nghe rất rõ hoạt động của địch. Sau giải phóng cô Nga về làm ở Bệnh viện Hà Nội, anh Nhật Hùng chồng cô sau làm chuyên viên Văn phòng Chính phủ. Gặp tôi anh rất xúc động nhớ lại chuyện cũ. Anh thường nói với bạn bè: “Anh Sáu đã cứu vợ con tôi, cứu cả bệnh xá...”. Thực ra thì trong hoàn cảnh đó, ai cũng làm như vậy cả. Mà bài học cảnh giác, thường xuyên nắm địch mới là quan trọng.

        Nói đến mảnh đất Cực Nam Trung Bộ, không thể không nói đến căn cứ nổi tiếng của ta, đó là căn cứ Lê Hồng Phong. Căn cứ Lê Hồng Phong phía tây giáp thị xã Phan Thiết, phía đông giáp Phan Rí, phía bắc giáp với quốc lộ số 1. Đây là một vị trí rất tiện lợi cho việc trú quân và xuất quân của ta từ thời chống thực dân Pháp đến thời chống đế quốc Mỹ. Căn cứ Lê Hồng Phong còn được anh em ta gọi với một cái tên khác, đó là cánh rừng “nô lệ”. Đây là một cánh rừng thấp, chủ yếu là những cây thấp như ô rô và các cây có gai khác cao ngang đầu người mọc trên vùng đất cát. Để tránh máy bay và các phương tiện quan sát từ xa của địch, khi đi trong cánh rừng này, anh em ta thường phải so vai cúi đầu bước đi trông rất khổ sở nên cánh rừng này được cho cái tên cánh rừng “nô lệ”.

        Căn cứ Lê Hồng Phong đã có từ thời chống Pháp. Trên đường từ Nam ra Bắc, đồng chí Lê Duẩn đã qua căn cứ này. Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình đánh địch ở địa phương, đồng chí Lê Duẩn đã để ba đồng chí đặc công đi bảo vệ đồng chí ở lại huấn luyện cách đánh mới cho tỉnh Bình Thuận và cho Khu. Đó chính là cách đánh mật tập kiểu đặc công đã làm cho kẻ địch kinh hồn bạt vía trên các chiến trường sau này.

        Năm 1968, khi đánh Phan Thiết, một cánh quân cửa ta đã xuất phát từ cánh rừng này. Cánh quân do đồng chí Lê Du làm tiểu đoàn trưởng chỉ huy. Trước khi bước vào chiến dịch, một cô giao liên tên là Mai được giao nhiệm vụ lần tìm đơn vị đồng chí Lê Du để truyền đạt mệnh lệnh. Cô Mai có đặc điểm là người rất gầy nhưng lại nhanh nhẹn thoăn thoắt ẩn hiện trong rừng trong vai một cô gái thành thị đã lọt vào cánh rừng để tìm cách liên lạc với tiểu đoàn anh Lê Du truyền đạt mệnh lệnh tiến công và kế hoạch hiệp đồng của trên cho tiểu đoàn đánh vào Phan Thiết.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM