Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:56:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46047 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #280 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:25:10 am »


        Tôi bật đèn xem đồng hồ, lúc đó là 3 giờ kém 20 phút sáng. Lên đến buồng chỉ huy, tôi hỏi:

        - Phía tây của chúng ta là tỉnh nào?

        - Bến Tre anh ạ - Đồng chí chỉ huy tàu trả lời.

        - Địa phận đó do ta hay địch kiểm soát? – Tôi hỏi tiếp.

        - Báo cáo anh ... không rõ.

        - Vậy từ đây vào bờ bao nhiêu cây số?

        - Chắc cũng không xa – Đồng chí chỉ huy nói.

        Tôi quyết định luôn:

        - Tình hình hình này chúng ta không thể chậm trễ được. Bây giờ đồng chí Trung là Bí thư chi bộ dẫn theo ba anh em nữa mang theo vũ khí, đi xuồng vào bờ nắm tình hình. Khi đến bờ để một người ở lại giữ xuồng, còn ba người tìm một nhà dân nghèo nhất trong xóm xem họ thức hay ngủ, gọi họ dậy hỏi tình hình. Yêu cầu về ngay trong đêm để kịp triển khai kế hoạch tiếp.

        Trước khi lên tàu, đồng chí Tư lệnh Hải quân đã giới thiệu với anh em thủy thủ đoàn về cấp bậc chức vụ của tôi, nên mọi phương án tác chiến khi có tình huống xảy ra các công việc trong suốt chuyến đi, anh em thường hỏi ý kiến tôi.

        Chúng tôi đợi đến khoảng hơn 4 giờ sáng, thì anh em quay ra báo cao:

        - Đây là huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nằm trong vùng ta kiểm soát. Dân còn cho biết lúc tối có khoảng một đại đội của ta đến đây đón, đến quá 12 giờ đêm không thấy gì, anh em rút về rồi.

        Tôi bàn, thống nhất với ban chỉ huy tàu: báo cáo tình hình tàu mắc cạn về Bộ Tổng Tham mưu. Đồng thời chúng tôi lệnh cho anh em thuỷ thủ đưa hai khẩu 12,7 lên bờ sẵn sàng chiến đấu, treo cờ ngụy lên tàu để lừa địch; cử anh Dũng thợ máy ở lại, khi bị lộ thì bấm nút điện nổ bộc phá cho huỷ tàu. Một chiến sỹ hải quân quê Thái Bình xung phong ở lại với anh Dũng để sẵn sàng phá tàu. Sau khi phát lệnh, tất cả mọi người đều khẩn trương hành động để lên bờ trước khi trời sáng.

        Đồng chí Năm Chung – Khu uỷ viên Khu 8 là người phụ trách bến tàu này. Anh bố trí chỗ ăn nghỉ cho chúng tôi rồi cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Thạnh Phú huy động lực lượng để đến đêm ra chuyển hàng ở tàu lên bờ đưa vào kho cất giữ.

        Trong khi chúng tôi đang triển khai kế hoạch thì khoảng 9 giờ sáng có hai máy bay ngụy bay qua, chúng đảo đi đảo lại đến ba vòng rất thấp, chắc là chúng nhìn rõ cờ ngụy nên bỏ đi.

        Theo phương án trên, địa phương huy động lực lượng nhân dân và dân quân cơ động của cả huyện Thạnh Phú mang thuyền ra vận chuyển. Công việc chủ yếu tiến hành vào ban đêm, sáng ra lại đậy lại, vì từ tàu vào bờ là một khoảng cách chừng một cây số, một lực lượng thuyền và người lớn như vậy xuất hiện trên biển vào ban ngày sẽ bị máy bay địch phát hiện. Không chỉ có thanh niên dân quân và du kích cơ động, trong số những người tham gia vận chuyển chúng tôi thấy có cả nhà sư, cả các em nhỏ cũng tham gia rất hăng hái.

        Sau hai đêm, dưới sự chỉ huy của anh Năm Chung và huyện Thạnh Phú, các lực lượng của địa phương đã bốc dỡ hết một trăm tấn vũ khí đóng nguyên đai, nguyên kiện trong các hòm gỗ, cùng toàn bộ cá thùng sắt đựng bản đồ, tiền và dụng cụ y tế vào bờ, đưa về các căn cứ của ta một cách an toàn.

        Con tàu sau khi dỡ xong hàng vẫn không nổi lên được, Nó đã bị mắc vào một doi cát. Sàng sớm ngày thứ ba, sau khi đã tháo nốt vô tuyến điện và máy tàu, ta dùng ĐKZ bắn vỡ một phần giữa tàu, nhưng mũi tàu lại nhô cao tám mét.

        Hôm sau có điều kiện quan sát bến, tôi mới thấy anh em ta vào đúng bến, nhưng vì đi đêm không đèn đóm nên không đúng lạch khiến tàu bị mắc cạn. Phải nói anh em ta chọn bến rất giỏi. Nếu không mắc cạn, tàu sẽ theo một con lạch nhỏ vào sâu trong bờ vào ban đêm khi triều lên. Sáng ra nước rút, phía trước cửa lạch có một bãi cát nhô lên che kín cửa lạch. Khi chúng tôi theo cửa lạch rợp bóng dừa tiến sau vào thì bên trong vẫn còn một con tàu đã bốc hàng xong đang chuẩn bị ra. Chúng tôi tiễn hai mươi anh em thuỷ thủ cùng con tàu không số ra Bắc. Anh em đã lênh đênh cùng nhau gần một tháng trên biển, cùng chia sẻ biết bao kỷ niệm trên sóng gió, vậy mà giờ đây chỉ một cái bắt tay trong ánh mắt đầy lưu luyến để rồi lại hối hả kẻ Bắc, người Nam.

        Anh Năm Chung đưa tôi lên Tỉnh uỷ Bến Tre. Tôi mang một số quà miền Bắc là một số bút máy Trường Sơn ra tặng các đồng chí bí thư, chỉ huy trưởng tỉnh. Các anh rất phấn khởi đón nhận quà của miền Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #281 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:27:36 am »


        Tôi ở tạm trong một nhà dân, buổi chiều có đồng chí liên lạc qua dẫn tôi đi nhận cứ. Nói là cứ cho oai chứ thực ra đó chỉ là một vườn dừa xơ xác vì bom đạn địch tàn phá cách Tỉnh uỷ ba trăm mét, trong đó có một cái hầm bí mật để ẩn nấp khi địch càn. Đồng chí liên lạc nói:

        - Căn cứ của đồng chí – Nói rồi người liên lạc cúi xuống gần một gốc dừa bật miệng hầm bí mật lên, để lộ ra một cái hố đầy nước.

        Tôi còn chưa kịp hỏi gì thêm thì đồng chí ấy nói tiếp:

        - Khi nào báo động có địch, phải lấy xô múc nước đem ra xa đổ, xuống hầm xong đậy miệng lại cẩn thận. Trong hầm có lỗ thông hơi lên gốc dừa.

        Tôi ở đó tiếp ba ngày hai đêm, may không có trận càn nào.

        Đến đêm thứ ba, có một đoàn cán bộ về Khu, trong đó có anh Sĩ – Phó Tư lệnh Khu 8 luôn đeo cặp kính cận và hai người nữa. Tôi cùng anh Tộ và một bác sỹ từ tàu không số lên nhập với đoàn của các anh lên Khu 8 để đi tiếp về Miền. Đến sông Hàm Luông thì trời cũng vừa tối, chúng tôi xuống ca nô sang Mỹ Tho. Trên ca nô của chúng tôi lúc đó có bảy người, kể cả người lái ca nô. Ca nô mới chạy được mười phút, mới hết một phần tư quãng đường thì gặp tàu tuần tiễu của địch quét đèn pha sáng quắc chạy dọc sông. Ca nô của ta nhỏ liền quay mũi chạy thẳng vào bờ, sau khi buộc ca nô vào bụi cây dưới gốc dừa, chúng tôi lên hết trên bờ triển khai chiến đấu. Tàu địch chạy qua, anh em xuống ca nô mở hết tốc lực chạy ba mươi phút thì tới bờ bên kia sông Hàm Luông. Anh lái ca nô còn kể: “Có nhiều khi lợi dụng đêm tối, tàu địch còn bí mật thả trôi sông để bất ngờ nổ súng vào ca nô của ta”.

        Từ Mỹ Tho, chúng tôi đi ngược theo hướng tây tới giáp vùng kiểm soát của địch. Ngày nghỉ ngay trên miệng hầm bí mật, đêm có giao liên nam hoặc nữ dẫn đi. Đa số các đồng chí nam, nữ giao liên đều còn rất trẻ. Họ không chỉ thuộc các đường đi lối lại mà còn nắm địch rất chắc.

        Cứ đi như vậy chừng bốn ngày, chúng tôi đến một thị trấn nhỏ. Sau khi ăn cơm chiều ở đây, chúng tôi được lệnh chuẩn bị vượt quốc lộ số 4, đi Tây Ninh:

        Khoảng 10 giờ đêm, một cô giao liên dẫn chúng tôi ra quốc lộ số 4. Khi đội hình còn cách đường khoảng trăm mét thì cô giao liên ra hiệu cho chúgn tôi lợi dụng địa hình nằm xuống chờ lệnh. Tôi đang nhô đầu nghe ngóng, bỗng cô giao liên ấn vai tôi xuống. Tôi hỏi:

        - Cái gì thế?

        - Jeép?

        Một lúc sau có hai chiếc xe bọc thép đi tuần quét đèn pha sáng rực chạy qua chứ không phải xe jeep. Hai chiếc vừa chạy qua, cô giao liên ra hiệu cho chúng tôi vượt qua đường luôn. Chúng tôi đi tiếp hai tiếng nữa thì nghỉ lại chợp mắt, vì khu vực này đã tương đối an toàn. Sau đó đoàn đi tiếp bốn ngày nữa trên những con đường rừng miền tây tỉnh Tây Ninh, cô giao liên bảo: “Bên kia con suối này là đất Cam-pu-chia”. Chúng tôi đi qua suối rồi cắt ngang qua một con đường nhựa từ Cam-pu-chia sang Tây Ninh, đi tiếp một ngày nữa thì về đất Việt Nam. Đi hết cánh rừng rậm, cô giao liên bảo chúng tôi dừng lại nấu cơm, xác định tinh thần ăn tối xong sẽ đi suốt đêm để vượt qua cánh đồng “Chó ngáp”.

        Quả như lời đồng chí giao liên đã cảnh báo về cái cánh đồng có cái tên rất lạ ấy. Đó là một cánh đồng bình thường như nhiều cánh đồng khác ở đồng bằng Nam Bộ. Ở đây cây sú vẹt mọc lúp xúp, lưa thưa trên lớp bùn thụt của rừng tràm chết chỉ còn trở trong bùn những thân cây, rễ cây nhỏ, cứng nhọn sắc  như chông. Cả cánh đồng không có mô đất nào có thể đặt nổi chiếc ba lô hoặc chiếc gùi để nghỉ tạm dù chỉ vài phút. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải lựa chân không mà đi qua rừng chông ngầm đó, bởi nếu đi dép thì lúc rút chân lên chỉ còn chân chứ dép thì nằm lại ở dưới bùn. Đi trong bùn lầy thụt, chỉ giữ thăng bằng rút  được chân lên cũng đã thắt cả ruột. Cứ đeo ba lô, súng đạn mò mẫm như vậy, từng bước một trong đám bùn thụt đầy chông gai, bốn bề đêm tối lờ mờ ánh sao, không một ánh đèn, chúng tôi bám theo nhau đi suốt đêm để vượt qua cánh đồng “chó ngáp” trước khi trời sáng. Bởi vì nơi đây khi trời vừa hửng sáng thì máy bay trực thăng địch đã liên tục quần đảo, cánh quạt máy bay sẽ thổi tung từng các bụi cây lúp xúp chủ yếu là sú vẹt, cỏ dưng, cỏ lác mọc lưa thưa để săn tìm dấu vết của ta. Chúng sẵn sàng bắn như đổ đạn xuống bất kỳ bụi cây nào mà chúng nghi ngờ có quân ta ẩn nấp. Tôi được biết có anh em không kịp vượt qua được cánh đồng này trước khi trời sáng nên đã bị hy sinh vì bom đạn địch trên cánh đồng này. Nhưng nhìn cô giao liên nhỏ nhắn, nhanh nhẹn lại rất thành thạo, chúng tôi cảm thấy vững tin rằng, ý chí của người chiến sỹ cách mạng sẽ giúp đem lại nghị lực vượt qua tất cả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #282 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:29:44 am »


        Chúng ta thừa biết không phải những tiện nghi hiện đại, càng không phải những điều kiện đầy đủ sẽ tạo nên những phẩm chất kiên cường cho những chiến sỹ cách mạng, mà chính cuộc đấu tranh đầy khó khăn gian khổ và thử thách ác liệt - giữa một bên là cái “thiện” đại diện cho lẽ phải, sự công bằng và một bên là cái “ác” đại diện cho sự bất công vô nhân tính – đã tạo nên những phẩm chất ấy. Nói như vậy không phải chúng ta mong cho các thế hệ trẻ, con cháu của chúng ta cũng phải trải qua những nỗi gian truân vất vả mà các thế hệ đi trước đã trải qua, để hiểu được không chỉ cái vị ngọt ngào, mà cả những nỗi đắng cay đến tột cùng của cuộc chiến tranh mà cha anh đã trải qua để giành được độc lập tự do, để cho chúng ta vẫn là chúng ta, sống tự do và bình yên dưới bầu trời này. Nhưng để giữ gìn được thành quả của cha anh mình, người lính trong hiện tại và tương lai của chúgn ta vẫn phải được rèn luyện trong những điều kiện thích hợp để có đủ bản lĩnh, đặc biệt là bản lĩnh chính trị vững vàng của “Bộ đội Cụ Hồ”, của người chiến sỹ cách mạng.

        Chúng tôi đi suốt đêm vượt qua cánh đồng “Chó ngáp” thì trời cũng vừa sáng, nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ. Đội hình vừa chui vào bìa rừng thì máy bay L19 và trực thăng hàng đàn kéo đến bắn phá ầm ầm trên cánh đồng “Chó ngáp”. Chúng tôi đi sâu vào rừng đến 8 giờ sáng thì dừng lại nấu cơm, ăn xong đi luôn hai ngày nữa thì đến trạm giao liên của Trung ương Cục miền Nam. Bộ tham mưu Miền nghe tin chúng tôi tới liền cho người ra đón. Đây là căn cứ dã chiến nhưng cũng tương đối đàng hoàng. Chúng tôi ở trong những căn nhà lá có bàn ghế để làm việc, có giường ngủ. Tất cả đều ghép, đóng bằng những thân cây rừng rất khéo. Khi tôi báo cáo tình hình chuyến đi và những ý kiến chỉ đạo của Bộ với Khu 6 thì cũng được thông báo: Trung ương Cục đang triệu tập hội nghị, các anh Trần Lê – Bí thư kiêm chính uỷ Khu 6 và anh Nguyễn Minh Châu – Tư lệnh Quân khu 6 cũng sắp đến, tôi ở lại họp cùng các anh rồi về luôn.

        Hội nghị tiến hành từ ngày 1 đến ngày 30 tháng 1 năm 1965, do đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ trì. Lúc đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Uỷ viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị cử vào làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Hội nghị đã đánh giá tình hình cách mạng miền Nam và nêu lên nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt của toàn Miền là dồn sức đánh bai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và chuẩn bị mọi mặt để đọ sức với quân viễn chinh Mỹ.

        Họp ở Miền xong, anh Nguyễn Minh Châu và anh Trần Lê ở lại làm việc tiếp, còn tôi về trước chuẩn bị chiến trường đánh Phước Long.

        Tỉnh Phước Long sau khi sáp nhập với Khu 6 được xác định là trọng điểm của Khu. Lực lượng địch ở đây có tiểu đoàn 34 biệt động quân, một chi đoàn xe bọc thép và một số đơn vị bảo an. Mỗi chi khu có môt đại đội bảo an cơ động, chưa kể số đại đội, trung đội bảo an chốt giữ các điểm. Tại đây còn có hai trại biệt kích Mỹ ở Bù Đốp và Bù Gia Mập, mỗi nơi có từ một đến hai đại đội được huấn luyện theo lối đánh biệt kích ở vùng rừng núi dọc biên giới Phước Long Cam-pu-chia. Ở các dinh điền, ấp chiến lược còn có từ một tiểu đội đến một trung đội giữ ấp.

        Về ta, lực lượng của tỉnh chưa đầy một đại đội, các huyện mới có từ một tiểu đội đến một trung đội. Sau đó Quân khu có bổ sung thêm Đại đội 273, đại đội bảo vệ căn cứ Khu 10 để lại. Do tình hình như vậy nên việc hoạt động ở hướng này còn gặp nhiều khó khăn. Từ cuối năm 1964, ta đã bố trí ở Phước Long hai tiểu đoàn 840 và 145, tổ chức phá ấp, đánh viện tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng vùng từ đường 10 đến đường 14 gần thị xã Phước Long. Đây là điều kiện thuận lợi cho đợt tiến công thị xã Phước Long lần này.

        Theo chủ trương của Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền, chiến dịch này diễn ra trên địa bàn Phước Long – Bình Long mang tên là chiến dịch Đồng Xoài. Hướng chính của chiến dịch nằm trên tỉnh Phước Long của Quân khu 6. Nhiệm vụ của Khu 6 là phối hợp chuẩn bị chiến trường và tham gia hoạt động trong chiến dịch, đẩy mạnh hoạt động ở hướng Lâm Đồng - đường 20, phá ấp chiến lược, cắt đứt giao thông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #283 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:30:56 am »


        Đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường gồm mười hai người, trong đó có tôi và một đại đội trưởng đại đội chủ công, ba đồng chí đặc công, còn lại là cán bộ trung đội và trinh sát. Trên đường rừng từ căn cứ đến khu vực chuẩn bị chiến trường, chúng tôi đã nghe một tràng đại lên địch nổ vang. Đồng chí Đại đội trưởng bảo:

        - Đây là quy luật hàng ngày của địch ở trong đồn bắn ra.

        Chúng tôi đi tiếp một hồi đến khoảng xế trưa thì gặp một con dường khai thác gỗ của dân, hai vết bánh xe chở gỗ hằn sâu như hai rãnh nước còn trong veo. Đồng chí trinh sát nhìn con đường vắng teo nói:

        - Mọi khi vào tầm này dân vào khai thác gỗ rất đông, hôm nay sao không thấy?

        Đồng chí đại đội trưởng bảo:

        - Có lẽ họ đi muộn.

        Đến gần trưa trời nắng gay gắt cũng là lúc chúng tôi đến chân một cái dốc lớn. Một số anh kêu đói định dừng lại nấu cơm ăn. Tôi bảo:

        - Lên đỉnh mát hơn, có địch còn đánh được.

        Mọi người đi tiếp. Đội hình đang lên giữa sườn dốc cách đỉnh dốc gần một trăm mét, tổ đặc công đi đầu bất ngờ bị đại liên địch bắn dọc đội hình. Tổ đặc công nhanh chóng dùng tiểu liên AK diệt được khẩu đại liên địch, có đồng chí trinh sát quỳ ngay giữa đường mà bắn. Địch đông quá, tổ đặc công đi đầu ba đồng chí hy sinh cả. Lúc đó tôi đi cùng tiểu đội trưởng Vũ chỉ huy một tiểu đội và một đồng chí điều khiển khẩu trung liên cùng một chiến sỹ đeo đạn dạt qua bên phải, một số dạt qua bên trái đường tránh luồng đạn bắn thẳng và lựu đạn địch từ trên đỉnh dốc ném xuống như mưa. Số anh em ta nhanh chóng lợi dụng địa hình, địa vật đánh trả quyết liệt bằng trung liên, tiểu liên và lựu đạn. Nhưng địch đông quá, ta không chặn nổi (sau ta nắm lại địch và được biết chúng gồm hai đại đội bảo an). Chúng từ trên cao tràn xuống hòng chia cắt lực lượng của ta làm hai. Tôi lệnh cho Vũ bắn mạnh, rồi chỉ huy hai chiến sỹ cùng sang bên kia đường bắn yểm trợ cho Vũ chạy theo. Địch bắn mạnh về phía khẩu trung liên khiến đồng chí giữ trung liên bị thương. Tiểu đội trưởng Vũ và đồng chí mang đạn không sang đường được, đành chờ đến chiều bắt liên lạc với số anh em còn lại ở bên này đường.

        Tôi đoán thế nào địch cũng cho trực thăng lên lấy xác đồng bọn. Quả nhiên 3 giờ chiều, hai trực thăng địch bay lên tìm cách hạ xuống đỉnh đồi. Từ bên kia đường vang lên một băng trung liên giòn giã, Vũ đã bắn hết một băng trung liên dọc đường rồi rút. Địch thấy ta nổ súng liền bắn theo, Vũ bị thương gãy tay trái. Sau khi trực thăng bốc lên, địch cũng rút luôn. Ta hy sinh ba đồng chí đặc công, bị thương hai trong đó có Tiểu đội trưởng Vũ và môt chiến sỹ bắn trung liên. Địch chết tám tên và bị thương một số tên khác phải đưa lên máy bay rút về. Còn chúng tôi ở lại khẩn trương tiếp tục nắm tình hình chuẩn bị cho chiến dịch.

        Thị xã Phước Long nằm trên một bình độ cao, có con sông Bé hình thành cánh cung bao bọc từ phía đông nam đến phía tây bắc. Bờ sông cao dốc đứng, đồi núi mấp mô gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc hành quân tiếp cận của ta. Ta chọn hướng tấn công chủ yếu từ hướng đông bắc thị xã để đánh vào tiểu khu và Toà hành chính tỉnh. Nhưng sau khi nghiên cứu, ta thấy tiếp cận theo hướng này phải hành quân xa, vác nặng, nên quyết định ém quân rồi vượt sông Bé để vào

        Bước vào chiến dịch Đồng Xoài, tại hướng chính Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng ba trung đoàn chủ lực Miền, Tiểu đoàn 840 của Quân khu 6 và lực lượng vũ trang địa phương. Đồng chí Nguyễn Minh Châu – Tư lệnh Quân khu 6 làm Tư lệnh phó chiến dịch, được phân công trực tiếp chỉ huy cánh quân từ hướng đông đánh vào thị xã Phước Long.

        Yêu cầu của trận đánh này là chiếm hoặc gây thiệt hại nặng lực lượng địch tại thị xã và trụ lại, buộc chủ lực địch phải cho lực lượng chi viện, tạo điều kiện cho Trung đoàn 2 (thiếu) và Trung đoàn 3 đánh tiêu diệt.

        Ngày 10 tháng 5 năm 1965, ta mở chiến dịch đánh thị xã Phước Long. Kết quả trong đêm, tại thị xã ta đã đánh chiếm được khu thông tin, gần hết khu công an, cảnh sát; phá huỷ trận địa pháo, chi đội thiết giáp; đánh thiệt hại nặng khu trung tâm huấn luyện nghĩa quân, đồn biệt động, đòn bảo an, khu cư xá Mỹ, dinh tỉnh trưởng; đốt cháy một khi xăng. Chi khu Phước Bình cũng bị diệt gọn sau hai mươi lăm phút chiến đấu, ta thu toàn bộ chiến lợi phẩm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #284 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:34:08 am »

         
        Trận tiến công thị xã Phước Long đã giành thắng lợi lớn. Các đơn vị tham gia chiến dịch được cấp trên tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba. Đồng chí Lê Trọng Tấn – Tư lệnh chiến dịch quyết định giao cho Khu 6 giữ tấm huân chương này. Chiến thắng Đồng Xoài, Phước Long đã đi vào thơ ca:

Ai về Sông Bé - Phước Long
Còn nghe vang dội chiến công Đồng Xoài...

        Tiếp tục phát triển chiến dịch Phước Long, trưa ngày 23 tháng 9 năm 1965, sở chỉ huy của chúng tôi vừa hành quân tới bờ sông Đồng Nai thì bị “cây nhiệt đới” - một loại thiết bị thông tin hiện đại nhất của Mỹ lúc đó do máy bay thả xuống để dò tìm, phát hiện lực lượng của ta - chỉ điểm cho máy bay phản lực ném bom, bắn phá đến trưa. Sau đó, chúng cho bốn máy bay cánh quạt mò lên tiếp tục vừa bắn vừa thả bom  trúng đội hình sở chỉ huy của Khu khiến đồng chí Đại uý cán bộ tổ chức của Khu hy sinh, đồng chí bảo vệ của tôi cũng bị hy sinh, còn tôi bị thương mẻ một xương chân trái và thủng màng nhĩ tai trái. Đây là lần thứ hai tôi bị thương. Lần thứ nhất tôi bị thương năm 1949 trong trận Võ Kiện, khi đánh diệt bọn địch đi tuần đường sắt, trận đánh kết thúc thắng lợi nhưng khi chúng tôi đang rút về cứ thì bị địch thả bom, một mảnh văng vào chân phải. Còn khi tôi bị thương lần này, thuốc men rất hiếm. Ngay đêm hôm đó, bác sỹ quân y đã thắp nến lên để mổ gắp mảnh đạn và những mảnh xương vỡ ra, đổ mật ong rừng vào băng bó lại, vết thương rất nhanh lành miệng. Một tháng sau tôi lại tiếp tục chiến đấu. Sau trận này, hội đồng giám địch của quân y mặt trận kết luận tôi là thương binh hạng ba trên bốn. Cho đến bây giờ toàn bộ cẳng chân trái tôi vẫn tê tê và bị teo, cấu không biết đau.

        Kết thúc chiến dịch Hè 1965, đại bộ phận nông thôn tỉnh Phước Long được giải phóng. Ta đã làm chủ một vùng dân cư đông đúc tới năm mươi sáu nghìn trên tổng số sáu mươi bảy nghìn người, vận động được ba trăm năm mươi nam nữ thanh niên tòng quân, cắt đứt hẳn con đường chiến lược 14 và khai thông các cửa khẩu biên giới giữa ta và CPC.

        Phối hợp với chiến trường trọng điểm và toàn Miền, các lực lượng trong Quân khu đã chuyển lên hoạt động đều, mạnh và rộng khắp. Các đơn vị tập trung đánh diệt nhiều địch, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy mạnh mẽ phá ấp chiến lược, mở rộng vùng làm chủ. Ở Lâm Đồng, ta mở rộng vùng phía nam và bắc Lâm Đồng nối liền với vùng giải phóng Hoài Đức – Tánh Linh của Bình Thuận. Ở Quảng Đức, ta đánh phá hơn một nửa ấp chiến lược, giải phóng gần một vạn dân. Ở Bình Thuận, phong trào diệt ác trừ gian diễn ra sôi nổi, đồng bào còn hăng hái đánh phá làm tê liệt hoàn toàn hệ thống giao thông của địch. Ở Ninh Thuận, ta đã giành và giữ thế tranh chấp với địch, liên tục phá kìm và đánh phá giao thông... Ta đã tạo được thế mới trên chiến trường Khu 6.

        Đến thời điểm này ta đã đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Tháng 7 năm 1965, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn quyết định đưa nước Mỹ bước vào cuộc chiến tranh cục bộ ở Việt Nam. Với quân đông, súng nhiều, Mỹ hy vọng đánh gãy xương sống Việt cộng, giành lại quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường miền Nam. Do đó, cuộc chiến tranh diễn biến rất căng thẳng và quyết liệt.

        Ảo tưởng của Mỹ là sẽ thắng ta với ba giai đoạn: Giai đoạn một: phá kế hoạch tiến công mùa khô của ta, ngăn chặn chiều hướng thua của Mỹ, ngụy đang diễn ra trên chiến trường. Giai đoạn hai: tiến hành phản công chiến lược, “tìm và diệt” chủ lực của ta và kiểm soát các vùng nông thôn. Giai đoạn ba: hoàn thành việc “tìm và diệt” chủ lực của ta, triệt phá các căn cứ của ta, tiếp tục bình định toàn miền Nam, rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

        Thực hiện chiến lược mới, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Đến cuối năm 1965, số quân Mỹ trên toàn miền Nam đã tăng lên đến một trăm tám mươi tư nghìn tên, làm nòng cốt và lực lượng chủ yếu để “tìm và diệt” các đơn vị chủ lực của ta, còn quân ngụy làm nhiệm vụ chiếm đóng và kìm kẹp nhân dân.

        Trên chiến trường Khu 6, từ tháng 8 năm 1965, đã có chín trăm tên Mỹ vào Phan Rang – Tháp Chàm, sau đó là tám trăm tên chư hầu, lữ đoàn dù 101 Mỹ và một bộ phận của quân Nam Triều Tiên tiếp tục triển khai ở khu vực này bảo vệ căn cứ Thành Sơn và Cam Ranh. Đến cuối năm 1965, quân Mỹ đã tăng lên đến hai nghìn tên, có tác dụng hà hơi tiếp sức, củng cố tinh thần quân ngụy, đồng thời gây cho ta không ít khó khăn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #285 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:36:30 am »


        Vào thời điểm này, Khu 6 được bổ sung thêm trung đoàn bộ binh 436 từ miền Bắc vào theo quyết định của đồng chí Văn Tiến Dũng mà tôi đã có dịp nói đến khi ra miền Bắc lần thứ hai năm 1964. Như vậy, lực lượng của Quân khu 6 bao gồm lực lượng chủ lực, lực lượng tập trung ở tỉnh và lực lượng ở huyện được phân bổ theo tỷ lệ hợp lý.

        Theo chủ trương của Khu, ta kết hợp xây dựng, củng cố và phát động mở rộng phong trào du kích chiến tranh. Sau trận chiến đấu thắng lợi ở Bù Nơ – Bù Có, tiêu diệt địch, phá ấp chiến lược, giải phóng đồng bào, ta chủ trương phát huy thắng lợi vừa qua, tiếp tục diệt cứ điểm Bu Prăng, một cứ điểm độc lập nằm sâu trong vùng kiểm soát của ta. Làm chủ được đồn Bu Prăng sẽ khống chế vùng biên giới, mở rộng hành lang cửa khẩu với Cam-pu-chia.

        Tuy nhiên, trận đánh Bu Prăng không thành công. Sai lầm trong trận đánh này là tư tưởng chủ quan, chuẩn bị chiến trường chưa kỹ, cách đánh chưa phù hợp nên không dứt điểm được. Khi tiến công  chỉ hướng chủ yếu phá được hết rào, chiếm lô cốt đầu cầu, còn các hướng khác không vào được. Ta bi thương vong nhiều không phát triển tiếp được buộc phải đưa thương binh liệt sỹ rút ra. Tiểu đoàn 840 bị thương vong cao, nhiều cán bộ ưu tú từ cấp tiểu đội đến đại đội hy sinh và bị thương.

        Phối hợp với lực lượng của Khu, trên các hướng, các lực lượng vũ trang đã tăng cường hoạt động. Ở Phước Long, ta đánh bọn địch bung ra lấn chiếm các thôn ấp giải phóng. Ở Quảng Đức, ta đánh địch vận chuyển trên đường 14. Ở Lâm Đồng, Tiểu đoàn 186 cùng với địa phương mở thêm các ấp ven Blao và trên đường 20. Ở Tuyên Đức, ta chuyển thế tiến công phá ấp, phá kìm trên đường 11. Trên tuyến ven biển, lực lượng huyện và du kích đánh  và làm tan rã nhiều đơn vị bảo an dân vệ, phá banh nhiều ấp chiến lược.

        Cùng với toàn Miền, nhất là những chiến công vang dội của miền Đông Nam Bộ, hoạt động của lực lượng vũ trang Khu 6 đã làm rung chuyển hệ thống phòng thủ của địch ở đông bắc Sài Gòn.

        Với bản chất hung hăng của kẻ xâm lược, ngày 9 tháng 12 năm 1965, hai tiểu đoàn của lữ đoàn dù 173 cùng với sư đoàn 10 ngụy mở đợt càn quét ác liệt vào vùng giải phóng Hoài Đức – Tánh Linh, gây nhiều tội ác với đồng bào ta. Đầu năm 1966, Mỹ, ngụy bắt đầu thực hiện cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất. Tháng 3, địch tiến hành đồng thời hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” hòng bảo vệ phía đông và đông bắc Sài Gòn. Ở Khu 6, chúng tập trung vào tỉnh Phước Long. Tháng 5, địch tập trung mở cuộc hành quân đánh phá dọc theo tuyến biên giới thuộc tỉnh Phước Long.

        Qua các đợt hành quân, địch sử dụng nhiều máy bay, xe tăng, pháo binh đánh phá quyết liệt, với mật độ hoả lực dày đặc, dùng trực thăng cơ động đổ quân lùng sục sâu vào vùng ta.

        Lúc đầu, binh khí kỹ thuật và hoả lực ồ ạt của Mỹ cũng gây cho ta không ít khó khăn lúng túng. Nhưng ta vừa chiến đấu vừa rút kinh nghiệm, phát hiện được những chỗ yếu cơ bản của đich, xây dựng làng chiến đấu, phát động phong trào du kích, nên qua các đợt càn quét ác liệt đó, ta vẫn chiến đấu bảo vệ mình và tiêu diệt được địch.

        Ở Lâm Đồng, mặc cho những trận càn quét của địch, Tiểu đoàn 186 của Khu đã cùng với bộ đôi địa phương trụ vững trên địa bàn xung quanh thị trấn Blo, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của địa phương, giữ được thế chiến lược và làm chủ được nhiều ấp trên đường 20.

        Tháng 6 năm 1966, tôi trực tiếp chỉ đạo Tiểu đoàn 186 do đồng chí Thông làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyện làm Chính trị viên tiểu đoàn đã đánh tiêu diệt gọn đồn cấp đại đội của tiểu đoàn “cọp đen” ở buôn Đinh Trang Hoạch.

        Thừa thắng, đêm ngày 12 tháng 6, ta sử dụng lực lượng gồm một đại đội bộ binh (thiếu) và một trung đội đặc công tiêu diệt gọn đồn cấp trung đội bảo vệ cầu Đai Nga trên đường 20. Trận này, dự đoán bọn địch sẽ cho quân từ tiểu khu Blao đến ứng cứu, ta bố trí một tiểu đoàn (thiếu) phục kích. Để tạo yếu tố bí mật, bất ngờ, ta đã chọn một vị trí phục kích rất hiểm khiến địch không thể ngờ tới, đó là một khu đất lưa thưa vài nếp nhà xen với vườn và rừng cây thấp, phía trước là đường 20, phía sau là dòng sông khá sâu và rộng. Đúng như dự kiến của ta, đêm hôm trước ta tiêu diệt đồn Quỳnh Hoà thì sáng hôm sau địch cho máy bay lượn vòng quan sát các trận địa, không phát hiện được gì, chúng liền triển khai quân ứng cứu. Khoảng 8 giờ 30 phút, toàn bộ đội hình của tiểu đoàn 1 trung đoàn 44 ngụy lọt vào giữa trận địa phục kích. Ta nổ súng chặn đầu, khoá đuôi. Đội hình địch rối loạn chống cự yếu ớt. Bộ phận chủ yếu của ta chia cắt đội hình của địch ra tiêu diệt. Chưa đầy một giờ đồng hồ, ta đã đánh thiệt hai nặng tiểu đoàn chủ lực ngụy, bắt sống hai mươi tên, thu toàn bộ vũ khí. Ta hy sinh năm đồng chí và bị thương nhẹ mười ba đồng chí. Khi quân ta rút qua sông máy bay địch ném bom bắn trúng một thuyền của ta làm một đồng chí quản lý tiểu đoàn và một chiến sỹ hy sinh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #286 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:37:28 am »


        Đây là một trận đánh khá - một tiểu đoàn ta vừa đánh điểm vừa diệt tiểu đoàn tiếp viện của địch, giành thắng lợi giòn giã. Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba. Sau trận này, ta còn làm tan rã hệ thống kìm kẹp của địch từ Phú Hiệp đến đèo Blao, uy hiếp đường 20.

        Tiểu đoàn 840 tập trung hoạt động sâu vào vùng Nhân Cơ, Đạo Nghĩa và phát triển vào Khiêm Đức, chủ yếu hoạt động phân tán, đánh nhỏ lẻ mở phong trào. Tiểu đoàn đã góp phần làm tan rã hệ thống ấp chiến lược và dinh điền từ Kiến Đức đến Gia Nghĩa, cắt đứt đường 14.

        Ở các địa phương, phong trào du kích chiến tranh được đẩy lên một bước mới mà nòng cốt là lực lượng vũ trang tập trung của các tỉnh. Ở Bình Thuận, Tiểu đoàn 482 tập trung đánh tiêu diệt trên đường 8 Tam Giác – Hàm Thuận, diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí, có tác dụng làm tan rã hệ thống ấp chiến lược ở vùng sâu sát thị xã Phan Thiết. Ở Ninh Thuận, mặc dù địch đánh phá ác liệt có tính huỷ diệt vào Bác Ái, ta vẫn kiên cường diệt đồn bảo an, phá và làm chủ ấp chiến lược ở phía nam của tỉnh. Ở Tuyên Đức, ta vừa xây dựng căn cứ đứng chân mới của tỉnh vừa đẩy mạnh diệt ác phá kìm, tổ chức cho biệt động của Tiểu đoàn 810 tập kích sân bay Cam Ly.

        Hoạt động tác chiến của các đơn vị chủ lực Khu, tỉnh và du kích đã hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị và binh vận của quần chúng. Nội dung tập trung vào chống phá bình định, chống gom dân, chống bắt lính, chống bắn pháo bừa bãi, phản đối rải chất độc hoá học. Phong trào đã diễn ra ở hầu hết các thị xã và thị trấn lớn trong Khu như: Đà Lạt, Blao, Phan Thiết, Phan Rang. Cuộc đấu tranh đã gây cho địch nhiều khó khăn thể hiện được tinh thần cách mạng của quần chúng và vai trò của đấu tranh chính trị trên địa bàn Khu 6.

        Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ, quân và dân Khu 6 đã giữ được thế chủ động trên chiến trường, cùng toàn Miền đánh bại kế hoạch phản công mùa khô lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Trên địa bàn Khu 6, ta đã ngăn chặn địch lấn chiếm, mở thêm vùng giải phóng và vùng tranh chấp, mở tuyến biên giới và đường 14 đông bắc Phước Long, từ đó mở rộng căn cứ hành lang và vận chuyển tiếp tế. Đó là một thắng lợi có ý nghĩa lớn đối với Khu và toàn Miền.

        Trong suốt mùa khô năm 1965-1966, trên toàn miền Nam, đế quốc Mỹ đã bị đánh đau và chịu thất bại trong cuộc phản công chiến lược làn thứ nhất, không đạt được mục tiêu “tìm diệt” và “bình định” đã đề ra, nhất là mục tiêu “đánh gãy xương sống Việt cộng”.

        Nhưng những thế lực cầm quyền hiếu chiến Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tục leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, ném bom bắn phá Hà Nội, Hải Phòng, cho máy bay chiến lược B52 ném bom phía bắc khu phi quân sự; tăng quân, tăng binh khí kỹ thuật, ráo riết chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai 1966-1967 ở miền Nam với chiến lược hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” hòng khuất phục ý chí chiến đấu của dân tộc ta.

        Ngày 17 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ, cứu nước. Người khẳng định quyết tâm sắt đá của nhân dân ta: “Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

        Lời kêu gọi của Bác Hồ như lời hịch động viên cả nước hăng hái xông lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, và cũng cho ta thấy sự nhận định thật tài tình của Người và quyết tâm sắt đá của Đảng ta trước một trong những thử thách gay go nhất của dân tộc trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đứng trước cuộc đụng đầu lịch sử với tên đế quốc đầu sỏ có sức mạnh quân sự và dã tâm xâm lược. Đảng ta đã nắm vững quy luật và xu thế tất yếu của chiến tranh cách mạng và phản cách mạng, lãnh đạo quân và dân ta hạn chế chỗ mạnh tạm thời và khoét sâu chỗ yếu chí mạng của địch, phát huy sức mạnh tổng hợp và thế tiến công của ta trên các hướng chiến trường để giành thắng lợi quyết định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #287 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:38:17 am »


        Trên địa bàn Khu 6, từ ngày 28 tháng 6 năm 1966, quân Mỹ đã ồ ạt kéo vào. Ở Bình Thuận, quân Mỹ đóng chốt ở Bà Gò, Lầu Ông Hoàng, Mường Mán, Tân Nông - Giếng Chùa, đặc biệt chúng đóng cả ở Camp Êsépíc là nơi mà bảy năm sau tôi có dịp tới để đấu tranh trực diện với chúng. Ở Ninh Thuận, tháng 3 năm 1967, một bộ phận của lữ đoàn dù 101 Mỹ và trung đoàn 30 thuộc sư đoàn Bạch Mã triển khai ở sân bay Thành Sơn và cảng Ninh Chữ, trong đó có hai mươi bảy máy bay phản lực, ba L19 và nhiều trực thăng. Ở Tuyên Đức, một đại đội công binh Mỹ và một đại đội công binh Úc chiếm giữ và mở rộng sân bay Cam Ly. Sau đó, các đơn vị của lữ đoàn dù 173, bộ phận của sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới cũng từ miền Đông Nam Bộ ra đánh phá Bình Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng. Quân chủ lực ngụy cũng tăng lên, tổng cộng có hai sở chỉ huy trung đoàn, mười tiểu đoàn, hai mươi mốt đại đội lẻ, cùng nhiều phương tiện và hoả lực khác. Tổng quân số cả Mỹ và ngụy chiếm đóng trên chiến trường là hơn ba mươi ba nghìn tên, hơn ta gấp nhiều lần.

        Sau khi tăng quân và các phương tiện chiến tranh vào Khu 6 nói riêng, miền Nam nói chung, Mỹ, ngụy tập trung cao độ lực lượng và các phương tiện chiến tranh vào việc càn quét đánh phá các vùng nông thôn và các căn cứ của ta. Máy bay B52 ném bom rải thảm bất kể ngày đêm các vùng căn cứ của ta. Phi pháo từ tàu biển thường xuyên bắn vào các căn cứ, vùng giải phóng. Máy bay trực thăng quần đảo đổ chụp hết nơi này đến nơi khác. Trong khi đó lực lượng biệt kích cũng tăng cường hoạt động nhằm tiêu hao và phát hiện lực lượng của ta và dồn dân vào ấp chiến lược. Trong toàn miền Nam, địch tổ chức 5.434 ấp chiến lược lớn nhỏ.

        Trong khi các lực lượng trong Quân khu tiếp tục chủ động tiến công địch trong mùa mưa và chuẩn bị mọi mặt cho tác chiến mùa khô 1966-1967 thì Trung ương Cục và Quân uỷ Miền quyết định điều chỉnh chiến trường Khu 6. Theo quyết định, hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức của Khu 6 sẽ nhập với tỉnh Bình Long của Khu 7 và hình thành Khu 10. Khu 6 còn lại bốn tỉnh là Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận và Bình Thuận có nhiệm vụ xây dựng phong trào đồng bằng và Nam Tây Nguyên, giữ hành lang thông suốt từ Quân khu 6 về Miền. Đợt này, tôi được trên điều động về Khu 10.

        Cuối tháng 10 năm 1966, Khu 10 chính thức thành lập, do anh Tư Khiêm làm Bí thư Khu uỷ, anh Nam Thắng là Thường vụ Khu uỷ. Tôi được cử làm Phó Tư lệnh (không có Tư lệnh, anh Tư Việt Hồng là Chính uỷ, anh Hai Soái làm Tham mưu trưởng, anh Hảo là Chủ nhiệm chính trị, anh Tộ là Chủ nhiệm hậu cần).

        Nhiệm vụ chủ yếu của Khu 10 là chỉ đạo, củng cố, xây dựng chắc căn cứ miền núi, xây dựng hành lang Bắc – Nam, phục vụ bộ đội chủ lực tác chiến trên địa bàn của Khu.

        Khu 10 được thành lập trong điều kiện cực kỳ khó khăn.

        Về địch, lúc này trên toàn Miền, địch mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai 1966-1967 với tham vọng lớn là giành lấy những thắng lợi “tìm diệt” và “bình định” quan trọng để tạo bước ngoặt có lợi, tiến tới giành thắng lợi quyết định trong thời gian ngắn. Trên địa bàn Khu 10, quân ngụy dưới sự yểm trợ của quân cơ động Mỹ đẩy mạnh càn quét, bắn phá vào vùng hành lang của ta với mật độ hoả lực pháo binh và không quân dày đặc.

        Về ta, Khu 10 gồm ba tỉnh thuộc vùng rừng núi nên cơ sở chính trị còn rất yếu. Mỗi tỉnh lúc đó chỉ còn cỡ tám chục cụm dân cư bất hợp pháp với địch sống rải rác trong rừng và dọc hành lang Bắc – Nam. Các đoàn qua hành lang có lúc không có gạo, phải ăn sắn hoặc ngô rồi đi tiếp. Lực lượng của ta, ngoài lực lượng địa phương có sẵn, được Khu 6 điều chuyển thuộc cho một khung tiểu đoàn, một đại đội độc lập, trợ chiến, đặc công, trinh sát, thông tin và ba cơ quan để tiếp tục củng cố xây dựng.

        Tuy nhiên, do địa bàn của Khu 10 chủ yếu từ Khu 6 tách ra nên chúng tôi nắm rất rõ. Mặt khác, chúng tôi đã có kinh nghiệm xây dựng cơ sở, tổ chức lực lượng và phát động phong trào quần chúng khi thành lập Khu 6 nên cũng có những thuận lợi cơ bản.

        Công việc trước tiên của chúng tôi là dồn sức xây dựng cơ sở cách mạng để bám, nắm dân, bám đất; đẩy mạnh tăng gia sản xuất để lấy cái ăn nuôi bộ đội, nuôi dân và các đoàn khách đi trên đường Bắc – Nam. Ngoài nhiệm vụ trên, chủ lực và bộ đội địa phương còn tích cực chủ động đánh địch để tạo điều kiện cho các cuộc đấu tranh chính trị của dân đòi ra rừng, ra rẫy làm ăn của đồng bào ta ở các ấp chiến lược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #288 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:39:11 am »


        Tháng 3 năm 1967, Hội nghị du kích chiến tranh của Khu 10 được triệu tập nhằm rút kinh nghiệm, tìm ra cách đánh với từng vùng, tổng kết kinh nghiệm chống càn quét và đánh biệt kích Mỹ-ngụy trước tình hình mới. Sau đó, ta tập trung lực lượng quân sự, lực lượng chính trị tiến công đồng loạt bất ngờ vào nơi sơ hở nhất của địch, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

        Chính nhờ vậy, Khu 10 đã đứng vững hoàn thành được nhiệm vụ trên giao trong thời gian cuối năm 1966 và hết mùa mưa năm 1967, nhất là nhiệm vụ xây dựng căn cứ miền núi và xây dựng hành lang.

        Cuối năm 1967, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ đã phát triển đến đỉnh cao về số lượng quân Mỹ xấp xỉ năm mươi vạn tên, nếu tỉnh cả quân ngụy và chư hầu thì tổng số quân địch đã lên đến trên một triệu tên. Ở miền Nam, tuy số lượng quân được Mỹ đổ vào đông như vậy nhưng không mạnh, chúng đã bị ta tiến công khắp các chiến trường, buộc phải rải quân ra đối phó. Trong khi đó ở miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đã bị quân và dân ta giáng cho những đòn đích đáng.

        Trước tình hình ấy, Đảng ta chủ trương động viên cả nước tập trung giáng cho địch một đòn thật nặng, giành thắng lợi to lớn, tạo sự chuyển biến nhảy vọt, buộc đế quốc Mỹ phải chịu thua về mọi mặt quân sự. Từ đó, Bộ Chính trị quyết định: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định...”.

        Giữa tháng 12 năm 1967, đồng chí Hoàng Văn Thái, bí danh Mười Khang – Tư lệnh Miền triệu tập tôi vào Sở chỉ huy Miền báo cáo tình hình Khu 10.

        Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Hoàng Văn Thái biểu dương những thành tích, chỉ ra những khuyết điểm của lực lượng vũ trang Khu 10. Sau đó, đồng chí căn dặn:

        - Sắp tới có sự kiện quan trọng, phải tập trung các lực lượng của Khu thi hành mệnh lệnh của Miền, không phân tán lực lượng, mà tập trung đánh vào chỗ sơ hở, hiểm yếu của địch.

        Trên cơ sở tình hình chung của Khu 10, đồng chí còn phân tích rõ các thị xã, thành phố mạnh chỗ nào, yếu ở điểm nào. Đồng chí nói:

        - Nhiều chỗ địch chỉ mạnh ở vòng ngoài, còn vòng trong rất sơ hở vì chúng ít bị ta đánh. Bây giờ ta cùng cân nhắc xem ba thị xã của anh thế nào?

        - Báo cáo anh- Tôi giở bản đồ ra trình bày – Ba thị xã của tôi gồm thị xã Bình Long tỉnh Bình Long, thị xã Phước Long tỉnh Phước Long và thị xã Gia Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Đức. Hai tỉnh Bình Long và Quảng Đức thì địch có phần yếu hơn nhưng lại xa căn cứ của ta, nên việc tiếp tế của ta khó khăn. Tại Phước Long, địch có mạnh hơn so với hai thị xã kia nhưng lại gần căn cứ của ta, nên việc đảm bảo hậu cần của ta thuận lợi hơn. Rừng Phước Long lại kéo xuống giáp thị xã, rất thuận tiện cho việc chuyển quân và giấu quân tiến đánh Phước Long.

        - Đồng chí về bàn với Khu uỷ rồi báo cáo cụ thể về Miền ngay - Đồng chí Hoàng Văn Thái nói.

        Trước khi tôi rời Sở chỉ huy Miền, đồng chí Hoàng Văn Thái còn dặn thêm:

        - Cậu tự dịch lấy điện chứ không qua cơ yếu. Nhớ rằng “gạo là giờ, đạn là ngày, thương binh là tháng”. Phải hành động kịp thời để phối hợp với các đơn vị bạn.

        Nhận lệnh xong, tôi hiểu ý kiến cấp trên là ta sẽ đánh đồng loạt. Trên đường về Khu, tôi suy nghĩ về những lời căn dặn của anh Hoàng Văn Thái mà thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì ta sẽ đánh lớn. Lo vì đánh vào thị xã, lực lượng mình ít nhất định sẽ gặp khó khăn, do đó phải tìm cách khắc phục.

        Khi tôi về đến Khu 10, anh Tư Khiêm – Bí thư Khu uỷ đã chủ trì cuộc họp, triệu tập anh Nam Thắng và một số cán bộ chủ chốt khác nghe tôi báo cáo tinh thần chuẩn bị đánh lớn của đồng chí Mười Khang – Tư lệnh Miền và ý định của Bộ tư lệnh Quân khu về việc đánh Phước Long.

        Có đồng chí vừa nghe tôi nói xong liền nói ngay:

        - Làm sao mình đánh nổi Phước Long?

        Anh Tư Việt Hồng – Chính uỷ Khu cũng được Cục Chính trị Miền gọi vào giao nhiệm vụ liền đứng lên nói:

        - Hôm tôi về Miền nhận nhiệm vụ cũng thấy không chỉ riêng Khu mình, mà cả mấy người khu kia cũng nói đây là một đợt đánh lớn của toàn mặt trận... không riêng gì mặt trận mình. Chúng ta phải đánh để phối hợp, chia lửa với toàn mặt trận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #289 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 12:42:21 am »


        Nhiều người không nói ra nhưng tôi hiểu tâm tư của anh em là ta yếu, địch mạnh, đánh sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhất là một số đồng chí cán bộ nằm vùng quen tránh né địch như trước đây thường rất ngại bộc lộ lực lượng, rất ngại đương đầu với địch. Tôi nói:

        - Cấp trên đã chỉ thị cho các đơn vị cùng đánh, vậy chúng ta cần có quyết tâm cao để phối hợp với các đơn vị bạn. Vấn để là cách đánh ra sao và sử dụng lực lượng như thế nào cho phù hợp với sức của ta và tình hình hiện nay.

        Trước khi vào cuộc họp tôi đã nhận được bức điện do anh em cơ yếu chuyển đến chỉ có một dòng ngắn ngủi: “Tôi cấp cho anh hai tấn gạo, một tấn đạn và lấy của anh một thương binh về. Người ký điện: Mười Khang”.

        Tôi tự dịch nội dung bức điện theo quy ước với đồng chí Mười Khang là: “2 giờ sáng ngày mùng 1 tháng 1 ta”, đó là giờ nổ súng đồng loạt tiến công địch.

        Tôi nói với đồng chí Bí thư:

        - Theo tôi đây là ngày âm anh ạ!

        Đồng chí Bí thư nói:

        - Đây là ngày dương, chứ không phải ngày âm!

        Tôi bảo:

        - Nay đã gần cuối tháng 1 dương rồi, mà Tết vào ngày 19 tháng 1 năm 1968 dương lịch, nên trong điện nói ngày mùng 1 tháng 1 phải là ngày âm.

        Đồng chí Bí thư nói:

        - Tôi là Bí thư, tôi chịu trách nhiệm!

        - Tôi là Tư lệnh, tôi chịu trách nhiệm! – Tôi cũng khẳng định.

        Nhưng cuối cùng tôi cũng nói: “Để tôi điện hỏi lại”. Anh Nam Thắng và anh Tư Nguyện đồng ý. Tôi điện cho anh Mười Khang, sau anh trả lời đúng như ý kiến của tôi. Anh Mười Khàng còn nói nhiều nơi hiểu lầm như thế nên anh cho điện lại các đầu mối để kiểm tra lại một lần nữa. Sau này đồng chí thư ký của đồng chí Hoàng Văn Thái có kể lại rất rõ câu chuyện này trong cuốn sách nói về anh Hoàng Văn Thái.

        Lực lượng của Khu 10 lúc đó gồm: một tiểu đoàn bộ binh, một đại đội bộ binh độc lập, một đại đội đặc công của Khu, một đại đội hoả lực ĐKZ 57 ly và cối 82 ly, một trung đội trinh sát, một trung đội công binh, một trung đội thông tin hữu tuyến và chạy bộ. Lực lượng này đánh thẳng vào các cơ quan tỉnh và lực lượng trực tiếp bảo vệ cho cơ quan tỉnh của địch do đồng chí Phạm và đồng chí Ngọ chỉ huy. Tiểu đoàn bộ binh Khu đánh đồn bảo an do ban chỉ huy tiểu đoàn chỉ huy. Đồng chí Võ Hoà chỉ huy trưởng tỉnh Phước Long cùng đi.

        Sở chỉ huy của Khu có tôi là chỉ huy trưởng, anh Hai Soái – Tham mưu trưởng là chỉ huy phó. Chỉ đạo mũi nổi dậy có anh Tư Nguyện - Thường vụ Khu uỷ và anh Hảo - Chủ nhiệm chính trị Khu, anh Vĩnh – Phó chủ nhiệm hậu cần và một số cán bộ Đảng đi trong mũi nổi dậy và binh vận.

        Theo kế hoạch tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, ở Khu 10 có ba đợt tiến công.

        Đợt một từ 31 tháng 1 đến ngày 13 tháng 2 năm 1968, ta đánh tiểu khu Phước Long. Mục đích là gây thiệt hại cho địch và phối hợp với các chiến trường bạn.

        Vào đợt, đúng giờ đã định, ta nổ súng tiến công. Nhờ giữ được bí mật, bên trong địch lại sơ hở nên mũi thọc sâu đánh thẳng vào đến cơ quan tỉnh, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Địch chống đỡ yếu ớt. Anh em vừa đánh vừa củng cố vị trí đã chiếm sẵn sàng đánh phản kích. Tại khu vực đồn bảo an, ta đã chiếm được một phần, địch chống trả quyết liệt, anh em ta vừa bám trụ vừa chuẩn bị công sự hầm hố để sáng ra đánh phản kích. Sau vài giờ chiến đấu, ta gần như làm chủ trận địa.

        Lúc 8 giờ sáng ngày mùng 1 Tết, địch phản kích mạnh ra khu vực cửa mở. Đầu tiên chúng đưa hai xe tăng, một đại đội bộ binh ra phản kích, nhưng bị ta diệt một số, còn một số bỏ chạy. Anh em đặc công nhảy lên hai xe tăng của địch dùng đại liên trên tháp pháo của xe tăng bắn mạnh vào đội hình phía sau của địch. Các lực lượng của ta trụ bám tại chỗ đẩy lùi các đợt phản công của chúng suốt ngày mùng 1 Tết. Đêm đến, chúng tôi ăn cơm nắm mang theo và bánh trái do đồng bào tiếp tế. Đồng thời ngay tối đó, đồng bào cùng dân công giúp đưa thương binh, liệt sỹ ra khỏi thị xã.

        Từ sáng mùng 2 Tết, địch phản kích liên tục hơn, mạnh hơn. Bom địch dội thẳng vào những vị trí chiếm giữ của ta. Ta bố trí cho dân sơ tán ra khỏi vùng oanh tạc của bom pháo địch, đồng thời kiên cường đánh bại các đợt phản kích của địch. Đến chiều tối, cơ số đạn còn ít, quân số thương vong nhiều, khó có thể giữ được lâu hơn nữa, ta cho phá huỷ xe tăng và những phương tiện của địch để chuẩn bị cho phương án tiếp theo.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM