Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 06:59:03 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46467 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #250 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:16:26 am »


        Vấn đề thứ nhất, làm thế nào đánh trả lại được, bắt địch phải đổi phó bị động? – Chúng tôi thống nhất với nhau rằng, muốn vậy phải sẵn sàng chiến đấu rất cao để có lệnh là đánh đồng loạt, nơi địch yếu ta dùng lối đánh tập kích, bất ngờ đột nhập tiêu diệt chúng; chỗ khó đánh, ta bao vây, uy hiếp, đánh tỉa, nơi địch tập trung đông quân, ta quấy rối... Đối với những đơn bị cơ động của địch, lực lượng chính để thực hiện âm mưu đánh úp ta, thì phải tìm mọi cách ngăn cản, không cho chúng phóng xe tăng, xe cơ giới chạy ngang, chạy dọc thành phố. Ngăn cản cũng phải làm đồng loạt, cùng lúc các phố đều dựng ba-ri-cát. Việc này phải huy động toàn dân trong thành phố, mỗi người một tay thì chốc lát khắp các đường phố sẽ ngổn ngang vật chướng ngại, khiến cho địch có phá được cái này lại vướng cái kia, tránh phố này thì lại bị cản ở phố khác. Ngay mỗi đường phố cũng cần dựng hai ba cái ba-ri-cát, kiểu như cài cửa nhiều then ấy, kẻ gian có nạy được cái then này rồi thì lại vẫn phải kỳ cạch nạy cái then khác.

        Hình ảnh cửa cài nhiều then gợi cho tôi nghĩ ra chiến thuật gọi là “cài then cửa”, mỗi cái “then cửa” ấy gồm một hàng chướng ngại vật và một số tổ chiến đấu bố trí bí mật gần đó để bắn tỉa, đánh cản không cho địch mở đường một cách dễ dàng.

        Vấn đề thứ hai, làm thế nào kìm hãm, giam chân địch một thời gian trong Hà Nội? Đây là vấn đề sử dụng lực lượng, dàn thế trận, chúng tôi tranh luận bàn bạc rất sôi nổi.

        Bấy giờ, có một phái viên quân sự do cấp trên cử đến giúp chúng tôi. Đó là Ái Việt, nguyên là một sỹ quan Nhật đầu hàng ta, xin được phục vụ trong quân đội cách mạng Việt Nam. Ái Việt nhất trí với chúng tôi về công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, cả về cách phá âm mưu đánh úp của địch, nhưng về phương pháp tác chiến, cách dàn thế trận thì anh ta nêu ý kiến khác hẳn. Theo Ái Việt, do địch mạnh ta yếu, địch hơn ta về mọi mặt hoả lực, đột kích, cơ động, cho nên muốn kìm địch ở trong thành phố thì phải dùng phương pháp đánh ngăn chặn từng bước. Mặt trận Hà Nội cần tổ chức ba tuyến chiến đấu có công sự phòng ngự vững chắc.

        Tuyến thứ nhất, ở tiếp giáp giữa nội thành và ngoại thành, chạy vòng từ Phà Đen qua các Ô Đống Mác, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Kim Mã, Cổ Lễ đến Ô Yên Phụ.

        Tuyến thứ hai, Đuôi Cá – Thanh Liệt vòng ra Mọc Quan Nhân, Cầu Giấy, Chèm.

        Tuyến thứ ba, Văn Điển - Thị xã Hà Đông – Tây Mỗ - Cổ Nhuế.

        Ý kiến của Ái Việt Như vậy là không chú trọng phát huy vai trò của lực lượng tự vệ thành đông đảo, tới 8.000 người, là muốn nhanh chóng bỏ trống thành phố. Chúng tôi không tán thành lối đánh này. Hơn nữa phương pháp tác chiến dàn thành tuyến ngăn chặn như Ái Việt nêu ra lai hoàn toàn không phù hợp với trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội ta lúc bấy giờ. Bài học kháng chiến Nam Bộ cho thấy rõ ràng là nơi nào bộ đội biết dựa vào dân tổ chức lực lượng tốt, cùng nhân dân đánh du kích thì gây được nhiều khó khăn cho địch, ngược lại, đào hào, đắp chiến luỹ dàn thành chiến tuyến thì dễ bị địch chọc thủng, mà đã thủng một chỗ là có thể vỡ tung.

        Cuộc tranh luận với Ái Việt diễn ra khá gay gắt. Mục đích chủ yếu là cốt để làm cho phương án tác chiến của ta sáng rõ và cũng qua đó chúng tôi có thể tranh thủ học hỏi, khai thác thêm tri thức quân sự của Ái Việt. Cuối cùng, bao nhiêu ý kiến của Ái Việt nêu ra để bảo vệ cho phương pháp tác chiến dàn thành tuyến ngăn chặn không phù hợp với quan điểm chiến tranh nhân dân của ta và tình hình thực thế lúc đó nên đều không được tán thành. Nhưng với người như Ái Việt không phải một lúc nhận ra được phương pháp tác chiến đúng đắn của ta. Anh ta nêu ý kiến, xin hỏi lại:

        - Nếu không tán thành, vậy xin đề nghị các ông cho ý kiến cụ thể?

        Rất thông cảm với Ái Việt, thay mặt các đồng chí trong Bộ chỉ huy, tôi phát biểu ý kiến:

        - Ta yếu, địch mạnh, do đó cách tổ chức tác chiến phù hợp với sức ta và trình độ ta lúc này là đánh du kích, cài sát vào địch, bám riết lấy nó mà đánh. Cần chia Hà Nội thành nhiều khu vực, mỗi khu vực có lập nhiều ổ đề kháng – đào hầm đắp ụ, dựng chướng ngại vật chặn các đường phố, dùng chiến thuật “cài then cửa”, buộc địch phải giành giật với ta trên đường phố... Còn bố trí lực lượng, phải có lực lượng đóng ghìm trong thành phố, thực hiện mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến, đồng thời phải có lực lượng dự bị đặt ở các cửa ô, như thế hình thành thế trận ta địch cài nhau, bên trong đánh ra, bên ngoài đánh vào phối hợp với nhau giằng kéo địch, làm cho mặt trận luôn luôn hoạt động, chỉ huy địch luôn bị xáo động, khẩn trương, căng thẳng, không thể rảnh tay tập trung lực lượng đánh ra ngoài hay dồn sức đánh vào trong. Như thế ta mới giữ được lâu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #251 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:17:02 am »


        Sau cuộc họp, tôi báo cáo phương án tác chiến của ta lên Bộ Tổng tham mưu. Sau khi nghe tôi trình bày, đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chỉ thị: Tôi tán thành ý kiến của Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội. Trong thế xen kẽ giữa ta và địch như hiện nay, việc tổ chức chỉ huy là vấn đề mấu chốt, có ý nghĩa quyết định. Cho nên ngay từ bây giờ các đồng chí cần tập trung suy nghĩ tìm ra một biện pháp tổ chức hữu hiệu, một mạng lưới thông tin liên lạc để bảo đảm chỉ huy thông suốt trong các tình huống phức tạp, nhất là đối với các đơn vị tác chiến cầm chân, thu hút địch ở trong thành phố.

        Cuối cùng, thay mặt Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội, tôi lên gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp để báo cáo kế hoạch tác chiến. Buối làm việc diễn ra nhanh, gọn. Tôi không phải trình bày gì nhiều lắm. Bởi vì, đã mấy lần đồng chí Tổng chỉ huy cùng chúng tôi đi xem xét thực địa trong và ngoài thành phố. Mỗi lần đi là một lần đồng chí trao đổi ý kiến với chúng tôi rất cụ thể về công việc tổ chức, chỉ huy chiến đấu; mà thường là đồng chí đề ra những câu hỏi khêu gợi, nêu những tình huống tác chiến cụ thể, những giả định để chúng tôi suy nghĩ giải đáp, rồi đồng chí góp ý kiến uốn nắn, chỉ dẫn thêm. Lần này, sau khi nghe tôi trình bày trên bản đồ, vẫn cái bản đồ kế hoạch mà tôi ghi chi chít những ký hiệu, nhưng ý định, đồng chí hỏi:

        - Bộ chỉ huy mặt trận có nhất trí với kế hoạch này không?

        - Dạ, chúng tôi nhất trí.

        - Còn ý kiến bên Uỷ ban bảo vệ thành phố thế nào?

        Tôi đã trình bày với anh Nguyễn Văn Trân về cách chia khu vực tác chiến, phương pháp tác chiến, về dự kiến chuẩn bị vật chất cho lực lượng ở lại chiến đấu trong lòng địch... Anh Trân đồng ý tất cả và phân công cho Bộ chỉ huy mặt trận cứ tập trung vào công tác tham mưu, chỉ huy tác chiến, còn bao nhiêu công tác khác, bên Uỷ ban gánh hết. Mặt trận cần lực lượng quần chúng làm gì, làm ở đâu, Uỷ ban sẽ chỉ thị cho các khu phố huy động.

        - Như vậy là sự nhất trí cao. Đó là một yếu tố quan trọng để tạo nên sức mạnh giành chiến thắng.

        Một lần nữa, đồng chí Tổng chỉ huy khẳng định ý đồ xây dựng thế trận bố trí một tiểu đoàn ở trong Liên khu I, còn bốn tiểu đoàn tập trung đóng ở các cửa ô để tạo thế: trong đánh ra, ngoài đánh vào, xen kẽ giằng co với địch, mà tôi tạm đặt tên là “trùng độc chiến” (buộc địch thu hút lực lượng địch vào một nơi, để các nơi khác tiến công tiêu diệt địch). Thế trận này lấy Liên khu I làm trận đại quyết chiến ở trong thành phố, còn các lực lượng của các liên khu II, III thì đánh một thời gian rồi giãn dần ra ngoài các cửa ô để phối hợp tác chiến với Liên khu I.

        Hồi ấy, Hà Nội chia ra làm nhiều khu phố, các khu hành chính. Các khu phố này họp lại thành ba liên khu. Liên khu I rất rộng, chiếm phần bắc thành phố (gồm phần lớn đất đai của hai khu Ba Đình, Hoàn Kiếm hiện nay). Tuy rộng thế nhưng phần nửa phía tây của Liên khu này lúc bình thường đã coi như “đất địch chiếm” rồi, vì ở đấy có thành Hà Nội, trường Xa-rô, phủ Toàn quyền, nơi địch tập trung lực lượng cơ động của chúng, ở đấy cũng là một khu vực tập trung những biệt thự của Pháp kiều, mà bà con ta gọi là khu phố Tây. Phía nam Liên khu I giáp với Liên khu II là phố Tràng Tiền, Tràng Thi, v.v. cũng lại là một khu vực tập trung nhiều nhà Pháp kiều, một khu phố Tây nữa, có nhiều vị trí đóng quân công khai hoặc bí mật của Pháp. Thế là mặt tây, mặt nam Liên khu I đều có địch, còn mặt bắc và đồng là sông Hồng, địch có thuỷ quân, chúng có thể nhanh chóng kiểm soát đoạn sông rộng này. Như vậy, chẳng cần phải là một nhà quân sự, ai cũng có thể dễ thấy rằng một khi địch trở mặt đánh úp ta thì các lực lượng vũ trang của ta ở Liên khu I sẽ bị chúng bao vây tứ bề. Nhưng xét về nhiều mặt, thì Liên khu I có một vị trí quan trọng. Về chính trị, đây là trung tâm thương mại, dân cư đông đúc, ta còn chiến đấu ở đây ngày nào, giờ nào, thì ngày ấy, giờ ấy địch chưa thể nói là chúng đã chiếm được Hà Nội. Về quân sự, xét chung cả thành phố, chỉ có Liên khu I mới có địa hình, địa vật thuận tiện để tổ chức một khu vực trận địa phòng ngự tốt, lại có tác dụng thu hút địch, vì ở ngay bên sườn thành Hà Nội, giáp liền với các khu phố tập trung Pháp kiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #252 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:17:18 am »


        Trong khu vực này nhà cửa san sát, ta có thể đục tường từ nhà này sang nhà khác để cơ động ở bên trong, đi suốt cả dãy phố, khối phố, biến mỗi căn nhà, mỗi tầng gác thành một vị trí chiến đấu, mỗi dãy phố thành một trận địa chiến đấu. Đường sá ở đây chật hẹp, thuận tiện cho ta đào cắt đường, đắp chiến luỹ, dựng vật chướng ngại chặn đứng xe cơ giới địch. Toàn khu vực với hàng nghìn nhà cao thấp khác nhau, với những ngõ hẻm ngoắt ngoéo có thể xây dựng thành một trận địa rộng lớn liên hoàn không những chỉ kiên cố, hạn chế được sức phá hoại của bom đạn địch, mà còn là một loại trận địa đặc biệt, phức tạp khiến cho địch có gặm từng miếng cũng khó chứ hoàn toàn không thể đánh thọc sâu, chia cắt ta được. Vì thế, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết tâm tổ chức Liên khu I thành một trung tâm chiến đấu, để vừa tiêu diệt vừa tiêu hao địch, vừa thu hút lực lượng địch, tạo nên thế trong đánh ra cùng với các lực lượng ngoài đánh vào của các liên khu khác, đúng như ý kiến chỉ đạo của Bộ Tổng chỉ huy.

        Chúng tôi quy định cho các lực lượng vũ trang trong Liên khu này, gồm có tiểu đoàn Vệ quốc đoàn 101 và các đơn vị tự vệ nhà máy, đường phố như sau: khi nổ súng, các đơn vị đóng tại đâu phải kiên quyết chiến đấu tại chỗ. Sau ba ngày đánh tiêu hao địch thì co dần lại, lấy giới tuyến phía tây là đường Phùng Hưng; phía nam là đường Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng; phía bắc là đường cầu Long Biên; phía đồng là đê sông Hồng, nhưng phải giữ được vùng đất bãi giáp ven sông.

        Hà Nội có năm tiểu đoàn Vệ quốc đoàn, Bộ chỉ huy mặt trận chủ trương sử dụng Tiểu đoàn 101 cùng lực lượng đông đảo tự vệ của Liên khu I có đến hơn 3.000 anh chị em, hình thành một hạt nhân thật cứng ở trung tâm thành phố. Còn bốn tiểu đoàn 77, 212, 145, 523 cùng các lực lượng tự vệ Liên khu II, Liên khu III và các đơn vị dân quân du kích ngoại thành bao bọc xung quanh. Như vậy, địch tuy mạnh nhưng sẽ bị rơi vào thế trận “trùng độc chiến” của ta, bị giằng co trước sau, phải phân tán lực lượng, tổn hao lực lượng, mắc kẹt trong tình thế bùng nhùng như rơi vào bụi gai mây, xoay đằng nào cũng vướng, trở đằng nào cũng mắc.

        Từ tháng 11 năm 1946, tổng chỉ huy quân đội xâm lược Pháp, tướng Va-luy hung hăng đẩy mạnh các hành động lấn chiếm ở Sơn La, Lạng Sơn, Hòn Gai, Hải Phòng, Hà Nội.

        Ngày 20, quân Pháp đánh chiếm thị xã Lạng Sơn và cảng Hải Phòng.

        Ngày 23, quân Pháp chiếm cả thành phố Hải Phòng và sân bay Cát Bi.

        Cũng hôm ấy “Uỷ ban Đông Dương” của chính phủ Pháp quyết định “dùng đường lối vũ lực” và tiếp tục cử Đác-giăng-li-ơ, một tên chủ chiến, làm cao uỷ Đông Dương và đưa thêm viện binh sang Đông Dương.

        Tình hình diễn biến phức tạp đó cùng làm cho không khí Hà Nội thêm căng thẳng, khẩn trương. Hà Nội đã chuẩn bị đi vào cuộc chiến đấu mới một cách tích cực và cụ thể hơn.

        Hà Nội ráo riết chuẩn bi kháng chiến. Các nhà máy, xí nghiệp chuyển máy móc, nguyên liệu ra ngoài thành phố, các cơ quan Chính phủ chuyển dần lên căn cứ địa Việt Bắc. Nhân dân, chủ yếu là ông bà già và trẻ em... những người không trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu được tản cư về nông thôn. Liên tục ngày đêm những chiếc xe ô tô vận tải, xe bò, xe xích lô chở cát, chở đất từ ngoài sông vào các phố để sẵn sàng nhồi vào bao tải, bao cói đắp ụ, dựng chướng ngại vật chắn ngang đường. Công nhân xe hoả nhà ga Hà Nội chuẩn bị sẵn một đoàn toa xe chở đá để khi có lệnh sẽ đẩy ra chắn đường không cho xe tăng, xe cơ giới địch cơ động từ trong thành Hà Nội qua ngã tư Cửa Nam. Các cơ sở sản xuất, các cửa hiệu và từng gia đình thu dọn đồ đạc, chuẩn bị sẵn những đồ vật cồng kềnh để sẵn sàng lao ra mặt đường tạo nên những đống chướng ngại vật la liệt khắp các mặt đường phố.

        Ngày qua ngày, phố xá thưa thớt người, vắng hẳn đi. Nhưng những người ra đi không phải là chạy trốn, lánh xa một cuộc chiến đấu, mà là đi kháng chiến, bước vào một cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ. Ai cũng hiểu, một khi Hà Nội đã vùng đứng lên ấy là lúc cả nước chuyển sang thời chiến. Ta phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, phải chịu đựng nhiều hy sinh, phải nỗ lực vươn lên ngày một thêm sức mạnh để buộc địch phải đeo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài mà chúng không tài nào chịu đựng nổi. Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi! Công tác tuyên truyền chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện mà Đảng ta tiến hành rất bền bỉ ngay từ khi quân Pháp định trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, đến lúc này thấm sâu vào trí óc mỗi người dân yêu nước. Tản cư là yêu nước, người Hà Nội rời thành phố thân yêu với ý nghĩ như vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #253 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:17:54 am »


        Những người chưa ra đi, ít ra ngoài đường, chẳng phải chỉ vì ngoài đó thường có những chiếc xe bọc thép của quân đội Pháp phóng bạt mạng, chở những tên lính mũ xanh, mũ đỏ, mặt mày vênh váo lơ láo sẵn sàng gây sự với bất cứ một ai, mà còn phần thu xếp việc nhà, phần tranh thủ góp công, góp sức chuẩn bị cho Hà Nội xuất trận với tư thế đàng hoàng, chững chạc của hùng khí Thăng Long, xứng đáng với vị trí trung tâm của cả nước. Hà Nội tổ chức 12 đội cảm tử chuyên dùng bom ba càng phá xe tăng, xe bọc thép địch, tổ chức 36 đội du kích đặc biệt, mỗi tổ từ ba đến năm người cài ở các điểm bất ngờ, kiểm soát các ngã tư, ngã ba trọng yếu. Chuyên làm nhiệm vụ nghi binh, quấy rối, bắn tỉa và lưu động phục kích, Uỷ ban bảo vệ thành phố và Bộ chỉ huy mặt trận gấp rút bảo đảm vật chất cho Liên khu I chiến đấu độc lập và lâu dài trong lòng địch, lương thực dự trữ đủ ăn ba tháng cho 5.000 người, bổ sung 10.000 viên đạn, 500 quả lựu đạn, 100 chai gây cháy, trang bị 2 máy thông tin vô tuyến điện (Bút ký chiến sự lục, lưu trữ Bộ Quốc phòng).

        Trong Liên khu I công tác chuẩn bị tập trung vào những khu vực trận địa chiến đấu. Những ban công, cửa sổ, những mái nhà bằng, đều trở thành những vị trí bắn. Tường trong nhà, ngoài sân, trên gác đều đục thành lỗ giao thông, mở đường đi từ buồng nhà này sang buồng nhà khác, đi suốt dãy phố dọc, luồn sang dãy phố ngang, tạo thành một trận địa chiến đấu liên hoàn: có thể vừa vận động tác chiến trong khu vực vừa xuất kích đánh địch ngoài khu vực khi cần thiết.

        Sang tháng 12 năm 1946, tình hình càng căng thẳng vì những hành động khiêu khích, cướp bóc, bắn giết của quân Pháp. Để buộc địch phải dè chừng, không dám nổ súng đánh úp ta ngay, đồng thời làm cho chúng không phán đoán được lực lượng của ta, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã tổ chức một cuộc nghi binh lớn với sự hỗ trợ của  các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây. Hàng ngàn dân quân của các tỉnh này được huy động về vùng ngoại thành Hà Nội, cứ tối đến rầm rập kéo vào trong phố, nửa đêm về sáng lại lặng lẽ bí mật rút ra. Suốt một tuần liền ta làm như vậy khiến cho địch tưởng rằng Hà Nội mới được tăng cường 4 vạn quân.

        Ngày 17 tháng 12 từ sáng sớm sương mù chưa tan, Máy bay thám thính của Pháp đã gừ gừ bay lượn nghiêng cánh, chúc đầu như thằng trộm ngày ngó nghiêng thám thính toàn bộ Mặt trận Hà Nội. Lần đầu tiên bọn xâm lược giở trò khiêu khích như vậy ở Thủ đô ta. Đến 8 giờ chúng cho một đoàn xe tăng, xe bọc thép từ trong thành Hà Nội lao xộc ra chịt các ngã ba, ngã tư đầu đường phố Yên Ninh – Hàng Bún. Quân lê dương mũ đỏ quây bắt hơn bốn chục người. Lập tức các cánh cửa nhà quay mặt ra đường mở tung ra hết, bà con dân phố Yên Ninh – Hàng Bún xông ra đấu tranh. Quân lê dương xả súng vào quần chúng tay không tấc sắt.

        Cùng lúc ấy, tại Hải Phòng bọn Pháp có một cuộc họp tướng lĩnh do Va-luy triệu tập. Không ai lạ gì bộ mặt nham hiểm của tên chủ chiến Va-luy, kẻ mới được Đác-giăng-li-ơ tin dùng, cất nhắc giữ chức tư lệnh quân viễn chinh Pháp. Cười đấy, hoà nhã, cởi mở, lịch thiệp đấy, mà lật mặt tráo trở cũng ngay đấy thôi. Người Hà Nội biết mặt hắn từ tháng 3 năm 1946, khi hắn dẫn quân Pháp từ Hải Phòng lên Hà Nội. Trước đấy một tháng, Va-luy trực tiếp đạo diễn quân Pháp gây ra xung đột ở cảng Hải Phòng rồi vin cớ để đánh lan rộng ra chiếm cả thành phố và sân bay Cát Bi. Lần này Va-luy họp tướng lĩnh ngay ở Hải Phòng mới chiếm được để bàn định việc chiếm Hà Nội. Cuộc họp này, hắn còn nhằm mục đích “vặn dây cót tinh thần” cho tướng Moóc-li-e, tư lệnh Pháp ở Bắc Đông Dương. Chả là, viên tướng già này còn do dự, muốn chùng chình chờ có quân tăng viện từ Pháp sang mới hành động. Nhừng Va-luy quyết định: cứ lấn tới.

        Từ ngày 17 tháng 12, tiếp theo vụ tàn sát đốt phá ở phố Yên Ninh – Hàng Bún, quân Pháp gây ra nhiều vụ khiêu khích nữa ở các phố Lò Đúc, Hàng Bột, Hàng Đậu, Hàng Khoai, Đồng Xuân... Nhưng quân và dân Hà Nội rất cảnh giác, rất kỷ luật, không mắc mưu địch. Đến trưa ngày 18 tháng 12, quân Pháp chiếm Nha Tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao), Bộ Giao thông (Phố Trần Quang Khải) Hà Nội vẫn nén lòng chịu đựng chờ lệnh Chính phủ.

        Kết thúc hai ngày gây rối loạn, đến 21 giờ 15 phút ngày 18 tháng 12 năm 1946, tướng Moóc-li-e láo xược gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí công an và tự vệ Hà Nội, đòi Chính phủ ta phải trao quyền kiểm soát trật tự an ninh trong thành phố cho quân đội Pháp và ra hạn nếu đến sáng 20 tháng 12 năm 1946, những điều kiện đó không được chấp nhận thì quân đội Pháp sẽ chuyển sang hành động.

        Như vậy là, kể xâm lược đã công khai tuyên chiến với ta, hẹn ngày hẹn giờ đánh chiếm Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #254 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:18:22 am »


        Hà Nội vẫn bình tĩnh tranh thủ thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi vào cuộc chiến. Những người phải đi nhanh chóng rời khỏi thành phố. Những người ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô lao vào hoàn thành công việc chuẩn bị, sẵn sàng đánh địch bất cứ lúc nào. Những dòng người ra đi kháng chiến ngày đêm không ngớt. Những cửa nhà đóng kín như bưng. Chỉ còn lại những khẩu hiệu mọc lên chi chít trên khắp các đường phố với những nét chữ rắn rỏi viết trên tường, trên cửa, trên mặt đường nhựa:

        “Sống chết với Thủ đô”

        “Thà chết không chịu trở lại làm nô lệ”.

        Tại đình làng Mọc Quan Nhân, các chiến sỹ quyết tử làm lễ tuyên tuyên thệ: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tôi và Trần Độ có mặt trong buổi lễ tổ chức đơn giản mà nghiêm trang này. Tiếng hát Quốc ca và lời thề hôm ấy của tuổi trẻ Thủ đô vang mãi trong trí óc chúng tôi, củng cố quyết tâm và tăng niềm tin cho chúng tôi: nhất định Thủ đô sẽ chiến thắng.

        Tại Bắc Bộ phủ, các chiến sỹ Vệ quốc quân cũng làm lễ tuyên thệ, nhận danh hiệu Đội Quyết tử Thủ đô.

        Cũng hôm ấy, lực lượng chiến đấu của Hà Nội xuất hiện một số đội quân rất đặc biệt. Đó là trung đội nhà sư do sư thầy Minh làm trung đội trưởng, lấy chùa làng Tứ Kỳ làm trụ sở, cán bộ và đội viên của trung đội này vẫn mặc áo nâu dài, đầu chít khăn nâu, cổ đeo tràng hạt như mọi nhà sư, chỉ có khác là mỗi người có thêm một thắt lưng da để cài lựu đạn, con dao găm hay thanh kiếm.

        Đó là đội tiếp tế - cứu thương gồm hơn một trăm chị em trước kia kiếm sống bằng đủ mọi nghề: hát ả đào, buôn bán rau quả, v.v.

        Ngày 19 tháng 12 năm 1946, càng về trưa, Hà Nội càng ngột ngạt.

        Ở tất cả các nơi ta và địch cùng canh gác chung, quân Pháp hầm hè chĩa súng vào anh em ta. Và trên đường phố chốc chốc lại một đoàn xe bọc thép của chúng ầm ầm lướt qua. Chúng đi tuần tiễu, ngang nhiên như có quyền kiểm soát thành phố.

        14 giờ, chúng tôi lên Bộ Tổng chỉ huy nhận chỉ thị. Sau khi thông báo diễn biến chiến sự các mặt trận Hải Phong, Lạng Sơn, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói:

        - Địch láo xược gửi tối hậu thư, bắt ta nộp vũ khí, trao quyền trị an ở Thủ đô cho chúng. Ta muốn tranh thủ hoà bình để xây dựng đất nước, nhưng ta nhân nhượng nữa địch càng lấn tới. Tất nhiên ta không thể để như vậy. Giờ chiến đấu đã đến. Thường vụ Trung ương Đảng vừa gửi điện cho các mặt trận và các chiến khu nói rõ Chính phủ đã bác tối hậu thư của địch. Như vậy, chỉ trong 24 giờ là cùng, giặc Pháp sẽ nổ súng... Tất cả hãy sẵn sàng!

        Đồng chí Tổng chỉ huy chỉ thị cho chúng tôi phải tổ chức lực lượng bám sát và nắm chắc mọi diễn biến của đich; phải luôn luôn sẵn sàng tư thế chiến đấu, có hiệu lệnh nhất tề đứng lên giết giặc, cứu nước.

        Tiếp theo, đồng chí Trần Quốc Hoàn, phái viên của Trung ương Đảng, nói:

        - Thường vụ Trung ương đảng đã họp và quyết định phát động cả nước kháng chiến. Trong cuộc họp ấy, Hồ Chủ tịch phân tích ngắn gọn nhưng rất súc tích khoa học về tình hình Mỹ - Pháp và khả năng của ta. Bác Hồ giải thích rõ ràng và tỉ mỉ là cuộc kháng chiến lâu dài cảu ta nhất định thắng lợi. Cuối cùng, Bác Hồ còn hỏi kỹ về tình hình mùa màng và sinh hoạt của nhân dân. Biết chắc năm nay được mùa, nhân dân đủ no, Bác Hồ mới an tâm...

        16 giờ, chúng tôi trở về Sở chỉ huy Mặt trận, đặt ở bên cạnh sân bay Bạch Mai. Các tiểu đoàn trưởng và cán bộ các liên khu đã tập trung đầy đủ. Chúng tôi kiểm tra một lần nữa các mặt công tác chuẩn bị. Khi tôi thay mặt Bộ chỉ huy mặt trận quy định các tín hiệu nổ súng thì tất cả mọi người trong phòng họp đứng bật dậy, phút chốc biến mất hết những vẻ mặt trầm ngâm,. Căng thẳng của nhiều ngày đêm làm việc vất vả để đối phó với các hành động khiêu khích, ngang ngược của địch. Ai nấy hả lòng hả dạ vui vẻ hẳn lên, vì sắp được chiến đấu, trút hết nỗi căm hờn chồng chất, nén chặt bấy lâu nay xuống đầu quân cướp nước.

        20 giờ, bọn địch cùng gác chung với ta ở nhà máy điện Yên Phụ trở mặt gây sự. Chúng bao vây tiểu đội Vệ quốc đoàn bảo vệ nhà máy, đòi tước vũ khí. Anh em ta liền nổ súng kịp thời và lập tức tự vệ công nhân lao vào phá máy.

        20 giờ 03 phút, đèn điện toàn thành phố tắt phụt. Không đầy một phút sau đó, súng nổ ran, rồi pháo của ta từ pháo đài Láng, Xuân Canh, Thủ Khối ầm ầm nhả đạn vào các nơi địch đóng tập trung đông quân ở thành Hà Nội, trường Bưởi, Sân bay Gia Lâm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #255 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:18:45 am »


        Hà Nội đã nhất tề vùng dậy. Tiếng súng, tiếng pháo rền vang... Cả đô thành bốc lửa. Cả Hà Nội trút căm hờn lên đầu quân xâm lược...

        Chỉ sau 4 giờ chiến đấu, vào lúc nửa đêm 19 tháng 12, qua tổng hợp báo của các đơn vị, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội thống nhất nhận định: Ta đã phá tan âm mưu bất ngờ đánh úp của địch. Chúng không còn cái thế có thể ngày một, ngày hai chiếm xong cả Thủ đô Hà Nội nữa rồi. Nhất định quân và dân Thủ đô sẽ thực hiện đúng mệnh lệnh của Hồ Chủ tịch. Người đề ra yêu cầu phải kìm chân địch trong Hà Nội từ một đến hai tuần lễ để ta có thời gian chuyển bộ máy chỉ đạo chiến tranh của Đảng và Chính phủ được ổn định, nhân dân tản cư được đầy đủ và an toàn, tránh được tình trạng rối loạn. Trong không khí phấn khởi của buổi đầu ra quân thắng lợi, Trần Độ nêu ý kiến khêu gợi:

        - Bác Hồ ra hạn phải giữ được Hà Nội từ một đến hai tuần lễ. Nhưng chúng ta thử tính xem có thể giữ được lâu hơn không? Lúc này cả nước nhận được mệnh lệnh chiến đấu cảu Bộ Tổng chỉ huy rồi, cả nước đã đi vào kháng chiến, đâu đâu anh em ta cũng nổ súng, địch không thể tập trung sức để nhanh chóng cướp được Thủ đô ta đâu...

        Tôi bắt lời ngay:

        - Phải cố gắng chứ. Phải giữ được Hà Nội ít nhất là nửa tháng.

        Cả Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội cùng nhất trí.

        Những trận đánh đầu tiên trong trung tâm thành phố, ngay sát Hà Nôi, nơi tập trung quân cơ động của đich, cho thấy rõ hiệu lực chiến thuật của chiến tranh nhân dân - chiến thuật “cài then cửa” của ta. Cái chiến thuật nảy sinh thừ thực tiễn, từ trí tuệ của quân chúng. Cái chiến thuật mà tất cả mọi người, dân, mọi chiến sỹ tự vê, Vệ quốc đoàn đều có thể thực hiện được. Nó có hiệu lực ở khắp nơi. Một cái ba-ri-cát dựng lên ở đầu phố bằng cách xếp hàng trăm bao đất hoặc đào một con hào cắt ngang đường lấy đất đắp sang một bên bờ hào, đắp cao ngọn lên, đó là một thứ “then cài”. Một cây to, một cột điện đổ vật ngang đường là một thứ “then cài”. Một đống bàn ghế, hòm thúng vứt lổng chổng ngổn ngang trên mặt đường, cũng là một thứ “then cài”. Thậm chí, đem nồi đất, chậu sành, chậu gỗ úp rải rác la liệt trên một quãng đường cũng là một thứ “then cài” khiến cho các loại xe địch không dám xông bừa vào, bởi vì biết đâu dưới một cái nồi, cái chậu nào đó có một quả mìn? Nhưng quan trọng hơn cả là các tổ tự vệ chiến đấu kết hợp đánh địch ở đó, ở các vật chướng ngại ấy. Đó là một “then cài hoàn chỉnh” một chiến thuật hư thật thật hư, ít tốn kém mà hiệu quả cao.

        Gặp “then cài” là địch phải dừng lại, bắn phá lung tung như vãi đạn rồi mới dám cho trinh sát mò lên phá “then cài”. Nhưng phá được rồi, chung vẫn phải lò dò từng bước, vừa đi vừa nghe ngóng, biết đâu ở quãng đường không có “then cài” lộ thiên lại có một thứ “then cài” bí mật gì đó, hay một ổ phục kích.

        Từ Cửa Bắc thành Hà Nội ra đến nhà máy điện Yên Phụ chỉ mấy trăm mét, hoả lực bắn thẳng của địch đặt từ Cửa Bắc kiểm soát suốt dọc đường này từ mấy hôm trước, thế mà đến khi ta nổ súng chiến đấu, một đoàn xe địch chỉ gặp một cây đổ và một tổ chiến đấu của tổ tự vệ, phải đi mất một tiếng đồng hồ. chúng đến nơi thì công nhân đã phá xong máy móc nhà máy điện Yên Phụ.

        Trận đánh đầu tiên tiêu biểu cho hiệu lực chiến thuật “cài then cửa” diễn ra ở dọc đường phố Hàng Đậu. Nơi đây mặt đường rộng rãi, hai bên không có cây cối, là đường đi lối lại của địch từ thành Hà Nội qua cầu Long Biên sang sân bay Gia Lâm, ta không đào cắt đường từ trước được, mà ngay những đồ vật dựng chướng ngại vật cũng phải dấu kín. Ta dự kiến ngay từ phút đầu tiên của cuộc chiến đấu, thế nào địch cũng tung một lực lượng mạnh ra chiếm phố Hàng Đậu để kiểm soát cầu Long Biên. Và đúng như vậy, chỉ mười phút sau khi Hà Nội nổ súng kháng chiến, địch đã phóng ra đây một đoàn xe hơn ba chục chiếc. Nhưng mặt đường Hàng Đậu không còn thênh thang nữa. Đội tự vệ Hàng Đậu, gồm những người thợ nguội, thợ hàn, thợ sửa chữa ô tô, những người lái xe vận tải đã “cài then cửa” rất nhanh. Phố này có những xưởng sửa chữa xe máy, những xưởng gỗ, xưởng củi... nên có nhiều xe rơ-moóc, xe bò. Anh em tự vệ chuẩn bị sẵn một số xe ấy, trên chất đầy gỗ, củi, sắt gỉ, bao cát giấu sẵn ở trong các phố ngang, các ngõ hẻm gần đấy. Có lệnh chiến đấu, họ đẩy các xe chướng ngại vật ấy ra, rồi lật đổ ngổn ngang trên mặt đường Hàng Đậu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #256 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:19:20 am »


        Đoàn xe địch từ trong thành Hà Nội theo đường Cửa Bắc lao ra định đến cầu Long Biên đón một đoàn quân cơ động của chúng từ bên sân bay Gia Lâm kéo sang, nhưng đến đầu phố Hàng Đậu thì phải dừng lại. Hai chiếc xe tăng đi đầu bắn phá dọn đường mãi mới len lách bò dần đến giữa phố. Một quả mìn nổ, chiếc xe đi đầu toác bụng nằm ì giữa đường biến thành một vật cản đường. Chiếc thứ hai cũng bị đứt xích nằm xoay ngang, lại thêm một vật cản đường nữa. Thế là tắc. Đoàn xe địch phải dừng lại cho lính mũ đỏ nhảy xuống, giữa lúc anh em tự vệ Hàng Đậu, cùng tự vệ các phố lân cận, chạy ùa ra đánh giáp lá cà. Kết quả địch phải tháo lui, bỏ lai trên mặt đường hơn bảy chục xác chết, bốn xe vận tải và hai xe tăng, lửa cháy ngùn ngụt.

        Trong nội thành Hà Nội, trước khi quân Pháp nổ súng gây hấn, chúng đã chiếm đóng bảy vị trí lớn và gần bốn chục vị trí nhỏ, hình thành cái thế chia cắt Thủ đô ta; có thể đồng thời xuất quan bao vây các cơ quan trọng yếu và chịt giữ tất cả các cửa ngõ ra vào Hà Nội.

        Những âm mưu hiểm hóc này của bộ chỉ huy quân đội xâm lược Pháp đã bị phá sản ngay từ đầu. Cùng lúc quân và dân Hà Nội tiến hành cuộc bao vây các vị trí nhỏ của địch, và dựng vật chướng ngại “then cài cửa” trên khắp các ngả chặn quân cơ động của chúng. Súng nổ ran trong nội thành suốt đêm 19 rạng sáng ngày 20 tháng 12. Trong đêm đầu ra quân này, Hà Nôi giành phần thắng lợi lớn là đã làm cho địch mất thế chủ động chuyển thành bị động, lúng túng, nhưng thắng lợi lớn hơn cả là từ người chỉ huy cho đến chiến sỹ, qua một đêm thử thách quyết liệt, ai nấy đều tin rằng với những ổ chiến đấu cắm rải rác ở khắp các khu phố, với những hàng chướng ngại vật mới dựng lên ở khắp các ngả đường, và mỗi giờ trôi qua, những cài “then cài” này lại được củng cố vững chắc hơn, hiểm hóc hơn, nhất định ta sẽ tiêu diệt được nhiều địch, ghìm chúng lâu ngày trong Hà Nội.

        Ngày 20 tháng 12, trời vừa rạng sáng, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thái đã đến Sở chỉ huy Mặt trận Hà Nội. Chúng tôi không phải báo cáo tình hình vì suốt đêm qua các đồng chí đã theo dõi sát. Các đồng chí đến để cùng chúng tôi đi vào nội thành, đến các đơn vị, truyền đạt lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ chủ tịch, đồng thời xem xét mặt trận. Các  đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn cùng tôi vào khu phố Khâm Thiên. Đến đầu phố thì địch đóng ở nhà Dầu Sen bắn súng máy, súng cối liên tục sang trận địa ta. Xen vào những tiếng đạn địch nổ ùng oàng, là tiếng nhạc, tiếng hát vẫn vút lên.

        Đồng chí liên lạc dẫn đường nói:

        - Tự vệ Khâm Thiên đấy các đồng chí ạ, đàn hát suốt từ mờ sáng đến giờ, đêm qua đi làm ba-ri-cát ở ngoài đường, đạn địch bắn chíu chíu thế mà các ông, các bà ấy vẫn cứ đùa như đi hội, lại còn mang cả ghi ta ra đấy mà gảy phừng phừng nữa chứ.

        Cả đêm qua, tôi lo nắm tình hình và chốc chốc lại trao đổi qua điện thoại với cán bộ các liên khu, gần như trắng đêm không ngủ, người mệt bã, nhưng khi đến phố Khâm Thiên gặp anh em bộ đội, tự vệ, thấy anh em vui quá, cái mệt của tôi tiêu tan hết.

        Hôm ấy ta ghìm địch ở trong thành phố. Địch không mở được một trận địa nào ra phía các cửa ô, ngoài hai trận địch đánh thăm dò ra phía Quần Ngựa (Cạnh đường Hoàng Hoa Thám) và Ngọc Hà. Những trận đánh trong nội thành diễn ra rất quyết liệt, nhất là trận đánh ở Bắc Bộ phủ, ta tiêu diệt khá nhiều địch, có nhiều gương chiến đấu rất anh dũng tiêu biểu cho tinh thần cảm tử bảo vệ Thủ đô. Nhưng về mặt chiến thuật, chúng tôi đặc biệt chú ý đến trận đánh cánh quân địch tiến ra đường Ngọc Hà.

        Ở đây, sau khi quân Pháp phá được mấy lớp ba-ri-cát ngăn đường, chỉ thấy tiếng súng tự vệ bắn lẻ tẻ, chúng liền dốc nhau đuổi theo chúng tiến ào ào được độ dăm trăm mét thì bị một đơn vị Vệ quốc đoàn từ trại Ngọc Hà đánh thốc ngang lưng. Bị đòn bất ngờ, địch trở tay không kịp, hàng ngũ rối loạn, chạy tung toé. Đây là lối đánh mà hồi đó chúng tôi gọi là chiến thuật “xoáy trôn ốc” địch đánh ra, ta nhử cho địch ra xa rồi quật mạnh vào lưng, vào đuôi nó, khiến nó phải quay đầu co trở lại.

        Hôm sau, ta lại đánh một trận tương tự như thế ở phía bắc nội thành Hà Nội. Tự vệ Yên Phụ vừa đánh vừa lui nhử địch vào sâu, rồi lợi dụng chướng ngại vật chặn chúng lại. Giữa lúc đó, hai trung đội Vệ quốc đoàn xuất kích bất thần đánh vào phía đuôi đội hình địch, tiêu diệt vài chục tên, địch phải rút.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #257 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:19:50 am »


        Hôm sau, ta lại đánh một trận như thế nữa ở phía nam thành phố. Khoảng 5 giờ chiều ngày 22 tháng 12, một toán lính Pháp từ Đồn Thuỷ lặng lẽ tiến xuống Lò Lợn. Các chiến sỹ ta ở đây chỉ bắn lẻ tẻ rồi rút, địch chiếm Lò Lợn không gặp một ai. Chúng đánh thốc xuống Thanh Nhan. Quân ta vẫn rút. Đồng bào thấy bộ đội không đánh mà cứ xách súng chạy, có người nghĩ rằng “ta yếu, ta lui là phải” nhưng có người phát cáu, nói thậm tệ: sợ Tây thì bỏ súng đấy mà chạy cho nhanh, để dân đánh hộ cho! Thực ra, những chiến sỹ đang xách súng chạy dọc đê Thanh Nhàn kia lại chính là những thanh niên rất gan dạ, mưu trí, đang lấy thân mình làm cái mồi nhử đạn, lôi chúng đi sâu vào trận địa bày sẵn ở Thanh Nhàn, kéo dài đội hình của chúng ra, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị nấp sẵn bên bờ đê xung phong đánh ngang sườn địch. Trận này có một sự hiệp đồng, tình cờ thôi mà hiệu quả lớn. Khi bộ đội xung phong, nhân dân phấn khởi reo hò, tiếng reo thôi thúc lòng người chiến sỹ, tiếng reo hò nổi lên làm cho kẻ địch đang lúng túng vì bị đòn bất ngờ, lại càng lúng túng thêm, rồi rối loạn, tháo chạy, bỏ xác 15 tên tại trận. Địch chạy, bộ đội truy kích, nhân dân phấn khởi nhảy lên mặt đê reo hò, cùng bộ đội đuổi địch cho đến sẩm tối.

        Những ngày 21, 22 tháng 12 ta vẫn ghìm địch trong thành phố. Qua hết đêm 23 tháng 12, ta hoàn thành việc thu gom lực lượng, hình thành thế trận “trùng độc chiến”. Các lực lượng thuộc Liên khu II và Liên khu III kéo ra giữ các cửa ô, các lực lượng thuộc Liên khu I cụm lại trong trung tâm thành phố, nằm gọn trong lòng địch.

        Lúc đầu các tướng lĩnh Pháp lầm tưởng rằng các lực lượng của ta cụm lại trong Liên khu I là do bị mắc kẹt, vì không có lối rút ra. Chúng tỏ ra chủ quan xem thường, coi đấy là lực lượng đã lâm vào thế tuyệt vọng, bị vây chặt bốn phía, chắng mấy chốc sẽ tan rã, phải đầu hàng. Nhưng chỉ vài ngày sau, chúng đã thấy khó chịu, nhức nhối. Quân Pháp mở nhiều cuộc tiến công vào Liên khu I, đánh hướng nào chúng cũng bị thiệt hại khá đau, chiếm được một dãy nhà, một góc phố nhỏ ngang dọc chỉ hơn trăm mét cũng mất cả một ngày; nhiều chỗ đã chiếm được rồi lại bị đánh bật ra, hoặc chiếm được ban ngày thì chưa tối đã phải rút lui vì không thể bám chắc được.

        Kể ra, nếu lúc này quân Pháp tập trung được lực lượng đông hơn, mạnh hơn, liên tục đột phá vào Liên khu I thì chúng cũng có thể nhanh chóng đánh bật ta ra. Bởi lẽ ở trong đó ta đang phải khắc phục nhiều khó khăn. Có hàng mấy vạn dân chưa kịp tản cư, chạy dồn cả về các phố Hàng Bạc, Hàng Mắm, Hàng Buồm, Chợ Gạo... nơi tương đối xa tiếng súng, mà hàng ngày ta phải lo tiếp tế gạo nước, bảo vệ an ninh, và mỗi đêm ta chỉ tổ chức đưa được dăm trăm người bí mật men theo bờ sông Hồng, qua gầm cầu Long Biên, ngược lên Yên Phụ, ra ngoại thành. Đêm đi được nhiều nhất cũng không quá nghìn người. Khó khăn lớn nữa của ta ở Liên khu I lúc bấy giờ là anh em tự vệ tuy có tinh thần chiến đấu rất cao, sắn sàng xả thân vì nước, nhưng lại rất yếu về sử dụng vũ khí, phải vừa đánh vừa học tập. Cán bộ chỉ huy từ cấp tiểu đội trở lên, cũng vừa đánh vừa học - học cách chỉ huy, cách tổ chức hoả lực, bố trí trận địa...

        Các tướng lĩnh Pháp cũng có thể biết được những khó khăn đó của ta, chúng muốn dồn sức nhanh chóng chiếm lấy khu vực trung tâm này của thành phố để ổn định bên trong, lấy chỗ đứng vững chắc mà mở rộng chiến tranh ra ngoại thành. Nhưng chính chúng lại đang bị mắc kẹt trong thế trận “trùng độc chiến” của ta, nên không thể làm gì hơn được. Nhìn toàn cục thì thấy bên trong, chúng bị các lực lượng vũ trang của ta ở Liên khu I đục khoét bên ngoài lại bị các lực lượng của Liên khu II, Liên khu III đánh ép vào, buộc chúng phải phân tán lực lượng. Hơn thế nữa, ở Liên khu III, chúng ta cũng tổ chức các đơn vị Vệ quốc đoàn, từng đại đội, trung đội đêm đêm luồn sâu vào trong thành phố phối hợp với tự vệ đánh địch trừ gian. Vì thế giặc Pháp càng thêm lúng túng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #258 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:20:21 am »


        Với thế trận “trùng độc chiến” này, trường hợp mà sức ta tương đương hoặc chỉ kém địch chút ít, thì ta có thể ép chặt địch lại, cắt địch ra từng mảnh để diệt gọn chúng... Từ ngoại thành, ta phái nhiều tổ du kích vào hoạt động trong khu vực địch chiếm. Mục tiêu của các tổ du kích này là những đội tuần tiễu, những xe địch chạy trong thành phố, những trạm gác địch đặt ở ngã ba, ngã tư đường... đánh bất ngờ, chỉ cần nổ một vài phát súng, ném một quả lựu đạn, một chai cháy, nhưng đã đánh là phải chắc trúng, phải gây được thương vong, thiệt hại cho địch, làm cho các khu vực địch kiểm soát luôn luôn náo động, không có chỗ nào địch ổn định, dù là ngay cạnh chỗ chúng tập trung đông quân. Cách đánh này rất phù hợp với khả năng tác chiến của anh em ta hồi ấy. Hơn nữa, với điều kiện một thành phố nhiều nhà cửa san sát, nhiều đường ngõ ngang dọc, nhân dân đã tản cư hết, mà anh em ta lại thông thạo địa hình, có thể nhanh chóng ẩn hiện, làm cho địch bị điên đầu nơm nớp lo âu vì những phát đạn bắn tỉa mà chúng không thể biết được từ cửa sổ nào, hay từ nóc nhà nào, ngõ ngách nào bắn ra. Các tổ du kích đã khiến cho địch phải nghi ngờ hết thảy, phải tung nhiều cánh quân càn quét đi càn quét lại biết bao nhiêu dãy phố mà nhà nào nhà ấy cửa đóng im lìm, không một bóng người.

        Hà Nội chiến đấu được 5 ngày thì chúng tôi nhận được điện gọi vào làng Vạn Phúc (thuộc thị xã Hà Đông) nhận chỉ thị mới của Bộ Tổng chỉ huy. Sau khi nghe các đơn vị báo cáo và giao nhiệm vụ xong, đồng chí Võ Nguyên Giáp công bố quyết định của Bộ về tổ chức chỉ huy chiến đấu trong tình hình mới: Sáp nhập Khu XI vào với Khu II, Mặt trận Hà Nội trở thành tiền phương của Khu II. Tôi được chỉ định làm Khu phó Khu II, đồng thời chỉ huy khu vực tiền phương gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Trần Độ được chỉ định làm Chính trị viên phó Khu II.

        Một quyết định thật sáng suốt. Thế là từ nay Mặt trận Hà Nội có một địa bàn hậu phương rộng rãi đã xoay trở và có thêm lực lượng hùng hậu của các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hoà Bình, Hà Nam. Các lực lượng vũ trang nhân dân của các tỉnh, các đơn vị chủ lực của khu sẽ luân phiên nhau vào tham gia chiến đấu ở các cửa ô Hà Nội. Từ nay, Hà Nội không những có đủ lực lượng trực tiếp chiến đấu mà còn có lực lượng dự bị cơ động ở bên ngoài làm cho thế trận thêm mạnh, thêm khả năng để chiến đấu hãm địch nhiều ngày trong Hà Nội.

        Tôi đang suy nghĩ về quyết định mới này thì đồng chí Hoàng Văn Thái hỏi ngay:

        - Tổ chức lại như thế, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội thấy thế nào?

        Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Khu XI, trả lời:

        - Rất tán thành, hoàn toàn nhất trí.

        Đồng chí Trần Độ nói tiếp:

        - Phấn khởi lắm, tôi xin biểu quyết cả hai tay!

        - Còn anh Vũ cũng nhất trí chứ? - Đồng chí Thái quay sang hỏi tôi.

        Nghe đồng chí Hoàng Văn Thái hỏi, tôi gật đầu và nói vội:

        - Vâng, vâng, nhất trí như anh Trân, anh Độ.

        Hà Nội chiến đấu đến ngày thứ 10, ta vẫn ghìm chặt quân Pháp trong nội thành, không một tên nào bén mảng được đến các cửa ô. Trong khi đó, những báo cáo của lực lượng chiến đấu trong Liên khu I gửi ra đều nói lên một tình hình lạc quan: Trận địa trụ bám mỗi ngày một thêm vững chắc, đã ba bốn ngày liền địch không mở một cuộc tiến công nào vào Liên khu I, mà chúng chỉ rải quân đóng nhiều vị trí để vừa thăm dò vừa hình thành thế bao vây ta.

        Địch lập một hệ thống vị trí bao vây Liên khu I. Điều này chúng tôi cũng có dự kiến. Một khi ỷ vào ưu thế binh hoả lực, dùng chiến thuật bất ngờ đánh úp các lực lượng của ta trụ bám ở trong đó, thấy chẳng dễ dàng gì, địch sẽ chuyển sang bao vây để dồn sức đánh nống ra ngoại thành. Tướng lĩnh Pháp tính rằng nếu họ chiếm được các cửa ô Hà Nội và đánh loang rộng ra xa nữa thì các lực lượng của ta trụ bám trong Liên khu I sẽ bị cô lập hoàn toàn, sẽ tan rã, bị tiêu diệt hoặc phải đầu hàng. Nhưng đó là cách tính của họ. Còn đối với ta thì trái lại, chúng ta đã có phương án đối phó với tình huống này. Bộ Tổng chỉ huy đã có kế hoạch tác chiến tổng quát - nhằm bổ trợ cho Mặt trận Hà Nội. Và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội chúng tôi cũng đã có bàn bạc nhất trí một kế hoạch tác chiến cụ thể cho các đơn vị, trước khi vào Vạn Phúc nhận nhiệm vụ như sau: địch bao vây lấn chiếm Liên khu I thì Liên khu II và III đánh thúc sau lưng địch, buộc chúng phải quay ra ngoài đối phó với Liên khu II và Liên khu III. Nếu chúng mở cuộc hành quân đánh ra ngoài Liên khu II và III thì lệnh cho Liên khu I hoạt động mạnh để có kéo địch lại. Cách đánh phối hợp chặt chẽ trong với ngoài như vậy khiến cho địch không rảnh tay tập trung đánh ta được về phía trong hay ngoài, tạo ra thế ta và thế địch cứ giằng co như vậy là có lợi cho ta, tạo điều kiện để ta thực hiện nhiệm vụ giam chân địch ở Thủ đô càng lâu càng tốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #259 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:20:47 am »


        Ngày 28 tháng 12 trong cuộc họp kiểm điểm tình hình tại Bộ Tổng chỉ huy, đồng chí Võ Nguyên Giáp dặn chúng tôi:

        - Ở Hà Nội địch đang lúng túng, chúng chờ quân tăng viện thì chúng mới có thể khắc phục được tình trạng hiện nay. Trước mắt để bao vây khống chế Liên khu I có hiệu quả, có nhiều khả năng địch sẽ mở những đợt tiến công lớn ra ngoại ô Hà Nội. Ta phải tiêu hao thật nhiều địch. Phải chuẩn bị kế hoạch và lực lượng để mở rộng mặt trận. Phải đánh chặn địch có hiệu quả cao nhất. Nhưng cần nhớ, phải bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài.

        Qua những tin tức trinh sát được, chúng tôi dự đoán địch sẽ đánh ta phía tây nam Hà Nội, chiếm Ô Chợ Dừa. Quả nhiên, ngày 30 tháng 12 địch hành động như ta đã dự kiến. 600 lính Pháp, 50 xe cơ giới có máy bay trinh sát, máy bay khu trục yểm trợ theo hai hướng Hàng Bột và Khâm Thiên. Địch chọc thủng được các tuyến ngăn chặn của ta, chiếm được Ô Chợ Dừa, nhưng đến 2 giờ chiều chúng phải rút hết. Ngay chiều hôm đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp và tôi đến Khâm Thiên – Hàng Bột gặp Tiểu đoàn 523 và anh chị em tự vệ vừa mới chiến đấu ở khu vực này để tìm hiểu rõ nguyên nhân: tại sao địch có thể nhanh chóng đánh thọc sâu đến Ô Chợ Dừa? Tại sao chiếm được cửa ô này rồi mà địch phải rút ngay?

        Lần đầu tiên trong cuộc chiến đấu giam chân địch ở Hà Nội, quân ta chống cự với một trận tiến công mạnh mẽ của địch ở đường phố độc đạo, chung quanh trống trải. Hai bên phố Khâm Thiên hồi đó là những xóm, những làng xen kẽ hồ ao, chuôm. Ở Hàng Bột cũng vậy, nằm dọc một khu vực toàn những làng, những xóm và đồng ruộng. Anh em ta cho rằng xe cơ giới và bộ binh địch không dám tiến vào làng mạc vì có ao chuôm, ruộng lầy cản trở, cho nên ta chỉ chú trọng đề phòng giữ hướng đường phố. Lợi dụng sơ hở đó của ta, địch đánh vòng bên sườn và sau lưng, chọc thủng trận địa ta, bao vây đường phố. Xe tăng đi trước bắn phá, bộ binh theo sau. Địch thọc nhanh được đến Ô Chợ Dừa xong không dám dừng lại ở đấy là do anh em ta chiến đấu rất kiên cường, từ hai bên dãy phố ta vận động đánh ngang sườn địch, các tuyến ngăn chặn tuy bị chọc thủng nhưng ta không để cho toàn bộ trận địa bị vỡ, vận bám chặt lấy địch mà đánh, vẫn cố bịt lại những nới bị chọc thủng. Thành ra tuy địch tiến được xa mà phía sau của chúng lại bị uy hiếp, không khác gì như một hòn đá ném xuống nước, nước giãn ra, cồn sóng lên, sóng giãn ra tới bờ rồi lại đổ xô vào. Địch tiến được đến Ô Chợ Dừa, nhưng phía sau chúng hàng cây số, trên đường Hàng Bột, đường Khâm Thiên ta vẫn giữ vững từng căn nhà, bởi thế chúng phải vội co lại ngay. Trong trận đánh ngày 30 tháng 12 này, ta diệt được một trung đội địch.

        Những kinh nghiệm của Khâm Thiên, Hàng Bột được phổ biến kịp thời. Hôm sau, địch theo đường số 1 tiến công xuống Kim Liên. Ở đây, đường độc đạo, địa hình trống trải thuận tiện cho địch phát huy hoả lực. Ta chỉ có một trung đội Vệ quốc đoàn, nhưng anh em đã khéo dựa vào chiến hào, giao thông hào để cơ động đánh địch từ nhiều hướng lại biết tập trung lực lượng vào hướng chính và có lực lượng dự bị nên đã đánh chặn được địch suốt cả ngày. Qua trận này, ta có thêm kinh nghiệm chỉ dùng một lực lượng nhỏ mà chọi được một lực lượng lớn của địch, tiêu hao được địch, giữ được trận địa mà vẫn bảo toàn được lực lượng mình.

        Những ngày đầu năm 1947, chiến sự phát triển đến các cửa ô. Quân và dân Hà Nội tiếp tục nhiệm vụ ngăn chặn địch đánh ra vùng ngoại thành trên phạm vi rộng từ Vĩnh Tuy đến Ô Cầu Dền, Kim Liên, Ô Chợ Dừa, Kim Mã, Ngọc Hà, Thuỵ Khuê, Yên Phụ thành một tuyến đường vòng cung dài hơn 10 ki-lô-mét...

        Làm thế nào để có thể giam chân địch một thời gian nữa. Đó là một câu hỏi, yêu cầu Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội chúng tôi phải suy nghĩ tìm cho ra đáp án. Lực lượng Vệ quốc đoàn của ta ở trên tuyến này có 5 tiểu đoàn (mới được tăng viện thêm Tiểu đoàn 56). Nhưng qua các trận Khâm Thiên – Hàng Bột (30/12/1946), Kim Mã (31/12/1946), Thuỵ Khuê - Ngọc Hà - Liễu Giai (3/01/1947), Thanh Nhàn – Vĩnh Tuy (3/01/1947), Giảng Võ (06/01/1947), quân ta đã trưởng thành rõ rệt, từ phòng ngự đơn giản, rải quân mành mành trong các hố chiến đấu đơn độc, đã tiến tới có chiến hào, giao thông hào liên kết với nhau để cơ động. Từ chỉ biết phòng ngự phía trước mặt, tiến tới biết đề phòng bên sườn, phía sau, biết tổ chức và sử dụng lực lượng dự bị. Qua những trận chiến đấu ấy, quân ta đã biết vận dụng nhiều cách nhử địch, nghi binh lừa địch và tìm ra một cách đánh thích hợp với nhiệm vụ ngăn chặn và thích hợp với trình độ tác chiến của ta. Địch tiến đánh ra, ta kiên quyết đánh chặn từng bước, đánh tạt sườn làm cho chúng mệt sức, tiêu hao, tiêu diệt địch ngày càng nhiều...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM