Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:45:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46046 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #220 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 04:08:26 pm »


        Nhận được báo cáo của 209 đã bắt được tướng Đờ Cát lúc 17 giờ 30, tôi ra lệnh giải ngay Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu lên sở chỉ huy đại đoàn. Tôi hỏi Hoàng Cầm:

        - Anh Quang Trung thế nào?

        - Báo cáo, anh em đã bới được rồi. Không việc gì. Anh ấy đã hút thuốc lá.

        Tôi nhẹ người hỏi tiếp:

        - Anh đã trông thấy Đờ Cát chưa

        - Báo cáo thấy rồi.

        - Ăn mặc thế nào?

        - Báo cáo anh, Đờ Cát mặc quần áo vàng nhạt, đội ca lô đỏ, đeo quân hàm cấp tướng.

        - Quân hàm nó thế nào mà biết là nó cấp tướng?

        - Có sao anh ạ!

        - Được rồi, thế ai giải nó đi đấy?

        - Anh Thăng Bình đã đánh xe gíp đi rồi ạ!

        - Xe nào, ai lái?

        - Báo cáo, anh Thăng Bình dùng xe chiến lợi phẩm và bắt một tù binh da đen lái.

        Một lát sau anh em dẫn tướng Đờ Cát vào. Chúng tôi so ảnh. Đúng là Đờ Cát, tuy có xanh và gầy hơn so với lúc còn đeo lon đại tá. Nhìn cái mũ ca lô đỏ tôi lại nhớ tới câu nói của Đờ Cát khi thấy quân ta chưa đánh Điện Biên: “Tôi sẽ đội cái mũ đổ này để Việt Minh dễ nhận rõ mục tiêu!”.

        Tôi gọi điện báo cáo đồng chí Tổng chỉ huy chiến dịch: “Tướng Đờ Cát hiện nay đang ở trước mặt tôi. Đã so ảnh của Bộ chỉ huy chiến dịch gửi xuống. Xác định đúng là thiếu tướng Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu”.

        Lúc này cả không gian Điện Biên Phủ im lặng khác thường. Ngoài trời, một luồng gió mát làm dịu những dây thần kinh căng thẳng. Trời có trăng. Tôi cứ nhìn mãi vầng trăng non thấp thoáng trong đám mây mỏng xốp như bông. Cả thung lũng Điện Biên rực rỡ trong ánh đuốc. Đoàn tù binh đang nối đuôi nhau đi ra khỏi Mường Thanh. Các chiến sỹ ta chốt trên các ngả, súng lắp lưỡi lê, vẫn mũ nan chân đất trong bộ quần áo còn dính bùn đang chỉ đường cho đám tù binh đi ra theo loa phóng thanh.

        Sau chiến thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định duyệt binh vào ngày 13 tháng 5, để phát huy thắng lợi và trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ cho đại đoàn. Thường vụ Đảng uỷ họp triển khai công tác chuẩn bị và quyết định để đồng chí Quang Trung thay mặt đại đoàn nhận cờ.

        Đàm Quang Trung, người chiến sỹ Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân mười năm về trước, mũ nồi chân đất dưới lá cờ đỏ sao vàng bên gốc đa Tân Trào, nay là Đại đoàn phó một đại đoàn đã đánh Him Lam ở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ và kết thúc chiến dịch bằng trận đánh bắt sống tướng Đờ Cát. Hình ảnh Quang Trung được cử để nhận cờ vừa cụ thể lại vừa tượng trưng cho sự lớn mạnh của Quân đội ta.

        Tôi giục Quang Trung cắt tóc, cạo râu và chọn bộ quân phục mới nhất để chuẩn bị đi nhận cờ của Bác.

        Vài ngày sau, chúng tôi xin phép Bộ chỉ huy chiến dịch đi xem cách bố phòng của địch. Chúng tôi mượn một chiếc xe chiến lợi phẩm đi theo những trục đường chính để tránh mìn. Từ Him Lam chúng tôi theo trục đường mà mấy hôm trước đấy địch thường dùng để phản kích, thọc thẳng xuống sở chỉ huy của tướng Đờ Cát.

        Chứng tích của một sức mạnh bị đánh bại lớp lớp, tầng tầng trên toàn bộ lòng chảo Điện Biên. Có những cứ điểm còn nguyên vẹn những bãi mìn, những lớp rào kẽm gai, những lô cốt, hoả điểm bẳn thẳng, bắn chéo, bắn lướt sườn, hầm ngầm, điểm tựa, sở chỉ huy... Có những cứ điểm bị đập nát từng mảng, những đống vỏ đạn dày có ngọn, bông băng, vỏ đồ hộp, vải dù, tăng bạt xen lẫn với những tranh ảnh khoả thân và những cuốn sách “diễm tình”, những cuốn nói về người lính lê dương, kinh Thánh, lịch bỏ túi của tướng Na-va dạy lính sống ở Việt Nam. Những con ruồi đuổi không thèm bay tranh nhau ăn trên đống đồ hộp, những cuộn bông băng lẫn máu và bùn. Một chiếc máy bay Hen-cát cắm đầu xuống một đoạn hào giao thông trục, thân nát vụn. Những chiếc xe tăng đứt xích bị lật nghiêng bên cạnh những khẩu súng máy nát vụn.

        Xe chúng tôi đi qua cầu Nậm Rốm, nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch trước khi vào hầm tướng Đờ Cát. Bên kia cầu, khẩu đại liên bốn nòng nước thép còn mới bên cạnh đống vỏ đạn vàng choé. Nghe nói trước đấy là nương dâu xanh ngắt chạy dọc theo sông Nậm Rốm. Anh em biết tiếng Thái nói với tôi Nậm là sông, Rốm nghĩa là gỗ lát. Nậm Rốm là con sông có gỗ lát. Từ đầu cầu rẽ sang trái khoảng 150 mét là hầm tướng Đờ Cát. Những cỗ lựu pháo của chúng ta đặt trên đỉnh núi đã bắn rất trúng trận địa pháo của địch. Một chiếc xe Jéep từ hầm Đờ Cát đi ra. Tôi gặp anh Cao Văn Khánh trên xe. Anh Khánh được phân công trao trả thương binh địch tại Điện Biên Phủ. thấp thoáng sau là một phụ nữ dáng người chắc nịch. Cô chào tôi, giọng Huế ngọt ngào. Anh Khánh giới thiệu cô Toản, y sỹ. Tôi có biết tên nhưng nay mới gặp người. Và tôi cũng biết chỉ vài ngày nữa cô gái Huế dịu dàng thuỳ mị này sẽ thành chị Khánh ở ngay trên mảnh đất Điện Biên lịch sử này. Tôi chúc mừng hạnh phúc của hai anh chị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #221 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 09:13:18 am »


        Chúng tôi vào hầm Đờ Cát. Trên nắp hầm là những bao cát. Xung quanh hầm là dãy thùng phuy đổ đầy đất xếp bao cát. Dưới lớp cát dày hơn hai mét là những tấm tôn thép uốn cong rồi đến những tấm vỉ sắt lót sân bay. Dưới cùng là những tấm gỗ thông dày. Hầm có bốn gian dài khoảng chín mét, rộng bốn mét, cao 2,5m mét. Mỗi gian có tường ngăn cách dày một mét. Một hành lang chạy dọc nối các gian hầm. Tường ốp ván gỗ, căng vải dù. Sàng cũng trải vải dù. Những chiếc cột gỗ chắc chắn bằng gỗ lim đã lên nước bóng loáng. Đó là những cột nhà của nhân dân Long Nhai, Cà Mỵ. Phía nam có đường thông sang khu vực tổng đài. Gian nào  cũng có giường gấp, căng vải bạt, ghế gấp, kiểu bàn ghế dã ngoại, lại có cả bồn tắm và máy điều hoà. Thật là môt sở chỉ huy có đầy đủ tiện nghi cho sinh hoạt của con người và đầy đủ phương tiện chỉ huy, vừa hiện đại vừa an toàn. Anh em quân báo của Bộ làm nhiệm vụ thu nhập tài liệu trên bàn Đờ Cát đưa tôi xem một mệnh lệnh của Đờ Cát ký ngày 20 tháng 4 năm 1954: “Sự cần thiết về tiếp tế đạn dược bắt buộc phải rút xuống đến mức tối thiểu yêu cầu về lương thực hàng ngày...”.

        Một cán bộ nói vui:

        - Đờ Cát cũng biết bớt ăn để lấy đạn đánh ta đấy chứ?

        - Chắc chắn là chỉ bớt của lính thôi.

        Tôi đọc tiếp mệnh lệnh của Đờ Cát: “Các ông chỉ huy các cứ điểm chịu trách nhiệm về việc thu hồi dù tiếp tế trong phạm vi của mình. Mỗi cứ điểm phải cử ra một trung đội có một sỹ quan chỉ huy chịu trách nhiệm giữ trật tự về việc thu hồi. Kẻ nào bị bắt quả tang ăn cướp sẽ bị bắn ngay, không cần xét xử. Lệnh này phải được thi hành một cách nghiêm ngặt ngay lập tức”.

        Từ một sở chỉ huy đầy đủ tiện nghi, viên tướng đã ra những mệnh lệnh như thế!

        Tôi bỗng nhớ tới những sở chỉ huy của những tên chỉ huy thấp hơn tướng Đờ Cát. Từ chỗ ăn ở của tên cai bảo an bình đồn Đồng Quan vừa chỉ huy vừa đánh tổ tôm đến trại lính khố xanh của quản Dưỡng ở thị xã Hà Đông, hầm của tên chỉ huy Đông Khê, vị trí chỉ huy của tướng Gin chỉ huy tập đoàn cứ điểm Nà Sản cho đến sở chỉ huy tướng Đờ Cát ở tập đoàn cứ điểm này có biết bao thay đổi.

        Hôm nay, đứng trước hầm Đờ Cát, tôi nghĩ về một chặng đường đã đi qua, điểm lại những đối tượng tác chiến chúng tôi đã gặp, tôi thấy không phải ngay từ đầu tôi đã hiểu chúng như hôm nay tôi đã hiểu chúng, khi đứng trong sào huyệt của viên tướng giặc. Trong những ngày đầu tôi chỉ biết đây là bọn xâm lược dù nó có tàu bay, xe tăng, nhưng không đánh chúng thì mãi mãi đất nước này sẽ là thuộc địa, mãi mãi nhân dân còn là bọn “An-na-mít”.

        Ở Sơn La năm 1945, tôi đã dùng chiến thuật trận địa rải mành mành chống lại lối đánh vu hồi của bọn A-lếch-xăng-đri. Từ những đồn binh kiểu đồn cai trị ở Tuần Giáo năm 1945 cho tới nay (1954), kẻ thù đã có biết bao thay đổi. Từ đồn cai trị đến tháp canh, cứ điểm trung đội, đại đội, cụm cứ điểm, hệ thống boong-ke, tập đoàn cứ điểm ở trình độ thấp như Hoà Bình, tập đoàn cứ điểm hoàn chỉnh ở Nà Sản, Sầm Nưa cho đến tập đoàn cứ điểm hiện đại như Điện Biên Phủ; cứ mỗi bước trưởng thành của Quân độ ta, kẻ thù lại có cách đối phó mới. Chúng ta chưa dự kiến hết mọi thủ đoạn của kẻ thù, cũng như chính chúng cũng chưa tính toán hết ngay từ đầu sức mạnh của chúng ta.

        Kẻ thù thua chúng ta không phải vì chúng không mạnh về trang bị và kỹ thuật. Nước Pháp bị kiệt quệ sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã được Mỹ giúp sức trong tất cả các trận đánh, các chiến dịch chúng đều mạnh hơn ta về trang bị. Nếu mang số tấn sắt thép chúng đã dùng so với số đạn tính từng viên của chúng ta đã dùng ra so sánh thì có thể hiểu với những người quen tính toán chiến tranh chỉ bằng con số. Nhưng trong chiến tranh vấn đề thắng bại đâu có phải là ai bắn nhiều hơn ai mà là ai nghĩ nhiều hơn ai.

        Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng đúng đắn chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, chúng ta đã hiểu rõ kẻ thù đung như nó có. Chúng ta phân tích kẻ thù một cách toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội cho đến từng chủ trương chiến lược của từng tên tướng trong mỗi giai đoạn chiến lược. Và trong từng chiến dịch tiến công lại biết khoét sâu những nhược điểm cơ bản của chúng, vừa dám đánh ở những nơi chúng cho là ta không thể đánh được, vừa hình thành ưu thế đánh vào những nơi mà chúng cho là đã mạnh. Như kim chỉ nam cho người đi đường, những quan điểm của Đảng đã chỉ ra cho chúng tôi phương hướng hành động về xây dựng đơn vị và tác chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #222 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 09:14:19 am »


        Qua việc nghiên cứu tổng kết, chúng ta đã nâng những kinh nghiệm lên thành những vấn đề nguyên tắc có ý nghĩa khái quát để phổ biến kịp thời. Với phương pháp phê bình và tự phê bình, không thoái chí trước những thất bại tạm thời, không say sưa với thắng lợi đạt được, nghệ thuật chiến dịch, những vấn đề về chiến thuật của chúng ta đã không ngừng phát triển theo tháng năm và qua từng trận đánh.

        Những nguyên tắc về xây dựng đội quân kiểu mới – Quân đội nhân dân - đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà hy sinh chiến đấu dần dần hình thành. Trong việc tổ chức và sử dụng lực lượng, chúng ta căn cứ vào nội dung nhiệm vụ trước mắt và xu hướng phát triển trong tương lai để xây dựng lực lượng. Trong những ngày đầu chiến tranh khi nhân dân chưa được  vũ trang, chính quyền còn non trẻ, chúng ta đã dùng hình thức đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung để tổ chức dân quân du kích. Dám phân tán những trung đoàn tập trung để phát động nhân dân tham gia chiến tranh, mới thoạt nhìn có vẻ như một bước lùi về hình thức tổ chức. Nhưng nếu không có sự mềm dẻo về tổ chức đó, chắc rằng khó có thể có phong trào chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trong những năm tháng sau đó. Khi chiến tranh nhân dân đã phát triển chúng ta lại kiên quyết tập trung các đại đội độc lập, các tiểu đoàn tập trung, dồn mọi cố gắng về cán bộ và trang bị để thành lập các trung đoàn chủ lực thuộc Bộ rồi chỉ trong một thời gian ngắn, các đại đoàn bộ binh ra đời. Sử dụng tập trung những đại đoàn mạnh đánh vào nơi mà sức mạnh của địch bị hạn chế, ta có điều kiện hình thành ưu thế trong cả quá trình chiến dịch, chúng ta đã tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù có trang bị mạnh hơn ta.

        Từ căn hầm Đờ Cát, xe chúng tôi đi xuống Hồng Cúm. Không gian ì ầm tiếng động cơ. Nhưng không ai nhìn lên trời vì chúng tôi biết hôm nay là ngày ta cho phép bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đến lấy thương binh. Và cũng vào những ngày này, trên mặt trận ngoại giao, phái đoàn Chính phủ ta họp phiên đầu tiên với phái đoàn chính phủ Pháp. Chợt ai đó reo lên: “Vẫn còn một cây xanh, đẹp quá!”.

        Đúng là môt cây cổ thụ lá xanh mơn mởn sau những cơn mưa đầu mùa hạ. Màu xanh duy nhất giữa bãi sắt thép đổ nát ngổn ngang. Dưới gốc cây là một đền thờ. Hỏi ra mới biết đây là đền thờ ông Hoàng Công Chất, vị chỉ huy nghĩa quân chống Pháp, người anh hùng thành Bản Phủ. Thành cao hào sâu của người anh hùng, những bụi tre gai còn đó... Nhân dân các dân tộc Điện Biên qua các thế hệ mãi mãi tôn thờ người anh hùng đã từ bỏ chức quan để cùng nhân dân chống Pháp cứu nước. Lúc ấy, trong chúng tôi chưa ai biết rõ công tích của Hoàng Công Chất nhưng cứ nhìn những bộ đồ thờ được lau chùi sáng bóng, nhìn những nén hương đang nghi ngút cháy, chúng tôi hiểu rằng sức mạnh chúng tôi có được hôm nay là bắt nguồn từ truyền thống đánh giặc bất khuất của cha ông thưở trước. Không phải ai khác mà chính là nhân dân, nhân dân cùng với lãnh tụ của mình đời đời kế tiếp nhau xây dựng nên truyền thống quý báu ấy - truyền thống Việt Nam - sức mạnh Việt Nam - Sức mạnh làm nên một Điện Biên Phủ lịch sử vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Mác – Lênin chân chính, truyền thống đó đã được phát huy được không ngừng nhân lên. Bất giác tôi nghĩ đến ý tứ của các cụ ta ngày trước đã đặt tên Mường Thanh là Điện Biên. Điện nghĩa là vững. Điện Biên là một phủ vững vàng ở biên giới phía tây Tổ quốc.

        Đã qua rồi hàng trăm năm với những bước thăng trầm. Cho đến hôm nay chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh điều đó....”

        Trích: Đại tướng Lê Trọng Tấn, Từ Đồng Quan đến Điện Biên (Đại tá Đỗ Thân thể hiện), Nxb Quân đội nhân dân. Hà Nội – 2002, tr. 289 - đến 353.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #223 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 09:25:48 am »

       
10. THƯỢNG TƯỚNG SONG HÀO (NGUYỄN VĂN KHƯƠNG)




        Thượng tướng Song Hào sinh năm 1917, quê ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tham gia cách mạng từ phong trào Mặt trận dân chủ (1936) và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1939), đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La. Sau khi cùng các đồng chí trong chi bộ nhà tù tổ chức vượt ngục trở về, đồng chí được giao làm chính trị viên Đội Cứu quốc quân, rồi làm bí thư kiêm chỉ huy trưởng Khu căn cứ Nguyễn Huệ; tham gia tổ chức mở rộng lực lượng Cứu quốc quân, tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám diễn ra, đồng chí được giao phụ trách lực lượng vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền ở hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang; là xứ uỷ viên phụ trách liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

        Tham gia kháng chiến chống Pháp, đồng chí Song Hào được giao đảm nhiệm Chính uỷ Khu 10 – Khu Tây Bắc; Bí thư Ban cán sự bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Thượng Lào; là Chính uỷ chiến dịch Lê Hồng Phong 1 (7/2 – 15/3/1950).

        Từ năm 1951 đến 1954, đồng chí là Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ Đại đoàn 308.

        Đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân tiên phong chiến đấu trên những nẻo đường chiến dịch, chia sẻ cùng họ những gian khổ, ngọt bùi và để rồi đến năm 1954 tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội giải phóng. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Song Hào là Uỷ viên Ban liên hợp đình chiến thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ tại Việt Nam.

        Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Song Hào được giao đảm nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Uỷ viên Tổng Quân uỷ, Uỷ viên Ban Kiểm tra Trung ương, Phó bí thư kiêm Trưởng ban Kiểm tra của Quân uỷ Trung ương (1955-1960).

        Tiếp đó, từ năm 1961 đến 1976 đồng chí được giao Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính uỷ chiến dịch Quảng Trị (1972-1973).

        Năm 1976 – 1982 là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng; 1982 – 1986 là Bộ trưởng Bộ Thương binh – xã hội. Đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá III, IV; Bí thư Trung ương Đảng (1976 – 1982). Đại biểu Quốc hội khoá IV, V.

        Với những đóng góp và thành tích xuất sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Thượng tướng Song Hào đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng nhất, hạng ba), Huân chương Chiến thắng hạng nhất...
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Giêng, 2017, 01:19:02 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #224 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 09:27:13 am »


CHIẾN ĐẤU GIẢI PHÓNG TÂY BẮC

        “... Sau chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, căn cứ vào tình hình mới, Bộ Tổng tư lệnh quyết định sát nhập hai chiến khu 14 và 10 làm một, gọi là Liên khu 10. Đồng chí Bằng Giang làm tư lệnh trưởng liên khu, đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh phó và tôi làm Chính uỷ.

        Liên khu 10! Một vùng mênh mông chiếm một phần không nhỏ của Bắc Bộ. Nhìn vào tấm bản đồ chỉ thấy hầu hết một màu xanh cùng với những đường biên độ dày đặc ghi lại những dải núi non trùng trùng điệp điệp.

        Liên khu 10 có hàng mấy chục dân tộc khác nhau, kinh tế thì nghèo nàn, lạc hậu, đường sá giao thông rất ít ỏi và vô cùng khó khăn, hiểm trở.

        Liên khu 10 bị địch chiếm phần lớn đất đai. Từ biên giới Việt – Lào qua sông Đà tới tận bờ sông Hồng, tất cả đều nằm dưới gót sắt của giặc. Hơn thế nữa, một vùng rộng lớn phía Lào Cai, Hoàn Su Phì đổ xuống tới Phố Ràng, sông Chảy cũng đã bị địch chiếm. Dưới phía nam, mấy huyện tây nam Phú Thọ và Mai Đà (Hoà Bình) cũng đã mất, đất tự do của liên khu chỉ còn khoanh lại mấy huyện phía trên của Phú Thọ, hai huyện của Yên Bái, mấy huyện của Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang. Gần như không còn một tỉnh nào nguyên vẹn. Đứng về mặt quân sự, tất cả những vùng chiến lược của liên khu đều đã rơi vào tay quân thù. Các cửa ngõ của liên khu đi Khu 3, Khu 4 ... đều đã bị bịt chặt.

        Trong vùng tạm chiếm, các thổ ti, lang đạo lại leo lên những chiếc ghế vương hầu tột đỉnh của chúng ngày trước, thả sức ra oai tác quái. Mọi luật lệ hà khắc, lệ tục khi xưa lại được chúng phục hồi đầy đủ.

        Về phía bọn Pháp, chúng không mở những cuộc hành binh lớn mà quay ra bình định vì miếng mồi đã quá to, nuốt chưa trôi, chưa thể ngoạm thêm những miếng khác! Chính sách càn quét nhỏ để bình định của chúng đã kết hợp chặt chẽ. Thủ đoạn chính trị nham hiểm như lập ngụy quân, ngụy quyền, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt và chiến thuật “vết dầu loang” cũng bắt đầu ra đời từ lúc này với những hệ thống cứ điểm nhỏ và những cuộc hành quân càn quét liên tục.

        Có thể nói Liên khu 10 là một trong những vùng điển hình trong những khu vực mà quân Pháp đã triệt để áp dụng chiến thuật “cứ điểm nhỏ, vết dầu loang”. Các cuộc hành binh của chúng thường xuyên diễn ra, dùng chủ lực càn quét xong, rút đi, lực lượng chiếm đóng đến thay thế, lập đồn, sau đó tiến tới lập tề và cứ thế các “vết dầu” tiếp tục loang ra mãi.

        A-lếch-xăng-đơ-ri là một con cáo già thực dân rất quỷ quyết. Ngay từ năm 1946 đánh chiếm lại Lai Châu chúng đã chuẩn bị việc thành lập các thứ “xứ tự trị”. Cho tới khi Tây Bắc bị chiếm gần hết thì chúng cũng bắt đầu tuyên bố thành lập “nước Thái”, “nước Nùng”, “nước Mường tự do”. Trong liên khu đã đủ ba thứ “nước” của chúng! Đi đôi với việc lập các “nước”, chúng còn dùng thủ đoạn lưu manh hoá một số người trong nhân dân còn quá chất phác, nông cạn, lạc hậu bằng đủ thứ như rượu, thuốc phiện, gái, trộm cắp, thổ phỉ... Và hiểm độc hơn, chúng tìm mọi cách để chia rẽ các dân tộc. Các khẩu hiệu dã man được chúng nêu lên để xúi giục nhân dân như “Giết Kinh lấy muối, giết Thổ lấy ruộng, giết Mán lấy bạc, giết Mèo lấy thuốc phiện”. Sự chia rẽ, hằn thù dân tộc trước đây do bọn chúng gây nên nay càng được khơi sâu. Ngay sau khi quân ta rút về tả ngạn sông Hồng, quân Pháp kéo tới chưa bao lâu, các cuộc chém giết hết sức thương tâm giữa các dân tộc đã xảy ra gần như liên tục ở khắp nơi.

        Trong khi đó bọn Pháp vẫn ra sức truy lùng cán bộ ta, treo giải thưởng rất lớn bằng bạc trắng, thuốc phiện, muối, vải cho những ai cắt được đầu, xẻo được tai cán bộ.

        Mặt khác, giặc Pháp ra lệnh triệt để bắt lính. Các đạo quân ngụy Thái, Nùng... lần lượt được lập ra để càn quét các nơi hoặc tham gia chiếm đóng trên các cứ điểm nhỏ.

        Có thêm ngụy quân, bọn Pháp đã thành lập và củng cố được một phòng tuyến dài trên ba trăm cây số suốt từ Hoàng Su Phì cho tới tận bờ sông Đà, hình thành một lưỡi liềm khổng lồ cắm ngập vào mạng sườn của căn cứ địa Việt Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #225 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 09:29:12 am »


        Sau khi dự lễ mừng chiến thắng sông Lô ở thị xã Tuyên Quang, tôi cùng đồng chí Trần Tử Bình – phái viên kiểm tra của Bộ đi xuống thăm một số đơn vị từ mặt trận phía tây rút về. Chúng tôi muốn có dịp được trực tiếp tìm hiểu sâu hơn nữa tất cả những nguyên nhân đã dẫn anh em đến không giữ vững được mặt trận, đồng thời tìm hiểu thêm về tình hình tư tưởng, tổ chức, trang bị của các đơn vị hiện nay ra sao, cần được giúp đỡ những gì?

        Chuyến đi này đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm khá sâu sắc. Trước khi tới các đơn vị đóng dọc theo bờ sông Hồng, chúng tôi đã được thấy nhiều điều mới mẻ, phong phú trong đời sống hàng ngày của nhân dân vùng tự do trong những ngày đầu kháng chiến. Chính những điều mắt thấy tai nghe đã trở thành những thu hoạch bổ ích cho chúng tôi trong chuyến đi dài ngày này.

        Một số cán bộ tham mưu, chính trị cũng đi với chúng tôi. Qua các làng xóm trù phú của những huyện Phù Ninh, Thanh Ba, qua những thị trấn Thanh Cù, Vũ Ẻn, Ấm Thượng, chúng tôi dần dần ngược Yên Bái. Vết tích của những trận bom đạn tàn phá trong chiến dịch vừa rồi vẫn còn hai bên đường, nhưng trên mặt đất còn nóng hổi tro than ấy, cuộc sống của nhân dân ta đã được phục hồi mau chóng và tươi trẻ lạ kỳ. Bên cạnh những nền nhà còn đen nhẻm, bề bộn kèo cột cháy nham nhở đã mọc lên những căn nhà mới, vách đất còn ướt, mái còn xanh màu nứa. Bên cạnh những hố bom đã mọc lên những xóm đông vui, những dãy phố “nấm” nhộn nhịp. Trên các thửa ruộng bên đường, bà con đang vực từng con nghé để thay thế cho những con trâu mẹ mới bị giặc bắn chết hôm qua. Có đôi nơi thiếu cả nghé, từng tốp hai, ba người kéo cày để bảo đảm thời vụ. Trên gương mặt họ, ánh lên những niềm tự hào và tin tưởng. Đằng sau những rặng cây, trong những mảnh rừng thưa... tiếng trẻ học bài bi bô vọng ra. Trên con đường Chè, những chiếc xe đạp “tay ngai” lại tấp nập ngược xuôi cả đêm lẫn ngày.

        Ở các thị trấn “nấm”, cuộc sống cũng không kém sôi nổi. Những thị trấn ấy trước kia rất nhỏ bé, lèo tèo dăm ba cửa hàng, vài cơ sở sản xuất thủ công, nhưng từ khi có đồng bào dưới xuôi tản cư lên lập tức trở nên phồn thịnh rất mau chóng. Phố xá cứ phình ra, kéo dài thêm mãi. Có những nơi trước đây chỉ là một ngã ba, một đoạn đường vắng vẻ nay đã có cả một thị trấn sầm uất. Bom đạn giặc cháy hôm nay, mai lại mọc lên dãy phố khác. Bom đạn giặc đốt trụi, phá sạch ở chỗ này, mai cái thị trấn ấy lại tái sinh ở một đoạn đường khác. Ở một mức độ nào đó, các thị trấn “nấm” (hoặc còn gọi là “thành phố nứa”) cũng trở thành lưu động trong kháng chiến.

        Một số không ít những thị trấn ấy đã bị bắn cháy trong thu đông vừa qua nay cũng được dựng lại mới tinh bằng tre nứa cà có phần đông đúc hơn xưa. Đây là một xưởng giấy đang sản xuất. Tiếng máy quay tay chuyển động rình rình. Giấy phơi trắng lốp trên các giàn cao, tràn cả ra dọc hai bên đường. Kia là một cơ sở dệt vải tấm với những cô gái duyên dáng ngồi trên khung cửi đưa thoi thoăn thoắt. Rồi những cơ sở làm nón, làm bột sắn, làm sơn, làm chè, nhuộm vải... Khẩu hiệu “Tự túc tự cấp để trường kỳ kháng chiến”, dán trang trọng khắp mọi nhà, cùng với khẩu hiệu bình dân học vụ, thi đua sản xuất, tòng quân giết giặc... Không còn nghi ngờ gì nữa, đường lối trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh của Đảng ta đã thấm sâu vào quần chúng, biến thành hiện thực.

        Từ Ấm Thượng, chúng tôi bắt đầu ra bờ sông Hồng, đi dọc theo đường xe lửa. Gọi là đường xe lửa, nhưng tất cả các đường ray đề đã bị bóc đi hết để đưa vào các công binh xưởng của quân khu đúc súng đạn, hoặc đem cắm trên các đường giao thông lớn làm chướng ngại vật chống cơ giới địch. Nền đường chỉ còn toàn đã củ đậu. Mới bỏ hoang có ít lâu mà lau lách hai bên đã mọc rậm rạp như rừng. Có những đoạn lau ngả ra, giao nhau che kín cả mặt đường.

        Từ đây trở đi, ở bên kia sông bắt đầu có địch. Các đồng chí quân báo cho biết bọn chúng vẫn thường đi tuần và bắn sang bên này. Từ Yên Bái ngược lên bắt đầu có những cứ điểm nhỏ dọc theo bờ sông. Đó là phòng tuyến sông Thao của địch.

        Đoàn chúng tôi nghỉ lại một đêm ở thị xã Yên Bái đã hoàn toàn tiêu thổ. Bấy giờ vào khoảng tháng ba. Đêm nằm, trong dạ ngổn ngang trăm mối, không sao ngủ được. Bỗng thoảng đâu đó có mùi hoa bưởi. Tưởng như có người, nhưng nhìn ra, bốn bề rất vắng lặng. Nhân dân đã đi hết. Tất cả chỉ còn lại những đống gạch vỡ. Mùi hoa bưởi bỗng nhiên như nhắc cho chúng tôi rằng vẫn còn những mạch sống âm ỉ dưới mảnh đất này, không bao giờ tắt được, chỉ cần làm sao biết khơi động cái mạch sống ấy lên thôi.

        Từ Yên Bái trở đi, đoàn chúng tôi phải đi thận trọng hơn, nhưng vẫn đi theo đường xe lửa, bám bờ sông. Chúng tôi vẫn muốn đi theo con đường này vì mau tới các đơn vị hơn và được tận mắt quan sát quang cảnh vùng tạm chiếm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #226 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 09:31:42 am »


        Qua những quãng lau thưa, chúng tôi nhìn sang bên kia sông khá rõ. Không phải do đã có một ấn tượng trong tình cảm, ý nghĩ nên nhìn cái gì cũng hoá ra ảm đạm, mà quả thật quang cảnh bên đất địch sao mà vắng lặng, âm thầm đến vậy? Lau sậy xác xơ, tiêu điều, ruộng bỏ hoang, cỏ mọc đầy. Quạ bay từng đàn trên những xóm làng đã bị đốt phá nham nhở. Không còn một bóng người, không một tiếng chó sủa.

        Một buổi sáng chúng tôi đang đi, chợt nghe thấy tiếng trung liên nổ vang ở bên kia sông, rồi lau sậy trên đầu chúng tôi đổ rạp. Mọi người vội nằm xuống. Khẩu trung liên bên kia sông tiếp tục bắn sang. Sau đó, qua những lùm cây, chúng tôi nhìn thấy lố nhố bóng áo vàng. Ước khoảng một tiểu đội địch đang đi tuần. Đồng chí liên lạc của tỉnh đội Yên Bái dẫn đường chúng tôi là một thanh nhiên địa phương mới vào bộ đội. Thấy súng nổ, đồng chí này lo lắng hỏi chúng tôi: “Báo cáo! Bây giờ đi đâu?”. Đồng chí Trần Tử Bình bật cười, đáp: “Cậu muốn đưa chúng tôi đi đâu thì đi!”. Một lúc sau, có lẽ không thấy động tĩnh gì nữa, bọn địch bỏ đi. Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Đồng chí liên lạc vẫn chưa hết lo lắng, đề nghị chúng tôi đi vòng theo đường núi. Nhưng chúng tôi động viên và nói rằng chúng tôi vẫn cứ muốn đi theo đường bờ sông, có điều là mỗi khi tới chỗ quang quá thì đồng chí liên lạc nên đưa chúng tôi đi lánh vào bên trong chút ít cho kín đáo hơn...

        Chiều hôm ấy chúng tôi tới đơn vị đầu tiên từ Nghĩa Lộ rút ra. Anh em đang bố trí trận địa ở bên bờ sông. Công sự ngổn ngang. Lều lán mọc khắp trong rừng. Thấy đoàn chúng tôi đến, các đồng chí cán bộ chỉ huy đều ra đón. Các chiến sỹ cũng vui vẻ chào hỏi chúng tôi như những người anh em xa lâu ngày mới gặp nhau. Trước khi nghe các đồng chí chỉ huy báo cáo tình hình chúng tôi đề nghị cho đi thăm nơi ăn, chốn ở, trận địa các đại đội. Chúng tôi tới một đại đội vào đúng bữa ăn. Nhìn vào rá cơm chỉ thấy phần lớn là sắn độn. Bát to không có, canh đựng vào máng tre. Bát nhỏ cũng không, anh em dùng các vỏ hộp, hoặc những khoanh tre bương, gáo dừa để thay thế. Thức ăn, ngoài món canh cà chua nấu với chút mỡ, chỉ còn một món muối rang, giã nhỏ với giềng. Tuy vậy anh em ngồi ăn rất vui vẻ. Thiếu thốn và gian khổ đã không làm giảm được lòng lạc quan cách mạng của các chiến sỹ. Có những anh với biệt hiệu “thầy cù”, thỉnh thoảng lại chêm dăm ba câu pha trò làm tất cả đơn vị cười ồ lên náo nhiệt.

        Chúng tôi nhìn vào quần áo, không thấy một chiếc sơ mi, một cái quần nào còn lành lặn. Nhiều chiến sỹ có lẽ mới vào bộ đội chưa được phát quân trang, còn mặc nguyên cả những bộ quần áo nâu, áo chàm ở nhà. Nhưng tất cả cũng đã cũ và bạc. Hầu hết anh em đều đi đất. Những bàn chân vì đi và leo núi nhiều nên đã to bè ra, gót nứt nẻ. chúng tôi xem đến vũ khí, toàn là kiểu cũ thu được của Pháp, Nhật, phần lớn không còn tốt. Tuy nhiên, có một điều rất đáng chú ý là tất cả đều được lau chùi rất cẩn thận. Hình như mọi việc chăm lo tới quần áo, thậm chí tới tới cả râu, tóc của mình để dồn thời gian vào việc chăm lo cho những khẩu súng, thanh mã tấu yêu quý ấy. Không cần có môt lời giải thích, bình luận, chúng tôi cũng hiểu được ngay: tinh thần, ý chí diệt thù của chiến sỹ ở đây vẫn nồng cháy và vững vàng tới mức nào! Và chính điều ấy đã làm chúng tôi suy nghĩ mãi, làm gì để có thể đánh giá tình hình cho đúng và tìm cho ra những vấn đề mấu chốt nhất trong công tác lãnh đạo.

        Nếu như các chiến sỹ đã gây cho chúng tôi cảm tưởng phấn chấn thì phần lớn cán bộ ở đây đã làm chúng tôi lo lắng. Các đồng chí chỉ huy đơn vị đã báo cáo với chúng tôi khá tỉ mỉ về tất cả quá trình chiến đấu vừa qua và hiện tình của đơn vị. Các đồng chí cũng đã tổng hợp, phân tích nêu bật được nhiều vấn đề quan trọng. Tuy nhiên qua ý kiến của các đồng chí ấy, chúng tôi thấy rõ một tư tưởng sai lầm nghiêm trọng mà quân khu đã nhận thấy ngay từ khi các đơn vị này rút lui trong chiến dịch thu đông vừa qua.

        Nhiều đồng chí đã tỏ ra thiếu tin tưởng ở nhân dân, cho rằng dân Tây Bắc đã theo địch hết. Anh em đã kể cho chúng tôi nghe khá nhiều chuyện về những người dân “đã theo địch” ấy, nào là nộp gà, nộp gạo cho Tây, nào là dẫn đường chỉ điểm, nào là đi phu, đi lính... Tóm lại, các đồng chí đó chỉ nhìn thấy những hiện tượng khiếp nhược, lạc hậu, mà không nhìn thấy những điều cơ bản khác như lòng căm thù giặc và tinh thần cách mạng của nhân dân Tây Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #227 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 09:34:11 am »


        Rời các đơn vị đóng ở đây, đoàn chúng tôi tiếp tục ngược sông Thao, đi gặp những đơn vị khác đóng ở phía trên. Tới đâu chúng tôi cũng thấy một vấn để trầm trọng là tư tưởng thiếu tin tưởng ở nhân dân và ngại quay trở vào Tây Bắc. Nhiều đồng chí chỉ muốn lập một phòng tuyến “quyết tử” bên này sông để ngăn chặn địch.

        Khi câu hỏi “vậy để Tây Bắc vĩnh viễn mất vào tay địch hay sao?” được đặt ra, nhiều đồng chí cán bộ im lặng. Sau đó có đồng chí thở dài, đáp:

        - Nếu muốn trở lại Tây Bắc ta phải có dăm trung đoàn mạnh! Cứ như hiện nay, vào bao nhiêu chỉ “nướng” bấy nhiêu!

        Câu nói thật đau lòng! Tây Bắc đối với các đồng chí ấy đã trở thành một cái gì quá ghê gớm? Các đồng chí ấy đã sợ địch, sợ đèo cao, suối thẳm, thậm chí sợ cả từng người dân.

        Nhưng dù sao việc phát hiện ra vấn đề lớn ấy, đoàn chúng tôi vẫn cứ mừng. Chính những điều tìm hiểu trong chuyến đi này đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong việc chỉ đạo những hoạt động võ trang tuyên truyền, hoạt động của đại đội độc lập sau này. Ngay trên đường về, đoàn chúng tôi đã khẳng định: nếu không giải quyết tốt những tư tưởng nói trên, sẽ không còn mong gì quay trở lại giải phóng Tây Bắc nữa.

        Những nghị quyết của hội nghị Trung ương Đảng hồi tháng 1 năm 1948 đã nhận định về tình hình cục diện chiến tranh trong nước đã chỉ rõ: từ sau chiến dịch Thu Đông 1947, cuộc kháng chiến của ta đã chuyển sang giai đoạn mới. Quân thù đã buộc phải thay đổi chiến lược, chiến thuật. Do đó Trung ương Đảng ta đã đề ra phương châm chiến lược mới để phá tan âm mưu địch, đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến tới Chủ trương phân tán chủ lực, thành lập các đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, và đẩy mạnh hoạt động võ trang tuyên truyền đã được ra đời từ lúc này. Đây là một chủ trương vô cùng sáng tạo, tài tình. Trung ương đã chỉ thị rất rõ ràng. Với các đội võ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, tiểu tổ bí mật (ở đô thị) chúng ta sẽ đi sâu vào lòng địch, xây dựng cơ sở mới, phục hồi những cơ sở đã tan rã, xây dựng các căn cứ du kích trong lòng địch, tạo điều kiện đẩy du kích chiến tranh phát triển, dần dần biến hậu phương địch thành tiền phương  ta, tạo nên thế xen kẽ cài răng lược; thực hiện cho được phương châm: Hình thức tác chiến du kích và tác chiến vận động sẽ hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, làm cho mối quan hệ giữa đánh tiêu hao và đánh tiêu diệt phát triển nhịp nhàng, đúng hướng.

        Đường lối, phương châm ấy đã hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của giai đoạn mới quy luật phát triển của chiến tranh, phù hợp với yêu cầu của cuộc kháng chiến, do đó có thể khai thác được mọi nguồn dự trữ trong nhân dân, huy động được tinh thần của quảng đại quần chúng đấu tranh với địch, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân toàn diện.

        Liên khu uỷ, Quân khu uỷ và Bộ tư lệnh Liên khu 10 đã tập trung gần như toàn bộ sức lực vào việc tổ chức các đội võ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung. Những kinh nghiệm xây dựng, tổ chức các đội võ trang tuyên truyền hồi tiền khởi nghĩa đến lúc này lại được áp dụng rất tổ, rất có hiệu lực. Toàn liên khu đã tổ chức bốn đội võ trang tuyên truyền chủ yếu: đội xung phong Quyết Thắng, đội xung phong Quyết Tiến, đội xung phong Trung Dũng và đội xung phong Tây Bắc, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của quân khu. Các trung đoàn chủ lực đều phân tán hai phần ba lực lượng để tổ chức thành các đại đội độc lập.

        Bộ Tổng tư lệnh rất quan tâm tới chiến trường Tây Bắc, một chiến trường có vị trí chiến lược trọng yếu. Do đó, Bộ cũng rất quan tâm tới việc giúp đỡ chúng tôi trong việc xây dựng, chỉ đạo các đội võ trang tuyên truyền, đại đội độc lập. Riêng Bác Hồ cũng rất lưu tâm tới những hoạt động võ trang tuyên truyền. Bác đã vạch ra cho các đội của Liên khu 10 một cái đích: Điện Biên Phủ! Bác chỉ thị cho các đội phải làm sao xây dựng, phát triển cơ sở quần chúng, cắm bằng được lá cờ đỏ sao vàng trên đất Điện Biên Phủ! Điện Biên Phủ! Ngay từ ngày ấy, Bác đã nhìn tới vị trí chiến lược quan trọng đó.

        Trong quá trình thành lập các đội võ trang tuyên truyền, không phải chúng tôi không gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng chủ yếu vẫn là tư tưởng sai lầm không tin vào dân, ngại núi rừng Tây Bắc.

        Các đồng chí Trần Tử Bình, Bằng Giang và tôi đã tới trung đoàn Yên Bái để giúp đỡ giải quyết những tư tưởng nói trên. Bằng tất cả những dẫn chứng cụ thể trong lịch sử đấu tranh cách mạng từ trước tới nay, bằng những luận cứ cơ bản của cách mạng chúng tôi dần dần đã giúp cho các đồng chí cán bộ trong đơn vị nhận ra được vấn đề và tin rằng nhân dân Tây Bắc vẫn căm thù giặc, vẫn hướng theo cách mạng. Mặt khác, quân địch ở Tây Bắc chỉ cứng ở vỏ ngoài, còn bên trong thì sơ hở, mỏng yếu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #228 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 09:35:22 am »


        Không những ở Đảng bộ trung đoàn Yên Bái phải tiến hành gian khổ những cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ, mà ở các đơn vị khác cũng thế. Khi những cuộc đấu tranh tư tưởng ấy đã thắng lợi. Liên khu uỷ, Quân khu uỷ nhận định rằng: đây là một bước tiến, một thắng lợi đầu tiên nhưng hết sức quan trọng để mở đầu cho một giai đoạn mới trong liên khu...

        Tôi đã đến dự lễ lên đường của đội xung phong Quyết Tiến, một đội mới được tổ chức ra có nhiệm vụ tiến theo đường Nghĩa Lô – Tham Uyên - Quỳnh Nhai, qua Tuần Giáo để tiến vào Điện Biên Phủ. Đội do đồng chí Luân, Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái làm đội trưởng, đồng chí Hồng Quân làm chính trị viên. Hồng Quân là người phụ trách đội tự vệ thanh niên thành Tuyên hồi khởi nghĩa, Hồng Quân đã được Đảng dìu dắt, tiến bộ rất nhanh. Năm 1947, đồng chí đã làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang. Nay cần có cán bộ gan dạ và có năng lực đi xây dựng các đội vũ trang tuyên truyền, Liên khu uỷ chủ trương rút Hồng Quân về hoạt động. Đồng chí Châu Thành, trưởng ban huấn luyện của Khu 10 cũ được phân công làm đội phó.

        Buổi lễ lên đường của đội xung phong Quyết tiến được tổ chức ở một làng cách thị xã Yên Bái không xa, dưới một gốc đa cổ thụ. Khung cảnh ấy làm cho tôi liên tưởng tới Tân Trào, với những đội võ trang tuyên truyền đầu tiên và những Đội Việt Nam Giải phóng quân hồi Tổng khởi nghĩa. Đường cách mạng quả là quanh co khúc khuỷu. Khởi nghĩa đã thành công, quân đội đã được xây dựng, trưởng thành lên một bước mới, nhưng mấy ai đã nghĩ rằng sẽ có ngày những đơn vị ấy lại tách ra để thành lập lại những đơn vị nhỏ, những đội võ trang tuyên truyền. Con đường cách mạng quả là khúc khuỷu; có lúc phải đi vòng trở lại để vượt thác ghềnh, rồi sau đó mới có thể vươn tới những địa vực xa hơn, cao hơn nữa.

        Anh em đứng xếp hàng nghiêm chỉnh dưới bóng cờ trước đại biểu của Đảng bộ, nhân dân địa phương, cán bộ của đơn vị và liên khu. Hầu hết anh em tuổi từ hăm hai, hăm ba trở lên tất cả đều là cán bộ. Mỗi đội viên ở đây là môt huyện uỷ viên cứng, hoặc một cán bộ trung đội vững vàng. Khi tiến vào vùng hậu địch, mỗi độ viên sẽ phải phụ trách một vùng, hoặc ít nhất một xã, thay mặt Đảng lãnh đạo, tổ chức nhân dân đấu tranh toàn diện với quân thù.

        Trang bị của anh em khá gọn nhẹ để có thể đi được lâu được xa. Tất cả những thứ mang trên người đều đã được nghiên cứu rất tỉ mỉ, không thừa, không thiếu. Ngoài gạo, muối, mỗi đội viên còn mang theo bạc trắng, kim chỉ, thuốc men..., những thứ rất cần thiết cho đời sống hàng ngày, đồng thời để trao đổi với đồng bào lấy lương thực khi cần thiết.Trang bị của anh em tương đối đầy đủ, riêng vũ khí vẫn thiếu nhiều, mặc dầu quân khu đã dành cho các đội phần ưu tiên thích đáng. Cả đội trên ba mươi người, chỉ có hơn mười khẩu súng các loại, mỗi khẩu kèm theo hai mươi nhăm viên đạn. Có thể nói anh em ra đi tiến vào Tây Bắc, đi sâu vào lòng địch, chủ yếu chỉ có chủ trương, chính sách của Đảng ở trong tay.

        Hôm ấy, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng gửi tới một lá thư do chính tay đồng chí viết để động viên, dặn dò anh em khi lên đường. Chỉ một cử chỉ ấy cũng đã chứng tỏ sự quan tâm của trên đối với công tác võ trang tuyên truyền trong giai đoạn này như thế nào. Sau đó, tôi thay mặt Liên khu uỷ, Bộ chỉ huy Quân khu chúc mừng anh em tiến quân thắng lợi. Có lẽ cũng đã lâu, tôi mới cảm thấy gian lao, khó khăn đặc biệt. Trước mắt anh em, Tây Bắc lúc này như biển cả mênh mông đang nổi sóng dữ. Không những Liên khu uỷ, Bộ Tư lệnh Liên khu mà giờ đây cả Bác Hồ, cả Trung ương, cả Bộ Tổng tư lệnh cũng đang đặt tất cả niềm tin tưởng ở anh em, những người chiến sỹ của Đảng đang lĩnh một trách nhiệm nặng nề và vinh quang: đi bước đầu ấy thường bao giờ cũng là những bước gian nan, nguy hiểm. Tôi ôn lại với anh em những kinh nghiệm hoạt động của các đội vũ trang tuyên truyền khi trước, kinh nghiệm của bản thân chúng tôi trong những ngày còn đen tối phải chui rừng, ngủ bụi tìm bắt liên lạc, giác ngộ, tổ chức bí mật tới từng người dân... Các chiến sỹ võ trang tuyên truyền đã được nhắc nhở: cần phải luôn luôn nắm thật vững quan điểm quần chúng, chính sách dân tộc của Đảng. Đó là nguồn gốc của thắng lợi. Có dân là sẽ có tất cả, sẽ chiến thắng tất cả. Để tiến hành tốt công tác, anh em cần thực hiện ba hoá: địa phương hoá, dân tộc hoá và quần chúng hoá. Ngoài ra người chiến sỹ cách mạng đều phải phát huy đầy đủ đức tính dũng cảm, ngoan cường, đoàn kết, kỷ luật...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #229 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 09:38:09 am »


        Lễ lên đường bế mạc. Toàn đội xuất phát. Hồng Quân - người thanh niên của thành Tuyên khi xưa có ý dừng lại đợi tôi để gửi lại lời tạm biệt. Tôi siết chặt tay Hồng Quân, nhìn mãi vào cặp mắt sáng, thông minh, giàu nghị lực của anh. Tôi không nghĩ rằng đó là lần cuối tôi được cầm tay người đồng chí thân yêu. Hồng Quân vào Tây Bắc và không bao giờ trở ra nữa. Anh cũng như không ít các đồng chí thân yêu khác đã ngã xuống giữa núi rừng Tây Bắc mênh mông còn ngập đầy bóng giặc. Người ngã xuống vì một viên đạn của quân thù, người ngã xuống sau nhưng trận ốm đau mòn mỏi, những ngày đói khát... Mỗi một người ngã xuống vì một lý do khác nhau, nhưng tất cả những người đảng viên quang vinh, những người con ưu tú của đất nước ấy đều đã đem máu của mình để viết nên những trang sử giải phóng dân tộc.

        Liên khu uỷ và Bộ tư lệnh Liên khu đã chờ đợi tin tức của các đội võ trang tuyên truyền với tất cả nỗi lo lắng, niềm hy vọng của mình. Chúng tôi cứ phàn nàn với nhau mãi: “ Giá có điện đài, cho mỗi đội một cái thì hay biết mấy!”. Tiếc thay, không những liên khu mà cả trên Bộ lúc đó vẫn còn quá nghèo. Tất cả mối liên lạc với các đội chỉ còn trông chờ ở đôi chân của các đồng chí giao thông.

        Tung các đội ra đi mà không có cách gì để theo sát những hoạt động của anh em từng bước, từng ngày, chúng tôi cảm thấy mắt mình, tai mình như có ai bịt lại. Tin tức đưa về rất thưa và thất thường, càng làm cho chúng tôi sốt ruột. Qua tháng đầu tiên, được biết các đội đều đang gặp khó khăn. Qua tháng thứ hai, tin tức thưa thớt hơn, chỉ biết anh em đã tiến rất sâu vào lòng địch theo phương pháp “cóc nhảy” hoặc “nhảy dù”, địch đang đối phó, vây lùng ráo riết. Sau tháng thứ ba hầu như bặt tin. Rồi sau đó, đùng một cái, chúng tôi nhận được báo cáo: Các đội đều đã bị bật trở ra bờ sông Hồng. Hiện có đội đã vượt sông trở về vùng tự do bên này để củng cố.

        Không chậm trễ chúng tôi phân nhau đi tới ngay những đơn vị ấy. “Bị bật tất cả trở lại”, chỉ bằng từng ấy chữ thoi cũng đã làm cho chúng tôi hình dung được phần nào những khó khăn mà anh em đã vấp phải. Tây Bắc! Hai tiếng ấy lại ngân vang lên trong đầu óc chúng tôi với tất cả những âm thanh bi hùng của nó.

        Các chiến sỹ trở ra hầu hết đều đau yếu, gầy còm. Có đồng chí do bị sốt rét nhiều quá, lại không có thuốc men, tóc đã rụng gần hết. Có đồng chí vì bị địch vây phải lẩn lút mãi, không có lương thực, ăn lắm lá, trái cây, rau rừng, hai hàm răng đã xanh lè. Nom thấy chúng tôi, có đồng chí rơi nước mắt.

        Chúng tôi đã nghe kể lại tất cả những bước đường hoạt động gian nan của các đội. Ở đây, trên những trang hồi ký này, không thể viết lại được hết, nhưng tôi cũng muốn ghi lại một vài dòng về người đảng viên, những chiến sỹ đầy lòng hy sinh, dũng cảm ấy.

        ... Sau khi vượt sông Hồng, đội xung phong Quyết Tiến bắt đầu tiến vào vùng đất địch kiểm soát. Trước mắt anh em là đồn Ca Vịnh trấn giữ con đường duy nhất đi vào Tú Lệ. Toàn đội loanh quanh ở đó đã hàng tuần lễ mà chưa đi được. Bộ chỉ huy Liên khu thấy vậy bèn viết thư giục, đồng thời phái đại đội Kim Sơn tiến vào tập kích Ca Vịnh để tạo điều kiện cho anh em vượt sâu bên trong. Đại đội Kim Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Quân địch ở Ca Vịnh bỏ đồn rút chạy. Toàn đội xung phong Quyết Tiến rất phấn khởi, cứ dọc theo đường cái tiến vào Gia Hội, rồi Tú Lệ, đàng hoàng như một đạo quân chủ lực lớn. Anh em đã quên mất đặc điểm hoạt động của mình, quên cả ý thức giữ gìn bí mật. Bộ chỉ huy Liên khu nắm được tình hình ấy lại phải có thư nhắc nhở. Sau đó, đội mới bớt chủ quan, bắt đầu chuyển từ hành quân ban ngày sang ban đêm, đội tiến vẫn rất dễ dàng vì quân địch nghe tin đồn “có năm nghìn quân Việt Minh kéo vào” nên chúng đã cuốn gói bỏ chạy. Đội xung phong Quyết Tiến lại phát sinh tư tưởng chủ quan. Vào Tú Lệ không mất một phát súng, lại thấy nhân dân nô nức kéo ra đón mừng, các đồng chí ta bèn tổ chức một cuộc liên hoan khá nhộn nhịp, tưng bừng. Mọi công tác quần chúng gần như chưa làm được gì. Toàn đội chỉ mới thực hiện được một việc là gọi những tên tay sai của địch cùng các phìa, tạo đến cảnh cáo, bắt phải cam đoan trung thành với cách mạng, không được làm hai nhân dân.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM