Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:04:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46023 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #200 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 03:54:17 pm »

           
ĐIỆN BIÊN PHỦ

        “ .. Chập tối ngày 25 tháng 1 năm 1954, tôi họp Bộ tư lệnh kéo pháo để bàn cách thực hiện mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch: Kéo pháo ra. Anh Phạm Ngọc Mậu, Chính uỷ Đại đoàn 351 nói:

        Mình vừa gọi điện kiểm tra tình hình. Đang chuẩn bị đi thì ông Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) bảo lấy giấy bút ghi mệnh lệnh. Lệnh thế này: “Ngay từ tối nay bắt đầu kéo pháo ra khỏi trận địa lâm thời đến vị trí an toàn. Mệnh lệnh này yêu cầu được chấp hành triệt để. Nhiệm vụ chuyển pháo ra coi như mệnh lệnh chiến đấu”.

        Trực tiếp đọc lệnh cho mình ghi xong, Chỉ huy chiến dịch hỏi thêm:

        - Rõ chưa?

        - Báo cáo rõ!

        - Thế thì chấp hành ngay! Lý do sẽ được giải thích sau!

        Ông Văn bỏ máy rồi mà mình vẫn cứ ngớ ra. Bao nhiêu công phu kéo vào giờ lại chuyển ra. Mình cứ áp mãi ống nghe vào tai xem ông có nói gì nữa không, nhưng máy im lặng. thế là mình đến gặp các ông bàn chuyện kéo pháo ra.

        Chúng tôi đang họp thì đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch đến. Chúng tôi được phổ biến tình hình và nghị quyết của Đảng uỷ mặt trận, đại ý như sau:

        Sau khi hạ quyết tâm lấy Điện biên Phủ làm nới quyết chiến chiến lược với chủ lực ta, Na-va đã trực tiếp thông qua kế hoạch tác chiến và tăng cường binh lực hoả lực, phương tiện cho Điện Biên Phủ. Đây là sự bị động về chiến lược của địch. Cách đây mươi ngày, quân địch ở Điện Biên Phủ có nhiều sơ hở. Vì trận địa chưa củng cố, binh lực còn ít nên ta chủ trương “đánh nhanh giải quyết nhanh”. Nay địch đã tăng cường lực lượng, bố trí dày đặc, xây dựng hệ thống phòng ngự khá vững chắc. Đảng uỷ chiến dịch đã họp nhiều lần và quyết định hoãn tiến công, kéo pháo ra, tiếp tục chuẩn bị thật kỹ để đánh chắc thắng.

        Cụ thể là ở phía bắc, khi chúng tôi mới lên Điện Biên, điểm cao Độc Lập chỉ là vị trí tiền tiêu, nay đã trở thành một cứ điểm mạnh do một Tiểu đoàn Âu Phi chiếm đóng. Him Lam trở thành trung tâm phòng ngự kiên cố nhất của địch ở Điện Biên. Hồng Cúm trước chỉ là một vị trí ở phía nam nay đã trở thành cụm cứ điểm có sân bay dự bị, có trận địa pháo. Các cứ điểm ở tây sân bay Mường Thanh được củng cố.

        Điện Biên Phủ không phải là một trận đánh quy mô lớn, tiến công quân địch trong công sự vững chắc như trước đây chúng ta hình dung mà sẽ là một chiến dịch tiến công quân địch trong một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay. Ngay trong Chiến tranh thế giới lần hai quân Pháp chưa bao giờ xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh như thế.

        Chúng tôi cùng nhìn về phía lòng chảo Điện Biên, nơi đang phát ra những tiếng động cơ xe, máy ầm ĩ. Trong màn sương, một quầng ánh sáng đỏ bầm hắt lên nền trời. Những luống sáng của đèn pha quét trên bầu trời đen thẫm. Tôi có cảm tưởng như dưới lòng chảo kia đang có cuộc hội tụ của những âm binh, ma quỷ trong truyện cổ tích.

        Đồng chí Hoàng Văn Thái phân công đại đoàn chúng tôi cho một bộ phận nhỏ bố trí đề phòng địch nống ra khi ta kéo pháo ra, còn toàn đại đoàn sẽ cùng với Trung đoàn sơn pháo 675 kéo pháo. Giao nhiệm vụ xong, anh Hoàng Văn Thái tâm sự:

        - Nói thật với các anh, trong chín ngày qua, Đảng uỷ theo dõi từng buổi, từng ngày tình hình kéo pháo quá chậm chạp của chúng ta. Mặc dù cán bộ, chiến sỹ ta rất dũng cảm, chịu đựng gian khổ nhưng sức người chỉ có hạn.

        Anh nhìn chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhau. Anh nào anh nấy mặt mũi hốc hác, vì thiếu ngủ, vì làm việc quá sức. Anh Thái tiếp:

        - Đảng uỷ băn khoăn với nhiều câu hỏi khó trả lời. Kéo pháo vào đã khó thế này khi cần cơ động thì làm thế nào? Nếu khi ta nổ súng, địch đánh trả thì làm thế nào để bảo đảm an toàn cho người, cho pháo? Pháo 105 và cao xạ là vốn quý của ta hiện nay.

        Anh dừng một lát, nhìn con đường kéo pháo nhỏ hẹp mất hút dưới chân nói nói tiếp, giọng trầm hẳn xuống:

        - Pháo bị làm sao sẽ ảnh hưởng lớn tới sức chiến đấu trước mắt và tới cuộc kháng chiến của ta. Cho nên Đảng uỷ phân công tôi xuống gặp các anh để truyền đạt nghị quyết của Đảng uỷ và cùng các anh bàn chuyện lãnh đạo, chỉ huy kéo pháo ra, làm đường mới, đặt trận địa ngay trên đỉnh núi kia bắn xuống Mường Thanh – Tham mưu trưởng khoát tay chỉ những đỉnh núi lẫn trong bóng đêm.

        Bộ tư lệnh kéo pháo tiếp tục họp bàn. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu vốn là người bộc trực, rút trong túi áo bông to xù gói thuốc lào ngồi xếp bằng tròn lấy áo che lửa, rít một hơi dài rồi vừa thở vừa nói:

        - Cái tin tung ra mà không có lãnh đạo chặt là lôi thôi lắm đây! Anh em đang hăng máu vì bấy lâu nay im hơi lặng tiếng, có nén để chờ cái ngày nên cho chúng một trận tơi bời mà nay lại kéo pháo ra anh nào cũng bị hẫng. Đột ngột quá mà! Tuy vậy, ta tin anh em khi đã thông thì sẽ quyết tâm cao. Tôi tin là chúng ta sẽ lãnh đạo được tư tưởng anh em. Ta cứ nói thật với anh em, họ sẽ thông ngay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #201 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 03:55:11 pm »


        Chúng tôi nhất trí với anh Mậu. Phải dựa vào chi bộ, vào cấp uỷ và những đồng chí cốt cán làm công tác tư tưởng họ tốt để bảo đảm kéo pháo an toàn, bí mật. Về quân sự tôi đề nghị:

        - Triệt để chấp hành mệnh lệnh rút pháo an toàn. Tranh thủ thời gian kéo ra càng nhanh, càng tốt. Anh dũng vượt qua những nơi pháo địch hay bắn chặn, tránh thương vong vô ích. Ở những trọng điểm đó phải có cán bộ chủ trì trực tiếp chỉ huy. Tăng cường ngụy trang giữ bí mật đường kéo pháo và nới trú quân. Làm công sự cho người cho pháo.

        Các anh đều nhất trí.

        Để bảo đảm chỉ huy thông suốt, tôi cho huy động toàn bộ dây điện thoại của đại đoàn rải trên trục đường. Mỗi một dốc lại có một bộ phận chỉ huy. Mạc Ninh, Chính uỷ Trung đoàn 141 được anh em gọi là “Chính uỷ tời”. Mạc Ninh trụ ở dốc “Bảy tời”. Hôm kéo pháo phải dùng tới bảy tời mới kéo được pháo lên. Nay đổ dốc lại phải dùng ngần ấy tời thả pháo nhích từng đoạn ngắn. Ngược lại ở vực “Vườn chuối” trước phải ghìm dây thả pháo. Nay phải gò lưng đẩy pháo lên.

        Địch phát hiện ta kéo pháo ra qua những cành lá ngụy trang trên đường đã bị khô héo. Ban ngày, chúng cho máy bay trinh sát sục sạo, dùng khu trục ném bom. Ban đêm, chúng cho pháo bắn chặn. Trong đợt kéo pháo vào chúng ta có Nguyễn Văn Chức đã anh dũng hy sinh cứu pháo. Đợt kéo pháo ra có Tô Vĩnh Diện đã quên mình chèn khẩu pháo cao xạ đổ dốc. Những tâm gương anh dũng đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cả đại đoàn cùng với Trung đoàn 675 đã kéo hết pháo ra. Cũng trong ngày hôm đó, Bộ tư lệnh kéo pháo được Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập về nam Mường Phăng. Đồng chí Tư lệnh chiến dịch hết sức xúc động khi thấy anh em ai cũng hốc hác, có người quần còn nguyên bùn đất. Đồng chí nói:

        - Các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo. Bộ tư lệnh coi như các đồng chí đã chiến đấu và đã chiến thắng. Nếu không có chỉnh quân chính trị, trình độ giác ngộ của chiến sỹ không được nâng cao thì không thể có được thành tích này.

        Sau đó chúng tôi nhận nhiệm vụ làm đường cho pháo cơ động xung quanh Điện Biên. Trung đoàn trưởng công binh 151 Phạm Hoàng trình bày phương án làm đường.

        Thực hiện phương châm đánh chắc, tiến chắc, để bảo đảm an toàn cho người và pháo, theo yêu cầu của pháo binh: hoả khí phân tán nhưng hoả lực tập trung, chúng ta sẽ làm sáu mạch đường để đưa pháo lên hai dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ. Sáu mạch đường gồm:

        - Đường số 1, xa nhất từ Bản Tấu đến Tà Lèng dài 27 ki-lô-mét.

        - Đường số 2 từ Bản Xòm, Mường Phăng đến Pú Hồng Mèo dài tám ki-lô-mét.

        - Đường số 3 từ Đa Voong đến Nà Lời dài ba ki-lô-mét.

        - Đường số 4 từ Pe Na đến Nà Lời dài chín ki-lô-mét.

        - Đường số 5 từ Mường Phăng đến Nà Nham dài bảy ki-lô-mét.

        - Đường số 6 từ Bản Xin qua đỉnh núi Pu Y Tao đến bản tấu dài 18 ki-lô-mét (phía bắc đồi Độc Lập)

        Phạm Hoàng nói chắc nịch: “Ngồi trên Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ mà bắn thì trăm phát trăm trúng cả trăm”.

        Lực lượng làm đường có Trung đoàn công binh 151 làm nòng cốt, Đại đoàn 316, Đại đoàn 312 và phần lớn Trung đoàn sơn pháo 675. Hôm nhận nhiệm vụ làm đường cho pháo cơ động, tôi đã dẫn cán bộ đại đoàn đi nhận cọc tiêu và bổ những nhát cuốc đầu tiên. Làm đường cho xe kéo pháo được tiến hành khẩn trương trong điều kiện không có máy ủi, không được dùng thuốc nổ. Ngay những công cụ thô sơ như búa tạ, choòng cũng không đủ. Rìu để chặt cây không có. Anh em chỉ có những con dao rựa và chiếc xẻng bộ binh đã cũ. Chúng tôi chia ra mỗi đại đội là một công trường làm suốt cả ngày đêm. Công việc đã rèn luyện con người và chính con người đã đưa năng suất lao động tăng lên.

        Không có choòng, xà beng, anh em chặt gỗ cứng làm xà beng. Không được dùng mìn, anh em kiên nhẫn theo thớ đá đục dần. Không có cưa anh em bới gốc cây chặt dần từng rễ rồi hạ cây bằng dao rựa. Gặp những tảng đá không thể phá được, anh em đào hố bên dưới, đánh tụt tảng đá xuống. Trong lao động, giữa pháo binh và bộ binh nảy sinh mối tình keo sơn, gắn bó. Ngày 10 tháng 21 khởi công, đến đêm 17 tháng 2 những chiếc xe ba cầu của trung đoàn lựu pháo đã có thể kéo pháo theo những con đường mới mở. Tiếp đó chúng tôi lại cùng anh em pháo binh làm hầm cho pháo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #202 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 03:55:37 pm »


        Đào hầm cho pháo 105 cồng kềnh, đồ sộ đòi hỏi khá nhiều công sức. Trận địa pháo của ta đặt bên này dốc để bắn vào Mường Thanh cho nên hầm pháo phải bảo đảm vừa bắn tốt, vừa an toàn. Nếu địch có dùng máy bay ném bom hoặc đấu pháo, pháo ta vẫn an toàn cả người và vũ khí. Mỗi hầm pháo phải đào sâu vào vách núi moi từ 200 đến 300 mét khối đất đá. Gỗ cho hầm pháo phải có đường kính từ 30 cen-ti-mét trở lên. Gỗ lại không được khai thác ở quanh đó mà phải đi xa từ năm đến mười ki-lô-mét. Nắp hầm phải dày trên ba mét, gồm nhiều lớp đất xen gỗ và bó trúc, bảo đảm có thể chịu đựng được bom tạ, đạn xuyên của đich. Cạnh Mỗi hầm pháo là hầm chỉ huy, hầm chứa đạn. Cứ bốn khẩu đội lại có một hầm là nơi hội họp, vui chơi. Nối liền các hầm pháo là hào giao thông khá rộng và sâu, có rãnh thoát nước và hố tránh bom lửa. Lại có đường hào từ trận địa pháo về khu vực cung cấp nước ở tuyến giữa. Ở đây có hầm ăn, hầm ở, hầm thương binh, hầm bếp, hầm giấu xe... đào xong hầm pháo có lưỡi xẻng chỉ còn là một cái thìa con.

        Thế trận của pháo binh ta bố trí rất hiểm: Một tiểu đoàn lựu pháo ở ngay trên đỉnh Tà Lèng phía đông Điện Biên Phủ. Một đại đội bố trí phía bắc trên cánh đồng Bản Tấu. Một tiểu đoàn trong khu Nà Lời, cạnh đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách Him Lam khoảng ba ki-lô-mét theo đường chim bay. Một đại đội bố trí ở phía nam để khống chế sân bay Hồng Cúm và cụm pháo địch ở đây.

        Làm xong đường và trận địa pháo, anh em càng thấy chủ trương đánh chắc, tiến chắc của Bộ chỉ huy chiến dịch là chính xác. Chúng ta đã tạo điều kiện để chủ trương đó từ khả năng trở thành hiện thực.

        Khi con đường kéo pháo đã hình thành, trận đại pháo đã bố trí xong, chúng tôi lại trở về nhiệm vụ của mình: Chuẩn bị cho trận đánh Him Lam, trận mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

        Chúng tôi chuẩn bị đánh Him Lam và Độc Lập. Theo kế hoạch thống nhất của Bộ chỉ huy chiến dịch trong đợt 1, đêm 13 tháng 3, tiêu diệt Him Lam mở màn chiến dịch, đêm hôm sau tiêu diệt Độc Lập và Bản Kéo.

        Lực lượng tiến công tiêu diệt Him Lam có Trung đoàn 141 là lực lượng chủ yếu và Trung đoàn 209. Trung đoàn 165 là lực lượng chủ yếu và Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt và chiếm lĩnh Độc Lập, Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Bản Kéo.

        Trong đợt 1 Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 có nhiệm vụ kiềm chế pháo tại Hồng Cúm. Đại đoàn 306 cho lực lượng nhỏ đánh nghi binh vào một số điểm cao ở phía đông. Đại đoàn 351 có nhiệm vụ yểm hộ đắc lực cho các đại đoàn bộ binh tiến công kiềm chế pháo địch, tập kích vào sân bay và sở chỉ huy địch.

        Kế hoạch tác chiến còn đề ra các mặt bảo đảm phòng không, phòng hoá, bảo đảm thông tin, bảo đảm hậu cần, dự kiến những tình huống cơ bản và cách xử trí trong quá trình chiến đấu.

        Him Lam là một trung tâm phòng ngự kiên cố nhất của địch. Vị trí này thuộc phân khu trung tâm, cách Mường Thanh 2,5 ki-lô-mét, có nhiệm vụ bảo vệ phân khu trung tâm Mường Thanh và án ngữ con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên. Binh lực ở Him Lam có tiểu đoàn lê dương tăng cường thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13. Him Lam có ba mỏm hình thành ba cứ điểm vừa yểm hộ được cho nhau, vừa có thể độc lập tác chiến. Hoả lực chia làm nhiều tần khá vững chắc, có nhiều hoả điểm chéo, hoả điểm lướt sườn. Hệ thống công sự phụ có bãi mìn và dây thép gai rộng từ 100 đến 200 mét.

        Vị trí Độc Lập nằm trên một quả đồi dài 700 mét, rộng 150 mét, cách Mường Thanh bốn ki-lô-mét, do một tiểu đoàn Bắc Phi (Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 7 An-giê-ri) và một đại đội lính Thái chiếm giữ Độc Lập được tăng cường bốn khẩu cối 120 và được pháo ở Hồng Cúm, Mường Thanh chi viện, ngăn chặn ta từ phía bắc theo con đường Lai Châu đi Điện Biên.

        Bản Kéo ở trên một quả đồi ở tây bắc sân bay, cách khu trung tâm hai ki-lô-mét do một tiểu đoàn Thái chiếm đóng.

        Các Đại đoàn 308 và 312 có nhiệm vụ tiêu diệt và tổ chức chiếm giữ cả ba trung tâm đề kháng của địch. Mục đích của đợt tiến công này là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng, tạo điều kiện cho quân ta thắt chặt vòng vây và mở cuộc tiến công vào khu trung tâm. Đây là trận đánh mở màn chiến dịch, cũng là trận đánh đầu tiên của Quân đội ta vào một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay.

        Tiến công một cứ điểm nằm trong một tập đoàn cứ điểm mạnh đặt ra cho chỉ huy những vấn đề mới mẻ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #203 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 03:57:09 pm »


        Trước hết là trinh sát. Sau khi nhận nhiệm vụ, ngày nào chúng tôi cũng đi trinh sát thực địa, ban ngày lên đài quan sát để nghiên cứu Him Lam. Ban đêm cán bộ lại tiếp cận. Muốn hiểu Him Lam cả ngoại vi và tung thâm phải đi từ nhiều hướng trong nhiều thời gian khác nhau rồi tổng hợp tình hình từ nhiều nguồn mới có thể kết luận chính xác. Tôi tự nhủ mình như vậy. Trong lúc cán bộ đi trinh sát, các chiến sỹ đào hào giao thông từ vị trí xuất phát tiến công đến tuyến xuất phát xung phong.

        Địch dò biết ý định của ta nên tổ chức phản kích quyết liệt. Đêm 11 tháng 3, ta vừa đào xong tuyến xuất phát xung phong thì sáng ngày 12 chúng huy động bộ binh, có xe tăng yểm hộ và xe xúc đất ra lấp. Lính công binh địch cài mìn trên những đoạn hào ta đã đào rồi dùng xe ủi lấp lại. Lấp xong, chúng cho pháo binh bắn phá và cho máy bay ném bom từ tuyến xuất phát xung phong tới cửa rừng. Các tuyến xuất phát xung phong của các mũi đều bị lấp.

        Tối 12 tháng 3, tranh thủ sương mù chúng ta lại đào. Anh em phải gỡ từng quả mìn, moi đất lẫn với cành cây trên từng đoạn hào. Địch dùng súng cối, pháo binh bắn chặn quyết liệt.

        Ban ngày địch lấp hào, ban đêm chúng dùng đèn pha, pháo sáng. Chúng cho những phân đội nhỏ tuần tiễu và đặt vọng gác ở ngoài hàng rào để ngăn chặn trinh sát ta thâm nhập. Trong hai đêm liền các chiến sỹ không sao tiếp cận được chân rào. Có lần anh em phải giấu mình trong một bụi cỏ cả một ngày để quan sát rồi chờ đến đêm đi trinh sát tiếp. Nhiều chiến sỹ quân báo dũng cảm của ta đã bị thương vong. Nhưng đến lúc này tình hình tung thâm Him Lam ra sao chúng ta vẫn chưa hiểu rõ. Không thể thông qua một kế hoạch tiến công khi chưa thật hiểu cụ thể kẻ thù. Trận này phải tổ chức hiệp đồng tới từng mũi tiến công. Tôi cho gọi Lư, Trung đội trưởng quân báo đại đoàn đến. Tôi hỏi Lư:

        - Lư có nắm được quy luật hoạt động của địch ban ngày, ban đêm ở ngoài cứ điểm Him Lam không?

        Trung đội trưởng Lư rất lo vì tưởng tôi gọi lên để hỏi về việc tổ cậu ta vừa qua không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng thấy tôi thân mật, Lư nói:

        - Báo cáo đại đoàn trưởng, tôi nắm được quy luật hành động của chúng nó. Ban ngày cứ khoảng hai đến ba giờ chúng lại cho một trung đội ra bờ sông Nậm Rốm lấy nước. chúng đi theo lối này – Lư chỉ trên tấm sơ đồ cụm cứ điểm Him Lam – Ban đêm địch đi theo cổng chính ra phục kích cách đồn khoảng 500 mét.

        Đây là đoạn đường ngày nào chúng tôi cũng quan sát. Hai bên đường có rãnh thoát nước, những mô đất, những vạt cỏ cháy sém lúp xúp. Có thể phục kích ở chỗ này được đây! Địch ngăn chặn không cho ta vào đồn lại tổ chức phục ở ngoài, ta tổ chức phản phục kích bắt chúng phải khai. Khi đi ra ngoài phục thì chắc chúng nó không đề phòng phía trong. Phải làm những điều mà địch không tin ta làm được. Một trận phản phục kích của đối phương ở ngay sát chân đồn chắc là trong kế hoạch phòng ngự địch không tính đến. Nghĩ thế tôi bảo Lư:

        - Ban đêm, khi địch mang quân ra phục kích, các đồng chí cho một trung đội bí mật bò sát vào gần đồn, chỗ cửa chính, dàn thành đội hình cái phễu, bí mật tiến về phía địch. Chờ nó đi phục về bắt sống vài tên. Có bắt cho được tên chỉ huy. Đi như thế không lo vấp mìn. Đánh như thế cũng không sợ hoả lực địch bắn thẳng và pháo. Bởi vì đường đi của bọn lính đi phục, đường về và thời gian về của chúng đều nằm trong kế hoạch hiệp đồng rồi. Ta phải lợi dụng cách làm ăn bài bản của địch để đánh nó.

        Lư chăm chú nghe tôi nói. Khuôn mặt thiếu ngủ của cậu trung đội trưởng quân báo bừng sáng:

        - Báo cáo đại đoàn trưởng, có thế mà chúng tôi nghĩ không ra. Xin phép đại đoàn trưởng cho tôi về tổ chức anh em.

        - Khoan đã! Kế hoạch của cậu như thế nào, ta cùng bàn?

        Lư trình bày cách tổ chức bộ đội thật gọn nhẹ, ngụy trang bằng đất (ở vùng này không có cỏ). Lực lượng này sẽ tiến ra cửa rừng vào lúc địch đi lấy nước. Quan sát đường đến trận địa phục kích, phân công cho từng tay súng. Chọn độ mười người có sức khoẻ để bắt sống tù binh. Cứ hai người vật một tên.

        Tôi đưa Lư bao thuốc lá và ấm chè Phú Thọ mang về cho anh em. Tôi nói:

        - Hẹn cho các cậu ba hôm phải bắt cho bằng được tù binh.

        - Rõ! Ba hôm phải hoàn thành nhiệm vụ - Lư phấn chấn trả lời.

        Đúng ba ngày sau, Lư dẫn lên sở chỉ huy tên Thiếu uý Giắc-cơ (trong trận này quân báo đại đoàn đã diệt hơn một tiểu đội địch, bắt sống ba lính lê dương).

        Giắc-cơ là một thiếu uý trẻ mới tốt nghiệp ở trường ra. Hắn đã khai hết những điều chúng tôi hỏi và cả những điều chưa kịp hỏi. Căn cứ vào những điều tổng hợp được, đối chiếu với lời khai của Giắc-cơ, chúng tôi thấy lời khai của tên tù binh này có thể tin cậy được.

        Him Lam trước có năm mỏm, nay địch dùng máy ủi san đi còn ba. Địch bố trí theo kiểu điểm tựa phòng ngự hình tròn. Mỗi điểm tựa có thể vừa tự bảo vệ mình lại vừa có thể chi viện cho nhau. Do địa hình nên địch bố trí hoả lực thành nhiều tần. Giữa các hoả điểm có hào giao thông nối liền. Giữa các cứ điểm có hàng rào và bãi mìn ngăn cách. Cứ điểm nào cũng có hầm ngầm và lực lượng phản kích. Trong khi tôi hỏi cung, anh em quân báo, tác chiến đã lên sơ đồ. Nhìn ngọn bút chì trong tay anh em, tôi biết tất cả lời cung của Giắc-cơ đã được thể hiện lên sơ đồ.

        Tôi cho Giắc-cơ điều thuốc lá và một tách cà phê, hắn cảm ơn rối rít. Tôi bảo hắn:

        - Chúng tôi không giết anh đâu. Anh có điều gì cần nói không?

        Giắc-cơ nói:

        - Thưa ngài, tôi đã khai hết tất cả những gì tôi biết về Bê-a-tri-xơ (mật danh của Him Lam). Bây giờ tôi xin phép ngài cho tôi nói một điều từ trái tim tôi: Các ngài không nên đụng đến Bê-a-tri-xơ. Đó không phải là một vị trí thông thường. Nó là một pháo đài thực sự, một pháo đài bất khả xâm phạm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #204 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 03:57:31 pm »


        Một cán bộ tác chiến có mặt trong cuộc hỏi cung nói với tên thiếu uý:

        - Chúng tôi đã được nghe khá nhiều về những cái “bất khả xâm phạm” của các anh. Từ cụm cứ điểm kiểu Đông Khê của tướng Các-păng-chi-ê cho đến hệ thống boong-ke của tướng Đờ Lát. Như anh biết đấy, ở đời không có cái gì là không thể chiếm được!

        Tôi thấy tên thiếu uý đỏ mặt. Hắn nói tiếp:

        - Thưa ông, Bê-a-tri-xơ do chính một vị cố vấn Mỹ vừa ở Triều Tiên về thiết kế và trực tiếp đôn đốc thi công. Tướng Mỹ Ô Đa-ni-en và ngài Đại tá Đờ Cát thân chinh tham gia bố phòng. Ngài Bộ trưởng Quốc phòng Ple-ven cũng đã đến tận nơi thanh tra. Chỉ huy Bê-a-tri-xơ là Thiếu tá Pê-gô, một sỹ quan lê dương chính thống.

        Tôi bảo hắn:

        - Các anh cứ chờ đấy! Chúng tôi sẽ tiêu diệt Bê-a-tri-xơ. Đây là Việt Nam. Anh hiểu không?

        Ngay sau khi tên tù binh ra khỏi hầm, chúng tôi bắt tay vào bổ sung kế hoạch tiến công Him Lam. Thời gian chỉ còn 12 tiếng. Phải dành thời gian cho trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội triển khai cho tới từng chiến sỹ. Tôi tập trung vào ba vấn đề then chốt, một là hiệp đồng với pháo, hai là đột phá mở cửa và ba là đánh tung thâm.

        Về hiệp đồng với pháo binh, ngay từ hôm chúng tôi nhận nhiệm vụ tiến công Him Lam, đài quan sát của đại đội trưởng Trần Kính đặt ở Quang Tum đã có quan hệ chặt chẽ với đại đoàn. Trong sở chỉ huy, bên cạnh bản đồ Điện Biên có yếu đồ Him Lam và yếu đồ hoả lực pháo binh. Yếu đồ hoả lực ghi mục tiêu bắn của pháo, số lượng đạn tiêu thụ, khu vực bắn khi mở cửa, lúc đánh tung thâm, khi địch phản kích từ Mường Thanh ra. Cái khó nhất trong trận này là giai đoạn mở cửa. Phải thực hiện mở cửa nhanh đúng hướng và tránh thương vong không cần thiết. Trước mắt phải đề nghị Bộ chỉ huy dùng pháo bảo vệ trận địa xuất phát xung phong. Thứ hai là tổ chức trận địa hoả lực của trung đoàn, tiểu đoàn. Đây cũng là lần đầu tôi làm quen với chiến thuật của pháo. Anh em cho biết với thế trận hiểm hóc của pháo từ trên cao bắn xuống thì chỉ cần mỗi đại đội bắn thử một viên, quan sát kết quả hiệu chỉnh bắn tạt ngang một loạt rồi chuyển sang bắn hiệu lực ngay. Trong tình hình đạn dược còn rất thiếu, anh em đã tìm cách bắn tiết kiệm đạn nhưng có hiệu quả cao. Cách đánh pháo của con nhà nghèo. Vẫn tôn trọng những nguyên tắc chiến thuật, kỹ thuật của pháo binh nhưng không để mình bị ràng buộc vào sách vở.

        Về đánh tung thâm phải lựa chọn những cán bộ, chiến sỹ có kinh nghiệm tổ chức những mũi thọc sâu được tăng cường lựu đạn, thủ pháo đánh thẳng vào sở chỉ huy, khu thông tin địch, thực hiện chia cắt để tiêu diệt từng mục tiêu, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Kế hoạch tác chiến đã dự kiến địch có thể có những đơn vị phản kích từ Mường Thanh ra và ở ngay trong cứ điểm. Đường từ Mường Thanh ra rất thuận tiện cho việc sử dụng xe tăng.

        Phổ biến xong kế hoạch, chúng tôi chia nhau đi xuống các đơn vị chủ công giúp anh em tổ chức thực hiện kế hoạch. Bởi vì chính anh em, những người cầm súng mới là người trực tiếp quyết định trong chiến đấu. Chúng tôi, những người chỉ huy làm công tác tổ chức phải cùng anh em bàn bạc để rồi đây trong chiến đấu sẽ tác động vào các tình huống của trận đánh, tạo điều kiện cho anh em hoàn thành nhiệm vụ.

        Càng gần tới ngày nổ súng, việc tranh chấp giữa ta và địch càng quyết liệt.

        Rà soát lại một lượt kế hoạch nổ súng, tôi vừa ngả lưng định lấy sức để thức đêm thì đài quan sát báo cáo có hai xe tăng địch dẫn một đại đội bộ binh từ Mường Thanh ra đánh chiếm tuyến xuất phát xung phong của ta. Nếu để địch đánh chiếm tuyến xuất phát xung phong thì tối nay đơn vị tiến công sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi gọi điện thoại đề nghị Bộ chỉ huy chiến dịch cho một bộ phận lựu pháo bắn để bảo vệ tuyến xuất phát xung phong. Ngay lúc đó, Bộ chỉ huy chiến dịch cũng nhận được đề nghị của Bộ chỉ huy Đại đoàn 351. bộ chỉ huy chiến dịch đồng ý với đề nghị của chúng tôi. Đại đội lựu pháo 806 được lệnh bắn 20 phát vào Him Lam.

        Trừ hai phát bắn thử còn 18 phát đều rơi trúng sở chỉ huy địch, phá huỷ một số công sự và hầm hào. Một phát đạn rơi trúng hầm chỉ huy. Khói tan, không thấy gì ngoài một cái hố hình phễu trên chỗ trước đó mấy giây còn là một lô cốt to xù. Anh em reo lên: “Pháo bắn giỏi quá”. Tôi phải ra lệnh cho anh em cảnh vệ khôi phục trật tự trong sở chỉ huy. Vì ngay khi pháo bắn, anh em đã nhảy lên đài quan sát xem pháo ta bắn. Tôi hiểu tâm trạng của anh em, những người đã kéo pháo ra, đã từng làm đường, làm hầm cho pháo. Tiếng gầm của pháo ta sau bao nhiêu ngày im lặng dễ kích thích lòng người. Trật tự được nhanh chóng khôi phục. Đài quan sát báo cáo cả hai xe tăng địch đều tháo chạy. Bọn lính bộ binh địch chạy còn nhanh hơn cả xe tăng. Tuyến xuất phát xung phong được bảo vệ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #205 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 03:57:58 pm »


        Cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ báo động vì những quả đạn đầu tiên của lựu pháo 105. Sau đợt pháo, địch dự kiến thế nào ta cũng tiến công nhưng vẫn chưa thấy. Sau này theo lời khai của Đờ Cát khi bị bắt làm tù bình thì khi chờ không thấy quân ta tiến công, Đờ Cát còn hẹn các sỹ quan đúng giờ đến hội báo như thường lệ tức 17 giờ ngày hôm sau. Những khẩu pháo “bò” lên được đỉnh núi hình như đã được khẳng định. Trong cuốn “Tôi đã là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ”, thiếu tá quân y Pôn Grôn-uyn đã gọi “đó là những cú bắn bậc thầy”.

        Buổi chiều sương mù xuống mỗi lúc một dày đặc. Các anh bên Bộ tư lệnh Đại đoàn 351 đề nghị cho nổ súng sớm hơn giờ quy định. Chúng tôi nhất trí với đề nghị đó. Bắn càng sớm càng dễ trúng đích, hơn nữa cùng với kế hoạch chi viện cho trận đánh mở màn, pháo binh còn có nhiệm vụ tập kích trận địa pháo, sân bay, kho tàng, sở chỉ huy địch. Tôi nghe rõ tiếng Đại tướng - Chỉ huy trưởng vang lên trong máy:

        - Pháo binh đã sẵn sàng cả chưa?

        - Báo cáo, tất cả đã sẵn sàng chờ lệnh đồng chí.

        - Bộ chỉ huy chiến dịch đồng ý với đề nghị của các đồng chí. Trận đầu mở màn cho chiến dịch lịch sử, tôi hạ lệnh cho các đồng chí: Bắn trúng, bắn nhanh, bắn mạnh.

        Chiến dịch lịch sử bắt đầu. Tôi nhìn đồng hồ: 17 giờ 10 phút. Đạn pháo của ta rót trúng Him Lam, khu trung tâm tập đoàn cứ điểm, sân bay Mường Thanh, sân bay Hồng Cúm. Đòn phủ đầu của ta khá mạnh và rất bất ngờ (40 khẩu từ 75, cối 120, đến lựu pháo 105). Chỉ huy trưởng và phó cụm Him Lam cùng trung tá chỉ huy phân khu trung tâm và cả ban tham mưu đều bị chết trong đợt này.

        Chúng tôi cho bộ binh triển khai đội hình chiến đấu từ 15 giờ. Anh em chuyền tay nhau đọc thư Bác Hồ và lệnh động viên của Đại tướng chỉ huy trưởng. Đến giờ pháo bắn, anh em ra khỏi cửa rừng. Cùng với sự chi viện của pháo binh, pháo cao xạ ta lần đầu xuất trận đã tạo nên không khí hào hùng chưa từng có kể từ ngày thành lập Quân đội. Anh em bắt tay nhau, hứa với nhau, nhắc lại quyết tâm của tổ ba người, của tiểu đội. Bản thân tôi cũng rất xúc động. Là đầu mối của sự hiệp đồng, tôi không thể rời sở chỉ huy trong lúc này. Lý trí, trách nhiệm bảo tôi như vậy. Nhưng cái không khí hào hùng trên tuyến xuất phát tiến công cứ giục giã tôi đứng lên, ra ngoài chiến hào cùng với các đồng chí của mình. Hình như đoán được tâm trạng của tôi lúc đó, các đồng chí cán bộ tác chiến theo dõi hướng của hai Trung đoàn 141 (chủ yếu), 209 (thứ yếu) và đài quan sát đại đoàn đã ghi lại báo cáo của các cánh quân khá đầy đủ trên bản đồ tình huống.

        Trong lúc pháo ta bắn chế áp, mọi việc đều diễn ra thuận lợi. Nhưng khi địch ở Him Lam hồi tỉnh sau cơn choáng váng, khi pháo địch phản pháo thì tình huống trở nên gây cấn. Trước hết là hào giao thông, chỗ này vừa nông lại không có hào nhánh nên vận động trong hào rất khó khăn. Hoả lực tiểu đoàn không thể nào vượt qua đội hình xung kích lúc ấy đã đứng chật trong lòng hào để chuẩn bị xung phong. Trước tình hình đó phân đội trợ chiến của Tiểu đoàn 11 đã nhảy khỏi hào, bất chấp hoả lực địch, tiến lên gần sát hàng rào –  nơi quy định cho trận địa hoả lực tiểu đoàn. Phải bảo đảm cho bộc phá mở cửa. Càng chần chừ, thương vong càng cao. Bên kia sông Nậm Rốm, địch đã tổ chức một tuyến bắn chặn không cho bộc phá ta vượt cầu ngầm sang. Chính trị viên Đại đội 263 Tiểu đoàn 428 nằm ngay nơi địch bắn dày đặc nhất chỉ huy cho từng tổ qua sông. Khi địch ngừng bắn lại cho anh em vượt cầu ngầm. Các cỡ pháo của địch ở Mường Thanh bắn theo kiểu màn đạn di động từ chân đồn ra ngoài, rồi từ ngoài vào trong. Nhiều đoạn hào bị sụt lở chỉ còn tới bụng chân. Đại đội trưởng, Đại đội phó của đại đội trợ chiến Tiểu đoàn 428 đều hy sinh, nhưng các chiến sỹ đại liên, ĐKZ vẫn xông lên đặt hoả lực. Vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn 428 phải dời tới ba lần những vẫn giữ vững sự chỉ huy đối với các mũi phía trước.

        Mười bảy giờ, tôi được Trung đoàn 141 báo cáo các tổ hoả lực đã lên sát đồn đang dùng hoả lực bản thân kiềm chế lỗ châu mai, yểm hộ cho bộc phá mở cửa. Trên hướng phụ, Tiểu đoàn 130 Trung đoàn 209 đã chiếm lĩnh trận địa xong lúc 18 giờ 25 phút. Các hoả điểm 1 và 2 của địch đã bị sơn pháo của ta tiêu diệt ngay từ phút đầu. Các hoả điểm 3 và 4 vẫn bắn ra ác liệt trên hướng mở cửa. Tổ ĐKZ tiểu đoàn đã anh dũng tiêu diệt hai hoả điểm này. Mười tám phút sau cửa mở đã thông. Xung kích tràn lên đánh thẳng vào tung thâm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #206 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 03:58:34 pm »


        Tiểu đội trưởng Trần Can chỉ huy tiểu đội nhanh chóng chiếm lô cốt đầu cầu. Chiếm xong, Trần Can chỉ huy một tổ đánh lô cốt số 6 rồi đánh lên lô cốt cố thủ. Súng máy địch quét sát đất. Trần Can cho một tổ dùng thủ pháo bí mật tiến sau lô cốt và dùng tiểu liên bắn nghi binh thu hút hoả lực địch về phía mình. Địch bắn phía trước không đề phòng phía sau. Sau vài loạt thủ pháo, khẩu trung liên trong lô cốt cố thủ im bặt. Trần Can cầm cờ “Quyết chiến quyết thắng” cắm trên nóc lô cốt để phía sau trông thấy mũi phát triển của mình rồi chỉ huy tiểu đội đánh vào bên trong lô cốt cố thủ. Trần Can đánh các ngách trong lô cốt, bắt sống tên quan ba lê dương. Các tổ khác đánh chiếm các lô cốt xung quanh.

        Quân ta đang phát triển thì vấp phải một ổ đề kháng. Địch lợi dụng các bao cát bắn dọc theo hào. Các chiến sỹ dùng luôn một tên đội thạo tiếng Việt bắt nó gọi hàng. Một số tên địch ra hàng. Nhưng trên hướng phát triển của đơn vị vẫn còn một số tên địch ngoan cố chống cự. Hoả lực ở đây quét là là mặt đất.

        Trần Can biết đây là một hoả điểm lợi hại. Anh đề nghị đánh thuốc nổ. Trung đội trưởng đồng ý, giao nhiệm vụ cho chiến sỹ Thanh. Thanh ôm bộc phá xông lên. Thanh đang tiến thì bị đạn. Anh em thấy Thanh gục xuống, định cử người khác thay thì Thanh vùng dậy. Đợi lúc mũi súng của địch quét sang hướng khác, Thanh trườn lên rồi vọt tiến về phía hầm ngầm. Lát sau bộc phá nổ. Hầm ngầm bị diệt. Ở một ngách khác, tiểu đội phó Hiếu gọi hàng, nhưng địch vẫn bắn ra. Hiếu bí mật lại gần ụ súng, bất ngờ vùng dậy nắm nòng súng địch giật mạnh và dùng báng súng đánh vào giữa mặt tên địch ngoan cố.

        Sau một giờ chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt gọn Đại đội lê dương số 1. Cuộc chiến đấu ở mỏm 2 lúc đầu thuận lợi. Tiểu đoàn 428 mở cửa bằng bộ phá đến hàng rào thứ bảy. Còn một hàng rào cuối cùng. Một chiến sỹ lên đánh quả cuối cùng thì bị hy sinh. Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót  xông lên đánh quả bộ phá quyết định. Lô cốt bị san bằng. Địch dạt cả vào trong. Tổ ném lựu đạn chần chừ không đánh chiếm ngay. Địch lại xông ra chiếm lại. Tổ đánh chiếm lô cốt đầu cầu vẫn chưa lên. Tổ trưởng bộc phá Phan Đình Giót thấy nếu chậm trễ thì trận đánh sẽ kéo dài nên quyết dịnh dùng hoả lực bản thân đánh chiếm lô cốt đầu cầu. Vì phải mang bộc phá nên trang bị của anh em làm nhiệm vụ mở cửa chỉ có tiểu liên và lựu đạn. Sau khi mở thông 60 mét hàng rào kẽm gai, cả tổ chỉ còn có bốn người và cả bốn đều bị thương. Anh em xông lên chiếm lô cốt. Mũi phản kích của địch bị chặn đứng. Cùng lúc đó tổ đột kích được điều sang chi viện. Đại đội phó Khay ở tuyến trước nhận định đây là thời cơ xung phong liền đề nghị tiểu đoàn. Tiểu đoàn 428 ra lệnh đánh nhanh vào tung thâm. Lúc đó là 19 giờ. Địch rút lên tầng hai ra sức chống cự. Một hoả điểm bắn ác liệt trên đường phát triển của xung kích. Pháo địch bắn sát chân rào.

        Lúc này Phan Đình Giót thay mặt cán bộ chỉ huy trung đội ở cánh phải. Thấy hoả điểm địch bắn chặn đồng đội, Phan Đình Giót dùng quả lựu đạn cuối cùng đánh hoả điểm. Địch ngừng bắn, xung kích ta tiến lên thì hoả điểm lại khôi phục. Giót dùng tiểu liên xông vào trong lô cốt bắn một bắn một băng, băng đạn cuối cùng. Lúc này Giót đã bị thương tới lần thứ ba. Lợi dụng lúc hoả lực địch ngừng bắn trong vài giây, xung kích ta xông lên, thấy cả khuôn ngực của Phan Đình Giót áp vào lỗ châu mai địch. Khẩu tiểu liên của người đảng viên Phan Đình Giót không còn đạn. Một mình Giót đã thu hút cả một mạng lưới hoả lực của địch về phía mình để tạo điều kiện cho đơn vị tiêu diệt những hoả điểm cuối cùng trong cứ điểm.

        Cuộc chiến đấu gay go nhất là ở cứ điểm 1. Trong khi trinh sát thực địa chúng tôi cũng dự kiến đây là hướng gay go nên đã phân công Tiểu đoàn 11 Phủ Thông – đơn vị có kinh nghiệm và truyền thống đánh công sự kiên cố tiến công cứ điểm này.

        Từ vị trí xuất phát xung phong ở bờ suối lên tới cửa mở, nơi ta có lần phục kích bắt tù binh đều bằng phẳng. Địch đã chú ý đoạn này nên ngay từ lúc pháo ta bắn vào Him Lam, chúng đã cho trận địa pháo sau đồi D bắn chặn di động. Hào giao thông sụt từng đoạn lớn, có chỗ không còn gì. Suốt từ vị trí chỉ huy tiểu đoàn lên đến tổ mở cửa chỉ thấy đất cát, khói bụi. Điện thoại bị đứt từ đầu. Vô tuyến điện bị đạn pháo tiện cụt cần ăng ten. Liên lạc chạy bộ bị thương vòn một số lớn. Trung đoàn trưởng  Trung đoàn 141 đề nghị cho dời vị trí chỉ huy lên đài quan sát để trực tiếp chỉ huy. Tôi nhất trí, đồng thời đề nghị lên Bộ chỉ huy chiến dịch cho pháo chi viện Tiểu đoàn 11.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #207 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 03:59:13 pm »


        Lên vị trí chỉ huy mới, Trung đoàn trưởng lệnh cho Tiểu đoàn 428 phát triển sang cứ điểm 1, lệnh cho hoả lực tiểu đoàn điều hoả lực lên chi viện cho bộc phá mở cửa, từ đó mở cửa thuận lợi. Nhưng tới hàng rào cuối cùng, quân ta lai vấp phải một hoả điểm bắn ra ác liệt. Đây là một hoả điểm địch bố trí xen kẽ giữa hai lớp rào. Súng phun lửa định bắn ra cửa mở. Lần đầu tiên chúng ta gặp loại súng này. Cuộc chiến đấu kéo dài. Tôi nhìn đồng hồ. Chỉ còn một giờ nữa. Theo quy định của chỉ huy chiến dịch, đại đoàn phải hoàn thành tiêu diệt Him Lam vào 24 giờ ngày 13 để dùng thì giờ còn lại cải tiến công sự địch, biến Him Lam thành một bàn đạp cho đợt 2.

        Giữa lúc đó, Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo cho biết sẽ có lựu pháo chi viện cho Tiểu đoàn 11. Số đạn quy định là 40 quả bắn trong ba phút. Đồng thời, theo yêu cầu của bộ binh, trung đoàn lựu pháo đã kịp thời thay đổi cách bắn kiềm chế pháo, tập trung năm đại đội pháo bắn cày đi cày lại với năm cự ly vào trận địa pháo địch ở sau đồi D. Hai trăm viên đạn của 40 nòng pháo nhất loạt bắn dồn dập trong mười phút. Sau này theo Giuyn-lơ Roa, ký giả Pháp thuật lại, thì 12 khẩu pháo địch đã bị quật đổ trong đợt bắn cấp tập này.

        Về mũi tiến công của Tiểu đoàn 11, được pháo của trên chi viện, trung đoàn và tiểu đoàn đã tổ chức hoả lực bản thân tiến lên sát hàng rào, tổ chức bắn tập trung vào những hoả điểm lướt sườn của địch. Đồng chí Nguyễn Văn Dĩ, Trung đội trưởng chỉ huy pháo 105 đi cùng Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 đã đứng lên mặt đất quan sát điểm chạm, hiệu chỉnh pháo. Sau hai phát bắn thử, Dĩ báo cáo trúng mục tiêu, bắn tốt. Nhưng sau đó anh đã hy sinh vì nhiệm vụ.

        Hoả điểm của địch bị dập tắt. Tiểu đội trưởng Trần Oanh nhảy lên mặt đất, chia mục tiêu cho các chiến sỹ trong mỗi tiểu đội mỗi người đánh một lô cốt. Sau trận đánh, tôi có hỏi Oanh:

        - Vì sao đồng chí không cho tiểu đội phát triển theo hào giao thông của địch?

        Oanh cười rất hiền:

        - Báo cáo anh, em nghĩ theo hào phát triển chậm quá vì sau khi hoả lực ta cấp tập, chúng nó chỉ choáng váng trong có vài phút. Nó mà hồi tỉnh thì lôi thôi to!

        - Thế đánh trên mặt đất. Oanh không sợ thương vong à?

        - Báo cáo anh, hào giao thông chúng nó đã tính sẵn. Còn mặt đất thì chúng nó không ngờ. Anh chả dạy chúng em là hãy làm những điều mà địch cho là ta không làm được gì!

        Thì ra cái sáng tạo, cái mạo hiểm của Tiểu đội trưởng Trần Oanh đã được tính toán: Đánh theo cách mà địch cho là ta không dám đánh.

        Đại đội chủ công rồi Thê đội 1, Thê đội 2 của tiểu đoàn xông lên chia cắt cứ điểm 1 của địch từng mảng. Hai mươi ba giờ 30 phút tôi báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch, đại đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Him Lam thu toàn bộ vũ khí.

        Giọng Chỉ huy trưởng ấm áp:

        - 312 đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời gian Bộ quy định 30 phút. Anh Tấn cho anh em sửa sang lại công sự. Chắc chắn sáng mai chúng nó sẽ phản kích.

        - Anh Quang Trung đã lên Him Lam ngay sau khi tiếng súng nổ vừa dứt – Tôi báo cáo.

        - Anh cho hỏi tên thiếu uý Giắc-cơ xem Him Lam có phải là pháo đài bất khả xâm phạm nữa không?

        Tôi cho gọi Giắc-cơ lên. Hắn tròn xoe mắt kinh ngạc trước cái tin  Bê-a-tri-xơ bị diệt. Hắn nói, lần này cũng nói thật:

        - Thưa ngài, ngài đánh được Him Lam thì ngài có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ.

        Him Lam, cụm cứ điểm mạnh nhất được phòng ngự hiện đại chưa từng có đã bị tiêu diệt. Pháo 105 của ta “bò” lên được các đỉnh cao bao vây lòng chảo Điện Biên, sự xuất hiện của pháo cáo xạ, tất cả đối với bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp và bộ tham mưu của Đờ Cát là những điều không dự kiến trong kế hoạch phòng thủ Điện Biên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #208 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 03:59:50 pm »


        Ngày 15 tháng 3 quân ta tiến công cứ điểm Độc Lập.

        Bộ chỉ huy chiến dịch phân công đồng chí Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng 308 là Chỉ huy trưởng trận tiến công Độc Lập. Chỉ huy phó có các đồng chí Cao Văn Khánh - Đại đoàn phó 308 và Đàm Quang Trung - Đại đoàn phó 312. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 Lê Thuỳ đảm nhiệm hướng chủ yếu tiến công theo hướng động bắc. Trung đoàn 88 do Trung đoàn trưởng Nam Hà chỉ huy đảm nhiệm hướng thứ yếu tiến công theo hướng đông nam (Trung đoàn 88 mới ở Lào về, chỉ có ba ngày vừa trinh sát, tổ chức chiến đấu, vừa đào hào giao thông).

        Trời mưa khá to. Đường xuất kích, hào giao thông đầy bùn đất. Ban chỉ huy trận đánh quyết định thay đổi cách bắn của lựu pháo, không bắn dồn dập trước lúc xung phong mà bắn rải ra để phá hoại một phần công sự địch.

        Đúng 17 giờ, bốn đại đội lựu pháo cùng với cối trong lực lượng chi viện mở trận tập kích dữ dội vào toàn bộ khu trung tâm, trận địa pháo và sân bay Mường Thanh. Sau mỗi loạt pháo của ta, địch dùng pháo bắn chặn các đường xuất kích các tuyến xung phong. Sự việc diễn đi diễn lại. Bọn lính trong cứ điểm phập phồng chờ đợi đợt tiến công của quân ta. Chúng yên trí pháo của chúng đã bẻ gãy các đợt tiến công của quân ta. Đến 3 giờ 30 phút ngày 15, chờ cho sơn pháo và súng cối 120 lên đủ, trận đánh bắt đầu.

        Những khẩu pháo của ta sau vài giờ im lặng lại lên tiếng, lần này bắn để bộ binh mở cửa. Pháo địch không bắn trả. Có lẽ chúng cho là không dại gì bắn tốn đạn, mắc mưu ta. Trận này pháo trực tiếp chi viện bắn tốt. Không đầy 40 phút, hoả lực địch ở cửa mở đã hoàn toàn tê liệt. Anh em lên đánh 20 quả bộ phá. Cửa mở đã mở toang. Ở mũi của Trung đoàn 165 nổi bật nhất là tiểu đội thọc sâu của đồng chí Doãn, tiểu đội cầm cờ “Quyết chiến quyết thắng”. Tiểu đội đã bí mật phát triển, bỏ mặc các hoả điểm trên đường tiến công thọc thẳng vào tung thâm. Mặc dù lực lượng phía sau không lên kịp, không sợ đơn độc, tiểu đội nhằm lô cốt chính nổ súng, tiêu diệt trận địa cối 120, khu trung tâm thông tin và đánh tới hầm tên quan tư chỉ huy đồn thì gặp tiểu đoàn của Trung đoàn 88 Đại đoàn 308. Trong chiến đấu, nhiều người bị thương hai, ba lần vẫn không rời trận địa. Hết lựu đạn, anh em dùng lựu đạn địch đánh địch. Cùng với đơn vị bạn, tiểu đội thọc sâu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắt sống hai tên quan tư chỉ huy cứ điểm Độc Lập. Một tên mãn hạn sắp về nước, một tên mới đến chưa nhận bàn giao.

        Ở hướng đông nam, Trung đoàn 88 lúc đầu mở cửa không đúng hướng. Đồng chí Nguyễn Văn Ty phát hiện hướng mở sai, đã chỉnh lại hướng mở. Mũi xung kích đầu tiên tiến thẳng lên sở chỉ huy địch bắt liên lạc với tiểu đội  của Doãn  (Trung đoàn 165). Trận đánh kết thúc vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 15 tháng 3.

        Sáng ra địch cho năm xe tăng dẫn hai tiểu đoàn ứng chiến từ khu trung tâm ra phản kích. Đại đội 213 Trung đoàn 88 đã hiệp đồng cùng pháo binh đánh tan cánh quân phản kích này. Sơn pháo của ta bố trí trên cánh đồng bắn thẳng vào xe tăng địch, chúng vội vã tháo chạy. Súng cối, ĐKZ của ta bố trí trên đồi Độc Lập bắn theo. Lựu pháo 105 ở phía đông cũng tham gia. Nhiều tên địch bị gục. Đây là trận hiệp đồng rất đẹp giữa bộ binh và pháo binh, đánh địch giữa ban ngày trên cánh đồng trống.

        Sau hai đòn đau, bộ chỉ huy Pháp từ chỗ quá tin vào pháo binh của họ, quá coi thường pháo binh ta đã đổ lỗi cho viên tư lệnh pháo của họ. Trung tá Pi-rốt không làm câm họng dù chỉ là một khẩu pháo ta như trước đó đã huênh hoang. Ngược lại, một đại đội cối 120, hai khẩu 105 bị pháo ta huỷ diệt hoàn toàn, một khẩu 155 bị hỏng và số đạn tiêu thụ quá lớn. Sau khi bị Đờ Cát khiển trách thậm tệ, đêm ngày 16 tháng 3, trung tá Pi-rốt đã tự kết liễu đời mình bằng một quả lựu đạn. Xác y được chôn ngay dưới giường y nằm và được đại tá Đờ Cát đưa tin là “hy sinh trên chiến trường danh dự”. Tiếp đó, tham mưu trưởng Ken-le bị mất tinh thần đến mức thần kinh rối loạn phải đưa về Hà Nội.

        Sau Him Lam, Độc Lập, quân địch ở Bản Kéo ra hàng. Tiếp đó là tình trạng mất tinh thần của tiểu đoàn ngụy Thái số 2. Quân Pháp bị mật thêm một phần năm lực lượng nữa.

        Sau khi tiêu diệt Him Lam ngày 13, Độc Lập ngày 15 và bức hàng Bản Kéo ngày 17, chúng ta nhận định địch có nhiều khó khăn, lúng túng nhưng chúng còn rất mạnh và đang ra sức đối phó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #209 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 04:00:48 pm »


        Ngày 14 và 16 địch được tăng viện thêm ba tiểu đoàn dù. Súng nặng và đạn dược được tăng cường. Công sự củng cố gấp rút đủ sức chịu đựng đạn pháo của ta. Chúng đưa lính Âu Phi ra vòng ngoài, tăng cường bảo vệ sân bay. Đờ Cát ra nhận lệnh: “Chúng ta đã trải qua một vài trận gay go và bị mất nhiều quân, nhưng số quân này đã được bù đắp ngay bằng ba tiểu đoàn dù. Còn năm tiểu đoàn dù nữa sẵn sàng nhảy xuống tăng viện. Pháo của ta còn nguyên vẹn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bắn chặn có bảo đảm. Có thêm nhiều pháo và pháo thủ được thả dù xuống. Như vậy là số viện binh hiện có đang bù đắp rộng rãi những thiệt hại của chúng ta. Quân Việt Minh thì không được như thế... Chỉ còn vài ngày nữa chúng ta sẽ thắng” (!).

        Địch còn tin vào sức mạnh của không quân, xe tăng, pháo binh trong phòng ngự khu trung tâm.

        Về ta, trong đợt tiến công sắp tới sẽ tiến công năm trung tâm đề kháng thuộc khu trung tâm gồm 36 cứ điểm do bảy tiểu đoàn Âu Phi và một tiểu đoàn ngụy chiếm giữ. Tại đây có sở chỉ huy, trận địa pháo, sân bay địch. Binh lực chúng còn trên một vạn quân. Đợt chiến đấu sắp tới chúng ta phải giải quyết một vấn đề cực kỳ quan trọng là tiếp cận tập đoàn cứ điểm trên địa hình bằng phẳng và chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm trong điều kiện pháo binh, không quân, xe tăng địch hoạt động mạnh hơn trước.

        Từ nhận định đó, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương vẫn đánh chắc, tiến chắc. Để thực hiện yêu cầu tiếp cận và tiến công liên tục cả ngày lẫn đêm, ta chủ trương xây dựng trận địa tiến công và bao vây. Đây là nhiệm vụ trọng tâm chuẩn bị của đợt tiến công thứ 2.

        Trận địa tiến công, bao vây là một hệ thống trận địa gồm hào giao thông trục bao vây Mường Thanh, cắt đứt nó với phân khu Hồng Cúm. Những tuyến hào giao thông của các đại đoàn sẽ từ các triền núi chạy xuống lòng chảo Điện Biên, tới sát các mục tiêu tiến công. Ngoài ra phải cấu trúc những tuyến hào ngang để cơ động lực lượng, hệ thống công sự cho hoả lực, hầm ngầm tránh pháo, hầm đạn dược, hầm thương binh, hầm điều trị của các đội phẫu thuật...

        Nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây được quy định như sau:

        Đại đoàn 308 xây dựng hào giao thông trục từ nam vị trí Độc Lập qua Bản Kéo, Pe Nội, Nậm Bó, Bản Mé, bản Cò Mị tới bờ sông Nâm Rốm và đường hào giao thông trục  từ Pe Nội vào vị trí tập kết của đại đoàn ở phía tây Mường Thanh. Làm trận địa tiến công để chuẩn bị công kích vị trí 106.

        Đại đoàn 312 xây dựng hào giao thông trục từ vị trí đồi Độc Lập nối liền với đường hào trục của Đại đoàn 308 qua Him Lam, Loong Bua, nối liền với đường trục của Đại đoàn 316. Làm trận địa tiến công, chuẩn bị công kích các vị trí D, E và 105.

        Đại đoàn 316 xây dựng hào giao thông trục từ Loong Bua nối với hào trục của Đại đoàn 312 qua Bản Bánh, Bản Ten tới suối Nậm Rốm ngang bản Cò Mị, nối liền với hào giao thông trục của Đại đoàn 308. Làm trận địa tiến công vào vị trí A1 và C1.

        Chủ trương xây dựng hào giao thông của Bộ chỉ huy chiến dịch đã giải đáp đúng băn khoăn của anh em. Một trong những vấn đề anh em thắc mắc là làm sao bảo đảm được người và súng an toàn trong khi tiếp cận địch. Tất cả cán bộ, chiến sỹ phẩn khởi bắt tay vào xây dựng một công trình chưa từng có kể từ khi xây dựng quân đội tới nay. Anh em truyền nhau câu:

 “Đúng rồi, muốn đánh thì đào,
Muốn thắt cổ địch phải có nhiều hào vây quanh.
Chiến hào cùng với chiến binh,
Họ “chiến” chúng mình quyết chiến lập công”.

        Mỗi đêm đào công sự là một cuộc chiến đấu thực sự. Địch cho pháo binh, máy bay đánh phá. Ở từng vị trí địch dùng hoả lực bản thân bắn ra quyết liệt.Cho đến đêm thứ tư khi chúng tôi đào tuyến xuất phát xung phong thì chỉ cách đồi E không đầy một trăm mét, Tiểu đoàn 15 Trung đoàn 209 vừa triển khai đội hình như mọi đêm định đào tiếp thì tiểu đội đi đầu vấp phải mình cóc bật lên sát thương gần hết. Thì ra trong khi phản kích, địch đã lợi dụng lúc quân ta mải lo đánh phản kích đã cho công binh bí mật rải mìn. Từ lần vấp này, anh em có sáng kiến dùng gậy tải thương nối lại thành chiếc sào dài khua cho mình nổ hết rồi mới tiếp tục đào.

        Trong vòng mười ngày, quân ta đã đào trên 100 ki-lô-mét hào giao thông, hào chiến đấu cùng hàng vạn công sự đủ các kiểu. Các cỡ hoả lực của ta đưa lên phía trước bắn rất có hiệu quả. Vòng vây Điện Biên Phủ thắt chặt. Lực lượng ta có thể cơ động ban ngày quanh vòng vây đó. Hoả lực pháo binh, máy bay địch bị hạn chế. Bị uy hiếp mạnh, máy bay địch phải hạ cánh ban đêm, đến ngày 27 tháng 3 thì không thể hạ cánh được nữa, địch chỉ còn có cách duy nhất là thả dù. Nhưng vòng vây ta siết chặt, nhiều dù đã lọt vào trận địa ta. Một cuộc tranh đoạt dù đầy hào hứng đã diễn ra trên vòng vây mới.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM