Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:00:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46012 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #190 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:14:34 am »


        Trước ngày lên đường, tôi được đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân uỷ Trung ương gọi đến động viên và căn dặn:

        - Anh sang trước xem xét tình hình, chuẩn bị ý kiến về kế hoạch mở chiến dịch. Anh Lập và bộ đội sẽ sang sau. Thường trực Quân uỷ sẽ thông qua kế hoạch và quyết tâm chiến dịch của các anh tại một địa điểm gần biên giới Việt-Lào do các anh chọn.

        Ngày 8 tháng 9 năm 1969, tôi lên đường.

        Thời gian này Bác mới mất được mấy hôm. Cả dân tộc đang phải gánh chịu một nỗi đau lớn. Toàn dân và toàn quân ta đang trong những ngày để tang Bác. Chấp hành lệnh trên, tôi ra đi làm nhiệm vụ quốc tế mà lòng đầy nỗi nhớ thương Bác. Vì yêu cầu của chiến dịch quá gấp, tôi không thể nán lại vài ngày để dự lễ tang Bác, lòng đầy ân hận. Lúc sinh thời Bác rất quan tâm đến các yêu cầu của cách mạng hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Nếu tôi nấn ná ở lại để dự lễ tang, chắc Bác chẳng vui lòng.

        Cùng đi trước với tôi chỉ có một cán bộ tổ chức, một đồng chí liên lạc và một tổ điện đài. Xe đưa chúng tôi đến đồn biên phòng Nậm Cắn rồi trở về. Từ đây, chúng tôi đi bộ với đội hình phân tán mỗi người cách nhau 10 mét, nhất là ở những quãng đường trống. Chúng tôi cố gắng đi đến Bản Ban trước khi trời tối để nắm được sơ bộ tình hình chiến trường. Dọc đường số 7, nhiều đoạn bị sụt lở do bom và nước lũ rất khó đi, có những đoạn còn bom nổ chậm và bom từ trường chưa kịp phá, nhưng chúng tôi vẫn khẩn trương băng qua. Hai bên đường, môt khung cảnh hoang tàn, chết chóc hiện ra trước mắt chúng tôi. Nhiều chặng đường không còn một bóng cây, một cánh chim nhỏ. Không gian sặc sụa mùi thuốc bom và khói khét xông lên cuồn cuộn từ những đám cháy chưa chịu tắt.

        Chúng tôi đến Bản Ban lúc trời tối. Vừa vào qua cửa hang của dãy núi đá, chưa kịp cởi ba lô, tôi đã nghe tiếng nổ của một loạt đạn rốc-két ở phía sau. Máy bay Mỹ bắn đúng ngay cửa hang, cũng may cửa hang nhỏ nên trong hang không có ai việc gì, mảnh đạn chỉ phạt đứt mấy cây chuối anh em giao liên trồng để ngụy trang. Hàng đá rộng và cao được ngăn làm hai tầng, tầng trên làm kho, tầng dưới là trạm giao liên.

        Tôi cho mở máy liên lạc ngay với Bộ Tổng tham mưu báo cáo về Bộ là chúng tôi đã đến nơi an toàn. bộ cũng báo cáo cho biết anh Vũ Lập và anh Thế Hùng sẽ đi theo đường 7B đến gặp tôi theo chỗ quy định.

        Sáng hôm sau, lợi dụng trời còn sương mù, chúng tôi lên đường đến Bản Son, nơi có một bộ phận tiền phương của Sở Chỉ huy Sư đoàn 316. Gặp nhau trong những giờ phút gian khổ và ác liệt như thế này thật không vui mừng nào bằng.

        Chúng tôi tranh thủ họp để nắm tình hình. Nhưng vừa ngồi vào bàn thì có tiếng một chiếc AV10 lướt qua. Đã có kinh nghiệm, chúng tôi bảo nhau:

        - Thằng này đánh hơi thấy chúng mình rồi đây! Phải sẵn sàng đề phòng bọn phản lực. Mọi người xuống hầm.

        Vừa dứt lời, một quả đạn khói chỉ điểm đã bắn ngay vào khu vực chúng tôi ở. Tiếp ngay đó là hai chiếc F105 ào đến giội bom và bắn rốc-két xối xả xuống căn nhà chúng tôi vừa ngồi.

        Ngay trong đêm hôm đó, chúng tôi rời địa đến địa điểm dự bị, rồi cùng nhau rà soát, đánh giá lai toàn bộ tình hình, nghiên cứu tìm hiểu kỹ về âm mưu hoạt động của địch và bàn việc chuẩn bị cho chiến dịch.

        Nét nổi bật là cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch vẫn diễn ra quyết liệt. Ta vẫn trụ bám đánh địch trong vòng vây của chúng. Mặc dù lực lượng địch đông hơn gấp bội nhưng chúng vẫn né tránh đụng độ khi bắt gặp lực lượng chủ lực của ta. Chúng hành quân luồn ra phía sau, chặt đứt các đường tiếp tế và đánh mạnh vào hậu phương phía sau. Cái mạnh của địch vẫn là những hoạt động tăng cường của không quân. Chúng sử dụng 120 đến 150 lần máy bay đánh phá liên tục trong một ngày. Khắp khu vực Cánh Đồng Chum không nơi nào không có dấu vết tàn phá của bom đạn địch; có lẽ chỉ còn lại nơi chỉ huy của chúng tôi đang đóng là địch chưa mò đến. Để triệt phá hậu cần lâu dài của cách mạng Lào, máy bay địch còn săn lùng bắn giết cả trâu bò. Ở Lào, trâu bò thường tập trung hàng đàn, nghe tiếng nổ hoặc tiếng máy bay là chúng rùng rùng chạy nên máy bay Mỹ càng dễ phát hiện. Có Những khu rừng chúng tôi đi qua thấy hàng chục con trâu bò nằm chết cạnh những hố bom, nhiều con trên thân còn găm đầy mảnh đạn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #191 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:15:00 am »


        Những hoạt động đó của địch đã gây ra cho ta vô vàn khó khăn. Bộ đội vừa rút về nước hồi tháng 7, lương thực, đạn dược dự trữ ở chiến trường đều thiếu thốn. Xe cộ hỏng chưa kịp sửa chữa. Địch khoá chặt đường số 7, đánh sập tất cả các cầu cống trên đường 7A và 7B, không dễ gì vận chuyển hàng đến các đơn vị. Bạn cũng gặp khó khăn: vũ khí, đạn dược chưa được bổ sung, lượng thực cũng cạn. Các đơn vị quân tình nguyện lại còn gian khổ hơn nữa. Ở đây hiện có Trung đoàn 866 và một số đơn vị của Trung đoàn 174 bám trụ chiến đấu từ sau chiến dịch Mường Xủi. Những đơn vị này đói ăn đã hơn một tuần lễ. Nhiều anh em bị kiết lỵ, phù thũng, nhiều người đứng không vững, phải dìu nhau hành quân. Quân số chiến đấu được ở mỗi đại đội chỉ còn 30 đến 40 tay súng.

        Trong khi đó, việc vận chuyển tiếp tế chỉ có thể tổ chức được bằng các lực lượng xung kích nhỏ. Vì vậy, năm bảy ngày mới có một chuyến tiếp tế chỉ đủ cho cả tiểu đoàn ăn cháo cầm hơi. Mỗi hạt gạo có khi phải đổi bằng xương máu. Một trung đội ra đi, khi về còn lại bảy, tám người, gạo cũng chỉ còn được non nửa. Hơn hai trăm thương binh, già nửa là thương binh nặng chưa chuyển được về phía sau, vẫn nằm trong vòng vây địch. Củ mài, củ rừng đào được phải dành cho thương binh và ngày càng trở nên khan hiếm. Không những thế, trong những ngày gian khổ vừa đánh địch, bộ đội ta vẫn tiếp tục dìu dắt nhân dân, đàn bà, trẻ em, người già Lào vượt thác lũ thoát khỏi vòng vây và sẵn sàng chia sẻ từng bát cháo, củ rừng cho bà con. Có bà mẹ Lào đã nói: “Mẹ biết ơn các con đã cứu mẹ, vì các con là bộ đội của Bác Hồ. chỉ có bộ đội của Bác Hồ mới thương yêu và giúp đỡ nhân dân Lào”. Cũng trong những ngày chiến đấu quyết liệt gian khổ này, cán bộ, chiến sỹ ta dù ở xa đất nước đều  biết được tin Bác Hồ mất. Sự kiện đau thương đó ảnh hưởng sâu sắc đến mọi cán bộ, chiến sỹ, mọi đơn vị đang chiến đấu ở chiến trường Lào. Biến đau thương thành sức mạnh, cán bộ, chiến sỹ càng nắm chặt tay súng, chiến đấu kiên cường. Các đơn vị đều hứa thấm nhuần sâu sắc hơn nữa lý tưởng của Bác, tinh thần quốc tế cao cả, tấm lòng của Bác luôn chăm lo, vun đắp cho tình đoàn kết Việt – Lào, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thực hiện cho được mong muốn của Bác, Di chúc của Bác để lại.

        Buổi chiều ngày 14 tháng 9, chúng tôi đến hang đá 50 theo điện của Bộ Tổng tham mưu để gặp các anh Vũ Lập, Thế Hùng và Lê Chiêu vừa mới sang. Sáng ngày 15, chún tôi khẩn trương họp bàn kế hoạch chiến dịch.

        Anh Vũ Lập cho biết, ngày 13 tháng 9, đại diện các đơn vị tham gia chiến dịch đã về Bộ họp để nhận nhiệm vụ. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Các Thiếu tướng Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn và Nguyễn Đôn, thay mặt Quân uỷ Trung ương trực tiếp họp và giao nhiệm vụ cho các lực lượng ta phối hợp với bạn mở chiến dịch.

        Anh Vũ Lập báo cáo tóm tắt ý đồ của chiến dịch theo quyết định của hai Quân uỷ Trung ương – ta và bạn – tên chiến dịch là 139 (ngày 13 tháng 9, ngày quyết định chủ trương mở chiến dịch). Anh Vũ Lập nhấn mạnh ba nhiệm vụ mà Bộ giao cho chúng tôi phối hợp với bạn:

        1. Phải tiêu diệt một bộ phận quan trong sinh lực của địch đang nống lấn ra Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, chủ yếu là lực lượng Vàng Pao, làm thay đổi một bước so sánh lực lượng có lợi về phía cách mạng.

        2. Khôi phục lại vùng giải phóng, xây dựng và củng cố vùng giải phóng.

        3. Mở rộng vùng giải phóng có trọng điểm, đập tan cả khu vực địch dùng làm bàn đạp để lấn chiếm Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.

        Để thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ đã quyết định sử dụng lực lượng tham gia chiến dịch gồm có Sư đoàn 316, Sư đoàn 312, Trung đoàn 866, Trung đoàn 16 pháo binh, hai tiểu đoàn công binh, Tiểu đoàn 20 đặc công, một đại đội xe tăng và Binh trạm 11 bảo đảm vận chuyển cho chiến dịch.

        Bộ tư lệnh chiến dịch gồm: anh Vũ Lập, Tư lệnh; tôi Chính Uỷ; anh Lê Chiêu, Phó Chính uỷ; anh Lê Minh, Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị; anh Thế Hùng, Tham mưu trưởng; anh Hoàng Hoa Thưởng Chủ nhiệm hậu cần; anh Nguyễn Năng, Sư đoàn trưởng 312 và anh Lê Hoàn Sư đoàn trưởng 316 làm Phó tư lệnh.

        Đảng uỷ chiến dịch có: tôi là Bí thư, các Uỷ Viên là các anh Vũ Lập, Lê Chiêu, Lê Linh, Hoàng Hoa Thưởng...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #192 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:15:38 am »


        Ngày 18 tháng 9, Đảng uỷ Bộ tư lệnh chiến dịch đã họp để quán triệt nhiệm vụ của bộ, đánh giá đúng tình hình và hạ quyết tâm chiến dịch.

        Vì là những anh em cùng quen biết, đã từng chiến đấu bên nhau trên chiến trường nước bạn nhiều năm, nên chúng tôi nhanh chóng đi đến nhất trí về mọi vấn đề.

        Bạn cũng cung cấp cho ta nhiều tin tức cụ thể về tình hình địch. Cuộc hành quân lấn chiếm của địch đang tiếp tục. Chúng đã khống chế được các con đường độc đạo, chiếm các điểm cao và trung tâm Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, Mường Xủi. Trong cuộc hành quân này, Mỹ sử dụng lực lượng Thái Lan đóng chốt các vị trí quan trọng và dùng bọn phỉ Vàng Pao làm lực lượng tiến công. Tuy vậy, do quy mô cuộc hành quân vượt quá sức của một đội quân tập hợp bằng nhiều lực lượng, mà trình độ phối hợp hành động của chúng rất hạn chế, nên không đáp ứng hoàn toàn theo yêu cầu của bọn chỉ huy Mỹ. Bọn lính đặc biệt mới chỉ quen đánh phân tán, nhỏ, lén lút, chưa có đủ trình độ đánh tập trung, đánh lớn. địa bàn lấn chiếm rộng lớn, phải rải quân ra nhiều hướng nên địch không còn cả lực lượng dự bị, một điều kiêng kỵ nhất của một đội quân đi tiến công.

        Về ta, cũng chưa bao giờ ta mở một chiến dịch phản công trên một quy mô rộng lớn trên chiến trường Thượng Lào như chiến dịch này. Vì thế, ta gặp không ít khó khăn: lực lượng tác chiến tại chỗ thì đã hoạt động dài ngày, quân số hao hụt, lương thực, đạn dược tiếp tế hết sức khó. Lực lượng mới bổ sung tuy sung sức, nhưng chưa quen chiến trường. Dự trữ các mặt cho chiến dịch còn quá ít ỏi.

        Mặc dù gặp những khó khăn như vậy, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh chiến dịch vẫn xác định quyết tâm:

        - Phải tiêu diệt được sáu đến bảy tiểu đoàn địch, đánh thiệt hại nặng bảy đến tám tiểu đoàn khác, đặc biệt chú ý tiêu diệt cơ quan đầu não chỉ huy hành quân, bọn cố vấn Mỹ và quân Thái Lan.

        - Khôi phục lại toàn bộ vùng giải phóng, quét sạch phỉ, nối liền hai tỉnh Sầm Nưa và Xiêng Khoảng, đi đôi với việc mở rộng vùng giải phóng.

        Chiến dịch sẽ được chia làm ba đợt:

        Đợt 1 từ 25 tháng 10 năm 1969 đến 10 tháng 2 năm 1970 là đợt đánh tạo thế, mở đường triển khai lực lượng và chuẩn bị vật chất, kỹ thuật. Đợt này phải tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, mở tuyến đường tiếp tế, khôi phục lại một số địa bàn có lợi cho phản công sau này, khai thông đường số 7 từ Bản Son đến ngã ba Noọng Pẹt và đường 7B vào Xiêng Khoảng.

        Đợt 2 từ 10 tháng 2 năm 1970 đến cuối tháng 2 năm 1970, đợt chủ yếu của chiến dịch, có nhiệm vụ tiêu diệt đại bộ phận sinh lực địch, khôi phục lại toàn bộ vùng giải phóng Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.

        Đợt 3 từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4 năm 1970, nhằm phát triển thắng lợi, giải phóng Sảm Thông – Long Chẹng và Mường Xủi, thanh toán các cụm phỉ ở phía nam và bắc đường 7, ở Sen Chồ, Pom Lọng, Keo Sơn và Phu Xa Bốt.

        Để khắc phục khâu bảo đảm vật chất kỹ thuật cho cả một chiến dịch lớn, dài ngày không thể chỉ riêng bộ máy hậu cần lo nổi, càng không thể dựa vào nhân dân vùng giải phóng mà địch vừa tàn sát, đốt phá, cướp sạch mọi thứ, nên Đảng uỷ đề ra khẩu hiệu: “Vai súng, vai gạo, toàn mặt trận làm công tác hậu cần”.

        Về kế hoạch hiệp đồng với bạn, phải đặc biệt chú ý phát huy thế xen kẽ hiện nay của các lực lượng Pa-thét Lào đang chiến đấu trong lòng địch như Tiểu đoàn 24 ở Keo Xẹt, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 15 và Tiểu đoàn 46 ở Mường Khình, Tiểu đoàn 1 ở Xa La Phu Khun, Tiểu đoàn Pa Chay ở Phu Nốc Cốc... để tiếp tục kiềm chế, tiêu hao địch, buộc địch phải phân tán, đối phó, tiến tới bao vây hạn chế hoạt động nống lấn của chúng.

        Họp xong, anh Vũ Lập và tôi thay mặt Bộ tư lệnh chiến dịch sang gặp Bộ chỉ huy của bạn để bàn và thống nhất kế hoạch tiến hành chiến dịch. Lúc đó, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon cũng đang có mặt ở sở chỉ huy. Chúng tôi muốn nhân dịp sang thăm bạn có một món quà gì đó nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ, ý định tốt đẹp đó cũng không thực hiện được. Dọc đường, khi đi qua một khu rừng ổi, chúng tôi nảy ra ý định chọn những quả thật ngon đem biếu bạn. Gặp lại chúng tôi, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon vui mừng không xiết. Tôi và anh Vũ Lập cũng xúc động không kém vì từ sau chiến dịch Mường Xủi đến nay chúng tôi mới lại được gặp nhau. Và điều không ngờ, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon cũng đã chọn được năm quả ổi rất to để đón chúng tôi. Chúng tôi ôm lấy nhau, rơm rớm nước mắt. Hình ảnh này in sâu mãi trong lòng tôi, ngày càng đậm nét và thực sự trở thành tình cảm ruột thịt trong cuộc đời chiến đấu cũng như cuộc sống bình thường của tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #193 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:16:17 am »


        Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon chia buồn sâu sắc với chúng tôi về việc Bác của chúng ta qua đời. Đó cũng là nỗi buồn chung. Chúng tôi ngồi lặng bên nhau. Bác là hình tượng cao đẹp nhất của tình đoàn kết chiến đấu của cả hai dân tộc. Chúng tôi đều nhớ thương Bác và cảm thấy như Bác vẫn luôn có mặt bên chúng tôi trong những ngày chiến đấu gian khổ, hy sinh này. Khi hỏi thăm sức khoẻ của chúng tôi và anh em quân tình nguyện Việt Nam, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon tỏ ra băn khoăn nhiều nhất về tình hình sức khoẻ của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 174 ở Mường Xủi, mặc dù vừa qua bị cái đói hành hạ nhưng vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu. Đồng chí biết có đơn vị chốt giữ ở Phu Keng đã hàng tháng không có hạt cơm nào, toàn ăn ổi xanh, củ chuối, rau rừng để đánh giặc. Đồng chí nói:

        - Sau này khi cách mạng thành công, nước Lào hoàn toàn độc lập, dù cho nhân dân Lào xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, đời sống vật chất thật sung túc, nhân dân Lào vẫn không quên những ngày gian khổ của anh em chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam hôm nay.

        Tôi biết lời đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đơn nói vậy là xuất phát  từ tấm lòng rất chân thành. Có một câu chuyện vừa qua, đồng chí Xa Mán, Chính uỷ Mặt trận Cánh Đồng Chum viết thư và cử hai chiến sỹ sang Sư đoàn 316 đề nghị chi viện ít gạo, vì có đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon tới để chỉ đạo cuộc chiến đấu mà đơn vị không còn hạt gạo nào. Sư đoàn cũng không còn gạo, phải cử người về tận kho phía sau lấy nhưng cũng chỉ còn vài chục cân gạo cháy và mốc để trao cho bạn. Biết được hoàn cảnh khó khăn của ta, bạn rất xúc động.

        Sau khi trao đổi kỹ, đánh giá tình hình địch, ta về mọi mặt, anh Vũ Lập đã báo cáo về kế hoạch tác chiến của chiến dịch. Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon rất phấn khởi. Đồng chí hoàn toàn nhất trí với dự kiến kế hoạch chiến dịch mà chúng tôi trình bày. Đồng chí nhấn mạnh đến tính phức tạp của chiến dịch. Đến vị trí chiến lược của Cánh Đồng Chum và đề nghị chúng tôi nên dự kiến cả kế hoạch tiếp theo, có biện pháp thật cụ thể và hiệu quả để cùng với bạn bảo vệ vững chắc vị trí này sau khi được giải phóng.

        Vấn đề mà đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon và các đồng chí trong Bộ chỉ huy của bạn quan tâm đến nhiều nhất là vấn đề tiếp tế. Bạn hứa sẽ làm hết sức mình để cùng ta khắc phục khâu quan trọng này.

        Do thời gian chiến dịch kéo dài, để ổn định việc chỉ huy, chúng tôi đề nghị với đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon chọn một địa điểm thuận lợi cho việc trao đổi chung thường xuyên giữa hai cơ quan chỉ huy của bạn và của ta. Sau khi cân nhắc, chúng tôi nhất trí cùng chuyển về vùng Khăm Pha Niên. Nơi đấy có một dãy núi đã trùng điệp, dưới chân núi có hang sâu, bảo đảm an toàn và rất thuận tiện cho việc chỉ huy tác chiến.

        Cuối tháng 10 năm 1969, tiếng súng mở màn chiến dịch phản công của ta bắt đầu nổ giòn giã trên Mặt trận Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.

        Thực hiện quyết tâm chiến dịch đợt 1, từ ngày  25 tháng 10 đến ngày 15 tháng 11 năm 1969, các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào đã cùng với các đơn vị quân tình nguyện liên tiếp tổ chức tiến công tiêu hao sinh lực địch. Nhiều trận đánh có hiệu quả cao. Đại đội đặc công 19, bộ đội địa phương Nghệ An và các Tiểu đoàn2, Tiểu đoàn  của Pa-thét Lào đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở vị trí Xa Nọi; Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 141, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 174 đã tập kích dứt điểm Phu Phụng, Lạt Buộc, tiêu diệt, tiêu hao nặng nề các AC10a, BV21, BV24, BV27 và BI12 của địch, buộc chúng phải rút chạy.

        Trước tình hình đó, địch đã phải điều AC9a từ bắc Xa La Phu Khun về phòng ngự ở Đông Đàn và điểm cao 1505, đưa BV7 từ Phu Phụng về tăng cường cố giữ khu Noọng Pẹt, đưa thêm các BS208, 209, 210 ra chốt chặn trên tuyến đường Then Phun – Xa Nọi.

        Lợi dụng thời điểm địch còn đang chuyển quân, công sự sơ sài, phòng ngự chưa vững chắc, đêm 8 tháng 11, các bộ phận của Trung đoàn 163 và Trung đoàn 145 của Sư đoàn 312 đã tiến hành một loạt các trận tập kích vào AC1a trên bốn điểm cao ở thị xã Xiêng Khoảng, đánh dứt điểm hai vị trí của BS209 ở Then Phun. Sân bay Xiêng Khoảng cũng bị tập kích. Ba điểm ở Phu Chông Vông và Keo Hom do BV24 chiếm giữ bị tiêu diệt. Số còn lại vội vã co về Sảm Thông củng cố.

        Ở khu Bản Son, các đơn vị quân tình nguyện thuộc Đơn vị 866, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 174 và Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 165 cũng liên tục đánh diệt bọn BV27. Bị thiệt hại nặng, bọn này rút về Noọng Pẹt cố thủ. Đêm 23 tháng 1 năm 1969, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 141 lại đánh dứt điểm đèo Mã Tử mở thông đường vận chuyển từ U2 vào Bản Son.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #194 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:16:51 am »


        Bị thất bại liên tiếp, địch đã phải điều các SGU từ Hạ Lào lên tiếp viện tăng cường chốt giữ tuyến Xa Nọc – Phu Học – Cò Luông – Phu Nốc Cốc hình thành một phóng tuyến chặn ta từ Mường Kha đến đông bắc Noọng Pẹt.

        Vừa chuẩn bị vừa đánh, đánh địch để chuẩn bị là một phương thức mới đang được áp dụng trên tất cả các khu vực, các hướng của chiến dịch. Lợi dụng phòng tuyến địch có nhiều sơ hở do đứng chân chưa vững, các đơn vị quân tình nguyện đã thừa thắng tiến công Phu Nốc Cốc – Cò Luông và chuẩn bị diệt địch ở Mường Kha, gây cho địch nhiều thiệt hại đáng kể. Nhưng cho đến ngày 10 tháng 12, do còn gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển, tiếp tế nên ta chưa tổ chức đánh tiêu diệt lớn và chưa khai thông được đường số 7, con đường tiếp tế chủ yếu của chiến dịch. Mặt khác, địch vẫn đang ở thế tương đối chủ động nên trận đánh Phu Nốc Cốc – Cò Luông không thành công.

        Ngày 10 tháng 12, để khu trục ta ra xa các phòng tuyến đang chiếm giữ, Phu Ma lúc ấy là Thủ tướng chính phủ Viêng Chăn đã bay lên Cánh Đồng Chum gặp Su-li-van, Chỉ huy trưởng lực lượng trung lập phản động để nghiên cứu, bàn bạc việc tăng cường quân cho chiến dịch lấn chiếm và ngày 13, một số đơn vị quân trung lập của Su-li-van từ Văng Viêng đã được điều lên khu vực Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.

        Địch đang cố gắng ổn định, xây dựng thế phòng ngự ở những khu vực mà chúng vừa chiếm được, vừa tổ chức những đợt tiến công mới, hy vọng có thể giành lại thế chủ động đã mất. Trước tình hình đó, chúng tôi đã cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch của bạn trao đổi, rút kinh nghiệm đợt đầu của chiến dịch và nhận thấy: trong thời gian qua, bộ đội ta đã đánh tốt, tiêu hao, tiêu diệt được nhiều địch nhưng do còn gặp quá nhiều khó khăn về vận chuyển, tiếp tế nên chưa tổ chức đánh tập trung, đánh lớn được. Mặt khác, ta vẫn chưa tạo ra được một cách đánh thích hợp mà còn nặng về đánh vỗ mặt, chưa kết hợp được giữa đánh mở đường với đánh vào hậu cứ địch, do đó địch còn khả năng đối phó vì hậu phương của chúng vẫn yên tĩnh.

        Qua rút kinh nghiệm và nhận định tình hình, ta và bạn đều nhất trí một phương thức hoạt động mới: vừa đánh vào các vị trí tiền duyên, vừa tập kích vào các sở chỉ huy hành quân của địch, tiêu diệt một bộ phận sinh lực cấp cao và phá huỷ các phương tiện chiến tranh của chúng. Một khi các sở chỉ huy bị đập nát, quân địch sẽ tan rã rất nhanh, như chúng đã từng tan rã ở Nậm Bạc, Pa Thí và Mường Xủi.

        Mở đầu cho đợt hoạt động này, đêm 18 tháng 12 năm 1969, đơn vị đặc công của Quân khu Tây Bắc đã cùng với đơn vị Đặc công 5 của Bộ bất ngờ tập kích tiêu diệt một loạt 13 vị trí địch ở Cánh Đồng Chum diệt 320 tên, trong đó có nhiều sỹ quan chỉ huy, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Cùng với trận tập kích gọn ghẽ chớp nhoáng đó, các đơn vị bộ binh cũng mở một loạt các trận đánh ở hai phía đường 7A và 7B. Kết quả sau mười ngày vây ép, ta đã hoàn toàn làm chủ được Phu Nốc Cốc và Cò Luông.

        Con đường tiếp vận chủ yếu của chiến dịch đã được khai thông và cửa ngõ vào Cánh Đồng Chum cũng đã được mở rộng. Đợt 1 của chiến dịch căn bản đã hoàn thành. Sau 107 ngày đêm chiến đấu, các lực lượng vũ trang của ta và bạn đã loại khỏi vòng chiến đấu 3.161 tên địch, diệt gọn BV24, BV27, đánh thiệt hại nặng BS209, BC206, BV21, BI12, SGU1, và cả hai AC của địch.

        Ta đã chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, khắc phục được một số khó khăn về vận chuyển tiếp tế, lót sẵn được một số lực lượng vào sau lưng địch để tạo thế cho đợt 2. Từ thế ồ ạt tiến công, địch đã phải co về phòng ngự ngay cả trong hành lang phòng ngự, chúng cũng liên tiếp bị các lực lượng của ta chọc thủng. Tuy vậy, địch vẫn nống lấn ra được ở đèo Bưởi – Phu Mu Lao trên đường số 7 và do đó, đường vận động cơ giới duy nhất của ta vẫn chưa được khai thông. Mặt khác BS205 của địch vẫn chốt giữ ở Mường Kha nên tuyến vận chuyển đường bộ từ U2 đi Bản Son vẫn bị cắt đứt.

        Nhưng vấn đề đặt ra lúc này là không thể chờ đợi điều kiện vận chuyển đầy đủ mới tiếp tục đánh địch, như vậy địch sẽ có thời gian hồi sức củng cố phòng tuyến và ổn định thế chiếm đóng. Căn cứ vào tình hình cụ thể của chiến trường, hai bộ chỉ huy của ta và của bạn đã nhất trí chủ trương: Phải gấp rút chuẩn bị với mức yêu cầu tối thiểu, vừa tiếp tục đánh tiêu hao sinh lực địch ở các vị trí phòng ngự bên ngoài, vừa khẩn trương chuẩn bị bước sang đợt 2 của chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #195 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:20:55 am »


        Bấy giờ đang là những ngày đầu của một năm mới. Bầu trời hết sức tạnh ráo, quang đãng. Núi rừng Lào như được khoác một tấm áo mới, xanh biếc. Ở những vạt rừng bị bom na-pan và thuốc độc hoá học Mỹ phá trụi, những chồi non đã bắt đầu nhú lên mát dịu. Anh Vũ Lập nói vui với tôi: “Thiên nhiên đang ủng hộ chúng ta”. Quả thực, ở Thượng Lào yếu tố thiên nhiên đóng một vai trò rất quan trọng trong các hoạt động quân sự.

        Vào đợt 2 của chiến dịch, ta phải trực tiếp đụng độ với một lực lượng lớn tăng cường của địch. Vàng Pao đã tập trung hơn 50 phần trăm lực lượng đặc biệt của y trên chiến trường Lào, cộng với 18 tiểu đoàn chủ lực của phái hữu và trên 50 các AC. Tổng cộng trên 8.000 tên. Để hỗ trợ cho Vàng Pao, Mỹ còn huy động cả quân Thái Lan đóng giữ tuyến Bản Na, Cửa Trời và căn cứ Sảm Thông – Long Chẹng, cho máy bay ngày đêm đánh phá liên miên, ác liệt các trục đường giao thông tiếp tế của ta. Chúng quyết tâm đánh chiếm bằng được và chiếm giữ lâu dài Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, vị trí chiến lược sống còn của cách mạng Lào.

        Thế chiếm đóng của địch đã gây cho ta rất nhiều khó khăn. Chúng giữ được nhiều điểm cao quan trọng, hình thành từng cụm và khu vực phòng ngự có chiều rộng và chiều sâu nối liền với hậu cứ của chúng, kết hợp với những hoạt động thường xuyên ở phía ngoài, ngăn chặn đường phát triển của ta vào Cánh Đồng Chum cũng như bít chặt các con đường tiếp tế của ta vào phía sau của chiến dịch.

        Tuy vậy, lực lượng của địch cũng có hạn. Chúng chỉ có đủ sức thực hiện được ý đồ ở phía bắc Cánh Đồng Chum, còn ở phía nam và tây nam thì vẫn là nơi sơ hở mà ta cần phải khai thác một cách thật triệt để.

        Sau khi sơ kết đánh giá thắng lợi của đợt 1 và chuẩn bị quyết tâm của đợt 2, chúng tôi xác định: Tư tưởng chỉ đạo của đợt 2 vẫn là tư tưởng chỉ đạo chung của chiến dịch. Nhưng trong đợt này, chúng tôi quan tâm nhiều đến vấn đề chỉ đạo tác chiến với từng đối tượng cụ thể, đặc biệt là mối quan hệ giữa nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch với nhiệm vụ khôi phục nhanh chóng vùng giải phóng.

        Hướng đột kích chủ yếu của đợt 2 được xác định đánh vào những nơi hiểm yếu, tập trung lực lượng chủ chốt của địch, kết hợp với các mũi thọc sâu tiến đánh vào bên trong hậu cứ, hình thành thế bao vây chiến dịch và chiến thuật thật chặt chẽ.

        Cuối tháng 1, Bộ Tổng tham mưu cử đồng chí Nguyễn Đôn sang thông qua quyết tâm đợt 2 chiến dịch. Ngày 1 tháng 2, anh Lập, tôi và anh Đôn thay mặt Bộ tư lệnh chiến dịch sang gặp đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon để trao đổi tình hình và thống nhất phương án với Bộ chỉ huy của bạn. Trong chiến dịch này, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon luôn có mặt ở sở chỉ huy chiến dịch, nắm sát tình hình chiến đấu của các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào, quan tâm thăm hỏi, động viên và thường xuyên trao đổi với chúng tôi. Sau khi nghe và trình bày phương án đợt 2 chiến dịch. Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon nhất trí với nhận định và quyết tâm của chúng tôi. Đồng chí bổ sung một số vấn đề và nhấn mạnh nhiều lần kế hoạch hiệp đồng với mũi tiến công của các đơn vị Pa-thét Lào ở hướng Mường Xủi – Xa La Phu Khun và hướng Pa Kha – Phu Bia.

        Lúc tiễn chúng tôi ra về, đồng chí nheo mắt nhìn bầu trời tràn ngập ánh nắng, vui vẻ nói:

        - Chúng ta cố gắng kết thúc chiến dịch trước Tết “Bun Hột Nậm” cổ truyền của Lào và mời các anh cùng dự Tết chiến thắng với chúng tôi nhé!

        Ngày 8 tháng 2 năm 1970, bọn chỉ huy địch ở Cánh Đồng Chum đã đánh hơi được sự chuẩn bị của ta. Chúng vội vã ra lệnh cho các đơn vị tăng cường phòng thủ và gọi các sỹ quan vắng mặt trở về đơn vị. Nhưng do chưa nắm được ý đồ chiến dịch của ta và cho rằng trước mắt ta chỉ đủ sức tiến công Xiêng Khoảng, nên chúng điều các BS204, 206, có xe tăng, xe bọc thép yểm trợ để cố thủ Noọng Pẹt. Ở các khu vực khác, chúng chỉ tăng cường có mức độ. Đấy là một sai lầm lớn của địch và cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự tan rã nhanh chóng của địch ở khu vực Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.

        Chiều ngày 3 tháng 2, chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng ở địa điểm mới, cách hang Khăm Pa Niên một ngày đường. Trước cờ Đảng và chân dung của Bác, chúng tôi nhắc lại những lời thề thiêng liêng của mình, kiên quyết làm tròn nhiệm vụ quốc tế mà Đảng, Bác giao cho  chúng tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #196 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:21:49 am »


        Trong buổi lễ ra quân đầy xúc động ấy, chúng tôi vui mừng được đón tiếp các đồng chí cán bộ các binh chủng do Bộ cử sang theo dõi, chỉ đạo chiến dịch, cũng toàn là những anh em đã quen biết, gắn bó với nhau từ lâu.

        Hôm ấy có một chuyện không may đã xảy ra đối với chúng tôi. Vào lúc 4 giờ sáng, trước khi xuất quân, một loạt bom B52 đã rải thảm trùm từ cửa hang lên đỉnh núi chúng tôi đang ở. Sức ép và mảnh bom làm một số đồng chí hy sinh, một số khác bị thương nặng, trong đó có anh Thăng Bình là Tham mưu trưởng mặt trận. Một điều rất lạ là ở trong hang, chúng tôi nằm thành hàng ngang thì cứ xen kẽ nhau một người bị ảnh hưởng của bom, tiếp đến một người không việc gì. Hai đồng chí chiến sỹ liên lạc nằm cạnh tôi, ở hai bên, thì cả hai đều hy sinh, tôi may mắn sống sót.

        Anh Thăng Bình là một cán bộ lâu năm của Quân đội ta, đã cùng chúng tôi tham gia nhiều chiến dịch. Nghe tin anh hy sinh, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon đã gửi tới chúng tôi những lời chia buồn thật thân thiết và cảm động. Hai đồng chí liên lạc hy sinh, có một người đã cùng sống với tôi trong mấy năm nay, cùng tôi tham gia nhiều chiến dịch, trải qua bao gian khổ, thiếu thốn và đã từng cứu tôi thoát chết ở Bản Son.

        Trước khi lên đường, chúng tôi thầm gạt nước mắt vĩnh biệt những người đồng chí thân yêu của mình. Các anh ra đi từ đất Mẹ và đã vĩnh viễn nằm xuồng, gửi lại xương máu mình làm “Tươi thắm thêm cây cỏ, sông núi Lào” như lời đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon nói với chúng tôi.

        Sáng ngày mùng 5, chúng tôi đến sở chỉ huy mới. Anh Vũ Lập đã đến đây trước. Tối hôm đó, chúng tôi nấu một bữa chè ngọt để khao các anh cán bộ của Bộ đến mặt trận an toàn. Không có đậu với đường, chúng tôi lấy mấy bánh lương khô hoà với nước rồi đun sôi lên. Nhưng chè vừa múc ra bát, một loạt bom toạ độ lại rơi đúng vào vị trí sở chỉ huy. Lúc đó, chúng tôi còn ngồi cả trong hầm nên không ai việc gì, còn chè thì phủ đầy bụi đất. ăn không được mà đổ đi thì tiếc, một người chợt nảy ra sáng kiến: chờ cho chè nguội rồi lấy dao hớt bỏ một lớp ở trên đi. Rốt cuộc bữa tiệc của chúng tôi vẫn không bị bỏ dở, trở thành một kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày thiếu thốn, gian khổ nhất của chiến dịch.

        Trước ngày N của đợt 2 chiến dịch một ngày, các đơn vị của Sư đoàn 316 được lệnh tiến hành một loạt các trận đánh vào các mục tiêu án ngữ xung quanh Phu Huội và ngã ba Noọng Pẹt. Được không quân chi viện, địch tổ chức phản kích nhiều lần nhưng đều bị đánh bại. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 11 tháng 2 năm 1970 bọn địch ở các mục tiêu còn lại đã phải rút chạy về Bản Hang, Phu Hoi và Mường Kha. Sư đoàn 316 hoàn toàn làm chủ khu vực được phân công, diệt sáu vị trí địch, bức rút nhiều vị trí khác. Cụm phòng ngự liên hoàn ở phía nam đường số 7 của địch đã bị phá vỡ.

        Hai giờ sáng ngày 12 tháng 2 năm 1970, tiếng súng bắt đầu gầm lên dữ dội ở cả hai phía nam và bắc Cánh Đồng Chum. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đơn vị phía nam của Sư đoàn 312 cùng Trung đoàn 866 đã dứt điểm năm vị trí địch ở Phu Theng Neng, điểm cao 1505, U Bo, Nậm Cô và Cô Xi; cùng một lúc, lực lượng pháo binh của Sư đoàn 316 và đại đội pháo A-rốc của Pa-thét Lào cùng luồn sâu vào phía trong sử dụng súng cối và ĐKB tập kích mãnh liệt vào khu trung tâm Cánh Đồng Chum gây cho địch nhiều thiệt hại đáng kể.

        Toàn bộ SGU5, BS204, AC4c của địch ở Phu Học, đồi Xa La Phu Khun đã lần lượt rút chạy. Bộ đội ta phối hợp cùng dân quân du kích của bạn “bám lấy thắt lưng địch mà đánh” diệt một số địch, phá huỷ bốn xe tăng, xe bọc thép. Nhưng trên đường số 7, địch vẫn ngoan cố chốt giữ tuyến Đèo Bưởi, Phu Mu Lao, Mô Phương để ngăn chặn đường phát triển của ta. Để mở đường cho cơ giới ta đi vào phía trong, Bộ tư lệnh chiến dịch đã ra lệnh cho đơn vị pháo 105 ly bắn không chế thường xuyên vào ba vị trí nói trên và mãi tới 15 giờ ngày 12, gần một nửa lực lượng cơ giới của ta gồm ba xe tăng, hai xe bọc thép và ba khẩu lựu pháo 122 mới vượt qua được Phu Nốc Cốc.

        Không thể không giải phóng đường số 7, Bộ tư lệnh chiến dịch, một mặt tiếp tục dùng pháo 105 khống chế Đèo Bưởi, Phu Mu Lao, Mô Phương, mặt khác gấp rút điều Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 148 tiến công Đèo Bưởi. Sau một ngày đêm chiến đấu ác liệt, bọn địch ở Đèo Bưởi đã bị tiêu diệt một số lớn, phải rút chạy về Phu Mu Lao và đến lúc ấy, đường số 7 mới hoàn toàn được thông suốt. Lực lượng xe tăng, pháo, xe chở gạo của ta xuất phát từ Bản Ban nhanh chóng tiến vào phía Bản Hang, bắt liên lạc với bộ binh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #197 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:22:22 am »


        Phối hợp với Mặt trận Cánh Đồng Chum, các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào cùng với quân dân Xiêng Khoảng đã liên tục bao vây, tiến công tiêu diệt các vị trí xung quanh thị xã ở Căng Xẻn. Trong ba ngày đầu chiến dịch, các lực lượng vũ trang của bạn đã tiêu diệt 20 vị trí, diệt và bắt trên 800 tên địch, thu nhiều xe quân sự, trong đó có cả xe bọc thép và đại bác. Tiểu đoàn BC208 địch bị xoá sổ. Các BS201, 202 và nhiều AC địch bị tiêu hao nặng nề đã buộc phải rút chạy.

        Những thắng lợi liên tiếp ở cả hai hướng chiến dịch đã làm cho bọn chỉ huy địch ở Cánh Đồng Chum lúng túng. Chúng nhận định lực lượng của chúng không còn khả năng phòng thủ từ xa nữa nên đã ra lệnh cho các đơn vị ở phía bắc Cánh Đồng Chum từng bước co về ngăn chặn ta ở khu vực Phu San, nam Bản Sen, bắc Bản Ang, Phu Xa Ni và Phu Hè. Riêng ở các vị trí xung yếu như Phu Mu Lao, Mô Phương và Phu Khoang chúng lại ra lệnh cho các BV26, BS205, BV21 cố thủ cho bằng được.

        Nhưng càng co về gần trung tâm Cánh Đồng Chum, địch càng dao động mạnh vì liên tiếp bị pháo kích và bộ binh ta tiến công. Đêm ngày 13, BS205 ở Phu Hè bắt đầu rút chạy về Tài Xủng Phìn. Các AC3a, 12c, 5b và BV24 cũng lần lượt rút chạy về trung tâm Cánh Đồng Chum.

        Hệ thống phòng ngự của địch bắt đầu bị rối loạn. Bọn chỉ huy hoảng hốt yêu cầu Quân khu 2 ngụy cấp tốc dùng mọi biện pháp cao nhất để yểm trợ và tiếp tế cho Cánh Đồng Chum. Lần đầu tiên địch đã cho hàng chục tốp B52 liên tiếp ném bom rải thảm xuống tất cả các vạt rừng xung quanh Cánh Đồng Chum và hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật thay nhau ném bom bắn phá ác liệt xuống các trục đường tiến quân, các vị trí chốt giữ của ta. Nhưng những loạt pháo tầm gần của ta đã bắt đầu giội xuống trung tâm Cánh Đồng Chum. Đơn vị pháo binh A-rốc của Pa-thét Lào phần lớn là chiến sỹ gái, đánh rất xuất sắc, đã kịp thời bắn trúng vào sân bay, xoá bỏ ưu thế tiếp tế đường không của địch.

        Tuy vậy, ở một số khu vực địch vẫn còn khả năng chống giữ do ta chưa tiêu diệt được nhiều sinh lực của chúng. Chúng vẫn thực hiện được kế hoạch rút lui từng bước để bảo toàn lực lượng. Ở những nới chưa bị ta tiến công như Phu Leng, Phu San, Phu Keng, Phu Cút, Phu Thoong... chúng tăng cường phòng ngự, kết hợp với bom đạn Mỹ tạo thành một vành đai kiên cố bảo vệ khu trung tâm Caán Đồng Chum và làm bàn đạp để phản kích. Chúng còn có ý định co về một tuyến phòng ngự mới ở phía tây với các cứ điểm Huổi Ki Nin, Bản na, Phu Long Mạt, Hai Tặng, Thàm Luồng, Phu Pha Xay... giữ hang ổ cuối cùng là Sảm Thông – Long Chẹng nếu phòng tuyến Cánh Đồng Chum bị vỡ.

        Vấn đề cấp bách đặt ra cho Bộ tư lệnh chiến dịch lúc này là phải bằng mọi cách tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, không cho chúng lập được tuyến phòng thủ mới, đồng thời với việc chiếm giữ cho được các bàn đạp cần thiết chuẩn bị cho đợt 3: giải phóng Sảm Thông – Long Chẹng.

        Ngày 16 tháng 2,  Vàng Pao vội vã đến trung tâm Cánh Đồng Chum kiểm tra tình hình và bàn kế hoạch phản kích chiếm lại ngã ba Noọng Pẹt. Tên trùm phỉ này đã hấp tấp ra lệnh cho các BS208, 280 và BV27 nống ra định chiếm lại Bản Tôn, Phu Theng Neng, dùng các BV26, 27, BS205, định chiếm lại Bản Tài, Khang Khai, dùng BS204, 206 và AC4c định chiếm lại Phu Học, Phu Khiêu.

        Nhưng cả ba cánh quân mà Vàng Pao hốt hoảng tung ra đều đã bị hai Trung đoàn 165 và 148 chặn đánh tan tác. Đến ngày 17 tháng 2, phân đội đặc công của Quân khu Tây Bắc đã lập thêm được một chiến công xuất sắc: tập kích vào sào huyệt địch ở Long Chẹng diệt hàng trăm cố vấn Mỹ - Thái Lan, phá huỷ 12 máy bay. Đòn đánh bất ngờ này không chỉ làm cho bọn địch tại chỗ hốt hoảng mà đã gây chấn động rất mạnh tới các đơn vị địch đang cố thủ ở khu trung tâm Cánh Đồng Chum.

        Hai giờ sáng ngày 18, Trung đoàn 148 (thiếu) cùng với một trung đội xe tăng đã tổ chức một đợt tiến công thọc thẳng vào trung tâm Cánh Đồng Chum tại Bản Ang. Do thời tiết mây mù dày đặc, bộ binh đi lạc hướng, không kịp cùng xe tăng phối hợp tác chiến đúng giờ quy định, nhưng sự xuất hiện của trung đội xe tăng đã làm bọn địch ở trung tâm Cánh Đồng Chum rối loạn. Lực lượng bộ binh không vào kịp, vẫn áp sát bên ngoài đã kiên cường đánh lui nhiều đợt phản kích của địch trong ngày hôm sau. Trước tình hình đó, tên đại tá Châu Mô-ni-vông và toàn bộ cơ quan chỉ huy Cánh Đồng Chum hốt hoảng bỏ chạy về Sảm Thông. Bộ phận chỉ huy quân trung lập phản động (RI305) cũng bỏ chạy về Mường Phần. Tuy bọn đầu sỏ bỏ chạy nhưng lực lượng của địch co cụm tại Bản An vẫn còn khoảng trên 600 tên. Ở Xiêng Khoảng, BC208 cuống quýt gọi điện xin cấp trên của chúng cho rút vì lo bị tiêu diệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #198 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:23:14 am »


        Nắm chắc được tình hình trên, một giờ 20 phút ngày 21 tháng 2, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định đưa toàn bộ Trung đoàn 148 tiến công dứt điểm Cánh Đồng Chum. Sau khi xốc lại lực lượng, bổ sung đạn dược, Tiểu đoàn 4 – đơn vị vừa đánh địch phản kích đã vượt qua lưới bom toạ độ của địch xông lên. Sau ba giờ chiến đấu,  Tiểu đoàn 4 đã làm chủ trung tâm, diệt 75 tên, bắt sống sáu tên, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Cánh đồng chiến lược - cửa ngõ đi năm nước, địa bàn cực kỳ quan trọng của cách mạng Lào đã được giải phóng.

        Tiếng súng ở khu trung tâm Cánh Đồng Chum vừa dứt, Bộ tư lệnh chiến dịch đã lệnh tiếp cho Trung đoàn 148 cùng với Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 866 nhanh chóng quay sang đánh chiếm Mường Pốt, Phu Xeng Luông, Phu Khi Nốt, Phu Huổi Sang, chuẩn bị bàn đạp cho đợt 3 của chiến dịch. Cùng thời gian trên, Bộ tư lệnh chiến dịch đã ra lệnh cho đặc công của Trung đoàn 174 đánh chiếm Bản Na, Tiểu đoàn 1 đánh chiếm Mường Xủi và lệnh cho các đơn vị ở phía nam nhanh chóng giải quyết Phu Ke – Xiêng Khoảng.

        Bộ binh của ta phát triển nhanh và sâu, song khâu vận chuyển vẫn gặp quá nhiều khó khăn nên tốc độ phát triển đôi khi không kịp, bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch. Ở Mường Xin và Xiêng Khoảng, địch đã bỏ cả pháo 105 ở Phu Cút để rút chạy. Đến 25 tháng 2, khi một bộ phận của Trung đoàn 165 tiến vào được Phu Khe – Xiêng Khoảng thì toàn bộ BS208 và SGU2 đã rút về Mường Chè bằng máy bay lên thẳng từ ngày 24 và 25 tháng 2.

        Đợt 2 của chiến dịch kết thúc. Sau 15 ngày đêm tiến công liên tục, các lực lượng vũ trang của ta và của bạn đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.500 tên địch, tiêu diệt ba tiểu đoàn (BV), đánh thiệt hại nặng tám liên đoàn khác (BS, SGU) thu hồi toàn bộ khu vực Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng và Mường Xủi. Chiến thắng Cánh Đồng Chum nói lên tinh thần hy sinh, chịu đựng gian khổ vô bờ bến của các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam cũng như các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào. Sự cố gắng, tinh thần anh dũng hy sinh của mỗi người chiến sỹ thật phi thường, vượt lên mọi thiếu thốn, bất chấp bom đạn ác liệt để giành lấy chiến thắng. Sức mạnh chiến đấu và tốc độ phát triển của chiến dịch đã hoàn toàn nhờ vào đôi vai và đôi chân của người chiến sỹ.

        Không kịp nghỉ ngơi, niềm vui giải phóng với nhân dân Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, những người chiến sỹ của lực lượng vũ trang ta và bạn lại khẩn trương bước vào giai đoạn cuối của chiến dịch: giải phóng căn cứ Sảm Thông – Long Chẹng, sào huyệt cuối cùng của lực lượng Vàng Pao trên chiến trường Thượng Lào”...

        Trích: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Chung một chiến hào (hồi ký), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 1996, tr. 84-139.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #199 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 03:52:50 pm »


9. ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN (LÊ TRỌNG TỐ)



        Đại tướng Lê Trọng Tấn sinh tháng 10 năm 1914 trong một gia đình nông dân yêu nước ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Tây.

        Là một thanh niên sớm được giác ngộ cách mạng, năm 1944 đồng chí Lê Trọng Tấn tham gia mặt trận Việt Minh và làm công tác binh vận ở Bạch Mai, Hà Nội. Tháng 6 năm 1945 cùng với một số đồng chí khác chỉ huy diệt đồn Đồng Quan, sau đó được cử làm Uỷ viên phụ trách quân sự trong Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Hà Đông và tham gia chỉ đạo cướp chính quyền tỉnh. Tháng 12 năm 1945 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

        Chín năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí là một trong những Trung đoàn trưởng và Đại đoàn trưởng đầu tiên của Quân đội ta. Được Đảng giao đảm nhận các cương vị: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La hoạt động ở vùng núi rừng Tây Bắc (năm 1946); Khu phó Liên khu 10;

        Năm 1949 là Trung đoàn trưởng kiêm Chính uỷ Trung đoàn 209.

        Năm 1953 là Đại đoàn trưởng, Phó Bí thư Đại đoàn uỷ Đại đoàn 312, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng đồng đội xông pha nơi lửa đạn, vượt qua bao khó khăn gian khổ, có mặt tham gia từ các chiến dịch nhỏ đến chiến dịch lớn, góp phần vào các chiến thắng vang dội của Quân đội ta ở Biên giới (1950), Hoà Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953).

        Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn bộ binh 312 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng  được giao nhiệm vụ trên hướng tác chiến chủ yếu: tiêu diệt địch ở Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, tạo bàn đạp tiến vào trung tâm Mường Thanh. Ngày 7 tháng 5 năm 1954 lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại đoàn 312 được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, ghi nhận sự thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch Điện Biên Phủ.

        Cuối năm 1954, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử giữ chức Hiệu trưởng Trường sỹ quan Lục quân.

        Năm 1961, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng và được cử giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

        Năm 1964 là Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Uỷ viên Quân uỷ Miền. Gắn bó với chiến trường miền Nam trong cuộc trường chinh gian khổ chống Mỹ, đồng chí đã trực tiếp tham gia chỉ đạo các chiến dịch như Đồng Xoài, Bàu Bàng - Dầu Tiếng (1965), chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của quân Mỹ và quân ngụy vào chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh – 1967)... Cùng với các tướng lĩnh tài ba khác của Quân đội ta, đồng chí đã góp phần cùng quân và dân ta đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ xâm lược. Tiếp đó, từ năm 1970 trên cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng, đồng chí liên tục được cử làm Tư lệnh các chiến dịch lớn như Đường 9 – Nam Lào, Cánh Đồng Chum (1971), Chiến dịch Trị - Thiên (1972), chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (3/1975) v.v. trở thành “Một trong những Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của Quân đội ta” (Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sau khi chỉ huy giải phóng Đà Nẵng, đồng chí được cử làm Tư lệnh cánh quân phía Đông gồm Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và là Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh chiến dịch, cánh quân này đã thần tốc theo đường ven biển tiến về phía Nam, phá vỡ tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang; nhanh chóng phối hợp với các cánh quân khác của đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, cắm cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập.

        Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lê Trọng Tấn tiếp tục được giao đảm nhiệm cương vị quan trọng: Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Viện trưởng Học viện Quân sự cao cấp; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia chỉ huy lực lượng quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia; là Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IV, V; Đại biểu Quốc Hội khoá VII. Đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng nhất, hạng ba), Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Kháng chiến hạng nhất...

        Xin trân trọng giới thiệu những kỷ niệm sâu sắc của Đại tướng Lê Trọng Tấn trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM