Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:31:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46457 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #180 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:06:06 am »


8. THIẾU TƯỚNG HUỲNH ĐẮC HƯƠNG:

        Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sinh năm 1921, quê ở phường Cẩm Phô, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. đồng chí tham gia cách mạng năm 1938, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1942. Trước Cách mạng tháng Tám, đồng chí nhiều lần bị địch bắt giam.

        Tháng 3/1945, cùng bạn tù tổ chức vượt ngục, đồng chí trở về tiếp tục hoạt động gây cơ sở cách mạng ở Tiên Phước (Quảng Nam), là Tỉnh uỷ viên lâm thời tỉnh Quảng Nam.

        Từ tháng 10/1945 đến 1949 đồng chí là Hiệu trưởng Trường Quân chính Quảng Nam; tiếp đó đảm nhiệm Chính uỷ trung đoàn, Phó phòng chính trị Liên khu 5.

        Trong 10 năm (từ 7/1955 đến 1965) đồng chí là Cục phó rồi Cục trưởng Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị, sau đó là Phó Chính uy Mặt trận Tây Nguyên. Được Đảng cử đi làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào đầu năm 1969, đồng chí Huỳnh Đắc Hương đã đảm nhận các chức vụ: Chính uỷ Mặt trận Cánh Đồng Chum (1969); Tư lệnh kiêm Chính uỷ Mặt trận 959 (1970); Chính uỷ Bộ tư lệnh chiến dịch Cánh Đồng Chum (1971 – 1972).

        Từ chiến trường nước bạn trở về sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đồng chí được giao đảm nhiệm Phó Chính uỷ, Phó tư lệnh về chính trị Quân khu 2. Sau đó, tháng 12/1982, đồng chí chuyển ngành, làm Thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội.

        Đồng chí Huỳnh Đắc Hương đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất...

        Kề vai, sát cánh chiến đấu cùng nhân dân nước bạn Lào trong những năm tháng gian khó của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, các chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã thực hiện lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải biết yêu thương sông núi, cỏ cây, nhân dân Lào như yêu thương chính cỏ cây, sông núi, nhân dân Tổ quốc Việt Nam”. Và những năm tháng vô cùng đẹp đẽ đó đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm nhiệm vụ tình nguyện trên đất bạn của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #181 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:06:50 am »


        MÙA MƯA TRÊN CHIẾN TRƯỜNG THƯỢNG LÀO - CHIẾN THẮNG MƯỜNG XỦI.

        “... Lào là một nước khí hậu nhiệt đới, một năm chia hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô bắt đầu khoảng tháng 10, tháng 11 dương lịch, với ba tháng là mùa đông khô rét, tiếp đến là ba tháng mùa đông khô nóng. Theo truyền thống, mùa này phụ nữ Lào trồng đay, thuốc lá, rau, đậu, vào rừng kiếm hoa quả, bẻ mang, hái nấm, hoặc xuống sông, suối bắt tôm, cá, còn đàng ông thì vào rừng săn bắn, chặt tre, đẵn gỗ...

        Mùa mưa bắt đầu từ tháng tư. Sau tiếng sấm và những cơn mưa đầu mùa, người dân Lào vui Tết Hột Nậm xong là bắt tay vào một mùa cày cấy, làm nương rẫy, chuẩn bị lượng thực ăn cho cả năm. Khí hậu ổn định đó đã tạo điều kiện cho nước Lào có nhiều thuận lợi về nông nghiệp, quanh năm cây cỏ tốt tươi. Nhưng khí hậu đó lại ảnh hưởng không ít đến các hoạt động quân sự và càng tạo cho chiến trường Lào những đặc điểm riêng biệt, phức tạp và khắc nghiệt.

        Từ trước tới nay, hoạt động theo mùa hầu như đã trở thành quy luật đối với cả ta và địch trên chiến trường Thượng Lào. Do những hạn chế về phương tiện vận chuyển tiếp tế, việc bảo đảm vật chất kỹ thuật, hậu cần gặp nhiều khó khăn, nên ta chỉ hoạt động nhỏ lẻ, chủ yếu là huấn luyện, nghỉ ngơi, chuẩn bị phương án hoạt động tác chiến khi mùa khô đến. Mùa mưa ở Lào thường kéo dài liên miên, đường sá lầy lội, công sự sụt lở. Những con suối hiền lành trở nên hung dữ, nước lũ đổ về ngày đêm réo lên sôi sục như thác. Đặc điểm đó tác động đến cả ta và địch, nhưng địch có điều kiện về vật chất, kỹ thuật, nên chúng dễ khắc phục hơn những khó khăn trên. Và chúng đã ra sức khai thác lợi thế đó. Mùa khô, chúng thường co lại, tích cực đối phó với các hoạt động tiến công của  các lực lượng vũ trang cách mạng. Đến mùa mưa, chúng tập trung quân nống lấn các vị trí xung yếu rồi tranh thủ củng cố công sự phòng ngự kết hợp với việc tổ chức những cuộc hành quân lấn chiếm mở rộng phạm vi kiểm soát, tạo thành một hệ thống vững chắc nằm sâu trong vùng giải phóng cách mạng Lào.

        Những hoạt động trên lặp đi lặp lại, cho đến năm 1969, và địch đã mặc nhiên coi mùa mưa là mùa của chúng.

        Trước sự phát triển của chiến trường Lào nói chung, chiến trường Thượng Lào nói riêng, phương thức tác chiến của lực lượng vũ trang bạn và ta đòi hỏi phải có những chuyển biến cơ bản để đáp ứng tình hình mới. Từ chỗ chỉ đẩy mạnh chiến tranh du kích và mở những đợt hoạt động, những chiến dịch quy mô nhỏ và vừa, chúng ta đã tiến lên đánh tập trung lớn, tiêu diệt lớn như chiến dịch Nậm Bạc, phá vỡ những căn cứ kiên cố nhất của địch như trận Pa Thí. Từ chỗ đánh giặc theo mùa, chúng ta phải tiến lên chủ động tiến công địch trong bất kỳ mùa nào. Từ lâu, ta và bạn đã nhiều lần trao đổi, bàn bạc, xác định quyết tâm này nhưng có rất nhiều khó khăn phải khắc phục và sớm chuẩn bị mọi điều kiện môt cách cụ thể.

        Sau chiến thắng Nậm Bạc và chiến thắng Pa Thí, trước sự phát triển vượt bậc của phong trào cách mạng và sự lớn mạnh của các lực lượng vũ trang Pha-thét Lào, sau khi thống nhất với bạn, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho Quân khu Tây Bắc phối hợp với bạn tiếp tục đẩy mạnh mọi hoạt động, chuẩn bị mở tiếp các chiến dịch đánh bại âm mưu lấn chiếm của địch trong mùa mưa 1969, để tăng cường hơn nữa thế và lực của cách mạng và bảo vệ vững chắc khu vực Cánh Đồng Chum, vị trí then chốt của chiến trường Thượng Lào, tạo ra cục diện chiến trường có lợi cho cách mạng hai nước.

        Mặc dù bị thất bại ở Pa Thí, nhưng Mỹ vẫn đặt nhiều hy vọng vào lực lượng đặc biệt do Vàng Pao làm thủ lĩnh, Mỹ tăng cường hơn nữa cho bọn phỉ về mọi mặt, tiếp tục xây dựng chúng thành lực lượng cơ động lấn chiếm. Mỹ thích bọn lính đặc biệt hơn lính ngụy Viêng Chăn còn do một lý do khác: bọn này dễ bị mê hoặc và kích động, dễ nắm hơn vì chúng thường tôn sùng mù quáng sức mạnh của Mỹ.

        Sau thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy động loạt Tết Mậu Thân của quân dân ta cùng với thắng lợi mùa khô 1967 – 1968 của cách mạng Lào, đã đẩy Mỹ vào thế bị động, lúng túng, Giôn-xơn buộc phải đề ra chủ trương “phi Mỹ hóa” cuộc chiến tranh. Ních-xơn sâu khi thắng cử lên cầm quyền ở Mỹ đã đề ra học thuyết “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương, dùng người Lào đánh người Lào”. Chúng hy vọng rút quân Mỹ dần dần ra khỏi cuộc chiến tranh mà vẫn thắng. Cuộc chiến tranh đặc biệt ở Lào của Mỹ được tăng cường gấp bội đến mức chưa từng có. Số viện trợ của chính quyền Ních-xơn cho Lào tăng gấp hai lần so với thời kỳ Giôn-xơn. Lực lượng đặc biệt của Vàng Pao từ 64 tiểu đoàn tăng lên tới 86 tiểu đoàn. Số cố vấn Mỹ cũng lên tới 12.000, trong đó 600 tên trực tiếp chỉ huy lực lượng đặc biệt, nắm xuống tới từng tiểu đoàn và đại đội. Sử dụng lực lượng đặc biệt của Vàng Pao vào các cuộc hành quân lấn chiếm, Mỹ hy vọng có thể thực hiện được học thuyết sức mạnh cực kỳ phản động đó của Ních-xơn, đưa cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Lào sang một giai đoạn mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #182 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:09:11 am »


        Sau khi ra lệnh cho tên tướng Vàng Pao mở cuộc hành quân “Xa-ma-khi I” định lấn chiếm lại Pa thí nhưng bị thất bại, ngày 23 tháng 3 năm 1969, Mỹ lại đẩy lực lượng đặc biệt tiến hành cuộc hành quân “Xa-ma-khi II” đánh ra Phu Khe – Xiêng Khoảng nhằm tạo bàn đạp để lấn chiếm Cánh Đồng Chum.

        Nhìn trên bản đồ, Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng là một vùng rừng núi trùng điệp, địa hình phức tạp và hiểm trở. Cánh Đồng Chum nằm xoải dài trên cao nguyên Mường Phuôn. Đây là một cao nguyên rộng lớn với những rừng đào, rừng lê bát ngát. Rải rác trên Cánh Đồng Chum là những bãi chum đá, tương truyền là chum đựng rượu khao quân của Thao Trương, một anh hùng dân tộc Lào, sau khi đã tiêu diệt xong giặc ngoại xâm trở về.

        Năm 1967, địch cũng đã sử dụng lực lượng đặc biệt tập trung phản kích với quy mô lớn tới 15 tiểu đoàn vào Phu Khe – Xiêng Khoảng. Sau thất bại ở Nậm Bạc, Pa Thí, Mỹ quyết tâm giành lại thế chủ động trong mùa mưa 1969. Từ các vị trí Mường Xủi, Long Chẹng, Sảm Thông, gần hai chục tiểu đoàn lực lượng đặc biệt, có lính Thái Lan và quân ngụy Viêng Chăn phối hợp, do cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy và được sự yểm trợ tối đa của không quân Mỹ, lại ồ ạt tiến công vào vùng giải phóng của Pa-thét Lào ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.

        Hôm ấy, thị xã Xiêng Khoảng đang chìm lắng trong sự yên tĩnh của môt tỉnh lỵ miền cao nguyên thì bất ngờ bị hàng trăm lần tốp máy bay Mỹ ào tới ném bom bắn phá tàn khốc. Khói đạn chưa tan hết thì những chiếc máy bay lên thẳng Mỹ đã nối nhau đổ quân xuống thị xã, khu vực phía tây cách thị xã 10 ki-lô-mét.

        Những tên lính đặc biệt lăm lăm súng tiểu liên cực nhanh trong tay ập vào những khu dân cư, tàn sát dã man những người dân vô tội. Các chiến sỹ Pa-thét Lào làm nhiệm vụ bảo vệ thị xã kịp thời nổ súng đánh địch bảo vệ nhân dân giữ vững từng ngõ phố, từng mảnh vườn của thị xã. Trung đội pháo phòng không ở phía tây thị xã chỉ hơn một giờ đã bắn rơi ba máy bay F105 và AD6 của Mỹ, bắn cháy năm chiếc khác. Trung đội này gồm 14 chiến sỹ cả gái và trai, người trẻ nhất trong trung đội mới tròn 17 và người nhiều tuổi nhất chưa đầy 30 tuổi.

        Phối hợp chiến đấu với các đơn vị Pa-thét Lào, Tiểu đoàn 5 quân tình nguyện Việt Nam đã nhanh chóng triển khai lực lượng, chặn đánh dữ dội bọn địch lấn chiếm. Sư đoàn 316 được lệnh hành quân cấp tốc sang chi viện giúp bạn, đã cùng lực lượng Pa-thét Lào, quân tình nguyện chặn đứng cuộc tiến công của chúng.

        Nhân đây cũng nói thêm về Sư đoàn 316, một sư đoàn đã từng lăn lộn chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Lào. Từ tháng 8 năm 1968, theo lệnh của Bộ tư lệnh  quân khu, sư đoàn đã đưa Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 148 sang đánh địch tạo thế ở khu vực Nà Khằng. Tháng 11 năm 1968, khi sư đoàn hành quân sang chiến trường nước bạn chuẩn bị tiến hành chiến dịch Toàn thắng thì tên tướng phỉ Vàng Pao theo lệnh Mỹ mở cuộc hành quân “Xa-ma-khi I”. Trung đoàn 148 của Sư đoàn đã quay lại cùng với bạn đánh tan cuộc hành quân “Xa-ma-khi I” của địch và đến ngày 1 tháng 3 năm 1969, sư đoàn tiến hành thắng lợi chiến thắng lợi Chiến thắng, diệt GT (binh đoàn chiến thuật) của địch ở Sầm Nưa, xoá bỏ một ổ phỉ quan trọng nằm trong tỉnh Sầm Nưa, góp phần củng cố, bảo vệ khu căn cứ đầu não của cách mạng Lào. Vừa hành quân về nước, chưa kịp nghỉ ngơi, sư đoàn lại cấp tốc hành quân sang Xiêng Khoảng. Cuộc hành quân lấn chiếm mang tên “Xa-ma-khi II” của địch phải kết thúc nhanh chóng. Ta và bạn đã gây cho địch nhiều thiệt hại và đánh bật chúng về phía tây Xiêng Khoảng.

        Tuy không lấn chiếm được Cánh Đồng Chum, nhưng Mỹ đã tìm mọi cách chốt lại ở Mường Xủi xây dựng Mường Xủi thành một vị trí kiên cố làm bàn đạp cho những cuộc hành quân lấn chiếm Cánh Đồng Chum sau này; đồng thời biến Mường Xủi thành một lá chắn che chở cho Viêng Chăn, Luông Pha Băng, ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Lào về phía tây và phía nam.

        Mường Xủi là một thung lũng lớn nằm giữa một vùng rừng núi trùng điệp, dân cư thưa thớt. Từ năm 1966, đế quốc Mỹ và tay sai đã lấn chiếm vị trí này, xây dựng thành một cụm cứ điểm chiến lược quan trọng với trên 60 điểm chốt. Cụm cứ điểm này có sân bay, xe tăng, xe bọc thép và nhiều trận địa pháo do gần bốn ngàn lính Viêng Chăn và lính đặc biệt chốt giữ. Ngoài ra, Mỹ còn xây dựng Mường Xủi thành căn cứ chỉ huy các máy bay Mỹ đánh phá vùng giải phóng ở Thượng Lào. Đây là một căn cứ lợi hại vì nó nằm trên đường số 7 ở ngã ba tiếp giáp với Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng và Sa La Phu Cun.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #183 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:09:41 am »


        Chiếm được Xiêng Khoảng – dù chỉ trong một thời gian rất ngắn trong cuộc hành quân “Xa-ma-khi II” – là chiến công đầu tiên của lực lượng Vàng Pao sau khi được Mỹ nâng lên hàng chiến lược. Tuy không thực hiện được âm mưu đánh chiếm Cánh Đồng Chum, phải tháo chạy khỏi Xiêng Khoảng, nhưng Mỹ vẫn đánh giá cao bọn này cũng với phương thức chiến lược mà chúng đang thể nghiệm.

        Xây dựng Mường Xủi thành một cụm cứ điểm kiên cố gấp nhiều lần Nậm Bạc, giao cho lực lượng đặc biệt làm lực lượng chủ chốt chiếm giữ, Mỹ hy vọng có thể thiết lập được một vị trí đầu cầu chiến lược cho những cuộc phản công quy mô trong mùa mưa 1969.

        Trước những âm mưu đó của địch, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhận định: Mường Xủi là một mục tiêu cần phải tiêu diệt ngay để phá tan tham vọng của Mỹ ở Thượng Lào, loại bỏ các cuộc hành quân lấn chiếm của địch trong mùa mưa ngay từ trong trứng, xoá bỏ mối đe doạ thường xuyên của địch ở khu vực chiến lược Cánh Đồng Chum, tạo điều kiện phát triển thế và lực của cách mạng xuống phía nam, nối liền phong trào bốn tỉnh phía bắc với khu vực Sầm Nưa – Xiêng Khoảng. Đây cũng là thể hiện quyết tâm xoá bỏ quy luật đánh theo mùa, tiến lên giành quyền chủ động tiến công địch trong bất cứ điều kiện thời tiết nào.

        Thống nhất với nhận định của bạn, theo yêu cầu của Trung ương Đảng bạn, chấp hành chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, Quân khu Tây Bắc đã phối hợp với bạn xây dựng kế hoạch giải phóng Mường Xủi ngay sau khi vừa đập tan cuộc hành quân lấn chiếm “Xa-ma-khi II”.

        Đã bắt đầu vào mùa mưa của Lào.

        Chúng tôi lên đường chuẩn bị chiến dịch vào tháng 5 năm 1969.

        Lúc đó Bác đang mệt nặng. Khi biết chiến dịch Mường Xủi sắp mở, Bác đã dặn các anh trong Quân uỷ Trung ương nhắc chúng tôi bằng mọi giá phải hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế đối với bạn, đáp ứng cho được yêu cầu của bạn.

        Sự quan tâm của Bác trong hoàn cảnh đó càng làm cho chúng tôi hết sức xúc động và càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi lên đường, lòng vẫn day dứt, lo lắng khôn nguôi về sức khoẻ của Bác.

        Mở chiến dịch trong mùa mưa này, bộ đội sẽ gặp vô vàn khó khăn. Các đơn vị vừa tham gia đánh bại cuộc hành quân “Xa-ma-khi II” của địch, chưa kịp nghỉ ngơi, củng cố, chưa kịp bổ sung về quân số, vũ khí và lương thực. Trời cứ mưa liên miên, thời gian lại hết sức khẩn trương. Có lẽ khó nhất là đường vận chuyển. Cầu qua sông làm chưa xong nước lũ đã tràn về, đường sá sụt lở, lầy lội, xe tải, xe kéo pháo không thể nào vượt nổi những đoạn dốc chỉ 10 đến 20 độ. Bộ đội hành quân dầm tõng bùn nước, chỉ qua một ngày đêm đã bợt cả da, nhiều người bị lở loét. Từ trước tới nay, ta chưa hề đánh lớn trong mùa mưa, nên kinh nghiệm và sự hiểu biết về mùa mưa trên chiến trường bạn rất ít. Trong tư tưởng nhiều người, cả bạn và ta, hầu như đã thành một ấn tượng sâu sắc cho rằng không thể mở chiến dịch vào mùa mưa trên chiến trường Thượng Lào được. Địch lại càng đinh ninh điều đó, vì vậy chúng rất chủ quan. Nếu chúng tôi khắc phục tốt được những khó khăn về đường sá, công sự, vận chuyển tiếp tế... thì sẽ tạo được yếu tố bất ngờ, thuận lợi rất lớn cho chiến dịch.

        Vào trung tuần tháng 5, tôi thay mặt Bộ tư lệnh Quân khu Tây Bắc sang hiệp đồng chiến đấu với Bộ chỉ huy của bạn ở Cánh Đồng Chum. Dọc đường, tôi gặp đồng chí Si Phon, Tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum vừa đi thăm Bắc Triều Tiên về. Gọn ghẽ trong bộ quân phục Pa-thét Lào, luôn luôn lạc quan và tin tưởng, đồng chí hào hứng kể cho chúng tôi nghe những ngày thăm Bắc Triều Tiên.

        - Đi mới có ít ngày mà nhớ nhà quá - Đồng chí Si Phon nói - Thế mới biết không ở đâu bằng quê hương, Tổ quốc mình.

        Tôi hỏi anh về việc tìm hiểu những kinh nghiệm đánh Mỹ của bạn, anh cười trả lời:

        - Ở Triều Tiên chiến tranh không như ở Việt Nam, ở Lào. Bạn đánh Mỹ trước đây trong điều kiện khác ta. Tuy việc tham gia, trao đổi kinh nghiệm mở rộng kiến thức là cần, nhưng chủ yếu phải từ thực tiễn của mình - của Lào và Việt Nam – mà chúng mình tự giải quyết thôi, đồng chí ạ.

        Chiều tối chúng tôi đến Sở chỉ huy Caán Đồng Chum. Ở đây tôi được gặp lại đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon, và đồng chí Xa Man, Chính uỷ Quân khu Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #184 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:10:12 am »


        Xung quanh sở chỉ huy, đất đá, cây đổ ngổn ngang. Nằm giữa những hố bom và hố đạn đại bác chi chít của địch là một căn hầm lớn được khoét sâu vào lòng đất ba-zan vững chắc. Đồ đạc trong hầm rất sơ sài: một cái bàn bên trên trải hai tấm bản đồ chiến dịch, một chiếc máy điện thoại và hai chiếc ghế dài bằng gỗ.

        Cuộc gặp mặt thật ấm áp tình đồng chí, anh em. điều đặc biệt quan tâm của các đồng chí là sức khoẻ của Bác. Biết Bác đang mệt nặng, các đồng chí rất băn khoăn lo lắng như chính nỗi lo lắng của chúng tôi.

        Sau khi tâm sự với các đồng chí về tình hình sức khỏe của Bác mà tôi biết được, tôi tranh thủ trao đổi tình hình và kế hoạch chiến dịch sắp tới. Sau khi bàn bạc nhất trí, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon, thay mặt Bộ chỉ huy của bạn, một lần nữa nhắc lại ý nghĩa to lớn của chiến dịch này. Đồng chí nói nếu chúng ta tiêu diệt được địch ở Mường Xủi thì sẽ đẩy chúng lún sâu hơn nữa vào thế bị động chiến lược. Nội bộ kể địch càng phân hoá, mâu thuẫn giữa các phe phái càng thêm sâu sắc. Mặt khác, đối với phía chúng ta, tiêu điệt được địch ở Mường Xủi không những vùng giải phóng được giữ vững mà còn củng cố thêm cho cán bộ và chiến sỹ lòng tin vào khả năng giành hoàn toàn thế chủ động trên chiến trường. Riêng về thời gian, đồng chí cũng hoàn toàn nhất trí với chúng tôi, vì lực lượng của ta đã triển khai, nếu để chậm lại thì cơ sở vật chất sẽ càng hao hụt đi, do đó càng nổ súng sớm càng tốt.

        Ta và bạn thống nhất lần cuối cùng về ngày giờ hiệp đồng nổ súng. Chúng tôi bắt tay nhau rất lâu, như muốn khắng định quyết tâm đánh thắng địch trong chiến dịch mùa mưa này, qua đó xây dựng cho mình những kinh nghiệm tác chiến mới.

        Trên đường về tôi suy nghĩ nhiều đến những trở ngại khó khăn sẽ đến cũng gặp không ít khó khăn mặc dù phương tiện của chúng được Mỹ trang bị đầy đủ và hiện đại hơn. Ở đây những khó khăn đối với ta thì cũng là khó khăn đối với địch. Ta, tinh thần vượt khó khăn hơn hẳn địch, do đó, ta phải triển để khai thác những chỗ yếu của địch, đi đôi với việc hết sức khắc phục những hạn chế của ta. Mỹ mạnh về không quân, nhưng Mường Xủi lại là vùng sương mù dày đặc, nhiều ngày phải đến gần hết buổi sáng sương mù mới tan, nên hoạt động của không quân địch cũng sẽ bị hạn chế. Mặt khác, do thời tiết như vậy, ta có thể lợi dụng được yếu tố bất ngờ, bí mật.

        Theo phương án đã trao đổi thống nhất với bạn, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định dùng một lực lượng tập trung lớn có hoả lực mạnh kết hợp với xe tăng, xe bọc thép để giải quyết chiến đấu thật nhanh gọn. Những mục tiêu phải chế áp ngay từ đầu là các điểm cao và sân bay. Chiếm được các điểm cao, địch dưới thung lũng phải rút chạy, còn đánh sân bay sẽ triệt phá được thế mạnh của địch là dùng máy bay chi viện cho bộ binh và bốc quân chạy trốn. Lực lượng đánh sân bay được giao cho một phân đội đặc công mà Bộ Tổng tham mưu vừa tăng cường cho chúng tôi.

        Lần nào cũng vậy, mỗi khi chiến dịch được mở, để thực hiện nhiệm vụ quốc tế đối với bạn, Bộ Tổng tham mưu và các Tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng đều hết sức quan tâm, từ những vấn đề chỉ đạo chiến dịch đến những phân đội đặc công, không chỉ giải quyết vấn đề lực lượng một cách thiết thực hiệu quả cho chiến dịch mà còn động viên chúng tôi rất nhiều.

        Cũng như các chiến dịch trước, phương án tác chiến được chuẩn bị hết sức chu đáo, tỉ mỉ. Mọi tình huống có thể xảy ra đều được lường tính và có kế hoạch xử lý khi chúng tới.

        Cho đến ngày 23 tháng 6 năm 1969, trước giờ nổ súng một ngày, Mường Xủi vẫn im lìm trong màn mưa và trong những tầng sương mù dày đặc. Địch không hề biết rằng một vòng đài sức mạnh, bất chấp mưa lũ sắp sửa chụp xuống đầu chúng.

        Cuối tháng 5 đầu tháng 6, Sư đoàn 316 tiến hành đánh địch ở vòng ngoài chiếm cụm Phu Khe, điểm cao 1507, tiêu diệt khu Ca Bá và một số vị trí xung quanh Xiêng Khoảng. Sư đoàn cũng đã cùng các đơn vị bạn đánh địch ở khu Cang Xẻng, Phu Xeo, Bản Na, Hin Tạng, ép địch ở hướng Sảm Thông, Cay Chung để thực hiện nghi binh cho ta chuẩn bị ở hướng chính Mường Xủi.

        Ngày mở màn chiến dịch đã đến. Bộ đội ta đã khắc phục vô vàn khó khăn, vào vị trí tập kết dưới trời mưa tầm tã, có đơn vị bám lần theo dây cáp để qua sông Nậm Ngừm giữa lúc thác lũ gầm réo. Chiến đấu trên một chiến trường rừng núi xa lạ, chưa quen thuộc, đã xảy ra những sự việc thật đáng tiếc: Ở Nậm Bạc, Pa Thí là sự đi lạc của các đơn vị, các mũi tiến công, dẫn tới việc bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch. Trong chiến dịch lần này lại xảy ra sự chậm trễ, do thiên nhiên gây ra, của phân đội xe tăng. Chúng tôi được tăng cường ba chiếc T34 thì khi qua suối, gặp nước lũ đổ xuống bất ngờ làm một chiếc tăng bị hỏng. Hai chiếc còn lại mãi đến trước giờ nổ súng một tiến đồng hồ vẫn chưa vào được vị trí tập kết vì chiếc cầu do công binh lại bị nước cuốn mất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #185 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:10:58 am »


        Tuy vậy, giờ nổ súng vẫn đúng theo quy định. Sáng sớm ngày 24 tháng 6 năm 1969, cùng một lúc các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào và các đơn vị quân tình nguyện đồng loạt nổ súng tiến công vào Phu Xe, Phu Xủng, điểm cao 1313, các trận địa pháo, sân bay và sở chỉ huy của địch. Những tiến nổ dồn dập của đạn pháo, đạn B40, B41 và tiểu liên vang lên trong tiếng mưa rơi ào ào. Tốc độ phát triển của trận đánh thật không ngờ. Ngay từ đầu, các đơn vị của ta và bạn đã hoàn toàn làm chủ các điểm cao, phá huỷ hầu hết các trận địa pháo của địch. Đơn vị đặc công mặc dù lần đầu tiên sang tác chiến ở chiến trường Thượng Lào, đã chiến đấu rất dũng cảm. Địch phát hiện được ta trước giờ nổ súng liền tập trung hoả lực bắn chặn quyết liệt, nhưng các chiến sỹ đặc công đã xông lên đánh địch, nhanh chóng hoàn toàn làm chủ sân bay. Điều đáng tiếc là do bị địch phát hiện sớm nên đơn vị đã không bắt sống được chiếc trực thăng nào cả.

        Bị đánh mạnh và quá bất ngờ, địch hoảng loạn, tan rã. Chúng bỏ Mường Xủi tháo chạy về phía tây, để chờ bắt liên lạc với quân tiếp viện. Nhưng đội quân tiếp viện đã bị các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào chặn đánh quyết liệt ở dọc đường, bị tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên. Những chiếc máy bay phản lực Mỹ, vì lo sợ bị trúng đạn pháo phòng không của ta cũng chỉ dám bổ nhào ở cự ly rất cao, ném bom một cách vung vãi, trúng cả đội hình của quân ngụy.

        Lực lượng ta tiếp tục tiến công làm chủ hết vị trí này đến vị trí khác, kể cả các vị trí xung yếu ở bắc Xa La Phu Cun. Biết không còn trông mong gì ở quân ứng cứu nữa, tối ngày 27 tháng 6, toàn bộ quân địch ở Mường Xủi đã rút chạy tan tác, một số còn sống sót dồn về phía tây nam, cách Mường Xủi mười ki-lô-met.

        Phối hợp với Mường Xủi, đêm ngày 23 rạng ngày 24 tháng 6, các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào đã tiến công căn cứ Phu Xủng, cách Mường Xủi 26 ki-lô-mét về phía tây. Mất Phu Xủng, địch vội vã cho quân lên giải toả nhưng đã bị các lực lượng của bạn chặn đánh ở ngã ba Xa La Phu Cun, diệt 29 tên, thu sáu súng và hai xe quân sự.

        Ngày 4 tháng 7 chiến dịch kết thúc. Tiếng súng đã ngừng nổ và không gian chỉ còn tiếng mưa tầm tã. Chỉ tính riêng ở Mường Xủi, quân địch đã bị diệt 1.200 tên. Ba GM bị xoá sổ. Ta bắn rơi và phá huỷ ba máy bay, thu hàng trăm tấn vũ khí, trong đó có 31 xe quân sự, ba xe tăng, nhiều đại bác, súng cối và các loại súng khác. Trong số địch bị bắt, có hai tên đại tá, một trung tá ngụy, nhiều cố vấn Mỹ và Thái Lan.

        Sự kiện cụm cứ điểm Mường Xủi bị tiêu diệt giữa mùa mưa là một đòn choáng váng đối với Mỹ. Hãng UPI ngày 28 tháng 6 đã mô tả trận Mường Xủi là trận đánh tai hại nhất của Mỹ kể từ đầu năm 1969 đến nay. tổng số quân địch bị diệt trong chiến dịch này là 3.114 tên, bằng một phần tư số quân địch bị tiêu diệt trong cả mùa khô 1968 – 1969. Đây là thất bại lớn đầu tiên của học thuyết Ních-xơn ở Thượng Lào, vượt xa thất bại Nậm Bạc của Giôn-xơn đầu năm 1968. Sau chiến thắng Mường Xủi, tinh thần của binh lính ngụy Viêng Chăn và nhất là lính Vàng Pao sa sút nghiêm trọng. Chúng nơm nớp lo sợ bị tiến công trong bất kể điều kiện thời tiết nào. Khăm Phăn, một sỹ quan ngụy được đưa về bệnh viện ở Viêng Chăn thú nhận với các nhà báo phương Tây: “Một sự hoảng loạn đang lan rộng trong quân đội chúng tôi”. Bọn chỉ huy quân ngụy ở viêng Chăn cũng phải thú nhận chúng đã bị thiệt hại nặng nề ở Mường Xủi và hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tiến công mùa mưa của ta.

        Căn cứ Mường Xủi bị tiêu diệt. Vị trí đầu cầu để lấn chiếm vùng chiến lược Cánh Đồng Chum, cái lá chắn ở phía bắc Luông Phabăng và Viêng Chăn đã bị đập vỡ. Quy luật mùa mưa, mùa hy vọng của bọn Mỹ - ngụy Lào không còn nữa. Một chặng đường mới đã mở ra trước nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng trên chiến trường Thượng Lào.

        Ngày 6 tháng 7 năm 1969, một ngày trời tạnh ráo hiếm có giữa mùa mưa ở Thượng Lào, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon, Tổng chỉ huy quân đội Pa-thét Lào cho người sang sở chỉ huy chiến dịch mời anh Vũ Lập và tôi sang thăm cơ quan chỉ huy của Bộ chỉ huy tối cao Pa-thét Lào bấy giờ cũng đang đóng ở Lạt Buộc. Được tin đó giữa lúc anh Vũ Lập và tôi đang mong  gặp bạn để trao đổi tình hình và rút kinh nghiệm chiến dịch nên chúng tôi đi ngay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #186 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:11:38 am »


        Trời đã về chiều. Những cánh rừng thông bạt ngàn trải dài trùng điệp, xung quanh chúng tôi còn vương một chút ráng chiều chưa tắt hẳn khiến thiên nhiên mang một vẻ đẹp thật kỳ lạ. Thoang thoảng trong gió là mùi phấn thông thơm dịu, ẩm ướt. Đất rừng phủ đầy lá thông vàng rộm như một tấm thảm vô tận. Tôi thầm nghĩ về những con người của đất nước này thật cần cù và đôn hậu biết bao. Nếu không có chiến tranh, những khu rừng thông bát ngát này sẽ là những lâm trường... Trên bất cứ thân cây nào, tôi cũng nhìn thấy những dòng nhựa ứa ra keo lại trong vắt. Những rừng thông giàu có này của bạn không thể để kẻ thù khai thác, tàn phá, cũng như cả đất nước Lào tươi đẹp này phải được giải phóng. Nhiệm vụ cách mạng của bạn, mỗi thắng lợi của bạn luôn gắn liền với những người chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.

        Sẩm tối, chúng tôi đến cơ quan Bộ chỉ huy của bạn. Đồng chí liên lạc đưa chúng tôi xuống một con dốc đã đánh thành bậc. Tôi đếm tất cả 120 bậc. Vừa xuống hết dốc, tôi đã nhận ra bóng dáng cao lớn của đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon và đồng chí Xi Xa Mán đứng đón ở chân dốc. Chúng tôi tay bắt mặt mừng ôm choàng lấy nhau vô cùng thân thiết. Anh Vũ Lập nói vui:

        - Chiến thắng rồi nên xuống dốc không thấy mệt. Lát nữa về hai anh phải cho mượn trực thăng đấy nhé.

        Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon cười:

        - Có mấy chiếc trực thăng của địch ở Mường Xủi ta định chiếm thì nó đã chuồn mất rồi. Trận sau nhất định phải bắt sống lấy vài chiếc để đón các anh sang.

        Chúng tôi bước vào một ngôi nhà tranh cao ráo, vách ken tre nứa. Cạnh nhà là một căn hầm lớn. Từ miệng hầm những đường dây điện thoại toả ra khắp bốn phía.

        - Phải ở sâu thế này mới tránh được cặp mắt soi mói của không quân Mỹ - đồng chí Xi Xa Mán nói - Vả lại ở đây chúng tôi chỉ huy cũng rất tiện lợi.

        Trong buổi gặp mặt thân tình hôm ấy, các đồng chí lãnh đạo quân đội bạn rất vui. Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon đã nói rất nhiều và rất hay về ý nghĩa của chiến dịch Mường Xủi. Đồng chí nói rằng, giải phóng Mường Xủi sẽ tạo thành một thế trận liên hoàn giữa vùng giải phóng Sầm Nưa – Xiêng Khoảng với bốn tỉnh phía Bắc. Điều này, những cán bộ cách mạng Lào đã mơ ước từ lâu nhưng đến nay mới thực hiện được.

        - Mường Xủi là một hệ thống phòng ngự lâu năm, kiên cố vào bậc nhất ở Lào - Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon nói tiếp – Đó là một phương thức phòng ngự bằng cụm cứ điểm tương đối hoàn chỉnh, trực tiếp được hoả lực của pháo binh và máy bay Mỹ chi viện. Với một cụm cứ điểm như vậy mà chỉ trong một thời gian chuẩn bị rất ngắn, lại đang giữa mùa mưa lũ, anh em đã phá vỡ tan tành. Điều này chứng tỏ khả năng hiện nay của ta có thể đánh bại cuộc chiến tranh đặc biệt được đẩy lên đỉnh cao nhất của Mỹ ở Lào.

        Chúng tôi tán thành những nhận xét của đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon, cám ơn sự đánh giá cao của bạn và nói thêm những kinh nghiệm mới của chiến dịch về hoạt động phối hợp nhiều lực lượng giữa mùa mưa.

        Đồng chí Xi Xa Mán hồ hởi nói thêm:

        - Đúng, với kinh nghiệm của chiến dịch này, ta sẽ không còn đánh giặc theo mùa nưa. Khi nào cần đánh là ta đánh. Thằng Mỹ, thằng ngụy Viêng Chăn, thằng Vàng Pao từ nay không còn dám huyênh hoang mùa mưa là mùa riêng của chúng nữa.

        Đang lúc chúng tôi còn bàn luận sôi nổi thì cơm khách đã được dọn lên. Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon nói:

        - Đánh bại “Xa-ma-khi II” của địch, giải phóng Mường Xủi, diệt trên ba ngàn lực lượng đặc biệt và phái hữu, đánh bại ngón đòn đầu tiên của học thuyết Ních-xơn; đây là một thắng lợi to lớn. Thay mặt Bộ chỉ huy tối cao và Bộ chỉ huy Cánh Đồng Chum, chúng tôi xin mời anh Vũ Lập và anh Hương ăn bữa cơm “Xa-ma-khi của chúng ta” - bữa cơm “Đoàn kết Việt – Lào”, nhờ hai anh gửi lời cám ơn của chúng tôi tới cán bộ và chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã quên mình, tích cực khắc phục khó khăn, giành được thắng lợi lớn trong chiến dịch.

        Những lời nói chân tình của đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon làm chúng tôi xúc động.

        Lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức món xi-rô mận và đào ướp theo lối cổ truyền của chị em ở Cánh Đồng Chum. Đây là một đặc sản của vùng đất này. Nước mận và đào vừa thơm, mát, vừa giữ nguyên được hương vị thiên nhiên, uống vào cảm giác như có một dòng suối ngọt chảy thấm vào khắp cơ thể.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #187 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:12:02 am »


        Sau bữa ăn chúng tôi lại trao đổi tiếp về hướng củng cố, bảo vệ Cánh Đồng Chum trong mùa khô sắp đến. Cái khó nổi bật vẫn là vấn đề bảo đảm cơ sở vật chất, hậu cần. Việc vận chuyển, tiếp tế còn rất phức tạp. Vì thế, trước mắt một bộ phận lớn quân tình nguyện Việt Nam tạm rút ra ngoài, việc bảo vệ khu trung tâm do các đơn vị Pa-thét Lào đảm nhận. Riêng Trung đoàn 866 quân tình nguyện thì ở lại tại chỗ củng cố, vừa sản xuất vừa tham gia xây dựng và bảo vệ vùng mới giải phóng cùng với Đảng bộ Xiêng Khoảng.

        Anh Vũ Lập và tôi đều nhất trí với bạn. Vì thắng lợi của cách mạng Lào, chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà bạn yêu cầu để thực hiện lời căn dặn của Bác, chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương trước khi chúng tôi lên đường đi chiến dịch.

        Đêm hôm ấy, chúng tôi lại nghỉ lại ở sở chỉ huy của bạn. Tôi nằm trằn trọc mãi. Niềm xúc động trước thắng lợi của cách mạng Lào, trước tình bạn chiến đấu keo sơn, thuỷ chung của hai dân tộc, hai lực lượng vũ trang, trước sự ân cần, tình cảm chân thành của các đồng chí lãnh đạo lực lượng vũ trang bạn, làm tôi rạo rực không ngủ được. Hình ảnh những cán bộ, chiến sỹ của ta hàng tháng nay đội mưa, vượt thác lũ, giảm bớt khẩu phần ăn, ngủ rừng, sốt rét từng cơn nối tiếp vẫn lặn lội hành quân đánh giặc, mãi mãi in đậm trong trái tim tôi. Cuộc chiến đấu ở chiến trường này không kém phần gian khổ, hy sinh so với bất cứ chiến trường nào trên đất nước ta.

        Bên ngoài, tiếng rừng đêm Thượng Lào quá đỗi quen thuộc vẫn rì rào ở xung quanh. Tiếng đôi chim từ quy, con trống, con mái gọi nhau tha thiết mà ở rừng đêm nhiệt đới nào cũng có. Chỉ riêng tiếng tắc kè, không hiểu sao ở Lạt Buộc lại nhiều đến thế. Những con ở bên này núi vừa kêu, lập tức mấy con khác ở bên kia vách đá đáp lại ngay. Tiếng con nào cũng vang to. Các bạn ở đây cho biết, chỉ cần nghe tiếng tắc kè là có thể biệt được tuổi của nó. Cứ mỗi tiếng kêu là một tuổi. Các bạn còn bảo chúng kêu được rất nhiều giọng: “Tắc kè”, “Việt Lào”, “Kết đoàn”... nghe rành rọt y như tiếng người.

        Sáng hôm sau, trước khi ra về, một lần nữa chúng tôi chân thành cám ơn đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon, đồng chí Xi Xa Mán về sự đánh giá toàn diện thắng lợi của chiến dịch. Đây cũng là sự động viên thành thực và trân trọng đối với sự hy sinh to lớn của cán bộ và chiến sỹ quân đội hai nước Việt – Lào.

        Trên đường trở lại sở chỉ huy chiến dịch, lòng chúng tôi còn băn khoăn mãi về khối lượng công việc củng cố bảo vệ Cánh Đồng Chum, Mường Xủi quá lớn mà bạn phải gánh vác. Chúng tôi tin rằng với ý thức tự lực tự cường, với tài năng và trí sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân địa phương, của các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào, bạn sẽ khắc phục và vượt qua được tất cả mọi khó khăn đang gặp phải.

        Đầu tháng 7, anh Vũ Lập, tôi và bộ phận chỉ huy chiến dịch lên đường về nước. Chúng tôi phải đi bộ ban đêm, vì suốt ngày địch cho hàng đàn máy bay đủ các loại đánh phá ác liệt tất cả các đoạn đường, các cánh rừng mà chúng nghi là nơi trú quân, dự trữ kho tàng và chúng hằn học trút cả bom đạn xuống các bản làng yên lành trong vùng giải phóng.

        Về đến biên giới, chúng tôi được tin tình hình sức khoẻ của Bác rất trầm trọng. Nỗi lo buồn đã đến với chúng tôi ngay sau niềm vui chiến thắng vừa giành được. Không hiểu tin thắng lợi ở Lào đã đến với Bác chưa và có làm bệnh tình của Bác thuyên giảm được chút nào không? Suốt đời, Bác không chỉ lo cho vận mệnh dân tộc, đất nước mình, mà Bác còn lo vun đắp cho mối tình đoàn kết của nhân dân hai nước Việt - Lào, của nhân dân ba nước Đông Dương anh em.

        Khi gặp các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương, chúng tôi báo cáo các anh kết của chiến dịch và cả những mối lo lắng của chúng tôi, của các bạn Lào và sức khoẻ của Bác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #188 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:13:19 am »


THẮNG LỢI MỚI, CỤC DIỆN MỚI

        Bị thất bại nặng nề ở Mường Xủi, phương thức chiến lược của Mỹ đưa ra thể nghiệm ở Thượng Lào nhằm thực hiện học thuyết phản động của Ních-xơn đứng trước nguy cơ bị phá sản.

        Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, và vùng giải phóng của cách mạng Lào trở thành mục tiêu đánh phá điên cuồng của không quân Mỹ.

        Cuộc hành quân Xa-ma-khi II vừa bị đánh bại vào ngày 10 tháng 7 thì ngày 15, đế quốc Mỹ đã mở một chiến dịch ném bom ồ ạt xuống Xiêng Khoảng và Sầm Nưa. Đợt ném bom này còn hung hãn, dã man gấp nhiều lần trận ném bom huỷ diệt thị xã Xiêng Khoảng mấy tháng trước. Không cần che giấu, mị dân dưới những cái tên hoa mỹ như mọi lần, đợt ném bom này, Mỹ đặt tên cho nó là chiến dịch “Kê Khan”, tiếng Lào có nghĩa là “rửa hận”. Mỗi ngày Mỹ đã sử dụng hàng trăm lần máy bay, xuất phát từ bảy căn cứ không quân trên lãnh thổ Thái Lan và trên các tàu sân bay của hạm đội 7, ném liên miên đủ các loại bom xuống bất kỳ chỗ nào nhằm tàn sát nhân dân, tàn phá vùng giải phóng của Pa-thét Lào, biến đất nước Lào trở lại “thời kỳ đồ đá” như chúng đã từng tuyên bố năm 1965 ở Việt Nam.

        Trong khi đó tại sào huyệt Long Chẹng, bọn cố vấn Mỹ, cố vấn Thái Lan và Vàng Pao đã quyết định mở tiếp chiến dịch “Cù Kiệt” để “gỡ danh dự” vừa mất ở Nậm Bạc, Pa Thí và Mường Xủi. Chúng vơ vét tất cả được 18 tiểu đoàn, 52 đại đội thuộc lực lượng đặc biệt phỉ cùng 5.000 quân Thái Lan mặc quân phục Lào do hàng trăm cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy để dốc vào canh bạc điên cuồng này.

        Như vậy, Mỹ đã huy động một trăm phần trăm lực lượng chủ lực cơ động của Vàng Pao và trên 60 phần trăm lực lượng phỉ (AC) của Quân khu 2 ngụy Lào. Chúng còn điều cả Tiểu đoàn BS207 ở Hạ Lào lên tham gia chiến dịch. Tổng số quân chúng huy động để “gỡ danh dự” lên tới 9.000 tên, bằng một phần ba tổng số lực lượng hiện có của địch, và yểm trợ cho cuộc hành quân này có hàng trăm máy bay ném bom, 50 máy bay lên thẳng chở quân, 10 khẩu pháo 105, bốn khẩu 155, hai pháo 75, 10 khẩu cối 106,7, 10 xe tăng và hai xe bọc thép.

        Ngày 31 tháng 7, từ các căn cứ Long Chẹng, Sảm Thông và Văng Viêng, địch ào ạt tiến công vào Cánh Đồng Chum bằng ba mũi. Mũi thứ nhất thọc thẳng vào trung tâm Cánh Đồng Chum. Mũi thứ hai từ phía bắc tiến ra Phu Nốc Cốc cách đông Noọng Pẹt trên 10 ki-lô-mét. Mũi thứ ba từ phía nam đánh lên Then Phun Xa Nội, cách đông Xiêng Khoảng 30 ki-lô-mét.

        Lúc này, trời vẫn đang đổ mưa. Hầm hố, công sự ngập đầy những nước. Các lực lượng bảo vệ tại chỗ của bạn và ta rất mỏng, chỉ có một bộ phận nhỏ chủ lực của ta trụ ở nam Mường Xủi, còn hầu hết là dân quân du kích. Đại bộ phận lực lượng chủ lực của ta và bạn đều lui về phía sau để củng cố vì lương thực, thực phẩm dự trữ không có. Do hoàn cảnh trên, trong những ngày đầu, địch nống ra rất nhanh. Chúng chiếm các điểm cao, xây dựng, củng cố công sự, thiết lập các căn cứ phỉ. Suốt ngày này qua ngày khác những chiếc máy bay ném bom, máy bay bốc đổ quân, những khẩu pháo không ngừng hoạt động. Rừng Lào như sôi lên vì bom đạn Mỹ, tàn lụi đi vì thuốc độc hoá học Mỹ. Địch tập trung đánh phá dữ dội nhất xuống hai huyện Mường Pẹt và Mường Khăm là hai vùng dân cư trù phú của khu vực Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng để tàn phá cơ sở kinh tế, hậu cần của các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào.

        Phối hợp với chiến dịch “Gỡ danh dự” ở Thượng Lào, Mỹ còn mở chiến dịch “Mang con” (Con rồng) vào Huồn Miền, Mường Phin ở Trung Lào và chiến dịch “Xôn Phẹt” (Mũi tên kiên cường) ở Hạ Lào nhằm cắt đứt đường 9 đoạn từ Sê Pôn đến Khe Sanh, ngăn chặn sự chi viện của ta cho bạn, cho chiến trường miền Nam Việt Nam bằng đường mòn Hồ Chí Minh.

        Mỹ hy vọng với sự tiến công nhiều mũi, nhiều hướng, nhiều nơi như vậy sẽ buộc các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào và quân tình nguyện Việt Nam phải phân tán lực lượng ra để đối phó. Mỹ còn hy vọng bằng một chiến dịch tiến công trên cả ba vùng chiến lược của nước Lào, sẽ triệt phá được cả hạ tầng lẫn thượng tầng cơ sở của cách mạng Lào và vực được đội quân thất trận, bạc nhược của Vàng Pao cũng như quân ngụy Viêng Chăn để làm xương sống, làm chỗ dựa cho học thuyết “Lào hóa chiến tranh” của Ních-xơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #189 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2017, 12:13:48 am »


        Quy mô của những chiến dịch kể trên rất rộng. Riêng chiến dịch “Cù Kiệt” ở Thượng Lào đã diễn ra trên phạm vi 5.200 ki-lô-mét vuông. Địch đóng chốt trên đường số 7 từ Phu Nốc Cốc đi Noọng Pẹt, cắt đứt con đường độc đạo này để ngăn chặn các cuộc tiến công của ta vào Cánh Đồng Chum. Được không quân Mỹ yểm trợ, bọn quân ngụy đi đến đâu cũng thực hiện chính sách “ba sạch”, tàn sát, đốt phá không từ một thứ gì. Chỉ riêng ở ba huyện phía bắc và đông Xiêng Khoảng, chúng đã giết hàng vạn trâu bò, đốt 210 trường học, 336 chùa, đập vỡ 3.300 tượng Phật. Dân bị bắt, bị giết rất nhiều, trong đó có hàng trăm sư sãi. Ở bản Kha Noi, già nửa số dân trong bản bị giết bằng lưỡi lê, lựu đạn, có gia đình tám người địch giết cả tám. Ở bản Ngăn, chúng ném lựu đạn vào một căn hầm trú ẩn giết chết mười người, phần lớn là cụ già, phụ nữ và trẻ em. Trận ném bom ở bản Huôi Hom có gần 60 người dân vô tội bị giết chết, cả bản bị phá trụi.

        Những đợt ném bom B52 rải thảm nối tiếp nhau giội xuống Lào, xuống các làng bản, rền rĩ suốt ngày đêm, có vệt bom dài trên chục cây số.

        Đi đôi  với tàn phá, khủng bố, giết chóc là thủ đoạn dồn dân với một quy mô lớn chưa từng có. Chỉ tính ở khu vực Cánh Đồng Chum, địch đã xúc gần 15.000 người dân dồn vào các trại tập trung chật chội ở đồng bằng sông Mê Công định biến Cánh Đồng Chum thành một vùng đất trắng.

        Chiến dịch “Cù kiệt” thật sự là mộ canh bạc lớn trong sự cố gắng cay cú của để quốc Mỹ để thực hiện học thuyết Ních-xơn trên chiến trường Thượng Lào. Những cái tên “rửa hận”, “gỡ danh dự” đã nói rõ ý đồ điên cuồng của Mỹ. Với những cái tên đó, Mỹ có dã tâm khích động lòng hận thù của bọn tay sai để thực hiện âm mưu đen tối của chúng là đánh chiếm cho được Cánh Đồng Chum – “là chìa khoá của nước Lào” như chúng đã tuyên bố. Nhưng chúng đã không đánh giá đúng lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của nhân dân Lào, cũng như không thấy hết sức mạnh của mối tình đoàn kết gắn bó thuỷ chung của hai dân tộc, hai lực lượng vũ trang Việt – Lào.

        Mặc dù lực lượng rất mỏng và quá chênh lệch so với địch, các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào và các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng vẫn bám trụ tại chỗ, chiến đấu vô cùng dũng cảm. Quân và dân ở bản Hợp, Phu Nốc Cốc, tây thị xã Xiêng Khoảng, tây bà tây bắc Cánh Đồng Chum... đã đánh hàng trăm trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Chỉ tính từ 20 tháng 8 đến 15 tháng 9, riêng quân và dân quanh thị xã Xiêng Khoảng đã đánh 35 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 600 tên địch, bắn rơi hai máy bay, thu hai pháo 105 và nhiều vũ khí, xe quân sự của địch. Đêm ngày 8 rạng ngày 9 tháng 11, các lực lượng vũ trang của bạn phối hợp với quân tình nguyện việt Nam tiến công sân bay Xiêng Khoảng, sở chỉ huy Tiểu đoàn BV24 của lực lượng đặc biệt trên sân bay và một số vị trí ở bắc Xiêng Khoảng, diệt 108 tên, phá huỷ năm kho xăng, đạn và ba xe quân sự...

        Để bảo vệ nhân dân, bạn cho sơ tán gần 16.000 dân sang biên giới nước ta. Nhân dân nghệ An đã đón tiếp những người bà con rất nồng nhiệt và thắm thiết. Vừa mới chuyển sang, bà con đã có nhà ở thoáng mát, có trường học, bệnh xá và có cả một khu chợ năm ngày họp một phiên. Do phong tục tập quán của dân tộc gần giống nhau nên bà con sơ tán hoà hợp với hoàn cảnh mới rất dễ dàng. Vốn cần cù, nên vừa ổn định chỗ ăn, nghỉ, bà con đã bắt tay vào sản xuất ngay. Chỉ một thời gian ngắn, những vườn rau, những nương ngô, sắn, lúa, đã lên xanh. Những bầy lợn, bầy gà lai sinh sôi, nảy nở. Bản làng mới lại vang lên tiếng cười, tiếng hát và những đêm lăm-vông lại đông chật người.

        Trên đường hành quân đi chiến dịch, chúng tôi có dịp đi qua vùng đất ấy. Bà con sơ tán thăm hỏi, động viên chúng tôi rất ân cần, cảm động, mong mỏi chúng tôi mau chóng cùng với lực lượng vũ trang Pa-thét Lào đánh đuổi hết giặc Mỹ xâm lược, để bà con sớm trở lại làng bản quê hương. Tôi nhận thấy trong những đôi mắt của bà con nỗi nhớ quê hương da diết, mặc dù cuộc sống trước mắt tạm ổn định. Điều đó như thúc giục chúng tôi và cũng là một trách nhiệm nặng nề đặt ra đối với những người chiến sỹ quân tình nguyện.

        Sau chiến dịch Mường Xủi, tôi được Thường trực Quân uỷ Trung ương điều về làm Cục trưởng Cục Cán bộ thuộc Tổng cục Chính trị. Nhưng tôi vừa mới nắm tình hình được đúng ba ngày thì đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Song Hào đã lại cho gọi tôi lên giao nhiệm vụ trở lại Tây Bắc. Bạn yêu cầu ta phối hợp với bạn đánh bại chiến dịch “Cù Kiệt” của địch. Sau khi các đồng chí lãnh đạo của hai Đảng thống nhất chủ trương chung, Quân uỷ Trung ương của ta và bạn đã quyết định mở một chiến dịch lớn, đập tan cuộc hành quân lấn chiếm Cánh Đồng Chum của địch. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cũng quyết định giao nhiệm vụ cho Quân khu Tây Bắc phối hợp với bạn mở chiến dịch này.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM