Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:39:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46020 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 10:59:40 pm »


        Nhờ sự giúp đỡ tận tình của giao liên và du kích các thôn ấp, chúng tôi liên lạc được với cơ sở cách mạng ở cù lao Tân Quy nằm trên bờ bắc sông Hậu, do đó nắm được chỗ yếu của địch. Thực tế bề ngoài dân tuy bị địch gom hết vô ấp chiến lược nhưng lòng dân luôn hướng về cách mạng, hướng về Đảng, ngày đêm ngóng chờ bộ đội đến giải thoát cho mình; phòng vệ dân sự, một tổ chức bán vũ trang địa phương của địch “bảo vệ” xóm ấp, được trang bị súng đạn; về đêm đa số anh em này lại trở thành đội viên du kích của ta.

        Thức ba đêm liền căng thẳng theo dõi địch, nửa đêm thứ tư chúng tôi nhận thấy phía bờ bên kia chợt có ánh đèn pin tắt rồi loé lên mấy lần. Đó là ám hiệu. Lập tức chúng tôi xuống xuồng; đèn pha của địch vừa tăt, cán bộ, chiến sỹ mỗi người cầm một bơi chèo hối hả quật nước cho xuồng vun vút vượt sông. Lúc lên đến bờ, du kích và cơ sở ùa ra đón mừng vui, nghẹn ngào nói: “Các anh đã về!”.

        Ngày hôm ấy tôi được gặp gỡ, trò chuyện thân mật với nhiều bà con vốn khao khát độc lập, tự do, mấy năm liền nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, du kích nằm hầm bí mật đào dưới nền nhà hoặc ngoài vườn cây của minh. Hai đêm sau đoàn tiền trạm vượt hai con sông và hai cù lao nữa, thay đổi ba lần xuồng. Sáng sớm ngày thứ ba chúng tôi an toàn đặt chân lên đất liền huyện Cầu Kè địa bàn của Trà Vinh. Tại đây anh Nguyễn Văn Đáng (Năm Trung, Bí Thư Tỉnh uỷ) và anh Sáu Hoàng (Tỉnh đội trưởng Vĩnh – Trà) nhận được điện của quân khu đã chờ đón chúng tôi ở nhà má Sáu, một cơ sở trung kiên cách đồn địch chưa đầy hai cây số. Chúng tôi ôm lấy nhau tay bắt mặt mừng như anh em ruột thịt trải qua thời kỳ gian lao, biền biệt xa nhau lâu mới có dịp gặp lại. Hai anh vồn vã dẫn tôi về căn cứ Tỉnh uỷ đầu Giồng Cát ấp Bà Mi cách đồn địch khoảng hai cây số và cách chi khu Cầu Kè khoảng bốn cây số, giới thiệu hoạt động của địch, phong trào chiến đấu của quân và dân Trà Vinh giúp tôi sƠ bộ hiểu được tình hình.

        Càng tiếp xúc với bà con, với du kích Vĩnh – Trà, kể cả bà con bị địch nhốt chặt trong các ấp chiến lược như nhốt trong các nhà tù, tôi càng thấy những điều anh Ba Quang, Chính trị viên tiểu đoàn khẳng định với tôi rằng bà con rất tốt, rất gắn bó, tha thiết với cách mạng là hoàn toàn chính xác.

        Năm 1930, Vĩnh – Trà sớm có chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên, đã nhanh chóng tập hợp lực lượng, lãnh đạo hàng nghìn quần chúng mít tinh, biểu tình đòi thực dân Pháp thực hiện dân sinh, dân chủ. Bước sang năm 1940, nhiệt liệt hưởng ứng Nam Kỳ khởi nghĩa, nhân dân các huyện Vũng Liêm, Càng Long, Tam Bình, Cái Ngang, Cầu Kè, Trà Ôn... đã anh dũng nổi dậy tiến công quân thù, đặc biệt nhân dân Vũng Liêm giành đựoc chính quyền ở quận lỵ và tất cả các xã; trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Vĩnh – Trà liên tiếp mở hàng loạt chiến dịch như Cầu Kè, Cầu Ngang, Trà Vinh; năm 1949 – 1950, đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Có những trận đánh nổi tiếng như trận La Bang, Phong Phú (Cầu Kè), Long Hồ, Ba Càng, bắt hàng trăm tên Âu – Phi, đánh hỏng nhiều tàu.

        Với truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa Đảng với dân, giữa quân với dân, lịch sử đã để lại cho Vĩnh – Trà một đội ngũ nhân dân được cách mạng triệt để, thiết tha với độc lập, tự do, có kinh nghiệm đấu tranh với quân thù và một đội ngũ đảng viên được thử thách trong đấu tranh chính trị và vũ trang với địch. Truyền thống vẻ vang và thành tích chiến đấu đó rất xứng đáng với tám chữ vàng: “Vĩnh – Trà anh dũng, đoàn kết lập công” được Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khen tặng.

        Suốt nửa tháng hăm hở chuẩn bị chiến trường, trực tiếp sống với bà con, cô bác, những em bé rải khắp các xã, các huyện của Vĩnh – Trà lòng tôi cảm thấy tràn ngập niềm tin, niềm cảm phục những con người bình thường, chân chất, hiền như củ khoai, hạt lúa song sục sôi lòng yêu nước. Nếu không được nhân dân tận tình nuôi dưỡng và bảo vệ thì căn cứ của Tỉnh uỷ ở sát nách địch và các tổ du kích Vĩnh – Trà đã không thể tồn tại được, mặc dù đã có hầm bí mật. Chiến tranh nhân dân thần thánh, kỳ diệu làm sao!

        Sau khi đã chuẩn bị xong chiến trường, tôi quyết tâm cho tiểu đoàn vượt sông sang Vĩnh – Trà và quyết đánh thắng trận đầu. Toàn tiểu đoàn trên 800 đồng chí với trên 200 chiếc xuồng và mượn thêm của dân 100 chiếc nữa, mỗi xuồng ba đến bốn người lướt sóng qua sông dưới ánh đèn pha tàu địch tuần tiễu, chỉ trong một đêm toàn Tiểu đoàn 306 với sáu đại đội đã vượt qua ba cù lao và ba con sông rộng an toàn, hoàn toàn bí mật. Đây là thắng lợi lớn ban đầu đối với đơn vị. Lòng nhẹ nhõm, tràn đầy tin tưởng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 11:01:17 pm »


        Giữ được thế bất ngờ đối với địch, tôi quyết tâm đánh thắng trận đầu để bộ đội và nhân dân tin tưởng, còn địch thì buộc phải thua đau. Kế hoạch diệt đồn đánh sập cầu Mai Tức kéo địch giải toả, ta diệt viện được Đảng uỷ, ban chỉ huy Tiểu đoàn 306 và Tỉnh đội Vĩnh – Trà đều nhất trí.

        Đêm 18 tháng 1 năm 1967, tôi sử dụng Đại đội 57 và bộ phận đặc công của tiểu đoàn diệt đồn Đập Ấu và đánh sập cầu Mai Tức dài 50 mét nằm trên lộ 7 từ Trà Vinh chạy về thị xã Vĩnh Long, mặt lộ rộng tráng nhựa. Giao thông nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh bị cắt. Bao nhiêu xe đò, xe quân sự bị ùn tắc, hai thị xã náo động. Ngay sáng hôm sau, địch đưa Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 14 cùng với lực lượng bảo an từ Trà Vinh lên vừa để chiếm lại đồn vừa bảo vệ cho công binh bắc lại cầu, đúng như dự kiến của ta.

        Tối ngày 20 tháng 1 năm 1967, tiểu đoàn bí mật hình thành thế bao vây nổ súng tập kích địch. Sau hai giờ chiến đấu, đơn vị tiêu diệt trên 300 tên địch, thu trên 100 súng. Cùng lúc, tiểu đoàn tập kích bằng hoả lực vào chi khu Càng Long làm cháy hai khẩu pháo 105 ly và làm sập nhà trại của lính, giết chết hàng chục tên. Về phía ta chỉ bị thương nhẹ vài đồng chí. Trận đánh mở màn giành được thắng lợi, quân và dân Vĩnh – Trà vô cùng phấn khởi. Lần đầu tiên một tiểu đoàn chủ lực địch bị thiệt hại nặng trên đất Vĩnh – Trà mà hơn 10 năm nay Mỹ - ngụy cho là vùng hậu cứ an toàn, nơi mà chúng thường huênh hoang với bà con rằng đã quét sạch “Việt cộng”. sau trận đánh thắng này, Tiểu đoàn 306 lại được Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.

        Phối hợp với hoạt động của chủ lực Khu, hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh đẩy mạnh ba mũi giáp công nổi dậy phá ấp chiến lược, diệt và bức hàng trên 10 đồn bốt địch, tuyến An Trương – Tân An được giải phóng. Trông thấy bộ đội chủ lực sau một thời gian dài vắng bóng nay về đông, súng đạn nhiều, trận đầu đã đánh địch thua đau, bà con Vĩnh – Trà rất hể hả. Lúc này đã vào Tết âm lịch, nhà nhà náo nức chuẩn bị đón Tết, lớp tiếp tế nấu cơm, mang quà bánh tiếp tế bộ đội, lớp vây đồn, phá ấp chiến lược, tiếng cười, tiếng nói râm ran, không khí xóm ấp sôi động hẳn lên.

        Bất ngờ bị thất bại nặng, địch lồng lộn điên cuồng. Chúng điều động Trung đoàn 14 Sư đoàn 9 trả đũa, mở cuộc phản kích vào An Trương hòng tiêu diệt lực lượng ta đang cùng nhân dân mừng xuân. Nhằm phá kế hoạch càn quét của địch, tôi bàn với Đảng uỷ Tiểu đoàn 306 và Tỉnh đội Trà Vinh chỉ nên để lại một trung đội để hỗ trợ địa phương và du kích đánh địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của dân. Địa hình ở vùng này trống trải, lực lượng địch đông gấp ba, gấp bốn lần, ta đánh vỗ mặt chúng có thể thắng nhưng không gọn, chỉ tiêu hao thôi. Bởi vậy lực lượng lớn của tiểu đoàn nên chuyển về phía sau đánh thẳng vào căn cứ Bãi Sang, giành thế chủ động đối với địch. Tập thể nhất trí kế hoạch đó. Căn cứ Bãi Sang là một hệ thống đồn bốt và ấp chiến lược bảo vệ khu công giáo nằm sát sông Tiền và bảo vệ thị xã Trà Vinh về phía tây. Từ hồi nào tới giờ chưa có lần nào ta vào được. Cho nên địch dương dương tự đắc tin rằng Bãi Sang là vùng bất khả xâm phạm, là sân sau an toàn nhất của chúng.

        Tôi đề nghị cùng lúc Tiểu đoàn 306 đánh vào căn cứ Bãi Sang thì bộ đội tỉnh và đặc công tiểu đoàn tập kích vào thị xã Trà Vinh.

        Ba ngày sau, đêm 30 tháng 1 năm 1967, tiểu đoàn tiến công diệt hai đồn và năm lô cốt của căn cứ Bãi Sang, diệt hai đại đội bảo an, hàng trăm dân vệ, phá banh hệ thống ấp chiến lược. Cùng lúc hoả lực tiểu đoàn tập kích chi khu Càng Long phá bốn khẩu pháo 105, sở chỉ huy hành quân địch bị thiệt hại nặng, trên 40 tên thiệt mạng. bị thua đau, Trung đoàn 14 phải bỏ cuộc càn hốt hoảng rút về bảo vệ thị xã Trà Vinh và tái chiếm Bãi Sang. Vô cùng phẩn khởi, nhân dân Trà Vinh nhiệt liệt hoan hô, chúc mừng bộ đội đã đánh bại cuộc càn của địch, hỗ trợ đắc lực cho đồng bào đẩy mạnh ba mũi đấu tranh phá ấp chiến lược trở về ruộng vườn cũ, nhân đó Trà Vinh gỡ trên 50 đồn bốt. Thời gian ấy phía Vĩnh Long cũng hoạt động mạnh. Trong vòng một tháng vừa bước chân lên đất Vĩnh – Trà, Tiểu đoàn 306 đã đánh thắng hai trận lớn. Từ khi vượt sông Hậu, Sông Tiền, tiểu đoàn đã hoàn toàn giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ nên địch tuy bị giáng trả đau song vẫn chưa biết có chủ lực Khu đã đứng vững chân tại hậu cứ an toàn của chúng. Còn bà con Trà Vinh thì biết rất rõ sức mạnh của Tiểu đoàn 306, song để giữ bí mật đơn vị vẫn giấu phiên hiệu không gọi Tiểu đoàn 306, mà là Tiểu đoàn 501 của tỉnh, nhưng đồng bào thì biết rõ và thân thương gọi tiểu đoàn bằng tên riêng do mình đặt ra. “Bác Sáu”. “Bác Sáu đã về”. Mỗi khi gặp cán bộ tiểu đoàn, bà con tươi cười chào: “Chú Sáu ơi, mừng quá, vui quá hà!”. Còn gặp binh sỹ ngụy đi lẻ thì các cụ, các má lại hù doạ: “Đừng có làm ác nghe. Làm ác, bà con kêu bác Sáu về bỏ mạng đó!”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #142 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 11:02:13 pm »


        Đánh thắng địch một số trận mở đầu ở Trà Vinh, xong chúng tôi vẫn xác định mục tiêu chính của Tiểu đoàn 306 mà quân khu giao cho là hoạt động ở Vĩnh Long.

        Vĩnh Long so với Trà Vinh có nhiều khó khăn, địa hình vừa trống vừa mỏng, có quốc lộ 4 và sông Măng Thít nối liền sông Tiền, sông Hậu. Địch bình định đánh phá ác liệt, đóng đồn dày đặc. Ta không có căn cứ, lực lượng vũ trang và cán bộ tỉnh, huyện phải hoạt động bán hợp pháp, ban ngày bám cơ sở sống trong vách đôi hoặc dưới hầm bí mật, ban đêm ngoi lên hoạt động gây dựng cơ sở, gần sáng lại phải xuống hầm bí mật; mọi sinh hoạt đều ở dưới hầm được cơ sở bảo vệ, cứ như thế sống hết ngày nọ đến tháng kia. Có đồng chí hàng năm mới có kịp vô căn cứ báo cáo tình hình cho Tỉnh uỷ năm, mười ngày rồi lại phải trở lại cơ sở, ghẻ lác đầy minh, mặt mày xanh xao, người ốm yếu tong teo trông rất thương hại. Mặc dầu vậy, Đảng bộ Vĩnh Long từ Tỉnh uỷ đến cơ sở luôn lạc quan, tin tưởng dựa vào dân bám trụ địa bàn tồn tại và chiến đấu, một tấc không đi một ly không rời. Được tin Tiểu đoàn 306 sẽ lên Vĩnh Long hoạt động, từ tỉnh đến huyện đều vui mừng, tin tưởng, nhất là đồng chí Nguyễn Ký Ức (Sáu Ức) – Bí thư Tỉnh uỷ và đồng chí Hai Thành Công - Tỉnh đội trưởng, gặp tôi đều nói lên tình cảm và sự tin tưởng của Thường vụ Tỉnh uỷ, Tỉnh đội trước sự quan tâm của Khu uỷ, quân khu cho bộ phận chủ lực Khu qua Vĩnh – Trà lên hỗ trợ Vĩnh Long. Hai đồng chí cho biệt tình hình Vĩnh Long tạm thời có khó khăn nhưng nhân dân rất tốt, một lòng tin cách mạng, hướng về Bác Hồ. Được nhân dân đùm bọc, che chở, lực lượng vũ trang và cán bộ Vĩnh Long vẫn tồn tại trong lòng địch. Toàn Đảng bộ sẽ làm hết sức mình, tạo mọi điều kiện để tiểu đoàn đứng vững và hoạt động tốt. Càng tai nghe mắt thấy tôi càng thấu hiểu những mất mát, hy sinh chịu đựng của Đảng bộ Vĩnh Long. Tôi phổ biến, truyền đạt lại cho đơn vị, hầu hết cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn đồng lòng, nhất trí, quyết tâm khắc phục khó khăn cùng Vĩnh Long diệt địch, bảo vệ đồng bào.

        Địch đã đánh hơi có chủ lực ta sang hoạt động ở Vĩnh – Trà; để ngăn chặn bảo vệ Vĩnh Long, giữa tháng 3 năm 1967, Sư đoàn 9 ngụy đưa quân lên cắm chốt bình định tuyến sông Măng Thít.

        Cuối tháng 3 năm 1967, tôi và đồng chí Ba Quang – Chính trị viên, chuẩn bị đưa tiểu đoàn lên hoạt động ở Vĩnh Long, vừa đến xã Hoà Bình, đông nam Tam Bình tám cây số thì phát hiện địch vào chốt đầu vàm Mương Khai để bình định tuyến sông Măng Thít. Tình huống ngoài dự kiến. Tôi hội ý với đồng chí Ba Quang: “Đây là thời cơ, nếu để êm, địch đóng đồn bình định, chúng sẽ ngăn sông ta khó tiến lên Vĩnh Long. Ta khắc phục khó khăn, tập trung tiểu đoàn tập kích địch, vừa diệt được sinh lực địch vừa đánh bại kế hoạch bình định, ý đồng chí thế nào?”. Đồng chí Ba Quang lạc quan đáp: “Tôi hoàn toàn nhất trí với anh Ba, đây là cơ hội có lẽ trời khiến số phận địch đến nộp mạng cho tiểu đoàn lập công bước lên địa bàn Vĩnh Long, đề nghị anh hạ quyết tâm, tôi ủng hộ và đông viên bộ đội sẽ sẵn sang”. Tôi báo cáo xin ý kiến đồng chí Hoài Pho (Ba Mai) – Tư lệnh tiền phương quân khu được anh chấp thuận. Hôm ấy là 20 tháng 3, tôi vừa ra lệnh, đồng chí Năm Còi và đồng chí Ba Thu - Tiểu đoàn phó điều động tiểu đoàn còn đóng quân ở xã Nhĩ Long, bắc Càng Long nhanh chóng về Hoà Bình. Địch vào chốt Mương Khai là Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 16 Sư đoàn 9 và Giang đoàn tàu gồm 10 chiếc PCF. Chúng đóng quân về phía nam sông Măng Thít hai bên vàm Mương Khai công sự mới đổ đất. Mới cắm quân được một tuần, nhưng địch rất hung hăng, hàng ngày lớp tàu, lớp bộ binh bung ra càn quét đánh phá cơ sở, hãm hiếp phụ nữ, cướp giật tài sản nhân dân. Xuồng ghe của dân đi lại bị chúng chặn xét giật đồ đạc gây khó dễ.

        Nắm được quy luật bố phòng, ngày 23 tháng 3, tiểu đoàn vừa bắc Càng Long về đến Hoà Bình, tôi khẩn trương làm công tác tổ chức, động viên bộ đội. Đây là thời cơ chúng ta quyết đánh thắng, tiêu diệt gọn cả bộ binh và tàu địch như đã giành thắng lợi trận đầu Mai Tức (20 tháng 1) để lập thành tích mở màn đưa tiểu đoàn lên hoạt động ở Vĩnh Long. Tuy chuẩn bị rất khẩn trương, mệt nhọc, nhưng cán bộ, chiến sỹ tin tưởng phấn khởi nhất trí cao, hứa quyết tâm lập công đầu bắn chìm tàu sắt địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #143 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 11:02:47 pm »


        Đêm 24 tháng 3, tiểu đoàn với trên 200 chiếc xuồng ngụy trang kín đáo đã áp sát địch; từng chiến sỹ rời khỏi xuồng theo kế hoạch tiềm nhập trận địa, đội hình đã hình thành bao vây sẵn sàng nổ súng. Dưới sông, tàu sắt địch vẫn nổ máy; từ vọng gác địch rọi đền pin quét ngang dọc, dò từng bụi cây, nhưng chúng không ngờ quanh chúng gần 1.000 chiến sỹ ta đang xiết chặt vòng vây. Tôi kiểm tra Đại đội 59 nhiệm vụ thọc sâu chia cắt địch, đồng chí Chín Tròn - Đại đội trưởng báo cáo: “ngon lắm anh Ba ơi, anh em đã áp sát tiến duyên địch, hoả khí đã phát hiện cụm tàu dưới mé sông rất rõ, đề nghị anh cho nổ súng”.

        Đúng 1 giờ 30 sáng, tự tin và bình tĩnh, tôi ra lệnh nổ súng. Nhất loạt mìn định hướng, súng cối ĐKZ và các loại hoả lực cấp tập bắn vào đội hình địch ầm ầm rền vang toàn trận địa. Địch tán loạn không kịp đối phó. Đồng chí Chính Tròn báo cáo ba tàu PCF bốc cháy và chìm. Đại đội 59 đã áp sát mé sông, đội hình địch đã bị chia cắt, đại đội phát triển thuận lợi. Tôi biểu dương Đại đội 59 và ra lệnh tiểu đoàn theo kế hoạch dũng mãnh tiến công nhanh chóng bao vây chia cắt địch. Anh em chiến đấu rất dũng cảm, lớp diệt bộ binh, lớp bắn chìm tàu địch. Sau ba giờ nổ súng ta làm chủ trận địa, diệt trên 250 tên, bắn chìm tám tàu, thu trên 100 súng, cơ bản tiêu diệt Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 16 và giang đoàn tàu địch. Gần sáng đơn vị lui về xã Hoà Bình phòng ngự đánh địch phản kích.

        Bị thua đau, địch như con thú dữ bị trọng thương. Tiểu đoàn vừa đến xã Hoà Bình, dựa vào trận địa và công sức cũ, cán bộ, chiến sỹ khẩn trương bổ sung công sự, tăng cường ngụy trang, bộ đội chưa kịp ăn sáng thì 7 giờ sáng ngày 26 tháng 3 đoàn trực thăng vũ trang và L19 hung hăng bay tới bắn phá. Cùng lúc bốn trận địa pháo địch: Cầu Mới, Ba Kè, Tam Bình, Mai Phốp cấp tập bắn vào trận địa ta mãnh liệt, tiếp theo là hàng chục phi vụ phản lực, khu trục luân phiên ném bom phá và bom na-pan nhằm huỷ diệt trận địa ta để yểm trợ cho bộ binh đổ quân bao vây tiêu diệt. Cuộc chiến đấu ngay từ sáng sớm diễn ra vô cùng ác liệt. Sau hai giờ pháo binh, phi cơ điên cuồng oanh tạc, địch cho 30 trực thăng cùng phi cơ yểm trợ liên tục đổ Trung đoàn 15 và Trung đoàn 16 còn lại xuống trận địa hòng bao vây tiêu diệt tiểu đoàn.

        Tôi vừa chỉ huy tiểu đoàn lợi dụng công sự cũ tăng cường củng cố ngụy trang xây dựng trận địa nhiều tầng vững chắc, vừa tổ chức hoả lực bắn trực thăng địch; vừa sẵn sàng đánh bại địch đổ quân, vừa tranh thủ họp Đảng uỷ chớp nhoáng để nhất trí nhận định tình hình, giữ vững quyết tâm và lãnh đạo động viên bộ đội thề quyết tử giữ vững trận địa, đánh bại phản kích địch. Bom đạn ác liệt, nhưng cán bộ, chiến sỹ ta chiến đấu vô cùng dũng cảm. Từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tiểu đoàn đã đánh bại sáu đợt đổ quân, đánh lui tám đợt xung phong của địch, giữ vững trận địa, ba lần xuất kích diệt địch giữa đồng, bắn rơi tại chỗ 12 trực thăng, bắn bị thương một số chiếc khác, diệt trên 600 tên địch, đánh thiệt hại ba tiểu đoàn. Đây là trận đánh vô cùng ác liệt từ khi bước sang Vĩnh – Trà. Ta đã giành được thắng lợi to lớn, địch bị bất ngờ thiệt hại nặng nề. Từ phản kích chúng phải chuyển sang thu dọn hậu quả, huy động hàng chục trực thăng cần cẩu đến trận địa tải xác chết, trục tàu chìm và móc trực thăng về Vĩnh Long, kết thúc cuộc càn, huỷ bỏ kế hoạch bình định sông Măng Thít. Nhân dân vô cùng phẩn khởi, công khai đưa tin quốc gia thua, Việt cộng thắng, hàng trăm gia đình binh sỹ địch để tang kêu khóc đòi đền mạng chồng, con, em bị chết, lớp kêu chồng con em đi lính trở về. Thị xã Vĩnh Long và vùng địch tạm chiếm lâu nay bị kìm kẹp sôi động hẳn lên. Hàng nghìn người xuống đường đấu tranh chống khủng bố, chống bom đạn làm cho Mỹ - ngụy vô cùng hoang mang.

        Được sự giúp đỡ của nhân dân và Đảng bộ địa phương, Tiểu đoàn 306 chôn cất các đồng chí hy sinh và chăm sóc anh em thương binh, tập trung bổ sung quân số, củng cố đơn vị và bàn nhiệm vụ, kế hoạch, phương thức hoạt động mới để chuyển tiểu đoàn lên hoạt động ở Vĩnh Long, phát huy thắng lợi, hỗ trợ địa phương diệt địch, trừ gian, phá ấp chiến lược, chuyển vùng, hoàn thành nhiệm vụ quân khu giao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #144 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 11:03:15 pm »


        Ban chỉ huy Tiểu đoàn 306 chúng tôi nhất trí đánh giá sau ba tháng bước chân lên địa bàn Vĩnh – Trà, đơn vị đã giành thắng lợi bước đầu, được nhân dân và Đảng bộ địa phương tin tưởng, hết lòng quý mến, giúp đỡ. Tuy đứng chân ở Trà Vinh, so với Vĩnh Long có nhiều thuận lợi hơn; từ kinh nghiệm hoạt động ban đầu ở Trà Vinh thì tiểu đoàn có thể đứng chân trên đất Vĩnh Long được. Song vì Vĩnh Long không có căn cứ nên không cho phép tiểu đoàn tập trung mà phải hoạt động bí mật, phân tán dựa vào dân, gắn với địa phương, trước mắt lấy đánh nhỏ diệt ác, phá kìm gây dựng cơ sở mở lõm chuyển vùng là chủ yếu, phải tạo cơ sở khi có điều kiện mới nâng dần đánh tập trung thích hợp. Được Đảng uỷ tiểu đoàn nhất trí, tôi tập trung cán bộ và chiến sỹ toàn tiểu đoàn phổ biến tình hình nhiệm vụ và phương châm, phương thức hoạt động cho anh em thảo luận góp ý kiến. Cuối cùng anh em nhất trí và hạ quyết tâm: trước đây tiểu đoàn ở Cà Mau, Cần Thơ nghe nói Vĩnh – Trà khó, ai cũng lo lắng, nhưng nay qua Trà Vinh mấy tháng cũng quen, lên Vĩnh Long cũng thế, miễn là cán bộ, chiến sỹ quyết tâm đoàn kết thì khó mấy cũng vượt qua.

        Cuối tháng 4 năm 1967, tiểu đoàn phân tán từng đại đội trên ba hướng: Đại đội 58 do đồng chí Danh - Đại đội trưởng lên hoạt động ở các huyện Bình Minh, Châu Thành bắc lộ 4; Đại đội 59 do đồng chí Chín Tròn - Đại đội trưởng hoạt động hướng Cái Nhum, đông thị xã Vĩnh Long đến sông Tiền; tiểu đoàn còn lại tập trung hoạt động ở Tam Bình, sông Măng Thít đến lộ 4.

        Được nhân dân đùm bọc nuôi dưỡng, được địa phương giúp đỡ hiệp đồng gắn bó trên từng hướng, lúc đầu bộ đội hoạt động có khó khăn, dần dần với tinh thần trách nhiệm và thực tế chiến trường, tiểu đoàn đã hoạt động tốt, nhất là hướng Cái Nhum. Ở hướng này, Đại đội 59 và địa phương qua 14 tháng hoạt động đã diệt ác phá kìm diệt trên 500 tên địch, diệt bức hàng 45 đồn, phá hàng chục ấp chiến lược, mở lõm chuyển vùng được năm xã. Từ đại độ phân tán, tổ, tiểu đội ém quân hầm bí mật, dân nuôi đánh địch, tiến lên ở Cái Nhum có căn cứ lõm sát thị xã Vĩnh Long, bảo đảm đại đội có chỗ trú quân hoạt động tập trung diệt gọn từng trung đội, đại đội địch và địa phương tiến lên làm chủ địa bàn.

        Hướng Bình Minh, bắc lộ 4, Đại đội 58 và lực lượng tỉnh hiệp đồng tốt gỡ 30 đồn, diệt 7 đại đội, diệt và làm tan rã gần 1.000 tên địch, gây dựng cơ sở tốt, phá 20 ấp chiến lược, chuyển được vùng chữ V làm bàn đạp tiến lên tiến công sân bay Vĩnh Long, Bình Minh, Lấp Vò và Sa Đéc.

        Hướng Tam Bình, Tiểu đoàn 306 (thiếu) tập trung, phân tán đều, linh hoạt đã đánh trên 50 trận, diệt 1 tiểu đoàn, 15 đại đội, diệt 1.500 tên, gỡ 50 đồn, phá ấp chiến lược sát thị xã Vĩnh Long mở thông hành lang nam - bắc sông Măng Thít đến lộ 4, bảo vệ hỗ trợ tỉnh mở vùng xây dựng tuyến sông Cái Ngang – Ngã Tư thành căn cứ vững chắc của tỉnh.

        Sau bốn tháng hoạt động, Đại đội 8 và Đại đội 9 được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, Tiểu đoàn 306 được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng hai. Năm 1967, sau gần một năm hoạt động ở Vĩnh – Trà, tiểu đoàn gắn bó với địa phương đã diệt gần 10.000 tên địch, tiêu diệt, đánh thiệt hại bảy tiểu đoàn, một giang đoàn, 20 đại đội, gỡ trên 100 đồn bốt, bắn rơi 25 trực thăng, bắn chìm 15 tàu, phá 15 pháo 105, thu hàng nghìn súng, hiệp đồng hỗ trợ hai tỉnh đẩy mạnh ba mũi tiến công, chuyển thế mở vùng, từ bị kìm sang làm chủ ra sát vùng ven thị xã, đánh bại kế hoạch bình định sông Măng Thít của địch, xây dựng làm chủ bước đầu địa bàn then chốt vùng trung tâm Vĩnh – Trà gồm sáu huyện nam - bắc sông Măng Thít, nối thông hành lang hai tỉnh. Thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của Vĩnh Long và Trà Vinh đã qua. Quân ngụy không còn làm mưa, làm gió trên dãy đất đầy đau thương này. Vĩnh – Trà đối với chúng đã trở thành “bất trị”, “đi dễ khó về”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #145 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 11:06:45 pm »


THỊ XÃ VĨNH LONG XUÂN MẬU THÂN 1968

        Đến cuối năm 1967, tình hình Vĩnh – Trà khác trước nhiều. vùng nông thôn, nhiều nơi được giải phóng. Địch thủ thế co vào các thị xã, thị trấn và các trục giao thông quan trọng. Từ im lặng đã nhiều năm, sân sau an toàn của Mỹ - ngụy đột nhiên trở thành chiến trường sôi động hẳn lên. Song lực lượng của địch còn khá đông. Trên thế đó, các tiểu đoàn chủ lực Khu 9 được lệnh tích cực hoạt động hơn nhằm tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh hiện đại nhiều hơn nữa, chuẩn bị đón thời cơ mới xuất hiện. Hưởng ứng phong trào thi đua giết giặc lập công do quân khu phát động, Tiểu đoàn 306 và các lực lượng tỉnh Vĩnh – Trà càng tích cực tiến công địch, diệt đồn, đánh viện.

        Đêm 16 tháng 1 năm 1968, một bộ phận tiêu đoàn kết hợp vùng địa phương bao vây, tiến công căn cứ Nhà Đài thuộc chi khu Vũng Liêm (Trà Vinh), kéo địch ở Vĩnh Long ra chi viện. Chắc mẩm phen này sẽ hốt gọn lực lượng chủ lực của ta, địch vội vã điều động Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 16, Sư đoàn 9 ngụy ứng cứu cho Nhà Đài. Giải toả xong, ngày 18 tháng 1 năm 1968, đoàn xe 30 chiếc lủi thủi chở hàng chục xác chết và những tên bị thương do du kích Vũng Liêm trừng trị trở về Vĩnh Long. Địch đi đúng kế hoạch ta. Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 306 có kinh nghiệm đánh vận động phục kích bình tĩnh ẩn mình trong các ấp chiến lược, được bà con hết lòng che chở, bảo vệ nên hoàn toàn giữ được bí mật. Địch thấy mọi hoạt động của người dân từ chợ búa, làm đồng, đi lại đều bình thường như các ngày khác nên không đề phòng. Đoàn xe 30 chiếc lọt vào trận địa ta. Lúc này là 5 giờ chiều, các mũi của tiểu đoàn bí mật vận động khép địch vào giữa đội hình, tôi ra lệnh nổ súng. Mìn, ĐKZ, đại liên, B40, súng cối của ta nổ rền vang, chia cắt đoàn xe địch. Đồng thời đồng bào trong vùng cũng đồng loạt nổi trống, mõ, thùng thiếc. Tiếng súng, tiếng trống mõ, xoong nồi, tiếng reo hò cổ vũ náo động cả khu vực rộng lớn chưa lần nào chúng nghe thấy làm binh lính địch kinh hoàng, khiếp đảm.

        Sau hai giờ chiến đấu, ta diệt gọn đoàn xe địch, diệt và bắt 300 tên, trong đó có ban chỉ huy Trung đoàn 16, thu trên 100 súng, đốt cháy 30 xe quân sự. Bà con trong ấp chiến lược Long Hồ và Vĩnh Long ca ngợi Quân giải phóng tài giỏi, giữa ban ngày, ngay trong vùng địch sát thị xã thế mà đoàn xe dài hàng mấy chục chiếc chở đầy quân chủ lực, có cả cố vấn Mỹ ngồi bên còn bị diệt gọn, địch không làm gì được. Càng tin tưởng lực lượng cách mạng, đồng bào càng ra sức kêu chồng, con em đi lính cho quốc gia bỏ về với gia đình làm cho địch càng hoang mang.

        Phát huy thắng lợi, tôi liền cho Tiểu đoàn 306 chuyển qua lộ 4, tiếp tục phục kích đoạn từ thành phố Cần Thơ đi Vĩnh Long, nơi mà trinh sát của ta nắm được là hàng ngày thường có một đoàn xe quân sự chở hàng (quân tiếp vụ) chạy qua. Đến tận nơi kiểm tra, tôi thấy trên đoạn đường này từ Ba Càng đi Lạc Hoà dài gần cây số rất trống trải, vườn cây và nhà dân không có, chỉ là một cánh đồng rộng, lúa tốt đang trổ, ruộng nào ruộng nấy còn ngập nước. Muốn giấu quân chỉ còn có cách ngụy trang bằng thân cây lúa và ngồi trên mặt nước mà thôi. Tiểu đoàn đã từng chiến đấu giữa mùa nước nổi của đồng bằng sông Cửu Long nên khó khăn đã có cách khắc phục. Sau khi nhận lệnh chuẩn bị, mỗi cán bộ, chiến sỹ đều sắm cho mình ba chiếc cọc, mỗi chiếc to gần bằng cổ tay và một đoạn dây. Hành quân đến địa điểm, anh em lấy dây cột chặt ba chiếc cọc đó làm thành chiếc nạng, ba chân chìa ra ba phía cắm xuống ruộng rồi ngồi trên mặt nước. Cũng khá chắc. Ai có võng thì lấy kê cho khỏi đau không có thì chịu đau, miễn đánh được địch. Bộ đội ngụy trang kín người bằng cây lúa rồi ngồi trên nạng, thòng hai chân xuống nước. Song cánh đồng này đỉa nhiều vô kể. Biết trước, mỗi người đem theo một gói thuốc lào, ít vôi bột và xà phòng rải xuống nước quanh chỗ mình ngồi. Những thứ đó hoà với nước lúc đầu làm đỉa dạt đi. Nhưng vài giờ sau, vôi, thuốc hết mùi thì từng đàn đỉa to, nhỏ đủ loại nhung nhúc bâu đen bám đầy chân. Thời tiết mùa đông sáng sớm trời rét, chân ngâm nước lâu cóng buốt, ai nấy miệng run lập cập. đến trưa trời lại nắng nóng, đỉa cắn bắt không xuể, máu chảy hoà với nước. Thế nhưng bộ đội vẫn cắn răng chịu đựng, nhắc nhủ nhau kiên trì chờ địch. Mãi đến 15 giờ, đoàn xe mới từ Cần Thơ chạy về Vĩnh Long. Mũi chặn đầu và mũi khoá đuôi bí mật vận động ra sát lộ 4 chặn địch. Bị đánh bất ngờ, đoàn xe bị động ngay từ lúc đầu. Tiểu đoàn nhanh chóng làm chủ trận địa, diệt 250 tên địch, đốt cháy 25 xe quân sự chở đầy quân dụng và thuốc lá. Ta thu trên 100 súng và hàng quân nhu đem về tiếp tế cho bộ đôi và du kích vừa đúng dịp Tết. Đánh thắng, chúng tôi rút về trú quân ở Cái Ngang – Long Công cách trận địa phục kích khoảng tám cây số theo đường chim bay. Chỉ trong vòng một tuần lễ hai tiểu đoàn chủ lực địch liên tiếp bị tiêu diệt, Trung đoàn 16 mất sức chiến đấu. Chỉ huy Sư đoàn 9 nổi khùng, tung ngay Trung đoàn 15 và Thiết đoàn 2 thiết giáp được phi pháo yểm trợ phản kích vào Cái Ngang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #146 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 11:07:22 pm »


        Về ta, hưởng ứng lời kêu gọi của mặt trận, tiểu đoàn cho bộ đôi nghỉ ăn Tết Âm lịch, nhưng địch ngoan cố, ta phải chuyển sang đánh địch phản kích quyết liệt từ 26 đến 28 tháng 1. Kết quả Tiểu đoàn 306 diệt trên 100 tên, bắn cháy năm xe M113 và bắn rơi ba trực thăng.

        Từ trên máy bay chiến đấu, chiều ngày 28 tháng 1 năm 1968, địch phát hiện dưới cây dừa có công sự đắp nổi của ta. Lập tức bốn trực thăng vũ trang bâu lại thay phiên nhau bắn phá vô cùng dữ dội. Miệng hầm của tôi đã bị sập. Hầm vừa đào xong chỉ đủ chứa một đến hai người là cùng, mà chúng tôi có những ba: hải - bảo vệ, đồng chí Thu - Tiểu đoàn phó và tôi nên rất chật, không thể tránh địch được nữa. Đồng chí Hải chỉ kịp nói: “Chú Ba, địch đã phát hiện hầm ta. Cháu ra ngoài hút máy bay”.

        Chúng tôi chưa kịp ngăn lại thì Hải đã nhảy phốc ra khỏi hầm, thoắt ẩn thoắt hiện sau gốc dừa dùng súng AK bắn mãnh liệt vào bầy trực thăng bay rất thấp. Phía trước, tổ bộ binh trong liếp dừa trông thấy cũng bắn chi viện. Một chiếc “bù nóc” trúng đạn loạng choạng bay tiếp được một quãng rồi rơi sầm xuống đất bốc cháy. Ba chiếc trực thăng còn lại đổ xô đến phóng rốc-két liên tiếp xuống chỗ Hải nấp. Đồng chí Thu và tôi cùng nhảy lên khỏi hầm. Đồng chí Thu cầm súng bắn đuổi trực thăng, còn tôi chạy đến gốc dừa nơi mà Hải vừa trúng đạn ngã xuống, tay vẫn cầm chắc khẩu AK bắn đã hết đạn. Hải nhìn tôi đôi mắt dại đi, môi mấp máy như muốn trăng trối điều gì song không nói được thành lời. Vết thương quá nặng, tôi vội cõng Hải vào liếp dừa cạnh mé sông. Lát sau Nguyễn Văn Hải hy sinh đúng vào lúc mới 18 tuổi, tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

        Tôi đau đớn đặt Hải lên trên chiếc ván mỏng, tháo chiếc võng của tôi mang theo tiếc thương vô hạn. Kẻ thù tàn bạo đã giết chết một trong những đồng chí thân thiết trong đời tôi. Những kỷ niệm gần năm năm hai chú cháu cùng sống và cùng chiến đấu, đạn bom vui khổ bên nhau, dồn dập hiện lên trong trí tôi.

        Nguyễn Văn Hải quê ở Quảng Ngãi, hoàn cảnh gia đình rất giống tôi, mồ côi cha từ hồi còn nhỏ, nhà lai nghèo, hai mẹ con bỏ quê lần vào tận đất mũi Cà Mau kiếm sống. Lúc mới về nhận nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng, thấy Hải lanh lẹ, tôi lấy em lên làm liên lạc của tiểu đoàn bộ. Trải qua một số trận chiến đấu, Hải luôn biểu hiện dũng cảm, tháo vát và trung thực. Ban chỉ huy tiểu đoàn U Minh chọn Hải làm chiến sỹ bảo vệ cho tôi. Từ đấy hai chú cháu chúng tôi coi nhau như ruột thịt, cùng chịu đựng biết bao gian khó, ngọt bùi, no đói có nhau. Trận đánh nào Hải cũng luôn ở bên cạnh tôi. Hễ nghe tiểu đoàn trưởng hạ lệnh xuất kích lập tức Nguyễn Văn Hải thay mặt chỉ huy, cầm lá cờ xéo màu đỏ tươi vừa phất vừa tiến lên phía trước. Chỉ huy các mũi thấy màu cờ quen thuộc biết là lệnh của tôi liền cho bộ đội xung phong giết giặc. Vừa chiến đấu, Nguyễn Văn Hải vừa đào công sự cho tôi tránh bom, đạn, có trận phải đào ba, bốn hầm cả cho tôi và cho đồng chí như trận ở xã Hoà Bình (Trà Vinh) bốn lần công sự của tôi bị sập, Hải đào lại cho tôi bốn công sự khác và còn đào cho mình mấy chiếc hầm cá nhân nữa.

        Điển hình là trận Ba Quân – Ngã Cạy. Cuộc chiến đấu ác liệt quá, nhiều công sự bị bom đạn phá sập, địch đã chiếm được một khúc của sở chỉ huy tiểu đoàn. Tình hình đơn vị như ngàn cân treo sợi tóc. Thấy tôi vừa ra lệnh: “Tất cả tiến lên đánh bật địch” thì Nguyễn Văn Hải đã cầm cờ đỏ chỉ huy lao vút ra đầu tiên bất chấp đạn địch đang xối xả. Hình ảnh Nguyễn Văn Hải hiên ngang, kiên cường, quên mọi hiểm nguy cứu đơn vị đã thôi thúc, cổ vũ mọi người học tập. Sau những lần đáng ghi nhớ đó, anh em đơn vị thân mến gọi Hải là “Dũng sỹ cầm cờ”. Riêng tôi tỏ lời khen ngợi thì Hải khiêm tốn trả lời: “Trong chiến đấu chú đi tới đâu, chỗ nào khó khăn con theo chú, bảo vệ chú tới đó”.

        Tôi đang đau đớn, tiếc thương, thay quần áo và tắm rửa cho Hải, thì được lệnh tiền phương quân khu mời lên họp khẩn cấp, nhận nhiệm vụ đặc biệt. Tôi giao tiểu đoàn lại cho hai đồng chí Năm Còi và Ba Thu – hai tiểu đoàn phó chấn chỉnh đơn vị sẵn sàng đánh trả địch và mai táng Nguyễn Văn Hải nếu tôi không về kịp.

        Ba giờ sáng ngày 29 tháng 1 năm 1968, cùng tổ trinh sát, tôi bơi xuồng đến ngã tư Bình Minh, căn cứ của Ban chỉ đạo Khu uỷ và tiền phương Quân khu 9. Đêm đã khuya, anh Hoài Pho – Tư lệnh tiền phương Quân khu thân mật tiếp tôi, nghe qua tình hình Tiểu đoàn 306 đánh địch nhưng ngày qua, rồi anh thân mật: “Cậu hãy tranh thủ nghỉ vài giờ cho lại sức để sáng tiếp tục làm việc sớm”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #147 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 11:07:45 pm »


        Sáng 29 tháng 1, toàn thể phân ban chỉ đạo Khu uỷ và tiền phương quân khu họp, có cả đồng chí Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Long và tôi cùng dự. Các anh phổ biến mệnh lệnh tối mật của Bộ chỉ huy Miền: “ Mệnh lệnh của Đảng thời cơ lịch sử Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, giành thắng lợi quyết định; lực lượng Khu và Vĩnh Long đánh chiếm thị xã Vĩnh Long. Tiểu đoàn 306 đảm nhiệm tiến công hướng chủ yếu từ phía nam, đêm 30 Tết bí mật thọc vào đánh chiếm thị xã, lực lượng tỉnh đánh chiếm sân bay Vĩnh Long, bến phà Mỹ Thuận. Tiểu đoàn 308 (mới thành lập) bao vây phía bắc, vượt sông, hợp đồng với Tiểu đoàn 306 đánh chiếm dinh tỉnh trưởng làm chủ thị xã. Hướng Trà Vinh do lực lượng tỉnh Trà Vinh đảm nhiệm là chính, đánh chiếm thị xã Trà Vinh. Mọi công tác chuẩn bị phải hết sức bí mật, khẩn trương, đêm 31 tháng 1 năm 1968 tức 30 Tết Mậu Thân nổ súng hiệp đồng toàn Miền. Sài Gòn, các thành phố và thị xã khắp miền Nam cùng tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.

        Được phổ biến và giao nhiệm vụ, không khí cuộc họp bỗng phấn khởi, tưng bừng hẳn lên. Các đồng chí xung quanh và bản thân tôi vui mừng, tin tưởng, rạo rực lạ thường. Chao, lịch sử nghìn năm có một, phải nắm bắt ngay lấy. Tin ở Đảng, ai nấy đều nhấp nhổm, muốn hành động ngay.

        Lúc này Tiểu đoàn 306 đảm trách hướng chủ yếu đánh chiếm thị xã Vĩnh Long, tuy chưa nắm được đầy đủ tình hình địch trong thị xã, song khi được Khu uỷ, tiền phương quân khu phổ biến, giao nhiệm vụ thì tôi tuyệt đối tin tưởng, sẵn sàng thực hiện. Bởi tiếng nói của cấp trên đại diện cho Đảng nhìn xa trông rộng. Đảng đã bảo đánh là đánh, mà đã đánh là thắng, chắc như dao chém đá, dứt khoát thế. Với niềm tin ấy, đại diện cho đơn vị tôi xin hứa trước Khu uỷ và quân khu: Quyết tâm lãnh đạo Tiểu đoàn 306 cùng các đơn vị bạn đánh chiếm thị xã Vĩnh Long, hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao”.

        Hội nghị quyết định thành lập Ban chỉ huy trọng điểm Vĩnh Long. Đồng chí Hoài Pho – Khu uỷ viên, Phó Tư lệnh quân khu làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Bảy Máy - Thường vụ Khu uỷ làm Chính uỷ. Tôi (Ba Trung) làm Chỉ huy Phó – Tham mưu trưởng kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306, đồng chí Tám Xuân – Phó Chính uỷ, đồng chí Nguyễn Ký Ức – Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long, đồng chí Năm Trung – Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh là Uỷ viên. Do tình hình khẩn trương, các đơn vị không kịp cử người về dự được, nên sau cuộc họp, Ban chỉ huy phân công đồng chí Bảy Máy – Chính uỷ trọng điểm trực tiếp xuống Trà Vinh truyền đạt, giao nhiệm vụ cho tỉnh Trà Vinh, đồng chí Sáu Ức – Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long về phổ biến cho lực lượng tỉnh mình, đồng chí Tám Xuân qua phổ biến và giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 308 phụ trách hướng Cái Nhum về phía bắc.

        Sau cuộc họp tôi vội vã về đơn vị triệu tập Đảng uỷ và ban chỉ huy tiểu đoàn phổ biến, quán triệt nhiệm vụ, hạ quyết tâm và tổ chức ngay trong đêm, tập trung lãnh đạo cán bộ từ trung đội trở lên nhận rõ thời cơ xây dựng niềm tin tất thắng. Trước tập thể, tôi khẳng định: “Đây là thời cơ lịch sử, chúng ta thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

        Suốt ngày 30 và đêm 31 tháng 1, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 306 hối hả, phấn khởi, tin tưởng chuẩn bị, không ai chợp mắt được. Súng đạn lau chùi sạch bóng, ngụy trang tươi xanh chỉ chờ giờ xuất quân hoàn thành nhiệm vụ trọng đại. Thương nhớ Nguyễn Văn Hải vô ngần, trước giờ lên đường tôi tranh thủ ra nghĩa trang thăm mộ Hải. Trong khi tôi đi vắng các anh trong ban chỉ huy tiểu đoàn cùng đơn vị đã tổ chức mai táng chu đáo liệt sỹ Nguyễn Văn Hải. Cầm nén nhang cắm lên mộ, tôi gạt nước mắt chào vĩnh biệt Hải và thầm hứa sẽ cùng đơn vị trả thù cho Hải để thực hiện lời mà cháu thường tâm sự với tôi: “Chú đi tới đâu cháu theo chú tới đó”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #148 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 11:08:25 pm »


        Chiều 31 tháng 1 năm 1968, tức 30 Tết âm lịch, trên 400 ghe xuồng ngụy trang kín đáo theo kênh rạch tiến vào thị xã Vĩnh Long. Trên trời , hai máy bay trinh sát đầm già (L19) quần đảo liên tục song không phát hiện được quân ta. Đêm 30 Tết trời tối như mực. Đó đây tiếng pháo giao thừa nổ râm ran. Tiểu đoàn 306 được tăng cường hai đại đội địa phương Trà Ôn và Tam Bình trên 1.000 quân đã bí mật đột nhập vào phía nam thị xã Vĩnh Long, địch vẫn không biết. Dùng bộ đàm, tôi liên lạc được với tiểu đoàn tỉnh ở phía tây đã lọt được vào sân bay Vĩnh Long, phía bắc Tiểu đoàn 308 cũng đã tiến quân đến mé sông, áp sát thị xã. Thế là từ cả ba hướng, quân ta đã hình thành thế bao vây thị xã Vĩnh Long. Nằm trên trục đường 4, nối sông Tiền và sông Hậu đi Sài Gòn và thành phố Cần Thơ, thị xã Vĩnh Long là một trong hai trọng điểm tổng tiến công của Quân khu 9 (thành phố Cần Thơ là trọng điểm thứ nhất). Để bảo vệ thị xã trung tâm đồng bằng sông Cửu Long này, địch bố trí ở đây một lực lượng chủ lực đông tới 10.000 tên, 100 cố vấn Mỹ, không kể 5.000 cảnh sát, phòng vệ dân sự và tề ngụy. Về phía ta, lực lượng chủ lực Khu lúc tiến công vào Vĩnh Long chỉ có hai tiểu đoàn chủ lực và hai tiểu đoàn địa phương mới xây dựng, quân số tất cả vào khoảng trên dưới 2.000. So sánh đơn thuần theo tỷ lệ số quân thì địch 5, ta 1, tương quan lực lượng quá chênh lệch. Hơn nữa nông thôn chưa từng tiếp xúc với đường phố. Tất cả những khó khăn, phức tạp đó chúng tôi đâu có tính đến. Mỗi cán bộ, chiến sỹ chỉ tâm niệm: Đảng đã bảo đánh là đánh tới cùng. Riêng tôi lại nghĩ: Lòng tin quyết định thắng lợi. Trong các trận chiến đấu đã qua, khó khăn, ác liệt đều xuất hiện bất thần. Song có lòng tin sắt đá, bộ đội đều biết cách khắc phục để giành thắng lợi. Sẵn có niềm tin thì lực yếu chuyển thành mạnh, mạnh gấp chục lần làm tương quan lực lượng thay đổi hẳn có lợi cho ta. Thêm vào đó ta lại triệt để lợi dụng yếu tố bất ngờ, nhiều thành phố, thị xã trong toàn miền Nam cùng đồng loạt tấn công, chủ động tiến công, trói chặt chân tay kẻ địch lại. Suy ngẫm về những điều đó chúng tôi đi vào nội ô thị xã Vĩnh Long lòng vui  phơi phới. Nhiều gia đình sáng đèn thức đón xuân mới Mậu Thân. đến Phước Hậu vùng ven thị xã chúng tôi gặp anh Ba Thu, Tiểu đoàn phó đi trước chuẩn bị chiến trường ra đón. Có cả một số cơ sở cùng ra như chị Hai Thanh – Phó Bí thư thành uỷ Vĩnh Long mới sanh được bảy ngày đã gởi con để đi dẫn đường cho bộ đội. Chị Sáu Xây, anh Hai Thân và cô Mười Xương - Thường vụ Thành uỷ, mấy năm nay sống hợp pháp trong lòng địch, anh Bảy Nguyễn, Thành đội trưởng cũng cùng có mặt và nhiều cơ sở cách mạng khác. Trong đêm tối chúng tôi hể hả, vui mừng nắm chặt tay nhau thì thào chào hỏi: “Đồng chí!”. Như vậy cơ sở chính trị của cách mạng trong lòng thị xã Vĩnh Long xây dựng bấy lâu nay khá tốt. Các anh, các chị đều cho biết trong số hàng nghìn học sinh có mấy chục cơ sở trung kiên, sẵn sàng đi đầu trong cuộc nổi dậy tới. Khoảng ba bốn tháng trước, ta đã đưa được mấy chục đảng viên vào sống hợp pháp trong thị xã, làm đủ nghề để che mắt địch như buôn bán, chạy xe lôi, hớt tóc, thợ nề, thợ mộc, sửa chữa đồng hồ, sửa xe gắn máy... Để nắm tình hình bố trí của địch cụ thể hơn, cấp trên đã cử anh Quốc Trung, Phó phòng quân báo quân khu vào thị xã Vĩnh Long vẽ bản đồ. Anh Quốc Trung quê miền Bắc, to khoẻ vào Nam Bộ lâu nên giọng gần giống Nam Bộ. Nhờ cơ sở trong thị xã nuôi giấu, anh Quốc Trung vẽ được bản đồ quân sự thị xã khá tỉ mỉ và chính xác gởi ra ngoài. Bởi thế, về mặt quân sự, tuy mắt chưa trông thấy, tay chưa sờ được vị trí địch – yêu cầu cần thiết đối với người chỉ huy trước trận đánh, bản thân tôi chưa làm được, song anh Quốc Trung đã làm thay. Nhờ bản đồ này, chúng tôi nắm được địch, dẫn tiểu đoàn lọt qua hệ thống đồn bốt dày đặc và qua hàng rào ấp chiến lược chi chít bao quanh vùng ven mà đi thẳng vào trung tâm thị xã khá thuận lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #149 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 11:10:40 pm »


        Đúng 1 giờ sáng mồng 1 Tết Mậu Thân, từ hướng nam Tiểu đoàn 306 tiến vào nội ô thị xã, qua khỏi miếu Bảy Bà chợt gặp một đại đội bộ binh địch tuần tiễu có cả xe M113 đi kèm. Ta nổ súng, bị đánh bất ngờ, địch tháo chạy tán loạn. Ta đánh chiếm căn cứ bảo an, ty cảnh sát, khu Hoa Lư, Trung tâm thông tin ngụy. Cùng lúc Tiểu đoàn 1 của tỉnh đột nhập vào sân bay Vĩnh Long, dùng bộc phá phá huỷ trên 60 trực thăng, chiếm đại bộ phận sân bay. Tiểu đoàn 308 vượt sông gặp khó khăn, chỉ bộ phận đi đầu gồm 50 đồng chí đột nhập vào thị xã, bị địch bao vây, cô lập nên thương vong  lớn. Đến 5 giờ sáng mùng 1 Tết Tiểu đoàn 306 đã chiếm được một phần ba thị xã Vĩnh Long và địch cũng củng cố được đội hình, tổ chức đánh lại. Trung đoàn 16 bộ binh và Trung đoàn 2 thiết giáp địch phản kích từ phía tây, Tiểu đoàn 43 biệt động quân từ phía đông phản kích vào sở chỉ huy Tiểu đoàn 306 và tiền phương quân khu. Cùng lúc pháo ở quận Mới, căn cứ Long Hồ bắn cấp tập vào đội hình ta. Trên trời, từng tốp trực thăng vũ trang bắn phá mãnh liệt. Thấy tình hình xoay chuyển theo chiều hướng khác hẳn với dự kiến ban đầu tôi mở đài bán dẫn theo dõi tin tức các địa phương khác. Đài Hà Nội và đài Giải phóng đều đưa tin ta tiến công thành phố Huế, mấy tỉnh Tây Nguyên, các nơi khác chưa nghe nói đến. Như vậy ta vẫn chưa làm chủ được Sài Gòn, thị xã Mỹ Tho, kể cả thành phố Cần Thơ kế cận.

        Tình hình phức tạp rồi! Anh Hoài Pho - Chỉ huy trưởng trọng điểm trực tiếp đến Sở chỉ huy Tiểu đoàn 306 hỏi ý kiến, tôi thiết tha đề nghị anh lui ra Phước Hậu, xã vùng ven cách trung tâm thị xã Vĩnh Long khoảng năm cây số, nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương quân khu, nắm tình hình chỉ đạo chung và huy động lực lượng phía sau chi viện cho các tiểu đoàn. Việc đánh chiếm thị xã ở trong này tôi chịu trách nhiệm chung, hiệp đồng với lực lượng tỉnh và Tiểu đoàn 308 đánh tiếp. Gặp khó khăn tôi sẽ xin ý kiến quân khu. Anh Hoài Pho đồng ý, uỷ quyền cho tôi chỉ huy chung các lực lượng đánh vào thị xã. Sở chỉ huy tiền phương quân khu dời ra Phước Hậu.

        Bảy giờ sáng mùng 1 Tết, địch tăng cường phản kích. Để có thêm sức mạnh và niềm tin thuyết phục, là Bí thư Đảng uỷ Tiểu đoàn, tôi triệu tập họp Đảng uỷ chớp nhoáng, nhận định tình hình: - Địch đang tổ chức phản kích, khó khăn xuất hiện nhưng tiểu đoàn đã đánh chiếm được một phần ba thị xã, các đơn vị bạn như tiểu đoàn tỉnh và Tiểu đoàn 308 tuy cũng gặp khó khăn nhưng vẫn hiệp đồng chặt với ta. Quyết tâm của Tiểu đoàn 306 là vẫn kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ.

        Tiếp đó tôi đề xuất phương án đánh địch và nêu khẩu hiệu: “Thời cơ lịch sử! Đảng uỷ tiểu đoàn kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sỹ, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chưa đánh chiếm được thị xã Vĩnh Long, Tiểu đoàn 306 quyết không về!”. Được tập thể nhất trí, tôi phân công các đồng chí Đảng uỷ viên xuống từng đại đội phổ biến, động viên bộ đội tăng cường công sự, lợi dụng địa hình, phòng ngự vững chắc, đánh bại địch phản kích. Đồng thời, tôi tổ chức tiểu đoàn bộ và hoả lực của tiểu đoàn đánh bại mũi phản kích từ phía sau rất hiểm của Tiểu đoàn 43 biệt động quân. Anh em chiến đấu dũng cảm diệt trên 100 tên, truy kích bọn bỏ chạy, giữ vững trận địa, bảo vệ được sở chỉ huy. Tiếp đó, tôi tổ chức tiểu đoàn tập trung đánh bại mũi phản kích của Trung đoàn 16 ngụy, diệt 300 tên, phá huỷ 12 xe M113. Đêm và ngày mùng 1 Tết, Tiểu đoàn 306 tiếp tục đánh bại hàng chục đợt phản kích của địch, diệt hàng trăm tên, bắn cháy 32 xe M113, bắn rơi 10 trực thăng, Tiểu đoàn 306 làm chủ hai phần ba thị xã. Hầu hết ty, sở, toà hành chính tỉnh và ngã ba Cần Thơ (ngã ba lớn nhất) đã lọt vào tay Quân giải phóng. Tên tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp chạy xuống tàu, lủi ra sông cầu cứu viện binh. Vừa đánh địch, bộ đội vừa cứu chữa hàng trăm bà con bị bom đạn sát hại, phát động quần chúng nổi dậy sát cánh cùng bộ đội đào đắp công sự, tải thương, nấu nước tiếp tế.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM