Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:01:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46017 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:10:00 am »


        Trong khi đó, từ ngày 1 đến 5 tháng 3, lợi dụng địch co cụm, du kích cơ quan các “xã”, bộ đội địa phương các “huyện” được dịp bung ra tiến công vào các cụm quân địch ở Bàu Bàng, Ang Khắc, Lùng Tùng, Cà Tum, ... đánh địch vận chuyển trên các đường giao thông, phá huỷ, đánh hỏng 85 xe tăng, xe bọc thép. Tin vui mà chúng tôi đứng ngồi không yên, vì lo sao phải kịp thời phối hợp chiến đấu, chậm là lỡ thời cơ.

        Suy nghĩ và trao đổi, nhưng không được kéo dài, vì diễn biến tình hình đang rất mau lẹ. Chúng tôi quyết định đưa toàn bộ lực lượng Trung đoàn 2 vận động tập kích diệt cụm quân Mỹ ở Đồng Pan, ngày N tiến công là ngày 10 tháng 3, vì trước đó trung đoàn này tuy có đụng độ với địch một vài trận nhưng thường nhỏ, lẻ, lực lượng cỡ tiểu đoàn, đang còn sung sức, lại đứng chân ở vị trí thuận tiện cơ động tiếp cận mục tiêu.

        Chúng tôi coi đây là trận đánh then chốt, nhưng không thành, do chuẩn bị triển khai chiến đấu chậm (một phần có khó khăn khách quan), quyết tâm của cán bộ chưa cao, đồng chí Trần Xoa trung đoàn trưởng phụ trách hướng chủ yếu hy sinh trong khi đi chuẩn bị chiến trường.

        Đành rằng đây là khuyết điểm của cấp dưới, nhưng là người chỉ huy chung, tôi thấy mình có phần trách nhiệm. Bài học rút ra là tình thế càng khẩn trương càng đòi hỏi người chỉ huy phải sâu sát hơn nữa; sau mệnh lệnh chiến đấu, cần phải quan tâm đúng mức khâu hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc cấp dưới triển khai, thực hiện, được coi như một quy trình của người chỉ huy trong chỉ huy chiến đấu.

        Với tôi đây thực sự là một kỷ niệm không vui!

        Nhưng nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi phải vươn lên, xốc tới. Tôi lại cùng các anh trong Bộ tư lệnh Sư đoàn lao vào công việc. Hỏng việc này bày việc khác mà làm. Lúc này không trách móc, phê phán. Theo kế hoạch vừa được bổ sung, ngay đêm 10 tháng 3 (chỉ sau vài giờ trận đánh Đồng Pan không thành), một tiểu đoàn của Trung đoàn 2, sau một đợt pháo kích kéo dài 30 phút bằng súng cối và ĐKZ đã tiến công tiểu đoàn cơ giới địch. Trời đêm đỏ rực vì pháo sáng liên tục và bom nổ, trực thăng lao vào tiếp tế đạn dược và đưa thương binh ra. Vào năm giờ sáng hôm sau trận đánh mới kết thúc. Đặc biệt, Trung đoàn 16 do tổ chức chiến đấu tốt, đã liên tiếp pháo kích, tập kích cụm quân địch ở Bầu Cỏ (10/3), Trảng Bầu, Trảng A Lầu (11/3), ở Tà Xia, Bến Ra... phá huỷ, phá hỏng 72 xe tăng, xe bọc thép.

        Những trận tiến công trên của Sư đoàn 9 cùng với các trận đánh có hiệu quả trong cùng thời gian của lực lượng du kích cơ quan binh vận Trung ương Cục ở Suối Mây, du kích công binh “huyện” Sóc Kỳ, du kích xưởng thông tin S3 “huyện Tà Đạt... đã góp phần làm cho tinh thần chiến đấu của quân Mỹ càng thêm sa sút.

        Ngày 13 tháng 3 năm 196, Mỹ cho máy bay lên thẳng bốc quân rút khỏi Cà Tum, Bổ Túc và một số cụm ở tây bắc tỉnh Tây Ninh, địch chỉ còn chốt lại ở Đồng Pan, Bầu Cỏ trên trục đường 4, kết thúc đợt 1 cuộc hành quân. Ngày 15 tháng 3, Lữ đoàn 173 và Trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11 chấm dứt hoạt động, coi như đã kết thúc cuôc hành quân nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của ta. Thực tế là Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho giai đoạn hai của cuộc phản công.

        Cùng thời gian, Trung đoàn 3 từ quốc lộ 13 báo cáo về sư đoàn: có nhiều dấu hiệu địch tăng quân ngược lên phía Hớn Quản. Đồng thời Bộ chỉ huy Miền cũng điện gấp xuống sư đoàn: Địch đã thua đau nhưng chưa từ bỏ tham vong, chúng tiếp tục cuộc hành quân nhưng lật cánh sang hướng đông, và giao nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang nói chung, Sư đoàn 9 nói riêng cần phải làm để đối phó thắng lợi với âm mưu mới của địch.

        Công việc chuẩn bị thật bộn bề, mà thời gian chỉ có năm ngày! Không đợi đến lúc cấp trên nhắc nhở, uốn nắn, chúng tôi tự thấy phải làm gì. Trong đợt một, Sư đoàn 9 tuy có mở được một số trận tiến công nhưng do chưa quán triệt quyết tâm và phương châm chỉ đạo tác chiến của Miền, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, chưa thực hiện dược trận đánh thối động nào. Đây là vấn đề mấu chốt, nổi cộm cần phải giải quyết trong giai đoạn chuẩn bị trước khi bước vào chiến đấu chống lại bước hai cuộc phản công của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:10:24 am »


        Thường vụ Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Sư đoàn hội ý trao đổi để rút kinh nghiệm việc đã qua, bàn công việc cần làm ngay. Một thách thức, nhưng phải đặt ra tức khắc là đánh hay không đánh!? Nếu còn lưỡng lự trong nhận thức tư tưởng thì không thể bàn các vấn đề khác. Một lần nữa tôi càng hiểu câu nói sâu sắc của anh Thanh: “Dám đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh Mỹ”. Nó như một nguyên lý của công tác chính trị tư tưởng lúc này. Với tinh thần thực sự cầu thị, không vòng vo lý sự, không né tránh, từ nhận thức ấy chúng tôi tìm được nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao trong đợt một của chiến dịch là do tư tưởng ngại hoả lực phi pháo, xe tăng địch, muốn phân tán đánh nhỏ như hoạt động của các lực lượng du kích cơ quan. Từ đó sư đoàn nêu ra yêu cầu lãnh đạo tư tưởng lúc này cần phải thể hiện tính chiến đấu cao. Nói cho hết những khí phách anh hùng, những thành tích có giá trị trong đợt chiến đấu vừa qua. Đồng thời phê phán có lý có tình những biểu hiện bi quan đánh giá địch quá cao, không thấy hết mặt mạnh của ta, củng cố và xây dựng tư tưởng đánh lớn là chức năng của các đơn vị bộ đội chủ lực. Từ đó các đơn vị tiến hành sinh hoạt chính trị nhẹ nhàng mà nghiêm túc, nhằm thống nhất nhận thức tư tưởng “dám đánh”, động viên cổ vũ mọi người phát huy truyền thống đoàn kết, dũng cảm, mưu trí, vượt khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

        Rõ ràng tư tưởng dẫn đầu nếu được hiểu đúng, có biện pháp lãnh đạo đồng bộ, phù hợp với thực tế, đấu phải là duy ý chí, mà trái lại, nó là một nguyên nhân tạo nên các kết quả khác.

        Nắm chắc quả đấm chủ lực, đánh cho được một đến hai trận lớn, diệt tiểu đoàn, chiến đoàn địch, đó là phương hướng lãnh đạo tư tưởng của sư đoàn, đồng thời cũng là mệnh lệnh chiến đấu đối với toàn sư đoàn. Trong đợt hai này lãnh đạo Miền vẫn kiên trì chủ trương đánh địch bằng thế trận chiến tranh nhân dân, bằng sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân, mà quả đấm chủ lực vẫn là Sư đoàn 9. Không tăng thêm và không thể tăng thêm, vì đưa nhiều lực lượng chủ lực vào chiến dịch lúc này là không có, vì Sư đoàn 5 vẫn cần thiết đứng chân ở hướng Bà Rịa đánh địch ở vòng ngoài. Nếu có cũng không cần thiết phải đưa vào, như vậy sẽ gây ùn, dễ bị địch sát thương.

        Để tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 có cơ hội đánh tập trung, lãnh đạo Miền có kế hoạch tăng thêm trang bị vũ khí cho du kích cơ quan và bộ đội địa phương “huyện”, tổ chức thêm nhiều đội săn cơ giới, triển khai thêm nhiều bãi mìn ở các trảng, các đường... tiếp tục tiêu hao tiêu diệt nhỏ, đặc biệt tăng cường diệt xe tăng, máy bay lên thẳng vừa giữ gìn căn cứ vừa chặn giao thông địch.

        Một số cán bộ cơ sở từ phân vân lúc đầu, nay khi nhận ra vấn đề lại thấy tự tin, tự hào, mặc dầu phía trước còn gặp không ít thử thách. Số anh em này tự nhận biết, tự thông suốt, tất cả như các nhà tham mưu cỡ nhỏ mà biết tính toán cỡ chiến dịch, đều thấy bối cảnh lúc này địch dồn ưu thế binh hoả lực sang hướng  đông trên diện tích hẹp (Đợt một địch đánh vào toàn bộ khu căn cứ có diện tích 1.500 ki-lô-mét vuông, đợt hai địch đánh sang khu đông căn cứ có diện tích 60 ki-lô-mét vuông), nếu ta đưa thêm lực lượng đội hình dễ ùn, mật độ bố trí day, dẫn đến thương vong cao.

        Tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng tạo và đầy bản lĩnh của Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền, Sư đoàn 9 đón nhận quả đấm chủ lực trong một tương quan không cân sức với tinh thần tự tin và nghiêm túc. Nhưng đánh lớn là thế nào, vào đâu là then chốt có sức thối động trong khi do yêu cầu dàn thế, lực lượng bố trí lại phân tán hơn trong đợt một. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Miền, sư đoàn điều Trung đoàn 1 từ tây đường 22 ngược lên phía bắc, đứng chân ở bắc Bổ Túc làm lực lượng dự bị, sẵn sàng đón thời cơ, đánh địch tập trung, diệt các cụm hành quân của địch trên lộ Đá Đỏ ở khu vực Bổ Túc, Sóc Con Trăng hoặc Trảng Ba Vũng; Trung đoàn 3 tiếp tục bám quốc lộ 13 đánh địch vòng ngoài. Lực lượng đánh lớn chỉ còn Trung đoàn 2 và Trung đoàn 6, trong khi về nguyên tắc đòi hỏi phải có ưu thế binh lực, đánh đội hình sư đoàn hoặc sư đoàn tăng cường...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:10:44 am »


        Trên đây là những vấn đề đặt ra cho chúng tôi phải giải quyết trong cuộc hội ý bàn biện pháp thực hiện. Đã qua một đợt chiến đấu đầy ác liệt, căng thẳng, sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt hốc hác của mọi người. Luồng suy nghĩ có khác nhau, nhưng khi trao đổi đều hội tụ ở bàn vào: quyết đánh; có đồng chí còn cao giọng: quyết rửa hận! Khẩu khí không được chỉnh lắm nhưng không ai tham gia, góp ý, cứ thả sức cho tinh thần hăng say được thể hiện. Cuối cùng sư đoàn quyết định: lấy trục tỉnh lộ 4 là nới tổ chức trận đánh tiêu diệt lớn, vì tiến hay rút bộ binh địch nhất thiết phải dựa vào trục đường này để thực hành thọc sâu, chia cắt, tìm diệt đối phương. Lấy Đồng Pan, Đồng Rùm, Chà Dơ  là nơi tổ chức các trận đánh then chốt, vì đây đều là các trảng địch sẽ chọn làm điểm tạm dừng hoặc đóng chốt. Trung đoàn 2 và Trung đoàn 16 đảm nhận nhiệm vụ phản công trên tỉnh lộ 4, cụ thể: Trung đoàn 2 đứng chân ở Chà Dơ, Trung đoàn 16 lùi về Suối Dây, ngã ba Sóc Xoài tạo thế đánh trận phủ đầu, đón thời cơ đánh trận then chốt, tiêu diệt lớn sinh lực địch. Sự điều chỉnh thế bố trí chỉ là xê dịch, không có khó khăn gì đáng kể, vì cả hai trung đoàn đều có mặt ở khu vực này cho đến lúc địch kết thúc đợt một cuộc hành quân. Đây là thế đứng thích hợp, có thể sẵn sàng đánh địch ở Đồng Pan, Đồng Rùm, Bầu Cỏ. Khi giao nhiệm vụ, sư đoàn nhấn mạnh, các trung đoàn vẫn phải giấu quân ở địa điểm thích hợp, không được gần đường quá, dễ bị địch phát hiện sát thương trước khi hai bên trực tiếp đụng độ. Cần tổ chức khảo sát các điểm chờ sẵn, để thiết bị chiến trường, có phương án trên thực địa trước, làm kỹ, nhưng khẩn trương, tuyệt đối giữ bí mật. Sẵn sàng có hai phương án phục kích nếu địch hành quân và tập kích nếu địch tạm dừng đóng cụm dã ngoại.

        Ngày 18 tháng 3 năm 1967, địch triển khai đợt hai cuộc hành quân với lực lượng 8 lữ đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp, một tiểu đoàn quân đội ngụy Sài Gòn trên một khu vực chủ yếu từ đông tỉnh lộ 4 đến tây sông Sài Gòn, từ biên giới đến bắc đường 13. Trọng điểm là vùng Đồng Rùm - Đồng Kền, Bầu Châm - Bầu Cột, Sóc Con Trăng - Suối Ngô.

        Ý đồ của tướng Oét-mo-len trong đợt hai là triển khai kế hoạch bao vây khu vực đông bắc căn cứ khu B bằng hai cánh quân từ Hớn Quản đánh sang phối hợp với lực lượng cơ giới từ phía nam phát triển lên, hình thành thế bao vây, kết hợp máy bay lên thẳng đổ quân chốt chặn và cơ giới đột phá cất vó cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Miền, các lực lượng và cơ sở của Quân giải phóng. Để giữ yếu tố bất ngờ, địch không cho chuẩn bị hoả lực trước, mà chỉ dựa vào máy bay trinh sát dẫn đường, dùng bộ binh cơ giới thọc sâu tiến chắc từng bước.

        Lực lượng bộ binh cơ giới do Sư đoàn 25 từ hai hướng tây nam theo lộ 4, lộ Kiểm, lộ Trắng đánh lên, từ hướng đông Sư đoàn 1 theo lộ Đá Đỏ đánh sang hướng tây, kết hợp với lực lượng đổ bộ đường không hình thành thế bao vây căn cứ đông bắc khu B. Rút kinh nghiệm đợt một, quân Mỹ tập trung thành cụm lớn có cả  bộ binh, xe tăng, pháo binh từ đó đánh toả ra xung quanh; vừa thăm dò vừa phá, vừa thọc sâu vào căn cứ của ta, vừa chú trọng giữ vị trí bàn đạp nhưng dè dặt, thận trọng. Ngoài ra địch tìm mọi cách nghi binh, đánh lạc hướng cùng với việc hối hả chuẩn bị, chỉ trong năm ngày sau khi kết thúc đợt một, địch đã triển khai cuộc hành quân. Với nhiều thủ đoạn xảo quyệt, lại rút kinh nghiệm thất bại đợt một, tướng Oét-mo-len tin trước là sẽ “tìm diệt” được đối phương.

        Những phán đoán của Bộ chỉ huy Miên, những bố trí lực lượng và dự kiến các trận đánh của Sư đoàn 9 gần như trùng hợp với những gì xảy ra ngay những giờ đầu, ngày đầu của cuộc hành quân của Mỹ đánh vào Chiến khu C từ hướng đông. Chúng ta đúng vì chúng ta biết mình biết người, có bề dầy thực tiễn chiến đấu ngay trên đất nước mình, lại nắm vững quy luật chiến tranh, nghệ thuật quân sự cũng được tổng kết rút ra từ chính cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong nhiều thập kỷ. Còn tướng tá Mỹ không phải nghèo về trình độ học vấn, về nghiệp vụ tham mưu, mà cơ bản, hình như đội quân xâm lược nào cũng không tránh khỏi, đó là đầu óc chứa đầy những suy tính chủ quan ngạo mạn, chỉ biết mình mà không biết người.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:11:13 am »


        Ngay từ lúc địch mới ra quân, chỉ huy sư đoàn chúng tôi theo dõi chặt chẽ diễn biến để kịp thời xử lý, nhất là trên hướng dự kiến có đánh lớn, không thể lặp lại khuyết điểm chuẩn bị triển khai chiến đấu chậm như trận Đồng Pan. Trước ngày 187 tháng 3, địch tung các đại đội biệt kích thám báo hoạt động thăm dò theo tỉnh lộ 13, phía đông sông Tha La và khu vực Đồng Rùm. Đến ngày 18, ở khu vực phía bắc, địch ra quân ồ ạt, nhưng riêng Đồng Rùm vẫn tương đối yên tĩnh, chỉ có phi pháo địch thay nhau oanh tạc bắn phá mang tính chất dọn bãi, dấu hiệu địch sắp đổ quân...

        Tôi điện gấp xuống hai trung đoàn nhắc nhở: có khả năng ngày mai 19 tháng 3 địch đổ quân xuống Đồng Rùm, các đơn vị phải sẵn sàng, tổ chức theo dõi chặt diễn biến 24/24 giờ nhưng vẫn tuyệt đối giữ bí mật và động viên: gắng lên, đừng để hổ phá cũi nhé!

        Cả đêm 18 rạng ngày 19, ở sở chỉ huy tiền phương sư đoàn, chúng tôi thật sự hồi hộp, chờ đợi đến căng óc về những khả năng và diễn biến khi trời sáng!?   

        Ngày 19 tháng 3, sau khi nhận điện thông báo của Bộ chỉ huy Miền, cả khu vực Đồng Rùm rung lên vì bom đạn Mỹ trút xuống, từng đụn khói bốc cao, toả rộng như một đám mây màu chì che phủ cả một vùng trời. Rồi từng tốp máy bay lên thẳng ập đến thi nhau đổ quân. Mọi việc diễn ra khẩn trương, bài bản, ăn khớp. 17 giờ cùng ngày trận địa pháo địch bắt đầu hoạt động; 20 giờ bộ binh địch căng bạt, đào công sự rào kẽm gai, gài mìn.

        Tự tin được củng cố, phấn khởi được nhân lên. Tin từ Trung đoàn 3 báo về: cùng ngày trung đoàn đã tập kích cụm cơ giới Lữ đoàn 1 Sư đoàn 9 Mỹ ở Bàu Bàng, phá huỷ 92 xe (có 65 xe tăng), 9 khẩu pháo. Niềm vui đến nhanh, không có điều kiện để ngấm vì trước mắt chúng tôi là sự kiện Đồng Rùm.

        Chúng tôi nhận định, đây là thời cơ để sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Thực ra Đồng Rùm không phải là địa danh xa lạ đối với Sư đoàn 9, mà trái lại. Trong giai đoạn chuẩn bị theo kế hoạch chung của Miền, chúng tôi đã tổ chức đi khảo sát cơ bản trên thực địa, biết nơi đây là một trảng lớn (Trảng Đồng Rùm dài 1.200 mét, rộng 500 mét, xung quanh là những vạt rừng le và rừng dầu thưa xen kẽ, có nhiều trảng nhỏ bao quanh như: Trảng Dài, Tri Giết, Sóc Xoài, Chà Dơ... Phía tây trảng là Suối Dây và sông Tha La, phía nam là đường liên tỉnh 13; phía đông là lộ Kiểm Chà Dơ - Bổ Túc; phía bắc có lộ kiểm từ trảng Sóc Xoài đến bờ sông Tha La. Tuy bị chất độc hoá học làm rụng lá cây, nhưng rừng còn trú ém được quân, bìa trảng vào sâu 500 mét có nhiều hầm hào, căn cứ trú quân tốt), giữ một vị trí quan trọng phía nam đánh vào căn cứ. Tin từ quân báo cấp trên và từ Hà Nội thông báo vào, lực lượng địch đổ xuống Đồng Rùm gồm Lữ đoàn 3, Sư đoàn bộ binh số 4, một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn không vận 173, một tiểu đoàn pháo hỗn hợp 105 và 156,7 ly, một tiểu đoàn xe tăng, xe bọc thép, lực lượng khoảng 3.000 tên. Sau khi đổ quân cùng với lô cốt đúc sẵn thả xuống, địch hối hả tổ chức thành hai tuyến phòng thủ phía bắc trảng và phía năm trảng, giữ là sở chỉ huy, trận địa pháo và khu thông tin. Trước giờ nổ súng, sư đoàn còn tổ chức đợt trinh sát cuối cùng, trong và sau chiến đấu được biết thâm: khu vực địch đóng thành cụm nằm gọn giữa trảng theo hình bầu dục dài 700 mét theo chiều bắc nam, rộng hơn 400 mét theo chiều đông tây; hình thành hai khu vực: khu bắc có bộ binh, tăng, thiết giáp xen kẽ; khu nam chia thành hai tuyến gồm sở chỉ huy nhẹ Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4, khu thông tin và trận địa pháo có bộ binh cơ giới bố trí vòng ngoài. Gần sở chỉ huy có lực lượng bộ binh cơ giới làm nhiệm vụ dự bị. Cách tuyến một từ 15 đến 20 mét chúng thả kẽm gai bùng nhùng, đoạn có, đoạn không. Xung quanh đều có mìn chiếu sáng, lựu đạn gài và mìn định hướng...

        Từ thực tế trên cho thấy phạm vi tiến công rộng, lực lượng địch đông, hệ thống bố phòng tuy dã chiến nhưng đã hình thành lớp lang phòng thủ, hoả lực ken dày. Tình hình địch luôn biến động, thủ đoạn địch luôn luôn thay đổi. Trong khu vực giữa trảng rất khó nắm (có những điều ta chỉ biết được trong và sau trận đánh), nên khó tránh khỏi lúng túng trong xử lý khi bước vào chiến đấu.

        Một khó khăn nữa, cũng phải tính đến. Mặc dầu sư đoàn đã được bố trí thế đánh mục tiêu chọn sẵn, đã đưa lực lượng vào trước ém sẵn, song không thể tiến công khi địch chưa kịp tổ chức đổ quân hoặc chúng vừa chạm đất, mà phải bố trí từ xa, thực hành vận động tập kích. Vì trước khi đổ quân, địch tung biệt kích thám báo thăm dò; dùng các phương tiện trinh sát hiện đại phát hiện đối phương; dùng phi pháo bắn phá, thả bom trải thảm dọn bãi, sát thương đối phương, sau đó mới đổ quân. Đây là một đặc điểm khác với đánh quân Pháp đóng quân dã ngoại hồi kháng chiến chín năm. Ở đây, trong trận Đồng Rùm, khi Mỹ đổ quân, Trung đoàn 2 đang ở Chà Dơ, cách Đồng Rùm 5 ki-lô-met về phía đông nam, Trung đoàn 16 đứng cách Đồng Rùm 7 ki-lô-mét về phía bắc, một khoảng cách hoàn toàn bất lợi cho bên tiến công, song không còn cách nào khác vẫn phải chấp nhận vì những lý do như đã kể trên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:11:33 am »


        Do yêu cầu phối hợp tác chiến đồng bộ của chiến dịch, nếu kế hoạch triển khai chiến đấu chậm, sẽ lại như trận đánh Đồng Pan! Hơn thế nữa, ở đây vào thời điểm này còn lặp lại sai lầm như thế, thì tình hình càng trở nên phức tạp. Địch có điều kiện củng cố khu vực chiếm đóng vững chắc, biến nơi đây thành căn cứ trung tâm hành quân dã chiến, đánh toả ra các khu vực tây đường 4, đông lộ Trắng, phối hợp với cánh quân phía bắc từ Hớn Quản đánh qua, tiến vào trung tâm căn cứ B.

        Vì vậy, ngày 19 tháng 3, khi địch chưa chấm dứt đợt đổ quân, tôi và các anh Nguyễn Văn Quảng, Phó Chính uỷ Sư đoàn, Bùi Thanh Vân, Phó Tham mưu trưởng có mặt tại sở chỉ huy tiền phương sư đoàn đã có dự kiến về kế hoạch tác chiến. Đến sáng 20 tháng 3, khi mặt trời vừa rạng, một cuộc hội ý Thường vụ Đảng uỷ Sư đoàn diễn ra nhanh gọn, có một quyết tâm chiến đấu chính thức: Dùng lực lượng sư đoàn thiếu tập kích cụm quân Mỹ ở Đồng Rùm trong đêm 20 rạng sáng 21 tháng 3. Trung đoàn 2 đột phá hướng chủ yếu từ phía nam lên; Trung đoàn 16 đột phá hướng thứ yếu từ bắc xuống; tổ chức một tiểu đoàn phục kích chặn không cho địch từ Đồng Rùm tháo chạy ra bến Tha La qua cầu Bầu Cỏ để lực lượng lớn vận động đến tiêu diệt.

        Riêng hướng chủ yếu chúng tôi có trao đi đổi lại, cuối cùng mới thống nhất chọn phía nam vì ở đây có sở chỉ huy, khu thông tin nhưng địch chủ quan, bố phòng ít cẩn mật vì chúng coi như hậu phương phía sau của toàn cụm, trong khi ở phía bắc địch tăng cường đề phòng, hình thành phòng ngự ba tuyến.

        Sau cuộc hội ý, tôi lệnh cho các đơn vị khẩn trương chuẩn bị, triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được giao. Đồng thời cơ quan chỉ huy tiền phương của sư đoàn từ Suối Dây rời về nam Đồng Rùm, cạnh Trung đoàn 2, tiện theo dõi, chỉ huy xử lý kịp thời các phát sinh trên hướng chủ yếu.

        10 giờ, trinh sát Trung đoàn 2 báo cáo: địch vẫn ở khu Đồng Rùm.

        Thế là chắc ăn rồi! Tôi tự nhủ mình như vậy và nhẹ nhõm thở phào, như trút được gánh nặng của lo âu. Vì đã có nhiều bài học ở Bàu Bàng, Dầu Tiếng, kẻ địch xảo quyệt, luôn luôn di chuyển đội hình, làm động tác giả để lừa ta.

        Mọi việc đã dự tính từ trước, vậy mà khi vào cuộc vẫn cứ bộn bề, tất cả đều thiếu thời gian. Mới chỉ là vận động đến vị trí xuất phát tiến công mà như đi vào trận chiến đấu thật, một cuộc chiến đấu đơn phương sôi động mà âm thầm đối phó với những hành động dự phòng của đội quân con nhà giàu – đánh trận kiểu nhiều tiền, nhiều súng đạn hiện đại. Đến giờ phút này mọi việc hình thành trận địa phòng thủ của địch coi như tạm ổn, thì cũng là thời gian hoạt động của các loại hoả lực dự phòng. Các trận địa pháo cối của địch bắn liên tục, không tiếc đạn, cùng lúc trên bầu trời là  các loại máy bay thay nhau quần đảo, bom trút xuống, thả đèn dù chiếu sáng cả khu vực rộng lớn nhằm sát thương, phá mọi ý định tiến công của ta từ xa. Đây là một nguyên tắc chiến thuật chung nhất, bất cứ bên phòng ngự nào cũng phải làm. Khác chăng với quân đội Mỹ được trang bị đến tận răng đủ loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại, thì cái nguyên tắc dự phòng từ xa lại được thả sức, thực hiện một cách triệt để, ác liệt. Đó là lý do, là nguyên nhân làm cho công việc của chúng tôi ngày càng thêm chồng chất, dồn thời gian vào cuộc chuyển quân, dồn tâm trí vào xử lý tình huống bất trắc trên đường vận động tiếp cận mục tiêu. Trung đoàn 16 do Võ Văn Dần làm Trung đoàn trưởng trên đường vận động từ vị trí tập kết vào vị trí xuất phát tiến công, dài 7 ki-lô-mét phải mất ba giờ, là tốc độ con rùa. Nhưng không có cách nào khác nhanh hơn, vì bị cối 120 ly, 106,7 ly địch bắn xối xả, liên tục, không còn thì giờ họp thường vụ đảng uỷ trung đoàn để xác định quyết tâm lần cuối, sau khi đi trinh sát thực địa trở về. Sau này khi chiến tranh, trở lại rút kinh nghiệm trận đánh, Võ Văn Dần (sau này là thiếu tướng, Tư lệnh trưởng Quân đoàn 4) đã kể lại với tâm trạng của mình trong tình huống thật khó xử: Anh tâm sự: lúc đó rối như tơ vò! Tình hình địch còn lơ mơ, bộ đội đang hành quân vào vị trí chiến đấu với quyết tâm trường hợp nào cũng đánh, không có bước chuẩn bị, không họp được thường vụ. Biết là sai nguyên tắc, mà họp thì mất thời cơ. Tôi nghĩ, họp thì không đánh, mà đánh thì không họp. Tôi quyết định lựa chọn cách hai – đánh đã, khuyết điểm phải chịu! Cách chức cũng đành, biết làm sao? Vấn đề lúc này là đánh Mỹ và phải thắng chúng, đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty. Tôi tự nhủ - chỉ huy phải dũng cảm sống chết cùng chiến sỹ. Nhưng dũng cảm của người chỉ huy còn thể hiện ở tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trong những tình huống gay cấn. Nhưng trinh sát nắm địch thì vội mấy cũng phải thực hiện. Thế là tôi và một số cán bộ bứt khỏi đội hình trung đoàn, vượt lên trước để nắm địch, đơn vị đi sau sẽ gặp ở điểm hẹn có quy ước tín hiệu để vào vị trí chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:12:15 am »


        Nhưng thật là kỳ diệu, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Thường vụ Đảng uỷ vẫn họp trước giờ nổ súng, không mất thời gian mà nhất trí nhanh.

        - Tại sao? – Có cử toạ hỏi.

        Nét mặt tự tin, Võ Văn Dần chậm rãi trả lời ngay, nhưng không khẳng định - Mọi việc đã diễn ra rồi. Sự đúng đắn của nó là đơn vị đã đến được vị trí xuất phát tiến công trước giờ G quy định.

        Bỗng Võ Văn Dần quay mặt về phía tôi, hỏi:

        - Tại sao anh Năm ra lệnh đánh Đồng Rùm trong khu (khi) Trung đoàn 16 chưa được chuẩn bị.

        Tôi trả lời: chuẩn bị là một nguyên tắc của công tác tổ chức chiến đấu. Nhưng không phải bao giờ cũng có đầy đủ thời gian, điều này phụ thuộc vào các yếu tố khách quan. Ở điều kiện cụ thể của Đồng Rùm, nếu chờ có thời gian chuẩn bị thì không thể có trận Đồng Rùm lịch sử. Là cán bộ chỉ huy, trong chiến đấu luôn luôn phải đặt ra, luôn luôn phải suy nghĩ về các tình huống khó khăn để thích ứng, đánh địch trong mọi điều kiện, trong đó có cả tình huống rất ít thời gian chuẩn bị.

        Xin được trở lại chuyện kể.

        Bốn giờ 15 phút ngày 21 tháng 3, thời gian đang chuyển về ban ngày, sao mà hồi hộp đến thế! Chỉ còn 10 phút nữa là đến giờ G mà Trung đoàn 2 vẫn đang còn chiếm lĩnh trận địa, Trung đoàn 16 chưa qua bước trinh sát thực địa, vẫn còn cách vị trí xuất phát tiến công 2 ki-lô-mét.

        Thấy không còn cách nào khác, tôi lệnh kéo dài giờ nổ súng thêm 40 phút, tức 5 giờ 40 phút. Như vậy trận đánh chuyển sang ngày với bao vấn đề phức tạp phải đương đầu, pháo binh, không quân và cả viện binh đổ xuống bằng máy bay lên thẳng.

        Giờ G đã đến! Cả sở chỉ huy tiền phương sư đoàn nhộn nhịp và tất bật hẳn lên. Chuông điện thoại và cả máy bộ đàm (lúc này mới được lệnh) làm việc liên tục.

        Súng nổ dữ dội ở trong trảng. Trung đoàn 2 báo cáo đã đột phá xong tiền duyên đang phát triển vào tung thâm thuận lợi. Nhưng tôi lại lo, vì chưa nhận được tin từ phía bắc, nơi Trung đoàn 16 đang phải đương đầu với vỏ phòng thủ cứng của địch! Song tôi lại tự nhủ, Trung đoàn 16 phần lớn cán bộ, chiến sỹ là con em của nhân dân Khu 4, một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam. Trung đoàn được huấn luyện quân sự có bài bản chính quy, được giáo dục tốt về chính trị, đã qua chiến đấu ở Tây Nguyên trước khi được bổ sung vào Đông Nam Bộ, lập thành tích cụ thể trong đợt một cuộc phản công của địch. Với bề dày chiến đấu ấy tôi tin rằng trung đoàn có đủ bản lĩnh, đủ trình độ xử lý các tình huống chiến đấu gay go, phức tạp; việc mất liên lạc với sư đoàn và sư đoàn với trung đoàn kéo dài gần như suốt cả quá trình xảy ra trận đánh là do khó khăn cụ thế, chứ không thể có lý do về phía bản thân trung đoàn.

        Mãi sau khi chiến dịch kết thúc chúng tôi mới thấy rõ nguyên nhân. Sau giờ G ít phút, Trung đoàn 16 đang vào vị trí chiếm lĩnh. Nghe thấy tiếng súng nổ từ hướng nam vọng lại, lập tức chỉ huy trung đoàn cho đơn vị vận động hướng về phía có tiếng súng, cùng Trung đoàn 2 tiến công theo kế hoạch hiệp đồng, tạo thuận lợi cho trung đoàn bạn phát triển vào sâu đánh chiếm sở chỉ huy, gần hết cụm quân Mỹ ở phía nam trảng. Mãi sáu giờ, trời sáng rõ Trung đoàn 16 mới chiếm xong tuyến một, đang phát triển sang tuyến hai thì gặp địch phản kích. Máy bay trinh sát L19 bay thấp chỉnh cho pháo địch từ Lộc Ninh, Bầu Cỏ bắn vào đội hình, nhiều tốp máy bay phản lực, máy bay lên thẳng vũ trang rà thấp các vạt rừng quanh trảng, ném bom ngăn quân ta phát triển.Cùng lúc cụm địch ở phía tây kết hợp với bọn còn lại ở cụm phía bắc chống trả ta quyết liệt. Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 16 chiến đấu như đã học (Đánh như là học. Đó là lời khen của đồng chí chỉ huy đơn vị bạn đi qua sau khi kết thúc chiến trận đánh.

        Như đã nói, Trung đoàn 16 nguyên là Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 thuộc Quân khu 4, đã qua chương trình huấn luyện chính quy trước khi vào Nam chiến đấu), thắng to, anh em phấn khởi tự tin khi tận mắt chứng kiến cảnh Mỹ tháo chạy.

        Nhưng có một số cán bộ đơn vị bạn đi ngang hỏi:

        - Đánh trận này để làm gì, sao thiệt hại nhiều thế?

        - Khi cần thiết dù phải hy sinh lớn cũng sẵn sàng chấp nhận - Một đồng chí cán bộ của Trung đoàn 16 trả lời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 10:42:06 pm »


        Là người chịu trách nhiệm chính trong trận đánh, sau khi nghe những người trong cuộc tường thuật lại mẩu đối thoại trên, tôi thấy cả hai câu hỏi và trả lời đều có lý. Đứng trước sự thiệt hại lớn, có đơn vị quá lớn (Đại đội 1 Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 2 chỉ còn chín cán bộ, chiến sỹ) thì sự đau thương, ân hận và cả sự tra xét là một phản ứng tất nhiên của tình cảm chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta, những cán bộ chỉ huy mỗi khi suy nghĩ hạ quyết tâm chiến đấu, cần phải cân nhắc, phải tính toán; trận đánh phải thắng; thắng to nhưng lại ít tổn thất. Đó là một yêu cầu có tính nguyên tắc cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương, quý trọng của người cán bộ chỉ huy đối với đồng đội, đồng chí.

        Nhưng sứ mệnh chiến đấu vì độc lập, tự do, vì thống nhất Tổ quốc là cao cả. Nếu cần thiết thì phải vui vẻ, sẵn sàng nhận lệnh xả thân, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” như Bác Hồ dạy.

        Sự quyết tử của chúng ta cho trận thắng Đồng Rùm là đúng. Vì đây là trận phủ đầu bẻ gãy cánh quân ở phía nam trảng đánh lên trong đợt hai cuộc phản công đánh phá căn cứ ta, với mục đích “tìm diệt” cơ quan đầu não Miền, “tìm diệt” chủ lực Sư đoàn 9. Đây là trận đánh tiêu diệt lớn nhất của Sư đoàn 9, có sức thối động lớn, góp phần chuyển biến có lợi cho ta trong những ngày sau đó. Trước hết là ý định địch dàn thế bao vây, chia cắt ta ở hướng đông đã trở nên rối, có chiều hướng buộc chúng phải phản kích bộ phận để bảo vệ vị trí đóng quân. Ngay tối 27 tháng 3, tôi mở đài BBC đưa tin nhận xét của hãng thông tấn Pháp AFP: “Mỹ đánh vào Chiến khu C như người ta đám vào một quả bóng”.

        Ngày 1 tháng 4 quân địch còn lại ở Đồng Rùm rút sau khi bị Trung đoàn 16 bồi thêm trận tập kích tiêu diệt một bộ phận của chúng ở bầu Tri Giếc. Vai trò của căn cứ dã chiến Đồng Rùm trong đợt hai cuộc hành quân đến đây coi như chấm dứt, mặt trận bắt đầu chuyển về bắc, đông bắc.

        Dựa vào định hướng chỉ đạo chung của Bộ chỉ huy Miền, căn cứ vào sự thay đổi hình thái sau trận Đồng Rùm, chúng tôi, những người được phân công ở sở chỉ huy tiền phương sư đoàn trao đổi, thấy cần thiết phải đổi thế bố trí, đưa Trung đoàn 16 từ phía nam (khu vực Đồng Rùm) lên phía bắc hợp cùng với Trung đoàn 1 đã đứng chân ở đây vừa tạo ưu thế tương đối về lực lượng vừa tạo thời cơ và đón thời cơ, sẵn sàng đánh tập trung theo quy mô sư đoàn thiếu, tiêu diệt vừa và lớn quân địch. Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 vẫn bố trí phân tán, tác chiến theo đội hình trung đoàn sẵn sàng đánh địch rút lui.

        Khi sở chỉ huy tiền phương sư đoàn cùng với Trung đoàn 16 hành quân ngược lên phía đông bắc tối khu vực Sóc Con Trăng, thì gặp một tiểu đoàn Mỹ đóng chốt ở Sóc Trâu đang bị du kích cơ quan bao vây, kìm chế.

        Nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi, tôi quyết định dùng cả hai Trung đoàn 16 và Trung đoàn 2 tiến hành tập kích tiêu diệt. Nhưng chưa kịp triển khai thì địch dùng máy bay lên thẳng bốc tiểu đoàn này và đổ thêm hai tiểu đoàn nữa xuống trảng Ba Vũng (tây bắc cầu Suối Ngô).

        Theo kế hoạch của sư đoàn, ngày 31 tháng 3, Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 16 vận động tập kích cụm quân địch ở nam trảng, đánh thiệt hại nặng hai đại đội địch, đánh lùi ba đợt phản kích của chúng; đồng thời pháo kích cụm quân địch ở Sóc Con Trăng. Đây là một trong những căn cứ chi viện hoả lực lớn nhất của cuộc hành quân đã bị ta tiến công, càng có tác dụng thối động đến tinh thần chiến đấu của quân Mỹ trên khu vực.

        Cùng với các trận đánh phục kích, tập kích, tiêu hao, tiêu diệt nhỏ quân địch của các lực lượng du kích cơ quan, các trận đánh tập trung của Sư đoàn 9 vào các cụm quân Mỹ ở Bàu Bàng, Đồng Rùm, trảng Ba Vũng là những đòn đánh mạnh vào tinh thần quân đội Mỹ. Chúng không còn đủ sức co cụm, buộc phải rút tiếp Đồng Kèn (6/4), trảng Ba Vũng (10/4), Bầu Cật, làm nao núng các cánh quân địch khác trên toàn khu vực chiến dịch. đến ngày 13 tháng 4, bộ phận cuối cùng của quân Mỹ rút khỏi Sóc Con Trăng, cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty coi như kết thúc trên thực tế. Nhưng phải hai ngày sau, 15 tháng , tướng Oét-mo-len mới chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc hành quân này.

        Thất bại của cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty là một thực tế hiển nhiên, bắt đầu sự cáo chung của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, nói như những quan chức Mỹ - giai đoạn “Mỹ hoá cuộc chiến tranh” đã thất bại, từ đây bắt đầu một chiến lược khác được thực thi – “Việt Nam hoá chiến tranh”.....

        Trích: Thượng tướng Hoàng Cầm, Chặng đường mười nghìn ngày, (Hồi ức - Nhật Tiến ghi)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 10:56:12 pm »


6. TRUNG TƯỚNG NGUYỄN ĐỆ (BA TRUNG)


       
        Trung tướng Nguyễn Đệ sinh năm 1928, quê ở xã Bàn Thạch, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Đệ đã trưởng thành từ Đội trưởng cảm tử Bà Rịa đến Chỉ huy trưởng Mặt trận Trà Vinh, trực tiếp chỉ huy hơn 600 chiến dịch và trận đánh trên cương vị từ Đại đội trưởng đến Tư lệnh tiền phương quân khu. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, đồng chí Nguyễn Đệ luôn bám sát chiến trường, nắm chắc đơn vị, chỉ huy đánh địch có hiệu quả.

        Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306, Phó chỉ huy Mặt trận Trà Vinh, đồng chí Nguyễn Đệ đã chỉ huy lực lượng đánh chiếm và làm chủ thị xã Vĩnh Long.

        Những năm 1970 – 1975, trên chiến trường Trà Vinh, địch tập trung đánh phá ác liệt, Nguyễn Đệ chỉ huy Trung đoàn 3 phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương vừa đánh địch vừa xây dựng lực lượng, mở rộng vùng giải phóng, tạo đà cho lực lượng quân khu tiến công địch.

        Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đồng chí Nguyễn Đệ làm Sư đoàn trưởng rồi Tư lệnh Mặt trận 797, chỉ huy các lực lượng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn Cam-pu-chia xây dựng lực lượng.

        Đồng chí Nguyễn Đệ được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, bốn Huân chương Quân công (hai hạng nhất, một hạng nhì, một hạng ba), chín Huân chương Chiến công (sáu hạng nhất, một hạng nhì, hai hạng ba), hai Huân chương Kháng chiến (hạng nhất) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

        Để giúp bạn đọc có thể hình dung phân nào cuộc đời binh nghiệp của một vị tướng gắn liền với cuộc chiến đấu hào hùng của quân dân Nam Bộ thành đồng, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản tập hồi ức “Niềm tin và lẽ sống” của Trung tướng Nguyễn Đệ (xuất bản lần thứ nhất năm 1994, tái bản năm 2005).

        “Chọn “Niềm tin và lẽ sống” đặt tên cho tập hồi ức, Trung tướng Nguyễn Đệ gói gọn hết thảy những gì máu thịt nhất của mình trong suốt chặng đường theo Đảng và cách mạng. Chính Niềm tin vào Đảng anh minh, vào một sự đổi đời đã tăng lực cho tác giả vượt phá những chuỗi ngày tôi đòi, nô lệ, tìm ra Lẽ sống chiến đấu và chiến thắng.

        Những hồi niệm của tác giả “Niềm tin và lẽ sống” còn đưa chúng ta đến với những con người chân chất, hiền hoà mà quả cảm, những miệt vườn cây trái, những dòng kênh, chuyến đò... của Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau - Đất Mũi... một thời đánh giặc rất đỗi hào hùng nhưng cũng lắm cam go”. (Trích Lời nhà xuất bản viết cho lần in thứ hai).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 10:58:07 pm »


VĨNH TRÀ - CHIẾN TRƯỜNG SÔI  ĐỘNG

        “... Khu uỷ miền Tây đánh giá cao kết quả chiến thắng Ba Quân – Ngã Cạy. Bởi vậy ngay lúc đó Khu uỷ chủ trương đưa Tiểu đoàn 306 lên hoạt động tại tỉnh Vĩnh – Trà, một vùng phía sau trọng yếu của địch để hỗ trợ địa phương phá ấp chiến lược, mở lõm, giải phóng vùng. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Bộ tư lệnh quân khu chỉ định tôi làm Trung đoàn phó Trung đoàn 1 trực tiếp làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306, một tiểu đoàn chủ lực của Khu hồi này đang mạnh nhất vùng. Nhận nhiệm vụ trên giao, tôi chủ động nghiên cứu lại chiến trường mới này. Thực ra hồi còn đảm đương nhiệm vụ Tham mưu trưởng Quân khu (1961) tôi đã biết địa bàn này rất khó khăn đối với ta, song cũng mới biết chung chung qua các báo cáo, qua các lần tiếp xúc với các anh ở Thường vụ Tỉnh uỷ lên Khu họp. Muốn chỉ huy một đơn vị, tôi phải tìm hiểu thật kỹ tình hình mọi mặt nơi đây.

        Về phía cách mạng, Vĩnh – Trà là tên đầu của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh hợp nhất lại từ những năm 1951 – 1954 mà thành. Nhìn vào bản đồ, Vĩnh – Trà là một cù lao dài trên 150 cây số, rộng 40 cây số với bờ biển Trà Vinh dài tới 65 cây số. Vĩnh – Trà nằm lọt vào giữa sông Tiền và sông Hậu, hai con sông lớn của đồng bằng sông Cửu Long chẳng khác nào hai cánh tay khổng lồ ôm gọn vào lòng cả vùng đất rộng lớn này. Vĩnh – Trà có ba thị xã: Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh và 18 huyện. Về đường bộ, Vĩnh – Trà có lộ 4 chạy qua (nay là quốc lộ 1) nối thành phố Cần Thơ với Sài gòn. Cùng với đường bộ, Vình – Trà có con sông Măng Thít nối liền với sông Tiền và sông Hậu chảy qua phần giữa của hai tỉnh là tuyến đường sông ngắn nhất vô cùng quan trọng nối miền Tây với Sài Gòn khiến thuyền bè không phải chạy vòng ra biển rất xa. Với vị trí xung yếu như vậy, bằng tầm nhìn chiến lược, bọn Mỹ đã đầu tư rất tích cực cho Vĩnh – Trà. Chúng bố trí ở Sư đoàn 9 ngụy với ba Trung đoàn: 14, 15 và 16; thiết đoàn 2 thiết giáp, 50 xe M113 và M118, ba giang đoàn tàu. Trung đoàn không quân đóng ở sân bay Vĩnh Long với trên 70 máy bay trực thăng và trinh sát L19. Sở chỉ huy pháo binh chỉ huy hai tiểu đoàn pháo gồm 30 khẩu 105 và 155 ly, trên 10 tiểu đoàn bảo an và Tiểu đoàn 43 biệt động quân bảo vệ ở vòng ngoài. Thêm vào đó là hệ thống đồn bốt với trên 1.000 đồn chi chít, cứ cách một đến hai cây số có một đòn cùng bộ máy tề ngụy và ấp chiến lược kìm kẹp nhân dân vô cùng ác liệt. Để bảo vệ đầu não Cần Thơ và Sài Gòn, coi Vĩnh – Trà là hậu phương an toàn của chúng, Mỹ - ngụy ra sức thí nghiệm chính sách bình định, phát quang cây cối, triệt phá địa hình, không cho lực lượng cách mạng trú ẩn; đồng thời chúng tiến hành cai trị bằng đạo giáo phản động và tổ chức Phượng Hoàng - Thiên Nga gồm những tên gián điệp ngầm tung vào nội bộ ta để dò la tin tức và mua chuộc cán bộ nhằm ‘tát nước bắt cá”. Qua đó địa bàn Vĩnh – Trà nổi lên hai đặc điểm lớn:

        Bộ máy kìm kẹp quần chúng và đồn bốt địch rất dày đặc.

        Địa hình rất trống trải. Tuy Vĩnh – Trà là đồng bằng song không có những rừng tràm, rừng đước và những vườn cây ăn trái dày, rộng, um tùm che khuất như U Minh.

        Hai đặc điểm lớn trên chi phối hoạt động của ta. Bộ đội chủ lực muốn hoạt động được phải có hai yếu tố quan trọng; cơ sở quần chúng che chở và phải có thế địa hình. Về địa hình Vĩnh – Trà rất hạn chế, tuy có vườn cây, nhưng địch ráo riết phát quang, triệt phá. Chúng bắt dân phải đốn hết các gốc cây to, nhỏ, chỉ cho chừa lại vài gốc dừa con, lưa thưa nhưng lại phải quét vôi trắng ở dưới để chúng dễ phát hiện ta di chuyển.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #139 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 10:58:44 pm »


        Bởi thế một tiểu đoàn chủ lực hoạt động được ở Vĩnh – trà gặp rất nhiều khó khăn, không thể giống như các tỉnh Sóc Trăng, Rạch Giá hoặc Cà Mau được. Từ trước đến lúc này tại Vĩnh – Trà chỉ có hoạt động lẻ tẻ của bộ đội địa phương tỉnh, huyện và các đội du kích nhỏ song vẫn bị hạn chế nhiều. Muốn đưa phong trào cách mạng của địa phương lên, trước hết Tiểu đoàn 306 phải cùng Vĩnh – Trà xây dựng được cơ sở chính trị quần chúng và thế địa hình. Cấp trên tin tưởng giao cho tôi lãnh trách nhiệm đó. Rất may là vừa dịp quân khu cử anh Ba Quang về làm chính trị viên Tiểu đoàn 306 để cùng với tôi chỉ huy đơn vị. Gặp gỡ anh Ba Quang tôi rất mừng. Qua trao đổi với anh, tôi biết anh Ba được Phòng Chính trị quân khu cử về nằm vùng ở Vĩnh – Trà từ mấy năm trước để giúp tỉnh xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Anh Ba Quang là cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về. Quê anh ở Mỹ Tho song quen hoạt động ở Vĩnh – Trà từ những năm kháng chiến chống Pháp. Càng về sau, cùng chiến đấu với nhau nhiều trận tôi càng thêm mến phục anh Ba Quang bởi ý chí kiên cường, bất khuất, lòng dũng cảm và tính tình cương trực thẳng thắn của anh. Tuy là một cán bộ chính trị nhưng tác phong của anh mang đậm nét cán bộ quân sự, đối với anh đã bàn đánh là chỉ có đánh mà thôi, không hề nghe anh bàn lùi lời nào vì những khó khăn. Nắm vững từng địa hình rất mỏng, rất hẹp, đưa tấm bản đồ Vĩnh – Trà, trong đó anh đánh dấu các đòn bốt địch đóng dày đặc như bát úp, thoạt trong tưởng một tiểu đội chủ lực cũng không thể đứng chân được. Anh Ba Quang cười hiền hoà nói lại với tôi:

        - Coi địa hình đối với bộ đội chủ lực thì gian nan vậy đó, thực ra lòng dân Vĩnh – Trà lại rất tốt, có truyền thống cách mạng lâu đời, một lòng theo Đảng từ những năm 1940. Mấy năm vừa qua tối dựa vào dân mà sống. Cơ quan của Tỉnh uỷ ở cách địch chỉ trên dưới một cây số, hai đầu là hai đồn địch, mình đóng giữa vẫn tồn tại được. Nhờ nhân dân bảo vệ thôi. Rồi nay mai anh sẽ thấy điều tôi nói đúng có không?

        Rất hứng khởi nắm chặt tay anh Ba Quang tôi vui vẻ đáp:

        - Được! Anh cùng các anh trong ban chỉ huy tiểu đoàn ở nhà, làm tốt công tác chuẩn bị, quán triệt cho đơn vị thông suốt nhiệm vụ chiến trường mới, tôi sang Vĩnh – Trà trước nắm tình hình. Các anh tổ chức bộ đội xong sẽ sang sau.

        Trung tuần tháng 12 năm 1965, cùng một bộ phận cán bộ tiểu đoàn, tôi dẫn sáu đại đội trưởng và phân đôi trinh sát đi trước; bộ phận cán bộ tiểu đoàn, tôi dẫn tới 40 – 50 cán bộ, chiến sỹ, hơn một trung đội. Sở dĩ nhiều như vậy là do anh em trinh sát đông. Quân số Tiểu đoàn 306 hồi này lên tới trên 800, tương đương một trung đoàn. Trong chiến đấu, tôi thường điều theo bộ phận trinh sát kỹ thuật được trang bị nhiều máy vô tuyến điện, vừa nắm địch vừa nắm chắc ta, nên tuy xa đơn vị nhưng tôi vẫn liên lạc nắm tình hình ở nhà rất chặt.

        Từ Sóc Trăng chúng tôi lên đến huyện Cái Sách (Cần Thơ) rồi nhờ đường giao liên tổ chức đưa qua sông Hậu, con sông mà anh em thường lắc đầu gọi là “sông bạc đầu”, “sông giảm kỷ”, vì mỗi lần vượt qua đó, cán bộ, giao liên đều lo lắng, cảm thấy như giảm thọ mất chục tuổi. Quả vậy, chính lúc trông thấy cảnh tàu thuyền, bo bo địch phong toả sông Hậu rộng lớn, tôi càng cảm nhận thấy nỗi lo hiểm nguy bất chợt ập đến với mình giữa lúc đang qua sông. Tàu chiến, tàu tuần tiễu đêm ngày san sát bịt kín và bịt chặt lối ta sẽ vượt qua. Đêm đến đèn pha rọi khắp nơi sáng như ban ngày, một cụm lục bình nhỏ cũng sớm bị phát hiện. Cứ năm phút một, từng tốp bo bo (loại thuyền bay tuần tiễu) chạy lướt trên mặt nước đuổi từng chiếc ghe đánh cá của dân, tốc độ của chúng lên tới 30 – 40 hải lý. Dưới sông tàu thuyền tuần tiễu giăng đầy. Trên bờ cơ man nào là phòng vệ dân sự, tề, điệp ngầm cùng hệ thống ấp chiến lược dày đặc mà địch bắt dân sắm mõ báo động mỗi khi phát hiện có người lạ đến. Thu mình lại bên bờ nam sông Hậu chúng tôi quan sát bố phòng của địch ngăn chặn ta. Quả vượt qua sông thật khó khăn, đầy gian nan, nguy hiểm. Cùng với việc Mỹ - ngụy “bịt” sông khá kín thì lòng sông Hậu lúc nước lớn nhiều chỗ rộng từ hai đến ba cây số trông hun hút, xa lơ xa lắc. Khi trời nổi gió từng đợt sóng dâng cao cùng những con xoáy sâu và rộng như muốn lôi tuột những chiếc ghe nhỏ xuống tận đáy sông. Đứng trước dòng sông bao la, hung hãn lúc này tôi càng cảm thấy đối với sức mạnh của thiên nhiên, thì con người mới nhỏ bé làm sao. Cộng với súng đạn của địch đang rình rập quanh mình thì những sợi tóc trên đầu sao chẳng chớm bạc. Muốn đặt chân lên đất liền của Vĩnh – Trà chúng tôi không chỉ qua sông Hậu mà còn phải vượt qua sông Tân Quy và nhánh của nó nữa, tức là qua liền ba dòng sông đầy nguy hiểm như nhau.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM