Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:37:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thư tình từ chiến hào  (Đọc 11535 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 10:14:53 am »


         10 tháng 2

         Nghe nói 25 tháng 2 mới khai giảng, mình lại càng sốt ruột. Biết trước thì mình ở ngoài tới 15 tháng 2. Chia tay với em vội vã quá.

         Đọc nội quy và chương trình học tập. Công việc cũng khá nhiều và thời gian học tập có thể kéo dài. Tử hôm nay trở đi thấy phải tôn trọng lao động như thế nào. Quen chỉ tay năm ngón mãi. Cứ ngày hai lượt hạ sơn, đăng sơn để đi rửa mặt lấy nước cũng đủ mệt rồi. Đi nộp giấy má ở quản trị gặp chị Cần. Chị ấy thấy mình ngạc nhiên vì có tin mình đã tử trận. Và chính chị ấy đã viết thư cho Hoa chia buồn và an ủi, mình nghe cũng " lạnh" người, không biết em có nhận không mà mấy hôm vừa qua không thấy em nói gì cả. Em giấu mình chăng? Chị Cần cho biết là có thể chuyển thư hộ cho mình. Cũng yên trí có thể liên lạc được với em.

         Anh Hồng tới tìm mình. Cũng lại tưởng mình đã hy sinh, tin từ Bộ Tổng tham mưu truyền đi. Thế là từ chiến dịch Quang Trung tới nay mình đã chết hai lần. Không hiểu thiên hạ bỏ bom mình làm gì vậy? Gặp nhiều cậu cùng học trung cấp khóa 1. Chuyện tíu tít. Có lẽ khóa này cũng khá đông. Bạn quen cũng nhiều.

         Hai bữa cơm hôm nay phải tập họp trước khi đi vào nhà ăn, nhắc nhở mình đến những ngày đầu tiên vào bộ đội, ngày nhập ngũ ở Việt Nam học xá, không khí dễ chịu, khá vui.

        ***

         11 tháng 2

         Sáng nay dậy sớm xuống suối rửa mặt trước mọi người. Trời lạnh - mưa nhẹ hạt - nhớ em. Đêm qua mãi khuya mới ngủ được. Nhớ đến buổi tối bên bếp lửa ở Phục Linh. Mình trêu em đòi lại mấy trang thư viết nháp để đốt đi. Lòng rạo rực đợi một đêm nữa qua đi, âu yếm nhìn em, nghĩ đến đêm mai, nghĩ đến phút đầu tiên...

         Cả đêm qua và đêm nay chắc em anh cũng nghĩ đến anh, nhớ đến đôi gối xanh, nhớ đến chiếc chăn len hồng, nhớ  đĩa bánh trên bàn phủ khăn hồng thêu đàn ngỗng mập, đến những chiếc khăn xanh thêu mấy câu thơ của má tặng mà chúng mình ngốc nghếch không biết dùng làm gì.

         Nếu ngày hôm nay chúng ta ở bên nhau. Để ôn lại những phút đầu tiên, em ngả đầu bên vai anh để thủ thỉ.

         Ô, mình mơ mộng ghê quá. Mọi người đã lẻ tẻ xuống suối rửa mặt. Hôm nay bắt đầu lao động rồi đây. Dọn nhà quét tước, đào hố vệ sinh, thu xếp lại chỗ ngủ ... Đứng dậy leo đồi về phòng vẫn thấy luyến tiếc những hình ảnh cứ vừa thoáng qua. Đêm nay chưa chắc mình đã ngủ được. Sẽ nhớ đến em nhỏ bé nằm trong cánh tay anh.

        ***

         15 tháng 2

         Mình đang ăn cơm thì có cậu cho mình biết là vừa rồi có anh Châu ở TC3 mới vào trường đang tìm mình. Chắc là có thư của em. Cơm xong gặp anh Châu ở chỗ uống nước. Có thư của em thật. Ra một chỗ vắng đọc.

         Đang vui bỗng buồn xỉu lại. Em ốm. Thật là lỗi tại mình rồi. Liều lĩnh quá, chắc em mệt nặng. Sốt ruột quá em ơi. Ước gì lúc này anh ở bên em. Tranh đấu mãi với tư tưởng muốn xin Đảng ủy trường ra thăm em. Mấy hôm nay đang ổn định tư tuởng để học tập nếu mình xin đi chắc anh em thể nào cũng phê bình. Phiền toái thật, nhất là hôm nay đang bước vào thời kỳ tìm hiểu nhau. Chiều nay mình phải tự kể chuyện. Buổi sáng nay chuẩn bị, nhớ lại cái thời thơ ấu đen tối, nhớ lại những ngày mồ côi, thương nhớ mẹ hiền. Từ ngày 26 tháng 4 năm 49 em đã mang lại cho mình những tình cảm tưởng chừng không bao giờ thấy lại nữa qua bao nhiêu cái vấp váp cay đắng của hơn một phần tư đời người, những cái tendresses từ sau ngày mẹ mất. Đành chịu vậy. Mấy hôm nay đã kiểm điểm lại cái động cơ học tập vì Đảng, vì nhân dân, vì bộ đội mình không thể để cái tình cảm làm ảnh hưởng đến việc học tập nữa. Em anh ốm cũng đã có các anh chị trông nom, chắc là không thiếu thốn. Vả lại đã viết thư được chắc cũng đã đỡ. Đành phải tự an ủi như vậy.

         Đang thơ thẩn Hà Minh Tuân đến giựt thư xem. Cũng chả có gì bí mật, mình cứ để yên. Xem xong cậu ấy gật gù  khen là vững. Dễ thường " em " cậu này ít viết được như thế chăng?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 03:33:39 pm »


         20 tháng 2

         Mấy hôm nay thật là mệt, 5 ngày liền không có thì giờ ghi nhật ký nữa. 25 tháng 2 khai giảng, mình lại bị bầu làm tổ trưởng "vui sống" dạy hát, dạy nhảy, tập kịch. Mà lại dạy các bủ mới mệt chứ, các bủ chỉ chuyên môn đọc văn xuôi và thích các điệu nhảy nào nhẹ về chân mà nặng về tay cho đỡ mệt cái thân già.

         Mình chả biết một chút gì về solfège, mà cứ phải dạy hát bừa đi. Lại còn kịch nữa, phải soạn vở, vừa dàn cảnh vừa là diễn viên nữa. Cũng lúng túng như thợ vụng mất kim ấy. May quá vừa được ông tướng Đỗ Nhuận dạy giúp điệu nhảy "bất ly khai Cộng sản Đảng" không có thì cũng nguy. Dạy các bủ1 phải có nghìn chữ nhẫn mới được.

         Nhớ đến em. Nếu những ngày ở bên em mình cố gắng học một vài điệu thì có phải đỡ lúng túng bây giờ không? Đã lười lại còn hay chê em nữa cơ đấy.

         Nhớ đến cả những ngày ở đơn vị. Bộ đội có biết bao nhiêu là kịch hay, là điệu nhảy đẹp, thế mà mình chả biết tý cóc gì cả. Chuyên môn đóng vai quan khách. Bây giờ mới thấy cái cần thiết của cái sống tập thể và tham gia mọi công tác chung như thế nào?


         30 tháng 1 năm 1952 - 31 tháng 1 năm 1954

         Hai năm trời mới lại giở lại mấy trang nhật ký cũ, thấy tình cảm của mình còn nhiều yếu ớt, tư tưởng có nhiều sai lệch, nhất là tư tưởng địa chủ còn ngoan cố ở trong con người mình. Khá nhiều đợt học tập chỉnh quân chính trị: bây giờ mới lại thấy rõ con người cũ của mình. Một cuộc thoát xác.

         Chưa phải đã là hết. Cuộc đấu tranh còn trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Mình tin tưởng như tin tưởng kháng chiến sẽ nhất định thắng lợi, như tin tưởng sự nghiệp vinh quang của Đảng lãnh đạo, toàn dân kháng chiến kiến quốc nhất định thành công.

         Với tinh thần dũng cảm, quyết tâm của người lính tiền phong với lý luận Mác - Lênin mà mình đã được soi sáng, mình cương quyết cải tạo bằng được những tư tưởng sai lầm cũ, để xứng đáng với công ơn của Đảng, đã kéo mình ra khỏi đống bùn nhơ bẩn, dìu dắt mình đi đến con đường vinh quang hiện nay. Chỉ tiến không lùi, đề cao cảnh giác.


        Đêm 31 tháng 1 năm 1954 (27 tháng chạp)

        Vừa chuyển quân đến vị trí mới. Xong công việc ngồi viết thư cho em, để mai Vinh về Bộ họp chuyển tận tay. Đêm nay gợi nhớ lại những hình ảnh cũ của Phố Lu năm 50. 11 tháng 2 năm 51, tháng 2 năm 52 Chợ Chu, Tây Bắc 53. Tâm sự của một người lính trước mặt trận gay go quyết liệt sắp tới gửi người vợ yêu ở địa phương xa xôi. Nhiệm vụ vinh quang trong chiến dịch lịch sử này. Từ sau chiến dịch Tây Bắc 53 trước mỗi cuộc chiến đấu mình đều có kiểm điểm lại động cơ và đã thấy rõ.

         " Chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, của giai cấp và của cả bản thân mình ".

         Trong cuộc chiến sống còn với kẻ thù lần này gay go quyết liệt hơn, cái bản chất cá nhân anh hùng của mình nhất định sẽ không còn nữa, cá nhân anh hùng lúc thì liều lĩnh ( Thủ Đô, Hạ Bằng, Sông Thao ), lúc thì tính toán do dự ( Pheo).

         Hôm nhận nhiệm vụ A3 mình cũng đã tranh đấu tư tưởng nhưng rút cuộc đã thắng. Không phải vì danh dự cá nhân, đã thấy rõ ràng nhiệm vụ chung. Cụ thể là mình đã gương mẫu lãnh đạo cán bộ kiên quyết làm tròn nhiệm vụ. Khi đi vào chuẩn bị A3 mặc dầu gặp nhiều khó khăn nguy hiểm. Mình cũng nghĩ đến những cái ác liệt đang chờ sẵn số mệnh mình, nhưng mình không chỉ nghĩ đến riêng mình. Mình nghĩ đến các đồng chí đã hy sinh anh dũng, không đòi hỏi, không tính toán cho cách mạng, cho kháng chiến. Có các đồng chí đó mình mới có ngày nay. Sống cho ra sống hoặc chết vinh quang.

         Nhớ đến câu này của một đồng chí Liên Xô trước giờ chiến đấu.

         "Tôi yêu cuộc sống quá. Tôi chỉ nghĩ đến đi chiến đấu vì muốn sống. Sống cho ra sống, chứ không phải sống làm trâu chó. Chiến đấu vì Tổ quốc và hạnh phúc của toàn thể nhân dân, của con tôi, của tôi. Tôi thương tiếc đời tôi, nhưng tôi không sợ chết. Người quân nhân đáng sống phải là người quân nhân chiến đấu để sống. Tôi hiểu lẽ sống là như vậy ".

         Mình cũng tha thiết với cuộc sống. Nhưng nếu không có Đảng, không có cách mạng liệu cuộc sống mình như trước đây có phải là cuộc sống của con người hay không? Hay là cuộc sống của loài trâu chó. Giữa cái sống trâu chó và cái chết vinh quang mình chọn lấy cái nào? Trước kia vì chưa giác ngộ, mình có thể cúi đầu nhận lấy cái sống nhục nhã đó. Bây giờ mình đã là người, lại là một quân nhân, là một đảng viên mình không thể sống như thế được, mình không thèm sống như thế. Cái ranh giới giữa kẻ thù và mình đã rõ rệt. Chính chúng nó mới là trâu chó và chỉ có chúng nó mới thích làm trâu chó khi cái chết đe dọa.

         Không bao giờ mình thèm sánh vai với kẻ thù.

         Mình cảm thông rất nhiều câu của đồng chí Liên Xô và mình cũng hiểu lẽ sống như vậy.

------------------
         1. Bủ: Ý nói các cụ già.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 12:32:32 am »


         Gió lạnh lùa vào trong lều che kín, làm ngọn nến bạt đi muốn tắt. Mình dừng bút, lại xoa tay cho đỡ cóng, hé bạt nhìn ra ngoài trời. Tiếng động cơ máy bay ban đêm của địch vẫn rền rĩ trên không. Vòm trời sáng vằng vặc như trăng rằm vì pháo dù sáng của địch. Thỉnh thoảng đại bác của địch lại hốt hoảng vang lên từng loạt. Thật là lũ chó sủa càn. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của nhân dân mình trong vùng tạm chiếm, của nhân dân Pháp, lũ giặc đã đem tiêu phí vào đây. ăn không ngon, ngủ không yên, cả ngày cả đêm chúng nó đã phải bắn trút đi hàng chục tấn đạn, hàng vạn lít xăng để trấn tĩnh tinh thần lo sợ hoang mang hốt hoảng của chúng từ ngày sa lầy ở Điện Biên?

         Xung quanh mình bạn đồng đội vẫn ngáy đều, say sưa với giấc ngủ ngon. Không một ai thức giấc vì tiếng súng bắn càn của giặc. Quen quá rồi với những cảnh giật mình hoảng hốt của chúng nó. Chúng ta vẫn chuẩn bị bình tĩnh chờ ngày xuất kích. Số mệnh của chúng là ở trong tay chúng ta, treo ở đầu lưỡi lê của chúng ta. Rồi chúng nó sẽ tha hồ được chúng ta dành cho cái kiếp trâu chó.

         Viết nốt thư cho em. Hẹn ngày về xa xôi. Tin chắc chắn rằng sẽ về. Qua hai chiến dịch chúng ta đều hẹn nhau tuy có lỡ cả, song chúng ta không một ai sốt ruột vì mỗi một người chúng ta đều thấy rõ ràng cái nhiệm vụ vinh quang của mình trong công cuộc kháng chiến cứu quốc. Có cách mạng mới có chúng ta ngày nay, chúng ta mới được sống cho ra sống. Chính vì lẽ đó mà từ ngày yêu nhau chúng ta không hề làm vướng chân nhau, chúng ta lại luôn khuyến khích nhau làm tròn nhiệm vụ để xứng đáng với công tác của cách mạng, của Đảng.

         Gửi em cả mấy bông hoa và búp lá đào hái ở một bản vắng một chiều hành quân. Dân bản đã sơ tán vào lũng để tránh bom đạn của lũ giặc hung ác. Bản vắng bóng người trở nên xơ xác hiu quạnh. Những bếp tro tàn còn trơ lại mấy gốc củi cháy dở càng gợi thêm cái lạnh lẽo của một chiều rét mướt cuối năm. Mấy chiếc nhà xiêu vẹo tung mái vì đại bác của địch để lộ mấy cái cột đen, những mồ hóng như chọc thủng mái nhà nhô lên vẫn còn cố đứng vững phía trước, những cơn gió thổi mạnh, những chiếc chõ xôi rơi lỏng chỏng dưới gầm sàn, một chiếc nôi trẻ bị bắn vướng vào khung cửa dốc ngược lên treo lủng lẳng. Tất cả cái yên ấm, an cư lạc nghiệp của dân bản bị đổ nát vì bom đạn của giặc tàn phá. Từ ngày giặc lên đây bao nhiêu bản quanh vùng đã bị lũ giặc tàn ác gieo rắc thảm họa như vậy. Địch đẩy người dân vào cái cảnh đói rét bần cùng.

         Trong những ngày bám sát đánh địch thọc ra quanh Điện Biên, không ai không nghiến răng căm giận lũ giặc vì chính mắt mọi người đã nhìn thấy hoặc nghe đồng bào chạy thoát khỏi cảnh nanh vuốt của chúng kể lại, cái cảnh tàn sát, giết chóc, phá hại của lũ chó dại điên cuồng. Những cây thóc chung quanh thường cháy nghi ngút, hết ngày này sang ngày khác, hàng đàn trâu bị chúng bắn chết, chỉ lấy những miếng ngon nhất để ăn, còn vứt lại đầy đồng cho hôi thối, cấm dân không được ăn. Thanh niên tình nghi có cảm tình với Chính phủ bị chọc tiết, phụ nữ bị chúng thay nhau hãm hiếp đổ bệnh. Chúng biến Điện Biên thành địa ngục, những ngọn đồi, những khu phố, khu bản trước đẹp là như thế nay chằng chịt dây thép gai, công sự nát bét, không ai có thể nhận ra Điện Biên trước đây nữa. Tất cả chỉ còn là một cái ung thư đang lở loét mà giặc là dòi bọ đang chui rúc để đục ruỗng.

        Nhưng bên cạnh những cảnh tàn phá đó, sức sống của dân tộc vẫn vươn lên mạnh mẽ không cùng! Trong cái hoang vắng hiu quạnh của những bản đã xơ xác, lắng nghe vẫn thấy tiếng chày giã gạo rầm rập ở lũng quanh bản vọng lên, vọng lên như lấn cả những tiếng đại bác của địch. Dân bỏ bản sơ tán, bỏ những mái nhà ấm cúng, bỏ cả nơi thờ tự tổ tiên nhưng chiếc cối giã gạo không bỏ. Những chiếc cối giã gạo đã được dỡ và mang theo vào lán như những cái gì quý giá nhất còn lại, gắn liền với những chiếc cối giã gạo là quyết tâm của người dân: theo Chính phủ, theo Cụ Hồ đến cùng, ra sức làm gạo để nuôi bộ đội đánh giặc. Và hằng ngày, những tiếng chày giã gạo vang lên với những tiếng cười đùa của trẻ thơ, tiếng ơi ới gọi lợn gọi gà về ăn của phụ nữ, tiếng mõ trâu lóc cóc. Lòng người lính ấm hẳn lên, rộn hẳn lên trong chiều lạnh: tiếng chày giã gạo với những tiếng trẻ thơ, tiếng gọi lợn gọi gà, tiếng mõ trâu là biểu hiện sức sống của dân tộc đang vươn lên giữa cái cảnh tàn phá xơ xác; tiếng chày giã gạo đều đều thật là bình thản, lấn hẳn tiếng đại bác nổ rối rít điên cuồng của lũ giặc: đó là sức đấu tranh bền bỉ kiên nhẫn, tin tưởng vào thắng lợi nhất định bên những nỗi lo sợ hoang mang của lũ giặc trong bước đường cùng. Trước những tàn phá ghê gớm của bom đạn, người dân cũng không nhụt ý chí đấu tranh với kẻ thù. Tiếng chày giã gạo đó đã hòa theo bước chân bộ đội đang tiến về phía kẻ thù, đánh thành một vòng đai sắt quanh chúng nó. Chính những tiếng chày giã gạo đó đã thúc giục anh bộ đội tranh thủ chuẩn bị đầy đủ nhưng nhanh chóng để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Điện Biên cho chày cối lại được về với bản cùng với no ấm yên vui của nhân dân. Chính những tiếng chày đó đã tiếp sức sống cho anh bộ đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 12:33:39 am »


         Bên những hố đại bác, hố bom của địch cày lên, bên cạnh những cái đổ vỡ, những vườn rau cải vẫn xanh tươi. Ngồng rau cải vẫn vươn lên với những cụm hoa vàng bên những bông hoa thuốc phiện màu tím dịu dàng, màu trắng trong sạch lành mạnh. Một cây đào Ở góc bản đang trổ hoa, những bông hoa hàm tiếu màu hồng tươi dịu hớn hở cười trước gió đông đón mùa xuân ấm cúng sắp trở về, đón một mùa xuân đại thắng lợi. Bom đạn của kẻ thù không thể làm gì nổi chúng ta, không thể ngăn cản nổi con đường đi lên của chúng ta. Ngay cả cây cỏ của đất nước ta, bom đạn của chúng nó cũng không làm gì nổi. Đến mùa hoa vẫn nở, cải vẫn xanh tươi. Trên con đường đấu tranh của dân tộc, cây cỏ vẫn vươn lên cùng với những thắng lợi, hoa vẫn nở đẹp đón mừng thắng lợi. Ngoài này là thế giới tươi sáng, là mùa xuân hoa nở, trong Điện Biên hiện tại là tù ngục tăm tối của lũ giặc. Chính chúng nó đã tạo nên cảnh tù ngục tăm tối ụ tì đó để tự giam hãm chúng nó vào. Cây cỏ vì chúng nó mà không mọc được hoa, vì chúng nó mà không muốn nở, nhưng mai kia cây cỏ sẽ lại mọc lên xanh tốt, hoa sẽ lại nở đẹp vì ngoài này trong ấy sẽ lại là một. Điện Biên lại tươi sáng, mùa xuân lại về. Khi cánh hoa đào bắt đầu rụng để kết thành quả thì kiếp chúng nó ở Điện Biên cũng sẽ rụng như cánh hoa; xác chúng nó,máu chúng nó sẽ bón cho cây cỏ tươi tốt để đền lại tội ác của chúng nó đối với nhân dân, với cây cỏ. Thấy hoa đào nở nhớ đến Tết, người lính nghĩ rất ít đến bánh chưng xanh mà nghĩ rất nhiều đến chiến đấu, nghĩ đến cờ đỏ sao vàng, nghĩ đến lá cờ quyết chiến quyết thắng của Bác sẽ phấp phới tung bay ở Điện Biên. Mùa xuân này phải là một mùa xuân đại thắng lợi, đó là một tất nhiên như mùa đông rét mướt qua đi thì mùa xuân ấm áp phải tới.

        Gởi em mấy bông hoa đào là gửi theo những ý nghĩ ở trên, đồng thời là gửi theo những tình cảm không bao giờ phai lạt.


         1 đến 2 tháng 2

         Cả hai hôm nay lo lắng vấn đề về con đường thắng lợi.

         - 1 vạn tám nghìn thước khối.

         - Ngót 50 cây phải chặt.

         - 4 quãng đường phải cắt vào núi và hạ thấp dốc.

         - Mấy quãng đá gay.

         - 5 chiếc cầu phải chặt tới hàng ngàn cây gỗ to nhỏ.

         - Vấn đề ngụy trang để bảo đảm bí mật.

         Suốt buổi sáng đi xem đường, nghe công binh trình bày những yêu cầu của con đường thấy phát sốt.

         Tính trên một vạn rưỡi công nhân. Nhẩm lại quân số của đơn vị lo quá. Mỗi ngày được 1.000 nhân công. Làm trong 8 ngày mới được 8.000 nhân công, nghĩa là mới có nửa nhân công theo yêu cầu. Công việc phải đi sâu vào kế hoạch cụ thể, phải tính toán từng ly từng tí để không có một nhân công thừa mà kinh nghiệm làm đường lại chưa có.

         Tính đi tính lại: khó khăn vẫn nhiều, nhưng tin tưởng ở sức mạnh của quần chúng có thể khắc phục được. Có kế hoạch cụ thể, phân công, tổ chức hợp lý, động viên thi đua đầy đủ, kinh nghiệm chưa có thì đột phá một đơn vị để rút kinh nghiệm, nếu làm được như vậy thì có thể hoàn thành được nhiệm vụ đúng kỳ hạn. Căn bản vẫn là cán bộ đi sát gương mẫu năng động với chiến sĩ, lấy kinh nghiệm, sáng kiến của quần chúng để giải quyết những khó khăn, coi công tác làm đường cũng như là một cuộc chiến đấu gay go phức tạp. Từ sáng tới chiều đã thấy có nhiều triển vọng, kinh nghiệm + sáng kiến của quần chúng được động viên thấy rõ ràng, nhiệm vụ đã phát huy được nhiều, năng suất bắt đầu tăng, tạm gác súng lại, cầm xẻng cuốc để mở đường, người linh chỉ bỡ ngỡ lúc đầu sau một thời gian ngắn đã trở thành chuyên môn. Rõ ràng là khả năng của người lính cách mạng chúng ta rất nhiều và người lính cách mạng làm gì cũng được.

         Mình cả buổi sáng và chiều leo đèo, vượt qua cả 1206 rồi lại quay trở lại, trời nắng gắt, mồ hôi ướt đầy áo rất mệt. Nhưng thấy anh em tíu tít cuốc đất chặt cây, bẩy đá, không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi quên cả mệt. Vả lại anh em làm suốt ngày, mệt hơn mình biết bao nhiêu ấy chứ.

         Hội ý với cán bộ. Anh em phấn khởi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Tin tưởng.

         Chiều xuống, sắp trở về gặp văn công (đại đoàn) xuống đơn vị phục vụ. Trông thấy Nga, Phi, Tỵ1 đeo ba lô mồ hôi đọng trên trán, mình thương chúng nó quá. Chúng mình chiến đấu cũng là để xây dựng tương lai cho chúng nó, cần phải tích cực cố gắng hơn nữa, chúng nó mới chóng được sung sướng.

         Đi bên Nga mình khẽ hỏi:

        "Chiều nay 30 Tết rồi Nga có nhớ nhà không?".

         Mắt Nga chớp mấy cái nhưng trả lời rất tỉnh táo:

        " Em chỉ nhớ ít thôi, thương các anh nhiều hơn. Đi với các anh em thấy như ở nhà, vui hơn nữa ".

         Câu nói của một em gái 14 tuổi thật là khôn ngoan. Lẽ ra cải tuổi này đang được cắp sách đến trường học tập, chúng nó cũng vượt hàng ngàn cây số, leo qua bao nhiêu đèo cao, lội qua bao nhiêu suối giá buốt, đi theo các anh lớn ra mặt trận, giữa bom đạn của địch vẫn ca hát nhảy múa để động viên các anh quên hết nỗi gian khổ, mệt nhọc và chịu đựng gian khổ cũng không kém .gì các anh. Mình nắm chặt lấy bàn tay nhỏ bé của Nga, muốn truyền cho Nga tất cả tình thương yêu của mình. Phi, Tỵ đi sau, trong cái cười của hai đứa trẻ này vẫn đượm một cái buồn lặng lẽ. Chúng nghĩ đến gia đình ở trong vùng địch chăng? Nghĩ đến người bố đã bỏ chúng lại để níu lấy một cuộc sống nhục nhã ích kỷ. Mình ước gì chiều nay có một chút quà gì để " mừng tuổi " chúng nó. Một bữa cơm có rau và một chút thịt để quây quần với nhau bên đống lửa, gây một chút không khí gia đình, đợi năm mới đến. Nhưng chiều nay bữa ăn chừng vẫn chỉ có nước mắm khô!

         Dọc đường đi gặp dân công ở các đơn vị về tập trung để ăn Tết. Gặp bộ đội cười nói tíu tít chúc tụng. Cái Tết ở trong lòng mọi người, ở tiếng cười, câu nói của mọi người.

---------------------
         1.  Nga, Phi, Tỵ là ba nữ văn công quân đội của Đại đoàn 316. Các em khoảng 10-14 tuổi.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM