Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:20:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 46036 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 04:44:34 am »

        - Tên sách: Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh
        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân.
        - Năm xuất bản: 2007
        - Số hoá: linhdo

        Chỉ đạo nội dung:

        - Đại tá Phạm Quang Định;
        - Đại tá Phạm Bá Toàn;
        - Đại tá Nguyễn Đức Hùng.

        Tổ chức thực hiện:

        - Đại tá Kiều Bách Tuấn;
        - Trung uý Bùi Thu Hương.





LỜI NÓI ĐẦU

        Dân tộc Việt Nam trải qua 30 năm chiến tranh giải phóng ác liệt và hào hùng, bao thế hệ " lớp cha trước, lớp con sau" đã tiếp bước nahu lên đường đánh giặc. Và trong những cuộc đối đầu không cân sức đó, hàng triệu triệu người con đất Việt đã hiến dâng xương máu, sức lực, của cải cho một Việt nam độc lập - tự do hôm nay. Thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là kết quả tất yếu của những nhân tố đã tạo thành sức mạnh thần kỳ của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới, đó là sự kết tinh sức mạnh truyền thống yêu nước, bất khuất của cha ông để lại trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, là sự lãnh đạo tài giỏi của Đảng và Bác Hồ với đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quân sự tiên tiến trên thế giới.

        Từ thực tiễn chiến trường đã tôi luyện nên nhiều tướng lĩnh Quân đội tài ba thao lược, thông minh, sáng suốt, biết đánh bằng mưu kế-thắng thế thời, tài năng và đức độ của họ có sức quy tụ sức mạnh vĩ đại của quân và dân ta. Đó là những vị tướng dù là đảm nhận nhiệm vụ nơi trận tiền mà tên tuổi đã gắn với những chiến trường nóng bỏng như Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ rồi Khe Sanh, Trị Thiên, Tây Nguyên, Đường 9 Nam Lào, miền Đông Nam Bộ...hay những vị tướng tham mưu, chính trị, hậu cần- kỹ thuật lão luyện... tất cả họ, với vai trò cá nhân trong lịch sử đã đóng góp trí tuệ, công sức cùng bao đồng chí, đồng bào viết nên những khúc khải hoà ca vang dội non sông, tô thắm thêm bao trang sử vàng oanh liệt.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:56:08 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:01:29 am »

         
1. ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN QUYẾT (NGUYỄN TIẾN VĂN)



        - Đại tướng Nguyễn Quyết sinh năm 1922, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1987-1991), năm 1992 là Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước.

        Quê quán: xã Chính Nghĩa, huyện Kim Đông, tỉnh Hưng Yên. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1939, nhập ngũ tháng 8 năm 1945, được phong hàm Đại tướng năm 1990, là đảng viên Đảng CSVN từ năm 1940. Năm 1942 là uỷ viên Ban cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên. Năm 1943 đến 1945 là uỷ viên Ban cán sự Đảng, uỷ viên chính trị Uỷ ban quân sự Hà Nội, chính trị viên Chi đội 2  Vệ quốc quân.

        Trong kháng chiến chống Pháp:

        Năm 1946 là Chính trị viên Chi đội 1 (chi đội chủ lực của Uỷ ban kháng chiến miền Nam); Trưởng phòng chính trị, Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ Đại đoàn 31.

        Năm 1947 đến 1952 là Chính uỷ Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, uỷ viên quân sự trong Uỷ ban kháng chiến liên tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng; Chính uỷ các trung đoàn: 108 và 803.

        Năm 1953 đến 1955 là chủ nhiệm chính trị liên khu 5; Phó chhính uỷ, Chính uỷ Đại đoàn 305.

        Trong kháng chiến chống Mỹ:

        Năm 1955 đến 1963 là quyền chính uỷ, Chính uỷ Quân khu Tả Ngạn.

        Năm 1964 đến 1968 là Phó chính uỷ, Chính uỷ Quân khu 3; Chính uỷ Quân khu Tả Ngạn; Phó chính uỷ Quân khu Trị-Thiên, kiêm Chính uỷ Mặt trận B8 (Quân khu Trị-Thiên).

        Năm 1969 đến 1976 là Chính uỷ: Quân khu Tả Ngạn, Học viện Quân sự, Quân khu 3.

        Năm 1977 đến 1980 là chính uỷ, kiêm Tư lệnh Quân khu 3.

        Năm 1981 đến 1986 là Tư lệnh, Bí thư Đảng uỷ Quân khu 3.

        Tháng 4 năm 1986 đến 1987 là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

        Năm 1987 đến 1991 là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương.

        Năm 1992 là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN từ khoá IV đến khoá VI ( Uỷ viên Ban Bí thư khoá VI). Là Đại biểu Quốc hôi các khoá IV, VII, VIII; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân Chương Quân Công hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất, Huân chương chiến thắng hạng nhất.

        Trong gần trọn cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị, nhiều nhiệm vụ, nhiều địa phương, dù phải trải qua nhiều gian khổ hy sinh, đồng chí Nguyễn Quyết luân phấn đầu cùng đơn vị, địa phương làm tròn nhiệm vụ Đảng giao cho. Cũng trải qua 55 năm hoạt động, qua khởi nghĩa, chiến tranh cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Quyết luôn đúc rút được những bài họ quý báu và phong phú từ thực tiễn, trong đó có những năm tháng trên chiến trường Liên khu 5.

        Khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù ta đã có chính quyền, có quân đội nhưng tất cả đều còn non trẻ, gặp muôn vàn khó khăn. Đảng ta chủ trương xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng ba thứ quân, thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tự lực cánh sinh kháng chiến lâu dài để giành thắng lợi quyết định.

        Kiên định và sáng tạo trên nguyên tắc đường lối chủ trương của Đảng, đồng chí đã cùng Đảng bộ, chính quyền và quân dân Liên khu 5 tập trung xây dựng lực lượng chủ lực, lực lượng vũ trang mạnh ngay từ đầu, quyết tâm thắng địch, giữ vững vùng tự do rộng lớn làm căn cứ và hậu phương vững chắc không những cho bản thân chiến trường Liên khu 5 mà cả các chiến trường Nam Đông Dương; thực hiện lấy súng địch đánh địch, sản xuất để tự túc, giải quyết hậu cần tại chỗ đảm bảo chiến đấu lâu dài; tập trung vào trọng điểm, bước đầu thực hiện ba chức năng của quân đôi, xây dựng chủ lực mạnh để tự giải quyết chiến trường góp phần quan trọng với chiến trường toàn quốc.

        Riêng ở Quảng Nam-Đà Nẵng, chiến trường chính của Liên khu 5, nơi đồng chí Nguyễn Quyết trực tiếp phụ trách từ 1964-1950, mặc dù địch có ưu thế hơn ta về lực lượng và binh khí kỹ thuật nhưng ta đã thắng ngay từ thời kỳ địch tiến công ồ ạt, giữ vững vùng tự do, phá tan âm mưu đánh chiếm đến vĩ tuyến 16, chia cắt chiến trường Nam Đông Dương với chiến trường chính Bắc Bộ. Suốt chín năm kháng chiến, Quảng Nam-Đà Nẵng là nơi có phong trào chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích mạnh. Điều đó đã tạo điều kiện cho chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng vừa tác chiến, vừa trưởng thành, vừa tác chiến vừa xây dựng lực lượng góp phần xứng đáng cả về lực lượng, kinh nghiệm xây dựng, chiến đấu với chiến trường Liên khu 5.

        Những điều tâm đắc nhất, sâu sắc nhất của đồng chí Nguyễn Quyết trong những ngày tháng ở chiến trường Liên khu 5 là cơ sở vững chắc xuyên suốt con đường cách mạng mà đồng chí đã chọn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:04:58 am »


NHỮNG NĂM THÁNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP Ở "KHU NĂM DẰNG DẶC KHÚC RUỘT MIỀN TRUNG" TỪ 11/1945 ĐẾN 1/1955

        Cách mạng tháng Tám thành công, nước ta trở thành một nước độc lập. Đó là thắng lợi rất vĩ đại, một kỳ tịch trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, đồng thời mở ra cho cao trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ, giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa của thế kỷ XX. Chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân đứng ra đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật. Nhưng Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định " đây chỉ là thắng lợi buốc đầu". Với âm mưu và tham vọng của bè lũ đế quốc, trực tiếp là đế quốc Pháp, Đảng và nhân dân ta còn phải tiếp tục chiến đấu gay go và phức tạp để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

        Đúng như Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, ngày 23 tháng 9 năm 1945, được quân Anh và tàn quân Nhật tiếp sức, thực dân Pháp mở cuộc tiến công Sài Gòn, tiến hành cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Sau chưa đầy một tháng giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật, nhân dân Sài Gòn lại buộc phải cầm súng chống kẻ thù xâm lược.

        Khác với thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần này, tuy giữa muôn vàn khó khăn, chính quyền cách mạng còn non trẻ, nền kinh tế kiệt quệ, lực lượng vũ trang còn quá nhỏ bé, nhưng chúng ta có thuận lợi rất cơ bản là đã có chính quyền, có lực lượng toàn dân đoàn kết, làm chủ đất nước, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được. Đảng ta đã có kinh nghiệm trong lãnh đạo Cách mạng tháng Tam, từ tay không giành lấy chính quyền, thấy được âm mưu, thủ đoạn của địch, dự kiến đường lối và những điều kiện cơ bản cho cuộc kháng chiến để páht huy thế mạnh tuyệt đối về tinh thần, kiên quyết bảo vệ nên độc lập, tự do của đất nươc vừa giành được.

        Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của, đưa những đội quân tinh nhuệ, cử nhiều cán bộ ưu tú tăng cường cho miền Nam, đồng thời tranh thủ xây dựng, củng cố lực lượng về mọi mặt để chuẩn bị kháng chiến.

        Mặc dù đời sống nhân dân miền Bắc gặp vô vàn khó khăn trong những ngày đầu mới giành được độc lập, song hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng về Nam Bộ, đồng bào miền Bắc đã dấy lên một phong trào chi viện sức người, sức của hết sức sôi nổi, mạnh mẽ.

        Phát huy khí thế hừng hực của những ngày khởi nghĩa, lớp lớp thanh niên miền Bắc trong đó có thành niên Hà Nội hăm hở tình nguyện lên đường vào Nam sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

        Những ngày đó ở Hà Nội cũng như các địa phương khác, sục sôi một không khí hào hùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những đoàn quân Nam tiến rầm rập lên đường vào Nam chiến đấu trở thành hình ảnh của " cả nước ra trận", " Nam-Bắc một nhà". Danh sách những người tình nguyện vào lực lượng vũ trang và đội quân Nam tiến vượt xa yêu cầu của trên đề ra, gồm đủ thành phần, tấng lớp, tồn giáo, dân tộc. Rất nhiều thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, bao gồm các tầng lớp công nhân, nông dân, thợ thủ công, sinh viên, học sinh, trí thức, công chức, kiều bào vừa về nước và cả một số nhà tu hành cũng ghi tên tình nguyện. Tất cả đều quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

        Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ kinh nghiệm trong xây dựng và tổ chức chỉ huy lực lượng vũ trang trước và trong khởi nghĩa, Thường vụ Trung ương và Xứ uỷ phân công tôi tiếp tục phụ trách quân sự ở Hà Nội, đồng thời về các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, hà Nam, Nam Định, Ninh Bình tổ chức xây dựng lực lượng chủ lực ở các địa phương ấy. Lúc đầu, tôi phụ trách cả quân sự và chính trị, đến cuối tháng 9 năm 1945, anh Vương Thừa Vũ được Trung ương điều về phụ trách quân sự, tôi làm chính trị viên.

        Cuối tháng 11 năm 1945, sau khỉ tổ chức chấn chỉnh lực lượng tự vệ và củng cố năm tiểu đoàn chủ lực ở Hà Nội và hai chi đội ở các tỉnh nói trên, với nhiệt tình tuổi trẻ, tôi đề nghị Trung ương được vào Nam chiến đấu. Nguyện vọng đó được cấp trên chấp nhận và giao cho tôi nhiệm vụ về Ninh Bình tổ chức một Chi đội mới chuẩn bị Nam tiến. Chi đội mang tên Chi đội 1, gồm một tiểu đoàn giải phóng quân từ Chiến khu Việt Bắc về, một bộ phận của Chi đội Hà Nam Ninh và một bộ phận của Chi đội Hải Phòng-Quảng Yên được Bộ Quốc Phòng điều lên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:06:31 am »


        Không khí nô nức lên đường vào Nam chiến đấu tràn ngập khắp nông thôn, thành phố. Đầu tháng 12 năm 1945, Chi đội đã lên đường (Chi đội do anh Thịnh làm Chi đội trưởng, tôi làm Chính trị viên). Khác với Chi đội đi trước, chỉ đi người không, còn vũ khí phải chuyên chở bằng đường biển, lần này, do Chính phủ ta khéo léo thương thượng với bọn Tưởng nên Chi đội 1 được mang theo một số lượng đáng kể vũ khí.

        Chi đội xuất phát từ ga Ghềnh (Ninh Bình). Qua các ga đều có nhân dân đứng vẫy cháo tiễn đưa với băng cờ, khẩu hiệu hoan nghênh nhiệt liệt. Ở các ga lớn, tàu dừng lâu hơn, có đại diện quân-dân-chính-đảng địa phương ra đón tiếp. Đặc biệt rất đông các mẹ, chị em phụ nữ, các chấu thiếu nhi đến thăm hỏi, tặng quà, tiễn đưa lưu luyến. Anh em ai nấy đều rất xúc động.

        Đơn vị vào đến Quảng Ngãi thì được lệnh dừng lại gặp Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam do đồng chí Nguyễn Sơn làm Chủ tịch để nhận nhiệm vụ. Lúc bấy giờ, quân Pháp đã phá được vòng vây Nha Trang, mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các vùng xung quanh và tiến công lên Tây Nguyên.

        Sau một thời gian được huấn luyện cấp tốc về chính trị, quân sự, Chi đội được chia làm hai bộ phận: Một bộ phận tham gia chiến đấu ở Vạn Giã (bắc Khánh Hoà), một bộ phận lên chiến đấu ở An Khê (Gia Lai).

        Chi đội 1 cũng như các đơn vị Nam tiến khác, tuy lực lượng không lớn, nhưng rất quan trọng, là đội quân chủ lực đi đầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến đấu dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, góp sức cùng nhân dân miền Nam chiến đấu làm chậm bước tiến của quân xâm lược Pháp và đã chiến thắng địch ngay từ đầu, thể hiện tinh thầnh cả nước đồng lòng cùng nhau chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, tạo sức mạnh to lớn của đại đoàn kết dân tộc, của sự đoàn kết Bắc-Nam. Nhân dân hết sức tin tưởng, yêu quý và khâm phục bộ đội Nam tiến. Điều đó cũng chứng tỏ Đảng ta đã có chủ trương sáng suốt, quyết tâm cao, huy động lực lượng toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, kịp thời điều động quân chủ lực (các đơn vị Nam tiến) đánh tan cuộc "dạo mát quân sự", làm đảo lộn chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" đến vĩ tuyến 16 của Pháp, giữ vững vùng tự do làm hậu phương lớn, tạo điều kiến cho cacs tỉnh phía sau có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

        Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm theo dõi cuộc chiến đấu của quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những tình cảm thắm thiết nhất, luôn để miền Nam trong trái tim mình. Tháng 12 năm 1945, đồng chí Lê Văn Hiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm đặc phái viên của Chính phủ vào Nam Trung Bộ để chuyển thư thăm hỏi của Người tới quân dân Man Bộ và Nam Trung Bộ. Trong thư Bác viết:

        " Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ từng tấc đất của Tổ quốc.

        Tôi và tất cả đồng bào ở Bắc Bộ và phía Bắc Trung Bộ, đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp đạp lên mảnh đất của ông cha ta, giết hại nòi giống ta...đã bao nhiêu lần hồi hộp, cảm động trước những gương hy sinh vô cùng anh dũng của những người con yêu của Tổ quốc. Do đó, tôi càng tin chắc rằng: với một nước đã có những người con như thế, anh hùng như thế, đã có một khối đoàn kết toàn dân như thế, nước ta nhất định không bị mất một lần nữa.

        Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Chỉ có chiến đấu mới vượt qua được trở lực, khó khăn, chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi nhất định thuộc về ta".

        Sự quan tâm, khích lệ, cổ vũ đó của lãnh tụ tối cao của dân tộc là một nguồn lực để quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ có thêm sức mạnh kiên quyết chiến đáu bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám.

        Ở Nam Trung Bộ, từ giữa năm 1946, sau khi chiếm được một số thị xã, đường giao thông ở các tỉnh cực Nam và Tây Nguyên, địch không thể lấn chiếm được nữa, tuyệt đại đa số vùng nông thôn các tỉnh đồng bằng ven biển và Tây Nguyên vẫn do ta kiểm soát.

        Trong thời gian này, Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam chủ tương tranh thủ củng cố, sắp xếp lại lực lượng, mở trường lớp bồi dưỡng về chính trị, quân sự cho cán bộ, chiến sỹ. Số cán bộ Nam tiến một phần trở về miền Bắc, còn phần lớn ở lại tiếp tục chiến đấu ở các mắt trận Nam Trung Bộ. Tôi là một trong những cán bộ được giữ lại ở Liên khu 5.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:08:16 am »


        Theo chủ trương của Trung ương, Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam cải tổ các Chi đội vệ quốc quân và phiên chế lại thành 11 trung đoàn và một tiểu đoàn độc lập; giải thể các chiến khu 5, 6 (đã được thành lập từ tháng 10 năm 1945) và tổ chức thành ba Đại đoàn: Đại đoàn 23, Đại đoàn 27 và Đại đoàn 31.

        Tôi đươc phân công làm chính trị viên Đại đoàn 31 gồm các trung đoàn 68, 69, 93, 96, cơ quan Đại đoàn đóng ở Tam Kỳ (Quảng Nam). Đại đoàn có nhiệm vụ tác chiến ở tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi.

        Nắm được âm mưu địch, để tăng cường sự lãnh đạo của DẢng ở một hướng chiến lược quan trọng, tháng 11 năm 1946, Trung ương Đảng và Chính phủ cử đồng chí Phạm Văn Đồng làm đại diện vào trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Nam Trung Bộ, với nhiệm vụ chính trị hàng đầu là phải kiên cường chặn đánh các cuộc tiến công lớn của địch, giữ vững vùng tự do, góp phần cùng cả nước đánh bại kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh: của thực dân Pháp. Thro chủ trương của Trung ương, giải thể Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam và các Đại đoàn, tái lập Khu 5, Khu 6; thành lập Uỷ an Quân sự để chỉ đạo trực tiếp cuộc chiến đấu ở các tỉnh Nam Trung Bộ.

        Tôi được điều về Bộ Tư lệnh Khu 5, tham gia Đảng uỷ quân sự khu. Bộ Tư lệnh Khu 5 phân công tôi làm phái viên ở mắt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, tham gia phân quân khu uỷ. Phân quân khu uỷ có ba người do anh Huỳnh Ngọc Huệ làm bí thu, tôi và anh Đàm Quang Trung là uỷ viên. Vài tháng sau, tôi được cử làm bí thư thay anh Huỳnh Ngọc Huệ đi nhận công tác khác. Từ đó, tôi liên tục gắn bó với chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng cho tới cuối năm 1950.

        Với tham vọng trở lại thống trị nhân dân ta một lần nữa, thực dân Pháp bất chấp thái độ thiện chí của Đảng, Chnhs phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ta càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới.

        Không còn con đường nào khác, với tinh thần: " Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", ngày 19 tháng 12 năm 1946, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

        Mục tiêu trước mắt của quân Pháp vẫn là các thành phố, trọng điểm là thủ đô Hà Nội ở miền Bắc và thành phố Đà Nẵng ở miền Trung.

        Đà Nẵng là hải cảng lơn, là cửa ngõ của miền Trung Tổ quốc. Theo Hiệp định sơ bộ ngày 06 tháng 3 năm 1946, quân Pháp được đưa vào Đà Nẵng 225 tên thay cho quân Tưởng Giới Thạch. Sau nhiều lần tăng quân trái phép, đến tháng 12 năm 1946, quân Pháp ở Đà Nẵng đã lên tới gần bảy ngàn tên, với những vũ khí và trang bị chiến tranh hiện đại như xe tăng, xe bọc thép, pháo bình và nhiều vũ khí bộ binh tối tân.

        Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Đồng và Khu uỷ, Bộ Tư lệnh Khu 5, lực lượng chiến đấu ở Quảng Nam-Đà Nẵng gồm có Trung đoàn 93 chịu trách nhiệm ở vòng ngoài và Trung đoàn 96- Trung đoàn chủ lực của Khu (do cán bộ và chiến sỹ Nam tiến làm nòng cốt)- chịu trách nhiệm chiến đấu ở nội thành.

        Mục đích của ta là giam chân địch trong thành phố, còn địch thì muốn mở rộng chiếm đóng ra các vùng nông thôn rộng lớn. Sự đối chọi mục đích ấy dẫn đến cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra quyết liệt ngay từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Lực lượng vũ trang của ta tuy còn non trẻ, nhưng bộ đội chủ lực đến dân quân tự vệ, từ nội thành đến ngoại thành, đều chiến đấu với tinh thầnh rất dũng cảm, dám xả thân để bảo vệ từng căn nhà, đoạn đường, góc phố của thành phố. Sau nhiều ngày đêm chiến đấu liên tục, đạn, lựu đạn đã hết, nhiều đơn vị phải dùng lưỡi lê, báng súng đánh giáp lá cà để đánh bật địch ra khỏi chiến hào, có tiểu đội anh em dũng cảm chiến đấu đến người cuối cùng. Nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng đã sát cánh với lực lượng vũ trang thực hiện " vườn không nhà trống", bất hợp tác với địch, đào hào, đắp ụ, xây dựng công sự, phá hoại cầu, đường, vận chuyển chăm sóc thương binh, phục vụ chiến đấu.

        Sau hơn một tháng chiến đấu kiên cường, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và sự chỉ huy của Uỷ ban Quân sự, quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng đã thực hiện đúng đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Trên địa bàn thành phố, lực lượng vũ trang ta do vệ quốc quân làm nòng cốt, đã anh dũng chiến đấu ngăn chặn, bao vây, ghìm chân, tiêu hao nhiều sinh lực địch và bảo toàn lực lượng ta để kháng chiến lâu dài. Cuộc vây hãm địch ở Đà Nẵng đã góp phần tạo điều kiện cho quân, dân cả nước mà trực tiếp là các tỉnh đồng bằng Khu 5 có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài, làm thất bại bước đầu kế hoạch lần thứ hai " đánh nhanh thắng nhanh" của thực dân Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:11:16 am »


        Trong lễ Tuyên dương thành tích chiến đấu của quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: "So sánh với toàn quốc, mặt trận Thái Phiên(tên gọi của thành phố Đà Nẵng sau khởi nghĩa tháng 8/1945) liệt vào hạng đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất". Đồng chí tặng quân dân Đà Nẵng lá cờ " Giữ vững". Trung đoàn 96 là đơn vị lập công xuất sắc nhất được vinh dự thay mặt quân, dân Quảng Nam-Đà Nẵng nhận phần thưởng cao quý này.

        Chấp hành chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" của Thường vụ Trung ương Đảng và qua kinh nghiệm chiến đấu tháng đầu, Tỉnh uỷ và Uỷ ban Quân sự chủ trương:

        - Kiên quyết năng chặn không cho địch nhanh chóng mở rộng vùng kiểm soát về phía Nam.

        -Bán đánh địch nhất là trên đường huyết mạch đèo Hải Vân.

        - Phát động chiến tranh du kích tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch, khi chúng mở rộng phạm vi kiểm soát.

        - Triệt để thực hiện "vườn không nhà trống".

        Thực hiện chủ trương trên, các đơn vị chủ lực nhanh chóng bố trí lại đội hình, phối hợp với dân quân du kích, tự vệ liên tục hoạt động quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt ở cả nội thành và vùng xung quanh, gây cho địch nhiều tổn thất; trong đó tiêu biểu là trận đánh phục kích giao thông đầu tiên trên đường đèo Hải Vân ngày 28 tháng 2 năm 1947, tiêu diệt một Đội địch, thu 2 trung liên, 4 tiểu liên, 10 súng trường, diệt một tên trung uý. Cùng với việc vây hãm địch hơn một tháng trong thành phố, các hoạt động trên đây đã nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật của lực lượng vũ trang, củng cố và nâng cao lòng tin tưởng của cán bộ và nhân dân vào đường lối quân sự- chính trị của Đảng.

        Thực hiện âm mưu mở rộng vành đai an toàn cho căn cứ quân sự và hậu cần của chúng ở miền Trung Đông Dương, khai thông đường 14 từ Đà Nẵng lên Kon Tum, nối liền các tỉnh ven biển với Tây Nguyên, qua Hạ Lào, cắt đứt hành lang Bắc-Nam và đường qua Hạ Lào, chia cắt chiến lược chiến trường Đông Dương ngang vĩ tuyến 16, vơ vét nhân tài, vật lực ở miền Nam làm bàn đạp tiến công ra miền Bắc-chiến trường chính, ngày 15 tháng 3 năm 1947, sau khi củng cố lực lượng và được tăng viện từ chính quốc sang, quân Pháp mở cuộc tiến công đánh ra phía nam sông Cẩm Lệ.

        Trong đợt tiến công này, mặc dù lực lượng vũ trang và nhân dân ta chống trả quyết liệt, gây cho địch nhiều thiệt hại, nhưng vì lực lương tương quan giữa ta và địch lúc đầu còn quá chênh lệc nên địch đã chiếm được vùng đồng bằng phía bắc sông Thu Bồn từ Hội An đến Ái Nghĩa.

        Ngày 5 tháng 3 năm 1947, Chủ tich Hồ Chí Minh gửi thư động viên đồng bào cả nước: " Trong cuộc kháng chiến lâu dài, tạm thời thắng hay bại là việc thường, cốt là " thắng lợi cuối cùng". Chúng ta không hoang mang, chúng ta phải nhẫn nại, cương quyết. Thắng lợi cuối cùng nhất định về tay ta".

        Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở quán triệt các quan điểm kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa tìm cách tiêu diệt địch vừa bảo vệ dân, phát triển sản xuất, quan tâm đến đời sống của nhân dân, cuối tháng 3 năm 1947, Tỉnh uỷ và Uỷ ban Quân sự chủ trương:

        - Vận động đồng bào hồi cư, các huyện, thị tổ chức đội công tác bám dân trở về vùng bị chiếm hoạt động, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống, phát triển du kích đánh địch đi càn, bảo vệ dân.

        - Đánh phá kế hoạch tập trung dân để lập tề, bình định vùng tạm chiếm của Pháp; tổ chức cơ sở mật, chuẩn bị hoạt động trong vùng địch.

        - Xây dựng bố phòng vùng tự do, củng cố tuyến phòng thủ nam sông Thu Bồn.

        - Củng cố bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể gây uy tín cách mạng trong nhân dân vùng bị chiếm.

        Đây là những quyết định rất quan trong có ý nghĩa lịch sử đối với việc lãnh đạo chiến tranh ở Quảng Nam-Đà Nẵng, sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa chiến đầu và xây dựng cơ sở, giữa kháng chiến và kiến quốc, giữa đấu trnah chính trị và đấu tranh vũ trang, giữa việc chiến đấu ở vùng bị chiếm với việc bảo vệ và xây dựng vùng tự do.

        Từ đó đến cuối năm 1947, cơ sở chính trị vùng tạm bị địch chiếm được khôi phục và phát triển; dân quân tự vệ được tổ chức, nhiều nơi đã đánh địch đi càn, diệt tề trừ gian, đánh địa lôi đường giao thông, quấy rối đồn bốt.... Các huyện, thị bắt đầu tổ chức trung đội biệt động để phối hợp với chủ lực hoặc độc lập tác chiến, thúc đẩy phong trào du kích chiến tranh ở địa phương.

        Sau nhiều lần thất bại, địch vẫn không từ bỏ tham vọng điên cuồng, mở rộng phạm vi chiếm đóng về phía Nam. Rút kinh nghiệm lần trước, các cơ quan, chính quyền, đoàn thể, du kích bám theo dân tản cư, một bộ phận ở lại bám xóm làng, bảo vệ tài sản nhân dân. Sau khi địch rút, đồng bào hồi cư. Cán bộ, du kích lại bám đồng bào về tổ chức cơ sở chính trị, cơ sở vũ trang, thúc đẩy cac hoạt động trong vùng tạm chiếm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:14:07 am »


        Trung đoàn 96 và Trung đoàn 93 đã cùng du kích vừa chặn đánh địch quyết liệt ở phía trước, vừa thọc sâu và sau lưng địch đành vào căn cứ, đường giao thông của chúng, nổi bật là trận đánh đèo Hải Vân lần thứ hai, ngày 25 tháng 5 năm 1947, tiêu diệt hoàn toàn hai đoàn xe từ Đà Nẵng ra và từ Huế vào, bắn cháy và phá huỷ bảy xe địch, diệt tên Đại tá Roger chỉ huy phân khu Đà Nẵng và toàn ban tham mưu của hắn cùng với trên 100 lính Âu-Phi tinh nhuệ. Trận đánh gây chấn động mạnh trong binh lính địch ở Đà Nẵng. Nhiều lính Âu-Phi hoảng sợ phải chiến đấu với quân ta đã có hành động tự thương để trốn tránh đi càn.

        Chiến thắng Hải Vân lần thứ hai là chiến công lớn nhất của Liên khu 5 trong năm 1947, cũng là chiến công vẻ vang của cả nước trong thời gian đó, được nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng và Liên khu 5 hồ hởi, ca ngợi, vui mừng; Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh đánh giá cao, một lần nữa phản ảnh chiến tranh nhân dân tiếp tục phát triển trong nửa năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc.

        Có thể nói, sau hơn sáu tháng ngoan cường chiến đấu, ta vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, vừa đánh vừa trưởng thành về mọi mặt. Giặc Pháp nhiều lần tập trung lực lượng tiến công nhằm phá vỡ vòng vây tiến về phía Nam, nhưng trước sức chiến đấu quyết liệt của quân và dân ta ở phía trước kết hợp với quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt ở phía sau, cho đến cuối tháng 6 năm 1947, mặc dù quân số ở Đà Nẵng, đã tăng hơn hai lần xấp xỉ 15.000tên) với đầy đủ hải, lục, không quân hiện đại, thiện chiến, nhưng quân Pháp buộc phải dừng lại ở hai bờ nam, bắc sông Thu Bồn, chấm dứt thời kỳ tiến công ồ ạt để lấn chiếm vùng tự do, quay về đối phó với chiến tranh du kích để bình định vùng tạm chiếm. Từ đó, mãi cho đến hết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng chia làm hai vùng rõ rệt: vùng bị chiếm từ nam sông Thu Bồn trở ra đến đèo Hải Vân, vùng tự do từ nam sông Thu Bồn trở vào nối liền với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và gần hết tỉnh Phú Yên, hình thành một vùng căn cứ rộng lớn quan trọng quyết định cho cuộc kháng chiến không những ở Liên khu 5 mà cả miền Nam Đông Dương. Đây là thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược thể hiện quyết tâm cao ngay từ đầu cuộc kháng chiến của Trung ương Đảng và Đảng bộ Liên khu 5 mà trực tiếp là của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng, phá tan âm mưu của địch đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5 đến vĩ tuyến 16. Tròng cuộc chiến đấu không cân sức này, Đảng bộ địa phương đã phối hợp chặt chẽ cùng với Đảng bộ trong quân đội lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân lấy tinh thần chọi với sắt thep, lấy vũ khí thô sơ chống lại vũ khí hiện đại và kết quả là đã giành được chiến thắng vẻ vang ngày từ ngày tháng đầu của cuộc kháng chiến. Trong lúc địch dựa vào thế mạnh tuyệt đối về quân sự, tiến công ồ ạt nhằm nhanh chóng thôn tính nước ta nói chung va Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng, công tác chính trị, tư tưởng đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần sẵn sàng xả thân hy sinh để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc là điều kiện tiên quyết để chiến thắng quân thù, xua tan những tư tưởng cầu an, dao động, sợ địch, củng cố và nâng cao lòng tin vào đường lối của Đảng, vào sức mạnh vô địch của nhân dân.

        Từ cuối mùa hè năm 1947, hoạt động của quân Pháp trên chiến trường Khu 5 nói chung và Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng tạm thời lắng xuống. Tranh thủ cơ hội đó, ta vừa đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong vùng bị tạm chiếm, đặc biệt là trong nội thành Đà Nẵng và thị xã Hội An, vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa xây dựng lực lượng các mặt, vừa bố phòng bảo vệ và xây dựng vùng tự do làm hậu phương vững chắc và trực tiếp cho cuộc kháng chiến của tỉnh.

        Nếu trong giai đoạn đầu từ tháng 12 năm 1946 đến cuối tháng 6 năm 1947 ta dùng lực lượng vũ trang do bộ đội chủ lực làm nòng cốt được sự hỗ trợ đắc lực của nhân dân để chiến đấu; thì trong giai đoạn này, ta phải kết hợp cả hai phương thức đấu tranh quân sự của lực lượng vũ trang và đấu tranh chính trị của quần chúng để chống lại âm mưu bình định của kẻ thù.

        Trung đoàn 96,sau hơn tám tháng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc được Bộ Tư lệnh khu rút về củng cố và điều Trung đoàn 68 ở Quảng Ngãi ra thay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:14:52 am »


        Uỷ ban Quân sự phối hợp với địa phương đưa bộ đội cùng cán bộ, đảng viên du kích về những nơi phong trào còn yếu để xây dựng cơ sở rồi từng bước phát động quân chúng đấu tranh. Ở những nơi phòng trào đấu tranh mạnh như Điện Tiến, Điện Nam, Hoà Tiến, Đại Hoà, Duy Phương…nhân dân cùng dân quân du kích tổ chức bố phòng, năm tình hình địch, đào hầm bí mật, bước đầu xây dựng làng chiến đấu; dân quân du kích dùng nhiều hình thức quấy rối, bắn tỉa, tiêu hao sinh lực địch, chống địch đi lùng sục…

        Ngay trong thành phố Đà Nẵng, các hoạt động nội thành được duy trì. Đêm 13 tháng 7 năm 1947, tự vệ thành ném lựu đạn, tung truyền đơn vào sỹ quan, binh lính Pháp trong lúc chúng đang tập hợp làm lễ kỷ niệm quốc khánh cộng hoà Pháp. Tự vệ còn treo cờ đỏ sao vàng lên đỉnh tháp cao nhất thành phố Đà Nẵng nhân kỷ niệm hai năm Cách mạng tháng Tám của ta. Ở thị xã Hội An, biệt động phối hợp với du kích đột nhập vào thị xã đánh địch, diệt và làm bị thương hơn ba chục tên.

        Ở các huyện Điện Bàn, Hoà Vang, Đại Lộc, bộ đội và du kích phối hợp chống càn, chống địch cướp lúa, bảo vệ mùa màng, tài sản của nhân dân, trừng trị bọn tề gian ác, bắt và đưa đi giáo dục cải tạo một số làm cho kế hoạch lập tề của địch bị gián đoạn. Bộ đội và du kích còn đột nhập vào thị trấn Vĩnh Điện diệt và làm bị thương nhiều tên.

        Rõ ràng, tuy chiếm được đất, lập được một số đồn bốt, nhưng giặc Pháp không thể nào dập tắt được ngọn lửa chiến tranh nhân dân trong vùng tạm bị chiếm đang bùng lên mạnh mẽ.

        Trong năm 1947, việc xây dựng lực lượng vũ trang trong tỉnh được các cấp uỷ Đảng coi trong. Các cơ quan quân sự từ tỉnh đến xã, phường được củng cố và tăng cường. Các xã, phường đều có đội du kích tập trung; huyện, thị có trung đội biệt động, riêng thành phố Đà Nẵng có ba trung đội. Công an, công an xung phong cũng được thành lập phối hợp với bộ đội và dân quân du kích diệt tề trừ gian có hiệu quả.

        Phát huy kinh nghiệm trong Cách mạng tháng Tám, từ tay không giành chính quyền, Đảng ta luôn luôn đặt công tác chính trị tư tưởng lên hàng đầu. Với tinh thần đó, trong điều kiện tương quan lực lượng về binh khí, kỹ thuật quá chênh lệch và phải chiến đấu độc lập, phân tán, từ tháng 3 năm 1947, sau hội nghị chính trị viên trung đoàn toàn quốc (lúc này đơn vị chủ lực lớn nhất của quân đội ta mới đến cấp trung đoàn), các trung đoàn chủ lực của Liên khu 5 đã thành lập được chi bộ đảng ở cấp đại đội, hệ thống cán bộ chính trị và chiến sỹ chính trị ở trung đội và tiểu đội. Cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang ở địa phương, Đảng bộ được chú ý kiện toàn, mỗi xã đều có chi bộ; chính quyền và các đoàn thể được củng cố, uy tín cách mạng được nâng cao cả ở vùng tự do và vùng tạm bị địch chiếm. Với tinh thần nhiệm vụ quân sự là trên hết, ở các chi bộ xã đều có từ một đến hai người phụ trách quân sự, đông chí bí thư chi bộ làm chính trị viên dân quân du kích xã.

        Qua năm đầu kháng chiến, hoà cùng chiến thắng của quân và dân ta trên khắp chiến trường, nhất là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược làm thất bại cuộc tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp trong Thu Đông năm 1947. Kết thúc một thời kỳ đầy thử thách và vô cùng khó khăn của cuộc kháng chiến. Lực lượng chủ lực của Khu 5 trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, tuy ban đầu còn nhiều khó khăn thiếu thốn về hoả lực và kinh nghiệm chiến đấu, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Khu uỷ, Quân khu uỷ, đã sát cánh cùng quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng kiên cường chiến đấu, phát triển phong trào toàn dân đánh giặc, ngăn chặn, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo toàn lực lượng, cùng quân và dân Quảng Nam-Đà Nẵng đứng vững và phát triển, giữ vững vùng tự do rộng lớn, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, nhanh chóng chuyển hướng vào nhiệm vụ chống âm mưu bình định vùng chiếm đóng của địch.

        Bị thất lớn trong chiến dịch tiến công lên Việt Bắc hàng tiêu diệt bộ não kháng chiến của ta, thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng chiến lược, từ “đánh nhanh thắng nhanh” mở rộng vùng chiếm đóng sang đánh kéo dài, từ dùng quân sự là chủ yếu sang dùng chiến tranh tổng lực, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Trên chiến trường miền Nam nói chung và Liên khu 5 nói riêng, chúng thay thế những cuộc hành quân lớn bằng những cuộc hành quân nhỏ, không nhằm trực tiếp tiêu diệt chủ lực ta mà nhằm phá hoại cơ sở chính trị, kinh tế.  Chúng coi miền Nam là nơi cung cấp lực lượng dự trữ chủ yếu cho cuộc chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:15:47 am »


        Hội nghị Trung ương Đảng ngày 15 tháng 1 năm 1948 nhận định: “ So sánh lực lượng giữa ta và địch đã chuyển biến. Địch không thể tung quân đi chiếm đất như thời kỳ dầu toàn quốc kháng chiến,, nhưng địch có thể cố gắng vơ vét sức người, sức của và cầu cứu viện trợ quốc tế, dồn sức bình định ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, sau đó tập trung lực lượng ra Bắc, đưa Bảo Đại lên lập chính quyền trung ương, củng cố chính quyền địa phương…chia rẽ dân tộc, tôn giáo, kết hợp triệt phá về kinh tế… Về phía ta, chiến thắng lớn ở Việt Bắc và sự phát triển của cuộc chiến đấu ở miềm Nam tạo đà phấn khởi tin tưởng trong nhân dân ở tiền đồ kháng chiến. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang ta còn non yếu, sức chiến đấu chưa cao, trang bị vũ khí còn rất thiếu thốn, kinh tế kém phát triển, ta còn ở thế bị bao vây, chưa tranh thủ được sự giúp đỡ bên ngoài”.

        Hội nghị đề ra nhiệm vụ: “Động viên toàn dân, toàn quân đẩy mạnh kháng chiến trên tất cả các chiến trương, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta. Hướng về mục tiêu chiến lược trong thời kỳ này là làm cho ta mạnh lên, làm cho địch yếu đi… từ chỗ ngăn chặn địch tiến lên đẩy lùi và thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng”.

        Dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ, lực lượng vũ trang khu cùng các tỉnh thộc Khu 5 một mặt phát triển  chiến tranh nhân dân ở mọi nơi, nhất là vùng địch kiểm soát, đồng thời diệt những đồn lẻ, thu hẹp địa bàn chiếm đóng của địch, tổ chức tập kích, quấy rối trong các đô thị, xúc tiến luyện quân lập công, khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân.

        Quán triệt Nghị quyết Trung ương Đảng và Khu uỷ Khu 5, đầu năm 1948, hội nghị đại biểu Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng đánh giá tình hình và xác định Quảng Nam-Đà Nẵng phải cùng một lúc làm hai nhiệm vụ lớn trong suốt thời gian dài của cuộc kháng chiến: Một là, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng bị chiếm, đánh bại kế hoạch bình định, dồn dân, lập tề của địch. Hai là giữ vừng vùng tự do, củng cố xây dựng thành hậu phương trực tiếp của cuộc kháng chiến.

        Để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy tác chiến, thực hiện chủ trương của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Khu 5, tôi được chỉ định tham gia vào Tỉnh uỷ và Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

        Thi hành chỉ thị “Chấn chỉnh tổ chức, tăng cường chỉ đạo đối với lực lượng vũ trang”, từ tháng 4 năm 1948, các đơn vị vệ quốc đoàn trong Khu 5 lần lượt biên chế lại thành bảy trung đoàn và một tiểu đoàn độc lập. Mỗi trung đoàn có nhiệm vụ dìu dắt dân quân du kích, phối hợp cùng dân quân du kích gây cơ sở, phát động chiến tranh du kích, tác chiến tiêu hao tiêu diệt địch trên một địa bàn. Ở Quảng Nam-Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Khu 5 quyết định sáp nhập Trung đoàn 93 và Trung đoàn 68 thành Trung đoàn 108 do đồng chí Đàm Quang Trung làm Trung đoàn trưởng, tôi làm Chính uỷ. Tháng 10 năm 1948, Trung ương sáp nhập ba khu 5,6,15 thành Liên khu 5.

        Để thực hiện chiến lược mới, địch thực hiện từ mở rộng sang bình định, củng cố vùng chiếm đóng, xây dựng hệ thống cứ điểm nhỏ và đội ứng chiến nhỏ là biện pháp cơ bản để thực hiện kế hoạch bình định trong thời kỳ này.

        Ở Quảng Nam-Đà Nẵng, quân Pháp phân tán một phần lực lượng rải ra đóng đồn bốt các trục giao thông xung quanh thành phố Đà Nẵng và các địa bàn chiến lược quan trọng. Hệ thống đồn bốt này vừa để bảo vệ các vùng trọng yếu ngăn chặn lực lượng ta từ xa, vừa là chỗ dựa cho bọn tề, điệp hoạt động lùng sục, đánh phá cơ sở kháng chiến, cướp bóc tài sản nhân dân, đồng thời chúng tổ chức các đội ứng chiến nhỏ và vừa để càn quét thực hiện chính sách “ tam quang” nhằm làm nhụt ý chí của đồng bào ta, tạo điều kiện thành lập nguỵ quyền, bắt thanh niên đi lính để bổ sung quân số hao hụt của chúng. Mặt khác, chúng dùng chiến tranh gián điệp và phi pháo đánh phá vùng tự do, vùng căn cứ kháng chiến nhất là ở huyện Hoà Vang và huyện Điện Bàn, nơi chúng chọn làm thí điểm. đi đôi với tàn sát khủng bố, chúng còn dùng thủ đoạn mị dân, lừa bịp. Do địch có ưu thế về quân sự và thủ đoạn đánh phá nham hiểm, đầu năm 1948, chúng gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất nhất định, nhưng chúng vẫn không thể nào xoay chuyển được tình thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:16:24 am »


        Để đối phó với âm mưu mới của địch, theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, Liên khu 5 thành lập một số đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung hỗ trợ cho phong trào du kích chiến tranh phát triển. Thực hiện phương châm “du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ trợ”, ở chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tăng cường bốn đại đội độc lập (7,8,9 và 10) và hai tiểu đoàn tập trung (39 và 41). Các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung hoạt động theo phương châm vừa tác chiến vừa xây dựng, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, phân tán, tập trung linh hoạt nhằm dìu dắt dân quân du kích tiến tới thành lập bộ đội địa phương,. Sau thời gian vừa củng cố tổ chức, vừa đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, học tập phương châm, phương thức hoạt động vùng sau lưng địch, hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc do Trung ương   phát động, ngày 15 tháng 2 năm 1948, Trung đoàn 108 và Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng phát động phong trào “ luyện quân lập công”. Từ giữa năm 1948, các đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung cùng hàng trăm cán bộ địa phương tiến vào vùng địch, vừa tác chiến vừa xây dựng phát động chiến tranh du kích, xây dựng cơ sở chính trị, vũ trang, củng cố các đoàn thể quần chúng trong vùng tạm bị chiếm, kể cả thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng làng chiến đấu, triệt phá giao thông đưa du kích vùng địch hậu, vừa rèn luyện trong thực tế chiến đấu.

        Lực lượng dân quân du kích  được các đại đội hỗ trợ, tuy mới xây dựng lại, nhiều mặt còn yếu kém và gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn cố gắng vươn lên, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân đánh giặc ở địa phương.

        Đội Biệt động Điện Bàn được xây dựng sớm, trưởng thành nhanh đã phối hợp với Đại đội 8 độc lập trụ bám chống càn quét, đột nhập đồn Hương Vũ, hỗ trợ cho các xã xây dựng làng chiến đấu. Đặc biệt nhân dân và du kích xã Chương Dương và xã Hoàng Diệu (Gò Nổi) đã chủ động đào giao thông hào, đắp công sự, làm hầm bí mật, rào lang, thường xuyên bao vây, bắn tỉa địch trong các đồn bốt, tổ chức tuần tra, cảnh giới các con đường địch có thể đi qua. Địch thường xuyên dùng lực lượng từ một đến hai tiểu đoàn càn quét, đánh phá nhiều lần. Tháng 11 năm 1948, chúng dùng 1.000 quân đánh phá suốt ngày vẫn không khuất phục được nhân dân ở đây. Chúng phải dùng không quân ném bom xuống chợ Chương Dương làm chết 300 đồng bào ta, nhưng địch cũng không thực hiện được chủ trương dồn dân lập tề, bình định.

        Được đội biệt động huyện hỗ trợ, du kích hai xã tổ chức bao vây các đồn Vân Ly, Bến Đền, Phong Thử, Bình Long và phục kích bẻ gãy các cuộc càn quét của địch. Có lúc, địch đã hoang mang, bị động buộc phải rút chạy khỏi đồn Vân Ly, Bến Đền.

        Chương Dương, Hoàng Diệu trở thành ngọn cờ đầu của phong trào xây dựng làng chiến đấu, thể hiện đặc sắc phong trào chiến tranh nhân dân của Quảng Nam-Đà Nẵng trong năm 1948. Từ Chương Dương, Hoàng Diệu dần dần phát triển nhềiu làng xã khác như: Điện Nam, Điện Tiến, Điện Ngọc (Điện Bàn), Hoà Tiến (Hoà Vang), Đại Hoà (Đại Lộc), Duy Phương (Duy Xuyên), Quế Xuân (Quế Sơn) cũng có phong trào làng chiến đấu.

        Xã Điện Tiến (huyện Điện Bàn) gồm 7 thôn, giữa xã có núi Đất Sơn (Bồ Bồ), tây nam có núi Chư Bái (Sùng Công) nằm cách Đà Nẵng 16 ki-lô-mét về phía tây nam. Sau khi buộc phải dừng lại ở nam, bắc sông Thu Bồn, quân Pháp tăng cường củng cố vùng chiếm đóng, xây dựng nhiều căn cứ chốt điểm trong đó có đồn Chư Bái ở tây nam và đồn Lệ Sơn ở phía bắc của xã.

        Thực hiện chủ trương hồi cư của Tỉnh uỷ, chi bộ xã Điện Tiến quyết định đưa cán bộ, đảng viên về bám dân, bám đất, vận động nhân dân trở về làng cũ làm ăn, tổ chức xây dựng lại các đoàn thể cứu quốc, củng cố lực lượng dân quân du kích, xây dựng làng, xã chiến đấu, phát động phong trào toàn dân đánh giăc. Trong 6.000 dân trở về trụ bám có 200 tham gia dân quân, du kích trong đó có 50 được biên chế vào đội du kích tập trung. Các đoàn thể cứu quốc được củng cố, sinh hoạt đều đặn, tích cực tham gia công tác, sản xuất để tự túc và đóng góp cho kháng chiến. Ban chỉ huy xã đội được kiện toàn.

        Trong quá trình vừa xây dựng, vừa chiến đấu, quân dân xã Điện Tiến đã bao vây và thường xuyên bắn tỉa địch ở đồn Chư Bái, kết hợp đấu tranh các mặt của quần chúng với xây dựng làng chiến đấu, buộc địch phải rút bỏ đồn Chư Bái vào cuói năm 1948.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM