Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:31:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực  (Đọc 22880 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2017, 05:54:09 pm »


VI.

Bà Điều và bà Đỏ, có người cho là hai chị em ruột, cư ngụ tại làng Minh Lương (người Khơ Me gọi là Cà Lang, có thời gian gọi là xã Minh Hòa do sự sát nhập làng Minh Lương và làng Hoà Thạnh Lợi rồi đổi tên, nay thuộc quận Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).

Hai bà thuộc gia đình khá giả, có nhan sắc nhưng quá 30 tuổi vẫn chưa chồng, biết chữ nghĩa, ăn nói lịch thiệp.

Hai bà đã thuyết dụ được ông quản cơ cầm đầu trại lính mộ làm nội ứng. Về sau khi Pháp tái chiếm thành Kiên Giang, phạt không cho người Việt làm đến chức quản trong vòng 50 năm, nghĩa là mãi đến năm 1918 mới có lính mộ làm đến chức quản.

Chiến thắng thành Kiên Giang, hai bà đã góp công lớn. Trong những ngày thất thế, nghe nói hai bà theo cụ Nguyễn Trung Trực ra đảo Phú Quốc rồi không biết sống chết thế nào hay phiêu bạt về đâu?

Trong quyển Les Héros de Rạch Giá, tác giả đã hư cấu rất nhiều và mô tả bà Đỏ là người phụ nữ có thành tích xấu, cho rằng bà là một đứa con lai do một người Pháp khi ở Nam Vang đã lấy một người đàn bà Cao Miên mà sanh ra, vì tóc đỏ hoe là đặc điểm của sự lai đó, do đó mới đặt tên Đỏ. Về sau cô lại bị người cha ruột giở trò loạn luân. Đây là chi tiết hoàn toàn hư cấu vì Pháp chiếm Cao Miên năm 1864 đến năm 1867 thì Pháp chiếm Kiên Giang mà bà Đỏ khi hợp tác với cụ Nguyễn Trung Trực đánh thành Kiên Giang đã ngoài ba mươi tuổi.

Nhưng đó là phần hư cấu của câu chuyện. Thực ra bà Điều và bà Đỏ là hai chị em, người địa phương, cư ngụ làng Minh Lương. Và ở địa phương này vẫn có nhiều phụ nữ mang tên Điều hay Đỏ mà không do lai gì cả.

Trong bản thẩm vấn cụ Nguyễn Trung Trực do Piquet ghi cũng đã viết sai: Thị Bà Đỏ. Sự thực thì đồng bào Khơ Me ở đây nam dùng Danh như là họ, nữ dùng Thị như là họ rồi ghép tên vào, việc này do triều đình nhà Nguyễn đặt ra. Do đó có tên Danh Đông, Danh Sang, Thị Lài, Thị Mỹ chứ không ai gọi là Thị Bà Đỏ bao giờ.



VII.

Rạch Lăng Ông: Thuở xưa cạnh đình thần Nguyễn Trung Trực ở số 8 đường Nguyễn Công Trứ, ngày nay là xóm chài lưới thường gọi là vạn lưới, về sau gọi là xóm Phủ, do chữ Ngư phủ nói tắt. Dân chúng thấy cá Ông lụy (chết) ngoài biển Rạch Giá ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (không rõ năm nào), kéo xác vào con rạch xóm Phủ, lập miếu thờ. Con rạch này về sau dân địa phương gọi rạch Lăng Ông, sau này đã lấp làm đại lộ Tự Do.

Nghĩa quân không sử dụng kinh Ông Hiển để đến thành Kiên Giang vì có nhiều nhà cửa ở dọc hai bên con kinh này, nếu dùng trong việc chuyển quân sẽ bị lộ, như vậy không còn yếu tố bất ngờ nữa, mà yếu tố bất ngờ là một quyết định quan trọng trong chiến thuật đột kích.

Vì vậy cụ Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân đi theo đường biển.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2017, 05:55:22 pm »


VIII.

Thành Kiên Giang còn gọi là thành lính Sơn Đá xây dựng cách nay 124 năm, rất kiên cố, nay vẫn còn. Đó là kiến trúc lâu đời nhất còn tồn tại, tường xây bằng đá tảng rất dầy, có nhiều cửa sổ, một số cửa sổ sau này được xây bít lại. Trong thành có sáu cầu thang lên tầng trên. Thành xây trên một khu đất cao chung quanh trống trải, bên sông Kiên, nhưng về sau các công sở xây cất kế tiếp đã che khuất thành này.

Khi Pháp mới chiếm Rạch Giá liền cho xây thành này để một đội lính ở nên mới gọi là thành lính Sơn Đá do chữ Pháp soldat dịch âm ra, cách thành này không xa là trại lính mộ người Việt, dân địa phương quen gọi là lính mã tà.

Về sau khi tình hình đã ổn định, Pháp dùng thành này làm cơ quan hành chánh trong tỉnh gọi là Tòa Bố, nhưng dân chúng quen gọi là nhà hầu.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám nổ ra, dân chúng tràn vào thành này. Tuôn hết giấy tờ công văn xuống đất, mang tấm bảng ghi danh sách các công chánh tham biện Rạch Giá đem ra bùng binh chợ Rạch Giá hỏa thiêu.



IX.

A.Schreiner thuật trận đánh đồn Rạch Giá như sau:

"Đồn Rạch Giá bị tấn công lúc 4 giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868. Trung úy hải quân, thanh tra địa phương, người ở đây gọi là Chánh Phèn vì bộ râu vàng hoe, là một trong những người bị giết trước tiên. Trung úy Sauterne chỉ huy đồn lính bị giết chết sau một chập chống trả mãnh liệt, đồn lính này gồm 30 người, ngủ say cạnh những khẩu súng của họ đều bị hạ sát. Khoảng 12 người họp lại mở vòng vây chạy tản mác vào làng, vì lạ người lạ cảnh họ bị giết lần lượt bằng chĩa ba, chỉ trừ tên Duplessis, tên này chạy trốn trong lùm bụi và được một ông lão và một người đàn bà Việt Nam cho ăn. Một viên chủ của sở thâu thuế tự vệ một lúc lâu bằng súng, cuối cùng cũng bị hạ sát với đứa con gái và đứa con trai nhỏ. Mấy tên thông ngôn và viên chức Việt Nam làm việc cho người Pháp bị bắt và bị giết vừa lúc quân Pháp trở lại. Lúc Pháp tái chiếm Rạch Giá, những người Cao Miên quanh vùng dẫn nạp tên Duplessis cho thiếu tá Ausart và bắt đầu lục soát tìm bắt nghĩa quân”.



X.

Đảo Phú Quốc hình thoi, diện tích 66.000 héc-ta, cách xa bờ biển Hà Tiên 70 cây số và Rạch Giá 130 cây số, có nhiều núi rừng và đồi nhỏ.

Thời Mạc Cửu, người Việt ở trên này rất ít, đa số là những chòi được dựng lên để tạm trú bắt đồi mồi, bắt ghẹ, đánh cá, lấy gỗ quý, nhặt vỏ sò, vỏ ốc để hầm vôi ăn trầu.

Về sau có người đàn bà tên Kim Giao đưa người nhà và gia súc từ đất liền ra đảo khẩn hoang và cày cấy tại Cửa Cạn thì dân chúng mỗi ngày thêm đông. Đa số những ngôi nhà lúc bấy giờ cất núp sau những hàng cây cao để tránh những trận dông biển và bão biển.

Khi bà mất, dân chúng địa phương lập miếu thờ và tôn bà là Kim Giao thần nữ.

Trước khi bà mất, bà cho thả hết trâu. Đàn trâu này lên rừng và trở thành trâu hoang. Dân trên đảo vì trọng bà nên không ai dám bắt ăn hay tái sử dụng bầy trâu phóng sanh này.

Khi cụ Nguyễn Trung Trực rút quân lên núi lập căn cứ kháng chiến chống Pháp có giết ăn một số trâu hoang này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2017, 05:56:16 pm »


XI.

Ông Lâm Văn Ky (còn gọi Lâm Quang Ky) tự là Hưng Thái, sanh năm 1839 tại Tà Niên, nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, song thân là ông Cai tổng Lâm Kim Diệu và bà Nguyễn Thị Của.

Ông tiến cử cho Nguyễn Trung Trực 4 đồng chí của mình là Trịnh Văn Tư, Ngô Văn Búp, Hồng Văn Ngàn và Nguyễn Văn Miên. Ông có công chiêu tập nghĩa quân, rất có uy tín tại địa phương, nên được thuộc cấp gọi tên là phó tướng và được Nguyễn Trung Trực tín nhiệm giao trọng trách.

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thạnh, ông bà có bốn người con: Lâm Văn Di, Lâm Thị Hôn, Lâm Thị Bưởi và Lâm Văn Bửu.

Khi ở Tà Niên, Nguyễn Trung Trực ở tại nhà ông và nhà ông Lê Văn Quyền thường gọi là ca Quyền (vợ ông ca Quyền là chị ruột của ông Lâm Văn Ky).

Ông Lâm Quang Ky, trước đây người trong vùng quen gọi là Lâm Văn Ky, trong bản thẩm vấn của ông Piquet cũng ghi là Lâm Văn Ky, nhưng sau con cháu lập bia và viết gia phả sửa lại là Lâm Quang Ky.

Ông Lâm Văn Khương là cháu nội của ông Lâm Văn Ky có soạn quyển gia phả họ Lâm. Quyển gia phả trên được giữ tại nhà ông Khương ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hòa Hiệp. Trong gia phả có dấu sửa Lâm Văn Ky thành Lâm Quang Ky.



XII.

Huỳnh Công Tấn, người tỉnh Gò Công, theo Lãnh binh Trương Công Định kháng chiến chống Pháp. Vì bất bình với Trương Công Định, Tấn xuất thú điểm chỉ Pháp vây bắt Trương Công Định tại Kiến Phước. Cụ Trương bị thương, rút gươm chỉ vào mặt Tấn mắng rồi tự sát. Tấn còn vạch nhiều kế hoạch cho Pháp tiễu trừ nghĩa quân. Có công lớn nên được Pháp phong chức lãnh binh và lót chữ Công - Huỳnh Công Tấn.

Về sau lãnh binh Tấn chết, Pháp sợ dân chúng căm thù bắn xác Tấn nên cho đào 5 cái huyệt cách xa nhau trên một cái gò nhiều mồ mả tại làng Yên Luông Đông, tỉnh Gò Công. Khi đi chôn trong đêm tối chỉ có vài người khiêng quan tài nên không ai biết chính xác mả Tấn ở chỗ nào.

Tấn có một người con trai là cậu Hai Miêng, thích võ nghệ, mê bạc bài, rày đây mai đó nên được phong tặng là "Miễn tử lưu linh”. Vì Tấn lập công to, để đền ơn, sau khi Tấn chết, Pháp ban cho cậu Hai Miêng một đặc ân là đi đến đâu hết tiền thì cứ vào dinh tỉnh trưởng Pháp trình giấy giới thiệu do Pháp cấp rồi sau đó đến kho bạc lĩnh tiền ra mà ăn chơi hoang phí. Việc làm này Pháp muốn khuyến khích một số Việt gian đi theo con đường của Tấn.

Cậu Hai Miêng có tới Rạch Giá hốt me, đá gà và ngồi xuồng đi chơi nhiều nơi trong tỉnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2017, 10:31:20 pm »


XIII.

Ông Huỳnh Mẫn Đạt, người đương thời thường gọi là Tuần phó Đạt, sinh năm 1807 tại làng Tân Hội, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Thuở nhỏ ông có học với cụ Võ Trường Toản, đậu cử nhân năm Minh Mạng thứ 12, tức khoa Tân Mão 1831. Làm quan đến chức Tuần phủ tỉnh Hà Tiên.

Ông sống cùng thời với cụ Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường.

Ông có tất cả mười người con, ông mất ngày mùng 4 tháng 11 âm lịch (1883).

Từ đường thờ ông hiện ở nhà người cháu nội là Huỳnh Trung ở số 28 đường Hùng Vương, Rạch Giá. Nơi đây còn thờ bút tự của ông Huỳnh Mẫn Đạt. Nét chữ đã mờ, tróc nhiều chỗ vì giấy đã mục rã.

Mộ phần của ông hiện nay ở phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá. Mộ nằm trên một giồng đất cát trông ra biển. Sau này mở con đường Lâm Quang Ky chạy ngang qua trước mộ, mộ của ông sau căn nhà số 61/4. Bên phải ngôi mộ ông là mộ của bà Chánh thất, bên trái là mộ của bà Trắc thất.

Thơ văn của ông còn truyền lại vài bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, hầu hết bằng chữ nôm, chỉ còn truyền lại một bài thơ chữ Hán là bài ông khóc điếu Nguyễn Trung Trực khi bị Pháp hành quyết tại chợ Rạch Giá.

Có hai câu thơ:
      "Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa.
      Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần".


Hai câu thơ này sau bị sửa lại như sau:
      "Hỏa phần Nhựt Tảo kinh thiên địa
      Kiếm phạt Kiên Giang khấp quỷ thần".


Sự sửa này chắc ngoài ý muốn của ông Huỳnh Mẫn Đạt mà nghĩa lại phản lại...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2017, 10:32:40 pm »


XIV.

Ông Le Nestour sanh ngày 13 tháng 1 năm 1854 tại Quimperle (Pháp). Ông làm chánh sở Douant nên người địa phương thường gọi ông chủ Đoan, tương đương với chức trưởng ty quan thuế.

Ông có vợ người Việt Nam tên Nhan Thị Lựu và nhiều bà vợ bé, với tất cả 10 người con đều đặt tên Việt Nam và được người địa phương gọi rất bình dân như Ba Chim (nữ), Tư Chuột (nữ), Năm On (nam), Sáu Ô (nữ)... Con gái của ông hầu hết gả cho người Việt Nam, Trung Hoa hoặc Ấn Độ.

Ông nói tiếng Việt khá rành, ông dịch Le Nestour thành Lê Đức Tu, từng diễn thuyết bằng tiếng Việt cho hội Khai trí Tiến Đức ở Sài Gòn.

Theo người trong tỉnh, ông là người Pháp tiến bộ. Ông Huỳnh Văn Yến nói rằng ông Le Nestour thường chỉ trích việc làm sai quấy của người Pháp. Ông Le Nestour cho dân xóm chài mượn tàu mang cá đỏ của ông ra hòn Sơn Rái đốn cây danh mộc về cất đình Lăng Ông. Ông có xuất bản quyển Ile de Tortue (Hòn Rùa). Nghe nói trong quyển sách này có phần ông đề cập tiểu sử cụ Nguyễn Trung Trực. Tiếc thay nay đã thất lạc.

Ông mất ngày 22 tháng 10 năm 1928 tại Rạch Giá, mộ phần nằm phía sau sở Công an Kiên Giang.



XV.

Gilbert Trần Chánh Chiếu, cha là Trần Cửu Thọ, mẹ là Lại Thị Dẹt, sanh ngày mùng 2 tháng 6 năm Đinh Mão, tức ngày 3 tháng 7 năm 1867 tại làng Vân Tập, tỉnh Rạch Giá (Thiên địa Hội của Sơn Nam trang 99).

Ông học chữ Pháp, có Pháp tịch và theo đạo Thiên Chúa, xuất thân làm xã trưởng làng Vĩnh Thanh Vân, nên người đương thời gọi là Xã Chiếu. Về sau được thăng phủ danh dự nên được gọi là Phủ Chiếu.

Trần Chánh Chiếu làm chủ bút tờ Nông Cổ Mìn Đàm. Sau đó làm chủ bút tờ Lục tỉnh Tân Văn. Ông hoạt động công khai và hăng hái cho cuộc Minh Tân ở miền Nam lúc bấy giờ. Ông mất năm 1919.

Ông viết bài ca ngợi chiến công của cụ Nguyễn Trung Trực, kích động dân chúng noi gương ái quốc của cụ Nguyễn nổi lên chống Pháp. Bài viết của ông đăng trên Lục tỉnh Tân Văn (Sài Gòn) ngày 12 tháng 12 năm 1907 và 13 tháng 1 năm 1908 (theo tài liệu của Sơn Nam).

Ông có yết kiến Kỳ ngoại Hầu Cường Để. Năm 1911, ông bị phát giác ngầm vận động thanh niên trong tỉnh đưa đi du học bên Nhật nên bị bắt đưa về Mỹ Tho.

Về sau ông chết tại Sài Gòn, mồ mả của ông nằm tại phường Chí Hòa.

Tại Rạch Giá có con đường mang tên Trần Chánh Chiếu.

Mồ mả song thân ông tại phường Vĩnh Lạc, Rạch Giá, đã di táng về Sài Gòn năm 1975.

Theo lời Bà Hiếu - gọi ông bằng chú, ông Trần Chánh Chiếu cha là Trần Cáo (người Trung Hoa), mẹ là Nguyễn Thị Dẹt, còn một người con gái tên Trần Thị Xuyến, ngoài 80 tuổi đã lẫn, nhà cửa cũng ở Sài Gòn.

Còn ông Huỳnh Văn Yến cho biết ông Trần Chánh Chiếu có một người con trai tên Trần Chánh Thọ từng làm chef de Sureté (chánh Sở mật thám) tỉnh Mỹ Tho (trước năm 1945).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2017, 10:34:02 pm »


XVI.

Trần Văn Thành (1820-1873) còn được gọi là Trần Vạn Thành. Quản cơ Thành (khi được thăng chánh quản cơ), hoặc được tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương gọi tôn là Đức Cố Quản, là một lãnh tụ phong trào kháng Pháp ở Bảy Thưa - Láng Linh vào cuối thế kỷ XIX tại An Giang thuộc Nam Bộ, Việt Nam.

Trần Văn Thành sinh ở ấp Bình Phú (Cồn nhỏ), xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, trong một gia đình trung nông.

Vợ ông tên Nguyễn Thị Thạnh (1825-1899), quê ở rạch Sa Nhiên, Sa Đéc. Bà là người vợ nhân hậu, đảm đang, văn võ đều khá giỏi. Trong công cuộc kháng Pháp của chồng, bà và người con gái thứ năm tên Trần Thị Nên, đã giúp đắc lực, nhất là về việc hậu cần, an ủi và động viên binh sĩ.

Ông Thành có tất cả 6 người con: 3 trai, 3 gái. Trừ trai út tên Trạng mất năm 7 tuổi, hai trai còn lại đều khá danh tiếng:

Một, tên Trần Văn Nhu (1847-1914), còn gọi là Cậu Hai nhà Láng (người miền Nam gọi con đầu lòng là cậu Hai), người lập ra Bửu Hương tự (tức chùa Láng) và cũng là người kế truyền mối đạo Bửu Sơn Kỳ Hương khi cha mất. Khi cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa bị đánh dẹp, ông bị Pháp truy nã rất gắt nên phải lẩn trốn nhiều nơi. Ông mất tại Trà Bang (Rạch Giá).

Hai, tên Trần Văn Chái (1855-1873), bị bắt khi chiến đấu và tự sát trong ngục Châu Đốc.

Năm 1840, khoảng ngoài 20 tuổi, Trần Văn Thành gia nhập quân ngũ giữa lúc Nặc Ông Đôn, em vua Cao Miên khởi quân chống lại cuộc bảo vệ của Việt Nam.

Nhờ có sức khỏe, giỏi võ nghệ, khá thông thạo chữ nghĩa, nên được làm suất đội, từng đóng quân ở Chân Lạp (Campuchia). Sau khi lập được nhiều công lao, ông được thăng chánh quản cơ (1845), chỉ huy khoảng 500 quân, đóng quân ở Châu Đốc, giữ gìn biên giới phía tây nam.

Năm 1846, Nặc Ông Đôn quy phục Việt Nam, ông Thành được về nhàn dưỡng tại quê nhà. Năm 1862, Pháp lấn chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, Trần Văn Thành nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi chống giặc của triều đình. Ngày 22 tháng 6 năm 1867, một đoàn tàu chiến Pháp do trung tá hải quân Galey cầm đầu, đến uy hiếp thành Châu Đốc, khiến tổng đốc Phan Khắc Thân phải đầu hàng. Ngày 30 tháng 8 năm 1967, Phan Thanh Giản tuẫn tiết tại Vĩnh Long, sáu tỉnh Nam Kỳ mất hết vào tay Pháp.

Đứng trước tình thế nguy khốn đó, ông tích cực vận động đồng bào, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương cùng quân lính của mình về Láng Linh - Bảy Thưa gấp rút xây dựng cãn cứ, phất cờ khởi nghĩa lấy hiệu là Binh Gia Nghị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2017, 10:39:59 pm »


Căn cứ chính của Trần Văn Thành đặt tại Hưng Trung (gần Nam Long Tự, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú), xung quanh thiết lập các đồn Hờ ngăn cản đối phương, như: Đồn Cái Môn ở Cái Dầu, đồn Giồng Nghệ ở Mặc Cần Dưng, trạm canh Ông Tà ở Tri Tôn, đồn Hàng Tràm ở Bình Thạnh Đông... Mỗi đồn đều được trang bị súng thần công, súng điểu thương, hỏa hổ với 150 nghĩa quân phụ trách phòng thủ. Nghĩa quân tổ chức thành nhiều đội. Mỗi đội có người chỉ huy, như đội nhất có Nguyễn Văn Năng, Lê Văn Vang; đội nhì có Nhiều (Lượng); đội tư có Đinh Văn Hiệp... Dưới bóng cờ của ông Thành còn có những nghĩa quân tài giỏi khác, như: đội Sang, hiệp quản Tú, thư lại Khuê... Trong Láng Linh có đến 1.200 nghĩa quân, đa số là nông dân yêu nước khắp Nam Kỳ.

Thời bấy giờ, Bảy Thưa là một cánh rừng có nhiều cây bảy thưa, nằm liền kề một vùng đất trũng thấp (láng, còn gọi là nê địa), nhiều phèn rộng bao la, không có kênh, rạch lớn ra vào, suốt năm chỉ gieo gặt một mùa lúa sạ... Phía bắc giáp vùng biên giới núi Sam, phía tây dựa Thất Sơn. Ở đó, hằng năm vào những tháng nước lên (còn gọi là mùa nước nổi từ khoảng tháng 8 cho đến cuối tháng 10 âm lịch) là một biển nước mênh mông (có thể vì thế có tên gọi Láng Linh). Còn vào mùa khô, nước không cạn hẳn mà biến thành những ao đìa, mương rạch, những đầm lầy vô số đỉa, vắt và cùng lau sậy, cỏ dại thi nhau chen chúc, trùm lấp... Hiện nay, cả hai vùng đất này thuộc huyện Châu Thành, Châu Phú và Tri Tôn.

Nhà văn Sơn Nam viết về Trần Văn Thành và mật khu này như sau:

Trần Văn Thành từng tham gia những trận chống quân xâm lược Xiêm, đời Thiệu Trị... Qua đời Tự Đức, thấy sự áp bức của vua quan, ông trở thành tín đồ của Đoàn Minh Huyên, bấy lâu nổi danh với tài trị bệnh, cải cách Phật giáo, bỏ những nghi thức rườm rà, nhằm huy động nông dân chống lại phong kiến...

Với chí lớn không chút bi quan yếm thế, ông rút lui về Láng Linh để xây dựng mật khu. Từ năm 1871 đến đầu năm 1873, mật khu lần hồi thành hình... Nghĩa quân gồm quân sĩ cựu trào, thêm khá đông người yêu nước từ các tỉnh miền Tiền Giang.

Khi căn cứ phát triển, hương chức hội tề địa phương cũng ngầm giúp nghĩa quân.

Do thám báo cáo:

Đã có chiến hào và đồn lũy nhỏ nhằm án ngữ một đồn lớn, phòng tuyến là những bao gạo, bao muối chồng chất, kè cây to, thêm lò đúc súng đạn với gang, sắt từ bên ngoài đưa vào.

Ông phong chức cai đội cho nghĩa quân. Mật khu này xưng danh hiệu là Thiên sơn Trung tự, kiểu chùa chiền; quân đội thì lấy tên Gia Nghị cơ hoặc Giang Nghị cơ, khiến ta liên tưởng đến những đồn điền tổ chức thời Nguyễn Tri Phương, vùng biên giới.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2017, 10:40:46 pm »


Năm 1868, cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực bị dẹp tan, Trần Văn Thành trở thành nhân vật bị Pháp truy nã gắt gao, treo giải thưởng.

Nhà văn Sơn Nam kể:

Tháng 2 năm 1872, Pháp bắt được một nghĩa quân đi mộ lính ở Long Xuyên. Và nhờ cai tổng Mun theo sát những người đặt lọp, giăng câu phía ngọn Mặc Cần Dưng (nay là Bình Hòa, Châu Thành, An Giang) nên đến gần mật khu. Hắn hoảng hốt khi thấy nghĩa quân tích cực củng cố công sự, lò đúc súng đang hoạt động ngày đêm...

Tháng 6 năm 1872, quân Pháp mở cuộc tấn công vào Bảy Thưa. Pháp dừng thuyền nhỏ từ Long Xuyên tiến vào rạch Mặc Cần Dưng (nay thuộc xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) đánh đồn Giồng Nghệ và chiếm được đồn này trong nửa tháng, nhưng sau phải rút lui vì không chịu nổi kiểu đánh du kích của nghĩa quân.


Khởi đầu, chủ tỉnh Long Xuyên tên Emile Puech xin cấp trên chi viện thêm 40 lính mã tà từ Cần Thơ để tăng cường cho 60 mã tà dưới quyền, đồng thời thông báo chủ tỉnh Châu Đốc, tùy khả năng mà hiệp đồng. Phó quản Hiếm trước kia từng ở hàng ngũ của Trần Văn Thành rồi đầu hàng, được cầm đầu toán lính nhỏ. Cánh quân mạnh nhất do tri phủ Trần Bá Tường (em ruột Trần Bá Lộc) chỉ huy... Còn chủ tỉnh Emile Puech là chỉ huy trưởng, đại úy Guyon làm trợ lý.

Tháng giêng năm 1873, Pháp sai cộng sự là Tôn Thọ Tường ra lời dụ hàng, nhưng không thuyết phục được Trần Văn Thành, vì vậy Pháp buộc phải đánh tiếp.

Ngày 19 tháng 3 năm 1873, tàu chiến Pháp đậu tại vàm rạch Mặc Cần Dưng, rồi cho quân lính dùng xuồng nhỏ, tuyệt đối im lặng, tiến vào ngọn rạch. Một hai ngày sau, biết được đối phương sắp tấn công, tiếng trống, tiếng kẻng của nghĩa quân bắt đầu khua và liên tục vang rền...

Nhà văn Sơn Nam viết:

"Tuy biết đang bị bao vây tứ phía và người Pháp có võ khí hữu hiệu, nhưng nghĩa quân và Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh, cương quyết đối phó, đứng sau phòng tuyến thách thức bọn Pháp. Ông dùng loa chửi rủa thậm tệ, rồi dõi về phía nghĩa quân để động viên tinh thần.

Đến phút quyết liệt, ông mặc áo màu đỏ sậm (màu tấm trần điều mà đạo Lành đang thờ phụng) và cắt từng lọn tóc của mình phân phát cho nghĩa quân (một kiểu giống như phù phép, cốt để thuộc hạ lên tinh thần)".

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2017, 10:43:07 pm »


Phạm Văn Sơn ghi chuyện:

Đầu tháng 2 năm 1873, Pháp xua quân vào phá đồn Hờ ở Cái Dầu, uy hiếp đồn Giồng Nghệ rồi kéo dần vào rừng. Họ nã đại bác lên phía trước và bắt dân chúng dọn đường sau. Quân Bảy Thưa tuy tinh thần rất cao, nhưng chống giữ không nổi. Qua 5 ngày chiến đấu, quân Bảy Thưa lui dần. Pháp không dám tiến mau vì ngột nắng và sợ đỉa. Ngày 20 tháng 2, quân Pháp từ Châu Đốc đánh vào đồn Cái Môn, súng quân Việt bắn không được xa, phát nổ phát không nên chẳng bao lâu quân Pháp tràn vào được.

Cùng ngày ấy từ phía Vĩnh Thanh, cờ Pháp tiến vào đuổi quân Việt tới ngọn rạch Hang Tra là nơi Trần Văn Thành chỉ huy chiến cuộc. Con thứ tư của ông Thành là Trần Văn Chái làm tiên phong, đề đốc Văn (tức đội Văn hay đội Chín) giữ hậu tập. Đến gần tối thì Chái bị thương ở đùi. Văn tử trận.


Xong trận, Pháp thu hết các súng nặng, nhẹ; hủy hết cả lò đúc đạn dược, rồi nổi lửa đốt hết doanh trại của nghĩa quân 3 ngày mới tắt. Sau trận đánh, chủ tỉnh Emile Puech nhận xét: "Cai tổng Lý Mun và Trần Bá Tường, từng tham gia đánh nhiều lần, nhưng trong trận này, quả là mất tinh thần. Họ gan lỳ khi bị bao vây, hứng chịu hỏa lực mạnh, chứng tỏ uy tín Trần Vần Thành khá lớn".

Ông Trần Văn Thành hy sinh vào ngày 21 tháng 3 năm 1873 trong trận đồn Hưng Trung. Theo Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế: Sau khi bản doanh Hưng Trung bị tàn phá, thất bại nặng, ông Thành rút lui vào chiến khu và mất ngày 21 tháng 2 âm lịch năm 1873.

Giáo sư Trịnh Vân Thanh ghi: Sau ngày bản doanh bị chiếm, không ai biết Trần Văn Thành đã đi đâu...

Có người phỏng đoán: Ngày 20 tháng 3 năm 1873 (21 tháng 2 âm lịch), quân Pháp tấn công vào đồn Hưng Trung là tổng hành dinh của nghĩa quân do Trần Văn Thành chỉ huy. Ông và các nghĩa quân của mình đã xả thân chiến đấu, nhưng chỉ cầm cự được đến tối thì thất thủ. Giặc Pháp không tìm được thi thể ông, nhưng có lẽ ông đã hy sinh trong trận chiến này.

Nhà văn Sơn Nam không nói Trần Văn Thành chết lúc nào, lý do gì; ông chỉ cho biết: Pháp đem xác Trần Vần Thành trưng bày tại chợ Cái Dầu (Châu Phú, Châu Đốc), thêm xác của đội Văn (Pháp ghi là Vang) để nhằm ngăn chặn những tin đồn thất thiệt cho rằng ông còn sống, đi lánh mặt và tiếp tục kháng chiến.

Tương truyền, năm 1873 có hai người từ Huế theo ghe bầu vào Nam rồi tìm đến tận căn cứ Bảy Thưa. Họ mang theo một đạo sắc phong nói là của vua Tự Đức ân ban cho Quản cơ Thành. Nhưng họ có ngờ đâu chỉ còn trông thấy mấy đống tro tàn cùng tiếng gió rì rào trên những ngọn bảy thưa...

Nhận xét về con người Trần Văn Thành, đối phương viết: Vóc to lớn, mạnh khỏe, gương mặt nghiêm nghị, nhìn thấy là phải kính trọng và ngưỡng mộ. Ông hăng hoạt động, rất thông minh. Ông lập ra một đạo gọi là đạo Lành. Trong hầu hết các tỉnh ở đất Gia Định đều có tín đồ. Tín đồ từ các nơi vì tôn kính ông nên tới mật khu, mang theo nào lúa gạo, sắt (để rèn khí giới)...

Nho sĩ Cao Văn Cảo, người cùng thời, có thơ tưởng niệm ông:

      Non sông Hồng Lạc, giặc xâm lăng
      Thẳng thắng, Trần công cố sức ngăn.
      Trời đất biết cho lòng sốt sắng,
      Kiếp đời ghi mãi chí thù hằn.
      Đền thờ tỏ dấu dân trong nước,
      Thơ vịnh nêu tình khách viết văn.
      Những đứa phản thần qua đến cửa,
      Gục đầu, run mật, cặp mày nhăn.


Ngoài những dinh và đền thờ ở nhiều nơi, như: Bửu Hương Tự, Dinh Hưng Trung, Dinh Sơn Trung... tên ông còn được đặt cho trường học, đường phố trong tỉnh An Giang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2017, 10:44:00 pm »


XVII.

Bảo tàng Kiên Giang vừa phát hiện một di vật độc đáo của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực tại đình Nguyễn Trung Trực ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang...

Sử sách ghi lại rằng ngày 16 tháng 6 năm 1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh đồn Rạch Giá, làm chủ tỉnh lỵ trong vòng 6 ngày. Sau đó giặc Pháp được viện binh đã chiếm lại đồn Rạch Giá vào ngày 21 tháng 6 năm 1868. Do lực lượng so với địch không cân sức, để bảo toàn lực lượng, Nguyễn Trung Trực ra lệnh rút quân từ Rạch Giá về Hòn Chông, sau đó ra quần đảo Hải Tặc rồi ra Phú Quốc phòng thủ.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Bê, Phó ban quản trị đình Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Hiệp Sơn: Trên đường rút về Hòn Chông, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực có đồn trú khoảng nửa tháng tại Móp Giăng. Địa danh này thuộc địa phận xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất và một phần thuộc về xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang ngày nay. Nơi đây có những cánh đồng, rừng tràm, sông nước mênh mông, địa hình hiểm trở, muốn đi lại chỉ có cách di chuyển bằng đường thuỷ. Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã sáng tạo ra loại giáo bằng gỗ. Loại giáo này làm bằng gỗ cứng, cán tròn, lưỡi dẹp, đầu nhọn. Khi di chuyển nó làm chức năng của một cây dầm, nghĩa quân có thể dùng để đi ghe xuồng trên địa hình sông nước. Khi gặp địch nó lập tức trở thành một thứ vũ khí vì có đầu nhọn có thể đâm địch. Giáo có hai mặt lưỡi khi cần có thể thực hiện các động tác chiến đấu như chém, chặt vào quân địch... Khi nghĩa quân Nguyễn Trung Trực chuyển về Hòn Chông đã để lại địa danh Móp Giăng cùng nhiều di vật là các loại vũ khí như súng thần công, cọc tiêu... trong đó có cả cây giáo bằng gỗ mà Bảo tàng tỉnh Kiên Giang vừa phát hiện được tại đình thờ Nguyễn Trung Trực nói trên.

Sau khi anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, để tưởng nhớ và tỏ lòng tôn kính cụ Nguyễn và nghĩa quân của cụ, nhân dân vùng Móp Giăng đã trục vớt những di vật của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực để lại và lập các đình để thờ phụng. Riêng tại đình Nguyễn Trung Trực ở xã Mỹ Hiệp Sơn hiện còn lưu giữ một khẩu súng thần công của nghĩa quân để lại.

Tại xã Vọng Thê huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách đình Nguyễn Trung Trực ở xã Mỹ Hiệp Sơn không xa có một ngôi chùa có tên tự là Lộ Khê. Trong chùa cũng thờ những di vật của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Trong đó có cây giáo bằng gỗ. Do chiến tranh và lũ lụt tàn phá, chùa Lộ Khê không còn. Trên nền chùa cũ, người ta thấy còn sót lại một số di vật của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Năm 1980 ông Bảy Bông (sinh năm 1940) ở ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn tự khai quật tại khu vực chùa Lộ Khê cũ đã tìm thấy cây giáo bằng gỗ trước kia được thờ trong chùa Lộ Khê. Ông Bảy Bông đem hiến vật này vào thờ tại đình Nguyễn Trung Trực ở Mỹ Hiệp Sơn.

Ông Đặng Văn Phước (sinh năm 1952 thành viên Ban quản trị đình Nguyễn Trung Trực xã Mỹ Hiệp Sơn) kể rằng, cụ cố nội của ông là một trong những người đầu tiên lập nên ngôi đình này bằng cây lá. Đến năm 1972 nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp công sức tiền của để xây dựng lại đình bằng gạch ngói khang trang như ngày nay.

Như vậy cây giáo bằng gỗ của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực mới được Bảo tàng tỉnh sưu tầm và giới thiệu cùng với khẩu súng thần công tại đình Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất là những di vật hiếm hoi có giá trị lịch sử quý giá còn sót lại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Đây chính là những bằng chứng lịch sử thể hiện tài trí sáng tạo của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực trong chiến đấu với điều kiện vũ khí còn trang bị thô sơ mà làm nên những chiến công vang dội "hồng Nhật Tảo" và "Kiếm bạt Kiên Giang" khiến cho thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai phải nhiều phen kinh hồn bạt vía, dẫu cho chúng được trang bị súng ống hiện đại vào nửa cuối thế kỷ XIX.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM