Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:55:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực  (Đọc 23036 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 07:03:33 pm »


Có nhiều truyền thuyết nói ông là người con rất chí hiếu. Ông rất thương yêu và kính trọng mẹ. Chúng ta hãy nghe các bậc kỳ lão nói về đức tính hiếu đạo của ông như sau:

Sau khi cha mất, để lại một đàn con thơ dại, bà mẹ phải tảo tần hôm sớm để lo cuộc sống thật là vất vả. Nguyễn Trung Trực thấy mẹ cực nhọc quá mà thương xót, nên mọi việc nặng nhọc ông đều giành làm và giúp đỡ mẹ lo nuôi nấng đàn em. Ở vùng sông rạch Long An, đa số dân chúng sống với nghề nông và nghề chài lưới. Gia đình quá nghèo không thể sắm được phương tiện để bắt cá như chài, nôm, lưới... Ông chỉ dùng tay bắt. Ông bắt cá hàng ngày, còn thừa đem bán để mua gạo ăn. Chỉ mới mười mấy tuổi đầu mà ông biết giúp đỡ mẹ, bao bọc đàn em đến ngày khôn lớn.

Lúc ở Hòn Chông, mẹ bệnh, ông đang săn sóc thuốc men thì có một số lãnh tụ nghĩa quân đến bàn với ông về việc đánh đồn Tây Kiên Giang. Ông một tay vịn đốc kiếm, một tay quạt nồi thuốc, còn miệng luôn bàn việc nước non... Các lãnh tụ nài nỉ ông lên đường về Kiên Giang chỉ huy việc đánh chiếm đồn vì thời cơ rất thuận lợi bởi có Quản Cầu chỉ huy đội mã tà đồn Kiến Giang chịu làm nội ứng, chắc chắn sẽ thành công. Thấy mẹ còn bệnh ông không đành ra đi, nên ông viện lẽ chưa thuận lợi, chưa điều nghiên rõ tình hình địch mà thoái thác. Bà mẹ nằm trên giường nghe được tất cả sự việc bà cũng đã hiểu ý ông, nên bà khẳng khái bắt buộc ông phải đi ngay, nếu không bà sẽ tự tử ngay. Ông sợ quá đành phải sửa soạn hành lý ra đi.

Ở trong quân ngũ ông cũng thường nói với nghĩa quân về chữ hiếu như sau: "Thân ta mà có là do cha mẹ tạo ra. Cha mẹ là trời đất. Nếu làm con mà quên công ơn cha mẹ, bất hiếu với cha mẹ là lỗi đạo, không xứng đáng làm con người nữa". Bởi thế nên nghĩa quân nào đến xin phép về thăm cha bệnh, mẹ đau đều được ông cho về ngay.

Lúc ở Phú Quốc, quân Pháp dùng mọi cách cũng không thể nào bắt hay giết được ông. Cuối cùng chúng dùng kế thâm độc bắt mẹ ông để buộc ông phải ra hàng. Tên Huỳnh Công Tấn lấy chỗ bạn bè xưa kia, viết thư báo tin cho ông biết là mẹ của ông đã bị Pháp bắt rồi, nếu ông chịu ra hàng thì Pháp chẳng những tha mẹ ông ra mà còn ban chức tước cho ông nữa. Nhận được thư này ông quá đỗi đau lòng, tư tưởng có phần chao đảo... Bấy giờ tình hình nghĩa quân rất bi đát: lương thực dần dần cạn, súng đạn dần dần tiêu hao. Dân chúng toàn đảo cũng bị ảnh hưởng vì chúng bao vây không cho đất liền cung cấp lương thực. Dân chúng phải chịu cảnh đói khát, nghèo khổ cùng cực. Giờ đây mẹ cũng bị chúng bắt giam cầm chốn lao tù?... Qua nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo, ray rứt..., cuối cùng ông quyết định ra "hàng" để giải quyết mọi vấn đề cấp thiết.

Chúng đón tiếp ông một cách rất kính trọng, rồi vội vàng đưa ông về Kiên Giang, ở dưới tàu ông nóng lòng muốn gặp mẹ. Bọn Pháp viện lý này lẽ nọ không cho gặp. Ông nằng nặc đòi chúng phải đưa mẹ đến cho ông gặp. Cuối cùng chúng đành thú nhận là không có bắt bà và cũng không biết bà ở đâu nữa. Vỡ lẽ, ông biết mình đã lầm quỷ kế, âu cũng là số mệnh?

Nguyễn Trung Trực có "đầu hàng" cũng vì cái chung cao cả hơn. Cái chung ở đây là dân chúng Phú Quốc và lực lượng nghĩa quân đang dần dần suy yếu, hay có thể hiểu là đời sống và điều kiện chiến đấu đang lùi dần vào ngõ cụt. Thử nghĩ cố kéo dài cuộc chiến thì chắc chắn kết quả sẽ thê thảm hơn nhiều... Như vậv, hành động của Nguyễn Trung Trực ra "đầu hàng" cũng chỉ là một mưu lược thông minh để giải quyết những vấn đề trọng đại cấp thiết. Sau khi giải quyết xong rồi, ông trở lại bản chất của một vị anh hùng thà chết chứ không đầu hàng giặc, không làm tay sai cho giặc để bảo tồn khí tiết, bảo tồn truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 11:11:58 pm »


Câu hỏi 13: Nguyễn Trung Trực hy sinh nhưng chí khí của ông khiến cho kẻ thù cũng phải kính phục, triều đình và dân chúng tiếc thương. Hãy cho biết những lời kẻ thù và dân chúng nói về ông?
Trả lời:


Chúng ta hãy nghe một số người Pháp nhận định về Nguyễn Trung Trực như sau:

Piquet: Trong biên bản hỏi cung Nguyễn Trung Trực, phần nhận xét có ghi: "Một con người đã sa vào tay chúng ta rồi mà vẫn tỏ ra nhiều phẩm chất và đầy nghị lực".

Trong một phần khác Piquet viết: "Ông này (Trực) tỏ ra đầy khí phách và cương nghị''.

Paul Vial đã viết: "Nguyễn Trung Trực là người tự trọng, có tư cách đáng quý và đầy nghị lực."

Trong phần nhận xét khác cũng P. Vial viết: "Nguyễn Trung Trực là người chỉ huy trẻ tuổi đầy gan dạ đã tỏ ra có tinh thần dũng cảm, chỉ huy linh hoạt, sáng tạo và mưu trí hơn người. Chống nhau với ta ngót mười năm trời trước khi bị ta bắt".

Những lời nhận xét trên đây đã khắc họa rõ nét khí phách anh hùng của Nguyễn Trung Trực. Ngay cả khi đã sa vào tay giặc ông vẫn thể hiện lòng can đảm quật cường của mình dù ở hoàn cảnh ngặt nghèo như:

Paul Vial kể: "Trong khi đại úy hải quân Piquet, thanh tra bổn quốc sự vụ chất vấn ông Trực, ông Trực tỏ ra rất cương quyết và rất đàng hoàng chính đáng. Các câu trả lời của ông đã cho thấy một cách chính xác phẩm chất của con người đó, người đã đóng một vai trò đáng kể".

Trong lúc bị hỏi cung, ông nói với viên thanh tra Piquet rằng: "Số mạng tôi đến đây đã đủ rồi, tôi muốn cứu nước tôi mà không thành công, tôi xin truất sự sống của tôi càng sớm càng tốt".

Anfred Schreiner cho biết: "Trong suốt thời kỳ bị giam cầm, ông Trực không có lúc nào tỏ ra yếu đuối cả, một cách thẳng thắn và đàng hoàng, ông công nhận các chiến công của ông và cũng nhận là đã khinh thường sức mạnh của Pháp. Ngoài ra, ông chỉ yêu cầu ban cho ông một ân huệ, ấy là được xử tử ông ngay tức khắc”.

Lần khác ông nói với tên Chomb (Chính là viên thông ngôn của Pháp, bị Nguyễn Trung Trực bắt trong trận đánh đồn Kiên Giang và sau đó được ông thả ra) rằng: Anh hãy nói rằng chính tôi đã cứu anh. Anh là người có ảnh hưởng với Lang Sa. Tôi chỉ cần anh dùng ảnh hưởng ấy xin cho tôi được xử tử mau lẹ chừng nào hay chừng ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 11:12:29 pm »


Người Pháp khi đánh giá về hai chiến công lẫy lừng của ông cũng phải thừa nhận như sau:

Anferd Schreiner nhận định về trận Nhật Tảo: "Là khúc nhạc mở đầu cho cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ vào người Pháp" (theo Albéré de L'histoire d'Annam).

Geord Dwen thì bình luận: "Ấy là một biến cố bi thảm mà hậu quả làm tổn thương đến uy tín của Pháp ở miền Nam" (theo Bunetin de la Société des études Indochinoise de Sài Gòn, année 1900).

Paul Vial thì nói: "Đây là một sự kiện đau đớn làm cho người Annam phấn đấu và gây xúc động trong lòng người Pháp" (theo cuốn Les première années de la Cochinchine, colonie Française, Tom I.P.124).

Paul Vial kể: "Ba chiếc tiểu hạm (Iorcha) đậu trên sông Vaico Đông (tức Vàm Cỏ Đông) nhằm kiểm soát sự lưu thông đường thủy, bị tấn công hết sức dữ dội bởi những nhóm người đông đảo, do họ được cổ vũ bởi trận đốt tàu Espérance. Một trong ba chiếc đó, có chiếc tiểu hạm số 3. Và viên sĩ quan chỉ huy tàu này đã bị thương."

Và George Taboulet đã thú nhận: Cuộc nổi dậy bất ngờ bùng nổ vào ngày 16 tháng 12 năm 1862 (trận sông Tra), và chẳng mấy chốc lan rộng ra. Ba chiếc tuần tra và nhiều đồn bót bị đánh chiếm, như đồn Rạch Tra gần Sài Gòn; trong trận đó, viên đại úy Thouroude đã tử trận...

Và cũng chính nhà vua này đã sắc phong ông làm Thượng đẳng Linh thần, thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá nơi ông đã hiên ngang thà chịu chết chớ không chịu đầu hàng Pháp. Đã rất nhiều năm qua, dân làng Vĩnh Thanh Vân, nhất là những ngư dân, luôn tôn kính và tự hào về Nguyễn Trung Trực, một người xuất thân từ giới dân chài áo vải, vậy mà đã trở thành một vị anh hùng, đúng với ý nghĩa: "Sống làm Tướng và chết làm Thần!" và "anh khí như hồng", nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bảy sắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 11:13:21 pm »


Câu hỏi 14: Có một vị tướng của Nguyễn Trung Trực là Lâm Quang Ky được mệnh danh là Lê Lai của đất Kiên Giang. Hãy cho biết đôi nét về ông?
Trả lời:

Lâm Quang Ky tự Hưng Thái là một phó tướng của Nguyễn Trung Trực. Ông tham gia chống Pháp trong phong trào khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá - Kiên Giang.

Lâm Quang Ky sinh tại rạch Kim Quy, xã Vân Khánh Đông, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, con của Lâm Kim Diệu (gốc người Hoa) và Nguyễn Thị Của, đều là những người nhiệt tình yêu nước.

Theo tài liệu do Ban bảo vệ di tích đình Vĩnh Hòa Hiệp cung cấp: Nguyễn Trung Trực sau khi đốt tàu Espérance liền bị Pháp lùng bắt, nên ông phải lánh xuống vùng Rạch Giá và có lần bí mật đến ở nhà ông Lâm Quang Ky. Do tương đồng chí hướng, Nguyễn Trung Trực nhận ông Ky cùng 4 người bạn của ông (Trịnh Văn Tư, Hồng Văn Ngàn, Ngô Văn Búp và Nguyễn Văn Niên. Ông Tư, ông Búp bị Pháp chém cùng lúc với Lâm Quang Ky. Ông Niên bị Pháp đày ra Côn Đảo 12 năm, sau khi thả về ông bị mù và chết tại làng Vĩnh Hòa Hiệp. Riêng ông Ngàn, tài liệu không cho biết gì) vào đội ngũ kháng Pháp. Ngoài tinh thần chống ngoại xâm cao, Lâm Quang Ky còn khá tinh thông võ nghệ, có uy tín nên ông chiêu mộ được nhiều người tham gia vào đội nghĩa quân, suốt từ vùng An Biên đến Rạch Giá. Do vậy, Lâm Quang Ky được Nguyễn Trung Trực phong làm phó tướng.

Đêm 15 tháng 6 năm 1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, trong đó có Lâm Quang Ky, đã tổ chức tấn công chiếm lấy Rạch Giá. Pháp điều quân từ Vĩnh Long đến giải nguy và để chiếm lại thành. Do nghĩa quân thế cô, vũ khí kém, nên thành không giữ được.

Trong tình thế hiểm nghèo, Lâm Quang Ky cùng một số nghĩa quân cảm tử tự nguyện ở lại cầm chân quân Pháp để Nguyễn Trung Trực rút lực lượng chính về Hòn Chông. Lâm Quang Ky mặc chiến bào của Nguyễn Trung Trực, cầm cờ lệnh, cố tình chiến đấu kéo dài thời gian. Cuối cùng, quân Pháp bắt được ông cùng với sáu nghĩa binh khác.

Khi ấy, chỉ huy quân Pháp đinh ninh ông là Nguyễn Trung Trực nên không cho quân truy đuổi nữa. Qua ngày hôm sau, cai đội Lượm vì biết rõ mặt Lâm Quang Ky nên việc bị bại lộ. Rất tức giận, Pháp sai người đem tất cả ra chém chết tại chợ Rạch Giá mà không cần xét xử. Có hai câu chuyện kể về hành động cảm tử của Lâm Quang Ky để cứu chủ tướng Nguyễn Trung Trực.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 11:13:43 pm »


Lại có một truyền thuyết khác theo câu chuyện truyền miệng của người dân tại vùng Tà Niên - Rạch Giá:

Bởi cảm thương cho tình cảnh quân Pháp đã bắt mẹ của Nguyễn Trung Trực để uy hiếp ông phải ra hàng, và vì muốn vị chủ tướng phải sống để tiếp tục công cuộc kháng Pháp, nên Lâm Quang Ky đã quyết định hy sinh thân mình. Trước khi ra hàng quân Pháp, Lâm Quang Ky đã làm lễ xin chịu tang trước cho ông bà, cha mẹ và quỳ trước mặt cha là Lâm Kim Diệu, dâng khay trầu rượu với chiếc khăn tang, bày tỏ cùng cha quyết định muốn nạp mình cho giặc để cứu mạng sống bao người vô tội và cứu người anh hùng chủ soái cần sự sống để lo đại sự hơn là mình, xin phụ thân thứ tội vì chưa tròn chữ hiếu. Cụ Lâm Kim Diệu cầm chung rượu lên uống, rồi đặt chung xuống, cười và nói: Có thế mới đáng làm con dân nước Việt và làm con ta.

Khi tới đầu thú, ông tự xưng là Nguyễn Trung Trực. Quân Pháp cả tin, không một chút nghi ngờ. Nhưng hôm đó có tên Lượm, một người lính nghĩa quân đào ngũ đã chuyển sang làm việc cho Pháp và cung cấp thông tin để Pháp bắt được nhiều nghĩa quân, nên được thăng tới chức "đội". Lượm mách nhỏ cho Pháp biết người đầu thú là Lâm Quang Ky, rằng viên thuộc tướng giả danh này cũng cực kỳ nguy hiểm.

Biết rõ chuyện, Pháp rất tức giận, liền ra lệnh đóng gông vào cổ ông cùng 2 cận vệ là Ngô Văn Búp và Trịnh Văn Tư, rồi sai người dẫn tất cả ra chợ Rạch Giá chém chết ngay. Hôm ấy là ngày 12 tháng 5 năm Mậu Thìn (tức ngày 1 tháng 7 năm 1868).

Sau này, khi Nguyễn Trung Trực bị bắt và cũng bị xử chém tại Rạch Giá, người dân làng Vĩnh Thanh Vân đã bí mật thờ hai ông ở đình thờ Cá Ông (Nam Hải đại vương), nay là ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nơi đình làng Vĩnh Hòa Hiệp, tức làng Tà Niên xưa cũng có bài vị thờ ông. Và tên ông cũng như tên của Nguyễn Trung Trực đều được đặt cho hai đường phố lớn, hai ngôi trường học khang trang và danh tiếng của tỉnh này.

Tại làng Vĩnh Hòa Đông thuộc tổng Kiên Định, huyện Kiên Giang, vốn là làng Vĩnh Hòa Đông xưa, hiện còn mộ phần của ông.

Hiện nay dòng họ Lâm ở Vĩnh Hòa Đông vẫn còn giữ một mảnh vải mà theo lời kể của người giữ đó là vạt áo của Lâm Quang Ky cắt đứt khi người vợ trẻ níu áo van xin ông đừng đi nhận cái chết thay cho chủ tướng. Người dân Nam Bộ tôn vinh sự hy sinh của Lâm Quang Ky là hành động của "Lê Lai cứu chúa".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 11:14:43 pm »


Câu hỏi 15: Cả ba tên Việt gian đầu sỏ của thực dân Pháp ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đều đã từng đem quân đi vây bắt Nguyễn Trung Trực. Hãy cho biết những nét cơ bản về chúng?
Trả lời:

Lúc ban đầu đánh chiếm và bình định xứ Nam Kỳ lục tỉnh, thực dân đã may mắn gặp được ba tên tay sai độc ác mà chúng ra sức nuôi dưỡng và dung túng. Phải nhìn nhận rằng chính vì bọn này mà phong trào kháng Pháp bị suy giảm nhiều. Đó là lãnh binh Tấn, tổng đốc Phương, tổng đốc Lộc.

Khi Pháp đánh thành Sài Gòn (1859), cả ba đều còn trẻ: Lộc 20 tuổi, Phương 18 tuổi, Tấn 22 tuổi.

Lãnh binh Huỳnh Công Tấn

Theo truyền thuyết của người địa phương kể lại thì Huỳnh Công Tấn là hậu duệ, thuộc hạ của nhóm di thần nhà Minh, tới vùng Cù Úc, Định Tường vào cuối thế kỷ XVII. Một nguồn tin khác cho rằng, viễn tổ của Huỳnh Công Tấn gốc Đàng Ngoài (tỉnh Quảng Bình) di dân vào Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Hai thuyết có sự khác biệt, nhưng có một điều giống nhau về cá tính: "Tấn dốt nát, hiếu sát, nhiều tham vọng".

Theo hồ sơ, lãnh binh Huỳnh Công Tấn do nhà văn Sơn Nam kể lại thì chính Tấn đã kể lại với Paulin Vial: ngày 31 tháng 7 năm 1859 thì Tấn bị Pháp bắt trong một trận hành quân, và sau đó hắn xin đoái công chuộc tội. Nhưng theo cụ Nguyễn Văn Vực, một người chuyên nghiên cứu chuyện xưa tích cũ ở miền Nam, thì Tấn là người có tật đam mê đàn bà con gái, thường trêu chọc và có những hành vi bất chính với phụ nữ, nên có một lần bị chủ tướng là Trương Công Định tát tai để cảnh cáo.

Tấn thù để bụng và chờ dịp trả thù. Tấn bí mật liên lạc với một người quen cũ là Nguyễn Hữu Nguồn đã đầu thú Pháp để được Nguồn giới thiệu Tấn xin hàng. Nguồn đưa Tấn về Chợ Lớn trình diện với trung uý Francis Garnier, lúc đó làm tham biện tại đây. Lúc bấy giờ, F. Garnier rất quan tâm đến việc vãn hồi trật tự, an ninh trong vùng mới chiếm, nhất là vùng từ Chợ Lớn qua tới Cần Giuộc nằm trong phạm vi trách nhiệm của hắn. Francis Garnier là một người trẻ tuổi, rất hăng hái hoạt động. Mấy năm sau, F. Garnier theo phái đoàn Doudart de Lagrée đi thám hiểm sông Cửu Long.

Xưa nay trong chiến tranh, tiếp nhận kẻ địch về hàng để khai thác là một lợi thế của kẻ làm tướng, ít khi bỏ qua. F. Garnier đối đãi với Tấn lịch sự, niềm nở và dụ Tấn chỉ đường cho Pháp trong những trận ruồng bố các vùng Tân An, Mỹ Tho, Gò Công.

Hoàn toàn không có mặc cảm khi ra phục vụ chủ mới, Tấn dẫn đường cho Pháp tìm diệt nghĩa quân. Thấy Tấn hăng hái lập công, Pháp cho Tấn làm đội trưởng mã tà. Hai năm sau, Tấn được đề bạt chức lãnh binh là quan võ coi việc quân sự trong một tỉnh thời đó. Có chức, có quyền, Tấn vừa tận tuỵ phục vụ chủ mới vừa tìm cách mua điền đất của nhà giàu bỏ chạy để làm của riêng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 11:15:22 pm »


Năm 1862, 3 tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường đã mất nhưng Gò Công nhờ địa thế hiểm yếu, rừng rậm âm u, sông rạch chằng chịt, mà Đại tướng Trương Công Định còn cố thủ được thêm 3 năm nữa. Ngoài yếu tố địa thế, tại đây lòng người vẫn còn hướng về triều đình vì có dòng họ ngoại của nhà vua.

Nhiều lần từ Định Tường, Tấn dẫn quân Pháp đánh qua Chợ Gạo, tới Thạnh Nhứt, Gò Bầu và đụng độ với nghĩa quân nhiều trận, không tiến xa hơn được. Mỗi lần như thế, Pháp lại rút về Mỹ Tho củng cố lại lực lượng.

Trương Công Định giữ Gò Công được 3 năm (1862-1864). Pháp quyết tâm triệt hạ Gò Công. Lần đó Huỳnh Công Tấn làm hướng đạo, dẫn đường cho đề đốc Jaurès đem 3 chiến thuyền từ vàm Bao Ngược tiến vào sông Tra, đổ bộ lên xóm Tre (nay là Bình Thành Đông) bắn phá các đồn luỹ của nghĩa quân, nhưng không chọc thủng phòng tuyến được ở mặt trận này.

Vốn thông thạo địa hình, Tấn bày kế cho Pháp đem mấy tàu chiến chạy vòng trở ra biển, vào Cửa Tiểu, tấn công vào phía đông tỉnh thành. Pháp đổ quân ở Bến Chùa, vào Cửa Khâu, đánh bọc lên Giồng Nâu, Tân Quân Trung, rồi chiếm thành Gò Công. Đại nguyên soái Trương Công Định gom tàn quân rút về phía rừng Sác, nằm gần biển, gọi là đám lá tối trời mất dạng.

Thất vọng vì không bắt được Trương Công Định, Tấn tức giận lắm, tìm mọi cách để trả thù. Tấn tung ra một số tiền để mướn những người chỉ điểm, phát giác chỗ lẩn trốn của Trương Công Định. Trong một lần ruồng bố vào Bình Xuân, Tấn bị thương ở bắp chân, được Pháp ưu ái săn sóc, đưa về Sài Gòn điều trị. Lành bệnh, Tấn hung hăng đánh phá không ngừng nghỉ. Về cái chết của Trương Công Định, truyền thuyết của địa phương thường kể lại rằng:

Buổi chiều 17 rạng 18 tháng 7 âm lịch năm 1864, lối 3 giờ chiều, Đại tướng Định cảm thấy trong người bần thần bứt rứt khó chịu. Ông muốn đi Lý Nhơn, nên gọi hai tên hộ vệ bảo sửa soạn ghe thuyền chèo đưa ngài đi. Nhưng có người thuộc tướng tên gọi Xã Tài, năn nỉ cầm ngài ở lại vì anh ta đang làm tiệc rượu sắp dọn ra. Vì thế ngài hoãn chuyến đi Lý Nhơn. Đêm ấy, sau buổi tiệc, Trương Công Định ngủ lại tại nhà Xã Tài cùng mấy mươi binh lính thân tín thì bị Tấn đem binh đến bao vây. Ngài phá vòng vây thoát ra ngoài nhưng bị Tấn bắn một phát quỵ xuống. Tấn lại khuyên Định ra hàng. Ngài tuốt gươm chỉ vào mặt Tấn mắng nhiếc rồi tự đâm vào bụng tự sát. Trước cái chết của người anh hùng lãnh đạo cuộc kháng chiến, dân chúng và nhất là giới sĩ phu hết lòng thương tiếc.

Sau khi Trương Công Định chết rồi, Huỳnh Công Tấn càng ngày càng hống hách. Hắn bắt người tình nghi tra tấn khảo của. Tấn ngang nhiên cướp ruộng đất của các nhà giàu bỏ chạy xuống 3 tỉnh miền Tây tị nạn. Ngoài ra Tấn còn mở sòng bạc lấy xâu. Chỉ trong một thời gian ngắn hơn 10 năm, Tấn trở thành người giàu nhất Gò Công, có hàng ngàn mẫu ruộng. Để cũng cố lòng tin của Pháp, Tấn còn đem quân qua Cần Giuộc để dẹp một cuộc khơi nghĩa do Bùi Duy Nhứt lãnh đạo... sẵn uy quyền Tấn mặc tình sinh sát với mục đích làm tiền. Nghi ngờ ai có cảm tình với nghĩa quân, Tấn cho bắt về tra khảo. Người nhà nóng lòng đem vàng bạc đến xin đút lót cho vợ Tấn để xin tha. Tấn cũng tham gia trận bao vây đảo Phú Quốc để nhìn mặt và bắt Nguyễn Trung Trực. Nói chung thì Tấn không nuôi tham vọng lớn, chỉ có khả năng giới hạn, Pháp dùng Tấn để gìn giữ vùng Gò Công và Bến Tre là nơi Tấn từng lui tới nhiều, am hiểu nhân dân và địa thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 10:01:24 pm »


Tấn lãnh trách nhiệm do thám, theo dõi những người kháng Pháp, lợi dụng địa vị để bắt bớ người này, tha lỏng người kia, lẽ dĩ nhiên là vì tư lợi. Tấn làm giàu nhờ tổ chức sòng bạc, chiếm đất, bắt dân làm xâu phục vụ cho việc làm ăn riêng tư. Viên quan tham biện người Pháp ở địa phương chán ngán lối làm việc buông tuồng và thất nhân tâm vì Tấn lấn quyền. Thực dân phong cho Tấn chức lãnh binh của lính mã tà, tức là chức vụ quân sự cao nhất trong một tỉnh thời đó. Về sau, thực dân không phong chức này cho ai nữa vì ở thuộc địa, quyền chỉ huy quân sự nằm trong tay người Pháp, chẳng qua là sự khích lệ lúc ban đầu để Tấn hăng hái hoạt động.

Tấn là người thất học, quê mùa nên ngây thơ đến mức dám chê bai, tố cáo đến quan giám đốc nội vụ lề lối cai trị của quan tham biện Pháp ở hạt Bến Tre: bởi quan tham biện chúng tôi xưa là quan coi binh chưa từng biết việc dân cho nên ra việc quan, làm thì làm bậy, nói thì chẳng thông lý sự bằng dường như kẻ ngu si dốt nát. Tấn lại lập công, tố cáo: Chúng tôi nghe bà con hai cậu (con Phan Thanh Giản) những người làm giặc trốn ở trong làng Bảo Thạnh nhiều lắm. Quan giám đốc nội vụ (directeur de linterieur) phẫn nộ, trách mắng và tìm cách đuổi Tấn về miền Đông Nam Kỳ, nhưng Tấn lại được chút tín nhiệm nhờ qua Cần Giuộc bắt Phó Đốc binh Bùi Duy Nhứt đang hoạt động chống Pháp với danh nghĩa tham biện toàn hạt (bắt năm 1869). Thời kỳ bắt giết bừa bãi đã qua, Pháp muốn chiêu an và Tấn lọt vào mê hồn trận. Pháp cho một tay sai khác là huyện Vĩnh tố cáo Tấn về tội lạm quyền, Tấn tự bào chữa bằng cách tố lại sự lạm quyền của huyện Vĩnh.

Sau cùng, vì bệnh nặng, người nhà chở hắn bằng ghe hầu (ghe nhà giàu có mui, có buồng riêng) lên Chợ Lớn, giữa đường hắn trợn tròng rồi tắt thở. Tấn chết năm 37 tuổi. Đó là ngày 26 tháng 11 năm 1877, mười ba năm sau khi hại chủ tướng cũ 1864 và phục vụ đắc lực cho Pháp.

Chỉ có trên mười lăm năm làm Việt gian mà Tấn đã có một sản nghiệp to lớn về ruộng đất để lại cho các con, hai trai ba gái. Một con gái chết nhỏ, hai con gái ghê sợ việc làm của cha nên bỏ đi tu theo Nhà Dòng, con trai lớn Hai Miêng phá gia chi tử bán sạch ruộng đất. Đất thì gần một phần tư khu Nam rạch đã thuộc về y. Ruộng thì y dựa vào thế lực để đăng ký chiếm rất nhiều. Nhưng mươi năm sau chính hắn cũng bán để tiêu xài, và sau con hắn cũng bán nốt. Năm Tân Mùi (1871) ngày 27 tháng 4, Tấn bán cho bà Trần Thị Sanh hai sở ruộng, một sở ruộng 90 mẫu 41 sào 54 thước tại làng Vĩnh Trị và một sở ruộng 32 mẫu 23 sào 84 thước tại làng Vĩnh Thạnh. Lúc bán trên 120 mẫu ruộng đó là mới 9 năm theo Pháp, hắn còn tiếp tục bán trong năm 1874.

Hắn chết, Pháp cho làm tang lễ trọng thể. Tôn Thọ Tường, bạn đồng liêu tân trào có hai câu đối viếng, ghi lại như sau coi như bia miệng đến hồi kết cục:

      "Phú quới thị thảng lai, oanh liệt hùng tâm khinh nhứt trịch,
      Thinh danh ưng bất hủ, ức dương công luận phú thiên thu"


Dịch nghĩa:
      "Giàu sang ấy thoảng qua, lừng lẫy hùng tâm khinh một ném,
      Tiếng tăm đành chẳng mục, chê khen công luận phú ngàn năm".

Pháp và gia đình Tân chắc cũng biết dân Nam ta sẽ hận y nên khi động quan bí mật chôn y vào một trong năm cái huyệt và xây năm mộ giống nhau ở vùng Yên Luông! Vợ y lúc đó dân gọi là bà lớn không giống chồng, hiền thục, muốn cứu rỗi linh hồn y nên lập một cảnh chùa thờ ông Quan Thánh, gọi là chùa Ông, có bàn thờ và bài vị thờ Tấn. Mới hơn 20 năm trước đây (1987) bài vị vẫn còn. Chùa nay là Nhà trẻ Sơn Ca. Pháp cho dựng một đài kỷ niệm ghi ơn lãnh binh Tấn với mấy dòng chữ À la mémoire du Lãnh binh Huynh Cong Tan, chevalier de la Légion d honneur, fidèle servicteur de la France (Tưởng nhớ Huỳnh Công Tấn, người được ân thưởng Bắc đẩu bội tinh công bộc trung thành với Pháp). Năm 1945 nhân đảo chính của Nhật, nhân dân đã phá tan cái tháp này, bài vị thờ Tấn cũng bị bỏ trôi sông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 10:02:21 pm »


Tổng đốc Đỗ Hữu Phương

Sinh quán ở Chợ Đũi. Pháp chiếm Sài Gòn, Phương trốn lánh lên Bà Điểm chờ thời. Khi thành Chí Hòa thất thủ, nhờ cai tổng Phước ở Bình Điền dẫn ra trình diện với Francis Garnier bấy giờ, làm tham biện hạt Chợ Lớn lãnh phận sự do thám và kêu gọi những người khởi nghĩa ra hàng. Về mặt quân sự, Phương rất khôn ngoan, chỉ tham gia vài trận đánh cho Pháp tin cậy: trận đánh Ba Điểm, lúc bấy giờ lọt vào tay cậu Hai Quyền (con Trương Định) vào tháng 7 năm 1866, vài ngày sau, truy nã tới Bến Lức. Tháng 11 năm 1867 cùng Tôn Thọ Tường đi Bến Tre để chiêu dụ hai cậu trai con ông Phan Thanh Giản; tháng 6 năm 1868 xuống Rạch Giá dẹp loạn Nguyễn Trung Trực, tàu mắc cạn, nghĩa quân đóng đồn ở Sóc Suông (gần chợ Rạch Giá) chống cự mãnh liệt, Phương và bọn mã tà gần 200 người đã hết đạn nhưng vẫn cố thủ để chờ viện binh. Tháng 7 năm 1868 được làm đốc phủ sứ ở Vĩnh Long, góp phần truy nã nghĩa quân khi tên phó tổng ác độc ở Vũng Liêm bị giết.

Năm 1878, qua Pháp dự Hội chợ Quốc tế. Năm 1881 gia nhập Pháp tịch và lại qua Pháp chơi, thăm các con đang du học, hai lần vào những năm 1884 và 1889. Là một trong những người đề xướng việc thành lập trường Nữ trung học ở Sài Gòn. Vài chi tiết liên quan đến việc đàn áp của Phương đã chứng minh rằng tuy lọt vào tay Pháp nhưng ở vùng Chợ Lớn, phong trào chống Pháp vẫn mạnh:

* Bắt quản Thiện và quản Việt ở Lò Gốm:

- Năm 1866, có cuộc khởi loạn ở vùng Chợ Lớn (là tỉnh Chợ Lớn), Nguyễn Văn Hoan bị bắt. Năm 1867, xảy ra nhiều vụ ám sát cũng ở Chợ Lớn, Pháp gọi Phương đến để cho thêm tài liệu và điều tra.

- Năm 1871 và 1875, có khởi nghĩa ở Phước Lộc (Cần Giuộc), Phương ra công do thám.

- Năm 1873, Phương trình cho thực dân danh sách một số lãnh tụ kháng Pháp sắp khởi loạn ở các tỉnh miền Tây. Cuộc khởi loạn này do Trần Tuân điều khiển từ Khánh Hòa.

- Năm 1879, tố giác kịp thời âm mưu khởi loạn của nhóm Thiên địa Hội ở Sóc Trăng.

- Năm 1881, cùng với một cha xứ ở Lương Hòa (Tân An) kịp thời tố giác âm mưu khởi loạn ở Long Hưng, Lộc Thành và ở vùng Thất Sơn.

- Năm 1887, điều khiển việc sửa con kinh Nước Mặn, bắt dân ở tổng Lộc Thành Hạ làm xâu, dân vùng này nổi tiếng là cứng đầu.

Nhiệm vụ quan trọng của Phương vẫn là do thám vùng Chợ Lớn, Cần Giuộc và Tân An. Về mặt chánh quyền, trước tiên làm hộ trưởng (bấy giờ, thành phố Chợ Lớn chia ra làm 20 hộ); năm 1868 Phương trình cho thực dân danh sách những người đáng tin cậy có thể làm chức hội tề. Năm 1872, được chỉ định làm hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn. Năm 1879, làm phụ tá cho Xã Tây Chợ Lớn. Như ta biết, Chợ Lớn là nơi tập trung thương gia Hoa kiều, Phương không bỏ qua cơ hội để làm giàu, giải quyết mọi áp phe giùm cho thương gia, đãi tiệc viên chức Pháp, làm trung gian lo hối lộ. Nhờ vậy mà làm giàu nhanh chóng, uy thế lên cao đến mức quan toàn quyền Paul Doumer khi vào Nam còn ghé nhà Phương ăn uống, có lẽ nhờ dịp này mà được quan toàn quyền cho sở hữu đám đất ruộng lớn đến 2.223 mẫu. Trong lúc do thám, Phương tỏ ra khéo léo, tránh gây thù oán công khai, nhờ đó mà so với lãnh binh Tấn và tổng đốc Lộc, bề ngoài thấy như là Phương hiền lành, cứu người này, bảo lãnh người kia.

Nhưng trời bất dung gian, Phương bị mất tín nhiệm vì đã bảo lãnh, xin chứa chấp để theo dõi Thủ khoa Huân trong nhà. Suốt khoảng 3 năm (sau khi bị đày ở Cayenne rồi được ân xá), Thủ khoa Huân biết lợi dụng hoàn cảnh để liên lạc với những Hoa kiều theo Thiên địa Hội ở Chợ Lớn và tới lui vùng Tân An để cổ súy, tổ chức cuộc kháng Pháp. Chuyện vỡ lở ra, tưởng chừng Phương mang họa. Bấy lâu ngoài Thủ khoa Huân, Phương đã từng bảo lãnh nhiều người mà thực dân Pháp không tin cậy cho lắm. Kẻ thù của Phương là tổng đốc Lộc thừa dịp này làm dữ, đưa điều kiện là giam lỏng Phương trước khi dẹp loạn Thủ khoa Huân. Nhưng rốt cuộc, Phương vẫn ung dung, càng mau giàu thêm và được thăng tổng đốc - nên hiểu là tống đốc hàm - vì theo quy chế quan lại bản xứ do thực dân ở Nam Kỳ bày ra, chỉ đến ngạch đốc phủ sứ là hết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 10:03:06 pm »


Tổng đốc Trần Bá Lộc

Đây là tay sai đắc lực số một, vượt hẳn hai nhân vật trên: Háo thắng, ham địa vị, ưa tàn sát theo lối phong kiến. Khi Pháp chiếm thành Mỹ Tho, Lộc sốt sắng tìm cơ hội, bèn tản cư với chiếc ghe chở đầy tiền kẽm đến trình diện với Cha Marc, bấy giờ cha cố này kiêm luôn chức tham biện.

Năm 1861, ngay sau khi xin việc, Lộc được cấp cho căn nhà lá, gia nhập lính mã tà rồi lập công lên cai, lên đội. Ngoài thời giờ làm lính, Lộc còn lãnh trách nhiệm giữ kho lúa cho nhà nước và được quan tham biện cho ân huệ là đem cơm dư của lính về nhà mà nuôi heo.

Nhờ hăng hái chỉ điểm và bắn giết, năm 1865 làm huyện, ngồi tại Cái Bè để canh chừng vùng Đồng Tháp. Cái Bè là vị trí chiến lược trên Tiền Giang, có thể đi thẳng lên Cao Miên. Bấy giờ một số quan lại cũ của triều Nguyễn tụ về Bình Cách, Thuộc Nhiêu, Cai Lậy, lập đồn để liên lạc với Thiên hộ Dương trong bưng. Lộc đánh bật nghĩa quân ra khỏi Cai Lậy rồi cuộc tấn công đại quy mô của Pháp diễn ra, Lộc đóng vai trò quan trọng, đánh từ Cần Lố để nối với mấy cánh quân khác đánh từ đồn Hữu (phía Bến Lức) và đồn Tiền (phía Cai Lậy).

Năm 1867, thăng làm tri phủ rồi năm sau góp công đánh đuổi và bắt sống Tổng binh Bút khi ông này đánh vào toán quân Pháp trú đóng tại Sa Đéc. Lộc coi huyện Tân Thành (Sa Đéc), sau được gọi về Cái Bè, thăng đốc phủ sứ (15-8-1868). Bấy giờ ở Rạch Giá, Nguyễn Trung Trực khởi nghĩa, tỉnh lỵ này bị tái chiếm, Nguyễn Trung Trực chạy ra đảo Phú Quốc. Pháp kéo binh bao vây đảo. Lộc dùng thủ đoạn cố hữu là bắt giết thân nhân những người trong cuộc. Nguyễn Trung Trực phải ra mặt để cứu sống những người bị bắt làm con tin. Lộc lãnh trách nhiệm điều tra rồi trình cho Pháp danh sách 170 người liên can với Nguyễn Trung Trực.

Từ 1868 tới 1871, Lộc góp phần giải vây đồn Cái Bè, bấy giờ bị bốn ông Long, Thận, Rộng, Đước tấn công (bốn ông này đều bị Lộc giết). Rồi đến vụ tham biện Vĩnh Long là Salicetti bị giết khi đến Vũng Liêm đàn áp cuộc khởi loạn: Lộc đụng với nghĩa quân ở Láng Thé, gồm đa số là người Khơ Me, cuộc chiến khá sôi nổi, nhiều phen tưởng chừng Lộc thua trận nhưng sau nhờ khí giới tốt nên thắng.

Năm 1875, lại nỗ lực dẹp cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Huân, có Phủ Đức tiếp tay để chận phía cửa Tiêu (đề phòng Thủ khoa Huân trốn theo đường biển). Lộc ruồng bố vùng còn lại, Thủ khoa Huân bị bắt gần Chợ Gạo. Trận này Pháp giao trọn quyền bắn giết nên lính của Lộc ruồng bố các lùm bụi, đến mức nai, chồn, cọp chạy tán loạn vào xóm.

Năm 1878, dẹp cuộc khởi loạn của Ong và Khả; hai vị này toan đánh úp chợ Mỹ Tho.

Năm 1883, đàn áp cuộc khởi nghĩa của người Miên ở Trà Béc (Cao Miên).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM